Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đại Tướng Cao Văn Viên Kể Lại Chiến Sự 1975: Qđ 3 Lập Phòng Tuyến.....

Collapse
X

Đại Tướng Cao Văn Viên Kể Lại Chiến Sự 1975: Qđ 3 Lập Phòng Tuyến.....

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đại Tướng Cao Văn Viên Kể Lại Chiến Sự 1975: Qđ 3 Lập Phòng Tuyến.....

    Đại Tướng Cao Văn Viên Kể Lại Chiến Sự 1975: Qđ 3 Lập Phòng Tuyến Ninh Thuận
    Vương Hồng Anh/Việt Báo

    Sau khi 6 tỉnh Cao nguyên và 8 miền tỉnh miền Trung bị lọt vào tay quân CSBV, để ngăn chận địch quân tràn chiếm hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, thành lũy cuối cùng của Quân khu 2, Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực VNCH đã quyết định giao cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 lập tuyến phòng thủ bảo vệ hai tỉnh này. Sau đây là phần trình bày tình hình chiến sự tại Ninh Thuận trong thượng tuần tháng 4/1975, được tổng lược từ hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên do Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ xuất bản (dịch giả Duy Nguyên chuyển dịch sang Việt ngữ, đồng ý cho VB sử dụng để biên soạn các bài tổng hợp), phần này có bổ sung một số chi tiết dựa theo tài liệu của Cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng VNCH (nội các của Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn) ghi lại các sự kiện xảy ra trong tháng 4/1975.

    Theo hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên, để có sự chỉ huy thống nhất, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ thị cho Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn/Quân Khu 3, thành lập Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3 tại Phan Rang, và Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được Tổng thống Thiệu cử giữ chức Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3. Vào thời gian đó, Trung tướng Nghi là Chỉ huy trưởng trường Bộ Binh, ông cũng đã từng giữ chức Tư lệnh Quân đoàn 4 & Quân khu 4 từ tháng 5/1972 đến 11/1974 sau khi đã giữ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh gần 4 năm (từ tháng 6/1968 đến tháng 5/1972). Theo lời một số cựu tướng lãnh, việc bổ nhiệm một cựu Tư lệnh Quân đoàn đi làm Tư lệnh Tiền phương một Quân đoàn khác và chịu trách nhiệm chỉ huy phòng thủ một khu vực đang bị đe dọa bởi áp lực mạnh của Cộng quân, trong khi quân số phòng ngự trong tay chỉ bằng 2 trung đoàn là một biện pháp không có hiệu quả.

    * Phối trí lực lượng tại mặt trận Ninh Thuận
    Trở lại với việc phối trí hoạt động tại Ninh Thuận và Bình Thuận, theo kế hoạch của Bộ Tổng Tham Mưu và sự phân nhiệm của Bộ Tư lênh Quân đoàn 3 & Quân khu 3, thì Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3 đặt tại căn cứ Không quân Phan Rang cùng với bộ Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân do Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang chỉ huy. Sư đoàn 6 Không quân nguyên đóng tại Pleiku, sau khi di tản khỏi Cao nguyên, sư đoàn này đã dời về Phan Rang.

    Trách nhiệm của bộ Tư lệnh Tiền phương quân đoàn 3 là chỉ huy các lực lượng phòng thủ và bảo vệ hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Trong những ngày đầu của tháng 4/1975, lực lượng chính để bảo vệ phòng tuyến Phan Rang là Lữ đoàn 3 Nhảy Dù từ mặt trận Khánh Dương về. Đến ngày 6 tháng 4/1975, Lữ đoàn 2 Nhảy Dù do Đại tá Nguyễn Thu Lương chỉ huy được lệnh khẩn cấp ra Phan Rang bằng đường không vận để thay thế cho Lữ đoàn 3 Nhảy Dù. Ngoài Lữ đoàn 2 Nhảy Dù, còn có các toán thám sát của Nha Kỹ Thuật được bộ Tổng Tham mưu điều động đến hoạt động tại hai khu vực Đông Bắc và Tây Bắc Thành phố. Về hỏa lực không pháo là các phi đoàn thuộc Sư đoàn 6 Không quân. Yểm trợ hỏa lực Pháo binh có 1 tiểu đoàn Pháo binh của Sư đoàn Dù và một số pháo đội do Quân đoàn 3 điều động đến.

