Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phi Đoàn 1 Quan Sát - 1954

Collapse
X

Phi Đoàn 1 Quan Sát - 1954

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phi Đoàn 1 Quan Sát - 1954

    Phi Đoàn 1 Quan Sát - 1954
    Đằng Vân

    (Kính tặng Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Oánh, vị Chỉ Huy Trưởng đầu tiên và cũng là vị Chỉ Huy Trưởng sau cùng của tôi trong Không Quân)


    Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Oánh (ảnh của generalhieu.com)

    Vào một buổi sáng đẹp trời của tháng Tư 1954, sau khi tốt nghiệp Khóa 3 Quan Sát tại Nha Trang, tôi cùng một số bạn đồng khóa tới trình diện tại Đệ Nhất Phi Đoàn Quan Sát và Trợ chiến đồn trú tại Tân Sơn Nhất, trong văn bản pháp ngữ đơn vị này có tên là 1er GAOAC (Premier Groupe d’Aviation d’Observation et d’Accompagnement de Troupe au Combat). Phi đoàn mới được chuyển giao từ Đại Úy Cotet sang cho Đại Úy Nguyễn Ngọc Oánh, chúng tôi đã được sự tiếp đón rất niềm nở và chu đáo của vị tân Phi đoàn Trưởng, thấy tôi vẫn còn có vẻ thư sinh nên Đại Úy Oánh vui vẻ đưa tôi tới gặp Đại Úy Cotet và giới thiệu:"Thưa Đại Úy, đây là 'chú nhóc của Phi đòan'", nguyên văn như sau: "Mon Capitaine, voici 'le benjamin de l’escadrille'", ngay cuộc gặp gỡ đầu tiên này, tôi đã quý trọng Đ/U Oánh như người anh lớn trong gia đình vì sự chăm sóc đặc biệt dành cho tôi trong giai-đoạn đầu tiên trong binh-nghiệp.


    Các sĩ-quan độc-thân được sử dụng một villa nhỏ trong Camp General Chanson sau này là Bộ TTM của QĐVNCH, chúng tôi chưa có Câu lạc Bộ riêng nên có một cái “popote” gần Ngã Tư Phú Nhuận, các hoa tiêu và quan sát viên trong phi đoàn cũng không đông lắm, chúng tôi ngồi ăn chung quanh một cái bàn tròn lớn vỏn vẹn trên dưới 10 người khi thì cơm Tây, cơm Ta tùy theo sỏ thích của mỗi người, cuối tháng tính sổ trả tiền. Tôi rất thích bầu không khí đầm ấm đầy tình cảm gia-đình này trong những lúc không còn luôn được sống chung với bố mẹ và các anh chị em.

