Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hội Ngộ Năm Mươi Hai Năm Khoá 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia

Collapse
X

Hội Ngộ Năm Mươi Hai Năm Khoá 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hội Ngộ Năm Mươi Hai Năm Khoá 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia


    Chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên từ thế kỷ trước, hôm nay những ngày cuối tháng 10 là những ông bà cụ già khấp kha khấp khểnh về San Jose, Bắc Cali dự 52 NĂM KHÓA 2 HỘI NGỘ. Việc gặp nhau không dễ như thời trai trẻ cắp sách đến trường muốn đi là đi, muốn đến là đến; ngay cả khó hơn thời cầm súng chiến đấu với kẻ thù Việt cộng đánh cứ đánh, mà đi cứ đi. Bởi những chàng trai năm xưa tang bồng hồ thỉ chí, đã “xếp bút nghiên theo việc đao cung” với những cô nữ sinh, sinh viên áo trắng sân trường “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” còn trai, còn trẻ, còn khỏe, còn mạnh…bay nhảy. NĂM MƯƠI HAI NĂM KHÓA 2 HỘI NGỘ, anh chị em trong Ban tổ chức đã dày công cả một năm trời dài dằng dặc mới có một ngày hội ngộ nầy cho anh chị em “xa mặt cách lòng” gặp nhau tay bắt mặt mừng, tâm sự chuyện đời vụn vặt, thân thêm thân, gần gụi quý mến thêm gần gụi quý mến…rồi cuối nẻo đường đời, mỗi người đi một ngả, ai biết bao giờ ai gặp lại ai!?

    Tôi rất hân hạnh được Ban tổ chức giao cho nhiệm vụ kêu gọi, mời mọc, kích động làm sao cho quý anh chị em về tham dự càng đông càng vui. Thiệt tình mà nói, anh chị em chúng ta bây giờ đã như ngọn đèn treo trước gió, mới đó mà cũng tắt đó. Người ta thường nói “lục nguyệt, thất nhật, bát thời”, có nghĩa là chúng ta ở tuổi sáu mươi thì sự ra đi tính từng ngày; tuổi bảy mươi tính từng giờ; và tuổi tám mươi thì đi bất cứ lúc nào trong giây, trong lát. Bây giờ ai ai trong chúng ta, tuổi cũng trên 70, có người trên 80 thì bệnh tật, yếu đuối, đi đứng không vững vàng, trí nhớ mỏi mòn là rất tự nhiên. Những anh chị em liên lạc được qua email hay text message thì không nói làm gì. Có anh chị em chỉ nói chuyện tiếng được tiếng mất trong điện thoại thì thiệt là khó mà nói làm sao cho thông, chưa nói gọi chắc gì đã bắt? Có anh chị em không có email, không biết được số điện thoại, may có địa chỉ, mình phải viết thơ trình bày nầy, nọ. Bây giờ dù tuổi tác cao niên, chúng ta còn có anh, có chị vẫn cứ đi làm kiếm đồng vô đồng ra, hơn là “ở nhà buồn lắm”. Có anh chị còn phải coi cháu “mệt chết cha” cho con đi làm. Có anh chị “qua Mỹ chưa một ngày đi làm” thì tiền đâu ra, mà đi đây đi đó tốn bạc ngàn! Có anh chị không có con cái, không có người thân quen đưa đi, đưa về nơi phi trường, và hướng dẫn thủ tục lên máy bay? Có anh chị, hoặc chồng hay vợ bệnh, hoặc cả hai đều bị bệnh như ông bà Nguyễn ngọc Tích ở San Diego thì “đi cái nỗi gì”. Nếu mà nói lý do thì vô số lý do kể không hết, như có anh chị “đi ai coi 2 con chó” đương giữ nhà; hay “vườn bông không ai chăm sóc mấy ngày chắc chết hết”? Thật ra, anh chị em nào cũng có những hoàn cảnh thiệt là khó khăn riêng biệt không ai giống ai, đi không phải dễ. Có điều anh chị em đã cố gắng cố gắng hết sức, và đã hy sinh hy sinh vô cùng cho có một ngày chúng ta gặp nhau hôm nay NĂM MƯƠI HAI NĂM HỘI NGỘ sau biết bao nhiêu biến thiên trời đất chúng ta còn gặp nhau đây vui như hội; và thiệt tình mà nói cũng lãng đãng nỗi buồn, buồn thiệt là nhiều! Buồn những anh em mới nằm xuống như các anh Lê Tân Hợi, Nguyễn Văn Nghi, Nguyễn Sơn Việt, Nguyễn Thanh Tùng, Chung Châu Hồ, Đoàn Thống, Nguyễn Văn Thái, Lê Dục, Cao Quý, Hồ Văn Lắm. Buồn những anh em bây giờ đương nằm bất tỉnh trong nhà thương như hai anh Bùi Xuân Hoan, và Nguyễn Văn Sết. Buồn những anh em bệnh hoạn, yếu đuối đang nằm trong nursing home, nằm trong bệnh viện, nằm ở nhà như các anh em Nguyễn Thái Bình, Lương Trọng Lạt, Huỳnh Hồng Quang, Nguyễn Hữu Trân, Phan Trợ, Cao Ngọc Toàn.


