Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Xóm nhỏ nhà tôi

Collapse
X

Xóm nhỏ nhà tôi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Xóm nhỏ nhà tôi

    Xóm nhỏ nhà tôi


    Tịnh Nguyên


    Tôi thấy cái cổ họng của mình nghèn nghẹn, con mắt ươn ướt, khi vừa đọc xong truyện ngắn "Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn" của nhà văn Tiểu Tử. Hình như tôi cũng có cái buồn giống ông, cái buồn của người tha hương. Nỗi nhớ quê hương cứ cuồn cuộn trổi dậy khi có duyện cớ gì đánh động.

    Xóm tôi không có con sông Vàm Cỏ chạy qua, chẳng có lũy tre xanh, cũng chẳng có con đường cái quan của một làng quê. Xóm của tôi ở thành thị, ngay trong lòng Sàigòn, Hòn Ngọc Viễn Đông của một thời. Cái xóm nghèo lao động đó thuộc quận 3, vùng Tân Định, giáp với Phú Nhuận, Đa Kao sát ranh với Gia Định chỉ qua cây cầu, Cầu Bông. Xóm nhỏ nhà tôi có cái tên rất nôm na gần gũi với người dân lao động, xóm Hầm Sỏi. Không biết lịch sử của cái tên có tính cách tả chân này có liên hệ với đời sống của người dân địa phương như thế nào, tôi chỉ biết tôi sanh ra và lớn lên với cái tên dính liền với sỏi đá đó. Nó đã thành da thành thịt, mặc nhiên đi vào máu huyết luân lưu trong thân thể của tôi cho đến bây giờ dù đã hơn nửa đời người, tôi không bao giờ xa vắng nó và thường lội ngược dòng thời gian để quay lại từng thước phim đầy ắp hình ảnh rỏ nét của một quảng đời thơ ấu thân thương vẫn còn đậm nét kkông bao giờ mờ nhạt trong tâm tưởng của tôi.

    Cái xóm nghèo với con số suyệt (sur) 2, 3 lần xem vậy mà vẫn đủ rộng để xe xích lô máy, xe hơi chạy vô chạy ra một cách dể dàng. Ông Chín Taxi và ông Tư xích lô máy sáng sớm và lúc tối trời vẫn bình bịch nổ máy đi, về. Con hẽm chằn chịt ngoằng ngoèo vậy đó mà lũ trẻ chúng tôi chẳng chừa hang cùn ngỏ hẽm nào. Lũ con nít chúng tôi gồm một đám con trai với vài ba đứa con gái trong đó có tôi. Tôi thường theo anh tôi để đi chọi đá, tạt lon, đôi khi hốt phụ nút khoén hay tiền cắt chọi đáo lúc anh thắng cuộc.

    Ở đô thị, lúc đó con hẻm nhà tôi còn nghèo xác xơ, chẳng có tráng nhựa cũng chẳng có lót xi măng, mà con đường hẻm làm bằng đất sét dẻo thật tốt. Mỗi sáng nhà nhà đều quét sân dọn dẹp thì hiện ra màu đất sét đỏ nâu sạch sẽ, đẹp lạ đủ để bọn con nít chúng tôi tha hồ chơi giỡn, vẽ đường cò cò, vẽ mức chơi u, tạt lon, hay đào lỗ chơi đánh trỏng. Vì đường đất nên chỉ với bằng một cành cây nhỏ bẻ gãy hay bằng một miếng gạch có góc nhọn là có thể vạch những đường vẽ đậm khắc sâu vào đất mà không cần có phấn hay màu mực nào. Nếu có té lăn cù mèo, u đầu, sứt trán thì lại vẫn tiếp tục chơi tiếp mà không cần phải gọi cấp cứu hay vào chở vào nhà thương.

