Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Không khí Saigon năm 60s

Collapse
X

Không khí Saigon năm 60s

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Không khí Saigon năm 60s

    Không khí Saigon năm 60s


    Nguyen Q Hùng


    Khi tôi trở về năm 57, không khí Saigon khác hẳn lúc tôi ra đi vào năm 55. Lúc ra đi Saigon rất ít ăn chơi, chỉ có bọn trẻ học sinh chúng tôi lâu lâu mở partie ở nhà mấy đứa bạn tôi. Những partie này có tính cách hạn hẹp trong vòng những nhóm nhỏ bạn bè, hay trong giới học sinh, sinh viên thôi. Nhưng giờ đây phong trào nhẩy nhót cũng thay đổi theo đà phát triển của xã hội mà bành trướng theo. Có một sự bùng nổ theo dây chuyền. Mọi người thi đua mở partie nhẩy nhót không chỉ dành riêng cho bọn trẻ mà còn có sự tham gia của cả người lớn, bố mẹ nữa. Những người tham gia, hưởng ứng phong trào này mạnh nhất là nhóm người miền Bắc mới di cư vào Nam năm 54. Lúc này họ đã làm quen với nếp sống Saigon rồi, họ bắt đầu bung ra ăn chơi hết mình. Những đứa Bắc kỳ bạn của tôi từng hoc chung tại Hà nội, khi chuyển vào học lycée với tôi mấy năm, bị tôi cho là cù lần chân chỉ hạt bột, bây giờ lột xác cũng ăn chơi ra trò. Tụi nó phần đông thuộc gia đình khá giả, bắt đầu hăng hái tô chức partie. Lúc đó ít nhất một tuần có tới 4, 5 partie ở Saigon. Bon tụi tôi lúc đầu chỉ cần quen biết một vài đứa được tụi nó mời đi partie do gia đình tổ chức. Khi đến dự lại làm quen thêm vài đứa nữa. Tụi nó thấy nhẩy nhót không đến nỗi tệ nên nhiều em đến làm quen giói thiệu tuần tới nhà em có tổ chức partie, nếu anh không bận mời anh tới dự cho vui. Anh thì có công lên việc xuống gì đâu mà bận, được lời như cởi tấm lòng, một khi được em chiếu cố thì mấy sông anh cũng lội, mấy đèo anh cũng leo. Thế là em trao cho anh tấm thiệp có ghi tên em, ngày giờ và địa chỉ để anh khỏi quên. Đừng lo, em xinh như thế làm sao anh quên em được. Thế là đúng ngày đúng giờ anh cứ việc tà tà tới nhà em thôi. Nếu chẳng may bữa đó không có em nào thừa hơi mời anh tới dự partie, thì anh cứ việc dỏng lỗ tai lên nghe thiên hạ thì thầm rủ nhau đến nhà đứa nọ đứa kia có mở tiệc nhẩy mừng sinh nhật hay mừng kỷ niệm đám cưới thứ bao nhiêu của bố mẹ, lúc mấy giờ, ngày nào ở dịa chỉ nào các em chỉ cho nhau nghe hết, không biết có kẻ thứ ba đang nghe lóm. Thế là đúng đến ngày giờ đó cậu ăn diện lên tỉnh bơ đến dịa chỉ, lừng lững đi vào như người thân trong gia đình, giả bộ giơ tay vẫy vẫy mấy người ở trong, làm cho mấy tên gác cửa tưởng là bạn bè hay họ hàng với gia chủ. Chỉ cần mặt tỉnh bơ, miệng cười thật tươi, gật đầu chào lia lịa, giơ tay vẫy vẫy mọi người khiến người trong nhà, người này cứ tưởng bạn bè của người kia nên chẳng hỏi han gì. Vào được đến trong rồi thể nào chẳng gập người quen trong đó. Người ta quan niệm rằng bạn của bạn cũng là bạn của tôi mà. Cứ cái kiểu bạn qua bạn lại như vậy riết rồi cả cái Saigon này đều trở thành bạn của nhau hết. Thế là tuần nào tôi cũng đi dự partie ở nhà quen có, ở nhà không quen cũng có, trước lạ sau quen ý mà. Chính vì phong trào nhẩy đầm lan tràn khắp nơi khắp chốn tại Saigon nên nhiều người thích nhẩy đầm, học đòi ăn chơi cho ra người sành điệu. Lúc đó phong trào nhẩy đầm ở Saigon đang nở rộ. Đâu đâu cũng mở partie, mừng sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, con cái tốt nghiệp vân vân. Mà hễ có partie là có nhẩy đầm, đi partie mà không biết nhẩy thì quê một cục. Nhưng khi phong trào này bắt đầu khởi sắc, đâu phải ai cũng biết nhẩy cả đâu. Vậy phải học nhẩy thôi. Mà muốn học phải có thầy, không có thầy đố mày làm nên đúng không. Nên lúc đó đứa nào biết nhẩy một chút là được những người quen biết, họ hàng săn đón kỹ lắm. Họ muốn học nhẩy free không mất tiền ý mà. Không những không mất tiền lại còn kín đáo nữa, không bị mang tiếng là ăn