    Buổi sáng có một xe Dodge 4×4 của ban Quân Xa ghé qua đưa chúng tôi vào Phi đoàn, sau khi đã đi đón các sĩ quan khác ngoài phố, thường thường trên xe có Trung Úy Nguyễn khắc Bửu Sĩ quan Kỹ Thuật làm trưởng xa, ông ta hay mang theo một con chó berger to lớn để phía sau xe nên Chuẫn Úy George Nguyễn Thanh Tòng không chịu nổi mùi hôi hám cứ dọa rút súng Colt 12 ra bắn, tôi được làm quen với những bậc đàn anh như Phùng văn Chiêu, Đinh thạch On tức Cheri On, Huynh thiện Tài, Đỗ khắc Mai, Trần đình Hòe, Từ Bộ Cam, Phạm Long Sửu, Nguyễn Thế Anh tức Ông Cả Méo,Trần Bá Quy…, thỉnh thoảng Đại Úy Oánh đích thân tới đón chúng tôi bằng xe Jeep, chúng tôi còn rất trẻ và KQVN cũng đang trong giai đoạn mới thành lập nên một tương lai đầy hứa hẹn đang chờ đón chúng tôi, trên xe chúng tôi cười nói huyên thuyên, đôi lúc Đại Úy Oánh thêm vào những nhận xét do kinh-nghiệm bản thân của những người đi trước, có lẽ vì tôi nhỏ tuổi nhất và thích học hỏi đủ thứ nên Đại Úy Oánh lúc nào cũng coi tôi như đứa em nhỏ luôn luôn chỉ dẫn cho tôi những hiểu biết cần thiết, những buổi sáng ở Saigon vào tháng tư thật là đẹp, ánh nắng chói chan xuyên qua những cụm mây trắng tạo nên những bóng mát di động trên mặt đât, Đại Úy Oánh vui vẻ chỉ những cụm mây trắng như tuyết và nói: "Hậu thấy không, đấy là loại mây cumulus du beau temps, đến trưa nó sẽ bay lên cao, gần chiều chúng có thể tụm lại thành cumulo-nimbus là loại mây hình “đe” tạo nên những cơn dông và sấm sét rất nguy hiểm khi bay phải tránh nó, vì chúng trải từ sát mặt đất lên đến hàng chục ngàn mét trên cao". Phần lớn chúng tôi thường coi môn Khí Tượng trong phần Địa Huấn là “con vật đen” nó có vẻ mơ hồ và huyền ảo, biến hóa vô lường cùng với những tên gọi lắp ghép với nhau khi biến dạng theo thời gian hay độ cao, nào là stratus, cumulus, nimbus là loại mây đen mang theo mưa gió, nếu thành hình trên cao là altostratus, nết trải dài loáng thoáng có lỗ trống là stratocumulus, trên cao nữa lại là cirrus rồi lại thành cirrocumulus vân vân và vân vân…

    Riêng tôi chỉ mong được bay xác định hạnh quân ngay để còn có dịp biệt phái ra Hà Nội bay cùng với các anh Nguyễn mạnh Bổng, Vũ văn Ước và Nguyễn đình Giao, buồn thay, Đại Úy Oánh thường giao cho tôi những công việc lặt vặt trong phi đoàn như sắp xếp các bản đồ, mỗi chiều sang bên Phòng Hành Quân của Đoàn Không Quân Chiến Thuật miền Nam (GATAC Sud) của Pháp để lấy Bản Tin tức hàng ngày gọi là BRQ (Bulletin et Rapport Quotidien) về để biết những tin tức hành quân trong ngày.

    Thỉnh thoảng tôi thấy Đại Úy Võ Dinh, Chỉ Huy Trưởng Đệ Nhị Phi đoàn Quan Sát, lái MS500 từ Nha Trang vào họp tại Phòng Không Quân (Departement Air) trực thuộc Bộ TTM nằm trên đường Trần Hưng Đạo, một hôm đẹp trời Đại Úy Oánh bảo tôi chuẩn bị đi bay với Thiếu Úy Bùi Quang Các, người dong dỏng cao trông như tài tử James Stewart, (mất tích trong một phi vụ trực thăng phía Tây Huế sau này), phi trường nằm trong khuôn viên của tiểu khu, phi đạo rât ngắn một đầu là lũy tre, một đầu là nghĩa-địa và nhà cửa của thành phố, mỗi lần hạ cánh đều đòi hỏi sự tính toán chính xác của phi-công, vào đầu thập niên 60, một L20 thuộc PĐ 112 trong một phi vụ liên lạc chở thượng khách (một vị dân biểu) đã "lộn mèo" , vì đáp quá dài nên phải thắng gấp, may mắn là thượng khách vô sự.


    MS500

    Sau khi hạ cánh, một sĩ quan Pháp đội mũ calot màu xanh lá cây, có lằn đỏ ở giữa (mũ calot này thuộc binh chủng truyền tin của Pháp) ra đón chúng tôi vào Câu Lạc Bộ ăn sáng rồi mới giao nhiệm vụ, hồi ấy mọi quan-hệ đều dùng tiếng Pháp trong quân đội, liên lạc không địa trên băng tần 16 của máy SCR 300 là loại máy truyền tin rất thân quen của các quan sát viên đến nỗi đôi khi chúng tôi được các bạn gọi đùa là “pilot SCR 300”.

