Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thư Gởi Con Trai Nhân Ngày Khai Trường

Collapse
X

Thư Gởi Con Trai Nhân Ngày Khai Trường

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thư Gởi Con Trai Nhân Ngày Khai Trường

    Thư Gởi Con Trai Nhân Ngày Khai Trường 2019
    ~~~







    1. NGÀY KHAI TRƯỜNG

    Trong ngày khai giảng năm học mới, Tony bảo: con không muốn đi học.

    Cách đây nhiều năm, bằng tuổi con bây giờ, ta đã nói đúng câu ấy. Ngồi trong lớp, nhớ mẹ, chỉ mong về nhà. Ta nhớ cái bếp của mẹ ta, tưởng tượng giờ này đỏ lửa, mẹ ta đứng trong vườn khom người hái rau, trên sân bầy gà con nhảy khỏi chuồng kêu chiêm chiếp, tiếng gàu nước ai thả rơi bên giếng. Nhớ cả cánh đồng sau mùa gặt khói đốt cỏ bay lên, hang dế mèn đêm trăng sáng, nhớ mấy thằng bạn may mắn khỏi phải đi học. Ngày đầu tiên thật khốn khổ. Trong lớp khi thầy giáo trò chuyện với cha ta, thì ta đứng im ở đó, nửa sợ hãi, nửa tức giận. Ta nhìn ra cửa sổ thấy vài đứa trẻ chơi trong vườn ổi, hồ nước trên sân trường hoa súng hồng phấp phới, người bán kẹo kéo đẩy xe qua rặng liễu. Tất cả có một vẻ trang nghiêm, hùng vĩ, tươi mới, làm ta vừa tò mò vừa lo ngại. Nhưng cảm giác nhớ nhà, nhớ mẹ vẫn mạnh mẽ hơn. Trong khi mẹ ta dịu dàng bao nhiêu thì thầy cô giáo coi bộ nghiêm khắc bấy nhiêu. Bắt chước một đứa khác, ta xin phép ra ngoài đi vệ sinh nhiều lần, khiến thầy giáo nghi ngờ bị bệnh thận bẩm sinh. Nhưng ta chẳng có bệnh gì cả, chỉ không thích ngồi im một chỗ, bắp chân đau mỏi, thì ra chạy nhảy làm cho chúng bớt đau, lại ngồi giữa hai đứa con trai mặt mũi tèm nhem, coi bộ buồn rầu và bực tức như ta. Nhưng nhớ nhất là cây súng cao su mới lắp hai sợi dây màu hồng, cứng mà đàn hồi, đeo lủng lẳng trước ngực sướng mê. Vậy ta tới đó trong buổi sáng khai trường, ngơ ngác, như có ai kéo phắt mình ra khỏi tuổi thơ, khỏi tháng ngày êm ả. Khỏi trò chơi trốn tìm, cái miếu hoang đêm tối om, ta ngồi im như thóc trong đó, nín thở, trong khi mấy đứa đi tìm kia bắc tay làm loa kêu gọi, ta thấy mi rồi ra đi, nhưng mặc kệ ai nói gì ta cũng không, vì biết chúng giả vờ. Thế là ta ngồi đó, vừa sợ vừa thích nhìn mọi người đi qua lại, đắc chí vì giữ lâu một bí mật.

    Đời ta từ đây về sau thế là gắn liền với bổn phận, với công việc, từ đây rời bỏ những đứa trẻ chăn trâu cắt cỏ, rời bỏ căn bếp của mẹ. Ta chưa biết rằng đó là ngã rẽ vào niềm vui khác, với tập vở cyclo, bình mực Parker, ngòi viết lá tre lập lòe, phượng vĩ đơm hoa. Nhiều năm sau khi trở về trường tiểu học cũ, đứng trong sân, nhìn những dãy lớp nay đã biến thành gạch vụn trong chiến tranh, lòng thương thầy nhớ bạn dâng lên, ta muốn khóc như ngày đầu xa nhà. Thì ra trường học cũng là ngôi nhà của chúng ta, ngôi nhà thứ hai, nhưng rộng lớn hơn, trong đó thầy cô giáo là cha mẹ thứ hai của ta, bạn học là anh chị em thứ hai. Thậm chí con sẽ còn gặp họ nhiều hơn gặp người thân trong gia đình, sẽ còn học ở họ nhiều hơn thế nữa. Nhưng buổi sáng đầu tiên, ta không biết điều ấy. Thấy mặt ta rầu rĩ, thầy giáo an ủi, dẫn lên ngồi ngay hàng ghế đầu, rót cho một ly nước lọc. Nhiều năm sau ta còn gặp lại thầy giáo đầu tiên của mình một lần nữa, lần cuối cùng, trước khi ông qua đời, thấy ông đạp xe trên đường làng, già yếu lắm, lưng còng xuống. Thời ấy cả nước đều đói khổ, thầy phải về làng làm ruộng, già đi nhiều. Thầy ôm lấy ta rưng rưng nước mắt. Đó là lần cuối cùng, khi chiến tranh đã kết thúc, sau này không gặp nữa. Mỗi khi nhớ lại buổi tựu trường, ta đều nhớ bàn tay hiền từ của ông dắt ta tới chỗ ngồi mới, dãy bàn đầu của lớp học, nhìn lên nét chữ thầy viết nắn nót trên bảng đen bằng phấn trắng, phấn vàng, những chữ đầu tiên: uống nước nhớ nguồn, sĩ số, hiện diện, lữ gia: tổ quốc trên hết. Nhớ lại cái vòng tay ôm hôn cuối cùng của người thầy học cũ trên đường làng mùa thu năm nào, ly nước lọc trên bàn loang vết mực xanh tím. Tình thầy trò và tình bạn cùng lớp cùng trường cũng cao quý như tất cả những tình cảm gia đình, tình cha mẹ anh chị em, con hãy ghi nhớ.


