Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tiểu Đoàn 33 Biệt Động Quân

Collapse
X

Tiểu Đoàn 33 Biệt Động Quân

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tiểu Đoàn 33 Biệt Động Quân






    Tổng hợp theo tài liệu cuả khối Quân sử Phòng 5 Bộ TTM/ QLVNCH.
    (Phóng viên Việt Nam Thông Tấn Xã tường thuật tại chỗ)


    *******

    Khác với mọi năm, Tết Mậu Thân (1968) dân chúng thủ đô Sàigon và các tỉnh thành đốt pháo nhiều hơn, với những tràng pháo tiếng nổ lớn, nhỏ rền vang khắp, liên hồi. Nhưng:

    Đột nhiên lẫn lộn trong tiếng pháo có tiếng súng cuả VC- khởi sự tấn công. Hậu phương thanh bình phút chốc trở thành tiền tuyến. Lợi dụng VNCH bỏ giới nghiêm và thực hiện lệnh hưu chiến mà chính VC cũng đã long trọng ưng thuận-Cộng sản Việt nam đã mở cuộc tấn công gọi là “Tổng công kích - Tổng nổi dậy” trên toàn lãnh thổ miền Nam tự do.

    Cộng sản đã cho khai hỏa gần như đồng loạt trên tất cả các mục tiêu mà chúng đã lựa chọn xâm nhập. Tại Thủ đô Sàigòn - Chợ Lớn, Gia định, đêm mồng Một rạng mồng Hai Tết, lúc 2.00giờ sáng, những toán đặc công, các tiểu đoàn chủ lực miền và những đơn vị chính quy thuộc các Công trường (sư đoàn) có bí số 5, 7, 9 đã âm thầm lén lút xâm nhập và tạm chiếm những mục tiêu quan trọng trong thủ đô: Đài Phát Thanh Quốc Gia (Sài gon), cổng số 4 bộ TTM/QLVNCH, một phần nhỏ toà Đại Sứ Hoa Kỳ, khu vực đường Trần Quốc Toản, Nguyễn Kim ,trường đua Phú Thọ, Phú thọ Hoà và vùng phụ cận. Bên Gia Định chúng cũng đã ém quân tại Đồng Ông Cộ, Ngã Năm Bình Hoà. Phiá Đông Nam Sàigon ngả đường đi Cần Giuộc, địch cũng xâm nhập và khống chế đồng bào từ Ngã Ba Ký Thủ Ôn, Giáo xứ Bình An (LM hoàng Quỳnh là Chánh xứ)

    Từ lúc bắt đầu Cộng sản nổ súng, các đơn vị, cơ quan, phòng sở cuả VNCH có bị bỡ ngỡ, lúng túng vì chỉ có 50% nhân số ứng trực. Thậm chí có nơi dưới 50% phần trăm vì tính trung thực tôn trọng thỏa thuận hưu chiến. Phần nhiều những người vắng mặt đã được cho về phép đón Xuân cùng với gia đình theo truyền thống thiêng liêng của dân tộc.


    Ngay sau đó, các đơn vị quân đội thiện chiến có nhiệm vụ bảo vệ vòng đai xa của Biệt Khu Thủ Đô. Liên đoàn 5 BĐQ, sáng sớm ngày mồng Hai Tết đã được lệnh cấp tốc về giải tỏa, quét sạch bọn Việt cộng ra khỏi những nơi chúng đã xâm nhập, tạm chiếm.

    Trung Tá Đào Bá Phước Liên Đoàn trưởng LĐ5 BĐQ đã nhanh chóng đặt Bộ Chỉ Huy Hành Quân tại ngay Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô (BTL/BKTĐ) để được dễ dàng điều động và liên lạc. Thiếu Tá Nguyễn văn Đương LĐP/LĐ5/ BĐQ cũng nhận nhiệm vụ lập Bộ Chỉ huy Nhẹ, lưu động để trực tiếp chỉ huy mặt trận nào tình thế cần đến. Ông đã chỉ huy cánh quân giải tỏa vùng địch chiếm từ Ngã Ba đường Ngô Quyền- Trần Quốc Toản đánh dài vào đến Trường đua Phú Thọ, Ngã Ba Vườn Lài, Phú Thọ Hoà, và sau đó đến khu vực Ngã Năm Bình Hoà, Gia Định.

    Lợi dụng bóng đêm và sự sơ hở của các đơn vị canh phòng, một tiểu đoàn thuộc trung đoàn Đồng Nai VC, đơn vị đặc công đã vượt sông Saìgon chỗ bến đò Bình Quới gần Cầu Gò Dưa tiến chiếm khu Cầu Kinh, cầu Sơn (thường gọi là sở dầu) tới Ngã ba Hàng Xanh. Có lẽ ý định của địch là hướng về ngả Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi có nhiều cơ quan quân đội VNCH trú phòng như Cục ANQĐ, Tổng Cục CTCT, nhưng vì không thuộc đường, bị phát giác và chặn đứng tại bót CSQG Hàng Xanh.

    Sáng sớm ngày mồng hai tết Mậu Thân, Tiểu đoàn 30 BĐQ từ Thủ Đức được lệnh về giải tỏa khu vực này, đẩy quân cộng sản xuống sông, tiêu diệt chúng. Tại mặt trận này, Tiểu đoàn 30BĐQ cũng gặp rất nhiều khó khăn khi đánh đuổi giặc cộng. Trước hết là VC chiếm và ép dân chúng không cho di tản, và tại đây có một chi nhánh chứa nhiên liệu, vẫn quen gọi là sở dầu. Để tránh tối đa thiệt hại cho dân chúng cũng như không gây hoả hoạn cho kho chưá nhiên liệu, BĐQ đã phải đánh bằng cách không dùng phi pháo.

    Tiểu đoàn 38 BĐQ đang làm nhiệm vụ phòng thủ và tiễu trừ cộng phỉ tại vùng huyện Nhà Bè, mật khu Rừng Sát, cũng nhận đuợc lệnh dùng phương tiện Hải Quân, đổ bộ lên bến Bạch Đằng rồi di chuyển về thanh toán địch quân tại khu vực Ngô Quyền Trần Quốc Toản, tới Phú Thọ Hoà. Cánh quân này được đặt duới quyền chỉ huy trực tiếp của Thiếu Tá LĐP/LĐ5/ BĐQ, được tăng cường một chi đoàn Thiết Quân Vận M113 phối hợp hành quân.