    Chúng tôi có nhiệm vụ bay lên hướng Bắc tìm cách liên lạc với tiền đồn Katum và báo cáo tình trạng của đồn đã bị mất liên lạc tối qua. Katum nằm sát biên giới Việt Miên chỉ có một con đường dẫn đến đồn chung quanh đều là rừng già và không có làng mạc nào cả, tôi nghĩ cuộc sống ở đây thật là buồn tẻ, nhất là những binh sĩ trong đồn phải có một sự chịu đựng và chấp nhận thiếu thốn đáng phục trong lúc thi hành nhiệm vụ bảo vệ bờ cõi để trong khi ở Saigon chúng tôi có biết bao nhiêu những thú vui giải trí mà chắc rất ít người ý thức được sự trả giá này.

    Trong đặc-lệnh tryền tin trên khắp Đông Dương, băng tần 16 của máy SCR 300 được dành riêng cho việc liên lạc giữa phi cơ quan sát và các đơn-vị trên mặt đất và danh hiệu của phi cơ quan sát là “GAO” chữ gọi tắt của Groupe d’Aviation d’Observation, nên khi vừa bay tới nơi tôi đã nghe tiếng nói mừng rỡ của viên trưởng đồn:
    - “GAO, GAO ici Katum, comment me recevez-vous? (GAO, bạn nghe tôi thế nào?)
    - “Katum, je vous recois 5 sur 5, Avez-vous quelque chose pour moi ?. (Katum, tôi nghe bạn 5 trên 5, bạn có gì cho tôi không?)


    Sau đó tôi được nhờ quan sát vài tọa độ khả nghi có sự hiện diện của địch hồi đêm qua, thực ra trong những khu rừng già nếu địch quân không vô-ý đốt lửa để khói bay lên thật khó mà phát hiện được nếu họ không xuất đầu lộ diện, điều này rất ít xảy ra lúc thanh thiên bạch nhật, nên sau một hồi bay tới lui quan sát không thấy có dấu hiệu khả nghi, viên trưởng đồn nhờ điều chỉnh đại bác 75 ly lên những điểm trên để có yếu tố tác xạ sẵn khi cần đến. Trước khi rời vùng hành quân theo thông lệ, chúng tôi bay thấp và lắc cánh khi bay qua đồn để chào tạm biệt, sau khi hạ cánh tại Tây ninh để làm báo cáo cho Tiểu Khu và đổ xăng AV/80 mầu đỏ hồng, chúng tôi trở về TSN , tôi nộp bản báo cáo phi-vụ cho Trưởng phòng Hành Quân là Trung Uy Nguyễn Thế Anh (tử nạn tại Biên Hòa trên loại phi cơ AD5 cùng Đại Úy Nguyễn tấn Long, em Đại Úy Nguyễn tấn Trào).

