Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cặp lựu đạn "Mini"

Collapse
X

Cặp lựu đạn "Mini"

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cặp lựu đạn "Mini"

    Cặp lựu đạn "Mini"
    A20 Nguyễn Văn Học


    Miền Nam, kể từ đầu tháng tư, trời hình như trở nên nắng gắt, có lẽ để chuẩn bị chào đón mùa mưa sắp tới, đâu đây cũng đã có rải rác một vài cơn mưa sớm. Những cơn mưa đầu mùa như thúc dục nhà nông thêm tất bật dọn đất, ruộng, cho kịp thời vụ. Suốt một cánh đồng rộng, dài mút tầm mắt, những cột khói đốt đồng chừng như cũng mệt mỏi, rã rời vì nắng hạ, đang uể oải uốn mình bay lên nền trời trong vắt, cánh đồng về chiều bỗng trở nên vắng lặng, khi những người nông dân âm thầm thu dọn đồ đạc trở về.

    Gian quán đầu làng của Bà Ba lần lần đông khách, dân trong làng thường tụ tập vào buổi chiều tà. Khi công việc đã tạm ổn cho một ngày, trên đường về nhà, họ gặp nhau uống ly cà phê, ly chanh đường giải khát, sau một ngày làm việc vất vả, trao đổi với nhau vài ba câu chuyện thời sự, chiến sự, chuyện làng xóm, chuyện mùa màng v..v.. Một số người có máu Lưu Linh, rủ nhau "lai rai ba sợi" cho ấm lòng, trước khi về nhà dùng bữa cùng gia đình.

    Trong góc quán, nơi kê chiếc bàn tròn lớn nhất, đã có 4, 5 người đàn ông đang ngồi nhâm nhi bên chai rượu, mặc cho những tiếng rầm rì to nhỏ chuyện trò của những người trong quán, tiếng thăm hỏi, tiếng cười đùa, họ vẫn im lặng uống, không ai nói với ai một lời, hình như mọi người đều có tâm sự, hoặc đang chờ đợi chuyện gì.

    Đột nhiên một người trong nhóm lên tiếng:
    - Sao lâu quá chưa thấy Ba Đuông tới, không biết có chuyện gì không?
    - Chắc không có gì đâu, năm nào chẳng vậy, cứ đến tháng này là gần đến ngày giỗ ông già nó, nên nó khật khật, khừ khừ vài bữa thôi - Từ ngày Trung đội mình thanh toán xong mấy thằng "ly khai" ám sát ông già nó, coi như thù nhà được trả, tui thấy nó bớt buồn nhiều lắm rồi đó.


    Họ lại im lặng ngồi uống, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng, nhưng chung quy họ cũng đều chỉ quan tâm đến một người mà họ vừa nhắc đến.. Ba Đuông.

    Có tiếng động cơ xe Honda từ xa, tiếng máy lớn dần, lớn dần rồi ngừng ngay trước cửa quán - Trên xe có hai người, chú lính ngồi sau xuống xe, chú này chắc vừa trổ mã, mặt mày non choẹt, đầy mụn trứng cá, lưng đeo một máy truyền tin PRC.25, tay xách cây M.16 gắn băng đạn cong , 2 băng đâu ngược lại, cột dính với nhau bằng băng keo. Người lái xe là một thanh niên khoảng 26, 27 tuổi, dáng nhanh nhẹn, nai nịt gọn gàng trong bộ đồ kaki màu đen, may theo kiểu quân phục tác chiến, giày "saut", thắt lưng T.A.B với giây ba chạc, bên phải lủng lẳng cây Colt 45, đầu bao súng có một sợi giây dù cột chặt vào đùi, kềm chắc đầu bao để khi đụng chuyện rút ra cho lẹ, đây là lối bắt chước mấy tay cao bồi Texas, những người hùng trên màn ảnh trong các phim Western kiểu "Bắn chậm thì chết" đấy - bên tay trái là con dao găm, mà hai chữ US nổi bật lên ngoài bao da, giữa bụng dắt cây K.54 không bao, có ý khoe chiến lợi phẩm, trên giây ba chạc, chỗ hai bên ngực, buộc gọn gàng hai trái lựu đạn "mini", bằng giây "ruban" đỏ, món quà tặng rất quý do một người bạn của anh Hai hắn tặng. Từ ngày hắn mới cưới vợ, món này rất đắc dụng khi lâm chiến, nhưng hiện tại, nó được coi như đồ "trang sức"- Hai túi hộp phía ngoài hai bên ống quần, mỗi bên một tấm bản đồ bọc plastic, thấp thoáng những đường gạch xanh xanh, đỏ đỏ bằng bút chì mỡ - Thoạt nhìn, mọi người đều có nhận xét chung là anh ta vừa nghiêm chỉnh trong trong quân phục, lại vừa có vẻ "nặng phần trình diễn" trong trang bị - Thật sự anh ta có "vẽ vời" một chút cũng chẳng sao, mọi người có thể vui vẻ chấp nhận được, vì anh ta hiện là một Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân sáng giá nhất trong Quận. Là sát tinh của bọn cộng sản cơ sở, giao liên, nằm vùng trong Xã, trong Quận, Trung Đội anh ta mười lần ra quân, có đến tám lần đạt thắng lợi, anh ta là Trung Đội Trưởng Nghiã Quân Lê Văn Đức, con người vui tính, dễ mến với hai, ba cái biệt danh như Ba Đuông, (vì thích nhậu con đuông lăn bột), Ba Cơ Động, (vì chuyên phục kích VC bằng mìn claymore cơ động), Ba Sát Tinh, (vì có tay sát cộng), Ba Cải Lương, (vì những thứ lỉnh kỉnh anh ta mang trên người và thích ca cải lương). Được tiếng "chịu chơi", gan dạ, nên dù là Nghĩa Quân, một lực lượng chỉ đứng trên Nhân Dân Tự Vệ, nhưng Trung Đội của Ba Đức trang bị không kém gì các đơn vị Chủ Lực, vì những công tác hành quân mà Trung Đội này luôn tình nguyện đảm trách và nhờ đó đã tạo nên nhiều thành tích lẫy lừng. Rồi trên Quận, trên Tỉnh thương, cho thêm đồ này, thứ khác ngoài cấp số, rồi các đơn vị bạn có dịp hoạt động chung, cũng vì cảm tình riêng mà tặng thêm món nọ, món kia, cho nên Ba Đức vẫn tự hào là Trung đội anh ta có đủ "đồ chơi" với bọn Việt cộng.

    Ba Đức bước vào quán, tươi cười dơ tay vẫy vẫy, đáp lại lời chào của bà con trong quán rồi tiến thẳng về chiếc bàn tròn trong góc, nơi có mấy người bạn, đúng hơn là những người Nghĩa Quân trong Trung Đội, đang nóng lòng chờ đợi tin tức của anh ta.

    Vừa ngồi xuống, Ba Đức đã nghe hai, ba người trong nhóm hỏi dồn dập:
    - Sao "có được không?" Vẫn đi "làm ăn" như bình thường chớ!!

    Không vội trả lời, Đức nâng ly rượu uống cạn, đặt ly xuống bàn đoạn thở dài nhẹ nhẹ, gương mặt thoáng buồn, anh chậm rải trả lời mọi người:
    - Ông Quận không đồng ý với đề nghị đột kích của mình, ổng nói đã có ngưng bắn rồi, mình phải tuân thủ, hơn nữa bây giờ xin yểm trợ khó khăn, mình hãy chờ, cứ thủ cho kỹ đã, còn vụ phục kích đón đường liên lạc, tiếp tế của chúng thì ổng thuận cho mình cứ tiếp tục làm.
    - Tụi nó tốt lành gì mà mình phải tuân thủ hiệp định, xem chừng, lúc này mà tấn công mới chắc ăn à! Sao anh Ba không nói với ổng như vậy?

    - "Mẹ" họ!!! chẳng lẽ tui còn phải đợi mấy ông "chỉ sao?" - Mấy ông và ngay cả ông Quận nữa, biết tôi quá rồi mà - Cho dù mấy ông đã phụ lực cùng tôi "đưa" mấy thằng ám sát ông già tôi hồi đó về "hầu hạ" ổng, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến gần ngày giỗ ba tôi, tôi vẫn muốn có thêm một "chút quà" gì đó, để làm lễ cúng ổng tôi mới "phái", vì thế mà đôi ba phen tôi xin với ông Quận, cho bọn mình làm một cú đẹp đẹp một chút cho ông già tôi vui mà không được, thật nản quá.


    Nhắc đến người đã khuất, bàn nhậu như chùng xuống, không khí bỗng ngưng đọng, mọi người im lặng, mỗi người chừng như đang theo đuổi những ý nghĩ riêng tư...

    Tháng Tư năm 1959...

    Chiều xuống dần, trên cánh đồng chỉ còn lác đác vài ba người mà công việc còn một chút dở dang, đang cố làm thêm cho xong trước khi mặt trời lặn. Cha con ông Tư Trương cũng vội vàng dồn mấy ôm cỏ cuối cùng vào đống, rồi châm lửa đốt - Gió hiu hiu thổi, lửa bén vào cỏ, cột khói từ từ bốc cao, nhè nhẹ lan rộng trong trời chiều, việc tạm ổn, ba cha con ông Tư lững thững trở về - Hai thằng con trai của ông : Hai Tài và Ba Đức, thằng lớn 12, thằng kế 9 tuổi, vẫn đang đi học, nhưng con nhà nông, ngoài việc học hành để mở mang kiến thức và có cơ hội tiến thân, ông còn muốn chúng cũng vẫn biết những công việc đồng áng, những vất vả, cực nhọc của nhà nông, để từ đó, chúng hiểu và gắn bó với ruộng đồng, nơi tổ tiên, giòng họ chúng vẫn hàng ngày đổ mồ hôi bên ruộng lúa, nương khoai - Vì thế, ngoài giờ học, ông thường khuyến khích hai đứa ra đồng phụ ông, để ông dạy bảo chúng cung cách làm đồng . Được cái hai thằng con ông rất ngoan, ở trường chúng học giỏi, về nhà chúng chăm chỉ nghe ông hướng dẫn mọi việc . Rút kinh nghiệm cuộc đời ông, bị mồ côi sớm, học hành dang dở, nên lúc nào ông cũng tâm niệm phải lo cho các con học hành đến nơi đến chốn.

