Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Buổi ra mắt sách Nửa Đường của Quan Tư TQLC

Collapse
X

Buổi ra mắt sách Nửa Đường của Quan Tư TQLC

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Buổi ra mắt sách Nửa Đường của Quan Tư TQLC

    Buổi ra mắt sách Nửa Đường của Quan Tư TQLC
    Thanh Phong/Viễn Đông


    Tác giả Nửa Đường, Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến Tô Văn Cấp (giữa), bên trái là người tình Gia Long bên phải là LM Nguyên Thanh. (Thanh Phong/Viễn Đông)

    WESTMINSTER - Trưa Chủ Nhật, ngày 2 tháng 6, 2019 hội trường mang số 8200 Westminster Blvd đã chật ních người đến tham dự buổi ra mắt tác phẩm “Nửa Đường” của Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến Tô Văn Cấp; đa số các người đến tham dự là những Sư Huynh Đệ Petrus Ký nơi tác giả từng mài đũng quần nhiều năm trên ghế trường học này; các niên trưởng và cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, nơi tác giả tốt nghiệp Khóa 19, và những người lính mũ xanh TQLC, binh chủng mà tác giả tình nguyện gia nhập ngay sau khi được gắn lon Thiếu Úy tại một quân trường danh gía nhất Đông Nam Á thời bấy giờ cùng những người lính mũ nâu Biệt Động Quân mà tác giả đã cùng sát cánh bên nhau chiến đấu.

    Ngoài các vị vừa kể, chúng tôi thấy có Linh Mục Nguyên Thanh, Tuyên Úy binh chủng TQLC mà tác giả từng được vị LM này săn sóc về mặt tinh thần. Bên cạnh đó còn rất đông phu nhân, thân hữu các binh chủng bạn, những người dân Hậu Nghĩa yêu mến, nể phục tác giả Thiếu Tá TQLC Tô Văn Cấp sinh tại Kiến An, Bắc Việt, di cư vào Nam năm 1954, học trường Petrus Ký từ 1955 đến 1962. Sau khi đậu hai bằng Tú Tài ông vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và tốt nghiệp Khóa 19 năm 1964. Sau khi tốt nghiệp ông tình nguyện gia nhập binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, một trong ba binh chủng nổi tiếng nhất của QL/VNCH (Nhảy Dù, TQLC và BĐQ).

    Là vị chỉ huy trẻ, Thiếu Úy Tô Văn Cấp sau thăng lên Thiếu Tá từng cầm quân đánh Việt Cộng trong những trận đánh được ghi vào quân sử như trận Bời Lời (Mật khu Hố Bò), trận Bồng Sơn… đặc biệt trận tăng phái cho ông Sáu Lèo (Tướng Nguyễn Ngọc Loan) Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia tiêu diệt quân Việt Cộng trong trận tấn công Tết Mậu Thân 1968 tại Saigon, và không biết bao nhiêu trận chiến khác khiến ông 5 lần bị thương, có lần bị gẫy xương chân phải, gẫy tay trái, bể xương hàm, máu từ mũi và hai lỗ tai chảy ra (bài Xé Lá Thư Tình, trang 35).

    Sau ngày 30.4.1975 ông bị tù Cộng Sản 10 năm (1975-1985) và qua Hoa Kỳ tỵ nạn theo diện H.O 1 năm 1990. Hiện đang sống hạnh phúc tại Orange County bên cạnh người tình Gia Long từ những năm 1963 ( Xé Lá Thư Tình). Ông Tô Văn Cấp chưa nhận mình là nhà văn, mặc dù đã ba lần ông được Giải Viết Về Nước Mỹ do nhật báo Việt Báo tổ chức và một lần được giải Viết Về Mẹ của nhật báo Herald.

