Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hộp quẹt zippo – Kỷ vật của chiến tranh

Collapse
X

Hộp quẹt zippo – Kỷ vật của chiến tranh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hộp quẹt zippo – Kỷ vật của chiến tranh


    Hộp quẹt zippo – Kỷ vật của chiến tranh

    Nguyễn Ngọc Chinh



    Ở miền Nam trong thời chiến tranh xuất hiện một loại hộp quẹt mang tên Zippo. Thoạt đầu người ta không chú ý đến nó vì Zippo chỉ dùng trong quân đội Mỹ. Zippo có thể được mua trong PX (Post Exchange), một loại cửa hàng dành riêng cho các chú GIs (Government Issues – vì lính Mỹ do chính phủ trang bị từ đầu đến chân), tương tự như “quân tiếp vụ” của quân lực VNCH.

    Dần dà hộp quẹt Zippo đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân miền Nam, kể cả những người không hút thuốc và các bà nội trợ. Đơn giản chỉ vì Zippo còn được dùng để nhóm bếp củi, bếp than hay lò dầu hôi. Mỗi lần bật nắp Zippo nghe tiếng “cắc” thật lạ tai, nhưng riết thành quen. Chỉ nghe tiếng “cắc” là biết ngay có sự hiện diện của Zippo!

    Ngoài đặc điểm “windproof” (chống gió), Zippo còn có thể giữ được ngọn lửa trong mọi thời tiết nhờ thiết kế “chắn gió”. Khó có thể dập tắt một chiếc Zippo đang cháy bằng cách thổi vào ngọn lửa, tuy nhiên ngọn lửa sẽ dễ dàng tắt nếu bị thổi từ trên xuống.


    Bộ phận đánh lửa và bấc của Zippo.
    Cách tốt nhất để dập tắt ngọn lửa Zippo là đóng nắp hộp quẹt, ngọn lửa sẽ tắt vì thiếu oxy. Tuy nhiên, không giống các loại bật lửa khác, việc đóng nắp không làm cắt nguồn nhiên liệu cung cấp cho hộp quẹt.

    Zippo cháy bằng sợi bấc, được tẩm xăng và chứa trong phần thân của hộp quẹt. Ngoài bấc, bên trong hộp quẹt còn có loại bông gòn đặc biệt thấm xăng, phần chứa đá lửa chạy dài theo thân có lò so và có một con ốc khóa trục phần đựng đá lửa.

    Lớp trong thân của Zippo

    “Nghề chơi” Zippo cũng lắm công phu vì ngoài chiếc hộp quẹt nhà sản xuất còn có những “phụ tùng” đi kèm với sản phẩm chính. Xăng dùng cho Zippo là loại xăng đặc biệt, tương tự như xăng máy bay, nên có ngọn lửa màu hơi xanh xanh. Nếu dùng xăng thường sẽ có ngọn lửa màu vàng, đôi khi lại còn có khói.

    Zippo cháy với ngọn lửa pha chút màu xanh

    Đá lửa của Zippo được chế tạo với độ đánh lửa rất nhạy, chỉ cần một động tác xoay bánh xe đánh lửa là bấc Zippo bắt tia lửa và hộp quẹt cháy ngay, không đợi đến lần đánh lửa thứ hai.

    Ngay từ đầu thập niên 50 hãng Zippi đã đăng quảng cáo “Zip-A-Flint” là một dụng cụ nạp đá lửa trong đó có 6 viên đá để người sử dụng Zippo nạp vào hộp quẹt, mỗi lần một viên. Giá vào thời đó, 6 viên đá lửa chỉ có 15 xu!

    Quảng cáo đá lửa Zippo

    Sài Gòn xưa xuất hiện một nghề lạ lẫm: khắc trên hộp quyẹt Zippo, khách hàng là những người lính Mỹ muốn lưu giữ kỷ niệm trong thời gian phục vụ tại Việt Nam. Họ viết những lời muốn khắc lên giấy và chỉ ít phút sau, tác phẩm trên hộp quẹt đã hoàn thành.

    Thợ khắc có hai loại, hoặc khắc thủ công bằng tay hoặc bằng máy. Máy khắc được chế tạo rất đơn giản chứ không phải khắc bằng tia laser như ngày nay. Máy khắc hồi đó chỉ gồm những thanh sắt nối với nhau thành một hình chữ nhật với 2 đầu: một đầu có gắn mũi khoan để khắc trên hộp quẹt một đầu di chuyển trên các con chữ đã xếp từ trước.

    Trên lề đường Lê Lợi có rất nhiều thợ khắc chữ không những trên hộp quẹt mà còn trên thẻ bài, bút máy và các vật dụng khác. Một khúc của đường Lê Lai hồi xưa cũng có nhiều kiosk nhận khắc chữ, khắc hình. Xem ra nghề khắc làm ăn cũng khấm khá vì người ta phỏng đoán có khoảng 200.000 bật lửa Zippo đã được lính Mỹ sử dụng tại Việt Nam.


    Đối với nhiều người, sưu tầm hộp quẹt Zippo là một “hobby”, một cái thú vừa tốn tiền nhưng cũng không kém phần thú vị như sưu tầm tem bưu chính. Trong cái thú đó, nội việc sưu tầm những hộp quẹt đã được sử dụng bởi các quân nhân Mỹ tham chiến tại Việt Nam cũng đã thu hút sự quan tâm của giới sưu tập.