    Rồi đến phi vụ hàng ngày hộ tống xe lửa từ Sai Gòn đi Nha Trang, thường thường điểm hẹn là Trảng Bom, danh hiệu đoàn tầu bảo vệ đi trước là “Rafale”, chúng tôi bay sát trên đường rây để phát hiện những khúc đường bị địch tháo gỡ, những phi vụ này đòi hỏi thời gian bay lâu tối đa nên chúng tôi thường đáp tại Phan Ri để đổ xăng bay về, còn đoàn tầu được tiếp tục hộ tống do phi cơ của Đệ Nhị Phi Đoàn Quan Sát từ Nha Trang bay tới thay thế.Có lẽ thấy tôi đã đủ lông cánh để bay xa một chút, nên tôi được lệnh biệt-phái lên An Khê, với tờ O.M (Ordre de Mission) tức Sự Vụ Lệnh tôi sang bên G.T. (Groupe de Transport) tức Liên Đoàn Vận Tải gồm Phi đoàn Bearn và Gascogne để lấy chỗ trên phi cơ C47 đi Pleiku,đi cùng tôi còn có Ch/Úy Tòng. Khi đáp tại phi trường Catecka, Ch/Uy Tòng đưa tôi tới một căn lều vải đầy bụi đỏ của miền cao-nguyên để nhận lãnh chiếc phi-cơ MS 500 rồi chúng tôi bay đi An Khê. Điều làm tôi ngỡ-ngàng là máy bay tại nơi biệt phái sao mà bụi đỏ bám đầy, dơ-dáy khác hẳn với những phi-cơ tại đơn vị lúc nào cũng sạch-sẽ và bóng loáng, khi hạ cánh tại An Khê bộ áo bay màu kaki của tôi đã phủ một lớp bụi đỏ, Thiếu Úy Phạm Long Sửu ra đón chúng tôi, tôi nhìn quanh thấy phi trường vắng teo không có đài kiểm soát, không một căn nhà nào cả. Thấy vẻ mặt ngơ ngác của tôi, Thiếu Úy Sửu nói: "Chất đồ lên xe đi để Tòng vào lấy phi cơ về Saigon cho kịp". Chiếc xe Jeep đi theo một con đường đất nhỏ hai bên có rào kẽm gai tới sân một ngôi chùa bỏ hoang, tôi mới nhìn thấy chiêc máy bay “bà già” được đậu ngoài sân dưới bóng mát một cây đa cổ thụ, phi cơ này đã gần đến giờ kiểm kỳ nên Chuẩn Úy Tòng phải đem về Phi đoàn. Đến gần tôi thấy thân phi cơ bằng vải bị cào rách nhiều chỗ và được vá bằng vải dính sparadrap, Th/Úy Sửu cười nói: "Mình rouler ra vào nhiều khi cũng quẹt vào kẽm gai, nhưng hôm nay mình có máy bay mới rồi, bay hết giờ kiểm kỳ thì chúng mình về Saigon".


    Hồi ấy chúng tôi đi biệt đội không tính theo thời gian mà tính theo giờ bay của phi cơ trước khi phải làm kiểm kỳ, trung bình là 50 giờ thì mang phi cơ về đổi hoặc thay thế phi hành đoàn, đây cũng là một cách rất tốt để khuyến khích nhân viên phi hành bay thật nhiều là điều rất cần thiết để có nhiều kinh nghiệm trong giai đoạn KQVN mới được thành lập, kinh nghiệm chỉ có thể có được nếu bạn bay thật nhiều, hạ cánh thật nhiều.

    Chúng tôi dùng cơm cùng với những sĩ-quan Pháp tại câu lạc bộ, trước khi ăn chúng tôi phải uống một ly rượu màu trắng đục đầy mùi hồi, đây là rượu Pastis hay là Anisette dùng để phòng ngừa bệnh sốt rét. Căn phòng của biệt đội nhìn ra một con suối rộng nước chảy ào ào qua những tảng đá tung bọt trắng xóa, thỉnh thoảng một vài cô gái Thượng ngồi tắm giặt trên mấy tảng đá tiếng nói líu lo làm tôi bâng khuâng liên tưởng đến bản nhạc Sơn nữ ca của nhạc sĩ Trần Hoàn mà tôi được nghe lần đầu tiên do Kim Thư trình diễn trong buổi văn nghệ tại nhà hát lớn Hà Nội nhân dịp phát phần thưởng cuối năm của trường Trung Học Albert Sarraut.

    Th/Uy Phạm Long Sửu, người cao gầy, nước da ngăm ngăm là người phi công đỗ thủ khoa của khóa 1 Hoa Tiêu nên bằng lái Hoa Tiêu Quân Sự của anh mang số 1, anh mê bắn súng Colt 12 và thích sưu tầm đạn súng Colt loại vỏ đồng thay vì loại vỏ nhôm dành cho Tiểu liên Thompson.

