Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Câu Chuyện Trong Quán Bia ôm

Collapse
X

Câu Chuyện Trong Quán Bia ôm

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Câu Chuyện Trong Quán Bia ôm

    Có ai mà muốn làm nghề này đâu? Tội nghiệp! Nghèo quá, phải làm để kiếm sống..

    Câu Chuyện Trong Quán Bia ôm

    Loạt bài viết về chuyến về quê năm 2005. Không gửi cho báo nào mà chỉ viết
    để làm “chứng từ” cho một thời … nvt



    “Phần hồn rồi, bây giờ đến phần xác”. Một thằng bạn già tôi tuyên bố như thế. Sau một chầu cà phê tranh luận chuyện văn học nghệ thuật, và một chầu nhậu nhẹ tán hươu tán vượn chuyện xã hội – chính trị, mấy thằng bạn tôi định dẫn tôi đến một địa điểm khác mà chúng nó nói là “phần xác”. Nói cho rõ hơn, chúng nó sắp dẫn tôi đi quán bia ôm.

    Thực ra, đó là ý định của tôi. Đã nghe qua quán bia ôm rất nhiều và khá lâu, nhưng thú thật tôi ít có dịp “đi thực tế” xem thực chất nó là những quán như thế nào. Thành ra, lần này tôi quyết định đi cho được, bằng cách nài nỉ đám bạn dẫn tôi đến vài quán cho biết thực tình xã hội ra sao. Nghe tôi tỏ ý định đi bia ôm, một thằng bạn là thương gia khá thành công ở Sài Gòn, tỏ vẻ lo ngại: Thằng này hay viết lách, nó mà đi bia ôm rồi viết lăng nhăng nêu tên tuổi bọn mình trên mặt báo thì phiền với bà xã lắm. Tôi nói cho với tên bạn yên lòng: Tao cam đoan không viết về bọn mày, tao chỉ muốn nghe qua những câu chuyện của mấy em thôi. Vả lại, báo chí trong nước đời nào đăng bài của tao về mấy cái vụ này mà bọn mày lo. Dẫn tao đi!

    Đã hơn 9 giờ tối. Đường xá Sài Gòn vẫn còn đông nghẹt người. Chiếc taxi của hãng Mê Linh phải khó khăn lắm mới rời được quán nhậu, và vất vả chen chúc trong rừng xe gắn máy, xe đạp và xe bốn bánh để đến một địa điểm trên đường Trần Hưng Đạo. Xe vừa đậu lại, bốn chúng tôi chưa kịp mở cửa xe, thì hai thanh niên từ quán đã vội vàng mở cửa cho chúng tôi. “Chào các đại ca, vào quán tụi em nghen?”. Tôi chưa kịp trả lời thì một thanh niên khác quay mặt vào quán và hét ra lệnh: “Chuẩn bị phòng số 7 tụi bây!”

    Bước xuống xe tôi mới định thần nhìn chung quanh. Quán là một tòa nhà 5 tầng, chiềungang khoảng 5 hay 6 thước, phía trên có đề biển hiệu tên quán hẳn hoi, ngoài cái hiệu “Nhà hàng” màu xanh da trời nền trắng, phía dưới còn thêm một tiêu đề màu trắng nền xanh “Phục vụ các món ăn đặc sản miền Nam”. Cách chọn màu cho biển hiệu làm cho quán có vẻ xanh xao, nhợt nhạt, và huyền bí. Các “hàng xóm” của quán, một bên là khách sạn nhìn từ ngoài khá sang trọng, một bên là một quán mì hủ tíu, và kế bên nữa là một quán mà tôi đoán có lẽ là quán bia ôm. Đối diện quán bên kia đường là một loạt khách sạn kiểu gia đình và nhiều hàng quán ăn uống khác với nhiều thực khách đang ăn uống. Đèn đuốc sáng choang làm sáng cả một góc phố của con đường chính vốn nổi tiếng này của thành phố càng thêm sáng chói.

    Chúng tôi vào phía trong quán, chẳng thấy bàn ghế như các quán thông thường ở đâu, mà chỉ một cái bàn tính tiền có hai nhân viên đang ngồi chơi game trên máy vi tính. Tuy đèn neon sáng choang, nhưng hai bên tường được sơn bằng màu sanh lá cây, màu tim tím nên tôi cảm thấy căn phòng hơi tối tăm. Phía sau bàn tiếp tân là một khu chuyên chất chứa đủ thứ bia, từ Bia Sài Gòn, Tiger, đến Heineken. Chúng tôi được hai thanh niên khác dẫn lên tầng số 4, phòng số 7.Quán không có thang máy mà cầu thang thì khá dốc, cho nên lên đến tầng 4 thì chúng tôi đều gần ná thở!

    Căn phòng dài khoảng 5 thước và rộng khoảng 4 thước, chỉ có một cửa ra vào. Đèn trong phòng chỉ mờ mờ. Một bên tường được vẽ hình những nốt nhạc màu đen nền tím, và một bên tường được trang trí bằng một bức tranh cảnh mùa thu to tướng. Tường phía trước (hướng ra đường Trần Hưng Đạo) thì được che phủ bằng một tấm màn riđô màu đỏ bordeaux. Gần tấm màn là một cái tivi lớn hiệu Sony loại flat screen, và một dàn máy karaoke rất oách. Hai góc phòng là hai cái loa lớn hiệu JBL, và phía trên tường chung quanh phòng đều có các loa nhỏ. Đối diện cái tivi và dàn máy karaoke là một cái bàn lớn với nhiều món trái cây và la liệt li thủy tinh cùng khăn lạnh. Chung quanh cái bàn là một bộ sofa bọc nhựa màu nâu đậm bao bọc lấy một phần của ba bức tường. Tất cả tạo nên một khung cảnh mờ ảo, nhưng rất riêng tư.


    Mới buớc vào phòng tôi đã thấy khó chịu với cái mùi rất khó tả: nó là hỗn hợp của mùi thuốc lá, mùi nước bia còn dư đọng sau một buổi tiệc, và mùi nước hoa rẻ tiền mới xịt. Máy lạnh chạy khè khè làm cho các mùi này cũng “dịu” dần và không khí trong phòng rất dễ chịu, chứ không oi bức như phía ngoài. Mới ngồi xuống ghế, đã có một cô khoảng chừng 25 tuổi nhanh nhẹn bước vào hỏi thăm xã giao. Tôi tạm gọi cô là “má mì”. Có lẽ mấy thằng bạn tôi đã quá quen chỗ này nên mới gặp nhau họ đã nói chuyện với nhau như người nhà. Cô ta quay sang tôi và ném một cái nhìn ngạc nhiên. Một thằng bạn tôi giải thích: À, đây là bạn của anh đó, nó là Việt kiều. Cô ta đổi nét mặt và tươi cười bắt tay tôi rồi hỏi han chuyện thời tiết bên trời Tây. Không phí thì giờ, cô ta đi ngay vào chuyện: vẫn như cũ hay các anh có yêu cầu gì đặc biệt hông? Với các anh thì không có gì cả, nhờ em lo lắng kĩ cho thằng bạn quí của anh đây nghen. Thằng bạn “chủ trì” của tôi chỉ tôi và nói với cô một cách ngọt ngào và quan tâm như thế.