    Thời điểm này, miền Nam đang được sống trong khung cảnh thanh bình êm ả, dưới chế độ Cộng Hoà mới thiết lập được mấy năm, không khí độc lập, tự do là động cơ làm hưng phấn mọi người, họ chăm lo sản xuất, thanh thiếu niên chăm lo học hành, phong trào thể dục thể thao và giáo dục văn hoá được chính quyền thúc đẩy mạnh mẽ, giới trẻ tham gia nhiệt liệt, ông Tư thấy cũng vui vui trong dạ . Từ ngày ông khôn lớn, đến bây giờ ông mới thực sự được sống trong chế độ tự do, dân chủ, không phải nơm nớp lo sợ bọn cường hào, ác bá, bọn quan quân thực dân hành hạ, cảnh chèn ép thô bạo người dân không còn nữa, ông cảm thấy bây giờ đời sống mới là thực sự của mình - Lòng hân hoan vui sướng, ông cũng muốn đóng góp một chút công sức vào việc xây dựng đất nước, cho nên khi bà con trong ấp đồng thanh bầu ông vào chức vụ Trưởng Ấp, ông vui vẻ chấp nhận ngay, không lòng vòng từ chối, không ngại khó, ngại khổ, mà ông cảm thấy đây là cơ hội để ông đóng góp công sức vào việc củng cố thôn ấp, cải tổ làng xã và quy mô hơn là xây dựng đất nước, có nhiều người dân đóng góp công sức, chắc chắn tương lai sẽ là nước mạnh, dân giàu, ông đơn giản nghĩ và nhủ lòng như vậy .

    Ông Tư là một trong những Trưởng ấp xuất sắc của Quận, ông chịu khó tìm hiểu đường lối, chính sách của chính phủ qua sự truyền đạt của các viên chức trong Quận, khi thấu triệt, ông nhẹ nhàng, kiên nhẫn phân giải rõ ràng, lợi hại, cho dân chúng trong ấp hiểu rõ để tham gia, thi hành - Ông thẳng thắn, khoan hoà, trên kính, dưới nhường, không quản ngại khó khăn hay vất vả, nên công việc trong ấp ông luôn tiến triển tốt đẹp - Thôn ấp ông xưa kia là nơi phát xuất phong trào chống thực dân Pháp, có nhiều người tham gia kháng chiến. Có những người sau một thời gian theo kháng chiến, do Việt Minh lãnh đạo, họ nhìn rõ bộ mặt phản dân hại nước của cộng sản, nấp dưới danh nghĩa giải phóng đất nước, nên đã quay về, nhưng cũng có những người trong vùng ông, vì lý do này hay lý do khác, vẫn phục vụ cho cộng sản, sau hiệp dịnh Genève 54, họ tập kết ra Bắc, trốn tránh trong mật khu, hay có khi nằm ngay tại một căn hầm bí mật nào đó, quanh quẩn đâu đây thôi, để chờ cơ hội nổi lên chống phá .

    Là dân địa phương, ông không lạ gì những người này - Ông ra công, ra sức thuyết phục gia đình những người ấy, kết quả là phần lớn đều nhìn rõ dã tâm của cộng sản, quay về với chính nghĩa quốc gia, còn một số ít vì đã "lậm" với chủ nghĩa cộng sản, hoặc vì khăng khíu bà con, quyền lợi, sự an toàn cá nhân v...v.. nên vẫn tiếp tục đi theo con đường cũ, có điều bây giờ những công việc tuyên truyền rỉ tai, phá hoại, của họ không còn có giá trị nữa, vì người dân đã biết nhìn sự thực và biết so sánh giữa hai chế độ . Ông rất mừng vì thấy những kết quả khả quan, làm thăng tiến đời sống người dân nông thôn ngày càng vững mạnh, đó là bằng chứng hùng hồn để mọi người chiêm nghiệm và tin tưởng nhiều hơn vào chính nghĩa quốc gia, ông rất hãnh diện vì những thành quả này, vì trong đó có sự đóng góp một phần nhỏ nhoi công sức của ông. Nhiều lần trên Quận hoặc Tỉnh gởi giấy ban khen, ông đều cảm thấy hơi thẹn thẹn, vì với tâm hồn chất phác, ngay thẳng, ông tự nghĩ việc đóng góp một chút công sức vào việc xây dựng làng xóm, đất nước là nhiệm vụ chung của người dân, có gì quan trọng lắm đâu mà mấy ông trên Tỉnh, Quận coi lớn chuyện quá vậy.

    Ý nghĩ đơn giản của ông cũng hợp với ý nghĩ của nhiều người, những người có lòng đạo đức, sẵn sàng gánh vác việc chung, nhưng ông càng làm được nhiều việc công ích, càng được nhiều người dân trong ấp thương mến, quý trọng, thì ông lại càng bị một phe khác căm thù, oán hận, đó là những tên cộng sản nằm vùng. Bọn này không thể nào hoạt động, tuyên truyền hay dụ dỗ người dân theo chúng được, vì những điều Tư Trương đã nói, đã làm, hoàn toàn là những việc mang lại ích lợi chung cho mọi người trong ấp, nó cụ thể, đang xảy ra trước mắt, không phải những hứa hẹn xa vời như các cán bộ cộng sản thường nói - Ông trở thành một chướng ngại to lớn, trên con đường phản dân hại nước của chúng, cần phải tiêu diệt ông, chúng mới có thể hoạt động được - Trong khi đó ông không hề hay biết tính mạng mình đang bị đe dọa, ông vẫn nghĩ mình làm việc công ích, mọi người nếu không quý mến thì cũng chẳng có gì phải ghét bỏ ông cả.

    Về đến cổng nhà, đứa con trai nhỏ 3 tuổi, mà ông bà hay gọi đùa là "út một" chạy lăng xăng ra đón, nhõng nhẽo đòi ông ẵm lên thả xuống mấy lần, rồi mới bi bô nói chuyện với hai thằng anh, đứa con gái thứ ba đang phụ mẹ dưới bếp, lo bữa ăn chiều cho gia đình. Trời đã chạng vạng, bà Tư hối chồng và hai con lo tắm rửa cho khỏe khoắn trước khi ăn cơm. Cha con ông Tư ra giếng tắm trong khi bà Tư và đứa con gái lo sắp cơm lên bộ ván ở nhà sau, bà lấy cây đèn dầu "cao cẳng" thắp lên cho sáng khắp gian nhà .

    Dưới ánh đèn, gia đình ông Tư quây quần quanh mâm cơm, bà Tư cũng là người nội trợ đảm đang, hết lòng lo lắng cho chồng, con, từng miếng ăn, giấc ngủ - Mâm cơm là cả một sự khéo léo, chế biến của bà, ngoài những món chính như kho mặn, canh chua, rau sống, cho các con ăn cơm, bà còn có mấy con cá trê vàng, nướng mỡ hành, dằm nước mắm gừng, để ông Tư làm mồi nhậu - Đây là món ăn khoái khẩu của ông, nên khi nhìn thấy, ông cười khà khà nói với bà: "má nó thiệt biết ý", ông Tư lấy hũ rượu thuốc, rót một ly để nhâm nhi, rồi gia đình vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ, "út một" không chịu ngồi bên mẹ, nó chễm chệ ngồi trong lòng ông bố, thỉnh thoảng há miệng nhận miếng cá nướng , nhai nhóp nhép, nếu không bận nhai, nó lại hỏi bố và hai anh hết chuyện này đến chuyện khác, câu chuyện mà nó quan tâm hơn hết, thường hay hỏi đi, hỏi lại, là có bao nhiêu con dế, chuồn chuồn mà hai anh gặp khi theo Ba đi làm?... Cả nhà cười vui vẻ, không khí trong gia đình thật đầm ấm, hạnh phúc.

    Đột nhiên con chó đang nằm chờ ăn dưới gầm bộ ván bỗng hực lên một tiếng, như phát giác có người lạ vào nhà, nó chạy lên nhà trên sủa dữ dội, rồi vừa sủa vừa lùi xuống nhà dưới, mọi người ngồi trong mâm cơm đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, bỗng hai bóng người mặc đồ đen từ trên nhà vụt xuống, một tên chĩa cây súng tiểu liên vào ông Tư bắn xối xả, tên kia hai con mắt láo liên canh chừng, sau loạt đạn chớp nhoáng, chúng hè nhau tung cửa sau, lủi ra vườn, trước khi chạy, một tên vứt lại tờ giấy, trên đó viết những gì không rõ.

    Tiếng đạn nổ làm mọi người trong nhà mất hồn, đồng thời khuấy động cả xóm, bà Tư đứng chết trân, trợn trừng đôi mắt, nhìn chồng đang quằn quại trong vũng máu, thằng út gục chết trên bụng bố, tấm thân nhỏ xíu cũng đẫm đầy máu, máu nó và máu bố nó, hai thằng anh và đứa em gái ôm chặt lấy nhau, mặt xanh như tàu lá, chúng còn sợ lắm, không dám nhúc nhích, thậm chí còn không dám thở mạnh nữa - Ông Tư chợt nấc lên một tiếng lớn, thân mình quằn quại, hai mắt đứng tròng, máu từ ngực, từ bụng ông vẫn tuôn ra ồng ộc, bà Tư nghe tiếng nấc của ông chợt tỉnh, cảnh tượng tang thương trước mắt làm bà cũng không còn đủ bình tĩnh, bà hét lên một tiếng "ông ơi" rồi lăn xả vào, ôm ông dậy, lay cho ông tỉnh, vừa lay, bà vừa kêu khóc thảm thiết, máu me dính đầy áo quần bà, mấy đứa con thấy mẹ lên tiếng cũng bớt sợ, chúng cũng gọi Ba, gọi em rồi gào khóc với mẹ - Bà con chòm xóm nghe tiếng khóc trong nhà vội vàng chạy đến, mọi người sững sờ trước cảnh giết người tàn nhẫn, thương tâm như vậy, hai cha con ông Tư chết ngay tại mâm cơm, trên thân thể hai cha con lỗ chỗ vết đạn - Không thể làm gì để cấp cứu được nữa, bà con bảo nhau cho người báo lên Xã, Quận, mọi người chờ đợi chính quyền xuống lập biên bản xong, sẽ giúp thu xếp, dọn dẹp.

