Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nguyễn Tất Nhiên: từ THIÊN TAI đến TÂM DUNG

Collapse
X

Nguyễn Tất Nhiên: từ THIÊN TAI đến TÂM DUNG

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nguyễn Tất Nhiên: từ THIÊN TAI đến TÂM DUNG

    Nguyễn Tất Nhiên: từ THIÊN TAI đến TÂM DUNG
    Nguyễn Lương Vỵ





    Nguyễn Tất Nhiên trong thập niên 1970



    Xế trưa ngày 06.11. 2012, nhà thơ Võ Chân Cửu (vừa mới có chuyến du lịch từ Việt Nam sang Hoa Kỳ) và tôi, đã đến khu nghĩa trang Peek Family, thành phố Wesminster, Nam California, viếng mộ thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên (tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Hải.) Hướng dẫn hai chúng tôi, là người em ruột của Nhiên – Nguyễn Hoàng Nam, cũng là nhà thơ.

    Mộ của Nguyễn Tất Nhiên nằm khá sâu phía trong nghĩa trang, yên ắng, râm mát vì có nhiều bóng cây. Chúng tôi thắp nhang, cắm lên phía đầu mộ, khấn chào Nhiên sau hơn 40 năm xa cách rồi cùng ngồi xuống, xoa tay lên tấm bia xi-măng nằm ngang mặt đất, có ghi 8 câu thơ của Nhiên, như là lời nhắn gửi tâm tình của thi sĩ:

    Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ
    Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
    Phải đau theo từng hớp rượu tàn
    Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định!
    (Vì Thượng Đế từ lâu kiêu hãnh
    Cầm trong tay sinh tử muôn loài
    Tình ta vừa gánh nặng thấu xương vai
    Thì em hỡi, ngai trời ta đạp xuống)

    Tôi lặng lẽ nhìn và đọc thầm, chẫm rãi 8 câu thơ trên. Trong tâm tôi vang lên một lời tâm tình với bạn: “Nhiên ơi! Thế cũng là vui rồi. Hãy tiếp tục rong chơi nữa đi với hư không bất tuyệt.”

    8 câu thơ trên, thi sĩ đã cất lên lời kiêu hãnh một cách bi tráng, để đáp lại cái “kiêu hãnh” từ lâu của Thượng Đế?! Một suy nghĩ, một thái độ lạ lùng, đáng yêu biết bao!!! 8 câu thơ trên, Nhiên viết năm 1972, trích trong bài thơ “Giữa Trần Gian Tuyệt Vọng,” lúc Nhiên vừa tròn 20 tuổi. Thơ đã linh cảm, ứng hiện như định mệnh. Đúng 20 năm sau, Nhiên giã biệt trần gian, tròn 40 tuổi.

    Nếu so với một số thi sĩ tiền bối, đàn anh đi trước như: Hàn Mặc Tử (1912 -1940, 28 tuổi,) Nguyễn Nhược Pháp (1914 – 1938, 24 tuổi,) Bích Khê (1916 -1946, 30 tuổi,) Phạm Hầu (1920 – 1944, 24 tuổi,) Quách Thoại (1930 – 1957, 27 tuổi,) thì Nhiên không phải là người mệnh yểu như các vị trên, tính theo tuổi tác. Nhưng các vị kia mệnh yểu vì bệnh nan y, còn với Nhiên, theo tôi, có lẽ do 2 nguyên nhân chính: Di chứng hoang tưởng của bệnh tâm thần phân liệt và do quá cùng quẫn, bế tắc trong cuộc sống cá nhân (thân bệnh và tâm bệnh) nên Nhiên đã tìm cách tự hủy mình, cũng là cách để thách thức Thượng Đế bằng một kết thúc đẹp và bi thương như vậy,“phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định”? Thật tình, đây cũng chỉ là cách suy đoán, suy diễn có tính chủ quan. Còn cái vô hình của định mệnh thì chỉ có hư không mới biết được!!!

