Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Quỳnh Hoa

Collapse
X

Quỳnh Hoa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Quỳnh Hoa

    Quỳnh Hoa


    Mai Lâm


    Khép mi em hãy khép mi.
    Trần gian đâu có gì mà xem.


    Quỳnh mở mắt. Tiếng nước róc rách chảy từ trong nhà tắm vọng ra làm thoáng rạo rực đêm qua còn sót lại thức dậy. Nàng duỗi mình, lắng nghe một cảm giác dễ chịu và tội lỗi chạy nhẹ nhàng dọc trong cơ thể còn xuân sắc của người đàn bà ngoài ba mươi tuổi. Nắng đã luồn qua rèm cửa sổ tự lúc nào, đang xốn xang nhảy nhót trên cánh tủ phía dưới chân giường... Thế là nàng đã thất thân, đã phản bội chồng sau hơn một năm trời xa cách. Bao nhiêu gìn giữ từ ngày sang nước Đức này coi như vứt.

    Chiều qua, cũng như mọi chiều thứ bảy nàng nhảy tàu đến Phong để lấy vải bò. Phong là cộng mốc (tên chỉ người Việt Nam sang Đức đã lâu), lại là phiên dịch nên có nhiều mối giao du. Anh thường lấy cả súc vải bò về nâng giá bán lại cho những người mới sang như Quỳnh. Nghề may ở đây hầu như ai cũng phải biết. Hết giờ làm trong nhà máy mới là bắt đầu giờ làm việc của người Việt Nam bên này. Ăn uống quấy quá cho xong rồi ngồi vào bàn may đến đêm. Mọi người trong đội Quỳnh gọi là „ quay mặt vào tường rung đùi“.

    Hồi mới sang thì quanh quẩn bắt số đo trong nhà máy. Hầu hết kollege (bạn đồng nghiệp) Đức đều diện áo quần của „ cộng“. Sau này trang bị cho cả nhà máy xong thì đến bạn của kollege. Có người không biết may nhưng chỉ cần chăm chỉ bắt số đo rồi đưa người khác may cũng đủ tiêu xài rủng rỉnh.

    Bây giờ đến nhà hàng xóm của kollege cũng quần bò mài rồi thì khâu tiêu thụ trở nên muôn vàn khó khăn. Chỉ những người tháo vát và giỏi tiếng như Phong còn xoay xở được bằng cách tuồn quần áo may sẵn vào các cửa hàng đồ cũ mà chả hiểu vì sao mọi người hay gọi là cửa hàng Ái Vân, hay vì biển hiệu chỉ có hai chữ viết tắt của An und Verkauf là A & V thì không biết.

    Với những khách lấy vải quen, Phong ký gửi hộ tuần hai, ba chiếc. " Riêng em Quỳnh thì ohne ende ( không giới hạn)" Phong tuyên bố.

    Quỳnh cũng biết mình được Phong đặc biệt ưu ái. Nhiều hôm mưa gió Phong ngỏ ý đưa Quỳnh chặng về 80 km bằng ô tô, nàng cương quyết chối từ, chỉ nhờ Phong chở ra ga một lần duy nhất vì sợ muộn tầu. Nàng hết sức tránh kiểu quan hệ không rõ ràng, những ơn huệ khó trả. Nói theo kiểu mấy đứa bạn hồi chưa lấy chồng là " Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát".

    Trong đội lao động của Quỳnh có cái Vân cũng bảo:

    - Hồi ở nhà ông chồng tao cũng dặn đúng câu í. Lại còn thêm - Nếu em có thiếu thốn tình cảm thì thà cặp lấy một thằng tây, về nước là xong. Đừng có dây dưa với người mình, sau này nhiều chuyện lắm.

    Thế mà rồi Vân cũng chả vâng được lời chồng. Mấy tháng sau khi sang cô cặp ngay với thằng Long vổ trong đội. Thì mới đầu chỉ chị nấu cho em ăn. Em đi tăm tia đồ cho chị rồi ra ngủ với nhau lúc nào không biết.