    Riêng Tiểu đoàn 33 BĐQ – Chúng tôi (khối Quân Sử phòng 5 TTM) muốn nhấn mạnh đến nhiệm vụ của đơn vị này – cũng như 2 tiểu đoàn bạn có nhiệm vụ giữ an ninh xa cho BKTĐ. TĐ 33 BĐQ phụ trách tìm diệt những thành phần du kích, chủ lực của địch muốn xâm nhập từ lãnh thổ quận Bình Chánh và một phần lãnh thổ của huyện Hốc Môn. Tiểu đoàn 33 phối trí như sau: Rải quân hoạt động tại các vùng Tân Kiên Chợ Đệm, Tân Quý Tây, Hưng Long và vòng qua khu vục Đa Phước Cầu ÔngThìn, giáp ranh huyện Cần Giuộc, Long An. Điều đáng lưu ý là TĐ 33 chỉ xử dụng có 3 đại đội, trung đội Thám Báo và Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn, còn lại một đại đội trấn giữ tại Mật khu Lý Văn Mạnh, tức khu Vườn Thơm (người Mỹ gọi là Pineapple area). – Một căn cứ nhỏ được Lữ đoàn 199 Bộ binh Hoa Kỳ phối hợp với LĐ5 BĐQ thiết lập vào giữa năm 1967, một vị trí quan trọng kiểm soát, theo dõi và ngăn chặn mọi sự di chuyển, xâm nhập cuả VC từ các vùng Ba Thu, Đồng Tháp, Campuchia xâm nhập – Sau khi Lữ Đoàn 199 HK thay đổi nhiệm vụ căn cứ này được giao lại cho QLVNCH hoàn toàn đảm nhận, luôn luôn có mặt ngoài đại đội BĐQ. Tiểu Khu Gia định cắt cử một đại đội ĐPQ đến đồn trú tại đây, đặt thuộc quyền điều động của BĐQ. Và cũng vì thế, Tiểu Đoàn 33 BĐQ thường chỉ xử dụng ba “đứa con” để đi làm ăn.....

    Thời điểm phát súng đầu tiên của giặc cộng bắn ra để tấn công vào Thủ đô Sài gon thì TĐ33 BĐQ đang hành quân tìm và diệt các đơn vị VC đang lén lút hoạt động, bám trụ tại rạch Cầu Tràm, Cần Giuộc, Long An. Trong một cuộc đột kích đêm vào ấp Mỹ Lộc, nằm dọc theo tả ngạn rạch Cầu Tràm, do đích thân Tiểu Đoàn Phó/ TĐ33/ BĐQ chỉ huy hai đại đội 2 và 4. Kết quả 11 tên bị hạ, tịch thu 3 súng AK47, 1 súng B40 (lần đầu tịch thu loại súng naỳ tại chiến trường ven đô), và những dụng cụ như nồi chảo, võng tải thương, chứng tỏ đơn vị cấp lớn đã quanh quẩn trong vùng.

    Đúng 3:00 giờ sáng ngày mồng hai tết, Tiểu đoàn 33 BĐQ đựơc lệnh khẩn cấp rời vùng trách nhiệm hành quân, về Thủ đô để đánh địch. Ngay sau đó Đại uý Nguyễn văn Thiệt, Tiểu đoàn Trưởng (danh hiệu Tử Thần), đã điều động các Đại đội 2, 3, 4, Trung đội Thám Báo và Bộ Chỉ Huy, băng đồng tiến về Saigon. Tiểu đội khinh binh thuộc Đại đội 3/33 đi đầu vưà tiến vào khu “vựa vịt”, phiá nam Cầu Nhị Thiên Đường, gần ngã ba Ký Thủ-Ôn thì địch nổ sung -Việt cộng đã chiếm vùng này - Cũng là lúc Tiểu đoàn nhận lệnh thanh toán một đơn vị chủ lực thuộc Trung đoàn Đồng Tháp VC đang khống chế đồng bào Giáo Xứ Bình An và tìm cách tấn công ty CSQG Quận 7. Chúng bố trí, ẩn nấp trong nhà dân, đào hầm hố phòng thủ kéo dài từ ngã ba Binh An vào đến gò Sáu Vi, Bến Đá đối diện với CSQG Kiều Công Mười. Tất cả mọi ngả đường dẫn vào nội ô gần như bị cô lập. Người ta không thể biết chính xác đường nào an toàn, đường nào không. Tiểu đoàn 33 đã đánh giặc một mình không có “ai” bên cạnh. Điều đáng nói, đối với các đơn vị quân đội VNCH thì đây là lần đầu tiên họ phải tác chiến trong thành phố.

    Quan sát, nhận định tình hình, Đại uý Tử Thần, Tiểu đoàn Trưởng TĐ33/BĐQ, đã ra lệnh cho các đứa con phải tránh thiệt hại cho dân chúng, đánh theo từng toán nhỏ yểm trợ cho nhau tiến chiếm từng căn nhà, tiêu diệt từng ổ kháng cự bằng vũ khí cơ hữu, xử dụng lựu đạn, vũ khí cá nhân như M16, Đại liên tối tân M60, nặng nhất là M79 và M72, không xử dụng đến phi pháo, chỉ yêu cầu phi cơ L19 bay quan sát chỉ chỉ điểm mà thôi. Khó khăn đối với BĐQ là mặt trận Bình An, từ ngã ba liên tỉnh lộ đi Cần Giuộc, Long An dài đến Gò Sáu Vi không có cơ sở chính quyền, đồn bót quân sự, hoàn toàn là nhà thường dân, các cơ sở thương mại.. Sâu vào bên trong, qua khỏi cầu Bà Tàng là bót Cảnh sát Vị Quang, một Cuộc Cảnh Sát nhỏ thuộc ty CSQG/ Quận 7.

    Đại đội 3/33 được xử dụng làm nỗ lực chính, mũi nhọn tấn công. Xung Phong- danh hiệu cuả Trung uý Trịnh Thanh Xuân, Đại đội Trưởng Đại đội 3/33, đã có mặt ngay trên tuyến đầu, với Trung đội 1/3/33. Xung Phong đã cùng những “thằng em” lần lượt thanh toán từng nấc thang của mục tiêu, nhà này sang nhà khác, “lấn” từng căn hầm, từng hố cá nhân của địch, đục thủng từng vách nhà; có lúc đã phải chậm lại vì những hàng rào kẽm gai cuả các tư gia tự rào ngăn cách với hàng xóm. Chiến sĩ BĐQ đã phải tận dụng mọi khả năng tác chiến và kinh nghiệm cá nhân để diệt địch.

