Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ai ra lệnh rút quân khỏi Pleiku-Kontum 1975?

Collapse
X

Ai ra lệnh rút quân khỏi Pleiku-Kontum 1975?

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ai ra lệnh rút quân khỏi Pleiku-Kontum 1975?

    Ai ra lệnh rút quân khỏi Pleiku-Kontum 1975?
    Đào Văn / Nguồn - DCVOnline


    Tướng Phú hay TT Thiệu và tài liệu CIA (2009) viết gì về vụ này?

    Vụ triệt thoái khỏi Pleiku-Kontum 1975 đã gây ra nhiều tranh cãi trong quá khứ vì có hai luồng dư luận đối chọi nhau. Luồng thứ nhất thì đổ trách nhiệm cho Tướng [Phạm Văn] Phú; luồng thứ hai thì lại cho rằng Tướng Phú chỉ là người thi hành lệnh của TT Thiệu. Do đó, để bạn đọc có cái nhìn khái quát hơn liên quan đến tiêu đề, người viết sẽ bàn đến 3 cuốn sách và 1 tài liệu viết về cuộc triệt thoái Pleiku-Kontum 1975:

    Cuốn “Vietnam, Qu’as Tu Fait De Tes Fils” của tác giả Pierre Darcourt, xuất bản 11.1975;
    Cuốn “The Decent Interval” xuất bản 1977 của tác giả Frank Snepp;
    Cuốn “The Final Collapse” sách của tướng Cao Văn Viên xuất bản 1983;

    Tài liệu thứ bốn được CIA giải mật và phổ biến ngày 19.2.2009 có tên là “CIA and the Generals”[1].
    Nhưng trước khi bàn đến các sách và tài liệu liên quan, tưởng nên đọc lại các lời tuyên bố của ba Tướng Phạm Vãn Phú, Tướng Ngô Quang Trưởng, và Tướng Nguyễn Khoa Nam để hầu tiện bề so sánh, đối chiếu.


    Tướng Phạm Vãn Phú

    Tướng Phú:
    a. “Tổng ThốngThiệu đã chà đạp danh dự tôi khi ông công khai đổ lỗi cho tôi về chuyện mất Cao Nguyên Trung Phần […] và ông ta đã ra đi như một người du lịch với những chiếc va ly mà ông đã soạn sẵn […] Nhưng phần tôi, tôi sẽ ở lại, tôi sẽ tự tử và máu của tôi sẽ rơi trở lại vào lưng ông ta. Tôi chỉ còn có một cách đó để đính chánh lời cáo buộc của ông ta mà thôi”[2].

    Khi Nghe tin rút bỏ Pleiku- Kontum, tác giả Pierre Darcourt có đến Bô TTM gặp ĐT Khôi và đi Mỹ Tho gặp Tướng Nguyễn Khoa Nam (Tư Lệnh Vùng IV) để tìm hiểu thông tin về vụ triệt thóai Quân Khu II, và tường thuật lại trong cuốn “Vietnam, Qu’as Tu Fait De Tes Fils”, xuất bản 11-1975. 1966 ĐT Dương Hiếu Nghĩa dịch sang tiếng Việt đặt tên là “Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên”[3]

    Tướng Phú:
    b. “… Tổng Thống Thiệu lên đài nói chuyện và đổ tội cho các tướng lãnh là hèn nhát bỏ chạy. Anh cứ về hỏi Trung Tướng Trưởng xem, trong buổi họp hôm trước, có cả Trung Tướng của anh nữa đấy, tôi đã xin Tổng Thống cho tôi giữ Pleiku bằng mọi giá, Tổng Thống không chịu, bắt tôi phải rút… có cả Đại Tướng Viên và Đại Tướng Khiêm nghe nữa mà bây giờ Tổng Thống nói chuyện với toàn dân đổ tội cho chúng tôi, thật cái nhục này tôi không biết tỏ cùng ai, không biết đồng bào có hiểu không, chỉ có cách chết mới hết nhục.”[4].


    Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (trái)

    Tướng Trưởng:
    “Lệnh của Tổng Thống Thiệu yêu cầu tôi rút khỏi Quân Đoàn I vào ngày 13 tháng 3, và rút Quân Đoàn II vào ngày 14 tháng 3. Ông Thiệu cho biết là rút hết về Phú Yên, lấy Quốc lộ 22 làm ranh giới. Việt Nam thu gọn sẽ chạy dài từ Phú Yên đến Hà Tiên.

    Cái lầm của Rrung ương là không cho các thuộc cấp biết biết ý định của mình. Nghĩa là các vị tư lịnh các quân binh chủng, Tổng bộ trưởng, Tư lịnh sư đoàn v.v… đã không biết gì về về lịnh rút quân của Quân Đoàn I và II. Lịnh nầy chỉ có Tổng Thống và Thủ Tướng, Ðại Tướng Cao Vãn Viên, tôi (Tư lịnh Quân Đoàn I) và Tư lịnh Quân Đoàn II (Tướng Phạm Vãn Phú) biết mà thôi.”[5]


    Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam

    Tướng Nam:
    “… ngày 14 tháng 3, Tổng Thống gọi ông về Cam Ranh và cho lệnh ông phải lui quân. Bây giờ chúng tôi biết được là cuộc bàn cãi rất là sôi động đầy sóng gió. Tướng Phú đã từ chối không thi hành lệnh. Ông ta đã nói thẳng với Tổng Thống Thiệu: ‘Tôi đã đánh giặc 23 năm rồi, và tôi chưa bao giờ biết lui quân. Hãy tìm một người khác để chỉ huy cuộc chạy trốn này.’’ Nói xong ông vứt khẩu súng lục của ông lên bàn và ra khỏi phòng họp, đóng sầm cửa lại. Và sau đó ông bay về Nha Trang, khai bệnh vào nằm bệnh viện […] Chính là ông Thiệu (là người ra lệnh triệt thoái ). Sau khi tướng Phú đã từ chối không thi hành lệnh, Tổng Thống Thiệu đã báo động cho đại tá Tất, tư lệnh phó của ông Phú, một sĩ quan Biệt Động Quân và giao cho ông nầy chức vụ Tư Lệnh Vùng.”[6]

    Theo cuốn “The Decent Interval” của tác giả Frenk Snepp [the CIA’s Chief Strategy Analyst in VN] có đoạn ghi:

    “Sáng 13 tháng 3, TT Thiệu phổ biến quyết định của ông ta làm cho ai cũng ngạc nhiên. Thủ tướng Khiêm và tướng Viên thật ra muốn đặt một số câu hỏi thiết thực nhưng tiếc thay họ lại nghĩ rằng Thiệu đã không chú ý đến quan điểm của họ,và lúc này đây không phải là lúc tranh luận. Thiệu nói: Không có ai hỏi gì à? Thế thì sang điểm khác của chương trình họp: phản kích ngay ở Buôn Mê Thuột…. Nhưng tướng Phú còn làm gì được nữa? Sư đoàn duy nhất không bị thương vong ở Tây Nguyên của Phú đã rải ra khắp nơi. Ở Buôn Mê Thuột, nhiều trung đoàn bị đánh tan tác coi như bị tiêu diệt. Có thể thả dù xuống hai trung đoàn để tiếp viện nhưng như thế thì bỏ trống Pleiku và Kontum. Không còn quân trừ bị để lấp lỗ trống.

    Thiệu ngồi một lúc, hai tay chắp vào nhau, để dưới cằm…, ông ta cho tay vào túi, xoa cuống họng và trong tiếng thở dài, tuyên bố quyết định. Ông ta nói: Phải bỏ Pleiku và Kontum thôi. Cuộc rút lui chiến lược bắt đầu từ hai tỉnh ấy.

    Gian phòng yên lặng. Thiệu nói tiếp: Một cuộc rút lui như thế rất hợp lý và cần thiết, sẽ giải tỏa được lực lượng để cứu Buôn Mê Thuột. Chìa khóa mọi cái nằm ở Ban Mê Thuột…. Cuối cùng Thiệu còn ra lệnh cho mọi người phải kín, không được nói cho ai biết kế hoạch mật này, nhất là không được nói với người Mỹ, họ có cơ hội để giúp ta, họ không làm, họ đã phản bội ta!