    Đàn bà con gái sang bên này quả thật nhiều lúc cần đến cánh tay của đàn ông. Có những việc nặng như đóng xe máy, xe đạp, lốp xe gửi về không có đàn ông không được. Thời gian đầu Quỳnh nhờ Việt, một cậu trai có bố dậy học cùng trường với chồng nàng giúp. Sau này, khi quen biết Phong thì anh giành việc đó. Phong bảo:

    - Đằng nào anh cũng mua hộ em thì anh đóng thùng rồi gửi từ đây luôn. Em mang về kích rích làm gì!

    Thế rồi chiều qua cơn bão tuyết ập về đúng lúc Quỳnh chuẩn bị ra ga. Nó ập về như thể đã an bài, như thể đã chờ Quỳnh từ lâu lắm. Từ lúc Quỳnh mơ hồ cảm nhận được tình cảm của Phong dành cho mình. Phong bảo:

    - Thôi em nghỉ lại đây đi! Mai về sớm. Trời này không ra ngoài được đâu. Em cứ ngủ ở giường anh, anh kê cái giường gấp nằm phía bên kia.- Phong hất cằm sang phía bên kia căn phòng được ngăn cách với bên này bằng một chiếc tủ.-: Hay em ngại thì lát anh sang mấy phòng bên cạnh ngủ chung với thằng nào cũng được.

    Quỳnh nhìn ra ngoài cửa sổ bên ngoài wohnheim (ký túc xá), tuyết bời bời phủ trắng đất trời. Chiếc xe Warburg của Phong như không có lốp, nằm ẹp trên mặt tuyết. Chẳng biết làm sao, nàng đành xếp chiếc túi du lịch căng chặt vải bò vào góc tủ rồi sửa soạn nấu ăn, Phong phụ.

    Bữa tối được dọn trên bàn chỉ có thịt bò xào và súp lơ luộc, nhưng nhờ có ánh nến lung linh mà Phong vừa thắp sau khi tắt đèn và chai rượu cognac Napoleon mua bằng DM( tiền của Tây Đức) trong Intershop nên trông có vẻ sang trọng và ấm cúng như trong một nhà hàng nhỏ. Loại rượu này thằng Việt ở đội Quỳnh thường chê là dành cho bọn nhà quê học làm sang, không uống. “ Cái này là cognac hạng bét toàn là cồn, uống gì. Em thà là uống Weinbrand giá tiền bằng một phần mười mà ngon gấp vạn”- Nó bảo.

    - Anh xem có ai rủ sang uống rượu cùng cho vui.- Quỳnh ngại ngùng.

    - Cuối tuần chúng nó đi hết còn đâu. Thôi anh em mình nâng ly. May mà có bão tuyết mới được chạm ly cùng người đẹp.

    - Anh uống đi, em có uống rượu bao giờ đâu.

    - Thì nhấp môi thôi, cho may mắn. Nào!

    Trong tiếng ly khẽ chạm vào nhau ngân nhẹ như một lời trách, Quỳnh bỗng thấy thoáng hiện qua rất nhanh ánh mắt buồn buồn trên khuôn mặt gầy gầy, thanh tú của Tuấn, chồng nàng.

    ***

    Hai vợ chồng nàng ở một căn hộ nhỏ trong khu tập thể dành cho người độc thân mà Tuấn được nhà trường phân phối khi còn chưa lấy vợ. Nhỏ nhưng được cái may có mẩu ban công nên hồi chưa sinh đứa con gái đầu lòng hai vợ chồng trẻ còn bắt chước người ta quây vào nuôi một con lợn. Tuấn đùa:

    - Nghề của anh là dậy toán nên phải biết tính toán, lo xa. Bao giờ em đẻ là vợ chồng mình có món tiền cho em nằm ổ.

