Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cờ Vàng Phủ Lấy Giá Gương - Bắc Đẩu Võ Ý

Collapse
X

Cờ Vàng Phủ Lấy Giá Gương - Bắc Đẩu Võ Ý

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cờ Vàng Phủ Lấy Giá Gương - Bắc Đẩu Võ Ý

    Cờ Vàng Phủ Lấy Giá Gương

    Bắc Đẩu Võ Ý



    Tôi đi HO10, định cư tại thành phố Saint Louis tiểu bang Missouri đầu tháng 6 năm 1992. Saint Louis là một thành phố tương đối sầm uất thuộc miền Trung Tây nước Mỹ, nằm bên dòng sông Mississipi như là một lằn ranh, phía trên là tiểu bang Illinois với thành phố Chicago rộn ràng.

    Người Việt tị nạn tại Saint Louis không nhiều, khoảng 10 ngàn người trên 350 ngàn dân bản xứ pha lẫn các sắc dân gốc Châu Phi Châu Âu Châu Á và Hispanic. Saint Louis thể hiện bốn mùa rõ ràng. Mùa xuân cây cỏ đâm chồi, mùa thu lá vàng, mùa hè nóng bức và mùa đông tuyết rơi.

    Gia đình tôi đến Saint Louis vào lúc chớm hè, học sinh đã nghỉ học. Một tuần sau, các chiến hữu Không Quân mời tôi tham dự Ngày Quân Lực 19 tháng 6, được tổ chức tại một sảnh đường của một building trên đại lộ Grand (con đường chính của người Việt tại đây). 17 năm sau ngày mất nước, lần đầu tiên cảm xúc tôi dâng trào khi được dịp nghe lại quốc ca VNCH trỗi lên hùng hồn, được nhìn lại Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ thân yêu được đặt trang trọng trên khán đài.

    Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa (K9/ Võ Bi Đà Lạt, Cựu Tỉnh Trưởng Bình Thuận) giới thiệu tôi với mọi người tham dự. Tôi vui mừng gặp lại đồng đội đồng hương, nhưng điều làm tôi ngây ngất vẫn là được nghe và thấy lại quốc ca và quốc kỳ VNCH, như thể tôi gặp lại khung trời cũ, đồng đội xưa…

    Sinh hoạt trong hội đoàn quốc gia trở thành một nhu cầu thiêng liêng của mọi cựu quân nhân QLVNCH trên quê hương mới. Tôi nhanh chóng hội nhập vào sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại đây. Một trong những thành tựu mà tôi hãnh diện được đóng góp tâm huyết của mình là Nghị Quyết Vinh Danh Cờ Vàng do Thành Phố ký và ban hành nhân ngày 30 tháng 4 năm 2004 tại tòa Thị Sảnh Saint Louis.

    Được biết, Nghị Quyết Vinh Danh Cờ Vàng xuất hiện đầu tiên và có hiệu lực ngày 19 tháng 2 năm 2003 tại thành phố Westminster California, sau vụ Trần Trường, là nguồn cảm hứng cho hầu hết người Việt tị nạn khắp nước Mỹ và các nước Tự Do trên thế giới như Canada, Úc, Nhật, Pháp, Đức…, noi theo.

    Tính đến nay, (08/31/2008 - chiendichcovang) đã có 14 Tiểu Bang, 7 Quận Hạt và 88 Thành Phố, công nhận Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là biểu tượng của người Việt tị nạn Cộng Sản tại Mỹ. Cờ Vàng cũng là lá cờ “Tự Do và Di Sản”, đại diện cho người tị nạn Việt Nam khắp nơi trên thế giới.

    Chiến Dịch Cờ Vàng khởi sự đầu tiên từ năm 2003 tại Virginia và sau đó là Cali. Mong sao Chiến Dịch sẽ kết thúc chừng nào Ước Vọng của người Việt lưu vong được thành tựu. Ước vọng đó là:
    - Lá Cờ biểu tượng của Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền tức Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ sớm được tung bay trở lại trên đất tổ quê cha,
    - Các thế hệ Việt Nam tiếp nối, quyết đấu tranh cho một Việt Nam không cộng sản cho mai sau.

    Chúng ta vì hai chữ Tự Do mà bỏ nước ra đi. Chúng ta ra đi mang theo Quê Hương. Quê Hương chỉ còn là biểu tượng trong tâm tưởng. Biểu tượng đó chính là Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ.

    Theo giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thì:
    ” …màu vàng thuộc hành thổ và màu đỏ thuộc hành hỏa và vì hỏa sanh thổ nên hai màu này rất hợp với nhau. …, ba sọc đỏ nhỏ như những tia nắng rọi xuống một mặt đất rộng rãi làm cho mặt đất này ấm áp và có điều kiện thuận lợi cho cây cỏ mọc lên được”.
    “…nền vàng tượng trưng cho quốc gia và dân tộc Việt Nam nói chung và ba sọc đỏ tượng trưng cho ba miền”. (*)

    “…Trong gần 30 năm, từ 1948 đến 1975, người dân VN tự do cũng như người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh không biết bao xương máu chống cộng sản miền Bắc xâm lược không phải để bảo vệ một chủ nghĩa hay một chủ thuyết mà để bảo vệ cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho Miền Nam. Vì thế ngọn Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và bài Tiếng Gọi Công Dân không những là biểu tượng cho quốc kỳ và quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa mà còn là biểu tượng cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền, cho nguyện vọng tốt đẹp của quốc gia, dân tộc” (*)


    (*) (https://vinhdanhcovang.wordpress.com...-dan%E2%80%9D/)

    Có thể anh, có thể chị không quan tâm đến ý nghĩa của Cờ Vàng. Không sao! Nhưng một điều chắc chắn là anh chị đều nuối tiếc một thời vàng son mà qua đó hầu hết mọi công dân Miền Nam (trong đó có anh chị) đều được hưởng một cuộc sống yên bình, không bị sách nhiễu bởi bọn cán bộ chuyên chính vô sản, ác ôn tham tàn và bạo ngược.