    Điều thuận lợi cho ta và ngu dại cuả địch là chúng đã chui vào một cái túi, không có đường ẩn trốn, cách duy nhất là dùng dân chúng để phòng thân, nhờ điạ thế hẹp bề ngang chỉ có chiều dài. Sau đó, nhận thây nếu chỉ một mình đại đội 3, quân số sẽ phải dàn mỏng, sẽ vất vả hơn trong việc thanh toán địch, do đó Đại uý Tử Thần, Tiểu đoàn Trưởng TĐ33/BĐQ, đã chuyển đại đội 3/33 sang bên cánh trái, dọc theo kinh Cần Giuộc, tăng cường thêm một tóan chuyên xử dụng M72 để triệt hạ súng cộng đồng và thanh toán các công sự hầm hố của địch, Đại đội 4/33BĐQ, được điều động lên đi bên cánh phải, lấy con lộ nhựa làm chuẩn, Đại đội 2/33 vẫn nhiệm vụ làm thành phần trừ bị. Trung đội Trinh sát thám Báo, bảo vệ Bộ chỉ huy Tiểu đoán.

    Lần lượt các mục tiêu được thanh toán, theo nấc thang, giải thoát cho dân chúng. Tuy khó đánh, mức độ tiến quân có chậm, vì hầu hết dân chúng còn đang bị giặc cộng kìm giữ trong nhà, chưa thoát ra được. Trận chiến diễn ra thật cẩn trọng để tránh thiệt hại cho dân nhất là sinh mạng con người. Nhưng rồi trở ngại cũng được giải toả vì dân chúng đã tự tìm cách vùng thoát khỏi sự kìm giữ con tin của giặc. Điều đặc biệt, bất cứ người dân nào thoát ra, chạy về phía BĐQ đều chỉ điểm chỗ ẩn nấp của địch và mô tả các loại súng, địch có trong tay. Nhờ vậy, BĐQ biết rõ địch và thanh toán chúng được dễ hơn phần nào.


    Sau những giờ phút, đánh đưổi quyết liệt và sự chống trả điên dại của địch,Tiểu đoàn 33, mà đại đội 3 và đại đội 4 là nỗ lực chính, đã quét sạch một khu vực rộng lớn. Biệt Động Quân đã tiến gần đến cầu Bà Tàng. Bên kia cầu, khoảng cách chừng vài trăm mét là bót cảnh sát Vị Quang. Toán khinh binh vừa tiến đến gần cầu, thì súng địch từ trong ngôi chùa, bên bờ rạch, từ những hầm hố ẩn dấu dưới những gốc bần, lùm ô rô, phía trái bắn ra khá mạnh. Đại liên và có cả B40 được xử dụng nhằm cản sức tiến của Biệt động Quân. Tử Thần ra lệnh cho Trung úy Xuân dừng lại. Đại đội 4 được lệnh chuẩn bị vượt cầu Bà-Tàng.

    Trong lúc Đại đội 4 giả như sắp xung phong qua cầu Bà Tàng, Đại đội của Trung uý Xuân lặng lẽ men theo từng lùm dừa nước, từng lùm cây Ô Rô, trườn mình xuống con kinh, vượt qua bờ bên kia. Đại đội 3 đã phải bò, trườn, từng thước đất tiến sát đến chỗ địch ẩn nấp, hoàn toàn im lặng. Khi đã đến chỗ thích hợp, lệnh tấn công được ban ra. Tiếng súng của đại đội 3, rộ lên từng chập. Địch cũng phản ứng bằng những loạt B40, đại liên bắn liên hồi nhưng vì bị tập hậu nên địch chỉ cầm cự được chừng 15 phút. Chịu không nổi với các loại súng M72, M79, M60, lựu đạn M26 và M16 đồng loạt nổ dậy trời cùng với tiếng la hét “Sát, Sát” vang lên. Tiếng cuả Xung Phong ồ ề cất lên:
    – Trình Tử Thần, mấy thằng con tôi hốt gọn tụi nó rồi. Chín thằng banh ta lông (chết), ôm được một ông hoàng tử lưng gù (đại liên do Đông Đức sản xuất), hai B.40 và năm AK. Địch có mấy đứa còn sống bỏ chạy về ngả Phong Đước, một vài thằng lủi về phía Bến Đá. Gia đình lớn có thể cưỡi lưng “con ruà” được rồi....

    Bên trái đã thanh toán xong, Đại đội 4 bắt đầu vượt qua cầu Bà-Tàng. Đã tưởng sẽ gay go nhưng đại đội 4 đã nhanh chóng, ủi sạch những tên đang bám chặt phía đầu cầu bên kia, mặc dù chúng cố gắng bắn xối xả để mong chặn sức tiến của chiến sĩ mũ nâu. Tuy nhiên chúng cũng không phải là đối thủ đối với những con beo đen của rừng núi sình lầy. Chúng đã chịu không nổi phải bỏ hầm hố để chạy về phía Vị Quang. Rõ ràng VC đã hoảng loạn và mất tinh thần, cố tìm đường thoát. Kết qủa đại đội 4 cũng thu được của địch 8 AK47, một trung liên RPD (thường gọi là trung liên nồi).

    Đại đội 3/33 BĐQ khi tiến đến cách mục tiêu-bót Cảnh sát Vị Quang chừng gần 100 mét thì dừng lại. Toán khinh binh báo cáo, tại cổng chánh, nhân viên cảnh sát, mặc áo giáp, đội nón sắt gác như bình thường. Trung uý Trịnh Thanh Xuân hiểu ngay đây là một trò đánh lừa trẻ nít. Ông cho lệnh dừng lại, bố trí, đích thân Đại đội trưởng lên ngay tuyến đầu quan sát. Đúng như điều ông nghĩ “Không phải Cảnh Sát”. Cũng ngay lúc đó, BCH hành quân LĐ5 BĐQ cho biết, trong Vị Quang không còn một Cảnh sát Viên nào. Anh em đã kịp thời di tản ngay trong đêm, từ lúc VC nổ súng tấn công. Chắc chắn đây là VC dùng một xác chết đồng bọn thay quần aó Cảnh Sát và đặt ngồi tại vọng gác, giả một Cảnh sát Viên đang làm nhiệm vụ trựïc gác để đánh lừa QLVNCH.

    Sau khi đã nhận định tình hình chính xác, Trung uý Trịnh thanh Xuân, báo về cho BCH /TĐ, đồng thời ông quyết định cho Trung đội 1 và Tiểu đội Thám Báo do Thiếu Uý Hoành đình Tập chỉ huy, vòng qua sau lưng mục tiêu, đánh tập hậu địch. Đích thân Đaị đội trưởng sẽ chỉ huy những đứa con còn lại đánh ngay chính diện. Tuy nhiên đây cũng chỉ là cách nghi binh, nhiệm vụ thanh toán địch sẽ do Trung đội 1 và thám báo là chính, khi trung đội 1/3/33/ BĐQ bò đến sát mục tiêu chỉ còn khoảng 30 mét dừng lại, đợi. Năm phút trôi qua, lệnh nổ súng được ban ra. Các lọai súng cùng khai hỏa, M72 phá hàng rào, M79 bắn liên tục. Hàng rào đã được phá sập một khỏang lớn. Tiếng hô xung phong sát vang dậy cả hai mặt trước và sau bót Cảnh Sát.