    Ở Cam Ranh, Phú cố tình trình bày tình hình với chiến hữu cũ. Ông ta nói với Thiệu: Lực lượng địch gồm bốn sư đoàn nay đang tỏa khắp vùng từ Pleiku đến Ban Mê Thuột. Mọi đường đi ra bờ biển đều bị cắt. Với lực lượng ông ta có trong tay, ông chỉ giữ được Tây Nguyên trong một, hai tháng với điều kiện được không quân yểm trợ tối đa, tiếp tế bằng không vận đầy đủ nhu cầu về vật liệu, vũ khí, đạn dược, bổ sung quân số đủ bù số thiệt hại nặng vừa qua.

    Nghe những ý kiến ấy Thiệu tối mắt, như nằm trong mộng. Sau đó, ông ta nhìn Phú và lắc đầu: Không có gì hết, không có người, không có thiết bị để cung cấp cho anh. Quân đội đang bị phân tán một cách nguy hiểm ra khắp đất nước, lực lượng dự trữ cần được đưa về giữ những vùng cần bảo vệ. Không có phương tiện gì để tiếp viện cho việc bảo vệ Kontum và Pleiku cho nên phải rút khỏi hai tỉnh ấy, để bảo toàn lực lượng, lấy quân đưa về giữ đồng bằng ven biển, tiếp tế thuận lợi hơn và từ đó phản công lấy lại Ban Mê Thuột.

    Còn tướng Viên, vì sao không nêu ra những thiếu sót trong lập luận sai lầm của Thiệu? Dù sao, Viên cũng đánh một đòn hiểm vào kế hoạch rút chạy khi ông ta chọn con đường 7B mà chưa hiểu rõ đường ấy có còn đi được hay không. Đường ấy chắc chắn đã đưa quân của Phú đến chỗ bị tiêu diệt. Hội nghị Cam Ranh vừa họp xong thì sĩ quan tham mưu của Phú lại họp để làm kế hoạch rút lui.”
    [7]

    Phó Thủ Tướng Nguyễn Lưu Viên:
    “Một ngày sau khi bỏ Pleiku, có nhóm Hội đồng Nội các […] Tổng trưởng Ngô Khắc Tỉnh dơ tay lên, nói: ‘Thưa Thủ tướng, tôi xin Thủ tướng một faveur, dầu sao, chúng tôi cũng là nhân viên Hội đồng Nội các, bà xã tôi vừa nghe tin Pleiku mất trên đài BBC và VOA, mới nói lại cho tôi biết. Vậy xin Thủ tướng – nếu có tin gì – thông báo chúng tôi, chớ không kỳ quá!’ Lúc đó. trên bàn chủ tọa, Thủ tướng Khiêm xoay qua tôi ngồi bên phiá trái, nói nhỏ: ‘Moa cũng vậy! [sic]. Tôi ngạc nhiên trả lời, ‘Bộ nói giả ngộ hay sao? anh là Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng, Ðại tướng bốn sao mà!’ Ông Khiêm gật đầu: ‘Thật chớ!’ (nguyên văn).”[8]

    Như trên cho thấy theo lời Tướng Trưởng, ngoài Tổng Thống Thiệu còn có sự hiện diện của Thủ Tướng Khiêm, Tướng Viên, Tướng Trưởng và Tướng Phú trong phiên họp. Hai vị Tướng Phú và Tướng Trưởng đã lên tiếng, còn Đại Tướng Viên thì có tường thuật buổi họp này trong cuốn The Final Collapse, sách phát hành năm 1983 (sẽ bàn chi tiết sau, nhưng xin trích đọan bàn về vụ triệt thoái Vùng II).

