Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hải Quân VNCH, Mỹ Và TT Thiệu; Từ Dinh Độc Lập 1969 Tới Ngôi Nhà Ngoại Ô London Sau 1

Collapse
X

Hải Quân VNCH, Mỹ Và TT Thiệu; Từ Dinh Độc Lập 1969 Tới Ngôi Nhà Ngoại Ô London Sau 1

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hải Quân VNCH, Mỹ Và TT Thiệu; Từ Dinh Độc Lập 1969 Tới Ngôi Nhà Ngoại Ô London Sau 1

    Hải Quân VNCH, Mỹ Và TT Thiệu; Từ Dinh Độc Lập 1969 Tới Ngôi Nhà Ngoại Ô London Sau 1975
    Nguyễn Tiến Hưng/Việt Báo


    Nguyễn Tiến Hưng, tác giả cuốn “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu,” nói chuyện với các bạn hải quân tại nhà hàng Paracel, Little Saigon về những điều chưa thể viết trong sách.

    Ngày 28/1/1969 - vừa lên ngôi, TT Richard Nixon đã nhóm họp ngay với Hội đồng An ninh Quốc gia nới rộng để bàn về Việt Nam.

    Tướng Andrew Goodpaster, Phó của Đại tướng Creighton Abrams trình lên tổng thống: “Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã không ngừng cải thiện, và thời điểm mà ‘De-Americanization” - vai trò của quân đội Mỹ có thể được thu hep lại thì đã cận kề.” Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird đồng ý với quan điểm này, nhưng không đồng ý với ngôn từ ‘De- Americanization.” "Điều chúng tôi cần là một thuật ngữ như “Vietnamization” (‘Việt Nam hóa' chiến tranh) để nhấn mạnh vào vấn đề chính yếu là giúp cho Miền Nam có đủ khả năng để tự bảo vệ. TT Nixon đồng ý ngay và tuyên bố chương trình này tại cuộc họp đầu tiên giữa hai Tổng thống Nixon và Thiệu tại đảo Midway vào ngày 8/6/1969.

    Chỉ 5 tháng sau, chương trình này được khởi sự với Hải Quân VNCH. Và từ đó, Hải Quân đã phát triển rất mạnh và mau chóng:

    1969: Mỹ chuyển giao 80 tầu tuần giang. Ngay lập tức Hải Quân tiếp thu toàn bộ chiến dịch tuần tra, kiểm soát sông ngòi của lãnh thổ.

    1971: tiếp nhận công tác tuần tra vùng Duyên Hải và trên biển;

    1972: tiếp thu và quản lý toàn bộ 16 đài kiểm thính (radar) duyên hải để chấm dứt hoàn toàn hoạt động của Hải quân Mỹ.

    1973: VNCH đã hoàn tất chương trình bành trướng Hải Quân lên đến quân số trên 40,000 sĩ quan và thủy thủ.

    Theo như sự đánh giá của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu – chính vì sự giúp đỡ tối đa của Đô Đốc Emmo Zumwalt - một người đã rất gắn bó với VNCH – cho nên Hải Quân đã trở thành một lực lượng lớn mạnh đáng kể.

    Khi chúng tôi viết cuốn ‘Tâm Tư Tổng Thống Thiệu’, nhà tôi đã khuyên tôi nên viết một chương về Hải Quân nhưng sách đã dài trên 700 trang, không thể thêm vào được. Cho nên trong bài này chúng tôi xin nhắc lại một số sự kiện lịch sử liên hệ:

    - Chỉ trong vòng 5 năm, với 64,200 vật liệu và phụ tùng đã được lưu trữ tại trung ương và các cơ xưởng của Hải Quân để sửa chữa và bảo trì cho 1,429 tầu chiến gồm 13 loại lớn nhỏ - từ Khu Trục Hạm, Tuần Dương Hạm tới Dương Vận Hạm, Xà Lan chở dầu. Hệ thống tiếp liệu của Hải Quân VNCH được Bộ Quốc Phòng Mỹ đánh giá là lớn lao nhất và hiệu quả nhất Đông Nam Á.

    Để có một ý niệm về hệ thống này phức tạp như thế nào, ta có thể so sánh nó với HOME DEPOT. Khi ta vào đây mua sắm vật liệu thì thấy như vào cái rừng, nhiều khi vợ chồng còn đi lạc nhau. Tuy nhiên HOME DEPOT cũng chỉ lưu trữ từ 30,000 tới 38,000 vật liệu so sánh với trên 64,000 của Hải Quân VNCH.