    Đã tưởng trận đánh gay go và khó thanh toán, nhưng thực tế ngược lại, chỉ trong vòng 15 phút là BĐQ đã chiếm mục tiêu, thanh toán gọn gàng mà không một tổn thất. Quân số VC không nhìều chỉ chừng hơn một tiểu đội. Sau khi khai thác một tên bị bắt sống, được biết, đây là đám tàn quân của trung đoàn Đồng Tháp, lạc đơn vị, cấp chỉ huy không có, không có lệnh, khủng hoảng và đói khát đã mấy ngày không có ăn, nên không còn tinh thần để kháng cự lại sức tiến của BĐQ, nên bị thanh toán nhanh chóng. Đại đội 3/ 33 BĐQ đã lấy lại trọn vẹn cuộc cảnh sát Vị Quang mà chỉ bị thương có 2 chiến sĩ. Đặc biệt, Biệt Động Quân tiêu diệt hoàn toàn toán Việt cộng tử thủ. Ngoài số vũ khí tịch thu của địch gồm: ba AK47, một súng chống chiến xa B40, lựu đạn và đạn dược, còn có đáng kể là toàn bộ số vũ khí của anh em Cảnh Sát lúc di tản không mang theo kịp, bị địch chiếm, nay đã được các chiến sĩ mũ nâu 3/ 33/ BĐQ thu hồi đầy đủ các loại như tiểu liên M.3, carbine M1, trung liên Bar v.v., giao lại cho lực lượng cảnh sát quận 7 Đô thành Saigon.

    Sau khi Cuộc Cảnh sát Vị Quang được giải tỏa thì cái gọi là “Tổng công Kích tổng nổi dậy” của Cộng sản tấn công vào Thủ đô sàigon, các tỉnh, thị xã của VNCH đã kể như thất bại hoàn toàn. Chỉ còn lại mặt trận Thừa Thiên Huế là đang diễn ra quyết liệt. Địch cố níu chặt lấy những vị trí chúng đã tạm chiếm. Quân lực VNCH và Đồng Minh cũng nhất quyết triệt hạ, không để bất cứ một tấc đất nào cho địch bám giữ, phải thanh toán bằng mọi gíá để đem lại an ninh cho đồng bào.

    ĐẠI ĐỘI 3 TĐ 33 BĐQ VỚI TRẬN ĐÁNH NGHIÃ ĐỊA TRIỀU CHÂU
    Thất bạí 100% trong cái gọi là chiến dịch “Tổng khởi Nghiã, Tổng nổi dậy Tết Mậu Thân”, ngoài việc thành công của lực lượng cộng sản là gây cảnh nhà tan cửa nát, thiệt hại về tài sản của dân chúng chỉ riêng tạiThủ đô Sài gòn đã lên đến hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn căn nhà bị thiêu rụi, tệ hại hơn bất cứ điều tệ hại nào có thể xẩy ra là trong lúc giao tranh với Quân Lực VNCH. Ngược lại với ta là cố hết sức bằng mọi cách tránh thiệt cho dân chúng thì VC lại đốt nhà dân để lợi dụng khói lửa tẩu thoát ở những nơi chúng biết không còn cách nào đương cự. Tàn binh VC rút chạy về các mật khu trong rừng sâu hoặc phân tán mỏng trú ẩn tại các làng mạc rải rác bao quanh các thành phố.

    Tuy đã thua, đã thất bại nặng về quân sự,về tuyên truyền “nhân dân tổng nổi dậy, giải phóng toàn miền Nam” tất cả đã gần như phá sản. Thành phần quân sự cuả “mặt trận gỉai phóng” được coi như bị tiêu diệt đến hơn 90%, nhưng tập đoàn lãnh đạo đảng cộng sản tại Hànội vẫn chưa từ bỏ ý định làm lại một lần nữa ý định tấn công quân sự vào thành phố.

    Trong chiến lược tổng tấn công đợt I, chính Việt cộng đã nhận ra sai lầm dùng lực lượng võ trang dàn đều tấn công cùng một lúc tại khắp nơi. Thực ra chiến lược dùng quân sự tân công phải mạnh hơn, thiện chiến hơn đối phương, dù là đã lợi dụng được yếu tố bất ngờ. Trong khi đó, Việt cộng so với quân lực miền nam đã không thiện chiến hơn, không mạnh hơn bởi nhiều nhiều yếu tố: quân cộng sản không có Không Quân, phương tiện di chuyển cũng thua sút, không thuộc đường, và điều tối quan trọng dẫn đến sự thất bại nặng cho chúng là sự lầm tưởng thành phần dân chúng sống tại các Đô, Tỉnh, Thị miền nam sẽ nổi lên theo chúng để lật đổ chính quyền. Nhưng đến khi vào thành phố, giao liên dẫn đường bị chết hay thất lạc, không có một người dân nào hợp tác, thế là quýnh quáng không biết phải làm sao, đành kiếm chỗ nào đó cố thủ hoặc bắt dân chúng làm con tin để rồi bị đánh tan tác, cứu ứng nhau không được mạnh ai nấy tìm đường thoát ra để về nơi an toàn là các mật khu..

    Qua cuộc tấn công vào Đô thành Sàigon đợt 2, Viêt cộng đã thay đổi rõ rệt: Không tấn công và chiếm cứ được bất cứ một vị trí quân sự hay công sở nào mà chia quân xâm nhập chiếm giữ các khu nhà dân.

