Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Biển San Hô

Collapse
X

Biển San Hô

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Biển San Hô

    Biển San Hô
    Trần Vũ

    Cuối thập niên 70 cùng với những ghe vượt biển mong manh còn xuất hiện những thuyền nhiều tầng được Công an Biên phòng hộ tống ra tận cửa biển, do chính nhà nước đứng ra tổ chức dưới tên gọi Vượt biên Bán Chánh thức. Với chính sách bài Hoa, chính quyền muốn triệt tiêu “đội ngũ Hán gian” nhưng trong thực tế là những gia đình Hoa kiều đã sinh sống nhiều thế hệ trong Chợ Lớn và có cả những thanh niên Việt mua khai sinh Tàu để ra đi. Giá trung bình là 12 lượng vàng cho người lớn và 7 lượng vàng cho trẻ em, cùng hai trăm đồng “cụ Hồ” cho thị thực khai sinh ma. Ðóng cho chủ tàu và công an thị xã điểm xuất phát.

    Chuyến tàu MT-603 khởi đi từ Mỹ Tho đêm 29 rạng 30 tháng 5-1979 chứa 405 thuyền nhân đã đâm vào bãi ngầm Trường Sa bốn ngày sau đó. Ngày 21 tháng 6-1979 khi được Hải quân Phi Luật Tân cứu đưa vào hải đảo Liminangcong, điểm danh còn đúng 285 người. Tôi ở trong số những thiếu niên đi chuyến tàu này, ghi lại dưới dạng tiểu thuyết.

    Trần Vũ


    ********


    1. Vượt biên bán chánh thức
    Những ai đã sống ở Mỹ Tho khoảng thời gian hai năm 78 và 79 đều có chung nhận xét: trọn thị xã nhỏ bé hiền hòa nổi tiếng nhờ món hủ tiếu này đã biến thành một chợ người hỗn độn dân tứ phương đổ về sinh sống, đầy dẫy bon chen, càng làm nẩy bật thêm lên tình cảnh tranh sống giữa Người và Người.

    Người, tuy thế ở đây không giản dị như trong quy định 5 thành phần kinh tế xã hội của nhà nước, thời kỳ đánh tư sản. Người phức tạp từ đứa trẻ nhỏ bán trà đá chanh đường đến bà lão còm lưng gánh cháo lòng rao bán trong chợ. Người rắc rối từ chị hàng sạp vải may đo đến gã thanh niên chuyên móc ngoặc với chính quyền, và dĩ nhiên, luôn cả đội ngũ công an vũ trang thường hay chạy xấn vào các hẻm chật vây bắt nhân dân cũng góp mặt tạo thành cái tập hợp Người xô bồ kỳ lạ ấy. Nhưng có lẽ phải kể đến diện Người bất thường hơn hết chính là những đám đông tuôn đổ xuống từ bến xe lôi thị xã, nằm bãi chờ đi vượt biên theo diện người Hoa đăng ký bán chính thức.
    Tháng 5-1979, trong số những người Hoa rời Mỹ Tho có những người Việt buồn bã nhìn thị xã yên lành ngày nào đã đánh mất hẳn nét an hòa, bình dị của một tỉnh lỵ nửa chợ nửa quê. Thay vào đó là bầu không khí mờ ám lấp lửng, đầy bất trắc của một bến cảng miền Tây chuyên xuất cảng Người.

