Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Yêu Vợ Nhất Đời

Collapse
X

Yêu Vợ Nhất Đời

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Yêu Vợ Nhất Đời

    YÊU VỢ NHẤT ĐỜI
    Posted on April 4, 2017 by hoanghaithuy

    Trích tuyển tập "HOA TƯƠNG TƯ" của Nhà Văn Nữ HỒNG THỦY

    Hoàng Hải Thủy người đàn ông yêu vợ nhất trên đời

    Nếu không lưu lạc qua xứ người, chắc chẳng bao giờ tôi có cơ hội trở thành cô em gái của anh chị Hoàng Hải Thủy, để được biết một chuyện không thể nào ngờ: một nhà văn nổi tiếng, đẹp trai, hào hoa phong nhã như anh Hoàng Hải Thủy lại là một người chồng ngoan và ‘cực kỳ’ yêu vợ. Ở tuổi ngoài 80, nỗi lo sợ lớn nhất của anh Hoàng Hải Thủy là chị bỏ đi trước anh và anh phải sống một mình. Có lẽ tại anh chị có một tình yêu đẹp quá. Tôi dám nói như vậy vì anh có tặng tôi tập thơ của anh xuất bản năm 1995. Trong những bài Thơ HHT tôi đọc được Tình Yêu của Anh Chị. Cuộc Tình đã thắm đượm trong 60 năm.



    Mở đầu tập Thơ là ảnh chị Hoàng Hải Thủy với nụ cười Mona Lisa. Hình này chị chụp khi tóc chị đã điểm sương, nhưng trông chị còn đẹp. Trên tấm ảnh là giòng chữ:

    “Tặng Alice. Washington DC Cuối Thu 94.”

    Chữ ký Hoàng Hải Thủy rất bay bướm. Có bông hoa dưới chữ ký.

    Trang tiếp theo là 4 câu thơ Alice 54

    Mùa thu mây trắng xây thành
    Tình em mầu ấy có xanh da trời
    Hoa lòng em có về tươi
    Môi em có thắm nửa đời vì anh?

    Thu 1954

    Bài thơ thứ nhì là bài Yêu Hoài Ngàn Năm; HH Thủy làm bài thơ này ngày 15 tháng 10 năm 1977 trong Phòng Biệt Giam Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu. Trong ngôn ngữ ngục tù Cộng sản, Phòng Biệt Giam – gọi theo Tầu – là phòng giam một người; tiếng Pháp của Phòng Biệt Giam là xà-lim: cellule.

    Yêu Hoài Ngàn Năm

    Yêu nhau ngày tháng qua nhanh
    Ba mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau
    Từ xanh đến bạc mái đầu
    Tình Ta nước biển một mầu như xưa
    Yêu bao giờ, đến bao giờ
    Thời gian nào rộng cho vừa tình ta?
    Lòng em hoa vẫn tươi hoa
    Môi em thắm đến em già chưa phai
    Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai
    Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe em
    Mặt trời có lặn về đêm
    Sáng mai em dậy bên thềm lại soi
    Cuộc đời có khóc, có cười
    Có cay đắng, có ngọt bùi mới hay
    Thu về trời lại xanh mây
    Ðầy trời anh thấy những ngày ta yêu
    Càng yêu, yêu lại càng nhiều
    Nhớ em, anh nhắn một điều: yêu em.

    Ðọc bài thơ này tôi chắc nhiều người cảm nhận được tình anh Hoàng Hải Thủy trao cho chị Alice tràn đầy và chung thủy đến như thế nào.

    Những ngày ở tù buồn khổ, cơ cực, Tình Yêu tạo cho anh cảm hứng làm những vần thơ cho chị. Những câu thơ đọc lên nghe nát cả lòng

    Nằm trong khám tối âm u
    Buồn nghe đêm lạnh sương mù sa mưa
    Bồi hồi tưởng mái nhà xưa
    Ngày đi đã nát, bây giờ ra sao?
    Thương em nhạt phấn, phai đào
    Ðêm đêm trở giấc chiêm bao một mình
    Ngủ đi em, mộng bình minh
    Mưa bao nhiêu giọt là tình bấy nhiêu

    *

    Nằm trong khám tối nghe mưa
    Ðêm nào cũng thấy đêm thừa trống canh
    Thương nhau nên ngủ không đành
    Nhớ nhau nhưng mộng không thành em ơi
    Anh nghe từng tiếng lệ rơi
    Biết em đang khóc nên trời đổ mưa…

    Làm trong xà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu năm 1976

    o O o

    Mới 10 tuổi chú nhi đồng Dương Trọng Hải (tên thật của anh Hoàng Hải Thủy) đã nuôi mộng trở thành văn sĩ. Ngay năm 10 tuổi anh mê đọc Giông Tố của Vũ Trọng Phụng và Trường Đời của Lê Văn Trương. Anh phục các ông văn sĩ, anh thấy các ông như những Ông Trời trong những tác phẩm của các ông. Các ông có quyền tạo ra các nhân vật, tạo ra cuộc sống đa dạng cũng như định mệnh của các nhân vật đó.

    Anh bắt đầu viết văn năm 18 tuổi. Một năm sau, 1952, anh dự cuộc thi Truyện Ngắn do Nhật báo Tiếng Dội tổ chức. Truyện được chọn đăng báo là tác giả được nhà báo trả 200$. Số tiền khá hấp dẫn với chàng trai 19 tuổi.

    Năm 1952, Truyện ngắn dự thi ‘Người Con Gái Áo Xanh’ của anh được Giải Nhất. Tiền thưởng là 3.000$. Ông Trần Tấn Quốc, chủ nhiệm nhật báo Tiếng Dội đãi ba người trúng giải Nhất, Nhì, Ba bữa tiệc cao lâu, rồi đưa mỗi người một tấm check – ngân phiếu.

    Đi lãnh tấm chi phiếu thứ nhất trong đời ở Ngân Hàng, về nhà anh biếu thầy mẹ anh 500$, anh chia cho các em anh một phần. Anh đi may cho anh bộ complet đầu tiên với giá 700$. Bộ complet bằng tiền của anh.

    Từ đó sự nghiệp văn chương của anh bắt đầu khởi sắc. Những truyện dài đăng trên các báo của anh hấp dẫn người đọc. Lần lượt các truyện dài đăng báo của anh như Như Truyện Thần Tiên, Tìm Em nơi Thiên Đường, Định Mệnh đã an bài, v.v. .. được các nhà xuất bản mua bản quyền xuất bản nhiều lần.

    Tác phẩm nổi tiếng nhất của anh là cuốn tiểu thuyết phóng tác Kiều Giang. Anh lấy tên cô con gái cưng, bé Kiều Giang lúc đó mới được 6 tháng để đặt tên cho tác phẩm này.

    Nói tới nhà văn Hoàng Hải Thủy là ai cũng nghĩ ngay tới tác phẩm Kiều Giang. Điều này đã cho anh cảm hứng sáng tác bài thơ làm trong Xà lim Khu B, trại giam Phan Đăng Lưu năm 1978. Có những câu đọc muốn ứa nước mắt.

