Thông báo

Collapse
No announcement yet.

QUÂN LỰC HOÀNG GIA ÚC trong CUỘC CHIẾN VIỆT NAM

Collapse
X

QUÂN LỰC HOÀNG GIA ÚC trong CUỘC CHIẾN VIỆT NAM

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • QUÂN LỰC HOÀNG GIA ÚC trong CUỘC CHIẾN VIỆT NAM

    QUÂN LỰC HOÀNG GIA ÚC trong CUỘC CHIẾN VIỆT NAM


    Nguyễn Hữu Thiện
    (Phổ biến lần đầu tháng 2/2013; phổ biến lần thứ hai, tháng 9/2019, với một số bổ túc, cập nhật)


    DẪN NHẬP

    Ngày 17/8/2016, Sở in & đúc hiện kim Úc-đại-lợi (Royal Australian Mint, thường gọi tắt là “the Mint”) đã cho phát hành đồng 5 Úc kim bằng kim loại, dành riêng cho giới sưu tầm.

    Đồng 5 Úc kim này hình tròn, một mặt - cũng giống như bất cứ giấy bạc, đồng tiền kim loại nào khác của Úc-đại-lợi - có hình Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị, còn mặt kia có hình cây Thánh giá trong rừng cao-su Long Tân, với hàng chữ “BATTLE OF LONG TAN 1966”.


    Cùng với việc phát hành đồng 5 Úc kim nói trên, Chính phủ Liên bang Úc-đại-lợi đã ra một Thông cáo Báo chí, có đoạn chính như sau:

    “Trước ngày kỷ niệm 50 năm trận đánh Long Tân, Sở in & đúc hiện kim Úc-đại-lợi đã phát hành đồng tiền tưởng niệm đặc biệt dành riêng cho giới sưu tầm (commemorative collectible coin) để tưởng nhớ các chiến binh đã chiến đấu và hy sinh tính mạng trong trận đánh này.”

    Năm mươi năm trước, vào ngày 18/8/1966, tại một rừng cao-su gần làng Long Tân, tỉnh Bình Tuy, 108 chiến binh Úc-đại-lợi và Tân-tây-lan đã phải đương đầu với một lực lượng địch trên 2000 gồm bộ đội chính quy Bắc Việt và Việt Cộng trong Nam. Trong trận đánh được ghi nhận là lớn nhất của quân đội Úc trong suốt thời gian tham chiến tại Việt Nam, đã có tổng cộng 17 quân nhân Úc tử trận, 25 người bị thương trong đó có một người không qua khỏi.

    Vào dịp tưởng niệm 3 năm trận đánh này, một cây Thánh giá đã được dựng lên tại rừng cao-su Long Tân để ghi nhớ những người đã chiến đấu và hy sinh trong suốt cuộc chiến, và biểu tượng đặc biệt này (cây Thánh giá trong rừng cao-su) đã được đưa lên mặt đồng tiền có đường kính 3.874 cm (1.5 inch).” (PHỤ LỤC: Thánh giá Long Tân)

    Sự việc ấm lòng này (phát hành đồng tiền tưởng niệm trận Long Tân) không phải tự dưng mà có, trái lại nó đã được trả bằng một giá rất đắt.

    Cái giá ấy không chỉ là công sức chiến đấu, phục vụ của hơn 61.000 quân nhân Úc, trong đó có 521 người đã hy sinh, hơn 3000 người bị thương tật trong cuộc chiến, mà còn là nước mắt tủi nhục, là cuộc chiến kiên cường bất khuất của cựu chiến binh Úc và Đồng Minh - trong đó có các cựu quân nhân QLVNCH tại Úc - trên mặt trận tư tưởng trong suốt bao năm qua, để đánh bại các thế lực phản chiến thiên tả đã làm mưa gió trong suốt hai thập niên 1960, 1970.

    Khởi đầu vào tháng 8 năm 1962 và chấm dứt vào tháng 12 năm 1972, cuộc tham chiến của lực lượng Úc-đại-lợi tại miền nam Việt Nam đã được ghi nhận là “cuộc tham chiến dài nhất trong lịch sử Quân Lực Hoàng Gia Úc-đại-lợi”. Không chỉ dài nhất mà còn gây tranh luận gay gắt nhất, và gây chia rẽ trầm trọng nhất tại quốc gia này.

    Vào thời gian của cao trào phản chiến, những năm đầu thập niên 1970, mỗi khi có phi cơ chở các lực lượng Úc rút quân về nước đáp xuống Căn cứ Không quân Fairbairn ở gần thủ đô Canberra, cho dù đã phải đáp trong đêm tối, đã luôn luôn bị các lực lượng phản chiến thiên tả “dàn chào” ở ngoài cổng để nhục mạ.

    Nhưng cuối cùng, chính nghĩa đã thắng, cho dù không thắng ngoài chiến địa cũng thắng trên chính trường, và quan trọng không kém, trong lòng người. Giữa thập niên 1980, cùng với phong trào “Welcome Home” ở Hoa Kỳ để vinh danh các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, danh dự của các chiến sĩ đồng minh Úc cũng được phục hồi.



    Cuộc tuần hành “Welcome Home” tại Sydney (1987)

    Ngày 3 tháng 10 năm 1987 tại Sydney, thành phố lớn nhất nước Úc, đã diễn ra cuộc tuần hành vĩ đại với sự góp mặt của trên 25.000 cựu chiến binh Úc từng tham chiến tại Việt Nam, dẫn đầu bởi thân nhân ruột thịt của trên 500 chiến binh đã hy sinh, trên tay mỗi người cầm một lá quốc kỳ Úc “thay mặt cho người đã chết”, trước sự hoan hô nồng nhiệt của hàng trăm nghìn người dân Úc xuống đường để chào mừng. Tiếp theo là các cuộc tuần hành tại các thành phố thủ phủ tiểu bang khác, như Melbourne, Adelaide, Brisbane, Perth... và sau cùng tại thủ đô Canberra vào năm 1992.

    [Chính khí thế của các cựu chiến binh, sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng trong cuộc tuần hành vĩ đại nói trên tại Sydney đã dẫn đưa tới việc Thủ tướng Úc Bob Hawke công bố quyết định lấy ngày 18 tháng 8 hàng năm, ngày kỷ niệm chiến thắng Long Tân (Long Tan Day) làm Ngày cựu chiến binh Úc tham chiến tại Việt Nam (Vietnam Veterans Day)]

    Điều cần ghi nhận là tất cả các cuộc tuần hành nói trên đều có sự tham gia đông đảo của tập thể cựu quân nhân QLVNCH tại Úc.

    Tới tháng 9 năm 2012, kỷ niệm 50 năm (1962-2012) ngày Quân Lực Hoàng gia Úc-đại-lợi tham chiến tại Việt Nam, người Việt quốc gia tại Úc đã tổ chức nhiều sinh hoạt đặc biệt để vinh danh và tri ân các lực lượng Úc đã góp phần mồ hôi xương máu trong công cuộc chiến đấu bảo vệ lý tưởng Tự Do tại miền Nam Việt Nam, chống lại cuộc xâm lược của cộng sản Bắc Việt.

    Năm nay, nhâp dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Long Tân, chúng tôi mời độc giả cùng điểm lại cuộc tham chiến đầy chính nghĩa ấy của Quân Lực Hoàng gia Úc-đại-lợi tại miền Nam VN.

    TIỀN ĐỒN của THẾ GIỚI TỰ DO

    Năm 1957, thời gian cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai khối tư bản và cộng sản đã tới giai đoạn gay gắt, quyết liệt nhất, miền nam Việt Nam - tức Việt Nam Cộng Hòa - trở thành tiền đồn chống cộng của Thế Giới Tự Do, Tổng thống Ngô Đình Diệm, vị Tổng thống tiên khởi của Việt Nam Cộng Hòa, mở cuộc công du Hoa Kỳ và nhiều quốc gia đồng minh.



    Tổng thống Ngô Đình Diệm công du Úc-đại-lợi năm 1957, được
    Tổng Toàn quyền Úc - Thống chế
    William Slim (mép trái) và
    Thủ tướng Robert Menzies (đi phía sau) chào đón


    Ngày 2/9/1957, Tổng thống Ngô Đình Diệm tới Úc, được cả đảng Tự Do của đương kim Thủ tướng Robert Menzies lẫn đảng Lao Động hết lòng ủng hộ. Sau khi đọc diễn văn tại lưỡng viện Quốc Hội, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã được trao tặng huân chương danh dự Knight Grand Cross of the Order of St Michael and St George, là huân chương cao quý nhất dành cho những người không phải thần dân của Nữ hoàng Anh.

    Tới năm 1962, sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam - lúc đó núp dưới danh xưng “Đảng Lao Động Việt Nam” - cho thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (MTDTGPMN), mở màn cho cuộc chiến tranh du kích với âm mưu lật đổ chính phủ VNCH, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã chính thức yêu cầu sự trợ giúp của các nước đồng minh trong Thế Giới Tự Do. Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên đáp ứng qua việc gửi các cố vấn quân sự tới miền nam Việt Nam. Sau đó lần lượt là 4 thành viên khác trong khối SEATO (Southeast Asia Treaty Organisation: Liên Phòng Đông Nam Á) gồm Úc-đại-lợi, Tân-tây-lan, Phi-luật-tân, và Thái-lan. Về phía các đồng minh không nằm trong khối SEATO có Đại Hàn Dân Quốc (Nam Hàn) và Trung Hoa Dân Quốc (Đài-loan).

    Trong số 7 đồng minh nói trên, chỉ có Hoa Kỳ, Úc-đại-lợi, Tân-tây-lan, Nam Hàn, và Thái-lan gửi các đơn vị tác chiến. Còn Trung Hoa Dân Quốc chỉ gửi một Phái bộ Cố vấn Chiến Tranh Chính Trị, và Phi-luật-tân gửi các toán Dân sự vụ.

    Úc-đại-lợi và Tân-tây-lan cũng là hai thành viên thân thiết nhất với Hoa Kỳ, bởi vì trước đó, vào năm 1951, ba quốc gia này đã cùng nhau ký kết Hiệp Ước An Ninh Hỗ Tương ANZUS (Australia - New Zealand - United States).

    Sự tham dự của Úc-đại-lợi vào cuộc chiến Việt Nam được thực hiện qua hai lĩnh vực: cố vấn quân sự và tác chiến.

    I- Cố vấn Quân sự (1962-1972):

    Không một ai, kể cả người Mỹ, có thể phủ nhận thực tế: trong cả khối Thế Giới Tự Do, không quân đội nước nào có khả năng “chống du kích” chuyên nghiệp và hữu hiệu cho bằng quân đội Úc. Khả năng ấy có được là nhờ truyền thống sẵn có và tích lũy kinh nghiệm trong thời gian tham gia cuộc chiến chống phiến quân cộng sản tại Mã-lai, từ năm 1955 tới 1960.

    Cuộc chiến này được người Anh gọi là “The Malayan Emergency”, khởi sự vào năm 1948. Lực lượng địch là “Giải phóng quân” của Đảng Cộng Sản Mã-lai. Tự cái tên gọi “Giải phóng quân” đã cho thấy có bàn tay của Trung Cộng nhúng vào. Trên thực tế, lãnh tụ Chin Peng (Trần Bình) và đa số “Giải phóng quân” cùng những kẻ ủng hộ đều là người gốc Hoa.

    Thời gian mấy năm đầu, tình hình ngày càng trở nên tồi tệ với các cuộc tấn công của quân phiến loạn nhắm vào lực lượng Anh – Mã-lai, cùng với các cuộc khủng bố, ám sát (trong số người bị ám sát, có cả Cao Ủy Anh tại Mã-lai).



    Một toán tiền sát chống du kích của Úc tại Mã Lai

    Nhưng từ khi quân Úc được đưa sang thì gió bắt đầu xoay chiều. Lợi thế của hình thái chiến tranh du kích dựa vào yếu tố “ta thấy địch mà địch không thấy ta”. Từ đó, người Úc nhận định: nếu cứ giữ thế thủ, sẽ không bao giờ đánh bại được du kích quân cộng sản, mà phải săn lùng địch và chủ động tấn công. Những gì xảy ra tại miền Nam Việt Nam sau này đã chứng minh khả năng chống du kích “thần sầu quỷ khốc” của quân Úc; qua đó, yếu tố “ta thấy địch mà địch không thấy ta” thay vì là sở trường của “du kích quân” Việt Cộng, đã trở thành ưu điểm của “phản du kích quân” Úc!

    Theo cuốn “Vietnam” của sử gia quân đội Paul Ham, trong một cuộc hội thảo giữa hai phía Hoa Kỳ và Úc diễn ra tại Canberra vào tháng 5 năm 1962, chính Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk đã phải nhìn nhận “lực lượng quân sự Mỹ biết rất ít về chiến thuật chống du kích trong rừng núi”, và yêu cầu sự trợ giúp của phía Úc.

    Kết quả, một đơn vị cố vấn Úc tại Việt Nam được cấp tốc thành lập, với danh xưng “Australian Army Training Team in Vietnam” (AATTV), thường được người Úc gọi một cách ngắn gọn là “The Team”, do Đại tá Francis Philip “Ted” Serong, một người hùng quân đội (từng được ân thưởng huân chương OBE), chuyên gia chống du kích nổi tiếng bậc nhất của Úc, cầm đầu.





    Toán Cố Vấn Úc tới Việt Nam (1962)

    Ngày 31/7/1962, Đại tá Serong tới Sài Gòn, và ba ngày sau, toán cố vấn đầu tiên của The Team gồm 30 người (15 sĩ quan và 15 hạ sĩ quan) có nhiều kinh nghiệm chống du kích ở Mã-lai đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Nhiệm vụ chính của The Team là phối hợp với các cố vấn Mỹ (MACV) trong việc huấn luyện quân đội VNCH về chiến thuật chống du kích; vì thế, đa số thành viên của The Team đã được ưu tiên đưa tới các trại Dân sự Chiến đấu (CIDG: Civilian Irregular Defense Group, người Việt thường gọi là Biệt kích Mỹ).

    Nhìn chung, sự phối hợp giữa The Team và các cố vấn Mỹ được mô tả là tốt đẹp, tuy nhiên cũng không thể tránh khỏi những bất đồng, thậm chí đụng độ, từ cấp thấp nhất tới cấp cao nhất. Hiện nay, tài liệu quân sử của Úc vẫn còn ghi lại cuộc “đụng độ nảy lửa” (nguyên văn: violent challenge) trong một buổi hội thảo về đề tài “chống du kích quân cộng sản”, tổ chức tại Ngũ Giác Đài ngày 23/5/1963, giữa Đại tá Ted Serong với Trung tướng Victor “Brute” Krulak – một người hùng của TQLC Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên.

    Thế nhưng trên chiến trường, hai phía đồng minh đã luôn luôn sát cánh. Ngày 6/7/1964, trong lúc chống trả cuộc tấn công của lực lượng Việt Cộng và quân chính quy Bắc Việt vào trại Biệt kích Nam Đồng gần biên giới Lào, Chuẩn úy Kevin Conway của The Team và Thượng sĩ Nhất Gabriel Alamo của Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ (USSF: US Special Forces, tức Green Berets) đã anh dũng hy sinh, xác nằm bên nhau trong một cái hố chiến đấu ở hàng rào phòng thủ.

    Chuẩn úy Kevin Conway được ghi nhận là quân nhân Úc đầu tiên hy sinh trong lúc chiến đấu tại Việt Nam.



    Đại tá Serong quan sát vị trí Chuẩn úy Conway hy sinh

    Cũng theo tài liệu của Úc, Thượng sĩ Nhất Gabriel Alamo bị tử thương ngay trong đợt tấn công đầu tiên của quân cộng sản; còn lại một mình, Chuẩn úy Kevin Conway đã bình tĩnh sử dụng khẩu súng cối để “rót” một cách vô cùng chính xác lên đầu địch quân. Địch quân càng tới gần, tầm đạn càng thu ngắn; cuối cùng, khi địch tràn vào hàng rào phòng thủ, Kevin Conway đã bắn thẳng lên trời, để đạn cối rớt xuống đầu địch, và xuống cả cái hố của mình. Kết quả, địch quân đã không thể tiến xa hơn, và phải rút lui trước sức chiến đấu của lực lượng phòng thủ.

    Trước hành động chiến đấu dũng cảm và gương hy sinh anh hùng của cố Chuẩn úy Kevin Conway, Đại tá Ted Serong đã gửi bản đề nghị xin truy tặng huân chương Victoria Cross – huân chương cao quý nhất của Úc do vị Tổng Toàn Quyền đại diện Nữ hoàng quyết định và trao gắn - nhưng đơn đã bị Bộ Quốc Phòng Úc bác.

    Theo hồi ký của Đại tá Ted Serong (sau này lên cấp Chuẩn tướng), nguyên nhân đơn bị bác là vì trên nguyên tắc, việc người Mỹ sử dụng lực lượng Dân sự Chiến đấu (Biệt kích Mỹ) là bất hợp pháp, cho nên họ đã giữ bí mật tới mức tối đa. Vì thế, việc truy tặng huân chương Victoria Cross cố Chuẩn úy Kevin Conway cùng với bản tuyên dương công trạng (bắt buộc phải có), chẳng khác nào “vạch áo cho người xem lưng”!

    VIẾT THÊM: Ngày ấy, cũng vì hoạt động bí mật của lực lượng Dân sự Chiến đấu (Biệt kích Mỹ), cho nên đã không có cơ quan truyền thông nào tường thuật đầy đủ về trận phản công đẫm máu ở trại Biệt kích Nam Đồng, cách Đà Nẵng 50 cây số về hướng tây, nằm sát biên giới Lào – Việt. Trong hai ngày 5 và 6/7/1964, một lực lượng lực địch khoảng 1000 tên, gồm quân chính quy Bắc Việt và Việt Cộng địa phương, mở cuộc tấn công Trại, do 300 biệt kích người Kinh, 60 biệt kích người Nùng, 12 quân nhân LLĐB Mỹ và một cố vấn Úc (Chuẩn úy Kevin Conway) trấn giữ. Kết quả, sau hai ngày giao tranh đẫm máu, địch vẫn không chiếm được trại, phải rút lui, để lại 63 xác chết tại trận (chưa kể số xác chết được đồng bọn mang theo); thiệt hại của lực lượng bạn gồm 115 biệt kích Việt chết và bị thương, 10 quân nhân đồng minh tử thương, gồm 9 người Mỹ và một người Úc duy nhất có mặt tại trại – tức Chuẩn úy Kevin Conway.

    * * *

    Trở lại với The Team, tới tháng 9/1964, tổng số lên tới 73 người, rồi 112 người vào tháng 6/1965, và cuối cùng là 217 người vào tháng 11/1970.

    Nhiệm vụ chính của The Team là cố vấn trực tiếp tại mặt trận - viết một cách chính xác hơn là vừa cố vấn vừa chiến đấu – và cũng có khi chỉ huy các toán Biệt kích người Thượng. Các thành viên của The Team được phân bổ đi khắp nơi, thường hoạt động riêng lẻ (như trong trường hợp Chuẩn úy Kevin Conway), hoặc hai người; chỉ trong trường hợp đặc biệt mới kết hợp thành toán, nhưng cũng không quá 10 người. Lần duy nhất có sự tham dự đông đảo của các thành viên là buổi lễ đón nhận huân chương cao quý US Army Meritorious Unit Commendation của Hoa Kỳ, do Đại tướng Abrams, Tư lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, trao tại thị xã Vũng Tàu ngày 30/9/1970.