    Hàng ngày chúng tôi bay quan sát và liên lạc với những đồn bót từ An Khê tới sau đèo Mang Yang, một địa danh nổi tiếng, nơi một Chiến đoàn Lưu Động của Pháp(Groupe Mobile 100 ) đã bị đánh tan trong một trận phục kích mấy năm trước.

    Mỗi tối, tôi tới ban Truyền Tin đánh công điện báo cáo hoạt động, tình trạng nhân viên và phi cơ trong ngày về Phi đoàn. Ngoài lúc đi bay, nếp sống tại An Khê thật buồn tẻ, không có dân cư ngoại trừ vài buôn thượng ở xa, nên chúng tôi thường đem súng colt đi tập bắn bia cho qua thì giờ, tôi thường đem theo vài cuốn sách thật dầy để đọc, hàng tuần có một hai chuyến C47 chở lương thực tiếp tế hoặc đem thư từ đáp rồi lại đi để trả lại sự yên tĩnh cho núi rừng, hồi này chiến dịch Điện Biên Phủ đang trong giai đoạn kết thúc, địch đang tập trung tất cả lực lượng vào miền Bắc nên chiến trường miền Nam tương đối không có biến động. Chiếc máy bay chúng tôi mang số hiệu BP (Bravo Papa) chữ sơn màu trắng bên cạnh quốc kỳ là ba vòng tròn đỏ đồng tâm trên nền vàng, một vài chỗ trên thân tàu tôi thấy có những miếng vá nhỏ hình tròn có ngôi sao vàng trên nền đỏ, Th/Uy Sửu giải thích: "đấy là những vết đạn chiếc máy bay này đã lãnh trong những phi vụ hành quân trước, các anh cơ khí viên thường đánh dấu những chiến tích này để tuyên dương công trạng cho một chiến cụ thường hay bị người đời chê bai là 'bà già'", dù sau này được sử dụng những máy bay tối tân hơn, tôi vẫn hãnh diện vì đã được bay trên chiếc phi cơ khai sinh ra KQVN, chiếc máy bay thuộc “thời đồ đá” này ngoại hình quả là thô kệch, phi-cụ không hành chỉ có một địa bàn từ, máy vô tuyến VHF chạy bằng đèn điện tử lúc chạy lúc không tùy hứng, ăng ten cần câu của máy SCR 300 chọc thủng qua trần mica xuyên thẳng lên trông mất thẩm mỹ và cản gió, còn máy WS19 liên lạc tầm xa với loại ăng-ten thoòng thả từ phi cơ xuống trong khi bay và phải nhớ cuộn lại trước khi đáp thì cá nhân tôi chẳng khi nào có dịp dùng tới, công tắc magneto thì kéo lên xuống như cầu dao điện nghe xành xạch mỗi khi làm point fixe, không có đồng hồ chỉ mức xăng, hoa tiêu nhìn mức phao trong ống thủy tinh ở hai bên cánh dể ước lượng số xăng còn lại, cánh cản được ra vô bằng tay quay truyền bằng dây xích xe đạp, góc độ được ghi bằng sơn đỏ trên mặt kính cửa sổ để hoa tiêu liếc nhìn trước khi đáp hoặc cất cánh, khung phòng phi cơ nhiều khi bị vẹo vì thiếu dụng cụ cân đo nên có lúc phi cơ không chịu bay thẳng, khi bay đường dài chúng tôi lấy túi công điện cột cần lái vào thân phi cơ cho đỡ mỏi tay, với tốc độ chậm chạp 100 cây số giờ lý tưởng cho việc quan-sát phải nói là chúng tôi "lững thững" bay trên khắp nẻo đường đất nước chưa kể lúc gió ngược tốc-độ còn thua xe đò Lục Tỉnh, ngoài ra máy bay còn có một hệ thống khởi sự bằng tay quay maniven phòng khi bình điện hết hơi, rất tiện lợi khi phi cơ bị mất điện tại các phi trường hành quân không có những tiện nghi kỹ thuật.

