Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sài Gòn bây giờ, Quê Hương thứ hai của tôi

Collapse
X

Sài Gòn bây giờ, Quê Hương thứ hai của tôi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sài Gòn bây giờ, Quê Hương thứ hai của tôi

    Sài Gòn bây giờ, Quê Hương thứ hai của tôi


    Chung Dao


    Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng chỉ sống ở Hà Nội rất ngắn ngủi, sau đó lếch thếch theo bố mẹ cùng đoàn người di cư vào Nam năm 1954 sau khi Hiệp Định Geneve được ký kết chia cắt hai miền Nam Bắc bằng vĩ tuyến 17. Chúng tôi may mắn được di tản bằng máy bay chứ không phải cực khổ như những đồng bào khác di tản bằng “tàu há mồm”.

    Tất cả những ký ức về Hà Nội tôi đều không nhớ gì vì lúc đó còn quá nhỏ, nhưng hầu như các kỷ niệm về nơi chôn nhau cắt rốn của tôi vẫn luôn được bố mẹ tôi nhắc đến trong các câu chuyện hàng ngày.

    Tôi chỉ biết nhà tôi ngày xưa ở phố Mai Hắc Đế, mẹ tôi hay đi chợ Đồng Xuân, mùa rét Hà Nội rất lạnh và mẹ luôn phải trang bị cho chúng tôi nào là manteau, nào là mũ len để chống lạnh…nhưng theo mẹ tôi Hà Nội tết thì rất đẹp và khác lạ so với Saigon.

    Theo mẹ Tết Hà Nội đẹp vì là đúng vào mùa rét nên mọi người có cơ hội diện đồ lạnh rất sang trọng và lịch sự, hoa đào thì nở rộ khắp nơi. Ngày đó đào chỉ có ở Hà Nội, mãi sau này mới được du nhập vào miền Nam.

    Chuyến di cư của gia đình chúng tôi vào Nam được đánh dấu bằng sự ra đời của thằng em út và tên của nó, Đào Nam Việt, hầu như đã được đặt theo hoàn cảnh di cư vào Nam của chúng tôi lúc đó.

    Do còn quá nhỏ nên chúng tôi chẳng có ý thức gì về việc phải bỏ quê hương mà đi, chỉ biết rằng lúc mới vào Saigon phải thuê nhà ở Bầu Sen để ở, đó là một khu tương đối tồi tàn so với Saigon hoa lệ.

    Chúng tôi đã chào đón đứa em út được sinh ra tại bệnh viện Từ Dũ ở Saigon, ngày bố cho chúng tôi vào thăm mẹ sau khi mẹ sinh em bé, thấy người bà toàn thuốc đỏ, hỏi bố bố bảo em lớn quá nên mẹ phải sinh mổ. Mẹ vẫn có vẻ đạu đớn sau khi sinh em, nhưng niềm vui được có thêm một đứa em nữa để cùng chơi đùa khiến chúng tôi quên cả sự chịu đựng của mẹ.

    Bốn anh em chúng tôi lớn lên trong sự chăm sóc nâng niu của bố mẹ, hay đúng hơn sự nuông chiều của bố và sự nghiêm khắc của mẹ. Tôi nghe bố mẹ cứ nói về những người trong gia đình còn ở lại miền Bắc, bố là con một của ông bà nội nên không còn anh em gì ngoài đó, nhưng mẹ còn một cô em gái vẫn ở lại theo chồng để giữ nhà Mai Hắc Đế.

    Cô tôi (đúng ra theo người Bắc phải gọi là dì vì là em mẹ) là vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh, tác giả bài Nỗi Lòng (Yêu ai yêu cả một đời…) chắc hẳn ngày xưa bà ngoại tôi cũng điên đầu vì mấy cô con gái tính cách đều lãng mạn, toàn thích lấy chồng Nghệ sĩ.