    Đầu năm 1971, The Team mở khóa huấn luyện chống du kích đầu tiên cho các quân nhân QLVNCH tại Jungle Warfare Training Centre ở Núi Đất, thuộc tỉnh Phước Tuy. Phải chi phía Hoa Kỳ nhờ người Úc làm công việc này từ giữa thập niên 1960, công việc chống lại du kích quân cộng sản ở miền nam VN đã tốt đẹp hơn rất nhiều!



    Năm 1972, khi Lực Lượng Đặc Nhiệm của Úc đã rút hết về nước, The Team vẫn tiếp tục ở lại Việt Nam, với nhiệm vụ huấn luyện chiến thuật chống du kích cho phía VNCH và Quân đội Quốc gia Khmer.

    The Team chỉ chấm dứt hoạt động vào ngày 18/12/1972, được ghi nhận là đơn vị Úc phục vụ tại Việt Nam lâu nhất (trên 10 năm), và cũng là đơn vị có tỷ lệ quân nhân được ân thưởng huy chương cao nhất, trong đó có bốn người được huân chương cao quý Victoria Cross.

    II- Lực lượng tham chiến (1965 –1972):

    Ngày 8/8/1964, một phi đội vận tải cơ Caribou hạ cánh xuống phi trường Vũng Tàu và đặt căn cứ tại đây, được ghi nhận là đơn vị đầu tiên của Quân Lực Hoàng Gia Úc-đại-lợi tới tham chiến tại Việt Nam. Từ đó cho tới cuối năm 1972, hơn 61.000 quân nhân thuộc Hải, Lục, Không Quân Úc đã lần lượt tới phục vụ tại Việt Nam, và trong số ấy, 521 người đã hy sinh vì lý tưởng Tự Do.

    A- Lục Quân:

    Ngày 29/4/1965, Thủ tướng Úc Robert Menzies (đảng Tự Do) loan báo việc chính phủ Úc chính thức nhận được yêu cầu từ phía Hoa Kỳ trong việc gia tăng yểm trợ quân sự, và chính phủ Úc quyết định gửi một tiểu đoàn bộ binh sang chiến đấu tại Việt Nam, vì theo lời ông Menzies,“việc Cộng Sản chiến thắng tại miền nam Việt Nam sẽ là mối đe dọa về mặt quân sự trực tiếp vào nền an ninh của Úc”.

    Hơn một tháng sau, Tiểu Đoàn 1 thuộc Trung Đoàn Hoàng Gia Úc-đại-lợi (1st Batallion, Royal Australian Regiment, viết tắt là 1 RAR), cùng với một chi đội thiết vận xa M-113 và các đơn vị tiếp liệu, đã được mẫu hạm HMAS Sydney vận chuyển sang Việt Nam.

    Sau khi tới nơi, Tiểu Đoàn 1 hoạt động với tư cách một đơn vị trực thuộc Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ, địa bàn hoạt động là lãnh thổ tỉnh Biên Hòa.

    Mặc dù Tiểu Đoàn 1 cũng đã đánh vài trận với tư cách một đơn vị độc lập, sau đó cả hai phía Mỹ - Úc đã cùng nhau thỏa thuận: các đơn vị Úc được đưa tới Việt Nam trong tương lai sẽ được trao toàn bộ trách nhiệm lãnh thổ một tỉnh nào đó, để họ có thể “đánh giặc theo kiểu Úc”, không liên hệ gì tới các đơn vị của Hoa Kỳ.

    Tháng 4 năm 1966, Lực Lượng Đặc Nhiệm 1 Úc-đại-lợi (1st Australian Task Force, viết tắt là 1 ATF) tới Việt Nam, đặt bản doanh tại Núi Đất, tỉnh Phước Tuy, và Tiểu Đoàn 1 chấm dứt trực thuộc Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ để trở thành một đơn vị trong Lực Lượng Đặc Nhiệm.

    Lực Lượng Đặc Nhiệm này tương đương một đơn vị cấp Lữ Đoàn (Brigade) của Hoa Kỳ, gồm 3 tiểu đoàn bộ binh - gồm các Tiểu Đoàn 1, 3, 4, 5, 6, 7, và 8 của Trung Đoàn Hoàng Gia (tức 1 RAR, 3 RAR, 4 RAR, 5 RAR , 6 RAR, 7 RAR, 8 RAR) luôn phiên phục vụ - cộng với một chi đoàn thiết vận xa M-113, một đội biệt kích SAS, cùng nhiều đơn vị yểm trợ đặt dưới sự điều động của Liên Đoàn 1 Yểm Trợ Tiếp Vận (1st Australian Logistics Support Group) đặt căn cứ tại Vũng Tàu. Tới cuối năm 1967, Lực Lượng Đặc Nhiệm được tăng cường một thiết đoàn chiến xa hạng trung Centurion.



    Một toán Biệt kích SAS của Úc tại Phước Tuy

    Về nhiệm vụ, Lực Lượng Đặc Nhiệm Úc được trao toàn bộ trách nhiệm gìn giữ an ninh lãnh thổ tỉnh Phước Tuy, trừ một vài thị trấn lớn do phía VNCH chịu trách nhiệm.

    B- Không Quân:

    Tính tới năm 1967, Không Lực Hoàng Gia Úc đã có 3 phi đoàn tới hoạt động tại Việt Nam, gồm:

    - Phi Đoàn 35 Vận Tải (No.35 Transport Squadron)

    Tiền thân là phi đội vận tải cơ Caribou tới Vũng Tàu vào tháng 8/1964 đã nhắc tới ở đoạn đầu. Do nhu cầu đòi hỏi, ngày 1/6/1966, phi đội này được nâng cấp với danh xưng No.35 Transport Squadron (Phi Đoàn 35 Vận Tải), đồn trú tại phi trường dã chiến Luscombe Field gần căn cứ Núi Đất. Tuy nhiên với đa số quân nhân Úc phục vụ tại Việt nam, họ thích gọi, và cho tới nay vẫn còn nhớ, phi đoàn này bằng nickname “Wallaby Airlines” (Hàng Không Wallaby).

    [Wallaby là một loài động vật đặc thù ở Úc, cùng họ “đại thử” (chuột túi) với con kangaroo nhưng nhỏ hơn]


    Caribou của Phi Đoàn 35 Vận Tải và trẻ em VN

    Với khả năng đáp và cất cánh trên những phi đạo thô sơ, cực ngắn của các vận tải cơ Caribou, nhiệm vụ chính của Phi Đoàn 35 Vận Tải là tiếp tế cho các Trại Biệt Kích Mỹ ở Vùng 2 và vùng 3 Chiến Thuật, cũng như cho các toán cố vấn Úc (của The Team) ở vùng Tây Nguyên.

    * Phi Đoàn 9 Trực Thăng (No. 9 Helicopter Squadron)

    Nhân viên cùng với các trực thăng UH-1 của Phi Đoàn 9 Trực Thăng được mẫu hạm HMAS Sydney vận chuyển tới Vũng Tàu ngày 6/6/1966, và tới cuối tháng, bay tới đồn trú ở căn cứ Núi Đất.

    Nhiệm vụ của Phi Đoàn 9 Trực Thăng rất đa dạng, từ đổ quân, vận chuyển thương binh tới tiếp tế đạn dược cho chiến trường, từ rải truyền đơn kêu gọi chiến binh cộng sản hồi chánh cho tới xịt thuốc khai quang tiêu diệt hoa màu trong các mật khu của Việt Cộng.



    Các binh sĩ Tiểu Đoàn 7 RAR và UH-1 của Phi Đoàn 9 trực thăng


    Từ năm 1967, sau khi được trang bị loại UH-1 đời mới, có trọng tải lớn hơn, Phi Đoàn 9 Trực Thăng còn phối hợp với Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Hoàng Gia Úc tại Việt Nam (Royal Australian Navy Helicopter Flight - Vietnam) và lực lượng trực thăng của Lục Quân Hoa Kỳ thực hiện những phi vụ cực kỳ nguy hiểm là đổ và bốc những toán tiền sát của QLVNCH trong lãnh thổ Vùng 3 Chiến Thuật, và sang cả bên kia biên giới Việt – Miên. Trong thời gian thi hành nhiệm vụ này, một số phi cơ của Phi Đoàn 9 Trực Thăng đã bị hỏa lực địch bắn hạ và bị thiêu hủy hoàn toàn.

    Tính tới ngày 17/12/1971 - ngày phi đội cuối cùng của Phi Đoàn 9 Trực Thăng rời Vũng Tàu - đã có 7 nhân viên phi hành hy sinh.

    * Phi Đoàn 2 Oanh Tạc (No. 2 Bomber Squadron):

    Phi Đoàn 2 Oanh Tạc được trang bị oanh tạc cơ tầm xa Canberra (tức B-57 trong Không Lực Hoa Kỳ và Không Lực VNCH), tới Việt Nam năm 1967, đồn trú tại Căn Cứ Không Quân Phan Rang. Phi Đoàn hoạt động phối hợp với Không Đoàn 35 Chiến Thuật (35th Tactical Fighter Wing) của Không Lực Hoa Kỳ trong các nhiệm vụ: oanh tạc đường mòn Hồ Chí Minh, cơ sở hậu cần, vị trí đóng quân của Việt Cộng và quân chính quy Bắc Việt trong nội địa Việt Nam, đôi khi cả bên kia biên giới Việt – Miên.


    Oanh tạc cơ Canberra của Phi Đoàn 2 Oanh Tạc tại CCKQ Phan Rang


    Phi Đoàn 2 Oanh Tạc rời Việt Nam ngày 14/7/1971. Trong thời gian 4 năm phục vụ tại Việt Nam, Phi Đoàn 2 Oanh Tạc đã mất 2 phi cơ và 5 nhân viên phi hành.

    Ngoài 3 phi đoàn đồn trú thường trực vừa kể, tại Việt Nam, Không Lực Hoàng Gia Úc còn có những biệt đội vận tải sử dụng vận tải cơ C-130 Hercules của hai Phi Đoàn 36 và 37 Vận Tải (No.36, No.37 Transport Squadron) đặt hậu cứ ở Úc.

    Nhiệm vụ chính của Phi Đoàn 36 Vận Tải là vận chuyển binh sĩ, vũ khí, tiếp liệu cho các đơn vị Úc, và đôi khi vận chuyển quân nhân và thường dân Việt Nam.

    Phi Đoàn 37 Vận Tải, với các phi cơ C-130 được trang bị đặc biệt, có nhiệm vụ chính là cấp cứu, chuyên chở thương binh.

    Ngoài ra, Không Lực Hoàng Gia Úc còn biệt phái một toán gồm 6 nhân viên phi hành tới bay chung trên các phản lực cơ F-4 Phamtom (2 chỗ ngồi) của Không Lực Hoa Kỳ trong các phi vụ chiến đấu và không thám. Đồng thời, Úc cũng cung cấp những tiền sát viên phi hành (FAC: forward air controllers) bay chung với phía Hoa Kỳ trong các phi vụ hướng dẫn phi cơ oanh kích và chấm tọa độ cho pháo binh.

    Sau cùng, không thể không nhắc tới đoàn Nữ Y Tá Phi Hành của Không Lực Hoàng Gia Úc (RAAF Nursing Service), đặc trách việc chăm sóc các thương binh trên phi cơ, di chuyển trong nội địa Việt Nam hoặc trên đường bay về Úc.

    Về lực lượng không phi hành (non-flying) tại Việt Nam, Không Lực Hoàng Gia Úc có Phi Đoàn 5 Tạo Tác (No. 5 Airfield Construction Squadron) đảm trách công việc xây cất tại hai căn cứ Vũng Tàu và Phan Rang; và lực lượng phòng thủ căn cứ (Air Defence Guards) tại hai căn cứ không quân nói trên.

    * * *

    Ngoài các lực lượng phi hành kể trên, tại miền nam Việt Nam ngày ấy còn có hai đơn vị phi hành đặc biệt của Lục Quân và Hải Quân Úc. Đó là Phi Đội Quan Sát Độc Lập 161 (161 Independent Reconnaissance Flight) của Lục Quân và Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Hoàng Gia Úc tại Việt Nam (The Royal Australian Navy Helicopter Flight – Vietnam) của Hải Quân.

    * Phi Đội Quan Sát Độc Lập 161:

    Sau khi Tiểu Đoàn 1 của Trung Đoàn Hoàng Gia Úc-đại-lợi (1 RAR) tới Việt Nam vào tháng 6/1965, mặc dù nằm dưới quyền điều động của Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ, các giới chức Lục Quân Úc vẫn cho thành lập một phi đội quan sát để yểm trợ hoạt động của Tiểu Đoàn 1, mang danh xưng Phi Đội Quan Sát Độc Lập 161 (161st Independent Reconnaissance Flight, thường được viết, gọi tắt là 161st Recce Flight). Phi Đội bắt đầu hoạt động vào tháng 9/1965, đặt căn cứ tại Biên Hòa.

    Phi đội có danh hiệu truyền tin (callsign) là “Possums” (một loại chuột sóc đặc biệt ở Úc châu), sử dụng nhiều loại phi cơ khác nhau, từ trực thăng Sioux cổ lỗ sĩ tới phi cơ liên lạc Cessna 180, từ phi cơ quan sát O-1 Bird Dog (tức L-19) tới phi cơ liên lạc bán phản lực PC-6 Turbo Porter...



    “Bản doanh” Phi Đội Quan Sát Độc Lập 161

    Qua năm 1966, cùng với việc Tiểu Đoàn 1 của Trung Đoàn Hoàng Gia sát nhập vào Lực Lượng Đặc Nhiệm Úc, Phi Đội Quan Sát Độc Lập 161 cũng di chuyển về Núi Đất. Bên cạnh nhiệm vụ chính là yểm trợ cho Lực Lượng Đặc Nhiệm Úc, Phi Đội còn phối hợp yểm trợ các đơn vị Đồng Minh, như Sư Đoàn 9 Đại Hàn (tức Sư Đoàn “Bạch Mã”, đóng tại Tuy Hòa, Phan Rang, Bình Định...).

    Trong hơn 4 năm hoạt động tại Việt Nam, Phi Đội Quan Sát Độc Lập 161 đã mất 12 phi cơ và 3 phi công hy sinh.

    * Phi Đội Trực Thăng Hải Quân:

    Vào giữa thập niên 1960, Hải Quân Hoàng Gia Úc chỉ có một phi đội trực thăng “tác chiến” duy nhất với nhiệm vụ dò tìm tàu ngầm địch trong vùng lãnh hải của Úc. Họ hoàn toàn xa lạ với những phi vụ yểm trợ hoặc phối hợp với các lực lượng trên đất liền.

    Sau khi xảy ra trận Long Tân vào tháng 8/1966, chính phủ Tự Do đã cho tăng cường lực lượng tham chiến tại Việt Nam. Thời gian này, Hải Quân Úc hầu như vẫn đứng vòng ngoài với những chiến hạm biệt phái cho Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ, vì thế Thủ tướng Úc Harolt Hold đã quyết định Hải Quân Úc phải trực tiếp tham chiến bằng phi cơ, đưa tới việc thành lập thêm một phi đội trực thăng “tác chiến” của Hải Quân với nhiệm vụ chiến đấu tại Việt Nam.

    Kết quả, vào tháng 4/1967, 46 chàng trai ưu tú nhất trong ngành phi hành của Hải Quân Úc đã được gọi về New South Wales để thành lập Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Hoàng Gia Úc tại Việt Nam (The Royal Australian Navy Helicopter Flight – Vietnam).

    Họ gồm 12 phi công, 10 xạ thủ, và 24 cơ khí viên phi hành (cơ phi), hầu hết xuất thân từ Phi Đoàn 723 của Hải Quân Hoàng Gia Úc. Tổng số nhân viên của Phi Đội về sau lên tới hàng trăm, tức là một lực lượng tương đương với một Phi Đoàn của Mỹ hay VNCH, cho nên cũng không có gì ngạc nhiên khi vị chỉ huy Phi đội là một sĩ quan cao cấp: Hải Quân Đại Tá Neil Ralph.

    Sau mấy tháng thực tập để làm quen với những phi vụ trên đất liền, Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Úc được đưa tới Vũng Tàu vào tháng 10/1967. Để tránh bỡ ngỡ trong thời gian đầu, Phi Đội được Bộ Tư Lệnh Đồng Minh tại Việt Nam cho hoạt động chung với Phi Đoàn 135 Trực Thăng của Lục Quân Hoa Kỳ tại Vùng 3 Chiến Thuật. Phi Đoàn này chuyên về tấn công yểm trợ hơn là chuyển quân, cho nên Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Úc đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm xương máu!

    Tháng 12/1967, Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Úc di chuyển vể căn cứ Blackhorse ở tỉnh Long Khánh để đặc trách việc yểm trợ Sư Đoàn 18 Bộ Binh QLVNCH. Từ năm 1970, do nhu cầu chiến trường đòi hỏi cũng như do “tiếng thơm” đã đạt được, Phi Đội còn mở rộng hoạt động xuống tận U Minh ở Vùng 4 Chiến Thuật, và tham dự cuộc hành quân đại quy mô của QLVNCH sang lãnh thổ Căm-bốt, với nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm là đưa đón các toán trinh sát của Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân.



    Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Úc


    Qua thời gian 4 năm phục vụ tại Việt Nam, Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Úc đã được ghi nhận là đơn vị tham dự nhiều trận đánh đẫm máu nhất, và có tỷ lệ thương vong cao nhất trong số tất cả mọi đơn vị Úc tham chiến tại Việt Nam.

    Phi Đội cũng tạo hai thành tích “đầu tiên” sau đây:

    - Ngày 19/11/1967, Hải Quân Trung Úy phi công Cassidio, lái chiếc một trực thăng võ trang UH-1C của Phi Đội, liều chết đáp xuống tiếp cứu hai chiếc UH-1H của phía Hoa Kỳ bị địch bắn hạ. Trở về, Trung Úy Cassidio được Bộ Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại Việt Nam ân thưởng Phi Dũng Bội Tinh Hoa Kỳ (American Distinguished Flying Cross), huân chương cao quý mà cho tới lúc đó, chưa một nhân viên phi hành nào của chính Phi Đoàn 135 Trực Thăng của Lục Quân Hoa Kỳ được ân thưởng!

    Điều đáng buồn là 9 tháng sau, ngày 21/8/1968, trong phi vụ giải cứu một đơn vị VNCH bị lọt ổ phục kích địch ở Bình Tuy, chiếc trực thăng võ trang của Trung úy Cassidio bị bắn hạ. Ông cùng với một người xạ thủ bị chết cháy theo tàu!

    - Trước đó, vào ngày 12/2/1968, trong phi vụ yểm trợ một lực lượng của Sư Đoàn 18 Bộ Binh đang giao tranh với địch, chiếc trực thăng võ trang UH-1H của Hải Quân Trung Tá Patrick Vicker bị trúng đạn phòng không của địch. Mặc dù bị thương nặng, Trung Tá Vicker cũng cố gắng lái phi cơ về đáp ở đơn vị bạn gần nhất, để rồi vài tiếng đồng hồ sau đó tắt thở vì thương tích ở ngực và bụng.

    Ông được ghi nhận là phi công đầu tiên của Úc tử trận tại Việt Nam.

    C- Hải Quân:

    So sánh với Lục Quân và Không Quân, sự tham gia của Hải Quân Hoàng Gia Úc vào cuộc chiến Việt Nam được xem là mang tính cách yểm trợ nhiều hơn là tham chiến – trừ Phi Đội Trực Thăng Hải Quân vừa đề cập tới ở trên.

