Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những ngày xưa thân ái. (Bút ký nhiều tập)

Collapse
X

Những ngày xưa thân ái. (Bút ký nhiều tập)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những ngày xưa thân ái. (Bút ký nhiều tập)

    NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI.
    (Tập 1)
    (Trận thư hùng đầu đời)

    Hai Hùng SG

    Tui xin mượn tên nhạc phẩm "Những ngày xưa thân ái" của nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ làm tựa cho câu chuyện dưới đây, nhằm để diễn tả lại đoạn đời của tuổi thơ tui sống và lớn lên ở nơi này, đó là vùng đất ven đô bởi nó mang dấp dáng của xóm làng vùng quê miền nam, lại có chút hơi hướng của thị thành, nơi tui muốn đề cập là con đường đất đỏ ở miệt Gò vấp cũng là nơi mình mở mắt chào đời.

    ***

    Ba má tui vốn là cư dân miền Lục tỉnh, Ông nội tui là ông Phán Ngọ sinh sống lâu đời ở Làng Bình Đức thuộc thị xã Long Xuyên ngày xưa, thời những năm đất nước chìm trong khói lửa, như những người con yêu nước khi quê cha đất tổ bị ngoại xâm chiếm đóng, ba má tui cũng theo phong trào kháng chiến chống Pháp, mỗi lần khi lính Pháp đi tuần bố ráp, ba má phải cho ông anh tôi chui vô đám ô rô cốc kèn để lẫn tránh, khi lính Pháp rút đi thì mới chui ra, cuộc sống rất vất vả, đến khi đình chiến ba má tui rời xa quê để ra
    "Ngoài thành" là vùng đất mới đầy xa lạ để sinh sống, vùng đất Gò Vấp một địa danh ven đô (theo các nhà sử học họ cho rằng sở dĩ vùng đất này có tên Gò Vấp là do nơi đây là vùng gò đồi có cây (Vấp) một cây thân gỗ to cao sinh sống, nên người xưa ráp hai yếu tố trên để đặt tên cho vùng đất thân thương này).

    Nhà cửa cất xong, từ đó về sau ba má tui cho ra đời thêm (tám trự) nữa cả trai lẫn gái tổng cộng chín anh chị em trong nhà, cả đống (xây lố cố) như vậy mà thời ấy một mình ba tui đi làm thì nuôi được cả nhà, cuộc sống tuy không đủ đầy nhưng cũng đắp đổi qua ngày, vào anh em tôi lớn khôn trên con đường "Đất đỏ" nhiều kỷ niệm này.

    Đường đất đỏ, một con đường dài chưa đầy một ngàn thước, mà "Danh tiếng" lẫy lừng, nói lẫy lừng ở đây nó nhiều khía cạnh, tui sẽ dần thể hiện lại cái lẫy lừng này trong phần dưới đây...

    Như đã nói con đường tuy dài chưa đầy ngàn thước này, (chạy song song dọc theo đường ray xe lửa) nó được chia theo cách nhận thức của tui một thằng con nít chín mười tuổi như sau, cuối đường đất đỏ giáp một con đường trải nhựa bởi cái ngã ba bần(Cầu hang dưới), nơi đây thời Pháp thuộc tui nghe cô bác lớn tuổi kể lại rằng :

    -Ở đây thời Tây mỗi khi nghe tin họ chuẩn bị đi ruồng, bố ráp, để tìm những người theo kháng chiến họ sẽ bắt bớ, khi nghe tiếng xe "Nhà binh" thắng lết bánh ngoài lộ đất đỏ thì bà con chui xuống hầm trốn hết, dân chúng rất sợ mấy ông lính "Pặc tê Giăng"này vì họ hay làm ẩu, đàn bà con gái là tụi họ ham lắm bởi các cô gái miền nam tóc dài da trắng, điệu bộ dáng đi thướt tha nên mấy ông Tây nhất là mấy ông gốc phi châu rất khoái.

    Ông kể có hôm vài ba cô gái chưa kịp dọn đồ đạc để đi trốn thì bị họ bắt, có cô bị hãm hiếp tại chỗ, có cô thì bị dẫn đi mất đất không biết đâu mà tìm, thân Phận người dân lúc bấy giờ thật tăm tối, vì ở vùng ven đô gần các chiến khu như An Phú Đông, Đồng ông Cộ, Bà điểm Hốc môn nên Người Tây nhìn ai cũng là dân kháng chiến..

    Từ ngã ba này chạy lên đến hảng ép dầu trên đường đất đỏ đám con nít tụi tôi đặt là xóm dưới, xóm của những người Lao động làm đủ thứ nghề, từ Xích lô máy, mua bán ve chai, V. v... Nói chung đủ thành phần và phần lớn nhà nào cũng nghèo, trình độ dân trí thấp từ đó đẻ ra nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, gái làng chơi, du đảng, và rất anh chị bự giang hồ về hùng cứ.

    Xóm giữa của con đường đất đỏ là từ hảng ép dầu ( hột cao su để làm xà bông cục) cho đến hẻm lò bánh Ú. Nhà tui ở trong xóm này, theo nhận định của tui cái xóm này có mức sống trung bình và trong sinh hoạt hàng ngày chòm xóm rất thân tình, đùm bọc lẫn nhau khi "Tối lửa tắt đèn", phần đông cũng là dân lao động sống chung với các gia đình công chức nên dân trí nơi đây hơn xóm dưới đôi chút,
    (Tui xin lỗi đây là nhận thức của đứa con nít ăn chưa no lo chưa tới, mong bà con xóm dưới cũng đừng vì việc này la rầy tui thì tội nghiệp lắm)

    Xóm trên, đây là xóm từ lò bún chạy dài lên đến tận ngã ba gần "Cầu hang trên" bao gồm khu cư xá Kiến thiết, đây là khu "Sĩ Quan" theo đúng nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, cư dân nơi đây là các gia đình sĩ quan họ sống trong các biệt thự song lập có diện tích lớn và có khoảng sân rộng phía trước mỗi căn nhà, ngày xưa mỗi lần đi học về ngang những căn nhà này, tui ao ước mình được một lần đặt chân vào những ngôi nhà đó, lúc bấy giờ tôi nghĩ nếu được vậy thì không còn gì hạnh phúc cho bằng, nhà nào cũng có hàng rào cao bao bọc khu nhà, ngoài sân và trong nhà đều lát gạch bông loại gạch mà hảng gạch bông "Đời Tân" sản xuất ( Nghe đâu hảng này do thân phụ ông Nguyễn Tấn Đời chủ Tín nghĩa ngân hàng lập thành và sau đó ông Nguyễn Tấn Đời tiếp tục duy trì khi thân phụ ông mất (Chi tiết này không rõ đúng sai nếu các bậc tiền bối ai biết có sai sót gì xin đính chính giùm), thời đó nhìn loại gạch này là ta có cảm giác "thấy" mát rượi và vui mắt bởi màu sắc của viên gạch, vì phần đông nhà cửa lúc bấy giờ một số nhà khá dả họ lót nền bằng gạch tàu, hoặc tráng xi măng với lớp hồ dầu láng mướt, còn nhà nghèo thì để nền đất (Coi nghèo vậy mà nền đất rất mát không bị hơi nóng của mặt trời hắt lên) .
    ***
    Thời bấy giờ đám tụi tui đi học thì "Lội bộ" khá xa, từ nhà tui đi đến trường "Chánh" ở đầu trên của chợ Gò vấp quảng đường xa chừng ba cây số, có những ngày mưa gió thì được ba má lấy miếng nylon trải bàn quấn lên vai làm áo mưa đi đến trường, ngày đó xe cộ thưa thớt, chủ yếu là xe thổ mộ (Xe ngựa) xe đạp và vài loại xe gắn máy, khổ biến là xe Gobel, xe Mobiles, xe Veloxolex
    Và xe công cộng có xe đò Liên Hữu chạy từ chợ bà chiểu về Hốc môn, hoặc xe ô tô buýt vàng chạy từ Gò vấp ra Sài gòn, tuy vậy chúng tôi ít có dịp nào được đi xe, một là nếu đi xe thì quá gần, hai là tụi tôi còn nhỏ quá không dám đi xe vì sợ xe chạy lố sẽ bị lạc đường.

