Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyện hai tiểu bang Texas và California

Collapse
X

Chuyện hai tiểu bang Texas và California

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyện hai tiểu bang Texas và California

    Chuyện hai tiểu bang Texas và California- Tường Thuật Đặc Biệt của tạp chí “The Economist” (Kỳ 1)
    Alexandra Suich Bass
    ♦ Chuyển ngữ: Lê Tất Đạt ♦

    Lời Toà Soạn: Tạp chí “The Economist”, số ra ngày 22 tháng 6 năm 2019, có chủ đề: “Texafornia, A glimpse into America’s future” (Texafornia, Nhìn Lướt Tương Lai Mỹ Quốc). Texafornia là tên ghép của hai tiểu bang Texas và California. Bài viết chính, “The tale of two states” của Alexandra Suich Bass, thông tín viên kỳ cựu của tờ báo, là một bản tường thuật đặc biệt, khảo sát tường tận mọi mặt sinh hoạt, từ kinh tế, chính trị, nhập cư, cho đến giáo dục công lập, môi trường, an sinh xã hội, vân vân của California và Texas và từ đó bà cho rằng chúng ta có thể tiên đoán tương lai của nước Mỹ qua hai tiểu bang điển hình này. Da Màu trân trọng giới thiệu toàn bộ bài viết công phu này, do dịch giả Lê Tất Đạt chuyển ngữ, cũng công phu không kém. Vì bài khá dài, chúng tôi sẽ lần lượt cho đi trong ba kỳ. Mời quý độc giả đón đọc.
    California và Texas hoàn toàn khác nhau trong cách nhìn về tương lai nước Mỹ, Alexandra Suich Bass giải thích. Tầm nhìn nào có hiệu quả hơn?

    Tại Texas, một kẻ thù bất ngờ thu hút được rất nhiều sự chú ý. Trong một quảng cáo truyền hình cho phó thống đốc phát sóng năm ngoái, Dan Patrick, ứng cử viên đảng Cộng Hòa thắng cử, đã nhìn vào ống kính và cảnh cáo về một mối hiểm nguy nghiêm trọng. "Sự thật là, đảng Dân Chủ muốn biến Texas thành California," ông nói. "Chà, tôi sẽ không để điều đó xảy ra đâu. Còn bạn thì sao?” Cùng mối quan tâm có Greg Abbott, thống đốc đảng Cộng Hòa Texas. Ông tiên đoán rằng quy định quá mức có thể biến "giấc mơ Texas thành cơn ác mộng California". "Đừng biến Texas của tôi thành California" đã trở thành một tiếng kêu hợp quần cho những người Cộng Hòa ở Tiểu Bang Ngôi Sao Đơn Độc (The Lone Star State). Bạn thậm chí có thể mua nhãn dán vào cản xe.

    Một vài con số nói lên sự ganh đua không thể tránh khỏi giữa hai tiểu bang. California, với 40 triệu dân và Texas, với 29 triệu, là những tiểu bang có dân số đông nhất, với hơn một phần năm người Mỹ tuyên bố lấy đó làm quê hương. Họ cũng có nền kinh tế lớn nhất. Nếu sắp họ vào hàng các quốc gia, họ sẽ là nước lớn thứ năm và thứ mười trên thế giới (xem biểu đồ trên), với khoảng 3.000 tỷ Mỹ kim và 1.800 tỷ Mỹ kim tổng sản lượng nội địa theo thứ tự tương ứng.

    Texas là nhà xuất cảng lớn nhất của đất nước và California khẳng định vị trí số hai. Trong 20 năm qua, gần một phần ba việc làm của người Mỹ là do hai tiểu bang này tạo ra. Kết hợp lại, họ chiếm một phần tư tổng sản lượng nội địa của Mỹ. Họ giáo dục gần một phần tư trẻ em Mỹ, vì vậy đầu tư của họ và cách họ điều hành ngành giáo dục công lập ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Cũng vậy, cả hai tiểu bang đang phát triển mạnh. Từ năm 2010 đến 2018, hai trong số các khu vực đô thị phát triển nhanh nhất ở Mỹ là ở Texas: Greater Dallas và Houston, mỗi khu vực có thêm hơn 1 triệu người. Nhà nước có một ngành kỹ nghệ dầu khí mạnh mẽ và đã thành công trong việc đa dạng hóa nền kinh tế. California tận hưởng nhiều thành quả của sự bùng nổ kỹ thuật, thị trường chứng khoán đang lên và một số trường đại học hạng nhất của Mỹ.

    Một quốc gia phân rẽ

    Nhưng hai tiểu bang có ý nghĩa quan trọng không kém vì tầm nhìn và mô hình chính quyền đối lập mà họ đang chủ trương. Thật vậy, sự ganh đua của họ thường là sự thể hiện của những dị biệt này. California là nơi đưa ra tiêu chuẩn cho việc thử nghiệm tiến bộ trên toàn quốc, các chính sách tiên phong để đối phó với biến đổi khí hậu, quyền của người đồng tính luyến ái, miễn tội phạm dùng ma túy, trả lương cho nhân công nghỉ làm để chăm sóc người bệnh trong gia đình, kể cả dân di trú và nhiều nữa, v.v. Kể từ khi Donald Trump nhậm chức, California đã trở thành một tiểu bang đối kháng, kiện chính phủ liên bang khoảng 50 lần. Đây là tiểu bang xanh lớn nhất nước Mỹ, nơi mà tỷ lệ của đảng Cộng Hòa đang ở mức thấp trong lịch sử và đảng Dân Chủ kiểm soát cả ba ngành của chính phủ. Mô hình của nó có thể được tóm tắt là thuế cao, dịch vụ cao và quy định cao. California chủ trương một vai trò mạnh mẽ cho chính phủ và dựa rất nhiều vào cư dân giàu có thanh thế của mình để tài trợ cho mạng lưới an toàn xã hội.

    Texas, ngược lại, từ bao thập niên qua là bảo thủ xã hội. Mặc dù đảng Dân Chủ đã đạt được những thành tựu trong cơ quan lập pháp tiểu bang năm 2018, nhưng không có đảng Dân Chủ nào được bầu vào tiểu bang này trong hơn 25 năm. Mô hình của nó là thuế thấp, dịch vụ thấp và quy định thấp. "Sam Houston, người từng là tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Texas vào năm 1836, đã mô tả triết lý thoải mái, không nặng nề thủ tục của nhà nước (Light-touch philosophy). Nghiêm chỉnh tránh sự quá độ của chính phủ, cơ quan lập pháp chỉ họp hai năm một lần. Năm 2017, Texas xếp hạng thứ 49 trong 50 tiểu bang về số tiền nhà nước tiêu cho mỗi công dân, khoảng 3.925 đô la mỗi người, 52% thấp hơn so với mức trung bình quốc gia và 68% so với California.

    Về mặt dân cư, cả hai tiểu bang đều đang sống trong một nước Mỹ của tương lai. Cư dân không phải da trắng trong hai tiểu bang đã bắt đầu nhiều hơn người da trắng của họ từ lâu; California đã trở thành một tiểu bang "đa số da màu" năm 2000, Texas vào năm 2005. Ngày nay, cả hai đều có khoảng 40% dân cư gốc Tây Ban Nha, nhiều hơn gấp đôi đối với tỷ lệ quốc gia. Với dân số phát triển nhanh, trẻ và đa dạng về sắc tộc, California và Texas ngày nay trông như thế nào thì Mỹ quốc sẽ giống vậy vào năm 2050. Theo Stephen Klineberg, giáo sư tại Đại học Rice ở Houston, "các tiểu bang như California và Texas là nơi mà tương lai Mỹ quốc sẽ như vậy."