    Nhiên là một thi sĩ bẩm sinh, tài hoa, suốt đời cuồng nhiệt, đam mê với thơ, đặc biệt là thơ tình. Biết làm thơ từ rất sớm: Mới 14 tuổi (1966,) Nhiên đã có tập thơ đầu tay “Nàng Thơ Trong Mắt” và hai năm sau, 16 tuổi (1968,) viết tiếp tập thơ “Dấu Mưa Qua Đất” (cả hai tập thơ nầy đều ký bút danh Hoài Thi Yên Thi.) Năm 1970, đúng 18 tuổi, Nhiên tự ấn hành tập thơ“Thiên Tai,” cũng là lúc bút danh Nguyễn Tất Nhiên lần đầu tiên xuất hiện trên thi đàn miền Nam. Năm 1978, Nhiên vượt biên và định cư tại Pháp. Tại đây, nhà xuất bản Sud-Asie đã ấn hành tập“Thơ Nguyễn Tất Nhiên”gồm những bài thơ sáng tác từ 1970 – 1980. Sau đó, Nhiên sang Hoa Kỳ, định cư tại Nam California, tiếp tục sáng tác thơ, nhạc. Nhiên tiếp tục cho ấn hành các tập thơ“Chuông Mơ” (NXB Văn Nghệ,1987,)“Tâm Dung”(NXB Người Việt, 1989,)“Minh Khúc” (1990, đã hoàn tất bản thảo, phổ biến hạn chế. Gần đây có xuất hiện trên mạng internet dưới dạng PDF.) Ngoài ra, “kho tàng” thơ Nguyễn Tất Nhiên còn khá nhiều, hiện được gia đình lưu giữ.

    *

    Tôi yêu kính thiên tai
    Vì thiên tai đẻ ra tôi

    Bìa sau của tập thơ“Thiên Tai,” Nhiên cho in một “tuyên ngôn” ngắn, khá kiêu ngạo, lạnh lùng, ẩn dấu phía sau khí chất tự hào của thi sĩ:

    Tôi kiêu ngạo trước nhiều thiên tai
    Tôi điên khùng tôi phí đời tôi
    phi thường tôi rách nát trước một thiên tai
    Thiên tai lớn
    Tôi cuồng tín với thơ
    Tôi dầm mình trong thơ
    Tôi hét ra thơ
    Vì thơ dựng đứng được tôi suy tôn được tôi
    Vì thơ là độc dược là kinh kệ chịu đựng nổi thiên tai
    Tôi yêu kính thiên tai
    Vì thiên tai đẻ ra tôi
    Vì tôi chửi rũa thiên tai đỡ buồn
    Mỗi thiên tai là một người tình

    .

    Tôi tuyên chiến rồi đó
    Ra mặt đi hỡi những kẻ từ lâu nuôi dự tính hạ sát tôi

    .

    Cảm ơn
    Cảm ơn thần thánh
    Cảm ơn hơi ấm những người khốn nạn cùng tôi

    Vậy“thiên tai” là gì? Là ai? Thi sĩ giải bày: NGƯỜI TÌNH – “mỗi thiên tai là một người tình” – Chỉ có THƠ mới cứu được thi sĩ trước “thiên tai” đó,“vì thơ dựng đứng được tôi suy tôn được tôi,”“vì thơ là độc dược là kinh kệ chịu đựng nổi thiên tai”

    Đọc lại “tuyên ngôn, tuyên chiến” của thi sĩ, tôi chỉ biết gật gù rồi mỉm cười một mình, thuận tay gõ ngay mấy câu cảm ứng vào bài viết để trêu bạn: “Thiên tai vần với thiên tài / Tài tai tái mặt hình hài bão giông / Tất Nhiên thơ hét hư không / Thánh Thần bỏ trốn khốn cùng trần gian…” Đúng không Nhiên?

    Ở đâu đó, tôi như thấy Nhiên cũng đang gật gù rồi mỉm cười, chẫm rãi, rõ giọng, đáp lại:

    Tôi yêu kính thiên tai
    Vì thiên tai đẻ ra tôi

    Nhiên“cảm ơn thần thánh” nhưng thần thánh đã bỏ trốn, để Nhiên một mình ở lại trần gian, đam mê, cuồng nhiệt với Tình Yêu, với Thơ – với THIÊN TAI.