    Tui nhớ năm nọ tui học đến lớp Nhẩt (lớp 5) hiện nay, một bữa nọ tiếng trống trường gõ liên hồi báo hiệu giờ tan học, cả lớp nhốn nháo hò hét ồn ào như vỡ chợ, cô giáo lấy thước kẻ nhịp nghe đen đét trên mặt bàn để vãn hồi trật tự.

    Xuống sân xếp hàng để ra về , trong lúc xếp hàng do mấy đứa phía sau tinh nghịch, có ai đó xô đẩy mạnh phía sau lưng làm tui ngã nhào về phía trước đè trọn lên thân hình của thằng Võ Minh Trí ( Thằng Trí này dân xóm trên nhà phía sau miếu thờ, nơi đây ngày xưa trụ sở ấp ở ké), bất ngờ bị tui đè thằng Trí mặt mày đỏ ké vì nổi sùng, nó chửi tui một trận, kèm theo câu hăm dọa:

    -Chút nữa về tới đầu đường (Đất đỏ) mầy biết tay tao.

    Tui miệng thì xin lỗi nó rối rít, tay thì phủi bụi cái áo trắng của nó bị lấm lem, thằng Trí này vốn dân "Dữ dằn" , tuy mới có nhiêu tuổi mà muốn làm dân anh chị nên nó chẳng thèm đoái hoài tới lời xin lỗi của tui, nó dùng tay xô tui ra và hăm he tiếp:

    -Không xin lỗi gì hết trơn, mầy xô tao té, chút về tới đầu đường tao (quánh) lại mày.

    Nghe thằng quỷ này cứ đòi đánh mình hoài, suy cho cùng đâu phải lỗi tại tui đâu, cố nhẫn nhịn tui nở nụ cười cầu tài với nó cũng chẳng ăn thua, tức quá vì bị dồn nén như chiếc lò xo sẽ bật lại phản ứng lực đã nén lên nó, tui nói cứng lại thằng Trí:

    -Tao hổng có sợ đâu, muốn quánh nhau thì "Bặc co" tay đôi nha, không giao kêu thêm ai quánh phụ nha mậy.

    Thằng Trí nó cũng thuộc lòng tính cách của dân "Giang hồ mã thượng" , nó dứt khoát nói:

    -Chơi thì chơi chứ sợ gì, hẹn mầy ngay cái "Phông tên" ( Trụ nước máy công cộng ngày xưa) đó.

    Thấy thằng này quyết ăn thua đủ với mình tui đâm ngán, vì so về hình vóc nó lớn con và khỏe mạnh hơn tui, còn tui ngoài cái tên thường gọi hàng ngày tụi nhóc trong xóm gắn cho tui thêm cái biệt danh "Ròm" thì làm cách nào tui đánh thắng thằng quỷ này cho được, không lẽ từ chối nó sẽ cho là tui hèn nhát, rồi có khi được "Đàng chân nó lâng đàng đầu" thì khốn khổ cho mình, tui bèn gật đầu và đưa ngón tay trỏ ra móc ngoéo với thằng Trí để xem như lời chấp nhận cuộc tỷ thí.

    Trên đường về gần tới cái ngã ba, tui hồi hộp trong lòng dữ lắm, thú thật từ nhỏ đến lúc đó chưa bao giờ tui đánh nhau hoặc cãi cọ với đứa nào, vậy mà hôm ấy tui sẽ đối mặt với thằng "Du côn" thứ thiệt, bổng tui nhớ đến hai ông anh tui ở nhà, tui thầm nghĩ cứ đánh nhau với thằng này một trận tới đâu thì tới, nếu lỡ làm "Bại tướng" thì tui sẽ "Cầu viện" hai ông anh mình, nghĩ nhiêu đó lòng tui phấn chấn lên không còn sợ sệt, tuy vậy khi sắp đến cái "Phông tên" nước tui lại chực nhớ, dọc đầu đường đất đỏ này, phía bên phải từ nhà của tiệm mỳ (Ba Thằng Cánh) đi dài dài xuống xóm tui toàn là nhà bà con với thằng Trí này, lúc đánh nhau lỡ nó kêu cả đám anh em nó ra xin tui "Tí huyết" thì coi như "Tiêu tán đường", lúc đó Trời cứu may ra còn kịp, chứ hai ông anh tui có đem viện binh ra chắc cũng tàn chiến cuộc rồi còn gì, đang miên man tìm kế sách gì cho hay nếu không đánh nhau càng tốt thì thằng Trí đã đứng ngay cái trụ "Phông tên" nước với gương mặt hầm hầm muốn ăn tươi nuốt sống tui, chưa kịp phản ứng gì thì thằng này nhào vô đánh tui tới tấp, bị đánh đau tui quên cả sợ hãi tui cũng vung tay, giơ chân lên đáp trả lại nó, hai đứa ôm nhau vật xuống vũng nước đỏ au kế bên cái "Phông tên", quần áo đầu cổ lấm lem không ai có thể nhìn ra hai thằng tui nữa, cuộc chiến đang bất phân thắng bại bổng tui nghe tiếng Chú Hai "Cắt chú" la lên :

    -Hai thằng bây bỏ ra, học trò mà quánh nhau giữa đường giữa đường giữa sá không sợ bà con chê cười hả.

    Chú Hai tắt máy chiếc xích lô chú nhảy xuống lôi hai đứa tui dậy, rồi cô Ba, cô Sáu đang hứng nước ở "Phông tên" cũng chạy đến can ngăn, tuy được kéo ra xa nhưng thằng Trí còn cay cú nên nó ném một cái nhìn mang hình "Viên đạn" về phía tui và kèm theo câu nói:

    -Chưa, xong đâu nha mậy. Hẹn mầy bữa khác.

    Cũng tại thằng quỷ Trí kiếm chuyện làm tui về nhà với bộ quần áo đỏ lè như mấy người thổ dân ở Trung phi, ba tui cho tui một trận với cây chổi lông gà mới mua đau thấu trời xanh, mặc dù tui có phân bua vì sao xảy ra cớ sự, không cần biết lỗi phải bên nào ba tui cứ "Tấp bi" lia lịa khiến thằng tui tơi tả như cái mền rách, má tui thấy con bị đòn đau nhưng can ngăn không được vì ba tui ổng nóng như Trương phi ai cũng ngán càng.

    Tưởng rằng sau chuyện này thì thằng Trí nó buông tha cho tui, nhưng không, vô lớp nó tìm cách quấy phá tui, ra chơi nó cũng tìm đến chọc tức, một hôm sau khi thủ sẳn "Đồ nghề" tui phản ứng lại nó:

    -Ê mầy ngon, trưa nay về xuống hẻm nhà bà Năm Minh ( hẻm vô lò bún nhà dì Hai Huệ) "Bặc co" với tao tiếp đi.

    Như con gà chọi lì đòn, thằng Trí hăng tiết Vịt nó nhận lời ngay không cần suy nghĩ, cũng giao ước với nhau chỉ hai thằng tui đánh nhau không có người thứ ba xen vào.

    Đến giờ hẹn tui lững thững đi đến hẻm nọ, thằng Trí và thằng Méo một người anh em bà con nó đứng đó tự bao giờ, thấy thằng Trí không giữ lời hứa, tui lên tiếng:

    - Đã giao kèo lúc sáng rồi sao mầy còn kéo thằng Méo xuống mần chi, tao không quánh với mầy nữa, tao dìa.

    Thằng Trí thấy vậy nó bèn khích tướng tui :

    -Thằng chết nhát, sợ tao rồi phải hông, mầy kêu tao bằng Sư phụ đi tao sẽ tha cho.