    Cả hai tiểu bang đều có những nhược điểm. "Câu hỏi quan trọng là đối với California, liệu tiểu bang này có thể tiếp tục chi tiêu rộng rãi đến đâu nữa và Texas tiếp tục cắt giảm chi tiêu đến chừng nào," Ken Miller thuộc Claremont McKenna College nói. Sự dị biệt của họ có thể được nhìn thấy theo cung cách ấn tượng và tinh tế. Để tài trợ cho hoạt động của mình, California áp đặt những loại thuế thu nhập cao nhất ở Mỹ. Ngược lại, hiến pháp của Texas cấm thuế thu nhập của tiểu bang. Nghiệp đoàn là một lực lượng hùng mạnh trong chính trường và công xưởng ở California, nhưng Texas là nơi được gọi là tiểu bang của "quyền-được-làm", nghĩa là nhân viên không cần phải thuộc về một nghiệp đoàn, vì vậy cơ sở hạ tầng như vậy là yếu.

    Tiểu bang lớn nhà nước-lớn

    California có lẽ là tiểu bang có những quy luật chặt chẽ nhất về môi sinh của đất nước, trong lúc đó Texas khai thác kỹ nghệ dầu hỏa và khí đốt và xem thiên nhiên như một cái gì được chinh phục. Nó đặt để những hạn chế ở mức tối thiểu việc giữ động vật lạ nguy hiểm làm thú nuôi trong nhà, đó là lý do tại sao người ta tin số cọp bị bắt giữ ở Texas còn nhiều hơn cọp hoang dã ở Ấn Độ.

    Các nhà lãnh đạo của họ biểu hiện triết lý bất đồng của hai tiểu bang. Thống đốc California, ông Gavin Newsom, nhậm chức vào tháng 1, là cựu thị trưởng San Francisco, nổi tiếng với việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính vào năm 2004 và gây ra một phong trào xã hội quốc gia. Thống đốc bang Texas, Greg Abbott, là một người xã hội bảo thủ kiên trì, từng giữ chức tổng chưởng lý tiểu bang, người hãnh diện đã kiện chính phủ Obama 31 lần về các chính sách kể cả những điều lệ về vấn đề chăm sóc sức khỏe và môi sinh.

    Đầu năm nay, ông Newsom đã ra lệnh cấm thi hành án tử hình, cùng lúc đó các chính trị gia ở cơ quan lập pháp Texas đang tranh luận về việc có nên bắt đầu cung cấp máy điều hòa không khí cho nhà tù trong mùa hè nóng bỏng – một sự thoải mái đắt đỏ dành cho loài vật, dưới mắt một số người. Từ năm 1976, Texas đã xử tử nhiều tù nhân hơn bất kỳ tiểu bang nào khác ở Hoa Kỳ và chừng 5 lần hơn tiểu bang đứng thứ nhì là Virginia.
    Bản chất độc lập của họ có thể một phần được giải thích bởi lịch sử. Nói một cách dễ hiểu, người Texas kỷ niệm 1836 là năm thành lập, khi tiểu bang dành được độc lập từ tay Mexico sau cuộc nổi dậy vũ trang, không phải năm 1845, khi Texas chính thức trở thành một tiểu bang của nước Mỹ. Vào thời điểm đó, tiểu bang sở hữu nô lệ Texas đã nhận được sự chào đón không mấy nồng nhiệt khi họ gia nhập vào quốc gia, điều này gây ra lo âu về sự cân bằng giữa các tiểu bang cho phép nuôi nô lệ và các tiểu bang cấm sở hữu nô lệ. California, vốn là một phần của Mexico trước khi tiểu bang này gia nhập Mỹ vào năm 1850, không bao giờ được phép sở hữu nô lệ, điều đó có nghĩa là Cali được chào đón nhiệt thành hơn. Kinh nghiệm này định hình các thái độ chính trị của họ. Khoảng cách xa xôi của Cali từ Washington, DC, đã làm nhiên liệu nuôi giữ được khả năng thử nghiệm của họ.

    Cả hai tiểu bang từng ủng hộ cho đảng chính trị khác. Đảng Cộng Hòa giành được California trong gần như mọi cuộc bầu cử tổng thống từ năm 1952 đến 1988, và Ronald Reagan giữ chức thống đốc trước khi ông trở thành tổng thống. Chính trị của tiểu bang đã lệch hướng để đáp ứng với dân số nhập cư ngày càng tăng, những người đã gặp rắc rối bởi những lời lẽ và chính sách không khoan dung của đảng Cộng Hòa. Texas từng là tiểu bang với đảng Dân Chủ mạnh mẽ và đã sản xuất Lyndon B. Johnson, người trở thành tổng thống sau khi John F. Kennedy bị sát hại ở Dallas. Di sản của ông Johnson bao gồm việc khởi động nhiều chương trình mà các chính trị gia ngày nay khinh miệt, bao gồm cả cuộc chiến chống nghèo đói và chính sách chăm sóc sức khỏe được liên bang tài trợ dành cho người nghèo và người già. Cam kết của ông dành cho các dịch vụ xã hội và nhân quyền đã khiến giúp tiểu bang của ông và miền nam rơi vào tay Cộng Hòa.

    Người Mỹ và người nhập cư hằng nhiều thập niên đã đi lại trong cả hai tiểu bang để gầy dựng tương lai không bị truyền thống cản trở. "Tam giác Texas", được hình thành bởi bốn thành phố lớn nhất là Austin, Dallas, Houston và San Antonio, chiếm 3/4 dân số của bang và chiếm 82% tổng sản lượng nội địa của nó.

    Tiểu bang lớn nhà nước-nhỏ

    Mối đe dọa Texas trở thành California, như giới lãnh đạo của Tiểu Bang Ngôi Sao Đơn Độc lo sợ là quá đáng. Tuy nhiên, nó đặt ra câu hỏi Mỹ quốc sẽ xoay theo cực nào─tả khuynh tiến bộ đại diện bởi California hoặc hữu khuynh đại diện bởi Texas. "Sự kiện Mỹ có thể bao gồm hai lực lượng quyết đoán, tương phản nhau như Texas và California là một minh chứng cho sự năng động chính trị của chúng ta, nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy rằng Mỹ đang bị buộc phải đưa ra lựa chọn giữa hai mô hình mà hai tiểu bang này biểu hiện," Wright viết trong cuốn sách "God Save Texas". "Dưới thời chính quyền Trump, Texas rõ ràng là mô hình chiến thắng."

    Điều đó không thể giữ mãi mãi. Texas đã thay đổi. "Người ngoài cuộc nghĩ rằng Austin là một bong bóng màu xanh và phần còn lại của Texas là cỏ dại", Ann Beeson thuộc Trung Tâm Các Chính Sách Công Ưu Tiên (Center for Public Policy Priorites), một cơ quan nghiên cứu tả khuynh đã có nhận xét. "Mọi người có một sự hiểu lầm lớn lao về sự đồ sộ, tiến bộ và đa dạng đến mức nào của các đô thị của chúng ta."

    California cũng không nên bị xem thường vì tiểu bang này thường xuyên tạo ra những luồng gió chính trị thổi lốc qua khắp đất nước. Nó đã kinh qua một phản ứng chống thuế dữ dội trong những năm 1970 và một nỗ lực chống người nhập cư vào những năm 1990, cả hai đều lan rộng ra toàn quốc. Nó đã hợp thức hóa việc phá thai 6 năm trước Roe v Wade, một phán quyết lịch sử của Tòa án Tối cao, trong một dự luật do Reagan ký khi ông là thống đốc. "Rất nhiều những gì chúng ta, người dân cư trú khao khát đều có ở California," Austin Beutner, một cựu doanh nhân và Học Khu Trưởng Khu Học Chính Los Angeles nói. "Luật pháp đi từ đông sang tây. Phẩm giá đi từ tây sang đông. "

    Phần lớn những thành công trong tương lai của nước Mỹ dựa vào thành công của California và Texas. Tường thuật đặc biệt này sẽ xem xét chi tiết về cách các tiểu bang điều hành các lãnh vực kinh doanh, thuế khóa, giáo dục công cộng, phúc lợi xã hội, môi trường và chính sách đối với người nhập cư. Nó sẽ đưa ra câu hỏi tiểu bang nào có khả năng chứng minh hiệu quả hơn về lâu dài. "Có 50 phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ và bạn có thể xem xét thử nghiệm ở California và Texas", Ross Perot Junior, một doanh nhân thành công người Texas nói. "Đó là cách của người Mỹ."

