Thông báo

Collapse
No announcement yet.

BIẾT NÓI GÌ ĐÂY? (Cung Trầm Tưởng - Một Hành Trình thơ)

Collapse
X

BIẾT NÓI GÌ ĐÂY? (Cung Trầm Tưởng - Một Hành Trình thơ)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • BIẾT NÓI GÌ ĐÂY? (Cung Trầm Tưởng - Một Hành Trình thơ)

    BIẾT NÓI GÌ ĐÂY? (Cung Trầm Tưởng - Một Hành Trình thơ)


    Mấy hôm nay tôi mất ăn mất ngủ vì một cái "Hoạ”.
    "Hoạ...Thơ" bắt nguồn từ bài "Thơ Hoạ”.

    Bài thơ gốc chính là bài "Râu Xanh" gồm 17 câu thơ lục bát của thi sĩ Cung Trầm Tưởng được viết vào năm 1965. Khi ấy tôi chưa chào đời, còn thi nhân Cung Trầm Tưởng thì có lẽ đang vào độ tuổi "chín đỏ trái sầu" đến nỗi ông đã mượn hình ảnh "Râu Xanh" như một ẩn dụ để bày tỏ sự mãnh liệt của mình trong tình yêu.

    Râu Xanh, trong tiếng Pháp là Barbe-bleue,tiếng Anh là Bluebeard, là một nhân vật rất đỗi “yêu mến những người đẹp” trong tập truyện cổ tích 'Những Câu Chuyện Của Mẹ Ngỗng' (Tales of Mother Goose/Les Contes De Ma Mère l'Oye) của tác giả người Pháp Charles Perrault, xuất bản vào giữa thế kỷ 17.

    Hãy nghe nỗi lòng của “Râu Xanh Cung Trầm Tưởng”:

    Đến anh thì đến hôm nay
    Lỡ mai gió lật chở đầy mưa qua
    Đến anh thân thể lụa là
    Dài đuôi con mắt, ngắn tà váy kiêu
    Đến anh lưng thắt chiết yêu
    Sểnh tâm phá giới con diều ái ân
    Gót ngờ rớt chín phân vân
    Để sau một hóa mười lần đến anh
    Chờ em anh để râu xanh
    Lòng xây bốn bức tường thành giam em
    Hồn anh em thắp lên xem
    Ác như một chiếc lồng đèn kéo quân
    Tình anh sương giá đầy sân
    Cần em mái phủ cho thân ấm nhờ
    Chuyện mình mói nửa trang thơ
    Phải hai cùng viết trang thơ vẹn tình
    Chờ em anh để râu xanh.


    Tôi đọc từng câu và cảm thấy vô cùng thú vị với ý tưởng ví von vừa táo bạo, vừa dí dỏm của thi sĩ và thế là trong một phút "rảnh rỗi sinh nông nổi" tôi đã viết 17 câu thơ vừa hoạ, vừa trêu...hi hi...ai lỡ để râu thì ráng chịu!

    Chờ em anh để râu xanh
    Giam em bốn bức tường thành đắm say
    Râu xanh nay nhuốm màu mây
    Phôi pha lãng đãng cuối ngày lãng du
    Yêu tinh ngày cũ bây chừ
    Dễ thương như một ông từ trong lăng
    Hồn anh em hãy ghé thăm
    Như đèn cù sáng dưới trăng hiền lành
    Mong em nếu có đến anh
    Ngắn đuôi mắt liếc, dài manh áo chùng
    Cũng đừng thắt chiếc lưng ong
    Khổ thân anh lại bềnh bồng phiêu diêu
    Lòng anh xây một chữ “Yêu”
    Oan khiên kể cũng ít nhiều vì ...râu
    Chuyện mình trước vẫn như sau
    Trang thơ viết tiếp dạt dào cùng nhau
    Yêu em râu cũng ngả màu...