    Tập thơ“Thiên Tai” với số lượng thơ khiêm tốn (15 bài,) nhưng đã tạo được dấu ấn đặc biệt cho tên tuổi Nguyễn Tất Nhiên. Những bài thơ tình đầu đời của Nhiên độc sáng một cõi riêng bởi thi ảnh, thi tứ, thi pháp táo bạo, độc đáo.

    Bài thơ“Linh Mục,” (nhạc sỹ Nguyễn Đức Quang phổ nhạc, đổi thành Vì Tôi Là Linh Mục,) với cấu trúc 5 chữ, lạ lùng, mới toanh ý tưởng, ẩn dụ về Tình Yêu, về Người Tình – Tự nhận mình là linh mục, nhưng tôi-linh-mục“không mặc áo nhà giòng,”“không biết mặt thánh thần,”“không biết rửa tội người,”“không có thánh kinh,”“không có bổn đạo,” tôi-linh-mục chỉ biết “giảng lời tình nhân gian,” “phổ lời tình nhân gian,” tôi-linh-mục chỉ có duy nhất một tín đồ:“tín đồ là người tình / người tình là ác quỉ / ác quỉ là quyền năng / quyền năng là tín đồ / tín đồ là người tình.” Giải thích lòng vòng theo kiểu tam-tứ-ngũ đoạn luận, cuối cùng té ra:“tín đồ là người tình!” Đúng là giải thích, lập luận theo kiểu của thi sĩ. Rốt cục, vị tôi-linh-mục-thi-sĩ nầy biết mình “tội còn thâm vai” vì mình chỉ có duy nhất một tín-đồ-người-tình, cho nên mình phải“suốt đời hiu quạnh, suốt đời lang thang.” Tôn vinh, cuồng nhiệt với Người Tình như thế, thật đúng là… đỉnh của đỉnh!

    Bài thơ“Khúc Buồn Tình,” (nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc, đổi thành Thà Như Giọt Mưa,) với cấu trúc 4 chữ, đột phá âm tiết, nhịp điệu, hình ảnh lạ lẫm“người từ trăm năm / về qua sông rộng / ta ngoắc mòn tay / trùng trùng gió lộng”, “người từ trăm năm / về như dao nhọn / ngọt ngào vết đâm / ta chết âm thầm…” Ngoắc người tình đến nỗi phải mòn tay thì thật là kỳ lạ cho trí tưởng tượng! Hình ảnh người tình về như dao nhọn, ngọt ngào vết đâm, chỉ có thi sĩ mới tưởng tượng được như vậy! Tứ thơ buồn dằng dặc, ray rức như những giọt mưa đang rơi, đang vỡ, đang khô trên tượng đá theo liên tưởng của thi sĩ.

    2 bài thơ hay và lạ, được âm nhạc chắp cánh thêm nên đã nhanh chóng đi vào lòng người, nhất là thế hệ học trò, tươi rói tình yêu của tuổi mới lớn.

    “Thiên Thu,” bài thơ in ở cuối tập thơ “Thiên Tai,” với cấu trúc 7 chữ phá cách – Hay và đẹp xuất thần! Giọng thơ điềm đạm, trầm buồn, vượt xa hẳn độ tuổi 18, khi thi sĩ viết bài thơ nầy:

    sao thiên thu không là xa nhau?
    nên mưa xưa còn giăng ngang hồn sầu
    tôi đứng như cây cột đèn gẫy gập
    và một con đường cúp điện rất lâu

    sao thiên thu không là chôn sâu?
    nên nắng xưa còn hanh mái tóc nhầu
    tôi đứng như xe tang ngừng ngập
    và một họ hàng khăn trắng buồn đau

    sao thiên thu không là đường chim?
    nên mây năm xưa còn trên tay phiền
    tôi đứng như tường vôi luống tuổi
    và những tàng xanh chùm gởi quê hèn!