    Theo biên bản của Quận, ông Trưởng ấp Lê Văn Trương đã bị việt cộng ám sát lúc 7 giờ tối, ngày 14 tháng 4 năm 1959, tại tư gia, trong bữa cơm chiều, bằng súng tiểu liên - cùng tử nạn với ông có đứa con trai, tên Lê Văn Thuận, 3 tuổi - Sau khi khám nghiệm tử thi, pháp y đếm được 14 vết đạn trên ngực và bụng người bố, 11 vết đạn trên ngực, cổ và đầu em bé, có những viên đạn xuyên qua thân xác người con, rồi mới ghim vào người bố, tổng số vỏ đạn nhặt được ở phạm trường là 22 - Các chuyên viên vũ khí xác nhận đây là loại đạn 9 ly, dùng cho súng tiểu liên MAS. 49, do Pháp chế tạo - Tội ác nhãn tiền này, do cán bộ cộng sản nằm vùng gây ra, chúng đã để lại một tờ giấy có ghi những chữ như sau : "Đội hành quyết thi hành án tử hình tên việt gian Lê Văn Trương, tay sai Mỹ-Diệm". Mọi chứng cớ đã rõ ràng, các vết thương trí mạng, đều do bọn khủng bố bắn bằng súng tiểu liên, với khoảng cách gần, đạn xuyên thủng, hoặc còn nằm trong thân thể, gây tử vong cho nạn nhân, vì thế Hội đồng Pháp Y quyết định, không cần thiết phải đưa đi giải phẫu giảo nghiệm tử thi, mà cho phép thân nhân được giữ thi hài tại nhà để lo tang lễ.

    Ông Tư Trương là người đầu tiên trong Xã bị ám sát, tiếp theo đó có thêm 4 người nữa, gồm 1 Trưởng ấp, 1 Xã trưởng, 1 Ủy viên Cảnh sát và một Đồn trưởng Dân Vệ, không khí khủng bố bao trùm khắp làng xã, cho đến mấy tháng sau, khi chính quyền đẩy mạnh phong trào ấp chiến lược, củng cố an ninh thôn ấp, sàng lọc những phần tử nằm vùng, việc ám sát các cán bộ chính quyền Xã, Aáp mới được chặn đứng - Hơn nữa, sau vài ba vụ án, những người tham gia chính quyền cũng đề phòng cẩn mật, lực lượng an ninh, Dân vệ, cũng tuần phòng nghiêm ngặt, nên bọn chúng khó bề thao túng.

    Đối với Bà Tư, cái chết của ông Tư và đứa con nhỏ là một mất mát quá lớn lao cho Bà và các con, nhưng là người đàn bà Việt Nam, mang đầy tính cần cù, nhẫn nại, bà cắn răng chịu đựng, thay chồng nuôi con - Để an ủi bà, chính quyền các cấp cũng hết lòng giúp đỡ về tinh thần, vật chất đủ lo cho bầy con - Thêm vào đó, bà con chòm xóm, sẵn cảm tình gắn bó với gia đình bà từ trước, cũng quây quần, săn sóc bà và lũ nhỏ, bà cảm thấy cuộc đời cũng bớt cô quạnh - Bà và ba đứa con cứ như vậy, sống và khôn lớn trong tình yêu thương đùm bọc của mọi người .

    Ngoài Tư Hiếu, đứa con gái của bà, không có ấn tượng gì rõ nét đối với cái chết của cha, nhưng bà và hai thằng con trai : Hai Tài, Ba Đức, thì lúc nào cũng canh cánh bên lòng cái chết tức tưởi của người chồng, người cha yêu dấu - Hai thằng con bà chỉ trông cho mau lớn để gia nhập quân đội, giết hết bọn Việt cộng, trả thù cho bố và những người bị chúng ám sát chết oan ức .

    Thời gian lặng lẽ trôi qua, sau cuộc đảo chánh 1-11-63, tình hình chính trị của miền Nam không còn ổn định như trước. Ấp chiến lược bị phá bỏ, bọn VC lại có dịp trở về làng xã hoành hành như trước, ban đêm, chúng từ "căn cứ lõm" trở ra thu thuế, nhận tiếp tế, đôi khi còn tập họp dân chúng ở một vài nơi hẻo lánh để tuyên truyền nữa. Hai Tài năm ấy mới 16 tuổi, đang học lớp 10, nó sốt ruột lắm rồi, chỉ nhấp nhổm muốn đi đăng lính vào năm tới, nhưng nhiều người khuyên nó nên kiên nhẫn chút nữa, cố gắng học thêm, lấy được bằng Tú tài để đi sĩ quan, bề gì cũng hay hơn. Khi tròn 19, vừa đậu Tú Tài, nó không suy nghĩ và cũng chẳng cần hỏi ý kiến ai nữa, tức tốc tình nguyện vào Thủ Đức ngay. Mãn khóa, Chuẩn úy Lê Văn Tài được đưa về binh chủng Biệt Động Quân. Sau vài ba lần bốc thăm chọn đơn vị, Tài thuyên chuyển ra Tiểu đoàn 22, Liên đoàn 2/ BĐQ, đóng tại Pleiku, Tài tham dự hầu hết những cuộc hành quân lớn nhỏ của đơn vị và với lòng căm thù giặc cộng ngất trời. Chuẩn úy Tài luôn luôn là người tiên phong trong mọi công tác, nhất là những cuộc phục kích, với tính kiên trì chờ đợi, ít khi trung đội của Tài đi không về rồi - Hương hồn ông Tư chắc cũng ngậm cười nơi chín suối, mong ông phù hộ cho con trai bình an trong mọi công tác an dân, trừ loạn.

    Nhà chỉ còn ba mẹ con, Hai Tài đã ra đi, Ba Đức tất nhiên là người đàn ông duy nhất trong gia đình, nhưng với lòng căm thù của nó, anh Hai nó đã đi rồi, nó lại càng nôn nóng đi theo, chứ không hề nghĩ rằng nó sẽ phải ở nhà lo cho mẹ - Với Ba Đức, việc học hành nhẹ nhàng hơn, 18 tuổi nó xong bằng Tú Tài, cũng mắt trước mắt sau tình nguyện vào Thủ Đức, rút kinh nghiệm người anh, nó chẳng cần bàn soạn với ai, sau khi nộp đơn và nhận được giấy gọi, nó vẫn kín như bưng, đợi đúng ngày là lừng lững khăn gói vào trại nhập ngũ số 3 - Cả tuần sau Bà Tư mới biết rõ tình trạng của Ba Đức, bà khóc quá, không phải bà lo sợ các con bà phải xông pha nơi lằn tên mũi đạn, nhưng bà khóc vì nghĩ tới những ngày cô đơn sắp tới, nếu Ba Đức ra đi, nhà chỉ còn hai mẹ con, là đàn bà cả, biết lấy ai trụ cột gia đình - Có người hiểu chuyện bàn với bà, nên đi lên trình bày với ông Quận trưởng, xin ông giúp đỡ, bằng cách cấp cho một giấy chứng nhận gia cảnh để xin miễn hay hoãn dịch cho Ba Đức. Ông Quận Trưởng mới về coi Quận được vài năm, ông dân Bắc kỳ chính hiệu, nhưng có vẻ rất "rành sáu câu", nghe Bà Tư trình bày tự sự, ông hiểu ngay sự việc này phát xuất từ lòng căm thù cộng sản đến cao độ mà ra, xét đến hoàn cảnh Bà Tư, ông bỗng thấy có thiện cảm với gia đình bà, vì chính thân phụ ông cũng bị bọn Việt minh thủ tiêu, khi ông cụ chỉ là một ông Chánh Tổng. Ông ân cần thăm hỏi cặn kẽ, cấp giấy chứng nhận theo đơn xin, đồng thời ông cung cấp phương tiện chuyên chở, còn cắt cử luôn ông Trưởng Ban 5 Chi Khu, đích thân lo liệu vụ này giúp bà Tư. Nhờ mọi người hết lòng giúp đỡ, chỉ 1 tuần sau, mẹ con Bà Tư đã ngòâi chờ tại phòng tiếp khách của Quận, đợi ông Quận trưởng ra để trực tiếp cám ơn ông. Nhìn mái tóc ngắn ngủn của Ba Đức, bà Tư thấy tức cười, thật hú hồn, hú vía, xém chút nữa thằng con bà cũng lại đi biền biệt như anh nó.

    Ba Đức ngồi đối diện với ông Quận Trưởng, lắng tai nghe giọng nói đều đều của ông chậm rải như rót vào tai:
    - Tôi biết cháu nóng lòng vì thù nhà, nợ nước, nhưng thật sự thì chính phủ cũng không đòi hỏi nhiều ở gia đình cháu đâu, anh cháu đã nhập ngũ rồi, còn mình cháu ở nhà lo săn sóc mẹ và em, tôi nghĩ cháu cũng nên suy xét lại, đừng làm mẹ cháu phải lo lắng nhiều hơn.
    - Thưa ông Quận, mỗi lần nhớ tới hình ảnh ba và em cháu chết thảm trước mâm cơm, lòng cháu lại sôi sục căm thù, anh em cháu có nói chuyện với nhau và hứa trước vong linh ba cháu, chúng cháu sẽ tận diệt bọn cộng sản, nếu không cũng phải trừ khử càng nhiều, càng tốt, để trả thù cho ba cháu và những người dân vô tội khác bị chúng giết.