    Tuy nhiên, qua tác phẩm “Nửa Đường” có lẽ không ai đọc qua mà không phải công nhận, Tô Văn Cấp là một cây viết, viết hay hơn những nhà văn bình thường. Ông còn có bút hiệu Philatô. (Philatô là viên quan Tổng Trấn Do Thái, người đã chất vấn Đức Giêsu trước khi trao Chúa Giêsu cho dân đem đi đóng đinh vào Thập Giá). Sau khi được ông ký tặng cho cuốn Nửa Đường, về nhà đọc trang đầu rồi không gấp sách lại được. Những chuyện nhà, chuyện lính, chuyện người được ông dàn trải trên 400 trang giấy qua 25 mẫu chuyện. Ngoài ra có thêm trang Thay Lời Tựa, Bạn Hữu Đọc Nửa Đường, Chân Dung Tác Giả và phần Mục Lục.

    Sở dĩ cuốn Nửa Đường làm say mê người đọc không gấp sách lại được, vì những chuyện ông viết là những chuyện thật, không phải hư cấu, lời văn của ông nhẹ nhàng, dí dỏm khiến người đọc thấy vui vui như chuyện “Xé Lá Thư Tình” kể chuyện con ông chất vấn ông về “Người Tình” của bố: “Bố có dám kể cho mẹ và con nghe lá thư bố viết cho người yêu không? Ai là người dám xé thư người yêu của bố? Người xưa ấy là ai? Bố yêu từ hồi nào, hiện nay bà ấy ở đâu? Ở Hoa Kỳ hay còn kẹt lại ở Việt Nam? Có phải lá thư bị mẹ con xé vì bả ghen?

    Những câu ông đối đáp ỡm ờ với con thật dễ thương “Coi chừng bố bị xé xác bây giờ” trong lúc hiền thê ngồi bên cạnh thỉnh thoảng nhéo vào ba sườn và nói nhỏ “Xạo hoài”! Trong các mẫu chuyện, chúng tôi thích thú với câu chuyện “Vợ chồng lủng củng cũng tại con chim,” kể chuyện hai vợ chồng người bạn thân giận nhau vì “con chim” trang 346, và nghe ông thuật lại trận Mậu Thân 1968 khi ông đang là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 TQLC được tăng phái cho Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh CSQG tiêu diệt quân Việt Cộng đang chiếm khu vực chùa Ấn Quang, Saigon và kể cho độc giả nghe chuyện Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan xử bắn tên khủng bố Nguyễn Văn Lém tức Bảy Lốp, kể về tinh thần chiến đấu dũng cảm của vị Tư Lệnh và các Đại Đội Cảnh Sát Dã Chiến mà ông cảm phục, và có lẽ vì thế mà tác giả cố mời được Đại Tá Cảnh Sát Trần Minh Công, Viện Trưởng Học Viện CSQG, người đã cùng Tướng Nguyễn Ngọc Loan chỉ huy chiến đấu giành lại từng ngôi nhà bị VC chiếm giữ đến tham dự buổi ra mắt Nửa Đường của ông.

    Để độc giả đánh giá tác phẩm Nửa Đường của tác giả Tô Văn Cấp, có lẽ không gì hơn là nghe tóm tắt những lời nhận định khách quan của một số độc giả.

    Tam Dung ghi: “Ngòi viết của tác giả chân tình và một chút khôi hài cho đời thêm vui, nhưng đâu đó có những vị cay chua khiến độc giả buồn mà phải cười.”

    Tường Thúy: “Philato, Captovan, Phuhotrac là những bút hiệu quen thuộc của cây viết Tô Văn Cấp mà độc giả thường bắt gặp trên mọi diễn đàn hay trên các mặt báo… Một điều nữa làm văn của anh càng thêm hấp dẫn hơn nhờ những câu tục ngữ, ca dao, câu hát, vần thơ đã được anh sử dụng rất đúng nơi, đúng chỗ.”