    Cô ta đi đâu một lúc, khoảng 3 phút sau, cô quay lại phòng với cả chục cô gái mặt hoa da phấn đứng xếp hàng ngang trước chúng tôi. Cô ta nói các anh tự chọn hay em chọn ? Mấy thằng bạn tôi mỗi thằng chọn ngay một cô, đến phiên mình tôi chẳng biết chọn ai. Mà trong thâm tâm tôi cũng hơi bất ngờ và cảm thấy không thoải mái (nếu không muốn nói là bất nhẫn) với cái trò chọn người như là chọn hàng như thế này. Thấy tôi do dự, cô má mì nhoẻn miệng cười và tình nguyện chọn cho tôi một cô. Còn các cô không được chọn, họ chẳng tỏ ra thất vọng chút nào cả, mỉm cười và đi đâu đó lên “tầng nhà” của các cô. Ba thằng bạn của tôi có người “chăm sóc” và chúng buông tay chân thả hồn theo khói thuốc …

    Cô gái được chọn sà vào ngồi sát bên tôi. Ở đây ai cũng gọi các cô là “em”. Em cao chừng 1 thước 6, có thân hình hơi gầy, da trắng xanh, tóc được bới một cách gọn gàng, cặp mắt to đen và tỏ ra lanh lẹ, tay đeo một chiếc nhẫn ở ngón tay giữa. Em ăn mặc rất ư là “mát mẻ”: cái áo hai giây và cái quần đùi vừa ngắn cũn cỡn vừa bó sát vào thân người như cố tình khoe những đường cong con gái của em. Thoạt đầu em ngồi bên tôi hơi ngượng nghịu, nhưng chỉ vài phút sau thì em trở nên nhanh nhẹn và tỏ ra rành nghề lắm. Chưa biết mình phải làm gì thì, cùng với các cô tiếp viên khác, em lấy cái khăn lạnh lau mặt cho tôi. Cái khăn lạnh và mùi nước hoa rẻ tiền như nhắc cho tôi biết thực tại. Anh mới tới đây lần đầu hả? Em thủ thỉ hỏi tôi. Ừ, anh mới đến đây lần đầu, mấy thằng bạn nó dẫn anh đến đây. Tôi giải thích như là lời biện minh cho sự “trong trắng” của mình. Không để ý đến câu nói đó, em tiếp: Hèn gì, thấy anh lạ hoắc, mấy ảnh hay tới đây chơi lắm, em biết hết hà. Bữa nay, em sẽ làm vợ anh trong vài giờ hén? Tôi sốc khi nghe em nói như thế một cách cực kì tự nhiên. Tôi đùa: Mình chưa cưới nhau mà vợ chồng gì em? Ôi, anh sao mà khách sáo quá, đã vào đây thì mình thành vợ chồng hết!

    Đang nói thủ thỉ nói chuyện thì hai thanh niên dẫn chúng tôi vào phòng lúc nãy cũng đã vào phòng, khệ nệ bưng hai két bia “Ken” (Heineken) chai xanh và một cái xô như xô nước.Trong khi các cô tiếp viên vội vàng khui bia và rót vào li, hai thanh niên đó đến đấm bóp cho từng chúng tôi. Phải nói họ làm xoa bóp rất điệu nghệ, và tôi đã có những giây phút thoải mái dù khá ngắn ngủi. Tôi được cô tiếp viên ngồi bên nhắc là “bo” cho hai anh ta. Bao nhiêu vậy em? Tùy anh thôi, 10 ngàn một người cũng được anh à. Họ chỉ sống nhờ bo thôi đó anh. À, ra thế, tất cả mấy người làm việc ở đây, kể cả các cô tiếp viên, đều không có lương, mà chỉ sống nhờ vào tiền bo của khách mà thôi. Quán chỉ là cơ sở để họ làm ăn, và chủ quán ăn tiền nhờ vào bán bia, bán thức ăn, và huê hồng từ các tiếp viên. Hình như đây là qui định bất thành văn của các quán bia ôm.

    Sau khâu xoa bóp đấm lưng khách, hai thanh niên này khởi động dàn máy karaoke, điều chỉnh âm thanh, và rời phòng. Khâu kế tiếp là chỉ chúng tôi: khách và các tiếp viên. Một cô tiếp viên đưa li bia lên mời các “ông xã, bà xã” cùng nâng li để, nói theo cô, là “mừng ngày tao ngộ”.Những bài karaoke được chọn và các cô cùng các bạn tôi say sưa ca theo. Qua danh mục được in sẵn, tôi để ý thấy hệ thống karaoke này có đến hàng ngàn bài hát, từ tân nhạc đến cổ nhạc, và tất nhiên phần lớn là những bài ca được lưu hành từ trước năm 1975. Một số nhạc được sáng tác ở hải ngoại cũng có mặt ở đây. Nhưng đây là “karaoke vi tính”, chứ không phải các đĩa karaoke bày bán ngoài thị trường. Điều này có nghĩa là màn hình chỉ quanh đi quẩn lại vài cảnh quan như cảnh đồng ruộng Việt Nam, cảnh hội hè cung đình Huế, cảnh tòa nhà con sò bên Sydney, nhà thờ Đức Bà và vài cảnh nổi tiếng khác bên Paris và Âu châu. Do đó, một bài ca có khi được “minh họa” bằng những hình ảnh lảng nhách, chẳng ăn nhằm gì với nội dung bài hát.Nhưng điều này có lẽ không quan trọng, vì đây không phải là nơi bình phẩm về nghệ thuật, mà là nơi thuộc về “phần xác” như cách nói của thằng bạn tôi.

    Uống đi anh! Em ngồi bên tôi nhắc nhở. Tôi thoái thác rằng vì mới uống bia nên chắc không uống nhiều được. Không sao, anh uống tới đâu hay tới đó, có gì em đỡ cho. Em nói một cách tự tin như thế. Em uống hay quá hén, mà em uống được bao nhiêu chai nè? Em cũng hông biết nữa, mới đầu vào nghề thì em uống ít lắm, nhưng bây giờ thì có thể uống 10 chai. Em không say xỉn sao? Say chứ anh, nhiều đêm về nhà em bị té và ói mửa tùm lum hết trơn. Nói xong, như là một minh chứng, em vạch vai và tay cho tôi xem những vết bầm còn tồn đọng trên vai. Tôi cảm thấy thương hại cho em thật, và hỏi: Biết say xỉn sao em uống hoài vậy? Trời ơi, anh hỏi gì kì vậy cà, đây là nghề của em mà, em không uống thì sẽ bị chửi cho mà coi. Ai chửi em? Thì mấy chị đó, má mì đó, không uống là mất việc luôn chớ. Em coi đây là cái nghề à? Ủa, chớ em làm tiếp viên mấy anh hông phải là nghề thì là gì? Tôi lên giọng dạy đời, giảng morale: Nhưng em có thể chọn nghề khác. Nghề gì hả anh? Em chỉ học lớp 8, làm gì trong cái thời gạo châu củi quế này hả anh? Lãng đi câu nói của tôi, em lại cụng li đòi uống tiếp: Uống đi anh, anh là nhà báo hay công an sao mà hỏi hoài vậy?