    Hệ thống tiếp liệu của Không Quân và Lục Quân thì lớn hơn nhiều: 192,000 và 127,000 nhưng đa số được lưu trữ ở ngoại quốc. Khi máy bay khu trục cần sửa chữa tới ‘cấp 4’ (rigging operation) thì phải đưa sang Đài Loan. Trái lại, Hải Quân có đủ vật liệu và kỹ thuật để sửa chữa chiến hạm ngay trong nước.

    -Hải Quân giữ một nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ an ninh đường thủy, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế miền Nam, vì lúa gạo, đường, gia súc, tôm cá, các nhu yếu phẩm hầu hết được đưa về cảng và các kênh ở Sài Gòn và các tỉnh bằng đường sông rạch chằng chịt tại đồng bằng châu thổ Cửu Long, vì đường bộ thiếu an ninh lại bị tắc nghẽn ở Phà Mỹ Thuận. Phà này phải đi qua khúc sông Cửu Long dài tới nửa cây số.

    Dinh Độc Lập: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tiếp sứ giả Hoa Kỳ. Phía bìa trái là Tổng trưởng Kế Hoạch Nguyễn Tiến Hưng.

    Cầu Mỹ Thuận mà Mỹ không thuận!

    Nơi đây chúng tôi xin kể lại một câu chuyện bên lề về Phà Mỹ Thuận: một hôm chúng tôi họp với Bộ Công Chánh để tìm hiểu tại sao chính phủ đã có dự án xây một cây cầu ở Mỹ Thuận từ mấy năm rồi mà chưa xây để khai thông hệ thống chuyển vận đường bộ? Các chuyên gia trả lời là vì nhiều lý do như tình hình an ninh khó khăn (dễ bị gài mìn trên sông), chưa đủ chuyên gia kỹ thuật...

    Sau cùng một thanh niên rất trẻ đứng lên phát biểu: “Dạ thưa ông: cái cầu tên là Mỹ Thuận nhưng Mỹ chưa bao giờ thuận nên không xây được.” Câu nói của thanh niên này đã tóm gọn tình trạng phải lệ thuộc vào Hoa Kỳ không những về quân sự mà còn về kinh tế của Miền Nam trong thời gian chiến tranh: vì cuộc chiến kéo dài từ 1945 nên đã không cho phép sản xuất, phát triển.

    - Sau Hiệp Định Paris, TT Thiệu đã chỉ thị cho chúng tôi qua Mỹ để yêu cầu Hoa Kỳ thay thế cho HQVN những chiến hạm đã quá cũ kỹ theo điều khoản “một đổi một” của Hiệp Định Paris. Ông đặc biệt nhấn mạnh tới chiến hạm thuộc loại chuyển vận như Dương Vận Hạm – LST (Landing Ship Tank), nhưng không thành công vì Hiệp Định này chỉ cho phép “một đổi một” về phẩm chất: không được thay cũ đổi mới.

    TT Thiệu nói: sở dĩ cần ngay LST vì một phần là để giúp chuyển quân thay cho trực thăng vì mô hình Việt Nam hóa vẫn đặt nặng hai yếu tố “Mobility và Fire Power” – di động tính và hỏa lực.

    ‘Mobility’ thì luôn cần trực thăng mà bây giờ nhiều chiếc phải nằm ụ vì thiếu phụ tùng.

    Cho nên cần có LST thật tốt để hay thế một phần. VNCH chỉ có 5 cái: HQ 500 tới HQ 505.

    Vai trò của LST quan trọng như thế nào thì đã phản ảnh vào những ngày tháng cuối cùng:

    Tháng 3/1975 Trung tướng Ngô Quang Trưởng rất lo ngại về cái chốt nguy hiểm ở đèo Hải Vân:

    QL 1A đi từ Huế tới Đà Nẵng dài 95 cây số và phải qua đèo Hải Vân. Đèo này nằm trên dẫy núi dài tới 21 cây số. Rồi qua Cửa Tư Hiền rất khó khăn: nơi thông đầm Cầu Hai với Biển Đông.

    Cho nên Tướng Trưởng chỉ trông nhờ vào cảng Tân Mỹ ở đầu nguồn Sông Hương. Chúng tôi biết được chuyện này vì trong một báo cáo cho TT Thiệu, qua tài liệu của tình báo Mỹ thì: ba sư đoàn VNCH ở Huế và lân cận có thể bị rơi vào cạm bẫy của quân đôi Bắc Việt vì – ngoài Phi Trường Phú Bài thì chỉ còn cái cảng nông cạn, sình lầy là cảng Tân Mỹ để rút lui: “Sáu Sư đoàn Bắc Việt ở phía Bắc và ba SĐ ở khu vực Quảng Trị-Thừa Thiên, tổng cộng là 9 SĐ sẽ có thể đánh bại 3 SĐ VNCH nội trong trong mấy ngày.”

    Và ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô Luân Đôn, nơi Ông Thiệu tiết lộ kế hoạch sau cùng.