    Các phu nhân SVSQ Võ Bị trong ngày ra mắt “Nửa Đường” của Thiếu tá Tô Văn Cấp. (Thanh Phong/Viễn Đông)


    Vi Vân: “Sau khi buông súng thì anh cầm viết, anh có thể viết về bất cứ đề tài gì, về thể loại gì, ở môi trường nào v.v. lời văn rất tự nhiên vững chãi, cảm động.”

    Ấu Tím: “Những bài anh viết ngọt ngào lôi cuốn, chẳng sợ ai mà không dám nói, chẳng bênh ai mà phải ngại ngùng. Đây là điều tôi thật sự trân quý khi đọc các bài anh viết.”

    Việt Bút Ngọc Anh: “Qua lối viết sắc bén lẫn dí dỏm đặc sệt kiểu Bắc Kỳ, ngòi viết không cần lách của anh có nhiều bài va chạm tới vài giới trong xã hội mà nhiều lần tôi phải lắc đầu: Thật dễ nể, anh của tui.”

    Vương Mộng Long: “Nửa Đường chính là một phần đời của TQLC Tô Văn Cấp. Đọc Nửa Đường để thấy tình mẹ bao la nhường nào qua bài Bà Mẹ Quê, thấy mặt trái của tấm huy chương trong Trâu Điên và Cố Vấn Mỹ, để mỉm cười và thích thú khi nghe xong truyện Xé Lá Thư Tình rồi ngậm ngùi tiếc nuối một thời vàng son đã qua, sau cuộc đổi đời với Thầy Cũ Trường Xưa.”

    Trương Văn Vấn: “Thằng cha này là ma xó hay sao mà biết cả chuyện riêng tư của mình để viết vậy?”

    Huỳnh Văn Phú: “Điều đáng nói nhất tôi muốn đề cập ở đây, qua những bài viết của anh, tôi nhận ra một điều chính yếu là, anh có cái Tâm, chính cái Tâm này đã làm nên nhân cách tác giả. Anh còn có một tấm lòng, qua các bài viết, hướng về đơn vị cũ, chiến trường xưa, về những Thương Phế Binh VNCH.”

    Đoàn Phương Hải: “Cấp đã viết thay cho bạn, cho tôi, cho những người lính ngày đếm trực diện với quân thù trên những vùng sình lầy Năm Căn, U Minh, trên những núi rừng trùng điệp Trường Sơn, trên những đồi Trị Thiên, trong những trận chiến kiêu hùng, thấm đậm máu xương.”

    Trịnh Bá Tứ, K.18: “Tôi vẫn đùa gọi anh là Quan Tư Cọp Biển Tô Văn Cấp, một tay viết ngang… Bài anh viết rải rác khắp nơi, nếu gom lại thì đây chính là một tài liệu rất quý hầu giúp ích sau này cho ai muốn có thêm tài liệu viết về người lính VNCH.”

    Nhà văn Phạm Tín An Ninh: “Được đọc và viết về anh, về tác phẩm của anh, với tôi là một niềm vui cùng với lòng ngưỡng mộ.”

    Trong buổi ra mắt Nửa Đường, tác giả đã trao tặng hai món quà cho các TPB thuộc hai binh chủng, và nhận Bằng Tưởng Lục của Học Khu Westminster qua ủy viên giáo dục Frances Thế Thủy và nhận bó hoa tươi từ đại diện tỉnh Hậu Nghĩa nơi tác giả từng mang lại an ninh cho tỉnh lỵ này...

    Có lẽ những lời nhận định của một số bạn đọc trên đã quá đủ để giới thiệu “Nửa Đường” một tác phẩm giá trị của một người lính đầy nhân cách mà Nguyễn Diễm Nga, con gái của cố Thiếu Tá Nguyễn Tiến Đức, CSVSQ/TVBQGVN Khóa 17 đã viết trong bài Thay Lời Tựa: “Bởi vì cháu tin tưởng rằng có một nhịp cầu mang tên Tô Văn Cấp đang lặng thầm và miệt mài nối dài Con đường tranh đấu vì Lý Tưởng Tự Do Dân Tộc giữa hai thế hệ.”