    Thế nhưng có tính anh cũng không tính hết được. Cuộc sống thời bao cấp cuối những năm tám mươi quá khó khăn. Người lớn chịu khổ quen rồi đã đành. Nhìn chồng bán mấy bao thuốc lá Sông Cầu được phân phối đi để mua cho con hộp sữa Ông Thọ, lại mua dúm thuốc Lạng Sơn ngồi cuốn tay hút nàng xót hết cả ruột. Khi nhà máy nàng có chỉ tiêu đi lao động ở Đức, Quỳnh đánh bạo bàn với chồng:

    - Anh à! Hay là em xin đi. Mình chịu khổ vài năm thì cả đời đỡ vất vả chứ cứ kéo dài thế này mãi không biết đến bao giờ. Còn con có khi lúc ốm lúc đau nữa chứ có phải thế này đã là yên đâu.

    Em cũng có mong gì sung sướng. Phải xa anh, xa con mới ba tuổi em cũng dứt ruột ra ấy chứ...

    Sau gần một tuần quyết rồi lại thôi, thôi rồi lại quyết. Tuấn bảo vợ:

    - Anh muốn em ở nhà, vợ chồng con cái sướng khổ có nhau. Nhưng anh biết để em đi là đúng. Nghề của anh là dậy toán, anh biết.- Tuấn cười buồn.-: Nhưng anh cũng nghe người ta nói cuộc sống sinh hoạt của người Việt lao động ở nước ngoài rất phức tạp. Không phải anh không tin em, nhưng có những việc mình không thể nào dự liệu hết được em ạ!

    - Vâng! Nhưng anh còn lạ gì tính em. Với cả em nghĩ hư hay ngoan là ở mình tất. - Quỳnh cũng cười buồn:- Anh tưởng em đi thế này không thương con, không lo ông xã ở nhà sao?

    ***

    Chỉ một ly thôi mà Quỳnh cũng thấy lơ mơ. Phong ép nàng cho bằng được hay là chính nàng muốn đầu hàng, muốn buông xuôi Quỳnh cũng không còn biết. Hơn một năm trời đằng đẵng ca kíp, may mặc, bán buôn, nhớ nhung đủ làm nàng mỏi mệt. Lắm lúc nàng những mong mình được ốm, mà ốm thật nặng để chỉ phải nằm mà không thể lo thể nghĩ những chuyện gì gì khác.

    Ngoài cửa sổ tuyết vẫn lặng lẽ phủ lên vạn vật trong ánh đèn đường vàng vọt. Cái kiểu rơi không có tiếng động ấy làm người ta đôi khi bất giác khẽ lắc đầu như tự đánh thức mình để khỏi thiếp dần vào ảo ảnh.
    Nàng nghe như gần, như xa tiếng của Phong:

    - Em uống một ly nữa nhé!

    Sau này nàng không nhớ mà cũng không hỏi lại Phong khi ấy mình gật đầu hay là lắc.Mà gật hay lắc thì cũng có để làm gì. Đằng nào thì sớm hôm sau mở mắt trên người nàng cũng chẳng còn mảnh vải nào để che thân dưới lớp vỏ chăn xa lạ. Nàng đỏ mặt nhớ lại những gì đêm qua đã diễn ra giữa nàng và Phong. Nó không giống như chuyện vợ chồng nàng. Không có sự ân cần trao thân, nhưng Phong lại làm thức dậy đòi hỏi bị dồn nén hơn một năm trời của người đàn bà xa chồng bằng những cái cách mà nàng mới chỉ nghe mấy cô bạn cùng đội rúc rích kể cho nhau về một loại phim được xem qua video của cộng mốc gọi là “ chưởng mềm”...

    Từ nhà tắm Phong bước ra, thỏa mãn và tự tin với chiếc áo tắm khoác hờ trên vai. Chiếc áo như kiểu áo của Alibaba trong chuyện cổ tích nàng vẫn đọc hồi còn ở nhà cho con gái. Quỳnh xoay người quay mặt vào tường để tránh nhìn cơ thể gần như trần truồng của Phong với cái bụng bắt đầu chảy của người đứng tuổi.

