Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ngộ Không: Tác Giả Tác Phẩm – Du Tử Lê

Collapse
X

Ngộ Không: Tác Giả Tác Phẩm – Du Tử Lê

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngộ Không: Tác Giả Tác Phẩm – Du Tử Lê

    10/10/2019
    Ngộ Không: Tác Giả Tác Phẩm – Du Tử Lê
    Ngộ Không


    (Du Tử Lê dưới mắt Tạ Tỵ)



    Tiểu sử: Tên thật là Lê Cự Phách, sinh ngày10,10,1942 tại Hà Nam, qua đời ngày 7 tháng 10 năm 2019 tại thành phố Garden Grove, California, thọ 77 tuổi

    Tác phẩm: Nhà thơ, tác giả của hơn 30 tập thơ, truyện và tuỳ bút.

    Mục Lục:

    Phỏng vấn Du Tử Lê – Cổ Ngư

    Đọc văn Du Tử Lê: Tôi, ấu thơ, và mẹ ; Con dế buồn tự tử giữa đêm sương ; Giờ ra chơi cuối cùng…; Đời ta ; Mai Thảo. mãi mãi. Ký ức .

    Phụ Đính: Đọc thơ Du Tử Lê: Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển; Khúc thụy du; Vì em tôi đã làm sa di; Giao khúc tháng sáu; Khi xa Du và T.Ch.; Khi trông thư Thụy-Châm.

    ( bạn đọc có thể tham khảo thêm về nhà thơ Du Tử Lê tại trang nhà của ông: http://www.dutule.com/ ).



    Du Tử Lê:

    Văn chương không phải là nơi để biểu diễn những kiến thức hay khuynh hướng của chúng ta

    Cổ Ngư thực hiện

    Lời nói đầu: Bài viết này ghi lại cuộc phỏng vấn trực tiếp nhà thơ Du Tử Lê trong chương trình «Du Tử Lê, Thi ca & Âm nhạc» do Thư viện Diên Hồng tổ chức tại Paris, ngày 05.06.2004. Vì thế, người đọc sẽ có dịp so sánh cách sử dụng ngôn ngữ rất «đời thường» của nhà thơ trong bài tường thuật này với các bài phỏng vấn được chuẩn bị trên giấy mực đã thực hiện từ trước đến nay.

    Cổ Ngư: Thưa nhà thơ, độc giả của Thư viện Diên Hồng, có nhiều người đã biết đến và yêu chuộng thơ Du Tử Lê từ lâu. Quá trình sáng tác liên tục của ông có chiều dài của thời gian và độ dày của số lượng các tác phẩm. Nhưng tất cả đều có sự khởi đầu. Xin ông nói về thời gian bắt đầu làm thơ, gửi thơ đăng báo. Những bài thơ đầu tiên ấy có ảnh hưởng gì không đến sự nghiệp của ông, sau này?
    Du Tử Lê: Bài thơ đầu tiên dùng bút hiệu Du Tử Lê được đăng trên tạp chí Mai năm 1958. Thời đó, người ta đối đãi rất trân trọng với các văn-nghệ sĩ. Tạp chí nhắn tin, mời ông Du Tử Lê ghé toà soạn lấy nhuận bút hay báo biếu gì đó. Lúc ấy, tôi không muốn cho mọi người biết tôi còn quá nhỏ, nên không xuất hiện. Ðược thấy tên mình trên bìa tờ tạp chí, cùng với tên của các ông Dzoãn Quốc Sỹ, Nguyễn Thiệu Lâu, đối với tôi, đó là một hạnh phúc, vượt ngoài mơ ước của mình. Sau đó là tạp chí Văn Hữu của cơ quan Văn hóa Á châu, rồi Bách Khoa. Riêng ở tạp chí Văn, thì tới năm 1964 (?), Văn số 4 mới đăng bài đầu tiên của tôi. Khi đó, tôi không quen ai ở báo Văn cả. Anh Trần Phong Giao cũng nhắn tôi đến toà soạn. Thời đó, báo Văn chia các tác giả ra làm hai loại. Loại thứ nhất, khi có bài đăng, được nhắn đến để cho báo biếu, sau một thời gian, tùy quyết định của tòa soạn, tác giả đó có được nhuận bút hay không. Khi anh Trần Phong Giao nhắn, tôi có nhờ một người bạn lớn tuổi, đến toà soạn, nhận là Du Tử Lê để lấy báo biếu thay cho tôi. Sau này, khi tôi trở thành người viết thường xuyên cho báo Văn, tôi đến, anh Trần Phong Giao hỏi: «Có gì chứng minh là Du Tử Lê không, vì người đến nhận báo biếu trước đây lại là một người khác.» Tôi trả lời: «Không có gì để chứng minh cả, tin thì cho tôi báo và nhuận bút, không tin thì tôi đi về!» Sau đó, anh Trần Phong Giao nói: «Ðược rồi, đưa thẻ căn cước đây!» Anh ấy ghi tên thật của tôi, và tôi ký nhận, là đã nhận năm chục đồng, tiền nhuận bút của báo Văn!
    Những bước đầu đó có ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Tôi nghĩ là tôi kém may mắn hơn đa số văn nghệ sĩ có mặt ở đây, ở chỗ, tôi trải qua một đoạn đường đi rất dài, nghiã là tôi luôn luôn ở trong tình trạng «gửi bài lai cảo». Tôi gửi bài rất nhiều cho các báo, và họ thường xuyên in tên tôi trong danh sách «nhận được, cám ơn», bởi vì, nói qua về sinh hoạt văn chương của miền Nam ngày xưa, nếu quý vị không có người trong toà báo, nếu quý vị không có người giới thiệu, không có người đỡ đầu, rất khó có thể trở thành tác giả. Nhưng tôi nghĩ, nếu mình tha thiết với văn chương, nếu mình không có con đường nào khác hơn là con đường văn chương, mình cứ nên theo đuổi nó, cuối cùng, tôi may mắn được chấp nhận. Nhưng tôi tin, các bạn ở đây, không ai trải qua con đường chông gai như tôi cả! Thời của tôi, tôi không được may mắn như những anh chị em khác! Nói như vậy, nhưng cuối cùng, tôi cũng đã được nhìn nhận, bằng chứng, chính là sự hiện diện của quý vị trong chương trình ngày hôm nay.
    Cổ Ngư: Xin ông cho biết sơ qua về các khuynh hướng, thể loại, cũng như những đề tài sáng tác chính trong mấy mươi năm qua.
    Du Tử Lê: Giống như những người cùng thời, lúc đầu, tôi làm thơ lãng mạn, vì ảnh hưởng văn thơ tiền chiến, thời ấy, còn nhiều lắm. Sau này, phong trào thơ tự do lên cao, tôi cũng làm thơ tự do. Nhưng, tôi muốn nói: Thời khởi đầu của tôi, tôi không hề có một ý niệm gì về văn chương cả! Cũng giống như một fashion, một phong trào về quần áo, thời đó, người ta thích cái gì thì tôi đi theo phong trào đó. Mãi về sau này, khi mất nước, nhìn lại, tôi mới thấy: Nhà văn miền Nam đã rất vô trách nhiệm với đất nước, tổ quốc, quê hương của mình. Và tôi nghĩ rằng: Văn chương không phải là nơi để biểu diễn những kiến thức hay khuynh hướng của chúng ta. Sở dĩ tôi nói vậy, vì trước khi mất nước, thì, mặc dù phong trào Nouveau roman – Tân tiểu thuyết đã có từ lâu ở Pháp, khi du nhập vào Việt Nam, đã qua gần hai mươi năm rồi, đã tàn phai ở Pháp rồi, nhưng lúc đó, nó mới đến với chúng tôi, và chúng tôi lao vào Nouveau roman, rồi Anti-nouveau roman, với tất cả cái hãnh diện, cho rằng mình là avant-garde, bước những bước đầu tiên. Nhưng, thứ nhất, nó đã lỗi thời đối với thế giới, thứ hai, giữa cái tang tóc, chết chóc như vậy, mà nhà văn Việt Nam chạy theo những cái đó, thì tôi cho là hoàn toàn vô trách nhiệm. Sau này, thưa quý vị, kể từ ngày mất nước, tôi mới có ý thức về văn chương của mình. Ý thức đây, không phải là văn chương của tôi phải cứu quốc, cứu nước gì cả, nhưng tôi phải làm một điều gì đó mới mẻ, khác đi cho văn chương của mình. Ít nhất, việc này có thể giúp cho những thế hệ đi sau tôi, hoặc, khi tôi nói chuyện với sinh viên các đại học Mỹ, tôi có điều gì đó để nói. Vì vậy, sau này, tôi có nhiều nỗ lực, mặc dù, tất cả những nỗ lực để cách tân, đổi mới của tôi thường nhận được rất nhiều mỉa mai, phỉ báng. Thí dụ, có nhiều người đăng bài trên báo, viết rằng tôi là người vô học, không biết sử dụng dấu phẩy. Ðại khái là như vậy… Nhưng, sau này, gần đây thôi, ở hải ngoại cũng như trong nước, người ta bắt đầu sử dụng dấu phẩy, dấu chấm, không chỉ trong bài, mà ngay nơi nhan đề, luôn cả nhan đề nơi bìa sách, là điều mà cách đây mười năm, chúng ta không hề thấy có… Ngay những nỗ lực cách tân thể lục bát của tôi, từ nhiều chục năm qua, bây giờ, cũng đã được nhiều người công nhận, áp dụng; kể cả việc chấm dứt một bài lục bát ở câu 6 chữ thay vì 8 chữ như lệ thường, cũng đã có thêm nhiều người áp dụng…
    Cổ Ngư: Ðã có rất nhiều bài viết xoay quanh nội dung thơ ca Du Tử Lê. Về hình thức, người ta thường chú ý đến hai điểm: sự cách tân lục bát, bằng cách dùng nhịp lẻ, nhịp chỏi, cách ngắt câu, xuống hàng… và việc dùng các dấu câu, như nhà thơ vừa nhắc đến, nhất là dấu gạch nghiêng (slash). Xin nhà thơ cho biết, ông có dụng ý gì trong việc dùng dấu slash trong các câu thơ của mình.
    Du Tử Lê: Tôi xin nói vắn tắt, vì trên sân khấu và giới hạn thời gian, chúng ta không thể đi sâu vào chuyên môn. Trước hết, văn phạm mà chúng ta có được ngày hôm nay là do mọi người đồng thuận với nhau. Ngoài năm dấu đã có, tôi nghĩ, tại sao lại không thể dùng dấu thứ sáu, dấu slash ( / ). Thứ đến không phải tôi lập dị, nhưng vì tôi nhớ, lúc bé, có đọc được một câu nói của người Pháp: Người đọc là tác giả thứ hai. Sau này, khi lớn lên, suy nghĩ lại, tôi mới thấy đó là một câu mị người đọc. Nếu quý vị đọc truyện của ông Mai Thảo, thơ của ông Nguyên Sa, quý vị thích hay không thích, nhưng quý vị không thể thực sự trở thành một tác giả thứ hai. Tác giả thứ hai là gì? Là người có thể hoán chuyển, có thể làm bài thơ đó trở thành một bài thơ khác. Ðúng lúc ấy, trên thế giới, computer trở thành một biến cố lớn của nhân loại. Chúng ta biết có nhiều cuộc cách mạng lớn: Cách mạng về kỹ nghệ, cách mạng về điện tử, cách mạng về computer… Tôi muốn phản ảnh thời đại của mình, vì chỉ ở thời đại điện toán, chúng ta mới có dấu slash, và tôi đã dùng dấu slash đó cùng với những chữ của tôi. Như vậy, tôi minh thị với người đọc rằng: Người đọc của tôi có thể hoán chuyển các chữ, để tạo một cấu trúc mới cho câu thơ, bài thơ. Nói cách khác, tôi chỉ là người xây dựng sẵn toà nhà và mọi người có thể di chuyển những cột, kèo trong toà nhà đó theo ý muốn của họ. Tôi không đem đến cho người đọc một ready meal, một bữa ăn sẵn mà người đọc không có quyền thay đổi món ăn. Nhưng nếu tôi không dùng dấu slash, người đọc sẽ không hiểu, vì dấu slash chính là một symbol, một ký hiệu, biểu tượng được dùng, để quý vị hiểu rằng: Quý vị có thể biến bài thơ của tôi thành bài thơ, câu thơ của quý vị. Như vậy, tôi xin lặp lại, khi dùng dấu slash, mục đích của tôi là để người đọc thực sự trở thành tác giả thứ hai, chứ sẽ không bị thụ động, không phải ăn một món ăn, một TV dinner chẳng hạn, tức là, người đọc có quyền tham dự vào việc chế biến món ăn của mình.
    Cổ Ngư: Ông có dự định gì không cho việc chuẩn bị những hướng đi mới trong hiện tại, cũng như trong tương lai?
    Du Tử Lê: Chỉ nội việc sử dụng dấu phẩy, dấu slash, cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhận được nhiều biếm nhẽ, bỉ thử, cho nên, chắc tôi cần phải có thêm một thời gian nữa trước khi đưa ra một thử nghiệm nào khác.
    Tuy nhiên, nếu cần phải nói thêm thì, trong những năm tháng tới, tôi sẽ khai triển thử nghiệm hoán vị Chủ thể / Subject với Khách thể / Object. Một cách cực kỳ vắn tắt thì: Từ trước tới giờ, chúng ta (chủ thể) quan sát một sự vật, việc (khách thể) và sau đó, cho nó một kết luận. Hơn năm năm qua, tôi đã bắt đầu (chưa nhiều lắm) thử nghiệm cái mà tôi mới nói là hoán đổi vị trí Khách thể thành Chủ thể và ngược lại.
    Thí dụ, nếu con chó, con mèo, chiếc lá cành cây… nói được, thì chúng sẽ nói gì về chúng ta?
    Cổ Ngư: Những người theo dõi thường xuyên các hoạt động của nền âm nhạc Việt Nam từ quốc nội ra đến hải ngoại chắc đều có chung một nhận xét: thơ của Du Tử Lê có một cái «duyên» rất lớn đối với nhạc. Xin ông cho biết: Vì sao thơ của ông lại được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc đến như vậy?
    Du Tử Lê: Ðây là một câu hỏi khó cho tôi. Có lẽ phải nhờ các nhạc sĩ nào đã phổ thơ của tôi vào ca khúc trả lời hộ câu hỏi này.
    Cổ Ngư: Vậy, xin hỏi nhà thơ câu hỏi khác, chắc là dễ trả lời hơn: Hiện có khoảng bao nhiêu ca khúc phổ từ thơ Du Tử Lê? Và ai là người đưa thơ Du Tử Lê vào nhạc sớm nhất? Trong ca khúc nào?
    Du Tử Lê: Có khoảng trên ba trăm ca khúc phổ từ thơ Du Tử Lê. Anh Song Ngọc phổ khoảng 50 bài, nhạc sĩ Anh Bằng không dưới 20 bài, Ðỗ Vy Hạ ở Boston cũng không dưới 20 bài. Một người bạn trẻ ở Việt Nam mà tôi chưa được gặp mặt, Khang Thụy, cũng đã phổ trên 50 bài thơ của tôi, và có nhờ nhạc sĩ Trần Quảng Nam chuyển đến cho tôi các ca khúc của anh. Chỉ riêng bốn người vừa nêu tên, đã viết hơn 100 ca khúc phổ từ thơ Du Tử Lê rồi! Nhưng người đầu tiên đưa thơ của tôi đến với âm nhạc lại không phải là nhạc sĩ, mà là một ca sĩ: anh Mai Trường. Anh Mai Trường cũng còn là một lực sĩ đẹp. Anh ấy đọc được bài thơ «Thư cho em» của tôi đăng trên báo Văn số 4, phổ nhạc, và vì anh ấy quen thân với anh Phạm Duy, nên có nhờ anh Phạm Duy sửa chữa, gò nắn gì đấy… Sau đó, anh Mai Trường mời tôi đến nhà. Tôi còn nhớ, vợ anh ấy thuở đó có một tiệm cắt tóc rất lớn ở trên đường Trần Hưng Ðạo. Anh Mai Trường cầm đàn hát cho tôi nghe. Ðó là người đầu tiên phổ thơ của tôi vào nhạc. Tôi cũng không hiểu vì sao anh Mai Trường lại chọn bài «Thư cho em» để phổ nhạc, với tựa đề «Mai em lấy chồng». Bản nhạc đó may mắn được nhiều người ưa thích, và phổ biến đến độ, nó mở đầu cho phong trào «Tân cổ giao duyên», tức là cứ hát một đoạn «Mai em lấy chồng», rồi lại ca một đoạn cải lương… Bài thơ đó, sau này, các anh Vũ Thành An và Anh Bằng cũng đã cho nó những version âm nhạc khác.
    Cổ Ngư: Trong một bài viết, hoạ sĩ-nhà thơ Tạ Tỵ cho biết: ông hoàn toàn không thích các ca khúc phổ thơ. Ông cho rằng nhạc điệu đã huỷ hoại, thậm chí giết chết hồn thơ. Là người có rất nhiều thơ được phổ nhạc, xin nhà thơ Du Tử Lê cho biết ý kiến của ông về nhận định vừa nêu của hoạ sĩ-nhà thơ Tạ Tỵ.
    Du Tử Lê: Ðây mới là một câu hỏi thực sự khó! Thứ nhất, có ba loại nhạc sĩ. Tôi không đề cập đến những nhạc sĩ nhận tiền của những người làm thơ để phổ nhạc. Hai loại còn lại: Những nhạc sĩ giết bài thơ, và những nhạc sĩ chắp thêm đôi cánh cho bài thơ. Ở trường hợp của tôi, tôi lãnh đủ cả hai loại nhạc sĩ này. Có những nhạc sĩ giúp cho bài thơ đi xa hơn, vì bây giờ, không phải ai cũng đọc, có người chỉ nghe thôi. Nhưng cũng có không ít những nhạc sĩ đã giết bài thơ của tôi. Và, vì tôi có quá nhiều thơ được phổ nhạc, nên tôi đã bị giết rất nhiều lần! Ðó là chưa kể có những nhạc sĩ lấy thơ của tôi, không chỉ là cái ý, mà cả câu thơ, nhiều câu thơ, làm thành ca khúc, mà không hề đề cập đến tên tôi; dù chỉ là hàng chữ «ý thơ» thôi, cũng không có. Thậm chí, có báo nêu đích danh bài thơ ấy, bản nhạc ấy, nhạc sĩ ấy… nhưng người nhạc sĩ này vẫn lờ đi… Riêng cá nhân tôi, tôi chưa bao giờ lên tiếng, trong những trường hợp như vậy. Thời anh Nguyên Sa còn sống, tôi từng nói vui với anh Nguyên Sa rằng, tôi có hơn một… bài thơ. Bạn tôi có lấy của tôi một bài thơ, một đoạn thơ thì… cũng chẳng sao… Ðằng nào thì bản nhạc đó, cũng đã «lỡ» nổi tiếng… Bây giờ, công khai lên báo, bắt người đó, phải… nói lại, thì tôi e rằng, sẽ không có gì kẹt hơn cho những người nhạc sĩ đó.
    Cổ Ngư: Vì thấy thơ Du Tử Lê được phổ nhạc nhiều như vậy, nên không ít người đã đặt câu hỏi: Khi sáng tác một bài thơ, nhà thơ có «chuẩn bị» âm, vần, nhịp điệu… để bài thơ có thể biến thành một ca khúc trong tương lai không?
    Du Tử Lê: Chắc chắn là không! Vì nếu tôi có sự chuẩn bị như vậy, tôi đã không bị giết nhiều lần như thế!
    Cổ Ngư: Trường hợp bài thơ «Kiếp sau, xin giữ lại đời cho nhau» đã lần lượt được hai nhạc sĩ Phạm Duy & Từ Công Phụng phổ thành ca khúc. Xin nhà thơ cho biết thêm một số chi tiết xoay quanh bài thơ và hai ca khúc này. Trường hợp vừa nêu có xảy ra cho bài thơ nào khác của Du Tử Lê không?
    Du Tử Lê: Bài «Kiếp sau, xin giữ lại đời cho nhau», tôi viết vào năm 1967. Khi bài thơ được in trên báo, anh Phạm Duy tình cờ đọc được và phổ thành ca khúc, dùng điệu ballade – dân ca, có âm hưởng Tây Nguyên. Ngay sau đó, chị Thái Thanh hát bài này và trung tâm Shotguns của anh Ngọc Chánh đã thu thanh ca khúc. Một năm sau, Từ Công Phụng gặp tôi và nói: Anh ấy tin rằng có thể cho bài thơ một version khác. Vì tôn trọng tác giả, anh Phạm Duy giữ nguyên tưạ đề bài thơ: «Kiếp sau, xin giữ lại đời cho nhau», nên Từ Công Phụng không thể giữ nguyên nhan đề, anh cắt đi, chỉ giữ lại bốn chữ chót: «Giữ đời cho nhau». Bài hát của Từ Công Phụng, cho đến năm 1975, gần như không có ai hát cả. Nhưng khi ra hải ngoại, tôi không hiểu vì lý do gì, bài hát lại được rất nhiều người biết đến và yêu thích dưới cái tên «Ơn em», đến độ họ đem cả vào đám hỏi, đám cưới để hát… Ngoài trường hợp vừa kể, còn có «Ðêm nhớ trăng Sài Gòn» là bài thơ đầu tiên được anh Phạm Ðình Chương phổ nhạc khi anh ấy đến Hoa Kỳ, sau đó, anh Ngô Tín là người thứ hai phổ nhạc và cho thu băng, còn thêm người thứ ba nữa: anh Võ Tá Hân. Bài «Hiến chương yêu» có Nguyên Bích phổ nhạc và sau đó, anh Trúc Hồ ở trung tâm Asia cũng phổ nhạc, nhưng lấy tưạ đề khác. Một trường hợp nưã: chị Khúc Lan, lúc còn hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris, có phổ nhạc bài thơ «Khúc K. riêng chàng», ghi âm qua tiếng hát Nhật Hạ. Bài thơ này, mười năm sau, anh Ðăng Khánh chuyển thành ca khúc, với tên K. khúc của Lê». Hai anh Phạm Anh Dũng và Võ Tá Hân cũng đã phổ nhạc bài thơ này.
    Cổ Ngư: Giữa thi sĩ, người làm thơ, và nhạc sĩ, người đưa lời thơ lồng vào giai điệu, chắc hẳn đã có nhiều mối giao tình đặc biệt. Trong những nhạc sĩ phổ thơ Du Tử Lê, có lẽ ba nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, Ðăng Khánh và Trần Duy Ðức có những ca khúc để lại những ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng thính giả, cũng như, có thể cả với nhà thơ Du Tử Lê. Xin nhà thơ kể cho mọi người cùng nghe một vài kỷ niệm đặc biệt của ông với các nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, Ðăng Khánh và Trần Duy Ðức.
    Du Tử Lê: Vâng, trong ba nhạc sĩ vừa nêu tên, có một người đã mất, đó là nhạc sĩ Phạm Ðình Chương. Tôi nhớ, năm 1967, anh Mai Thảo gọi tôi, bảo: «Thằng Chương nó rủ Lê đi ăn đó!». Tôi rất ngạc nhiên, hỏi: «Chương nào?». «Thì Phạm Ðình Chương đó, quý lắm, nó mới mời cậu đi ăn đấy!». Khi ấy, tôi quen thân với anh Mai Thảo, nhưng lại chưa có dịp tiếp xúc với anh Phạm Ðình Chương… Hôm ấy, anh Phạm Ðình Chương mời anh Mai Thảo, anh Vũ Khắc Khoan và tôi ăn ở Tour d’Argent, tức Ngân Ðình, một nhà hàng toạ lạc trên sông Sài Gòn. Khi đến ăn, anh Phạm Ðình Chương mới cho biết – anh ấy vẫn giữ thói quen xưng hô moa, toa ngay cả với người trẻ hơn: «Moa thích và có phổ nhạc một bài thơ của toa. Ăn xong, cho moa uống tí rượu, ngà ngà, moa hát sơ cho toa nghe. Tối nay, trở về Ðêm Màu Hồng, cô Thanh, Thái Thanh, sẽ hát cho toa nghe.» Ðó là bài «Khi cuộc tình đã chết». Khi anh Phạm Ðình Chương hát đến đâu, anh ấy lại cho biết là đã thay đổi như thế nào, cầu kỳ lắm, và anh ấy có vẻ hãnh diện lắm. Tôi không hiểu gì về âm nhạc cả, nhưng lại thấy boring, hơi nản chí nữa! Ðến tối, khi được nghe tiếng hát và cách trình diễn rất lôi cuốn của chị Thái Thanh, khi ra về, tôi cám ơn anh Phạm Ðình Chương đã đãi tôi một bữa ăn, còn cho tôi đến nghe nhạc ở Ðêm Màu Hồng mà không phải trả tiền – ai đến Ðêm Màu Hồng cũng phải trả tiền cả, kể cả anh Mai Thảo, nhưng hôm đó, anh Phạm Ðình Chương mời, nên đã dặn trước người quản lý là chính anh ấy sẽ trả tiền cho bàn chúng tôi – nên tôi có nói với anh ấy: «Anh Chương ạ, nói anh đừng buồn, hồi chiều nay, ăn thì ngon, nhưng nghe anh hát thì tôi sợ quá! Tối nay, quả thật, khi nghe chị Thái Thanh hát, tôi lại rất thích!» Ðó là bài đầu tiên mà anh Phạm Ðình Chương tìm đến với thơ của tôi, bài «Khi cuộc tình đã chết».
    Với anh Ðăng Khánh, kỷ niệm mà tôi sắp kể ra đây, tôi cho là đẹp, nhưng quý vị nghe, có thể hơi khó chiụ. Tôi nhớ, khi anh Mai Thảo còn sống, khoảng năm 1996, anh Ðăng Khánh có mời anh Mai Thảo, chị Kiều Chinh, Hạnh Tuyền và tôi qua Houston để tổ chức một chương trình cho tôi. Chương trình đêm hôm ấy diễn tiến rất tốt đẹp. Ðêm hôm sau, anh chị Ðăng Khánh rủ chúng tôi đi chơi, để anh Mai Thảo ở nhà. Lúc đi, anh Mai Thảo không chiụ đi. Không ngờ, chúng tôi đi lâu quá! Khi trở về, hơi trễ, khoảng mười một, mười hai giờ, anh Mai Thảo đã ngồi sẵn ở bàn bếp, đang uống rượu. Vợ chồng Ðăng Khánh vừa bước vào, anh ấy mắng như tát nước: «Cô cậu đối với tôi như vậy là hỗn! Tại sao mời tôi sang rồi lại để tôi ngồi như thế này?» Tôi, nhà tôi, vợ chồng Ðăng Khánh lặng cả người đi, mặc dù anh Mai Thảo mắng Ðăng Khánh – chủ nhà – chứ không phải là tôi. Nhưng tôi rất phục Ðăng Khánh. Anh ấy chạy lại vỗ vai anh Mai Thảo, nói: «Tụi em xin lỗi anh. Tụi em lại nghĩ anh không thích đi, vì hôm qua, anh mệt quá sau khi dự chương trình của anh Lê, nên muốn để anh ở nhà nghỉ ngơi, và em không ngờ lại về trễ, anh tỉnh dậy trước…» Tôi cho đó là nhân cách đáng kể, đáng quý của Ðăng Khánh. Vì đặt tôi vào vị trí Ðăng Khánh, chưa chắc tôi đã bình tĩnh được như vậy. Cùng lắm là tôi bỏ vào phòng, chứ không thể đến vỗ vai, xin lỗi anh Mai Thảo, nhận lỗi một cách vui vẻ như vậy.
    Anh Trần Duy Ðức, với tôi, hoàn toàn xa lạ. Năm 1981, tôi có quen mấy người bạn trẻ: Anh Việt Dzũng, anh Lê Văn Hào. Anh Việt Dzũng từ Texas về, không có việc, nói với tôi: «Anh Lê, mình mở quán cà phê!» Lúc đó, ở Mỹ, không có quán cà phê, chỉ có một quán cà phê duy nhất, nhưng lại có tính cách thương mại. Tôi đồng ý, bỏ tiền ra để Việt Dzũng mở quán cà phê. Tôi còn nhớ Việt Dzũng ngồi bệt trên sàn nhà cùng với Lê Văn Hào, đóng bàn ghế, đóng luôn cả bục gỗ sân khấu… Sau đó, chúng tôi khai trương quán, đặt tên là cà phê «Tay Trái». Tối thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật có ca nhạc. Chúng tôi mời những người nổi tiếng đến hát. Xong, đến phần ai muốn hát thì hát. Khai trương được một tuần, có một người khách rụt rè đến nói với Việt Dzũng: «Anh cho tôi hát, tôi muốn hát một hai bài.» Khi ấy, khách đã về gần hết. Anh ấy lên sân khấu, nói: «Tôi tên Trần Duy Ðức, mới ở đảo qua, tôi xin hát một bài thơ phổ nhạc của Du Tử Lê.» Tôi nhớ, đó là bài «Ðời mãi ở phương Ðông», một bài thơ tự do. Tụi tôi nghe, bồi bếp ra nghe hết, rất cảm động! Anh Trần Duy Ðức hát một hơi bốn bài nhạc phổ thơ của tôi, bài thứ năm, phổ từ thơ của anh Cung Trầm Tưởng. Sau đó, tôi hỏi anh Ðức: «Ở đâu ra thế?» Anh Ðức cho biết: Hồi đó, anh ở Sư đoàn 2 Không quân, đóng ở Pleiku. Tất cả những bài thơ của tôi mà anh ấy phổ nhạc là đọc được từ trên báo Văn, đặc biệt, toàn là những bài thơ tự do. Rồi rất nhanh chóng, Trần Duy Ðức trở thành một thành viên quán «Tay Trái» của chúng tôi.
    Cổ Ngư: Trên thị trường băng điã nhạc Việt Nam tại hải ngoại, liên tiếp trong ba năm 2000, 2001, 2002, người ta thấy xuất hiện ba CD «K. khúc của Lê 1, 2 & 3», gồm các ca khúc phổ từ thơ Du Tử Lê. Vì sao, bên cạnh những tập thơ, truyện, hồi ký, bán hồi ký…, ông lại quyết định thực hiện các CD nhạc này? Xin ông cho biết tiến trình của việc thực hiện các CD «K. khúc của Lê», cách chọn ca khúc, viết lời dẫn cũng như nhận định của ông về các ca sĩ trình bày.
    Du Tử Lê: Trước tiên, đây là công của anh Ðăng Khánh. Anh ấy thấy có những trung tâm băng nhạc sử dụng rất nhiều những ca khúc phổ từ thơ của tôi, thậm chí làm video về cuộc đời tôi, xuyên qua thơ nhạc, nhưng tôi lại không nhận được một khoản thù lao nào hết. Ðối với tôi, đó là một vinh dự lớn, vì cho tới bây giờ, ngay cả trong nước, vẫn chưa có ai làm một bộ video về các nhà thơ lớn như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, hay nhà văn, như Nguyễn Tuân… chẳng hạn. Tuy nhiên, quý vị và các bạn cũng hiểu, khi thực hiện, bao giờ yếu tố thương mại cũng được các trung tâm chú trọng trước nhất. Vì thế, anh chị Ðăng Khánh mới khuyến khích tôi tự làm lấy CD. Anh chị ấy cho tôi mượn tiền và trả… góp. Gọi là trả góp, sự thực, tôi viết bài hàng tuần cho anh Ðăng Khánh… Nên tôi đề nghị anh chị ấy khấu trừ dần, lương hàng tháng của tôi, cho tới khi hết nợ.
    Khi thực hiện CD, tôi có quyền chọn bài tôi thích. Các trung tâm, khi thực hiện CD, chỉ chọn những bài mà họ nghĩ rằng đám đông thích, và chọn những ca sĩ thu thanh mà họ nghĩ là sẽ bán được, mà không cần biết bài hát đó có hợp với ca sĩ không, hay ca sĩ, khi hát, có hiểu lời bài hát không. Các trung tâm băng nhạc không cần biết đến điều đó! Khi tôi làm CD, tôi làm cho tôi. Trước tiên, chúng tôi quyết định không dùng tiền bán CD để chi tiêu hàng ngày, mà để riêng ra, để có thể thực hiện một CD thứ hai. Ðó là một cách biết ơn bạn. Cũng nhờ vậy mà CD thứ hai và thứ ba ra được.
    Tiến trình thực hiện rất phức tạp. Một CD như vậy, bên Mỹ, chúng tôi sẽ tốn từ mười đến mười lăm ngàn đô-la. Tiền gì? Thứ nhất, bốn ngàn đô-la tiền hoà âm – arrangement – cho người nhạc sĩ tôi chọn. Thứ hai, tốn khoảng hai đến hai ngàn rưởi đô-la tiền thâu, trong phòng thâu của Mỹ. Thứ ba, từ năm đến tám trăm đô-la cho mỗi ca sĩ mà tôi chọn. Ðây là giá đặc biệt các ca sĩ dành cho tôi, vì thông thường, giá trung bình để một ca sĩ thu âm một bài hát là từ một ngàn đến một ngàn năm trăm đô-la. Chúng tôi lại phải thuê người in bìa và ruột CD, rồi lại phải chuyển master đến trung tâm để họ sang ra thành năm hay mười ngàn điã CD trước khi tung ra thị trường…
    Ðó là sự khởi nguồn cũng như tiến trình thực hiện các CD nhạc của tôi.
    Cổ Ngư: Thay mặt độc giả của Thư viện Diên Hồng, xin cảm ơn nhà thơ, qua buổi phỏng vấn này, đã giúp chúng tôi hiểu biết thêm về các hoạt động của ông, bằng những chi tiết lý thú và cảm động.