    Source:http://www.viendongdaily.com/buoi-ra...-sj97j5ZW.html

  • #2
    NỬA ĐƯỜNG là tác phẩm giá trị về văn chương và phản ánh nhân cách của người chiến sĩ QLVNCH trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hơn 300 người tham dự buổi RMS này và 300 quyển Nửa Đường đã được độc giả thỉnh hết. Có thể nói, buổi RMS của tác giả Tô Văn Cấp đã phá kỷ lục về số người tham dự và số sách ký tặng tại Nam Cali từ trước đến nay.
    Chúng tôi tham dự buổi RMS này và được vinh hạnh phát biểu vài cảm nhận về tác phẩm Nửa Đường. Thân kính mời quý độc giả của HQPD cùng chia sẻ.
    Bắc Đẩu Võ Ý


    Tôi, KQ Võ Ý, kính chào toàn thể Quý Vị!

    Nhìn phong thái an nhiên và ánh mắt thân thiện của quý vị, tôi yên lòng để quả quyết rằng, tuổi hoa niên của quý vị đã hun đúc trong một nền giáo dục nhân bản yêu nước và khai phóng, qua đó, đạo lý Trai thời Trung Hiếu làm đầu, Gái thời Tiết Hạnh là câu giữ mình đã được quý vị, những quả phụ VNCH, những nhà giáo, những Giáo sư Văn Hóa vụ, những NT, NĐ và những chiến hữu đồng đội đồng hương của tác giả Nửa Đường, đã tạc dạ, từ đó cho tận ngày nay.

    Dù chế độ phong kiến đã lỗi thời, nhưng gương tiết hạnh của người phụ nữ Việt Nam, quyết nuôi con thờ chồng, vẫn luôn luôn được tôn vinh, đặc biệt trọng cuộc chiến ý thức hệ khốc liệt vừa qua. Trong phần phát biểu hôm nay, chúng tôi xin được giới hạn về đạo lý đó qua các bài Trâu Điên Và Cố Vấn Mỹ, Lão Lượm Ve Chai và Bà Mẹ Quê mà thôi.

    Lòng tôi hiễn hiện hình ảnh chơn chất của Bà Mẹ Quê với từng câu từng chữ nặng lòng tôn kính và tưởng niệm của tác giả Nửa Đường: "Một buổi chiều tối, tôi leo lên cây cau góc vườn để bắt ổ chim sáo, tôi thất kinh suýt rơi xuống đất khi bất chợt thấy một bóng đen đứng khóc góc vườn. Nhưng tôi hoàn hồn ngay khi nhận ra tấm khăn tang trắng vấn trên đầu của bu tôi. Tôi vội tụt xuống định chạy vào nhà, nhưng khựng lại, ngồi thụp xuống bên gốc cây cau vì nghe tiếng bu tôi khóc: “Ối ông ơi! Trời đã tối rồi, ông đi đâu mà không về ăn cơm với các con ông ơi”.

    Lòng son sắt của Bà Mẹ Quê cũng là sắt son của những Bà Mẹ Việt Nam nói chung, rất đáng được tôn vinh.

    Nhân đây, tôi xin đề cập đến “Đạo Hiếu” của cậu bé 6 tuổi (trong số 5 anh chị em mồ côi cha), được thể hiện qua củ khoai nướng bếp tro mà mẹ cậu đã ban cho cậu một sáng tinh sương. Vì cái đói cồn cào ruột gan không sao ngủ được, cậu bé bèn lăn vào bếp. Nhưng lạ thay, “cái tật tham ăn hằng ngày của cậu biến đâu mất”, khi nhận củ khoai lùi tro, cậu bẻ làm hai, đưa cho mẹ một nửa, không nói một lời.