    THƯƠNG NGHIỆP, THUẾ KHÓA VÀ ĐIỀU LUẬT

    Nhiều người bỏ California dọn về Texas
    “Tất cả mọi người ở đây đều từ California mà đến. Có phải họ đang đuổi các bạn đi không?” Đó là câu hỏi tò mò của một viên chức làm việc tại Sở An Ninh Công Cộng ở Plano, gần Dallas. Trong tuần trước, cô đã giúp 20 người từ California nộp đơn xin bằng lái xe ở Texas. Những người theo dõi diễn tiến giữa hai tiểu bang không cần phải tìm kiếm đâu xa để tính điểm thắng cho Texas trong cuộc tranh đua này. Trên đường đến tòa nhà Quốc hội ở Austin để phỏng vấn Thống đốc Greg Abbott, phóng viên của bài tường thuật này phát hiện ra rằng tài xế của cô gần đây đã dời từ miền nam California để bắt đầu tạo dựng gia đình ở một thành phố giá cả phải chăng hơn.

    Từ năm 2007 đến 2016, có 1 triệu người, tương đương 2,5% dân số tiểu bang, bỏ California đi đến một tiểu bang khác. Texas là điểm đến phổ biến nhất, thu hút hơn một phần tư trong số đó. Nhiều người Mỹ đã rời khỏi California hơn là đến đây hàng năm kể từ năm 1990, mặc dù người nhập cư vẫn đến từ nước ngoài.

    Các công ty cũng đang dời đi nơi khác. Năm ngoái McKesson, một công ty cung ứng y tế và Core-Mark, nhà cung cấp cho các cửa hàng tiện lợi, đã chuyển trụ sở từ California sang Texas, cũng như Jamba Juice, một công ty sinh tố. Nhiều công ty ở California cũng đang tạo thêm việc làm bên ngoài “Tiểu Bang Vàng” (Golden State). Charles Schwab, một công ty môi giới tài chính có trụ sở tại San Francisco, nhận được hơn 6 triệu đô la ưu đãi từ Texas, và vào cuối năm nay sẽ có nhiều nhân viên ở đó hơn ở California.

    Điều gì giải thích cho tình trạng giao thông một chiều này? Có bốn lý do về sự yếu thế của California. Thứ nhất, nó đã trở nên quá đắt đỏ, đặc biệt là nhà ở. “Nếu có một yếu tố rủi ro ở tiểu bang này, thì đó là khả năng trả được nợ,” Thống đốc California, Gavin Newsom nói. “Điều mà chúng tôi tự hào nhất─ về giấc mơ của California, một khái niệm về phong trào xã hội mà chúng tôi xuất cảng trên toàn thế giới─ đang bị nguy kịch. Một phần ba dân California đang trù tính đi khỏi nơi đây vì giá nhà quá cao, theo báo cáo của một cuộc khảo sát gần đây của Viện Chính Sách Công California, một cơ quan nghiên cứu phi lợi nhuận. Hầu hết những người rời California đến Texas có lợi tức ít hơn 50.000 đô la một năm và chỉ học xong trung học (xem biểu đồ).
    Một ít phong kiến

    Tầng lớp trung lưu cũng đang gặp khó khăn. Ở California, tỷ lệ sở hữu nhà ở mức thấp nhất kể từ những năm 1940 và trong số thấp nhất ở Mỹ, với các gia đình da đen và Tây Ban Nha đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề. Trong mười năm qua, khoảng 75.000 đơn vị nhà mới nhận được giấy phép hàng năm, con số này chỉ đạt đến 40% nhu cầu dự trù. “Với triển vọng của một gia đình trẻ, tìm cách vươn lên thì ở California gần như không thể làm gì được, trừ khi cha mẹ giàu có, đánh cướp ngân hàng hoặc nhận tiền từ công ty của bạn khi công ty bán cổ phần công khai,” ông Joel Kotkin, giáo sư tại Đại học Chapman, tin rằng nhà nước đang trải qua một loại hình phong kiến mới, nơi mà những người cực kỳ giàu càng thịnh vượng và những người khác phải chịu đựng.

    Một biểu tượng cho tiểu bang mà ước mơ một thời dễ đạt được bây giờ vượt ngoài tầm tay là như năm ngoái, ngôi nhà nhỏ làm bối cảnh cho TV show “The Brady Bunch” của thập niên 1970 về một gia đình trung lưu ở California, được bán với con số khổng lồ 3,5 triệu đô la, gần gấp đôi giá đưa ra (asking price). Các công ty bành trướng ở nơi khác thấy rằng nhiều nhân viên rất vui khi được làm việc ở một tiểu bang nơi họ có thể đủ khả năng mua một ngôi nhà và nuôi sống gia đình.

    Các tiểu bang cũng có chế độ thuế rất khác nhau, đó là lý do thứ hai để Texas có được sự ưu ái như một điểm đến. Với tỷ lệ tối đa là 13,3%, California có mức thuế thu nhập cao nhất của tiểu bang đối với những người có lợi tức hàng đầu. Texas không tính thuế thu nhập của tiểu bang. Thay vào đó, họ trả thuế bất động sản cao hơn cho chính quyền địa phương và nhà nước nhận phần lớn tiền từ thuế bán hàng. Do những thay đổi gần đây về mã số thuế, cư dân California và các tiểu bang có thuế cao khác sẽ không còn có thể giảm trừ tất cả các khoản thuế của tiểu bang và địa phương từ các khoản tiền phải trả cho liên bang, điều này có thể làm giảm bớt ý nguyện của người dân muốn ở lại trong tiểu bang.

    Nhìn sâu vào chuyện thuế má

    Thuế các doanh nghiệp cũng đang gia tăng. Trong sáu cuộc bầu cử vừa qua, cử tri California đã chấp nhận hơn 800 loại thuế địa phương đối với các doanh nghiệp và cư dân, theo Larry Kosmont của Kosmont Enterprises, một công ty tư vấn kinh tế. (Điều này không bao gồm quyết định của cử tri về việc tăng thuế suất thu nhập đối với người kiếm tiền cao nhất của tiểu bang.) Thí dụ, năm ngoái cử tri ở San Francisco phê chuẩn Dự Luật C (Proposition C), một đề nghị gây nhiều tranh cãi về các công ty có thuế thương nghiệp trên 50 triệu đô phải tài trợ các dịch vụ cho người vô gia cư. Các công ty có tỷ suất lợi nhuận cao có thể chịu thuế cao hơn, nhưng các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn thì không thể, và đây chính là những công ty có nhiều khả năng tìm kiếm một địa điểm thay thế ở nơi khác.