    Đọc văn Du Tử Lê


    Tôi, ấu thơ và, mẹ


    Như mọi người, rất khó cho tôi khi phải tự khẳng định: Tôi là ai?
    Chưa bao giờ tôi có ý muốn tự vẽ mình bằng những nét vẽ tốt đẹp nhất, huê dạng nhất. Tôi tự biết: tôi không hề là một con người toàn hảo.
    Tuy nhiên, tôi cũng không muốn ôm lấy cho mình tất cả những xấu xa, những hèn hạ… Như vậy, theo tôi, nó cũng chỉ là mặt khác của sự “lên gân,” “cường điệu” một cách lố bịch mà thôi.
    Tôi vẫn nghĩ, như có lần tôi đã viết xuống trong một câu thơ 6 chữ thôi, nhưng đã có tới 4 dấu hỏi… Câu thơ vài chữ ấy, sau đó, may mắn được nhiều người nhắc nhở. Đó là câu:
    Tôi Lê? Lê? Lê? Lê nào?
    (Ngoài ý hướng triết lý, tôi muốn nhắc nhở chính tôi rằng:
    Sự thực, cuối cùng không hề có một kẻ nào tên Lê trên mặt địa cầu này ở mặt phô ra, cụ thể, tôi muôn nói:
    Tôi luôn thấy, trong mỗi cá nhân, bao giờ cũng ẩn tàng rất nhiều con người khác.
    Để có được một cái nhìn tương đối khách quan về mình, tôi nghĩ, tốt nhất hãy dựa trên những gì mình đã viết xuống; đã ghi lại.
    Với tôi, khi một người làm thơ trước trang giấy, hay trên tấm kính chiếc computer của hắn, hắn thường chân thật với hắn hơn lúc nào hết. (Nói thế, tôi không có ý loại bỏ, cũng có những cá nhân, không ít, thấy họ trở thành người khổng lồ trước trang giấy, hay trước chiếc máy computer của họ.)
    Tôi mới có lại cuốn thơ thứ hai trong đời làm thơ của tôi. Cuốn Tình Khúc Tháng Mười Một.
    Cuốn thơ này được in năm 1965, tại Saigòn; cách đây đã 34 năm. Đó là tuyển tập những bài thơ tôi viết trong khoảng thời gian trước và, sau 1960, khi chưa tới tuổi 20.
    Đọc lại, tôi tìm thấy trong tập thơ, một bài thơ nhan đề: Tôi, Du Tử Lê.
    Bài thơ có 4 đoạn. Đoạn đầu, tôi viết như sau:
    năm mười sáu tuổi, tôi chính thức khai sinh tên tôi lần thứ hai
    sau lần khai sinh của bố mẹ
    từ đó tôi bắt đầu làm thơ
    tôi bắt đầu sống – tôi bắt đầu đời tôi
    như con sông bắt đầu ra biển
    như tình người mới lớn, rất nhiều bao dung
    như lòng tôi bắt đầu mềm sũng
    bắt đầu yêu ai, bắt đầu bất hạnh
    bắt đầu từ đó
    tôi, du tử lê. tôi, du tử lê.

    Năm 16 tuổi, cũng là năm tôi bỏ nhà ra đi, sống tự lập bằng những khoản tiền kèm trẻ tư gia.
    Năm 16 tuổi, cũng là năm thứ ba, tôi phải sống xa mẹ tôi. Một điều, tôi những tưởng không thể nào làm được trong suốt cuộc đời mình.
    Với tôi, mẹ tôi không chỉ là người mang nặng, đẻ đau ra tôi. Với tôi, mẹ tôi không chỉ là người nuôi nấng, che chở, ấp ủ tôi, kể từ khi tôi mới lên ba, Thầy tôi chết; rồi một người chị, một người anh của tôi, lần lượt theo nhau, qua đời.
    Với tôi, mẹ tôi là toàn thể ký ức thời ấu thơ, niên thiếu tôi; dù cho, đó là một ký ức buồn thảm. Một ký ức đầy khăn tang và, đầy nước mắt. Nhưng ký ức đó, lại chính là cội nguồn, khởi đi của thế giới văn chương tôi, sau này.
    Năm 1989 khi mẹ tôi qua đời, tôi ghi lại gần như từng bước hình thành lộ trình ký ức ấu thơ tôi, trong trường khúc “Mẹ Về Biển Đông,” (TK/MVBĐ) với những đoạn như:
    trí nhớ tôi là ngôi nhà nằm ven sông đáy
    ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ
    có cánh cửa ngó xuống nỗi lầm than của mấy đời chạy giặc
    những ngôi mộ xới nhanh
    dấu xác người chết trẻ
    xác chị, xác anh
    Nho Quan, mồng ba tết
    những viên đạn lửa không hận thù
    những viên đạn lửa rất khoái trá
    tôi chắc: người xạ thủ Tây Đen, Tây Trắng nào đó
    đã xằng xặc cười
    lúc thấy những viên đạn lửa xuyên suốt qua thân thể anh tôi
    lồ lộ bên bờ ruộng.
    …… nửa đêm người đem tin đập gấp rút cánh cửa gỗ lim tiếng nện thình thịch dội trên những bộ ngực thoi thóp vùng tề mẹ tôi xé vội chiếc áo dài trắng
    quấn lên đầu chúng tôi
    và, bà cũng không quên
    tự quấn lấy cho mình
    một mảnh tang khác.
    mai tôi chết, liệu có ai ngồi khóc?
    như giữa chiều nay, một bến sông!”
    ….

    Tôi là đứa trẻ không may mắn trong một gia đình nho học cuối mùa.
    Tôi sinh ngày mồng 10 tháng 11 năm 1942 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
    Khu nhà của gia đình tôi, nằm trên lộ chính dẫn xuống một bến sông của con sông Đáy. Từ bậc thềm cao, tôi có thể nhìn thấy bến sông này mỗi chiều, mỗi sáng.
    Cũng nhờ bến sông này, mẹ tôi bương bả nuôi nấng chúng tôi, bằng hai nghề chính, kể từ khi thầy tôi mất: Nghề buôn bán vật liệu xây cất và, làm ô mai…
    Khi chiến tranh bùng nổ dữ dội, khi nhân số trong gia đình chúng tôi cứ thưa vắng dần,…, có những giai đoạn, mẹ tôi phải gồng gánh chúng tôi chạy tản cư vào Đồi Mơ, vào Do Lễ, vào Nho Quan… Đó là thời gian trước 1950. Khi hồi cư, không còn ai xây cất, không còn ai đặt mua ô mai của mẹ tôi nữa! Mẹ tôi xoay qua nghề buôn hàng chuyến.

    Trong thơ tôi, thời điểm này, hình ảnh mẹ tôi được ghi nhận, như sau:
    trí nhớ tôi là ngôi nhà nằm ven sông Đáy
    ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ
    có cánh cửa ngó xuống bước chân ngược, xuôi của mẹ tôi
    trên lộ trình Hà Nội-Phủ Lý
    những đoạn đường bị đắp mô
    những đêm bạn hàng phải ngủ trọ
    tiếng “mọc chê” câu vào đêm đen
    tiếng nổ “cắc bùm” bắn đi niềm tang chế
    mẹ tôi bưng mặt
    khấn nguyện vong linh thầy tôi
    phù hộ cho bà sống sót
    trở về
    nuôi lấy những đứa con côi cút
    những đứa con không cha
    những đứa con mất anh, mất chị.
    trí nhớ tôi có những cánh cửa
    mở xuống bữa cơm chiều
    bữa cơm có cút rượu trắng, cái cốc sành
    mẹ tôi vừa uống, vừa kể chuyện ngày…xưa
    “ngày xưa” của bà: ngày thầy tôi chưa mất…!
    bữa cơm nào của gia đình chúng tôi cũng chấm dứt bằng nước mắt.
    khi ấy tôi còn quá nhỏ
    để hiểu mẹ tôi khóc
    cho cảnh tình côi cút của chúng tôi
    hay bởi vì làm ăn lỗ lã?