    Tôi vẫn hay nghe bố mẹ tôi nói về việc cô tôi ở lại thiếu thốn đủ bề, nhưng muốn giúp đỡ gì cho cô không thể gởi trực tiếp ra Hà Nội mà phải gởi qua Pháp làm trạm trung chuyển trước khi tiền hay quà tới được Hà Nội. Cứ thế thỉnh thoảng lại thấy bố mẹ gởi tiền qua Pháp để chuyển đi Hà Nội cho cô, trong đó gói ghém cả thương xót lẫn tức giận vì không nghe lời theo ông bà vào Nam.

    Thế rồi anh em tôi dần lớn lên, hai đứa con gái (tôi và cô em gái) đều thi đậu vào Trưng Vương, con trai (ông anh và thằng em út) thì vào Võ Trường Toản, sau đó đứa học luật, đứa học khoa học, đứa học kế toán…..

    Sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước, chiến tranh hầu như vẫn tiếp diễn nhưng anh em chúng tôi chẳng màng gì tới chiến tranh vì vẫn sống trong nhung lụa, được cô lập hoàn toàn với cuộc chiến.

    Bố tôi có thời gian làm Chủ Sự bộ Canh Nông, căn nhà chúng tôi ở do chính phủ cấp là một căn villa rộng ngay ngã tư Hồng Thập Tự - Mạc Đĩnh Chi, chúng tôi đã có một thời thơ ấu tuyệt vời trong căn nhà đầy ắp kỷ niệm này.

    Chỉ mãi đến năm Mậu Thân, khi Saigon bị pháo kích và tấn công, chúng tôi đã phải nấp vào một kho hàng của sở bố để tránh đạn pháo kích, lúc đó chúng tôi mới bắt đầu có khái niệm là chiến tranh đã đang đến gần.

    Chiến tranh cứ liên tục như thế, lúc trầm lắng, lúc sôi nổi, lấy đi bao nhiêu sinh mạng của những trai trẻ xứ tôi, những người mà khi chết họ vẫn mơ về một mái nhà ấm cúng có cha mẹ, anh chị em hay người vợ trẻ cùng đứa con thơ.

    Nhà tôi, như bao đồng bào khác, không may mắn bị một mất mát to lớn về tài chánh là bao nhiêu tiền bố mẹ dành dụm trong mấy chục năm đã tan thành mây khói trong ngân hàng Việt Nam Thương Tín sau 30/4.

    Số tiền tiết kiệm bị mất đã làm cho bố tôi ngơ ngác, mẹ tôi bần thần, có lẽ vì quá buồn với việc mất khoản tiền lớn dành dụm suốt đời mới có, bố tôi lâm trọng bệnh và mất sau đó vào năm 1976, từ đây lịch sử nhà tôi sang trang, một thời kỳ khổ sở mà cả đời cho đến chết tôi không bao giờ quên.

    Saigon những ngày sau 75 thật là hỗn độn, người đi lọt, kẻ ở lại chẳng biết bao giờ có dịp đoàn tụ. Thỉnh thoảng nhớ tới một người bạn thân, tôi tìm đến nhà thì hàng xóm nói cả nhà đã đi đâu từ trước 30/4 hoặc sau đó và không thấy trở về nữa, cho đến bây giờ tôi cũng chẳng biết gia đình những người bạn thân này ở đâu, còn sống hay đã chết ngoài biển cả?

    Rồi những cuộc mưu sinh kéo mọi người về thực tế, làm sao để có nửa ký thịt cho đám giỗ của gia đình, làm sao để có 100 gr bột ngọt nấu canh dùng trong cả tháng, làm sao để có chút sữa cho con…..lần lượt người này đi lọt gởi thư về báo tin, mách nước… người kia mất tích, gia đình tìm kiếm chẳng thấy tăm hơi, người nọ bị bỏ tù vì tìm cách vượt biên….

    Rồi “Mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên”, ai đi lọt được thì có cuộc sống tương đối tốt nơi xứ người, tuy làm việc cực khổ nhưng đủ ăn đủ mặc và có cơ hội bảo lãnh cho các thành viên khác trong gia đình sang cùng.

    Người nào không may mắn thì ở lại sống đời lầm than thiếu thốn cho đến mãi sau này khi VN có chính sách mở cửa và đầu tư nước ngoài bắt đầu đổ vào thì cuộc sống mới đỡ thiếu thốn.