    Để có được một hậu phương yên bình như thế, trên ba trăm ngàn chiến sĩ Quân Lực VNCH đã hy sinh trên khắp các chiến trường, từ Bến Hải đến Cà Mâu kể cả ngoại biên. Hàng chục ngàn chiến sĩ đồng minh như Úc, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Thái Lan, Tân Tây Lan, Đài Loan…, cũng đã vùi thây nơi sông rạch, tại hốc núi ven rừng của miền Nam xa xôi, để bảo vệ nền Độc Lập Tự Do cho Miền Nam.

    Ngày nay, gần hai triệu người Việt tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ, quê hương mới của họ, hẳn những công dân Mỹ gốc Việt đó sẽ không thể nào quên ơn 58 ngàn chiến sĩ Hoa Kỳ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam Tự Do, bảo vệ Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ thân yêu!

    Từ Bình Long Anh Dũng, Kontum Kiêu Hùng đến Trị Thiên Vùng Dậy, cái giá của Tự Do được tính bằng xương máu. Qua đó, Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ mang cả hồn thiêng sông núi uy linh trong đó. Để cắm được Ngọn Cờ Uy Linh trên Phu Văn Lâu Huế, hay trên Cổ Thành Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, “có mấy ai biết rằng trung bình mỗi ngày có tới hằng trăm TQLC (Thủy Quân Lục Chiến) được gói poncho để dưới chân tường thành làm nấc thang cho đồng đội tiến lên và tiếp tục gục ngã!” (Những Anh Không Quân – Captovan, Nửa Đường, sắp xuất bản).

    Và ngay sau khi quân ta dựng lại ngọn cờ thiêng trên Cổ Thành Quảng Trị ngày 16 tháng 9 năm 1972, bản nhạc Cờ Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu (Lê Kim Hoa & Trương Hoàng Xuân) ra đời và bài hùng ca được toàn dân toàn quân nhiệt liệt chào đón và trân trọng cho tận ngày nay:
    Cờ bay. Cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu
    Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu

    ...
    Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào quỳ hôn đất thân yêu
    Quảng Trị ơi, chào quê hương giải phóng



    Hồi sinh rồi này mẹ này em
    Vui hôm nay qua đêm đen tìm thấy ánh mặt trời


    Sau khi ổn định cuộc sống tại quê hương mới, ý thức được tính linh thiêng của Cờ Vàng, các Hội Đoàn Quốc Gia thường tổ chức lễ chào cờ mặc niệm trong các lễ lạc hoặc hội ngộ…Đây là dịp để người Việt tị nạn cùng chung một Ước Vọng, hướng tim óc của mình về lá cờ Tổ Quốc, về một Việt Nam Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền mai sau.

    Để vinh danh và tiếp sức chiến dịch ý nghĩa này, đã có cơ quan (hoặc cá nhân) in hình Cờ Vàng lên tem bưu điện để gởi đi khắp nơi. Cũng có không ít đồng hương đồng đội mang khăn quàng cổ hoặc cà vạt in hình Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trong các cuộc hội họp hoặc xuống đường bày tỏ quan điểm lập trường của mình.

    Lòng trung kiên của quý vị với quê hương dân tộc thật đáng trân trọng.

    Cuối năm qua, Đoàn Thanh Thiếu Niên Đa Hiệu phát hành Lịch 2019 Vinh Danh Cờ Vàng, qua đó, hình ảnh các anh chị hậu duệ khắp nước Mỹ nâng niu Lá Cờ Vàng mà cha anh của các anh chị đã chiến đấu và đã hy sinh vì biểu tượng thiêng liêng đó! Các anh chị quả là Con Nhà Tông. Xin hoan hô!

    Còn lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tại quốc nội thì sao?


    Bọn cầm quyền cộng sản vẫn còn lo sợ hình bóng của Lá Cờ nầy. Sau 44 năm (1975-2019) dưới chế độ chuyên chính vô sản, người dân đã nhận thức được tính nhân bản của chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Nhiều phụ nữ trong nước đã mặc áo dài trang trí Cờ Vàng trên vạt áo thướt tha trong các dịp hội hè. Một số thanh niên tại Hà Nội đứng ra tổ chức “Kỷ Niệm 60 Năm Ngày Quốc Khánh 26/10 VNCH”, các cháu trưng cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trên cao và cùng hát Quốc Ca VNCH!

    Các cháu thật can đảm.
    Tôi thật sự cảm động và ngưỡng mộ tâm huyết của các cháu.


