Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Một Chuyến Buôn Lậu Từ Vùng Tam Phan

Collapse
X

Một Chuyến Buôn Lậu Từ Vùng Tam Phan

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một Chuyến Buôn Lậu Từ Vùng Tam Phan


    MỘT CHUYẾN BUÔN LẬU TỪ VÙNG TAM PHAN

    Tam Phan là tên gọi chung của vùng Phan Thiết, Phan Rí và Phan Rang.

    Năm 1977 học xong lớp 11, Tam rời ngôi trường ở quận một lên học lớp 12 một trường khác tại quận ba năm cuối rồi lãnh bằng tốt nghiệp phổ thông.

    Nghỉ hè lại đến nhưng Tam thấy buồn buồn vì sắp tới anh sẽ phải chia tay với những thằng bạn học thân thiết nhất. Nhưng mọi việc phần lớn là do sự thay đổi ở miền nam sau năm 75 khi quân đội miền bắc thắng trận tiến vào Saigon. Khắp các hang cùng ngỏ hẻm đâu đâu cũng mang không khí buồn tẻ vì sợ hải và đói kém. Đang chờ ngày đi học nghề ở một trường trung học chuyên nghiệp trong thành phố, Tam lang thang qua thăm thằng bạn cũ tên Châu đang sống dưới chân dốc cầu Bông phía quận Bình Thạnh gần rạch Thị nghè. Anh và Châu chơi chung nhóm bạn lên quận ba học Võ Trường Toản. Qua năm đó Châu học yếu nên đành nghỉ ở nhà một thời gian rồi tham gia vào đạo quân thất nghiệp đông đảo của Saigon. Lang thang làm đủ nghề sinh sống cho dù trước đó Châu là thợ vàng bạc khá giỏi.

    Sau một thời gian xa vắng, bạn bè có dịp gặp lại nhau bên ly cà phê quán cóc, Châu trầm trầm nói mình lúc này theo xe lửa về miền trung mua hàng buôn lậu về Saigon kiếm sống. Ngày xưa khi còn học lớp 9 và lớp 10, nó là một tay công tử nhà giàu chơi hào phóng với bạn bè. Tính tình Châu rất gan lỳ và nghĩa hiệp, học võ giỏi hơn học chữ, nó leo lên đến đai đen TaeKwondo nên có sức khỏe và thân hình rắn chắc nhanh nhẹn như một con báo. Trong trường ít có nhóm nào muốn gây gổ xích mích với nhóm của Tam. Đương thời đói kém mà thời gian chờ đợi đi học có vẻ dài lê thê, anh bị thuyết phục khi nghe Châu nói đi buôn lậu kiếm cũng khá mà cũng không quá khó khăn nguy hiểm. Về nhà suy nghĩ vài ngày Tam nói chuyện với ông anh ruột tên Việt, một người lính không quân VNCH đang thất nghiệp chưa biết làm gì. Hai anh em đồng ý mạo hiểm vài chuyến về miền trung buôn hàng xem sao. Tam tìm gặp Châu nói:

    - Ê Châu, tao với ông anh muốn đi với mày về Phan thiết vài chuyến

    Châu cười gật đầu không đắn đo:

    - Anh Việt cũng đi hả?
    - Ừ, lúc này ảnh chưa kiếm được công việc gì
    - Lúc này tao đang buôn lậu thuốc lá từ ngoài đó vô đây, ở thành phố thiếu thuốc lá nên đem vô đây bán có giá lắm

    Châu nhìn cặp kính cận Tam đang mang cười cười, anh hỏi lại

    - Tao mang kính cận đi buôn với mày có sao không?
    - Mày bỏ kiếng ra thấy đường không?
    - Thấy mờ mờ nhưng vẫn đi được

    Nó gật đầu đồng ý, có tính liều lĩnh nên với Châu như vậy là không hề chi

    - Lúc xuống ga ngoài đó mày nhớ bỏ kiếng ra để công an, du kích không để ý hỏi giấy tờ
    - Còn anh Việt có sao không?