    Người bạn tù hỏi qua song cửa
    Phải anh là Hoàng Hải Thủy
    Anh viết truyện Kiều Giang?
    Kiều Giang …!
    Ôi tên con, tên ngọc, tên vàng
    Làm bố vỡ tim và hồn nức nở
    Khi đặt tên con đâu ngờ có thuở
    Nghe tên con giữa chốn lao tù
    Những đêm dài ngục tối âm u
    Bố thấy mắt con sáng bừng rực rỡ
    Bố yêu con trong từng hơi thở
    Trong trái tim hồng, trong giòng máu đỏ
    Kiều Giang ơi, tiếng kêu thương nhớ
    Con có run da thịt đêm nay?
    Bố cho con trọn máu xương này.

    Anh chị có 3 người con 2 trai 1 gái. Hoài Nguyên và Kiều Giang ở Texas và Ohio. Hải Triều ở Sài Gòn. Tôi hỏi tại sao anh chị lại chọn Virginia để định cư. Anh cho biết anh quen biết anh Anh Ngọc (ca sĩ rất nổi tiếng của VN ngày xưa). Hồi anh còn ở VN, anh Anh Ngọc, ở Hoa Kỳ, có gửi về cho anh một tấm ảnh anh chị Anh Ngọc ngồi trên một thảm cỏ xanh, trên thảm cỏ có những chiếc lá vàng, quanh anh chị là cả một rừng lá thu vàng.

    Anh Hoàng Hải Thủy mê ngay phong cảnh quá đẹp đó nên khi có giấy tờ được sang Mỹ, anh chị quyết định chọn nơi có thảm cỏ xanh và rừng lá vàng tuyệt đẹp để định cư. Đó là tiểu bang Virginia, một tiểu bang có cái tên tình tứ Virginia is for Lovers.

    Anh chị chọn Virginia vì ở Virginia anh chị có mấy người bạn thân và có bà Khúc Minh Thơ, người hết lòng giúp đỡ những cựu tù nhân chính trị ở VN qua Hoa Kỳ tị nạn.

    Thời gian đầu anh chị thường dự những buổi họp văn nghệ. Từ 10 năm nay, vì tuổi tác, anh chị không tham dự những hội hè đình đám nữa. Những ngày gần đây sức khoẻ chị suy yếu, anh sợ chị sẽ bỏ anh đi trước. Chị bị ngã mấy lần. Anh tâm sự anh không thể sống thiếu chị.

    Tôi trêu anh: tại chị nấu ăn ngon và cưng anh quá. Chị Hoàng Hải Thủy làm chả giò rất ngon. Nhắc đến chả giò tôi nhớ một kỷ niệm rất cảm động với anh chị. Một hôm tôi tình cờ gặp anh chị ở chợ Việt Nam bên Virginia. Chị em tôi mừng rỡ ôm chầm lấy nhau vì lâu quá hai chị em mới có dịp gặp nhau. Chúng tôi ở cách xa nhau. Tôi ở Maryland, anh chị ở Virginia. Đang nói chuyện với tôi bỗng chị quay qua anh, nói:

    – Anh về nhà lấy gói chả giò em để trên ngăn đá mang ra đây em biếu cô Thủy. Em ở đây nói chuyện với cô ấy. Lâu quá chị em mới gặp nhau.

    Tôi cản thế nào cũng không được, anh đi thật nhanh ra xe để về nhà lấy chả giò cho tôi. Anh chị thương tôi như vậy đó và tôi cũng rất quí mến anh chị. Chị rất dễ thương nên được lòng nhiều bà cùng cư ngụ trong tòa nhà.

    Một hôm tôi tới thăm anh chị đúng lúc anh đi đón chị ở nhà thương vừa về tới. Tôi thấy một bình hoa hồng thật đẹp của các bà cùng sống trong nhà để sẵn ở cửa phòng để mừng đón chị về. Vào trong nhà lại thấy bao nhiêu là bánh trái. Anh nói của các bà hàng xóm thấy chị đau nên mang tặng. Có mấy ai được mọi người quí mến như anh chị đâu.

    Tôi rất mừng thấy anh còn khoẻ mạnh dù tuổi đã cao. Ngoài 80 mà anh vẫn còn phong độ, sáng suốt. Vẫn lái xe đưa chị đi chợ và viết bài cho các báo. Điều hạnh phúc nhất là tình yêu của anh chị sau 62 năm vẫn còn thắm thiết như những ngày đầu.

    Ngày đó gia đình chị đi Vũng Tàu nghỉ mát, mướn nguyên một Villa. Anh họ của chị – con ông bác – là bạn thân của anh, rủ anh cùng ra Vũng Tầu.

    Biển xanh, nắng vàng và những đêm trăng thơ mộng của Vũng Tàu đã cho cặp trai tài gái sắc có cơ hội gần gũi và nẩy sinh tình cảm với nhau.

    Kết quả anh tỏ tình và xin cưới chị. Anh kể: Tối hôm trước vừa tỏ tình với chị thì ngay sáng hôm sau khi ra phố uống café, mua tờ báo đọc, thấy trên trang nhất giòng chữ 8 cột:

    Hiệp Định Geneve ký kết. Hết chiến tranh, chia đôi đất nước.

    Ngày anh chị quyết định kết hợp cuộc đời là ngày đất nước chia đôi thành hai miền Nam Bắc. Ngày đó không chỉ là ngày đặc biệt khiến anh chị nhớ mãi, mà cũng là ngày mà mọi người dân Việt không thể nào quên.





    ÔB Hoàng Hải Thủy 1994 - vừa đến định cư ở Hoa Kỳ





    Ông Bùi Dương Liêm phỏng vấn ÔB Hoàng Hải Thủy (Youtube) - tháng 11, 1994





    Từ trái: VŨ THỤY HOÀNG,TRƯƠNG CAM VĨNH & Mrs VĨNH, TRẦN KÍNH, NGUYỄN ĐỨC NAM, KIM NGA, KHÚC MINH THƠ, NGUYỄN NGỌC BÍCH, Mrs HOÀNG HẢI THỦY ( ALICE), HOÀNG HẢI THUỶ,ĐỖ DIỄN NHI (Hình do Đào Trường Phúc chụp, sau nhà Nguyễn Đức Nam chào mừng ÔB HHT đến DC)


    Hoàng Hải Thủy:

    Tôi nhớ lại những buổi sáng năm xưa tôi trở dậy trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, xương cốt mỏi rừ vì nằm co quắp trên bệ xi-măng, ngồi trong vùng sáng mờ từ bên ngoài lọt vào qua ô cửa gió – ô cửa gió trên cửa sắt sà-lim nhỏ bằng quyển sách – ca nước lạnh để trước mặt, thèm ly cà-phê nóng, thèm khói thuốc lá.., tù không biết ngày nào được trở về mái nhà xưa và vòng tay gầy của người vợ hiền, nhưng những buổi sáng sà-lim ấy tôi không buồn, không tuyệt vọng… như những buổi sáng năm nay tôi sống an ninh ở xứ Mỹ.

    Đây là bài thơ Buồn tôi làm ở Sài Gòn năm 1976.

    Năm 1976 vợ chồng tôi líu ríu sống bên nhau trong căn nhà nhỏ trong xóm nhà được gọi là Cư Xá Tự Do – cư xá ở giữa Ngã Ba Ông Tạ và Ngã Tư Bẩy Hiền.