    Lợi dụng trong khi mấy thằng bạn tôi đang mê say trong lời ca tiếng nhạc, tôi tìm cách phỏng vấn để tìm hiểu đời tư và câu chuyện của em. Tôi được biết em là Nhung: Trần Ngọc Nhung. Năm nay em mới 20 tuổi. Biết rằng đây có thể chỉ là tên giả, một “thương hiệu” của em, nhưng tôi hãy tạm biết em là Nhung. Câu chuyện của em, mà sau này tôi có dịp kiểm chứng qua người khác là khá thật, làm cho tôi phải suy nghĩ hoài về số phận của các cô gái bán bia ôm. Em xuất thân từ một gia đình gồm 3 trai và 3 gái (em là đứa con thứ 5) rất nghèo ở một huyện thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ba của em đã theo vợ bé từ lúc em mới lên 10 tuổi, và lúc nào em cũng tỏ ra thái độ khinh ghét đàn ông con trai. Em mới học đến lớp 8 thì bỏ học theo mẹ đi bán cá ngoài chợ.Má em bị ung thư thyroid, đang được điều trị tại bệnh viện ung bứu Thành phố Hồ Chí Minh. Em trai của em năm nay học lớp 7. Gia đình em chỉ có 5 công ruộng chia nhau giữa các anh chị đã có gia đình làm. Phần em thì ở với mẹ, quá túng quẩn, kiếm được miếng ăn hàng ngày đã là một cuộc đối chọi chật vật với đời. Trong xã em có nhiều người đi bán bia ôm ở thành phố, và em quyết định theo bạn bè lên thành phố thử thời vận một phen. Lên Sài Gòn, em ở trọ cùng với bạn bè khác từ dưới quê trong một căn nhà em mô tả rất tồi tàn, mỗi tháng em chỉ trả có 100 ngàn đồng tiền phòng. Nấu nướng và ăn uống? Em không nấu nướng gì cả, ăn uống thì đêm về ăn hàng quán vĩa hè. Em được “nhận” vào bán bia ôm ở đây gần 6 tháng. Mỗi ngày em “làm việc” từ 12 giờ trưa đến 12 giờ đêm. Khi nào có khách “bay đêm” hay “đi suốt” (danh từ trong nghề của các em) thì em cũng đi theo đến sáng mới về nhà. Mỗi ngày em phục vụ cho một khách, hay khi may mắn thì hai khách. Mỗi tháng em kiếm được khoảng 2 triệu, sau khi trả tiền phòng và tiền ăn. Phần còn lại em gửi về cho em học và trang trải chi phí chữa bệnh cho mẹ em. Đó là số tiền (hay thu nhập) mà người dân quê có mơ cũng không có được trong một tháng.

    Nhung vừa cắn hột dưa lốp cốp, vừa kể chuyện, vừa cụng li với tôi. Giọng em cứ đều đều, dửng dưng, không vui mà cũng không buồn. Tôi nhìn em kĩ xem em có cảm xúc gì không mà không phát hiện gì cả. Tôi có cảm giác em đã vào nghề lâu hơn em nói nên hỏi: Em nói mới vào nghề sao mà em nói không có cảm xúc gì hết vậy? Tôi mới hỏi thế thì em ập mặt vào lưng tôi òa lên khóc ướt cả áo tôi, khóc một cách sướt mướt như chưa bao giờ em được khóc.Nhung nói một mạch không cho tôi xen vào: Anh tưởng em là thú vật hay đá sao mà không biết nhục, biết đau, không có lương tri. Em nhục lắm anh ơi. Nếu người dưới quê em biết em làm nghề này, anh biết người ta kêu em là gì hông, là con điếm. Nhục nhã lắm anh ơi. Nhưng biết sao, không có tiền nên em phải cắn răng làm cái nghề hèn hạ này. Cuộc sống bây giờ chó má lắm, không có tiền là bị người ta khinh, bị người ta chửi. Em phải có tiền để lo cho em của em học đến nơi đến chốn, để cho má em hết bệnh. Anh biết không? Em sẽ đi học một nghề để nuôi thân sau này. Bộ anh tưởng em làm nghề này hoài sao chớ? Tôi xin lỗi em vì đã hỏi một câu xúc phạm. Em lau nước mắt và lại nâng li mời tôi uống tiếp: Uống đi anh, đêm nay em chỉ làm vợ anh có vài tiếng đồng hồ thôi, mai này là mỗi người một phương rồi…


    Nước mắt phụ nữ lúc nào cũng lợi hại. Tôi thật lòng cảm thông cho em, và ngạc nhiên em có vẻ quá thực tế trong độ tuổi đáng lẽ phải là mơ mộng này. Tôi phân bua: Nói ra em đừng giận nghen, anh không phải là chồng của em, và em cũng không phải là vợ của anh, dù chỉ vài giờ; anh vào đây chỉ muốn để nghe em câu chuyện của em mà thôi, anh muốn tìm hiểu tại sao em vào nghề này. Lau khô dòng nước mắt, Nhung tỏ vẻ ngạc nhiên: Mà anh là ông khách đặc biệt đó nghen, nãy giờ không thấy anh bóc hốt, mò mẫm gì hết trơn vậy? Tôi giả bộ hỏi: bóc hốt và mò mẫm là gì, em nói anh không hiểu? Xạo quá ông anh ơi, anh mà không hiểu thì ai hiểu, đàn ông mấy anh ai mà không vậy? Rồi em đưa mắt qua ghế đối diện như đưa đường dẫn lối cho tôi thấy cảnh mấy thằng bạn tôi đang âu yếm hôn hít những người vợ hờ của họ, và nói: Kìa, thấy mấy anh bạn của anh hông? Sờ mó mấy chị tùm lum hết đó. Tôi nói: À, vậy là bóc hốt đó hả, vậy anh có quyền làm với em chớ gì? Em cười rồi nói chua xót: Anh bỏ tiền ra mua em làm vợ mà!Tôi hỏi: Mà anh phải làm gì chớ? Em vừa nói vừa chỉ vào ngực mình: Lại xạo nữa, đàn ông mấy anh ai cũng xạo cả, nói anh nghe nghen: một trăm đàn ông vào đây là một trăm ông sờ chỗ này của tụi em cả, bởi vậy em mới ăn mặc mát mẻ như vầy. Ủa vậy ăn mặc vầy là để hành nghề hả, chứ em không ăn mặt vầy khi về nhà sao? Anh nói sao mà kì thiệt hén, chẳng lẽ tụi em vào đây ăn mặc thùy mị kín đáo để làm cảnh cho mấy anh à? Tôi phải đầu hàng trước cái logic tàn bạo đó.