    sao thiên thu không là lãng quên?
    nên tình xưa còn cháy âm thầm
    tôi đứng như căn nhà nám lửa
    và những người thân trốn chạy vội vàng!

    sao thiên thu không là sương tan?
    nên mặt trời xưa còn gượng huy hoàng
    tôi đứng như dòng sông im lặng
    và những cánh buồm kiệt sức lang thang!

    sao thiên thu không là thiên thu
    nên những người yêu là những ngôi mồ
    tôi đứng một mình trong nghĩa địa
    và chắc không đành quên khổ đau!

    (Thiên Thu, 1970)

    “tôi đứng như cây cột đèn gẫy gập / và một con đường cúp điện rất lâu…” một liên tưởng bất ngờ, độc đáo để diễn tả tâm trạng sầu nhớ người tình. Rất thực nhưng cũng rất thơ! Hai câu cuối: “tôi đứng một mình trong nghĩa địa / và chắc không đành quên khổ đau!” làm cho ta phải lặng người thương cảm.

    Hầu hết những bài thơ trong“Thiên Tai,” Nguyễn Tất Nhiên đã dồn hết tâm sức, tâm lực, tâm khảm, tâm huyết, tâm hồn cho NGƯỜI TÌNH. Tôi chỉ xin giới thiệu trong bài viết nầy 3 bài thơ tiêu biểu nhất đã đề cập ở trên, có dấu ấn nổi trội nhất về đặc điểm thơ tình của thi sĩ: Đam mê, cuồng nhiệt, sầu khổ, tuyệt vọng, bi thương… kết tụ thành cái ĐẸP trong thơ, dâng hiến cho NGƯỜI TÌNH (mà theo thi sĩ, NGƯỜI TÌNH cũng là “ác quỷ,” cũng là kẻ đầy “quyền năng” nhất đối với mình.)

    NGƯỜI TÌNH có thật, học cùng trường với Nhiên, đã“về như dao nhọn / ngọt ngào vết đâm” thường xuyên trong ký ức, trong nỗi nhớ – mãi là niềm cảm-hứng-hạnh-phúc-khổ-đau nhất của thi sĩ từ buổi gặp gỡ đầu tiên và ám ảnh mãi cho đến cuối cuộc đời. Có thật trong cuộc đời, nhưng người nữ ấy vẫn chỉ là ảnh ảo một phía, là tình yêu một phía của thi sĩ! Phải chăng đây là ứng mệnh của Thiên Tai?

    Xin thưa, rất đúng:“tôi yêu kính thiên tai / vì thiên tai đẻ ra tôi.” Cũng chính ứng mệnh đó, đã ráo riết bám sát cuộc đời của thi sĩ, bầm dập, nát tan – Và cũng chính ứng mệnh đó, thơ tình Nguyễn Tất Nhiên ngày càng thăng hoa, rực rỡ riêng một cõi.

    Tâm Dung –

    Vọng mà biết mình vọng, còn hơn không.

    Tập thơ“Tâm Dung,” (NXB Người Việt, Calif., 1989,) gồm 18 bài thơ, trong đó có 15 bài thơ mang tựa đề bắt đầu bằng chữ “Tâm…” (Tâm Khai, Tâm Sân, Tâm Hoa, Tâm Xuân, Tâm Hồng, Tâm Hương, Tâm Mưa, Tâm Sương, Tâm Cảm, Tâm Ca, Tâm Tưởng, Tâm Nguyệt, Tâm Cảnh, Tâm Chung, Tâm Duyên.)

    Ngay trong trang đầu của tập thơ, thi sĩ viết:

    Dung, theo nghĩa dung chứa. Năm lần Phật chỉ cho ngài A Nan, tâm là cái thấy.

    Lấy cái thấy phân biệt để chỉ cái thấy vô phân biệt, lấy cái tâm vọng để chỉ cái tâm chơn, lấy ngón tay phàm phu để dụ như ngón tay Phật chỉ trăng. Kẻ trèo đèo này chỉ mong góp một cỏn con Phật sự, vọng động chăng?