    ***

    Bao nhiêu biến động trong hơn một năm, kể từ ngày hôm ấy. Bức tường Berlin sụp đổ kéo theo bao nhiêu kế hoạch, dự định của người Việt Nam lao động ở bên này. Hơn nửa đội lao động của Quỳnh kéo nhau sang bên tây Đức tìm cuộc sống mới, dù chưa biết nó ra sao. Số còn lại vật vờ đi làm buổi đực buổi cái. Cũng do mọi người còn đang suy nghĩ đắn đo, chưa biết nên về hay ở.

    Quỳnh ngồi may, thi thoảng lại ngước lên, nhìn ra ngoài cửa sổ. Mùa Xuân ở đất nước này cứ bừng bừng, cây cối cứ xanh um, hoa cỏ cứ hối hả như sống gấp. Ban công phòng bên cạnh đang tụ tập cà phê. Tiếng Khanh vọng sang oang oang:

    - Mình thì nghĩ đứa nào cũng có gia đình rồi. Sang đây thiếu thốn tình cảm thì dựa vào nhau vài năm rồi giải tán. Em lại cứ như muốn tiến đến hôn nhân mới kinh. Đéo hiểu được bọn đàn bà, thật! Mình nằm cùng, ôm nhau cả buổi trưa mà em cương quyết không cho làm gì các ông bảo chịu thế đéo nào được. Mãi sau em mới bảo:- “ Bây giờ em cho anh chọn. Hoặc là chúng mình sẽ yêu nhau, nhưng không “ làm gì” cả, hoàn toàn là tình cảm. Hoặc là em sẽ chiều anh một lần rồi chúng mình chia tay, không bao giờ gặp lại nhau nữa. Em không thích kiểu cặp kè già nhân ngãi, non vợ chồng.”

    - Kinh nhề ! -Cả bọn nhao nhao:- Thế rồi anh bảo sao?

    - Còn bảo sao nữa! Mình đàn ông vợ cái con cột. Thích thì chiều, yêu đương gì. Tao bảo anh chọn phương án hai. Thế là nó lặng im nằm khóc giọt ngắn giọt dài. Tao đã tưởng nhịn ăn, thế mà nó giữ lời thật. Nó nói như quát:- Ra lấy cái khăn vào đây.- Tao cun cút bò dậy đi lấy khăn, đéo biết để làm gì. Lại còn hỏi:- Ở đâu, khăn nào mới khốn nạn chứ! Há há...

    Tiếng Việt chen vào:

    - ... Mẹ! Thế thì anh còn may hơn em. Tuần trước bạn cùng phòng của cái con em quen cuối tuần đi vắng mà nó lại hẹn mình đến thì đéo ai chả tưởng bở. Mới cả hôm gặp nó ở chỗ cùng lấy quà từ Việt Nam gửi sang, chính nó còn kể chuyện tiếu lâm " Có anh cán bộ đi công tác miền núi ngủ nhờ nhà bà goá. Sáng dậy muộn, hỏi :- Ơ, sao nhà mình nuôi nhiều gà trống thế mà chả con nào gáy báo thức nhể!

    Bà goá bảo:- Trông mã thế thôi nhưng toàn gà thiến cả đấy anh ạ!"

    Đấy! Em mà không hành động có khi nó còn cười cho í chứ!..

    - Ông mào đầu lâu quá! Tóm lại là như nào? Có thằng sốt ruột giục.

    - Tóm lại là đêm đoán nó chắc cũng trằn trọc không ngủ được, em mò mịa sang định chui vào trong chăn. Nó gạt phăng ra:- "Anh làm gì đấy?"- Em ngớ mẹ người, còn làm gì nữa! Là nghĩ thế chứ lúc í ngồi đực ra, ngượng bỏ mẹ, nói đéo gì. Bí quá hoá liều, em nắm lấy tay, nó lại hất ra:" Em kêu lên bây giờ đây này!"- Thấy em buông tay, nó dịu giọng:" Thế còn vợ anh, thế còn chồng em?"- Em tẽn tò, té về giường. Đm, mà cởi truồng sẵn rồi mới dơ chứ!

    Cả lũ phòng bên phá lên cười sặc sụa.