    Anh ca với em vài bản nghen? Ừ, em chọn bài đi rồi mình ca chung với nhau. Tôi nói để em vui, để cho mấy cô tiếp viên kia không để ý, và để cho họ biết tôi cũng … nhập cuộc vui. Em chọn mấy bài “nhạc sến” rồi nói: em chỉ biết ca nhạc sến thôi, anh đừng cười em nghen. Rồi em cất tiếng ca cũng có hạng lắm: Đời anh như là chim bay / vòng tay em thì bé quá, ngại ngùng anh rồi mai đây / sợ không giữ được chân anh / rồi mang nhiều chua xót / thà rằng thôi đừng yêu nhau / giữ cho nhau đẹp mãi mãi / giữ cho nhau như ban đầu … Em lại chọn một bài khác, và chúng tôi hát theo giọng ca trữ tình của cô ca sĩ Phi Nhung: Làng anh làng em, chung dòng sông văng vẳng câu hò / Trời nắng trời mưa, con đò đưa thức nước đôi bờ / Chiều chiều làng em lâng lâng hoa sứ dâng hương / Chiều chiều làng anh qua cao thơm ngát đa tình / dây trầu cau thấm tình … Làng em làng em, yêu vần trăng soi mái tranh nghèo / Đầm thắm tình quê, con đường đê hương lúa đê mê / Ngồi chờ vầng trăng anh năm, cô bảy, cô ba / lẳng lặng tình nghe ngân nga câu hát câu hò trăng tàn run cành tre / Trời gần khuya ai đưa em về làng bên / Đò đưa qua, soi bóng trăng cười dưới nước / Soi bóng chung đôi hai mình / Em nắm tay anh thẹn thùng / Cùng cười đùa trêu gái trai làng khúc khích, câu hò đường quê…

    Đến gần 12 giờ đêm. Cuộc vui tàn. Mấy thằng bạn tôi ra hiệu để về nhà ngủ chuẩn bị cho một ngày làm việc sắp đến của bọn nó. Sau khi bo cho Nhung 100 ngàn, em gượng gạo nhận và hẹn lần sau gặp lại sẽ tâm tình nhiều hơn, sâu hơn. Chúng tôi xuống đường tìm taxi về nhà, và trong khi chờ taxi tôi chợt thấy Nhung, trong cái quần jean xanh đắt tiền và áo pull thời trang cùng với áo khoác bên ngoài, cũng vừa xuống và đang chờ xe ôm đưa về nhà. Nhìn Nhung bây giờ khó ai nhận ra cô làm nghề bán bia ôm. Nhung nói gì đó với một thanh niên đang ngồi trước quán và dí cho anh ta một tờ 10 ngàn, rồi đưa mắt nhìn tôi cười một cách tinh quái.

    Một lần khác, mấy thằng bạn tôi dẫn tôi đi thực tế tại một quán bia ôm khác thuộc Quận 5. Quán này có sang hơn nhưng nhỏ hơn quán ở đường Trần Hưng Đạo mà tôi đã kinh nghiệm qua. Quán nằm trên đường Nguyễn Trãi, một con đường rất tấp nập xe cộ và hàng quán bán đủ thứ từ vải lụa, đồ điện tử, đến thức ăn uống. Quán cũng được ngụy trang dưới danh nghĩa một nhà hàng, và tất cả trang trí trong cũng như ngoài quán chẳng có gì khác với quán ở đường Trần Hưng Đạo.

    Tiếp tôi là một cô gái trẻ, khá xinh đẹp có tên rất nhạc là “Lưu Luyến” (tất nhiên, đó thương hiệu của cô, chứ chắc chắn không phải tên thật). Luyến xuất thân cũng từ Vĩnh Long, nhưng em nhất định không cho tôi biết từ xã hay huyện nào. Anh hỏi thêm về quê em, em sẽ bỏ anh đó nghen. Luyến dọa tôi. Mới sà vào ghế sofa, trong mùi nước hoa nồng nặc nhưng đắt tiền (có lẽ là Yves St Laurent) và bộ cánh rất hở hang, mát mẻ (vai trần, không mặc áo ngực, và cái váy cực ngắn bó sát vào hông), Luyến đã đặt một nụ hôn cái chụt vào má tôi, và kêu lên: Anh chưa rửa mặt hả. Rồi không để tôi trả lời cô sẵn tay cầm cái khăn lạnh lau mặt cho tôi như là một người tình. Cô choàng tay ôm eo tôi và phát hiện cái điện thoại di động, rồi sẵn tay rút nó ra và làm một cuộc khám xét. Cô bấm gì đó trên cái điện thoại, mà sau này tôi mới biết đó là cách cô lấy số điện thoại của tôi! Các cô tiếp viên khác nâng li mời tôi uống bia, Luyến liền phản đối: Ai cho phép chị mời ông xã tui, trong khi tui chưa mời ổng. Rồi quay sang tôi cô hỏi: Em nói vậy phải hông, ông xã ? Tôi nghiệm ra rằng ai vào bia ôm đều phải đóng vai vợ chồng hờ trong vài giờ đồng hồ.

    Anh mới lại đây lần đầu hả? Luyến hỏi tôi. Tôi gật đầu và nói một câu xã giao. Thấy là biết ngay mà, mấy ảnh là khách quen ở đây cả; chắc anh là công chức hay là Việt kiều hả?Luyến đưa tay chỉ mấy người bạn của tôi nói như thế. Không, anh là công chức từ tỉnh Kiên Giang lên đây công tác, sẵn dịp ghé đây chơi. Vậy hả? Làm nghành nào vậy? Ngân hàng. Chà, chắc tiền bạc nhiều lắm hén. Tôi chống chế: Tiền nhiều, nhưng tiền của Nhà nước, chứ anh có đồng nào đâu em; anh cũng chỉ là nhân công như em thôi. Thấy Luyến là một cô gái khá thân mật, thích nói chuyện và rất tự hào về sắc đẹp của mình. Do đó, tôi cũng có một cuộc trò chuyện (hay nói đúng ra là “thẩm vấn”, nói theo cách nói của Luyến) về hoàn cảnh của cô.

    Luyến mới 21 tuổi mà đã có 2 con vì một lần lầm lỡ lúc chưa tròn 19 tuổi. Nói chính xác hơn là con sinh đôi. Em là đứa con thứ ba trong một gia đình 4 anh em gồm 2 giái 2 trai. Em gái của Luyến cũng làm nghề bán bia ôm, ngay tại quán này. Gia đình làm ruộng. Mấy anh chị em đều đã có gia đình ở dưới quê. Luyến chỉ học đến lớp 5 thì thôi học, vì phải phụ giúp gia đình trong cuộc mưu sinh đầy khó khăn ở làng quê, mà theo em thì có bữa no bữa đói. Ba má em còn sống nhưng chờ chết vì cả hai mắc phải những chứng bệnh ngặt nghèo. Không ai có tiền lo cho ba má, em nghỉ học đi làm cho một hãng tôm đông lạnh ở An Giang. Đồng lương ít ỏi (khoảng 30 ngàn một ngày), còn thua thu nhập của một người bán vé số dạo, không đủ chi phí cho em tiêu xài, nên em đành phải theo bạn bè trong xóm để lên Sài Gòn tìm đường mưu sinh và kiếm ít tiền gửi về cho ba má. Em còn nói một lí do khác em lên Sài Gòn làm nghề này là vì muốn thuyết phục cô em gái nên bỏ nghề!