    Trong khi ông Quận Trưởng gật gù ra chiều suy nghĩ, Ba Đức thấy ông chưa nói gì, anh ta vội nói tiếp:
    - Cháu cám ơn ông Quận đã lo cho gia đình cháu, cháu cũng ráng chờ đôi ba năm nữa, con em cháu có chồng, là có người lo cho mẹ cháu với nó, lúc đó cháu sẽ đi.

    Nghe Ba Đức nói, ông Quận lắc đầu nhè nhẹ, miệng hơi mỉm cười như có vẻ thấy hay hay vì tính cương quyết của cậu bé . Ông nghĩ thầm trong bụng : "Những đứa như thế này thì nó đánh giặc phải biết đây" - Đột nhiên ông nảy ra một ý nghĩ hơi là lạ, ông thăm dò :
    - Muốn báo thù cho Ba cháu và những người trong Xã, bị VC ám sát mấy năm trước, tại sao cháu không hoạt động ngay tại Xã nhà, trừ ngay chính những tên đã cầm súng giết hại Ba cháu và những người khác, có hay hơn không .
    - Dạ thưa ! Làm sao có thể như vậy được ông Quận.


    - Được lắm chứ!

    Ông Quận nở một nụ cười thật hiền, dẫn giải:
    - Cháu phải biết rằng, bọn VC nằm vùng từ trước đến nay chỉ hoàn toàn hoạt động có tính cách cục bộ, vùng nào quậy phá ở vùng đó thôi . Như vậy có thể nói, những đứa ám sát ba cháu toàn là bọn sinh đẻ, hay cư ngụ trong Xã, chúng nắm vững tình hình tại địa phương, chúng được cấp chỉ huy của chúng cắt đặt phải nằm vùng, thoát ly, tập kết v . . .v . . , muốn trừ khử chúng, ta cứ bắt đầu từ đây là đúng nhất . Nếu cháu muốn hoạt động trong vòng bí mật thì gia nhập Thám Báo của Quận, hay làm Mật báo Viên, Cảnh Sát Đặc Biệt chẳng hạn - Còn nếu cháu muốn cầm súng chiến đấu thì gia nhập Nghĩa Quân - Có văn hóa như cháu nếu nhập ngũ cũng đi học sĩ quan, ra trường mang cấp bậc Chuẩn úy, làm Trung đội Trưởng - Trường hợp cháu vào Nghĩa Quân ở quận nhà, sau ít tháng, tôi sẽ gởi cháu đi học khóa Trung đội Trưởng, sau đó cháu cũng làm Trung đội Trưởng Nghĩa Quân, cũng có ba mươi mấy, bốn chục người lính, cũng hành quân như ai, có điều tầm hoạt động chỉ quanh quẩn trong phạm vi của Xã, nên cháu vẫn có thể chăm sóc gia đình bình thường , giúp đỡ mẹ và em những việc nặng nhọc, không sao.

    Hai mẹ con Ba Đức chăm chú theo dõi từng lời nói của ông Quận - Bà Tư có vẻ đồng ý với giải pháp này, còn gì sung sướng hơn khi thấy chính kẻ giết chồng mình bị đền tội dưới mũi súng của con mình - Ôi! thật tuyệt ! - Bà quay sang nói với con:
    - Đúng đấy con ạ ! Cứ như lời ông Quận nói, nếu con làm việc trong Xã nhà, rồi hạ được những đứa đã sát hại ba con, thì còn gì sung sướng cho mẹ hơn nữa . Mẹ còn nhớ như in nét mặt của hai đứa đã xả súng bắn vào ba con và em Thuận.

    Lời nói của bà Tư làm cả ông Quận lẫn Ba Đức đều bất ngờ, thích thú - Đối với ông Quận, việc Ba Đức biết được tin này, chắc chắn anh ta sẽ không đi đâu nữa cả, muốn báo thù nhà, cứ việc gia nhập nghĩa quân là xong - Vậy là ông có dịp đưa những người trẻ, có học vào lực lượng Nghĩa quân, hầu nâng cao khả năng tác chiến các trung đội sau này - Với Ba Đức đây là điều hắn khắc khoải từ lâu, làm sao biết được đứa nào đã sát hại ba hắn, chả lẽ cứ gặp VC là giết, cũng đúng thôi, nhưng nếu hạ chính những tên đã nhúng máu cha mình, sự trả thù, dĩ nhiên, sẽ thống khoái hơn nhiều chứ . Hắn nhìn mẹ bằng ánh mắt băn khoăn, như có nhiều điều muốn hỏi - May quá, ông Quận đã gỡ rối giúp:
    - Bây giờ bà còn có thể nhận diện ra chúng nó không?
    - Thưa ông Quận, chắc chắn tôi vẫn nhận ra.


    Ông Quận đưa tay nhấn chuông, người tùy phái bước vào chờ lệnh, ông bảo:
    - Mời Đại úy Trưởng Ban 2 lên gặp tôi.

    Người tùy phái lui ra, chỉ một phút sau, viên Đại úy Trưởng Ban 2 bước vào, chưa kịp đưa tay chào thì ông Quận đã hỏi:
    - Anh có đủ hồ sơ, hình ảnh bọn VC cơ sở, giao liên, nằm vùng trong Quận mình không?
    - Thưa, về lý lịch có đủ, nhưng hình ảnh thì đứa có, đứa không ạ!


    - Anh về lấy đưa lên tôi xem và tiện dịp cho bà Tư đây nhận diện luôn thể.

    Cũng chỉ mấy phút sau, Đại úy Trưởng Ban 2 trở lại với một chồng hồ sơ dầy cộm đặt trước mặt ông Quận, ông ra lệnh:
    - Để khỏi mất thì giờ, Đại úy lấy ngay hồ sơ của những tên thuộc Xã của Bà Tư trước, cho bà ấy nhận diện.

    Ông Đại úy nhanh nhẹn lựa một tập hồ sơ đặt trước mặt ông Quận - Ông Quận Trưởng thong thả lật từng tơ,ø thỉnh thoảng gặp chỗ nào có ảnh, ông đưa qua cho Bà Tư coi, tập hồ sơ ngày càng mỏng dần, bà Tư đã coi hàng chục tấm ảnh, nhưng chưa nhận diện được ai, đến tấm ảnh cuối cùng trong tập hồ sơ, bà bỗng kêu "Á" lên một tiếng, tay run run chỉ vào, giọng nói lạc hẳn đi:
    - Đúng tên này đây, ông Quận.

    Ông Quận Trưởng đưa tấm ảnh đến trước mặt Ba Đức để hắn nhìn cho rõ - Đức chăm chú ngó, cặp mắt mở rộng, nét mặt hằn nên vẻ căm thù, như muốn ăn tươi nuốt sống người trong ảnh, một lát sau, chừng như đã ghi nhận đầy đủ hình ảnh kẻ thù, Đức mới liếc mắt đọc đến phần lý lịch:
    - Võ văn Bầu tự Bầu Cá, sinh năm 1939, cha vô danh, mẹ Võ thị Bảy, nghề nghiệp: ở đợ - Bắt đầu hoạt động giao liên cho Việt minh từ năm 1950 - Năm 1952 bị Pháp bắt giam, đến năm 1953 được thả, vẫn tiếp tục hoạt động cho Việt minh, sau 1954 không thấy xuất hiện, có nguồn tin cho rằng y đã tập kết ra Bắc, đầu năm 1959, y xuất hiện trở lại trong vai trò khủng bố, thường hay từ "căn cứ lõm" ra các cơ sở nằm vùng của chúng ở các Xã chung quanh để thu thuế, nhận tiếp tế, đôi khi ám sát các viên chức của ta. Theo nguồn tin tình báo, y hiện ở trong Ban ám sát Quận.

    Điều quan trọng đối với Ba Đức là nhận rõ mặt những tên VC này, còn phần lý lịch, hoạt động của chúng thì có càng tốt, không có cũng chẳng sao, hận thù của Ba Đức hiện đang ngút ngàn, nó nghĩ thầm trong bụng: bây có làm được việc hay không được việc, thành tích nhiều hay thành tích ít cũng đều đáng chết cả. Với nó, một chú bé 18 tuổi, mang mối thù giết cha, thì chính phủ rất phí phạm tiền bạc, công sức để lập ra Bộ Chiêu Hồi.

    Bà Tư coi đến quyển thứ hai, không có gì, quyển thứ ba cũng vậy, đến quyển thứ tư cũng là quyển chót, được vài tờ, bà lại nhận diện được một tên nữa - Nhìn tấm ảnh tên này, Ba Đức thấy mặt mũi nó có vẻ sáng sủa nhưng gian ác hơn tên Bầu Cá - Tên này lớn tuổi hơn, đọc phần lý lịch, Ba Đức thấy ghi:
    - Nguyễn văn Sang, tự Hai Sang, tên Cha Nguyễn văn Giàu, mẹ Trần thị Nhỏ, sinh năm 1929 - Hai Sang thuộc loại gia đình khá giả, nhưng tính tình gian trá và ham chơi - Năm 1950, y là Thủ Bạ trong Hội đồng Tề của làng, nhưng vì gian lận, biển thủ công quỹ nên bị tù 2 năm, sau khi được thả, vì đã có tiền án, y không làm được công việc gì cả, y bất mãn đi theo Việt minh. Thời gian đầu y hoạt động rất tích cực, hiện nay y đã được tin dùng và là một trong những tên chỉ huy nòng cốt của Huyện ủy.

    Không hiểu có sự may mắn gì run rủi, mà công việc tiến triển một cách tốt đẹp, mẹ con Ba Đức không ngờ sự việc được giải quyết một cách nhanh chóng và nhiều thuận lợi cho gia đình như vậy. Hai mẹ con không ai nói ra, nhưng đều thầm nghĩ: "Có lẽ hồn thiêng ông Tư xui khiến, nên mới đẩy đưa đến cơ hội may mắn này?"