    o O o

    Buổi chiều 28, sau bữa cơm chiều ăn qua loa trong lòng chợ, anh em Ðường và Dzũng thả bộ về ngôi nhà lầu bốn tầng thuê bao gần đó. Theo lời dặn từ hôm xuống Mỹ Tho, họ không được ra ngoài sau 8 giờ tối. Lúc về đến biệt thự, Biên, em Ðường nhìn tòa villa ngán ngẩm. Ngôi nhà mà gia đình ông Trương Hồng chủ tàu thuê từ sau Tết, làm chỗ ở tập trung cho ba trăm diện người Hoa đi tàu của ông, mỗi ngày một thêm đông người xuống ở. Tối nay, bốn tầng lầu chật cứng người từ trên xuống dưới. Dù đã bị hụt mấy lần vì công an đình chỉ ngày đi và cũng mấy bận lê thê lếch thếch kéo nhau về lại Sài Gòn vì chủ tàu tự ý dời ngày “xuất ngoại”, đêm nay chừng như “diện” nào cũng có mặt đầy đủ. Không ai muốn bị hụt chuyến đi ngày mai, trên chiếc tàu đăng ký số MT-603, sáu “lốc” cùng hai máy kéo phụ mà ông Trương Hồng đã hãnh diện tuyên bố với mọi thân chủ là bảo đảm nhất vùng Bốn!
    Ba người thanh niên đứng tần ngần trong sân vườn nhìn tòa nhà cũ từ thời Pháp đang chìm từ từ vào trong nền trời chiều chạng vạng của tỉnh lẻ. Một lúc sau, theo thói quen Ðường giục em mình đi kiếm chỗ ngủ. Thằng Biên hơi bất bình anh nó đêm đó, không chịu nhìn thấy “khó khăn chung của cả nước” đang nằm ngồi ngổn ngang la liệt tràn lan từ trên lầu thượng xuống đến bếp. Làm sao tranh được chỗ ngủ trên sàn gạch bông đã được cắm dùi kỹ luỡng và tận tình giăng mùng màn sùm sụp thế kia? Nhưng trái với tính tình thường ngày bướng bỉnh ở Sài Gòn, tối đó Biên lẳng lặng vâng lời anh bước vô nhà. Lý trí niên thiếu của Biên hiểu đang sống những giờ phút nghiêm trọng, cần tuyệt đối vâng lời anh. Nó loay hoay tìm chỗ đặt bàn chân, len lỏi men qua đám đông người đang nằm nhoài trên đất. Cái bóng lanh lợi của thằng Biên vàng vọt một lúc dưới ánh đèn măng-xông, rồi biến mất ở chân cầu thang. Còn một mình, Ðường rủ bạn ra ngồi ở bậc tam cấp. Cả hai không buồn ngủ và cũng không có ý định ngủ đêm nay.

    “Ðêm Xã-hội-Chủ-nghĩa cuối cùng, thức để nhớ mình đã uống nước suối Vi-Xi.” Dzũng khôi hài đen khi ngồi bệt xuống nền xi-măng.

    Ðường yên lặng tìm trong túi hai điếu Ðà Lạt, chìa cho bạn một rồi châm lửa. Lúc nãy khi đuổi em đi ngủ, Ðường biết anh có hơi vô lý. Thằng nhỏ kiếm đâu ra chỗ đặt lưng trong hộp cá mòi. Nhưng hình như Ðường sợ nếu cho phép đứa em ngồi lại với mình, nó sẽ đọc được hết những tâm tư của anh trên vỉa hè này. Những suy tư mà Ðường chợt thấy yếu đuối và thụ động trong khoảng thời khắc cuối cùng của hai anh em trên quê hương.
    “Hồi gom vàng hô đi hai trăm. Cận ngày đi kêu hai trăm rưỡi, bây giờ ‘đóng bến’ ba trăm mạng. Ðiệu này là cha Trương Hồng có đặt mua máy ép dầu cho mình rồi!”