    Ý Tam là nếu ông anh đi buôn mà công an, du kích xét giấy tờ thì có bị đi cải tạo không. Nhưng Châu gật đầu nói gọn lỏn

    - Không sao
    - Vậy chừng nào đi tao về cho anh Việt biết rồi chuẩn bị tiền
    - Để tao ra ga kiếm mấy thằng ngoài đó hỏi mua vé, nếu xong xuôi thì tao qua nhà cho mày và anh Việt biết rồi khoảng hai ngày nữa mình đi

    Đúng như Châu nói, hôm sau nó đến nhà Tam trong một con hẻm nhỏ vắng vẻ gần cầu Phan Thanh Giản, Thị nghè. Kéo nhau ra nhà sau gần bờ rạch cho kín đáo, Châu nói:

    - Xong rồi, kiếm thêm được vé tàu cho anh và thằng Tam rồi, sáng mai mình ra ga. Em đem hai cái ba lô bộ đôi và áo nón thanh niên xung phong cho anh và thằng Tam mặc để lên tàu giả làm thanh niên xung phong ra đơn vị. Nhớ lên tàu cứ im lặng đừng nói chuyện với ai mà đi theo em. Mình xuống ga Phan thiết rồi về ở nhà ông anh của em làm công an

    Nghe hai chữ công an, Tam và ông anh giật mình, Châu tỉnh bơ cười

    - Ông anh này cùng cha khác mẹ với tao, có ông già sống trong nhà nên ảnh không dám nói gì đầu, tụi du kích cũng không dám hỏi

    Nó ngừng lại nhìn Tam và anh Việt xem phản ứng rồi nói tiếp:

    - Ở đó một ngày hoặc hai ngày để em tìm mối mua thuốc lá của mấy thằng bạn quen trong xóm nhét vô ba lô, bên trên để quần áo che kín rồi sáng sớm lên tàu lửa về Saigon. Ở thành phố có mối sẳn từ mấy chuyến trước, mang hàng về là giao cho tụi nó rồi lấy tiền

    Kế hoạch nghe rất suông sẻ nên Tam và ông anh đồng ý. Châu dặn dò thêm:

    - Sáng mai em qua đây rồi mình ra xa lộ đón xe buýt lên ga Hòa Hưng

    Anh nghe nó kể đã đi nhiều chuyến từ Tam Phan ra vô Saigon nên không lo lắng bao nhiêu. Nhưng trong đầu vẫn ám ảnh chuyện đưa đi cải tạo nếu bị bắt. Cuối cùng bị cái đói thúc đẩy nên Tam và ông anh vượt qua sự sợ hải. Lúc ra đứng ngoài cổng, khi không còn ai khác xung quanh, Châu mỉm cười hỏi Tam:

    - Tao nghe tụi nó nói mày có con bồ Trưng Vương lúc tụi mình học bên Võ Trường Toản, thằng Hiếu nói bồ mày đẹp con nhà giàu

    Anh nói nhỏ:

    - Ừ, Thanh đậu đại học rồi …

    Châu vỗ nhẹ vai anh như an ủi:

    - Chắc sắp tới nó đá mày rồi có thằng bồ khác. Thôi đừng buồn đời là vậy. Không có cây, lý lịch như tụi mình sao đậu đại học được
    - Ừ, có lẽ vậy … đành chịu
    - Thôi tao về, sáng mai qua đây sớm để ra ga xe lửa

    Tam nhìn dáng mảnh khảnh của thằng bạn thân bước đi nhanh nhẹn trên con đường đất giữa những bụi tre và khuất hẳn sau tàn cây um tùm. Dưới chế độ mới, người cộng sản muốn triệt hạ dân Saigon bằng mọi cách. Một xã hội khác lạ vừa được họ thiết lập, có đến cả chục tầng lớp mới xuất hiện, trong đó những người dính dáng đến chình quyền cũ bị xếp vào những hạng cuối cùng. Họ mới chiếm miền nam được gần ba năm, Saigon hoa lệ ngày nào bây giờ tàn tạ gần như một thành phố chết.