    Trước khi chia tay, ông Quận ân cần nói với Ba Đức:
    - Cháu cứ về nhà nghỉ ngơi, lo việc gia đình, và suy nghĩ cho chín chắn, vài tháng nữa lên đây, sẽ có việc cho cháu làm thôi!

    ....... . . . . . . . Lòng nóng như lửa đốt, làm sao có thể chờ đợi vài tháng như lời ông Quận nói - Chỉ mươi ngày sau, Ba Đức đã lấp ló trên văn phòng Quận để xin gia nhập Nghĩa quân, ông Đại úy Trưởng Ban 2, đã biết mặt Đức, đem nó vào Ban 1 để giới thiệu và hỏi dùm nó thủ tục gia nhập. Một khi đã quyết chí thì mọi trở ngại, rắc rối đều phải cố gắng vượt qua, huống chi đối với trường hợp Ba Đức ai ai cũng đều rõ và thông cảm với nó, vì thế chỉ một tuần sau là nó đã có mặt trong lực lượng Nghĩa quân Quận, chờ đi Trung Tâm huấn luyện để học quân sự.

    Chuyện một thanh niên có bằng Tú Tài, hoặc bằng cấp cao hơn, gia nhập Nghĩa quân không phải là chuyện lạ ở mấy xã ven đô , vì những người đó, thực sự chỉ tìm một chỗ hợp lệ tình trạng quân dịch, để tính toán những việc khác cho cuộc đời họ - Nhưng với Ba Đức, đây là dịp nó mang hết khả năng để phục vụ, nói đúng hơn nó sẽ tận lực để báo thù...

    Từ lúc học quân sự xong, chính thức trở thành một Nghĩa quân viên, Ba Đức không từ nan một công việc gì mà Trung đội cắt cử cho hắn, từ tuần tiễu đêm, hoạt động thám sát địa thế, phục kích trên những trục lộ mà bọn giao liên thường qua lại - Với tinh thần phục vụ cao, tuổi trẻ, nhanh nhẹn, tháo vát, nhất là luôn tình nguyện trong những công tác khó khăn, nguy hiểm, Ba Đức dễ dàng chiếm được cảm tình của đa số đồng đội và những viên chức trong Quận.

    Đúng như lời ông quận Trưởng đã hứa, chỉ sáu tháng sau Ba Đức được đề nghị theo học khóa Trung đội trưởng Nghĩa Quân - Ngoài vấn đề giữ lời hứa, ông Quận còn nói thẳng với mọi người là Ba Đức rất xứng đáng theo học khóa này, căn cứ vào trình độ văn hóa và nhất là tinh thần phục vụ của nó trong sáu tháng qua mà mọi người đã biết.

    Đúng như sự tiên đoán của ông Quận "Bắc Kỳ", từ ngày Ba Đức được chính thức nắm chức Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân, chỉ trong vòng hơn một năm trời, hắn đã đưa Trung đội của hắn lên hàng đầu của Quận, rồi của Tỉnh - Những thành tích mà Trung đội Ba Đức lập được không ai có thể chối cãi, số địch quân bị hạ trong những trận phục kích, số vũ khí tịch thu được, tình trạng an ninh trong vùng hoạt động của Ba Đức ngày càng khá hơn, đã chứng minh điều đó.

    Khi đã được nhiều người tin yêu, giúp đỡ, Ba Đức mới nghĩ đến việc tổ chức riêng một mạng lưới tình báo, hầu theo dõi những tên có trong sổ đen, tức là những tên xa gần đã nhúng tay vào máu ba và em anh ta. Người ta thấy Ba Đức hay qua lại với Đại úy Trưởng Ban 2 Chi Khu để trao đổi tin tức và những lần phục kích của Ba Đức đạt kết quả cao hơn, vì nhờ tin tức tình báo chính xác - Thời điểm này là lúc cao trào "làm ăn" của Trung đột Ba Đức lên thật cao - Anh ta "phát minh" ra kiểu phục kích bằng mìn Claymore cơ động, hàng đêm,Trung đội tung ra bốn, năm điểm phục kích, mỗi điểm chỉ ba, bốn người, bọn họ gài mìn Claymore, cho nổ khi ngòi nổ chạm điện, rồi tùy theo vị trí, họ đặt mìn theo vòng cung, thước thợ, nổ dọc hay chặn ngang v...v... tính toán làm sao để triệt hạ bằng hết những tên trong tổ của chúng, những cái bẫy để bọn VC đạp nổ được ngụy trang khéo léo - Đặt mìn xong, họ tìm một chỗ an toàn nằm chờ, nếu đêm ấy, điểm phục kích phát nổ là họ "có ăn", họ tức tốc gọi ngay về Quận, xin Pháo Binh diện địa "chơi" thêm cho vài trái nổ chụp, rồi nằm chờ sáng ra ...lượm súng - Nếu không có gì, họ chịu khó dậy sớm, ra gỡ mìn về, để hôm sau .....làm tiếp - Những hoạt động tích cực và đạt nhiều kết quả như vậy, đương nhiên Ba Đức trở nên cái gai trước mắt bọn VC - Theo tin tức từ trong mật khu ở "căn cứ lõm", tình báo ta cho biết, VC đã họp nội bộ, nhất quyết tìm cách hạ Ba Đức, để cứu vớt tổ chức của chúng đang trên đà dần dần bị tiêu diệt, chúng cũng đã hoạch định cả một trận tấn công quy mô vào đồn Nghĩa quân do Trung đội Ba Đức trấn đóng, để tiêu diệt bằng được tên "Trung đội Trưởng ác ôn", đã hạ rất nhiều các "cán bộ cách mạng", đồng bọn của chúng - Nhận được tin này, Ba Đức thích lắm, hắn họp hành liên miên với ông Trưởng Ban 2, Ban 3 và Ông Quận Trưởng đều phác họa một kế hoạch ngăn chặn.

    Trong một buổi họp, Ba Đức trình bày ý kiến:
    - Con (đối với ông Quận và các cấp trong Quận, Ba Đức đã nhiều lần đắn đo suy nghĩ, bằng vào tuổi tác và với sự yêu thương mọi người dành cho, chỉ còn cách xưng con với họ là đúng hơn cả) - Con nghĩ tụi nó có "uấn" cũng còn lâu, ít ra nó còn phải điều nghiên, rồi xin xin lực lượng về cũng mất nhiều thời gian - Việc ông Quận với mấy Thày lo thì cứ lo, phần con, con sẽ cùng anh em bung ra thật nhiều, để "hốt" trước mấy thằng về điều nghiên là tụi nó hết đánh luôn thôi.

    Mấy ông nhìn nhau tủm tỉm cười - Đối với Ba Đức, chuyện gì nó cũng cho là "ngon ăn" cả - Nhưng thật sự nó nói rất có lý - Chặt xong mấy thằng đi điều nghiên, còn ai đưa đường dẫn lối nữa mà đánh với đấm, có điều không hiểu giờ nào chúng mới đi điều nghiên, đi bao nhiêu lần, phương hướng thế nào - Chặn được bọn này phải mất bao nhiêu công lao, ngày giờ v...v... Nghĩa là muốn làm việc này phải có thừa can đảm và ý chí - Chuyện này Ba Đức có thể đảm đương, vì nó có đủ cả hai yếu tố đó - Cộng với lòng căm thù nung nấu - Ba Đức không khi nào bỏ cuộc, đã nói là làm và làm đến nơi đến chốn.

    Ba Đức quay về Trung đội, họp tất cả anh em trình bày những hoạt động trong thời gian tới, anh ta dấu chưa cho mọi người biết tin tức nhận được là VC sẽ tìm cách triệt hạ anh ta bằng mọi giá, kể cả việc tấn công nơi Trung đội trú đóng . Mọi người thấy đây cũng giống như công việc bình thường, bất quá có nằm nhiều chỗ hơn thường lệ cũng không sao - Họ vui vẻ thi hành vì đặt hết tin tưởng vào Ba Đức mà không hề thắc mắc gì cả . Ba Đức âm thầm, lặng lẽ làm theo chương trình đã hoạch định - Một tháng rồi hai tháng, năm sáu điểm kích của Trung đội đi không lại về không, chẳng được chút kết quả nào cả - Ba Đức đã hơi nản chí, nhưng rồi anh ta bỗng nảy ra một ý nghĩ , có lẽ địch đánh hơi, hay chúng cũng có tai mắt, nên Trung đội càng đi ra khỏi đồn nhiều, địch càng giữ kỹ, không ló mặt ra nữa, vì thế Ba Đức đánh lừa địch bằng cách không cho anh em ra khỏi đồn nữa - Tất cả Trung đội bỗng được lệnh tu bổ hệ thống phòng thủ, đêm đêm thủ đồn, canh gác cẩn mật mà thôi - Đêm thứ nhất, Ba Đức ở trong đồn cùng anh em, đêm thứ hai, trời vừa tối hẳn, Ba Đức giao tất cả mọi việc trong đồn cho người Trung đội phó, anh ta cùng ba người tình nguyện, âm thầm rời đồn đi ra - Đêm đó và đêm kế tiếp yên tĩnh - Đến đêm thứ ba, vào lúc 1 giờ sáng, có tiếng mìn claymore nổ liên tiếp 4 lần, mọi người trong đồn được báo động ra vị trí phòng thủ, trong hầm chỉ huy, người hiệu thính viên ngạc nhiên thấy hệ thống truyền tin êm re, chẳng thấy trên Quận hỏi han rối rít như mọi khi nghe tiếng nổ, còn ông Trung đội phó ngồi tỉnh bơ hút thuốc, không hề lên tiếng, đã vậy sau dăm phút còn có thêm mấy tiếng nổ do pháo binh bắn đạn nổ chụp, rồi tất cả trở về im lặng - Trung đội được lệnh nằm ngủ tại vị trí phòng thủ.

