Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ca khúc Giáng Sinh: Cao Cung Lên

Collapse
X

Ca khúc Giáng Sinh: Cao Cung Lên

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ca khúc Giáng Sinh: Cao Cung Lên

    Hoài Đức & Nguyễn Khắc Xuyên: Cao Cung Lên

    Phụng Nghi





    “. . .Linh mục nhạc sĩ Hoài Ðức sáng tác thánh ca để đời không bằng số lượng mà là bằng chất lượng tác phẩm. Toàn bộ cuộc đời sáng tác của ngài chỉ có 91 bài. Tuy nhiên nhiều ca khúc của ngài luôn đi vào lòng người, luôn có giá trị vượt thời gian, vẫn luôn được nhà thờ dùng trong phụng vụ. . .”


    CAO CUNG LÊN

    Ngày 7 tháng 7 năm 2006 đã tắt đi một ngôi sao sáng trên vòm trời thánh nhạc Công giáo Việt Nam. Nhạc sĩ Hoài Đức, người mà hơn 50 năm trước đây cho chào đời những tác phẩm thánh ca mở đầu cho nền âm nhạc Công giáo Việt Nam, đã an nghỉ trong Chúa tại thành phố Saigon sau 83 năm tại thế. Tuy thể xác đi về cùng cát bụi nhưng tinh anh của ông vẫn còn lại mãi mãi cùng với những nhạc bản ông để lại cho người Công giáo Việt Nam, nhất là những bản nhạc giáng sinh được hát lên mỗi năm ngày kỷ niệm Chúa giáng trần.

    Hoài Đức sinh ngày 1 tháng 7 năm 1923 tại xã Vĩ Nhuế phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (ngày nay là xã Yên Đồng, tỉnh Nam Hà). Xã Vĩ Nhuế cũng là nơi giáo quyền xây dựng Giáo Xứ Kẻ Nấp. Năm 1938 chú bé Hoài Đức tốt nghiệp Sơ Học Pháp Việt và vào Tiểu Chủng Viện Hoàng Nguyên cũng năm này. Sau 6 năm học tập, thầy Hoài Đức được cử về giúp xứ Bút Đông. Ngày 1 tháng 9 năm 1945, thày nhập Đại Chủng Viện Xuân Bích Hà Nội. Mới chưa được một tháng, nhân biến cố Quân đội Nhật tiến đánh Đông Dương, Quân đội Trung Hoa chiếm Đại Chủng Viện, các chủng sinh được lệnh tản cư.

    Tháng 9 năm 1946, Đại Chủng Viện mở cửa lại, thầy Hoài Đức cùng các bạn trở về tiếp tục tu học. Lúc bấy giờ, cha Bề trên và các linh mục giáo sư đại chủng viện đều là người Pháp. Công việc học hành chỉ mới tiến triển được 3 tháng thì phong trào toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Các linh mục người Pháp bị câu lưu. Các thầy được lệnh sơ tán về những địa phương xa Hà Nội. Thầy Hoài Đức trở về lại Bút Đông, giúp cha Trần Tiến Đức. Trong thời gian này thày lấy bút hiệu là Hoài Đức, theo thầy kể thì bút hiệu này là để tỏ lòng mến thương linh mục Trần Tiến Đức là cha bảo dưỡng.

    Thời gian tản cư kéo dài từ tháng 12 năm 1946 tới tháng 10 năm 1948, sau đó thầy Hoài Đức trở về Đại Chủng Viện Xuân Bích để tiếp tục học 4 năm Triết học và Thần học. Vì mới tản cư về, thầy cần phải có căn cước, nên lấy tên là Lê Đức Triệu, cũng nhân đó khai luôn bút hiệu Hoài Đức vào tờ căn cước. Không biết khi mới sinh ra, cha mẹ thầy đặt cho thầy tên gì, có tài liệu ghi là Lê Danh Hích (?).

    Sau 4 năm học ở đại chủng viện, thầy Hoài Đức được lãnh nhận 4 “chức nhỏ”, nhưng vì bệnh suy tim nên Đức Giám mục Trịnh Như Khuê đã chỉ định thầy đi giúp xứ Kẻ Noi, rồi Sở Kiện… Vì tình hình chiến sự, thầy bỏ Sở Kiện tìm cách về lại Hà Nội. Niên học năm 1952, thầy được bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Piô XII (ở Quần Ngựa), lúc ấy linh mục Nguyễn Huy Mai đang là Hiệu trưởng Trường Dũng Lạc, được thuyên chuyển về làm Giám Đốc Chủng Viện.

    Rồi biến cố “chia đôi đất nước” ngày 20-7-1954 xảy đến. Ngày 18-7-1954, toàn bộ Tiểu Chủng viện Piô XII trong đó có thầy Hoài Đức, lên tầu di cư vào Nam. Địa chỉ sau cùng của Chủng Viện Piô XII là 223 Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn. Thầy Hoài Đức dạy giáo nhạc tại đây cho tới đầu niên học 1957 mới về lại Đại Chủng Viên Xuân Bích cũng đã di chuyển vào Nam và tọa lạc tại Thị Nghè. Sau khi hoàn tất chương trình “đào tạo linh mục”, ngày 6 tháng 6 năm 1960 thầy thụ phong linh mục và vẫn tiếp tục làm giáo sư kiêm giám luật tại Chủng Viện Piô XII.