    Sau cùng thì cái gì đã xảy ra?

    Trên đường rút từ Huế: Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 147 rút về cảng Tân Mỹ để được LST của Hải quân chuyển đi. Nhưng căn cứ này đã sớm bị tràn ngập thường dân tìm cách di tản, cho nên sau cùng LST chỉ có thể vào gần bờ vài trăm feet, bắt buộc TQLC phải bơi ra tàu, cuối cùng chỉ có khoảng 600 trong số 3000 TQLC được chuyển vận tới Đà Nẵng.

    - Trở lại Hiệp Định Paris, một điểm quan trọng cần được ghi lại cho lịch sử: đó là về việc di chuyển quân: Hải Quân và chỉ có Hải Quân là không bị trói tay bởi Hiệp Định Paris. Hiệp Định này được gọi là “Hiệp Định Da Beo:” cho phép bộ đội Bắc Việt đóng lại Miền Nam ở rải rác khắp nơi như những đốm da beo trên bản đồ. Cho nên Không Quân bị ngăn chận không được bay qua và Bộ Binh không được vận chuyển qua những khu vực này.

    Trái lại, trên mặt biển thì không có đốm da beo nào (cho tới trận Hoàng Sa) cho nên Hải Quân đã hoàn toàn làm chủ đại dương cho tới ngày cuối cùng.

    -TT Thiệu đã có tầm nhìn xa về Biển Đông: sau khi mất Hoàng Sa ông đã nghi ngại Trung Cộng sẽ tiếp tục xâm chiếm lãnh thổ hải đảo và sẽ đưa tầu chiến vào Trường Sa, nên đã điều thêm chiến hạm HQVN ra phòng thủ Trường Sa với bất cứ giá nào.

    Đây là vấn đề quân sự, nhưng lúc ấy vì một tình cờ chúng tôi mới biết chuyện này, đó là khi gặp Tướng John Murray (chỉ huy cơ quan DAO Bộ Quốc Phòng Mỹ ở Sài gòn) để cập nhật ngân sách viện trợ (là lãnh vực của chúng tôi) thì có cả vấn đề tiết giảm chi tiêu quân sự, gồm cả Hải Quân. Ông Murray nói tới khuyến nghị của ông đối với chi tiêu của Hải Quân và cho biết ông đã đề nghị Bộ Tổng Tham Mưu rút hết các chiến hạm khỏi Trường sa và đóng cửa một số cơ sở bảo trì của Hải Quân:

    Căn cứ yểm trợ hành quân ở Cần thơ;

    Hai căn cứ yểm trợ hành quân tại Vĩnh Long, và Long Phú;

    Hai căn cứ sửa tầu ở Cửu Long và Cần Thơ; và

    Hai căn cứ yểm trợ nhanh ở Chợ Mới và Thuận An.”

    Tôi hỏi tại sao nên rút chiến hạm khỏi Trường Sa? Ông trả lời là vì hai lý do: thứ nhất, nguyên tiền xăng nhớt cho hai chiến hạm ở đây đã tốn tới nửa triệu đôla một năm; và thứ hai: thả neo ở Trường Sa là không cần thiết vì “Hải Quân của Bắc Việt không thể nào vào tới tận Trường Sa.”

    Tôi báo cáo lại với TT Thiệu, ông nói: “Bắc Việt không thể nào vào tới Trường Sa nhưng sau Hoàng Sa, Trung Cộng sẽ ngừng để nghỉ ngơi, tái phối trí rồi sẽ tiến thẳng vào Trường Sa.”

    Ông cho biết đã ra lệnh không những tiếp tục bảo vệ mà còn tăng cường nếu cần thiết. Theo sự suy nghĩ của chúng tôi, sở dĩ ông nhất quyết như vậy - dù đã sắp cạn tiền mua xăng - một phần cũng vì ông cho rằng phải bảo vệ kho tàng dầu lửa. Lúc ấy, tin tức về khai thác thành công dầu lửa ở Trường Sa đang rộ lên.

    -Với sự bảo vệ an ninh của các chiến hạm HQVN, các giếng dầu hoạt động ngoài khơi Biển Đông đã có dấu hiệu có thể xuất cảng dầu thô, chỉ trong vài ba năm đã có thể lên tới 1 tỷ dollars mỗi năm, một triển vọng cho miền nam trù phú có thể tự lực, tự cường mà không còn phải nhờ vả vào viện trợ Hoa Kỳ nữa.

    -Trong trận Mùa Hè Đỏ Lửa, TT Thiệu đã dự trù cho 1 sư đoàn Bộ Binh đổ bộ ra Vinh bằng các chiến hạm HQVN, làm nghi binh để cho bộ đội Bắc Việt phải rút về phòng thủ.