    Viết xong tôi mới chợt giật mình. Ôi ôi! dường như mình vừa lỡ vuốt "Râu Hùm".
    Thế mà chỉ đúng một tháng nữa thôi là "Hùm Thiêng" từ Xứ Vạn Hồ Minnesota sẽ về thăm Miền Cali Nắng Ấm để ra mắt “CUNG TRẦM TƯỞNG - MỘT HÀNH TRÌNH THƠ". Kẻ dám “vuốt râu hùm" chợt thấy vô cùng hối lỗi và muốn có đôi lời tạ tội cùng Cung Tiên Sinh.

    Chợt, cậu Võ Ý gọi phone phán một câu gọn bâng: "Cháu lên nói 8 phút đó nha!"

    Ôi Trời!
    Thật sự thì đây là “Phước” chứ không phải “Họa”, chỉ có điều một đứa “trẻ người non dạ” như tôi thì biết gì mà thưa thốt? Biết nói gì đây?
    Lần giở từng bài trong tập thơ gần 700 trang đóng bìa cứng dày, đẹp và quý của Tiên Sinh, tôi thấy mình như một con dế mèn vừa vào cuộc phiêu lưu liều lĩnh trong cõi thơ Cung Trầm Tưởng.

    Bảy mươi năm hành trình làm thơ của ông được đúc kết bằng bảy tập thơ. Trong khoảng chiều dài thời gian và chiều sâu tư tưởng ấy, có rất nhiều vị tiền bối tên tuổi, những ngòi bút đáng kính trọng đã viết biết bao điều cảm nhận tinh tế và sâu sắc như sau:

    - Nhà phê bình văn Thuỵ Khuê viết về đề tài "Cổ Dao Trong Thơ Cung Trầm Tưởng".
    - Nhà thơ Viên Linh bàn về "Lục Kinh Bát Quái" trong thơ Cung Trầm Tưởng biến dịch như sáu mươi tư quẻ càn khôn, dùng khoá tám để giữ.
    - Nhà văn Bắc Đẩu Võ Ý mà tôi vẫn gọi “Cậu Ý" vốn là bạn tù của thi sĩ Cung Trầm Tưởng trong những trại tù Cộng Sản thì viết "Đôi Dòng Cảm Nghĩ về Lời Viết Hai Tay" - những câu thơ viết khi hai tay của thi sĩ bị khoá trong chiếc còng số 8.
    - Giáo sư Nguyễn Ngọc Diễm nhận xét về mạch "Nộ Thi" trong thơ Cung Trầm Tưởng.
    - Nhà văn Lê Hữu Cương luận về "Tự Do Tư Tưởng, Nơi Trú Đậu của Ngôn Ngữ Văn Chương"
    - Nguyễn Thanh Nhã bình về "Ngữ Giới Trong Thơ Cung Trầm Tưởng"
    - Trần Văn Nam xoay quanh chủ đề "Thơ Lục Bát Mới của Cung Trầm Tưởng"
    - Giang Hữu Tuyên phân tích "Giữa Trước Và Sau" để so sánh giữa một Cung Trầm Tưởng thanh xuân và tuổi tác.
    - Hoàng Yên Lưu ôn lại "Một Hành Trình Thơ" của Cung Trầm Tưởng

    Sở dĩ tôi kể ra như vậy là để bạn đọc thấy được tầm cỡ của tác phẩm và vì sao tôi lại băn khoăn “biết nói gì đây?”

    Cậu Võ Ý thương tình bèn… gợi ý:
    - Hay cháu nói về tín ngưỡng trong thơ Cung Trầm Tưởng đi.
    - Cậu ơi, cháu không dám đâu! Phải chăng Cung Thi Sĩ là một tín đồ thuần thành của giáo phái " Thần Vệ Nữ "?

    Từ ấy tôn vinh thần Vệ nữ
    Tóc vàng màu rạ, dáng mình dây.
    Xin quỳ bốn vái và ba lạy
    Trả trọn mây mưa xuống vẹn đầy.

    Mai sau ngủ gốc cây sồi
    Làm thiên thu chiếc miếu ngồi thờ em.