    ( Thời đó màn ảnh rộng các rạp chớp bóng hay chiếu các loại phim Cowboy miền viễn tây Hoa kỳ chiến đấu với mọi da đỏ, phim ca vũ nhạc Ấn độ và xuất hiện thêm các loại phim chưởng của điện ảnh Hồng Kong, khi rạp chiếu phim Hỏa thiêu Hồng Liên Tự. Tụi tui thấy các tay hảo hán hay xưng đại ca khiến thằng Trí nhiễm nặng nên nó muốn làm đại ca của tui)

    Nghe thằng ôn dịch này chê mình chết nhát, máu nóng trong tui sôi sục lên, tui nhào vô ăn thua đủ với nó liền, sở dĩ tui dạn dĩ ăn thua đủ với nó là tui được thằng Răng Nhỏ ở xóm dưới bày cho cái mẹo " Lấy nhu thắng Cương" tui thủ sẳn gói tiêu bột trong lưng quần, đánh nhau một hồi coi bộ chắc không thắng nổi thằng này tui bèn tung chiêu độc, tui tháo gói tiêu bột ra quăng vô mặt thằng Trí, nó đang xung độ vậy mà vướng "Ám khí" của tui bị cay mắt khiến nó la làng đến thấu cả trời xanh, nhân dịp nó đang oằn oại dưới đất tui dông mất biệt.
    ***
    Sau trận "Thư hùng" này, không biết có phải thằng Trí nó "Ngán càng" tui hay không, tự dưng nó đổi tánh hoàn toàn.

    Hôm sau vô lớp, nó không còn nhìn tui với con mắt kênh kiệu nữa, tui đang làm vệ sinh lớp nó men lại gần rồi nói điều mà tui chẳng thể nào ngờ thốt ra nơi cửa miệng của thằng "Du côn" này:

    -Nè Phương, cho tao xin lỗi mầy nha, tao không ăn hiếp mầy nữa đâu, má tao nói bạn học phải yêu thương với nhau, còn hàng xóm phải chơi với nhau thân thiện không được đánh lộn như mấy ngày qua.

    Tui mừng muốn rơi nước mắt, tui không ngờ cái thằng ương ngạnh như nó mà chỉ sau một trận đòn "Chí tử" của tui mà đã cảm hóa được nó, tui thầm cảm ơn thằng Răng nhỏ, nhờ nó bày chi tui cách dùng "Ám khí tiêu bột" mới trị được thằng Trí, bằng không thì nó sẽ ăn hiếp tui hà rầm sao tui chịu được.

    Thằng Trí, thằng Răng nhỏ ở xóm tui, giờ tụi nó đã "Theo ông bà" gần chục năm rồi, còn tui thì tóc bạc da mồi không còn khỏe như xưa nữa, Đường đất đỏ nay đã được tráng nhựa, nhà cửa mọc lên san sát, cái "Phông tên" nước ngày xưa cũng đã bị phá bỏ, mỗi khi đi ngang nơi đây tui chạnh nhớ lại diễn tiến hôm đánh nhau với thằng Trí, bông dưng mắt tui lệ nhòa, tui nhớ nó nhiều lắm, tuy ngang tàng nhưng biết phục thiện thật đáng quý. Tui nói thầm như chỉ cho nó nghe:

    -Về dưới mầy đừng có ba gai nữa nha thằng quỷ, mơi mốt tao "xuống" mà biết mầy cũng mang cái tật cũ là tao trị mầy tới bến luôn đó nghe chưa.

    Tui ngước nhìn lên khoảng trời xanh mênh mông, tui tưởng tượng gương mặt tươi cười của nó với cái răng khểnh sau khi nghe tui nói nhắn với nó câu trên thật đáng yêu biết dường nào .

    (Hết tập 1. Chiều 11.8.2019)

  • #2
    Bút ký: Những ngày xưa thân ái rập 2

    Truyện nhiều kỳ

    NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI

    *

    Tập 2: Đám Quỷ phá nhà chay.

    (Hai Hùng SG)

    Những năm của thập niên sáu mươi tình hình chiến sự có phần tăng lên, vì vậy một số dân chúng vùng thôn quê gồng gánh về tá túc ở xóm tui cũng khá đông, họ gồm người Việt gốc Miên, người Thượng ở vùng cao, đồng bào miền lục tỉnh cũng có, tất cả xúm xít ở trong xóm thiệt đông vui.

    ***

    Năm học lớp Đệ Thất (lớp 6) khi những cánh Phượng hồng khoe sắc trên cành, khi bầy Ve ngủ vùi bấy lâu nay trở mình thức dậy, chúng cứ rên rỉ những khúc nhạc nỉ non khiến cho con tim bé bỏng tụi tui ngày ấy mang nhiều nỗi buồn xa xăm vô cớ.

    Ngày Hè, thay vì theo người thân về quê thăm lại ruộng vườn nơi ông bà mình sinh sống, do vì hoàn cảnh eo hẹp và nhiều lý do khác nữa nên đám con nít tụi tui chỉ quay quần bên nhau chơi đùa, có những trò chơi mà thế hệ con nít thời nay dễ gì được "Nếm trải".

    Ngày trước những người đi đỗ rác (Công nhân vệ sinh) đâu có phương tiện như ngày nay, đâu có xe ba bánh gắn máy có cơi nới thêm cái thùng cao cao để chứa rác cho nhiều, hoặc những chiếc xe Lambro cũ kỹ già nua, chạy xịt khói mù trời do chở rác nhiều trên cái thùng cải tiến gắn phía sau, đâu có những xe vận tải gom rác nơi tập trung, thời đó họ chỉ sử dụng xe Bò để chở rác từ các chợ trong thành thị đem ra vùng ngoại ô để đỗ, bãi rác to lớn như ở khu Sở Thùng ( Đường Phan văn Trị) đối diện hảng dệt Nam Á ngày xưa, thường thì ba bốn giờ sáng tui đã nghe tiếng chuông leng keng trên cổ của đôi bò héo chiếc xe ra chợ lấy rác, rồi những tiếng leng keng này lại vang lên lúc năm sáu giờ sáng khi những chiếc xe Bò chất đầy rác quay trở lại khu Sở Thùng, rác chất cao nghiện họ phải dùng những chiếc chiếu cũ hoặc chiếc đệm bằng dây lát đậy lại và cột chặt vô thành xe để tránh rơi vãi trên đường vận chuyễn, hôm nào rác nhiều hoặc do trục trặc gì đó, các xe bò này trở về trể hơn vào khoảng chín mười giờ sáng, còn những khi năm hết Tết đến mọi hoạt động cho ngày Tết trở nên nhộn nhịp hơn, chợ búa buôn bán nhiều hơn, người ra vô tấp nập để mua bán, thì bên ngoài chợ các đống rác cũng nhiều hơn nên xe bò chạy suốt ngày đêm không ngừng nghỉ mới giải tỏa xong các núi rác này.

    Khi xe Bò đi thành đoàn ngang qua đường đất đỏ, mùa nắng thì nó gây nên bụi đỏ mịt mù bay lên, còn mùa mưa khi xe Bò đi qua mấy vũng nước lớn nằm ở giữa đường, nhiều khi bánh xe bị mắc lầy, chủ xe cố gắng nhưng không thể dùng đôi Bò để kéo lên khỏi vũng lầy, các ông chủ xe Bò dùng cây roi da có cán thật dài đánh lên lưng chúng thật mạnh, tay kia thì giật dây cương miệng thì hét lên để thúc hối con Bò căng sức ra để kéo lên, nhưng hoàn toàn bất lực, những lúc này là đám con nít tụi tui rất khoái vù có dịp ngắm các con Bò thật tỉ mỉ, nhiều lúc tui thấy đôi mắt con bò có dòng nước chảy dài từ đôi mắt của nó, không hiểu nó đang khổ đau khóc cho kiếp đọa đày của mình hay vật gì đó bay vào mắt nó.

    Thấy ông chủ xe Bò loay hoay mãi không xong, cả đám tụi tui nhào xuống vũng lầy cùng nhau xúm lại đẩy phụ, cả chục đứa cùng nhau hợp lực, cộng với sự điều khiển của ông chủ xe và sự cố gắng của đôi bò, cuối cùng chiếc xe bò cũng được đưa lên khỏi vũng lầy, ông chủ xe cảm ơn tụi tui rối rít, ông tháo nải chuối xiêm chín vàng đang treo lủng lẳng phía trước trao cho tụi tui rồi ông nói:

    -Chèn ơi (Qua) cám ơn mấy em nha, không có tụi em chắc(Qua) khóc ròng luôn quá, (Qua) cho mấy em nải chuối ăn lấy thảo cho vui nha .

