Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Father's Day - Bố tôi

Collapse
X

Father's Day - Bố tôi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Father's Day - Bố tôi

    Father's Day - Bố Tôi


    Chung Dao


    Ngày xưa ở đất nước mình đâu có Ngày của Cha, vậy mà đỡ, con còn ít nhớ đến bố. Ở cái đất nước văn minh này, ngày lễ gì cũng có nên con lại càng nghĩ về bố nhiều hơn và ít nhất phải viết đôi dòng về bố nhân dịp lễ đến.

    Bố là một người cha không nghiêm nghị với con cái mà trái lại chiều con hết mức, nếu không có mẹ chắc tụi con cũng khó học hành tới nơi tới chốn như thế.

    Những ngày thơ ấu, những ngày tụi con thật nhỏ trong căn biệt thự do sở cấp đường Hồng Thập Tự, con vẫn nhớ những khi nghe tiếng xe hơi của bố đi làm về là 4 đứa chúng con ùa ra đón, thế nào cũng có quà hay bánh Givral bố mua về cho các con.

    Bố thường gọi chúng con là cô và cậu, trong 4 đứa con, bố đặc biệt chiều con và thằng em út, hai đứa thông minh lanh lợi, học giỏi và giống bố như đúc, giờ nghĩ lại con thấy bố cũng không công bằng lắm, có lẽ vì ông anh cả và cô em gái sau con họ sống cuộc sống bình dị hơn hai đứa bố cưng.

    Bố cứ bị mẹ cằn nhằn mãi về chuyện này và đôi lúc mẹ tức dọa đem hai người con kia cho làm con nuôi ông bác không con.

    Những buổi tối ngày còn bé bố hay chở mẹ và tụi con sang Nhà Bè chơi, chưa tới nơi thì con đã ngủ khì vì tiếng xe rù rì êm ả, dù ngày đó xe chưa có máy lạnh.

    Lớn chút nữa bố thường hay đặt mua đồ cho con qua Sears, ngày đó ở Mỹ Sears hầu như là bán nhiều quần áo đẹp nhất, con chẳng thiếu thứ gì.

    Tính con điệu từ bé nên hễ bố đi Catinat thấy gì về khoe con nghe mà ngày hôm sau không mua cho con là con giận dỗi bỏ ăn, có khi là chiếc đồng hồ Seiko xinh xắn, khi là chiếc váy kiểu Irish thời trang thời ấy cho các cô tuổi teen.

    Bố là ông bố hiện đại và chịu chơi, bố dạy con nhảy đầm và hay chở con đến chơi nhà các ông bạn khi con cái của các ông tổ chức bal de famille. Đi đâu bố cũng hay chở con theo, bố mê nhất câu “đi kiếm nhà ông chủ sự mà thấy cô con gái đứng trước cửa là biết đã tìm đúng nhà”, hồi bé con cũng thích thú khi mẹ nói “cô thì đẹp giai giống bố cô”.

    Trong đời con, vẫn chưa có người đàn ông nào làm con ngưỡng mộ như lòng ngưỡng mộ con dành cho bố. Bố học cao hiểu rộng thông thạo hai thứ tiếng Anh, Pháp. Con nhớ ngày xưa bố đặt báo Paris Match, Newsweek, và Time theo năm và cứ đến kỳ là người ta gởi đến nhà bằng đường bưu điện.

    Con vẫn coi lén những tờ báo đó dù không hiểu nhiều, nhưng cũng nhờ vậy sau này con mới giỏi sinh ngữ vì những kiến thức đầu đời con học từ những tạp chí bố mua.

    Con nhớ bố làm chức vụ quan trọng, đẹp trai, hoạt bát nên được nhiều cô đeo đuổi bố. Hồi đó sao con đã có đầu óc phóng khoáng, cứ nghĩ trong đầu là bố giỏi, bố đẹp là bố có quyền, chẳng bao giờ con ghen hộ mẹ khi bố chở con đi chơi hay đi ăn kem với các cô thư ký trẻ đẹp. Có lẽ vì con thấy bố lúc nào cũng quý trọng mẹ con.

    Rồi cũng đến ngày có người hỏi cưới con, bố không đồng ý vì con mới 22 tuổi còn quá nhỏ trong mắt bố. Mẹ thì thấy gia đình người ta giầu có, đàng hoàng chỉ muốn gả con đi cho không còn trái bom nổ chậm trong nhà.

    Bố ra đời nhiều, cặp mắt tinh tế, hình như bố đã mường tượng ra được những bất hạnh sẽ đeo đuổi con trong cuộc hôn nhân này nên cực lực phản đối. Ngày nhà trai qua dạm ngõ xin cưới, bố bỏ đi không tham dự, mãi sau khi mẹ năn nỉ mãi bố mới chấp nhận và tham dự đám hỏi và đám cưới nhưng con biết lòng bố không yên chút nào.