    Trong cuốn “The Final Collapse”, Chương 6: Thảm Bại ở Cao Nguyên, tác giả Cao Văn Viên viết:

    “Sau khi tướng Phú chấm dứt tường trình của ông, tổng thống Thiệu chỉ hỏi một câu quan trọng nhất: ‘Tướng Phú có thể nào chiếm lại được Ban Mê Thuột không?’ Như mọi người có thể tiên đoán câu trả lời của tướng Phú: câu trả lời của tướng Phú không xác định và cũng không phủ định, ông chỉ xin tổng thống Thiệu thêm quân tiếp viện […] “Nhiệm vụ của quân đoàn II là phối trí lại các đơn vị cơ hữu của quân đoàn để chiếm lại Ban Mê Thuột. Và đó là lệnh của tổng thống.” […] “Di chuyển một đoàn quân cấp quân đoàn kèm theo quân cụ nặng và quân xa, trên một đoạn đường dài 250 cây số của rừng núi miền cao nguyên là một công tác vô cùng nguy hiểm.”[…] “Chuẩn tướng Tất được chỉ định làm tư lệnh cuộc rút quân từ Kontum-Pleiku về Tuy Hòa theo liên tỉnh lộ 7B.”[9]

    Cuộc triệt thoái thất bại, phía Bộ TTM qui trách nhiệm là do Tướng Phú. Đại tá Khôi TTM: “Chiều tối ngày 14 tháng 3, về đến Pleiku hơi trễ, tướng Phú không cần giải thích, đã cho lệnh Quân Đoàn tiến hành cuộc hành quân triệt thoái ngay vào sáng sớm hôm sau.”[10]

    Về phía cựu Thủ Tướng Khiêm thì chưa thấy lên tiếng, vì thế 26 năm sau ngày rút bỏ Pleiku (2001) cựu Phó Thủ Tướng Viên có ý lên tiếng nhằm nhắc nhở…

    Tuy nhiên, nếu chỉ nêu ra các tin tức do phía các tướng lãnh VN lên tiếng thì có thể khó thuyết phục, cho nên để thêm phần khách quan, người viết xin ghi lại các báo cáo của CIA nhằm có thêm thông tin hầu người đọc dễ dàng đưa ra những nhận định khái quát đến vấn đề hơn. Nghĩa là nêu ra tin tức cuả cả 2 phiá Việt và Mỹ về vấn đề rút quân khỏi Pleiku-Kontum 1975. Sau đây xin trích đoạn văn trong tài liệu cuả CIA phổ biến ngày 19.2.2009 (CIA and The Generals) liên quan đến chủ đề (phần lược dịch phiá dưới).

    Người viết bài xin tóm gọn ý chính của phần trích đoạn trên.

    P1: Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho Tướng Phú rút bỏ Pleiku và Kontum… Tướng Phú sẽ cho tái phối trí Bộ Chỉ huy, nhưng sẽ KHÔNG rút quân khỏi Pleiku và Kontum.

    P2: Trong khi Tướng Khang vừa mới nói không biết gì về lênh rút quân, thì Tưóng Quang thừa nhận chuyện rút quân khỏi Pleiku có thể xảy ra. Lý do Tướng Khang nói không biết là vì ngay sáng hôm họp tham mưu với Đại Tướng Viên, không nghe thấy Tướng Viên nói gì. Còn phía ông quyền trưởng phái bộ Lehmann có gặp TT Thiệu lúc 9 giờ sáng ngày hôm đó tại Cam Ranh, nhưng TT Thiệu im lặng không nói gì về đề tài này.

    P3: Theo Polgar suy đoán thì TT Thiệu sẽ không đồng ý với kế hoạch của Tướng Phú là tập trung lực lượng giải cưu Ban Mê Thuôt thay vì rút quân khỏi Pleiku và Kontum.

    P4: Ngày 17 tháng 3 Tướng Viên có trả lời cho Phái Bộ Quân Sự biết việc rút quân đang diễn ra. Đại diện phái bộ, Tướng Smith có hỏi lại là khi gặp mặt Tướng Viên sau ngày 14 tháng 3, là ngày hội nghị Cam Ranh diễn ra, tại sao lại không nói gì. Tướng Viên trả lời là không có chọn lựa nào khác vì TT Thiệu trực tiếp ra lệnh (direct order) không được tiết lộ về quyết định rút quân.