    Bây giờ, hồi tưởng lại, cậu nhận ra rằng, mẹ cậu cũng đang đói và cụ thổn thức khi cầm nửa củ khoai lùi tro, hai mắt ngấn lệ, một tay kéo cậu vào lòng, tay kia xoa đầu cậu.

    Thưa quý vị, củ khoai lùi tro trong lúc đói không có giá trị mấy về dinh dưỡng và kinh tế, nhưng giá trị về Đạo Hiếu của người con thì… vô cùng! Người con đó chính là cậu bé Tô Văn Cấp trong bài Bà Mẹ Quê, thưa quý vị!

    Khi đến tuổi trưởng thành, TVC đáp lời sông núi, gia nhập QLVNCH, chọn binh chủng TQLC, Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên lẫy lừng. Ông đã xông pha biết bao trận chiến khốc liệt, chứng kiến biết bao chết chóc tức tưởi uất nghẹn, chịu đựng biết bao thương tật cho tận ngày nay. Và ngày nay, dù thua trận mất nước vì bị đồng minh phản bội, nhưng tấc lòng của người cựu chiến sĩ cộng hòa vẫn trung kiên một lòng với Tổ Quốc, sắt son một dạ với đồng đội đệ huynh!

    Tình nghĩa sắt son đó hiển hiện trong “Lão Lượm Ve Chai”, lo góp nhặt từng lon bia, từng chai nhựa vất đây đó để quy ra từng đôla gởi về giúp thương phế binh VNCH đang khắc khoải tại quê nhà. Tình đồng đội sâu đậm đó đã đánh động tâm tình các con của “LLVC”, khi các cháu tốt nghiệp Luật Sư đã theo gương cha, tình nguyện làm public defender cho các thanh thiếu niên nghi can gốc Việt, đúng là cha nào con nấy. Tình đồng đội bất diệt trên là có thực dưới mọi hình thức. Sự hiện diện của quý vị hôm nay, cũng đã nói lên tính bất diệt đó!

    Tôi thật sự thật bất ngờ, cảm kích khi được biết vị cựu cố vấn Tiểu Đoàn Trâu Điên, (Đại Úy Sheehan) lấy trong túi áo chiếc mũ Beret Xanh của TQLC Việt Nam ngày xưa đội lên đầu để chụp hình với TĐT/Trâu Điên Đồ Sơn, cấp chỉ hủy tác giả TVC và các TQLC Việt Nam tại Nam Cali, sau 47 năm xa cách, thay cho mũ TQLC Mỹ với 4 sao hiện nay của ông!

    Bốn bảy năm (47) sau 1968, Cố vấn Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên, Đại Úy Sheehan lên Tướng 4 sao của USMC, còn Đại Úy Tô Văn Cấp, Đại Đội Trưởng một Đại Đội thuộc Tiểu Đoàn Trâu Điên của TQLCVN ngày xưa, chưa ra cái “thống chế” gì cả! Thưa quý vị, điều đó có gì là xót xa không? Thưa không!

    Bốn bảy năm, bảy bảy năm hoặc một ngàn lẻ bảy năm sau vẫn thế, vẫn không có gì xót xa cho người cựu TQLC TVC cả. 47 năm qua, dù mang thân phận người thua trận, TVC vẫn là một công dân tốt của VNCH ngày xưa và của Hoa Kỳ hiện nay, vẫn Trung Kiên một lòng với Quốc Gia Dân Tộc, vẫn Sắt Son một dạ với Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ thân yêu, vẫn giữ trong tim lời dạy của Thầy Cô, của Quân Trường, Quân Đội và của giòng giống Tiên Rồng là, Trai Thời Trung Hiếu Làm Đầu!