    Quỳnh đắng miệng. Chân bất giác đạp mạnh xuống pê đan làm chiếc máy khâu rồ lên. Mũi kim chạy băm bổ mấy bước trên ống quần vải bò rồi vụt gẫy, may không văng vào mặt. Nàng thấy ê chề. Sao cái cô này chính chuyên thế? Một ý nghĩ quái gở bỗng chạy qua đầu nàng, một ước muốn cháy bỏng. Nàng ước sao chồng nàng ở nhà cũng có bồ có bịch. Có nhiều cũng được, cho đáng đời nàng...

    ***

    - Đưa bát chị xới cơm cho nào! Định uống rượu trừ cơm à? Khổ! Bồ bịch đâu mà cả tuần không có bữa cơm nào thế hả mày?

    - Không có thì nhịn chị ạ. Nhờ các em nấu để thành vợ chồng à?- Việt rót rượu ra chén, nhẩn nha:- Đấy, chị xem. Có ai mà tính hết được.Tưởng cặp kè nhau năm năm, mới có hai năm mà đã kẻ ở người về rồi đấy thôi. Thế chị vẫn nhất quyết về à?

    - Ừ! Hôm trước ông Phong cũng hỏi thế. Ông ấy bảo chị suy nghĩ kỹ đi. Nếu quyết được thì bỏ hết, sang bên kia nhập trại. Chị bảo không! Đủ rồi! Còn chồng con, bố mẹ ở nhà. Anh cũng còn vợ con ở Việt Nam, bỏ hết làm sao?

    - Em thì em ở lại. Chẳng sang bên tây mà cũng chẳng về Việt Nam. Muốn ra sao thì ra. Cầm mấy nghìn tiền đền bù về trang trải công nợ xong nghèo lại hoàn nghèo chị ạ!

    - Sợ không ở được ấy chứ! Cả nhà máy rã đám, việc buổi đực buổi cái. Đầu trọc biểu tình đầy đường chống người nước ngoài. Mới cả chị nhớ con lắm rồi. Về thôi!

    ***

    Quỳnh ngạc nhiên khi xuống sân bay chỉ thấy một mình chồng ra đón, dù nửa tháng trước nàng đã hẹn bố mẹ ra bưu điện bờ hồ nói chuyện và thông báo ngày về qua điện thoại.

    Nhìn Tuấn vẻ lạnh lùng chất hành lý rồi lên ngồi ghế trước cùng cậu lái xe cùng cơ quan, nàng bỗng sờ sợ, linh cảm có chuyện chẳng lành sắp đến với mình. Quay nghiêng gương mặt còn rất đẹp dù đã gầy thêm, đã khắc khổ hơn sau hai năm xa cách, Tuấn bảo:

    - Ông bà ngoại đón con về nhà đợi em rồi. Bây giờ mình về qua nhà tí rồi cậu Hùng lái xe sẽ đưa em đến đấy.

    Quỳnh thật sự không còn bụng dạ nào để nghĩ sang chuyện khác khi thấy Tuấn nói xong rồi ngó ra ngoài cửa xe, chỉ thi thoảng buông đôi câu lơ đãng với Hùng, như thể nàng không hề hiện diện.

    Không biết nói sao, nàng cũng đưa mắt ra bên ngoài mà chẳng nhìn gì, chỉ thấy những vệt nhòe, hoang mang trôi ngược dòng xe chạy.

    Nàng những mong cứ như thế, thà cứ như thế, cứ đi nhưng đừng bao giờ đến. Nhưng rồi xe cũng chầm chậm rồi dừng lại để nàng suy sụp hoàn toàn khi nghe tiếng Tuấn:

    - Cứ để va li đấy em! Chờ một lát rồi em chở Quỳnh về đằng ngoại giúp anh.