    Tui nhanh nhẩu đáp lời:

    -Chú ơi, tụi con phụ với chú thôi, tụi con cảm ơn chú cho chuối nha.

    Ông vui vẻ gật đầu rồi nhảy lên xe tiếp tục đưa chiếc xe Bò chở rác về Sở Thùng.

    Thằng Cảnh là đứa đầu tiên trong đám không chịu ở lại ăn chuối với mọi người, nó chạy theo chiếc xe Bò và đu tòn teng trên cái càng lú ra phía sau cái thùng xe Bò với dáng điệu thích thú, vài ba đứa thấy vui vui và chạy theo chia nhau chơi trò bám càng xe Bò chi đến cuối đường rồi sau đó tụi nó mới quay trở lại ăn chuối cùng mọi người.

    Có hôm đoàn xe Bò vừa đi ngang, cả đám tụi tui chia ra đu càng xe Bò, khi phát giác ra đám nhỏ "quậy" phía sau chiếc xe Bò, ông chủ xe Bò dùng roi da quật mạnh ra phía sau, có đứa trúng ngọn roi la oai oái rồi buông tay dông thẳng vô hẻm, ông chủ xe thì đứng lên chỉ trỏ rồi gầm gừ ra hiệu không muốn tụi tui bám vô càng xe nữa vì rất nguy hiểm đến tánh mạng, phần thì sợ sệt phần thì sợ nguy hiểm tánh mạng nên cả đám rút êm về nhà.

    ***

    Lò bánh Ú nhà của thằng Thành "Rồng" là lò bánh thuộc loại lớn, vì nơi đây cung cấp bánh cho các chợ quanh vùng ven đô, thậm chí có nhiều khi mối lái họ mua đem vô Sài gòn chợ lớn để bán.

    Người nhà và người làm công của lò bánh Ú cũng hơn chục người, những khi bánh cần ra lò gấp mà không đủ nhân lực thì Thành "Rồng" dụ khị tụi tui đến lò bánh Ú vừa chơi vừa phụ gói bánh, nói phụ gói bánh cho oai chứ thật ra chỉ phụ xâu lại bánh cho thành chục cái một xâu, phụ lau lá, V.v... Cuối buổi làm việc mỗi đứa được vài cắc bạc lận lưng, nhưng tụi tui thích nhất là được cho vét phần nhân làm bánh bị khét dính dưới đáy mấy cái chão bằng gang to đùng, nhân bánh Ú có hai loại, nhân ngọt và nhân mặn, hai loại này đều làm bằng đậu xanh đã được đãi vỏ, nhân cháy khét được cạy ra còn nóng hổi và giòn rụm, hồi mới được cho vét nhân tụi tui căng bụng ra ăn no nóc vì vị đậu xanh nó bùi bùi, ngọt ngọt, còn nhân mặn thì có mùi hành rất thơm ngon và có vị mặn nhẹ, nhưng một thời gian ngắn thì đứa nào cũng ngán xuôi ngán ngược, báo hại mấy thợ nấu nhân bánh phải tự cạy phần cháy bỏ đi vì bị "ế" do đám "Xây lố cố" tui tui "ngó lơ" món ngon khoái khẩu này.

    Nhà ông Sáu Giai nằm ở xóm giữa trong khu đất rộng lớn, ngôi nhà chính gồm ba gian hai chái, nhà có nền rất cao, tui áng chừng nó phải cao gần cả thước Tây, có bậc tam cấp rộng rãi để đi lên nhà ở mặt tiền, và lối đi cũng xây bậc tam cấp hai bên của hàng ba ngôi nhà, nhà ông Sáu lợp ngói âm dương, cột bằng gỗ đen mun và láng mướt, mỗi cây cột được kê trên cục tán bằng đá xanh để tránh mối mọt. Nền nhà lát gạch Tàu đỏ au, vách được đóng bằng ván gỗ dầu rất dầy và xẻ ngàm âm dương ráp lại khít rịt, chung quanh nhà ông Sáu trồng rất nhiều cây Vú sữa và Hồng nhung.

    Mùa Vú sữa chín đầy cây, nhà ông Sáu thì ít người, sân vườn thì rộng mênh mông, nên ông Sáu nuôi vài con "Becgie" để "răn đe" đạo chích dòm ngó nhà ông.

    Một bữa nọ khi đi học về và cơm nước xong, mặt trời đứng bóng và không một cơn gió nào lưu lạc đến đây khiến không khí nóng hầm hập, đám tụi tui ngồi dưới gốc cây Lekiuma của bà Bốn đối diện với nhà ông Sáu bên kia đường, chục đứa tụi tui nhìn lên cây Vú sữa thật "Sai trái" (Trĩu quả) đứa nào cũng thèm thuồng, thử tưởng tượng nếu có ly Vú sữa dằm nước đá cho xíu đường cát vô , khi múc một muỗng đưa vô miệng nó ngọt ngào và mát cổ họng biết bao nhiêu, vì vậy tụi tui quyết tâm đột kích buổi trưa hôm ấy..

    Nhìn hàng rào kẽm gai rào quanh nhà bằng những trụ bê tông cao không quá đầu người, đối với hàng rào này thì chẳng nhằm nhò gì đối với tụi tui, có chăng trở ngại lớn nhứt là bầy chó Becgie của ông Sáu, con nào cũng dữ tợn nên đứa nào cũng ngán, sau một hồi bàn thảo thằng Cảnh được giao đi xin ít tóp mỡ vụn ở lò làm nem đem về nhờ thằng Hiển cháu của ông Sáu dụ mấy con chó ăn để làm lơ cho đám tụi tui hành động.

    Công nhận thằng Cảnh thật tài, nó đến nhà thằng Hiển ( nằm trong khuôn viên đất của ông Sáu), nó nói gì với thằng Hiển dụ được bầy chó ra hết phía sau nhà để được "Sực" tóp mỡ, bên kia đường thấy thằng Cảnh ra hiệu an toàn cả đám quỷ phá nhà chay túa qua leo lên rào kẽm gai rồi nhảy phóc xuống sân vườn Vú sữa, do cụ bị sẳn cho vụ đột nhập này đứa nào cũng lận lưng túi "Ba gang" để đựng chiến lợi phẩm, sau vài phút quần thảo tụi tui hái khá bộn Vú sữa chuyền xuống cho mấy đứa canh dưới gốc cây, đang lúc leo xuống chân chưa chạm đất bổng tiếng của anh Nhàn con ông Sáu la lên:

    -Ăn trộm, ba ơi ăn trộm Vú Sữa.

    Ông Sáu cầm cây gậy tầm vong chạy ra, Cô Mười Hai con ông Sáu cũng có mặt, tụi tui hoảng vía không biết thoát khỏi nơi đây bằng cách nào, thì bầy Becgie cũng vừa sủa vang vừa chạy đến nhe răng gầm gừ thấy phát ớn.

    - Tụi con leo xuống hết đi, suỵt suỵt nè Ki ki, Mi nô. Phèn ... Thôi mấy con, dô dô nhà đi.

    Ông Sáu vừa ra lịnh cho đàn Becgie, đúng là loài vật có trí thông minh, khi nghe ông Sáu kêu như vậy bầy chó lẵng lặng rút lui.

    Anh Nhàn bắt đám "Đạo chích" sắp thành một hàng ngang ngay trước mặt ông Sáu, anh bắt đầu cật vấn tụi tui:

    -Nè anh hỏi thiệt tình nghe, đứa nào cầm đầu vụ này, bây khai thiệt đi rồi anh nói tía ổng tha cho, còn bằng như quanh co chối tội thì giải lên ấp cho muỗi cắn ráng chịu nghe bây.