    Bốn giờ rưỡi sáng, ông Trung đội phó đánh thức tất cả dậy báo tin, đêm qua, Ba Đức và mấy anh em âm thầm ra ngoài đồn phục kích và đã chạm địch, vì những tiếng nổ đêm qua anh em đã nghe - ông cắt đặt một tiểu đội ở lại coi đồn, còn tất cả chờ trời rạng sáng sẽ theo sự chỉ huy của ông ra lục soát.

    Kết quả cuộc phục kích bằng mìn đem lại kết quả ngoài sự mong đợi của mọi người - Bốn tên chết tại chỗ, một tên gãy cẳng, nằm lại bị ta bắt sống - Điều làm cho Ba Đức sướng phát điên lên được là trong 4 tên chết, có cả hai tên Võ văn Bầu, tự Bầu Cá và Nguyễn văn Sang, tự Hai Sang, hai tên đã ám sát ông Tư Trương và một số viên chức xã ấp năm nào . Theo cung từ của tên còn sống sót, đúng có hai tên Bầu và Sang, chúng đi điều nghiên đồn Nghĩa quân - Quả như sự phán đoán của Quận, hai tên này, giờ đã thuộc thành phần lãnh đạo, chúng chỉ xuất hiện trong những trường hợp đặc biệt, hạ được chúng phải kể là rất may mắn....

    Ba Đức đang ngồi nói chuyện với mẹ, bà Tư hôm nay trong ánh mắt đã ánh lên niềm vui - Ước vọng của bà đã thành sự thực, những kẻ giết chồng bà và các người lương thiện, nay đã đền tội, và đặc biệt là đền tội dưới tay con bà - Hôm nghe tin Ba Đức đã hạ được mấy tên này, Bà và con Hiếu vội vàng bỏ cả công việc, hai mẹ con dắt nhau chạy lên trụ sở Xã, vì những xác chết được đem về đó để bà con nhận diện - Những người có mặt tại chỗ ngày hôm đó thật cảm động khi chứng kiến hành động của bà - Bà nhìn sững hai xác chết tên Bầu Cá và Hai Sang, tay run run chỉ vào mặt chúng, miệng lắp bắp: "Đúng, đúng chúng nó" - Hai hàng nước mắt bà rơi ròng ròng. Đột nhiên bà ôm chặt Ba Đức và Tư Hiếu cười như điên dại, giọng cười thật thỏa mãn, trong khi đôi dòng lệ vẫn tuôn trào như suối . Nhớ lại quang cảnh ngày hôm đó, bà vẫn còn thấy nao nao trong dạ - Khi biết chắc mối thù của mình đã được thằng con trai cưng trang trải, bà an tâm, đưa mắt quan sát chung quanh, nhiều người sau khi nhận diện những tên sát nhân, biết chắc chúng là những tên đã giết người thân của mình, nay thật sự đã đền tội, ai nấy đều có cảm tình với những người thay họ mà trả thù - họ đến bắt tay Ba Đức và mấy người cùng đi với anh đêm ấy, các bà thì kéo tay, ôm vai, một vài bà còn mếu máo nói với người đã khuất, nhưng để gián tiếp cám ơn Ba Đức và mọi người: "Ông ơi ! vậy là ông ngậm cười chín suối nghe! thù của ông có người trả dùm rồi !". Chợt nhớ lại chuyện gì đó, Ba Đức quay sang nói với mẹ, giọng rất thật tình:
    - Không phải tụi con hay ho gì đâu má, làm như có sự run rủi của ba nhà mình với mấy người bị chúng nó giết, nên tụi nó tự tìm đến chỗ chúng con gài mìn đấy chứ - chỗ đó tụi con chỉ gài cầu may thôi chứ có tính toán gì như mọi khi đâu.

    Bà Tư nhìn con trìu mến, gật gù ra vẻ đồng ý, nhưng miệng bà mỉm cười, thầm mắng yêu thằng con:
    - Thằng thiệt dễ thương, không bao giờ nhận riêng cho mình một công trạng nào cả.

    Cũng vì vậy mà Bà Tư đã vui vẻ hạ một con heo tạ, trước là để cúng chồng, con, sau để Bà và các con tạ ơn Trời đất cùng những người đã tạo cơ hội, góp công sức trong việc trả thù chung này.

    Bỗng có tiếng xe gắn máy tới gần, rồi ngừng trước ngõ, một bà già xăng xái bước vào, theo sau là người thiếu nữ, tuổi ngoài 20 , dắt chiếc Honda Dame . Bà già chân bước, miệng nói liến thoắng:
    - Chị Tư ơi! có nhà không, ghé thăm chị chút nè!

    Bà Tư và Ba Đức nghe vậy, cùng đứng dậy bước ra - Hai Bà dường như có quen nhau từ trước, chào hỏi tíu tít - Sau khi cúi đầu chào bà khách, Ba Đức đưa mắt sang nhìn người thiếu nữ, chàng ta chợt sững sờ vì vẻ đẹp của cô nàng - Khó nói quá - Vừa đơn sơ, vừa quyến rũ - vừa nghiêm trang, vừa mời gọi - Không biết diễn tả thế nào, nhưng đúng như tình trạng của Ba Đức gặp bây giờ, người ta gọi là "tiếng sét ái tình" thì phải - Phần cô gái cũng không khá gì hơn, sau khi cúi chào mẹ con Bà Tư, thấy cung cách Ba Đức nhìn mình, cô bỗng thấy mất tự nhiên, tim cô không còn đập bình thường nữa, nó rộn ràng, gấp rút hẳn lên, rồi một luồng hơi nóng từ ngực bốc thẳng lên mặt, làm mặt cô vụt bừng đỏ - Cô luống cuống, loay hoay dựng chiếc xe mãi mà không được, Ba Đức thấy vậy chạy lại giúp, khiến mặt cô đã đỏ càng đỏ thêm - Bà Tư lên tiếng giới thiệu vói con trai:
    - Con à! Bà đây là bà Sáu Phúc, ổng làm Xã Trưởng ở xã trên, ổng cũng bị nạn hồi đó, cũng do mấy tên đã ám sát ba con giết hại, sau ba con ít tuần thôi.

    Bà Sáu vui vẻ tiếp lời:
    - Thiệt tình chỉ vì chuyện gặp nạn của mấy ổng, chị em mình mới quen biết nhau há chị Tư - Bây giờ có lẽ còn thân thiết hơn, vì gia đình tôi mang ơn cháu Ba nó ở đây nhiều lắm.
    - Có gì đâu mà chị Sáu coi trọng như vậy - Bất quá cũng chỉ là nhiệm vụ của cháu thôi mà.


    - Chị nói vậy đâu được, không có anh em tụi nó, biết đến bao giờ mấy ổng mới xong được cái oán này - Chị Tư còn hy vọng vì có con trai, chớ gia đình tôi thì đành chịu - Bốn đứa con gái cả - Rồi như muốn nhân dịp này giới thiệu cô gái, bà day qua cô ta:
    - Nhỏ này là út đây, cháu tên Dung, đang học trên Sàigòn, nhưng năm nay tôi bắt nghỉ, về nhà mẹ con hủ hỉ với nhau, mấy con chị nó có chồng hết rồi, nhà vắng hoe... à !!


    Sau choáng váng vì bất ngờ gặp gỡ, Ba Đức đã bình tĩnh trở lại, nghe bà già nói chuyện, chàng ta nghĩ bụng: " Bà già thiệt hay, chỉ vài câu nói đã giới thiệu tạm đủ về con gái của bà - Hình như bà muốn đem con khoe với mình và để "cho" mình thì phải" - Ý nghĩ chợt đến làm Ba Đức khoái chí, mỉm miệng cười, đưa mắt nhìn sang cô gái. Cô Dung tuy vẫn còn hồi hộp lắm, nhưng sắc diện đã tạm trở lại bình thường, khi Ba Đức đảo mắt sang nhìn cô, cô cũng đang nhìn trộm hắn, hai mắt gặp nhau, mặt cô lại đỏ bừng lên... Cô cảm thấy vui vui... Sáng nay, khi mẹ cô bảo cô chở sang để cám ơn và mời ông Trung đội trưởng Nghĩa quân cùng các anh em đã hạ được những tên trước kia ám sát ba cô, sang dự buổi giỗ ba cô, cô không có hình tượng gì về người Trung đội trưởng này cả, vì thông thường, những người trung đội trưởng mà cô đã gặp, trung bình cũng khoảng tuổi ba mươi mấy, bốn mươi - Đâu ngờ anh chàng này chỉ ngoài hai mươi, trông thật thư sinh vì dáng người cao, mảnh khảnh, nước da trắng xanh, có lẽ nhiệm vụ đòi hỏi phải thức đêm nhiều - Nhưng mà con mắt chàng ta nhìn cô thật ... kỳ, làm lòng cô xao xuyến, có lẽ trong chỗ riêng tư, chàng đã có cảm tình với cô, riêng cô, không hiểu sao nhìn ánh mắt, nụ cười ấy, cô cũng đã cảm thấy có phần rung động - Vì thế, nếu muốn nói cho chính xác, thì phải nói thế này: - Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, hai người đã có cảm tình với nhau!

    Sau đám giỗ ông Sáu Phúc, Ba Đức thường xuyên vắng nhà, bình thường sau những giờ hoạt động đêm, bao giờ anh ta cũng cần một giấc ngủ ngày thật dài, để lấy sức cho ban đêm hoạt động lại, từ ngày quen biết cô Dung, giấc ngủ ngày của Đức thất thường, khi có, khi không, khi dài, khi ngắn, bà Tư cũng lo ngại, nhắc nhở con, nhưng lần nào chàng cũng gạt đi, nói rằng mình không cảm thấy mệt - Mà quả thật vậy, mặt hắn lúc nào cũng tươi roi rói, gặp ai cũng cười đùa vui vẻ, thỉnh thoảng lại còn hát nghêu ngao mấy câu vọng cổ của trai gái tỏ tình - Đúng! tình yêu chẳng dấu được ai, và Ba Đức cũng chẳng cần dấu diếm tình cảm của mình - Bà Tư thấy đôi trẻ như vậy cũng vui, bà hối thúc Ba Đức mau mau tiến tới để bà có cháu bồng.