    Thứ ba, Texas đã theo đuổi một chiến lược phối hợp là thu hút và nuôi dưỡng các doanh nghiệp, trong khi California thì không. Điều này bắt đầu với Rick Perry, người từng là thống đốc Texas từ năm 2000 đến năm 2015. Ông ghé đến California và các tiểu bang khác trong các “chuyến đi săn” để rình bắt thương nghiệp, chạy quảng cáo trên đài phát thanh khuyến khích mọi người và các công ty dời đi, và cống hiến những khuyến khích phụ cấp lớn để tạo việc làm ở Texas. Ông Abbott đã tiếp tục với các chính sách hỗ trợ kinh doanh này và vẫn đang điều hành “một quỹ hỗ trợ dùng tài chánh cho các thương lượng” để khuyến khích các doanh nghiệp đến. Ông là người cổ vũ cho những lợi thế của tiểu bang, bao gồm chi phí thấp, vị trí trung tâm với sân bay tốt và múi giờ thuận tiện để làm kinh doanh với cả hai bờ biển. Ông mô tả Texas là một tiểu bang doanh nghiệp tự do tinh túy.

    California đã không làm đủ để theo đuổi một chiến lược kinh tế của riêng mình. “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã phần nào hơi tự mãn. Chúng tôi như kẻ trình diễn và nói đến một thời vàng son xa xưa,” ông Newsom thú nhận. Quả vậy, khi các thống đốc từ các tiểu bang khác đến California để quảng cáo kêu gọi dời các cơ sở, tiểu bang vẫn không can thiệp để giữ lại các công ty, điều này cho thấy rằng họ thờ ơ, Barry Broome thuộc Hội Đồng Kinh Tế Greater Sacramento nói.

    Thực tế kinh doanh tại California, với quy định nặng nề trên hầu hết các ngành kỹ nghệ, là một bất lợi thứ tư. Ví dụ, tiểu bang có một số trong những đòi hỏi nhiêu khê nhất ở Mỹ về việc cấp giấy nghề nghiệp, ngay cả đối với các công việc có thu nhập thấp và trung bình, chẳng hạn như cắt tỉa cây. “Dễ dàng để làm thương nghiệp ở Cuba hơn là ở San Francisco,” một người chủ một trong những công ty kỹ nghệ tăm tiếng vùng Vịnh có trụ sở ở cả hai nơi nói. CNBC, một đài truyền hình đánh giá các tiểu bang của Mỹ về mặt doanh nghiệp, đã xếp hạng Texas thứ nhất và California thứ 25. California có lực lượng lao động với trình độ học vấn cao hơn và sáng kiến mạnh mẽ hơn, nhưng khi nói đến sự “thân thiện” thương mại thì bị xếp hạng cuối cùng và về chi phí kinh doanh thì nó ở vị trí thứ ba từ cuối đếm lên.

    Chi phí nặng nề của quy định rõ ràng ảnh hưởng đến bất động sản và góp phần vào việc tăng giá nhà cao hơn. Bạn có thể nhận được giấy phép xây dựng trong vòng vài tháng ở Texas, nhưng phải mất nhiều năm ở California, nơi quá trình xem xét môi trường có thể kéo dài và dẫn đến các vụ kiện tốn kém. “Tôi là một nhà bảo vệ môi trường, nhưng những gì xảy ra ở đây thì hoàn toàn điên rồ. Kế hoạch trả tiền hoa hồng làm chậm tất cả mọi thứ,” trùm của một trong những công ty kỹ thuật lớn nhất của Mỹ, có trụ sở tại Thung Lũng Silicon phàn nàn.

    Thủ tục giấy tờ nặng nề gây thiệt hại cho các công ty nhỏ. Nếu bạn có cán cân chi thu cân bằng để cầm cự lâu dài, bạn có thể kiếm tiền, nhưng công ty bạn phải lớn và nhiều vốn để kinh doanh ở California, ông Perot nói. Một công ty nhỏ bé không thể sống sót. Đó là điều trớ trêu của chính trị. Các dự án bất động sản sử dụng các quỹ công hoặc trợ cấp, bao gồm đất có giá thấp hơn giá thị trường, cho nhà ở giá rẻ, phải trả tiền lương “hiện hành” cho nhân công, có thể cộng thêm 15-25% vào tổng chi phí, ông Kosmont nói. Điều này không xảy ra ở Texas.

    Sự bùng nổ kỹ thuật đã tạo ra sự chênh lệch lớn lao về tài sản. Sự tức giận và khăng khăng của người địa phương đòi hỏi giới kinh doanh đóng góp nhiều hơn cho xã hội có thể đưa đến việc thêm thuế và quan liêu. San Francisco là một trong số ít các thành phố ở Mỹ, nơi các “nhà lãnh đạo dân sự của thành phố đã từng công khai chỉ trích thành quả rực rỡ nhất của họ và tạo nhiều cản trở trước các công ty mới,” ông Michael Moritz của Sequoia, một công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu nói.”Việc này làm cho các tiểu bang và quốc gia khác đang trải chiếu hoa mời lại càng hấp dẫn mãnh liệt cho việc doanh thương.” Công cụ mà Thung Lũng Silicon đã sản xuất, như email, hội nghị video và nhắn tin, đưa đên việc có thể điều hành từ xa, từ đó giúp nhiều công ty mở rộng hơn ở các tiểu bang ít tốn kém.

    Cho đến nay, những người giàu có đã chấp nhận việc California tăng thuế mà không ồ ạt bỏ đi. Tiểu bang tự hào có nhiều tài sản, bao gồm một bờ biển dài, một tinh hoa giáo dục toàn cầu, các trường đại học hàng đầu và tập trung chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, tình trạng tài chính dài hạn của nó được cân bằng một cách bấp bênh, bởi vì nó dựa vào một số ít để trả cho một hệ thống lợi ích rộng lớn. Theo Gabe Petek thuộc Văn Phòng Phân Tích Lập Pháp, một giám sát tài chính độc lập, 1% số người nộp thuế hàng đầu chiếm 46% tổng thuế lợi tức cá nhân và 35% doanh thu từ quỹ chung của California.

    Bởi vì thuế cá nhân là nguồn thu nhập chính, sự thịnh vượng của California thay đổi theo hiệu suất của thị trường chứng khoán. Tiểu bang có hệ thống thuế dễ biến động thứ năm của bất kỳ tiểu bang nào của Mỹ, theo Pew Charitable Trust (Texas đứng thứ 21). Chẳng hạn, đợt chào bán công khai ban đầu của Facebook vào năm 2012, một mình đóng góp 1,9 tỷ đô la tiền thuế cho các kho bạc của California. Năm 2016, tiểu bang đã thu được 1 tỷ đô la từ một mã số bưu điện duy nhất ở Palo Alto. Với một số tiền lớn lao từ khu vực tập trung như vậy có thể được chào đón khi phùng thời, gặp lúc thị trường tuột dốc sẽ dễ bị tổn thương. Ngày nay, tiểu bang có khoảng 20 tỷ đô la dự trữ để chống chọi với sự giảm tốc độ sản xuất, nhưng ngay cả một cuộc suy thoái nhẹ cũng sẽ xóa sạch số tiền đó trong vòng một năm, ông Petek nói.

    Texas cũng phải đối phó với biến động kinh tế. Sự phụ thuộc mạnh mẽ vào năng lượng của nó, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng tiểu bang trong mười năm qua, có nghĩa là giá năng lượng toàn cầu có thể thúc đẩy sự thịnh vượng của tiểu bang. Vì hiến pháp của nó cấm thu thuế cá nhân, Texas có vài cách để ổn định doanh thu trong những lúc bất ổn. “Bạn có một chiếc ghế đẩu hai chân─thuế bán hàng và thuế bất động sản─và nếu bạn chỉ có hai chân thì quả là bấp bênh,” phát biểu của Michael Hinojosa, Học Khu Trưởng khu học chánh Dallas, người đã phải đối phó với nhiều sự cắt giảm vào thời kỳ kinh tế tuột dốc lần cuối.