    Điều làm người Việt trong và ngoài nước thán phục là câu chuyện Nguyễn Viết Dũng tức Dũng Phi Hổ. Cháu sinh năm 1986 (33 tuổi), tự tìm hiểu ý nghĩa của Cờ Vàng và tự thực hiện Cờ Vàng để treo trong khuôn viên nhà mình. Năm 2017, tòa án cộng sản tại Nghệ An tuyên án cháu 7 năm tù. Điều than phục nữa là, trước vành móng ngựa, Dũng vẫn mặc áo lót in hình Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ!

    Cháu Dũng thân yêu, cháu can trường hơn là tôi nghĩ!
    Tôi thật sự ngưỡng mộ lòng can trường mà tôi không thể sánh với cháu được!
    (https://www.bbc.com/vietnamese/vietn...ndon_dungphiho)

    Và để hun đúc Chiến Dịch Cờ Vang bền lâu trên quê hương mới, nhiều đám tang được tổ chức Nghi Lễ Phủ Cờ cho người ra đi là cựu Quân Cán Chính VNCH. Đây là vấn đề hết sức tế nhị, thuộc cảm nhận và suy nghĩ riêng của từng cá nhân. Một số đồng thuận việc phủ cờ, một số không . Một số không có ý kiến, để ngỏ cho gia đình quyết định một khi vô thường xẩy ra cho họ.

    Số không muốn phủ cờ, đa phần là các công chức hoặc sĩ quan cao cấp, giữ những trọng trách trong chính phủ hay quân đội, vì lòng tự trọng nên rất ái ngại khi đề cập chuyện nầy. Một lý do dễ hiểu khác là, nghi lễ phủ cờ chỉ dành cho những chiến sĩ hy sinh trên chiến trường hoặc hy sinh vì công vụ. Còn chết già chết bịnh nơi xứ người thì không xứng đáng nhận nghi lễ nầy:

    “Mai tôi chết cờ vàng xin đừng phủ.
    Xác thân này đâu chết cho quê hương?
    Súng gươm xưa đã bỏ lại chiến trường!
    Thân chiến bại nhục nhằn nơi đất khách!”

    (BĐQ Nguyễn Ngọc Trân)

    Xin trân trọng tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng của quý vị!
    (https://baovecovang2012.wordpress.co...-do-ngoc-uyen/)

    Bên cạnh nhóm không muốn phủ cờ đó, vẫn có một số cựu Quân Cán Chính (QCC) ngầm tỏ ý muốn của mình trong nội bộ gia đình. Cho đến khi người thân trong tang quyến trình bày ý muốn đó với bạn bè hoặc với hội đoàn liên hệ, thì lễ phủ cờ sẽ được cử hành theo đúng lễ nghi quân cách.

    Lý do nên phủ cờ cũng rất đơn giản. Đó là, chỉ những người Việt Quốc Gia mới tị nạn cộng sản. Khi bỏ nước ra đi, họ chỉ mang theo quê hương. Nay họ chết già chết bịnh trên xứ lạ quê người, họ vẫn mang theo quê hương, đó là chính thể Việt Nam Cộng Hòa, đó là Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ. Chính vì thế, lễ phủ cờ cho họ không có gì là quá đáng.

    Khi tôi chết Cờ Vàng xin cứ phủ
    Bởi chúng tôi chưa giải ngũ bao giờ


    (Trần Kim Khôi)

    Qua ý tưởng trên, chúng tôi xin được diễn dịch là, dù vận nước đen tối, nhưng những cựu quân nhân vẫn giữ một trách nhiệm vô hình trong tâm tưởng đối với quê hương dân tộc của mình, vẫn tiếp tục chiến đấu, không phải bằng súng đạn mà bằng một loại vũ khí mới, gọi là vũ khí mềm. Loại vũ khí mềm chính là quan điểm lập trường Quốc Gia Dân Tộc được chuyển đạt bằng chữ viết hay tiếng nói (nét vẽ, nốt nhạc, bài thơ…), góp phần vinh danh chính nghĩa của VNCH, lên án sự tàn ác gian xảo của chủ nghĩa cộng sản, tiếp tục phát huy chiến dịch Cờ Vàng cho đến các thế hệ tiếp nối…

    Được biết, Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là cờ của một dân tộc, của cả Quân Dân Cán Chính VNCH. Trong vụ thảm sát Mậu Thân 1968 do cộng sản khát máu gây ra, trên nắp quan tài của tất cả người dân vô tội Huế đều được sơn Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ như thể một nghi lễ tưởng niệm của chính quyền địa phương đối với người dân xấu số. Bởi vì, người bị sát hại là công dân của Việt Nam Cộng Hòa.


    Từ những nhận định trên, nghi lễ phủ cờ tại quê hương mới xác định 2 ý nghĩa.
    - Một là, người nằm xuống là một chiến sĩ quốc gia, vẫn giữ trong tâm tưởng ngọn lửa đấu tranh cho một Việt Nam Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền.
    - Hai là, duy trì sự hiện hữu của Lá Cờ Chính Nghĩa, Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trên quê hương mới cho đến các thế hệ tiếp nối.