    Nghe sẽ giải giao lên ấp đứa nào cũng điếng hồn khóc như mưa, thấy vậy ông Sáu chắc cũng mũi lòng, nên ông nói với anh Nhàn và cũng để nói với đám tụi tui:

    -Thôi bây đừng khóc nữa, nói vậy thôi chứ giải bây lên đó mần chi mắc công, ông Sáu sẽ tha cho bây lần này, mà bây phải hứa không được phá phách như hôm nay nữa nghe chưa, muốn gì thì hỏi một tiếng, ông đâu có hẹp hòi gì ba trái Vú sữa này, bây leo trèo kẽm gai nếu nó quàu thì "Phong đòn gánh" như chơi đó biết chưa.

    Nghe ông Sáu "Tha tàu" cho một bàn thua, cả đám mừng khôn siết, thằng Cảnh lật đật tiến đến ông Sáu, nó khoang tay cúi đầu thật lễ phép, rồi nó lí nhí nói:

    -Tụi con đội ơn ông Sáu, đội ơn anh Nhàn, đội ơn luôn Cô Mười Hai đã tha tụi con, tụi con hứa hổng dám ăn cắp Vú sữa nhà ông Sáu nữa.

    Anh Nhàn nghe thằng Cảnh hứa như vậy, anh ta chêm vô:

    -Bây hứa hông ăn cắp Vú Sữa nữa thì bây hái mít, hái ổi được phải hông ?

    Thằng Cảnh vội thanh minh;

    -Dạ hông có vậy đâu, tụi em xin chừa , hông dám phá phách nhà anh nữa đâu.

    Ông Sáu nghe thằng con mình bắt bí mấy thằng nhỏ, ông mĩm cười rồi nói:

    -Thôi cho bây về đó, Mười Hai mở cổng cho mấy đứa đi con, mà nè ông Sáu cho bây hết ráo Vú sữa đó, đem về chia nhau ăn đừng có giành giật khó coi lắm nghe bây.

    Nghe ông Sáu "Xá tội vong nhân" còn cho đạo chích mang chiến lợi phẩm ra về vô điều kiện, tụi tui đứa nào cũng vui mừng và rưng rưng nước mắt, bởi lẽ ông Sáu tuy giàu có nhưng ông không bủn xỉn tính toán thiệt hơn, ông đã làm một việc rất nhân văn làm lay động những con quỷ phá nhà chay khiến tụi tui cảm phục vô cùng.

    Hiện nay trong khuôn viên nhà ông Sáu đã chia lô bán nền nhà cho khách để xây cất, dãy mặt tiền nơi cái hàng rào kẽm gai ngày xưa nay phố xá mọc lên đầy, căn nhà lớn bên trong còn hay đã mất tui không biết được, mỗi lần đi ngang qua căn nhà nhỏ anh Nhàn còn tá túc lòng tui thật bùi ngùi cà cảm thấy mình bị mất đi một vật gì quý giá bởi thời gian vật đổi sao dời .

    Một nén nhang lòng xin gửi đến ông Sáu, cô Mười Hai, xin mọi người thật, an vui nơi miên viễn ấy .

    Sài Gòn 14.8.2019 (0h12)

    Comment


    • #3
      Bút ký : Những ngày xưa thân ái ,tập 3

      Những Ngày Xưa Thân ái
      (Hai Hùng SG)
      *
      Tập3: Sống chung với tệ nạn.

      Từ khi dọn nhà từ xóm giữa để đi về trú ngụ ở xóm dưới của khu đường đất đỏ, đang sống yên lành nơi xóm cũ, không biết nguyên nhân gì khiến ba tui quyết định bán căn nhà nọ về ở thuê căn nhà phố chật hẹp của gia đình cô Ba Chà, mọi cuộc sống hàng ngày bị đão lộn, đám bạn bè cũ ở xóm trên tuy cách xa không bao nhiêu nhưng cũng nhạt phai bớt tình cảm bấy lâu nay khi tui về xóm dưới, ngày đầu tiên về xóm này rất buồn, do lạ lẫm với mọi thứ, rồi chung quanh khu đất này là nghĩa địa chôn người chết, những ngôi mộ đá ong cũ kỹ phơi mưa nắng cùng năm tháng khiến tui "Ớn da gà" mỗi khi đi công việc cho ba má tui hoặc khi ham vui đi chơi về khuya.

      Kế bên nhà tui phía bên trái là nhà vợ chồng chú Tư Diệu người ở Cần thơ lên Sài gòn làm việc, nên chú thím cũng đến đây mướn nhà.

      Bữa nọ đang thơ thẩn trước sân nhà, tui thấy lấp ló bên hàng rào nhà chú Tư Diệu có thằng nhóc nào đó nó đang giương mắt dòm tui trân trân, tui cũng dòm lại nó liền, tui thấy thân hình thằng này có nước da ngăm đen rắn rỏi và cân đối, điệu bộ nó tướng tá khỏe mạnh, tự nhiên nó cất tiếng chủ động làm quen với tui:

      -Tui tên Việt, bạn tên gì cho tui biết với.

      Hỏi xong câu trên thằng Việt cười rất tươi khoe hàm răng trắng và đều.

      - Tui tên Phương "Ròm", mới về đây mấy bữa thôi, Việt ở đây lâu chưa?

      Thằng Việt đáp lời tui hỏi rồi nó ngoắc tay rủ tui qua nhà nó chơi, thằng Việt vốn là con trai trưởng của chú thím Tư nó ở với ông bà nội dưới Cần thơ, nhân dịp Hè nó lên thăm chú thím Tư rồi lại về Cần thơ khi mùa Hè kết thúc.

      Đang vui chơi thân thiết với nhau, bổng thằng Việt Kéo tay tui lại gần bụi cây rậm rạp phía trước sân nhà nó, rồi nó bứt mấy chiếc lá của loại cây rất lạ lần đâu tiên tui nhìn thấy, nó nói:

      -Đây là lá cây "Chỉ thiên" lấy làm thuốc lá hút đã lắm, hút vô tự nhiên mình khỏe như Siêu nhân vậy đó.

      Nói xong nó cuộn mấy cái lá trên lại thành một điếu thuốc giống như thuốc rê, móc cái hột quẹt trong túi quần nó châm điếu thuốc hút, khi nó phà khói ra tui nghe mùi ngai ngái khó chịu (chắc do không quen), vậy mà thằng Việt nó lim dim đôi mắt như đang bay lơ lững giữa trời xanh, nó chuyền cho tui điếu thuốc, nhưng tui không dám hút nên rút tay lại rồi nói:

      - Bạn khờ quá thuốc này hút trị bịnh nhức mỏi và giúp tỉnh táo nữa, không hút uổng lắm..

      Tối đó tui nói với ba tui vụ này, ông kêu dẫn ra nơi cây "Chỉ thiên" để ông xem tận tường nó là cây gì, sau một hồi quan sát ba tui nói đây là cây Cần sa không nên sử dụng vì nó gây ảo giác và gây ghiền, nếu lạm dụng có thể chết người khi xài quá liều, tui điếng hồn khi biết rõ ràng tác hại của điếu thuốc "Chỉ thiên" của thằng Việt, từ đó tui "né" và tự hứa không léo hánh đến khu đất có loại cây nguy hiểm này nữa.

      Hết Hè thằng Việt nó quay về Cần thơ rồi tui mất liên lạc với nó luôn từ dạo đó, nghe đâu sau này nó theo người chú họ vô bưng biền để theo mấy người nông dân đi làm du kích .