    Dzũng vừa bập điếu thuốc, vừa cằn nhằn. Ðường đồng ý với bạn là chuyến tàu rồi sẽ chật như nêm cối, nhưng anh không bàn góp gì thêm. Nơi nào trên đất nước thời buổi này không có người bị lừa? Ðiếu Ðà Lạt Dzũng vừa kéo được vài hơi đã tắt lịm. Người thanh niên lại làu nhàu. Loại thuốc phân phối, sợi thuốc “dỏm” không tự cháy nổi một mình khiến Dzũng phải đánh diêm châm lại. Ðường nhìn đốm lửa soi mông lung khuôn mặt bạn. Dzũng là sinh viên năm thứ ba cùng học khoa Kế-Tài-Ngân ở đại học Kinh tế, trường Luật cũ với Ðường. Quen nhau tình cờ khi cả hai đi học môn Xác-suất Thống-kê. Rồi Dzũng trở thành người giới thiệu dắt mối cho hai anh em. Dzũng thẳng tính nên không thích ai “cong” với mình. Cuộc vượt biển nào cũng thẳng ít cong nhiều. Ðường cầu mong sao cho chuyến đi sẽ êm xuôi trót lọt, vì nếu không sẽ chẳng còn chuyến nào nữa cho anh em anh. Bóng đêm đã buông tuồng xuống thị xã từ lâu mà dường như Ðường vẫn còn trông thấy trong những lùm cây đang tối mờ đầu ngõ, hình ảnh ngôi nhà toang hoác trống trơn của gia đình. Ðường nhớ đến chiếc honda dame của mình, đến chiếc xe đạp course của thằng Biên, đến máy truyền hình hiệu National của nhà, bàn máy may Singer của chị cả, tủ lạnh Panasonic và những chỉ vàng, nữ trang cuối cùng của mẹ lần lượt ra đi để gom góp cho đủ số hăm bốn cây vàng.

    Khu xóm về đêm mới thê lương. Những đường hẻm đối diện mới hồi chiều tấp nập người ra vô, đầy dẫy những quán tiệm cơm hàng cháo chợ, trời vừa sụp tối đã vắng tanh vắng ngắt. Hai người bạn sinh viên không hiểu có phải vì công an cấm lai vãng ban đêm khu nhà của “kẻ xấu người Hoa” hay giờ giới nghiêm ở Mỹ Tho sớm hơn Sài Gòn nhưng họ cảm nhận rõ rệt khu phố cúp điện thưa người chìm tối âm u đến thê thảm.
    “Dzũng, sao ông đi lần này?”

    Ðường bỗng chợt hỏi bạn khi anh búng tàn thuốc xuống lạch cống.
    “Thì cũng như ông, ngán đi chui! Ði ‘tu nghiệp’ kiểu ‘hợp doanh ngoại thương’ như vầy an tâm hơn.”

    “Không, ý mình muốn hỏi Dzũng sao chọn ra đi kìa?”

    Ðường vội ngắt lời bạn khi thấy Dzũng hiểu sai ý anh. Hỏi Dzũng nhưng thật ra Ðường hỏi cho chính mình. Anh muốn duyệt xét lại lần nữa câu trả lời thao thức từ nhiều năm qua. Ðường, trong một giây ôn lại tâm tư của chính anh. Một tâm tư đã biết chia sẻ với Soljénitsyne, Pasternak, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ… Trước 75 đọc Một ngày trong đờicủa Denissovitch, Tầng đầu địa ngục, Bác sĩ Jivago, Dòng sông định mệnh, Ðem tâm tình viết lịch sửcủa những nhà văn ấy, Ðường không ngờ có một ngày miền Nam nơi ấp ủ tuổi thơ, dung dưỡng tuổi niên thiếu, nẩy nở tuổi trẻ của anh bỗng vụt trở thành thực tế kinh khủng ê chề của những cuốn tiểu thuyết kia. Và Trại Ðầm Ðùn của Trần Văn Thái rõ ràng là đang hiện diện trong nhà giam Phan Ðăng Lưu, nhà tù Ðại Lợi ngay giữa lòng Sài Gòn.

    “Sao chọn ra đi? Dễ hiểu lắm, không muốn mỗi tối họp tổ dân phố, không muốn mỗi Chủ Nhật đi lao động xã hội chủ nghĩa, không muốn mỗi tam cá nguyệt đi thủy lợi, không muốn phải chạy tiền Phường để khỏi bị gọi nghĩa vụ chết dấm dúi một xó xỉnh nào đó bên Kampuchia. Và quan trọng nhứt, là không muốn suốt cuộc đời chỉ được đọc có hai tờ nhật trình của nhà nước…”