    Sau ngày con lấy chồng và theo chồng ra Đà Nẵng, con nghe mấy đứa em kể mỗi buổi chiều bố hay ngồi trầm tư bên ly bia sủi bọt nghĩ đến đứa con gái lấy chồng xa nhà mà xót xa buồn bã. Những ly bia sủi bọt của bố mà ngày xưa con vẫn gạ bố “để con uống phần bọt này cho chứ bọt không ngon đâu”, vậy là đủ để bố nhớ con, đứa con gái rượu của bố.

    Ngày con chạy từ Đà Nẵng vào Saigon để trốn CS, chân thì bị thương vì té, mảng quần dính máu vẫn bám chặt lấy đầu gối con, sau phải dùng kéo cắt ra từ từ để làm vệ sinh bôi thuốc. Bụng thì to gần đến ngày sinh em bé, bố đã đưa mẹ ra cảng Khánh Hội đón con trong vui mừng khôn xiết.

    Con trượt tay một xách tay rớt tỏm xuống nước, bố ôm chầm lấy con và nói “thôi con về được đến đây là may mắn lắm rồi, bỏ hết đi con”. Rồi con về nhà để thấy nôi, quần áo em bé, xe tập đi … bố mẹ đã mua đầy đủ để sẵn sàng gởi ra Đà Nẵng cho con nhưng không dám gởi sớm vì tin dị đoan sợ con hư thai.

    Sau 75 một năm, khi bố đang hân hoan với đứa cháu đầu tiên thì BS chẩn đoán bố bị cancer thực quản. Những ngày đầu bố dấu mẹ và các con nhưng sau cũng phải nói ra sự thật đáng kinh sợ đó.

    Bố lo các em chưa ra trường hết, bố lo con không có chồng ở nhà mà một nách con nhỏ, bố lo từ xưa đến giờ mẹ chỉ biết nội trợ chăm sóc con cái, nhưng rồi bố vẫn bình tĩnh để khuyên mẹ còn bao nhiêu của cải trong nhà cứ bán hết cho các con theo học lấy bằng cấp mới của CS thì mới tồn tại.

    Hồ sơ của chính phủ Pháp bảo lãnh bố và gia đình đi Pháp đành khép lại sau khi bố mất. May mà chừng 5 năm trước 75, bố đã hết làm chủ sự bộ Canh Nông mà sang làm giám đốc vật tư cho một hãng que hàn của Pháp bên Khánh Hội, nếu không chắc cũng bị đầy đi Hà Nội và chết trong tù rồi.

    Bố bịnh vào lúc xã hội đảo điên, thiếu thốn đủ thứ sau khi miền Nam thất thủ, bệnh của bố làm cho bố không ăn hay uống được vì thực quản cứ bị bít từ từ. Lúc đó con xin phép nhà chồng về trông nom bố vì con biết chẳng còn bao lâu nữa con sẽ không còn bố, ngày ngày con nhìn vào mùng, bố nằm co quắp ngủ mà thầm nhỏ lệ khi nghĩ chỉ không lâu nữa bố sẽ nằm sâu dưới huyệt mộ lạnh lẽo rồi, đau xót lắm bố ơi.

    Ngày bố lên bàn mổ chỉ còn da bọc xương, con biết là bố chắc chắn chẳng qua khỏi ca mổ và bố đã đi thật. Vào nhà thương Bình Dân nhìn xác bố lần cuối, đặt nằm trong một khoang nhôm như ngăn đựng đá trong phòng lạnh, không có nỗi đau nào làm bầm dập lòng con hơn.

    Con nhớ khi sinh tiền bố vẫn khuyên con “là đàn bà nhưng con phải lo học và tự lực, đừng dựa vào chồng hay người đàn ông nào và bố tin con làm được”. Bố ơi, con tiếc khi con thành công, có được một vị trí tương đối tốt trong xã hội thì bố không còn nữa để hãnh diện về đứa con gái rượu ngày xưa, để bố không còn lo lắng về con trên bước đường đời đầy chông gai bão táp.

    Bố ơi so với ngày xưa, con gái bố bây giờ “gai góc” hơn nhiều rồi, đủ sức đương đầu với bao khó khăn trong cuộc đời. Bố ơi con nhớ ơn bố đã cho con một tuổi thơ nhiều người mơ ước, đã dạy con đạo làm người tử tế, đã lo lắng cho các con đến hơi thở cuối cùng. Con yêu bố !


    Cali June 14th 2019.
    Chung Dao

  • #2



    Cha yêu (Papa, Claude Barzotti, LV: Lê Đức Long) Thiên Kim
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 06-16-2019, 03:40 AM.

    Comment


    • #3
      Bài viết về CHA rất cảm động, nhất là khi tôi đọc đến đoạn này:

      Con nhớ khi sinh tiền bố vẫn khuyên con “là đàn bà nhưng con phải lo học và tự lực, đừng dựa vào chồng hay người đàn ông nào và bố tin con làm được”.

      Đây cũng đúng là câu mà bố tôi đã khuyên tôi lúc trước, có lẽ vì vậy mà tôi có một sự đồng cảm sâu sắc với tác giả Chung Dao. Mến chúc bạn sống vui và viết mạnh nhé!

      Thân mến,
      Nguyễn Diễm Nga

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X