    Bắt đầu từ năm 1962, cùng với việc toán cố vấn Úc (The Team) tới phục vụ tại Việt Nam, các khu trục hạm của Hải Quân Úc cũng thay phiên nhau cập bến Sài Gòn với mục đích tuyên truyền, thể hiện sự ủng hộ của “Đồng Minh Úc-đại-lợi” dành cho VNCH.

    Tháng 5/1965, “tuyến phà Vũng Tàu” (Vung Tau Ferry) được “khai trương” với chuyến cập bến lần đầu tiên của mẫu hạm HMAS Sydney, vận chuyển Tiểu Đoàn 1 của Trung Đoàn Hoàng Gia Úc (1 RAR), cùng với chi đội thiết vận xa M-113 và các đơn vị tiếp liệu tới Vũng Tàu.

    HMAS Sydney (số hiệu: R17) nguyên là một trong hai mẫu hạm của Hải Quân Hoàng Gia Úc, mua lại từ Hải Quân Hoàng Gia Anh sau Đệ nhị Thế chiến (chiếc kia là HMAS Melbourne, số hiệu R21).



    HMAS Sydney (Vung Tau Ferry) trên đường tới Việt Nam

    Vì không có khả năng tiếp nhận các loại phi cơ hiện đại, tới đầu thập niên 1960, HMAS Sydney được biến cải thành tàu vận chuyển, và từ năm 1965 tới năm 1972, đã thực hiện 23 chuyến hải hành từ Úc tới Vũng Tàu, vì thế đã được các quân nhân Úc tặng nickname “Vung Tau Express” (Tàu tốc hành Vũng Tàu). Mỗi “chuyến tàu tốc hành” ấy đều được một lực lượng của Hải Quân Úc hộ tống, có lần gồm cả mẫu hạm HMAS Melbourne.

    [Về sau, vào năm 1975, HMAS Sydney được bán cho Nam Hàn, và hơn 10 năm sau, tới lượt HMAS Melbourne cũng được bán cho Trung Cộng để lấy sắt vụn]

    Về chiến hạm, từ năm 1966 tới năm 1971, bốn khu trục hạm của Hải Quân Úc – gồm các chiếc Hobart, Perth, Brisbane và Vendetta - đã được biệt phái tới Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ. Nhiệm vụ chính của các chiến hạm này là sử dụng hải pháo để yểm trợ lực lượng bạn trên đất liền; và tham gia chiến dịch “Sea Dragon” (tên gọi của hoạt động tấn công lãnh thổ Bắc Việt bằng hải pháo).

    Tổng cộng, trong thời gian hoạt động ngoài khơi Việt Nam, các khu trục hạm của Hải Quân Úc đã di hành 397.484 hải lý và bắn trên 100.000 viên đại bác.

    Bên cạnh hoạt động của các chiến hạm và Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Úc, không thể không nhắc tới hoạt động của các người nhái Úc trong toán CDT3 (Clearance Diving Team 3).

    CDT3 được đặc biệt thành lập để hoạt động tại Việt Nam, gồm những người nhái ưu tú được tuyển chọn từ CDT1 và CDT2. Nhiệm vụ của CDT3 là kiểm soát tàu thuyền và dò tìm, khám phá, và phá hủy bom mìn của quân cộng sản, không chỉ chung quanh các chiến hạm và hải cảng mà còn cả trên các sông ngòi. Chính nhiệm vụ nguy hiểm và khó khăn ấy đã khiến CDT3 được các đồng nghiệp Mỹ nể phục.

    III- Khả năng & Thành tích

    Ngày ấy, vì toàn bộ trách nhiệm an ninh lãnh thổ tỉnh Bình Tuy được trao cho Lực Lượng Đặc Nhiệm Úc, nên phía VNCH đã không có nhiều người biết tới cách thức đánh giặc và tài thiện chiến của quân Úc.

    Xin trích dịch một đoạn trong cuốn Vietnam của sử gia quân đội Mỹ Paul Ham viết về Tiểu Đoàn 1 của Trung Đoàn Hoàng Gia Úc-đại-lợi (1 RAR), khi còn nằm dưới sự điều động của Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ:

    “Tiểu đoàn Úc được mô tả là lực lượng tác chiến an toàn nhất trong chiến tranh Việt Nam... Các chiến binh Úc đã cho thấy họ có khả năng truy lùng địch mà không trở thành mục tiêu của các cuộc phục kích đẫm máu vốn đã khiến nhiều quân nhân Mỹ thiệt mạng...

    “Các toán tuần tiễu của Úc không bao giờ sử dụng các con đường mòn hoặc băng ngang những nơi trống trải, mà họ cẩn thận, âm thầm lần từng bước qua từng bụi tre, lùm cây rậm rạp... Không có gì bực bội cho bằng đi theo một toán tuần tiễu của Úc băng rừng. Nhiều khi mất tới 9 tiếng đồng hồ để chỉ tiến được một dặm. Họ di chuyển từng bước một, rồi dừng lại, lắng nghe, rồi bước tiếp...”

    Về phần cố nhiếp ảnh gia Neil Davis (1934-1985) nổi tiếng của Úc, người từng làm phóng viên chiến trường ở Việt Nam và Căm-bốt trong 10 năm trời, đã tuyên bố vào năm 1983:

    “Tôi vô cùng hãnh diện về quân Úc. Họ rất chuyên nghiệp, được huấn luyện rất kỹ lưỡng, và họ chỉ đánh nhau với những người mà họ được đưa tới để đánh: Việt Cộng. Họ cố gắng không để thường dân bị liên lụy, và thường có tỷ lệ thương vong thấp hơn phía Hoa Kỳ”.

    [Hai năm sau, 1985, Neil Davis bị tử thương tại Vọng-các trong lúc thực hiện phóng sự tại chỗ về một cuộc đảo chánh của quân đội Thái-lan]

    Cựu Đại tá Mỹ David Hackworth, quân nhân Hoa Kỳ được ân thưởng nhiều huy chương nhất trong chiến tranh Việt Nam (24 huy chương đủ loại) do lòng dũng cảm, đồng thời cũng là một ký giả quân đội, đã nhận xét như sau:

    “Quân Úc chỉ sử dụng những toán nhỏ để tìm địch, sau khi tìm được mới gọi viện binh tới để thanh toán. Họ điều quân với sự tin tưởng: chỉ cần một trung đội cũng đủ khả năng xoay sở khi đụng trận”.

    “Khả năng xoay sở khi đụng trận” ấy đã được chứng minh qua trận Long Tân – một chiến thắng để đời của quân Úc trước một lực lượng địch đông hơn gấp 20 lần.

    Vào thời gian này Lực Lượng Đặc Nhiệm Úc-đại-lợi mới tới đặt bản doanh ở Núi Đất được bốn tháng, công việc xây dựng căn cứ vẫn chưa hoàn tất.

    Trận đánh diễn ra trong hai ngày 18 và 19/8/1966 trong rừng cao-su gần làng Long Tân ở tỉnh Phước Tuy, giữa lực lượng Úc lúc ban đầu chỉ có 108 người và lực lượng địch từ 1500 tới 2500 quân cộng sản của Trung Đoàn 275 (Sư Đoàn 5), Tiểu Đoàn D445 Địa phương Cơ động, với sự tăng cường của ít nhất một tiểu đoàn quân chính quy Bắc Việt.

    Kết quả, phía Úc chỉ có 18 quân nhân bị thiệt mạng, phía cộng sản bỏ xác tại trận 245 tên, chưa kể số bị thương hoặc tử thương được đồng bọn mang đi.

    Cho tới nay, tỷ lệ thương vong cách biệt tới mức khó tin nói trên vẫn được website của Bộ Quốc Phòng Úc hãnh diện ghi nhận là “chưa từng có trên thế giới”!

    Trước khi xảy ra trận Long Tân, tại tỉnh Phước Tuy, lực lượng cộng sản luôn luôn ở thế chủ động, nhưng từ đó về sau, cho tới khi quân Úc rút đi, phía cộng sản chỉ còn những hoạt động du kích lẻ tẻ.

    Về phần quân Úc, cho tới khi ngưng mọi hoạt động tác chiến và bàn giao Căn cứ Núi Đất cho Quân Đội VNCH vào ngày 16/10/1971, đã tạo thêm nhiều chiến thắng oai hùng khác, tất cả đều với tỷ lệ thương vong (death ratio) 4:1 trở lên - nghĩa là 1 mạng lính Úc phải được đổi với ít nhất là 4 mạng Việt Cộng - tuy nhiên vì chiến thắng Long Tân vừa là trận đụng độ quy mô đầu tiên, vừa tạo một kỷ lục huyền thoại, cho nên mỗi khi nhắc nhớ tới cuộc tham chiến tại Việt Nam, người Úc sẽ liên tưởng ngay tới hai chữ “Long Tân”!

    PHẦN KẾT

    Cùng với phong trào phản chiến ở Úc (do tổ chức thiên tả Vietnam Moratoriums sách động) mà đỉnh cao là các cuộc xuống đường biểu tình của hàng trăm nghìn người trong hai năm 1970 và 1971, trước áp lực của cử tri và ngay trong nội bộ đảng Tự Do, ngày 18/8/1971, Thủ tướng Tự Do William McMahon đã quyết định khởi sự rút quân Úc về nước.



    Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu trao quà cho các binh sĩ Úc hồi hương


    Ngày 9/12/1971, Tiểu Đoàn 4 thuộc Trung Đoàn Hoàng Gia Úc-đại-lợi (4 RAR) là đơn vị lục quân cuối cùng lên mẫu hạm HMAS Sydney hồi hương.

    Trong khi đó, các cố vấn trong “The Team” vẫn tiếp tục ở lại Việt Nam để huấn luyện chiến thuật chống du kích cho phía VNCH và Quân đội Quốc gia Khmer. Nhưng đúng 1 năm sau, khi Thủ tướng Lao Động khét tiếng thân cộng Gough Whitlam vừa lên cầm quyền, “The Team” đã được lệnh chấm dứt hoạt động vào ngày 18/12/1972 để lên đường về Úc.

    Ngày 11/2/1973, nước Úc chính thức tuyên bố chấm dứt hoàn toàn mọi can dự vào cuộc chiến Việt Nam. Thủ tướng Gough Whitlam chính thức công nhận chế độ cộng sản Hà Nội (trước đó, ông ta cũng là nhà lãnh đạo tây phương đầu tiên công nhận chế độ cộng sản Bắc Kinh).



    Mao Trạch Đông và Thủ tướng Úc Gough Whitlam

    Cho nên cũng là một điều dễ hiểu khi quân cộng sản Bắc Việt chuẩn bị chiếm Sài Gòn vào cuối tháng 4/1975, các vận tải cơ C-130 Hercules của Không Lực Hoàng Gia Úc tới Việt Nam với nhiệm vụ di tản các nhân viên sứ quán Úc và 130 người Việt gồm nhân viên sứ quán và thân nhân (như đã hứa trước), Gough Whitlam đã tàn nhẫn ra lệnh cho các phi công Úc không được cho một người Việt nào bước lên phi cơ, với lý do “chính phủ Úc đã quyết định không nhận người tỵ nạn Việt Nam”.

    Nhưng cái rủi của người này đôi khi lại là cái may cho người khác, mà trong trường hợp này, “người khác” ấy chính là các em cô nhi trong chương trình nhân đạo “Babylift” (Operation Baybylift) do Không Lực Hoa Kỳ và Không Lực Hoàng Gia Úc thực hiện: những chỗ trống ấy đã giúp thêm khoảng 100 em được đưa ra khỏi Việt Nam trong những giờ phút hấp hối của Sài Gòn, nâng tổng số được đưa sang Úc lên 281 em, trong đó em nhỏ tuổi nhất mới lọt lòng mẹ được 10 ngày.



    Các nhân viên phi hành Úc và trẻ mồ côi VN (Operation Babylift)

    Những người may mắn kế tiếp là thuyền nhân Việt Nam. Nguyên vào tháng 4/1975, lãnh tụ đảng Tự Do kiêm Lãnh tụ Liên minh Đối lập Malcolm Fraser đã không tiếc lời chỉ trích quyết định tàn nhẫn của Thủ tướng Lao Động Gough Whitlam. Sau khi đánh bại Lao Động và trở thành Thủ tướng vào cuối năm đó, ông Malcolm Fraser đã “chuộc lỗi” của người tiền nhiệm bằng cách mở rộng vòng tay đón nhận người Việt tỵ nạn cộng sản. Kết quả, chỉ tính trong thời gian 4 năm cao điểm 1979-1982, đã có khoảng 100.000 thuyền nhân Việt Nam được Úc nhận với tư cách tỵ nạn.

    Nguyễn Hữu Thiện
    Melbourne, tháng 10/2016
    (Bổ túc, cập nhật tháng 9/2019)


    PHỤ LỤC: Thánh Giá Long Tân

    Thánh Giá Long Tân (Long Tan Cross) là một cây thánh giá đúc bằng bê-tông, cao gần 3m, nặng khoảng 100kg, là sáng kiến của Trung tá David Butler và Chuẩn úy James Cruickshank, do Trung sĩ Alan McLeand thực hiện 3 năm sau ngày xảy ra trận Long Tân, trên có tấm plaque tưởng niệm các binh sĩ Úc đã hy sinh trong trận đánh.

    Vào chiều ngày 17/8/1969, cây thánh giá được trực thăng đưa tới vị trí đã xảy ra trận đánh dưới sự bảo vệ an ninh của các binh sĩ thuộc Tiểu Đoàn 6 Trung Đoàn Hoàng Gia Úc-đại-lợi (6 RAR).



    Sáng ngày 18/8/1969, đúng 3 năm kỷ niệm trận đánh, cây thánh giá được dựng lên, và “Đài kỷ niệm Thánh Giá Long Tân” (Long Tan Cross Memorial) được “khánh thành” trong một buổi lễ đơn sơ, cảm động do một vị tuyên úy quân đội Úc chủ trì, với 10 binh sĩ đã tham dự trận đánh đứng dàn chào hai bên.

    Sau khi quân cộng sản chiếm miền Nam năm 1975, cây thánh giá đã được giáo dân VN đem đi một nơi khác rồi sử dụng làm bia tưởng niệm một vị linh mục Công Giáo (có lẽ để che dấu nguồn gốc?). Tới năm 1984, việc này bị nhà cầm quyền cộng sản khám phá, cây thánh giá bị tịch thu đưa về Viện Bảo Tàng của tỉnh Đồng Nai ở thành phố Biên Hòa.

    Năm 1989, sau khi CSVN “mở cửa”, và Úc đã trở thành một trong những quốc gia viện trợ nhiều nhất cho VN, các cựu chiến binh Úc tham chiến tại Việt Nam, thông qua Bộ Ngoại Giao Úc, đã vận động và được nhà cầm quyền CSVN chấp thuận cho tái thiết “Thánh Giá Long Tân” tại vị trí cũ ở tỉnh Phước Tuy (nay thuộc đất của tư nhân) với một thánh giá "bản sao" (replica, cao khoảng 2m).

    Từ đó, nhiều cựu quân nhân Úc cùng thân nhân, nhiều cấp lãnh đạo, và cả một số du khách không có liên hệ tới cuộc chiến, khi tới VN đã đến viếng Thánh Giá Long Tân. Đặc biệt vào mỗi dịp 18 tháng 8, một buổi truy điệu chính thức đã được tổ chức, với điều kiện không được mặc quân phục, không được đeo huy chương, và không được cử quốc thiều Úc hay bất cứ bản nhạc quân hành nào.



    Thủ tướng Úc John Howard và phu nhân thăm viếng Thánh Giá Long Tân


    Về phần cây Thánh Giá Long Tân “thật” vào giữa năm 2012 đã được Viện Bảo Tàng Đồng Nai cho Úc “mượn” để trưng bày tại viện bảo tàng Australian War Memorial ở thủ đô Canberra từ ngày 17/8, và hoàn trả cho phía Việt Nam vào tháng 4/2013.

    Năm 2016, nhân đánh dấu 50 năm trận Long Tân, Australian War Memorial đã xin “mượn” lại Thánh Giá Long Tân để tổ chức lễ kỷ niệm ở thủ đô Canberra nhưng bị từ chối. Trước tình thế này, khoảng 3,500 người Úc, gồm cựu quân nhân từng tham chiến tại VN trong đó có những người đã trực tiếp dự trận Long Tân, cùng thân nhân, và du khách Úc đã kéo nhau sang VN, để tổ chức buổi kỷ niệm 50 năm tại Thánh Giá Long Tân "bản sao".

    Nhưng mặc dù đã đóng “lệ phí 12 Úc kim” cho mỗi đầu người, vào ngày nói trên, khi đoàn người còn cách địa điểm 200m, đã bị một lực lượng công an hùng hậu ngăn chặn, bắt quay trở ra.

    Mặc dù nhà cầm quyền CSVN không cho biết lý do, nhưng mọi người đều hiểu nguyên sâu xa: việc người Úc rầm rộ kỷ niệm “chiến thắng Long Tân” chính là khơi lại vết thương lòng “bại trận” của CSVN!

    Cũng từ ngày ấy, người Úc không còn được phép tụ tập tại Thánh Giá Long Tân để cử hành bất cứ nghi thức gì.

    Việc buổi kỷ niệm bị ngăn cấm vào giờ phút chót đã khiến công chúng Úc phẫn nộ; sau đó đích thân Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã phải “nói chuyện riêng” với các nhà lãnh đạo CSVN về việc này.

    Sở dĩ phải “nói chuyện riêng” là để nhà cầm quyền CSVN không bị mất mặt, đồng thời đôi bên có thể “thương lượng” trong vòng bí mật.

    Kết quả, hơn một năm sau, vào đầu tháng 11/2017, hai tuần trước khi Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đặt chân tới VN để tham dự Hội Nghị Hợp Tác Kinh Tế Á Châu - Thái Bình Dương (APEC: Asia-Pacific Economic Cooperation) lần thứ 29, tổ chức tại Đà Nẵng, nhà cầm quyền CSVN đã âm thầm trao trả cây Thánh Giá Long Tân “thật” cho Úc. Vừa “có điểm” với chính phủ Úc, vừa “tống khứ” được một di vật biểu tượng cho chiến thắng oanh liệt của kẻ thù xưa.

    Thánh Giá Long Tân được an vị vĩnh viễn tại một phòng trưng bày trang trọng trong Australian War Memorial ở thủ đô Canberra, và vào ngày 6/12/2017, đã chính thức mở cho công chúng.



    * Tài liệu tham khảo:
    1- Military History of Australia during the Vietnam War, Wikipedia
    2- Vietnam – Australia’s Longest War, Vietnam War Veterans Association of Australia
    3- The Royal Australian Air Force and the Vietnam War, Ministry of Defense (RAAF)
    4- RAN Helicopter Flight Vietnam, Royal Australian Navy, 2009


    * Hình ảnh:
    Australian War Memorial, Canberra
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 03-12-2023, 12:04 AM.

  • #2
    Quân Lực Hoàng Gia Tân-tây-lan trong cuộc chiến Việt Nam



    Nguyễn Hữu Thiện



    I- BỐI CẢNH

    Trong thời gian diễn ra chiến tranh Việt Nam, người Mỹ gọi là “Chiến Tranh Đông Dương lần thứ hai”, Tân-tây-lan (New Zealand) được xem là một “đồng minh” của VN trong Thế Giới Tự Do vì sự ràng buộc của hai Hiệp ước quân sự ANZUS và SEATO.

    - Hiệp ước ANZUS (viết tắt của Australia, New Zealand, Unites States) được ký kết năm 1951 sau khi Trung Cộng chiếm Hoa Lục.