    Chúng tôi đồng tình với tác giả Đỗ Văn Phúc trong bài tiểu luận”Phủ Cờ? Nên Hay Không”. Nếu NÊN thì cần phải trang nghiêm và theo đúng bài bản để tôn vinh Lá Cờ.
    (http://michaelpdo.com/2016/03/le-phu...nen-hay-khong/)

    Các Hội Đoàn quốc gia tại miền trung Cali rất thuần thục về nghi lễ nầy. Dù vậy, chúng tôi cũng mạn phép nêu ra mấy gợi ý mà toán phụ trách nghi lễ cần để ý, là:
    - Người được phủ cờ phải là một chiến sĩ quốc gia, không hề làm điều gì xúc phạm đến thanh danh của tập thể Quân Cán Chính VNCH bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào. Điều kiện nầy rất quan trọng, nói lên tính xứng đáng của người nhận vinh dự nầy và nhân thể tôn vinh Lá Cờ của Tổ Quốc.
    - Ngày xưa, Đơn Vị liên hệ phụ trách phủ cờ, ngày nay là Hội Đoàn liên hệ.
    - Tuyên đọc Tiểu Sử của người mãn phần trước khi phủ cờ.
    - Người phụ trách phủ cờ nên mang găng tay trắng; nếu là cựu quân nhân thì nên mặc quân phục, để nghi lễ phản ánh vẻ trang trọng.

    Lẽ vô thường không chừa một ai. Không ít người trong số cựu Quân Cán Chính VNCH đã viết sẵn di bút cho ngày mình ra đi. Bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Cựu Trung Tá Không Quân, ân nhân của thương phế binh VNCH tại quê nhà, khi ra đi (04/2017), Bà để lại chúc thư “yêu cầu đừng làm lễ phủ cờ, mà thay vào đó chỉ xin đặt hai lá cờ nhỏ VNCH và Hoa Kỳ trên quan tài của bà mà thôi! “

    Nghĩa tử là nghĩa tận, gia đình và cộng đồng đã tôn trọng ý nguyện của Bà.

    Theo sau Lễ Phủ Cờ là Lễ Thu Cờ (hay Xếp Cờ) trước khi quan tài hạ huyệt hoặc đưa vào lò thiêu. Cờ Vàng xếp thành hình tam giác và trao cho thân nhân. Cách tốt nhất là thân nhân đặt lá cờ nầy trên bàn thờ của người quá cố.

    Tại xứ người, do bận bịu công ăn việc làm nên việc lập bàn thờ để thờ cúng tại nhà không mấy hệ trọng như ở quê nhà. Mọi nghi lễ tôn giáo thường diễn ra tại chùa hay nhà thờ. Hơn nữa, việc làm thay đổi bất thường, nơi ăn chốn ở cũng thay đổi theo. Vì lẽ đó, các bậc làm cha mẹ không muốn làm phiền con cháu khi đau ốm, hoặc trước hoặc sau khi qua đời. Đa số cựu Quân Cán Chính muốn hỏa táng sau khi chết. Tro cốt rải trên núi hay xuống sông xuống biển, khỏi phải bận bịu việc thờ phượng hoặc tảo mộ.

    Chúng tôi rất tâm đắc với ý nguyện cuối đời của Bà Hạnh Nhơn. Từ ý nguyện đó, chúng tôi liên tưởng đến câu ca dao:

    Nhiểu điều phủ lấy giá gương,
    Người trong một nước phải thương nhau cùng.


    Trong hoàn cảnh hiện tại, đề nghị thay nhiểu điều bằng Cờ Vàng (hay Quốc Kỳ), câu ca dao mới sẽ thành:

    Cờ Vàng phủ lấy giá gương,
    Ngàn sau Hồn Nước còn vương Cờ Vàng.


    Giá gương và Cờ Vàng tuy hai mà một, vừa tôn kính, vừa hài hòa, vừa thể hiện tính Trung Hiếu của người đã vĩnh viễn ra đi và những người ruột rà còn tại thế.

    Hồn NướcCờ Vàng hòa quyện trong di ảnh của một Quân Cán Chính VNCH, phải chăng đó cũng là cách tôn vinh Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ?


    Bắc Đẩu Võ Ý
    Vườn Thượng Uyển,
    Westminster, CA 03/2019

  • #2
    Cháu rất xúc động và vô cùng trân trọng tâm tình của cậu Võ Ý cũng như lòng can trường của những bạn trẻ ở Việt Nam yêu quý “Cờ Vàng” Việt Nam Cộng Hoà.

    Nhân đây, cháu xin góp thêm một bài viết của cậu Bắc Đẩu Võ Ý đã viết cách đây nhiều năm (có lẽ cuối những năm 90) cũng với những tâm tư và ước vọng tha thiết hướng về một màu cờ rạng rỡ Lý Tưởng Tự Do Dân Tộc.

    Trân trọng,

    Nguyễn Diễm Nga

    --------------------------------------------------

    HỘI HOA ĐÀO MỘNG ĐÀO MƠ

    Trong thập niên ’90, rất nhiều Đêm Không Gian Hội Ngộ (KGHN) được tổ chức tại các thành phố có sự hoạt động của các Hội Ái Hữu Không Quân (AHKQ). Mỗi Hội KQ thường tổ chức KQHN theo định kỳ 2 năm (hoặc 3 năm) và ngày giờ tùy theo… truyền thống của mỗi Hội. Như Hội KQ Houston, tổ chức vào tháng 11, Hội San Jose Bắc Cali tháng 10, Hội Trung Cali đầu tháng 7, Hội Đông Bắc thì vào dịp hoa anh đào nở vào đầu tháng 4 mỗi năm.