    Để kết thúc bài phát biểu, tôi xin kể một câu chuyện vừa uất hận vừa đau lòng. Đó là, sau ngày 30/0 4/1975, qua nghe ngóng hàng xóm bàn tán, Bà Mẹ Quê đi mua bộ quần áo đen và đôi dép râu cho anh con trai đi “học tập” để sớm được “cách mạng khoan hồng”! Anh con trai bèn lôi những thứ “chết tiêt” đó vất vào góc nhà và lẳng lặng xách valy ra đi không một lời chia ly! Bà Mẹ Quê nhìn sững theo bước chân con và chắc lòng bà tự hỏi tại sao lại vất thứ cần thiết ấy? Lòng Mẹ chơn chất quá và Mẹ không hề biết con Mẹ đang đứt từng khúc ruột trong giây phút sinh ly lại phải nhìn những vật dụng tuy giản dị nhưng ẩn tàng biết bao xảo quyệt và độc ác kia.

    Năm 1984, tức 9 năm sau ngày 30/04, trong trại tù, anh con trai nằm mơ thấy Mẹ. Hỏi mãi rồi người nhà cũng cho biết, Bà Mẹ Quê đã lòa vì quá mong chờ và Bà cũng đã về trời. Anh con trai không còn nước mắt để khóc. Đã sinh ly, nay tử biệt, anh ân hận qua lời nhắn gửi: Những ai còn Mẹ, dù trong hoàn cảnh nào thì cũng đừng có cử chỉ đáng trách như anh.

    Kính thưa quý vị, biết hối lỗi cũng là một cách báo hiếu. Không một Bà Mẹ nào mà không mở lòng tha thứ cho con, khi người con biết hối lỗi. Chắc chắn trên chín từng mây, Bà Mẹ Quê mỉm cười độ lượng với con trai bà. Và chắc hẵn Bà cũng hân hoan chúc phúc cho đứa cháu nội kháu khỉnh của bà, là tác phẩm Nửa Đường, đứa con tinh thần của anh con trai Tô Văn Cấp, được trình làng hôm nay.

    Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe!
    Last edited by Cù Hanh; 06-05-2019, 03:58 PM.

    Comment


    • #3
      Từ Miệt Dưới xa xôi, xin chúc mừng tác giả Tô Văn Cấp, cùng chia sẻ cảm nhận của NT “đồng hương Pleiku” Võ Ý và cháu Nguyễn Diễm Nga - “con bé Diễm” thân thương của cô chú ở phố núi cao 49 năm về trước. Hình: Google photos



      Tác giả Tô Văn Cấp


      MC Nguyễn Diễm Nga (ái nữ cố Thiếu Tá TQLC/KQ Nguyễn Tiến Đức)


      “Đồng môn” Võ Ý & Tô Văn Cấp


      Hai gia đình (Nguyễn Tiến Đức & Võ Ý) - Ba đóa "dã quỳ Pleiku"


      Dã quỳ Pleiku: không cần “từ quan”, (các quan KQ) vẫn... “đưa em tìm động hoa vàng”...
      Last edited by Nguyen Huu Thien; 06-06-2019, 03:20 AM.

      Comment


      • #4
        Kính thưa các bác, các cô chú trong diễn đàn của Hội Quán Phi Dũng. Cháu cũng đã được hân hạnh tham dự buổi Ra Mắt Sách của chú Tô Văn Cấp và được chú Cấp cho phép cháu cất tiếng nói thế hệ thứ hai của mình. Cháu xin mạn phép chia sẻ cùng quý độc giả của Hội Quán Phi Dũng.

        Kính thưa quý vị,

        Cháu được phép gọi Tác Giả Tô Văn Cấp bằng chú và đứng trước mặt quý vị hôm nay không phải là do ngẫu nhiên. Hôm đó đúng vào ngày giỗ thứ 6 của bố cháu, khi đang tìm kiếm một tài liệu online, thì bỗng dưng cháu gặp được một bài viết của Tác Giả Tô Văn Cấp. Trong đó, chú Cấp đã nhắc đến tên bố cháu nhiều lần và những kỷ niệm thời cả hai cùng trong lò luyện thép Trường Võ Bị. Sau này bố cháu và chú Cấp lại cùng chung màu áo Binh Chủng TQLC.