    Vào giữa tháng 8, theo sự mời mọc, kêu gọi, yêu cầu, tôi đã có một danh sách anh chị em ghi danh tham dự. Danh sách nầy có 99 anh em ghi tên, cộng với thân nhân thì tổng số anh chị em đến với ngày hội ngộ lên đến 200. Và tôi nghĩ, năm nay NĂM MƯƠI HAI NĂM HỘI NGỘ tại San Jose trong các ngày 26-28/10/2019 “dám” đông hơn mấy kỳ hội ngộ trước ở Nam Cali lắm. Rất không vui, con số 99/200 đã từ ngày từ ngày xuống, xuống thấp. Hôm TIỀN HỘI NGỘ tại Tully Community Branch Library và TIỆC HỘI NGỘ tại Dynasty Chinese Seafood Restaurant chỉ có hơn 100 anh chị em Khóa 2 tham dự. Một con số đáng buồn cho chúng ta, cho Ban tổ chức. Điều nầy, nói chi ly ra, thì mấy ông bà bạn ở Nam Cali đáng trách, đáng trách lắm. Một con số ước chừng trên 40 người, các ông các bà đã nằm ở nhà, không đến với người ta, trong khi người ta “phập phòng” từng ngày từng giờ “có đông không”? Nhưng nghĩ lại, cũng đáng cho quý ông quý bà đã không tham dự là đã bỏ qua những ngày anh chị em chúng ta gặp mặt thiệt là vui, vô cùng vui. Tính con số anh chị em toàn nước Mỹ đã ghi danh mà giờ phút chót bỏ ngang, lên gần tới 100 người chứ không phải giỡn. Tội cho Ban tổ chức muốn kỳ NĂM MƯƠI HAI NĂM HỘI NGỘ nầy to nhất, sáng nhất, tốt nhất, hay nhất, và đáng hãnh diện nhất. Cho ai, vì ai? Cũng cho chúng ta, vì chúng ta mà thôi. Tiếc quá, tiếc quá. Tiếc là, một số lớn anh em chúng ta đã vô tình xóa đi cái kỳ vọng, cái ao uớc đầy thiện tâm thiện ý của Ban tổ chức, mà làm sao có lần nữa đây?!


    Vợ chồng tôi đã dự nhiều lần hội ngộ khóa, có lẽ lần nầy là lần không đông anh chị em như mấy lần trước, nhưng vui thì vui hơn, và thoải mái thì thoải mái hơn. Cái thiện tâm, thiện ý của tất cả anh em ở Bắc Cali, chúng ta thấy, thấy rất rõ. Đó là, hầu như tất cả anh chị em, từ người già tuổi nhất đến người trẻ tuổi hơn, người đương bệnh hoạn nặng đến người bệnh hoạn nhẹ, người nhanh, người chậm, người ở gần, người ở xa hay người ở tại San Jose…đã hết sức cực lực cùng nhau cho ngày NĂM MƯƠI HAI NĂM HỘI NGỘ.