    Vậy còn con em thì ai nuôi? Tôi hỏi. Em ngậm ngùi nói trong tiếng nấc như muốn khóc: Em gửi chúng vào cô nhi viện rồi; một ngày nào đó khi có đủ tiền em sẽ đem con về nuôi. Tại sao em chọn nghề này? Chứ em còn làm được nghề gì hả anh? Làm công nhân trong hãng xưởng chẳng hạn. Anh nói nghe hay quá hén, làm công nhân lương chỉ 30 ngàn một ngày, làm sao em đủ sống, làm sao em lo cho ba má em? Vậy ở đây mỗi ngày em làm được bao nhiêu? Tùy ngày, 100 ngàn có, 200 ngàn có, có khi có bo đậm thì cũng 300 ngàn. Ui chao, một ngày mà em làm được nhiều tiền vậy thì em quá khá rồi. Luyến nói như uất nghẹn: Nhục lắm anh ơi, chẳng qua vì hoàn cảnh, chứ ai muốn làm cái nghề dơ bẩn này hả anh. Khách đàng hoàng thì còn đỡ, gặp khách cà chớn thì chỉ có khổ thân. Mà thôi, anh hỏi em làm gì, mình chỉ làm vợ chồng một vài giờ thì đường ai nấy đi. Uống đi anh! Luyến lãng sang chuyện khác và kêu tôi nâng li rồi ca hát.

    Trong khi mấy người khác say sưa ca hát, Luyến bấm remote control chọn bản nhạc cho tôi và em cùng ca. Tôi than là mình không biết ca, nên có gì em ca dùm nhé. Em gật đầu và vui vẻ chọn này. Tiếng nhạc cất lên, tôi và em cùng ca bài Qua cơn mê khá nổi tiếng của Trịnh Lâm Ngân: Một mai qua cơn mê / Xa cuộc đời bềnh bồng anh lại về bên em / Ngày gió mưa không còn / Nên đường dài thật dài ta mặc tình rong chơi / Cùng nhau ta sẽ đi sẽ thăm / Bao nơi xưa xuôi một thuở lênh đênh / Ta sẽ thăm từng người, sẽ đi thăm từng đường, sẽ đi thăm từng nhà / Tình người sau cơn mê vẫn xanh / Dù bao tháng năm đau thương dập vùi … Lại những bài ca sến mà tôi thấy hình như bất cứ quán bia ôm nào cũng có. Chiếc áo bà ba trên giòng sông thăm thẳm / thấp thoáng con xuồng bé nhỏ tới mong manh / Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ / Hậu giang ơi, em vẫn đẹp ngàn đời. Chiếc áo màu xanh len từng con sóng bạc / Lấp lánh mái chèo của Đồng Tháp Dương Châu / Sóng vổ thuyền đưa tiếng hò qua bến đợi / Hậu Giang ơi, dẫu yêu còn tuyệt vời …

    Tôi lại tò mò hỏi tiếp: Em làm nghề này không sợ công an bắt sao? Ồ, công an vẫn kiểm tra thường xuyên đó chớ, nhưng họ “ăn” hết rồi, nên làm cho có thôi, anh đừng lo. Ba má em biết em làm nghề này không? Trời, bộ khùng sao mà nói thật cho ba má biết. Vậy em nói với ba má em làm nghề gì? Em nói làm nghề bán hàng. Vậy là em nói dối. Luyến cười mà không trả lời nhận xét của tôi, như là một câu nói thừa. Thôi, đừng hỏi nữa, uống đi anh! Nói xong, em cắn đôi miếng dưa hấu ngọt ngào cho tôi.

    Trong khi mấy thằng bạn tôi đang cùng các tiếp viên say sưa trong các bài ca rền rỉ khóc than về thân phận, tình yêu và tình đời, tôi lại làm một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng Luyến. Lần này vì biết qua vài danh từ trong làng nghề, nên tôi hỏi em bóng gió mà thực tế hơn. Em có từng “bay đêm” không? Em nhìn tôi một lúc như dò xét, rồi nói: Có chớ, bay đêm bay ngày gì em cũng bay cả, nhưng dạo này em phải chọn khách. Sao vậy? Sợ lắm anh ơi, bay đêm mà gặp khách tử tế thì còn an ủi, chớ gặp khách say rượu thì khốn khổ cho cái thân. Sao khốn khổ? Anh cứ giả bộ ngây thơ không hà! Gặp nhằm thằng cha khách say xỉn thì nó hành hạ thân xác mình chịu sao nổi. Nói xong, em chỉ một bên vai cho tôi xem một vết bầm tím. Tôi hỏi tại sao ra nông nỗi. Em buồn buồn kể lại rằng hôm nọ em bay đêm với khách, gặp nhằm thằng cha háo sắc, đụng đâu cắn đó, làm em phải cắn răng chịu đựng mới ra nông nỗi. Nhưng em có quyền từ chối? Trời, từ chối để về với tay trằng à? Anh nói sao mà hay quá. Em có sợ bệnh không? Sợ chứ anh, ai làm nghề này cũng mắc bệnh, không bệnh thận thì cũng SIDA. Biết vậy sao em vẫn làm? Em chỉ làm vài năm rồi thôi …

    Đến gần nửa đêm, cuộc tiệc sắp tàn. Em lại nhận xét tôi là một ông khách đặc biệt vì cứ hỏi hết chuyện này sang chuyện khác, mà không tham gia vào cuộc vui. Tôi thoái thác vị bận và còn nhiều việc cho ngày mai. Em cầm tờ giấy trăm ngàn nhét vào túi áo rồi tất tả ra về hay đi tiếp một khách khác. Nhìn theo bóng em khuất khỏi phòng, tôi thấy bùi ngùi …

    ***

    Qua hai lần đi thực tế (có lẽ các bạn đang cười khi đọc cái cụm từ “đi thực tế” này) tôi rút ra được vài mẫu số chung về thân phận các cô gái làm nghề bán bia ôm hay trong các tiệm hớt tóc gội đầu. Hoàn cảnh gia đình khốn khó, như cha mẹ đau bệnh hay em trai đang đi học, nhưng mỗi câu chuyện có một tình tiết độc nhất vô nhị, như sự phong phú đa dạng của xã hội. Phần lớn các cô đều có trình độ văn hóa thấp, chưa qua trung học. Các cô đều nói mới vào nghề, cao lắm là một năm, nhưng đại đa số đều 3 tháng đến 6 tháng. Phần lớn họ đều xuất thân từ miền quê các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Vĩnh Long, Tiền Giang, và An Giang. Tất cả các thông tin này như là những yếu tố của cái vế trái của một phương trình mà kết quả của vế phải là để khách thấy thương hại mà bo nhiều tiền hơn.