    Như cánh lá vàng sau trận cuồng phong
    Anh rạt về đây, xóm hẹp, người đông.
    Nhà Em, nhà Anh cách hai thước ngõ
    Những chiều mưa buồn nước ngập như sông.
    Em đứng não nùng trước dàn ván gỗ
    Như người chinh phụ ôm con đợi trông.
    Anh đứng võ vàng sau khung cửa sổ
    Như người tù nhìn trời qua chấn song.
    Anh đứng trông mây, Em đứng trông chồng.
    Vắng chồng con bế, con bồng, Em mang.
    Cái bống là cái bống bang.
    Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ.
    Tiếng ru hờ, tiếng khóc ơ
    Vương trên khung cửa bây giờ tang thương.
    Đìu hiu cuối ngõ, cùng đường.
    Bên Anh tuyệt vọng, đoạn trường bên Em.
    Ngày qua ngày, đêm theo đêm
    Ngày rơi tàn tạ, đêm chìm phôi pha.
    Buồn từ trong cửa buồn ra
    Buồn từ ngã bẩy, ngã ba buồn về.
    Ta đang sống, ta đang mê,
    Hay ta đang chết não nề, Em ơi ?




    THÁNG BẨY 54
    Posted on July 31, 2017 by hoanghaithuy



    Hoa Gạo

    Anh đã từng đi khắp bốn phương,
    Tháng Ba, anh có thấy trên đường
    Những hoa gạo đỏ tươi như máu
    Nhầu nát như người lính tử thương ?

    Anh ạ, tôi buồn khôn xiết nói
    Cánh Tình đã rụng tự đêm qua.
    Một khi Tình rụng như Hoa rụng,
    Máu đỏ lìa Tim, dạ xót xa.

    Thơ Nguyễn Bính

    Tháng Bẩy 2017 ở Virginia, trời nắng nóng không khác mấy trời nắng nóng Tháng Bẩy ở Sài Gòn.

    Căn phòng tôi có cửa sổ mở ra hướng Đông Nam. Tôi thường dậy lúc 5 giò sáng. Pha ly cà phê tôi mang ra ngồi trước cửa sổ, nhâm nhi – cà phê không có thuốc điếu cùng đi – tôi bỏ thuốc điếu từ năm 1992, hai năm sau ngày tôi đi tù lần thứ hai, ngày tôi lần thứ hai từ nhà tù Việt Cộng trở về mái nhà xưa và vòng tay của người vợ hiền – Nhìn qua cửa sổ ra rừng phong, sáng vào khoảng 6 giờ, tôi thường thấy hai con sóc chuyền cành trên hàng cây. Loài sóc chuyên đi trên cây. Sóc không ăn sâu bọ, sóc ăn trái cây. Những vòm cây trước phòng tôi không cây nào có trái, tôi không biết những con sóc tôi thấy đó ăn gì để sống.

    Tôi không nhớ có lần nào tôi nhìn thấy sóc ở quê hương tôi không; tôi không biết nước Việt Nam của tôi có loài sóc hay không.

    Sáng nay – buổi sáng ngày 12 Tháng Bẩy 2017 – TiVi nhắc lại ngày này Tháng Bẩy năm 2002 anh Mỹ Đen John Allen Muhamad dùng súng bắn chết một người đàn bà ở parking – nơi đậu xe của Nhà Home Depot – Trước khi bắn người đàn bà này, Muhamad đã bắn chết mấy người.

    Tên sát nhân bắn người vì thích giết người. Y giết người mà không có lý do. Nhà Home Depot này ở trong vùng nhà tôi, từ nhà tôi đến Nhà Home Depot này chỉ mất 3 phút chạy xe. Tôi từng đến đứng ở parking Home Depot, tưởng tượng cảnh Muhamad bắn người, hắn đứng chỗ nào, nạn nhân đứng chỗ nào.

    Ngày 12 Tháng 7, 2002, Ngày 12 Tháng 7, 2017…

    Dòng Thời Gian dài một ánh bay..
    Những ngày như lá, tháng như mây…

    Tháng Bẩy 1954.. Xe ô tô tư nhân từ thành phố Sài Gòn ra thị trấn Vũng Tầu chỉ đi và về được trong hai ngày trong tuần: ngày thứ bẩy và ngày chủ nhật. Trong hai ngày ấy xe ô tô tư nhân, xe car chở khách, phải tụ lại lúc 6 giờ sáng ở Thủ Đức, chờ xe của Lực Lượng Bình Xuyên dẫn đường ra Ô Cấp. Năm xưa ấy dân Sài Gòn quen gọi thị trấn biển ấy là Cấp, theo tên tiếng Pháp Cap Saint Jacque. Xe tư nhân từ Cấp về Sài Gòn cũng phải có xe Bình Xuyên mở đường và dẫn đường. Lực Lượng Bình Xuyên bảo đảm an ninh trên con đường ấy.

    Chiến tranh chưa ngừng, chưa có Hiệp Định Geneve, đất nước ta chưa bị cắt đôi. Thị trường tiểu thuyết Sài Gòn năm xưa ấy có loại tiểu thuyết in từng tập, mỗi tập là một tờ giấy báo gấp lại thành 16 trang, giá bán 2 đồng. Loại truyện này bị gọi là tiểu thuyết ba xu, nhưng có nhiều người mua đọc. Truyện ba xu bán chạy nhất là truyện Bàn Tay Máu của Phi Long.

    Phi Long là một bút hiệu của anh Ngọc Sơn, một chuyên viên Truyện Phơi-Ơ-Tông của nhật báo Tiếng Chuông. Tôi thấy anh Ngọc Sơn đúng là nhà văn Phơi-Ơ-Tông chân chính. Với bút hiệu Ngọc Sơn anh từng viết những truyện phơi-ơ-tông nổi tiếng trên nhật báo Tiếng Chuông: Hồng và Cúc, Sau Dẫy Nhà Lầu..v..v.. Năm 1963 anh Ngọc Sơn giải nghệ. Từ đó anh không viết phơi-ơ- tông nữa.

    Năm nay – 2017 – tôi không biết anh Ngọc Sơn còn sống ở Sài Gòn hay không. Anh hơn tôi khoảng năm, sáu tuổi.

    Đó là chuyện những năm 1952, 1953. Tiểu thuyết từng tập phát triển quá mạnh. Nó lấn át các nhật báo, tuần báo. Nó làm cho các báo không bán được. Nhiều vị chủ nhật báo kêu ca. Năm 1954 Nha Thông Tin Nam Phần cấm xuất bản loại tiểu thuyết Ba Xu này.

    Năm 1953 tôi viết hai truyện tiểu thuyết Ba Xu. Mỗi tập 16 trang tôi được ông chủ Nhà In Ban Mai trả 300 đồng. Như vậy mỗi tháng tôi có 1200 đồng.

    Tháng Bẩy 1954 Alice và tôi sống ở Cấp. Buổi sáng chúng tôi ăn sáng ở Chợ Vũng Tầu. Tôi đến sạp báo, trên tờ Tiếng Chuông tôi thấy hàng chữ bản tin chạy 8 cột:

    Chiến Tranh Đông Dương chấm dứt.
    Nước Việt Nam chia đôi!