    2. MÓN QUÀ BẤT NGỜ

    Thánh giêng, trên đường từ phi trường về nhà sau chuyến đi dự đám cưới của chị Katie và anh Calvin ở San Jose, năm người chúng ta ghé vào hiệu ăn khuya. Đó là một trong vài nơi hiếm hoi mở cửa suốt đêm, có món ăn Bắc Kinh cả nhà ưa thích.

    Mọi người vui nhưng mệt và đói, không trò chuyện nhiều, cắm cúi ăn, tâm trạng được nghỉ ngơi sau chuyến đi xa. Ngoài trời, tuyết bắt đầu xuống, rơi mỗi lúc một dày. Nửa đêm, khi ăn xong chuẩn bị ra về, xin thanh toán, thì người hầu bàn mang tới tờ hóa đơn đóng dấu PAID, đã trả tiền. Phía dưới hóa đơn còn mấy chữ viết tay, cám ơn, "thank you". Nét chữ cứng nhưng đều, khó biết của đàn ông hay phụ nữ. Ta nghĩ, món quà của đám cưới hạnh phúc gởi theo từ xa.

    Lúc ấy quán vắng, chỉ có một bàn ăn ồn ào đông người nhưng toàn người Á châu lạ mặt. Ngoài ra ở gần cửa có hai hoặc ba người đàn ông da trắng lặng lẽ, nhưng khi chúng ta vào thì họ cũng vội ra về, ba hay mẹ không nhớ khuôn mặt quen thuộc nào trong đó cả. Vậy người nào trả tiền cho bàn ăn của chúng ta?

    Không nghĩ ra được. Ai cũng ngạc nhiên hoan hỉ khi nhận một món quà như vậy. Ta giữ tờ hóa đơn trong cuốn sách, ghi nhớ kỷ niệm đẹp. Thật ra cũng không có gì bất ngờ, mọi việc đều có lý do, chỉ có chúng ta là không biết. Một người nào đó, một đấng thiêng liêng nào đó, có thể biết chăng? Có phải một người mà ta từng giúp đỡ nhiều năm trước? Hay cha mẹ ta, bạn bè ta, đã cưu mang họ. Biết đâu chúng ta không hề có quan hệ gì, nhưng họ mang ơn một người nào khác, và người khác ấy chính là lý do? Vậy giữa chúng ta và người làm ơn ấy, người thứ ba, dù chưa bao giờ gặp nhau, chẳng lẽ không có liên quan? Những mối quan hệ vô hình mà đầy quyền lực là quan hệ giữa cho và nhận. Người nhận mong muốn được cho lại, không phải vì để sạch nợ mà để cho món quà của cuộc sống được luân chuyển từ người này sang người khác.

    Ngày trước chưa có điện thoại cầm tay, chỉ có điện thoại để bàn hoặc công cộng, bỏ tiền cắc và quay số. Có ai còn nhớ không? Vậy ngày nọ, trời rét căm căm, tuyết bay mù mịt như hôm trong hiệu ăn, ta xuống xe buýt lật đật đi tìm trạm điện thoại để gọi cho người bạn đến đón theo hẹn. Ở đó gần bìa rừng không còn một tuyến xe buýt nào khác nữa, hết đường đi, và nếu không được đón, ta sẽ không biết làm gì với cuộc đời mình. Đúng lúc ấy nhận ra trong túi không còn tiền cắc, chỉ có tiền giấy. Ta đứng ngẩn người, bực bội, đau khổ. Cảm thấy có người đứng ngay sau lưng, ta quay lại. Đó là một người đàn ông trung niên, cao lớn, râu quai nón, chờ đến lượt mình. Ông ta hỏi, nhìn thấy cái dây điện thoại rơi rũ rượi lòng thòng:

    - Dây điện thoại đứt phải không bạn? Nó không làm việc à?