    Cậu cười vang rồi bèn quay ngoắt 180 độ... hình học:
    - Cháu có biết thi sĩ Cung Trầm Tưởng giỏi Toán lắm không? Hay cháu nói về những tư tưởng Toán Học đã góp mặt trong thơ Cung Trầm Tưởng?
    Hi hi...đúng là Cung Tiên Sinh giỏi Toán thật, vì có một số bài thơ của ông đọc cái tựa thôi là đủ thấy "nhức đầu": nào là "Cấp Số Nhân", một bài thơ khác lại mang tên "Đáp Số", rồi còn có cả “lũy thừa” nữa chứ.

    Mai sau thịt thắm da liền
    Cái yêu khác trước, cái nhìn khác xưa,
    Cái tin vô cớ xin chừa
    Sống sao cho xứng lũy thừa thương đau.


    Còn nhớ có một lần khi tôi đọc bài thơ "Trên Một Triền Tĩnh Động" có hai câu sau:

    Ngủ chim sâu, ngủ n chiều,
    Hình con én bốc mỹ miều mộng du.


    Tôi cứ tưởng "ngủ n chiều" là lỗi typo, hỏi cậu Ý, cậu cũng không sao đoán ra. Đến khi cậu hỏi thi sĩ Cung Trầm Tưởng thì Nhà Thơ Toán Học cười tủm tỉm trả lời "n" có nghĩa là "n lần" trong Toán Học. Trời! Ha ha… Một người dốt Toán như tôi thì làm sao dám rớ đến cái phạm trù này.

    Vì vậy, đến bây giờ tôi vẫn loanh quanh "biết nói gì đây?" Đành phải hẹn lại bằng một câu rất đỗi "cải lương": Xin đợi hồi sau sẽ rõ!

    Nguyễn Diễm Nga - 10/17/2019

    ---------------------------------------------------------

    * Nếu quý vị thích thú và muốn gặp gỡ Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng vào trưa Chủ Nhật 17 tháng 11, 2019 (11:am - 3pm) xin liên lạc ở những số phone sau:

    Trần Phong Vũ : (949) 232-8660
    Nguyễn Văn Liêm: (714) 331-7279
    KQ Võ Ý: (714) 262-6272


    Xin trân trọng cảm ơn.







  • #2
    Diễm Nga, thế hệ thứ 2 mang ba màu áo, Võ Bị Quốc Gia, Thủy Quân Lục Chiến và Không Quân. Diễm Nga sẽ là một "Guest Speaker" trẻ nhất dám nhận vai trò diễn giả trong buổi Ra Mắt Thơ Cung Trầm Tưởng vào ngày 17 tháng 11/2019 tại Little Saigon.
    Chúng ta mừng vì thế hệ hai đã trưởng thành mọi mặt, kể cả lãnh vực văn học thi ca.
    Chúc bài phát biểu của Diễm Nga nhận được nhiều cổ vũ và tán thưởng
    Thân mến
    Bắc Đẩu Võ Ý
    Last edited by Cù Hanh; 10-18-2019, 09:58 PM.

    Comment


    • #3
      Kính thưa Quý Cô-Chú-Bác và Anh Chị Em trên diễn đàn, cuối cùng thì cháu cũng đã tìm ra đề tài để nói về thơ Cung Trầm Tưởng. Xin quý vị cho phép cháu đăng phần tiếp nối ở đây cho trọn vẹn trước sau.

      Trân trọng,
      Nguyễn Diễm Nga

      -------------

      BÓNG HÌNH “CON TẮC KÈ” TRONG THƠ CUNG TRẦM TƯỞNG

      Kính thưa quý vị quan khách hiện diện nơi đây để chúc mừng và chào đón "Cung Trầm Tưởng - Một Hành Trình Thơ".
      Quả là một điều hết sức mạo muội và là một vinh dự lớn lao cho kẻ hậu bối "trẻ người non dạ" như cháu được góp mặt nơi đây, cất tiếng nói của thế hệ thứ hai cảm nhận về dòng thơ của Thi Nhân Cung Trầm Tưởng.

      Cảm nhận đầu tiên của cháu là sự tri ân.

      Nếu như bố cháu còn sống thì bố cháu kém bác Cung Trầm Tưởng 4 tuổi.