    (Trích TK/MVBĐ)
    Chẳng những tôi không có được một tuổi thơ bình thường, như những đứa trẻ cùng thời, (mà,) cả một thơ ấu, một niên thiếu tôi đã trôi lăn theo nước mắt mẹ tôi. Lộ trình tuổi thơ tôi là “Lộ trình nước mắt.” Tôi trôi, lăn theo dòng nước mắt không bao giờ ngưng chảy của mẹ tôi, từ Kim Bảng, Phủ Lý, ra tới Hà Nội, 1951. Sau Hiệp định Geneva, cuối năm 1954, theo người anh thứ hai (bị trở thành anh cả,) gia đình chúng tôi di cư vào Đà Nẵng; rồi Hội An; Đà Nẵng; (và,) cuối cùng: Saigòn, 1957. Tháng Tư, 75, ngày 29, gia đình người anh lớn của tôi: Di tản…
    Mẹ tôi không chịu đi…! Chỉ bởi vì tới chiều hôm đó, mẹ tôi vẫn chưa có tin tức tôi…
    Bà không biết đứa con út của bà, là tôi sống, chết ra sao!
    Thời điểm này, tôi đã lớn. Tôi đã trưởng thành; đã ra đời…
    (Tôi đã kiếm ăn với tất cả những trầy trụa, trây trúa của một xã hội chiến tranh, điên đảo…)
    Mẹ tôi ở với anh tôi và, các cháu, ở đường Trương Minh Giảng. Tôi ở Ngã Bảy; Rừng Cao Su Phú Thọ; rồi Thị Nghè; rồi làng Báo Chí, Xa Lộ. Thời gian 1975, tôi đã bước vào tuổi ba mươi. Dù xã hội khi ấy nhìn tôi thế nào, ra sao, (thì,) mẹ tôi, trong sâu thẳm, cũng như qua tất cả mọi lời nói của mẹ tôi, tôi vẫn là đứa con út côi cút, đứa con tật nguyền, đứa con bất hạnh nhất trong số 4 đưa con còn sót lại, sau tất cả 12 lần sanh, nở của bà. Thời gian 1975, dù cho xã hội có đánh giá tôi ra sao, thế nào, (thì,) mẹ tôi vẫn chỉ thấy tôi, trước, sau là “Chú Phá” (tên và, cách gọi của mẹ tôi, dành cho tôi, tới phút cuối đời bà.) Một “chú Phá” nhút nhát, không bao giờ trưởng thành, như các anh, các chị tôi.
    Một “chú Phá” vẫn làm nũng, vẫn sà vào lòng mẹ, kéo căng, vầy vò hai núm vú đã nhăn nheo, đã bèo nhèo, đã đen đúa như hai cục đất nhão của bà…
    Nhưng, dù mẹ tôi có yêu thương tôi cách mấy, dù tôi cần thiết biết bao nhiêu, phải có bà cho đời mình; cuối cùng, rồi mẹ tôi cũng qua đời! Bà sống thêm, chỉ được vỏn vẹn hai năm, kể từ ngày tôi đưa được mẹ tôi ra khỏi đất nước. Sự ra đi vĩnh viễn của mẹ tôi, không hề mang ý nghĩa cái “lộ trình nước mắt” đời tôi chấm dứt.
    Lộ trình dòng lệ không ngừng tuôn, chảy kia, nơi mẹ tôi, lại truyền thừa sang tôi. Tôi trở thành người có thể khóc, bất cứ lúc nào, như một đứa con nít, mỗi khi nhớ, nghĩ tới mẹ tôi.
    Nói cách khác, trước sau gì, ký ức tôi, cũng vẫn là ký ức của một kẻ tật nguyền. Ký ức của một kẻ khôn thoát khỏi cái lộ trình nước mắt của chính hắn:
    tới lúc chết
    mẹ tôi còn ngỡ mình vẫn thở
    giữa Saigòn, Trương Minh Giảng, Hồng Thập Tự, Hàng Xanh, Trần Hưng Đạo
    những chuyến xa Lam về Hòa Hưng, Ông tạ
    những chuyến xe nửa đời, nửa đoạn
    những chuyến xe chưa kịp về sông Đáy
    đã nghe buồn trên những trở lui…
    biển thở tít chân trời thăm thẳm, chết
    biển Đông vào cửa khác, phân, ly
    tôi ngồi lại nghe buổi chiều chụp, phủ
    nén hương tàn, mộ chí ai kia?
    mẹ một thuở theo đàn con đi khuất
    để hôm nay mất dấu quay về
    trong thân xác đã khô cằn máu đỏ
    thịt xương kia rồi cũng rữa, tan.
    những ngôi mộ ở bên ngoài đất nước
    ngàn năm sau hai tiếng Việt Nam
    không ai gọi, không ai còn nhớ nữa
    nắm xương xưa rồi cũng quên nguồn.
    khi tôi tới những bông hoa ối đỏ
    cỏ cây chờ như tượng đã bao năm
    tôi muốn chọn một chỗ nằm bên cạnh
    không còn cha, môi mẹ máu hoen bầm!
    (Trích TK/MVBĐ)
    Sau cái chết của mẹ tôi không lâu, một buổi trưa, tôi đang ngồi trong một quán ăn ở miền Nam California, quán Song Long, với Nhà văn Mai Thảo; Bác sĩ Nguyễn Mạnh, một người bạn văn chương (và,) cũng là bạn đồng môn trường trung học Chu Văn An, từ bàn bên cạnh bước qua.
    Ông bảo tôi, theo ông (thì,) tôi đã mắc phải chứng bệnh Thyroid…
    Tôi cần phải đi chữa ngay; nếu không muốn chết bất đắc kỳ tử. Lý do, trái tim của tôi có thể ngưng đập, bất cứ lúc nào!
    Bác sĩ Nguyễn Mạnh chuyên về quang tuyến X, nên hôm sau, tôi tới phòng mạch một người bạn khác. Phòng mạch Bác sĩ Đặng Đức Nghiêm, cũng là chỗ quen biết với tôi…
    Sau khi thử nghiệm, Bác sĩ Nghiêm nói kết quả thử nghiệm xác nhận: Tôi đã bị mắc chứng bệnh Thyroid. Tôi có cố gắng làm theo những đòi hỏi của B.S Nghiêm, như thử máu, chụp phim,…, nơi phòng mạch của Bác sĩ Phùng Gia Thanh, trong khu Magnolia Medical Center… Tuy nhiên, nửa chừng, tôi lại bỏ ngang. Tôi không đủ phương tiện theo đuổi cuộc chữa, trị. (Khi đó, tôi không hề có Medical, cũng chẳng có bảo hiểm.)
    Cuối năm 1991, anh em CVA ở Houston, nhân một cuộc họp mặt cuối năm, mời Giáo sư Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh qua, nói chuyện. Giáo sư Vinh được mời nói chuyện về đề tài “Hệ thống giáo dục tại Hoa Kỳ.” Tôi cũng được anh em mời qua, nói về đề tài “Tình cảnh người cầm bút sau 1975.” Lúc phải trả lời những câu hỏi của các bạn đồng môn, có một người không đặt cho tôi câu hỏi nào liên quan tới đề tài; (mà,) lại bước ra, hỏi tôi có biết tôi đang mang chứng bệnh Thyroid trong cơ thể?
    Ông hỏi tại sao tôi không chữa chạy căn bệnh ấy?
    Người đó là Bác sĩ Hồ Tấn Phước; một cựu học sinh CVA.
    Khi được biết, tôi rất muốn chữa, trị; nhưng không có điều kiện…; BS Phước nói, ngay trong buổi họp mặt rằng, anh sẽ chữa, trị cho tôi; chỉ với một điều kiện:
    Tôi phải dọn nhà, phải di chuyển về Houston…
    Tôi vô cùng cảm động (và,) cũng vô cùng áy náy trước tấm lòng hết mực tử tế của BS Phước.
    Khi trở lại Cali, tôi coi chuyện đó như không có. (Tôi không nhìn thấy nơi tôi một khả năng, một cơ hội đền ơn, dù rất nhỏ, dành cho Bác sĩ Phước.)
    Tôi tiếp tục chung sống với căn bệnh Thyroid của mình, thêm một năm nữa.
    Người tích cực điên thoại hối thúc, thậm chí đề nghị cung cấp phương tiện di chuyển, nơi ăn, chốn ở, xe cộ …cho tôi là Trương Trọng Trác, tức nhà báo Trọng Kim, một bạn học thuở thiếu thời của tôi. Trước sự quan tâm, hối thúc tới nao lòng của Trác, cuối cùng, tôi quyết định đình bản tờ báo Tay Phải, di chuyển về Houston. Đó là những ngày đầu năm 1992.
    Giai đoạn này, cuộc đời tôi, cũng bắt đầu một khúc quanh khác.)
    Theo Bác sĩ Hồ Tấn Phước ở Houston, Texas, người tình nguyện trả tất cả mọi y phí trị bệnh cho tôi, (thì,) Thyroid hay bệnh “Bướu cổ lộ hầu” thường xẩy tới cho những người có gia đình đổ vỡ, phá sản, thất tình; hoặc, bị bệnh ưu uất kéo dài quá lâu… Những lời giải thích kia, của Bác sĩ Phước trùng khớp với hoàn cảnh tôi, thời điểm ấy. Thời điểm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90. Trước (và,) sau cái chết của mẹ tôi, đời sống tôi là một loạt những đổ vỡ: Đổ vỡ gia đình. Đổ vỡ tình cảm. Đổ vỡ niềm tin, trong đời thường.
    Tôi nhận chịu mọi tai ương, không một lời giải thích.
    Tôi nhận chịu mọi kết án, nguyền rủa, không một đính chính…
    Để chống trả những mạng lưới bủa vây trùng điệp bất hạnh này, tôi tìm vào hai nguồn an ủi chính: Tôn Giáo và, Thi Ca.
    Đây là thời gian tôi viết được khá nhiều thơ; (mà,) nguồn cảm hứng chính lại khởi đi từ kinh Phật, (và,) kinh Cựu Ước, nhiều nhất là Tân Ước, của Ky Tô Giáo.
    Cũng thời gian này, bất ngờ, cố thi sĩ Nguyên Sa cho đăng trên Tạp chí Văn của Nhà văn Mai Thảo; cùng một lúc ba bài thơ. Ba bài thơ mở đầu cho loạt thơ (mà,) ông gọi là “Thơ Tám Câu Viết Về Bằng Hữu.”
    Đó là các bài có nhan đề “Mai Thảo;” “Doãn Quốc Sỹ;” “Du Tử Lê.”
    Mở đầu bài thơ nhan đề: “Du Tử Lê,” cố thi sĩ Nguyên Sa viết:
    bạn ta bằng nửa con cò
    vác trên lưng cái đền thờ con voi
    con voi nặng cũng vừa thôi
    có em người đẹp lại ngồi bên trên.
    Bài thơ sau đó được in lại trong cuốn Thơ Nguyên Sa, tập 3, của Nguyên Sa, tính ra cũng đã gần 10 năm. Tuy nhiên, tới ngày hôm nay, vẫn còn rất nhiều người hỏi tôi:
    -Đâu là ý nghĩa sâu xa của câu “có em người đẹp lại ngồi bên trên?”
    Tôi nhớ, trong một bài nói về tôi, Nhà thơ Trần Bát Nhã ở New Orleans đã dành nhiều phút giải thích về bài… “Con Cò Du Tử Lê” kia.
    Dường những giải thích của họ Trần không thỏa mãn được nhu cầu tìm hiểu của người đọc.
    Họ Trần nhấn mạnh khía cạnh “đền thờ con voi” như một ý niệm về sự vĩ đại của ngôi đền thi ca… Ông không tận giải câu “có em người đẹp lại ngồi bên trên.” của Thi sĩ Nguyên Sa.
    Riêng cá nhân tôi, trước câu hỏi kia, suốt bao nhiêu năm, khi được hỏi, tôi chỉ cười, hoặc lắc đầu. Hôm nay, tôi nghĩ, có lẽ đã tới lúc nên nói một lần, cho rõ ý nghĩa của câu thơ ấy.
    Tôi nghĩ, có dễ, đó cũng là cách bày tỏ lòng trân trọng của cá nhân tôi, trước vong linh Thi sĩ Nguyên Sa, một thi sĩ lớn, có tầm ảnh hưởng rộng rãi trong thời đại chúng ta. Theo tôi, chữ “người đẹp” mà tác giả dùng trong câu thơ “Có em người đẹp lại ngồi bên trên” không hề mang ý ám thị một người nữ nào, trong đời sống của tôi.
    Chữ “người đẹp” ở đây, Thi sĩ Nguyên Sa muốn nói:
    -Cảm hứng trong thơ của tôi, bao giờ cũng bắt nguồn từ những cuộc tình…
    Dù cho đó là những cuộc tình ồn ào, tan nát, đầy tai tiếng… Hay những cuộc tình đã âm thầm tan đi; (và,) số người biết được, rất giới hạn.
    Nhận định của cố Thi sĩ Nguyên Sa về nguồn gốc thơ tôi, với tôi, là một nhận định rất tinh tế.
    Có thể, nhờ từ Việt Nam tới hải ngoại, trong nhiều chục năm, liên hệ giữa chúng tôi không hề bị gián đoạn. Đôi khi, ông cho tôi cảm tưởng, ông hiểu về tôi, nhiều hơn chính tôi nữa.
    Quả vậy, ngoài nguồn cảm hứng từ người mẹ, đã qua đời; tất cả những bài thơ tôi viết xuống, dù cho chúng không phải là những bài thơ tình yêu đôi lứa… Nhưng động lực thúc đẩy tôi viết, vẫn là một hay nhiều người nữ.
    Thời gian Thi sĩ Nguyên Sa bắt đầu loạt thơ tám câu viết về bằng hữu, cũng là thời gian tôi cho phổ biến bài “Cuối Năm Chuyện Vãn Với Bệnh Thyroid.”
    Đó là một trong những bài thơ không hề có chung một khởi nguồn: nguồn tình yêu, với những bài thơ khác của tôi.
    Bài thơ có những câu rất đời thường, rất thô tháp, như:
    ô kê, cũng tốt thôi Thyroid
    dù giờ đây chúng ta mới tình cờ nhận ra mặt mũi nhau
    dù bạn ở trong tôi năm, sáu năm trước
    dù bạn đã chọn những miếng ngon nhất của thân thể tôi
    để xơi
    xơi từ từ
    xơi kín đáo
    (như những nhà chính trị khôn ngoan: ngậm miệng ăn tiền)
    bạn xơi
    miếng gan mềm có máu thơm luân lưu
    miếng tim xốp nhiều lỗ
    bao năm đập liên hồi trống trận.
    Thyroid, chính bạn
    (chứ còn ai vào đấy)
    đã xơi của tôi miếng mắt trong
    chính bạn chủ mưu đẩy con ngươi tôi lồi ra khỏi hốc mắt
    bạn chơi khăm quá đi
    chơi đểu quá đi
    chơi sát ván
    chơi tôi ná thở…
    hơn ai hết
    bạn biết Chúa từng dặn dò
    nếu để một con ngươi của ngươi có dịp phạm tội
    thì thà chịu chột để được vào nước thiên đàng
    còn hơn giữ nguyên mà sẽ bị đọa về địa ngục.
    bạn vẫn nhất định xơi con mắt của tôi
    cũng được đi
    nhưng chả việc gì phải chơi nhau tận tình đến thế…
    dù sao tôi cũng chỉ cần con ngươi của mình lúc này thôi
    (ngay khi chúng từng có cơ phạm tội)
    để nhìn những người tình ra đi
    như nhìn dòng nước chảy
    (những dòng nước không có khởi nguồn
    sẽ lấy đâu làm điểm kết thúc?)
    …..
    (Năm 1994, khi Luật sư Phạm Đức Tiến, tổ chức cho tôi, một buổi giới thiệu tác phẩm “Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra”, ở Thư Viện Trung Ương Arlington, Hoa Thịnh Đốn, tôi nhớ, Nhà văn Trương Anh Thụy đã đề cập tới bài thơ này, một cách sâu sắc…)
    Đó là thời điểm đầu thập niên 90. Thời điểm mà, những người phụ nữ bỏ tôi ra đi. Thời điểm của những cuộc tình khốc liệt. Những cuộc tình, duyên mang đến cho tôi, cùng lúc hạnh phúc chói, gắt; và, tai tiếng xấu, xa; thậm chí, cả những lời nguyền rủa.
    Thời điểm đó, là thời điểm (mà,) cuộc tình giữa tôi và một nữ nghệ sĩ (mà,) tôi gọi là Lãm, hay Lãm Ca, đi tới điểm cực đại của ồn ào, của những lời thêu dệt, của những bài báo, thư rơi…
    Hôm nay, nhớ lại, tôi còn ê chề, tôi còn xấu hổ. Nếu không có hai nguồn cứu rỗi là Tôn Giáo và Thi Ca, tôi nghĩ, hôm nay, tôi đã không còn đứng đây. Bây giờ, ở đây, khi thố lộ những điều này, với tôi, chính là lời cảm ơn, đồng thời, cũng là, lời xin lỗi… Tôi muốn bày tỏ cùng lúc, lòng biết ơn và, xin tha thứ cho những tội lỗi, những sai lầm, những bầm giập chất chồng từ một quá khứ sắp tròn 60 năm.

    (Nếu mẹ tôi có mặt, lúc này, tại đây, bà sẽ không tin tất cả những gì tôi mới tâm sự. Là một người phụ nữ ít học, mẹ tôi lớn lên, lấy chồng, sinh con, nuôi, ru, răn, dạy chúng tôi, bằng kho tàng ca dao, tục ngữ chừng như bất tận; trước sau, với bà tôi không hề là một đứa con trưởng thành. Với bà, tôi không thể là người có thể làm thơ, viết văn, dù chỉ là loại thơ, văn “vớ vẩn” (như sinh thời, bà thường nói.) Tôi vĩnh viễn chỉ là “chú Phá” tật nguyền, tội nghiệp của riêng bà, mà thôi.)
    Mặc dù vậy, hôm nay, xin mọi người, xin quý vị hãy vui lòng nhận đón, không chỉ thơ tôi, (mà,) luôn cả con người tôi, trong đời thường. Một con người, phần nào trần trụi, trước mặt quý vị.