    Nàng run run bước theo sau chồng lên từng bậc cầu thang xi măng cũ kỹ. Vết sứt nham nhở ở chỗ tay vịn quành qua chiếu nghỉ vẫn còn nguyên như nàng chưa hề xa nó ngày nào. Căn hộ một buồng của nàng cũng thế, thoảng mùi bếp dầu hỏa lẫn mùi thức ăn như nàng chưa từng ngày nào xa nó. Tuấn kéo chiếc ghế duy nhất trong phòng đợi Quỳnh ngồi. Chàng cũng ngồi xuống mép giường rồi nhìn thẳng vào mặt Quỳnh:

    - Tôi đã biết hết mọi chuyện. Cô không cần thanh minh vì cô cũng biết tôi rồi. Tôi dậy toán, vì vậy mọi chuyện tôi chỉ khẳng định sau khi đã xác minh thật chắc chắn. Cô cũng không cần phải hỏi thông tin ấy từ đâu, vì một sự việc mà cả hai đội lao động với gần hai trăm con người đã biết thì chuyện tôi sẽ biết chỉ còn là vấn đề thời gian. Chắc cô không ngờ, mà đúng là tôi cũng không ngờ khi chỉ vì vô tình mà tôi biết mới hơn mười ngày trước...

    - Em có lỗi.- Nàng run rẩy:- Em có lỗi với anh nhưng em không muốn thế. Em thề!...

    - Cô im đi!

    - Anh ơi! Tha thứ cho em chỉ một lần này thôi. Em xấu hổ và nhục nhã lắm. Vì anh, vì con mà em quay trở về đây.

    - Không!- Tuấn đứng dậy gằn giọng, mặt tái nhợt:- Tôi có thể tha thứ nếu cô chỉ một phút yếu lòng, một lần lầm lỡ.

    Nhưng tôi không tha thứ khi cô chung sống như vợ chồng với một thằng khác hơn một năm trời mà nếu như không có biến động thì không biết cô sẽ còn lừa dối tôi bao lâu nữa.

    - Vâng! Nhưng em thề là em không muốn thế...

    - Cô đừng nói thêm. Vô ích! Hai thùng hàng cô gửi về, ngoài một số tôi bán đi để phụ thêm nuôi con, tôi đã chở hết về bên ông bà ngoại. Cả chiếc xe máy cũng thế. Tôi cũng không cấm cô thăm con nhưng chỉ có ông bà ngoại được đến đón và đưa con tôi về. Tôi không muốn nhìn thấy mặt cô một lần nào nữa. Cô có ra tòa hay đến bất cứ đâu, điều đó không thể thay đổi.- Nhìn Quỳnh suy sụp, nước mắt tuôn ra từ những kẽ ngón tay đang ôm mặt, anh dịu giọng:

    - Ông bà ngoại cũng biết rồi, còn biết trước khi tôi thưa chuyện. Thôi! Cô đi đi, không có Hùng nó đợi.

    ***

    Để anh mở! - Việt bảo vợ khi nghe thấy tiếng chuông reo lúc cả nhà vừa ngồi vào bàn ăn.

    Trước mặt anh là Quỳnh, già hơn hai năm trước cả chục tuổi, tiều tuỵ và lạnh cóng.

    - Ơ chị Quỳnh! Sang bao giờ thế này? Chị vào đi.

    Quỳnh đặt chiếc túi du lịch xẹp lép xuống chỗ để giày, ngại ngùng:

    - May quá em còn ở đây. Chị đang chưa biết đi đâu. Đội mình đâu hết rồi hở em?

    - Chúng nó sang bên kia nhập trại gần hết rồi, còn thì đi làm. Nhà máy hoạt động lại rồi. May mà hôm nay em làm ca đêm, chứ không chỉ có vợ em ở nhà. Vợ con em đây, đón sang gần năm rồi. - Việt quay sang vợ:- Đây là chị Quỳnh trước ở đội anh. Em lấy khăn cho chị rửa mặt rồi ăn cơm.

    - Cho chị ngồi tí đã, cảm ơn em.

    ***

    Quỳnh quyết định quay trở lại Đức bằng đường qua Nga thông qua một đường dây đưa người khi Tuấn cùng con gái nàng vào trong Vũng Tàu ở hẳn. Nghe đâu có một cô học trò cũ của anh làm tổ chức ở đấy, biết hoàn cảnh của anh nên tạo điều kiện mời anh vào dậy trường chuyên trong đó.