    - Hiệp ước SEATO (Southeast Asia Treaty Organization), VNCH gọi là “Liên Phòng Đông Nam Á”, gồm các thành viên: Hoa Kỳ, Úc, Tân-tây-lan, Phi-luật-tân, Thái-lan, Hồi Quốc (lúc đó còn gồm cả Đông Hồi, ngày nay là Bangladesh), Pháp (đang bảo hộ Đông Dương), và Anh quốc (đang bảo hộ Hương Cảng, North Borneo và Sarawak).


    Các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên SEATO tại Manila năm 1966. Thủ tướng Tân-tây-lan Keith Holyoake đứng thứ tư tính từ bên phải

    Tuy nhiên, từ ngày ấy cho tới nay, do vị trí hẻo lánh xa xôi cũng như khuynh hướng chính trị, Tân-tây-lan chưa bao giờ thân thiết với Hoa Kỳ như “người hàng xóm” Úc-đại-lợi.

    Bên cạnh sự ràng buộc của hai Hiệp ước quân sự ANZUS và SEATO, việc Tân-tây-lan tham chiến tại Việt Nam còn do việc lúc đó (Sir) Keith Holyoake của Đảng Quốc Gia đang làm Thủ tướng, là người chủ trương duy trì tư cách “đồng minh với Hoa Kỳ” của đảo quốc bé nhỏ với dân số chưa tới 2 triệu rưỡi.

    [Tân-tây-lan có hai đảng chính trị lớn: Đảng Quốc Gia (National Party) với khuynh hướng bảo thủ, khuynh hữu, và Đảng Lao Động (Labour Party) với khuynh hướng cấp tiến, khuynh tả]

    * * *

    Khởi đầu vào năm 1963, sau khi Úc đã đưa toán cố vấn (The Team) tới VN vào năm trước đó, trước áp lực của Hoa Kỳ và sự chống đối của các thành phần bồ câu trong nước, Thủ tướng Keith Holyoake đã dung hòa bằng cách chỉ gửi một toán giải phẫu dân sự gồm 7 người (về sau lên tới 16) tới Việt Nam, phục vụ tại bệnh viện Qui Nhơn, tỉnh Bình Định.

    Tới giữa năm 1964, cùng với áp lực gia tăng của Hoa Kỳ, việc Việt Cộng và bộ đội chính quy Bắc Việt mở nhiều trận tấn công quy mô tại miền Nam VN, được sự đồng tình của một số chính khách Tân-tây-lan nhận ra hiểm họa của làn sóng đỏ tại Đông Nam Á, Thủ tướng Keith Holyoake đã chấp thuận gửi một lực lượng quân sự “không chiến đấu” tới Việt Nam, đó là toán công binh gồm 25 người, có danh xưng là “New Zealand Army Detachment Vietnam”, viết tắt là NEWZAD. Đơn vị công binh này đồn trú tại Thủ Dầu Một (Bình Dương), có nhiệm vụ xây dựng đường xá cầu cống.

    II- THAM CHIẾN

    - Tiểu Đoàn 161 Pháo Binh:

    Ngày 27/5/1965, tức là gần một tháng sau ngày Thủ tướng Úc Robert Menzies loan báo việc chính phủ Úc quyết định gửi một tiểu đoàn bộ binh sang chiến đấu tại Việt Nam, Thủ tướng Tân-tây-lan Keith Holyoake cũng công bố quyết định gửi một lực lượng tác chiến sang Việt Nam để thay thế toán công binh NEWZAD, đó là Tiểu Đoàn 161 Pháo Binh Hoàng Gia Tân-tây-lan, viết tắt là 161 Battery RNZA, thuộc Trung Đoàn 16 Pháo Binh Dã Chiến (16 Field Regiment).

    [Trong danh xưng chính thức của đơn vị pháo binh này, cũng như hai đơn vị pháo binh của Úc ở VN, không có chữ “Tiểu Đoàn” (Battalion) mà chỉ là “161 Battery”. Tuy nhiên vì trước năm 1975, phía VNCH thường gọi đơn vị này là “Tiểu Đoàn Pháo Binh Tân-tây-lan”, chúng tôi cũng sử dụng danh xưng “Tiểu Đoàn” trong bài viết này]

    Tiểu Đoàn 161 Pháo Binh Tân-tây-lan tới Việt Nam vào tháng 7/1965, gồm 9 sĩ quan, 101 hạ sĩ quan binh sĩ cùng với bốn khẩu đại bác 105 mm L5 (về sau được thay thế bằng sáu khẩu 105 mm M2A2).

    Tại Biên Hòa, trong 12 tháng đầu, Tiểu Đoàn 161 Pháo Binh Tân-tây-lan được đặt dưới sự điều động của Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ, nhiệm vụ chính là yểm trợ hoạt động của Tiểu Đoàn 1 Bộ Binh, Trung Đoàn Hoàng Gia Úc-đại-lợi (1 RAR), lúc đó cũng nằm dưới quyền điều động của Lữ Đoàn 173 của Hoa Kỳ, hoạt động trong lãnh thổ tỉnh Biên Hòa.

    Gần một năm sau, tháng 4/1966, khi Lực Lượng Đặc Nhiệm 1 Úc-đại-lợi (1 ATF) tới Việt Nam, đặt bản doanh tại Núi Đất, tỉnh Phước Tuy, Tiểu Đoàn 1 của Úc di chuyển về đây, trở thành một đơn vị của Lực Lượng Đặc Nhiệm.

    Khi ấy, Tiểu Đoàn 161 Pháo Binh Tân-tây-lan được tự do lựa chọn: ở lại với Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ hoặc đi theo Tiểu Đoàn 1 của Úc, và “các con kiwi” đã quyết định theo “các kangaroo” để trở thành lực lượng yểm trợ của Lực Lượng Đặc Nhiệm Úc.

    Ba tháng sau, Tiểu Đoàn 161 Pháo Binh Tân-tây-lan đã góp công sức không nhỏ vào chiến tích để đời của của quân đội Úc: trận Long Tân.



    Một khẩu pháo 105 mm của Tiểu đoàn 161 Pháo Binh Tân-tây-lan

    Ngay sau khi Đại Đội D của Tiểu Đoàn 6 Bộ Binh Úc (6 RAR) bị lọt vào ổ phục kích của Việt Cộng, ba tiền sát viên pháo binh Tân-tây-lan đi theo đại đội này - Đại úy Morrie Stanley, Hạ sĩ Willie Walker, Hạ sĩ Murray Broomhall - đã điều chỉnh tọa độ cho toàn bộ lực lượng pháo binh bạn, gồm 161 Battery của Tân-tây-lan, – 103 và 105 Battery của Úc, Tiểu Đoàn Trọng Pháo 2/35 của Lục Quân Hoa Kỳ, tổng cộng 24 khẩu, để yểm trợ cho 108 quân nhân (105 Úc và 3 tiền sát viên Tân-tây-lan ) trong suốt 3 tiếng rưỡi đồng hồ, với nhịp bắn 6-8 viên một phút (2 viên nhiều hơn “nhịp bắn khẩn cấp)!

    Sau trận này, danh tiếng của Tiểu Đoàn 161 Pháo Binh Tân-tây-lan nổi như cồn.

    Từ đó cho tới ngày rời Việt Nam, Tiểu Đoàn còn góp phần vào nhiều chiến thắng khác của Lực Lượng Đặc Nhiệm Úc, trong đó được nhắc tới nhiều nhất phải là trận Coral–Balmoral (tên hai căn cứ yểm trợ hỏa lực nằm ở Lai Khê, Bình Dương) trong Chiến Dịch Toàn Thắng 1 của QLVNCH và Đồng Minh, truy lùng và tiêu diệt tàn quân cộng sản sau trận Mậu Thân đợt 2.

    Sau 6 năm tại Việt Nam với trên 750 quân nhân luôn phiên phục vụ, Tiểu Đoàn 161 Pháo Binh Tân-tây-lan trở về nước vào tháng 5/1971.

    Tiểu Đoàn 161 Pháo Binh Tân-tây-lan cũng là đơn vị duy nhất của Tân-tây-lan được Hoa Kỳ tuyên dương với huy chương đơn vị “United States Meritorious Unit Commendation” do những công trạng lập được trong thời gian phục vụ tại Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ.

    - Các Đại Đội Bộ Binh:

    Năm 1966, với mục đích tăng cường Lực Lượng Đặc Nhiệm, Úc đã gia tăng áp lực để Tân-tây-lan phải tham gia các đơn vị bộ binh tác chiến. Kết quả, tới tháng 5/1967, Đại Đội Victor One thuộc Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn Bộ Binh Hoàng Gia Tân-tây-lan (1st Battalion of the Royal New Zealand Infantry Regiment) gồm 182 quân nhân được đưa tới Việt Nam, phục vụ trong Lực Lượng Đặc Nhiệm Úc.

    Tháng 12 năm đó, thêm Đại Đội Whisky One, cũng thuộc Tiểu Đoàn 1 Tân-tây-lan, được đưa tới tăng cường cho Lực Lượng Đặc Nhiệm.

    Hơn một tháng sau, qua sự thỏa thuận giữa hai chính phủ, Đại Đội Victor One và Đại Đội Whisly One của Tân-tây-lan đã sát nhập vào Tiểu Đoàn 2 của Úc (2 RAR) để trở thành Tiểu Đoàn 2 Úc - Tân-tây-lan (2RAR/NZ) còn được gọi là “Tiểu Đoàn ANZAC”, với Tiểu đoàn trưởng là một sĩ quan Úc, và Tiểu đoàn phó là một sĩ quan Tân-tây-lan.

    Với cùng một “công thức” đó, tới tháng 5/1968, Tiểu Đoàn 4 Úc - Tân-tây-lan (4RAR/NZ) đã được thành lập để thay thế Tiểu Đoàn 2, và cũng mang danh hiệu “Tiểu Đoàn ANZAC”.



    Binh sĩ Tân-tây-lan với lá cờ MTDTGPMN bị họ tịch thu

    Các đại đội bộ binh Tân-tây-lan phục vụ trong các “Tiểu Đoàn ANZAC” tại Việt Nam được thay thế sau mỗi 12 tháng (tour of duty). Trong thời gian 5 năm, có tổng cộng 9 đại đội, gồm hơn 1600 quân nhân, đã luôn phiên phục vụ. Hai đại đội cuối cùng là Whiskey Three, rời Việt Nam tháng 11/1970, và Victor Six, rời vào tháng 12/1971.

    Trong số 37 quân nhân Tân-tây-lan hy sinh trên chiến trường miền Nam VN, đã có 27 người thuộc các đại đội bộ binh nói trên.

    - Không Quân:

    Bắt đầu vào năm 1965, hai phi đoàn vận tải trong Không Lực Hoàng Gia Tân-tây-lan đã tới hoạt động tại Việt Nam, gồm Phi Đoàn 40 (No. 40 Squadron) và Phi Đoàn 41 (No. 41 Squadron).

    Phi Đoàn 40 sử dụng vận tải cơ C-130 và Boeing 757, thực hiện các phi vụ chuyển vận tại Việt Nam cho các lực lượng Tân-tây-lan, Úc-đại-lợi và Hoa Kỳ.



    C-130 Hercules của Phi Đoàn 40 Vận Tải

    Phi Đoàn 41 sử dụng các loại phi cơ cũ hơn, đảm trách vận chuyển tiếp liệu từ Tân-gia-ba.

    Năm 1967, hai phi công thuộc Không Lực Tân-tây-lan được biệt phái tới phục vụ tại Phi Đoàn 9 Trực Thăng của Úc, bay trên UH-1. Năm 1968 có thêm hai phi công khác được biệt phái; và tính tới năm 1971, đã có tổng cộng 16 phi công Tân-tây-lan được biệt phái tới đơn vị trực thăng này.

    Năm phi công trực thăng khác được biệt phái tới Phi Đội Quan Sát Độc Lập 161 của Lục Quân Úc, thực hiện các phi vụ thám thính trên trực thăng Sioux.

    Ngoài ra, từ năm 1965 tới 1971, đã có tổng cộng 20 nhân viên phi hành Tân-tây-lan được biệt phái tới các đơn vị quan sát của Hoa Kỳ trong nhiệm vụ tiền sát viên (FAC: forward air controller).

    - Biệt kích SAS:


    (Trong quân đội Anh, Úc và Tân-tây-lan, “SAS”, viết tắt của ba chữ “Special Air Service”, để chỉ lực lượng đặc biệt trong quân đội, gồm các toán biệt kích, phá hoại trong lòng địch, chống khủng bố, giải cứu con tin... Sở dĩ có chữ “air” trong danh xưng là vì lực lượng này của Anh được thành lập năm 1941, có nhiệm vụ chính là nhảy dù xuống vùng địch để thi hành những công tác đặc biệt)

    Tháng 11/1968, một toán biệt kích của Tân-tây-lan với danh xưng 4 Troop, gồm 1 sĩ quan và 25 thuộc cấp, đã tới Núi Đất để hoạt động chung với đơn vị SAS của Úc. Về tham mưu, 4 Troop nằm dưới sự điều động của SAS Úc, nhưng về mặt chỉ huy và tiếp liệu, 4 Troop hoàn toàn độc lập.



    Thành viên toán biệt kích 4 Troop

    Sở trường của 4 Troop là các chuyến viễn thám đường trường, phục kích và phá hoại đường tiếp liệu của địch.

    Thời gian 4 Troop tới Việt Nam cũng lúc quân số của Tân-tây-lan tham chiến tại đây lên tới con số cao nhất: 543 người.

    - Huấn luyện:

    Nằm trong kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon, cùng với việc rút quân, tháng 1/1971, Tân-tây-lan đã đưa sang Việt Nam toán huấn luyện 1st New Zealand Army Training Team Vietnam (1 NZATTV) gồm 25 quân nhân thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn để phụ giúp toán huấn luyện của lục quân Hoa Kỳ tại Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng.

    Tháng 2/1972, toán huấn luyện thứ hai của Tân-tây-lan (2 NZATTV) gồm 18 người đã tới căn cứ Đồng Bà Thìn gần Cam Ranh, với nhiệm vụ huấn luyện các cấp chỉ huy bộ binh của quân đội Căm-bốt.

    Ngoài những đơn vị kể trên, Tân-tây-lan còn có những lực lượng, đơn vị quân sự khác phục vụ tại Việt Nam, nhưng không thường trực, hoặc hoạt động không đáng kể.

    III- RÚT QUÂN

    Giữa năm 1970, trước sự chống đối chính phủ ngày càng gia tăng trong dân chúng, Thủ tướng Tân-tây-lan Keith Holyoake của Đảng Quốc Gia đã cam kết sẽ rút hết quân khỏi Việt Nam vào cuối năm 1971 (trừ toán huấn luyện), và ông đã thực hiện được lời cam kết ấy: đơn vị tác chiến cuối cùng của Tân-tây-lan rời Việt Nam vào tháng 12 năm 1971.

    Tính cho tới lúc ấy, có tổng cộng 3,890 quân nhân Tân-tây-lan, tất cả đều là người tình nguyện, đã phục vụ tại Việt Nam. Trong số này, 37 người hy sinh, và 187 bị thương.

    Tuy nhiên, việc rút hết quân sớm ấy cũng không đủ sức cứu vãn Đảng Quốc Gia: mặc dù ông Keith Holyoake đã phải từ chức vào tháng 2/1972 nhường ghế Thủ tướng cho đàn em Jack Marshall, tới cuối năm ấy, ông Norman Kirk của Đảng Lao Động vẫn đại thắng trong cuộc tổng tuyển cử tổ chức vào cuối tháng 11 năm 1972.

    Một trong những việc làm đầu tiên của vị tân Thủ tướng Lao Động sau khi tuyên thệ nhậm chức là cho rút nốt hai toán huấn luyện quân sự về nước. Ngày 22/12/1972, những quân nhân này cùng với những quân nhân cuối cùng ở Bộ chỉ huy quân sự Tân-tây-lan ở Sài Gòn rời Việt Nam.

    * * *

    Với quân số hiện diện tại Việt Nam vào thời điểm cao nhất chỉ lên tới 543 người, việc tham dự của Tân-tây-lan vào cuộc chiến cũng chẳng lấy gì làm to tát, nhưng hậu quả chính trị thì vô cùng trầm trọng.

    Vào thời gian này, tại cả Úc lẫn Tân-tây-lan, các thành phần phản chiến, thiên tả đang làm mưa gió, cả Đảng Lao Động Úc dưới bóng Gough Whitlam lẫn Đảng Lao Động Tân-tây-lan trong tay Norman Kirk đều lấy khẩu hiệu “It’s Time” (ngụ ý “Đã tới lúc thoát khỏi quỹ đạo của Mỹ”) để tranh cử, cả hai đảng đều thắng lớn nhờ lòng người đã chán ngán chiến tranh.

    Chỉ khác nhau ở một điểm: trong khi tại Úc, sau khi Gough Whitlam trở thành vị thủ tướng đầu tiên, và duy nhất tính tới nay, bị vị Tổng Toàn Quyền Úc (đại diện Nữ hoàng Anh) truất chức, Đảng Tự Do nắm quyền trở lại, thì ở Tân-tây-lan, phản chiến đã trở thành một “chủ nghĩa dân tộc”, ngày càng xa rời các đồng minh phương tây, chống Mỹ, thậm chí chống cả Úc, mà đỉnh cao là đạo luật cấm các chiến hạm nguyên tử (hiểu ngầm là của Hoa Kỳ) cập bến Tân-tây-lan, do Thủ tướng David Lange (Đảng Lao Động) ban hành vào năm 1984, dẫn đưa tới việc Hoa Kỳ chấm dứt công nhận Tân-tây-lan là một thành viên của Hiệp ước ANZUS.

    Trong bối cảnh ấy, các cựu chiến binh Tân-tây-lan tham chiến tại Việt Nam đã trở thành những “nạn nhân” đáng thương nhất.

    Trong thời gian họ phục vụ tại Việt Nam, gia đình của họ thường bị đám phản chiến, thiên tả tìm mọi cách để gây phiền nhiễu. Tới khi trở về, họ bị nhục mạ, bị chửi rủa là “baby-killers”, “war mongers” ở nơi công cộng, thậm chí bị tấn công tưới máu giả lên người!...

    Nhưng tệ hại nhất phải là sự phân biệt đối xử của các cơ quan chính phủ và ngay cả Hội Cựu Chiến Binh Tân-tây-lan (Returned Services Association). Họ không được nhìn nhận như những tập thể cựu chiến binh khác, chỉ vì họ đã tình nguyện (chứ không phải bị bắt buộc) tham gia “một cuộc chiến tranh phi nhân phi nghĩa”!

    Thành thử vào thập niên 1980, trong khi tại Hoa Kỳ và Úc-đại-lợi rầm rộ diễn ra những cuộc tuần hành “Welcome Home” để vinh danh các cựu chiến binh tham chiến tại Việt Nam, các cựu chiến binh VN ở Tân-tây-lan chỉ biết khóc thầm!

    Phải đợi hơn 20 năm sau, khi Hoa Kỳ đã “bình thường hóa” phần nào quan hệ với Tân-tây-lan vào năm 2007, tới năm 2008, lần đầu tiên các cựu chiến binh Tân-tây-lan tham chiến tại Việt Nam mới được ngẩng cao đầu trong cuộc diễn hành “Welcome Home” đầu tiên – diễn ra hơn nửa thế kỷ sau chiến thắng Long Tân mà Tiểu Đoàn 161 Pháo Binh Tân-tây-lan đã góp công đầu!



    Welcome Home 2008 (chú ý: banner của toán biệt kích 4 Troop)

    Vẫn biết “thà muộn còn hơn không bao giờ”, nhưng thực tế đáng buồn là có khá nhiều cựu chiến binh không còn sống để chứng kiến “ngày vinh quang” đến muộn ấy!