    Cứu đắm

    Để tiếp tục phát triển mạnh, California phải thực hiện các thay đổi, như cung cấp thêm nhà ở giá rẻ, tạo thêm thuế doanh thu từ nhiều nguồn khác nhau và tạo công ăn việc làm được trả lương cao. Tiểu bang dường như đang ở giai đoạn bộc phát, nhưng thắng lợi chỉ cô đọng. Từ năm 2007 đến 2017, Vùng Vịnh chiếm một phần ba số công ăn việc làm mới và đạt mức tăng trưởng việc làm 17%, so với 7% cho phần còn lại của tiểu bang.

    “Nếu California bị chia cắt ra nhiểu bang nhỏ thì chúng ta có bang giàu nhất ở tại Thung Lũng Silicon này và bang nghèo nhất ở trung tâm,” Lenny Mendonca, giám đốc Văn Phòng Phát Triển Doanh Nghiệp và Kinh Tế của California nói. Các khu vực như Thung Lũng Trung Tâm, phía đông San Francisco, đang èo uột. “Chúng ta không có thể là một tiểu bang trù phú nếu có 2 tình trạng giàu nghèo quá chênh lệch,” Michael Tubbs, thị trưởng của Stockton, một thành phố nghèo trong khu vực đó nhận xét. Năm 2008, thành phố này là thủ đô bị phá sản của Mỹ. Ngày nay, nó có sự nổi bật đáng ngờ với số lượng người đi làm lớn nhất, khoảng 30.000 người mất hơn 90 phút đi về mỗi ngày.

    Theo ông Broome, nhà nước cần xây dựng một kế hoạch chiến lược và đầu tư vào một cơ quan phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn để thuyết phục các công ty ở lại. Nói cách khác, California cần áp dụng thái độ và chiến lược ủng hộ doanh nghiệp giống như của Texas. “Chúng tôi kết hợp rất nhiều ý tưởng của Texas,” ông Newsom nói. Trong tương lai, chính quyền của ông sẽ cố gắng khuyến khích các doanh nghiệp trải đều đi nơi khác hoặc mở rộng sang các khu vực giá cả phải chăng hơn trong tiểu bang. Nhưng không rõ ràng rằng một sách lược như vậy sẽ thành công. Chi phí thấp hơn ở những nơi như Thung Lũng Trung Tâm, nhưng ở các tiểu bang khác thậm chí còn thấp hơn nữa.

    Ông Newsom cũng đã yêu cầu nhóm của mình kiểm tra các đòi hỏi cấp phép cho các ngành nghề khác nhau, để California có thể giảm bớt giấy tờ quan liêu. Nhưng phải đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ hơn. “Chưa có một tuần nào trôi qua mà chúng tôi không tham gia vào các cuộc thảo luận cải cách thuế khóa,” ông Newsom tuyên bố. Tuy nhiên, một cuộc tu chính lớn về thuế khóa có thể không khả thi về mặt chính trị. Dự Luật 13 về việc giới hạn tỷ lệ tối đa thuế bất động sản có thể tăng và đó là lý do tại sao nhà nước phải phụ thuộc rất nhiều vào thuế thu nhập cá nhân. Năm 2020 cử tri sẽ quyết định có nên miễn thuế một số tài sản thương mại hay không, điều này có thể dẫn đến việc phải cần thêm hàng tỷ đô la thuế lợi tức. Nhưng dù vậy cũng không thể giải quyết được sự cân bằng tài chính bấp bênh của tiểu bang.

    Ngày nay Texas là nơi thuận lợi để phát triển hơn California, nhưng điều đó có thể thay đổi. Một số công ty lo lắng rằng nhà nước không đầu tư đủ để giữ lợi thế cạnh tranh. Texas đã phát triển mạnh bằng cách thu hút những người Mỹ có tay nghề cao, nhưng họ cũng cần phải tăng cường lực lượng lao động bản xứ.Tom Luce, một luật sư nói “Khu vực tư nhân tạo ra việc làm nhưng khu vực công phải cung cấp cơ sở hạ tầng để cho phép sự tăng trưởng xảy ra,” ông “quan tâm vê việc Texas sẽ đối phó với tương lai” và liệu họ có đào tạo đủ công nhân có trình độ để lấp đầy công việc mà các công ty sẽ tạo ra.

    Nguồn : DaMau.org

    (còn tiếp)

  • #2
    Chuyện hai tiểu bang Texas và California

    Chuyện hai tiểu bang Texas và California- Tường Thuật Đặc Biệt của tạp chí “The Economist” (Kỳ 2)
    Alexandra Suich Bass
    Chuyển ngữ: Lê Tất Đạt

    GIÁO DỤC

    Giáo dục công lập cả California và Texas đều không mang lại kết quả khả quan

    Nhiệm vụ của họ là giáo dục cả thế hệ, nhưng nếu California và Texas được chấm điểm dựa vào thành tích của họ trong lớp học, thì hầu như họ chỉ vừa đủ điểm chấm đỗ. Họ xếp thứ 36 và 41, tương ứng, trong số 51 tiểu bang (bao gồm cả Washington, DC) về kết quả giáo dục, theo Education Week, một tạp chí chuyên về vấn đề giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12. Chỉ 29% học sinh lớp bốn (9-10 tuổi) ở Texas và 31% ở California đọc thông suốt ở cấp lớp của các em, so với 35% trên toàn quốc, theo Đánh Giá Tiến Bộ Giáo Dục Quốc gia, định lượng về thành quả của học sinh. (xem biểu đồ)
    Vì gần một phần tư học sinh trường công lập ở Mỹ được giáo dục ở California và Texas, nên hiệu suất của hai tiểu bang này rất quan trọng đối với tương lai của đất nước. Tuy nhiên, dưới 7% học sinh khó khăn về kinh tế chuẩn bị vào đại học, so với 27% học sinh không bị khó khăn về kinh tế. Những người ghi danh vào trường cao đẳng hoặc đại học cộng đồng ở một trong hai tiểu bang có thể dành nhiều tháng để tham gia các khóa học khắc phục trước khi môn học của họ được tính vào tín chỉ lấy bằng, theo Jim Lanich của Tổ Chức Đối Tác Kết Quả Giáo Dục, một tổ chức tư nhân. Các học sinh ở California kém hơn Texas trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả toán học và khoa học, và các học sinh gốc Tây Ban Nha cũng như người Mỹ gốc Phi châu đều rất tệ.

    Giáo dục là ngành có ngân sách lớn nhất ở cả hai tiểu bang, trị giá 100 tỷ đô la mỗi năm ở California và 50 tỷ đô la ở Texas. Nhưng sự tan vỡ ảo mộng vẫn cứ tiếp diễn. “Giáo dục là một doanh nghiệp lớn nhất ở California. Nó có 6 triệu khách hàng học viên. Vậy mà quá tệ,” David Crane, chủ tịch tổ chức chính trị Govern for California đã than vãn. Một viên chức giáo dục cao cấp ở Texas đã so sánh hiệu suất kém của tiểu bang “như anh chàng đỡ mập nhất. Nó không phù hợp cho con em của chúng ta.” Tại sao hiệu suất lại đáng thất vọng như vậy?

    Cả hai tiểu bang có một nhiệm vụ khó khăn. Khoảng ba phần năm học sinh của họ bị thiệt thòi về kinh tế và một phần năm là song ngữ hoặc vẫn đang học tiếng Anh, khiến nhiệm vụ của họ đặc biệt khó khăn. Nhưng các yếu tố khác cũng đang góp phần. Một là đầu tư. Trong tài khoá 2015-16, California đã chi 11.420 đô la cho mỗi học sinh, 22% nhiều hơn so với Texas nhưng 4% thấp hơn so với mức trung bình quốc gia, theo Trung Tâm Thống Kê Giáo Dục Quốc Gia, theo dõi về chi tiêu. Tài trợ cho giáo dục ở California đã tăng 60% kể từ năm 2010 và ở mức cao nhất trong 30 năm, nhưng do nhu cầu và hoàn cảnh của học sinh, tiểu bang vẫn chưa đầu tư đủ.

