Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những cuộc hôn nhân đồng sàng dị mộng

Collapse
X

Những cuộc hôn nhân đồng sàng dị mộng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những cuộc hôn nhân đồng sàng dị mộng

    Những cuộc hôn nhân đồng sàng dị mộng.


    Chung Dao


    Sáng nay không ai rủ ra cà phê ngồi, tuổi này tự nhiên thích mỗi ngày buổi sáng được ngồi trong quán cà phê nhìn ra đường phố, ngắm người qua lại, chắc mình giống mấy ông già rồi, ngồi đó mơ màng nghĩ về những tháng ngày xưa cũ.

    Chẳng lẽ ra ngồi một mình mấy người độc mồm độc miệng lại nói ra đó ngồi để kiếm kép, thôi ở nhà viết chuyện phiếm đọc chơi giết thì giờ vì trời cũng đang u ám đe dọa mưa lớn.

    Ôm con chó vào lòng viết chuyện là sướng nhất đời, hôm nay nói về những cuộc hôn nhân đồng sàng dị mộng, đây chỉ là nhận định của riêng tôi về một tình trạng thực tế đang xẩy ra khá nhiều, chứ không đưa ra lời khuyên gì đối với các bạn nhé vì ai “trong chăn mới biết chăn có rận”, hi hi…

    Có những cuộc hôn nhân mang lại hạnh phúc cả đời cho hai người trong cuộc nhưng có những cuộc hôn nhân chỉ mang lại những phiền muộn cho cả hai phía nhưng người ta không dứt áo ra được vì nhiều lý do, đặc biệt ở Mỹ.

    Theo một trình tự như đã được lập trình sẵn, ở Mỹ khi kết hôn thường hai vợ chồng lập ra một joint account tức là một tài khoản ngân hàng chung, rồi ai kiếm được bao nhiêu tiền cứ bỏ vào đó, cả hai đều có thể quản lý số tiền chung và biết người phối ngẫu của mình tiêu bao nhiêu vào mục gì, đặc biệt ở Mỹ điều này rất minh bạch vì đa số xài tiền thông qua credit card (thẻ tín dụng).

    Nhưng nếu cứ hạnh phúc trôi chảy thì không sao, hay người phối ngẫu mình là người tự trọng có mê ai, muốn chấm dứt hôn nhân ràng buộc cũng minh bạch chia đôi, thì đã không có chuyện để nói.

    Đằng này có những người tàn nhẫn, đừng trách chỉ có đàn ông mà đàn bà cũng thế, tiền dành dụm của hai vợ chồng vài trăm ngàn đô la, mụ vợ mê chơi bời có bồ, một ngày đẹp trời rút hết tiền saving ra, đóng tài khoản chung rồi về quăng cho ông chồng chừng 10.000 đô, biết làm gì mụ vợ đây chẳng lẽ đi thưa mà cũng không thưa được vì đã là vợ chồng, tài khoản chung có quyền một mình rút ra bất cứ lúc nào, chỉ biết ngậm ngùi mở tài khoản mới một mình và bắt đầu làm lại cuộc đời.

    Cũng có đàn ông tàn nhẫn bỏ vợ, bỏ con mang tiền đi cho gái hết, rồi gái trẻ nó gạt cho hết tiền và bỏ rơi, lúc đó lại quay về với vợ con vì không ai chứa. Vụ này xảy ra hoài nhưng các ông cứ lý luận “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, họ có tuổi trẻ mình có tiền, trao đổi sòng phẳng thôi”, những người này cũng có lý của họ, nhưng ham vui nhớ giữ lại chút đỉnh phòng thân già.

    Có khi tiền cũng không phải là vấn đề khiến cho người ta thôi nhau, mà tình nghĩa có khi tự động phai lạt đi. Khi lấy nhau, người ta đang hăm hở vì yêu đâu có bao giờ nghĩ tới ngày chia tay.

    Họ hăng hái mua nhà, lập tài khoản chung…sau một thời gian chung sống, dĩ nhiên những tật xấu mới lòi ra, thí dụ ông hay bà quá so đo với gia đình cha mẹ mình, gởi tiền về tiếp tế cho gia đình ở VN cũng phải dấu không thì ông chồng hay bà vợ cứ càu nhàu.