      Đó là cú sốc đầu tiên khi tui về cư ngụ ở xóm dưới, rồi đến năm một chín sáu lăm, khi chiến sự lan rộng khắp miền nam, các nước đồng minh đưa quân sang để giúp đỡ chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, từ đó đủ loại lính ồ ạt sang miền nam từ lính Hoa kỳ, Tân Tây Lan, Lính Đại Hàn, Thái Lan, lính Úc . Vv... Họ đóng quân tùy theo địa hình từng nơi họ đồn trú, có chỗ ở rất gần với dân chúng, có nơi biệt lập, cũng có nơi họ đóng quân nơi "Sơn lâm cùng cốc", nhưng dù đóng quân ở đâu thì họ cũng có một thời gian ngắn để về phố thị chơi bời, giải trí khi có dịp, họ xài đồng Dollar xanh và cả đồng Dollar đỏ cho sinh hoạt hàng ngày, người ta thường ví "Mật ngọt đến đâu, ruồi bâu đến đó", do lính ngoại quốc xài tiền tương đối phóng khoáng nên các dịch vụ của người dân đã ra đời để thỏa mãn nhu cầu cho những người lính này, do đó nhà hàng, khách sạn, Vũ trường, Snackbar khắp nơi mọc ra như "Nấm" sau cơn mưa, con đường đất đỏ của tui cũng không ngoại lệ, các quán nhậu bình dân, sòng bài, sòng tài xỉu, rồi các động cho gái làng chơi cũng ra đời nơi xóm dưới, sở dĩ xóm dưới chứa nhiều tệ nạn này do nó ở gần khu Kho xăng, kho đạn, căn cứ 10 tồn trữ quân trang quân dụng, còn nhiều thành lính đóng gần đó nữa, người Gò vấp xưa ví vùng đất Gò thời binh lửa này là vùng đất rặt về quân sự, những nơi này là nơi ăn ở làm việc của biết bao nhiêu lính đồng minh, vì vậy đường đất đỏ "hứng" những người lính về đây ăn chơi là điều đương nhiên.

      Nơi nào có gái làng chơi là nơi đó sẽ có những anh chị trong giới du đảng đứng ra bảo vệ, hai giới này như hình với bóng, họ sống cộng sinh để tồn tại trong mọi hoàn cảnh, thế là những tay anh Chị bự như: Đực Cao bồi, Đại ca Thay. V. v cũng từng kéo đàn em từ xa về đây để tranh giành quyền lực ngầm nơi xóm nhỏ này, công bằng mà nói có nhiều gia đình vì hoàn cảnh này nọ nên họ đã tham gia vô "Guồng máy" ngầm này, họ sửa sang lại nhà cửa, ngăn phòng, che rèm kín đáo làm nơi cho những cặp nam nữ thuê để "Lên đỉnh mây mưa", có người sai biểu con cái phụ việc phục vụ cho khách làng chơi các dụng vụ này như đưa khăn, bao cao su cho khách, đổi lại các em cũng được khách boa cho vài Dollar lẻ, cũng không trách được những ông cha bà mẹ này, tất cả vì sanh kế, vì sự tồn tại của gia đình nên họ phải chấp nhận sống và làm việc như thế, cũng có gia đình tuy cha mẹ làm nghề không lương thiện này nhưng con cái họ học hành đỗ đạc thành tài, các anh chị em này không sa ngã đi vào con đường nhơ nhuốc mà cha mẹ mình bất đắc dĩ cưu mang.

      Đang chơi " Tạc" bao thuốc lá với mấy thằng bạn trong xóm, sáng nọ tụi tui nghe tiếng súng nổ chát chúa, rồi tiếng dao kiếm chạm nhau kêu loảng xoảng, thằng Cu một đứa trong đám bạn tui la làng lên:

      - Mau nằm xuống tụi bây, không khéo ăn đạn bây giờ, mấy ông lính đồ bông đang "chơi" với mấy tay anh chị bự đó.

      Cả đám tụi tui nằm sát rạt xuống đất miệng thở hỗn hểnh vì lo sợ.

      Ông Bảy Sự một tay Cowboy đã gác kiếm giang hồ thấy mấy đứa nhỏ nằm sấp lớp, ông lao nhanh ra kéo tụi tui dậy và đẩy vô căn nhà lụp xụp của ông nằm kế bên con hẻm nhỏ, ông nói:

      - Mấy đứa ở đây nha, đừng có chộn rộn ăn đạn như chơi đó.

      Nói xong ông chạy nhanh ra để dìu mấy đứa khác, nhưng không may ông Bảy bị lảnh một nhát dao do ai đó chém từ phía sau vô vai, ông nén đau quay lưng lại với cú đá Song phi ông hạ gục kẻ cầm dao chém lén ông, một gả du đảng khác thấy vậy la lên:

      -ĐM. Thằng Quang chém bậy rồi, anh Bảy đâu dính líu gì mà nó chém ảnh, thôi rút bây ơi!

      Bọn Du đảng rút lui mang theo mấy mạng máu me đầy người, bên lính đồ bông cũng có người bị thương nhẹ, họ cũng rút êm sau cuộc đụng độ này, phía bên trong động chứa gái, một cô ả mặt đầy phấn son nhưng khá xinh đẹp đang ngồi run lập cập vì sợ, bên trong nữa vài ba anh lính Mỹ tay vừa cầm khẩu Colt 45 chĩa ra đường, tay kia kéo cái quần dài đang mặc dang dở vừa qua khỏi đầu gối, riêng bà chủ chứa mặt không còn chút máu, bà kêu với giọng run run:

      - Ông Tám đâu, mau lấy cát lấp mấy vũng máu trước cửa đi, thấy ớn quá trời .

      Rồi với cái giọng bực bội bà nói tiếp:

      -Mẹ tổ nó, gái ở đây có hà rầm luôn, thiếu cha gì mà giành giật cho máu đỗ thịt rơi, có đáng không vậy trời.

      Những chuyện như vậy xãy ra như cơm bữa khiến cư dân trong xóm hoảng loạn vô cùng, Cảnh sát và tuần cảnh lâu lâu cũng có "tảo thanh" một lần, họ bắt bớ vài người cho chiếu lệ, rồi đâu cũng vào đấy nên riết rồi ai cũng chai lì với những việc như vậy.

      Ông Bảy Sự được bà con băng bó vết thương, bà chủ động chứa thấy tình cảnh ông Bảy bị "Họa vô đơn chí" bà xăng xái móc đưa cho ông Bảy tờ bạc năm trăm đồng xanh có hình đức Trần Hưng Đạo oai phong lẫm liệt, bà nói:

      - Thôi coi như xui xẻo nha anh Bảy, anh cầm lấy tạm lo cơm thuốc, vài bữa hết tiền tui gửi tiếp cho anh nhe.

      Vốn là tay giang hồ mã thượng, lấy việc nhân nghĩa ra sống thác với đời, ông Bảy nhẹ nhàng từ chối tấm lòng của bà chủ chứa:

      - Thôi chị Tám cầm lấy đi, vết thương này nhằm nhò gì tui chị ơi, vài bữa lành thôi, chị đừng áy náy đúng là tui xui, cha nội ba Hiền xem quẻ nói tui năm nay gặp vận xấu tui đâu có tin, ai dè ....

      Ông Bảy bỏ ngang câu nói rồi ông vô nhà mở cửa cho đám nhóc ra về, đứa nào cũng hết lòng cảm ơn ông, vì ông đã hành xử như anh hùng Zoro mặc nguyên bộ độ đen mang mặt nạ đen hành hiệp giang hồ trong loạt phim ảnh chiếu vào thời bấy giờ.
      ***
      Cứ gần tám giờ sáng là các sòng bài đã diễn ra tấp nập, nơi họ chơi bài là những khoảng đất nhỏ hẹp mà chưa có ngôi mộ nào xây lên kia là sòng binh xập xám chướng ( Bài 13 lá mà danh hài Tùng Lâm thể hiện bài hát này trên đài phát thanh Sài gòn rất vui) kế bên là dòng tài xỉu, gần đám mả cạnh đường ray xe lửa là sòng lắt Bầu cua cá cọp, mấy bà sồn sồn đâu chịu thua và sòng Tứ sắc cũng chơi rôm rả, điệp khúc thua tiền, chửi bới, đánh nhau, bị cảnh sát bố ráp bắt bớ liên tục nhưng rồi đâu cũng vào đấy, hình như những hoạt động này là một phần của cuộc sống ở nơi này.

      Các tệ nạn này cũng được chấm dứt khi miền nam đến hồi mạc vận, những gia đình chạy nạn nay rút về quê xây dựng lại cuộc sống mới, còn cư dân ở lại thành phố làm đủ nghề để tồn tại với cuộc sống mới cho đến hôm nay.

      Sài gòn 14.8.2019 (11h55)

      Comment


      • #4
        Bút ký : Những ngày xưa thân ái. Tập 4

        Những Ngày Xưa Thân Ái

        (Hai Hùng SG)

        Tập 4: Hòa mình vào thiên nhiên.