    Nguyễn Hữu Thiện

    Melbourne, tháng 10/2019
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-12-2019, 09:15 PM.

    Comment


    • #3
      Về lực lượng Úc Châu (Australia) và Tân Tây Lan (New Zealand) trong cuộc chiến tranh Việt Nam, anh Nguyen Huu Thien viết rất hay và đầy đủ, kèm theo hình ảnh thật tuyệt vời.

      KiwiTeTua chỉ có COPY và PASTE, rồi viết lạo xạo vài hàng, đùa giởn cho vui thôi, chứ ngồi viết một bài đầy đủ thì không kiên nhẩn viết, cũng không viết hay được như thế....
      " Biết người, biết ta, mà sao..... trăm trận thua hết ráo!".

      Xin phép anh cho kèm theo bài viết, vài hình ảnh về toán Biệt Kích SAS của Tân Tây Lan và chi tiết về những đơn vị Tân Tây Lan tham chiến và trợ giúp ở Việt Nam (bằng Anh Ngữ).... (Anh Thiện đã có nêu ra gần như hầu hết những đơn vị này, tôi chỉ bổ túc, "thêm mắm, thêm muối" cho bài viết "ngon" hơn).


      Đơn vị Biệt Kích SAS Tân Tây Lan (New Zealand Special Air Service) (NZSAS)








      Royal New Zealand Artillery (RNZA)
      On 27 May 1965 Holyoake announced the government's decision to send 161 Battery, Royal New Zealand Artillery to South Vietnam in a combat role. The New Zealand Army Detachment (NEWZAD) engineers were replaced by the Battery in July 1965, which consisted of nine officers and 101 other ranks and four 105 mm L5 pack howitzers (later increased to six, and in 1967 replaced with 105 mm M2A2 Howitzers). 161 Battery was initially under command of the United States Army's 173rd Airborne Brigade for the first 12 months based at Bien Hoa near Saigon. Upon the formation of 1st Australian Task Force at Nui Dat, in Phuoc Tuy Province in June 1966, the New Zealand government was given the choice of allowing the battery to remain at Bien Hoa with the 173rd Airborne under U.S command or integrate with the Australian forces. It was decided the battery would join 1ATF and serve with Royal Australian Artillery field regiments.

      The gunners were noted for their key role in assisting the 6th Battalion, Royal Australian Regiment, during the Battle of Long Tan, in which 18 Australians were killed holding off a regimental sized enemy force on 18 August 1966. The battery also played important roles during the Tet Offensive and the Battle of Coral–Balmoral in 1968. The Battery left Vietnam in May 1971 after providing virtually continuous fire support usually in support of Australian and New Zealand infantry units for six years, with over 750 men having served with the Battery during the period of its deployment.

      Royal New Zealand Infantry Regiment (RNZIR)
      In 1966, when Confrontation came to an end and Australia decided to expand the 1st Australian Task Force, New Zealand came under pressure to increase its commitment and did so. In May 1967, a 182-man rifle company, (Victor One Company) was deployed to Vietnam from the 1st Battalion of the Royal New Zealand Infantry Regiment in Malaysia. In December Victor One was joined by Whisky One Company, also from the 1st Battalion, and they were then placed under the 1st Australian Task Force's command.

      Following agreement between the Australian and New Zealand Governments in late February 1968, V Company and W Company and 2nd Battalion, Royal Australian Regiment (2RAR) were amalgamated into 2RAR/NZ (ANZAC) Battalion (2RAR/NZ) in March 1968. The new "ANZAC Battalion" 2IC was filled by RNZIR Officer, Major RIG Thorpe. 4th Battalion, Royal Australian Regiment (4RAR), relieved 2RAR in May 1968 thus forming 4RAR/NZ (ANZAC) Battalion (4RAR/NZ), again with a New Zealander as 2IC, Major ATA Mataira. In due course the RNZIR component of the ANZAC Battalion would also include Mortar and Assault Pioneer Sections as well as Administrative personnel.[8] Subsequent rotations of the ANZAC Battalion retained the command structure of having an Australian battalion commander and a New Zealand 2IC.

      The New Zealand rifle companies were deployed on infantry operations in Phuoc Tuy Province and were replaced several times, as were the Australian regiments (although not at the same time), usually after a 12-month tour of duty. Whiskey Three Company was withdrawn without replacement in November 1970 and Victor Six Company was withdrawn without replacement in December 1971.

      Over the five-year period, more than 1600 New Zealand soldiers of the nine NZ rifle companies engaged in a constant round of jungle patrols, ambushes, and cordon-and-search operations, in both Australian-led and independently conducted operations.

      Additionally, 11 RNZIR personnel served as detachments to the Australian Army Training Team Vietnam which operated in Vietnam from 1962–1972.

      New Zealand Services Medical Team (NZSMT)
      New Zealand's military presence in South Vietnam was also increased in April 1967 with the arrival of the 1st New Zealand Services Medical Team, a 19-strong detachment consisting of medical personnel from the Royal New Zealand Air Force, Royal New Zealand Navy and Royal New Zealand Army Medical Corps. The team's role was to provide medical and surgical assistance to South Vietnamese civilians and developing local knowledge in this field. The New Zealanders relieved a United States Army medical team at Bong Son in Bình Định Province. They also treated military casualties who were brought to the Bong Son Dispensary, including Army of the Republic of Vietnam personnel and Viet Cong prisoners. In June 1969 the team moved to the new 100-bed Bong Son Impact Hospital. The average bed-state was 92 and approximately 46,000 outpatients (mostly civilians) were treated annually before the team's withdrawal in December 1971. Overall there were 98 personnel involved over the four-and-a-half years of the Team’s deployment: 47 from the Army, 27 from the Air Force and 24 from the Navy.

      Royal New Zealand Navy (RNZN)
      The Royal New Zealand Navy contribution to New Zealand's military involvement in the Vietnam War began in April 1967 with RNZN medical members being part of the tri-service New Zealand Services Medical Team (NZSMT.) Subsequently, a few served with the second of the two New Zealand training teams deployed to Vietnam after combat troops withdrew in 1971. Additionally three RNZN personnel served with the US Navy on a Junior Officer Exchange program in 1971, each posted on the aircraft carrier USS Kitty Hawk (CV-63) and destroyer USS William H. Standley (DLG-32) off the coast of North Vietnam.

      Royal New Zealand Air Force (RNZAF)
      From 1965 the Royal New Zealand Air Force contribution was in the form of transportation with No. 40 Squadron RNZAF providing troop transport for New Zealand, Australian and some American troops, and No. 41 Squadron RNZAF providing resupply missions from Singapore.

      In 1967 two RNZAF pilots were seconded to the Royal Australian Air Force's No. 9 Squadron, which was flying UH-1 Iroquois helicopters as troop transports. Two more RNZAF pilots joined No. 9 Squadron in 1968. By 1971 16 New Zealand pilots had served in 9 Squadron.

      Between 1965 and 1971 approximately 20 RNZAF personnel served as attachments to various units of the United States Air Force, as Forward air controllers.

      5 RNZAF pilots[16] flew Sioux helicopters with the Australian 161st (Independent) Reconnaissance Flight (161 Recce Flt) which was formed in 1965, supporting the New Zealand artillery, infantry and NZSAS units.

      RNZAF personnel were numerous in the New Zealand Services Medical Team (NZSMT) and one[18] went on to be part of the subsequent New Zealand Army Training Team (NZATTV.)

      Two small RNZAF detachments were attached to U.S Marine Corps A-4 Skyhawk squadron VMA-311 at Chu Lai Air Base in January 1970 and October 1970.

      RNZAF personnel were also posted to HQ V Force and worked primarily in Saigon in a range of liaison duties. The last RNZAF flight out from Vietnam was the evacuation of the New Zealand Ambassador in April 1975, just before the Fall of Saigon.

      One RNZAF member of the NZSMT, Sgt Gordon Watt, was killed by a booby trap in 1970, the RNZAF's only casualty of the war.

      New Zealand Special Air Service (NZSAS)
      In November 1968, New Zealand's contribution to the 1st Australian Task Force was increased by the deployment of 4 Troop, New Zealand Special Air Service, comprising an officer and 25 other ranks. The arrival of this Troop raised New Zealand's deployment to Vietnam to its peak – 543 men. The Troop was attached to the Australian SAS Squadron at Nui Dat and carried out long-range reconnaissance and the ambushing of enemy supply routes, mounting 155 patrols over three tours until being withdrawn in February 1971. Although under the operational command of the Australian SAS Squadron Commander when deployed into the field on operations, 4 Tp NZSAS was an independent command and self-sufficient.

      Royal New Zealand Engineer Detachment (RNZE Det)
      Each time New Zealand military contribution to South Vietnam increased, a work party of the Corps of Royal New Zealand Engineers was sent to assist in preparing the site for the new arrivals. RNZE Det helped set up the NZ artillery battery when it moved to Nui Dat in September 1966 and again for Victor One Company RNZIR from early November to December 1967. The final detachment was sent to assist 1 NZATTV establish themselves in Chi Lang in November 1970. This detachment stayed in South Vietnam until February 1971. Additionally, Lieutenant Colonel Kenneth Charles Fenton RNZE, was administratively in charge of all New Zealand forces in Vietnam, at the New Zealand Headquarters in Saigon (V Force HQ) from July 25, 1968 to July 30, 1970.

      New Zealand Army Training Team Vietnam (1 NZATTV & 2 NZATTV)
      As American focus shifted to President Richard Nixon's 'Vietnamization' – a policy of slow disengagement from the war, by gradually building up the Army of the Republic of Vietnam so that it could fight the war on its own, New Zealand dispatched the 1st New Zealand Army Training Team Vietnam (1 NZATTV) in January 1971. Numbering 25 men from different branches of service, it assisted the United States Army Training Team in Chi Lang. The team helped train South Vietnamese platoon commanders in tactics and small-arms techniques.

      In February 1972 a second training team (2 NZATTV), 18 strong (including three RNZN personnel), was deployed to Vietnam and was based at Dong Ba Thin Base Camp, near Cam Ranh Bay. It assisted with the training of Cambodian infantry battalions in weapons use, tactics and first aid, and provided technical assistance. This team also provided first aid instruction and specialist medical instruction at Dong Ba Thin's 50-bed hospital.

      Royal New Zealand Electrical and Mechanical Engineers (RNZEME)
      When 161st Battery, RNZA arrived in Vietnam in 1965 a detachment of engineers from the Royal New Zealand Electrical and Mechanical Engineers formed the Logistic Support Element (LSE), to service the battery. When the 1st Australian Task Force was moved to Phuoc Tuy Province in 1966, the LSE was detached from the battery and established within the 1st Australian Logistic Support Group (1 ALSG) at Vung Tau. RNZEME personnel who had been in the LSE were taken for the most part into the Light Aid Detachment (LAD) of the Australian Artillery Field Regiment (of which 161 Bty became a part of following its first year of service with the U.S 173rd Airborne Brigade). RNZEME tradesmen also served with the New Zealand Services Medical Team in the town of Bong Son, in the Binh Dinh Province, and re-established New Zealand's association with the 173rd Airbirne Brigade. However some RNZEME personnel served in the RNZIR rifle companies, the ANZAC Battalions (Command & Support), as well as at the New Zealand V Force HQ in Saigon. The initial NEWZAD deployment included a few RNZEME personnel, as did the latter NZATTV.

      Royal New Zealand Army Ordnance Corps (RNZAOC)
      Some 50 RNZAOC personnel served in the Headquarters of the 1st Australian Logistic Support Group [1 ALSG] following the formation of the 1 ATF in June 1966. Along with other New Zealand branches of service RNZAOC personnel went about their business with their Australian counterparts in all aspects of the Groups support functions for Australian and New Zealand forces in Vietnam.

      Royal New Zealand Armoured Corps (RNZAC)
      Members of the Royal New Zealand Armoured Corps served with the 3rd Cavalry Regiment of the Royal Australian Armoured Corps, 161 Bty RNZA, V Force HQ, the ANZAC Battalions (Command and Support), V and W Companies RNZIR, 1st Squadron, 4th Cavalry Regiment (U.S Army), 1st Australian Logistic Support Group, and NZAATV. Additional short-term postings included detachments to several U.S Cavalry units.

      Royal New Zealand Army Medical Corps (RNZAMC)
      Most personnel from the Royal New Zealand Army Medical Corps served with the New Zealand Services Medical Team (NZSMT) or otherwise stationed at the New Zealand V Force Headquarters in Saigon and at 1 ALSG. After combat troop withdrawals in 1971 several RNZAMC personnel were part of the NZAATV teams.

      Royal New Zealand Army Service Corps (RNZASC)
      Although the Royal New Zealand Army Service Corps was not represented as a unit in the New Zealand contingent to Vietnam over 140 RNZASC personnel served throughout the war as medics in 161 Bty RNZA, Victor and Whisky Companies RNZIR, and 4 Troop NZSAS, as well as in administration and advisory roles in New Zealand V Force HQ in Saigon, 1 ALSG, and as members of 1 NZATTV.

      Royal New Zealand Corps of Signals (RNZSigs)
      Members of the Royal New Zealand Corps of Signals served in all New Zealand units in Vietnam, including RNZA, RNZIR, NZSAS, and V Force HQ. Some served as intelligence officers with 1ATF. The last commander of 1NZATTV (5 Dec 1972 – 13 Dec 1972), Major TD Macfarlane, was from RNZSigs.

      New Zealand Attachments to United States Army, Air Force and Navy
      More than a dozen New Zealand servicemen, mostly Commissioned Officers from the Royal New Zealand Armoured Corps, spent periods of time attached to a wide range of American (and Thai and Korean) units throughout the war. These were not always formal postings as such. Some of these attachments were planned as part of officers' career planning by Defence Headquarters; others were opportunity attachments through contact with Allied commanders at many levels. Exact figures are not known. These were attachments in addition to the 161 Bty RNZA's initial attachment to the 173rd Airborne Brigade 1965–1966, the 20 or so RNZAF personnel who throughout the war served with the USAF as forward observers, and the two RNZAF detachments to the USMC Marine Attack Squadron 311 (VMA-311) in 1970.

      (https://en.wikipedia.org/wiki/New_Ze...he_Vietnam_War)
      Last edited by KiwiTeTua; 10-01-2019, 02:37 AM.

      Comment


      • #4
        Thưa Anh Thiện và anh KiwiTeTua
        Cám ơn Quý Anh đã viết về một đề tài mà từ lâu ít người viết ? Anh Thiện tại Úc chắc có nhiều tài liệu về Quân lực HG Úc khi họ tham chiến tại VN ? Anh KiwiTeTua , theo tên, thì chắc ở Tân Tây Lan (Chim Kiwi chỉ có tại TTLan!)
        Xin phép được góp thêm vài ý kiến cùng Quý Anh :
        1- Về Úc : xin Anh Thiện viết thêm về :
        - Giai đoạn Úc tham chiến với vai trò Cố ván : AATTV ((từ 1962-1965 )
        Cố vấn Úc tại các TT Huấn luyện cho QLVNCH, cho Pháo binh QLVNCH.. cho CS Dã chiến..
        Cố vấn Úc hoạt động với SOG, LLDB Hoa Kỳ : có những trận như Nam Động, Trà Bồng, Khâm Đức ..
        vai trò của Cố vấn Úc trong vụ FULRO (Ban Mê Thuột ) ?
        Cố vấn Ted Serong trong những ngày cuối của VNCH ?
        - Về hoạt động của Chiến đoàn Úc xin Quý Anh viết thêm về
        - Trận Coral/ Balmoral
        - Trận Bình Ba..
        - Ngoài ra xin Quý Anh "kể" thêm về trang bị cũa ANZACs như võ khí, xe thiết giáp..v.v..
        (có nhiều chi tiết, chắc người đọc "tò mò" như tôi rất muốn biết..
        Một lần nữa xin cám ơn hai Anh và Quý Anh trong Phi Dũng
        Trần Lý

        Comment


        • #5
          Thưa anh Trần Lý,
          Anh tham khảo trong những links dưới đây. Có 1 link bằng tiếng Việt (do Việt cộng viết)

          Tình thân,
          KiwiTeTua


          Battle of Coral - Balmoral
          https://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_Coral%E2%80%93Balmoral

          Battle of Coral - Balmoral - Australian Army
          https://www.army.gov.au/our-history/primary-materials/vietnam-1962-to-1972/battle-of-coral-balmoral
          _______________________________

          Trận Bình Ba - Battle Of Binh Ba 1969
          (Site & bài này do Việt cộng viết- đọc cho dzui thôi, chắc chắn là toàn chuyện tuyên truyền, nói dóc....)
          http://chientranhvietnam.com/2018/05/10/tran-binh-ba-battle-of-binh-ba-1969/


          The Battle of Bình Ba
          https://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_Binh_Ba

          The Battle of Bình Ba - The Anzac Portal
          https://anzacportal.dva.gov.au/history/conflicts/australia-and-vietnam-war/events/combat/battle-binh-ba

          The Battle of Binh Ba - 6 -7 June, 1969 | Australian Army
          https://www.army.gov.au/our-history/history-in-focus/the-battle-of-binh-ba-6-7-june-1969

          The Battle of Binh Ba - The Australian War Memorial
          https://www.awm.gov.au/commemoration/binh-ba

          The Battle of Binh Ba - Veterans SA | Veterans SA
          https://veteranssa.sa.gov.au/story/the-battle-of-binh-ba/

          Comment


          • #6
            “KiwiTeTua” là công dân Mẽo!




            Thưa anh Trần Lý,
            Xin phép được trả lời chung cho hai anh em chúng tôi:

            (1) Anh rất chính xác khi viết loài chim kiwi chỉ có ở Tân-tây-lan. Vậy mà trước năm 1975, Không Quân Mít cũng biết tới loài chim không có cánh này và gọi những anh em không phi hành (non-flying) là “kiwi”.

            Anh bạn của tôi là công dân xứ Cờ Huê thứ thiệt, lấy biệt hiệu “KiwiTeTua” chẳng qua vì trước năm 1975 đương sự là dân không phi hành, sang Mỹ vật lộn với cuộc sống bị... te tua (cũng có thể bị vợ vùng lên mần cho... te tua!)

            (2) Thú thật với anh, vốn liếng kiến thức về Quân Lực Hoàng Gia Úc-đại-lợi và Tân-tây-lan của tôi có cao nhiêu thì đã sử dụng cạn trong hai bài viết vừa qua. Như anh có thể nhận ra, tất cả đều là những gì đã được phổ biến trên Internet. Nhưng như anh cũng biết, mỗi đề tài có thể có hàng trăm nguồn tài liệu khác nhau, phải biết cách tìm tòi, gạn lọc, và quan trọng không kém là phải có thú tìm hiểu và sự say mê, mà theo tôi, anh có đủ những điều kiện ấy.

            Bản thân tôi đã phục anh ngay từ ngày cầm trong tay cuốn “Bảo Quốc Trấn Không” của anh (do anh Thành, một người thân của anh ở Úc tặng). Sau này đọc những bài viết rất chi tiết, chẳng hạn cuộc đụng độ giữa KLVNCH và không lực Căm-bốt, từng tai nạn phi cơ xảy ra tại VN, những loại phi cơ KLVNCH sử dụng..., tôi càng thêm thán phục.

            Vì thế tôi tin rằng những links mà KiwiTeTua ghi ra ở phần trả lời của đương sự, chắc chắn anh cũng đã biết. Mong anh bỏ công sức, thì giờ khai thác để có một loạt bài chi tiết về trang bị, hoạt động, chiến công của Quân Lực Hoàng Gia Úc-đại-lợi và Tân-tây-lan thì thật thú vị và bổ ích.