    Con dế buồn tự tử giữa đêm sương


    Nhiều năm qua, mỗi lần kéo valise ra xe, đi phi trường, tôi thường tự hỏi: Di chuyển, phải đó là định mệnh mới, chính và, cuối, đời mình? Lần nào tôi cũng nghe được câu trả lời dứt khoát, mạnh mẽ, không. Tôi không hề có chung mơ ước với tác giả Vang Bóng Một Thời; khi ông cho thấy, ông rất tâm đắc với câu nói của một nhà văn tây phương, rằng, lúc chết, ông muốn người ta lột da ông, làm valise, cho ông được đi tiếp.
    Tôi vẫn nghĩ, nếu được lựa, chọn, tôi chọn ở bền chặt, ở dài lâu một nơi chốn. Nếu được lựa, chọn, một ngày nào, tôi muốn báo, đền quê hương tôi, phần thịt, xương mục, nát của mình. Ngay nhúm da vô nghĩa, nếu không thành phân bón cho cây, cỏ; tôi cũng mong, chí ít, nó sẽ là thực phẩm cho côn trùng…
    Mấy lúc gần đây, tôi chợt hiểu, tôi không chỉ nợ con người, đất nước, (mà,) tôi còn nợ rất nhiều côn trùng… Tôi biết, có người sẽ khó nhịn cười, khi nghe tôi, khẳng định: Côn trùng, (thú vật nữa,) là những người bạn thân thiết nhất của tôi, suốt thời thơ ấu!
    Nhiều năm qua, mỗi lần kéo valise ra xe, đi phi trường, tôi thường tự hỏi: Di chuyển, phải đó là định mới, chính và, cuối đời mình? Lần nào, tôi cũng nghe được câu trả lời dứt khoát, mạnh mẽ, không…
    Tôi vẫn nghĩ, nếu được lựa, chọn, tôi chọn ở bền chặt, ở dài lâu, một nơi chốn…
    Như vừa qua, khi kéo chiếc valise lên xe của N., ra phi trường John Waynes, chờ chuyến bay đi Hoa Thịnh Đốn, tôi trực nhớ, cách đây đúng một tuần, chuyến bay từ Sydney mới thả tôi xuống phi trường LAX. Khả năng tự điều chỉnh giờ giấc, điều chỉnh thân, tâm với mỗi nơi chốn, trong tôi, chưa thích ứng; tôi lại giam, nhốt tôi trong một chuyến bay đằng đẵng, khác.
    Lúc được mời lên lên sân khấu, phát biểu, đầu óc, máu huyết tôi còn bồng bềnh, nhập nhoạng Sydney, Blue Mountain, Melbourne, Yra, Garden Grove, Westminster, Cleveland, Falls Church…
    Tôi tự hỏi, phải xu hướng định cư, xu hướng bền chặt…(nên,) trước mấy trăm thân hữu, cuộc họp mặt ở Hoa Thịnh Đốn, tôi nói: Nơi chốn, tự nó không có một giá trị, một ý nghĩa nào, nếu không có con người. Chính con người cho nơi chốn một linh hồn, một trái tim, và từ đó, nơi chốn mang ít, nhiều ý nghĩa…”
    Tôi nói, chính những người có mặt ở đấy, đêm đó, đã cho Hoa Thịnh Đốn, một linh hồn, một trái tim. Và, một trong những nơi chốn, tôi mơ ước trở lại, khao khát được sống với, là Hoa Thịnh Đốn… Nửa đêm, tôi mang niềm mơ ước được sống với một số nơi chốn, cùng tôi, lên xe Phó Ngọc Văn. Nửa đêm, mơ ước về một nơi chốn, cùng tôi, trôi trong biển sương mù, Virginia, mùa đông. Trôi cùng tôi, còn là hình ảnh những pho tượng trắng co ro, ké né cạnh những gốc phong cổ thụ, trơ xương, và, con suối đóng băng, chẻ đôi cánh rừng, sau lưng ngôi nhà Nguyễn Mạnh Hùng, đường Wynford.
    Trôi cùng tôi, còn là những bờ, luống kỷ niệm Victoria, tươm, nóng lênh đênh. Trôi cùng tôi, còn là ngọn đèn, tiếng hát, căn phòng Melbourne, lỗ mỗ thương yêu, loang lổ ký ức.
    Trôi cùng tôi, còn là những ngọn nến, đêm, sông Hương, rằm tháng Bảy, (với Hạnh, xưa,) khi ngược chiều xa lộ 95, là những đôi mắt xe, bập bềnh, trôi, chậm. Trôi cùng tôi, còn là câu thơ mới của Phó Ngọc Văn: Chẻ đôi xa lộ, bỗng sầu tự nhiên…
    Tôi không nghĩ Phó Ngọc Văn chỉ muốn đọc tôi nghe, câu thơ kia, như một bộc bạch tâm sự Văn, những năm, tháng gần đây. Tôi nghĩ, có thể, Văn muốn chia sẻ với tôi, những chia cắt, đứt lìa tự nhiên, tựa đó mới chính là khuôn mặt đích thực đời sống. Tôi nghĩ, bạn tôi, có thể, muốn nhắc nhở, dẫu cho chúng tôi có gánh, vác trên vai, mối sầu muộn nào, (thì,) cũng là lẽ đương nhiên, thường hằng của mỗi con người. Mối sầu, (sự phiền muộn) dường không còn là loại xa xí phẩm, đồ trang sức cần thiết cho tâm hồn, thuộc riêng một giới nào nữa. Nó không còn thuộc về một chiếc linh hồn nhỏ / mang mang thiên cổ sầu, như hế hệ đàn anh của chúng tôi. Thế hệ Huy Cận.
    Bất hạnh, (khuyết tật,) tôi nghĩ, đã là tấm thẻ nhận dạng của thế hệ chúng tôi, cùng nhiều thế hệ kế tiếp. Bất hạnh, (khuyết tật,) như tình yêu, giúp chúng ta trưởng thành; đồng thời giúp thế hệ sau, sống được, sống cùng, lớp trước. Tôi biết, tôi đã mang câu thơ bạn tôi, đi xa, quá xa chiếc bóng nó. Bởi vì khi bạn tôi viết chẻ đôi xa lộ, bỗng sầu tự nhiên, có dễ, nó chỉ có nghĩa: chẻ đôi xa lộ, bỗng sầu tự nhiên thôi. Chính tôi, đúng vậy, chính tôi phá hỏng chữ tự nhiên (mà,) tôi thích. Tôi cho là đáng kể nhất trong câu thơ đó.
    Nhưng, tôi cũng tin, bạn tôi đủ rộng lòng, xóa bỏ lỗi tôi; như Hoa Thịnh Đốn, đủ bao dung, để tha thứ, cảm thông tôi, một khi Hoa Thịnh Đốn biết, giữa Virginia, (mà,) tôi nhớ biết bao, Melbourne.
    Nhiều năm qua, mỗi lần kéo valise ra xe, đi phi trường, tôi thường tự hỏi: Di chuyển, phải đó là định mệnh mới, chính và, cuối, đời mình? Lần nào tôi cũng nghe được câu trả lời dứt khoát, mạnh mẽ, không…
    Nếu được lựa, chọn, tôi chọn ở bền chặt, ở dài lâu, một nơi chốn. Thí dụ, Melbourne.
    Tôi trở lại Melbourne, sau mười hai năm. Mùa hè, Melbourne, thành phố vẫn nhận được những cơn mưa bụi vào sớm mai, buổi chiều, hay cuối khuya kia, nhưng chẳng nhờ thế (mà,) nó không khô, cháy cuống họng vì mùa hè, chói gắt đường phố.
    Mùa hè, Melbourne, mười hai năm gặp lại, đã mở lớn cánh cửa tình yêu thứ nhất, dành cho tôi, như sự dang rộng đôi tay nhung lụa của người mẹ (thay vì cha) mừng đón đứa con hoang đàng trở về.
    Melbourne, mười hai năm gặp lại, đã mở hết cánh cửa tình yêu, mùa hè, cho tôi, sớm hôm, đời khác. Ngay cả mùa hè, có như ai đó, (phải chăng, Phạm Duy,) cho rằng, chúng ta chỉ có một mùa hè thôi…, (thì,) nó cũng đã là một ân sủng, một tặng phẩm lớn lao, tôi không hề mơ tưởng, nhận được từ Thượng Đế.
    Melbourne, mùa hè, mở cho tôi cánh cửa mang tên Hà Công Phúc, Lê Văn Thanh, Hồ Công Lộ, Nguyễn Thuyên…những con người quá mức thiết tha với Việt Nam; những trái tim qúa mức mẫn cảm với tổ quốc.
    Melbourne, mùa hè, mở cho tôi cánh cửa, bước vào ngôi nhà Lê Thanh Cảnh. Nơi tôi không chờ đợi được thấy dáng ngồi rất Serenata, được nghe tiếng đàn (hay nỗi lòng) rất Serenade, từ những ngón tay mười chín, hai mươi, chạy trên phiếm dương cầm của một giáo sư piano, là chị Cảnh. Cùng với mưa (như bụi,) rơi bên ngoài tòa lâu đài, tôi cũng cũng không chờ đợi được nghe Giáo sư Nguyễn Xuân Định, nói về ngữ pháp, và, nhất là, tiếng hát rất Anh Ngọc, của ông.
    Melbourne, mùa hè, mở cho tôi cánh cửa, bước vào ngôi nhà của một Trần Quốc Đông, người bạn thời niên thiếu.
    Cùng với mùa hè Melbourne, Đông cho tôi những chăm sóc chu đáo, những lo lắng tế nhị, những thăm hỏi, nhắc nhở dịu dàng…Như thể tôi không phải là thằng bạn thời niên thiếu của Đông; (mà,) tôi là đứa em út, thất lạc bao năm, bỗng không Đông tìm lại được…
    Tôi nghe lòng mình mềm, sũng với cảm tưởng, vợ chồng Trần Quốc Đông muốn chăm chút, đền, bù cho đứa em út kém may mắn… Và, tôi đã thọ, hưởng một cách tận tình, hạnh phúc, những tình cảm này, từ bạn. (Tuồng ngay tôi, cũng thấy tôi là đứa em út thiếu may mắn của vợ, chồng Đông vậy.)
    Cũng tại tòa nhà mới mua của Đông, mùa hè, Melbourne, tôi được nghe, biết bao tiếng hát. Tôi thọ, hưởng biết bao thương yêu; nhất là tấm lòng, tiếng hát Hương-Thuận.
    Tôi muốn nói với Hương-Thuận, đừng cho tôi thêm nữa, thương yêu. Đừng cho tôi thêm nữa, trên ngọn tình sầu; k. khúc của lê; ơn em; trong tay thánh nữ, có đời tôi…
    Đừng cho tôi thêm nữa, chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời; đêm, nhớ trăng saigòn, người về như bụi; hãy bảo tôi; em ngủ trong một mùa đông,…
    Cũng trong tòa nhà của Đông, tôi muốn nhờ Hương-Thuận, nói với người con gái, dừng cho tôi thêm nữa: ngày dù xa khơi có luyến tình người – giọng buồn không vơi sẽ tắt nụ cười – một ngày yêu nhau, buồn cho chín kiếp thương đau – rồi về mai sau, có nhớ tình đầu – ngày buồn không vơi, chắp nối hận sầu – một ngày xa nhau – chỉ còn thương đau – chỉ còn thương đau…
    Duyên Thề, phải đó là nhan đề ca khúc? Tôi cố để không nói với Hương-Thuận, với người hát rằng, đó là bài hát đã ở với tôi, khi tôi còn tấm bé. Ca khúc mà người anh thứ hai của tôi, (anh Dư,) cuối năm 1954, từ chối di cư vào Nam; trước khi lặng lẽ bỏ nhà, bỏ Hà Nội, một mình trốn về Hà Nam, tìm lại ngôi nhà chôn nhau cắt rốn, từng hát, từng tặng lại chị Quy tôi, như kỷ niệm (tường chừng duy nhất, cuối cùng, cho một chia tay chị, em, vĩnh viễn!)
    Melbourne, mùa hè, mở cho tôi cánh cửa tiếp xúc với những người trẻ đặc biệt của Victoria.
    Như Quốc Tuấn, đã làm tôi bất ngờ, tới ngỡ ngàng, khi trên sân khấu Happy Receptions, Quốc Tuấn hát Dòng suối trăm năm. Tôi không chờ đợi Tuấn yêu thích bài này. Tôi càng không chờ đợi Tuấn hát nó. Vậy mà, Tuấn đã hát. Tuấn hát với tất cả trân trọng, tấm lòng gửi vào những vết thương tôi, e nhiều đời khôn khép miệng.
    Chẻ đôi sông, núi: kênh, mương cạn / đêm quấn khăn vào sâu ấu thơ / chẻ đôi thân, thế: mù tăm tích / ta nghĩa trang nào chôn cất nhau?
    Không! Tôi không chờ đợi, điều đó. Cũng như tôi không chờ đợi, nghe tâm sự của Trần Quốc Hùng, người lính, người tù cải tạo, (luật sư hôm nay,) sau hai mươi sáu năm bặt tin nhau, nơi quê người.
    Tâm sự hay, mối tình đầu đời của Hùng, với Lê Thị Kim Hường Trâm, cháu ruột của tôi? Tâm sự hay, niềm ngậm ngùi, nỗi bất hạnh (tật nguyền) của thế hệ Hùng và Trâm?
    Tôi không biết tôi phải chọn điểm đứng nào giữa hai đầu tan vỡ?
    Bây giờ Trâm đã có gia đình. Hùng cũng vậy.
    Tôi chỉ có cho tôi, xúc động. Tôi nghe gai ốc trên da thịt, từng hồi. Tôi điếng lặng, nghe Hùng kể, trong một lá thư nào đó, Trâm thẳng thắn cho Hùng biết, hãy quên Trâm đi. Thời gian, khoảng cách, quê người đã biến Trâm thành một kẻ khác, từ tâm hồn tới hình hài! Trâm thực tế, Trâm mặt đất…như bất cứ một người phụ nữ Việt Nam nào, khi bước ra từ cái melting pot của xã hội Hoa Kỳ…
    Và, Hùng, một mình, đi tiếp con đường lý tưởng thời tuổi trẻ. Hùng, một mình, đi tiếp con đường Hướng Đạo, con đường Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc…
    Bây giờ, mỗi ngày, với bút hiệu Quốc Việt, Hùng gửi tấm lòng, trái tim nước non của mình, trên làn sóng SBS, Victoria…
    Sau khi chia tay Hùng, tôi chợt nghiệm thấy: Nếu có những giọng nói có khả năng mang chúng ta bay thẳng tới tương lai, thì cũng có những giọng nói, tự thân, có âm lực ném trả chúng ta, ngược về quá khứ.
    Quá khứ, gần ba chục năm. Quá khứ, ngôi nhà, Trương Minh Giảng. Quá khứ, Huế, Quảng Trị, Vũng Tầu, Thị Nghè…Quá khứ, những ngày chinh chiến một thời của Hùng, và Hường Trâm; và tôi, hôm nay, tật nguyền (trong nghĩa nào,) trước mối tình của họ!
    Quá khứ, tôi nghĩ, nếu muốn, tự nó cũng có thể làm lấy cho nó một buổi kỷ niệm, mang tên ba mươi năm. Như người ta thường tổ chức những buổi kỷ niệm… ba mươi năm lấy nhau vậy!
    Nhưng, nồng nàn trên mọi nắng, gió; sâu, lắng dưới mọi bất hạnh (tật nguyền,) Melbourne, mùa hè, đã mở cho tôi cánh cửa bé dại; cho tôi gặp lại những người bạn côn trùng, thời thơ ấu.
    Đó là người con gái tên K., từ hàng ghế khán giả, đứng lên, xúc động hỏi tôi về con dế trong Trên ngọn tình sầu.
    Trên sân khấu Happy Receptions, mười hai năm, gặp lại, tôi nói, tôi là đứa trẻ không may mắn. Với một bàn tay, có tới sáu ngón tay, tôi không chỉ tật nguyền tinh thần, như nhiều người thế hệ tôi, mà, tôi còn tật nguyền thể chất nữa…
    Tôi nói, tuổi thơ tôi, giới hạn trong khu nhà của gia đình tôi, ở Phủ Lý. Tuổi thơ của tôi, quanh quẩn với mẹ, chị vú, u già, người chị gái sát tôi… Bạn tôi là…côn trùng, cùng nhiều sinh vật nhỏ bé, khác…
    Tôi kể tên những người bạn tôi thời thơ ấu. Tôi nói, họ có tên là cào cào, châu chấu, dế cơm, dế trũi, dế đá…
    Tôi kể tên những người bạn tôi thời thơ ấu. Tôi nói, họ có tên là ếch, nhái, chuột bạch; chim sẻ, chào mào, chim sáo… Tôi nhắc tới tên cá đuôi cờ, cá rô, cá bò, cá trê, cá chép… Những con cá tôi lấy trộm từ mỗi mẻ cá mẹ tôi mua từ chợ hay, người ta mang đến tận nhà… Tôi thả bạn tôi vào những chum, vại chứa nước mưa. Tôi cũng thả các bạn tôi vào bể nước lớn… Nơi hàng năm, tới mùa mơ chín, mẹ tôi mua mơ về, ngâm muối, làm ô mai cung cấp cho các đại lý… Các Bạn tôi, dù khỏe như cá bò, cá trê, dù tôi có lén thăm nom, thả cơm cho bạn hàng ngày, thì, cuối cùng, bạn tôi vẫn bỏ tôi đi! Bạn tôi vẫn…chết.
    Sự bỏ đi vĩnh viễn của các bạn tôi, dĩ nhiên chỉ khiến một mình tôi buồn. Nhưng ngặt nỗi, cái chết của các bạn tôi, lại làm tanh, thối bể nước, chum, vại… Với chum, vại còn dễ, chúng nhỏ thôi; nhưng cực nhất, phiền phức nhất, là sự xúc bể… Những người làm của mẹ tôi phải dùng bàn chải cứng kỳ cọ thành và, đáy bể trước khi đổ nước mới vào, ngâm nhiều ngày…và, cứ thế, cho đến khi bể nước thực sự hết mùi…
    Tôi nghĩ, mẹ tôi biết tôi là thủ phạm chứ! Nhưng lần nào bà cũng la toáng lên. Bà làm bộ hỏi u-già, chị vú của tôi, biết đứa nào thả cá vào hồ, chỉ cho bà, bà sẽ, đánh cho nó một trận… nên thân…cho nó chừa!
    Lần nào, tôi cũng trốn sau các vựa lúa, hoặc chạy băng qua mấy chiếc sân lớn, tới khu đất bán đồ xây cất…Tôi làm bộ tha thẩn đứng nhìn mấy dây thiên lý bò dọc theo bờ tường, như thể chẳng một liên hệ mảy may gì tới những xáo trộn, ồn ào kia!…
    Trên sân khấu Happy Receptions, tôi trả lời K., khi tôi viết con dế buồn tự tử giữa đêm sương…, ý tôi chỉ muốn nói, tôi không có tuổi thơ, hay tuổi thơ tôi bị thắt cổ chết một cách tức tưởi, âm thầm, không ai hay biết, chẳng ai buồn để ý…
    Tôi đâu ngờ, sự thành thật, như một đền đáp của riêng tôi, trước lòng chân thiết của những người trẻ ở Happy Receptions, như Hồng Liên, Đinh Hương, Tuấn Kiệt, Xuân Hùng, Nghiêm Lệ, Anh Đào…lại khiến K. bưng mặt khóc suốt…
    Nếu Anh Đào không kể lại, tôi đâu biết, câu trả của tôi, làm K. nhớ lại người chị, vài năm trước, một đêm, cũng tự tử bằng cách…thắt cổ.
    Tôi không biết, liệu có liên hệ gần, xa nào giữa con dế buồn…trong thơ tôi và cái chết của người chị của K.(?) Vì, khi tôi hỏi Anh Đào, K. đâu? K. đâu rồi? Thì Anh Đào bảo, cô đã bỏ về ngay lúc chương trình vừa chấm dứt. Lúc mọi người bận rộn, tíu tít chụp hình, chụp ảnh với tôi, trên sân khấu! Nhưng một chuyện cũng liên quan tới những người bạn tôi thời thơ ấu, tôi biết rõ, nhờ nhân vật trong chuyện, còn sống, sau này, trở thành bạn tôi, là Nguyễn Vũ Nhã. Nhã kể, những năm đầu tỵ nạn, một đêm, cuối thập niên 70, ở San Jose, khi tuyệt vọng như những cánh tay bạch tuộc, chặn bít mọi nẻo đường sự sống, Nhã quyết định bước vào ngõ hẹp duy nhất (mà,) tuyệt vọng chừa lại cho Nhã là: tự vẫn!
    Trước khi uống thuốc, tự kết liễu đời mình, Nhã viết nguệch ngoạc mấy chữ vào tấm napkin, nơi bàn ăn: con dế buồn tự tử giữa đêm sương…
    Nhã kể, sớm mai, các bạn chung nhà, không thấy Nhã dậy để chuẩn bị đi học, lại tình cờ đọc được dòng chữ nguệch ngoạc của Nhã, họ chạy lên lầu, xô cửa phòng Nhã…
    Khép lại một trong những chương sách buồn bã nhất đời mình, Nhã gượng cười, bảo tôi, Nhã đâu ngờ, chính con dế, (một trong những người bạn tôi thời thơ ấu, đã tự tử trong thơ tôi,) lại là keû cứu mạng Nhã.
    Sau này, trong bài Thơ từ note book tháng 12-96 hay những cám dỗ của nửa sự thật, bên kia, đề tặng Nguyễn Vũ Nhã, có đoạn, tôi viết:
    ngọn đèn cám dỗ tôi / bằng ly nước, những viên thuốc độc và, quyết định tự tử của con dế / em cám dỗ tôi / bằng bước trở lại / (của chính tôi) / từ bên kia cánh cửa thần chết /…(*)
    Nhưng, nồng nàn trên mọi nắng, gió; sâu, lắng trên mọi bất hạnh (tật nguyền,) Melbounre, mùa hè, cũng đã mở cho tôi cánh cửa tuổi trẻ, với Kiệt, Hùng, Chí Thượng, Thanh Trúc… ở chương trình phát thanh mang tên VVV…
    Từ những người trẻ này, một người trẻ, có dễ trẻ nhất, trong số họ, bước ra, hỏi tôi có đọc The Thorn Birds, của Colleen McCullough? Cô bé hỏi tôi, có đọc Hermann Hesse? Câu chuyện dòng sông? Tôi nói, có. Có chứ. Chẳng những tôi đọc, mà nó còn là một trong những cuốn sách tôi thường mang theo, trong những chuyến đi dài ngày.
    Tôi nói và, chỉ cho cô bé thấy những đoạn tôi gạch dưới. Chẳng hạn đoạn đối thoại giữa Meggie và cha Ralph, nơi chương thứ 16:
    “…Her hand stole along his bare arm, tenderly. ‘Dear Ralph, I do see it. I know, I know…. Each of us has something within us which won’t be denied, even if it makes us scream aloud to die. We are what we are, that’s all. Like the old Celtic legend of the bird with the thorn in its breast, singing its heart out and dying. Because it has to, it’s driven to…… Everyone singing his own little song, convinced it’s the most wonderful song the world has ever heard….. All we can do is suffer the pain, and tell ourselves it was well worth it.’ ” (**)
    Tôi trả lời cô bé, cùng lúc nhận ra, cô cũng chính là người hát Duyên Thề, buổi tối, trong ngôi nhà Trần Quốc Đông. Tôi nhớ, khi đọc truyện này, tôi rất thích những đoạn cậu học trò Tất Đạt, ngây ngô trong vòng tay ái ân lão luyện của kỹ nữ Kiều Lan… Tôi cũng rất thích cái theme hay cái manifesto (theo cảm nhận của tôi,) khi Hermann Hesse nhấn mạnh ý niệm mọi tìm kiếm chân lý, chỉ có thể thực hiện được bằng sự kinh qua bản thân, chính mình. Nó không thể từ kẻ khác; dù người ấy là Đức Phật…
    Bởi, một khi phải dùng tới ngôn ngữ, để truyền đạt, thì ngay Đức Cồ Đàm cũng phân chia sự vật, ý niệm thành nhiều phần, dạng khác nhau. Trong khi chân lý, đại ngã, thậm chí hòn đá, là một — là hòn đá, vậy thôi…
    Tôi nhớ, tôi đã không thấy cần thiết hỏi tên, địa chỉ, hoặc số điện thoại của cô bé. Vì cô bước ra từ đám người trẻ nhất, tôi được tiếp xúc, sinh hoạt, sống cùng, như Kiệt, Hùng, Chí Thượng, Thanh Trúc, nên tôi gọi cô là Thanh Tịnh. Và, tuồng, cô cho tên gọi, chỉ là chuyện nhỏ.
    Phải, tất cả chỉ là chuyện nhỏ, khi chúng tôi có thể nói chuyện với nhau, về những chuyện (tưởng chừng) ghê gớm, lớn lao hơn…
    Như khoảng cách chỉ một đường tơ mơ hồ giữa chính, tà, một trong vài theme lớn của truyện Kim Dung. Như tính tri kỷ tới não lòng (bất nhân?) của đôi bạn Khúc Dương / Lưu Chính Phong trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ.
    Thanh Tịnh hỏi tôi có chú ý tới sự bình thản của Lưu Chính Phong, khi tiếp nhận tin con ông bị giết? Thanh Tịnh hỏi tôi, có quan tâm đoạn Cha Ralph trong The Thorn Birds, thú nhận với Cha Bề Trên: ông thấy mình là kẻ tội lỗi — Thì, Cha Bề Trên bảo cha Ralph rằng, con người, dù là ai, cũng không thể xét tội mình…
    “Vì phán xét là quyền của Chúa. Chỉ riêng Chúa mới có quyền năng ấy.”
    Chuyện nhỏ! Nhỏ thôi. Nhỏ quá đi chứ, khi cô cho tôi biết, cô đã đọc vì em, tôi đã làm sa di; tiếng kêu nào / bên kia thời tiết /; tôi, ấu thơ và, mẹ; ở chỗ nhân gian không thể hiểu…
    Nhưng tôi không biết, có phải là chuyện nhoû chăng, khi cô nêu vấn đề kiếp khác, đời sau theo quan điểm Phật giáo, và sự phủ nhận tin tưởng này, theo Ky Tô giáo…
    Cô nêu vấn đề Việt Nam, đất nước sau 1975…
    Trở lại California, với nợ áo, cơm, đời thường, đọc lại Câu Chuyện Dòng Sông, The Thorn Birds, Tiếu Ngạo Giang Hồ…; nhớ lại những phát biểu bất ngờ của Thanh Tịnh, những câu nói / hỏi (cũng đầy bất ngờ Thanh Hồng, Hương Thuận, Chí Thượng, Kiệt, Hùng, Thanh Trúc… ở Melbourne, mùa hè, tôi càng nghiệm ra: Tên gọi hay, bất cứ một danh từ, một lý thuyết, một nhân danh nào, xét tới rốt ráo, cũng chỉ là…chuyện nhỏ.
    Đúng vậy! Chuyện nhỏ!
    Qua Thanh Tịnh, qua các tác phẩm, tôi thêm hiểu rõ, đạo đức, chân lý nào cũng đều có đủ, hai mặt. Như Tất Đạt nói với Thiện Hữu rằng, thế giới
    …Hoàn hảo trong mọi giây phút, mọi tội lỗi đều mang theo với nó sự ân xá, mọi trẻ con đã là những ông già tiềm tàng, mọi mầm non đã sẵn mang chết chóc, và trong mọi người hấp hối, đã có sự sống vĩnh cửu. Một người không thể nào thấy được người khác đã đi bao xa, đức Phật hiện hữu trong kẻ trộm cướp và tay bạc bịp. (…) Bởi thế đối với tôi dường như mọi sự vật hiện hữu đều tốt cả – chết cũng như sống, tội lỗi cũng như thánh thiện, khôn ngoan cũng như điên rồ… (***)
    Trở lại California, với nợ áo, cơm, đời thường, những lúc dành giựt được từ bàn tay khắc nghiệt ngày, tháng dăm mụn, miểng thời gian thư thả, tôi lấy làm tiếc, đã không nói được với những người trẻ, với Thanh Tịnh, mùa hè, Melbourne, những suy nghiệm mới của mình.
    Chẳng hạn, tôi cho rằng, người ta không chỉ học được nhiều điều, từ kho kinh nghiệm của những người từng trải, mà, người ta còn học được rất nhiều điều, từ những trong sáng, tinh khiết nữa.
    Chẳng hạn, tôi cho rằng, khi Tất Đạt hay, Hermann Hesse còn đặt vấn đề đại ngã, sự không có thời gian, vì chỉ có cái duy nhất là hiện tại, hiện hữu, thì, mặc nhiên, ông đã làm một so sánh, hay liên tưởng tới tiểu ngã, quá khứ, tương lai…
    Bởi, cũng ông, chính ông nói, khi chúng ta còn phải dùng tới văn tự, ngôn ngữ để truyền chân lý, thì tính giới hạn, nhị nguyên cũng đã có mặt trước khi văn tự hay, ngôn ngữ được sử dụng…
    Tôi nghĩ, có dễ, chúng ta chỉ nên tự hỏi mình: Chúng ta có đang thực sự sống (?) Và sống thế nào? Sống với một đấng thiêng liêng, (tôi gọi là Đấng Một,) hay mình ên, ngoài vũ trụ?
    Ngay vấn đề huyết thông, tương quan cha mẹ, con cái, tình yêu, vợ chồng, tôi cũng muốn kể với các bạn trẻ, với Thanh Tịnh rằng, tôi đọc được đâu đó, những câu hỏi (nhắc nhở?) đại loại:
    -Chẳng qua, chúng ta đã không chịu nhận chân sự thật: Những đứa con chỉ mượn cửa ngõ cha mẹ, để với dạng con người, chúng tiếp tục nghiệp chúng?
    Hoặc:
    -Qua nhiều đời kiếp, thế hệ, chúng ta vẫn không đủ ngay thẳng, công bình, để nhìn nhận rằng, việc sinh thành ra những đứa con, từ chúng ta, cũng chỉ là một thứ nghiệp, (mà,) chúng ta phải trả, vậy thôi!…
    Nhiều năm qua, mỗi lần kéo valise ra xe, đi phi trường, tôi thường tự hỏi: Di chuyển, phải đó là định mệnh mới, chính và, cuối, đời mình? Lần nào tôi cũng nghe được câu trả lời dứt khoát, mạnh mẽ: không…
    Tôi vẫn nghĩ, nếu được lựa, chọn, tôi chọn ở bền chặt, ở dài lâu một nơi chốn. Nếu được lựa, chọn, một ngày nào, tôi chọn báo đền quê hương tôi, phần thịt, xương mục, nát của mình. Ngay nhúm da vô nghĩa, tôi cũng mong, nếu không thành phân bón cây, cỏ; chí ít, cũng sẽ là thực phẩm cho côn trùng. Mấy lúc gần đây, tôi cũng chợt nhận ra, tôi không chỉ nợ con người, đất nước; (mà,) tôi còn nợ rất nhiều những người bạn tôi, thời thơ ấu…
    Và, hôm nay, tôi lại cảm nghiệm thêm (rằng,) tôi đã nợ mùa hè, Melbourne…
    Một trong những nơi chốn, tôi sẽ chọn ở bền chặt, ở dài lâu, nếu được phép.
    Nhưng trên tất cả, tôi nghĩ, chung quy, vẫn là cái nghiệp và, sự kỳ diệu của bàn tay Đấng Một.
    Như con dế tôi bắt nó phải tự tử (trong thơ tôi, cách đay nhiều chục năm) âu cũng là nghiệp của nó! Như mùa hè, Melbourne, những cánh cửa, đêm, tiếng hát, mưa, tôi và những người bạn tôi, thời thơ ấu, lại đang nắm tay nhau, bước vào nghiệp, khác?
    Giờ ra chơi cuối cùng