    Chỉ mong quí thiện hữu niệm tình: vọng mà biết mình vọng, còn hơn không.

    “Vọng mà biết mình vọng,” theo Phật pháp, đó là pháp “biết vọng”: Lúc đối duyên xúc cảnh, niệm khởi lên, ta liền biết đó là vọng tưởng, không bị nó lôi dẫn. Khi ta không chạy theo vọng tưởng, vọng tự nhiên biến mất, ngay lúc đó, tâm liền an. Trong pháp “biết vọng” có hai lối tu tập: Biết vọng liền buông và Biết vọng không theo. Đây là phương tiện cho những người có chí tu tập, hành trì nhưng chưa thấy tánh, phải tạm dùng phương tiện này để phá cái “chấp ngã” về tâm. Đến khi vọng tưởng lặng dứt thì pháp đối trị cũng dừng, đủ nhân duyên, liền quay về hội nhập tự tánh, tức là kiến tánh.

    Phải chăng, bản thân Nguyễn Tất Nhiên tự biết mình đã quá chạy theo vọng tưởng, vọng động, vọng niệm, và đã từng nếm mùi khổ ải trong tình yêu, bầm dập khôn lường, nên giờ đây đã quay về nương tựa Phật pháp?

    15 bài thơ mang tựa đề bắt đầu bằng chữ “Tâm…,” thơ của Nhiên đã chuyển hóa một cách khác thường. Cũng là những suy nghiệm, hồi tưởng, cảm xúc về Tình Yêu, về Người Tình, nhưng là những suy nghiệm, hồi tưởng, cảm xúc rất bao dung, độ lượng – không còn ưu uất, oán trách, giận hờn, bi lụy như trước đây nữa. Xin trích dẫn một số đoạn thơ tiêu biểu:

    “… hôn em thảng nụ bất ngờ
    bỗng nghe trật tự khá nhiều đổi thay!
    (ví dù nội cỏ ngàn cây
    cũng môi trường đúng mới khai lá cành
    mới đơm bông, mới trái lành
    như tôi hướng thiện bởi tình thăng hoa)…”

    (Tâm Khai)

    Hôn em như thế thì còn gì bằng nữa hỡi thi sĩ? Tôi cũng phải phát thèm! Hôn em xong, rồi ôm nhau bay luôn lên cõi trời hồng mênh mông lãng đãng thì hỉ lạc biết bao nhiêu!!!

    “… luật chơi
    thi sĩ
    là kẻ
    phải gục ngã thảm thiết
    gục ngã tận bình sinh
    trong trò đùa ngôn ngữ
    ngã gục vì không tin
    văn chương gian lận mình
    bởi chế độ
    bởi chính trị
    bởi xã hội vật dục
    bởi vận tốc văn minh xô sấp ngửa trắng trợn từng ngày”

    (Tâm Sân)

    Rất thương, rất cảm kích và rất mừng cho thi sĩ đã “ngộ” ra cái lẽ đương-nhiên, cái lẽ sở-dĩ-nhiên, cái lẽ nhiên-như-nhiên-tất-nhiên nầy! Thật ra, những điều nầy không hẵn dành riêng cho thơ, cho thi sĩ đâu, mà là cho cả cuộc-đời và cuộc-người đấy Nhiên à!!!

    … hỡi người nhỏ nhẹ gót chân sen
    cành nhánh hồn tôi rất yếu mềm
    những nụ cười tôi sầu tản mạn
    chỉ xin hài điệu với thiên nhiên…”

    (Tâm Hoa)

    Nhẹ lòng, thanh thản tâm hồn quá rồi còn gì!

    … em có mắt nhìn lên quang đãng
    đất trời tám tiết cũng trong veo
    bông lúa lòng anh thơm sữa quá
    tâm xuân trời đất cũng xuân theo…”

    (Tâm Xuân)

    Em-anh-trời-đất nhất tâm hòa điệu. Há chẳng vui sướng sao!