    Một cựu chiến binh Mỹ đã từng tham gia chiến tranh Việt Nam tâm sự:

    “Chiếc Zippo thực sự là bức tranh tái hiện một cách chân thật những tâm trạng và cảm xúc của người lính. Chúng cũng có thể là di vật cuối cùng người lính trước khi tử trận. Giờ đây, đối với nhiều người, chiếc hộp quẹt Zippo sẽ là một kỷ niệm vô giá của quá khứ”.

    Chiếc Zippo có một lịch sử gắn liền với quân đội Hoa Kỳ từ thời đệ nhị thế chiến. Chính xác hơn là năm 1945 đã có một số quân nhân Mỹ được gửi sang Việt Nam giúp lực lượng kháng chiến Việt Minh chống lại quân đội Nhật trong cuộc chiến tại Thái Bình Dương.

    Thời chiến tranh Đông Dương, có các loại hộp quẹt Olympic và Drago dùng trong quân đội Pháp. Trong trận Điện Biên Phủ cũng có một số phi công người Mỹ tại các căn cứ Gia Lâm và Bạch Mai, họ cũng tặng một số Zippo cho các phi công lái Dakota người Pháp để làm kỷ niệm.

    Tại Việt Nam thời chiến tranh Đông Dương, người Pháp còn có lực lượng Quân đội Viễn chinh (La Légion Étrangère), còn được gọi là đội quân “Mũ Kepi Trắng” (Les Képi Blanc). Họ là những binh sĩ cuối cùng rời khỏi Hà Nội năm 1954 khi Hiệp định Genève được ký kết.

    Hộp quẹt của Đội quân Viễn chinh Pháp tại Việt Nam trong cuộc Chiến tranh Đông Dương

    Tại Nhật Bản, các nhà sưu tập lại chú ý đến hình ảnh “người phụ nữ Á Đông và con chim hòa bình” (La femme à l’oiseau) được khắc trên hộp quẹt Zénith là một kỷ vật từ thời kỳ PX (Post Exchange – một hình thức các cửa hàng bán lẻ phục vụ quân đội Hoa Kỳ) được mở cửa tại đây.

    “La femme à l’oiseau” – Kỷ niệm từ Nhật Bản

    Trong cuộc chiến Triều Tiên cũng đã có sự tham gia của quân đội Hoa Kỳ và như thế, chiếc Zippo theo chân người lính ra tận chiến trường.

    Zippo từ thời chiến tranh Triều Tiên (1952)
    Zippo được sản xuất theo từng đợt và mỗi đợt đều có “code” nằm bên dưới đáy hộp quẹt. Với những mã số này, người sưu tầm có thể xác định niên đại cũng như đánh giá sự quý hiếm của Zippo mà mình sở hữu.

    Code Zippo sản xuất năm 1952, thời Chiến tranh Triều Tiên


    Zippo sản xuất năm 1967 thời Chiến tranh Việt Nam


    Zippo sản xuất năm 1968

    Những dòng chữ được khắc trên hộp quẹt trong chiến tranh Việt Nam có code từ các năm 1965 đến 1973. Đó là thời điểm quân đội Hoa Kỳ đến và rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Paris.

    Có hai cách khắc chính trên hộp quẹt: khắc bằng tay (thủ công) và khắc bằng máy (được gọi là “máy vẽ (khắc) truyền” – Pentograph). Nhiều khi người lính cũng tự khắc lấy và những “tác phẩm điêu khắc” mộc mạc này nhiều khi còn quý hơn đối với những người sưu tập!



    Thợ khắc thủ công



    Máy vẽ (khắc) truyền” – Pentograph



    Lính Mỹ khắc hộp quẹt tại Sài Gòn

    Những thông điệp khắc trên hộp quẹt rất đa dạng. Từ những câu triết lý nghiêm trang “To love each other is not to look at each other but to look together at the same aim” đến những câu bất cần đời theo ngôn ngữ của lính “If I had a farm in Vietnam and a home in hell. I’d sell my farm and go home”. Từ những tâm trạng khắc khoải của người lính xa nhà “I can’t live without you, I can’t anymore but I can’t die” đến những ngán ngẩm trước sự chết chóc “There is nothing so sweet as the smell of death in the morning”.

    Thông điệp trên hộp quẹt…


    …là những gửi gắm nỗi lòng

    Zippo cũng xuất hiện trong quân lực VNCH với huy hiệu của các binh chủng như Nhảy dù, Thủy quân Lục chiến, Biệt động quân, Biệt kích 81…

    Zippo của binh chủng Nhảy Dù.
    Đặc biệt hơn cả là những chiếc hộp quẹt quà tặng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu kèm theo chữ ký. Những món quà này thường được tặng cùng với “Anh dũng Bội tinh” hay “Chiến thương Bội tinh” dành cho những quân nhân xuất sắc.

    Quà tặng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu


    Nguồn: Nguyễn Ngọc Chinh –https://nhacxua.vn/hop-quet-zippo-ky-vat-cua-chien-tranh/

  • #2

















    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X