    Từ buổi sáng đó đến buổi sáng hôm nay, 62 năm…

    ***

    Tôi thích sống ở biển. Những năm 1970 tôi có ý định ra sống luôn ở Vũng Tầu, trong một căn nhà ven biển. Từ nhà tôi đi qua đường là xuống biển. Trong căn nhà đó tôi sống và viết. Tôi gửi bài viết về những tòa báo ở Sai Gòn bằng Bưu Cục. Khoảng nửa tháng tôi về Sài Gòn một lần. Tôi về lấy tiền ở những nhà báo, nhà xuất bản. Tôi chỉ cần mua thuốc điếu Mỹ – Lucky, Pall Mall – mang ra Vũng Tầu.

    Tôi nói :

    – Chúng mình yêu nhau đã sáu mươi năm!

    Alice nói;

    – Sáu mươi hai năm.

    Một buổi sáng Tháng Bẩy Sáu Mươi Hai Năm Xưa, chúng tôi ngồi bên nhau trong vườn nhãn một căn nhà trong thị xã Vũng Tầu. Nàng 22 tuổi, tôi 24. Nàng trẻ, Nàng đẹp. Nàng như bông hoa chớm nở. Nay Nàng là bà già Tám Mươi..

    Tôi không thể diễn tả Nàng bây giờ, khi Nàng tám mươi tuổi.

    Ngày xưa Nàng nói:

    – Em thích nhất là khi em vào chỗ nào có mấy bà, mấy cô. Một bà giới thiệu “Đây là chị Hoàng Hải Thủy,” Em thấy mắt các bà, các cô ấy sáng lên.

    Mùa thu mây trắng xây thành
    Tình Em mầu ấy có xanh da trời?
    Hoa lòng Em có về tươi?
    Môi Em có thắm suốt đời vì Anh?

    Yêu nhau ngày tháng qua nhanh
    Sáu mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau.
    Từ xanh đến bạc mái đầu
    Tình Ta nước biển một mầu như xưa.
    Yêu bao giờ, đến bao giờ?

    Thời Gian nào rộng cho vừa Tình Ta?
    Lòng Em hoa vẫn tươi hoa.
    Môi Em thắm đến Em già chưa phai.
    Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai.
    Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài Em yêu!

    Sau hai lần ngã phải vào bệnh viện, Nàng đi lại khó khăn. Lần ngã nặng thứ hai cách hôm nay 5 năm. Bị ngã quá nặng, khi nằm trong ICU – Intensive Care Unit – Phòng Cấp Cứu – Nàng nói;

    – Xin Chúa tha tội cho Em.

    Tôi nói;

    – Em có tội gì? Mà em có tội gì, Chúa cũng tha cho Em rồi.

    Bên giường nàng, tôi xin Đức Bà Maria:

    – Xin Bà cho vợ con sống với con 5 năm nữa.

    Tới hôm nay – một ngày Tháng Bẩy 2017 – vợ tôi đã sống với tôi 7 năm

    Kính mừng Maria đầy ân phúc.
    Đức Chúa Trời ở cùng bà.
    Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ. Và Jesus, con của bà, đầy phúc lạ.
    Bà Thánh Maria, xin Bà cầu cho chúng tôi, khi nay và trong giờ lâm tử.

    ***

    Tháng Bẩy 1954 tôi đang viết truyện Tình trong Hang Máu, tiểu thuyết Ba Xu, xuất bản từng tập 16 trang,

    Ra Cấp, ngoài những giờ ở bãi biển, tôi ngồi nhà viết Tình trong Hang Máu

    Alice ngồi bên tôi, tôi viết xong trang nào, Nàng đọc trang ấy.

    Khi ấy chúng tôi tình trong như đã..Như trong tấm ảnh chúng tôi ghi ở Long Hải năm ấy, chúng tôi đứng bên nhau nhưng không nắm tay nhau. Chúng tôi chưa nói những tiếng;

    – Anh yêu Em.

    – Em yêu Anh.

    Ảnh này đến với chúng tôi từ 60 năm trước. Dưới ảnh là xác khô của hai cánh hoa Orchid, thường được dân Sài Gòn gọi là hoa Forget Me Not

    Tháng Bẩy 1954, Long Hải.
    Thời gian qua mau… Những ngày như lá, tháng như mây..

    Tháng Bẩy 2017, chúng tôi nói với nhau:

    – Tại sao Em yêu Anh?

    – Tháng Bẩy năm 1954, trong vườn nhãn ở Cấp, Em thấy mắt Anh nhìn Em, Em nghĩ:

    “Làm vợ người này, mình sẽ được yêu thương nhiều lắm.”

    Từ Sài Gòn, Văn Quang viết cho tôi:

    “Cuộc Tình của vợ chồng mày cho thấy ở đời này có những người yêu nhau từ trẻ đến già.”

    ***

    Đêm xuống trong bệnh viện, Nàng nói nhỏ, như tiếng thì thầm:

    – Ở lại với Em. Đừng về.

    Đêm khuya, Nàng khó thở, tiếng Nàng thở hít khò khè, tôi báo với cô y tá trực đêm. Cô mang dàn máy dưỡng khí vào cho Nàng thở.

    Là người tỵ nạn chính trị, chúng tôi được hưởng những benefits như những sĩ quan: chúng tôi có Medicaid, Medicare, Foodstamp, đi khám bệnh, đau nằm bệnh viện không phải trả tiền.

    Đặc biệt trong Sở Xã Hội Quận Fairfax, nơi vợ chồng tôi sống, có vị nhân viên người Việt có sáng kiến cung cấp những bữa cơm Việt Nam cho chúng tôi. Sở nhờ Nhà Hàng Hương Bình ở Trung Tâm Eden làm công việc này. Có những vị tự nguyên đến Nhà Hàng mỗi ngày lấy cơm đưa đến tận phòng cho chúng tôi. Những phần cơm canh đựng trong những hộp mob. Mỗi phần ăn chúng tôi phải trả 1 đồng. Như vậy tiền cơm của chúng tôi mỗi tháng là 80 đồng. Mỗi người 40 đồng.

    Dường như trên khắp nước Kỳ Hoa không thành phố nào có việc Sở Xã Hôi cho nhân viên đem phần cơm đến tận nhà cho những người già như chúng tôi.

    Tôi cám ơn các vị thiện nguyện.

    Biết chuyện Cơm Canh của chúng tôi, Thanh Thương Hoàng, ở San Jose, nói:

    – Ở đây tao cũng có cơm xã hội, mỗi bữa 3 đồng. nhưng tao phải đến ăn ở tiệm ăn Việt Nam, chúng mày sướng quá.

    Anh đã từng đi khắp bốn phương,
    Tháng Ba, anh có thấy trên đường
    Những hoa gạo đỏ tươi như máu
    Nhầu nát như người lính tử thương ?

    Anh ạ, tôi buồn khôn xiết nói
    Cánh Tình đã rụng tự đêm qua.
    Một khi Tình rụng như Hoa rụng,
    Máu đỏ lìa Tim, dạ xót sa.



    NHẠC SẦU THÁNG SÁU
    Posted on July 5, 2017 by hoanghaithuy



    Kỳ Hoa Đất Trích. Tháng Sáu 2017.