    Ngày nào chúng tôi cũng bay thám sát liên lạc với những đơn vị bạn hoặc điều chỉnh Pháo Binh. Một hôm vào ngày cuối tháng tư, sau phi vụ quan sát buổi sáng thường ngày, chúng tôi được lệnh trở về TSN, sau bữa ăn trưa, chúng tôi cất cánh và dự trù tới Saigon khoảng 4 giờ chiều.

    Thời tiết thật đẹp khi bay ngang Ban Mê Thuột, nhìn xa về phía Nam một cụm mây Cumulonimbus hình đe bắt đầu thành hình trên nền trời màu xám đen tại hướng nam, tới Ngã Ba Biên Giới, trời bắt đầu mưa, chúng tôi phải xuống thấp, tầm nhìn xa càng ngày càng hạn chế và mưa càng nặng hạt, chúng tôi không bay theo hướng la bàn nữa mà bám theo con đường xe hơi chạy ngoằn nghèo bên dưới vắng hoe , tôi lần tay theo dõi vị trí trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000, chúng tôi bay qua một số đồn điền cao su có tên sơn trắng rất rõ trên nóc nhà như Phú Riềng, Thuận Lợi…, trong cơn dông trời tối thật mau, với kinh nghiệm đã có nhất là trong khi bay gặp trời quá xấu, Th/Uy Sửu quay lại bảo tôi: "Mình kiếm sân bay nào gần nhất đáp thôi", tôi đề nghị: "Chúng mình vừa bay qua sân bay Plantation Thuận Lợi, ta quay lại vậy". Th/Uy Sửu bèn biểu diễn một đường quẹo gắt 180 độ, với đầu cánh sát ngọn cây làm tôi đứng tim để bắt lại con đường đất đỏ đưa chúng tôi về đồn điền cao su Thuận Lợi. Chúng tôi hạ cánh trên sân cỏ ướt sũng và di chuyển tới bãi đậu cạnh chòi gác sân bay.

    Vì lý do an ninh, những đồn điền cao-su thường có sân bay riêng dùng liên lạc và chở tiền lương tháng cho nhân viên, vì mỗi lần dùng đường bộ phải tổ chức hành quân mở đường, chờ một lát thì một chiếc xe Jeep do chính ông chủ đồn điền người Pháp ra đón, ông ta rất vui vẻ đón tiếp chúng tôi như những quí khách, dành cho chúng tôi một phòng rộng với nệm trắng tinh và tối hôm ấy khoản đãi hai chàng phi công trẻ một bữa ăn với đủ các thứ rượu mắc tiền.

    Sáng hôm sau, chúng tôi cất cánh làm một passage thấp và lắc cánh chào ông chủ đồn điền hiếu khách đứng ngoắc tay vẫy chào ở giữa sân bay, chúng tôi chỉ cách Saigon có 45 phút bay nên sau khi xuyên qua làn mây stratus mỏng, chúng tôi bình phi ở cao độ 1,000 mét (cao độ kế theo tiêu chuẩn Pháp ghi bằng mét) khoảng 3,000 bộ, ánh sáng mặt trời chói chan phản chiếu trên lớp mây trắng trải dài tận chân trời, thỉnh thoảng một phi cơ của Hàng Không Việt Nam sáng loáng từ dưới mây chui lên, nhìn lên cả một khoảng trời xanh ngắt, nhìn xuống cả một biển mây trắng dài vô tận không một khoảng trống để tôi có thể xác định được vị-trí trên bản đồ, khiến tôi có một cảm giác cô đơn lạc lõng như đi giữa bãi sa-mạc. Th/Uy Sửu mở máy VHF tần số 118,7 liên lạc TSN để xin chỉ thị hạ cánh, đài kiểm soát cho biết phi trường trong tình trạng IFR, sẽ gọi lại khi tình trạng Khí Tượng chuyển sang VFR, bình thường thì cũng đơn giản thôi, chúng tôi chỉ cần bay lòng vòng đâu đó khoảng 15 phút nửa giờ nữa là mây mù sẽ tan, nhưng mức xăng ở hai bên cánh đã xuống tới mức báo động, chúng tôi đã bất cẩn, quá tự tin không đổ xăng đầy khi cất cánh từ Thuận Lợi nên bây giờ động cơ có thể tắt bất cứ lúc nào, một quyết định sinh tử được đặt ra: "đục mây, bay xuống tìm chỗ đáp an toàn trong khi còn điều khiển được phi cơ, còn hơn là chờ động cơ tắt và đáp xuống bất cứ chỗ nào ở dưới mây may ra là một khoảng đất trống, không may là nhà cửa hoặc những đường dây điện cao thế".