    Nhìn ông Nguyễn văn Hiền già đã quá già chạy “bở hơi tai” đón anh em từ phi trường về nơi trú ngụ thì không ai không xót xa, quý trọng cái tấm lòng của ổng. Anh Hiền, trước đây tôi không thích anh, nhưng bây giờ tôi quý anh lắm. Con người của anh ngang tàng mà chí tình, nóng nảy mà đôn hậu. Có ai nghĩ rằng, chị Nguyễn ngọc Thụy bệnh rất nhiều, rất nặng mà vẫn cứ cười được những nụ cười tươi như hoa, và văn nghệ cứ làm văn nghệ ca hát, nhảy múa với người ta. Chị Lê đức Tuân tuổi đã “bát thời” mà tung tăng như thuở “ngũ thập niên tiền, nhị thập tam” trong lớp áo tứ thân thời năm xửa năm xưa. Nghe nói, ngay sau đêm đó, chị phải đến hộ sinh đứa con mới vừa đẻ đứa cháu ngoại. Chị Nguyễn văn Tua thục nữ, nhát như thỏ đế, đời có biết văn nghệ văn gừng chi mô, vậy mà áo bà ba, chị lên sân khấu múa Chiếc Áo Bà Ba, làm dưới ồn ào hát theo “Chiếc áo bà Ba sao bà Tua bả bận. Bả bận hoài đòi mãi bả không đưa”. Nếu mà kể ra cái công, cái sức của từng anh chị em thì làm sao kể ra cho hết từng ông Huỳnh văn Thanh, Huỳnh ngọc Châu, Trương văn Sang, Nguyễn công Nhẫn, Võ văn Thạc,…Tôi chỉ xin nêu ra có tính tượng trưng “kể công” ba ông họ Nguyễn sau đây nằm trong Ban tổ chức là các ông Nguyễn văn Em, Nguyễn văn Tua, và Nguyễn ngọc Thụy. Ông Em ở tận Stockton, xa San Jose cả 1 giờ 30 phút lái xe, cả một năm nay hiệp lực vô cùng vất vả với anh em ở San Jose cho ngày HỘI NGỘ NĂM MƯƠI HAI NĂM nầy. Giọng Em trong micro nghe rất mạnh mà dịu, vội vàng mà rõ ràng, chững chạc. Nhưng tôi thì tôi nghĩ ông Em cũng như ông Tua không cần phải viết sẳn cầm đọc, mà tự nói dù có vấp váp vẫn hay hơn trong một sinh hoạt nội bộ khóa. Còn Nguyễn văn Tua, ai cũng phải công nhận ổng là người rất linh động, mau mắn, và hăng hái thì vô cùng. Tua còn phải đi làm, mà đã phải chộn rộn dữ cả một năm nay, từ ngày khởi xướng đến lúc phủi tay hát “Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau giã từ lòng còn lưu luyến…”. Và một người mà không nói tới là không được, đó là ông bạn Nguyễn ngọc Thụy được coi như linh hồn của Ban tổ chức. Anh Thụy đã quen những sinh hoạt nầy như việc làm của môt chuyên viên, nên mọi việc qua tay anh không phải là một thử thách, mà dễ như trở bàn tay. Thụy đã điều khiển chương trình hai ngày Tiền Hội Ngộ và Tiệc Hội Ngộ một cách có thể nói là “dễ ợt”, lưu loát, trôi chảy. Tuy nhiên, theo tôi anh bạn Nguyễn ngọc Thụy nên nhường một ngày cho một anh khác thì hay hơn. Giọng Thụy nghiêm trang, chững chạc, nặng giọng, thiếu sự dễ dãi, trở nên cứng ngắc đối với môt sinh hoạt, như sinh hoạt TIỀN HỘI NGỘ khóa tại Tully Community Branch Library chiều ngày 26/10/19. Ngày TIỆC HỘI NGỘ tại Dynasty Chinese Seafood Restaurant tối ngày 27/10/19, quá nhiều ông lên phát biểu. Tôi đếm có đến 8 người, đủ làm lạnh phòng tiệc đông người đang rậm rực chờ đơi chương trình.