    Tôi nhớ lại những sáng năm xưa tôi trở dậy trong xà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, xương cốt mỏi nhừ vì nằm co quắp trên bệ xi-măng, ngồi trong vùng sáng mờ từ bên ngoài lọt vào qua ô cửa gió – ô cửa gió trên cửa sắt sà-lim nhỏ bằng quyển sách – ca nước lạnh để trước mặt, thèm ly cà-phê nóng, thèm khói thuốc lá.., những sáng trong tù mà không biết ngày nào được trở về mái nhà xưa và vòng tay gầy của người vợ hiền, nhưng những buổi sáng xà-lim xưa ấy tôi không buồn, không tuyệt vọng… như những buổi sáng năm nay tôi sống an ninh ở xứ Mỹ.

    Tại sao những sáng năm xưa ngồi trong xà-lim, với ca nước lanh trước mặt, tôi không buồn, tôi không cảm thấy tôi tuyệt vọng?

    Tại vì: Những sáng năm xưa ấy tôi Năm Mươi tuổi. Năm Bó.

    Tôi buồn, tôi tuyệt vọng vì năm nay tôi Tám Mươi tuổi. Tám Bó.

    Tôi tìm được một số chuyện về Chết trên WEB. Mời quý vị đọc:

    Chết (Huy Cận)

    Chân quấn quít rồi đến ngày nghỉ bước;
    Miệng trao lời rồi đến buổi làm thinh;
    Thân có đôi chờ lúc ngủ một mình,
    Không bạn lứa cũng không mền ấm nóng;

    Tai dưới đất để nghe chừng tiếng sóng
    Ở trên đời; – đầu ấy ngửng lên cao
    Sẽ nằm im! Ôi đau đớn chừng nào;
    Thân bay nhảy giam trong mồ nhỏ tí,

    Một dáng điệu suốt trăm nghìn thế kỷ!
    Ngày sẽ về, gió sẽ mát, hoa tươi,
    Muôn trai tơ đi hái vạn môi cười,
    Làn nắng ấm vào khua trong lá sắc;

    Nhưng mắt đóng trong đêm câm dằng dặc,
    Còn biết gì trời đất ở bên kia;
    Bướm bay chi! tay nhậy đã chia lìa;
    Tình gọi đó, nhưng lòng thôi bắt mộng.

    Bỏ chung chạ để nằm khô một bóng;
    Chẳng ai vào an ủi nắm bàn tay:
    Khổ bao nhiêu cho một kẻ hằng ngày
    Tìm thế giới để làm khuây lẻ chiếc!

    Nhạc Sầu (Huy Cận)

    Ai chết đó ? Nhạc buồn chi lắm thế !
    Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường
    Phố đìu hiu màu khói cũ lên sương
    Sương hay chính bụi tàn phai lả tả
    Từng tiếng lệ: ấy mộng sầu úa lá
    Chim vui đâu cây đã gãy vài cành
    Ôi chiều buồn ! Sao nắng quá mong manh
    Môi tái nhạt nào mà cười héo vậy ?

    Ai chết đó? trục xoay và bánh đẩy
    Xe tang đi về tận thế giới nào ?
    Chiều đông tàn, lạnh xuống tự trời cao
    Không lửa ấm, chắc hồn buồn lắm đó
    Thê lương vậy mà ai đành lìa bỏ
    Trần gian sao? Đây thành phố đang quen
    Nhưng chốc rồi nẻo vắng đã xa miền
    Đường sá lạ thôi lạnh lùng biết mấy !

    Và ngựa ơi, đi nhịp đằm chớ nhảy
    Kẻo thân đau chưa quên nệm giường đời
    Ai đi đưa, xin đưa tận cuối trời
    Chớ quay lại nửa đường mà làm tủi
    Người đã chết- Một vài ba đầu cúi
    Dăm bảy lòng thương xót đến bên mồ
    Để cho hồn khi sắp xuống hư vô
    Còn được thấy trên mặt người ấm áp
    Hình dáng cuộc đời từ nay xa tắp

    Xe tang đi, xin đường chớ gập ghềnh
    Không gian ơi, xin hẹp bớt mông mênh
    Ảo não quá trời buổi chiều vĩnh biệt !
    Và ngươi nữa, tiếng gió buồn thê thiết
    Xin lặng giùm cho nhẹ bớt cô đơn
    Hàng cờ đen là bóng quạ chập chờn
    Báo tin xấu, dẫn hồn người đã xế…

    Ai chết đó? nhạc buồn chi lắm thế !
    Kèn đám ma hay ấy tiếng đau thương
    Của cuộc đời ? ai rút tự trong xương
    Tiếng nức nở gởi gió đường quạnh quẽ !
    Sầu chi lắm! trời ơi, chiều tận thế !

    CTHĐ tôi đọc bài Thơ Nhạc Sầu năm tôi mười tuổi – 1942, 1943. Trong bẩy mươi năm bài Thơ vẫn sống trong tôi. Nhưng tôi không nhớ toàn bài. Sáng nay tôi tìm được bài Thơ trên Internet. Tôi gửi tặng Bạn – Bạn, người đang đọc những dòng chữ này….

    o O o

    Điện thư Văn Quang gửi từ Sài Gòn, ngày 20 Tháng Hai 2016.

    * Rất buồn nhận được mấy lá thư của mày về tình trạng bà Alice. Bà Ngân nhà tao dân dấn nước mắt khi vừa đọc xong thư mày. Tao an ủi nhưng bà ấy không cầm được nước mắt, chỉ lắc đầu không nói được câu nào. Tao biết tâm trạng rối bời đau thương của mày. Nhưng người đi được ra đi bên chồng con trong lúc tuổi già cũng là một Hạnh Phúc. Tao với vợ chồng mày là bạn thân thiết nửa thế kỷ rồi. Dù thế nào vợ chồng tao cũng luôn cầu nguyện cho bà Alice.

    Văn Quang+Ngân

    o O o

    Điện thư của Văn Quang, gửi từ Sài Gòn ngày 22/2/2016

    Hoàng Hải Thủy ơi,

    Hôm nay là Ngày Rằm Tháng Giêng và là Ngày Giỗ Bà Mẹ tao (bà mất ở Mỹ.) Tao nhận được meo này của mày khi tao đang ngồi ở Cafe với mấy đứa cháu. Tao mừng quá vội trả lời cho mày bằng cái iPhone của thằng con út tao cho, iPhone có viber để hai bố con nói chuyện với nhau và nhìn thấy nhau mà không mất xu nào. Mail không có dấu nên tao đánh vội vài câu. Bây giờ về nhà mới gửi meo đàng hoàng này cho mày và cho bà Ngân đọc mail của mày luôn. Bà ấy nói em vừa cúng Mẹ vừa cầu nguyện cho bà Alice. Được biết bà Alice từ bệnh viện về nhà, ăn được, đi lại được, Bà Ngân mừng lắm. Tao thấy Bà Alice còn ăn được mỗi bữa vài muỗng cơm và đi được vài bước là sẽ còn sống mí mày lâu, yên tâm đi, bà Alice sẽ khỏe lại. Tao tin thế.

    Văn Quang

    *

    CTHĐ: Tháng Hai 2016 vợ tôi đau, nằm liệt mấy ngày. Phạm Thông, người chủ trương tờ báo tháng Con Ong, ở Houston, Texas, tưởng vợ tôi đã ra đi vĩnh viễn, gửi điện thư chia buồn với tôi:

    * Đau đớn chia buồn cùng anh và các cháu. Chúng tôi cầu nguyện cho chị. Và xin anh bình tĩnh. Trước sau chúng ta cũng ra đi thôi.