    Tuy nhiên, tôi tin rằng phần lớn hoàn cảnh của các cô làm nghề này là thật, chứ không dối. Là người lớn lên trong miền quê ở vùng Tây Nam bộ, tôi có thể nói tất cả những câu chuyện của các cô bán bia ôm kể đều có thể kiểm chứng một cách dễ dàng. Thú thật, tôi không cảm thấy ngạc nhiên khi nghe qua những câu chuyện khốn khổ, éo le của các cô. Do đó, tôi tin rằng hoàn cảnh kinh tế – xã hội đã xô đẩy những người con gái chân chất thuộc vùng Đồng bằng sông CửuLong vào cái vòng nghề nghiệp mà chính các cô cho là “nhục nhã” này. Tôi sẽ nói sau tại sao vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn mang tiếng thừa gạo mà người dân lại lâm vào cảnh khốn cùng như hiện nay.

    Tất nhiên cũng không loại trừ khả năng một số cô gái không có công ăn việc làm hay lười biếng, không chịu làm việc một cách chân chính, những cô gái đua đòi chạy theo thời trang, và sẵn sàng bán mình để kiếm tiền nhanh chóng. Trong những trường hợp này, ma lực của đồng tiền quá mạnh đã biến các cô gái chân quê thành những cô gái chai lì trước cái nhục và giả dối một cách tự nhiên.

    Ngày xưa đọc báo thấy người ta nói ở Nhật và Hàn Quốc có những nghề như thế và những nghề làm người tình một đêm, nhất dạ đế vương, nghề thương vay khóc mướn, v.v… tôi chỉ biết lắc đầu sao mà kì cục quá, rồi hi vọng rằng nó sẽ chẳng bao giờ đến Việt Nam. Ấy thế mà hôm nay những nghề đó, những con người hành nghề đó lại có mặt tại Việt Nam, ngay trên quê hương mình, tôi cảm thấy đau nhói từ trong tim. Chẳng biết ở Nhật hay Hàn Quốc ngày xưa có diễn viên bán mình hay không, nhưng ngày nay ở Việt Nam, như Luyến nói “Ngay cả người mẫu, ca sĩ còn bán mình, thì cỡ tụi em là cái thá gì hả anh. Họ bán giá cao, tụi em bán giá mềm, thuận mua vừa bán cả mà.” Nghe mà chua chát làm sao.

    Viết đến đây tôi nhớ đến những bài phóng sự của Nhà văn Vũ Trọng Phụng viết về tệ nạn xã hội ở Việt Nam trong thập niên 1930s, tức 70 năm về trước. Trong cuốn “Làm đĩ”, ông viết: “Xã hội Việt Nam này, thật vậy, đã bắt đầu loạn dâm. Sự làm giàu đùng đùng của các thầy lang chữa bệnh hoa liễu, sự phát đạt của những tiệm khiêu vũ, tăng số của bọn giang hồ, nạn hoang thai, những vụ án mạng vì tình mà hàng ngày các báo đăng trên mục tin đặc biệt, sự chán đời đến tự tử của một số nam nữ thiếu niên, nạn hiếp dâm, vân vân, đã đủ chứng cho lời than đấy.”Câu văn này vẫn còn tính thời sự trong xã hội Việt Nam ở giữa thời “hiện đại hóa” như hiện nay.

    Cũng có thể nói rằng một xã hội trong quá trình hiện đại hóa như hiện nay sẽ phải chịu qua những cái đau xã hội như vừa tả, hay những giá trị đạo đức cổ truyền bị lu mờ. Nhưng dù sao đi nữa, những tệ nạn xã hội (vâng, phải nói là “tệ nạn”) như ngủ ôm, tắm ôm, cà phê ôm, bán vé số ôm, là vợ chồng hờ một ngày, thương vay khóc mướn, đẻ mướn, chửi mướn, v.v… là biểu hiện của một sự xuống cấp về đạo đức, hay một khoảng trống về đạo đức xã hội, một cái đau xã hội. Không biết bao giờ thì cái nỗi đau xã hội này sẽ chấm dứt.

    Nguồn Tuan Nguyen ‘s Blog

  • #2
    Sau “Câu Chuyện Trong Quán Bia Ôm” của một người Việt hải ngoại về thăm quê hương, mời độc giả đọc thêm hai bài trong loạt phóng sự của “Nhóm Phóng Viên” tờ Sài Gòn Giải Phóng, thực hiện năm 2013, về các tệ nạn xã hội ở thành Hồ. Loạt bài đã được hầu hết các báo trong nước đăng lại, kể cả một số báo quốc doanh trong đó có tờ Tiền Phong, Lao Động... Tuy nhiên loạt bài “ăn khách” này đã bị các cấp lãnh đạo đánh giá là “tiêu cực”, cho nên sau đó đã không... có bài số (3).

    Bia ôm thác loạn: Có tiền… chiều tới bến (1)

    Sài Gòn Giải Phóng, 19/06/2013


    Được khách bo nhiều tiền, tiếp viên chiều... tới bến

    Sau một cuộc họp tổng kết về công tác phòng chống tệ nạn xã hội với những con số “quá đẹp”, để chứng minh thực tế chưa phải như vậy, một bạn đọc đã đưa PV đi thực tế ngay tại địa bàn quận Bình Thạnh - nơi có trụ sở Chi cục Phòng chống tệ nạn TPHCM để rõ thực hư.

    Hàng loạt nhà hàng, quán ăn chúng tôi đặt chân đến đều có chung một cảnh thác loạn. Từ những màn biểu diễn thoát y, tắm bia, rồi dùng chỗ kín để khui bia, bắn súng... cho đến hành lạc tại chỗ đều có. Thậm chí, có những chuỗi nhà hàng, karaoke tự nhận mình là “tập đoàn” với 12 điểm phục vụ...

    Hát... mỏi tay

    Anh bạn dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà mặt tiền treo biển Công ty TNHH dịch vụ L.M.D, không ghi rõ kinh doanh gì. Nếu đơn thuần nhìn bề ngoài, ít ai biết được đây là quán ăn có karaoke. Ngoài khu vực để xe, tầng trệt còn có quầy tiếp tân. Đi qua nhóm bảo vệ và lớp cửa phía cuối tầng trệt với khung cảnh nhếch nhácnhư một nhà kho trống rỗng, cũ kỹ, nhưng trên lầu là một thế giới khác hẳn. Dù mới đến đây lần đầu, nhưng do anh bạn quen biết liên lạc qua điện thoại để đặt phòng trước nên vừa bước xuống xe, chúng tôi đã thấy quản lý có tên B tay bắt mặt mừng. Chúng tôi được dẫn vào một phòng rộng khoảng 16m², giữa phòng chiếc bàn gỗ lớn rộng khoảng 6m², 3 dãy ghế nệm xếp hình chữ U ôm sát tường, mặt tường còn lại là chiếc tivi màn hình phẳng và 2 chiếc loa công suất lớn.