    Rồi đám cưới hai người diễn ra ngon lành, xuông xẻ, hai bà thông gia đều là goá phụ của những viên chức xã ấp đã bị VC sát hại, nên họ hạp nhau và thông cảm với nhau hơn ai hết - Về dự đám cưới có cả Hai Tài, bây giờ anh ta đã là Trung úy làm Đại Đội Trưởng một Đại Đội Biệt Động Quân ở Liên Đoàn 2BĐQ

    Gặp anh Hai lần này, Ba Đức học hỏi thêm được một số kiến thức về quân sự và các loại vũ khí - Tình cờ Hai Tài gặp một người bạn cùng khóa, trước kia phục vụ tại Nha Kỹ Thuật, nay bị thương, xuất ngành, thuyên chuyển sang Tiểu khu, hiện làm Đại Đội Trưởng Đại Đội Địa Phương Quân, đi hành quân qua.

    Trong bữa nhậu tại nhà bà Tư, có cô dâu mới lo tiếp đãi, thấy Ba Đức cứ chăm chú nhìn vào hai trái lựu đạn "mini" mà người bạn mình đang đeo ở giây ba chạc, ánh mắt thèm thuồng, Hai Tài biết thằng em mình "kết" hai trái lựu đạn đó lắm, anh dự tính trong bụng, sẽ chờ dịp hỏi xin cho thằng em - Không ngờ anh bạn quá sành điệu, anh ta nhìn chai Martell cổ lùn gật gù, anh nghĩ đến tình cảm của bạn và em bạn thết đãi mình quá trịnh trọng, rồi nhìn qua Hai Tài nói:
    - Tao thấy thằng em mày có vẻ khoái hai trái đồ chơi này lắm, hôm nay cũng may, tình cờ gặp anh em mày, lại còn nhậu nhẹt với nhau, thôi thì nếu nó thích, tao tặng nó, cho nó vui.

    Miệng nói tay gỡ hai trái "mini" trao cho Ba Đức đem cất - Ba Đức thích muốn nhảy lên, nhưng vẫn đẩy đưa:
    - Cho em rồi anh lấy gì xài?
    - Ôi! hơi đâu mà lo chuyện đó em, M.67 thiếu gì - Vả lại, "cái này" ít khi dùng tới, hồi tụi anh đi toán, thường mang thủ thân, để dành khi cần đến thì ?cưa đôi? thôi mà ! Khi nào có dịp ghé qua Sở gặp bạn bè, chắc anh sẽ xin tụi nó mấy trái khác, lúc đó chưa chừng chú mày có thêm à!


    Nghe vậy, Ba Đức hí hởn đem cất ngay, kể từ ngày hôm sau, trong hành trang dùng để "trang trí" của Ba Đức có thêm hai trái lựu đạn "mini".

    Quán Bà Ba dần dần thưa khách, giờ này mọi người đều về nhà để ăn bữa chiều - Ba Đức và toán Nghĩa quân cũng giải tán, anh em người nào lo việc đó, riêng Ba Đức cũng tạt qua về nhà, ăn cơm với mẹ và vợ con, rồi cũng vào đồn ngủ như mọi khi - Tình hình an ninh bây giờ không được tốt lắm, dù hết lòng bảo vệ thôn xóm, nhưng nhiều khi "cái khó bó cái khôn", những phương tiện mà Trung đội của Ba Đức cần dùng để phục kích, diệt giặc không còn nữa - lợi dụng hiệp định ngưng bắn, địch hoạt động, xâm nhập, phá hoại nhiều hơn, trong khi bên ta lại tuân thủ, hay nói đúng hơn bị bắt buộc tuân thủ và ngồi yên nhìn địch vi phạm. Tiếp liệu đã bị thiếu thốn đủ thứ, viện trợ của Đồng Minh đang từ 10 sụt xuống còn 1, vũ khí đạn dược hết sức hạn chế, đôi khi đụng trận, xin yểm trợ vài trái đạn pháo binh cũng trần ai, lai khổ mà không được như ý, vì thế khả năng hoạt động của Trung đội Ba Đức cũng không còn hữu hiệu nhiều như mọi năm nữa, giờ đây hoàn toàn trông vào sức mình, với số vũ khí cá nhân, cộng thêm sự gan dạ, thỉnh thoảng mới có được chút kết quả gọi là yên ủi mà thôi - Buồn thật!

    Nhìn nét mặt dàu dàu của con, bà Tư không hiểu chuyện gì, gặng hỏi mãi, Ba Đức mới trả lời lấp lửng:
    - Hết trơn mọi thứ, không còn gì mà xài.

    Bà muốn an ủi con một tiếng, nhưng không biết nói gì, vì chẳng hiểu rõ ý con nên cũng làm thinh luôn.

    Ba Đức cũng cảm thấy việc ông Quận không chấp thuận đề nghị của chàng là điều bắt buộc, vì với trang bị như vậy, yểm trợ như vậy, các đơn vị chính quy còn không đủ dùng, nói chi đến Nghĩa quân, làm ra chỉ thấy hại nhiều hơn lợi, chi bằng cố gắng tỉnh thức phòng thủ, còn có thể bảo tồn lực lượng được, để chờ khi thuận lợi - Mà biết đến bao giờ mới thuận lợi, cơ hội có đến hay không.

    Lùa vội vài chén cơm cho xong bữa, Ba Đức chơi với hai đứa nhỏ một lát rồi từ giã gia đình đi vào đồn - Hai thằng con trai í éo đòi theo, nhưng bà ẵm đứa lớn, mẹ ẵm đứa nhỏ, hai đứa đành lặng thinh nhìn bố chạy xe thẳng ra cổng.

    Cuối năm 1974, hoạt động phá hoại của VC nổi lên khắp nơi và quy mô gấp bội, kế hoạch lấn chiếm của chúng rất có bài bản - Đánh thăm dò vài nơi, thấy đồng minh của ta không phản ứng gì, chúng lập tức gia tăng cường độ - Đầu năm 1975, tình hình miền Nam bi đát thấy rõ, bọn VC đã chiếm được một vài tỉnh của ta - Chính quyền miền Nam hoàn toàn bị động - Lệnh rút bỏ cao nguyên, rút bỏ vùng 1, như khuyến khích bọn giặc cộng tăng thêm áp lực - Quân chính quy Bắc Việt xâm nhập công khai, không cần dấu diếm như mọi khi nữa, chúng chuyển quân bằng xe, chúng kéo cả xe tăng, đại pháo rầm rập chạy vào để sớm dứt điểm miền Nam, trong khi đó thì đồng minh Mỹ im hơi lặng tiếng, quốc hội Mỹ lại "cẩn thận" hơn nữa, khi đưa ra đạo luật không cho phép Tổng Thống đem quân đội hay không quân can thiệp vào các trận chiến ở nước ngoài - Viện trợ quân sự cho VNCH bị cắt gần hết -Trong khi đó thì những thành phần chính trị gia xôi thịt, những chính khách sa lông, phe này, phái nọ, ráo riết vận động cho một cuộc đầu hàng trá hình bằng cách tuyên bố thẳng sẽ nói chuyện với "người anh em phía bên kia" - Cuộc rút quân gọi là "di tản chiến thuật", "tái phối trí", hoàn toàn thất bại - Không phải là rút lui nữa mà là tháo chạy, tổn thất của cả quân lẫn dân làm cả nước bàng hoàng - Đến giai đoạn các ông ấy bàn giao chính quyền là ...hết thuốc chữa.

    Đầu óc Ba Đức không còn tỉnh táo nữa, lúc nào cũng "bưng bưng" như có ai cầm búa gõ trong đầu - Nhìn mẹ già, vợ dại, con thơ, nếu có chuyện gì xảy ra, làm sao có thể cáng đáng được - Tình hình bất lợi lắm rồi - Thương mẹ, thương vợ, thương con, mà đầu óc không làm sao tỉnh táo để đối phó cho kịp với hoàn cảnh - Ba Đức lẩn thẩn tự trách mình - Sao hồi đó ham cưới vợ làm chi, để bây giờ khổ cho tất cả mọi người.

    Tình hình đã biến đổi không ai có thể ứng phó kịp, kể cả những ông vẫn được tiếng là tài giỏi, tiên đoán mọi việc như thần
    - Địch quân càng ngày càng lợi thế và chuyện gì phải đến đã đến
    - Miền Nam đã hoàn toàn bị cưỡng chiếm.
    - Không nói đến những ông chính trị gia xôi thịt, chạy đôn, chạy đáo, tìm đường rút.
    - Đừng nhắc đến Tướng Tá chẳng một chút tiết tháo, chí khí nhà binh, cũng xa chạy, cao bay.

    Chúng ta hãy nhớ đến những người đã oai hùng tuẫn tiết, các vị Tướng, Tá, Úy, Hạ sĩ Quan, Binh sĩ, Cảnh Sát Quốc Gia v...v... trong đó có cả anh Trung đội Trưởng Nghĩa Quân thân thương của chúng ta nữa..............

    Mọi chuyện diễn tiến quá bất lợi, hầu như ai ai cũng biết và có thể đoán trước kết quả, nhưng khi nghe đích thân ông Tổng Thống lên đài phát thanh ra lệnh buông súng đầu hàng thì mọi người đều hỡi ôi !!!

    Toàn thân như tê cứng, đầu óc quay cuồng, Ba Đức hét lên một tiếng, đưa tay cầm chiếc radio transistor đập mạnh xuống đất, vỡ tan - Việc làm vô ích, không thay đổi gì được cuộc diện, cũng chẳng vơi được niềm đau, chỉ đơn giản đem lại khoảnh khắc im lặng trong gian hầm chỉ huy trong đồn.