    Phạm Thông.

    o O o

    Bây giờ là 4 giờ sáng ngày 22 February 2016 ở Virginia. Câu Thơ về Luật Vô Thường đến với tôi:

    Tử Sinh dẫu biết Luật Vô Thường
    Nhưng khó ngăn dòng Lệ Tiếc Thương.

    Thơ của ông Trần Văn Khê. Ông làm những lời Thơ này khi người đàn bà ông yêu thương ra đi lần cuối.

    Câu Thơ này đến với tôi đã lâu, mấy ngày nay tôi mới thấm nó. Nguyên bài Thơ:

    Tử Sinh dẫu biết Luật Vô Thường
    Nhưng khó ngăn dòng Lệ Tiếc Thương.
    Những tưởng phượng loan vầy một tổ,
    Đâu ngờ cầm sắt rẽ đôi đường.
    Tiễn Em chấp bút lau dòng lệ,
    Điếu bạn nâng đàn đốt nén hương.
    Cầu nguyện Phật Trời mau tế độ.
    Dẫn Em siêu thoát tận Tây Phương.

    Đoạn văn ông Trần Văn Khê viết trong Hồi Ký “Một Gánh Nhạc, Một Cuộc Đời.” Nguyên văn:

    Ngày 10 Tháng Ba, 1997, tôi nhận được hung tin Em Đoan từ giã cõi đời. Lúc đó tôi vẫn chưa biết tôi có được thị thực nhập cảnh Mỹ hay không, đành giở lại hình ảnh những buổi cùng nhau du ngoạn ở Pháp, bên Mỹ, đọc lại vài bức thư của Em rối viết bài thơ phúng điếu, thắp nén hương, đờn lại những bản mà lúc sinh tiền Em thích nghe. Tôi đọc bài thơ qua điện thoại cho em gái của Đoan ghi lại để đọc trước lúc tẩm liệm:

    Vĩnh Biệt Em
    Tử Sinh dẫu biết Luật Vô Thường…

    o O o

    DANH NGÔN VỀ CHẾT


    * Chúng ta không thể xóa đi nguy hiểm, nhưng chúng ta có thể xóa đi nỗi sợ. Chúng ta không được hạ thấp sự sống bằng việc đứng ngẩn ngơ nhìn cái Chết.

    We cannot banish dangers, but we can banish fears. We must not demean life by standing in awe of death.

    David Sarnoff

    * Người bạn công bằng: Cái Chết, vị thần bất tử duy nhất đối xử với chúng ta ai cũng như nhau; lòng thương, sự yên bình và che chở của Ngài dành cho tất cả – dù trong trắng hay vấy bẩn, dù giàu hay nghèo, dù được yêu thương hay bị chối từ.

    The Impartial Friend: Death, the only immortal who treats us all alike, whose pity and whose peace and whose refuge are for all–the soiled and the pure, the rich and the poor, the loved and the unloved.

    Mark Twain

    * Cuộc sống là một điều lạ lùng. Tại sao người ta lại khát khao cuộc sống như vậy? Đó là trò chơi mà không người nào thắng. Sống là lao lực vất vả và chịu đựng khổ đau, cho tới khi tuổi già trườn tới và chúng ta đặt tay xuống tro lạnh của lửa tàn. Sống thật khó khăn. Đứa trẻ đau đớn hít hơi thở đầu tiên, người già đau đớn hổn hển hơi thở cuối cùng, và tất cả ngày tháng tràn đầy rắc rối và buồn thương; và vậy mà con người tiến vào vòng tay rộng mở của cái chết, loạng choạng, ngã díu, đầu quay về sau, chiến đấu tới giây phút cuối cùng. Và cái chết đầy tử tế. Chỉ cuộc sống và những điều của cuộc sống mới đau đớn. Thế nhưng chúng ta vẫn yêu cuộc sống và căm ghét cái chết. Thật lạ lùng.

    Life is a strange thing. Why this longing for life? It is a game which no man wins. To live is to toil hard and to suffer sore, till old age creeps heavily upon us and we throw down our hands on the cold ashes of dead fires. It is hard to live. In pain the babe sucks his first breath, in pain the old man gasps his last, and all his days are full of trouble and sorrow; yet he goes down to the open arms of death, stumbling, falling, with head turned backward, fighting to the last. And death is kind. It is only life and the things of life that hurt. Yet we love life and we hate death. It is very strange.

    Jack London

    * I carry Death in my left pocket. Sometimes I take it out and talk to it: “Hello, baby, how you doing? When you coming for me? I’ll be ready.”

    Tôi mang cái Chết trong túi áo trái. Đôi khi tôi lấy nó ra và nói với nó: “Chào cưng, dạo này cưng thế nào? Khi nào thì cưng đến với ta? Ta sẽ sẵn sàng.”

    Charles Bukowski

    * Con người mù quáng đi trên đường đời, lờ đi cái chết giống như những người dự tiệc ngốn ngấu đồ ăn ngon. Họ không nghĩ đến việc sau đó sẽ phải đi vệ sinh, nên chẳng buồn tìm xem liệu có nhà vệ sinh không. Khi tự nhiên đòi hỏi, họ chẳng biết phải đi đâu, và trở nên rối loạn.

    People go through life blindly, ignoring death like revellers at a party feasting on fine foods. They ignore that later they will have to go to the toilet, so they do not bother to find out where there is one. When nature finally calls, they have no idea where to go and are in a mess.

    Ajahn Chah

    * Nếu con người bất tử, anh ta chắc chắn sẽ chứng kiến cái ngày mà mọi thứ anh ta tin tưởng sẽ phản bội anh ta, và, nói ngắn gọn, cuối cùng cũng tiến tới đau khổ tuyệt vọng. Anh ta rốt cuộc sẽ sụp đổ, giống như mọi cơ đồ, giống như mọi vương triều, giống như mọi nền văn minh. Thay vì điều này, chúng ta có cái chết.

    If man were immortal he could be perfectly sure of seeing the day when everything in which he had trusted should betray his trust, and, in short, of coming eventually to hopeless misery. He would break down, at last, as every good fortune, as every dynasty, as every civilization does. In place of this we have death.

    Charles Sanders Peirce

    * Để chống lại cái Chết, bạn không cần quá nhiều ở cuộc sống, chỉ một cuộc sống chưa kết thúc là đủ rồi.

    To combat Death you don’t need much of a life, just one that isn’t yet finished.

    Herta Müller

    * Linh hồn không mang gì theo nó sang thế giới bên kia, ngoài nền tảng giáo dục và văn hóa. Ở điểm khởi đầu của cuộc hành trình sang thế giới bên kia, nền tảng giáo dục và văn hóa có thể trở thành trợ giúp lớn nhất, hoặc nếu không sẽ thành gánh nặng lớn nhất của người vừa qua đời.

    The soul takes nothing with her to the next world but her education and her culture. At the beginning of the journey to the next world, one’s education and culture can either provide the greatest assistance, or else act as the greatest burden, to the person who has just died.