            Tôi viết thật tình, không bán cái cũng chẳng khích tướng. Bởi tôi biết người biết ta.

            Kính mến
            KQ Nguyễn Hữu Thiện
            Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-03-2019, 02:47 PM.

            Comment


            • #7
              Lực Lượng Úc & Sư Đoàn 18BB Ở Phước Tuy

              Lực Lượng Úc & Sư Đoàn 18BB Ở Phước Tuy

              Vương Hồng Anh

              ---oo0oo---



              Australia Centurion Tank

              * Lược ghi hoạt động của lực lượng đặc nhiệm Úc tại Việt Nam từ 1965 đến 1969:

              Trong số trước, chúng tôi đã trình bày về sự phối trí các đơn vị của Lực lượng Đặc nhiệm Úc Đại Lợi tại Việt Nam từ 1965 đến 1969. Như đã trình bày, vào tháng 5/1965, đơn vị đầu tiên của Úc được gửi đến Việt Nam là tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn Hoàng Gia Úc, tiếp đó là lực lượng Đặc nhiệm 1 và Liên đoàn Yểm trợ Tiếp vận 1, cùng với phi đoàn 3 Không vụ đặc biệt lần lượt đến Việt Nam trong năm 1966. Đến tháng 10/1967, lực lượng Úc Đại Lợi tại Việt Nam có trên 8 ngàn quân thuộc đủ ba quân chủng Hải, Lục, Không quân, trong đó có hơn 6,500 thuộc các đơn vị Lục quân.

              Trong thời gian tham chiến tại Việt Nam, các đơn vị bộ chiến chủ lực thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Úc được phối trí hoạt động tại tỉnh Phước Tuy, bộ chỉ huy hành quân đặt tại rừng cao su ở Núi Đất, phía Bắc của Bà Rịa. Ngoài ra, có vài đơn vị hoạt động trong tỉnh Biên Hòa. Về Không quân, các phi đoàn đóng tại Vũng Tàu, Sài Gòn và Phan Rang, Hải quân hoạt động chung với Đệ Thất Hạm đội Hoa Kỳ, còn bộ tư lệnh quân đội Úc tại Việt Nam đặt bản doanh ở Sài Gòn. Theo thỏa thuận giữa chính phủ Úc và chính phủ Hoa Kỳ, lực lượng Úc đặt thuộc quyền điều động của bộ Tư lệnh Lực lượng Đồng Minh do tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại VN tổng chỉ huy.

              * Các tư lệnh Quân đội Úc tại Việt Nam:

              Vị tư lệnh đầu tiên của lực lượng Úc tham chiến tại Việt Nam là chuẩn tướng O.D Jackson, đến tháng 4/1966, khi quân số Úc tại Việt Nam gia tăng, bộ Quốc phòng Úc đã cử thiếu tướng K. Mackay giữ chức tư lệnh thay thế tướng Jackson, vị tướng này được bổ nhiệm làm tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm số 1, bản doanh đặt tại Núi Đất, Phước Tuy. Sau tướng Mackay, các vị tư lệnh kế tiếp là:

              Thiếu tướng D. Vincent (1967), thiếu tướng A.L Mac Donald (1968), thiếu tướng R.A Hay (1969), thiếu tướng C.A.E Fraser (1970, và cuối cùng là thiếu tướng D.B Dunstan năm 1971. Vị tư lệnh phó là một chuẩn tướng Không quân, ngoài chức vụ tư lệnh phó, vị tướng này còn chỉ huy Không lực Hoàng gia Úc tại Việt Nam.

              * Lực lượng đặc nhiệm Úc & Sư đoàn 18 BB VNCH tại Phước Tuy:

              Từ 1966 đến 1969, các đơn vị Úc Đại Lợi đã tham dự nhiều cuộc hành quân tại Phước Tuy và Biên Hòa dưới nhiều hình thức: hành quân phối hợp với các đơn vị VNCH và Hoa Kỳ, hành quân độc lập, lập nhiều chiến tích, trong đó có một số trận đánh lớn như: trận Long Tân tháng 8/ 1966, trận đánh cuối tháng Giêng 1968 khi các đơn vị Úc được lệnh hành quân trong tỉnh Biên Hòa để ngăn chận CQ xâm nhập vào khu vực Long Bình trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân giai đoạn 1; cuộc hành quân tảo thanh CQ quanh hai căn cứ Úc trong tỉnh Biên Hòa vào tháng 5/1968 khi CQ mở cuộc tổng tấn công giai đoạn 2 vào nhiều khu vực tại miền Nam; cuộc hành quân Good Wood trong 9 tuần lễ từ thượng tuần tháng 12/1968 đến 10/2/1969 tại vùng ranh giới Phước Tuy, Biên Hòa và Long Khánh.

              Đến năm 1970, ngoài các hoạt động hành quân, các đơn vị thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 1 Úc được giao thêm nhiệm vụ huấn luyện các đơn vị Việt Nam đồn trú trong tỉnh Phước Tuy. Theo kế hoạch phối hợp giữa bộ Tổng tham mưu QL.VNCH và bộ Tư lệnh lực lượng Úc, các đơn vị thuộc Sư đoàn 18 Bộ binh đã lần lượt tham dự chương trình tái huấn luyện trong 6 tuần lễ do các toán đặc nhiệm Úc phụ trách. Tuần lễ cuối, đơn vị này sẽ đi hành quân chung với đơn vị Úc. Đến tháng hai năm 1970, có tất cả 5 tiểu đoàn và 1 đại đội đã được huấn luyện xong. Chương trình huấn luyện này tạm ngưng khi Sư đoàn 18 Bộ binh tham dự cuộc hành quân ngoại biên tại Căm Bốt vào tháng 5/1970.

              Giữa năm 1970, toán cố vấn huấn luyện lưu động đến các tỉnh huấn luyện cho các đơn vị Địa phương quân để gia tăng trách nhiệm cho các đơn vị này khi các đơn vị Đồng minh bắt đầu giảm quân. Các quân nhân trong toán huấn luyện này sống và hoạt động chung với các đại đội Địa phương quân rải rác trong toàn tỉnh Phước Tuy.

              Một trung tâm huấn luyện về kỹ thuật tác chiến trong rừng được xây dựng nơi đóng quân của tiểu đoàn 8, trung đoàn Hoàng gia Úc khi đơn vị này trở về nước vào tháng mười một năm 1970. Trung tâm được điều hợp bởi 23 cố vấn Úc. Một số trung đội trưởng, đại đội trưởng các đơn vị bộ chiến VNCH đã được gửi đến trung tâm dự khóa huấn luyện dài 6 tuần lễ về chiến thuật tác chiến, hành quân nơi rừng rậm.

              Tháng 11/1971, cùng với kế hoạch rút quân của lực lượng Hoa Kỳ, các đơn vị Úc được lệnh chuẩn bị rời chiến trường Việt Nam. Ngày 25 tháng 11/1971, bộ trưởng Quốc phòng Úc chính thức thông báo kế hoạch rút quân này.

              * Đơn vị 1 Công Dân Vụ Úc Đại Lợi:

              Trong suốt thời gian tham chiến Việt Nam, ngoài nhiệm vụ hành quân tảo thanh CQ trong vùng trách nhiệm, các đơn vị còn tham gia các công tác dân sự vụ. Thành tích về hoạt động này được ghi nhận như sau:

              Vào khoảng giữa năm 1967, một đơn vị đặc biệt được thành lập và gửi sang Việt Nam, hoạt động trong đội hình của Lực lượng đặc nhiệm. Đơn vị này có nhiệm vụ giúp đỡ dân chúng và mang danh hiệu đơn vị 1 Công Dân Vụ Úc Đại Lợi. Trong những tháng sau đó, đơn vị này đã soạn thảo nhiều chương trình nằm giúp đỡ dân chúng. Trong năm 1968, ngân khoản dành cho chương trình dân sự vụ là 150 ngàn đô, sau đó tăng lên 230 ngàn đô trong năm 1970. Gần 174 ngàn đô được sử dụng để thực hiện 55 dự án, trong đó có việc xây thêm lớp học, lập một nhà máy sản xuất những sản phẩm xi măng ở Long Toàn. Đầu năm 1970, đơn vị này bắt đầu xây dựng dự án lớn nhất trong năm, xây cất 1 trường học với 12 lớp tại Bầu Trâm.

              Ngoài đơn vị 1 Công Dân Vụ, tất cả các đơn vị khác trong Lực lượng Đặc nhiệm được lệnh của bộ Tư lệnh Quân đội Úc tại Việt Nam là phải có trách nhiệm trong việc xây dựng, bảo trì các dự án nâng cao đời sống của dân chúng trong vùng hoạt động của từng đơn vị. Vào tháng 10/1969, một dự án được thực hiện chung nhằm sửa chữa, tu bổ bệnh viện Bà Rịa. Trong chương trình này, đội 17 Xây cất thuộc đơn vị Công binh Hoàng gia Úc được giao trách nhiệm xây dựng nhà bếp, phòng ăn, phòng tắm, nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước, dẫn nước, thoát nước, sửa đường đi trong khu vực bệnh viện.

              Ngoài các đơn vị Lục quân tham gia chương trình Dân Sự Vụ, phi đoàn 2 Không lực Hoàng gia Úc ở Phan Rang cũng như thực hiện những hoạt động dân sự vụ nơi địa phương và tại Sài Gòn, bộ Tư lệnh Quân đội Úc đã giúp đỡ rất nhiều trong vấn đề trẻ cô nhi. Tổng kết chương trình Dân sự vụ trong gần 7 năm tham chiến tại Việt Nam, ngoài các hoạt động nêu trên, các đơn vị Úc đã xây 600 căn nhà trong các trại gia binh của QL.VNCH, sửa sang lại trục lộ 2, con đường chính từ Nam ra Bắc trong địa bàn tỉnh Phước Tuy, xây cầu bê tông cốt sắt bắc qua sông Rái trên lộ 23 từ thị xã Bà Rịa đi đến quận Đất Đỏ, Xuyên Mộc, cung cấp 13 máy lấy nước bằng gió trời cho 13 làng trong tỉnh Phước Tuy.

              * Những đơn vị Úc được tuyên dương công trạng:

              Ngoài huy chương Danh Dự của Tổng thống Hoa Kỳ ban cho đại đội D, tiểu đoàn 6 trong trận Long Tân năm 1966, các đơn vị Úc Đại Lợi đã được ân thưởng nhiều huy chương khác của Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ. Không chỉ có những đơn vị Lục quân, Hải quân và Không quân cũng được ân thưởng huy chương. Năm 1971, tiểu đoàn 8 và phi đoàn 2 Không lực Hoàng gia Úc được ân thưởng huy chương của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Tiểu đoàn 8 còn được ban thưởng huy chương Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương liễu cho thời gian phục vụ từ tháng 11/1969 đến tháng 10 năm 1970, đặc biệt trong trận đánh diễn ra đồi Long Hải.

              Trong tổng số số 50 ngàn quân nhân Úc đã tham chiến tại Việt Nam từ 1965 đến 1971 (nhiệm kỳ 1 năm), có hơn 1 ngàn quân nhân được ân thưởng huy chương.

              * Tổn thất trên chiến trường:

              Trong thời gian tham chiến tại Việt Nam, sự tổn thất của lực lượng Úc Đại Lợi được ghi nhận như sau:
              - Tử trận: 423 quân nhân (trong đó có 4 Không quân, 4 Hải quân)
              - Tử nạn: 71 quân nhân (bao gồm 8 Không quân, 4 Hải quân)
              - Mất tích: 2 quân nhân.

              (Biên soạn dựa theo bản tin chiến sự hàng ngày của Tổng cục Chiến tranh Chính trị QL.VNCH, hồi ký của đại tướng Westmoreland, tài liệu Quân sử Úc và của tạp chí KBC).

              Source: "https://vietbao.com/a48340/luc-luong-uc-su-doan-18bb-o-phuoc-tuy"]https://vietbao.com/a48340/luc-luong-uc-su-doan-18bb-o-phuoc-tuy"

              Comment


              • #8
                Quân Úc: Trận Chiến Đông Nam Phần 67-69

                Quân Úc: Trận Chiến Đông Nam Phần 67-69

                Vương Hồng Anh

                ---oo0oo---


                Trong số trước, chúng tôi đã lược trình về hoạt động phái bộ cố vấn và lực lượng đặc nhiệm Quân đội Úc tại Việt Nam từ năm 1962 đến năm 1967. Như đã trình bày, tháng 7/1962, một phái bộ cố vấn Úc gồm 30 sĩ quan, hạ sĩ quan Úc đã đến Việt Nam để cùng với các toán cố vấn Hoa Kỳ tham gia chương trình huấn luyện binh sĩ VNCH. Vài năm sau, phái bộ cố vấn này tăng lên 100 quân nhân. Đến năm 1965, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Hoa Kỳ Johnson về kế hoạch yểm trợ quân đội VNCH bảo vệ lãnh thổ, ngăn chận làn sóng xâm nhập của quân CSBV, cùng với các nước Đại Hàn, Tân Tây Lan, chính phủ Úc Đại Lợi đã gửi quân sang Việt Nam. Đơn vị đầu tiên đến Việt Nam là tiểu đoàn 1 trung đoàn Hoàng Gia Úc với đơn vị yểm trợ.

                Từ năm 1965 đến 1967, lần lượt có thêm hai đơn vị Lục quân tham chiến đó là Lực lượng đặc nhiệm 1 và Liên đoàn Yểm trợ Tiếp vận 1. Về Không quân, có 5 phi đoàn gồm 1 phi đoàn trực thăng Iroquois, hai phi đoàn chuyển vận Gercules, 1 phi đoàn oanh kích, 1 phi đoàn thám thính kiểm báo. Về hải quân có 1 pháo hạm HMAS hoạt động chung với Hạm đội 7 Hoa Kỳ.

                * Lực lượng Úc từ 1967-1969:

                Đến năm 1967, lực lượng Quân đội Úc tại Việt Nam vào khoảng 6,300 quân nhân, riêng Lục quân có 5,000, trong đó có 3 ngàn quân thuộc lực lượng đặc nhiệm. Các đơn vị chính của Quân đội Úc trong thời gian này là tiểu đoàn 2 và 7 R.A.R, phi đoàn 1 Dịch vụ đặc biệt, phi đoàn A, trung đoàn 3 Thiết kỵ, trung đoàn 4 Bộ binh, 1 đơn vị Pháo binh Hoàng gia Úc, phi đoàn 1 Địa không và đơn vị Công binh Hoàng gia Úc. Trong số quân nhân này, có khoảng 40% là hiện dịch, thành phần còn lại là quân nhân trừ bị, hoặc thuộc thành phần tình nguyện với thời hạn ngắn.

                Đến tháng 10/1967, chính phủ Úc Đại Lợi tuyên bố sẽ tăng thêm quân để tổng số sẽ hơn 8000 quân nhân gồm đủ Hải, Lục, Không quân. Kế hoạch tăng quân được thực hiện trong 2 tháng 11 và 12. Trong đợt tăng quân này có các đơn vị Lục quân sau đây:

                - Tiểu đoàn 3, trung đoàn Hoàng gia Úc, cùng với đơn vị yểm trợ tổng cộng 1,200 quân nhân.
                - Chi đoàn chiến xa 50 tấn Centurion, với quân số 250 người.
                - 125 quân nhân đủ cấp bậc làm việc trong bộ chỉ huy tùy theo nhu cầu.

                Đến năm 1968, tiểu đoàn 2, 7, và 3 được thay thế bởi các tiểu đoàn 1,4 và 9. Sau khi hết nhiệm kỳ, các tiểu đoàn này được thay thế bằng các tiểu đoàn 5,6,8 trong năm 1969. Đến cuối năm 1969, tất cả 9 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Hoàng gia Úc-một trung đoàn đặc biệt có nhiều tiểu đoàn nhất so với các trung đoàn khác của Quân đội Úc- đều đã phục vụ tại Việt Nam, riêng các tiểu đoàn 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 đã phục vụ tại Việt Nam đến hai đợt luân phiên.

                * Chiến tích đầu tiên của một đại đội Úc Đại Lợi:

                Trong thời gian tham chiến tại Việt Nam, các đơn vị đặc nhiệm của Úc được phối trí hoạt động tại Miền Đông Nam phần, địa bàn trọng điểm là tỉnh Phước Tuy. Theo tài liệu của bộ Quốc phòng Úc, tất cả các tiểu đoàn đều đã lập chiến tích. Đơn vị đầu tiên ghi chiến tích là đại đội D, tiểu đoàn 6 trong phiên nhiệm đầu tiên. Chiến công của đại đội này được ghi nhận như sau:

                - Ngày 8 tháng 8/1966, lực lượng Úc mở cuộc hành quân Holswirthy tại tỉnh Phước Tuy, trong những ngày đầu chỉ có những cuộc chạm súng lẻ tẻ, đến ngày 18/8/1966, trong khi khai triển đội hình để tảo thanh và truy kích CQ ở khu rừng cao su, đại đội D tiểu đoàn 6 đã đụng độ với 1 trung đoàn CSBV. Mặc dù bị áp đảo về quân số đông gấp 10 lần, nhưng toàn quân sĩ đại đội đã tử chiến để giữ vững trận tuyến cho đến khi các đại đội bạn đến tiếp cứu bằng thiết vận xa. Đối phương buộc phải rút lui, để lại trận địa 245 xác CQ, phía đại đội D có 17 binh sĩ tử trận, 21 bị thương, về phía đơn vị tiếp ứng có 1 binh sĩ thuộc chi đội 3/1 Thiết quân vận tử trận.

                Trận đánh này diễn ra trong thời gian đại tướng Westmoreland giữ chức tư lệnh Lực lượng Hoa kỳ kiêm tư lệnh Lực lượng Đồng Minh tại Việt Nam. Đại tướng Westmoreland đã ghi lại cuộc chiến đấu của đại đội D như sau: Mùa hè 1966, quân Úc đụng trận lớn với địch. Lúc ấy một đại đội đang lục soát trong rừng cao su thì chạm trán với một lực lượng địch ước chừng 1,500 quân (quân số của 1 trung đoàn CSBV). Trong ba giờ đồng hồ, dưới cơn mưa tầm tã nên không thể nhờ đến phi cơ yểm trợ. Lúc quân Úc gần hết đạn dược, trực thăng Úc bất chấp đạn địch bắn lên đã nhào xuống tiếp tế thêm đạn. Rất may nhờ mưa lớn và tiếng súng rền vang nên hai đại đội Thiết giáp tiến sát đến bên hông mà địch không phát giác kịp. Bị phản công mãnh liệt, địch buộc lòng phải tháo chạy, bỏ lại 265 xác chết (tài liệu của Úc nêu ở phần trên ghi là 245), bên Úc có 17 binh sĩ bị thiệt mạng, trong đó có 6 người tử trận ngay trong loạt đạn đầu của cuộc giao tranh.

                * Lực lượng Úc và các trận đánh trong hai năm 1967, 1968:

                Mùa hè 1967, ngày 13/6, lực lượng Lục quân Úc đã mở cuộc hành quân mang tên là Broken Hill để truy lùng CQ ở Phước Tuy, trong hơn 10 ngày của cuộc hành quân không có các trận giao tranh lớn, chỉ có những cuộc chạm súng nhỏ, tuy nhiên các đơn vị Úc đã tảo thanh một vùng rộng lớn trong vùng hoạt động, nhờ thế, CQ đã không tiến hành các cuộc pháo kích quấy rối các căn cứ Úc.