    của những cậu học trò 60 tuối





    và, Thành, cùng T.riêng.
    Tôi mới được tham dự đám cưới một người bạn. Một đám cưới, tôi tin, nếu nhóm thực hiện cuốn sách “Những kỷ lục thế giới” biết được, nhiều phần họ sẽ xin phép để ghi lại.
    Tính kỷ lục hay, kỳ cục của đám cưới này, không phải vì sự chênh lệch quá xa vể tuổi tác, giữa cô dâu, chú rể. Nó cũng không nằm nơi sự tốn kém, chiếc bánh cưới, to, cao, nhất thế giới. Không. Tất cả những gì mọi người có thể nghĩ tới, để trở thành kỷ lục, dù là kỷ lục…kỳ cục, đều không nằm trong trường hợp đám cưới bạn tôi.
    Tính kỷ lục hay kỳ cục của đám cưới Nguyễn Quang Minh, hỗn danh “Minh Dê,” bạn tôi, nằm nơi những người bạn của anh. Những người bạn thời niên thiếu. Những người bạn của Minh từ các mái trường Chu Văn An, Trần Lục, (và,) Nguyễn Trãi, Saigòn, giữa thập niên 50. Những người bạn hầu hết, tóc hoa râm. Có người đầu bạc trắng. Những người bạn, hầu hết đã thành danh. Có người đang là ông nội, ông ngoại. Có người là chức sắc đáng nể của những tôn giáo lớn. Có người giữ tiền viện trợ cho những quốc gia nghèo khó (trong số đó, có cả Việt Nam.) Có người đang nắm giữ vai trò chủ nhiệm, chủ bút của những tờ báo Việt ngữ, với tầm ảnh hưởng ra khỏi nước Mỹ. Có người đến từ Úc châu. Có người mới về từ Bắc Kinh, sau nhiều tháng nghiên cứu thị trường tại xứ sở nổi tiếng vì đông dân nhất thế giới. Có người là nhạc sĩ, tiếng tăm trải dài nhiều thế hệ…
    Nhưng, điều đáng nói, trên tất cả mọi danh tánh, hình tướng, chức vụ, địa vị, theo tôi, ở chỗ, họ là những người đã có với nhau một tình bạn, gần năm mươi năm. Một nửa thế kỷ.
    Nhưng, điều đáng nói, trên tất cả, năm nơi, chú rể Nguyễn Quang Minh, một người hùng của binh chủng Thiết Giáp, kẻ được báo chí saigòn, 1972, tước phong là “Tư Lệnh Đệ Thất Hạm Đội” trên chiến trường sông, nước miền Trung; cũng nhìn đám cưới của mình, như một cái cớ, cho những người bạn thuở niên thiếu, tìm về, nhận nhau. Và, cũng rất đáng nói, khi cô dâu Kim Liên, đã chia sẻ ngày vui một đời của mình, cho những người bạn chồng, đã xế chiều, tóc trắng. Và, cũng đáng nói, khi những nàng dâu Chu Văn An, Trần Lục, Nguyễn Trãi, những hương sắc một thời, những vàng son một thuở, cùng chia sẻ với chồng, với nhau, niềm hãnh diện (ngậm ngùi?); nỗi hân hoan (thất lạc,) trong “giờ ra chơi cuối cùng” của chồng mình.
    Với một phần ba tổng số bàn, được dành cho đám bạn thời niên thiếu của chú rể, (và,) những nàng dâu thảo của các mái trường cũ, nhiều lúc, tôi bỡ ngỡ, như lọt giữa một sân trường trung học, giờ ra chơi, hay, một góc sân vận động, giờ thể thao.
    Khắp nhà hàng vang, dội tiếng “mày, tao.” Khắp nhà hàng, vang, dội tiếng gọi nhau, tiếng cười ầm ấm, hô hố của những người được sống lại niên thiếu, hồn nhiên, cảm động, tới rưng rưng.
    Tôi thấy đâu đó, giữa lớp sóng đầu người, lao xao, gương mặt Nguyễn Quang Minh, rạng rỡ. Cái rạng rỡ ngời ngợi, của những cậu học trò…giờ ra chơi. Giờ ra chơi cuối cùng.
    Đâu đó, tôi thấy Ngọc Hoài Phương, chủ biên Hồn Việt, tạp chí đầu tiên (và,) lâu đời nhất của Việt tỵ nạn. Vẫn phong cách tay chơi hào hoa, ký giả trẻ tuổi nhất của làng báo Saigòn, những năm cuối thập niên 50, tác giả “Cõi Tạm” bắt tay người này, chụp ảnh với người kia. Ngọc Hoài Phương nhắc nhở kỷ niệm với Tài “Con,” về từ Saint Louis. tài “Con” khuôn mặt du đãng thời học sinh rất có hạng, nhưng khi về tới nhà, thì Tài “Con” lại là một cậu bé bụ…sữa, non choẹt…
    Đâu đó, giữa lớp sóng đầu người lao xao, tôi thấy một Nguyễn Hữu Hiệu, dịch giả “Bác Sĩ Zhivago,” đang nghiêng đầu nói chuyện với Phương Dung, người bạn đời hiện nay của Ngọc Hoài Phương, về hiện tượng mới nhất của nhân loại: chữa bệnh bằng tâm linh. Chữa bệnh bằng con đường truy tầm tiền kiếp, soi dấu trăm năm. Tôi không biết tác giả “Sự Tái Sinh Của Những Lạt Ma Tây Tạng”- Phương Dung, nói gì với họ Nguyễn. Chỉ biết họ Nguyễn rất hăng hái trình bày kiến thức, hiểu biết mới của anh với các bạn cũ, chung quanh.
    Đâu đó, giữa lớp sóng đầu người, lao xao, tôi thấy Phạm Duy Ánh, người cựu sĩ quan cấp tá, Lực Lượng Đặc Biệt, người tù binh, được thả về sau hơn 10 năm tù đầy, từ nam chí bắc, với đôi hàm răng…trống trơn, với một chiếc chân trở thành tật nguyền, (coi như cái giá phải trả của kẻ thua trận,) rất trẻ thơ khi năm tay Hùng “World Bank.”về từ Hoa Thịnh Đốn, cùng người bạn đời N.T. của anh. Lần đầu tiên, tôi thấy Hùng “World Bank” trút bỏ được cái cung cách chững chạc, đạo mạo của một chuyên viên Ngân Hàng Thế Giới thâm niên, hồn nhiên đùa vui với Dinh “Kèn,” tức Trần Trung Ginh. Bằng vào tài năng trời cho, Ginh đã kiếm ra tiền từ thời còn đi học bằng tiếng kèn đồng của mình, tại các vũ trường. Bây giờ, Ginh bỏ kèn, làm công việc: sưu tầm tin tức, địa chỉ của những anh em thời niên thiếu. Ginh trở thành “Ginh “Ông Trùm,” với vết sẹo cắt ngang môi, như một tay hảo hán thời hậu…Chiến Quốc.
    Đâu đó, giữa lớp sóng đầu người, lao xao, tôi thấy một Vũ Gi Mưu, Thợ Nhổ Răng, đang thảo luận một cách “gay go” với Định “Mục Sư,” với Nguyễn Huy Yên “Đỡ Đẻ.” Yên về từ Fresno, vẫn với nụ cười, giọng nói, điệu bộ…rụt rè, của một cậu học sinh ngoan từ mấy chục năm trước. Định “Mục Sư,” đến từ Nam Ca Li, là một Định từ tốn, đạo mạo, như giờ phút nào cũng là giờ phút Thánh Lễ.
    Đâu đó, giữa lớp sóng đầu người, lao xao, tôi thấy dáng ngồi võng xuống, với chiếc mũ nồi che hết phần trán mênh mông bác học, của Vũ Thành An. Tôi được nghe lại tiếng hát của Vũ, qua một số tình khúc của anh. Những tình khúc, được Vũ viết khi còn ngồi trên ghế, trung học đệ nhất cấp. Tác gỉa “Những Bài Không Tên” ân cần nắm tay Vũ Văn Năm, tức Năm Đen, Nguyễn Ngọc Chấn, tự Chân Cậu Trời, hay Chân “mã Tấu,” ngày xưa. (Ngày xưa) khi Chân bước vào giang hồ ở năm thứ ba trung học, Chân đã nổi tiếng là Chân “Mã tấu” khi Chân cùng với một đám giang hồ thứ thiệt, vác một chiếc mã tấu từ Saigòn, ra tận Nha Trang “tầm thù.” Tôi thấy An “Thầy Sáu” cười rất tươi với Phạm Tuấn Bách, còn được gọi là “Bách Trưởng Tộc,” khi Bách, Thuần tự “Thuần Mật Khu,” Định “Đầu Bạc,” Kiệm “Luật Sắt” đại diện “nhà trai,” đi hỏi vợ cho Minh…Dê.
    Tôi nghĩ Bách Trưởng Tộc là nickname mà, các bạn Bách mới đặt cho anh, sau khi anh “de đọa” họ nhà gái bằng một màn “trịnh trọng” đối đầu với nhà gái. Nếu nhà gái biết Phạm Tuấn Bách, đẹp trai, học giỏi nổi tiếng, đứng trước mặt họ, trong quá khứ, cũng là một tay du dãng lừng danh, thì chắc họ sẽ không dám…nhận sính lễ của Bách mang tới. Ngày xưa Bách Công Tử nổi tiếng…ít nói. Bởi vì, Bách Công Tử có một cách nói…khác. Tiếng “nói” khác của Bách là những trái đấm, những “lưỡi dao” ngọt ngào… Chính vì chọn nói chuyện với cuộc đời bằng một tiếng…nói khác, cho nên Bách “tái hồi” trường Y Khoa Saigòn, cũng có tái ba hồi, bốn bận…
    Tôi nghĩ Thuần “Mật Khu” là tên mà, Ngọc Hoài Phương đặt cho Thuần mới đây, sau
    khi biết chuyện Nha sĩ Nguyễn Đức Thuần, “rút quân” về khu khỉ ho cò gáy ở vùng núi San Fernando, mở phòng nhổ răng cho…Mễ Tây Cơ (và,) mọi da Đỏ…
    Đâu đó, giữa lớp sóng đầu người, lao xao, tôi thấy Trương Trọng Trác, tức nhiếp ảnh gia Tr3, tức Trọng Kim, chủ bút bán nguyệt san Ngày nay, Houston, ôm vai Bùi Vĩnh Hưng, H.O., tác giả của những bài thơ tình nhẹ nhàng, trên Hồn Việt. Điều trớ trêu, ở chỗ, Hưng bị chính những “đồng hương” bên vợ Hưng giam nhốt, hành hạ Hưng, một cách tận tình. Vì, vợ Hưng là dân…Củ Chi “Thành Đồng Đất Thép.” Cho nên Hưng được gọi là Hưng…Củ Chi (đôi khi hai chữ sau, còn được đọc ngược lại một cách rất thân yêu…)
    Khi được biết nickname mới của Hưng, Trương Trọng Trác thích lắm, bảo:
    “Như vậy tớ có bỏ ngang chuyến đi nguyên cứu thị trường ở Bắc Kinh cho tụi Mẽo, để về đây dự đám cưới thằng Minh, cũng không có chi ân hận…”
    “Ân hận cái…củ chi ấy,” Hưng Củ Chi nhăn nhó.
    “Nếu mày không có mặt ở đây hôm nay, mày đâu có gặp được thằng Chi…Bán Nước.
    Chi đây là Vũ Chi, nguyên gíao sư tốt nghiệp Lý Hóa ở Saigòn. Qua Mỹ từ năm 1975, “mất dậy,” (chữ của Chi,) trải qua nhiều nghề, cuối cùng, Chi chọn nghề bán…nước. Nhưng Chi không chịu cái nickname “bán nước” mà Hưng đặt cho. Chi tự nhận mình là “Chi Bán Nước…Mỹ.”
    Giữa lúc Thầy Chi ung dung, tự tại với cái “nickname” “Chi Bán…Nước…Mỹ,” trong giờ ra chơi cuối cùng,” có lại lần đầu tiên, sau hơn bốn chục năm, của những người đàn ông từng giữ những vai trò, những chức vụ trong quân đội, trong chính quyền miền Nam Việt Nam…, không biết tôi có lầm chăng, khi cảm tưởng, cái “đinh” trong đêm San Jose kia, là ông…già trán hói, răng rụng, di chuyển khó khăn (mà lại thích di chuyển) giữa sân cỏ niên thiếu này. Tôi muốn nhắc một lần nữa, Phạm Duy Ánh. Một lần nữa, người cựu TrungTá Lực Lượng Đặc Biệt, về từ Sydney.
    Tôi nghĩ, có dễ Ánh, chính Ánh mới là “tâm bão” của “giờ ra chơi cuối cùng” đó. Không mặc cảm (tự tôn cũng như tự ti,) không “show off,” không chứng tỏ, không lấy điểm với bất cứ người nào, Ánh mới chính là kẻ thực sự hưởng được tới lớp cặn lạt sạt của “ly chè đậu đen hạnh ngộ.”
    Tôi nghĩ, có dễ, Ánh mới chính là kẻ “enjoy” từng giây từng phút “giờ ra chơi của những cậu học trò 60 tuổi.” Ánh hân hoan móm mén với hàm răng “vắng vẻ” (mặc dù thời CVA, Ánh đã nổi tiếng là Ánh Vẩu, vì quá nhiều…răng.)
    Ánh “vẩu” cười văng… “coca” khi B.S. Văn Sơn Trường lên sân khấu, kể một câu chuyện liên quan tới tật bẩm sinh của cô dâu, chú rể, bằng vào thẩm quyền nghề nghiệp y khoa của của họ Văn. Ánh “Vẩu” cười rung….một bụng…phở, khi ôm Trần Quốc Bá, một trong những hạm trưởng của Hải Quân VNCH, cũ.
    Ánh “Vẩu” cười trơ…lợi, khi chọc Trung “Thượng cổ” tức nhiếp ảnh gia Huy Trung: Một tên “ngụy cực kỳ ngoan cố.” Nhưng sau 75, những “chủ nhân mới” của Saigòn, vẫn phải trao những giải thưởng nhiếp ảnh cao quý nhất cho Huy Trung, chỉ vì không thể phủ nhận tài chụp ảnh của Trung; nhất là những bức ảnh mang đầy tính chuyển động. Aûnh thao trường.
    Ánh “Vẩu” cười rung…những miểng đạn, mìn còn nằm sâu trong ngực, vai, chân, bụng, lưng, khi ôm Vũ Đắc Ánh… Khi Vũ Đắc Ánh đỏ mặt, nổi khùng, (nhiều lần, tôi những tưởng khó tránh một màn đánh nhau ngay giữa tiệc cưới,) chỉ vì Ngọc Hoài Phương và, Trương Trọng Trác khăng khăng, đề quyết Vũ Đắc Ánh là Ánh “Nhỏ,” mặc cho họ Vũ khô nước miếng “đính chính”:
    “Ánh Nhỏ là thằng Nguyễn Ánh, không phải tao. Thằng Ánh…Nhỏ không có mặt đêm nay ở đây.”
    (Chỉ một người có thẩm quyền xác định Ánh Vũ hay Ánh Nguyễn là Ánh…Nhỏ. Tiếc thay, người đó, tấu xảo làm sao, cũng không có mặt, là “Thầy cãi” Nguyễn Thế Toàn, một nhân vật “danh trấn giang hồ” trong vòng mười năm qua, với hỗn danh Toàn…Bò. Nghe đâu ông Thầy cãi này, kể từ ngày tỵ nạn tới Hoa Kỳ, để tỏ lòng nhớ nước non, ông ta chỉ…bò, chứ không…đi, cũng không…lết!)
    Nhưng trên tất cả, trong ghi nhận của tôi, lặng lẽ từ một góc phòng ở cái “giờ ra chơi cuối cùng,” của thế hệ Chu Văn An, Trần Lục, Nguyễn Trãi 1955-1961, là những giọt lệ long lanh, được giữ lại, được dấu đi một cách kín đáo, nơi đôi mắt Vũ Thành An, Phạm Tuấn Bách, Bùi Vĩnh Hưng, Nguyễn Đình Hùng, Huy Trung, Nguyễn Đức Thuần, Trương Trọng Trác, Nguyễn Ngọc Chấn, Ngọc Hoài Phương, vân vân…Và, nhất là trong đôi mắt đục, lầm năm tháng đìu hiu của Phạm Duy Ánh, cu li, bỏ báo dạo, trên đường phố Sydney, Úc châu, nắng, gió…
    Từ ghi nhận này, tôi chợt nghĩ tới những người nữ đang là những người bạn đời (cuối đời) của các bạn tôi, (những người có hay vắng mặt trong “giờ ra chơi cuối cùng” của những cậu học trò sáu mươi tuổi!)
    Từ ghi nhận này, tôi chợt nhớ tới những người nữ đã ra khỏi cuộc đời của các bạn tôi, (những người nữ chẳng những không có mặt; cũng không hề biết tới “giờ ra chơi” của những người đàn ông (mà,) họ từng có một thời yêu thương, một thời chung sống…) Tôi muốn nói với họ, đúng hơn, tôi muốn xin họ, (nếu tình cờ đọc được những giòng chữ này,) hãy thông cảm, hãy tha thứ cho các bạn thời niên thiếu của tôi. Thông cảm và, tha thứ cho họ những lỗi lầm, những hư hỏng, những tan hoang, những đổ vỡ, những máu xương bất hạnh (mà) họ (cũng như tôi,) đã từng giáng, trút xuống phần đời thiếu nữ, phần đời thanh xuân, một lần, của quý vị.
    Tôi tin, quý vị sẽ thông cảm, sẽ tha thứ cho những người bạn thời niên thiếu tôi, (luôn cả tôi,) nếu quý vị biết rằng, hôm nay, khi tất cả sắp hay, đã bước vào tuổi 60, nhưng họ vẫn còn là những những cậu học sinh trung học trong “giờ ra chơi cuối cùng” kỳ diệu.
    Sâu, xa trong họ, theo ghi nhận của tôi, vẫn là bản chất hồn nhiên, vô tư, trẻ thơ tới tội nghiệp.
    Sâu, xa trong họ, theo ghi nhận của tôi, thủy chung, họ vẫn chỉ là những đứa trẻ con. Những “đứa trẻ con” kia, sẽ theo họ tới phút cuối, đời họ. Tôi biết chắc, điều đó!
    Bởi vì, trước khi chia tay, họ còn hân hoan, vô tư đến đau lòng, khi hò hẹn:
    “Sẽ gặp lại nhau, 44 năm nữa…!”