    Ông chồng có máu đỏ đen, bao nhiêu tiền làm ra đều hết vì tình cờ bạc, bà vợ mê sửa sắc đẹp bao nhiêu tiền cúng cho BS giải phẩu thẩm mỹ hết mà càng ngày nhìn càng giống hình nộm không còn nét tự nhiên nữa, bà vợ không luyện tập và không chăm sóc thân mình nên càng ngày cứ càng phát tướng, hay những lý do hết sức đơn giản như sau một thời gian bà vợ chán vì ông chồng chỉ thích nhậu nhẹt không có chút máu văn nghệ trong người, ông chồng ngáy to như sấm khiến bà vợ không ngủ được…

    Tuy nhiên vấn đề chính ở đây là tuy có nhiều vấn đề làm họ chán nhau nhưng vì có quá nhiều ràng buộc giữa hai bên nên họ không thể dứt ra.

    Trước hết nói về phương diện pháp lý, đang mua cái nhà chung bây giờ chán nhau ly dị chia đôi làm sao đủ tiền mua nhà khác, nhà mua ở Mỹ thường là trả góp và đòi hỏi phải có hai thu nhập mới trả nổi và mới được ngân hàng duyệt cho vay, không như ở VN mua nhà thường paid off (trả hết tiền ngay).

    Sau đó một lý do khác khiến họ cứ phải sống chung vì yếu tố emotion (xúc cảm), họ sợ buồn khi phải rời xa căn nhà mình đã sống mấy chục năm nay, nơi chứa đầy kỷ niệm, nơi các con ra đời và lớn lên.

    Thế là họ cứ tiếp tục sống chung trong một căn nhà mà đi ra đi vào như người câm điếc chẳng nói gì với nhau, chẳng quan tâm về nhau.

    Những đứa con thấy không khí gia đình lạnh lẽo như thế cũng chán và từ từ bỏ ra ngoài sống nếu đã trưởng thành.

    Một ‪khía‬ cạnh khác là nếu con còn nhỏ thì cứ cố giữ nhau cho con còn đủ cha đủ mẹ, sợ chúng shock rồi lao vào những chuyện bậy bạ, trẻ con mới lớn hay lấy việc bất hoà của cha mẹ làm lý do để hư hỏng, hút xách hay sống buông thả.

    Không chỉ ở Mỹ, ở Việt Nam tôi biết cũng có vài trường hợp ly dị rồi nhưng chia hai căn nhà đang ở, đi ra đi vào vẫn thấy nhau và đôi khi lườm nguýt nhau mỗi ngày, con cháu vẫn đề huề ghé thăm cả cha lẫn mẹ, cả ông lẫn bà, riết rồi chúng cũng quen với lối sống đó của cha mẹ và còn trở thành người messenger giữa cha mẹ chúng, khi cha mẹ muốn thông tin gì với nhau, dù ở chung nhà, nhưng đều thông qua con để truyền đạt.

    Có người khôn ngoan, trước khi lập gia đình, ở Mỹ họ thường hay ký vào một khế ước tiền hôn nhân gọi tắt là prenup (prenuptial agreement) tức là quy định tài sản của riêng của người nào trước khi lập gia đình, nếu ly dị tài sản hay số tiền trong ngân hàng đó không đưa vào tranh chấp hay phân chia.

    Nhưng nếu cả hai bên đều có của thì còn không nói gì, không ai tự ái, chỉ minh bạch trước khi hiểu rõ hơn về nhau. Trong trường hợp một bên giầu có, bên kia tay trắng thì hơi khó và khá là bị tổn thương, có trường hợp tôi biết người nữ đã từ chối cuộc hôn nhân đó vì cho rằng mình bị xúc phạm khi ông chồng tương lai đòi lập khế ước tiền hôn nhân.

    Thế nên một gia đình hạnh phúc từ lúc trẻ cho đến khi lên hàng lão vẫn là mơ ước của nhiều người, nếu bạn đang có hạnh phúc trong tay hãy cố mà giữ lấy mà chăm sóc khi cuộc đời chẳng còn bao lâu nữa là chấm dứt, đèo bồng chi cho mệt óc. Cuộc sống lứa đôi là một thoả hiệp (compromise) giữa hai bên nếu muốn lâu dài.

    Còn ai sống theo kiểu đồng sàng dị mộng như nói ở trên vì bất cứ lý do gì, tôi cũng thông cảm và nể phục, bởi vì tôi không tài nào sống như vậy được vì không dễ gì đi ra, đi vô mà cứ phải nhìn mặt nhau khi đã hết yêu nhau và thậm chí còn ghét nhau.

    Thôi nghen, dừng đây vì hết ý rồi, chúc các bạn một ngày cuối tuần vui cùng gia đình.



    Chung Dao


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X