    Giá sinh hoạt cao tại California giúp giải thích lý do tại sao gia tăng chi tiêu không mang lại kết quả tốt hơn. Mức lương của giáo viên trung bình ở California là khoảng 79.000 đô la, 50% cao hơn so với ở Texas, nhưng dù vậy cũng không dư dả vì chi phí sinh hoạt quá đắt đỏ. Nhiều giáo viên chật vật không mua được căn nhà, Eric Heins, người điều hành Hiệp Hội Giáo Viên California, một nghiệp đoàn cho biết.

    Tiểu bang Vàng cũng duy trì một hệ thống lợi ích dồi dào hơn cho người nghỉ hưu. Với lương hưu trí và trợ cấp chăm sóc sức khỏe, sự chi tiêu cho các khoản trợ cấp chiếm phần lớn của ngân sách giáo dục. Vào năm 2012, các cử tri ở California đã chấp thuận tăng thuế lợi tức 30%, một phần để tài trợ cho các trường công lập, nhưng tất cả số tiền tài trợ thêm đó đều dành cho người hưu trí và hăm sóc sức khỏe của họ, thay vì cho học sinh hoặc giáo viên lương tháng, ông Crane nói. Các chính trị gia đang đối phó với những chi phí do quyền lợi gia tăng vì sợ phản ứng dữ dội tại các cuộc bầu cử.

    Các nghiệp đoàn giáo viên là một lực lượng chính trị hùng mạnh ở California, mạnh đáng kể hơn so với ở Texas. Các đoàn thể đại diện cho lợi ích các thành viên của họ, chứ không phải cho các học sinh mà họ dạy và họ hạn chế khả năng điều động của khu học chánh. Khi các khu học chánh ở California rơi vào thời kỳ khó khăn, họ thường giữ chân các giáo viên dựa trên thâm niên.

    Chất lượng giáo viên quyết định hiệu suất của học sinh, đặc biệt là những người có nguồn thu nhập thấp. Nhưng ở California, việc sa thải giáo viên kém khả năng thì cam go như việc giải một bài toán tích phân khó nhất. Đây là một trong bốn tiểu bang cho giáo viên vào chính ngạch chỉ sau hai năm dạy học. Ở hầu hết các tiểu bang, bao gồm Texas, việc được vào chính ngạch phải mất từ ba năm trở lên, và thậm chí sau đó, vẫn dễ dàng hơn khi phải sa thải nhân viên làm việc kém hiệu quả. Thẩm quyền có giới hạn của các khu học chánh ghi rõ trong bộ luật giáo dục của California, với 2.590 trang, dài hơn gấp đôi so với Kinh Thánh.

    Cuộc khủng hoảng tài chính cũng làm tổn thương hiệu suất giáo dục ở cả hai tiểu bang. Ở Texas, trình độ toán của những học sinh lớp tám (tuổi từ 13 đến 14) đã giảm kể từ năm 2011, khi cơ quan lập pháp tuyên bố sẽ cắt giảm 5,4 tỷ đô la từ giáo dục trong hai năm. Các nhà lập pháp ở Texas đặc biệt rất keo kiệt. Các khu học chánh đã kiện tiểu bang nhiều lần vì thiếu tiền và thường được thắng thế. “Nhiều tiền hơn không nhất thiết giải quyết mọi vấn đề, nhưng không có tiền có thể khiến mọi việc trở nên cực kỳ khó khăn,” Todd Williams, cựu giám đốc của Goldman Sachs, hiện là người ủng hộ giáo dục ở Dallas nói. Sandy Kress, một luật sư cho biết, cũng đã có một khuynh hướng giảm bớt việc khảo thí và trách nhiệm ở cấp tiểu bang, điều này có nghĩa là các trường học kém ở Bang Ngôi Sao Đơn Độc cũng gánh ít hậu quả hơn. (California cũng đã chống lại việc khảo thí.)

    Nhưng mặc dù có ít tiền hơn để phân phối cho ngành giáo dục ở Texas, nhưng mức độ thử nghiệm lại lớn hơn nhiều. Một ví dụ là một chương trình do Khu Học Chánh Độc Lập Dallas (không ở trong nghiệp đoàn) đã hủy bỏ tiền lương dựa trên thâm niên để tưởng thưởng cho các giáo viên có thành tích cao nhất, do vậy một số người kiếm được 80.000-90.000 đô la một năm. Những giáo viên tinh hoa đồng ý giảng dạy trong một trường đòi hỏi nhiều nhu cầu cao sẽ được tăng lương thêm 8.000-10.000 đô la một năm. Khu học chánh, với gần 90% học sinh có lợi tức thấp, đã tăng thành quả tốt trong tất cả các lớp và môn học lên 13%. “Thực tế là việc không phải đối phó với một hợp đồng của nghiệp đoàn đã mang lại cho chúng tôi một lợi thế lớn trong việc nhanh nhẹn và sáng tạo,” ông Michael Hinojosa, Học Khu Trưởng giải thích

    Texas muốn 60% học sinh tốt nghiệp trung học của mình nhận được chứng chỉ, văn bằng 2 hoặc 4 năm vào năm 2030, nhưng hiện tại chưa có đến một nửa con số đạt được mục tiêu đó. California đạt điểm cao hơn về phẩm chất của các trường đại học, tỷ lệ sinh viên theo học và đầu tư. Nó được cho là có hệ thống đại học công lập xuất sắc nhất trong cả nước, và từ năm 2008 đến 2018 đã tăng tài trợ giáo dục đại học cho mỗi học sinh thêm 3%, trong khi Texas cắt giảm 23%.

    Vấn đề Sơ Bộ

    Cả hai tiểu bang đang cố gắng nâng cao năng lực, như việc bỏ thêm tiền vào giáo dục vườn trẻ. Điều này có thể tạo ra sự khác biệt cho những học sinh thuộc gia đình có thu nhập thấp và con em vào trường mẫu giáo thường là trễ so với các bạn đồng trang lứa. Các tiểu bang cũng nên đầu tư nhiều hơn vào các lớp dự bị đại học để học sinh trung học có thể tốt nghiệp với các tín chỉ đại học hoặc kỹ thuật trong tay. Những người trẻ tuổi bắt đầu theo các lớp đại học khi ở bậc trung học thường có nhiều triển vọng ghi danh vào đại học và tốt nghiệp với số nợ ít hơn, Daniel King, Học Khu Trưởng Khu Học Chánh Pharr San Juan Alamo ở Rio Grande Valley, Texas cho biết. Các dịch vụ dự bị đại học mang lại hiệu quả sâu rộng hơn cho các sinh viên có thu nhập thấp và thuộc sắc dân thiểu số, những sinh viên mà dịch vụ “thay đổi cách họ nhìn nhận bản thân và mục tiêu họ có thể đạt được,” ông nói.

    Một báo cáo gần đây về tài chính của trường công do chính phủ Texas ủy nhiệm thực hiện đã nhấn mạnh rằng lý do nên đầu tư hơn nữa vào sinh viên là hiệu quả kinh tế. Báo cáo cho thấy rằng mỗi học sinh tốt nghiệp trung học không có chứng chỉ học nghề hoặc kỹ thuật, hoặc văn bằng hai hoặc bốn năm từ một trường cao đẳng hoặc đại học cộng đồng, sẽ bỏ lỡ 1 triệu đô la thu nhập trọn đời. Điều này có nghĩa một khoá tốt nghiệp cho mỗi niên học sẽ mất khoảng 200 tỷ đô la thu nhập trọn đời, báo cáo cho biết. Những người khác nêu ra rằng bắt giữ tù nhân tốn kém hơn nhiều so với việc cho họ đi học, và xác suất bị giam giữ gia tăng khi cá nhân đó bỏ học hoặc học kém ở trường.