                Cũng trong năm 1967, trong kế hoạch hành quân bình định, lực lượng Úc đã có nhiều cuộc hành quân phối hợp với các đơn vị của Sư đoàn 18 Bộ binh- sư đoàn trách nhiệm khu chiến thuật gồm các tỉnh: Phước Tuy, Bình Tuy, Long Khánh và Biên Hòa.

                Trong Tết Mậu Thân 1968, vào cuối tháng Giêng, một thành phần chủ lực của Lực lượng đặc nhiệm Úc được lệnh hành quân trong địa phận tỉnh Biên Hòa để chận đường tiếp tế của CQ vào khu vực Long Bình, Biên Hòa và Sài Gòn. Trong vòng 5 tuần lễ, lực lượng Úc đã loại ra ngoài vòng chiến 220 CQ. Cũng trong thời gian này, trong địa phận tỉnh Phước Tuy, một đại đội thuộc tiểu đoàn 3 được thiết vận xa yểm trợ đã được điều động nhanh chóng để phối hợp với một đơn vị bộ chiến VNCH giải tỏa áp lực của CQ tại thị xã Bà Rịa.

                Trong đợt 2 cuộc tổng công kích của CQ trong năm Mậu Thân 1968 diễn ra vào tháng 5, tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 3 Úc được lệnh truy lùng CQ quanh hai căn cứ hỏa lực Coral và Balmoral thuộc tỉnh Biên Hòa. Hai tiểu đoàn này được sự yểm trợ của các đơn vị thuộc trung đoàn 12 Bộ binh và 1 chi đoàn thuộc trung đoàn 3 Thiết kỵ. Ngày 13 tháng 5, trong những giờ phút đầu tiên, căn cứ hỏa lực Coral bị CQ pháo kích bằng súng cối và hỏa tiễn, sau đó bị tấn công bằng bộ binh thuộc hai trung đoàn 141, 165 CSBV. Mục tiêu chính mà CQ nhắm đến là các khẩu đại bác trong căn cứ và vị trí đặt súng cối của tiểu đoàn 1. Trong trận pháo kích này, 1 đại bác và 2 súng cối bị hư hại, ngay sau đó lực lượng Úc đã phản ứng kịp nhanh chóng, loại ngoài vòng chiến 58 CQ, bắt sống 3 tù binh.

                Ngày 16 tháng 5, CQ mổ trận tấn công thứ hai vào căn cứ Coral. Mở đầu trận đánh, đối phương đã pháo kích dữ dội sau đó tấn công bằng 1 tiểu đoàn bộ binh. Quân trú phòng đã quyết chiến, chận đứng được các đợt xung phong của địch ngay tại hàng rào phòng thủ, CQ để lại trận địa 34 xác chết cùng 1 tù binh. Từ ngày 17 đến 22 tháng 5, hai tiểu đoàn 1 và 3 Úc bắn hạ thêm 18 CQ trong các trận đụng độ nhỏ.

                Ngày 28 tháng 5, căn cứ Balmoral bị tấn công. Được sự yểm trợ hỏa lực của Pháo binh và trực thăng võ trang Gunship, quân trú phòng đã đẩy lùi được cuộc tấn công của địch, hạ tại trận 46 CQ, bắt sống 7 tù binh. Ngày 30/5, một đại đội của tiểu đoàn 1 tuần tiễu ngoài căn cứ CQ tấn công. Đối phương từ các vị trí giao thông hào với công sự kiên cố, đã tập trung hỏa lực bắn xối xả vào đội hình của đại đội. Chiến xa và thiết vận xa đã tiếp ứng kịp thời, đẩy lùi được cuộc tấn công của địch, hạ tại trận 29 CQ.
                Đến ngày 5,6 tháng 6, các đơn vị thuộc Lực lượng đặc nhiệm Úc trở lại căn cứ chính ở Núi Đất. Trong suốt cuộc hành quân này, lực lượng Úc có 26 quân nhân tử trận và 110 người bị thương.

                Từ thượng tuần 12/1968 đến 9/2/1969, Lực lượng Đặc nhiệm Úc Đại Lợi đã mở cuộc hành quân mang tên là Goodwood trong vùng ranh giới Phước Tuy, Biên Hòa và Long Khánh. Sau 9 tuần lễ hành quân, các đơn vị Úc đã loại ngoài vòng chiến 235 CQ, tịch thu 138 súng cá nhân, 31 súng cộng đồng, 73,000 đạn đủ loại, 490 lựu đạn, 220 kg thuốc nổ, 10 tấn gạo, 400 kg muối, phá hủy hơn 2 ngàn hầm hố của CQ. (Biên soạn dựa theo bản tin chiến sự hàng ngày của Tổng cục Chiến tranh Chính trị QL.VNCH, hồi ký của đại tướng Westmoreland và tài liệu của tạp chí KBC).


                Source: "https://vietbao.com/a24656/quan-uc-tran-chien-dong-nam-phan-67-69"
                Last edited by khongquan2; 10-03-2019, 04:39 PM.

                Comment


                • #9
                  Quân Tân Tây Lan Và Thái Trên Chiến Trường Việt Nam

                  Quân Tân Tây Lan Và Thái Trên Chiến Trường Việt Nam

                  Vương Hồng Anh

                  ---oo0oo---


                  Trong số trước, VB đã lược trình về hoạt động của các đơn vị thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Úc Đại Lợi tham chiến tại Việt Nam từ 1965 đến 1971. Như đã trình bày, trong cuộc chiến đấu bảo vệ lãnh thổ, chống làn sóng xâm nhập ồ ạt của quân CSBV vào Miền Nam, Quân đội VNCH được sự tiếp ứng của lực lượng Hoa Kỳ và lực lượng Đồng minh gồm các binh đoàn tác chiến thuộc Quân đội các nước: Đại Hàn, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Thái Lan. Sau đây là lược ghi về hoạt động của các lực lượng Tân Tây Lan và Thái Lan tham chiến tại Việt Nam.


                  * Các đơn vị Tân Tây Lan trong đội hình của Trung đoàn hỗn hợp Hoàng Gia Úc-Tân Tây Lan:

                  Giữa năm 1965, hưởng ứng lời kêu gọi của Hoa Kỳ, chính phủ Tân Tây Lan đã cử một pháo đội gồm 4 khẩu đội 105 ly, 15 quân xa, với quân số 108 người sang Việt Nam. Đơn vị này được hải vận đến Sài Gòn vào ngày 26 tháng 7/1965, và đã được bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đón tiếp trọng thể trong một buổi lễ tổ chức tại bến Bạch Đằng, dưới sự chủ tọa của vị tham mưu trưởng Liên quân QL.VNCH lúc bấy giờ là thiếu tướng Linh Quang Viên (thăng trung tướng 1967), trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên các nhật báo, đài phát thanh Sài Gòn, các hãng thông tấn quốc tế có phái viên hoạt động tại Việt Nam. Sau phần nghi thức quân cách, vị sĩ quan chỉ huy pháo đội đã trình diện đơn vị lên vị chủ tọa và quan khách, rồi hướng dẫn vị tham mưu trưởng QL.VNCH duyệt hành quân của pháo đội. Cách thức chào kính và quân phục của quân nhân Tân Tây Lan gần giống với quân nhân Úc, vì cả hai nước này đều thuộc khối Liên Hiệp Anh và cùng thừa nhận uy quyền của Nữ hoàng Anh qua sự đại diện của vị Toàn quyền, do đó nhiều đơn vị Úc và Tây Tây Lan đều có thêm 2 chữ Hoàng gia trong danh hiệu.


                  Trở lại với lễ đón tiếp đơn vị đầu tiên của Quân đội Tân Tây Lan tham chiến tại Việt Nam, báo chí tại Sài Gòn đã dành cho pháo đội này một sự trân trọng khi loan tin và đăng hình ảnh về buổi lễ này ở trang nhất, ngoài ra đài phát thanh Sài Gòn và đài Quân Đội VNCH đã tường thuật chi tiết trong phóng sự đặc biệt.

                  Sau đơn vị Pháo binh đầu tiên, trong ba tháng cuối năm 1965 và trong hai năm 1966, 1967, có thêm một số đại đội Bộ binh khác của Lục quân Tân Tây Lan được điều động sang Việt Nam. Riêng về Pháo binh, ngày 17/10/1967, đơn vị Pháo binh thứ hai được gửi đến Việt Nam với quân số 170 người, nâng tổng số quân Tân Tây Lan tham chiến lên 546 quân nhân. Theo sự thỏa thuận giữa hai chính phủ Úc và Tân Tây Lan, trong thời gian tham chiến tại Việt Nam, các đơn vị Tây Tây Lan chiến đấu chung với các đơn vị Úc thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 1. Trong đội hình của lực lượng này, luôn luôn có sự phối hợp giữa 1 tiểu đoàn Úc và một hay hai đại đội Tân Tây Lan. Các thành phần thuộc binh đoàn hỗn hợp này mang thêm danh hiệu là Trung đoàn Hoàng Gia Úc/Tân Tây Lan (ANZAC), sau danh hiệu của tiểu đoàn.

                  Trong thời gian từ 1965 đến 1970, một số đơn vị Tân Tây Lan đã tham dự nhiều cuộc hành quân do bộ chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Úc tổng chỉ huy, trong đó có một số cuộc hành quân quy mô như: hành quân Holsworthy vào tháng 8/1966, hành quân Broken Hill tháng 6/1967 tại Phước Tuy, hành quân giải tỏa áp lực CQ quanh các căn cứ Úc tại Biên Hòa trong năm 1968, hành quân Goodwood trong 9 tuần lễ tại ranh giới Phước Tuy, Biên Hòa và Long Khánh từ thượng tuần tháng 12/1968 đến ngày 10/2/1969.

                  Cũng cần ghi nhận rằng, do quân số ít, nên các đơn vị Tân Tây Lan ít khi hành quân độc lập mà thường tham dự các hành quân phối hợp với lực lượng Úc và chịu sự chỉ huy tổng quát của các đơn vị trưởng Úc, do đó các chiến công của quân nhân Tân Tây Lan ít khi được nhắc đến. Trong các bản báo cáo về kết quả hành quân, bộ chỉ huy các binh đoàn của Úc luôn luôn xem đơn vị Tân Tây Lan như là một thành phần thống thuộc, và các bản tin chiến sự về các cuộc hành quân phối hợp do phát ngôn viên Quân sự của Úc phổ biến cho báo chí thường chỉ ghi là cuộc hành quân do lực lượng Úc tổ chức, và không nhắc đến sự tham dự của các đơn vị Tân Tây Lan.


                  Ngoài các hoạt động phối hợp với lực lượng bộ chiến Úc, quân nhân Tân Tây Lan được giao thêm một số nhiệm vụ khác trong Lực lượng đặc nhiệm hoặc đơn vị tiếp vận. Đến năm 1971, chính phủ Tân Tây Lam giảm quân xuống còn 1 đại đội trong binh đoàn hỗn hợp ANZAC.

                  * Đại tướng Westmoreland nhận xét về khả năng tác chiến của liên quân Úc-Tân Tây Lan:

                  Trong cương vị tư lệnh Lực lượng Đồng minh tại Việt Nam từ 1965 đến tháng 5/1968, đại tướng Westmoreland đã nhận xét về khả năng tác chiến của quân đội Tân Tây Lan như sau: Lực lượng Tân Tây Lan ngang bằng với lực lượng Úc Đại Lợi. Người Úc và Tân Tây Lan cũng hợp tác thành lập một phi đội Không quân đặc biệt để yểm trợ các đơn vị có khả năng đánh cận chiến và tuần tiểu đường dài. Thành tích của họ thật thần kỳ. (Riêng về quân đội Úc chiến đấu tại Việt Nam, đại tướng Westmoreland đánh giá là rất thiện nghệ. Vị tướng này đã hết lời khen ngợi khả năng chiến đấu của các đơn vị Úc mà theo ông trong chiến tranh du kích thì “quân đội Úc chẳng khác nào quân đội Đức thời hậu Versailles, theo đó cấp nào cũng có khả năng chỉ huy theo cấp số của mình).

                  * Lực lượng Thái Lan trên chiến trường Việt Nam:

                  Thái Lan là quốc gia thứ năm gửi quân sang tham chiến tại Việt Nam. Đơn vị Thái Lan đầu tiên đến Sài Gòn vào ngày 20 tháng 9/1967 là một tiểu đoàn của Trung đoàn Mãng Xà Vương (tên bằng tiếng Anh là Queen’s Cobra, các bản tin chiến sự do Tổng cục Chiến tranh Chính trị QL.VNCH phổ biến cho báo chí ghi là Trung đoàn Mãng Xà Vương). Đến ngày này, tổng số lực lượng Đồng minh tại Việt Nam được ghi nhận như sau: Hoa Kỳ: 465,000 quân, Đại Hàn: 45,000 quân, Liên quân Úc-Tân Tây Lan: 6,400 quân, Phi Luật Tân: 2,000 quân (lữ đoàn Dân sự vụ). Những ngày cuối tháng 9 và thượng tuần tháng 10, các đơn vị thuộc Trung đoàn Mãng Xà Vương lần lượt đến Việt Nam. Đến ngày 17 tháng 10/1967, toàn bộ Trung đoàn Mãng Xà Vương gồm 2,300 quân nhân đã được chính phủ VNCH tiếp đón trọng thể tại ấp Phú Hội, quận Nhơn Trạch, tỉnh Biên Hòa. Trung đoàn này được giao trách nhiệm phụ trách bình định khu vực này. Sau Trung đoàn Mãng Xà Vương, chính phủ Thái Lan tiếp tục gửi quân sang tham chiến tại Việt Nam theo tiến trình như sau:


                  Ngày 28/10/1967, bộ trưởng Nội vụ Thái Lan tuyên bố sẽ gửi thêm 12 ngàn quân sang tham chiến tại Việt Nam. Ngày 14 tháng 11/1967, Thái Lan chính thức công bố sẽ gửi sang Việt Nam một lực lượng chừng 20 ngàn quân do Hoa Kỳ võ trang. Ngày 18 tháng 12/1967, thủ tướng Thái Lan tuyên bố: Chánh phủ Hoa Kỳ đã được thông báo là 15,000 chí nguyện quân Thái Lan chờ huấn luyện để sang chiến đấu tại Việt Nam. Chiến cụ Hoa Kỳ sẽ được chở tới Thái Lan cho đoàn quân này. Ngày 12 tháng 1/1968, trong dịp ghé ngang Sài Gòn, thủ tướng Thái Lan tuyên bố tại phi trường Tân Sơn Nhất là Thái Lan sẽ gửi thêm 12 ngàn quân. Đó là dự tính của chính phủ Thái Lan, thế nhưng trong thực tế, tính đến cuối năm 1967, lực lượng quân đội Thái Lan tại Việt Nam có khoảng 4,400 quân, và đến giữa năm 1968, tổng quân số Thái Lan khoảng 11 ngàn người. Đến ngày 22 tháng 11/1969, Thái Lan quyết định gửi thêm 2,000 quân sang Việt Nam.

                  Trong hồi ký Bản Tường Trình Của Một Người Lính, khi đánh giá về hoạt động và khả năng chiến đấu của lực lượng Thái Lan, đại tướng Westmoreland đã ghi lại như sau:
                  Sự nhiệt thành của người Thái trong công cuộc chiến đấu chống lại phiến quân Cộng sản cũng đã thể hiện khi chính phủ Thái công bố gửi chí nguyện quân sang Việt Nam. Tại Thủ đô Vọng Các đã thu hút 5 ngàn người tình nguyện, trong đó có cả con trai của thủ tướng đương quyền. Người này sau đó sang phục vụ tại Việt Nam thật.


                  Trung đoàn Chí nguyện quân đầu tiên của Thái lấy tên là Mãng Xà Vương đến Việt Nam vào mùa hè 1967 (thật sự đơn vị đầu tiên của trung đoàn đến VN vào tháng 9/1965-chú thích của VB). Tôi (đại tướng Westmoreland) bố trí cho trung đoàn này làm quen với tình hình bằng cách để hoạt động chung với Sư đoàn 9 Bộ binh Sài Gòn đóng tại hướng Đông Nam Sài Gòn và giữ một phần trách nhiệm trong kế hoạch bảo vệ tỉnh Biên Hòa. Sau đó, lực lượng Thái Lan tăng lên 11 ngàn người, được cải danh thành Sư đoàn Báo Đen do thiếu tướng D.Yose làm tư lệnh.

                  Vì người Thái chỉ được huấn luyện chừng mực nào đó nên họ không mấy hăng hái trong các cuộc tấn công địch, nhưng nếu bị tấn công thì họ chiến đấu rất anh dũng. Vào khuya một đêm nọ, trước Giáng sinh năm 1967, một tiểu đoàn CQ tấn công vào một đại đội Thái (hoạt động chung với Hoa Kỳ), nhân viên truyền tin của đại đội này là một binh sĩ Hoa Kỳ, hạ sĩ nhất Ralph O’ Connor. Qua sáng hôm sau tôi đến thăm lại trận địa, thì thấy xác CQ nằm ngổn ngang. Mọi người đều ca ngợi công lao của hạ sĩ Connor trong việc gọi phi pháo yểm trợ. Anh không chỉ làm nhiệm vụ của một nhân viên truyền tin mà còn giúp cho viên đại đội trưởng trong đồn điều khiển các cuộc đánh trả những cuộc tấn công của địch. (Biên soạn dựa theo các bản tin chiến sự hàng ngày của Tổng cục Chiến tranh Chính trị QL.VNCH phổ biến cho báo chí, hồi ký của đại tướng Westmoreland-nhà xuất bản Sự Thật, tài liệu của KBC).


                  Source: "https://vietbao.com/a51241/quan-tan-tay-lan-thai-tren-chien-truong-vn"
                  Last edited by khongquan2; 10-03-2019, 04:37 PM.

                  Comment


                  • #10
                    40 năm trận đánh tại căn cứ Hoả Lực "Coral" và "Balmoral"

                    MX Trần Như Hùng Chuyển Dịch
                    ---oo0oo---


                    Trong kỳ Tổng công kích Tết Mậu Thân đợt 2 của CSBV, tháng 5/1968. Lực lượng đặc nhiệm số 1 của Úc (The 1st Australian Task Force- LLĐN1) có nhiệm vụ tăng cường 2 Tiểu đoàn BB, 1RAR và 3RAR, đến vùng lãnh thổ khoảng 20 km phía Bắc Biên Hòa với nhiệm vụ chặn đứng con đường xâm nhập của Cộng quân vào khu quân sự Long Bình hoặc tiến về thủ đô Sàigòn. Để yểm trợ cho các cuộc hành quân lục soát, ngăn chặn của 2 Tiểu đoàn này, 3 căn cứ hoả lực được thiết lập. Đó là các căn cứ hoả lực “Cogee”, “Coral” và “Balmoral”.

                    1.Trận đánh tại căn cứ “Coral”

                    Căn cứ "Coral" nằm ở vị trí khoảng 7 km phía Bắc quận Tân Uyên. Ngày 12/5/1968, quân Úc bắt đầu đổ bộ đến địa điểm trú đóng và xây dựng hệ thống phòng thủ cho “Coral”. Vì hoạt động công khai giữa ban ngày với các chuyến trực thăng liên tục đáp xuống bãi đất trống, thả ra từng toán, từng toán bộ binh và quân cụ, cơ giới Úc chắc chắn không thể nào không bị Cộng quân theo dõi và ghi nhận và lập tức chúng đã hoạch định cuộc tấn công, hẳn là những mong với yếu tố bất ngờ sẽ dành được chiến thắng.