    Sáng sớm hôm sau Châu đến sớm với ba lô trên vai. Tam và ông anh ăn chén cơm độn khoai và nhồi thêm mổi người một củ khoai lang to cho chắc bụng vì tới chiều mới đến ga Phan Thiết. Nhìn cái áo màu xanh bộ đội đang khoác trên người, Tam có cảm giác lạ lạ và thấy hơi khó chịu vì mùi hăng hăng từ đó bốc ra. Anh bước ra ngỏ nhìn xung quanh, con đường trong xóm vắng vẻ dưới bầu trời âm u tháng chín.

    Ra đến xa lộ, đứng tại trạm chờ một lúc, cả ba bước lên sàn chiếc xe buýt cũ kỹ tả tơi có vài hành khách ngồi trên ghế với khuôn mặt ủ dột buồn bả. Tiếng động cơ rú lên từng hồi khi xe chạy qua các dãy phố vắng lặng. Vài chiếc xe đạp lăn bánh chậm chạp làm tăng thêm vẻ đìu hiu của một thành phố đang chết dần chết mòn. Thỉnh thoảng ở các góc đường xuất hiện vài tay bộ đội súng khoác trên vai đứng gác dưới một mái hiên.

    Cuối cùng Châu ra hiệu và họ xuống xe ở một trạm gần nhà ga Hòa Hưng. Vào bên trong, cả ba đi hàng một trên sân ga xi măng đầy rác và cây cỏ dại mọc lộn xộn khắp nơi. Nhân viên đường sắt đội nón cối, tay đeo băng đỏ đi đi lại lại giữa các toa tầu và đường ray uốn lượn như những con rắn màu đen. Châu chỉ tay về đoàn tàu khoảng hai chục toa nằm gần bức tường xi măng cao ngăn cách khu nhà ga với nhà dân bên ngoài. Tam và ông anh theo nó bước trên những thanh tà vẹt và nền đá xanh bên dưới đến gần một toa nằm khỏang giữa. Nó đến gần một nhân viên kiểm soát mang băng đỏ đưa vé cho anh xem và quay lại nói

    - Lên toa này

    Châu nhanh nhẹn nhảy lên, Tam và ông anh bước lên theo. Trong toa tầu cũ, một số hành khách ngồi trên băng ghế gổ nhem nhuốc nhìn họ. Cả ba ngồi xuống chổ trống. An tọa xong trên mặt gổ cứng, Tam nhìn những bao tải nằm dưới chân và đoán là hàng hóa từ Saigon mang ra miền trung. Thêm vài hành khách khác tay xách nách mang lặng lẽ bước lên làm cho không gian có vẻ chật chội hơn. Độ hai mươi phút sau, một nhân viên đường sắt xuất hiện ở đầu toa đi ngang nhìn mọi người ngồi trên băng ghế rồi mất hút ở toa sau. Bên ngoài bầu trời vẫn âm u dưới các tầng mây trắng dầy giăng trên cao. Một lúc sau tay nhân viên kia quay lại đi nhanh về phía những toa đầu.

    - Sắp chạy rồi – Châu nói nhỏ

    Châu có lẽ đã quên thuộc với cảnh này nên im lặng hướng đôi mắt nhỏ, sắc nhìn qua ô cửa sổ toa tầu. Có tiếng động lịch kịch dưới lớp sàn gổ dội lên chân Tam, đoàn tầu từ từ chuyển động rời khỏi sân ga đi về hướng ngoại ô.

    Được chừng hai mươi phút sau, tàu vào ga Gò vấp đón thêm một số hành khách khác rồi lại chạy tiếp. Đến ga Bình triệu và Thủ đức thì trong toa họ ngồi đã gần chật ních người. Các bà và các cô gái bán hàng rong xuất hiện với những mẹt thuốc lá, khoai, bắp, chuối luộc … đi tới lui khắp nơi. Ra đến ngoại ô tốc độ con tàu nhanh dần, nó lao qua vùng ruộng đồng và cây cối xanh mướt vắng người. Hầu hết trong khoang là dân buôn ngồi túm tụm bên nhau thành từng nhóm.