    Kinh tế phát triển dần dần cũng làm thay đổi bộ mặt của Saigon, hình thành nên nhiều loại người mới.

    Loại người thứ nhất, hống hách coi trời bằng vung, huênh hoang tự đắc với núi tiền của trong tay nhưng kiến thức thì rỗng tuếch. Loại người này xài sang không thua gì các nhân vật giầu có ở Mỹ nhưng cách hành xử thì chẳng “high class” tí nào. Họ đi xe Mercedes, BMW, Lexus… nhưng sẵn sàng quay cửa kính xe để vứt tàn thuốc lá hoặc thậm chí một bịch vỏ nhãn xuống đường sau khi ăn xong.

    Họ vào các cửa hiệu Louise Vuitton, Pierre Cardin, Versace, Gucci, Chanel…ở Saigon, mồm thì ong óng, mua hàng một lúc vài chục ngàn đô la Mỹ là chuyện thường tình, trên đường dù có một va chạm nhỏ vào xe hơi của họ, thì họ cũng có thể xuống xe sừng sộ hỏi “có biết ông là ai không?”, người nào biết thân biết phận lủi đi cho nhanh thì còn êm chuyện, nếu uất ức đứng cải vã thì có thể vướng vào đủ điều rắc rối khôn lường.

    Những nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, LV có khoác lên người họ thì vẫn áo đi đàng áo, người đi đàng người vì cái trang nhã, cái lịch lãm không thể chỉ mua được bằng quần áo phủ lên người họ.

    Loại người thứ hai thích công danh sự nghiệp nhưng không thích học, hay nói đúng hơn là đầu óc đã chai cứng không có khả năng học nữa. Loại người này có bằng Cử Nhân hay Thạc Sĩ, thậm chí Tiến Sĩ do một trường nước ngoài cấp nhưng một chữ nước ngoài bẻ đôi cũng không biết.

    Bằng cấp này được coi như một điều kiện ắt có và đủ để được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, chỉ khi có người “khui” ra thì sự thật mới được phơi bày, thật là nực cười!

    Loại người thứ ba là những dân bần cùng khố rách ở Saigon, họ sống lay lất qua ngày, có thể là làm tài xế xe Honda ôm ở đầu hẻm, đầu chợ… có thể mưu sinh bằng gánh bún hay gánh hàng rong mà đôi lúc bị đuổi chạy như vịt trên hè phố vì lấn chiếm lòng lề đường.

    Bên cạnh sự giàu sang phú quý của vô số nhà giàu, họ là dân nhập cư từ các tỉnh vào Saigon kiếm sống chỉ mong dành dụm chút tiền nuôi gia đình, vợ con ở quê nhà.

    Loại người thứ tư là những người dân Saigon cũ, ngày ngày sống âm thầm và buồn bã nhìn những hình ảnh đẹp của Saigon ngày càng mất dần, thay vào đó là những hình ảnh nhố nhăng phản cảm.

    Tuy không sinh ra ở Saigon nhưng tôi đã chọn Saigon làm quê hương thứ hai, tôi cũng yêu Saigon nơi tôi đã sống mấy chục năm, lớn lên và có nhiều kỷ niệm.

    Đây là góc phố Đinh Tiên Hoàng, gần rạp chiếu bóng Casino Dakao, nơi có tiệm thạch chè Hiển Khánh thơm ngát mùi hoa bưởi, nơi ngày xưa tôi vẫn cùng bạn bè đến thưởng thức món chè đậu xanh đánh và món thạch mát rượi.

    Đây là Hồ Con Rùa với các xe bò bía đẩy và những kem trái dừa vừa béo vừa thơm.

    Những ngày học thi trường Luật, lên Thư Viện Quốc Gia vừa mát vừa rộng để ôn bài, vừa có dịp diện quần áo ngắm các tài tử giai nhân, liếc qua liếc lại, vừa ôn bài cho đỡ thấy tội lỗi với cha mẹ đã hỗ công nuôi mình ăn học.

    Thỉnh thoảng vào ngày thứ bảy, nếu hứng lên thì rủ các bạn trường Luật sang mua vé nhảy đầm Matinee ở QueenBee.