    Ông ta nghĩ rằng cái máy bị trục trặc, chuyện ấy đôi khi cũng xảy ra. Ta lắc đầu, giải thích rằng quên đem theo tiền kẽm. Ông đút tay vào túi, lục lọi một lúc lâu, rồi đưa cho ta một đồng hai mươi lăm cents. Bạn cần đúng đồng tiền ấy để quay số điện thoại, không nhiều hơn không ít hơn. Sau khi nói chuyện với bạn ta ở đầu dây xong, ta quay lại mời người đàn ông dùng máy, đến lượt. Ông im lặng nhìn ta một lát rồi trả lời:

    - Tôi không có tiền để gọi. Tôi đã lục lọi kỹ. Đồng tiền vừa rồi là đồng tiền cuối cùng mà tôi có.

    Đôi khi lòng tốt chỉ giản dị như thế.

    Chúng có sức mạnh làm thay đổi người chịu ơn đến mức con không tưởng tượng được. Mỗi khi nhớ chuyện ấy, ta thề rằng nếu có dịp gặp lại người đàn ông, ta sẽ mời ông một bữa ăn thật vui vẻ. Dĩ nhiên, ta không bao giờ gặp lại. Làm thế nào?

    Ta mang ơn một người nhưng không trả được, khi ta đến nơi người ấy đã đi rồi.

    Tại sao con không chọn một người nào khác để bày tỏ lòng biết ơn của mình? Con hiểu không, bất cứ một người nào.


    3. SINH NHẬT

    Chúc mừng sinh nhật con, Tommy. Con không được vui vì sinh nhật rơi vào tháng sáu là kỳ nghỉ hè, xa nhà, hình như năm nào chúng ta cũng đang di chuyển. Vì vậy con không có bạn cùng lớp đến chơi như ao ước. Tuy nhiên chị Cam Ly vẫn tìm được cho con một cái bánh kem lạnh, một ngọn nến. Không có bọn trẻ cùng lớp, chỉ có người lớn vây quanh. Con phải thấy như thế đã là may mắn, vì tuy không có bạn, nhất là Vincent, ở bên con, vẫn có nhiều người thân gia đình. Bạn thân của con, Vincent, ở với mẹ nó, và ta biết bà ấy, biết nó không có cha từ nhỏ. Mỗi khi nhìn thấy con và bạn con đi tung tăng trên đường, ta nhớ câu chuyện này. Một đứa bé nhà nghèo, mồ côi cha, chuẩn bị tiệc sinh nhật cho nó. Hai mẹ con vừa dời đến một khu phố ở trung tâm gần chỗ làm việc của bà mẹ, bà vừa nhận được một công việc mới. Họ ở trong một tầng hầm, khu phố nghèo nàn, giữa những tòa nhà bỏ hoang, toàn cỏ dại, rác rưởi, những kẻ không nhà. Một cái bánh sinh nhật thật to thật ngon. Nó chuẩn bị một ngọn nến. Nó chuẩn bị cái dao và tám cái dĩa nhỏ và dự định cắt bánh làm tám phần, một phần cho mẹ nó, một cho nó và sáu phần kia cho sáu đứa bạn cùng lớp. Sẽ cắt thật là đều.

    Hôm ấy mẹ nó đi làm về muộn. Bà đang đứng ở cửa, thở gấp vì phải đi bộ một quãng xa.

    - Sao rồi con? Các bạn con đã đến đông đủ rồi chứ?

    Mẹ nó xin lỗi đã về trễ, khiến các cậu bé phải đợi.

    Thằng bé không trả lời. Bà mẹ đi vào nhà và không hỏi thêm nữa vì bà đoán ra được. Không một đứa bạn nào của nó, dù đã nhận lời, đến dự tiệc sinh nhật cả.

    Thằng bé và mẹ nó ngồi ăn bánh sinh nhật. Thằng bé im lặng. Bà mẹ ăn thật nhanh và chưa hết đã đứng dậy ngay. Bà không muốn đứa con thấy những giọt nước mắt của mình rơi xuống trên cái bánh.