    Nói gì thì nói, NĂM MƯƠI HAI NĂM HỘI NGỘ năm nay ở San Jose chúng tôi thấy tinh thần của Ban tổ chức rất cao, đem đến kết quả rất đáng khích lệ, rất đáng tuyên dương, và tôi nghe còn đây vẵng tiếng cười, giọng nói thỏa thuê, thích thú “hẹn gặp nhau lần nữa”. Tôi không nói nhiều về văn nghệ dù có khác nhiều hơn mấy lần trước, hay hơn mấy lần trước, mà nói nhiều về một sáng kiến tôi chưa từng thấy của các anh Bắc Cali. Các anh chị có lẽ là do tình quý mến anh chị em, do lòng hiếu khách với bạn bè đã “bao” các bữa ăn sáng, trưa, chiều “đãi” khách phương xa. Một việc làm mà từ xưa tới nay chưa từng có. Một viêc làm được xem như một cao kiến, hào sảng, phóng khoáng đã đem sự thắm thiết, gần gụi anh chị em lại với nhau. Lại còn tổ chức đi tour. Ngay chiều 25/10 anh chị em mới tới nơi chừng 20 người đã được mời vào Coffee Lovers. “Ai uống gì thì uống; ai ăn gì thì ăn”, ông Tua vừa mời, vừa nhờ ông Châu trả tiền, vừa ba chân bốn cẳng chạy đi làm cho kịp, còn không quên mời “Sáng mai ăn sáng Hủ Tiếu Nam Vang nghen bà con”. Tiệm Hủ Tiếu Nam Vang nằm trên đường Tully, kế Motel 6, nơi chúng tôi tạm trú 4 ngày. Tiệm, hầu như anh chị em chúng ta chiếm trọn sáng hôm đó. Ăn, uống, cười nói ồn ào hơn cái chợ, và vui thì cũng thiệt vui như đám cưới.