    Tóm lại, Saigon là nơi tôi đã có quá nhiều kỷ niệm, cái tên Saigon của thành phố tôi luôn thấy đẹp và thể hiện một cái gì đó nồng nàn âu yếm, cái tên chẳng có dính líu gì đến chính trị mà sao người ta nỡ thay nó đi, tôi tự hỏi?

    Ngày nay, sự thanh thản của Saigon chỉ được tìm thấy khi đến mùa lễ lớn hay kỳ nghỉ tết, khi số lượng người nhập cư thành phố trở về quê ăn Tết với gia đình.

    Giao thông ở Saigon bây giờ có lẽ tệ nhất nhì thế giới, rủi ro rình rập khắp nơi, chỉ khi nào về đến nhà mới biết là mình còn sống. Một số người lái xe hơi lẫn xe máy đều cố vượt ẩu khi đèn đỏ, bóp kèn inh ỏi, một va chạm nhỏ trên đường có thể dẫn tới việc kết liễu một mạng sống, chẳng hiểu vũ khí ở đâu mà sẵn thế.

    Đang đi trên đường, muốn quẹo trái hay quẹo phải, đa số người lái xe gắn máy chẳng bật đèn signal chỉ cần liếc qua trái là mọi người phải hiểu ngầm họ muốn quẹo trái và liếc phải là muốn quẹo phải. Từ trong ngõ đi ra là cứ tông thẳng ra đường chính không cần ngoái nhìn xem có xe đang đi đến hay không.

    Xã hội ngày xưa chỉ chứng kiến các nam học sinh đánh nhau chứ chẳng bao giờ có nữ sinh túm tóc đánh nhau ngoài đường. Khi còn là nữ sinh trung học, có bất đồng quan điểm với nhau cùng quá chỉ viết thư qua lại hay tranh luận là cùng.

    Ngày nay nữ sinh đánh nhau, lột quần áo nhau, rồi làm clip tung lên internet như cơm bữa….khi thì do quan hệ mâu thuẫn cho rằng bạn kênh kiệu với mình, khi thì ghen vì bạn chớp mất người bạn nam mình để ý… biết quy trách nhiệm cho ai đây, gia đình hay trường học? Văn hóa xuống thấp đến nỗi chuyện thầy cô bị học trò, và thậm chí cha mẹ học trò, vào tận trường hành hung là chuyện thường tình.

    Ở Saigon ai đi xe gắn máy cũng phải ráng tìm mua loại xe có “thùng xe” để cất túi xách vào vì nạn giật túi xách diễn ra hàng ngày. Nữ trang bằng vàng, dù mỏng dính cũng bị cướp, hậu quả là nạn nhân có thể ngã lăn ra đường bị xe cán qua gãy chân, tay hay trầm trọng hơn là ngã đập đầu xuống đất tổn thương sọ não.

    Lúc trước bọn cướp giật còn kiêng nể du khách ngoại quốc một chút vì thường nếu có sự việc xảy ra thì thế nào chúng cũng bị cảnh sát điều tra ra và tóm gọn. Gần đây bọn cướp giật cũng chẳng chừa du khách nước ngoài, chúng giật ngay trung tâm Đồng Khởi (Tự do cũ), ngay khách sạn Rex (Cinema Rex ngày xưa)….đi xe hơi không hẳn đã yên thân, khi bước xuống xe cũng phải coi chừng ví xách, dây cổ….tốt hơn hết là đừng đeo gì hết cho yên thân.

    Báo chí Việt Nam đang dấy lên nhiều tựa đề VĂN HÓA & AN TOÀN GIAO THÔNG và GIÁO DỤC HỌC ĐƯỜNG, nhưng làm gì thì làm cái cốt lõi của vấn đề, theo nhiều lập luận, vẫn là cái nền tảng giáo dục của từng gia đình đơn lẻ. Bao giờ thì Saigon lại thơ mộng và đẹp như ngày xưa, bao giờ người Saigon lại có văn hóa và…như ngày xưa ?


    Chung Dao


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X