    Khởi sự từ ngày 5/5/1968 đến ngày 12/5/1968 thì VC bị đánh bật ra khỏi những nơi chúng đã chiếm. Tuy nhiên trong đêm 14 rạng sáng ngày 25/5/68 lực lượng Việt công lại xâm nhập qua hai ngả: ngã phía Bắc Gia Định và ngả phía Nam Chợ Lớn. Lần này chúng cũng lợi dụng được những sơ hở của vòng đai phòng thủ nên các phần tử địch đột nhập và rải quân chiếm giữ tất cả những điạ điểm then chốt trong khu vực như các toà nhà lớn, nhà máy, xí nghiệp, các nơi tôn nghiêm. Ngoài ra, các khu đất trống, cây cối rậm, các nghĩa trang, gò mả chúng cũng bố trí, đào hầm hố công sự phòng thủ. Sau đó mỗi đêm lại tăng viện thêm. Ngoài ra, để hỗ trợ và gây hoang mang, Việt cộng pháo kích vào thành phố bằng các loại vũ khí nặng như hoả tiễn 122 ly, súng cối 106 ly, 82 và cả cối 61 ly. Gần như liên tục mỗi đêm chúng rót hoả tiễn vào các đường phố như Nguyễn Cảnh Chân, khu vục nhà đèn Chợ Quán, đường Nguyễn Huệ, Nha Cảnh Sát Đô Thành, trong đó có một trái 122 ly rơi trúng khách sạn Catina, đường Nguyễn Huệ, xa hơn thì những khu dân cư chung quanh phi trường Tân Sơn Nhất, Ngã ba Ông Tạ, nhà may Chiến Tailor. Gần ngã tư Bảy Hiền cũng bị trúng đạn sụp mất tầng lầu 3, tầng 2 hư hại nặng. Rất may gia đình ông Chiến ngủ tại tầng trệt nên thoát chết… Cũng cần nói là lần này quân bộ chiến của địch được trang bị hỏa lực rất mạnh....

    Về phía Quân lực VNCH phương cách tổ chức lực lượng nhằm truy diệt cộng quân cũng vẫn chia thành các khu vực theo mẫu tự A, B, C, D, E, F, tuy nhiên chỉ khác hơn là có một vài thay đổ nhỏ về nhân sự như thay vì trong đợt I đích thân Đại Tướng Cao Văn Viên TTMT, là Tư Lệnh Chiến Trường nay được trao lại cho Trung Tướng Lê Nguyên Khang Tư Lệnh QĐ3 - V3CT chỉ huy. Liên đoàn 5 BĐQ vẫn chiụ trách nhiệm hành quân gỉai tỏa khu D (ChợLớn) dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Đào Bá Phước.Trong đó các đơn vị trực thuộc đựơc bố trí: -Tỉểu đoàn 33 BĐQ phụ trách khu vực Bình Thới Cầu Tre

    - Tiểu đoàn 38 BĐQ phụ trách khu vực Minh Phụng
    - Tiểu đoàn 41 BĐQ phụ trách khu vực Phú Định
    - Tiểu đoàn 30 BĐQ phụ trách khu vục Bình Đông

    Các đơn vị BĐQ này phải hoạt động trên địa bàn của các quận hành chánh 6, 7, 8. Ngoài 4 tiểu đoàn chủ lực trên, BCH khu D có Đại đội 5 Trinh Sát BĐQ và Chi đoàn 5/1 Thiết Quân Vận, 1 Đại đội Giang thuyền (phụ trách vùng quận 6)

    Lần tấn công này vào Đô Thành Sàigon - Chợ Lớn, Cộng sản còn thực thi cả kế hoạch tàn phá kinh tế của VNCH song song với sự tấn công, bắn xẻ, gỉả dạng quân Cảnh VNCH để chặn tại các khoảng đường vắng hoặc không ai ngờ. Vờ chặn xét gíây tờ của các quân nhân VNCH đi lẻ tẻ, để sát hại như trường hợp xẩy ra tại một điạ điểm gần rạp chiếu bóng Cao Đồng Hưng- Gia Định, chúng đã giết hai quân nhân trong đó có một sĩ quan ngành Quân Nhu VNCH: Trung uý Bùi nguyên Tuấn đi từ nhà vào đơn vị bằng xe Vespa. Việt công pháo kích vào hãng Equipment, chiếm đóng hãng dệt Sicovina tại Thủ Đức.

    Trận đánh quan trọng đã diễn ra giữa ta và địch (có thể nói sau trận giao tranh, lực lượng cộng sản tại vùng này đã coi như kiệt quệ, tan hàng, còn lại rút chạy tứ tan khắp nơi để rồi bị diệt trọn). Trận chiến đã diễn ra từ trưa (khoảng 1.00 giờ) đến tối tại Cầu Tre, Tân Thới, Phú Thọ Hoà, cách Trường đua Phú Thọ lối hơn 3 km về phía Tây Bắc. Trực Thăng võ trang, phản lực và có lúc cả đại bác đã phải can thiệp để yểm trợ cho Biệt Động Quân quần thảo với địch hết sức quyết liệt. Phiá địch, Việt cộng đã dùng cả súng liên thanh phòng không, súng thượng liên 12.8 ly để bắn máy bay và bắn thẳng vào BĐQ đang từng bước đẩy chúng xuống âm phủ.. Người ta hiểu tại sao Việt cộng cố sống chết để bám chặt, chống trả thật cuồng nhiệt, bởi vùng này là một trong mấy đường mà VC dùng để xâm nhập, điạ điểm đặt súng cối, hoả tiễn 122mm pháo kích vào Thủ Đô đồng thời cũng là tuyến tiếp tế, đường rút chạy của chúng về Cầu Sáng, Vườn Thơm - Đức Hoà, của chúng.

    Trận đánh xẩy ra tại nghĩa điạ Triều Châu vào lúc Tiểu đoàn 33 BĐQ được giao nhiệm vụ vào thay thế Tiểu đoàn 3/7 Hoa Kỳ vừa rút đi trao trả khu vực hành quân F được sáp nhập vào khu D do Biệt Động Quân trách nhiệm.

    Dường như VC đã bám sát vào lực lượng Mỹ từ lâu nhưng tránh đụng độ, khi lực lượng ta tới, tưởng ngon ăn chúng đánh liền.

    Tiểu đoàn 33 BĐQ do Đại uý Nguyễn Văn Thiệt, danh hiệu Tử Thần, chỉ huy. Phóng viên chiến trường của Việt Tấn Xã, cũng như trong cuộc hành quân giải toả khu vực Bình An-Quận 7, đi theo Đại đội 3. Lần này phóng viên cũng lại bám sát bên cạnh Trung Uý Trịnh Thanh Xuân, vị SQ Đại đội trưởng trẻ tuổi chỉ huy mũi nhọn tấn công địch đã diễn tiến như sau:

    Vào khoảng 12g30 trưa, tại chỗ đóng quân Bình Thới, Trung uý Trịnh thanh Xuân đang sắp sửa ăn cơm thì có máy gọi từ BCH/TĐ. Tiểu đoàn trưởng Tử Thần ra lệnh chuẩn bị sẵn sàng hành quân, vì có tin chính xác VC đang tập trung rất đông quanh nghĩa địa Triều Châu. Nhìn trên bản đồ thì địch xuất hiện chỉ cách sân bắn Bình Thới không quá 200 mét theo đường chim bay. Điạ điểm ghi nhận có địch nằm trong khu tam giác cạnh Tân Hoá, ngay ngang Tân Hội, cách Cầu Tre chừng 1km và gần trại Phú Bình cũng không quá 2km. Bữa ăn đành dẹp lại, cả Tiểu đoàn xuất phát hành quân khẩn cấp.