    Nhìn chung, Texas dường như có khả năng vượt lên trước California vì hai lý do. Thứ nhất, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và dân sự lo ngại về việc đầu tư không đầy đủ vào sinh viên, điều này làm giảm hệ thống công nhân lành nghề đảm đương công việc mà các công ty đang tạo ra. “Chúng ta sẽ không có một lực lượng nhân công nếu không đầu tư vào những khu học chánh có học sinh nghèo và là dân thiểu số,” cựu bộ trưởng giáo dục dưới thời Tổng thống George Bush nói. Các chính trị gia Texas cuối cùng có xu hướng làm theo những gì các doanh nhân muốn. Vào tháng Năm, cơ quan lập pháp tiểu bang đã phê duyệt dự luật 6,5 tỷ đô la cho giáo dục công lập, cung cấp kinh phí cho các chính sách hợp lý, như mở rộng các chương trình trả lương cho giáo viên giỏi và cho các khu học chánh có trẻ em có nhu cầu hỗ trợ cao được gia hạn năm học. Nhưng vẫn còn cần thêm những tài trợ khác.

    Thứ hai, lợi ích chính trị đảng phái sẽ xoáy sự chú ý vào giáo dục công lập. Lần đầu tiên sau nhiều thập niên Texas đang chứng kiến sự cạnh tranh chính trị gia tăng hơn hẳn. Một số đảng viên Cộng Hòa tin rằng, nếu không đầu tư và cải thiện nhiều hơn cho giáo dục công lập, cử tri có thể bầu cho đảng Dân Chủ. Nếu kết quả kiểm tra kém không khiến họ thay đổi cách tiếp cận, thì tính toán về chính trị sẽ làm họ thay đổi.

    AN SINH XÃ HỘI
    Bấp bênh xã hội

    Cả hai tiểu bang không đáp ứng được nhu cầu của những công dân nghèo túng nhất của họ, nhưng qua những thiếu sót khác nhau

    Các nhà lãnh đạo Texas tự hào về sự tiết kiệm. Họ cũng tin rằng giày cao bồi là một lựa chọn thời trang hợp pháp và dây kéo dày ống là công cụ để mọi người tự kéo mình lên. Độc giả truy cập vào trang web của bộ giám sát phúc lợi được khuyến khích chia sẻ ý tưởng của họ để tiết kiệm chi phí. Hiến pháp Texas, bất thường, quy định giới hạn chi tiêu cho việc trợ giúp các gia đình nghèo và trẻ em (ở mức 1% ngân sách hàng năm). “Hình như California đo lường sự thành công của mình bằng số người phụ thuộc vào các chương trình của chính phủ,” Thống đốc Greg Abbott châm biếm. “Chúng tôi xác định thành công bằng số người đang có công ăn việc làm.”

    Tỷ lệ nghèo chính thức của California là 13% và Texas 14%, đặt họ ở mức trung bình đối với quốc gia. Tuy nhiên, sau khi tính luôn chi phí sinh hoạt, tỷ lệ nghèo đói của Tiểu Bang Ngôi Sao Đơn Độc là gần 15%, đứng thứ mười. Tiểu Bang Vàng, ở mức 19%, đứng mức cao nhất. Khoảng cách lớn lao giữa 5% người giàu hàng đầu và 20% dưới cùng khiến California trở thành tiểu bang bất bình đẳng thứ hai sau New York, với Texas ở vị trí thứ mười, theo Trung Tâm Nghiên Cứu Ngân Sách và Chính Sách Ưu Tiên (CBPP).

    Tỷ lệ nghèo ở California vẫn cao mặc dù được đầu tư nhiều để chống nạn nghèo đói. Dân số nhiều hơn Texas 38%, nhưng chi tiêu cho vấn đề an sinh xã hội công cộng cao hơn 120% so với Texas. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt ở California cao hơn 40% so với mức trung bình quốc gia, trong khi ở Texas, lại thấp hơn khoảng 9% so với mức trung bình. Nhà ở là thủ phạm chính, chịu trách nhiệm cho khoảng 80% chi phí sinh hoạt cao hơn ở California. Khoảng một trong ba người thuê nhà ở California dành ít nhất một nửa lợi tức kiếm được của họ cho tiền thuê. “Ở California, khó hơn để tự mình trang trải được, nhưng có những hỗ trợ của chính phủ,” Heather Hahn thuộc Viện Đô Thị, một nhóm chuyên gia nghiên cứu giải thích. “Tại Texas, bạn có cơ hội khả quan hơn để trả tiền thuê vì sinh hoạt rẻ hơn, nhưng nếu bạn không thể trả thì ở đó ít có mạng lưới an toàn hơn cho bạn.”

    Cả hai bang đều chấp nhận các quỹ liên bang cho các chương trình phúc lợi xã hội, bao gồm Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung, cung cấp tem thực phẩm cho người nghèo. “Texas thì thực dụng,” Ken Miller thuộc Đại Học Claremont McKenna giải thích. “Tôi sẵn sàng chấp nhận một đô la nếu chính phủ liên bang muốn cho trường học một đô la, nhưng sẽ không sẵn sàng tuân theo sự ủy thác của chính phủ.” California đi xa hơn, bổ sung nhiều chương trình liên bang bằng tiền của chính mình, trong khi Texas thì không.

    Lưới và võng

    Mạng lưới an toàn của hai tiểu bang khác nhau rõ ràng dưới ba hình thức. Thứ nhất là trợ cấp của liên bang. Ở Texas trợ cấp tiền mặt hầu như không có. Đó là vì chương trình Giúp Đỡ Tạm Thời Cho Các Gia Đình Nghèo, hay TANF, đã cho các tiểu bang khá nhiều tự do trong việc phân phối và chi tiêu nguồn trợ cấp này. Sau cải cách chi tiêu năm 1996, nhiều tiểu bang bắt đầu chuyển tiền TANF vào các chương trình khác hơn là trợ cấp tiền mặt, nhưng Texas đặc biệt năng nổ hơn, chuyển hầu hết các quỹ như vậy sang chương trình mẫu giáo, dịch vụ phúc lợi trẻ em, nỗ lực ngăn ngừa mang thai và nhiều nữa. Ở Texas, chỉ có khoảng 6% tài trợ của TANF dành cho trợ cấp tiền mặt, điều đó có nghĩa là trong năm 2016-17 chỉ có 4% gia đình nghèo có con nhỏ ở Texas nhận được chi phiếu, so với 23% trên toàn quốc và 65% ở California. Mặt khác, California bổ sung rất nhiều cho quỹ tài trợ TANF của liên bang với hàng tỷ đô la và chi tiêu khoảng 40% cho những trợ cấp tiền mặt.

    Sự khác biệt thứ hai giữa các tiểu bang về cách hỗ trợ người nghèo là sự tái phân phối thông qua thuế khóa và lương bổng. Chế độ thuế tiến bộ của California đánh thuế lợi tức cá nhân cao đối với người giàu. California cũng cung cấp một khoản khấu trừ thuế lợi tức tiểu bang, trong năm 2018 đã cung cấp khoảng 400 triệu đô la cho những người nghèo đang làm việc nhưng lợi tức dưới mức ấn định. Đây là một trong những công cụ xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất hiện có và khuyến khích mọi người làm việc. Texas không có chương trình này.