    Plato

    * Nếu bạn sợ bệnh, nếu bạn sợ chết thì hãy quán sát xem chúng từ đâu đến. Chúng đến từ sự sinh. Thế nên, đừng buồn khi có người chết. Cái khổ của họ trong đời này đã hết rồi. Chết là một chuyện tự nhiên thôi. Nếu bạn muốn buồn thì hãy buồn khi có người sinh ra đời: “ Tội nghiệp thay! Họ lại đến nữa rồi. Họ sắp phải đau khổ và sẽ phải chết nữa ”.

    If you’re afraid of illnesses, if you are afraid of death, then you should contemplate where they come from. Where do they come from? They arise from birth. So don’t be sad when someone dies – it’s just nature, and his suffering in this life is over. If you want to be sad, be sad when people are born: “Oh, no, they’ve come again. They’re going to suffer and die again!”

    Ajahn Chah

    * Cái Chết không dập tắt ánh sáng; nó chỉ là việc tắt đèn đi vì bình minh đã đến.

    Death is not extinguishing the light; it is only putting out the lamp because the dawn has come.

    Rabindranath Tagore

    * Ngay khi bạn sinh ra trên thế giới này, bạn đã đủ già để chết.

    Once you are born in this world you’re old enough to die.

    Soren Kierkegaard

    * Và tốt hơn biết bao khi chết trong thời gian hạnh phúc của tuổi trẻ còn chưa nản chí, sống hết mình trong ánh sáng rực rỡ, hơn là nhìn thể xác kiệt quệ và già nua và vỡ mộng.

    And how much better to die in all the happy period of undisillusioned youth, to go out in a blaze of light, than to have your body worn out and old and illusions shattered.

    Ernest Hemingway

    * Người hiểu biết phải ý thức rằng mọi pháp trên thế gian không có bản thể trường cửu. Bởi vậy, Người hiểu biết không vui hay buồn vì họ không bị cuốn trôi theo các pháp thế gian luôn luôn biến đổi này. Trở nên vui là sinh. Trở nên buồn là tử. Chết rồi lại được sinh ra, và sinh ra lại chết nữa. Sống và chết trong từng phút giây là sự luân lưu bất tận của vòng sinh tử.

    The “one Who Knows” clearly knows that all conditioned phenomena are unsubstantial. So this “One Who Knows” does not become happy or sad, for it does not follow changing conditions. To become glad , is to be born; to becomes dejected, is to die. Having died, we are born again ; having been born . we die again . This birth and death from one moment to the next is the endless spinning wheel of samsara.

    Ajahn Chah

    * Cái chết không phải là điều tồi tệ nhất có thể xảy đến cho con người.

    Death is not the worst that can happen to men.

    Plato

    * Trong mỗi cái chết đều có sự hân hoan; trong mỗi khoái lạc đều có chút chết chóc.

    In every death is a celebration; in every ecstasy, one little death.

    Norman Mailer

    * Sinh và tử của ta chỉ là một. Bạn không thể có cái này mà chẳng có cái kia. Người ta buồn rầu than khóc khi có ai chết, và vui cười hớn hở khi thấy một đứa trẻ sinh ra đời. Thật khôi hài làm sao! Đó chỉ là ảo tưởng mà thôi. Nếu muốn khóc, hãy khóc lúc có ai sinh ra. Hãy khóc từ cái gốc, vì không có sự sinh thành, cũng sẽ không có cái chết. Bạn hiểu được không?

    Our birth and death are just one thing. You can’t have one without the other. It’s a little funny to see how at a death people are so tearful and sad, and at a birth how happy and delighted. It’s delusion. I think if you really want to cry, then it would be better to do so when someone is born. Cry at the root, for if there were no birth, there would be no death. Can you understand this?

    Ajahn Chah

    * Ngọt ngào sao tình yêu chân thực được trao đi trong vô vọng, ngọt ngào sao cái chết lấy đi những khổ đau.

    Sweet is true love that is given in vain, and sweet is death that takes away pain.

    Alfred Tennyson

    * Cái chết chỉ đơn giản là sự lột xác của thể xác cũng như con bướm chui ra khỏi kén. Nó là sự chuyển tiếp sang một trạng thái nhận thức cao hơn, mà ở đó bạn tiếp tục quan sát, nhận thức, cười, có thể trưởng thành, và thứ duy nhất mà bạn mất đi – cái mà bạn không còn cần nữa, đó chính là thể xác bạn. Điều này giống như việc bạn cất áo ấm khi mùa xuân tới và bạn biết cái áo đã trở nên quá mòn sờn và bạn không còn muốn mặc nó nữa.

    Death is simply a shedding of the physical body like the butterfly coming out of a cocoon. It is a transition into a higher state of consciousness, where you continue to perceive, to understand, to laugh, to be able to grow, and the only thing that you lose is something that you don’t need anymore, and that is your physical body. It’s like putting away your winter coat when spring comes and you know that the Coat is too shabby and you don’t want to wear it any more.

    Elisabeth Kubler-Ross

    * Tôi hy vọng cái chết sẽ là hạnh phúc lớn lao, hạnh phúc lớn lao như tình yêu, tình yêu thỏa nguyện.

    I hope death will be a great happiness, a happiness as great as that of love, fulfilled love.

    Hermann Hesse

    * Việc dễ nhất trên thế gian này là Chết. Việc khó nhất là Sống.

    It is the easiest thing in the world to die. The hardest is to live.

    Eddie Rickenbacker

    * Đức Phật dạy Ngài Ananda quán sát sự vô thường, quán tưởng cái chết trong từng hơi thở. Chúng ta phải hiểu sự Chết. Chúng ta chết để được sống. Câu nầy có nghĩa gì? Chết là chấm dứt mọi hoài nghi, mọi vấn đề và sống ngay trong hiện tại. Không phải ngày mai chúng ta mới chết, chúng ta phải chết ngay bây giờ. Bạn có thể làm được điều này không? Nếu làm được, thì chẳng còn vấn đề gì nữa và bình yên tĩnh lặng sẽ đến với bạn.

    The Buddha told his disciple Ananda to see impermanence, to see death with every breath. We must know death; we must die in order to live. What does this mean? To die is to come to the end of all our doubts, all our questions, and just be here with the present reality. You can never die tomorrow; you must die now. Can you do it? If you can do it, you will know the peace of no more questions.

    Ajahn Chah

    * Cái chết gần gũi với ta như hơi thở.

    Death is as close as our breath.

    Ajahn Chah

    * Nếu biết tự luyện và thực hành đúng cách thì bạn sẽ không sợ hãi mỗi khi bị bệnh và không còn đau buồn trước cái chết của người thân. Khi phải vào bệnh viện chữa trị thì hãy tự xác quyết rằng: Lành bệnh thì tốt mà không lành bệnh cũng tốt thôi. Nếu bác sĩ cho biết tôi bị ung thư và sẽ chết trong vài tháng thì tôi sẽ nhắn nhủ bác sĩ rằng: “ Hãy cảnh giác, cái chết cũng đang đến tìm ông đó! Vấn đề là ai đi trước và ai đi sau mà thôi! ”. Bác sĩ không thể chữa trị và ngăn ngừa cái Chết. Chỉ có Đức Phật mới làm được việc này. Vậy còn chần chờ gì nữa mà không dùng thuốc của Đức Phật?