    Tiếng rè rè trong chiếc máy truyền tin đột nhiên cũng im và giọng nói chậm rãi của ông Quận Trưởng cất lên:
    - Tôi thông báo cho các đơn vị trực thuộc biết, từ giờ phút này, tôi không còn là người chỉ huy của anh em nữa, xin anh em tự lo liệu.

    Mấy lời ngắn, gọn rồi im lặng, Ba Đức bốc máy, tính nói chuyện với ông Quận, nhưng gọi hoài không được, chàng chán nản buông máy, đôi mắt thất thần nhìn các anh em - Không ai lên tiếng, họ vẫn sẵn sàng chờ quyết định của người chỉ huy trẻ tuổi của họ mà họ hằng quý mến .

    Ngồi im lặng cả tiếng đồng hồ, Ba Đức mới lên tiếng nói với anh em:
    - Trên đã nói vậy, tôi cũng nói với mấy ông như vậy, tuỳ ý các ông, tôi cũng không còn là Trung đội trưởng của mấy ông nữa . Rồi như dứt khoát, Ba Đức đứng dậy, lấy giây ba chạc súng đạn mang vào người, bỏ đi.

    Mọi người ngơ ngác, nhưng kết cuộc ắt phải xảy ra, làm sao có thể xoay chuyển được - Cả một guồng máy chính quyền, quân đội, như vậy mà còn phải chịu, huống chi một trung đội Nghĩa quân - Buồn thì buồn lắm, nhưng họ phải nhìn vào sự thật phũ phàng, họ cũng im lặng ngó nhau, bỏ lại súng đạn , người trước, kẻ sau, rời đồn về với gia đình.

    Ba Đức chạy thẳng về nhà vợ chồng người em gái - Mấy hôm trước, thấy tình hình lộn xộn, để giữ an toàn cho mẹ và vợ con, cũng như sự an tâm cho chính mình, anh đã đưa cả nhà về ở nhờ người em rể, vì ở đây, có căn hầm trú ẩn rất rộng rãi, chắc chắn.

    Không khí trong gia đình thật ảm đạm, giống như nhà có đám tang - mà nếu nói là gia đình có tang, trên phương diện nào đó cũng đúng thật . Suốt ngày 30-4, Ba Đức nằm dí trên giường, không ăn uống, hỏi không nói, gọi không thưa, nằm vắt tay lên trán, thỉnh thoảng thở dài nghe muốn đứt ruột - Hai đứa con rất mến bố, nhưng thấy bố như vậy cũng không dám lại gần - Mẹ, vợ, em gái, em rể, ái ngại nhìn, không biết nói gì để an ủi, vì họ hiểu sự mất mát này quá lớn lao, nỗi đau này là nỗi đau chết người, họ cũng buồn lắm, biết nói gì đây!

    Nhìn ra ngoài trời, mây kéo về xám xịt, bầu trời cũng âm u, như chia sẻ niềm đau, nỗi hận, với nhân dân miền Nam . Chòm xóm ai cũng ngơ ngơ, ngác ngác, trước cuộc thay đổi nghiệt ngã này - Họ bị hối thúc treo cờ, mít tinh v...v... để gọi là "chào mừng giải phóng", nhưng ai cũng chỉ à ới cho qua chuyện thôi.

    Chập tối, chú em thân tín nhất trong Trung đội, thường theo sát Ba Đức ghé thăm, hai anh em thì thầm với nhau một lát, những điều chú nói cho Ba Đức tóm tắt như sau:
    - Anh Sáu Bộ (một Trung đội trưởng Nghĩa quân trong quận) bị tụi nó giết ngay tại đồn.
    - Chú Tám Én, Trung đội Trưởng Cầu Võng, bị tụi nó vô nhà vây bắt, rồi đem ra ngoài xử bắn luôn.


    - Anh Ba tìm đường thoát đi, chắc chắn tụi nó đang kiếm anh, tụi VC vào đồn mình, chỉ thấy súng đạn để lại, không gặp một ai, chúng không nắm vững tình hình ở vùng mình, nên chưa kiếm ra anh đấy thôi.

    Ba Đức suy nghĩ lung lắm, trước sau gì cũng phải đối diện thực tại - Anh đã có quyết định riêng cho mình, nhưng không muốn ảnh hưởng đến những người thân yêu, nhất là đang ở nhà em rể - Qua một đêm hồi hộp đợi chờ , Ba Đức càng quyết tâm hơn nữa - Mờ sáng 1-5-75, Ba Đức nai nịt gọn gàng, giọng bình tĩnh nói với mẹ:
    - Con về nhà trước thắp nhang lễ Ba, má với vợ con về sau nha! Hôm nay kể như tạm yên, mình về nhà được rồi.

    Hướng về hai người em anh nói:
    - Má với anh chị cám ơn cô, dượng nhiều nghe

    Quay sang vợ, Đức dặn dò:
    - Chờ mấy đứa nhỏ ngủ dậy rồi em với má đưa con về. Anh về trước.

    Hai nhà cách nhau không xa lắm, không muốn nổ máy xe ồn ào, Đức để xe lại, lủi thủi đi bộ về nhà.

    Sau khi mở cửa vào, anh đóng cửa lại cẩn thận, thắp ba nén nhang, đứng trước bàn thờ bố, miệng lầm thầm khấn vái - cắm xong mấy nén nhang, anh ta thay bộ đồ cũ đã mặc mấy hôm nay bằng một bộ đồ ủi hồ mới tinh - Ngắm mình trong tấm kiếng, với một giọng hết sức tỉnh táo, kèm đôi chút hãnh diện, anh nói nhỏ riêng mình nghe: Nghĩa Quân là phải "ngon"!

    Vừa xỏ xong hai ống quần, Ba Đức nghe tiếng ồn ào ngoài ngõ, rồi giọng nói của má chàng vọng vào:
    - Tui đã nói với mấy ông là con tôi ở nhà chứ có trốn tránh gì đâu

    Bà lớn tiếng gọi:
    - Ba à! Đang làm gì đó con?

    Ô, vậy là chương trình không đúng như dự tính, chắc phải ồn ào hơn chút đỉnh rồi - Nhưng không sao, cũng "vui" thôi - Nghĩ vậy, Ba Đức lên tiếng trả lời mẹ:
    - Con đang thay đồ.

    Nhìn qua khe cửa, anh thấy mẹ đi trước, theo sau bà cả chục tên du kích VC, súng ống đầy đủ, lố nhố tiến vào trong sân - Phía sau là Dung và hai đứa con nhỏ, rồi đến hai vợ chồng cô em và đứa con, một số bà con trong xóm cũng ngấp nghé ngoài cổng, không hiểu vì tò mò hay bị lùa đến để chứng kiến cuộc vây bắt.

    Vừa nghe Ba Đức lên tiếng trong nhà, tên chỉ huy toán du kích trở mặt liền với bà Tư - Hắn quát lớn:
    - Thôi bà kia đứng lại, lui ra phía sau.

    Hắn ra lệnh cho đồng bọn:
    - Tổ 1 triển khai bố trí sau nhà, khẩn trương - Các đồng chí còn lại vây phía đằng trước.

    Hướng vào phía trong nhà hắn la lớn:
    - Ba Đức ra hàng ngay, nếu không lực lượng du kích sẽ tấn công vào nhà.

    Hắn lại ra lệnh cho thuộc hạ:
    - Các đồng chí, chuẩn bị thủ pháo - Miệng nói, tay hắn vẫy vẫy cho ba tên tiến gần cửa, trong tầm ném.

    Ba Đức đứng trong nhà nghe không sót một câu, từ lúc nó đuổi bà mẹ ra, cho đến khi nó ra lệnh cho mấy đứa tiến vào, gia đình Ba Đức và bà con thấy vậy cũng lùi ra xa

    Ba Đức từ trong nhà lên tiếng:
    - Tôi chuẩn bị ra đây!
    - Dơ hai tay lên khỏi đầu, mở cửa bước ra!


    Cánh cửa từ từ mở rộng, người ta thấy hai bàn tay khum khum dơ cao đưa ra, rồi một bóng người xuất hiện trong khung cửa, bộ quần áo trận màu đen thẳng nếp, cổ quấn một lá cờ vàng ba sọc đỏ, hai tay vẫn dơ cao khỏi đầu, từ từ bước ra khỏi nhà, cặp mắt quét nhanh một nửa vòng tròn nhận định vị trí - Tên VC chỉ huy quát lớn:
    - Nằm sát xuống đất, hai tay dang ra!

    Ba Đức hơi khựng lại, rồi đột nhiên anh ta vụt chạy thật nhanh đến chỗ tên chỉ huy và ba tên du kích đang đứng gần nhau, tay trái buông thõng xuống, tay mặt vung mạnh về phía đầu hồi, nơi có mấy tên khác đang quỳ lom khom bố trí hướng súng vào trong nhà - Đồng thời có tiếng hét bật ra từ lồng ngực: "Việt Nam Cộng Hoà muôn năm - Đả đảo cộng sản" - Trước sau hai tiếng nổ chát chúa vang lên - khói, bụi, cát, đất, lẫn vào nhau tung lên mù mịt - Dân chúng hoảng hốt kéo nhau chạy dạt ra - Bọn du kích không tên nào kịp phản ứng - Ba Đức và tên chỉ huy du kích chết banh xác tại chỗ, hai tên khác đang dẫy dụa trong vũng máu, tên thứ ba cũng nằm gục xuống, không rõ còn sống hay đã chết - Phía đầu hồi, chỉ có một tên lãnh đủ vì trái lựu đạn trúng ngay chỗ, hai tên khác bị thương nhẹ - Thật khủng khiếp, lần ra tay cuối cùng của Trung đội Trưởng Ba Đức - Anh đã quyết lấy cái chết để đền nợ núi sông, đồng thời nói lên tinh thần chiến đấu đến hơi thở cuối cùng của người chiến sĩ Nghĩa Quân.

    Lần đầu và cũng là lần cuối, Ba Đức dùng đến món quà mà đàn anh đã tặng: "Cặp lựu đạn Mini".

    A20 Nguyễn Văn Học


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X