    - Về trận Hoàng Sa 19/1/1974, TT Thiệu đã ra lệnh trực tiếp cho tư Lệnh Vùng I Duyên Hải Hồ Văn Kỳ Thoại mà không qua hệ thống quân giai để phản ứng nhanh chóng trong việc bảo vệ Hoàng Sa. Sau đó ông còn ra lệnh cho Không Quân dùng máy bay khu trục F5E để bay ra bắn chìm tầu của Trung Cộng. Nhưng hai phi vụ không thực hiện được vì Ngoại trưởng Henry Kissinger đã ngăn chận. Nhân chứng còn sống là Đại Tá Nguyễn Quốc Hưng, Phụ Tá Tham Mưu Phó Hành Quân, Bộ Tư Lệnh Không Quân (‘Khi Đồng Minh Nhảy Vào’ Chương 25).

    - TT Thiệu tin tưởng Hải Quân sẽ đủ khả năng bảo vệ bờ biển Đà Nẵng, để Bộ Binh và Không Quân tử thủ thành phố này, nếu giữ được hai tuần lễ – như điều kiện Hoa Kỳ đã đặt ra trong một kế hoạch tối mật giúp bảo vệ Miền nam. Tuy nhiên thành phố Đà Nẵng đã thất thủ nhanh chóng vì lệch lạc hỗn loạn dẫn đến sụp đổ của chính thể VNCH. Và lịch sử cũng đã rõ là nếu VNCH có giữ được hai tuần thì Hoa Kỳ cũng đã thất hứa vì đã quyết định tháo chạy.

    Hình chụp từ tấm bản đồ trong “Phòng Tình Hình” của TT Thiệu mà người viết còn giữ. Bản thu nhỏ cũ kỹ, đường nét mờ mịt. Vị trí từ Bến Lức, ranh giới dự tính cho một VNCH thu gọn về miền tây..

    Vai trò Hải Quân trong kế hoạch sau cùng

    Vai trò Hải Quân trong chiến lược cuối cùng: rút về Miền Tây để bảo vệ một VNCH thu gọn.

    Sau này tại Luân Đôn, TT Thiệu tiết lộ về kế hoạch cuối cùng của ông là ‘cắt cầu Bến Lức, rút về Miền Tây.’ Ông nói rằng lúc ấy ông hy vọng nếu Mỹ đồng ý cho ta vay một số tiền (khoảng 1 tỷ đôla) để mua được tiếp liệu thì sẽ rút về Miền Tây để chỉ giữ một VNCH thu gọn, vì khả năng quân sự ở nơi đây còn nguyên vẹn và tình hình an ninh rất tốt. Ông giải thích là không thể nào giữ được cả bốn quân khu với một biên giới quá dài vì quân số rất ít: tuy lý thuyết là trên một triệu binh sĩ, nhưng trong thực tế, quân đội chủ lực chỉ có khoảng 130,000. Sau Đà Nẵng, số này chỉ còn vỏn vẹn 63,000. Tuy nhiên, nếu có phương tiện để gấp rút thi hành kế hoạch tái tổ chức thì vẫn có thể giữ được Miền Tây. Sau tuyến Tây Ninh – Nha Trang, tuyến cuối cùng mà ông Thiệu vẽ trên bản đồ là từ Mỏ Vẹt qua Bến Lức (xem bản đồ).

    TT Thiệu cắt nghĩa là từ cầu Bến Lức, phòng tuyến mới của một VNCH thu gọn sẽ dễ bảo vệ hơn nhiều. Ranh giới chỉ còn phần giáp Cao Miên và mấy chục cây số từ Mỏ Vẹt ra tới biển.

    Khúc còn lại, tức là phần lớn của biên giới thì chỉ là duyên hải. Theo sự ước tính của chúng tôi thì biên giới sẽ không phải là cả gần 700 dặm nữa mà được thu hẹp lại chỉ còn khoảng trên 130 dặm. Phần lớn công tác biên phòng của một VNCH thu gọn sẽ được Hải Quân trấn giữ.

    Cho nên, tổng kết cho lịch sử: cùng với Lục Quân (đã bảo vệ lãnh thổ cho tới tháng 1/1975 khi mất tỉnh đầu tiên trong suốt cuộc chiến mà không lấy lại được: đó là Phước Long; cùng với Không Quân (đã bảo vệ tất cả bầu trời cho thật an ninh cho tới khi bị giới hạn bởi HĐ Paris), Hải Quân VNCH có thể tự hào là đã làm tròn bổn phận đối với Tổ Quốc và Đại Dương.

    Nguyễn Tiến Hưng

    Source:https://vietbao.com/p290657a290944/h...ondon-sau-1975


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X