    Không một phi công nào lại muốn mất quyền điều khiển phi cơ, khoanh tay chờ sự may rủi, nên chúng tôi cột chặt dây nịt và cho phi cơ từ từ xuyên mây bay xuống, những giây phút bay trong mây thật căng thẳng, phi cụ chỉ vỏn vẹn có đồng hồ kim và bi, không có chân trời giả, Th/Uy Sửu chăm chú theo dõi phi cụ để giữ cho phi cơ thăng bằng, còn tôi thì căng mắt ra để nhìn xem đã thấy mặt đất chưa? Mỗi người có một nhiệm vụ đòi hỏi sự chú tâm nên quên cả sự sợ hãi, thời gian tự nó không thay đổi, nhưng khi mình mong đợi thì lại thấy nó dài, sao lâu thế mình chưa ra khỏi đám mây quái ác này, bỗng nhiên một khoảng xanh đen hiện ra trước mũi phi cơ, mọi sự xảy ra thật mau lẹ, tôi nghe vài tiếng gẫy răng rắc, bụi mù mịt và sau đó là một sự im lặng hoàn toàn, chúng tôi tông cửa chui ra, bộ chân đáp đã gẫy khi chạm đất, nên sàn phi cơ nằm ngang mặt đất, thò chân ra khỏi phi cơ là đã đụng mặt đất thay vì phải leo xuống như mọi khi, chiếc phi cơ số đăng bộ XVFBP đã làm một hạ cánh ép buộc trên một thửa ruộng khô gần sân bắn của trường Pháo Binh Phú Lợi, chúng tôi lấy cuốn sách bìa màu cam trong túi đựng tài liệu trong cánh cửa phi cơ có nhan đề “Conduites à tenir en cas d’accident” ra và thi hành những thủ tục cần thiết như tháo gỡ những thạch anh trong máy vô tuyến và điền những câu trả lời vào những mẫu in sẵn để dễ dàng cho những điều tra tai nạn sau này…, viên Trưởng đồn Phú Lợi cho người canh gác phi cơ và giúp chúng tôi liên lạc báo cáo về phi-đoàn. Khoảng trưa, một xe Dodge 4×4 chở các anh cơ khí viên từ TSN lên tháo gỡ những cơ phận quan trọng, chúng tôi cũng lên xe trở về Saigon, tôi nhớ mãi ngày hôm ấy là ngày chủ nhật 1 tháng năm 1954 và một bài học là đừng bao giờ cất cánh hành quân với bình xăng không đầy tràn.

    Sáng hôm sau, vào phi đoàn chúng tôi được lệnh ngưng mọi hoạt động hành quân và chuẩn bị theo phi đoàn di chuyển ra Đà Nẵng, những ngày sau đó thật là bận rộn cho việc đóng gói những vật liệu để chuyển ra bến tàu, chúng tôi xuống tàu St Michel theo đường biển ra Đà Nẵng, các sĩ-quan được trưng dụng những phòng hạng nhất có bồi bêp phục dịch cho mọi nhu cầu, thật là nực cười cũng trên chiếc tàu này hơn một năm trước tôi phải nằm dưới hầm tàu trong khi đi từ Hải Phòng vào Saigon để theo học khóa 3 Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức.