                    Công việc đào giao thông hào, lập hầm hố và các ụ súng đang xúc tiến thì 3 giờ 30 sáng hôm sau, ngày 13/5/1968, “Coral” bị VC tấn công. Bằng chiến thuật cơ hữu “tiền pháo hậu xung”, VC tưởng nắm chắc ưu thế khi quân Úc chưa xong công sự bố phòng và quả thật quân Úc có hơi nao núng lúc đầu vì bất ngờ. Trục tấn công của Cộng quân đi qua ngay vị trí các khẩu pháo của Pháo đội 102 Dã chiến và Trung đội súng nặng, gồm súng cối và đại liên của TĐ 1RAR. Cộng quân tập trung hoả lực và nhân lực cố chiếm cho bằng được các ụ súng cối và đại bác. Tình hình nguy ngập khiến vị Trung Uý Trung đội truởng TrĐ súng nắng xin bắn đạn chống biển người ngay trên đầu. Các binh sĩ Úc nằm rạp mình xuống đất, cố dán sát cơ thể cxuống mặt đạt trong lúc những chùm mũi tên thép từ đạn pháo binh nổ chụp xé gió ghim thẳng vào những tên bộ đội VC đang hung hăng tràn lên . Dù vậy, VC vẫn hung hãn tràn tới, và TrĐ súng nặng phải bỏ vị trí cùng với 1 khẩu đại bác Howitzer 105 ly M2A2 của Pháo đội 102. Tuy nhiên quân Úc nhanh chóng phản ứng và được sự yểm trợ hùng hậu của các phi cơ Hoả Long AC-47, đến 6 giờ 30 sáng đánh bật được VC ra khỏi căn cứ, lấy lại được vị trí và thu hồi khẩu 105 ly còn nguyên vẹn. (Khẩu súng này hiện được trưng bày tại Viện Bảo tàng Chiến tranh Úc ở Canberra) Kết quả có 11 quân nhân Úc tử thương, 28 bị thuơng, địch quân bỏ lại 52 xác ngay tại phòng tuyến.

                    Ngày 14/5, vừa tiếp tục củng cố công sự, quân Úc vừa cho mở rộng các cuộc tuần tiễu lục soát ngay bên ngoài chu vi phòng thủ và liên tục chạm súng với các chốt của Cộng quân. Có thêm 3 binh sĩ TĐ 1RAR tử thuơng trong các trận chạm súng này.

                    Quân Úc vừa chiến đấu nhưng vẫn tiếp tục hoàn tất việc bố phòng nên sang ngày 15/5 thì căn cứ hoả lực “Coral” đã hoàn tất mọi công sự phòng thủ, sẵn sàng đối phó với bất cứ cuộc tấn công nào của Cộng quân, cả pháo kích lẫn bộ chiến.

                    2 giờ 15 sáng ngày 16/5/1968, Cộng quân mở trận cường tập vào căn cứ “Coral” lần nữa với 1 lực lượng ước đoán lên tới khoảng 3 tiểu đoàn chính quy Bắc Việt. Tới lúc này căn cứ đã được bổ sung chi đội A Thiết vận xa thuộc Trung đoàn 3 Thiết Kỵ Úc phối hợp cùng các Đại đội của TĐ 1RAR Vẫn bằng chiến thuật xung phong biển người sau khi pháo kích ồ ạt, thoạt tiên Cộng quân đánh thủng được 1 phần khu vực phòng thủ của ĐĐ A/ TĐ 1RAR nhưng chúng không giữ được và bị quân Úc phản công buộc phải rút lui. Sau 4 giờ chiến đấu, quân úc đẩy lui cuộc tấn công với 5 quân nhân hy sinh và 19 bị thương. VC bỏ lại 34 xác nhưng vết máu vương vãi và các dấu kéo lê trên mặt đất cho thấy số thuơng vong của VC cao hơn thế rất nhiều. Ngoài ra quân Úc khi tảo thanh chung quanh căn cứ đã phải thu nhặt nhiều mảnh co thể chân tay của cán binh VC bị bắn tan tành trong cuộc tấn công, chứng tỏ con số thuơng vong thật sự của Cộng quân tuy khó có thể biết chắc là bao nhiêu nhưng rất cao.

                    Sau đó tình hình tạm yên tĩnh được ít ngày. Phía Úc ra sức tu bổ, củng cố công sự và tiếp tục tung ra các toán tuần tiễu và phục kích bên ngoài căn cứ. Tuy nhiên dấu vết hiện diện của Cộng quân ở khu vực quanh căn cứ “Coral” đã ít hẳn. Ngày 22/5 địch lại mở cuộc pháo kích bằng súng cối và hoả tiễn nhưng các pháo thủ của pháo đội 102 Dã chiến nhanh chóng phản pháo, khóa họng các ổ súng và hoả tiễn của địch. Đồng thời những cuộc phản pháo này cũng gây thiệt hại cho các toán bộ binh VC tập kết chuẩn bị tấn công khiến chúng phải bỏ ý định.

                    Ngaỳ 23/5, Bộ Chỉ Huy LLĐN1 cho tăng cường 1 chi đội Chiến xa Centurion thuộc Chi đoàn C, Trung đoàn 1 Chiến Xa Úc (1st Armoured Regiment ) cho “Coral” . Ngày 26/5, quân Úc mở cuộc hành quân Nhị thức, phối hợp chiến xa và bộ binh tuần tiễu , khám phá và phá huỷ nhiều hầm thuộc hệ thống địa đạo, giao thông hào Cộng quân đã lập từ nhiều ngày để chuẩn bị các trận tấn công kế tiếp. Tuy thỉnh thoảng VC tiếp tục pháo kích lẻ tẻ vào căn cứ theo chiến thuật bắn rồi chạy, nhưng tình hình tại căn cứ hoả lực “Coral” được kể là hoàn toàn yên tĩnh từ đó, coi như quân Úc đã hoàn toàn kiểm soát tình hình.

                    2. Trận đánh tại căn cứ “Balmoral”

                    Để tạo thế ỷ dốc và nhằm chủ động hơn nữa trong việc ngăn chặn hoạt động của Cộng quân, ngày 24/5/1968 BCH/LLĐN1 Úc quyết định lập thêm căn cứ hoả lực đặt tên là “Balmoral” khoảng 4 km ruỡi phía Bắc căn cứ “Coral”. Căn cứ này do TĐ 3RAR trú đóng. Ngày 25/5 4 chiến xa Centurion của Chi đội 2, Chi đoàn C, Trung đoàn 1 Chiến Xa (1 Armoured Regiment ) được 1 Trung đội BB tùng thiết bảo vệ từ Coral tiến vào Balmoral. Trên đường di chuyển đơn vị hỗn hợp này đã khám phá, tấn công và phá huỷ nhiều hầm hố của Cộng quân . Trong quân sử Úc, đây là lần đầu tiên kê từ Đệ Nhị thế chiến, chiến xa Úc chiến đấu trực tiếp với sự yểm trợ cuả bộ binh.

                    Chẳng bao lâu khi toán chiến xa tiến vào căn cứ Balmoral, rạng sáng ngày 26/5/1968 Cộng quân tập trung quân mở cuộc tấn công. Tương tự như trận đánh ở căn cứ Coral truớc đó, Cộng quân lại dùnh chiến thuật cố hữu tiền pháo hậu xung. Đồng thời các ổ súng cối 82 ly của VC cũng tập trung bắn xối xả vào Coral để ngăn chặn việc yểm trợ hoả lực cho Balmoral. Trung đoàn 165 Chủ lực của Cộng quân trong màn đêm, xung phong định phá cổng căn cứ (khoảng trống ở phía Bắc dùng làm đường ra vào căn cứ của chiến xa và thiết kỵ)

                    Tuy nhiên nỗ lực này của Cộng quân hoàn toàn là vô vọng vì lập tức phi cơ yểm trợ thả hoả châu soi sáng để các phi tuần Hoả Long AC-47 vào vòng chiến yểm trợ cho hoả lực trực xạ của thiết giáp và bộ binh Úc phòng thủ. Nhận định của các sĩ quan Úc là Cộng quân đã liều chết khi chọn mũi tấn công là khu vực trống trải phía Bắc (nơi có cổng ra vào căn cứ, hẳn là chúng nghĩ sẽ dễ dàng hơn là 3 mặt còn lại đều có bụi rậm và cây cối che phủ). Duới lưới đạn dày đặc của quân Úc , các đợt xung phong của Cộng quân bị chặn đứng , chúng không thể tiến sát cổng căn cứ Balmoral và khi trời gần sáng hẳn phải thổi kèn thu quân rút lui.

                    Mặc dù chỉ có 6 xác Cộng quân bỏ lại trận địa nhưng những vết máu kéo lê chi chít mọi ngả trên huớng về phía cổng bắc của căn cứ Balmoral cho thấy Cộng quân đã kéo theo rất nhiều xác chết và đồng bọn bị thuơng. Phía Úc có 2 quân nhân hy sinh và 14 bị thuơng.

                    Ngay trong ngày 26/5, Chi đội 1 , Chi đoàn C Chiến xa , phối hợp cùng ĐĐ D của TĐ 1 RAR từ căn cứ “Coral” được tung ra lục soất khu vực có các hầm hố Cộng quân đã bị quân Úc khám phá và tấn công trong lúc di chuyển về “Balmoral” 2 ngày trước. Khi tiếp cận khu vực toàn bụi chồi rậm rạp này, các chiến xa dùng loại đạn bi “canister” (tương tự như đan shotgun cỡ lớn) để phát quang, làm lộ rõ các hầm hố VC, rồi mới dùng đạn nổ bắn trực xạ vào những hầm hố này. Đoàn quân phối hợp tiến dần sâu hơn vào khu trú ẩn của Vc gặp phải sức kháng cự của địch, tuy nhiên hoả lực chống trả dữ dội không gây trở ngại nào cho đà tiến của những chiếc chiến xa Centurion này. Các con cua sắt tràn lên vừa bắn, vừa dùng sức nặng đè bẹp nhiều hầm hố trong khi bộ binh tùng thiết bám sát theo sau, dùng hoả lực cá nhân, kể cả súng phun lửa, thanh toán nốt mục tiêu. Trong lúc đó, pháo binh và súng cối từ căn cứ “Coral” liên tục nhịp nhàng bắn chặn yểm trợ cho cuộc hành quân. Cuộc hành quân nhị thức này kéo dài 4 tiếng đồng hồ và khi lực lượng hỗn hợp đã tiến quá xa, khỏi tầm yểm trợ hiệu quả của pháo binh, lo ngại một cuộc vây chặn của địch có thể xảy ra, Bộ chỉ huy LLĐN1 quyết định chấm dứt. Pháo binh và súng cối tiếp tục bắn chặn hậu để bảo vệ cuộc rút quân về căn cứ Coral.

                    Kết quả thật tuyệt vời. Không một chiến binh Úc nào bị thuơng và tinh thần chiến đấu lên đến cao độ. Cả 2 đơn vị Thiết giáp và Bộ binh Úc đều hài lòng với kết quả phối hợp nhị thức mỹ mãn này.

                    *
                    Để phục hận, 2 giờ rưỡi sáng ngày 28/5/1968 Cộng quân lại liều lĩnh mở đợt tấn công thứ nhì vào căn cứ Balmoral Thoạt tiên chúng nổ súng nghi binh vào vị trí của ĐĐ A/TĐ 3 RAR nhưng ngay sau đó, 1 lực lượng lớn ồ át xung phong vào vị trí của ĐĐ D/TĐ 3RAR ở mặt kia của căn cứ, tức phía có cổng chính căn cứ, một vùng đất bằng và trống trải. Đấy là điều khiến phía quân Úc ngạc nhiên vì không ai nghĩ VC lại điên rồ lập lại lỗi lầm chết nguời của chúng 2 đêm trước. Và tuơng tự như lần đầu, các làn sóng biển người VC bị hoả lực Úc chặt gãy như rạ. Duới hoả lực áp đảo, Cộng quân bị chặn đà tiến, các cán binh chỉ còn nuớc nằm bẹp trên mặt đất chĩa súng lên bóp cò theo phản xạ, vì thế không gây thiệt hại cho quân Úc. Một số VC nằm bẹp dưới các hố bom, hố đạn pháo chung quanh căn cứ và không chém vè được vì hoả lực Úc liên tục ngăn chặn.

                    Khi mặt trời lên, quân Úc từ căn cứ Balmoral bung ra lục soát và tảo thanh. Một số VC bị thuơng hoặc quá sợ hãi còn nằm lại thoạt tiên tìm cách chống cự nhưng đều bị bắn hạ hoặc bị bắt. Quân Úc bắt 7 tù binh và đếm được 42 xác VC bỏ lại tại chỗ.

                    Tương tự như trận đánh 2 đêm trước, trước nhiều mảnh vụn của tử thi VC vuơng vãi không thể thu nhặt, quân Úc phải dùng xe ủi dọn sạch khu vực và chôn cất thi thể VC rong một số hố tập thể. Dấu máu kéo lê khắp nơi cho thấy chúng cũng đã phải kéo theo nhiều xác đồng bọn.

                    Sau ngày 28/5/1968 Cộng quân ngưng hẳn không còn dám mở thêm cuộc tấn công nào vào 2 căn cứ Coral và Balmoral nữa, nhưng các cuộc hành quân tuần thám và lục soát của quân Úc quanh 2 căn cứ vẫn có những cuộc chạm súng lẻ tẻ.

                    Trận chạm súng đáng kể là vào ngày 30/5/1968 khi ĐĐ C/TĐ 1RAR được Thiết vận xa M 113 chuyển vận để mở cuộc lục soát khu rừng gần Coral . Ngay khi vừa xuống xe và bắt đầu tiến quân, binh sĩ Úc bị bắn xối xả từ 1 số công sự VC ngầm trong rừng trong khi 1 đơn vị Cộng quân tìm cách tiến lên khóa đường về của quân Úc. Ngay lập tức 2 chiến xa Centurion trong căn cứ được lệnh tiến nhanh đến yểm trợ giải vây. vừa tiến vừa bắn các quả đạn bi, chiến xa thổi tung các bụi rận bộc lộ vị trí những hầm chốt VC. Trực thăng vũ trang được cấp tốc điều động tới và dưới hỏa lực hùng hậu của các phi tuần Cobra, quân Úc chặn đứng VC và rút về căn cứ an toàn. Kết quả có 1 binh sĩ Úc tử thuơng, 7 bị thuơng, phía địch quân uớc lượng khoảng từ 25 đến 45 tên chết tại trận.

                    Đầu tháng Sáu 1968 khi tình hình chiến trường thay đổi, quân Úc được lệnh rút kkhỏi 2 căn cứ hoả lực Coral và Balmoral. Đơn vị cuối cùng ra khỏi căn cứ vào ngày 6/6/1968.

                    Tổng cộng trong suốt thời gian này, phía Úc có 25 quân nhân tử thuơng đổi lại ít nhất 300 Cộng quân bị bắn hạ.

                    *
                    Các đơn vị Úc và đồng minh tham dự vào những trận đánh ở 2 căn cứ hoả lực này gồm có:

                    Bộ Chỉ Huy LLĐN số 1 (The 1st Australian Task Force)
                    Chi đoàn A , Trung đoàn 3 Thiết Kỵ (3 Cavalry Regiment)
                    BCH/Trung đoàn Pháo Binh Dã Chiến 12HQ ( 12 Field Regiment ) gồm các đơn vị cơ hữu của Pháo đội Chỉ Huy, Pháo đội Dã chiến 102 Úc, Pháo đội Dã chiến 161 Tân Tây Lan; và Pháo đội A, TĐ 35 Pháo Binh Hoa Kỳ.
                    Chi đoàn C, Trung đoàn 1 Chiến Xa (1 Armoured Regiment )
                    Toán Sửa chữa và Tiếp Liệu Tiền Trạm của Trung đoàn 1 Chiến Xa (1 Armoured Regiment )
                    Tiểu đoàn 1 Trung đoàn Bộ Binh Úc, 1RAR (1st Battalion, Royal Australian Regiment )
                    Tiểu đoàn 3 Trung đoàn Bộ Binh Úc, 3RAR (3rd Battalion, Royal Australian Regiment )
                    Đại đội Công binh Úc (Squadron, Royal Australian Engineers)
                    Một phần TĐ5/2 Pháo Binh Hoa Kỳ
                    Phi đoàn quan sát (độc lập) 161 (Independent- Reconnaissance Flight )
                    Đơn vị thuộc Đại đội Truyền tin 104 Úc
                    Đơn vị quân xa Trung đội 2 Đại đội 5 quân xa Úc.

                    Sau nhiều năm vận động, cuối cùng năm nay 2008, giới Cựu chiến binh Úc tham chiến tại VN đã thuyết phục được chính quyền Liên bang công nhận trận đánh tại 2 căn cứ hoả lực Coral và Balmoral là trận đánh xứng đáng được kỷ niệm vì thể hiện được ý chí chiến đấu dũng cảm, tinh thần đồng độ tuyệt vời cũng như khả năng chỉ huy và tác chiến cao độ cuả quân nhân các đơn vị tham dự trận đánh này.

                    Tối ngày 12/5/2008 vừa qua, trong buổi lễ tiếp tân trọng thể và cảm động tại trụ sở Nghị viện liên bang để chính thức kỷ niệm 40 năm trận đánh, Thủ tuớng Kevin Rudd đã thay mặt toàn thể dân Úc ngỏ lời tri ân và vinh dnah những chiến binh Úc tham dự trận đánh ở 2 căn cứ hoả lực “ Coral” và “Balmoral”. Bài diễn văn của ông được kết thúc như sau:

                    Đêm nay, trong cương vị là Thủ Tướng Úc, tôi xin được bày tỏ lòng cảm phục trước sự chiến đấu trong tinh thần phục vụ đất nuớc của quý vị trong trận chiến lừng lẫy này.
                    Đối với tinh thần phục vụ của quý vị, tôi xin chân thành cám ơn.
                    Đối với thân nhân các tử sĩ đã hy sinh và đang hiện diện nơi đây, tôi xin bày tỏ lời thành kính phân ưu.
                    Đối với những người đã từng phục vụ trong cuộc chiến Việt nam nhưng công sức chiến đấu đã không được các chính quyền tiền nhiệm công nhận và vinh danh, tôi xin thành thật bày tỏ lòng hối tiếc.
                    Chúng ta không thể nào bù đắp được những gì quý vị đã phải trả khi tham chiến lúc ấy.
                    Thế nhưng, đêm nay, tôi long trọng tuyên bố, đất nuớc, chính phủ và nhân dân Úc từ nay sẽ vinh danh xứng đáng tất cả những chiến sĩ đã bỏ mình trong các trận đan1h ở 2 căn cứ “Coral” và “Balmoral” 40 năm truớc.

                    Thưa quý vị cựu chiến binh tham chiến ở Việt Nam, đêm nay tôi rất vinh dự được chủ tọa buổi tiếp tân này để vinh danh quý vị.

                    Đã có lắm tranh luận, bàn cãi về mặt chính trị chung quanh cuộc chiến Việt nam, nhưng không hề có bất cứ một cãi vã nào về giá trị của những chiến binh hãnh diện với bộ quân phục Úc đã chiến đấu trong cuộc chiến đó.

                    Nhân kỷ niệm 40 năm trận đánh “Coral” và “Balmoral” cả đất nuớc này chào kính quý vị với lòng trân trọng.


                    MX Trần Như Hùng Chuyển Dịch

                    Source: "http://www.tqlcvn.org/tqlc/tl-40nam-trandanh-coral-balmoral.htm"
                    Last edited by khongquan2; 10-03-2019, 05:16 PM.

                    Comment



                    Hội Quán Phi Dũng ©
                    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                    website hit counter

                    Working...
                    X