    Dãy nhà ba má tôi thuê lại là dãy phố cuả người Ấn Độ mà thời đó người mình thường gọi là Chà Và là những căn nhà giống nhau, kích thước đều đặn, mái ngói, sân gạch tàu màu đỏ, có hàng rào cây bao bọc trước sân. Đối diện qua dãy nhà trước mặt là một hàng cây được trồng hay mọc hoang nào là trứng cá, cây bông trang ,khi có bông thường dùng để cúng kiến vào ngày mồng một hay rằm, cây điệp vàng, cây thanh long đôi khi có trái mà tôi cứ gọi là cây xương rồng, và cây lá giông. Cây lá giông không đẹp bằng cây phượng nhưng bông giông có màu đỏ cam, rụng xuống đất tạo thành một cảnh sắc đẹp như những bức minh họa "Mai và Tí" trong sách giáo khoa lớp một. Những hình ảnh này chợt gợi lại cho tôi không biết bao nhiêu cảm xúc trong thời thơ ấu. Hình ảnh thật dể thương, chan chứa tình quê hương xóm giềng.

    Rồi tới những khi con mưa rào đổ xuống, con hẻm sạch trơn bỗng chốc biến thành một bể bơi cộng cộng cho lũ trẻ chúng tôi bì bõm xăng quần lội nước. Nước mưa cũng là một nguồn nước ngọt cho nhà nhà tha hồ hứng đầy lu khạp từ máng xối Những dịp trời mưa ngoài đám con nít tung tăng tắm mưa giởn nước thì người lớn cũng được dịp tắm rửa kỳ cọ thân thể hay vật dụng trong nhà mà không phải tốn công ra 2 máy nước công cộng ở đầu con hẻm. Vào thời đó hầu như mọi nhà đều không có máy nước riêng nên cơn mưa là một cơ hội làm cho mọi sinh hoạt trong hẻm thật là sinh động. Tôi thường bị những trận đòn nên thân khi cơn mưa kéo dài vì tha hồ tắm mưa đến nổi lạnh run môi tím thâm, da tay móp méo nhăn nheo. Mỗi lần như thế tôi biết thế nào cũng được hưởng vài cây roi mây của má tôi mà tật nào cũng nguyên tật nấy vì không cưỡng nỗi cái mời gọi của những giọt nước mưa vỡ vụn trên đầu tay trên mình. Tôi là con gái nhưng thường theo anh tôi và chơi với đám bạn trai của anh nên cũng rất "tomboy" cho nên những nghịch ngượm của đám con trai đều có tôi tham dự ít nhiều. Những trò tắm mưa, rượt bắt, nhảy nhót duới mưa, dậm chân tóe nước theo cái kiểu "dancing in the rain" này là những trò chơi ruột của tôi. Và những cái đau của mấy cái roi mây kia đâu có thấm tháp gì so với cái khoái trá tung tăng nhảy nhót dưới những con mưa rào mùa hạ.

    Trong cái xóm hầm sỏi chằng chịt nhà cửa san sát đó lại có một cái miễu lọt trũm chính giữa ,để dể gọi nên được tặng biệt danh "xóm Miễu". Cứ vào tháng hè là có một đoàn hát bội đến diễn cả tháng trời Bà con trong xóm , già trẻ lớn bé sau buổi cơm chiều lục đục kéo vào xóm Miễu để xem hát bội. Chắc chắn là không thiếu mặt đứa con gái tomboy như tôi. Lúc đó thật tình những tuồng hát bội như Tiết Nhơn Quí chinh Đông, Tiết đinh San chinh Tây, Phàn Lê Huê hay Lữ Bố hí Điêu Thuyền thật sự không quyền rủ tôi nhiều. Tôi chỉ hùa theo khán giả, ăn ké với người lớn khi thấy họ vừa vỗ tay ào ào vừa liệng tiền được kẹp vào cái quạt giấy. vậy thôi. Sau này nhờ có dịp đọc qua những bài viết về hát bội tôi mới thấy thích thú và hiểu biết hơn về bộ môn nghệ thuật cổ truyền này. Thích thú tăng thêm nhờ biết rõ ý nghĩa của các động tác của của diễn viên, ý nghĩa của y trang thời xưa, những giọng bổng trầm, những tiếng ê a, những nhấn, những láy, những liếc mắt, những vấy tay, vẫy quạt đều có cái ý nghĩa thâm trầm của nó. Và khi đã hiểu biết ít nhiều về ý nghĩa của bộ môn nghệ thuật dân gian này thì bao nhiêu kỹ niệm trùng trùng quay về trong đầu để nhớ để tiếc để thương.