    “… bạn thân ơi là bạn thương
    vườn đông phương bát ngát quê hương
    phong phú hạt tâm hồng
    tuyệt vời nở đóa vòm từ lượng mẹ
    đóa khung hồn xanh cửa sổ tình chân …

    (Tâm Hồng)

    Còn gì đẹp bằng, hỡi thi sĩ! Khi hạt tâm hồng“tuyệt vời nở đóa vòm từ lượng mẹ…” Đó chính là cái đẹp thiêng liêng, vi diệu của Tình Yêu.“đóa khung hồn xanh cửa sổ tình chân…” Đó chính là cái đẹp bất tuyệt của Tình Yêu.

    …giữ cho nhau một chút nào
    giữ duyên đáp nghĩa đền câu phụ lòng
    giữ thơm không khí phiêu bồng
    giữ mây cho khói mang hồn sông theo …

    (Tâm Hương)

    Nếu em có phụ lòng, thì anh đây vẫn giữ duyên đáp nghĩa đền câu phụ lòng của em. Không hề gì! Em có mất đi mô đâu mà anh phải lo buồn, vì anh vẫn“giữ thơm không khí phiêu bồng / giữ mây cho khói mang hồn sông theo…” đấy em à. Thiện tai, thiện tai!

    “…phải em là giọt mưa theo
    cho ao yên đỗ cá gieo vần bèo
    cho thuyền con bé tẻo teo
    nghe thu gợn tí tình nghèo mà vui
    phải em giọt ngậm giọt ngùi
    giọt đường vắng giọt ngừng trôi mây chiều
    giọt mười thương nhớ hắt hiu
    giọt ve tấu khúc anh theo ngọ về
    giọt lan cắt tóc quên thề
    giọt ngàn năm điệp tình quê não nùng
    phải em là giọt chung thân
    cây quanh năm học làm xanh sắc vàng
    phải em giọt nước giọt non
    giọt non nước giọt hãy còn thề xưa…”

    (Tâm Mưa)

    Em thấy chưa? Tình yêu anh dành cho em lãng đãng mênh mông biết bao. Từ nay, sẽ không còn cái cảnh anh phải ngồi ở quán cà phê gần nhà thờ vào mỗi buổi chiều, thấp thỏm mong ngóng em xong lễ nhà thờ chưa, để chỉ mong được nhìn dáng em lướt qua một chút thôi, để rồi tối về làm thơ nhớ em… Bây giờ, anh cũng chẳng cần làm ông linh mục nữa! Ôi cái tôi-linh-mục mệt quá và buồn quá em ạ. Giọt mưa của anh ngày xưa rơi, vỡ, khô trên tượng đá thảm quá phải không em?! Hôm nay, phải em là giọt mưa theo thì chắc chắn em sẽ bay, rơi và thấm miên man như dòng thơ sáu tám anh viết đây nè! Giọt mưa sẽ khiến cho những hồn thơ thức giấc chớp mắt nhìn theo. Em hãy đọc chậm bài thơ lại đi rồi sẽ thấu lòng anh. Hà hà!

    …buồn ơi…
    tôi bỏ tôi chìm đắm
    trong tiếng làm thinh của ghế bàn
    ghế bàn không sẻ chia sầu thảm
    nhưng biết làm thinh lặng cảm thông
    bàn ghế đâu như người vui nhảm
    tọc mạch đời nhau để miệng mồm
    buồn ơi, tôi muốn như bàn ghế
    chịu đựng đời không biết thở than!

    (…)

    buồn ơi…
    tôi bỏ tôi rời rã
    bất lực làm sao trước cuộc đời
    ừ nhỉ, trước giờ tôi chiến đấu
    cho niềm bất lực buổi hôm nay!
    ừ nhỉ, bây giờ tôi mới biết
    ghế bàn nên kính trọng như thầy
    bàn ghế dạy tôi điều nhẫn nhục
    dạy tôi bình thản thứ tha đời
    bàn ghế có bao giờ bất lực
    có bao giờ biết đợi trông chi
    buồn ơi, tôi muốn như bàn ghế
    thương đời như thể bỉ khinh thôi!