    Hôm tàu nhổ neo, Đ/Uy Oánh ra tận bến tàu tạm biệt chúng tôi và hỏi với theo: "Có ai còn muốn nhắn hay quên gì không?", từ trên boong tàu, tôi chợt nhớ ra mình để quên hêt giấy tờ tùy thân ở nhà, tôi bèn nhờ Đ/Uy Oánh ghé qua nhà lấy dùm, ông cười vui vẻ và lấy bút ra ghi địa chỉ nhà tôi.

    Đ/Uy Oánh sẽ cùng với những hoa tiêu và cơ khí viên đem phi cơ ra Đà Nẵng sau theo ngả Phnom Penh, Savannakhet, Pakse, Seno qua Đồng Hà rồi mới đáp Tourane, tổng cộng phải đi mất hai ngày. Vài tháng sau phi đoàn lại di chuyển ra thành Nội Huế một thời gian rồi đến năm sau lại trở về Đà Nẵng.

    Đệ Nhất Phi Đoàn Quan Sát và Trợ Chiến tiền thân của Phi Đoàn 110 từ đó ra trấn tại phi trường Đà Nẵng,Vùng 1 Chiến Thuật cho đến ngày giãi ngũ.

    Đằng Vân

  • #2
    Xin post hai tấm hình xưa chụp 15 khóa sinh Khóa 1 Hoa Tiêu Quan Sát, trong đó có các vị niên trưởng được nhắc tới trong bài viết trên của NT “Đằng Vân” Đặng Văn Hậu. (Hình do cố NT Vũ Văn Uớc cung cấp)


    Tấm hình trên chụp 15 khóa sinh của Khóa 1 Hoa Tiêu Quan Sát tại TTHLKQ Nha Trang vào khoảng giữa năm 1952 trước một chiếc Morane-Saulnier MS-500 “Criquet” (nickname “Bà Già”). Đứng từ phía trái lần lượt là các NT Nguyễn Ngọc Oánh, Dương Thiệu Hùng, Nguyễn Mạnh Bổng, Phạm Long Sửu, Nguyễn Kim Khánh. Hàng ngồi, thứ ba từ trái là NT Vũ Văn Ước, NT Võ Dinh ngồi mép bên phải.


    Tấm hình trên chụp 15 khóa sinh sau khi mãn khóa bay (được thả solo). Trong số này có 4 khóa sinh trước đó đã tốt nghiệp Khóa 3 Võ Bị Liên Quân Đà Lạt mặc lễ phục sĩ quan màu trắng, gồm (từ trái) Thiếu úy Từ Bộ Cam, Thiếu úy Nguyễn Ngọc Oánh, Thiếu úy Nguyễn Thế Anh; và Thiếu úy Võ Dinh (đứng mép bên phải). Người mặc quần áo dân sự đứng giữa là Ông Phó Tỉnh Trưởng Nha Trang, phía sau ông là NT Phạm Long Sửu (Thủ khoa của khóa).

    Cũng xin ghi chú: đây chỉ là hình chụp sau khi mãn khóa bay chứ không phải hình chụp trong Lễ Tốt Nghiệp được tổ chức trọng thể vào cuối tháng 10/1952 dưới quyền chủ tọa của Thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam; khi ấy chỉ còn lại 14 người, vì khóa sinh Nguyễn Tâm Đăng (người thứ ba tính từ bên phải), trong một chuyến bay tập huấn (solo) đã đụng phải phi cơ của khóa sinh Vũ Văn Ước và tử nạn; được ghi nhận là “nhân viên phi hành đầu tiên của KQVN tử nạn trong lúc thi hành công vụ”.


    KQ Nguyễn Hữu Thiện
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 08-28-2019, 04:12 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X