    Còn nữa, xóm Cây da. Chà! Nói đến phần này thì tuị nhỏ chúng tôi chừa ra. Cây da to chằng chịt rể treo, con nít sợ đã đành, người lớn hình như cũng sợ nên chẳng ai dám chặt tỉa nên cây da tha hồ tăng trưởng um tùm đủ để hù doạ những ai yếu bóng vía. Bù lại những căn nhà ở xóm cây da được bóng mát của trưa hè nóng bức. Bà con chung quanh lại có những giấc ngũ trưa êm ả mà không bị đinh tai nhức óc vì tiếng chơi đùa la hét của lủ trẻ chúng tôi.

    Xóm cuối con hẽm, xóm Đạo. Một hình ảnh thật thanh bình gợi lại trong trí tôi cho mãi đến bây giờ. Mỗi sớm tinh mơ là các bác tề chỉnh trong chiếc sơmi gọn gàng, chiếc áo dài trắng đơn giản, tay cầm chuổi hạt và cuốn kinh nhỏ đi lễ sớm. Buổi tối thì thường tụ họp đến một căn nhà ai đó để đọc kinh, những tiếng cầu kinh râm rang hòa lẫn với tiếng chơi đùa của trẻ nít. Ôi, tôi không tìm đâu ra cái âm thanh an bình trong xóm nhỏ đó, cái hình ảnh của người đi Đạo nhu hòa đó trong mắt tuổi thơ tôi nữa rồi.

    Mỗi Xóm gồm chỉ mười lăm, hai mươi căn nhà, nhưng dù to dù nhỏ nó cũng nằm trọn hết trong lồng ngực, trong trái tim tôi . "Hầm Sỏi" cái tên "sỏi đá" đó nó vẫn còn nguyên như ngày nào. Còn nguyên các buổi sáng với đủ thứ hàng ăn, nào bánh mì, xôi, cơm tấm, cháo huyết... Kế bên quán càfê bác hai phía bên trái là cái bàn và cái chảo to dùng chiên bánh tiêu, giò chéo quẩy nóng hổi, bên phải là một cái chợ nhỏ được bày dưới đất, một chút thịt một chút tôm vài con cá đựng trong thau nước chút rau cải, hành ngò... Còn nguyên các buổi trưa hàng chè, kẹo kéo, chiếc xe kèm theo thùng chiếu phim, lũ trẻ con nhà nghèo chúng tôi đã xem những thước phim cao bồi từ những chiếc thùng xe này. Còn nguyên các buổi tối tiếng rao hàng lanh lảnh của từng miền, "ai chè đậu xanh nước dừa đừng cát h,ô,n; ai bánh chưng bánh ziò bánh lếp (nếp)" cùng với tiếng lóc cóc mì gõ của mấy chú ba Tàu, rồi khuya hơn tiếng lục lạc của mấy ông từ miền Trung vào đấm bóp dạo.... Ôi nó còn nguyên, nó gói gọn gàng lọt trũm trong trái tim tôi không biết tự bao giờ, mà giờ đây dù biết cái lý vô thường, biết cái biển đổi là sự sống, biết ngồi Thiền, biết tập thở, biết thực hành làm tâm an mà cũng không ngăn được dòng suối tuôn trào mạnh mẽ của hình ảnh âm thanh phát xuất từ hai chữ Quê Hương.



    Tịnh Nguyên (NTN)
    Sacto vào Xuân


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X