        Thì ra, bố cháu là một trong những "hung thần" Khoá 17 đã từng đày đoạ đàn em Khoá 19 hết sức phi lý. Một trong những phi lý đó là Sinh Viên Sĩ Quan Cán Bộ K17 cho phép Tân Khóa Sinh K19 ngồi xem văn nghệ, nhưng lại cấm vỗ tay, cấm cười! Kết quả là chú Cấp bị bố cháu phạt súng cầm tay chạy hai vòng sân trong đêm đông giá buốt của Đà Lạt.

        "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

        Nay đến phiên chú Cấp cho phép cháu được thưởng thức những bài viết về hành trình "Nửa Đường" của chú, nhưng lại cấm cháu khóc! cấm cười! cấm vỗ tay!
        Kết cục, thay vì cầm súng chạy hai vòng sân thì cháu đành cầm micro “chịu tội” hôm nay!

        Kính thưa quý vị, khi ngắm bức tranh do Hoạ Sĩ Lương Trường Thọ vẽ tặng chú Cấp được in trang trọng trên bìa sách, quý vị sẽ thấy hình ảnh một “Bà Mẹ Quê” với cánh tay là bản đồ VN ôm con chạy loạn còn ngoái cổ nhìn lại khói lửa chiến tranh phía sau làm cây cầu gãy "nửa đường". Tuy nhiên, đối với riêng cháu, những bài bút ký viết về "chuyện nhà, chuyện lính, chuyện người" của chú Cấp, vô hình chung, lại là "một nhịp cầu" nối liền các bậc cha chú bác với thế hệ chúng cháu qua những điều sau đây:

        - Nói Với Tuổi Trẻ Sau 44 Năm Tị Nạn
        - Cha ơi! Con Rất Hãnh Diện Về Cha
        - Tình nghĩa với những người Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hoà
        - Trách nhiệm với việc gìn giữ "Tiếng Việt Trong Sáng" tại hải ngoại.

        Xin hỏi làm sao để khỏi khóc khi đọc được những mất mát từ câu chuyện "Những Người Lính Trong Một Gia Đình” đã hy sinh, "Ngày Tháng Sau Cùng...Anh Ở Đâu?", hay câu chuyện "Saigon 68 và Ông Sáu Lèo" viết về những điều đằng sau bức ảnh nổi tiếng thế giới của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan.

        Làm sao để khỏi khóc khi hiểu thêm những điều đau xót về một cuộc chiến mà thế hệ thứ hai của chúng cháu, trước đây chỉ biết một cách chung chung không rõ nét. Hình ảnh "Những Hồn Hoang Trên Pháp Trường Cát" cứ khiến cháu nghĩ đến cuộc triệt thoái bị sa lầy bi thương tại bờ biển Thuận An, Huế, căn cứ Non Nước, Đà Nẵng vào cuối tháng 3 năm 75.
        Bao nhiêu người đã nằm xuống?
        Bao nhiêu người đã vĩnh viễn mất đi một phần thân thể của mình?

        Nhưng có lẽ sau chiến tranh, người ta không khóc nữa khi dòng lệ đã cạn. Hoặc, những giọt nước mắt đau thương đã được chuyển hoá thành những nụ cười chua xót, đầy châm biếm qua ngòi bút Tô Văn Cấp.

        Mẹ cháu cũng là một độc giả của chú Cấp. Khi được hỏi vì sao mẹ thích đọc văn chú Cấp? Mẹ cháu trả lời đơn giản: "Vì chú Cấp viết rất vui!"