    If you trained properly, you wouldn’t feel frightened when you fall sick, nor upset when someone dies. When you go into the hospital for treatment, determine in your mind that if you get better, that’s fine, and that if you die, that’s fine, too. I guarantee you that if the doctors told me I had cancer and was going to die in a few months, I’d remind the doctors, “Watch out, because death is coming to get you, too. It’s just a question of who goes first and who goes later.” Doctors are not going to cure death or prevent death. Only the Buddha was such a doctor, so why not go ahead and use the Buddha’s medicine?

    Ajahn Chah

    * Chúng ta sợ hãi cái Chết, ta run rẩy trước sự bất ổn định của cuộc đời, ta đau khổ khi thấy hết đóa hoa này đến đóa hoa khác héo tàn, và lá cây rụng xuống, và trong trái tim, ta biết ta cũng chỉ là một thoáng phù du và sẽ sớm tan biến. Khi người nghệ sĩ vẽ tranh và nhà tư tưởng tìm kiếm quy luật và hình thành tư duy, cũng chính là để cướp lấy thứ gì đó từ vũ điệu vĩ đại của cái Chết, để tạo ra thứ gì đó trường tồn hơn bản thân chúng ta.

    We fear death, we shudder at life’s instability, we grieve to see the flowers wilt again and again, and the leaves fall, and in our hearts we know that we, too, are transitory and will soon disappear. When artists create pictures and thinkers search for laws and formulate thoughts, it is in order to salvage something from the great dance of death, to make something last longer than we do.

    Hermann Hesse

    * Và một ngày nào đó, sẽ chẳng có gì còn lại của những thứ đã vặn vẹo cuộc đời tôi, không ngừng khiến tôi chất đầy đau khổ. Một ngày nào đó, trong cơn mệt mỏi cuối cùng, sự bình yên sẽ đến và đất mẹ sẽ đón tôi về nhà. Đấy không phải là kết thúc, chỉ là một cách để tái sinh, sự đắm chìm và giấc ngủ nơi những người già nua nằm xuống, nơi người trẻ bắt đầu hơi thở. Và rồi, với những suy nghĩ khác, tôi sẽ bước dọc theo những con phố, và lắng nghe các dòng chảy, và nghe điều bầu trời nói vào buổi chiều, không ngừng nghỉ.

    And some day there will be nothing left of everything that has twisted my life and grieved it and filled me so often with such anguish. Some day, with the last exhaustion, peace will come and the motherly earth will gather me back home. It won’t be the end of things, only a way of being born again, a bathing and a slumbering where the old and the withered sink down, where the young and new begin to breathe. Then, with other thoughts, I will walk along streets like these, and listen to streams, and overhear what the sky says in the evening, over and over and over.

    Hermann Hesse

    * Với sự trang nghiêm bao la, cái Chết là ánh sáng khiến những đam mê lớn lao, cả tốt và xấu, đều trở nên trong suốt, không còn bị giới hạn bởi vẻ bề ngoài.

    Because of its tremendous solemnity Death is the light in which great passions, both good and bad, become transparent, no longer limited by outward appearences.

    Soren Kierkegaard

    * Khi không hiểu được sự Chết thì cuộc sống này có nhiều lẫn lộn.

    When one does not understand Death, life can be very confusing.

    Ajahn Chah



    Thơ Hoàng Hải Thủy cho Alice ...




    Ba Mươi Sáu Câu Cho Alice

    Anh không biết ngày xưa em trẻ
    Khi em yêu em đợi, em chờ
    Có bao giờ em buồn như thể
    Sáng nay em trong cửa mong thơ ?

    Niềm hy vọng trong em chợt hé
    Người phát thư xe đạp đi qua
    Chưa bao giờ thấy em buồn thế
    Khi nghiêng vai, em trở vào nhà.

    Em yêu ơi … Tim anh như xé
    Chưa thương em đến thế bao giờ .
    Anh lặng biết em không cần kể
    Những xót xa, ly tán, đợi chờ
    Hồn em nặng sầu non, muộn bể
    Những đau thương ray rứt không bờ
    Từ cơm áo rã rời sinh kế
    Đến oan khiên tù tội không ngờ
    Đau chồng con chia từng giọt lệ
    Thương hôm mai biết đến bao giờ
    Đời u tối như chiều đông xế
    Môi em thâm nên mắt em mờ
    Nên em buồn não nùng như thể
    Sáng nay em trong cửa đợi chờ .

    Sáu năm dài dập dồn dâu bể
    Đời sống ta cơ cực Thành Hồ
    Anh lặng biết sao em buồn thế
    Sao em gầy, sao tóc em khô!

    Trên mái tóc thu về đã trễ
    Trên đôi môi thoáng bóng hư vô
    Trong ánh mắt não nùng xiết kể
    Trên đôi vai xuân đã mơ hồ
    Anh thấy cả một trời dâu bể
    Anh chưa đau đến thế bao giờ
    Anh lặng hiểu sao em buồn thế
    Sao em mong người phát thư vô
    Niềm mơ ước trong em thật bé
    Em chờ mong chỉ một thùng đồ.


    Còn Xót Xa Nào

    Mất nhau trong cuộc biển dâu
    Hồn anh hoa muộn, lá sầu hoang sơ .
    Tim anh quằn quại bóng cờ
    Tai anh mán hú, mọi hờ quanh năm .
    Trời bỏ ta, khóc đi em
    Em ơi sương lạnh trên thềm đau thương .
    Ô Giang vó ngựa ngập ngừng
    Cùng đường Hạng Vũ, đoạn trường Ngu Cơ .
    Anh hùng lệ cũng sa mưa
    Em ơi lệ ấy bây giờ đang rơi .

    Câu Hỏi

    Lò cừ nung nấu sự đời
    Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương …..
    Khóc tình tang, xót tình thương
    Giữ tình ta nhé, đoạn trường vẫn yêu .
    Áo vân em gửi mây chiều
    Chiều nghiêng mây bạt, chiều xiêu mây về .
    Lửa đời nấu mộng, nung mê
    Em nghe câu hỏi não nề không em ?

    Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu

    Nằm trong khám tối âm u
    Buồn nghe đêm lạnh sương mù sa mưa
    Bồi hồi tưởng mái nhà xưa
    Ngày đi đã nát, bây giờ ra sao?
    Thương em nhạt phấn, phai đào,
    Đêm đêm trở giấc chiêm bao một mình.
    Ngủ đi em, mộng bình minh
    Mưa bao nhiêu giọt là tình bấy nhiêu.

    *
    Nằm trong khám tối nghe mưa
    Đêm nào cũng thấy đêm thừa trống canh
    Thương nhau nên ngủ không đành
    Nhớ nhau nhưng mộng không thành, em ơi.
    Anh nghe từng tiếng lệ rơi,
    Biết em đang khóc nên trời đổ mưa.

    *
    Đêm đêm nghe tiếng tắc kè
    Tưởng như tiếng gọi “Sắp về ..!” bên tai .
    - “Sắp về ..!” nghe suốt đêm dài
    Mơ màng cũng ấm lòng ai muốn về.
    - “Sắp về ..!” nhờ chú tắc kè
    Lòng ta dịu nỗi não nề thương đau.
    Ngày về quyết chẳng quên nhau,
    Mua ngay tặng chú một bầu rượu ngon

    Nguồn : Cothommagazine.com


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X