    Ăn xong, ai chụp hình thì chụp, ai đứng nói chuyện thì đứng nói chuyện. Tôi với công tử Bạc liêu Nguyễn hồng Son không bỏ cử cà phê sáng được, đã chun vô Cà phê Sân vườn Quỳnh hương gần đó làm một ly cà phê sữa cho đỡ ghiền. Khi về Motel 6, tôi thấy các ông bà ở đây trầm trầm, trồ trồ trêu ngươi. Hỏi ra, mới biết mấy ổng mấy bả thấy trong đó mấy cô hầu bàn ăn măc hơi thiếu vải. Thiếu vải thì hơi quá đáng. Mấy cổ cũng kín đáo với cái quần sọt và cái áo như cái áo tắm mà thôi. Đâu có gì đáng nói! Nếu có, hai thằng tôi đã đi ra từ khuya rồi. Sau tối TIỀN HỘI NGỘ, sáng hôm sau Ban tổ chức dắt chúng tôi đến ăn sáng ở tiệm Phở Hà nội nằm trên đường Story. Phở, ăn cũng được, nhưng chắc mắc hơn Nam Cali nhiều? Tiệm, có lẽ chủ nhân là người Viêt Nam gốc Cộng sản mới qua kinh doanh. Nếu không, sao mấy nhóc con chạy bàn nói giọng Bắc kỳ 75, và lời lẽ có vẻ vô văn hóa kiểu Việt cộng? Chiều ngày 28 tháng 10, sau môt ngày đi tour mệt thiệt là mệt, anh chị em được đãi ăn tại nhà hàng Phú Lâm nằm ở số 3082 đường Story. Bữa ăn hôm nay coi như tiệc chia tay, bởi ngày mai ai về nơi nấy. Môt cảm giác buồn mang mang. Tất cả hát bài ca tạm biệt, bịn rịn, lòng không muốn rời. Và nói qua chuyện “đi tour”. Sáng ngày 28/10, chúng tôi trên 50 người lên xe bus đi đến các nơi, ngồi đây bây giờ không nhớ nhiều. Đại khái đến Christmas Tree Point, nhìn xa xa ngoài biển có 2 ngọn đồi cao gọi Twin Peaks. Cảnh đẹp, trời đất bao la, các anh chị em có người chụp hình, có người nhìn ống nhìn coi trời, non, mây, nước. Ai nấy như cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng, phiền muộn không còn. Tiếp đến là The Palace of Fine Arts. Khu Mỹ thuật nầy nằm trong quận hạt Marina của San Francisco, được xây dựng từ năm 1915. Toàn cảnh toát lên môt khung trời thơ với mộng, và có dáng dấp như cung điện vua, chúa ngày xưa. Anh chị em tản mát đây đó chụp hình kỷ niệm. Trời đã trưa, xe chạy tới cầu treo Gloden Gate Bridge. Cái cầu mà tôi thấy hình nó trên bìa quyển sách Anh văn tôi học năm xưa năm xửa, và nghe nói văn minh xứ Mỹ. Bà vợ tôi khoái quá, chụp nhiều hình để làm kỷ niệm. Mới chừng ấy như vậy, tôi thấy mấy ông đã hơi hơi mệt hơn mấy bà. Xe bus tiếp tục chở đến vùng Aquarium of the Bay, nơi cầu tàu Pier 13. Không thấy ai vào coi cá các loại dưới biển bơi lôi hết trơn. Chỉ thấy hình như ai ai cũng đã thấm mệt, mà ra ngoài phía biển ngồi hứng gió, nghỉ chân. Một chuyến du ngoạn mêt có mệt mà vui thì cũng thiêt là vui, và chắc chắn đã thắt chặt tình nghĩa anh chị em lại với nhau rất nhiều.


    Chương trình văn nghệ NĂM MƯƠI HAI NĂM HỘI NGỘ năm nay phong phú hơn, cầu kỳ hơn, hay hơn những lần trước. Dĩ nhiên có sự đóng góp hết sức đặc sắc, nhiệt tình của các cháu Hậu Duệ từ Houston, Texas lên cũng như ca sĩ chuyên nghiệp Hoàng Anh Thư, bạn của con gái anh Phạm Thành Kính. Các cháu đã làm cho đêm NĂM MƯƠI HAI NĂM KHÓA 2 HỌC VIỆN CSQG HỘI NGỘ tại San Jose thêm phần thành công rữc rỡ, mỹ mãn. Ngay cả các anh chị, tôi đã từng nghe trước đây nhiều lần rồi, như các chị Hà Thức, Nguyễn ngọc Thụy, và các anh Phạm thành Kính, Trần văn Bảy, Phạm đức Lân hình như đêm đó hát hay hơn nhiều, và tại làm sao không biết, tôi cũng thấy quý anh chị nầy đêm đó trông thanh lịch ghê, trông phong nhã ghê, và trông có duyên cũng ghê. Nếu không nhắc đến hai giọng ca bí mật, mà bây giờ mới bật mí thì một thiếu sót và không công bằng. Tôi muốn nói tới hai ông bạn, kẻ ở miền Đông, người ở miền Tây, Trần văn Hoàng và Nguyễn Ái. Hai giọng ca già miền Trung nầy, mình nghe mà thấy xúc động. Tôi hôm đó có một khuyết điểm là đi tìm anh em uống nhiều quá, dù là rượu wine, nên bây giờ biểu nhớ chi tiết bài gì ai hát, chắc không nhớ ra. Một màn “tam vũ” của mấy chị Lê đức Tuân, Nguyễn ngọc Thụy, Nguyễn văn Tua ăn mặc thời trang 3 miền Bắc, Trung, Nam làm tôi xúc động vô cùng. Bởi vì sao? Bởi vì ba chị nằm trong trường hợp hết sức đặc biệt.