    Đêm KGHN thường được tổ chức tại các nhà hàng lớn (cũng là khách sạn) để thuận tiện nơi ăn chốn ở cho khách phương xa.
    Tại các thành phố có đông người Việt sinh sống thường quy tụ từ 400 đến trên 600 người tham dự KGHN, gồm các gia đình cựu không quân, thân hữu tại địa phương và các không quân từ xa về.

    Hầu như các đại niên trưởng KQ thường được mời tham dự các đêm Hội Ngộ tầm vóc này. Vào thời điểm đó, các cánh chim còn khỏe, còn bay nhảy dễ dàng. Năm sinh của các vị này vào khoảng 1930, 1940, 1950 thì tuổi đời của các vị vào thập niên ’90 là 60 tuổi, 50 tuổi và 40 tuổi! Cái tuổi dắt mây đi dìu nắng tới (Cung Trầm Tưởng) thì xá gì mấy giờ bay hay lái xe chứ!

    Cái thú của Hội Ngộ là được gặp lại những đồng đội xa xưa sau một cuộc biển dâu và sau bao nhiêu năm xa cách. Hội Ngộ là suối nguồn, tuôn trào biết bao kỷ niệm liệt liệt oanh oanh một thời dọc ngang ngang dọc!

    Tôi tham dự hầu hết các đêm KGHN tại các thành phố lớn trong thập niên qua. Một trong những hội ngộ gây cho tôi nhiều bất ngờ thú vị là Đêm KGHN lần thứ 11, do Hội KQ vùng Đông Bắc Hoa Kỳ tổ chức vào mùa hoa anh đào tháng 4 năm 1997. Lần đó, anh thứ nam theo tôi, từ Saint Louis, MO bay qua Washington DC. Đây cũng là lần duy nhất mà anh và người anh em cùng huyết thống nhận mặt nhau và cùng tham dự đêm KGHN, để am hiểu phần nào lý tưởng mà bố của các anh phục vụ xưa kia.

    Bất Ngờ Tiền Đại Hội

    Phi Đoàn 215 Thần Tượng Nha Trang nhận tổ chức tiền phi tại nhà hàng Harvest Moon nổi tiếng vùng đông bắc, đặc biệt miễn phí cho các không quân từ xa về, một bữa cơm tàu thịnh soạn, tăng cường mỗi bàn một chai rượu Martell. Những anh chị KQ tại địa phương phải chi 15 đô cho mỗi đầu người! Hiếu khách và phân biệt thấy rõ!

    Buổi tiệc được phụ diễn thơ ca nhạc rất… mất trật tự vì ông KQ Lưu Huy Cảnh tức Cảnh Đờ Bờ (Đầu Bò, cựu Trung tá phi công A37) ôm chặt micro say sưa nói năng văng mạng. Dù ông là một trong những thành viên cột trụ của ban tổ chức, ông vẫn bị một “cú sốc” bất ngờ đau hơn… bò đá!

    Số là, qua liên lạc trước, được biết ông Đờ Bờ mới tậu một ngôi nhà mới, tôi âm thầm mần một món quà độc mang về tặng ông. Qua cao kiến của tướng Trần Văn Minh (cựu Tư lệnh KQ, đã qui tiên), là nhờ một KQ có giọng thật khỏe để xướng món quà đó. Anh em chỉ định ông Thành Dâm xứ Houston (tức nhà thơ KQ Phượng Ly). Và ông Thành Dâm đã được yêu cầu xướng những hai lần, chỉ vỏn vẹn 4 câu tứ tuyệt cà chớn có tựa đề “Vịnh Đờ Bờ Tậu Nhà”, như sau:

    Tối ngày kéo xế chẳng kêu ca
    Đến tối cày thêm mảnh ruộng bà
    Nhớ cõi trời xưa nhai lại mãi
    Ngủ chuồng đã chán ráng mua nhà!

    Bà Lưu Huy Cảnh đỏ mặt, véo vào hông ông Đờ Bờ, trách móc:
    - Anh coi, ông ấy chơi mình một cú đau thật! Ông Đờ Bờ mềm nhũn cảm giác vì lỡ nốc quá nhiều Martell (mà ổng tưởng là nước ao hồ, thế mới chết người!), trả lời lè nhè:
    - Ôi cái thằng ma gà, nó thương anh đó chứ không phải nó chơi mình đâu!

    Bất Ngờ Hậu Đại Hội.

    Một thân hữu của Hội KQ Đông Bắc Hoa Kỳ, tự nguyện tổ chức buổi tiệc hậu đại hội để chào mừng các cánh chim xa và các tài tử văn nhân tại vùng thủ đô. Vị thân hữu đó không xa lạ gì với độc giả Đặc San Lý Tưởng KQ, đó là Bác Sĩ Thủy Quân Lục Chiến Phó Ngọc Văn.