    Con gái đi, nàng chẳng còn gì quyến luyến Hà Nội nữa khi ngay cả trong mắt bố mẹ, nàng là người có lỗi. Nàng không tìm thấy sự thông cảm trong chính gia đình mình. Bố nàng chả nói chả rằng, chỉ thở dài mỗi cuối tuần khi đèo cháu trả về cho bố nó. Nhưng mẹ nàng thì đay nghiến:

    - Rõ ra là tử tế không muốn. Đàn ông có đứa nào như nó. Hai năm vợ đi ở nhà lùi lũi đi dậy, chăm con. Nó chả cặp kè thì thôi, ai ngờ lại là con mình mới khổ!

    Thương nhớ con, nhưng nàng tự biết không khi nào Tuấn nhân nhượng để nàng nuôi nó. Mặc cảm tội lỗi khiến nàng không dám giữ con và cũng khiến nàng không còn dám gặp anh thêm lần nữa mà chỉ ứa nước mắt khi con gái hồn nhiên trước khi đi:

    - Mẹ vào sau với ông nhé! Con vào trước xem biển có đẹp không đã nhé!

    Nghe xong chuyện của Quỳnh, Việt ái ngại:

    - Thôi, chị cứ ở tạm đây với bọn em. Ông Phong bây giờ đứng bán quần áo ngay ở chỗ đường hầm dẫn vào Bahnhof ( nhà ga ) í. Nghe đâu cũng mới đón được vợ con sang...

    Nín lặng hồi lâu, Quỳnh mệt mỏi:

    - Vậy à! Chị cũng có liên lạc gì với ông ấy đâu. Khi quyết định sang, chị ra bưu điện mấy lần gọi vào số điện thoại của phòng thường trực khu này để trao đổi trước với em, nhưng số máy ấy không còn nữa.

    -Làm gì còn thường trực nữa chị. Khu này bây giờ như nhà hoang. Bọn em cũng đang tìm chung cư để chuyển.

    - Chị ở nhờ em một, hai hôm thôi, rồi nhờ Việt chở chị đi nhập trại chứ. Mấy người dẫn đường thu hết giấy tờ hộ chiếu rồi còn đâu.

    - Thế chị không còn tí giấy tùy thân nào à?

    - Không! Mà có còn thì cũng chả dám trình. Chị đã nhận tiền đền bù rồi, quay lại họ trục xuất ngay. Nếu em đưa chị đi nhập trại thì cũng phải khai tên tuổi khác, thấy người ta dặn vậy.

    ***

    Cái trại mà Việt nhờ một người bạn có ô tô cùng đưa Quỳnh đến cách nơi Việt ở gần ba trăm cây số. Có hai trại gần hơn, trại thì đóng cửa trại thì bị đốt. Thời gian đầu những năm 90 này người ngoại quốc từ khắp nơi đổ về nước Đức mới thống nhất này xin tị nạn rất đông nhưng trại này không có người Việt nên Quỳnh được một mình một phòng, không phải ở ghép. Trại cũng sạch sẽ, có người dọn vệ sinh, có bếp chung. Chỉ khổ cái mở cửa ra hành lang là khói thuốc mù mịt. Không có ai biết tiếng Đức, mọi người thường gõ cửa nhờ frau Hoa ( bà Hoa- là tên của Quỳnh khai khi nhập trại) mỗi khi có việc cần giao tiếp với người phụ trách trại. Nàng thì cũng câu được câu chăng, chật vật mãi mới giải thích cho bà trưởng trại biết rằng không phải là nàng biết nhiều thứ tiếng đến thế, mà vì người ngoại quốc chúng tôi hiểu nhau rất nhanh qua một thứ tiếng Đức mà người Đức không tài nào hiểu được.