    Sau phút hơi ngạc nhiên vì câu hỏi bất ngờ của bạn, Dzũng chậm rãi trả lời. Một sự thật quá hiển nhiên mà nhiều người đã không cần tự hỏi khi ra đi. Nhưng Ðường và Dzũng đang ở lứa tuổi của một thế hệ vừa bước chân vào đời, sớm biết suy nghĩ, băn khoăn vì cuộc sống vây quanh. Ðêm khuya dần và vầng trăng sáng treo cao trên đầu cả hai. Họ còn tự đặt cho nhau nhiều câu hỏi khó khăn khác, về khả tín của học thuyết Darwin, về câu nói bất hủ “Chính quyền trong tay Sô-viết” của Lénine, về những bế tắc của cấu trúc kinh tế Mác-xít ứng dụng ở Việt Nam, về các ca khúc mới của Trịnh Công Sơn trình diễn ở Hội Trí thức Yêu nước, cùng cả về cái chết bí mật của Thanh Nga. Hai người thanh niên không tìm ra giải đáp nào thỏa đáng với câu hỏi đầu tiên vì sao phải ra đi, họ chỉ cùng đồng ý phải thoát ra khỏi Việt Nam, cái hộp sắt bưng bít giam nhốt đang làm chết ngạt tất cả những giá trị tư tưởng. Tương lai ở ngoài hộp sắt.

    Dzũng châm thêm điếu thuốc. Anh rít mạnh vì thuốc Hoa Mai sợi đen, cũng như Ðà Lạt lúc nãy dễ tắt. Ðường và Dzũng thức thật khuya đêm ấy, cả hai không để ý đến vài người Hoa đi cùng chuyến cũng còn chưa ngủ, bắc ghế ra sau hè bàn tán. Những chú Sìn, chú Cẩm, chú Hổi của Chợ Lớn không sõi tiếng Việt, chưa đọc Tư bản luận, chưa đọc Lénine Toàn tập và cũng chưa đọc Trại Ðầm Ðùn của Trần Văn Thái. Song họ vẫn biết rõ vì sao mình phải ra đi. Vì thực tế phũ phàng người Việt dành cho họ, vì kinh nghiệm máu xương của kỳ đánh tư sản năm ngoái hãy còn quá gần? Ðó chỉ là một phần của lý do khiến sau nhiều ngàn năm giao tình với dân tộc phương Nam, người Trung Hoa đành nhìn nhận hồi kết đã đến. Dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, Hoa kiều bị cấm mười tám ngành nghề, đến Ðệ nhị Cộng hòa họ chung lưng chịu trận chiến tranh, nhưng vẫn vui vẻ sống, vẫn vui vẻ mỗi sáng nở nụ cười cầu tài đầu tiên. Hình ảnh dân tộc Việt trong lòng Hoa kiều là hình ảnh anh bản xứ hiền hòa, cần cù vui tính, dù đôi khi có hơi lì lợm. Nhưng từ 75 đến 78, chỉ cần vài năm một thứ người Việt khác, đã xóa bỏ hoàn toàn một hình ảnh sẵn có, xây dựng từ bốn ngàn năm qua trong lòng Hoa kiều để xua họ ra biển.

    Vầng trăng của bốn ngàn năm trước tối nay vẫn còn treo lơ lửng, ngọn gió của thời Lạc Hồng vẫn còn đang lùa nhẹ qua sân, những hậu duệ của các tổ phụ di dân phương Bắc vẫn còn đang trò chuyện. Tiếng Quảng xì xầm xì xồ của họ râm ran, nhưng là những lời an ủi khích lệ nhau may mắn trên đất tự do với một dân tộc khác.