    Năm 1966, Chủng Viện Piô XII chấm dứt hoạt động theo lệnh Toà Thánh, cha Hoài Đức được thuyên chuyển lên Giáo phận Kontum làm giáo sư tại Tiểu Chủng Viện Thừa Sai, năm sau được bổ nhiệm phó Bề trên kiêm quản lý Chủng Viện. Hết niên học 1967-1968, cha được chuyển về Saigon đảm nhận chức vụ Thư Ký Thường Trực Ủy Ban Thánh Nhạc Toàn Quốc do đề nghị của Đức Cha Phạm Văn Thiên đặc trách Phụng Vụ và Thánh Nhạc.

    Tháng 7 năm 1969, cha đã từ nhiệm chức vụ này và được thuyên chuyển lên Ban Mê Thuật làm quản lý tài sản Nhà Chung Ban Mê Thuật. Lúc ấy Đức Cha Nguyễn Huy Mai đang cai quản Giáo phận này. Ở đây cha Hoài Đức kiêm nhiệm Giám đốc Cơ quan Từ thiện Caritas, Chủ tịch phong trào Công lý và Hoà bình. Với những trách vụ kể trên, cha Hoài Đức đã cố gắng xây dựng các cơ sở giáo phận như tu viện, tập viện, nhà dưỡng lão, quán cơm xã hội, khai thác đồn điền cà phê, phân phối các phẩm vật cứu trợ…

    Tháng 3 năm 1975, Cách mạng “giải phóng” Ban Mê Thuật, Đức cha Mai và cha Hoài Đức đã ở lại, không di tản. Thời gian này cả hai vị đã gặp rất nhiều khó khăn. Ngày 14 tháng 1 năm 1977 cha Hoài Đức khăn gói lên đường vào trại cải tạo Mê Văn, Đắc Lắc. Ở trại này được vài tháng, cha được chuyển ra ngoài Bắc. Sau nhiều lần chuyển từ trại này qua trại khác, năm 1979 cha Hoài Đức cùng một số cha khác (khoảng 20 vị) “định cư” tại trại Thanh Cẩm, Thanh Hoá. Tại trại này cha Hoài Đức bị bệnh “tai biến mạch máu não”, nhờ một bạn tù người Hoa chữa trị, bệnh thuyên giảm, nhưng sức khoẻ từ đó kém đi rất nhiều.

    Tháng 11 năm 1987, cha Hoài Đức được thả về cùng với khoảng 50 bạn tù. Cha ngụ nơi nhà người em họ tại số 491 / 74A Lê văn Sĩ Phường 12 Quận 3 Saigon. Đây là nơi cha được chỉ định cư trú, theo lệnh chính quyền. Vào khoảng năm 1997, bệnh cũ lại bộc phát, cha bị á khẩu, toàn thân dần dần tê liệt và cha đã được chuyển về nhà Hưu Dưỡng Hà Nội (116 / 3 Hùng Vương, P.9, Q.5 Saigon) và mất tại đây.



    Cao Cung Lên

    Cao cung lên khúc nhạc thiên thần Chúa
    Hòa trong làn gió nhè nhẹ vấn vương.
    Ôi linh thiêng lắng nghe thoang thoảng cung đàn
    Một đêm khuya vang vẳng trong tuyết sương
    Đàn ơi cứ rung những điệu réo rắt:
    Hát khen Con Một Chúa Trời, rày sinh xuống cõi đời
    Hỡi người dương thế lặng nghe cung đàn
    Mau tìm cho tới thờ kính Vua giáng trần.

    Thôi hỡi trần gian im tiếng đi mà cung kính.
    Chúa Con sinh ra trong máng cỏ hang lừa.
    Tuy Chúa là Vua muôn nước suy phục tôn kính.
    Chúa bỏ ngai vàng sinh xuống trần đêm xưa.

    Thôi hỡi ngàn mây đen xám u mờ tăm tối.
    Hãy mau tan đi nay Chúa đã xuống đời.
    Trên cõi trời cao, sao sáng chân thật đưa lối.
    Hãy mang tin lành cho nhân loại nơi nơi.

    Thôi hỡi trần gian bao tuyết sương cùng gió rét.
    Cớ sao nỡ làm cho Chúa lạnh vô ngần.
    Ôi Ðấng Toàn Năng xưa quá yêu người tha thiết.
    Xuống chịu khổ hèn trên tuyết ngàn dặm sương.

    Thôi hỡi hồn tôi ghi nhớ trong lòng sâu thẳm.
    Chúa sinh đêm nay nên bé nhỏ khó hèn.
    Con quyết từ nay yêu Chúa trong tình đằm thắm.
    Muốn để đền bù những cõi đời bạc đen.


    Phụng Nghi
    (Trích: Những ca khúc Giáng sinh được mọi thời ưa chuộng của Phụng Nghi)




Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X