        *

        Xóm dưới của khu đường đất đỏ có nhiều tay "Sát cá" rất giỏi như: Chú Tám Đực, ông Chín Mẫm, chú Út Ba, ông Tám Sanh, nếu thiếu xót không kể đến Anh Tê, Anh Cao, Anh Dài. V.v... mỗi khi mấy người kể trên đi câu, đi chài, hoặc đi nôm thì khó có con cá nào thoát khỏi tay họ.

        Đối diện ngã ba đường Đất đỏ, phía cầu hang dưới nơi giáp ranh Kho xăng của quân đội là một khu mà dân cư đường Đất đỏ tụi tui gọi là hầm đất, nơi đây thời Pháp thuộc họ lấy đất sét của nơi này đem đến nơi nào đó để đắp làm "Nền hạ" của các con đường đang làm mới, hầm đất là nơi có loại đất sét vàng nhẹ, rất mịn và thật dẻo khi nhào nặn với nước, có lẽ vì thế mà người Pháp họ chọn khu hầm đất này để khai thác làm vật liệu, từ trên mặt đường Phan Văn Trị tui phóng tầm mắt xuống tận mặt nước của hầm đất, độ sâu ước chừng hai mươi thước Tây, đáy hầm đất chỗ cao chỗ thấp không đều nhau, nó ẩn núp sau làn nước đục ngầu, nơi đây ngày xưa cũng nhiều người bị chết đuối, do không biết lội, họ cứ tưởng dưới mặt nước kia mặt đất sẽ bằng phẳng như nhau, họ đâu ngờ rằng xe xúc đất họ đào không theo quy luật nào cả, có nơi sâu hoắm, nơi thì cạn sệt, khi xuống để kéo lưới, hoặc dùng nôm bắt cá họ vô tình rơi vô miệng hầm đất kia đành gửi nấm xương tàn nơi này, dù có người chết hằng năm ở nơi đây nhưng chẳng mấy ai sợ sệt, ngày nào cũng có người xuống câu cá, thả lưới, hoặc nôm cá vì rất nhiều loại cá tôm sinh sống

        Thủy tộc ở hầm đất này có đủ loại, nhiều nhất là cá Trê trắng, cá sặc cá rô, cá Lóc, cá Chạch, Đỉa trâu, ếch nhái ....

        Chính vì nó đa dạng các loài sinh sống nơi đây nên mọi người ai cũng muốn đến đây vừa bắt cá, vừa ăn uống nghỉ ngơi thư giản cuối tuần, có gia đình mang lều đến cắm trại vui chơi cả ngày mới ra về.

        Ngày trước tuy làm ăn buôn bán gì đó, dù là ai đi chăng nữa chẳng bao giờ họ vì cái lợi cho mình mà đi phá mồ mả của người đã khuất, do vậy khu vực hầm đất này còn những cái mả nằm trên khu đất nhỏ cao ngất ngưởng , vì đất chung quanh cái mả đã được họ đào lấy đi chỉ chừa lại phần đất của những cái mả này tọa lạc, lâu ngày cây cỏ mọc dầy che khuất cả ngôi mộ kia, nên khi nhìn từ xa khung cảnh rất đẹp vì nó tựa như phong cảnh của hòn non bộ Vịnh Hạ long.

        Tui có nhiều kỷ niệm thời niên thiếu nơi cái hầm đất này, những buổi trưa Hè tụi tui thường tụ tập nơi đây để tắm mát và vui đùa với nhau, có hôm chia phe ra đánh trận y như hai bên thù nghịch đánh nhau tơi bời khói lửa của trận Tết Mậu thân sau này.

        Còn nhớ bữa nọ Chú Út Ba soạn cần câu và cái đục để xuống hầm đất kiếm mớ cá về ăn, bất thình lình chú bị đau quặn thắt cái bụng nên chú không đi câu nữa, thấy vậy tui nói với thằng Hòn con chú Út :

        -Hòn nè, nói với chú Út để hai anh em mình đi câu đi, câu được đem về cho Thím Ba kho hoặc nấu canh cũng đỡ tiền đi chợ.

        Sau một hồn năn nỉ ỉ ôi của hai đứa tui thì chú Út cũng xiêu lòng, trước khi đi ông dặn dò típ rất kỹ, chú sợ hai đứa làm gãy cái cần câu "Xịn" của mình, sau này tui mới nghe chú Út diễn giải cho biết tại sao chú quý hai cái cần câu này, muốn có cái cần câu tốt chú phải đi lên miệt Xuân thới Thượng hoặc Xuân thới Sơn của quận Hốc môn, vì nơi đây trồng nhiều loại trúc rất tốt nó vừa dài vừa dẻo dai suôn thẳng, khi sử dụng cây trúc già nơi đây để làm cần câu thì ngon lành, cho dù cá lớn đến mấy một khi cắn câu rồi thì không bao giờ có chuyện gãy cần khi ta kéo mạnh con cá lên bờ, mua trúc xong đem về còn phải trau chuốt, uốn nắn hơ lửa để chỉnh sửa lại cho cần câu thật chuẩn, khi róc hết lá nơi cái mắc của câu trúc, chú Út còn lấy giấy nhám thật mịn vuốt ve các mắc của đốt cây trúc cho láng để khi câu khỏi phải bị "xóc giầm", rồi còn phải chọn lưỡi câu nữa kể cả cước nhợ, ôi thôi chú kể ra tràng gian đại hải khiến tui nhức cả đầu.

        Hai đứa tui ngồi gần cả tiếng đồng hồ trên bờ của hầm đất, thằng Hòn chắc là "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh" nên nó giật cần câu liên hồi, còn tui tay ngang với lại chắc "Nặng bóng vía" nên không con cá nào léo hánh đến cái lưỡi câu của "Phương ròm", mặt trời sắp ngã về tây, vài cơn gió nhẹ miên man thổi khiến mặt nước trong hồ hơi xao động, lúc này tự dưng cái phao nó bị kéo nhanh chìm nghỉm dưới mặt nước, tui đoán chắc con cá này lớn lắm đây, tui lấy hay tay giữ lấy cái cần câu và giật mạnh lên, con cá trê trắng bự và nặng gần cả kí lô gam, nó bị cái lưỡi câu móc vô phía đuôi, chắc do bị vướng bất ngờ nên bị đau con cá quẩy mạnh đuôi định bơi đi nơi khác, chẳng dè nó càng vùng vẫy lưỡi câu càng lún vô thịt nó càng sâu, thằng Hòn thấy vậy nó la làng lên :

        -Anh Phương câu giỏi ghê nơi nghe.

        Biết nó chọc quê mình, vì cá dính câu kiểu này tui vú như "Chó ngáp phải ruồi" chứ hay ho con khỉ khô gì, tui bèn trả lời nó:

        - Thôi đi mầy ơi, bớt xạo đi em, mầy chọc quê tao chứ gì, có kêu tao câu thêm con nữa theo kiểu dính câu như vầy chắc Tết Công gô còn chưa có nữa .

        Tui bật lên tiếng cười sảng khoái, thằng Hòn biết chắc con cá này sẽ là món cá Khi và món canh của nhà mình nên nó cũng cười hùn với tui thiệt là đã.

        Chú Út Ba tuy bụng hẳn còn đau ngầm, nhưng thấy hai thằng đệ tử mang về con cá Bự tổ bà chảng, chú Út mừng rỡ khen tui không ngớt lời, nào là tui câu giỏi, nào là sắp tới có chuyến qua cầu xa lộ Sài Gòn câu cá trên sông chú sẽ cho tui đi theo, nhưng khi nghe thằng Hòn kể lại tình huống cá cắn câu khiến chú Út Ba cười muốn lộn ruột , chú nói vớt vát lại lời khen khi nãy:

        - Ôi thôi, câu sao cũng được miễn là có dính cá là hay lắm rồi.

        Chú Út lấy cây cần câu mà tui xử dụng khi nãy chú trao cho tui, chú Út nói:

        - Thôi nè, tao tặng bây cái cần câu này làm kỷ niệm, nhớ giữ cẩn thận nghe bây.