    California cũng tin rằng trả cho người dân nhiều hơn sẽ giúp họ thoát khỏi nghèo khó và đã thúc đẩy nâng mức lương tối thiểu lên 11 đô la một giờ trong năm nay và 15 đô la vào năm 2023. Texas tuân thủ mức lương tối thiểu của liên bang, là 7,25 đô la, và đã chống cự các nỗ lực của nhiều thành phố đòi nâng lương, chẳng hạn như Austin và San Antonio. Điều này tạo ra sự đương đầu lớn hơn giữa các thành phố tự do (muốn các chính sách tiến bộ như lương cao hơn và nghỉ bệnh có lương) với các nền lập pháp bảo thủ hơn (giới hạn tự do của các thành phố muốn tạo ra chính sách của riêng họ). “Sự kiểm soát địa phương từng là một nguyên tắc của chính quyền tiểu bang. Nhưng chúng tôi đã chuyển từ kiểm soát địa phương sang kiểm soát người dân địa phương,” theo ông Evan Smith, người đứng đầu Texas Tribune, một tổ chức thông tin phi lợi nhuận.

    Sự khác biệt thứ ba trong chính sách của hai tiểu bang đối với người nghèo là bảo hiểm sức khỏe. Theo Đạo Luật Bảo Hiểm Sức Khoẻ Giá Rẻ (Affordable Care Act), các tiểu bang có thể mở rộng phạm vi bảo hiểm sức khỏe đến nhiều người nghèo hơn, những người không có bảo hiểm, với chính phủ liên bang chịu 90% phí tổn. California đã làm điều này và tỷ lệ không có bảo hiểm của họ đã giảm từ 17% vào năm 2013 xuống còn 7% vào năm 2017. Texas đã kiện chính phủ liên bang và không chịu nới rộng phần tiền của những người được Medicare chi trả thông qua đạo luật Obamacare. Ngày nay, tỷ lệ không bảo hiểm của họ là hơn 17%, cao nhất trong cả nước. Các chính trị gia Texas đã không tin tưởng chính phủ liên bang luôn gánh chịu một phần lớn như vậy, Mark Jones của Đại học Rice nói. Dù lý do là gì đi nữa, quyết định của Texas đã làm tổn thương người nghèo, những người có thể được quyền hưởng trợ cấp bảo hiểm sức khỏe nếu họ sống ở một tiểu bang khác.

    Tiểu bang nào có sách lược hay hơn trong việc phục vụ công dân? Cả hai đều không giúp tất cả những người cần được giúp. Nghèo đói ở bất cứ đâu cũng đều cảm thấy vô vọng, nhưng ở Texas đặc biệt thê thảm. Tại một phần của thung lũng Rio Grande ở miền nam Texas, một trong những vùng nghèo nhất của đất nước, có hơn 40% trẻ em sống trong nghèo đói. “Có những lỗ hổng lớn trong mạng lưới an toàn xã hội, và nhiều người bị lọt lưới,” Traci Wickett, chủ tịch của United Way of Southern Cameron County, một nhóm phi lợi nhuận hoạt động ở Thung Lũng Rio Grande nói. Gần đó là nhiều khu cư dân giống như khu ổ chuột, nơi người nghèo sống, không có hệ thống dẫn nước và cống rãnh.

    Nếu không có sự can thiệp của tiểu bang, tình trạng nghèo ở California sẽ còn nghiêm trọng hơn. Khoảng 35% trẻ em California sẽ thuộc mức nghèo nếu không có các chương trình mạng lưới an toàn xã hội, so với tỷ lệ thực tế là 21% theo Viện Chính Sách Công California. Trẻ em trong các gia đình đủ điều kiện nhận tem thực phẩm và bảo hiểm y tế cho người nghèo thường sẽ khỏe mạnh hơn và đạt được trình độ học vấn cao hơn với lợi tức nhiều hơn. Những gia đình đủ điều kiện khấu trừ thuế lợi tức có nhiều khả năng cho con vào đại học và kiếm được nhiều tiền hơn. Những kết quả này không chỉ tốt cho gia đình mà còn cho người đóng thuế, bởi vì sẽ có nhiều người đóng thuế hơn, Heather Hoynes thuộc UC Berkeley nói vậy.

    Nhiệm kỳ đầu tiên của Gavin Newsom, thống đốc tiểu bang California, sẽ thử xem California có thể dệt mạng lưới an toàn xã hội lớn hơn và mạnh hơn đến đâu. Ông đang mở rộng tài trợ cho nhiều chương trình, bao gồm trợ cấp gửi nhà trẻ, nhà ở giá rẻ và khấu trừ thuế lợi tức cho người nghèo, và đã tán đồng việc cho tất cả người dân California có bảo hiểm y tế. Bảo hiểm như vậy sẽ tốn 400 tỷ đô la, gấp đôi ngân sách tiểu bang, theo Văn Phòng Phân Tích Lập Pháp, do vậy về phương diện tài chính không thể thực hiện được. Ông Newsom cũng phải vật lộn với tình trạng vô gia cư, vì tiểu bang này chứa khoảng một phần tư số người vô gia cư trên toàn Hoa Kỳ. Thành công trong chức vị thống đốc của ông sẽ được đánh giá bằng việc ông có thể làm nhẹ chi phí nhà ở được chừng nào vì đó là lý do chính gây ra gánh nặng tài chính của cư dân.
    Trong thời kỳ bùng nổ kinh tế như California đang hưởng, việc mở rộng các dịch vụ xã hội mang vẻ hấp dẫn về mặt chính trị. Ví dụ, một số người trong tiểu bang muốn cung cấp dịch vụ bảo hiểm sức khỏe cho người nhập cư nghèo ở mọi lứa tuổi, bất kể tình trạng nhập cư của họ, chi phí khoảng 3 tỷ đô la một năm. Nhưng làm điều này có thể “phá hủy” các khoản chi tiêu tùy ý mà tiểu bang cần dành cho hệ thống đại học, tòa án, công viên và các dịch vụ xã hội khác, David Crane, thành viên Govern for California, một nhóm không thuộc đảng phái, đã vạch ra điều này. Và nhu cầu về các dịch vụ xã hội sẽ tăng lên khi nền kinh tế chùn bước, đó chính là thời điểm mà mức độ thu thuế của tiểu bang xuống thấp.

    Đối với Texas, câu hỏi chính là liệu mô hình dịch vụ xã hội thấp của tiểu bang có sẽ phải thay đổi khi mọi người đòi hỏi nhiều hơn từ chính phủ của họ. Ông Abbott đã lấy sự chống đối Đạo Luật Bảo Hiểm Sức Khoẻ Giá Rẻ và các chính sách khác của thời Obama làm thành trụ cột trong sự nghiệp chính trị của ông. Tuy nhiên, một số đảng viên Cộng Hòa thực dụng nghĩ rằng đó là quyền lợi của tiểu bang và đảng của họ để mở rộng phạm vi bảo hiểm sức khỏe cho người nghèo. Những người không có bảo hiểm y tế cuối cùng phải vào bệnh viện, khiến người nộp thuế phải trả phí tổn. Ed Emmett, một đảng viên Cộng Hòa, từng là thẩm phán của Hạt Harris, bao gồm Houston, đã hỗ trợ việc mở rộng Trợ Cấp Y Tế, bởi vì một phần tư của tất cả các loại thuế bất động sản địa phương đã phải dùng để trang trải chi phí bảo hiểm sức khỏe. “Tại sao người đóng thuế bất động sản ở Hạt Harris phải trả tiền bảo hiểm sức khỏe cho kẻ cùng khốn khi chính phủ liên bang sẽ trả tiền cho họ?” Những người tự do và những cử tri bảo thủ có đầu óc tính toán có thể thúc đẩy Texas tiến tới thay đổi. Theo ông Miller, dịch vụ bảo hiểm sức khỏe có thể trở thành một điểm nóng chính trị, nơi mà mô hình bảo thủ sẽ phải nhường bước.

    (còn tiếp)

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X