      Bố cháu là một Không Quân, cũng từng đi du học giống như bác Cung Trầm Tưởng, và ngày nay, trong album gia đình vẫn còn lưu lại tấm ảnh bố cháu chụp chung với một bóng hồng ngoại quốc.

      Cháu đoán bố cháu rất mê thơ Cung Trầm Tưởng, nhất là hai câu:

      Thôi em xanh mắt bồ câu
      Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau

      Bởi vì bố cháu cũng "xin hầu kiếp sau", và nhờ vậy mới có cháu đứng trước mặt quý vị ngày hôm nay. Xin đa tạ bác Cung Trầm Tưởng.

      Kính thưa quý vị,

      Trước hành trình bảy mươi năm "Thơ tỉ lệ xuôi với vóc đời" của thi nhân và đúc kết trong bảy tập thơ tầm cỡ, cháu cảm thấy mình thật nhỏ nhoi.

      Mỗi một tập thơ của Cung Trầm Tưởng đều chứa đựng những tư tưởng lớn, thâm thuý và trầm mặc như thi danh của ông. Một nhà thơ người Mỹ, ông Carl Sandburg ví von: “Poetry is like an echo asking a shadow to dance” và Cung Trầm Tưởng đã diễn dịch rằng “Thơ như một hồi vang mời một bóng hình nhảy múa với”. Vì vậy, mỗi tập thơ của ông đều có những "bóng hình" ẩn hiện lung linh. Cháu trộm nghĩ, chắc chắn không thể thiếu những "bóng hồng", phải không quý vị?

      Tuy nhiên, để “bắt” được những cái “bóng”, những "shadow" tư tưởng trong thơ Cung Trầm Tưởng không phải là điều dễ dàng. Cháu rất ngưỡng mộ những ngòi bút tiền bối tên tuổi đã có những cảm nhận và phân tích rất độc đáo góp trong mỗi chương của quyển thơ này mà cháu tin khi đọc quý vị sẽ rất thích thú.

      Phần cháu “sinh sau đẻ muộn” nên mãi mới tìm được một hình bóng khá ngộ nghĩnh, thú vị và dường như có khả năng lẩn trốn rất kỹ nên hình như chưa ai nhắc đến. Đó chính là "con tắc kè" trong tập thơ thứ năm mang tên "Thi Bá - Con Tắc Kè - Và Bà Góa Phụ"


      Thưa quý vị, dường như hình bóng "con tắc kè” đã thấp thoáng trong Cung Trầm Tưởng từ những năm 1965. Nhà thơ từng tự sự trong bài thơ mang tên “Lẩn Thẩn” như sau:

      Tặng em một gã lo xa
      Vành trăng tươm tất, bình hoa bày bàn…



      Chi li toan tính đủ điều
      Còn trời, còn đất, còn kêu tắc kè.

      Thế nhưng phải đến cả chục năm sau cái tiếng kêu tắc kè ấy mới hiển hiện rõ nét.

      Có lúc ngôn từ ta bất cập
      Trước điều mắt thấy và tai nghe
      Nỗi niềm nghẹn nghịu đầu ùn tắc
      Ta gửi lời trong tiếng tắc kè

      Tiếng kêu khắc khoải ấy trong đêm thâu thoạt nghe như không tròn vành, rõ chữ: "Ấp úng goài rồi lại í a" - như ngôn ngữ của người câm.

      Vâng,

      Chứng câm này mắc do nhân định
      Người chẳng buồn nghe chuyện của người.

      Đó là nỗi đau đớn thảng thốt không thoát thành lời khi chứng kiến “người với người” đối đãi với nhau hơn mười năm trong lao tù Cộng Sản. Những năm tháng ấy thi nhân bất đắc dĩ hành nghề mộc.

      Tiếng Việt gì kêu như tiếng Tàu
      Hận thù tháo chốt thành tru ngao,
      Liếc răng cỗ máy cưa phầm phập
      Kẻ rống người gào chẳng hiểu nhau.

      Trong cái môi trường tù đày và bị đối xử thiếu nhân tính "mười mấy năm hoen gỉ tiếng người", tắc kè phải "Mắt lia thay mép lạnh như tiền" và chọn sự im lặng ban ngày để khẳng định lập trường của mình "Miễn trả lời người ối á đêm".