    Gần trưa thì đến ga Long khánh. Nhân lúc tàu chạy chậm lại một số con buôn quăng các bao bố xuống đất rồi nhảy xuống tránh công an và du kích trong ga. Sau khi tránh một đoàn tàu khác từ miền trung chạy về Saigon, con tàu lại tiếp tục chuyến đi. Thêm một số hành khách đi lậu quăng túi xách, bao tải qua cửa sổ rồi mạo hiểm đu bám các tay vịn trèo lên. Rõ là khi quá nghèo đói ngươi ta thì không còn sợ chết. Anh Việt gọi một bà bán khoai và chuối luộc đến mua rồi chia cho Châu và anh mổi người một ít. Tam ngồi ăn giữa tiếng động ồn ào mà lúc này tai anh dần dần đã quen. Trong đầu nhớ lại lời bà thím từ Hải phòng di cư vào nam năm 54 nói với đám con cháu sau khi bộ đội miền bắc vào Saigon được vài tuần “Cộng sản vào là bắt đầu khổ đến nơi rồi tụi mày ơi”. Giọng nói của bà như chứa đựng sự lo lắng, nổi buồn và cả niềm uất ức. Ăn xong miếng khoai và chuối anh uống chút nước trong bình cho thông cổ. Đoàn tàu lúc này lao đi miệt mài giữa núi rừng hoang vu, thỉnh thoảng qua khung cửa sổ xa xa hiện ra vài ngôi nhà lá nằm chơ vơ bên rẫy khoai bắp. Có lẽ đó là một khu kinh tế mới mọc lên trong rừng núi cô độc. Trong toa nhiều người nằm bẹp lên sàn gổ dơ bẩn ngủ ngon lành.

    Chiều xuống thật nhanh trong tiếng nói lao xao và âm thanh gió thổi vù vù qua cửa sổ. Tam đi loanh quanh qua các toa khác cho đỡ buồn chán rồi quay về chổ cũ. Vừa ngồi xuống một lúc thì đột nhiên có tiếng rít của những chiếc bánh sắt trên đường ray và đoàn tàu từ từ chạy chậm lại. Đám con buôn nhốn nháo vì tưởng có công an lên kiểm tra đột xuất. Mọi ngươi lo lắng đưa đầu qua cửa sổ nhìn quanh quất bên ngoài. Tam và ông anh hơi lo vì không biết phía trước có chuyện gì, đang lúc này lại không thấy Châu đâu. Vài phút sau đoàn tàu dừng hẳn lại giữa cảnh núi rừng âm u dưới bầu trời xám đầy mây. Hành khách qua lại ồn ào giữa các toa để thăm dò tình hình. Một bà ngồi dưới sàn có vẻ rành chuyện nói chắc do đường ray bị hư hỏng. Châu bổng xuất hiện đi từ toa trên xuống đến chổ Tam và anh Việt:

    - Cầu qua sông phía trước bị nước lụt dâng lên ngập
    - Xe lửa không chạy qua được hả Châu ? – anh Việt hỏi
    - Chắc đậu ở đây chờ nước xuống mới chạy – Châu đáp

    Mấy bà con buôn đội những chiếc nón lá cũ rách ngôi gần đó dương đôi mắt mệt mỏi trên khuôn mặt gầy gò xám đen nhìn ra bên ngoài với vẻ thất vọng. Tam hỏi:

    - Gần đến Phan thiết chưa ?
    - Qua khỏi chổ này chừng vài chục cây số nữa

    Hành khách sau lúc nhốn nháo bây giờ ngồi im lặng như chấp nhận số phận. Gần cửa ra vào ở cuối toa, một người đàn bà gầy ốm nằm ngủ say sưa cạnh cái nón lá làm mọi người phải bước tránh khi đi qua đó. Đột nhiên toa tàu giật nhẹ như bị ai thúc trúng rồi chậm chạp di chuyển về phía trước. Châu mỉm cười:

    - Nó cho chạy luôn

    Tam thấy nhẹ nhỏm trong bụng. Anh nhìn qua cửa sổ lúc vượt sông thấy lờ mờ làn nước vàng đục ngập sát mặt dưới dầm cầu sắt. Vừa qua khỏi vùng nguy hiểm đoàn tàu phóng nhanh trong bóng chiều tà đến khi trời vừa sụp tối nó dừng lại ga Phan thiết. Châu đứng dậy thò đầu hẳn ra cửa sổ quan sát rồi ra dấu đi xuống. Ra khỏi sân ga cả ba đi bộ khoảng mười phút qua một xóm thưa dân thì về đến nhà. Trong ánh đèn dầu vừa đủ sáng mặt người Châu giới thiệu với ông anh:

    - Bạn em và anh nó ở trong Saigon ra. Ba đâu ?
    - Ba qua mấy nhà hàng xóm

    Nó lấy ba cái ba-lô cất vào một chổ rồi dẩn hai anh em Tam ra nhà sau ăn com tối. Sau đó cả ba ra ngồi nghỉ dưới hiên, anh Việt và Châu mổi người châm một điếu thiếu lá quốc doanh phì phèo nhả khói. Tam nhìn ra con sông gần khô cạn trước sân nhà nằm im lìm trong bóng tối của hàng cây mọc ven bờ và nghĩ bụng thấy thật lạ lẫm.

    Cách đây vài chục cây số một con sông khác nước tràn lên gần ngập qua cây cầu cao. Một bóng người từ căn nhà kế bên bước về chổ họ, Châu nói:

    - Ông già đi qua hàng xóm về

    Tam và ông anh cất tiếng chào. Châu giới thiệu:
    - Bạn con ở Saigon ra

    Ông cụ hói đầu có chùm râu bạc mang kính dừng lại nhìn anh em Tam mỉm cười rồi vào nhà. Châu bỏ điếu thuốc xuống nói nhỏ:

    - Mày với anh Việt ở nhà nghe, đừng đi đâu, tao đi qua nhà tụi bạn trong xóm coi tình hình ra sao

    Châu đứng dậy đi về phía xóm cũ đến tối khuya mới về. Tam và ông anh mệt mỏi vì chuyến đi dài nên không buồn hỏi câu nào theo Châu vào nhà. Cả ba ngủ trên tấm đi-văng rộng kê ở phòng khách cho đến tận sáng.

    Ăn xong mổi người vài củ khoai, Châu gọi anh em Tam đến:

    - Chút nữa mày đi với tao, anh Việt ở nhà vì vô xóm tụi du kích thấy ảnh sẽ hỏi giấy tờ. Tối qua tìm được chổ có thuốc lá rồi, sáng nay coi lại rồi trả tiền lấy hàng luôn, mai mình về Saigon

    Tam thấy yên tâm khi nghe công việc được Châu sắp xếp cẩn thận. Anh bỏ cặp kính cận vào túi áo rồi theo Châu qua con đường đất chạy ngoằn ngoèo quanh những căn nhà nhỏ lợp tranh hoặc tôn cũ vách đất nghèo nàn. Tam ngạc nhiên thấy có nhiều thanh niên nam nữ và đàn bà đứng nói chuyện khắp nơi. Vài con gà và chó ốm chạy rong tìm cái ăn rơi vãi đây đó trên mặt đất. Có lẽ nhận ra người lạ nên vài thanh niên thiếu nữ nhìn anh rồi quay đi chổ khác. Châu dừng lại nói chuyện với một nhóm thanh niên mặc áo màu xanh bộ đội. Khi nghe Châu giới thiệu có bạn trong Saigon ghé ra đây chơi, tất cả nhìn anh không chào hỏi rồi lại tiếp tục câu chuyện đang dở dang giữa chừng. Một thanh niên thấp người da ngăm đen ra dấu cho Châu theo anh ta đi vào con hẻm vắng gần đó. Tam đứng sát tấm vách gần cánh cửa đóng kín của một căn nhà lụp xụp nhìn người qua lại. Anh hơi lo lắng vì nghĩ đến khi du kích địa phương đi ngang dừng lại kiểm tra giấy tờ mình. Nhưng sau gần hai mươi phút vẫn không có chuyện gì xảy ra cho đến khi Châu quay lại một mình và ra dấu đi về. Nhìn sắc mặt bình thản của Châu, Tam biết công việc mua hàng đã xong. Về đến nhà Châu nói:

    - Tối tụi nó mang thuốc lá qua cho mình. Xong rồi ra sông tắm cho mát

    Một ngày nắng đẹp trên vùng ngoại ô thị xã Phan thiết. Anh đứng dưới lòng con sông nhỏ gần cạn nước chỉ còn lại một dòng nhỏ trong khe chảy chậm chậm qua đất đá rong rêu. Hàng cây cao ven bờ tạo thành bóng râm mát thật dễ chịu. Tam nhìn về hai phía hạ và thượng lưu, chẳng thấy chiếc thuyền hay người dân nào. Cây cối phủ xanh hai bên bờ con sông tạo nên khung cảnh đẹp nhưng hoang vắng. Trầm người vào dòng nước mát lạnh làm anh thấy sạch sẽ dể chịu như đang tắm giữa con suối trên triền núi cao.

    Công việc mua bán đã tạm ổn thế nhưng không thấy Châu nở nụ cười nào. Từ trưa đến chiều tối chỉ thấy nó đi ra đi vào, thỉnh thoảng biến đi đâu mất rồi lại xuất hiện như một cái bóng. Ba và ông anh nó cũng không hỏi han hai anh em Tam nhiều. Ông cụ hay qua hàng xóm chơi rồi về nhà ăn uống, ngủ nghỉ lại ra ngồi bên hàng hiên hay đi đâu đó. Còn ông anh thì ra đồn làm việc gần như cả ngày lẫn đêm. Sau bữa tối Châu nói với anh Việt:

    - Hàng bỏ vào ba cái ba - lô rồi, sáng mai mình dậy sớm ra ga về Saigon. Anh với Tam ở nhà nhé, em đi qua nhà mấy thằng bạn có chuyện một chút

    Dặn dò xong nó đi mất. Châu hay cẩn thận như vậy mỗi khi có việc quan trọng. Anh Việt ngồi hút thuốc một mình bên hiên nhà. Tam lững thững đi ra bờ sông nhìn xuống dòng nước cạn chìm trong bóng tối. Hàng cây bên kia nhuốm màu đen kịt như cánh rừng, thỉnh thoảng từ đó vài tiếng chim kêu lên thật lạc lõng. Các cơn gió thổi qua lòng sông cạn hắt hơi mát lên chổ anh ngồi. Đi buôn lậu trong thời buổi này là một công việc thật gian nan mạo hiểm. Có lẽ chỉ có những người gan lì như Châu mới dám làm vì quá đói khổ. Hình phạt nặng nề khi bị bắt là nhà tù, trại cải tạo và thậm chí bị mất mạng dưới họng súng du kích và công an.

    Lúc quay vào, Tam thấy Châu ngồi hút thuốc với anh Việt. Trong nhà ngọn đèn dầu được vặn nhỏ lại chỉ còn ánh sáng mờ mờ. Thật là một đêm yên tĩnh và êm đềm dưới bầu trời lác đác sao. Cả ba vào nhà đóng cửa rồi nằm lên tấm phản gỗ.

    Trời mờ sáng là Châu, Tam và ông anh đã đứng trong sân ga nhỏ cạnh căn nhà tường gạch lợp ngói. Xung quanh cũng có khá nhiều người với túi xách, bao tải đứng chờ. Tam nhìn thấy vài tay thanh niên áo xanh bộ đội đi tới lui giữa các đoạn đường rầy, ngoài ra không thấy tay công an nào. Hơi xa phía trước có một đoàn tàu đầu máy quay về hướng nam nằm im lìm như chờ đợi. Cả ba đứng rải ra xa nhau như Châu đã dặn trước ở nhà. Tam mặc áo thanh niên xung phong, mắt kính bỏ trong túi, vai đeo ba-lô đứng cách ông anh một khoảng, xích lên trên kia là Châu hướng đôi mắt về các toa tàu. Thời gian chờ đợi lên tàu làm anh thấy căng thẳng. Tam cố tỏ ra bình tĩnh, anh nhìn những đường rầy đen chạy song song xa tít về Saigon. Vài nhân viên nhà ga hạch hỏi hành khách trên sân ga về các túi vải, bao bố họ mang theo rồi bỏ đi. Họ đi ngang qua nơi anh Việt và Tam đang đứng để vào căn nhà mái ngói. Cho đến khi anh cảm thấy quá ngột ngạt, đột nhiên Châu quay lại nhìn như ra hiệu rồi đi ngang các thanh tà vẹt về phía đàon tàu. Nhiều người trên sân ga cũng bắt đầu đi về hướng đó. Tam và ông anh chậm rãi đi lẫn vào đám đông rồi nhanh chóng bước lên khoang đã khá chật người và hàng hóa. Đoàn tàu vẫn chưa chạy mà nằm im chờ đợi. Nhân viên đường sắt đi dọc các toa kiểm tra hành lý mỗi khi họ nghi ngờ. Một tay thanh niên đội nón tai bèo xanh sờ nắn một cái bao cát trên băng ghế quát lớn:

    - Bao này của ai?

    Một bà sồn sồn ăn mặc kiểu nông thôn nói:

    - Của tui
    - Đựng gì đầy ?
    - Đậu phọng trồng trong rẫy nhà tui

    Hắn bóp bóp thêm vài cái rồi bỏ đi. Tam đứng dựa lưng vào một góc như cố thu thân hình cho thật nhỏ lại. Châu và anh Việt mỗi người ở một góc khác im lặng nhìn nhau. Không khí ở đây còn căng thẳng hơn lúc chưa lên tàu. Dưới sân ga xuất hiện vài tay công an và du kích đeo súng đứng rải rác. Hành khách hầu như bất động trong vùng không gian đặc sệt lại vì sợ hải. Anh mong cho tàu khởi hành càng sớm càng tốt nhưng toa xe vẫn không chuyển động. Cái ba-lô sau lưng nhồi đầy thuốc lá sợi bên trong lúc này như bị thổi phồng to lên đẩy Tam ra giữa đường đi. Anh lấy tay kéo vành nón vải đang đội trên đầu xuống che thêm khuôn mặt. Bỗng toa xe giật nhẹ vài cái rồi từ từ lăn bánh. Gió từ các cửa sổ hai bên bị hút vào làm nhiệt độ hạ xuống khiến không khí dễ chịu hơn. Tiếng động lịch kịch vang lên lấn át tiếng nói chuyện của hành khách bên trong khi tốc độ của toa xe nhanh dần. Tam bước ra bên ngoài bệ cửa ở đầu toa nơi Châu và ông anh đứng nhìn ruộng vườn làng mạc. Ở đây gió thổi vù vù nhưng anh thấy dễ thở hơn trong khoang. Châu nhìn anh mỉm cười nhưng không nói câu nào.

    Trên đường về Saigon, mổi khi tàu ghé vào các ga dọc đừờng là một mớ các con buôn nhảy xuống cùng với các bao hàng. Rồi nhóm khác lại quăng lên đủ thứ hổ lốn và đu bám lên thay chổ một cách thiện nghệ. Thỉnh thoảng nhân viên đường sắt đeo băng đỏ đi qua lại rồi biến mất. Châu nói họ tìm những người đi lậu mới lên để thu tiền bỏ túi riêng. Nhiều chuyến quá đông đến độ dân buôn leo lên ngồi đầy trên nóc và có người bị các thanh sắt dầm cầu đập trúng đầu rơi xuống chết bên đường. Đoàn tàu chạy đều đặn qua các ga cho đến chiều tối thì về đến Saigon.

    Châu hẹn sáng mai gặp nhau bên nhà nó cùng gộp chung hàng đem bán cho mối có sẳn rồi chia tay ra khỏi sân ga. Tam và ông anh đi bộ ra khỏi ga đứng đón xe buýt bên vỉa hè dưới ánh sáng chập choạng của ngọn đèn đường. Giờ này những người làm công nhân viên chức đã về nhà nên đường phố loe hoe vài chiếc xe đạp, một khách bộ hành mặc bộ quần áo cũ rách rưới đi qua với dáng vẻ mệt nhọc. Một cảm giác buồn nản xuất hiện trong đầu làm Tam phải dựa cái ba-lô trên lưng vào bức tường phía sau để đứng cho vững hơn.


    Vũ Phan


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X