    Chị Nguyễn văn Tua, người nhát như thỏ đế, tính hay e thẹn, chưa từng lên sân khấu, mà hôm đó dạn dĩ một cách “chẳng ngán thằng Tây nào” mặc áo bà ba nhảy, múa “coi trời bằng vung”, mà hay có thua ai? Chị Nguyễn ngọc Thụy nghe nói “bệnh dữ lắm đó”, và tôi cũng được biết chị vô, ra nhà thương rất thường. Như vậy đó, chị vẫn cứ trang phục cô gái Huế, một cô gái Huế mà “Học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không rời” đã ca, hát, múa “vô tư như người Sài gòn”. Và chị Lê đức Tuân còn một tuổi nữa đã là lão bà 80, mà cứ sum suê chiếc áo tứ thân cổ lỗ sĩ, tung tăng một cách yểu điệu thục nữ, dịu dàng, một cách vô tư lự như thời cắp sách dến trường theo điệu nhạc Chiếc Áo Bà Ba của Trần thiện Thanh. Các chị đã vì chồng, vì bạn, vì cho NĂM MƯƠI HAI NĂM HỘI NGỘ của anh em Khóa 2 CSQG của chồng, mà can dảm xông pha ra chiến trường. Can đảm thay! Quý hóa thay! “Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn”, ông bà ta nói đúng. Có vợ, có chồng các anh chị Bắc Cali đã làm nên thành công thiệt là thành công ngày hội ngộ anh em Khóa 2 chúng ta sau 52 năm dài đời người “tang điền thương hải”.


    Lẽ ra, tôi viết bài nầy ngay tại San Jose, nhưng phải nói lời xin lỗi mà đổ thừa rằng thì là tại Ban tổ chức hết trơn. Tại vì Ban tổ chức làm chúng tôi vui quá, uống cũng nhiều quá, và..và…cho nên mệt cũng nhiều quá. Về tới nhà vào thứ Ba, ngày 29 vẫn cứ còn mệt, mà còn phải trả lời, chia sẻ hình ảnh cho nhau qua text message, ở facebook…nên bây giờ mới ngồi cọc cọc cạch cạch trình bày nó ra đây như nói lại cho nhau nghe về một chuyến đi, mà dư âm còn văng vẳng bên tai, và hình ảnh như còn trước mắt quanh đây. Chuyện gì tốt, xấu cũng để lại cái hậu quả tốt, xấu. Ban tổ chức đã tổ chức hết sức thành công NĂM MƯƠI HAI NĂM HỘI NGỘ của anh em Khóa 2 Học viện CSQG tại san Jose đã làm cho nhiều anh chị em nức lòng, và “cả gan” yêu cầu chúng ta sang năm 2020 “cứ tổ chức nữa đi, chúng tôi sẽ tham dự”. Trên xe bus đi tour, tôi hỏi ông bà Huỳnh hữu Đức: “Sang năm có tổ chức, ông bà có đi không”? “Đi chứ”, ông Đức trả lời. Tôi đùa: “Ông không chắc, để tôi hỏi chị, chắc ăn hơn”. “Chị Đức có đi không”, tôi hỏi, và được chị Đức trả lời một cách chắc, gọn: “Đi”. Tại nhà hàng Phú Lâm, tôi được gần như tất cả ai tôi hỏi, đều trả lời “Đi”. Các cháu ở Houston có thể sẳn sàng tổ chức ở Houston, Texas. Đó, cái hậu rất tuyệt vời, nhờ NĂM MƯƠI HAI NĂM HỘI NGỘ ở Bắc Cali. Một lời cuối, xin cám ơn Ban tổ chức NĂM MƯƠI HAI NĂM HỘI NGỘ, và nếu được, nếu “ngon” thì sang năm tổ chức một lần nữa đi, thì mới thiệt lòng XIN ĐA TẠ…

    NGUYỄN THỪA BÌNH
    Sáng Chủ nhật ngày 3/11/2019



  • #2

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X