      Tắc kè ẩn mình dưới một lớp áo mà thi nhân cho rằng "Da sần sùi cẩn trần ai". Cấu trúc sinh học đặc biệt của tắc kè lại nằm ở đôi bàn chân xòe rộng với những ngón có khả năng bám chặt vào vào cành lá, thân cây trơn ướt để sống còn trong môi trường khắc nghiệt - phải chăng đó chính là "Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định" - Đây cũng là tên gọi thi tập thứ tư của Cung Trầm Tưởng.

      Nhà văn Bắc Đẩu Võ Ý, một người bạn tù của thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã giải thích như sau: Khi người tù vác một vật nặng trên vai (như bó nứa, khúc gỗ...) đi xuống những "dốc mỡ" trơn trượt. Muốn được an toàn, bàn chân anh ta phải bám ngang dốc để lần từng bước đi xuống. Nếu đi thẳng thì rất dễ chúi mũi trượt té. Một cách nghĩ khác, đi ngang vừa thấy phía trước là tương lai, vừa nhìn được phía sau là quá khứ. Tương lai thì đen tối và đầy mai phục và quá khứ như là điểm tựa cho sự sống. Còn Phiếm Định là bất trắc, là bất ổn. Có thể tác giả muốn biểu hiện một sự ham muốn sống, cố giữ một thế đứng thẳng và vững cho dù có bị lâm vào những hoàn cảnh đầy thử thách, bấp bênh, hiểm nghèo, bi đát.

      Trong bối cảnh này, Thi Bá đến với con tắc kè như một cứu cánh.

      Cháu đã thức đến ba giờ sáng để nghiền ngẫm phần Lời Tựa: “ Một Bản Thể Luận Bồng Bềnh Về Thơ" mà Cung Trầm Tưởng đã viết “tặng các thi nhân và những người đọc yêu thơ”. Ở đây, người thi sĩ cầm bút viết như một nhà văn - hơn thế nữa - như một nhà triết học sâu sắc, ông phân tích THƠ "về mặt vĩ mô, qua lăng kính chiếu diệu của quang học hiện đại".

      Là một người đọc yêu thơ thuộc thế hệ thứ 2 xin đón nhận món quà quý báu, cháu vô cùng tâm đắc với những điều mà thi nhân viết tặng như sau:

      - Bài thơ từ lúc đến tay người đọc bắt đầu một định mệnh mới: nó sống đời sống một tặng phẩm. Từ là vật sở hữu của người thơ gửi tặng ta là người đọc, bài thơ dần dà chiếm ngự hồn ta, ở lại với ta, rồi thuộc về ta và hoá thành một châu báu trang điểm hồn ta.

      - Khi ta “Gọi yêu” bài thơ là ôm nó vào và giữ nó ở lại với lòng ta để nó thuộc vào lòng ta, tức ta thuộc lòng nó...tức là nó ở lại với ta suốt đời.

      -Chiều sâu của thơ tỷ lệ thuận với khả năng biểu đạt - chủ yếu bằng ẩn dụ.

      Kính thưa quý vị, "Con Tắc Kè" và "Thi Bá" chính là những ẩn dụ tuyệt vời giữa "Thi Nhân" và "Thơ".

      Cháu xin trích đoạn lời của nhà văn Hoàng Yên Lưu: "Nhà thơ nếm trải cơn gió bụi và tình cảm phóng ngoại bằng cơn phẫn nộ và thơ ca là phương tiện để thể hiện cơn bất bình này như thi nhân đã viết: Làm thơ là để giải phóng ấm ức, tìm một quân bình phiếm định trong một bất trắc triền miên. Ức chế càng tích lũy, càng o ép, ach ách như chửa trâu, sự lâm bồn càng khó khăn, đau đớn toạc sẻ, và thơ ra đời như một chiến thắng hân hoan."

      Ngài "Thi Bá" đã xuất hiện đúng lúc hoá kiếp cho những tiếng kêu "í a" trong đêm thâu của con tắc kè trở thành một thứ "uyên ngữ vô thanh” được chào đời.