    Đời ta



    Chắc chị Giao sẽ thất vọng không ít với chuyến trở về lần này của tôi. Những việc chị dặn dò tôi không làm được một phần ba. Tổng kết thiện chí tối đa trong bấy nhiêu ngày trở về phố cũ, ngoài hai xấp hàng và đôi giầy đặt theo mẫu chân đo sẵn, tôi không làm thêm được một việc nào khác cho chị, đúng hơn những việc còn lại, chất cao như núi kia, cũng có loé lên đôi lần trong trí nhớ mù mờ của tôi. Tôi không muốn đổ lỗi cho chàng. Bởi với tôi, thời gian được gần gũi bên chàng, như thế vẫn là chưa đủ, dù sự thực nó đã quá mức, nó đã quá đáng trong mắt nhìn thấy rõ của mẹ tôi, những buổi tối ngồi chờ tôi trở về, những khuya khuoắt khi ba tôi rời chiếc xe lăn của ông để nằm vào chỗ nằm bao năm khô cứng và lạnh lẽo như ba mặt ván khô của một chiếc quan tái không nắp. Một lần nào đó, khi tôi chưa lìa khỏi chiếc bàn ăn âm thầm với người mẹ lặng lẽ chiu chắt từng bữa, với người anh lạnh lùng cùng những nếp nhăn như những sợi dây thung chùng giãn, dán sâu trên vầng trán tối, và người chị dâu nín giữ nụ cười mình, để quên đi tuổi thanh xuân vừa chớm, ba tôi bảo, khi tôi leo hết những bậc thang gác chênh vênh, lên chỗ người ngồi, bên một cửa sổ nhỏ, để đỡ người vào giường nằm :
    Con để ba ở đây thêm chút nữa. Ba sợ lắm, chỗ nằm của ba. (Ông nói và nhìn vào chiếc giường nệm võng cuống, in dấu một hình thù nào đó, không phải là hình người). Con có thấy trời đêm nay nhiều sao ? Ba chỉ nhìn được có một vì sao mà thôi. Sao hôm đó con. Bao giờ cũng thế, sao hôm. Sao hôm. (Ông lập lại hai chữ này với cái giọng khác thường. Cái giọng nghe thoáng như một hơi thở yếu, hắt ra từ một lồng ngực lép). Tôi rùng mình lùi lại, dựa lưng nơi vách ván, dìm sâu mặt mình trong khoảng tối sệt đặc sau lưng ông. Hình như cùng lúc, ở trong tôi, dấy lên những cảm giác và ý nghĩ mâu thuẫn. Tôi chợt thấy thương ông như thể sau câu nói thều thào kia, chắc chẳng bao giờ ông còn nói nữa. Ông đã tắt thở và tôi là người cuối cùng, được nghe cái giọng nói (không phải) của ông – giọng nói của một kẻ xa lạ. Chính cái cảm giác này, đã đưa tới những gai ốc trên hai cánh tay và dọc theo sống lưng. Tôi đưa tay bưng lấy ngực mình. Hình như tôi tin tưởng cử chỉ này sẽ giữ tôi đứng vững hơn và sẽ giúp tôi nhìn tấm lưng của kẻ lạ mặt chính là ba tôi. Chính là người đã nuôi tôi từ những ngày còn trong bào thai. Chính là người mỗi buổi sáng đã ôm cặp bước ra khỏi nhà, để nuôi cả gia đình, và tôi là người đang tiếp tục công việc còm cõi ấy. Tôi không muốn đổ lỗi cho chàng, mặc dù chàng là cái cớ hay nhất và đáng nêu nhất, như những người con gái khác thường viện dẫn, để đánh lừa, để gìn giữ một cách không thực, một cách mong manh, giả dối với chính lòng mình. Không. Tôi nhìn nhận, tôi đã đi chơi với chàng. Tôi đã trở lại những con đường của bao năm trước đây. Tôi đã hít thở cái lượng không khí của những năm tháng cũ. Những năm tháng chưa có hình bóng chàng trong đời tôi.
    Những năm tháng tâm hồn tôi còn như một dải khói, trí óc tôi còn chỗ cho những mơ mộng như cỏ xanh vươn lên sau một trận mưa tơi tả. Bây giờ tôi trở lại trên những con đường đó, dưới những tàng cây và hít thở cái lượng không khí đó. Tâm hồn tôi đã không còn là một dải khói. Trí óc tôi đã không còn là nơi ươm giữ những mơ mộng của một thời trẻ dại, mà tâm hồn tôi đã trở thành nơi cất giấu những nồng nàn, những đam mê, những run rẩy, sáng lên từ đôi mắt chàng đăm đăm, từ cánh tay chàng buồn bã (và thô bạo). Tôi không muốn đổ lỗi cho chàng bởi quả thực, chính tôi, mới là người hưởng được từ chàng những gì mà tự tôi, không thể có. Vậy thì có lý gì, tôi lại đổ lỗi cho chàng khi chính tôi đã nâng những ngón tay chàng thơm khét mùi thuốc lá lên môi hôn. Có lý gì, khi chính tôi, đã ngả đầu vào ngực chàng và thở mùi thịt da chàng ngái ngái. Có lý gì khi được chàng ghì siết, tôi đã tan đi (để trở thành một tôi), thênh thang bát ngát, một tôi như trăm nghìn con sóng lớn, một tôi như bát ngát chân mây. Có lý gì, khi chàng cúi hôn, đôi mắt tôi nhắm lại, hơi thở chàng nồng nồng, và những tế bào như nở ra, như lớn phồng lên để chứa đựng cho căng hết thể tích có được ? Cái rung động ngây ngất, cái cảm xúc như dao nhọn, cắt vạch từng đường máu chảy, trên cùng khắp thân thể. Có lý gì, như tôi đang ngồi với chàng trong ngôi quán này. Buổi chiều bị những lưới sắt nặng cắt thành từng miếng vuông, với những sợi nắng còn đọng lại ở bên kia đường và trong những sợi tóc tôi đang bị những ngón tay chàng lấy đi khỏi đôi môi. Cũng những ngón tay đó, chàng vuốt lần từ vai xuống tới những đầu ngón tay. Toàn thân tôi run rẩy.
    Chàng nói :
    – Nhỏ, đang nghĩ tới ngày đi ?
    – Em không thích anh nhắc tới chuyện đó.
    Chàng cười, đốt điếu thuốc mới :
    – Không thích bởi đó là điều trước sau gì cũng phải tới.
    – Hay nó không bao giờ tới.
    Tôi trả lời chàng và nhớ tới đêm nói chuyện với anh Long. Anh không muốn tôi xa gia đình thêm. Anh muốn tôi bỏ tất cả công việc để trở về. Anh nói mẹ đã già, ba sống chết ngày nào không biế.
    Em nên về, và tiếp tục học lại.
    Tôi còn nhỏ để đi học lại, nhưng đời sống đã cho tôi những cái nhìn không còn thích hợp với giảng đường, với giáo sư, với bằng hữu. Tôi hỏi chàng phải chăng như vậy. Chàng bảo “Nhỏ không còn thích hợp với bất cứ một việc làm nào, ngoại trừ việc yêu anh”.
    Chàng cười nhìn sâu vào mắt tôi :
    – Dù sao thì em cũng nên thu xếp những công việc còn đang dở dang. Em ở lại thành phố này hay ra đi để sống lại những ngày tháng đã qua, với anh, ở đâu cũng được. Ở đâu, em cũng vẫn là em. Là nhỏ. Nhỏ của anh. Láu lỉnh thơ ngây và tuyệt diệu.
    Tôi nép vào người chàng và giữ lấy bàn tay chàng trong đôi tay mình chan chứa. Tôi không biết phải nói gì, để chàng hiểu tôi đang sung sướng. Tôi đang xúc động. Mỗi khi sung sướng, mỗi khi những xúc động chợt vẩn lên như vậy, thường tôi không nói được. Hình như ở trong tôi lúc đó tất cả đều nhẹ đi, đều loãng ra, để chỉ thấy một điều, quả thực tôi còn nhỏ. Tôi còn nhỏ lắm. Tôi chưa qua tuổi trưởng thành để phải bước vào đời sống. Tôi cũng chưa qua cái tuổi đủ, để có thế tự mình, đứng như cây. Tự mình, đứng như núi. Tôi vẫn còn cần một mái nhà để trở về. Tôi vẫn còn cần một bàn tay chăm sóc và hơn thế, tôi mới khám phá thấy (gần đây thôi, từ ngày gặp chàng) tôi cần, một ánh mắt, một ánh mắt như ánh sáng của sao hôm (trong đời sống những ngày tuổi già bệnh hoạn của ba tôi) để nương vào đó, tôi bước đi, những ngày gió lớn. Để nương vào đó, tôi bước đi, những đêm dông lên. Tôi cần, phải tôi cần, một cái gì khác hơn những thứ mà mẹ tôi có thể cho, anh chị tôi có thể chia sẻ. Nhưng bản chất tôi, vốn là bản chất của phiến đá, nếu có thể ví von như vậy. Tôi là một cái gì đã thành khối, đã kết tụ, và tự đó, bao nhiêu va chạm, bao nhiêu xô đẩy trên tôi chỉ là những giọt nước xối trên một mặt gương dốc. Cho tới khi tôi gặp được chàng. Có người sẽ cho là tôi lãng mạn, hay bị nhiễm độc bởi tiểu thuyết, nếu tôi ví sự gặp gỡ chàng, ở tôi, như giọt lệ của nàng Mỵ Nương nhỏ xuống chén trà trên chính tay nàng, và hình ảnh não nùng khổ lụy của anh Trương Chi lúc đó mới tan đi. Nhưng có một điểm khác biệt, tôi nghĩ, cũng nên nói ngay rằng ở một mặt nào đó, âm thầm, của mặc cảm và tiềm thức, tôi đã tự ví mình như một thứ Tương Chi. Cái vết chàm trên trán, ở một góc khuất, ở một chỗ tôi có thể kéo cho những sợi tóc che đi, chính là cái nguyên đã nung náu trong tôi cái ý nghĩ chua chát ấy. Tôi muốn trả lời chàng tôi bắt đầu cảm thấy ghê tởm thành phố đó. Cái thành phố của ác ý, những độc địa tin đồn. Cái thành phố, không dĩ vãng. Cái thành phố của những gì tạm bợ nhất và trâng tráo nhất. Nhưng rồi tôi lại chỉ có thể nói được một câu ngắn ngủi :
    – Em sợ. Trở lại.
    – Ai cũng sợ những trở lại, và ai cũng mơ ước trở lại.
    – Đó không phải là chỗ của em. Chỗ của mơ ước.
    – Sự thực, chẳng bao giờ chúng ta có chỗ. Chúng ta chỉ có một nơi chốn, hiểu theo nghĩa nào đấy mà mình tự lựa chọn lấy.
    – Là trái tim của tình yêu ?
    Chàng gật đầu buồn bã :
    – Và những kỷ niệm.
    …. Hình như anh hay nói với em về những kỷ niệm, những ngày thơ ấu bần hàn trong một quá khứ rách rưới, Hình như anh ưa nhìn sâu, thật sâu nơi mắt em. Ôi đôi mắt chim. Đôi mắt mà ai đó, viết :
    đó là nơi người ta có thể tìm thấy những bóng chim mỏi cánh giang hồ đậu lại. Và ngủ yên. Rất ngoan. Hình như anh đã yêu em, anh đã yêu em từ phút giây đầu tiên của gặp gỡ thứ nhất. Hình như, anh cũng đã nói với em, ở đâu đó, trong một góc xó tối tăm nào, dưới một tàng cây, ở một hè đường, trên một bệ đá, anh yêu em. Anh yêu em. Hỡi nhỏ. Em không thể hiểu được tình yêu của anh, nếu em chưa hiểu cái nghĩa của núi thì nghìn năm cô đơn, và ngựa thì một đời bương bả. Em không thể hiểu được tình yêu của anh, nếu em chưa hiểu điều đáng nói không phải là tình yêu thứ nhất, mà chính là cuối cùng. Một kiếp, tình yêu có còn đấy ? Hình như, phải hình như, anh đã ôm em và hôn em lần đầu, khi chúng ta chọn góc tối của một quán vắng, và giữa bóng đêm, giữa tiếng nhạc bập bùng của một ngày cuối năm, của một ngày vừa bước qua đời em, một tuổi khác. Và em, những giọt lệ vu vơ đã ứa chảy. Và anh, bàn tay nám khô đã xòe ra cho chính mắt nhìn mình, ngó xuống. Hình như anh đã muốn quỳ xuống dưới chân em, như một con chiên trước một thiên thần thánh thiện. Và em, đã mắt mở lớn nhìn buồn, đã tóc mềm trên môi, níu giữ anh, như níu giữ một sợi khói mong manh, nhẹ hẫng. Hình như anh đã nói với em, nhiều lần về một tương lai tơi tả đang đợi chờ em ở cuối đường đắm đuối, và em đã trả lời :
    Em biết. Và em đã gật đầu, lặng lẽ quay đi. Hình như anh đã hôn em lâu nhất, một lần, khi chúng ta ngả lưng ở giữa chừng con đường dần lên đỉnh trời, mà biển xanh thì dưới thấp. Khi anh buông em, em lặng chết như một tàu lá non vừa lìa cành, thiếp đi khi bão tạnh. Hình như dĩ vãng em đã mở ra trong anh, cùng những nhọc nhằn, những u uẩn tưởng sẽ theo em âm thầm về thế giới bên kia của sự nín thinh bằn bặt. Và đêm đó, phải không, em đã khóc. Em khóc thật ngon, trong tay anh, và trái tim em thì lại đập quá nhịp. Hơi thở em nghẹn lại và ngực em nóng ran những hơi thở không thoát được. Em hiểu gì, hỡi nhỏ ? Hỡi nhỏ dấu yêu kia. Em hiểu gì khi toàn thân anh run lên và hàm răng nghiến lại. Đó là lúc anh cắm sâu trên da thịt em thơm mùi trinh nữ, những vết hằn của những chiếc răng chứa đầy dục vọng. Em hiểu gì khi anh đưa em về, chị Giao đứng chờ em sau tấm màn lay động. Anh nâng cằm em lên và nụ hôn được gửi tới. Nụ hôn được gửi tới vết chàm trong một góc nhỏ của vuông trán em, bập bùng sầu tủi. Em xuống xe và những bước chân run chạy đau, nhầu trên nền sương đất đỏ. Em biến nhanh. Biến đi thật nhanh trong bóng tối, như một nàng tiên không có thật.
    Như người con gái anh chỉ gặp trong giấc mơ lẻ loi giữa gối chăn anh về sáng. Em dấu yêu. Em dấu yêu ngàn đời, hỡi nhỏ. Hỡi nhỏ của lòng anh anh điên rồ và tham lam, ích kỷ.
    Lạy Chúa chúng tôi yêu nhau và không cần có ngài chứng giám.
    Chuyến xe đem chúng tôi vào khu vực của những người xa lạ từ tiếng nói tới nếp sống. Phải nói là tôi biết trước nơi đến nhưng tôi im lặng và chỉ giữ trong tay mình, những ngón tay chàng yên lặng. Sự trở lại, thêm một lần, không đủ cho tôi cái cảm giác quen thuộc và bớt hoảng hốt. Tuy nhiên, vì yêu chàng, vì đã tự nguyện hiến đời mình cho chàng, đúng như những ý niệm dứt khoát của tôi về tình yêu, về người-một- đời, nên tôi cố tạo cho mình một bề ngoài cứng cỏi, lạnh lùng, sau khi nói với chàng một câu ngắn, một câu mà tôi biết trước chàng sẽ chỉ đáp lại bằng cái nhìn đăm đăm, xoáy buốt :
    – Anh….
    Một chữ, tôi không hiểu, đã đủ chưa ? Đủ không ? Diễn tả tâm trạng cũng như tình yêu và lòng tin cậy phó thác nơi chàng. Lần này, chàng đáp lại, cũng chỉ bằng một tiếng thốt kêu se sẽ, tiếng chiêu dụ mơ hồ của loài chim cánh lớn.
    – Nhỏ.
    Căn phòng mở ra, tôi lao chao trước khi ngã xuống. Chàng vẫn thô bạo và tham lam với một trận mưa hôn trên khắp thân thể tôi. Hình như, tôi đã thành một con sâu kèn. Một con sâu kèn. Tôi cuốn gọn mình lại, trong chiếc kén chàng, nóng hổi và nháp cứng. Thời gian đã không còn là một ý niệm, vì nó đã ngưng đọng. Nó đọng lại ở một góc của căn phòng, ở nơi ngọn đèn tím trên vách tường vôi sần, ở tấm màn nhung thả xuôi óng ả màu huyết dụ, cách ngăn với bầu trời phía ngoài và những tiếng động ồn ào ở dưới thấp. Thời gian chảy trũng xuống hố thẳm của cảm xúc thênh thang lửa ngọn. Lát sau, chàng buông tôi ra, để loay hoay tìm đôi mắt. Tôi giấu mặt mình vào ngực chàng. Tôi bẽn lẽn và xấu hổ trong tình yêu, trong những ve vuốt xúc động. Tôi xấu hổ với những bốc cháy rực rỡ tự nhiên, bừng bừng trên từng tấc thịt da đẫm đẫm mùi thuốc lá và mùi hơi của chàng. Tôi xấu hổ nhưng tôi nhìn nhận nó.
    Tôi nói:
    – Đừng nhìn em.
    Chàng hỏi:
    – Tại sao ?
    – Không biết. Nhưng anh đừng nhìn. Em không cho anh nhìn đâu.
    Tôi nói qua lớp vải mang mùi mồ hôi chàng. Hình như chàng cười, và ngửa mặt lên trần thả những hơi thuốc đã bắt đầu dễ chịu với tôi.
    Chàng bảo:
    – Em biết tại sao anh yêu em ?
    Tôi dụi dụi mặt mình vào cạ nh sư ơờ n chà ng, thay cho cái lắc đầu.
    – Tại em trẻ con. Em trẻ con, em thơ ngây và khờ dại. Đôi khi anh nghi ngờ ngay cả em, có thực ?
    Ngay cả tình yêu chúng ta, có thực ? Có thực không, chúng ta đang nằm với nhau ở đây ?
    Tôi hỏi tại sao chàng lại có thể nghi ngờ cái mà lẽ ra chàng phải thấy không thể thực hơn. Phải, không thể thực hơn, khi tay anh lần mò trên mặt em, khi môi anh lướt lần trên người em. Khi những ngón tay anh kẹp lại, kéo dài cái mũi nhọn của em. Cái mũi mà anh vẫn gọi đùa là của ông De Gaulle. Cái mũi của Cléopâtre, nếu có đẹp chắc cũng chỉ đến thế là cùng.
    Chàng đáp:
    – Tại vì em tuyệt vời quá. Em gày gò, em ốm yếu. Em mong manh khiến anh luôn lo sợ, như lo sợ một cái gì đã rạn nứt….
    Tôi giảm bớt trang nghiêm và nén xuống phần nào ngọn sóng cảm xúc vừa dềnh lên sau câu nói của chàng:
    – Hóa ra em tuyệt vời chỉ vì em là đại diện của hãng tăm tre…. ? Và đẩy lý luận tiếp thêm một bước nữa, thì những người đại diện cho hãng tăm tre là những ngưòi tuyệt vời nhất nước ?
    Chàng cười thành tiếng, tát liên tiếp mấy cái trên má tôi:
    – Nhỏ. Lém vừa chứ.
    Tôi cãi:
    – Bộ không đúng như lời anh nói sao ? Ơ….
    Những trái xanh hạnh phúc rớt xuống cuộc tình chúng tôi như những hạt mưa liên tiếp. Những hạt mưa thật lớn của những cơn mưa rào, không dứt. Vậy mà không hiểu sao tôi lại sợ hãi hơn cả : những giây phút một đời đó !
    Tôi bắt đầu kể cho chàng nghe những gì đến với tôi, từ khi gặp chàng. Những gì trong lớp học, những gì trong gia đình và những quen biết với cả hai đứa. Tôi không có ý để chàng thấy cái mặt thật ẩn sau những chiếc mặt nạ tốt đẹp là tình thân, là tình bằng hữu (đáng quý theo chàng) nơi những người bạn của chàng. Những người mà có lẽ tôi gần họ, tôi va chạm với họ hàng ngày, nhiều hơn chàng. Tôi đã cố tránh và giấu giữ được nhiều lần, những chuyện đó. Vậy mà, giờ đây, tôi đã kể. Tuy nhiên, tôi lại thấy mình đáng được giảm khinh phần nào vì tôi vẫn còn giữ lại được một điều, một điều đau lòng, một điều khó nói…. Chẳng bao giờ nên nói, phải không anh cái điều ấy. Và nhỏ nghĩ, chính anh, anh cũng không muốn nghe lại dù là sự thực. Một sự thực như máu đang rào rạt cuốn trôi tình yêu anh nồng nàn ngược xuôi trong tim em. Một sự thực nếu được lập lại, cái chua xót sẽ khủng khiếp cả trăm lần hơn, ở em. Đó là đời sống của anh với những bủa vây, những vòng dây trói siết. Những điều đó, không phải em không biết. Không. Em biết từ những ngày chúng ta chưa yêu nhau. Em biết từ những ngày em còn một mình tóc ngậm ngang môi, hiu hắt giữa những hàng ghế của giảng đường. Khi mà tâm hồn em còn thơm mùi sách vở, còn mát buồn guốc gỗ đôi chân. Nhưng người ta, phải người ta, cái đám đông có mặt mũi, có đầu óc, chứa đựng những mũi tên tẩm độc đã không ngớt bắn vào tâm hồn em, những lượng thuốc giết người, những mũi dao nhỏ nhen, hèn hạ. Nhưng cái đám đông kia, những con mắt đó, những hình thù thú vật nọ, đâu có biết, chính những bất toàn, chính những đe dọa chập chờn, những hứa hẹn tương lai thảm thiết, những đường gươm định mệnh chờn vờn trên đầu cuộc tình chúng ta, trên chính ý nghĩa tận cùng và duy nhất của đời sống em, đã làm em, thấy thiết tha hơn, đời sống mình. Thấy cao cả hơn, tình yêu của em, thấy hùng vĩ hơn đời sống và tâm hồn em nguy nga. Dù cái hùng vĩ đó có là một hùng vĩ hắt lại từ một mặt khác của điêu tàn. Dù cái nguy nga đó, có là một nguy nga hắt lại từ một mặt khác của tối tăm, tơi tả. Nhưng em chấp nhận, như em đã chấp nhận đời sống này. Chấp nhận đám đông, chấp nhận định mệnh (dù thế nào) khi em bước những bước chân đầu tiên rời xa khỏi vòng tay che chở rào đón của mẹ. Họ, cái đám đông hèn hạ, cái đám đông có hình thù, biết đâu rằng, em quan niệm, thà sống được một phút với ước mơ mình đã tưởng, thà hưởng được một giây đời sống mình đã ước, còn hơn sống một đời, sống cả kiếp nhạt tẻ, còn hơn ôm trong tay, cả đời một hình thù mà mình không chút cảm kính, yêu thương và đắm ngất. Tình yêu hiểu theo một nghĩa nào, phải là dông bão bất ngờ từ trời cao trút xuống.
    Tình yêu, cơn địa chấn giật sập, bóp vụn thành từng mảnh nhỏ những kiên cố nghìn năm. Tình yêu không là một van xin, một nài nỉ. Tôi nghĩ thế. Và tôi yêu chàng, và tôi, trong tình yêu chàng như một chiếc lá bị xoáy vào giữa tâm bão. Tôi không đắn đo, không so kè, chẳng tính toán. Tôi yêu chính tình yêu (đau xót ?) của tôi. Có lẽ thế. Có lẽ đó là cái lý do giải thích được tại sao tôi chọn chàng để yêu trong một nhìn trước, bi đát. Trong một nhìn trước, tang thương. Đám đông kia hỡi, đã hiểu gì ? Mai kia, có thể chàng sẽ bỏ tôi, và một kẻ trong đám đông có thể vẫn còn mơ ước được có tôi làm vợ. Ôi thảm hại thay kẻ nào đấy! Tôi kể cho chàng nghe những buổi sáng sau cuộc chia tay, một mình lủi thủi tới trường.
    Những buổi trưa trở về trên những con đường dấu xe còn nguyên vẹn. Những buổi tối nằm giấu mặt vào chiếc gối lạnh và tưởng tới mùi hơi chàng thoang thoảng. Tôi nói với chàng miên man, đủ chuyện. Tôi đem cả chuyện chị gì đó, anh gì đó, những người mà chàng không hề biết mặt, kể với chàng như thể chàng cũng đã từng tham dự ít nhiều vào đời sống họ. Tôi nói nhiều, tôi cố gắng và tìm mọi cách nói không dứt, như để khỏa lấp xúc động đang ứ nghẹn ngực thở. Chàng lắng nghe với một tai và óc thì nghĩ tới những gì, đâu đâu. Một chốn nào ? Một cõi mù tăm nào ? Mà tôi, không có đó. Tôi nhận thấy chàng thường có những lúc xa vắng cách biệt hoàn toàn như vậy. Dĩ vãng và kỷ niêệ m của chàng như rừng.
    Trong khi tôi chỉ là một con sóc nhỏ. Những cố gắng của tôi chỉ đủ để khám phá từng nhánh cây, trong khu vực nhỏ trong cánh rừng đời sống chàng thênh thang. Tôi không một chút ghen tỵ với phần chiếm giữ khiêm nhường có được trong mênh mông đời chàng, tít tắp. Tôi bằng lòng với hiện tại, chàng ở bên tôi và tôi ở trong chàng. Tôi bằng lòng với những phút giây chàng nhìn ngắm tôi như một báu vật. Một báu vật linh thiêng và kỳ diệu. Phải chăng chàng đã làm tôi lớn lên và nhỏ lại, cùng lúc, trong những tia nhìn, những vòng tay, những nụ hôn tán bạo, và…. quá lắm.
    Tất nhiên dù tôi có miên man với những chuyện kể của mình tới đâu, cuối cùng rồi cũng phải ngừng lại. Cuối cùng, tôi phải im lặng để lắng nghe trở lại (cái mà mình muốn trốn chạy) những xúc động lần đầu, những thắp sáng có một, chưa hai, nơi con người, nơi những miền bí mật trong tôi. Lẫn với cảm xúc quặn thắt là những đau đớn xé nát thịt da, thấu tới xương, đụng tới tủy. Tôi kêu lên những tiếng kêu xa lạ chưa hề. Tôi cố cắn răng nhưng những giọt nước mắt đau đớn vẫn ào ạt tuôn. Chàng ghì lấy tôi, trong cơn mê và trong xót xa yêu dấu. Chàng giấu mặt trên ngực tôi. Chàng giấu mặt vào những lọn tóc tôi lòa xòa đẫm mồ hôi cùng nước mắt. Có lẽ chàng không đành lòng nhìn tôi đầm đìa của cảm xúc và lòng tin yêu tuyệt đối. Có lẽ chàng không chịu đựng nổi những giọt nước mắt lăn đi từ đôi mắt tôi mở lớn kinh hoàng. Có lẽ chàng chỉ có thể trả lời những tiếng gọi (như tiếng dội lại của những hạt mưa trên thềm nhà) anh…. anh…. anh…. bằng những đáp ứng cũng mơ hồ xa ngái:
    Nhỏ…. anh đây…. Nhỏ…. anh đây….
    Những đau đón trào bật, như những phún xuất thạch tràn từ một miệng núi lửa hung dữ nhưng mau nguội. Tôi giữ ghì lấy chàng và ngưng bặt tiến khóc. Mắt tôi mở trong cạnh sườn chàng tối và ẩm mùi hơi bịn rịn. Chàng ve vuốt phần lưng trần tôi bỏ ngoài ánh sáng. Bàn tay chàng như kéo theo một tình nghĩa nào, mới mẻ, mới hơn cả tình yêu, đi khắp thân thể tôi. Hình như cả hai đứa cùng mưng mưng trong một thứ buồn phiền thân mật và tin cậy. Tôi thiếp đi trên cánh tay chàng. Lúc tỉnh dậy, trời đã sẫm tối, tôi thấy chàng đăm đăm nhìn tôi với một bàn tay cời cời những sợi tóc trên trán. Tôi lại giấu mặt mình váo ngực chàng. Tôi muốn nói :
    Em sung sướng, em hạnh phúc, dù anh làm em đau đớn và sợ hãi.
    Không biết anh có nên nói với em dù thế nào thì chúng ta cũng chẳng thể xa nhau. Dù thế nào thì cuộc đời cũng đã gắn liền ta với nhau, như một khối, thuần nhất và thuần chất. Không biết anh có nên nói với em, cái lo sợ kia, cái hoảng hốt nọ, khi em nghĩ anh chẳng thể suốt đời ở bên em, chỉ là cái lo sợ viển vông, cái mặt váng bên trên của một dòng nước siết. Có bao giờ anh nghĩ anh sẽ xa em ! Có bao giờ anh nghĩ, em không còn là của anh, và một ngày kia, chúng ta sẽ nhìn nhau như một người lạ mặt. Chẳng bao giờ. Chẳng bao giờ có thế. Hỡi nhỏ, hỡi nhỏ dấu yêu của lòng anh đắm đuối. Anh có thể đánh lừa những khôn ngoan lanh lợi của kẻ khác. Anh có thể thích thú trong trò chơi đấu trí với tất cả ý nghĩa đầu tiên của cuộc chơi là mưu mô, là thủ đoạn. Nhưng với em, ôi nhỏ của lòng anh già cỗi, anh không thể đánh lừa em, đánh lừa kẻ đã phó thác đời mình cho anh, ngay từ tia nhìn thứ nhất,.
    Anh không thể gian dối với em, bởi vì em không thể tuyệt vời, thơ ngây và tin cậy nơi anh, hơn bất cứ một người yêu nào có thể tin nơi một người khác. Anh cần và anh cảm động. Anh nâng niu và anh thấy ngay từ phút giây đầu, cái thiêng liêng lẫm liệt của một tin cậy phó thác ấy. Suốt đời anh chỉ ước mơ, một lần, được có thế. Và có lẽ cả một đời người đàn ông, cũng chỉ mong một lần có được thế. Em hiểu không hỡi nhỏ, một lần được có trong tay, một bé nhỏ, như một báu vật, như một tượng trưng cụ thể của lòng tin tưởng tuyệt đối và một phó mặc tiêu biểu cho một đam mê đẫm ngất nhất. Em đã cho anh những giây phút nhớ lại, những hãnh diện với chính bản năng giống đực của mình :
    Anh cao cả và uy nghi. Anh hạnh phúc tột cùng và tan đi tận kiếp.
    Em yêu dấu, không biết anh có cần phải nhắc lại ở đây với em, một lần nữa, chẳng bao giờ anh nghĩ đời anh với những phút giây đứng bóng trưa này, lại được gặp em, lại được nâng niu và cất giữ em trong tay, cho riêng mình, như cất giữ em và dấu yêu chính đời mình bao năm tìm kiếm. Giữa những ảnh ảo của một đời anh tối tăm, anh không dám quả quyết tình yêu kia, em dấu yêu đó, có thực. Hay cuối cùng cũng chỉ là hư tưởng! Có lẽ tại đời anh thê thảm quá. Đời anh những ngày mới lớn, những ngày niên thiếu bơ vơ, chạy suốt một đường dài không tìm lấy được cho mình lấy một bóng mát. Anh khô nẻ, anh cỗi cằn, như củi. Và khi yêu em, phải thế chăng, anh yếu đuối và hơn ghen như trẻ nhỏ. Đã giữ em trong tay, đã giấu em trong lòng, đã giam nhốt em một đời trong chiếm đoạt tận cùng, mà vẫn còn âu lo một ngày bão bùng chim kia vỗ cánh. Anh làm sao yên lòng, khi xa em. Anh làm sao không thảng thốt, sau những giấc mơ hung dữ. Em ở đâu, hỡi nhỏ. Nhỏ dấu yêu, nhỏ tuyệt vời và luôn luôn thấy ghét. Hãy nhìn anh, hãy nhìn nữa đi, sâu thấu vào đôi mắt anh. Đôi mắt anh buồn quá, phải không em. Hãy trả lời anh, hãy trả lời câu hỏi thừa thãi, câu hỏi không cần thiết giữa chúng ta :
    Em yêu anh ? Em yêu anh ? Anh hỏi em cả trăm lần và cả trăm lần em chỉ nhìn anh, bằng đôi mắt chim sáng long lanh một trời ngọc thạch. Và em im lặng. Và em nhắm mắt đem đôi môi mình vói lên khuôn mặt anh cũng dần dần khép lại.
    Lạy Chúa, chúng tôi yêu nhau trong bão bùng của một tương lai khổ lụy chập trùng. Nhưng ở đây vẫn là một lời nguyện cầu, không cần ngài chứng giám.
    Dòng sông thăm thẳm như tâm hồn chàng. Và những đợt sóng lăn tăn, là những giao động thường xuyên của tâm hồn tôi trên mặt nổi của tình yêu u kín đó. Hầu như chàng không ăn mà chỉ nhìn tôi qua làn khói. Tôi biết chàng chăm chú nhìn, nhưng vẫn líu lo nói, và ríu rít ăn, để chàng mãn nguyện với ý thích được ngồi nhìn tôi ăn. Món ăn không đem tới vị giác tôi một cảm giác nào, bởi tất cả đã trở thành chàng. Tất cả đã trở thành tình yêu của hai đứa, và tôi ăn, tôi nhai chính tình yêu của chúng tôi, chính cái âu yếm và nồng nàn chàng đã phà thở vào đó. Chàng kể tôi nghe chàng thường tới chỗ ngồi này, những ngày xưa với một người đàn bà. Tôi nhớ rõ tên người đàn bà đó. Nhưng có lẽ tôi cũng chẳng nên kể tên người đó ra làm chi. Tôi chỉ muốn nói khi nghe chuyện này, tui đã nghe với tất cả thích thú và sung sướng. Cái sung sướng của cảm tưởng đã là vợ chàng và chàng không còn gì để phải giấu giếm, để phải che đậy hay chối quanh. Tôi bằng lòng với sự thành thực chan chứa tình nghĩa vợ chồng đó. Tôi mỉm cười với những mẫu chuyện nho nhỏ chàng thuật lại giữa hai người. Hình như giây phút ấy, tôi không còn là trẻ con nữa (mặc dù chàng vẫn không quên gọi tôi bằng nhỏ) tôi đã là một người khác. Một người lớn ít ra là trong tình yêu của chàng. Có thể vì thế mà tôi không một chút hờn ghen, khó chịu. Tôi thích thú và hài lòng một cách rất thiệt thà. Tôi còn muốn nghe chàng nói nhiều hơn thế. Về người đàn bà đó. Tôi còn muốn nghe chàng nói nhiều hơn nữa về những người khác. Và tôi nghĩ, tôi còn là một người bạn, một người bạn nhỏ, tri kỷ (phải không anh) của chàng. Tôi hỏi:
    – Sao anh không tới với em những ngày em còn trên ghế nhà trường ?
    Chàng đáp:
    – Làm sao tới được với em khi anh đã lớn và em thì còn mặc quần…. xẻ đũng.
    Tôi không thể nín tiếng cười lớn và nhanh tay ngắt chàng. Chẳng biết cái ngắt của tôi có đau không nhưng chàng cũng làm vẻ xuýt xoa.
    – Anh chỉ được cái chọc em là không ai bằng.
    Chàng gật đầu, và cốc nhẹ nhẹ lên đầu tôi:
    – Ai bảo nhỏ không là người lớn.
    – Để ăn hiếp được anh ?
    – Không phải. Để anh bớt cú đầu em thì đúng hơn.
    – Chứ không phải để anh sớm hết yêu em ?
    Tôi nói nhanh và nhìn vào mặt chàng. Chàng nhìn lại tôi. (Đôi mắt lại đăm đăm) lắc đầu:
    – Chẳng bao giờ. Nhỏ.
    Tôi cúi xuống:
    – Dạ.
    – Anh yêu em.
    Tôi đưa bàn tay mình sang phía chàng. Chàng nắm lấy, siết lại. Những ngón tay tôi vẹo đi trong cái siết này. Tôi đau đớn nhăn mặt nhưng cố để khỏi kêu thành tiếng.
    Ở phía xa một chiếc tàu tuần pha đèn chạy, tạo thành những con sóng lớn xô táp mạn bờ. Tiếng dội ì ào, khơi lên cái cảm giác buồn ngủ.
    Tôi nói với chàng tôi cũng yêu sóng. Những ngày còn đi học, tôi cũng đã có những buổi chiều lang thang một mình ra bờ sông. Nhìn dòng nước chảy. Và nhìn lại lòng mình, trống không.
    – May quá.
    Tôi hỏi lại tại sao. Chàng bảo:
    – Nếu lòng em những ngày đó, đã được làm đầy thì anh đâu còn có ngày nay. Buổi tối này, ngồi đây.
    Tôi muốn mắng yêu chàng :
    lúc nào cũng chỉ kiếm chuyện để ghen với em. Trong khi, anh thấy, em có gì đâu, về quá khứ của anh.
    Tôi ngã người theo cánh tay choàng qua và kéo về của chàng. Tôi đáp nhỏ :
    – Em hoàn toàn của anh. Của anh mà thôi. Anh thấy đó.
    Chàng tỳ cằm lên đầu tôi, im lặng. Tôi biết chàng yêu tôi nồng nàn và có pha lẫn chút gì của một người lớn, kẻ cả. Tôi cũng im lặng. Mặt sông đêm trở lại bình thường với những con sóng lăn tăn (là những giao động của tâm hồn tôi trên mặt phẳng của tình yêu hai đứa). Tiếng súng ở đâu đó vọng lại.
    Tôi hỏi chàng cho có chuyện:
    – Ngưng bắn rồi mà anh ?
    Đã đành. Nhưng vẫn còn đánh lẻ tẻ. Nhỏ không đọc báo sao ?
    Tôi lắc đầu:
    – Tình yêu đã choán hết tất cả thì giờ của em.
    Chàng chải chải tóc tôi bằng mấy ngón tay:
    – Em ngoan lắm.
    Tôi nghiêng mặt vào trong và lại nghe rõ mùi hơi chàng.
    Hình như chúng tôi, nếu có lúc cả hai đứa cùng tranh nhau nói, thì cũng có lúc cả hai đột nhiên, cùng im lặng. Có lẽ đó là lúc mà cả hai đứa cùng chìm rơi, hụt hẫng vào khoảng không nào đó. Một khoảng chân không. Phải, những khoảng chân không của tình yêu. Và khi ấy, không bảo, chúng tôi cùng cảm thấy, có nói mấy cũng bằng thừa. Có nói gì, cũng chẳng thể bằng được một góc nhỏ của cái im lặng đang giàn ra, đang trải rộng và đang từ từ, cuộn tròn hai đứa vào nhau. Những lúc đó, thường tôi nghe rõ nhịp đập điều hòa của trái tim chàng và hơi thở nhẹ nhẹ bay ngang qua đỉnh đầu tôi. Cũng trong những phút giây im lặng của hạnh phúc ngọt tới không thực kia, tôi thấy trước sau, tôi vẫn chỉ là một đứa bé, quá bé nhỏ, tựa nương trong cái bóng lớn lầm lì và khuôn mặt chàng khắc khổ.
    Mấy người bồi qua lại, liếc nhìn chúng tôi một cách kín đáo. Chắc họ ngạc nhiên nghĩ chúng tôi đến đây, như không phải để ăn mà để lắng nghe một cái gì, rất vu vơ, rất mơ hồ ở chung quanh, trong bóng đêm và trên mặt sông nháng tối.
    Tôi gỡ tay chàng và ngồi ngay người lại. Chàng im lặng trong cử chỉ của tôi, thế rồi khi tôi vừa vuốt lại hai lọn tóc ở hai bên má, thì đột ngột chàng nâng cằm tôi lên và kéo giật tôi lại. Chàng hôn tôi.
    Nụ hôn chớp nhoáng khiến tôi chỉ cảm giác sau khi chàng đã ngay người lại và đang xa, và lạnh lẽo. Tôi nói:
    – Anh đừng hôn em như thế. Người ta nhìn cho.
    Chàng cười và hút một hơi thuốc dài.
    – Mình về nha ?
    Tôi gật đầu.
    Những con đường đêm mang một vẻ gì cũ kỹ và dể thương. Chàng chở tôi trên chiếc xe của tôi ọp ẹp. Gió từ phía sau lưng đuổi theo. Tóc tôi bay và đập vào vai chàng. Chàng hát :
    Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người….
    Tiếng hát được gió đem đi về phía trước. Tôi chỉ còn nghe được hơi thở của chàng, gần gũi. Thật gần gũi.
    Lạy Chúa, chúng tôi yêu nhau, trong bất trắc và rất nhiều khổ lụy. Nếu ngài thấy được tình yêu chúng tôi, xin ngài hãy nhỏ xuống, với chúng tôi, một giọt lệ. Và xin là giọt lệ của một người, yêu kính tình yêu, như yêu kính Chúa. Bởi vì mai đây, có thể tôi lại bỏ thành phố này. Tôi ra đi, trong khi chàng ở lại. Chúa có thấy xót xa và muốn chia sẻ cùng tôi chăng ? Xin Chúa hãy đem ngày trở lại, về với tôi thật sớm. Và riêng tôi, tôi sẽ tự tìm lấy, nơi chốn ước mơ của đời mình. Chúa ở xa, ôi sao Chúa ở quá xa. Mịt mờ và tít tắp.