        Làm sao không cười khi đọc những điều "trái khoáy" mà chú Cấp viết như "Cháu Bà Nội, Tội Ông Ngoại", hay "Bố Chồng Nàng Dâu"? Hoặc bài viết có cái tựa nghe rất "nịnh đầm" như "Con Nuôi Cha Không Bằng Bà..." chấm-chấm-chấm "lửng lơ con cá vàng". Có một bài viết mà cái tựa nghe...bực cả mình: "Vợ Chồng Lủng Củng Cũng Tại Con Chim”. (Xin thưa khi mới dọc cái tựa bài, cháu cảm thấy hơi ngượng, không muốn đọc, nhưng vì tò mò nên cháu phải “nhắm mắt’ đọc cho nhanh. Khi biết vụ lục đục chỉ vì con chim câu có cánh bay bay trong gió cháu mới an tâm và cười thầm: “Chớ vội phán xét khi chưa nghe hết lời chú Cấp viết hay nói.”)

        Điều mà cháu cảm thấy rất thú vị và không thể không nói đến, đó là sự dí dỏm đáng yêu trong cách viết của chú Cấp khiến cho ai đã từng đọc qua sẽ đều lưu ý để cùng gìn giữ "Tiếng Việt Trong Sáng".

        Ví dụ như bài "Mình Uống Hai Viên, Bác Sĩ”, chú nhắc lại những câu của người mua dược thảo nói với bác sĩ: "Giê-Su-Ma! Mình bị táo bón lâu lắm rồi, bác sĩ", “Mình uống 2 viên là đi ra ngay, bác sĩ.”

        Ý chú muốn khen con chiên này rất ngoan đạo, luôn gọi tên và tin Chúa ở khắp mọi nơi giúp bà tất cả mọi chuyện. Và nếu ai hay dùng chữ "mình" mọi lúc, mọi nơi sẽ phải "giật mình", vì theo chú Cấp, đại danh từ “mình” chỉ nên dùng giữa hai vợ chồng khi thủ thỉ những chuyện riêng tư, thí dụ như “mình ơi, em muốn… hột xoàn”

        Làm sao không cười khi đoc đoạn chú viết trong“Người Việt Giết tiếng Việt” nhại đúng theo kiểu “Xuống Hố Cả Nút” như sau:

        “Đêm qua trong “quá trình” em đang ngủ say thì anh đụng chạm vào... làm cho em thức giấc, bực cả mình. Bây giờ trong “quá trình” em thức thì anh lại nằm ì ra đó làm em khó chịu. Lần sau mà “quá trình” em đang ngủ thì anh đừng có làm phiền người bên cạnh đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi nữa à nha.”

        Quý vị thấy không, bị "cấm cười" là cả một cực hình!

        Tuy nhiên, đối với môt người thuộc thế hệ thứ hai như chúng cháu, cảm động nhất vẫn là khi được nghe kể về câu chuyện của những người cha đã tử trận. Chú viết: “Chúng tôi cảm thấy có bổn phận kể lại cho các cháu những điều chúng tôi biết về cha các cháu. Từ đó các cháu mới hiểu vì sao các cháu có mặt trên đất nước này, mà nhớ ơn những người lính Việt Nam Cộng Hòa.”

        Xin cho cháu được mượn lời của người chị em tên Yvonne Trần, trích từ bài viết “Cha Ơi! Con Rất Hãnh Diện Về Cha” để kết thúc phần cảm nhận của mình: “Hãnh diện về cha chỉ là hãnh diện cá nhân, nhưng hãnh diện nhất của cháu là biết sự thật về chiến tranh đã có những người lính miền Nam hy sinh để bảo vệ Tô Quốc và Đồng Bào khiến cháu không thể nào quên được.”

        Kính thưa quý vị, cháu bị chú Cấp "cấm vỗ tay", vì vậy xin quý vị hãy giúp cháu thực hiện điều này.
        Xin chân thành cảm tạ!

        Nguyễn Diễm Nga - 6/2/2019


        Last edited by Nguyen Huu Thien; 06-05-2019, 11:32 PM.

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X