    ... Đã lâu rồi Quỳnh không nấu cơm. Gạo ở đây họ cũng phát, nhưng chẳng biết nấu với gì. Bước vào bếp toàn mùi thịt cừu nàng đã thấy sợ. Nàng cũng nghe phong thanh ở các thành phố lớn có những cửa hàng chuyên bán thực phẩm Á châu, có cả nước mắm. Nhưng thành phố ấy ở đâu, cách bao xa thì nàng không biết. Nhìn buổi chiều mùa Đông xám xịt ngoài cửa sổ nàng bỗng thèm da diết về một mâm cơm có hơi mù mịt bốc lên rát mặt khi vừa mở vung nồi. Có rau sống chấm sốt cà chua với hành cùng tóp mỡ. Nàng chợt thấy nhói ngay ở ngực, bàn tay bất giác đưa lên như cầm vào được nỗi đau khi nhớ đến bát cơm mà nàng vẫn dằm cho con trước khi vào bữa.

    Quỳnh không nhớ đã nghe từ bao giờ rằng khi cơ thể con người ta đau đớn quá sức chịu đựng thì nó tự bảo vệ bằng cách ngất để không còn biết gì nữa. Có lẽ uống rượu cũng là một cách đánh thuốc mê cho tâm hồn hay sao mà mỗi khi buồn khổ người ta hay tìm đến nó. Thế còn cái gì dành cho những người không biết đến cả uống rượu, như nàng?...

    ***

    Việt ngạc nhiên xé phong bì khi nhìn địa chỉ nơi gửi bức điện là một viện điều dưỡng.

    Kính gửi ngài Nguyen,

    Chúng tôi rất lấy làm đau lòng khi phải báo tin buồn này cho ngài. Bà Hoa Quynh Nguyen là thân nhân của ngài đã mất vào ngày...

    Vì trong mục Cần liên lạc với người nhà chúng tôi chỉ thấy địa chỉ mà không có số phone nên chúng tôi gửi điện khẩn này qua Bưu điện. Rất mong ngài liên lạc gấp với chúng tôi theo số phon dưới đây...

    Việt choáng váng. Mới mấy tháng trước, khi Quỳnh gọi điện báo đơn xin cư trú của nàng bị bác vì không hội tụ đủ điều kiện, Việt đã xin nghỉ làm phóng đến tận nơi đưa nàng đến luật sư. Không hiểu vì sao mà nàng lại vào viện điều dưỡng dành cho những người bị tâm thần theo như địa chỉ ghi trên bức điện này.

    Viện điều dưỡng nằm trên một quả đồi trong một thành phố nhỏ gần trại cũ. Đi qua dãy hành lang, nơi có mấy người già đi lại lang thang như những chiếc bóng, Việt tìm gặp người phụ trách. Ở đây, Việt sửng sốt và đau đớn khi biết người ta tìm thấy Quỳnh chết trên giường vào một buổi sáng, với một chiếc túi nilon trùm kín mặt.

    - Bà ấy bị trầm cảm nặng khi chuyển từ trại về đây.Hội thiện nguyện của thành phố chúng tôi đã liên hệ được với một ngôi chùa của người Việt Nam để các ngài tiến hành thủ tục mai táng. Rất tiếc vì sự việc đã xảy ra như vậy. Xin chân thành chia buồn cùng ngài.

    Tài sản của Quỳnh mà Việt ký nhận để chuyển lại cho gia đình nàng là hơn hai trăm đồng bạc DM và chiếc túi du lịch hôm Quỳnh quay lại Đức. Việt thẫn thờ nhận quyển tự điển Việt- Đức mà anh đưa cho Quỳnh hôm đi nhập trại từ tay ông giám đốc:

    - Đây là quyển sách duy nhất chúng tôi tìm thấy trong phòng bà ấy.

    ***

    Nàng mang tên một loài hoa. Loài hoa ấy trong trắng lắm. Đến nỗi, dù chỉ phô những cánh hoa trắng muốt, mong manh và tinh khiết trong đêm để khỏi ai nhìn thấy mà cũng chỉ nán lại chốn trần gian này được một lúc là phải vội từ giã nó.


    Mai Lâm
    (Trích trong Từ xa Hà Nội 3- Chỉ còn tuyết trắng)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X