    Mai Thảo. mãi mãi. Ký ức.

    Lời nói đầu: Nhân dịp kỷ niệm 12 năm, ngày mất (10 Tháng Giêng, năm 1998) của nhà văn Mai Thảo, chúng tôi xin được gửi tới quý bạn đọc và thân hữu, hai bài viết về nhà văn này, của chúng tôi. Bài thứ nhất, chúng tôi viết một ngày sau khi ông mất. Bài thứ hai, chúng tôi viết 30 ngày sau đó, dưới bút hiệu Lê Hà Nam, cho tạp chí Hợp Lưu, số “Tưởng Mộ Mai Thảo,” Tháng Hai và Ba, năm 1998.- Du Tử Lê

    ***

    1. Mai Thảo, thế giới đèn màu, Saigon, trước 1975

    Nói tới nhà văn Mai Thảo, trong hơn hai mươi năm qua, ở hải ngoại, người ta chỉ có thể hình dung ông trong cung cách lạnh lùng, lừng khừng của một nhà văn lưu vong. Hoặc người ta nhớ tới ông, trong câu chuyện của một ông già, mỗi buổi sáng thường lững thững trên một đoạn đường Bolsa (khúc nối liền giữa khu chợ 99 và Phước Lộc Thọ).

    Cũng chính ở khúc đường này, nhiều lần, cảnh sát đã chặn ông lại, nhét vào túi ông những tấm giấy phạt vì tội…“ vi phạm luật đi… bộ!”

    Ông bị phạt nhiều tới độ ông trở thành một nhân vật… nổi tiếng của Hội Ðồng Thành Phố Westminster. Tôi nhớ, năm 1996, một nhóm anh em văn nghệ sĩ đứng ra tổ chức “Ðêm Mai Thảo,” tại hý viện Westminster Auditorium, thuộc thành phố Westminster. Nghị Viên Lâm Quang, lúc đó còn là quyền thị trưởng thành phố Westminster, lên sân khấu trao bảng “Ngợi Ca Thành Tích Văn Học” cho nhà văn Mai Thảo.

    Trong phần phát biểu, Nghị Viên Lâm Quang chuyển lời xin lỗi của Hội Ðồng Thành Phố và, của cảnh sát trưởng thành phố này, tới tác giả “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Ðền.”

    Họ Lâm nói, dù biết Mai Thảo là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam Việt Nam, nhưng sự việc ông băng qua đường một cách bừa bãi là một điều nguy hiểm cho sinh mạng của ông trước nhất; kế tới, cản trở lưu thông và, sau chót… “vi phạm luật dành cho người đi bộ!”

    “Bởi thế, nếu không phạt ông, thì cảnh sát Westminster chúng tôi cũng sẽ không thể phạt những người… đi bộ khác,” Ông Lâm Quang nói.

    “Và trong ‘Ðêm Mai Thảo’ này, chúng tôi xin cầu chúc nhà văn Mai Thảo, tương lai sẽ không còn bị phạt vì tội đi… bộ nữa. Ðược như vậy, cá nhân chúng tôi cũng bớt phần… áy náy.”

    Ðêm đó, hội trường rung rinh vì những chuỗi cười ngặt nghẽo, ném lên từ khán giả.

    Trên sân khấu, người đàn ông vừa bước vào tuổi 70, cũng bật cười. Nụ cười móm mém. Nụ cười hóm hỉnh. Thân ái. Nhẹ nhàng chấp nhận.

    Trong số 500 khán giả, những người yêu mến Mai Thảo kia, tôi nghĩ, có dễ ít ai biết, cái ông già hom hem, móm mém đang đứng trước họ đó, hai mươi năm trước, từng là “Ông Hoàng Của Ngàn Lẻ Một Ðêm Sài Gòn.”

    Tôi nghĩ, trong số 500 khán giả, những người yêu mến Mai Thảo kia, có dễ ít ai biết, cái ông già chỉ còn vài chiếc răng trệu trạo, lung lay, loáng thoáng đâu đó trên gương mặt xanh rớt ấy, hơn hai mươi năm trước, là một tay chơi từng đương đầu với nguyên băng thảo khấu, đàn em của Bảy Viễn: Băng Lai Văn Sang. Giữa thập 1950, một đêm, băng Lai Văn Sang, xuất quân từ sòng bài Ðại Thế Giới ở Chợ Lớn, đại náo một vũ trường ở đầu đường Trần Hưng Ðạo, trong một cuộc biểu dương quyền lực, để tranh giành một vũ nữ hoa khôi, tên C. thời đó…

    Tình địch của băng Lai Văn Sang, ngày ấy, không ai khác hơn: Mai Thảo.

    Tôi nghĩ, trong số 500 khán giả, những người yêu mến Mai Thảo, yêu mến ông già có nụ cười hóm hỉnh, móm mém, chưa từng lập gia đình kia, có dễ ít ai biết, giữa thập niên 50, từ Saigon, đã một mình, bay ra cố đô Huế. Ông lừng lững tới tận nhà nữ ca sĩ họ Lục, (sau này trở thành danh ca dưới tên H.Th.) để xin hỏi cưới nàng. Người đàn ông đó, cũng là Mai Thảo.

    Không chỉ đa số khán giả của “Ðêm Mai Thảo” kia, không biết mà, ngay song thân của người nữ ca sĩ họ Lục, ngỡ ngàng, kinh ngạc khi nghe Mai Thảo tự giới thiệu… “thân thế” mình:

    “Tôi là Mai Thảo. Từ Saigon ra. Chúng tôi thực sự muốn lấy L.H. làm vợ. Nếu hai cụ đồng ý thì, tôi hứa, trong vòng một tháng, bố mẹ chúng tôi sẽ bay ra đây, nói tiếp phần còn lại…”

    Liền sau đó, ông xin phép song thân họ Lục, để được đưa con gái họ… đi chơi!

    Cũng liền sau đó, song thân của người con gái họ Lục, cho hay, sẽ khó khăn cho họ biết là chừng nào, nếu có một chàng rể như… Mai Thảo!

    Tôi nghĩ, trong số 500 khán giả, những người yêu mến ông già có nụ cười móm mém, hóm hỉnh kia, có dễ ít người biết, giữa thập niên 1950, khi lớp người miền Bắc di cư vào Nam, còn bị người địa phương ngắm nhìn như những người… ngoại quốc… (Những người không phải là người… “Diệc”… Những người ăn… thịt người, chuyên bắt cóc con nít?!) thì, Mai Thảo đã trở thành người em nhỏ trong tình thương, quý của nữ nghệ sĩ Phùng Há, của lão nghệ sĩ Năm Châu… Mai Thảo cũng trở thành người anh đáng tin cậy của Thành Ðược, Kim Chung, Bích Hợp, Dũng Thanh Lâm…

    Nghệ sĩ lừng danh Thành Ðược, hiện cư ngụ tại miền Bắc Cali, thuở xa xưa, mỗi lần gặp nhà văn Mai Thảo, thường dùng hai chữ “văn nhân” để tỏ lòng quý, trọng ông.

    Mai Thảo, với những đêm lăn lóc ở Tổ Ðình, chờ tan một xuất diễn, đợi hết một buổi tập tuồng, để được theo chân bà chị Phùng Há, ông anh Năm Châu đi vào thế giới Saigon ban đêm. Thế giới của những nghệ sĩ cải lương, chèo cổ nổi tiếng đương thời.

    Chính Mai Thảo là người đầu tiên, vào từ miền Bắc, mở được cánh cửa tương thông, thân ái giữa những người làm nghệ thuật ở hai đầu “thế giới” lạ lẫm. Không có ông, tôi nghĩ, khó ai biết được tới lúc nào, cánh cửa tương thông, thân ái nọ, mới được mở rộng?!)

    Tôi nghĩ, trong số 500 khán giả, những người yêu mến ông già đã tận hiến trọn vẹn cuộc đời của mình cho dòng văn học Việt Nam ở quê hương, cũng như tại quê người, có dễ ít ai biết, hơn 20 năm trước, chính ông già lạnh lùng, lừng khừng, đôi lúc giống như bất thường đó, lại là người phong tặng danh hiệu cho nhiều tiếng hát miền Nam. Những danh hiệu mà, hôm nay, ở hải ngoại, mỗi khi nhắc tới họ, một số người trong chúng ta, chưa quên. Như, Thanh Thúy, “Tiếng hát liêu trai.” Thái Thanh, “Tiếng hát vượt thời gian,” Lệ Thu, “Tiếng hát mùa thu sương khói”…

    Ðó là một phần chân dung đời thường của nhà văn Mai Thảo. Người đứng đầu tạp chí Sáng Tạo. Một tạp chí trương cao ngọn cờ cổ xúy phong trào “giải phóng” dòng văn học, nghệ thuật miền Nam, từ những năm giữa thập niên 1950, khỏi ảnh hưởng của phong trào văn chương tiền chiến.

    Ðó cũng là một phần nhân-cách-Mai-Thảo. Người đi hết một đời nhà văn của mình mà, không hề lưu lại một dòng, một chữ gây thương tổn bạn văn.

    Nhớ lại, biết được như thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên, tại sao đám tang ông, đám tang một nhà văn, (dù là nhà văn hàng đầu,) lại có nhiều, quá nhiều những khuôn mặt, những tên tuổi tiêu biểu cho nửa thế kỷ tân nhạc và, sân khấu Việt Nam, quê người; cũng như giới tay chơi, giang hồ hữu hạng… bên cạnh những khuôn mặt thuộc văn giới. Ðủ loại!

    Từ đó, tôi nghĩ, Mai Thảo không chỉ lớn lao trong văn học, mà, ông còn lớn lao trong nhiều lãnh vực khác của đời sống Việt Nam nữa.

    2. Mai Thảo, những giờ phút cuối cùng hay, ‘ly cà phê sữa đá’

    Thứ Năm, 8 Tháng Giêng, 1998:

    – 4:45PM: Mưa tiếp từ đêm trước. Nhưng bầu trời vẫn óc ách, xộc xệch những đám mây õng nước. Tôi vừa bước vào nhà. Ðiện thoại reo. Ðầu dây bên kia, giọng nói nhanh, trẻ, gẫy gọn, và rất mực lễ phép.