    Trung uý Đại đội Trưởng Trịnh Thanh Xuân đã điều động đaị đội:
    – Trung đội 1 do Trung sĩ I Trần Xòong, một hạ sĩ quan thâm niên quân vụ và thiện chiến, mang 40 binh sĩ tạt qua cánh đồng trồng rau muống, băng thẳng vào khu gò mả phía tay mặt.

    – Trung đội 3 do Trung sĩ I Tăng Ly, bảo vệ Ban chỉ huy Đại đội, đi phía trái cũng nhắm mục tiêu khu gò mả.

    – Trung đội 2 của Chuẩn uý Út và Tiểu đội Thám báo, gồm toàn những chiến sĩ gan lì, đuợc tuyển lựa kỹ; nhiệm vụ đánh ngay chính diện.

    Không lâu sau khi Biệt Động Quân vừa rời khỏi Hương Lộ 14, tức đường Phú Thọ nối dài, tạt qua chùa Giác Viên và vừa ló vào gần Nghĩa địa Triều Châu là chạm súng. Địch khai hỏa ào ạt như vãi sạn. Trung đội của TSI Trần Xòong đang ở vào thế giữa đồng trống, chần chừ là chết. Trần Xòong quyết định thật nhanh ,anh hô trung đội xung phong thẳng vào ngay các ổ súng địch. Tuyến bố trí thứ nhất của Việt cộng bị đánh thủng, chúng lui về tuyến hai. Cũng lúc đó toàn trung đội I vội nhào ngay xuống giao thông hào do địch đào sâu tới ngang cần cổ. Thế trận tiếp tục diễn ra trong cách nhả đạn vào từng gò mả, từng ngôi mộ. Ta lấn chiếm tứ cái này qua cái khác. Việt Cộng đã dựa vào các vị trí có sẵn là các ngôi mộ xây kiên có, chúng đào hố phòng thủ sát bên từng gò mả. Trận chiến gần đến độ VC ngó thấy ta, ta cũng nhận mặt từng tên địch. Chúng mặc quần aó đồng phục mầu xanh lợt mà người ta có thói quen gọi là mầu xanh kaki Nam Định, giây đạn đeo đầy người, túi đạn B40 trước ngực, thập thò sau các chướng ngại vật.

    Ngay phút đầu tiên, Tử Thần đã nhận định đây là đơn vị chính quy địch qua hỏa lực địch dàn chào mũ nâu. Chỉ 10 phút đầu VC đã bắn tới tấp 14, 15 trái đạn B40, hợp đồng với thượng liên, đaị liên, AK47, quạt xối xả về hướng tiến của TĐ33/BĐQ.

    Lợi dụng địch đang dồn hỏa lực hòng đốn ngã trung đội 1, Đại đôi Trưởng Trịnh Thanh Xuân đẩy trung đội 3, Ban chỉ huy đại đội xung phong ào lên chiếm căn nhà có lò bún bên mặt cuả khu rau muống. Nhưng xui xẻo là đối diện với điểm tựa này, phía bên kia là 2 cây đại liên và một tổ B40 địch, chúng cũng bắn liên tới tấp về phía ta, đã có 4 binh sĩ bị thương nặng. Trung uý Xuân đã nhanh tay dùng súng M79, loại vũ khí tối tân, cùng các xạ thủ khác bắn dồn dập để khóa họng chúng, làm tê liệt ổ kháng cự này. Điều gây thắc mắc cho anh em Biệt Động Quân, bị bắn như thế, dù đã im tiếng nhưng sao vẫn không thấy những tên còn sống rút chạy hay ra hàng? Ta dự đoán có lẽ xạ thủ đã bị khóa chân vô với súng, nên không còn đường nào khác là “chơi tới đâu được thì chơi” để rồi chết. Muốn dứt điểm nhanh chóng ổ kháng cự, hạ sĩ nhất thám báo Trần Đắc Hiệp đã đứng lên khơi khơi chĩa nòng súng M79. Và, đúng lúc đó thì một tên VC cũng giơ lên cây AK47, chợt nhận ra, hai bên cùng chào nhau cùng một giây, cùng bóp cò, đạn rời khỏi nòng thì cũng là lúc hai kẻ chào nhau bằng súng đều ngã gục. Bên trúng viên đạn AK, lủng nón sắt, chết ngay tức khắc. Tên địch thì ôm gọn trái M79 thân xác tan banh, kéo theo cả ổ súng mai phục tại căn nhà này cũng về cõi âm cùng một lúc. Trước đó một giây, Trung uý Xuân chỉ kịp hét lên “Hiệp coi chừng”, nhưng chữ chừng chưa ra hết thì Trần Đắc Hiệp đã ngã bật về phía sau, đầu ngả lên bờ rào, máu từ trán chảy xuống nhuộm đỏ cả khuôn mặt đẹp và uớt hai vai.

    Xót xa, tức uât vì cái chết của đứa em giỏi, gan lì, Trung uý Xuân cũng đứng lên hét lớn “Xung phong! Xung phong!” đồng thời Hạ sĩ Luật định nhảy ra kéo xác Hiệp. Nhưng Việt cộng cũng đeo sát tử thi này, chúng đã bắn xối xả, đạn cày tung đất chung chỗ Hiệp nằm. Luật đã thoát chết chỉ trong gang tấc. Đang phân vân tìm cách lấy xác của Hiệp ra phía sau thì bỗng nhiên người đàn ông đi cùng với mẹ đang bị kẹt trong chỗ giao tranh, ẩn núp phía sau lưng Trung uý Xuân. Anh ta bò lên kề sát bên Trung uý Xuân nói "Tụi nó canh súng, anh em lên nó bắn, nguy hiểm, chết thêm, để tui giúp mấy anh". Chưa dứt câu, anh ta cởi ngay cái aó thung quơ quơ trên đầu và rất bình tĩnh đi thẳng lưng đến chỗ Hiệp “ngủ”. Việt cộng cũng không tha, chúng nhắm người đàn ông bắn tới tấp. Thấy quá nguy hiểm cho ông ta, các chiến sĩ Biệt Động Quân cũng dồn hỏa lực tối đa, bắn yểm trợ cho ổng. Người đàn ông thật quả là anh hùng, ông đã nằm ngửa, kê xác Hiệp trên tay, dùng hai chân chòi trên mặt đất để kéo lê xác chết từng đọan ngắn dưới hai luồng đạn, mang được Hiệp về tuyến BĐQ. Hỏi ra, mới biết anh tên là Hai Néo, làm nghề thuộc da bên Phú Bình, về thăm mẹ, kẹt luôn. Để đền đáp sự hy sinh và lòng can đảm của ông Hai Néo, Trung uý Xuân đã quyết định, giao nhiệm vụ bảo vệ mẹ con Hai Néo cho Hạ sĩ “Tân điếc” – một chiến sĩ Thám Báo liều lĩnh và nhanh nhệ đến độ coi như điếc không nghe thấy tiếng súng của địch.