    P5: Đoạn này là phần nhận xét về cung cách lãnh đạo và chỉ huy của TT Thiệu …Ngoàì ra, tài liệu còn có ghi phần nhận xét về phía Thủ Tướng Trần Thiên Khiêm và có câu văn ghi như sau: “Prime Minister Khiêm was equally concerned to find a scapegoat…”

    Thế nhưng, quan điểm của Bộ TTM và của TT Thiệu thì được loan truyền rộng rãi tại hải ngoại (vì nội dung phiên họp theo lệnh của TT Thiệu phải giữ kín đã nêu ra ở phần trên) nên ít người biết đến các diễn biến, lệnh lạc trong phiên họp, cho nên mới có hai luồng dư luận đối nghịch nhau.

    Dựa vào phần trình bày của CIA đối chiếu với những lời trần tình của các Tướng Tư lệnh Vùng nêu trên, người đọc có lẽ đã nhận định được ai là người phải chịu trách nhiệm trong vụ ra lệnh triệt thoái Pleiku-Kontum 1975.


    Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu

    Tuy nhiên, để bổ túc cho câu hỏi nêu ra nơi tiền đề, người viết bài sẽ ghi lại chi tiết phần lên tiếng cuả cựu Đại tướng Cao Văn Viên trong cuốn “The Final Collapse” và nhận xét của tác giả về nguyên nhân khiến VNCH bị sụp đổ để rộng đường dư luân. Đồng thời qua tuyên bố của tướng Westmoreland (tại Nam Cali vào tháng 9, 1995), vì mục tiêu chiến lược của Mỹ, nên Ông ta không được tiến quân ra Bắc, không được phá đường mòn HCM(!) Vậy đâu là mục tiêu chiến lược của Mỹ khi đem quân vào Việt Nam, xin đọc bài viết tiếp theo sẽ rõ.[11]

    Đào Văn / Nguồn - DCVOnline

    [1] “CIA and the Generals”, sách dầy 245 trang Cơ quan CIA giải mật phổ biến năm 2009. Để khỏi mất thì giờ download, xin vô đây: “CIA and the Generals” mở coi ngay mà không cần download. Bản chính tại trang web CIA: CIA and the Generals (13.2 MB PDF). Nếu muốn tìm kiếm tài liệu từ trang web chính cuả CIA thì vô link: http://www.foia.cia.gov/, rồi ghi tên cuốn sách, tên tài liệu, hoặc tên các nhân vật từng một thời lãnh đạo muốn tìm… Trường hợp không biết tên sách hay tài liệu, thì ghi chữ Vietnam war thời sẽ có cả ngàn tài liệu về chiến tranh VN sẽ hiện ra.

    [2] Trích trong: Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên – Pierre Darcourt, Chương 23. Nguyên tác: “Vietnam, Qu’as Tu Fait De Tes Fils”, xuất bản 11-1975. ĐT Dương Hiếu Nghiã dịch 1996 có tên là “Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên”.

    [3] Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên. 27 chương, nguyên tác “Vietnam, Qu’as Tu Fait De Tes Fils”, xuất bản 11-1975. ĐT Dương Hiếu Nghiã dịch.

    [4] TuongPhamVanPhu_NhungNgayCuoiCung (Hon Viet UK)

    [5] Vì sao tôi rút bỏ Quân Đoàn I (do Lê Bá Chư ghi chép – Lịch Sử Ngàn Người Viết – Trích từ Giai Phẩm Xuân SaiGon Nhỏ 2005).

    [6] Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên, Pierre Darcourt, Chương 5.

    [7] The Decent Interval” ( Những tháng đầy biến động cuối cùng…VN).

    [8] Mạn đàm với Phó Thủ Tướng Nguyễn Lưu Viên – Lâm Lễ Trinh

    [9] The Final Collapse, Gen Cao Van Vien -Bản dịch: Những Ngày Cuối của VNCH – The Final Collapse

    [10] Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên, P.Darcourt, Chg 5

    [11] Nguyên do chính khiến VNCH bị sụp đổ (theo The Pentagon Paper 2011… và Ghi chú: Ngày 30 tháng 4 năm 2013 ông cựu TT Trần Thiện Khiêm có xuất hiện trên TV San Jose (video clip TTK-1, TTK-2 ) nhưng không nghe thấy nói đến vấn đề rút quân khỏi Pleiku-Kontum 1975).


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X