    “Thưa bác cháu là Tâm, bác cháu, bác Mai Thảo muốn gặp bác gấp, nếu có thể được…” Tôi nhận ra ngay. Ðó là người con gái lặng lẽ, trong nửa năm qua, nhiều lần đứng tựa tường, dọc hành lang bệnh viện Fountain Valley, những ngày đầu Tháng Tám. Tôi hình dung được ngay, đôi mắt mở lớn, dáng đi nghiêng, hắt về phía trước. Người con gái tôi từng gửi gấm để xin dành ưu tiên cho Hoàng Anh Tuấn và Ðỗ Vẫn Trọn từ San Jose về, được vào thăm ông bác của cô, sau chuyến đi hộc tốc. Họ hốt hoảng chạy vào bệnh viện. Họ ngỡ ngàng bị chặn lại bên ngoài khung kính khu ICU. Ðó là Tâm. Con của một trong mấy người em gái ruột của tác giả “Ðêm Giã Từ Hà Nội.”

    “Thưa bác, bác cháu không còn ở dưỡng đường Haster nữa. Bác cháu đang nằm ở bệnh viện Garden Gorve… Lầu 6 phòng 608… Bác biết đường Garden Grove… Bác biết đường Harbor?

    “Biết. Biết.”

    “Cháu không có địa chỉ. Nhưng dường như nó là Garden Grove Art Hopistal, lầu 6. Bác nhớ.”

    “Nhớ, bác ghi được rồi.”

    “Nhân tiện, nếu bác gặp bác Ðỗ Ngọc Yến, cũng xin bác nhắn hộ là bác cháu cũng muốn được gặp bác Yến…”

    “Có chuyện gì Tâm biết không?”

    “Dạ cháu không biết.”

    “OK. Bác sẽ nhắn bác Yến. Bác sẽ đi ngay.”

    – 5:00PM: Mưa tiếp từ đêm trước. Bầu trời vẫn óc ách, xộc xệch những đám mây õng nước.

    Chiếc xe trôi chậm rì trong gió và, bóng tối lép nhép. Khúc đường gần xịt, bỗng trở nên dài đẵng. Một chiếc quạt nước gẫy tiếp tục đào sâu đường rãnh có sẵn, hình cánh cung trên kính xe. Linh cảm tôi dự báo điều bất thường. Ðiều tôi chờ đợi từ nhiều tháng qua, phải chăng đã tới? Chúng tôi im lặng. Chúng tôi ghìm giữ trong lòng những cảm nhận, những suy nghĩ riêng của mình. Tuồng, nếu không giữ được, tai họa, bất hạnh sẽ không có cơ hội sập xuống. Tuồng, nếu hai đứa tôi, dối gạt được nhau, thì, cũng có nghĩa là đã dối gạt được định mệnh!

    Mưa tiếp. Nặng hạt hơn. Một chiếc quạt nước gẫy, đào nhanh hơn, sâu hơn đường rãnh có sẵn, hình cánh cung trên kính xe. Tôi không thể nghĩ, đoán bất cứ một lời trối trăn nào của người đàn ông mà Tâm gọi bằng “Bác”; và, anh em chúng tôi quen gọi bằng “Anh”, với tất cả yêu mến, kính trọng gần như tuyệt đối.

    Tôi cố để không nhớ lại lời anh kể với chúng tôi rằng:

    “Vũ Tài Lục bảo tôi, nhiều lắm thì cũng chỉ hai tới ba năm nữa là cùng.”

    Tôi nói lớn trong đầu, cũng có khi Vũ Tài Lục sai chứ. Sai quá đi chứ. Bằng chứng Anh đã bước qua biên giới sinh tử. Anh đã được đưa về Convalestion Home để tập ăn, nói, đi lại, một đời thường. Tôi nhắc nhở tôi, câu nói đùa của một người bạn, chưa lâu, rằng: “Biết đâu một ngày nào, người ta lại thấy ông Mai Thảo lại lững thững đi trên đường Bolsa. Ông lại băng ngang khu Phước Lộc Thọ… Có thể lắm chứ. Who knows? Và trong túi người bạn già của chúng ta, lại có thêm vài cái ticket phạt người đi… bộ…

    Mưa tiếp. Chúng tôi vượt qua ngã tư Harbor. Vượt qua ngã ba, nơi có nhà hàng Pháp mà người bác của Tâm thỉnh thoảng vẫn ghé lại. Nơi anh đã đem Nguyễn Bá Khanh tới để chụp những tấm hình cho một ngày trong đời anh. Nơi (đi tới vài phút) là đầu đường Fairview. Ðường Fairview sẽ xắn ngang Ranchero Way. Ranchero Way, 1980. Căn nhà, con đường đã nhiều lần xuất hiện trong văn chương, bền lâu, của ký ức anh. Ranchero Way. Căn nhà. Con đường anh tìm đến, ở lại nhiều ngày, đêm những tháng ngày đầu đời lưu vong.

    – 5:20: Mưa bị tòa building 8 tầng chặn lại. Tôi bị người phụ nữ Mễ Tây Cơ, mặc áo blouse mầu hồng, lớn tiếng, đuổi ra khỏi căn phòng 608. Bà ta đang vật lộn với trở ngại ngôn ngữ. Với bộ xương dài ngoằng, bất động trên chiếc giường sắt.

    Hành lang lạnh. Trắng. Hun hút những câu hỏi không câu trả lời nơi những cửa phòng đánh số và, những ngã rẽ. Ðôi ba bóng người hiện ra, rồi biến đi, tựa hình ma hay, bóng quế!

    Bình nước tiểu sóng sánh chút nước đỏ cạch cùng những tấm drap được mang ra cùng nụ cười của người đàn bà Mễ Tây Cơ. Chúng tôi bước vào. Ðôi mắt anh sáng lên. Có dễ cũng cả nửa năm qua, tôi mới gặp lại ánh mắt tinh, ranh, thoáng chút riễu cợt, khinh mạn nơi đuôi mắt. Linh tính tôi sai bét. Dự báo nhảm.

    “Vũ Tài… gì thì lần này cũng té giếng thôi…” Tôi nghĩ.

    Không một chờ đợi trầm trọng nảo trong phỏng đoán nào của chúng tôi, xảy ra. Anh ra dấu bảo tôi cho anh một điếu thuốc. Những ngón tay dài ngoẵng, đúng hơn những lóng xương nối nhau, khó nhọc, vất vả đưa lên gần đôi môi mỏng, mím, nơi khuôn mặt đã biến dạng. Anh ra dấu. Ra dấu. Ra dấu.

    Vài giây im lặng qua đi. Tôi hỏi:

    “Anh cần gì? Thuốc lá phải không anh?”

    Ánh rạng rỡ nơi đôi mắt anh, tăng cấp số nhân. Lại thêm vài giây im lặng lăn qua. Ánh rạng rỡ ngúm tắt. Tôi đọc được ý nài nỉ nơi cái đầu Anh cố gắng đưa xuống gần ngực. Tôi đọc được ý nài nỉ nơi đuôi mắt anh chuyển động. Nháy. Nháy.

    T. buột miệng bảo tôi:

    “Không được anh. Anh phải ra hỏi y tá thôi. Nguy hiểm lắm. Máy báo động sẽ kêu. Còn giường bên cạnh…”

    Ðuôi mắt tiếp tục nháy. Nháy. Cường độ nài nỉ tăng cấp số nhân, với toàn bộ khuôn mặt anh: Những phần da, xương còn khả năng biểu lộ. Tôi ra khỏi phòng, tựa vách tường.

    Hành lang lạnh. Trắng. Hun hút những câu hỏi không câu trả lời nơi những căn phòng đánh số và những ngã rẽ. Ðôi ba người hiện ra, biến đi, tựa những hình ma hay bóng quế.

    T. bước ra, trên tay lắt lẻo miếng plastic mầu xanh, ghi hàng chữ: “Patient: Nguyễn, Quý. Dr. Nguyễn Khiêm.” Tôi hỏi, ở đâu ra cái này? T. đáp:

    “Em gỡ. Anh ấy đòi. Em sợ anh ấy muốn giựt bỏ mọi thứ giây nhợ chạy quanh người. Triệu chứng gì em không biết. Nhưng đây là lần đầu tiên… Phải báo y tá ngay!

    Tôi gật đầu. “Phải báo y tá ngay”!

    Tôi báo sự việc bất thường này với bà y tá già và, người đàn bà Nurse Aid, Mễ Tây Cơ rồi trở vào phòng. Những lóng xương xếp thành hình dạng những ngón tay dài ngoẵng, lại lẩy bẩy nhấc lên. Chúng lại khó khăn, vất vả đưa về gần đôi môi mỏng, mím. Lần này, cùng với thủ hiệu, là đuôi mắt trái của anh nháy. Nháy. Tôi chỉ còn chọn lựa sau cùng, dối gạt nài nỉ kia:

    “Vâng. Anh để tôi xuống xe lấy thuốc lá cho anh.”

    Tôi đi thẳng một mạch ra thang máy.

    Những mẩu thuốc nở, trương, sũng nước hớ hênh cười nhạo trên dưới ánh đèn. Mưa tiếp. Núp dưới hiên, tôi rút một điếu thuốc. Ðốt cho chính mình, cho mưa, và, cho sự dối gạt còn mặn, ướt trên môi tôi.

    5:30PM: T. xuống. Ðưa tôi miếng giấy. Ðúng hơn, là bao đựng mấy miếng sponges của nhà thương. Miếng giấy có hàng chữ sau cùng của một người có trên nửa thế kỷ ăn ở trân trọng, nghiêm chỉnh với chữ nghĩa. Giòng chữ viết:

    “1 cà phê sữa đá.”

    Mưa xấn sổ ném lên những con chữ, như thể muốn nuốt chửng, muốn bôi xóa chúng. Hay tố giác sự bất lực, đớn hèn tới đốn mạt của chúng tôi?

    8:10PM: Mưa tiếp. Tôi điện thoại xin gặp Tâm. Tôi muốn báo cho Tâm biết tôi đã hoàn tất lời Tâm nhắn. Tâm không có nhà. Tôi nói chuyện với mẹ Tâm.

    Chị Yến kể cách đây 10 phút nhà thương đã đưa anh ấy trở về lại đường Haster. Một lần nữa, linh tính tôi sai toét. Dự báo lầm. “Vũ Tài… gì thì cũng có lần phải sai chứ…” Tôi nói với chị, ngày mai, chị lén mang cho anh ấy một điếu thuốc và, “một cà phê sữa đá.” Bệnh viện không thể, nhưng Convalestion Home thì được.

    Tôi kể chị nghe về khuynh hướng muốn dứt bỏ mọi thứ giây nhợ. Chúng tôi đồng ý với nhau, tình trạng anh, trở lại mức khởi điểm đầy hy vọng:

    “Bolsa – Phước Lộc Thọ – Và dăm tấm giấy phạt người đi… bộ.”

    8:20PM: Mưa tiếp. Nằm trên chiếc sofa, vẫn bằng vào lạc quan kia, trả lời điện thoại Ðỗ Ngọc Yến, tôi nói. Nói. Nói:

    “…Tuy nhiên, ngày mai bác cố gắng đến Haster, thăm anh ấy. Haster, chứ không phải nhà thương Garden Gorve. Có thể ông ấy nghĩ bác ba đầu sáu tay sẽ đốt được cho ông ấy một điếu thuốc và 1 cà phê sữa đá… không chừng…”

    Yến ậm ừ. Tôi nghĩ nhiều phần có thể Yến không đến Haster, ngày mai… Cuộc nói chuyện chấm dứt khi tôi có đường dây khác tới.

    9:00 PM: Mưa tiếp. Anh Nguyên Sa gọi. Hỏi thăm. Tôi tóm tắt những diễn biến chính. Anh bảo:

    “Vậy thì tốt.”

    “Tốt hả anh?”

    “ Tốt chứ. Về lại Nursing home mà. Ðâu có ở nhà thương nữa.”

    Thứ Bảy 10-1-1998

    Houston, 9:30AM: Ðường Tuam. Trời the lạnh. Tin thời tiết cho biết Texas sẽ có một ngày nắng ráo. Nhiệt độ thấp nhất 50. Cao nhất 65. Bão sẽ đi qua Houston và vùng phụ cận vào ngày hôm sau, từ 12 giờ trưa, tới 4 giờ chiều. Có “chill wind” và mực nước mưa có thể từ 2 tới 5.” Tùy khu vực. Quán mới mở cửa. Hào gọi cho tôi “1 cà phê sữa đá” và tô phở. Cửa mở. Bung. Nắng rỡ ràng. Một phụ nữ tất tả bước vào. Chị tới thẳng bàn chúng tôi. Mừng rỡ, tôi chào. Hỏi:

    “Chị ăn gì chị Phương Hoa?”

    Chị nói, ăn rồi.

    “Cho tôi 1 cà phê sữa đá.”

    Hào tìm người chạy bàn. Tôi nhúng thìa, đũa vào tô phở của mình. Nhạc xuân. Một bài hát cũ. Rất cũ. Của Nguyễn Văn Ðông? Nói về một người lính ôm súng trong vọng gác, đón giao thừa. Phương Hoa khuấy ly cà phê sữa đá. Tiếng muỗng, đá va vào thủy tinh, lanh canh. Tiếng lanh canh bứt rứt. Ngập ngừng. Ðứt đoạn. Tôi ngước nhìn chị. Ðôi mắt chị đỏ hoe. Chuyện gì? Tôi không đoán. Chị cúi xuống ly cà phê sữa đá. Tiếng lanh canh bứt rứt khua động thêm một vài hồi rời rạc. Rồi tắt.

    “Tôi không thể đợi tới lúc anh ăn xong tô phở,” vẫn cúi xuống ly cà phê sữa đá của mình, chị tiếp:

    “Anh Mai Thảo mất rồi. T. mới báo cho chúng tôi biết. Anh Thăng kẹt bệnh nhân. Tôi nghĩ phải ra đây cho anh biết, trước khi anh đi Austin…”

    Tôi đặt đũa, muỗng xuống. Hào đặt muống, đũa xuống. Chiếc muỗng trong ly cà phê sữa đá của chị Hoa vẫn được những ngón tay chị giữ chặt. Có phần chặt hơn. Những ngón tay bầm, thâm vì máu không thể đi tới.

    “Khi nào?”

    “Ba giờ sáng nay.”

    Trước mặt chúng tôi, là ba “ly cà phê sữa đá.”

    Austin 2:50PM: Khi đã tìm được exit vào đường Jamestown, Hào thuận miệng hỏi:

    “Anh có thèm một ly cà phê sữa đá?”

    Tôi gật đầu:

    “Nên lắm chứ. Hạnh phúc biết bao nếu lúc này, chúng ta có được một ly cà phê sữa đá. Thật ra, tôi muốn nói với Hào rằng: “Hạnh phúc biết bao, trong đời sống này, chúng ta có được một người tên Mai Thảo.”

    Suốt cuộc hành trình trên xa lộ 290 W., trong tôi cứ lẩn quẩn hoài câu nói của Khổng Tử (?)rằng: “Ðược làm người đã khó, nhưng sống cho ra một con người còn khó hơn nữa!” Chưa bao giờ tôi thấm thía câu nói đó, bằng lúc này. Và, nếu được phép sửa một chút, tôi sẽ xin được sửa thành:

    “Sống cho ra một con người đã khó, nhưng sống như Mai Thảo/Nguyễn Ðăng Quý trong đời sống này, còn khó hơn một bậc nữa vậy!”

    Mặc dù, mỗi chúng ta, hằng ngày, bất cứ lúc nào, ở đâu, cũng có thể gọi được, tự làm được cho mình “một ly cà phê sữa đá.” Chỉ riêng anh thì không.

    Chẳng bao giờ. Chẳng bao giờ, có nữa!

    ***
    Phụ đính thơ Du Tử Lê






    clip_image004





























    Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển



    Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
    đời lưu vong không cả một ngôi mồ
    vui đất lạ thịt xương e khó rã
    hồn không đi sao trở lại quê nhà
    Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
    nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
    bên kia biển là quê hương tôi đó
    răng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh ri
    Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
    và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
    cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
    biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi
    Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
    đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
    những năm trước bao người ngon miệng cá
    thì sá gì thêm một xác cong queo
    Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
    cho tôi về gặp lại các con tôi
    cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
    từ những mắt đã buồn hơn bóng tối
    Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
    và trên đường quốc hãy nhớ hát ca
    ôi lâu quá không còn ai hát nữa
    (bài hát giờ cũng như một hồn ma)
    Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
    đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.



    Khúc thụy du

    1.
    như con chim bói cá
    trên cọc nhọn trăm năm
    tôi tìm đời đánh mất
    trong vụng nước cuộc đời
    như con chim bói cá
    tôi thường ngừng cánh bay
    ngước nhìn lên huyệt lộ
    bầy quạ rỉa xác người
    (của tươi đời nhượng lại)
    bữa ăn nào ngon hơn
    làm sao tôi nói được!
    như con chim bói cá
    tôi lặn sâu trong bùn
    hoài công tìm ý nghĩa
    cho cảnh tình hôm nay
    trên xác người chưa rữa
    trên thịt người chưa tan
    trên cánh tay chó gậm
    trên chiếc đầu lợn tha
    tôi sống như người mù
    tôi sống như người điên
    tôi làm chim bói cá
    lặn tìm vuông đời mình
    trên mặt dài nhiên lặng
    không tăm nào sủi lên
    đời sống như thân nấm
    mỗi ngày một lùn đi
    tâm hồn ta cọc lại
    ai làm người như tôi?
    2.
    mịn màng như nỗi chết
    hoang đường như tuổi thơ
    chưa một lần hé nở
    trên ngọn cờ không bay
    đôi mắt nàng khôn khép
    bàn tay nàng khôn thưa
    lọn tóc nàng đêm tối
    khư khư ôm tình dài
    ngực tôi đầy nắng lửa
    hãy nói về cuộc đời
    tôi còn gì để sống?
    hãy nói về cuộc đời
    khi tôi không còn nữa
    sẽ mang được những gì
    về bên kia thế giới
    thụy ơi và thụy ơi
    3.
    tôi làm ma không đầu
    tôi làm ma không bụng
    tôi chỉ còn đôi chân
    hay chỉ còn đôi tay
    sờ soạng tìm thi thể
    quờ quạng tìm trái tim
    lẫn tan cùng vỏ đạn
    dính văng cùng mảnh bom
    thụy ơi và thụy ơi
    đừng bao giờ em hỏi
    vì sao mình yêu nhau
    vì sao môi anh nóng
    vì sao tay anh lạnh
    vì sao thân anh rung
    vì sao chân không vững
    vì sao anh van em
    hãy cho anh được thở
    bằng ngực em rũ buồn
    hãy cho anh được ôm
    em, ngang bằng sự chết!
    tình yêu như dao nhọn
    an đâm mình, lút cán
    thụy ơi và thụy ơi
    không còn ý nghĩa gì
    ngoài tình em tình em
    đã ướt đầm thân thể
    anh ru anh ngủ mùi
    đợi một giờ linh hiển.



    Vì em tôi đã làm sa di

    thiền viện tôi trưng chỉ ảnh em
    kinh kệ nghìn pho có một tên
    viết hoa một chữ không ai hiểu
    Phật bảo: kinh mà không phải kinh
    thế giới vì em sẽ dịu hiền
    biển đời phút chốc bỗng bình yên
    cánh chim tịch mịch miền vô niệm
    vô chấp, em ngồi như Quan Âm
    ba nghìn thế giới quy về đây
    vóc ốm em đi. Ngón cũng gầy
    thấy trong Địa Tạng em và mẹ
    Tam Bảo theo tôi: có dáng người
    muông thú vì em ở với rừng
    tôi vì em ở với thi ca
    thấy nhau là một đâu còn ngã
    thân chẳng riêng thì tâm nào riêng?
    phá chấp. Như Lai ở dưới trần
    hiện thân Bồ Tát cứu nhân gian
    cây oan khuất vẫn nghìn tay vẫy
    tôi vẫn nhìn em là chân kinh
    xuống tóc. Theo em khép cửa đời
    vào thiền để chỉ thấy viền môi
    yêu nhau ai bảo tâm không trụ?
    quên hết. Nhìn nhau. Nhất quán rồi.
    vì em tôi biến thành sơn tự
    mái đỏ tường rêu. Hoa hổ ngươi
    tình tôi là thảm xin em bước
    rất khẽ mà nghe đất nhớ trời
    nước mắt em trên chánh điện tình
    nở hoa siêu độ hoá tâm kinh
    đêm đêm tôi nhớ bàn tay cũ
    và thấy trong kinh đủ bóng, hình
    vì em tôi đã làm Sa Di
    không đi nên ý vẫn quay về
    bế quan toạ thị. Tôi và vách
    em tụng kinh gì? Cho nghe đi
    hôn em Bồ Tát. Chuông kinh hãi
    rung hoảng vì tôi? hay cả em?







    Giao khúc tháng sáu



    tôi từ đó nhỏ nhoi như chấu chấu
    như cào cào vỗ cánh chả bay xa
    người yêu tôi là thảm cỏ mượt mà
    khi tôi đậu nàng uốn mình cảm động
    tôi từ đó rêu xanh ôm đá tảng
    khinh loài người nên chọn kiếp vô tri
    người yêu tôi con suối nhỏ thầm thì
    âu yếm mãi nỗi sầu tôi một đời chín ủng
    tôi từ đó dật dờ như bóng mộng
    như chuồn chuồn cánh rã một đêm mưa
    người tôi yêu con dế biết đợi chờ
    biết nghe hát và thường ưa than thở
    tôi từ đó bơ vơ như chiếc lá
    cơn gió lùa tôi se sẽ rung rinh
    người yêu tôi là tượng đá chung tình
    thấy tôi rụng nhìn theo mà chả khóc
    tôi từ đó khật khừ như bọ ngựa
    tình đam mê không dấu nổi mọi người
    hồn đắm đuối làm sao che sự thật
    tôi từ đó ải dòn như củi mục
    như mảnh bom miếng đạn vỡ trên không
    người tôi yêu đêm nước mắt đanh tròng
    tôi chợt nhớ từ lâu đã già trước tuổi

    Khi xa Du và T.Ch.

    nhớ người gần gụi môi hôn
    đắp chăn ngang ngực nghe buồn đôi chân
    tay thừa thãi nhớ lưng ngoan
    nhớ em hơi thở phà quanh cổ trần
    nhớ hơi hướm, nhớ tình gần
    nhớ cơn mơ lẻ những lần xót xa
    nhớ trăm năm, nhớ mù lòa
    nhớ em vóc ốm, bây giờ biệt tăm



    Khi trông thư Thụy-Châm

    cũng đành người đã quên tôi
    con chim nào cũng một đời kêu khan
    cây phong đã đỏ lá vàng
    quán sâu tôi quấn khăn quàng đợi đêm
    phải người quá nhẹ chân êm?
    tôi nghe như thể gió vin cửa ngoài
    cũng đành người đã ham vui
    núi non nào cũng một đời cô đơn
    tuyết trên mái cổ nghiêng hồn
    dưới chân cổ tượng cũng bồn chồn theo
    xe không nào sẽ qua đèo
    đêm nay chắc lá lại nhiều chiếc rơi
    cũng may tôi có một đời
    để đau, để khổ, để ngồi trông thôi











    ©T.Vấn 2012


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X