    * Tình hình Phan Rang trong thượng tuần tháng 4/1975:
    Ngay sau khi Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3 được thành lập tại Phan Rang (tỉnh lỵ Ninh Thuận), trật tự an ninh tại tỉnh này đã được vãn hồi ngay. Vị Tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Ninh Thuận bỏ đi trong ngày 2/4/1975 được lệnh trở về tái lập việc phòng thủ quanh thị xã và điều hành công việc hành chính trong tỉnh. Tuy nhiên lực lượng Địa phương quân và Nghĩa quân tại Ninh Thuận chỉ còn một phần ba quân số tại hàng. Một số lớn binh sĩ và hạ sĩ quan đã bỏ đơn vị vào Nam tìm gia đình.

    Lực lượng chủ lực diện địa là liên đoàn Địa phương quân của tỉnh chỉ còn khoảng hơn 600 người. Các đại đội Địa phương quân trực thuộc các chi khu cũng ở vào tình trạng thiếu hụt quân số, mỗi đại đội chỉ còn khoảng 40 đến 50 binh sĩ. Tiểu khu Ninh Thuận không hy vọng ở sự chiến đấu hiệu quả của các đơn vị địa phương. Theo kế hoạch, lực lượng Địa phương quân được phối trí phòng thủ gần thị xã, bảo vệ cầu, các cơ sở và tham gia lực lượng giữ gìn an ninh tại thị xã và các vùng phụ cận. Lực lượng nòng cốt để bảo vệ Phan Rang vẫn trông cậy vào các tiểu đoàn Nhảy Dù.

    Với lực lượng mới được tăng cường, với sự yểm trợ không quân hữu hiệu, với sự chỉ huy thống nhất, an ninh được tái lập và tình hình tại Phan Rang lắng dịu lại sau những ngày hỗn loạn. Trong thượng tuần tháng 4/1975, chỉ có một vài trận giao tranh nhỏ và các đơn vị VNCH đã làm chủ trận địa.

    Trong khi đó ngay miền Đông Nam phần thuộc trách nhiệm của Quân khu 3, áp lực CQ cũng gia tăng không kém tại Biên Hòa và Long Khánh. Trước tình hình này, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3/Quân khu 2, đã phải tính đến kế hoạch rút Lữ đoàn 2 từ Phan Rang về để củng cố lực lượng trừ bị. Lực lượng thay thế Lữ đoàn 2 Nhảy Dù là các đơn vị còn lại của Sư đoàn 2 Bộ Binh, một liên đoàn Biệt động quân cũng vừa được tái chỉnh trang tại Long Thành cách đó ba ngày và 1 chi đoàn M-113 của Quân khu 2 chạy tán loạn mới được tái thành lập.

    Việc chuyển quân ra Phan Rang để thay thế lực lượng Nhảy Dù sắp hoàn tất thì chiến sự tại Phan Rang bùng nổ (sẽ trình bày trong kỳ tới).

    * Cộng quân tại mặt trận Duyên hải miền Trung và miền Đông Nam Phần.
    Về phía Cộng quân, sau khi đã chiếm Nha Trang, Cam Ranh và các quận tỉnh Khánh Hòa, do bị thiệt hại nặng tại mặt trận Khánh Dương nên lực lượng Cộng quân thuộc các sư đoàn 10 và 320 chưa đủ lực lượng để mở đợt tấn công lớn vào Ninh Thuận. Trong ngày 4/4/1975, các tin tức tình báo nhận được cho biết sư đoàn 7 CSBV sau khi mở các cuộc tấn công vào khu vực các tỉnh Tuyên Đức và Lâm Đồng, đã được điều động về hoạt động tại gần Phan Thiết, tỉnh lỵ tỉnh Bình Thuận. Trong khi đó Sư đoàn 3 CSBV và một vài đơn vị của Sư đoàn 10 CSBV đóng cách Cam Ranh khoảng 50 km về hướng Tây Bắc.