chơi. Mà có muốn đi học mấy ông thầy khiêu vũ cũng khó. Hồi đó ở Saigon đâu có nhiều ông vũ sư đâu. Mấy lò dậy nhẩy lúc nào cũng đông nghẹt mấy em ca ve học nhẩy để ra hành nghề, làm sao chen chân vào được. Cho nên mấy người muốn học nhẩy cứ tìm trong đám họ hàng hay người quen biết xem có ai biết nhẩy là đến xin thụ giáo ngay. Nói là học free nhưng cũng tốn kém đáo để. Kiếm được người biết nhẩy, có thời gian rảnh, bằng lòng dậy không phải là dễ. Cũng phải điếu đóm cung phụng tận tình chứ bộ. Trong giới họ hàng và người quen biết, tôi được coi là một ứng viên rất sáng giá. Vừa cao ráo, sạch sẽ, lại còn đẹp trai nữa chứ, không tin các bác cứ hỏi họ coi, hì hì, lại thêm cái mác Không Quân, mới đi huấn luyện ở Pháp về nên được nhiều người chiếu cố. Tính tôi lại hay cả nể nên hăng hái mở trường dậy nhẩy tại gia, ai muốn tập cứ vô tư đến học, càng đông càng zui mà. Cũng tại tính tôi dễ dãi nên có nhiều người chiếu cố đến học làm tôi điêu đứng sống dở chết dở. Số là trong số những người đến xin thụ giáo, già có trẻ có, xấu có đẹp có, gầy có béo có. Ông Trời thật bất công, những người trẻ, lại đẹp còn rất sáng dạ nữa mới lạ. Dậy họ chừng nửa bài thôi là họ đã thuộc lòng bước nhẩy, theo đúng nhịp lại còn nhẩy dẻo như vũ nữ lành nghề. Dậy họ chả thấy mệt mà còn thích thú, thấy một bản nhạc sao vèo cái đã hết. Chẳng bù khi dậy mấy bà vừa già, vừa mập vừa xấu, đã thế lại còn dốt nữa. Chỉ có mỗi 3 nhịp một, hai, ba thôi mà cũng đếm không xong, nhầm lên nhầm xuống. Báo hại cứ phải đếm nhịp cho mấy bả rát cả họng rộp cả lưỡi. Đã thế lúc ôm mấy bả nhẩy nặng như kéo xe bò, lại còn bị dẫm vào chân nữa mới khổ. Sàn nhẩy rộng mênh mông mấy bả không bước, cứ nhè chân mình mà đạp, làm như có mối thù gì từ kiếp trước nay dẫm lên chân cho hả dạ. Dợt với mấy bả một bản mà như kéo xe bò lên đèo Hải Vân, thè cả lưỡi, muốn tắt thở. Hồi đó chỉ có mấy điệu nhẩy thịnh hành là: Valse, Paso doble, Rumba, Samba, Bolero, Foex, Boston, Tango thôi. Ngày xưa, mỗi khi mở partie người ta thường nhẩy bản Valse, hay Paso Doble để mở màn. Nhẩy valse hơi đòi hỏi kỹ thuật cao nên người ta thương mở đầu bằng bản Paso vừa vui nhộn vừa dễ nhẩy. Hồi đó mọi người chỉ nhẩy mấy điệu này rất chân chỉ hạt bột, theo những bước nhẩy cổ điển, không phăng như mấy người trong chương trình Dancing With The Star. Trong partie ai nhẩy giỏi phăng kiểu nọ kiểu kia khi nhẩy mọi người thường đứng dạt sang hai bên xem họ biểu diễn, vừa vỗ tay theo nhịp vừa reo hò cổ võ. Nhất là hồi đó ở Paris bên Pháp có một điệu nhẩy rất thịnh hành ở các caves tức mấy tiệm nhẩy ở dưới hầm các căn nhà, là điệu be bop nhưng nhẩy theo 8 nhịp thay vì 6 nhịp như đệu swing, được giới trẻ và sinh viên Pháp rất ưa chuộng. Có mấy người sinh viên ở Pháp về đem điệu này du nhập Saigon, được giới trẻ Saigon nhiệt liệt hưởng ứng. Trước khi tôi rời Pháp tôi cũng có học những bước căn bản của điệu này. Ở mấy partie thỉnh thoảng người ta lại chơi loại nhạc này cho mấy sinh viên ở Pháp về có dịp biểu diễn cho mọi người xem. Mỗi lần họ biểu diễn mọi người đều ngưng nhẩy để thưởng thức, vừa vỗ tay vừa hò hét cổ võ rất nhiệt tình. Về sau tôi và mấy đứa bạn cũng tập dợt những bước phăng của điệu này. Điệu này chỉ thích hợp với giới trẻ thôi nên ở các vũ trường ít chơi loại nhạc này. Sau cách mạng 63 lật đổ Tổng Thống Diệm, tôi đang làm việc tại Nha Trang, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng ghé về Saigon, tôi thấy trào lưu mở partie hình như không còn được nhiều người hưởng ứng nữa. Không biết có phải tại vắng bóng anh hay không. Ha Ha! Bây giờ người ta đi vũ trường nhiều hơn. Nhưng vì tôi không ở Saigon nên tôi cũng chẳng quan tâm, họ có mở hay không mở partie thì tôi cũng đâu tham dự được há.



    Nguyen Q Hung


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X