    Ngoài tướng Minh (KQ), tướng Trưởng (QĐI) (đã qui tiên), một số KQ địa phương cũng như từ xa về, còn có những nhân vật tại địa phương như ông bà ca nhạc sĩ Châu Hà Văn Phụng (đã qui tiên), danh ca lão thành Anh Ngọc, ông Cò Ly, ông bà Lê Văn, đài tiếng nói Hoa Kỳ…

    Gia chủ giới thiệu “bữa tiệc độc nhất vô nhị trên thế giới”, tạm gọi là “dạ tiệc fighters” bởi vì những khách mời cũng là những hầu bàn, toàn là phi công phản lực chiến đấu của Không lực VNCH, đó là:
    - KQ Nguyễn Tiến Thành, tức nhà thơ Phượng Ly, mỹ danh Thành Dâm, nguyên Phi Đoàn Trưởng PĐ 540, F5.
    - KQ Nguyễn Đạm Thuyên, tức nhà thơ Đạm Thuyên, nguyên Phi Đoàn Phó PĐ 542, F5.
    - KQ Phạm Hữu Minh, tục danh Minh Chè, Tham Mưu Phó An Phi Sư Đoàn 3 KQ
    - KQ Nguyễn Quốc Thành, mỹ danh Thành Cóc, phi công Biệt Đoàn 83.
    - KQ Tô Phương Cường, Staff của Phi Đoàn 542, F5.

    Tôi bất ngờ được thưởng thức lại món Chateaubriand tuyệt hảo sau 22 năm (1975-1997). Sau phần tiệc là phần văn nghệ do đôi uyên ương Châu Hà Văn Phụng cầm chịch. Một bất ngờ thú vị khác là chủ nhà BS Phó Ngọc Văn và nhà truyền thông Lê Văn song ca xuất thần bài “Càn khôn ơi xin nhấp rượu cùng ta”, ý thơ của Phạm Nhuận. Dĩ nhiên trong phút mê ly đó, cả càn khôn đã hưởng ứng lời mời khẩn thiết của hai vị!

    Cá nhân tôi cũng được vinh hạnh ví von đôi vần do cảm xúc sau đêm Hội Ngộ 11. Gần 200 cánh chim khắp nước Mỹ bay về Washington DC họp mặt, làm tôi tưởng nhớ trước 75, đến ngày Quân Lực, các đơn vị ưu tú của quân đội từ các Quân Khu về thủ đô Sài Gòn tham dự diễn hành. Bài nhạc hùng “Thủ đô ơi, Thủ đô ơi, đàn con yêu đã về đây” lại vang dội trong tâm tưởng của tôi. Tôi ước mơ, phải chi thủ đô Hoa Thịnh Đốn biến thành thủ đô Sài Gòn và đàn chim xa xứ bay về Tổ Quốc để mừng ngày hội toàn dân. Mấy vần điệu quê mùa không thể hiện hết ý tình, nhưng cũng xin mạo muội góp chút duyên tao ngộ bất ngờ:

    Thủ đô ơi, thủ đô ơi!
    Đàn chim xa xứ nơi nơi bay về.
    Hội hoa đào mộng đào mê,
    Gặp anh thấy chị ruột quê chín chiều
    Không Gian dấu, Tổ Quốc yêu
    Nấu nung cánh Lạc, nâng niu cánh Hồng
    Thủ đô ơi, ơi Sài Gòn!
    Đàn chim Việt vẫn mỏi mòn trời xưa…


    Tướng Trưởng gật gật đầu biểu thị đồng tình. Một KQ ôm choàng tôi phía sau, nói lời nghẹn ngào:
    - Được lắm ông à! Mình không ngờ lúc nào ông cũng giữ được tình cảm như vậy. Được lắm ông à!

    Khi tôi ngoảnh lại thì hóa ra ông phi công Biệt Đoàn Nguyễn Quốc Thành. (Ông và tôi cùng theo học Khóa Chỉ huy Tham Mưu Liên Quân cuối cùng (1974) tại Long Bình. Ông cười lộ chiếc răng khểnh, hai mắt như còn long lanh giọt lệ và mắt tôi cũng nhạt nhòa theo.
    - Tôi sẽ không bao giờ quên giây phút hạnh phúc bất ngờ này đâu ông Thành Cóc à!

    Bất Ngờ Trong Đại Hội.

    Điều tôi muốn ghi nhận trong đại hội nầy là phần khai mạc buổi lễ đã diễn ra thật trang nghiêm, thật huy hoàng và thật cảm động. Hai mươi phu nhân tha thướt trong chiếc áo dài màu xanh da trời với băng choàng màu cờ Tổ quốc, nhịp nhàng tiến đến vị trí hành lễ từ hai phía hội trường. Tiếp theo là 20 cựu KQ mặc áo bay với đầy đủ cấp bậc huy hiệu, hiên ngang bước đều đến vị trí cũng từ hai bên hội trường, đã vẽ nên một hoạt cảnh sinh động, vừa hào hùng vừa lãng mạn trong tiếng vỗ tay tưởng thưởng rộn ràng của toàn Đại Hội. Bốn phi công cao lớn uy nghi lực lưỡng, phụ trách hầu kỳ và thủ kỳ Việt Mỹ, đứng giữa đội hình.

    Sau điệp khúc quốc thiều Mỹ là quốc ca Việt Nam Cộng Hòa trầm hùng trỗi lên. Mọi công dân Việt Nam nghiêm chỉnh, hướng mắt về lá cờ tổ quốc và cất cao lời ca tự đáy lòng mình: “Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ!”