    Trời càng về trưa, trận chiến càng trở nên quyết liệt. Nhờ có công sự phòng thủ tốt là những ngôi mả xây kiên cố và các căn nhà tôn kế cận, địch đã làm trì hoãn sức tiến của đại đội 3. Nguợc lại, bên cánh phải của mục tiêu, đại đội 4/33 tương đối dễ hơn vì địa thế thuận lợi cho sự tấn công. Đại đội 4 đã “nhô” cao hơn bên trái.

    Từ Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn, trên con lộ đất đỏ phân chia nghiã điạ Triều Châu, cách tuyến đầu chừng 70 met, Tử Thần, cầm máy gọi Đại Đội Trưởng Đại đội 4:
    – Vinh Quang đây Tử Thần, anh hãy cho con cái ngưng lại. Vịt con còn đang ở giữa anh và Xung Phong. Cho mấy thằng nhỏ lui xuống, bọc bên hông phải để chuẩn bị tiếp tay cho con cái thằng 3 (ĐĐ3) để nó bẻ cổ con gà cồ hoang đang gáy tầm bậy ở trong góc trái đó. Nghe rõ?
    – Dạ, tôi nhận Tử Thần, 5/5.

    Lúc này Đại đội 3 đang gặp sức kháng cự rất mạnh của địch từ một quần thể lăng mộ gần khu lò bún. Tử Thần quyết định, cho lệnh 3 chiếc Thiết Giáp M113 tăng phái lên tiêu diệt ổ hoả lực địch. Nhưng chiếc TQV thứ nhất vùa lừ lừ tiến lên, thì một loạt 3 trái đạn chống chiến xa cuả địch phóng ra, bị trúng đạn, bốc cháy. Dù trước ngọn lửa bốc cao, cháy bùng như đuốc, anh em Biệt Động Quân đã không nao núng, phản ứng thật gan dạ và bình tĩnh. Binh I Châu, đi sát bên Tử Thần, và một đồng đội đã nhẩy lên xe thiết giáp. Một người lo chữa cháy, một người dùng ngay súng đại liên trên xe, bắn chính xác vào tuyến địch. Lửa được dâp tắt, con cua đồng này đã biến thành pháo đài bắn yểm trợ cho hai con còn khoẻ cùng các chiến sĩ mũ nâu tiến lên thanh toán địch. Trận chiến càng lúc càng quyết liệt. Con cua thứ hai gầm thét, vùa lăn xích tiến được chừng 5 mét thì lại trúng đạn chống tăng bốc cháy. Lần này Việt cộng liều lĩnh định nhào lên chiếc xe, nhưng đã bị BĐQ chặn lại bắn hạ hàng loạt. Tiểu đoàn trưởng nhận định đã đến lúc phải “dứt gọn” địch. Bất thần, trận địa nổi lên một đoàn người quái lạ, hình thù quái đản, nhào lên quét ngã từng toán VC, nhất định phải thu dọn chiến trường xong trước khi mặt trời xuống và cũng cương quyết không cho địch còn cơ hội trốn chạy hay tăng viện. Tiểu đoàn Trưởng quyết định cho thêm hai chiếc thiết giáp nữa vào vị trí tác chiến thay thế hai đồng bạn bị cháy. Hoả lực cuả cua đồng và của beo đen phối hợp nhịp nhàng tiễn chân bày vịt con chết chồng chất lên nhau. Đồng thời Tử Thần gửi Đại uý Tiểu đoàn Phó cấp tốc về BCH Hành Quân LĐ/5/BĐQ dùng trực thăng C&C bay quan sát trên vùng giao tranh để theo dõi, nhận định về địch quân đuợc đặng có quyết định chính xác.

    Khoảng cách hai bên đã quá gần, trận ác chiến đã lên tới mức cao vượt bực. C& C đã đến, cùng với hai gunship bay theo. Trên trực thăng, Tiểu đoàn Phó TĐ33 BĐQ đang theo sát từng chuyển động của địch và gọi xuống cho bạn bên dưới. Nhưng cũng chính lúc này, phòng không của địch bắn lên trúng một chiếc trực thăng của pháo binh Hoa kỳ, bay ở độ cao quá thấp. Trực thăng bị cháy, phải rời vùng khẩn cấp. Hoả lực từ trời cũng đã dự phần. Hai chiếc gunship bay vần vũ trên đầu địch, theo sự hứơng dẫn của C&C. Rocket, minigun xả xuống theo những đường thẳng như kẻ chỉ. Hoả tiễn phá tung từng hầm hố, đạn đại liên đuổi theo từng nhóm địch cuồng cuống đào tẩu. Về phần mình BĐQ đã không bỏ qua cơ hội, bắt đầu đứng thẳng lưng bắn hàng loạt đủ mọi loại đạn mà họ đang có trên tay về phiá địch.

    3:40 giờ, địch thật sự chiụ không thấu sức tấn công mãnh liệt của Biệt Động với sự hỗ trợ của hoả lực Thiết Giáp, trực thăng võ trang. Địch bỏ nghiã địa, lui vào khu lò bún, lợi dụng những dãy nhà tôn, vách gạch để hy vọng là trì hoãn sức tấn công của ta. Đến đây mới đúng là lúc giờ tiễn đưa bày con của quỷ. Đại đội 3 và Đại đội 4 được lệnh lập thành một vòng cung, cùng đánh ép vào mục tiêu cuối. Cách đánh trong thành phố được áp dụng. Từng nhà, từng con hẻm, thậm chí có căn nhà địch ở dưới ta ở trên đánh xuống (chuyện có vẻ ngược đời) vì chiến sĩ mũ nâu đã leo từ ban công nhà này đánh qua nhà khác. Những trái M72, M79 được gởi chính xác vào từng cửa sổ. Đại liên M60, súng cá nhân M16 chờ sẵn, những tên sống sót bung chạy, đốn tiếp, dứt điểm. Đến lúc này thì những tên còn sống sót, lại dở trò gian ác, tàn nhẫn: đốt nhà để lợi dụng lửa cháy đặng lủi trốn. Do đó, mốt số tên đã chạy thoát về hướng bưng Vĩnh Lộc, Bình Trị Đông, Bình Chánh..