    Khách đến, các tiếp viên liền đưa micro và bộ điều khiển từ xa. Còn giàn karaoke vi tính lại được ngầm hóa trong một khoang bí mật. Chưa yên vị, như đã lập trình sẵn, hơn chục “em gái” ăn mặc mát mẻ bước vô, sắp một hàng dài chắn trước màn hình tivi. Sau khi nhận 500.000 đồng tiền bo mở màn, quản lý B ra dấu cho các em lần lượt lột tấm vải nửa áo, nửa khăn đang quàng hờ hững để khách sờ nắn lựa chọn.

    “Ở đây tụi em được bảo kê hết rồi, anh yên tâm đi. Tập đoàn chúng em có 12 cơ sở, đều trên địa bàn quận Bình Thạnh hết. Tụi em làm ở đây nhiều năm rồi mà, không tin cứ hỏi anh T (người dẫn chúng tôi đi thực tế) thì biết. Các anh cứ việc tới Z, tụi em bao sân” - B cho hay. Thấy chúng tôi còn lưỡng lự, B trấn an: “Trong thời gian cao điểm khi các quán khác bị “đánh” cho “bật sới”, nhưng tụi em vẫn hoạt động bình thường thì các anh biết “lực” của tập đoàn em mạnh thế nào rồi đấy. Anh nào có nhu cầu cứ lên lầu, có phòng riêng để vui vẻ”.

    Sau khi lựa chọn “đào” xong, số còn lại lui ra. Các “đào” sà vào lòng khách như đã thân thiện từ lâu. Màn đầu tiên là cho tay đi “du lịch” khắp người khách, nhất là các chỗ nhạy cảm. Theo anh T- người dẫn chúng tôi đi thực tế- màn chào hỏi ban đầu chỉ là thăm dò về mức độ ăn chơi của khách cũng như kiểm tra khách có thủ hàng nóng trong người hay không. Thường sau màn dạo đầu các em sẽ được bo 100.000 đồng, còn muốn các em “hết mình” phải bo 500.000 đồng/lần. Sau màn dạo đầu là các em liên tục khui bia.

    Chúng tôi có 5 người mà chỉ trong vòng 10 phút đã hết 2 thùng bia “ken” và bao nhiêu thức ăn nhanh trên bàn đều được các cô lột ra khỏi vỏ. Do một lon bia được tính giá 45.000 đồng, thức ăn với giá cắt cổ nên quản lý chỉ đạo phải tranh thủ làm mọi thủ thuật để khách trả tiền càng nhiều càng tốt. Tiếp đó, các em ra ngoài cởi hết quần lót, áo ngực, chỉ còn lại chiếc váy dây cũn cỡn, chỉ cần đụng nhẹ là “trần như nhộng”. Lúc đó, cả “đào” và khách để bỏ lửng những bài nhạc du dương để hát bằng… tay.


    Cảnh tắm bia thác loạn tại quán L.M.D ở đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, TPHCM

    Vào 3 điểm khác: Quán Q.T trên đường Lê Quang Định, quán không tên trên đường Nơ Trang Long và một dãy liên hoàn trên đường Bùi Đình Túy, chúng tôi cũng nhận được cam kết “sẽ chu đáo”. Các quán ở đây có số lượng tiếp viên ra chào khách khá lớn, khoảng 30-60 người. Trong một căn phòng trên lầu, gần chục nữ tiếp viên mặc đồ 2 mảnh cũn cỡn, õng ẹo tiếp bia rượu, thức ăn cho nhóm. Sau chục phút làm quen với anh T, nữ tiếp viên có tên H không ngại ngần cởi luôn quần chíp và áo ngực, chỉ để lại một mảnh vải khoác hờ trên người đầy khiêu khích. Thỉnh thoảng, H cố tình để phần nhạy cảm nhất chà lên người anh T như mời gọi. Cứ thế, khách và tiếp viên vừa ôm, vừa ấp, mặc từng bản karaoke trôi đi không lời.

    Thoát y biểu diễn

    Khi hơi men đã lừng xừng, quản lý các phòng đều hỏi khách có muốn đổi nhạc (thoát y biểu diễn) hay không. Nếu đồng ý, quản lý sẽ ra ngoài đổi nhạc, nhưng khách cũng không được quên gửi tiền bo cho quản lý. Tại quán không tên trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), nhìn mặt tiền như 2 căn hộ khác nhau. Một bên cho thuê bán càphê dưới trệt; nhưng cả 2 căn đều thông nhau bằng các lỗ nhỏ ở chân cầu thang, để lỡ có động thì trong quán bia ôm này không còn một nhân viên, còn căn bên cạnh thì cửa khóa ngoài như không có chủ ở nhà.

    Tại đây, sau khi nhận tiền bo từ khách, quản lý chỉ đạo nhân viên phục vụ hết mình. Nữ tiếp viên K trang điểm đậm, ngồi tọt vào lòng khách. Những câu chuyện tục tĩu, thúc tìm cái “điếu cày”, hay “vòi của con voi” ở đâu và bình phẩm về “đồ chơi” khách mang đến. Miệng nói, tay làm, K mơn trớn, kích thích khách rất “mùi” và thích thú để tay khách “đi du lịch” khắp cơ thể mình.

    Bên cạnh, các em gái khác lắc lư ngả nghiêng cùng khách theo điệu nhạc. Vừa ca hát, tiếp viên vừa tiếp cận với khách bằng những động tác rất khêu gợi và không quên bật bia tanh tách thử “độ cứng” (khả năng uống bia rượu) của khách. Rượu càng nhiều, tiền bo càng nhiều thì tỉ lệ nghịch là quần áo trên người nữ tiếp viên- vốn đã “nghèo”- càng “nghèo” hơn. Đó cũng là lúc cuộc thi “bưởi to, bưởi đẹp”, thi “bánh bao”, “bánh da heo”… giữa các tiếp viên, thực chất là các màn khoe ''hàng'', tung hứng nối dài khiêu khích khách.

    Cao trào, màn hình tivi tắt cái rụp. Âm thanh cuồng loạn như trong quầy bar nổi lên. Quên đi phương tiện là karaoke, giờ đây, tất cả chỉ tập trung vào chiếc bàn giữa phòng. Trong hơi men chuếnh choáng, K và các nữ tiếp viên leo hẳn lên bàn gỗ rộng chừng 6m² nhảy bốc lửa, khêu gợi. Trước sự mời chào khiêu khích của các em, khách bắt đầu nhét tiền liên tục vào người tiếp viên để trút bỏ lần lượt trang phục. Tiền nhét vào áo, áo rơi; nhét vào quần, quần rơi. Khi đã cởi bỏ toàn bộ, các nữ tiếp viên càng uốn éo lắc múa đủ mọi tư thế kích dục. Bia chai dù không ai uống cũng được đưa ra hàng loạt.