        Biết chú quý cây cần câu này lắm, vì nó đã theo chú đi câu khắp nơi, nay chú đành lòng trao lại cho tui cũng đủ biết chú Út Ba cũng quý tui đến chừng nào.

        Tui thật cảm động, không ngờ chú Út lại cho mình món quà quý giá như vậy, tui cảm ơn chú và đem cần câu về nhà.

        Ba tui ổng khó tánh vô cùng, nghe vụ hầm đất năm nào cũng có "Ma da" kéo cẳng một vài mạng, do đó ông cấm tuyệt đối không cho đứa nào trong nhà léo hánh đến chỗ đó, nếu cãi lời thì về nhà có "Bánh tét nhưn mây" thưởng thức liền, các cần câu về nhà tui lén ra phía sau nhà vắt lên chỗ để mấy cây thang tre rồi vô nhà, trời xui đất khiến sao đó sợi dây điện kéo từ nhà cô Ba qua nhà tui nó bị đứt hết một sợi, ba tui ra sau nhà rút cái thang tre để đi nối lại dây điện, ông thấy cây cần câu còn nghe mùi tanh của con cá, ba tui la om sòm lên :

        - Cần câu của ai đây bây, thằng Phương đâu ra biểu coi.

        Nghe tiếng ba tui réo trúng tên mình, tui rụng rời tay chân, khi ba tui biết cây cần câu này là của tui, ba nỗi giận bẻ ngay tức thì, nghe tiếng kêu răng rắc của cây cần câu bị bẻ gãy lòng tui buồn vô hạn, nhưng tui không dám trách ba mình vì ông đã có giao ước ai biểu mình vi phạm, may phước sau khi bẻ cần câu xong ông cũng hả cơn giận tha cho tui khỏi phải ăn roi mây như mọi khi, thật là hú vía.

        ***

        Lần nọ, thằng Thành con ông Chín tắc xi, thằng Cu xì, Cu riêu rủ rê tui đi xúc cá lia thia ở mấy đám ruộng năng sau lưng kho Xăng, mỗi đứa mang theo một cái rỗ tre và bịch nylon để đựng cá, mùi bùn non dưới ruộng năng hắt lên nghe tanh tanh, cả đám tụi tui quần nát mấy khoảng ruộng và bắt được mào là cá Xiêm, cá Phướn, đang mãi mê bắt tiếp thì bên kia bờ của đám ruộng rau muống xuất hiện lố nhố mấy tay nhóc cũng trạc tuổi bọn tui, đứa nào cũng cầm gậy gộc, có đứa còn có cái giàn thun bắn chim đang chĩa về phía tụi tui, một thằng trong đám nọ lên tiếng:

        - Ai cho chúng mầy đến ruộng của chúng ông mà bắt cá đấy.

        Nghe tiếng mấy thằng ôn con này tụi tui nhận ra ngay là con cháu của đồng bào di cư năm tư, với điệu bộ hống hách làm tàng, ai đời cái đám ruộng năng này là ruộng hoang, do nước phèn lấn sâu vô không thể canh tác gì được hết nên bà con đành bỏ hoang mặc cho các loài cá nước phèn sanh sôi nẩy nở, biết tụi này hơi "Bố láo" tụi tui không tỏ ra sợ sệt dễ bị tụi này làm tới, thằng Thành nói:

        -Tụi tao bắt cá ruộng hoang chứ có phải lội vô ruộng rau muống của tụi bây đâu mà làm trời.

        Mấy thằng nhóc kia liền nhào xuống ruộng năng để ăn thua đủ với tụi tui, chúng nó ỷ gần nhà nên hung hăng lắm, tay lăm lăm mấy cây gậy thằng đầu tiên chạm mặt thằng Thành nó liền quơ cây về phía thằng Thành, xui cho thằng nhóc này nó gặp tay lì đòn và võ nghệ đầy mình, Thành nhà ta nhanh chóng né tránh rồi lòn tay đoạt cây gậy trên tay đối phương dễ như trở bàn tay, sẳn tiện thằng Thành khệnh cho nó một gậy vô bàn tọa khiến hắn đau rồi la lên chí chóe, đám còn lại thấy thủ lãnh bị bại trận tụi nó bèn tháo chạy như thái tử Thoát Hoan chui vào ống đồng chạy thục mạng về Tàu khi xâm lăng nước ta.

        Thấy thằng Thành ra oai dũng mãnh vô cùng, tui tui reo hò hoan hô làm nó nở lổ mũi to như cái trống chầu.

        Thấy sẳn nước đang ròng (Thủy triều xuống), tụi tụi rủ nhau lội xuống con rạch Bằng Ky, từ phía cầu đen cạnh đường rầy xe lửa, men theo con nước cạn tui lấy rỗ ra xúc, tép con, cá trắng nhỏ rất nhiều, sau một hồi đi mò các hang cá dưới rạch có đứa bắt được vài con cá bống dừa đen trùi trũi, ra đến cầu Băng Ky thì nước không còn rút nữa, tui tui mò dọc theo những thân cây gỗ của xưỡng cưa máy ngâm dưới lòng con rạch để gỗ khỏi bị hư hỏng, sau một lúc nghỉ ngơi tụi tui quay về đoạn rạch mình mới đi qua, bổng nhiên sau làn nước đục ngầu như nước dưới vũng trâu nằm có những cái râu dài của tôm càng xanh đưa lên khỏi mặt nước, cứ thế mạnh đứa nào đứa nấy chộp đầu những con tôm càng trời cho này đem về nhà, ( Sau này nghe cô bác lớn tuổi nói lại, mỗi năm có con nước tên gì đó tui quên rồi, ngày đó tôm càng hội tụ lại để hội hè gì của nhà tôm, ít có ai được cái may mắn gặp hội tôm như kể trên).

        Lên bờ thay vì dông thẳng về nhà thằng Thành rủ cả đám lội bộ đến bến tắm ngựa ở gần nhà thờ Bến Hải để tắm rửa sạch sẽ trước khi về nhà.

        Khu bến tắm ngựa nó là một cái eo của cuối đoạn nhánh rạch Bến cát chảy vô, nơi này đủ rộng để những người nuôi ngựa đua xuống tắm và tập cho ngựa chạy dưới nước để rèn sức bền cho ngựa, và cũng đủ chổ cho những người thích bơi lội mà không có điều kiện mua vé bơi ở hồ tắm Chi lăng hoặc Đại đồng ngoài Gia định.

        Sau khi tắm mắt dưới làn nước trong veo thật sảng khoái, tụi tui lội bộ về nhà theo ngõ đường nhựa dọc theo kho Xăng để về nhà

        ***

        Chiều đó nhà tui có được bữa cơm thật ấm áp với món tôm kho tàu, cả nhà ăn uống ngon lành bổng ba tui lên tiếng khen:

        - Má, mầy hôm nay mua tôm này ngon nè, ăn nghe biết là tôm còn sống tươi rói luôn đó.

        Má tui giơ ngón tay trỏ để lên miệng, ý nói tui im lặng, rồi má nói:

        - Ờ có mấy cậu thanh niên bắt dưới cầu Rạch lăng đem bán, thấy rẻ và tươi tui mua mão hết đó ông.

        Cũng may phước má chặn tui lại, bằng không tui phun ra hết chuyện mình đi bắt cá dưới rạch, vì tui nghĩ số tôm kia cũng đủ sức chuộc lại cái tội dám cả gan đi tắm sông tắm rạch .

        ***

        Cái bến tắm ngựa thân thương ngày xưa nay đã, có mấy căn nhà xây trên đó, còn nước cầu Đen chảy qua cầu Rạch Lăng không còn lưu thông được nữa, nó bị lục bình, bị nhà cửa xây lấn rạch khiến nước đọng lại đen ngòm chứa đầy lăng quăng và muỗi mòng vô số kể, còn đám ruộng năng cũng thành nhà cửa đường sá, những con cá xiêm cá phướn đi đâu về đâu mấy ai còn nhớ, mùi tanh của bùn non nơi ruộng năng cũng chẳng còn, tất cả những kỷ niệm này không bao giờ xóa nhòa trong ký ức của lớp người xưa như tụi tui phải không các bạn.

        Sài gòn tối 14.8.2019

        (20h07)

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X