    (…)

    buồn ơi…
    tôi có tôi-bàn-ghế
    nguyện hiến cho đời một tấm lưng

    (Tịnh Khúc)

    Bài thơ như một bài kinh sám hối, đầy xúc cảm, rất mực chân thành, hồi hướng quay về Chơn Tâm, sau khi thi sĩ đã “biết vọng.” Giọng thơ da diết, trầm trầm, “… buồn ơi… / tôi có tôi-bàn-ghế / nguyện hiến cho đời một tấm lưng.” Nhưng Nhiên ơi! Thật lòng tôi chẳng biết, Nhiên đã thật tình “buông vọng” và “không theo vọng” được chưa?

    “Tâm Dung,” bài thơ cuối cùng, cũng là bài thơ chính của tập thơ, như một tản-văn-thi, gồm 12 đoạn, dung chứa, dung nhiếp trọn vẹn tâm cảnh của thi sĩ.

    Cái cách thế suy nghiệm về Tình Yêu, về Người Tình nồng ấm sâu xa như tình mẫu tử. Tôi liên tưởng đến hình ảnh “mẫu thân” của đại huynh thi sĩ Bùi Giáng (Mẹ về đứng ở đầu sân / Cuối cùng mẹ bước vô ngần mẹ đi – BG.) Nguyễn Tất Nhiên cũng một giọng điệu tha thiết như thế:

    “1. có thể nào trẻ thơ sống bên ngoài lòng mẹ? có thể nào anh sống ngoài tầm mắt em?”



    “7. có thể nào môi mẹ không cần má con thơ? Em từ tâm anh tin tưởng sống chẳng thể nào…”

    Đoạn thơ thứ 8, trong trẻo hồn nhiên đến nao lòng:

    anh vẫn ngây thơ trong sáng như thời mới lớn như thuở mười bốn làm thơ yêu em mà ngủ phương phi trên nệm-gối-thơ mình, anh vẫn thắm tươi hy vọng như thời mới lớn như thuở mười sáu mười bảy làm thơ yêu em mà thức dậy trên thảm-cỏ-thơ mình hướng mũi về gần một đóa hoa hàm tiếu hít ắp đầy hai cánh phổi lành tươi luôn được tinh lọc bởi những buổi bình minh bầu hồng căng sữa nóng rồi sau cơn ngây ngất đê mê anh dồi dào năng lực sống suốt hai mươi bốn giờ, anh vẫn tin yêu thành tín như thời mới lớn như thuở mười tám mười chín làm thơ yêu em mà quỳ hôn lên bóng người yêu đổ dài vào công-viên-thơ mình rồi trong cơn chiêm ngưỡng triền miên anh hoàn toàn chẳng còn bất cứ tiếng gì từ chung quanh đường phố chợ người điệp trùng xe cộ để, tiếng đều đều thạo việc ong đàn xây tổ, để, tiếng tung tăng bướm lũ rập rờn vẩy màu thành bài ngợi ca hoa ngàn hiền khoe mơn mởn sắc, để, anh hoài hoài cặm cụi ngồi lựa từng-cọng-rơm-sợi-lác thơ mình những mong dệt thành chiếc-đệm-chất-phác-tình-yêu dài trải bằng suốt kiếp người này cho nhỏ nhẹ đôi bàn chân em đời còn mềm mại mãi…

    Vậy là, gần 20 năm trải nghiệm, từ “Thiên Tai” đến “Tâm Dung,” thơ tình của Nguyễn Tất Nhiên vẫn trong sáng, tinh khôi như thuở ban đầu. Tình Yêu, Người Tình vẫn thiêng liêng, mầu nhiệm; vẫn là những rung động sâu lắng, bềnh bồng; vẫn là nguồn an ủi, cảm hứng bất tận cho thi sĩ. Có khác chăng, là sự chuyển hóa của tâm cảnh, cách nhìn, cách nghe, cách cảm thụ về Tình Yêu, Người Tình. Đã qua rồi một thời bồng bột, sôi nổi, cuồng mê của “Thiên Tai,” giờ đây, “Tâm Dung” sâu lắng hơn, trầm tĩnh hơn, bao dung và độ lượng hơn.