    Đứa bé vẫn ngồi đó, ăn chậm chạp phần còn lại, nó ăn hết phần nó, phần còn lại của mẹ, rồi sáu phần kia, ăn lặng lẽ, ăn cho kỳ hết các mảnh bánh vụn, những hạt hướng dương, có hòa mấy giọt nước mắt của mẹ nó, rồi thè lưỡi liếm sạch cái dĩa.


    4. XE ĐẠP

    Con xin phép đi xe đạp đến trường.

    Hãy ngắm chiếc xe đạp màu trắng của con, vừa dựng chống chân trên sân. Đối với ta, nó đẹp lạ thường. Xe đạp là một kỳ công của con người, được kiến tạo một cách toàn mỹ, đơn giản. Phải mất hàng ngàn năm, nhờ thành tựu của nghệ thuật luyện kim, công nghệ thép và cao su, óc sáng tạo. Có một câu chuyện kể rằng nhiều năm về trước, giữa thế kỷ mười chín, một nhà bác học Việt Nam đến Pháp về nước tả lại chiếc xe đạp, vua và quan trong triều đều không ai tin một vật có thể chạy trên hai bánh, thay vì ba hay bốn bánh, do kinh nghiệm từ ngàn năm. Điều đáng ngạc nhiên là trong khi nhân loại đã từng nghĩ đến những máy móc tối tân, súng đại bác, máy bay, tìm cách chế tạo chúng nhiều thế kỷ trước, thì xe đạp lại khai sinh muộn màng. Bí quyết của nó là sự cân bằng. Nhưng đó không phải là sự cân bằng tĩnh như cái kiềng ba chân. Đây là bài học về định kiến, thói quen bảo thủ, thích những điều cũ kỹ. Con người đã bị đánh lừa bởi sự cân bằng tĩnh và không thể tin vào một thứ cân bằng khác, dựa trên hai điểm tựa. Cân bằng của xe đạp là cân bằng động: con chỉ có thể vững vàng, không ngã, khi con di chuyển liên tục về phía trước.

    Cũng như trong cuộc đời.

    Tất cả chúng ta đều nhớ ngày mới tập xe đạp, ngã lên ngã xuống. Tất cả chúng ta đều nhớ ngày đầu tiên làm chủ được nó, đạp xe vòng quanh sân, niềm vui kỳ lạ của việc cưỡi lên nó, lao vun vút trên đường. Có thể nghiêng nhưng không ngã. Từ bao giờ, cuộc sống bận rộn nào, thứ phương tiện di chuyển nào đã lấy mất của chúng ta niềm vui thú giản dị ấy? Con đừng để mất nó sớm quá. Một ngày nọ ta ngồi trên yên sau xe của cha ta, ông nội của con. Đó là một niềm vui khác nữa, được chở sau xe đạp, mà ta ngạc nhiên thấy rằng ngày nay trẻ em ít có. Các xe hiện nay hầu hết không có yên sau, hình như để chứng tỏ sự cô độc của con người. Để đi qua những dốc cao mỗi ngày, con cũng cần loại xe đạp hybrid hỗ trợ bằng điện. Tất cả những cải thiện ấy phục vụ chúng ta, chừng nào chúng ta biết sử dụng chúng. Vậy thì một lần vào năm tám hay chín tuổi ta ngồi ở yên sau, vô ý đút bàn chân vào nan hoa xe đạp. Ta kêu thét lên vì đau đớn, ngất đi. Vết thương rất lớn ở mắt cá chân phải, mất một miếng thịt lớn, máu phun ra đầm đìa, một chiếc dép bị kẹt trong xích xe. Ta nhớ ngày hôm ấy, cha ta cõng ta trên lưng, một tay ôm con, một tay cầm ghi đông đạp xe lao đi trên đường. Xe đứt xích lại cõng trên lưng, đến phòng cấp cứu bệnh viện. Trong khi bác sĩ ngồi khâu vết thương cho ta, dù đã gây tê vẫn còn đau đớn, sợ hãi, khóc thút thít, cha ta đã dịu dàng ngồi xuống bên giường, kể những câu chuyện cổ tích. Chúng làm ta quên cơn đau, những câu chuyện ấy. Tất cả cha mẹ đều sẽ làm thế, phải không? Đều trò chuyện, hát ru, hoặc kể chuyện cho con mình khi chúng đau đớn hay bệnh tật. Thế mà khi lớn lên chúng ta quên bẵng những câu chuyện ấy, những cổ tích ấy, những bài hát ru kia, quên mất nghệ thuật kể chuyện cho người khác, như ta có lần đã quên vết thương trên mắt cá chân, khuôn mặt của cha ta cúi xuống trên giường bệnh, khắc khổ, nhân từ.

    Nguyễn Đức Tùng
    9. 2019

    Nguồn


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X