    Trong khi Cộng quân tiến chiếm các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thì một số tàu Hải quân đang chở hàng ngàn quân sĩ của các đơn vị Quân khu 1 và một số tiểu đoàn của Sư đoàn Thủy quân Lục chiến từ Đà Nẵng vào Nam. Trong cuộc hải trình này, về lực lượng Bộ binh thì chỉ có một ít đơn vị của Sư đoàn 1 và Sư đoàn 3 Bộ binh lên được tàu cùng với một số sĩ quan. Riêng Trung tướng Trưởng được tàu Hải quân HQ 404 vớt sau khi ông phải bơi từ bờ. Trong cuộc hải trình vào Nam trên tàu HQ 404, Tướng Trưởng đã nhận được mật điện của Tổng thống Thiệu yêu cầu ông chuyển qua các chiến hạm lớn có đầy đủ tiện nghi và sạch sẽ hơn vì HQ 404 quá chật chội, không có máy lạnh và chở toàn binh sĩ. Theo lời kể của Trung tá Nguyễn Đại Nhơn, Hạm trưởng HQ 404, phổ biến trong báo Đời, thì lúc đó tàu này dơ bẩn và hôi hám vì có nhiều người chết. Dù được yêu cầu chuyển qua một tàu lớn hơn nhưng Trung tướng Trưởng không đồng ý, ông yêu cầu Trung tá Nhơn báo về Sài Gòn là ông xin ở lại trên tàu với anh em Thủy quân Lục chiến chứ không đi đâu cả. Yêu cầu của Tướng Trưởng được chấp thuận.

    Khi HQ 404 đến Cam Ranh, vị hạm trưởng nhận được lệnh bỏ hết chiến binh Thủy quân Lục chiến xuống Cam Ranh và chỉ chở một mình Trung tướng Trưởng vào Sài Gòn. Để thực hiện lệnh này, HQ 404 được phép ủi bãi Tân Cảng để đổ Thủy quân lục chiến xuống. Ngay khi cuộc đổ quân bắt đầu, Tướng Trưởng lặng lẽ đứng dậy đi xuống tàu. Trung tá Nhơn thấy vậy tiến đến trình bày: "Lệnh Sài Gòn yêu cầu tôi chở Trung tướng về Sài Gòn. Xin Trung tướng ở lại tàu cho". Với nét mặt cương quyết, Tướng Trưởng nói rõ từng tiếng yêu cầu hạm trưởng HQ 404 xin phép Sài Gòn cho Thủy quân Lục chiến về Sài Gòn để dưỡng quân và chỉnh đốn đội ngũ. Tướng Trưởng nói tiếp: Nếu anh em Thủy quân Lục chiến xuống Cam Ranh thì tôi cũng xuống đây luôn.

    Liền ngay sau đó, Trung tá Nguyễn Đại Nhơn, hạm trưởng HQ 404, báo về Sài Gòn và chờ đợi kết quả. Cuối cùng công điện trả lời: "Yêu cầu của Trung tướng Trưởng được chấp thuận". Các chiến binh Thủy quân Lục chiến đã xuống bờ được gọi trở lên tàu. Khi tất cả anh em Thủy quân Lục chiến đã có mặt đầy đủ, với khuôn mặt khắc khổ, Tướng Trưởng lặng lẽ trở vào phòng của ông. Quân đoàn 1 do ông chỉ huy đã tan tác, ước nguyện cố thủ Huế và bảo vệ Đà Nẵng mà ông đã khẩn thiết xin với Tổng thống Thiệu trong nhiều lần đã không thực hiện được.

    Điều oái oăm là 2 ngày sau khi Tổng thống Thiệu cho lệnh bỏ Đà Nẵng, thành lũy cuối cùng của Quân khu 1, khi mà các sư đoàn và các đơn vị của Quân đoàn 1 đã phải rời bỏ các phòng tuyến và một số quân sĩ đang lênh đênh trên các chiến hạm, thì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lại ra lệnh cho Trung tướng Trưởng tổ chức tái chiếm Đà Nẵng. Từ một phòng nhỏ chật chội trên chiến hạm, Trung tướng Trưởng trả lời ngay với Tổng thống Thiệu: "Lính tráng đã phân tán mỗi người mỗi nơi, cấp chỉ huy mạnh ai nấy thoát, bây giờ tôi lấy ai theo chân tôi để tái chiếm Đà Nẵng""

    Source:https://vietbao.com/a8425/dai-tuong-...yen-ninh-thuan


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X