    Bây giờ là đúng 5:00 giờ chiều. Mặt trận đã được coi như thanh toán xong, các trung đội được bung rộng lục soát, thu dọn chiến trừơng. Đứng trên một gò mả, Trung uý Trịnh Thanh Xuân báo cáo chiến tích, và thiệt hại của đại đội ông. Cách đó khoảng gần 100 met, các anh em thuộc Đại đội 4 cũng đang thu nhặt chiến lợi phẩm. Đại đội trưởng cũng đang kiểm lại quân số báo caó thành tích và thiệt hại.


    Tổng kết trận đánh Nghĩa điạ Triều Châu như sau: Số VC chêt tại chỗ trong các hầm hố, trong những đống gạch ngói hoang tàn, nằm chồng lên nhau tại bãi đât ngăn cách nghiã điạ và khu lò bún đếm được 206 tên. Những xác chết gồm cả xác 17 phụ nữ. Bắt sống 11 trong đó có tên chính uỷ tiểu đoàn và một nữ giao liên cư ngụ ngay tại phường Bình Thới. Quần aó của đơn vị này mầu xanh đọt chuối, chứng tỏ đây là quân chính quy của chúng. Toàn bộ vũ khí tịch thu: 42 súng AK. 47, chín súng B40, hai đại liên phòng không 12ly8, một súng cối 61 ly, một đại bác không dzật 75 mmm, và 312 lựu đạn, bộc phá. Đạn dược vào khoảng trên một ngàn viên. Ngoài ra các chiến sĩ mũ nâu 33 còn thu nhặt được một số vũ khí VC bị cháy trong lúc chúng đốt nhà để chạy. Đặc biệt, ta tịch thu được của địch 214 mặt nạ chống ngạt, nhãn hiệu Trung cộng, hơi lạ mắt đối với mặt nạ của hoa Kỳ sản xuât. Mặt nạ Trung cộng làm bằng nylông mỏng mầu xanh, có ống dưỡng khí xanh lợt.. có vẻ xấu xí không được “ngầu” như loại QLVNCH được trang bị.

    Thiệt hại về phía ta: 28 hy sinh, trong đó có 3 Hạ sĩ quan, 2 sĩ quan Chuẩn uý - một là BĐQ, Trung đội Trưởng Nguyễn công Út và Chuẩn uý Thạch, Chi đội Trưởng Thiết Giáp - Người sĩ quan còn quá trẻ, chêt cháy, tay vẫn còn siết chặt trên cò súng. Kế bên là tài xế Võ Đình Chi, chết ngồi trong buồng lái và 38 Biệt Động Quân bị thương và 4 chiến sĩ Thiết Giáp bị thương vì bị phỏng lửa. Hai Thiết quân vận M113 trúng đạn chống tank, hư hại nặng. Cũng phải kể thêm một trực thăng Quan sát của Pháo Binh Mỹ loại OH6 bị trúng đạn thượng liên của địch phải đáp khẩn cấp, tại sân Trường đua Phú Thọ nhưng may mắn, không có người bị thương và phi cơ vũng không bị cháy. Vũ khí bảo toàn.

    Qua điều tra sơ khởi tài liệu của địch bỏ lại, được biết Tiểu đoàn 33 BĐQ, được tăng phái TQV, và sự yểm trợ hỏa lực của trực thăng võ trang đã tiêu diệt hòan toàn Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 272, Công trường (Sư Đoàn) 9 cộng thêm 1 đại đội bí số 45 Đặc công cộng sản.

    Tin chiến thắng được báo về Bộ Chỉ Huy Hành Quân Liên Đoàn 5 BĐQ. Mặc dù đã là 7 giờ tối, Tiểu đoàn nhận đuợc lệnh, “clear” thật kỹ chiến địa để đón tiếp Thượng Cấp đên thăm, khen thưởng.

    Đã tưởng thượng cấp là Chỉ Huy Trưởng Binh Chủng, Đại tá Trần Văn Hai, LĐT/LĐ 5/BĐQ, Tư Lệnh BKTĐ, chẳng dè ngoài những vị trên, thượng cấp lại là Phó Tổng Thống VNCH, Chủ Tịch Thượng Nghị Viện VNCH, Thủ Tướng Chính Phủ VNCH, ông Tổng Giám đốc Y Dược Viện OPV tháp tùng. Quả thật là một cuộc thăm viếng quá bất ngờ của Thượng Cấp.

    Trung Tá Đào Bá Phước, Chỉ huy Mặt trận Khu vực D, Đại Uý Tiểu Đoàn Trưởng TĐ33 BĐQ, đã hướng dẫn thượng cấp đi thăm từng đơn vị nhỏ, Trung đội, Đại đội, và quan sát chiến trường còn ngổn ngang xác giặc và chiến lợi phẩm. Sự khen ngợi đã được gởi đến cho quân nhân các cấp Tiểu Đoàn 33 BĐQ, và các đơn vị tham chiến thật nồng nhiệt.

    Phái đoàn Thượng cấp ra về lúc 7:45 giờ phút tối và cũng vào lúc này là giờ chính thức khai tử cuả TĐ 2 Trung đoàn 272 Công Trường 9 địch quân bởi các tay súng cuả TĐ 33 BĐQ, Thiết Giáp, Trực Thăng võ trang, dưới chỉ huy thao lược của các cấp chỉ huy giỏi như TĐT Tử Thần, Đại đội Trưởng Trịnh Thanh Xuân, ĐĐT/3/33 BĐQ…

    Có lẽ nhờ vào chiến thắng lừng lẫy này của Tiểu đòan 33 Biệt động Quân, mặt trận vùng Phú Thọ Hoà đã trở lại an ninh, nhiệm vụ bảo vệ dân chúng được giao lại cho các đơn vị bạn như CSDC. Sau đó ít lâu, toàn thể quân nhân các cấp thuộc TĐ33 BĐQ đã được thăng lên một cấp. TĐT Tử Thần lên Thiếu Tá, Tiểu đoàn Phó và các sĩ quan Tham Mưu, các Đại đội Trưởng đều có lon mới là Đại Uý/QLVNH. Dĩ nhiên, Trung uý trẻ tuổi Trịnh Thanh Xuân là người lãnh công đầu. Thêm vào đó, Tiểu đoàn cũng được tặng thưởng rất nhiều huy chương các loại kể cả Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu.

    Thiên Lôi


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X