      Tắc kè! Đừng giả vờ ngơ điếc
      Xác nhập thơ tôi cũng biết gào

      Nhưng... ai sẽ nghe và hiểu được thứ "uyên ngữ vô thanh" đó?

      Ấp úng goài rồi lại í a,
      Đêm ra thủ thỉ cùng hoa nhà
      Tắc kè tặc lưỡi hiên hàng xóm:
      Một tấc tường, nghìn dặm cách xa!

      Trước, con tắc kè chỉ biết ra thủ thỉ cùng hoa dâm bụt - một tĩnh vật - nhưng "một tấc tường, nghìn dặm cách xa" - tuy gần mà xa vì hoa dâm bụt không thể hiểu được hết nỗi lòng của tắc kè.

      Sau, nhân vật Bà Góa Phụ xuất hiện cùng với tiếng thở dài xen lẫn tiếng chõng tre kẽo cà kẽo kẹt từ ngôi nhà kế bên.

      Thưa bà, tôi mới qua hầu chuyện
      Trưởng lão đông lân, Thánh hạnh đàn,
      Thi bá khuya sang làm lãng tử
      Tàng hình đi cứu khổ nhân gian

      Ngài dặn tôi rang ngô túc tắc
      Làm quà biếu tặng bà cô đơn
      Chỉ thâm giao với ai không ngủ
      Biết lắng nghe trăng chuyện với vườn

      Kính thưa quý vị, "bóng hồng" đã xuất hiện!
      “Bà Goá Phụ” chính là người đọc tri âm tri kỷ mà thi nhân "Tắc Kè" hằng mong đợi. Bởi vì họ cùng là nạn nhân của những hệ lụy chiến tranh và chế độ Cộng Sản, họ có cùng một nỗi lòng.

      Chắc quý vị không xa lạ với điển tích "Đàn Bá Nha - Tiếng ca Tử Kỳ". Cũng giống như vậy, thi nhân và Thơ “ước muốn được gặp một người đọc ân cần, am tất và điệu nghệ để phát tiết tối đa cái tinh hoa tiềm ẩn của nó, để hạnh phúc của nó được vẹn toàn."

      Điều đáng nói ở đây chính là nét đẹp nhân bản từ trái tim thi nhân biểu hiện nơi lựa chọn "bóng hình người goá phụ” để làm ẩn dụ “hồng nhan tri kỷ”. Những bóng hình “giai nhân phô lõa thể" trong "Tương Phản" khi xưa giờ đây đã phôi phai. Ở giai đoạn này của cuộc đời, cái đẹp mà ông cảm nhận được chính là nét đẹp thuỷ chung vằng vặc của những người chinh phụ:

      Mai rơi khúc sáo não nề,
      Hành hành khứ khứ ngựa về yên không.
      Cờ xa khuất cõi bụi hồng,
      Khuê phòng góa phụ khóc chồng tử ly.

      Ánh mắt của nàng đẹp lắm!

      Mắt nàng nắng quái từ bi
      Bình vong ưu thảo lưu ly ánh chiều

      Cái ánh nhìn "lưu ly" trong đôi mắt của người chinh phụ đã ngời lên nhiều lần trong những bài thơ của Cung Trầm Tưởng, như trong bài “Và Em”:

      Tóc vấn phong ba em đứng mũi
      Một thuyền lèo lái cõi càn khôn
      Đau thương nhuốm mắt em kỳ diệu
      Ngời tỏ lưu ly tuyệt bích hồn

      Phải chăng đó chính là thứ "uyên ngữ vô thanh" mà Thi Bá đã "khai tâm" và "hóa kiếp" từ tiếng kêu đêm của Con Tắc Kè?

      Kính thưa quý vị, đó là những cảm nhận trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp của một con ếch thuộc thế hệ thứ hai nơi đáy giếng thi ca.

      Và nếu quý vị có thắc mắc “Tắc Kè” và “Bà Goá Phụ” tâm sự những gì, xin mời quý vị tìm đọc.

      Xin trân trọng cảm ơn quý vị đã lắng nghe!


      Nguyễn Diễm Nga - California, November 17th, 2019

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X