    Để bảo vệ lá cờ này, biết bao đồng bào đồng đội của tôi đã hy sinh trên bầu trời, trên sông rạch, trong rừng sâu, trong ngục tù, trên đường vượt thoát hay ngoài biển khơi…
    Sau phần khai mạc, nhiều quan khách yêu cầu được chụp hình lưu niệm hình ảnh “Giai nhân và Phi công”. Báo Văn Nghệ Tiền Phong đã lên trang bìa hình ảnh độc đáo này trong số báo tháng 05/1997!

    Vinh hạnh thay cho Hội AHKQ Đông Bắc và cho cả Không Lực VNCH!

    Chuyện chào cờ trong KGHN là chuyện bình thường, có gì đặc biệt? Xin thưa, đặc biệt ở chỗ, đây là lần KGHN đầu tiên tại vùng thủ đô, được khai mạc với nghi thức chào cờ Việt Mỹ. Mười lần hội ngộ trước không có nghi lễ này. Do đâu mà được như vậy?

    Ngay từ đầu, nghi lễ chào cờ không ghi vào chương trình. Điều này đã đã thành “lệ” của Hội ở đây rồi! Gần đến ngày lễ, Trưởng Ban Tổ Chức 11 lần hội ngộ, chị Bạch Mai, phu nhân cố Trung Tá Khưu Văn Phát, nguyên Phi Đoàn Trưởng PĐ 215 Thần Tượng, nguyên Tổng Hội Trưởng Tổng Hội KLVNCH bấy giờ, trình bày trước BTC:
    - Phận gái chúng tôi không trực tiếp chiến đấu để bảo vệ lá cờ này, nhưng chúng tôi luôn luôn trân trọng lá cờ vàng ba sọc đỏ như biểu tượng của Tổ Quốc. Trước đây, khi còn là học sinh, sinh viên, các anh chào lá cờ này, khi vào quân đội, các anh chào lá cờ hàng tuần, tại sao các anh không làm như vậy dù chỉ một lần mỗi năm?

    Một phu nhân khác, chị Đặng Văn Hậu (tức Đằng Vân, cựu Đại Tá Giám Đốc Trường Chỉ Huy Tham Mưu Trung Cấp Không Quân), góp ý:
    - Đề nghị làm lễ chào cờ để con cháu chúng nó còn biết lá cờ Tổ Quốc như thế nào!

    Lại một phu nhân nữa, chị Lưu Huy Cảnh (vừa qui tiên) khẩn khiết:
    - Tôi hoàn toàn đồng ý với các chị là nên làm lễ chào cờ!
    Và các chị khác cũng đồng tình như vậy. Cái “lệ” mười năm đã được phá vỡ. Quý phu nhân Hội KQ Đông Bắc ác liệt thật! Xin ngả nón chào, đặc biệt thêm một “vái” cho chị Trưởng Ban!

    Thay Lời Kết

    Các con thân yêu,

    Đêm KGHN 97 đã qua, nhưng hình ảnh Đại Hội Hoa Anh Đào lần thứ 11 vẫn còn in đậm trong đầu bố và bố muốn qua hình ảnh này tâm tình cùng các con đôi điều về Quân chủng mà bố đã phục vụ, về những cảm xúc tuyệt vời trong những ngày bố con mình sum họp ở thủ đô.

    Vé của đêm hội ngộ này được bán trước hai tháng và đã bán sạch cho hơn 650 người, trong số này có gần 200 cựu KQ khắp nơi bay về họp mặt. 11 lần họp mặt mà chưa thấy đã, mà chưa thấy chán, từ đó giúp các con hiểu thêm một điều là gặp gỡ đồng đội cùng sống chết với nhau trong nghĩa vụ bảo quốc an dân là một thôi thúc sâu kín nơi xứ lạ quê người.

    Điều quan trọng là các con đã hòa mình trong lễ chào cờ trang nghiêm, trong phút mặc niệm linh hiển. Các con chứng kiến các chú các bác oai hùng trong bộ đồ bay xưa , các cô các dì tha thướt trong chiếc áo dài màu xanh da trời với băng choàng cờ vàng ba sọc đỏ, cùng say đắm hát quốc ca, bài Không Quân Hành Khúc, trong một đội hình đẹp mắt.

    Chính trong giây phút thiêng liêng đó, các con có phần ngạc nhiên khi thấy bố cũng đã thành khẩn cất cao giọng hát theo.

    Sau ngày 30-04-1975, các con có đứa 01 tuổi, có đứa 08 tuổi, các con chưa biết rõ lá cờ vàng ba sọc đỏ, thay vào đó các con đã thấy xuất hiện cờ đỏ sao vàng. Giai đoạn các con biết cờ đỏ sao vàng thì gia đình mình và hàng triệu gia đình khác đã tan nát chia lìa. Lá cờ đỏ sao vàng ở đâu, ở đó có đấu tố, ngục tù, lo sợ và bần cùng.

    Sự có mặt của hàng triệu người Việt Nam ở hải ngoại, trong đó có bố con mình, là vì hai chữ Tự Do. Biết bao nhiêu bà con mình, bạn bè mình, vì Tự Do mà bỏ mình trong đại dương, trong ngục tù. Biết bao đồng đội của bố đã hy sinh trong nghĩa vụ bảo vệ nền Tự Do chân chính này.