    3 tiếp viên qua màn thoát y nhún nhảy thì đến tiết mục khui bia bằng chỗ kín. Hàng chục chai bia được sắp hàng dài và các “đào” bắt đầu thụt dầu khui bia một cách thuần thục. Khui bao nhiêu chai thì số tiền bo 200.000 đồng tương ứng được nhét trên miệng chai bia được khui. Tiếp viên tên K sau khi lấy hết tiền trên miệng chai gợi ý “các anh bỏ tiền vào nữa đi, tụi em sẽ dùng “cái ấy” lấy tiền ra cho xem”. Thế là màn gắp tiền được thực hiện. K quay người đối diện với khách, uốn éo ngả nghiêng rồi dùng phần nhạy cảm “gắp” cả chai bia và tờ tiền biến mất trước sự kinh ngạc của mọi người.

    Từng thùng bia liên tiếp được mang vô, mỗi lượt hàng chục lon bia được khui sẵn đặt dọc theo mép bàn. Vừa uốn éo, các nữ tiếp viên vừa lấy bia tưới khắp người. Bia tràn khắp phòng. Vỏ bia quăng ngổn ngang dưới gầm bàn. Được “tiếp sức” bằng mấy tờ tiền polymer, các nữ tiếp viên liền nhét cả cục đá lạnh và xúcxích vào phần kín rồi cong người lại, “bắn” vào đích là các vỏ lon bia đã được nhét tiền trên miệng, trong tiếng reo hò phấn khích của khách. Chiêu trò mua vui thác loạn cũng là chiêu trò giúp tiêu thụ một lượng bia “khủng” của nhà hàng. Chỉ có những đại gia mới chịu nổi sức ăn chơi như thế.

    Chỉ đi thực tế 4 điểm mà chúng tôi phải chi đến 60 triệu đồng chỉ để xem phần múa thoát y. Trong đó, màn chưa đầy 30 phút thoát y biểu diễn tại Công ty TNHH dịch vụ L.M.D (đường Nguyễn Văn Đậu) đã tiêu thụ gần 5 triệu đồng tiền bia (118 lon và chai).

    NHÓM PV


    Bia ôm thác loạn – Bài 2: Tới… Z

    Không chỉ có nữ tiếp viên làm khách nam vui vẻ, các cơ sở còn sẵn sàng bố trí tiếp viên nam cho khách nữ. Thậm chí, cung cấp tiếp viên cùng giới cho khách và sẵn sàng bán dâm ngay tại quán.



    (Ảnh minh họa)

    [BĐH bắt buộc phải cắt bỏ một số đoạn mô tả quá chi tiết, sống sượng về “công đoạn 3” (bán dâm) của các nữ tiếp viên. Thành thật cáo lỗi cùng độc giả]

    ...Chỉ riêng trên địa bàn quận Bình Thạnh, các địa điểm chúng tôi đi thực tế, bên ngoài chỉ đề biển “công ty TNHH thương mại, dịch vụ”, “doanh nghiệp tư nhân nhà hàng”, “công ty dịch vụ”… nhưng thực chất là các điểm bia ôm, karaoke chui (không phép), có từ 30 – 50 nữ tiếp viên, thậm chí có nơi quản lý cho biết có trên 70 tiếp viên nếu cần để phục vụ khách vui vẻ… tới Z. Có thể kể như: H.X., K.T., P.S. (đường Bùi Đình Túy); S.T.P. (Hoàng Hoa Thám); P.T. (Nguyễn Văn Đậu)… hoạt động rầm rộ.

    Để qua mặt sự kiểm tra của cơ quan chức năng, hầu hết các điểm này đều thiết kế ngầm hóa dàn karaoke vi tính trong tường, dưới ghế, trên trần nhà vệ sinh… Các cơ sở thiết kế công tắc bí mật điều khiển hệ thống karaoke ở quầy thu ngân. Khi thấy “động”, nhân viên ở quầy thu ngân sẽ tắt hệ thống karaoke, các tiếp viên trong phòng lập tức phi tang micro, bộ điều khiển từ xa, danh mục bài hát…

    Có cả mại dâm nam

    Tại một phòng khác, theo yêu cầu của khách hàng là nữ, gần chục tiếp viên nam được quản lý cho xếp một hàng ngang trước màn hình ti vi. Rốt cuộc, 2 tiếp viên nam được 2 khách nữ khoảng 30 tuổi chọn. Cũng thuần thục như tiếp viên nữ, nam tiếp viên trổ các ngón nghề để vừa lòng khách. Hỏi về thu nhập, một tiếp viên nam ấn ngón cái vào đầu ngón trỏ của mình rồi chỉ cho nữ khách: “Bằng từng này so với các em kia thôi – vừa nói, vừa hất đầu về mấy nữ tiếp viên đang lả lướt với khách nam trong cùng phòng”.

    “Chị thích nghe bài gì, em hát chị nghe” – Q., nam tiếp viên, 23 tuổi, ở điểm quán L.M.D trên đường Nguyễn Văn Đậu ân cần hỏi một nữ khách. Vừa mơ màng theo bài hát, Q. vừa vùi mặt khách nữ vào ngực mình. “Em còn trẻ vậy, lại gầy nữa, sao có kinh nghiệm?” – vị khách nữ hoài nghi. “Chị chưa nghe, “nhỏ có võ” à? Chị chờ xem!” – Q. tự tin. Từng nút quần áo của Q. cũng lần lượt bung ra để chiều khách. Vừa trao đổi số điện thoại, Q. vừa thì thầm: “Nếu chị thích, em có thể lên lầu phục vụ chị. Nếu chị ngại thì cứ gọi em khi có nhu cầu! Chị em gặp nhau và em có thể đi ra ngoài với chị!”.

    Cũng tại quán này, sau một lượt chọn “đào” cho khách nam, quản lý phải điều thêm gần chục tiếp viên nữ tới để cho… một khách nữ lựa chọn. Chấm tới chấm lui, khách nữ này cũng chọn được 2 em gái đến ngồi 2 bên phục vụ. Cũng trong phòng này, nữ tiếp viên Tr. thay vì phục vụ một khách nam như lựa chọn ban đầu thì sau màn múa lửa, Tr. tự động đến bên một nữ khách phục vụ và xin số điện thoại. Thấy khách nữ không tự nhiên, Tr. nài nỉ: “Tối nay chị ghé chỗ em chơi nhé! Em thích chị lắm! Đây, số điện thoại của em…”.

    Vì sao trong khi các nhà hàng bia ôm thác loạn hoạt động rầm rộ, từ tài xế taxi cho đến xe ôm đều có thể biết để dẫn khách tới (lấy hoa hồng) trong khi đoàn kiểm tra lại không biết? Thậm chí, có chủ nhà hàng tự xưng là tập đoàn H. với chuỗi 12 nhà hàng hoạt động gần như công khai, thách thức dư luận ở gần trụ sở của thường trực đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống tệ nạn xã hội? Các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý đến nơi đến chốn các hoạt động mua bán dâm công khai trên.

    NHÓM PV


    (Ảnh minh họa)
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 11-20-2019, 07:02 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X