    Thật tình, cuộc đời Nguyễn Tất Nhiên rất bất hạnh về tình yêu. Người bạn đời sau nầy của thi sĩ cũng là kết quả của một mối tình rất đẹp từ thuở học trò. Nhưng “Ông Xanh” cũng thật oái ăm, quái ác! Cuối đời, Nhiên cũng đã phải chia tay người bạn đời ấy, xa cách hai đứa con mà mình rất mực thương yêu. Tôi hiểu, Nhiên rất cô đơn và đau xót từ thể xác đến tâm hồn. Tôi nghĩ, cũng chính sự cô đơn tận cùng đó, tố chất bẩm sinh của thi sĩ lại ngày càng phát tiết, thăng hoa. Giọng thơ của Nhiên về cuối đời, trong tập thơ “Minh Khúc” càng bao dung, độ lượng hơn, mặc dù rất ngậm ngùi:

    đường không gian – đã phân ly
    đường thời gian – đã một đi không về …
    những con đường mịt sương che
    tôi vô định lái chuyến xe mù đời
    cu tí ngủ gục đâu rồi?
    băng sau, ngoái lại, bời bời nhớ con!
    đường trăm năm – nát tan lòng
    đường ngàn năm – hận, xin đừng trả nhau!
    những con đường cuối năm nào
    cho tôi tìm lại cành đào ba sinh
    khi em lễ mễ với tình
    thắp nhang tạ tội sinh thành con đi…
    đường chung đôi – đã chia đời
    đường chia đôi – vẫn hơi người quẩn quanh
    chim đêm hót tiếng đau tình
    đau tim tôi chở lòng thành kiếm em…”

    (Minh Khúc 90 – Trích trong tập thơ “Minh Khúc.”)

    ***

    40 năm ngắn ngủi của một đời người, từ lúc mới biết làm thơ (13 – 14 tuổi) cho đến ngày hắt hơi từ biệt trần gian (40 tuổi,) Nguyễn Tất Nhiên đã sống trọn vẹn với phẩm cách thi sĩ, cuồng nhiệt với Thơ, đã tận tâm, tận tình, tận hiến cho Thơ. Tài hoa – Mệnh bạc! “Tất Nhiên ấy chính là Nhiên vậy.” Nhiên ơi, Tôi chơi chữ tinh nghịch, hàm hỗn lai rai chút tình bằng hữu văn chương từ thời trai trẻ, để bạn có thể gật gù mỉm cười đâu đó, như cách nay trên 40 năm, tại Sài Gòn, bạn và tôi thi thoảng gặp nhau, ngồi quán uống cà phê, hút thuốc liền tay, im lặng nhìn lên mái phố đã về chiều, thỉnh thoảng buông vài câu tào lao, gật gù mỉm cười khinh khoái, rồi chia tay.

    Tôi rất nhớ bạn và cũng đang gật gù mỉm cười đây. Nhiên ơi!

    Bolsa, 11. 2012. Đọc lại và hiệu đính, cuối tháng 7. 2014

    Ghi chú:

    – Phần tiểu sử và thi nghiệp của Nguyễn Tất Nhiên, đã được khá nhiều tạp chí, trang mạng phổ biến. Người viết xin không ghi chú lại.
    – Thơ Nguyễn Tất Nhiên và một số tư liệu văn học khác, được tham khảo trên Google, trang mạng Vikipedia VN.
    – Cám ơn nhà thơ Lê Giang Trần đã cho mượn tập thơ “Tâm Dung.”
    – Có tham khảo thêm với nhà thơ Nguyễn Hoàng Nam, em ruột của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên về một số bài thơ trích dẫn để đúng với nguyên tác và cuộc sống đời thường của Nhiên tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X