    Lá cờ vàng ba sọc đỏ là tượng trưng cho Tổ Quốc Việt Nam Tự Do. Đây là điều hệ trọng các con nên suy gẫm, cho nên khi nhìn lá cờ Tổ Quốc thân yêu, khi nghe bài quốc ca thân yêu, là tim bố đau thắt lại, hai mắt bố nhạt nhòa hạt lệ xúc động, đồng thời lòng bố cũng tràn ngập hân hoan như được thấy lại núi cũ sông xưa.

    Bố không nói gở, sẽ có ngày bố xuôi tay, bố ước mong được vút bay trong cõi hư vô cùng với cờ vàng tung bay trong đó. Và đó cũng có thể là ước vọng chung cho bất cứ người chiến sĩ quốc gia nào.

    Những ngày sum họp qua thật vô cùng hạnh phúc cho bố con mình. Sự thân thiện ngay phút đầu gặp nhau sau gần 25 năm không biết mặt, là một món quà vô giá các con đã dành tặng bố. Sự hồn nhiên gắn bó ruột rà giúp lòng bố thanh thản và thầm biết ơn các con đã thông cảm, độ lượng…

    Cảm nhận được hạnh phúc quý báu đó, bố muốn nhân cơ hội này khuyến khích các con hãy nâng niu khung trời bố đã bay qua, lý tưởng bố đã phục vụ. Bố cũng ao ước trong các con có đứa dám nhận “chiếc gươm thân phụ di truyền”, rồi hướng về “sơn hà nguy biến”!

    Mong các con ngày càng hiểu sâu xa tâm nguyện này.

    Thương yêu,
    Bố.
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 06-11-2019, 08:31 PM.

    Comment


    • #3
      Tôn trọng tỷ lệ kích thước “Cờ Vàng”




      Đọc tiểu đề trên, hẳn độc giả cũng hiểu những ý kiến tôi nêu ra dưới đây không liên quan gì tới nội dung bài Cờ Vàng Phủ Lấy Giá Gương của Bắc Đẩu Võ Ý, mà chỉ có mục đích lưu ý mọi người về tỷ lệ kích thước của lá quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa.

      Theo suy nghĩ của tôi, tôn trọng màu sắc, tỷ lệ kích thước của lá quốc kỳ VNCH, cũng như bất cứ quốc kỳ của một quốc gia nào khác, là một việc đương nhiên, mang tính cách bắt buộc, nhưng chẳng hiểu sao trước đây (ngày còn viết cho các tờ báo tư nhân), mỗi lần tôi lên tiếng thì lại bị không ít người cho là vạch lá tìm sâu, lên mặt dạy đời; thậm chí có một vị cựu sĩ quan ngành Chiến Tranh Chính Trị - xin lập lại: ngành Chiến Tranh Chính Trị (!) - kiêm họa sĩ còn trả lời “tôi vẽ theo cảm hứng, không theo nguyên tắc.”

      Vì thế sau này, mỗi khi thấy một lá quốc kỳ VNCH in, may, vẽ không đúng tỷ lệ kích thước, tôi đã cố gắng “tự chế” (shut up).

      Giữa năm 2014, khi được hân hạnh trở thành thành viên của Hội Quán Phi Dũng, tôi đã hơi thất vọng trước lá quốc kỳ VNCH phất phới trên logo của Diễn Đàn với tỷ lệ kích thước quá sai lệch, nhưng vì là “em mới” tôi chưa dám có ý kiến. May thay, không hiểu do đâu khoảng một năm sau Ban điều hành đã dẹp bỏ logo cũ và thay bằng logo mới không còn “lá quốc kỳ VNCH với chiều dài (khoảng) gấp đôi chiều rộng” nữa.

      Nay trước việc phía trên bài Cờ Vàng Phủ Lấy Giá Gương của Bắc Đẩu Võ Ý ở “Trang Đầu” được minh họa bằng một quốc kỳ VNCH với chiều dài gấp đôi chiều rộng, với tư cách "người nhà", tôi xin phép được nhắc lại:

      Theo các văn kiện chính thức của hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, tỷ lệ kích thước quốc kỳ VNCH là 2:3, tức là 1 x 1.5 (chiều dài gấp rưỡi chiều rộng). Đây cũng là tỷ lệ kích thước quốc kỳ của 89/195 quốc gia trên thế giới, trong đó có Pháp, Ý, Tây-ban-nha, Hòa-lan, Tân-gia-ba, Thái-lan, Nam Hàn, Đài-loan, Nhật Bản, v.v...

      Việc sau năm 1975, người Việt hải ngoại ở nhiều nơi thực hiện quốc kỳ VNCH với tỷ lệ chiều dài (khoảng) gấp đôi chiều rộng (1:2), vốn là tỷ lệ kích thước quốc kỳ của các quốc gia sở tại (Hoa Kỳ 1:1.9, Anh 1:2, Gia-nã-đại 1:2, Úc 1:2, v.v...) dù là do tinh thần “nhập gia tùy tục” hay chỉ cốt trông cho đẹp mắt (cùng kích thước, hình dạng với cờ Mỹ, cờ Úc...) cũng là một việc làm không đúng, không thể chấp nhận, nếu như chúng ta thực sự còn yêu mến, quý trọng "Cờ Vàng"!

      KQ Nguyễn Hữu Thiện
      Last edited by Nguyen Huu Thien; 06-29-2019, 06:26 AM.

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X