    ********

    2. Trưa nắng Mỹ Tho
    Biên thức giấc thì trời đã sáng bạch. Giấc ngủ rời rạc, chập chờn mộng mị trên bao lơn lầu hai làm Biên không được tươi tỉnh lắm. Thực tình Biên cũng không rõ mình thiếp đi lúc nào, nó nhớ cả đêm đã không ngừng đuổi muỗi. Một tay móc vào lan can, một tay phẩy đuổi đám muỗi mòng vo ve. Nhưng có lẽ chính những suy nghĩ người lớn đầu tiên đêm qua đã làm thằng Biên bần thần. Hồi tối lúc vâng lời anh Ðường lên lầu, Biên đã muốn được tự do một mình viết thư từ biệt bạn bè. Nhưng nó cũng chỉ biên được vài dòng rồi xé bỏ. Nếu chẳng may lại dời ngày đi, trở về Sài Gòn thì ngượng chết! Kinh nghiệm của mấy lần vượt biên hụt khiến thằng Biên quyết định không viết thư từ giã. Nhưng lúc cất bút cùng mẩu giấy, Biên lại nhớ bạn bè nó kinh khủng. Cái phù hiệu học sinh trường phổ thông cấp ba Lê Thị Hồng Gấm, Couvent des Oiseaux cũ, còn đính trên túi áo không kịp thay lúc tất tả từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho như giữ rịt lấy nó với khung trời trường lớp hôm qua. Biên chưa bao giờ hình dung cuộc sống nó thiếu đám bạn thân gặp nhau mỗi ngày từ tiểu học cho đến đệ nhị. Nhưng khác với những lần đi chui trước, trong chuyến đi này Biên bị xúc động dữ dội. Lúc chiếc xe Ford Taunus của ông Hỏa, em rể ông Trương Hồng rồ máy lăn bánh, thằng Biên quay lại bắt gặp mẹ và chị cả nó đứng dưới gốc me ràn rụa nước mắt. Trưa nắng chan chan trên khuôn mặt bà Long và chị Ngân đầm đìa nước mắt, Biên cố níu kéo hình ảnh cuối cùng của mẹ và chị nó đứng khóc trên vỉa hè. Khoảng lề đường vàng kệch xa dần mà Biên còn nắm chặt trong tay miếng bánh dày của chị nó dúi vào tay lúc lên xe. “Mày nhớ ăn sáng trước khi đi học”, chị cả chỉ dặn được nó ngần ấy rồi lặng lẽ khóc. Biên trông thấy lúc đó tất cả những giọt nước mắt ấy. Nó chồm lên kính xe để nhìn mẹ và chị đến phút chót. Ðến Ngã Tư Hiền Vương–Hai Bà Trưng, chiếc Taunus quẹo trái để vòng xuống Phan Thanh Giản – Ðiện Biên Phủ ra xa lộ rước thêm người, thằng Biên chợt hốt hoảng nhìn khu phố Ðakao nhà nó mờ xa. Bức tường nghĩa địa Mạc Ðĩnh Chi băng trôi vùn vụt, bỏ xa dần mẹ và chị thằng Biên đứng sững lại trong quá khứ vừa thành hình. Ðêm tối trên lan can lầu hai, Biên biết gia đình nó đã sa sút để mẹ không còn nổi một trăm bạc mua vé xe lôi đưa anh em nó đi như nhiều bà xẩm ở đây. Mẹ cũng không làm nổi bữa cơm tươm tất để đãi hai anh em ăn lần chót dưới mái ấm gia đình. Ra đi, thằng Biên chưa ý niệm rõ ràng về ý thức hệ Quốc-Cộng, chưa biết thao thức cho hiện tình đất nước như anh Dzũng và anh Ðường, nhưng nó đã biết phải ra đi để có thể kiếm tiền gởi về nuôi mẹ và chị, mà cảnh túng quẫn đã đập vào mắt.

    Thanh thiên bạch nhật, tỉnh lẻ thức dậy với không khí xô bồ, bon chen giành giật hôm qua, làm như không hề gián đoạn bởi màn đêm thê lương hồi tối. Biên là người cuối cùng xuống lầu. Mọi người đã ra hết ngoài sân. Tiếng Quảng Ðông xì xà xì xồ như trong Chợ Lớn. Biên gặp anh Ðường và anh Dzũng ở góc vườn. Lúc đó Ðường hỏi nó có muốn ăn sáng tô mì gì không, thằng Biên lắc đầu mặc dù những chú ba đứng chung quanh làm nó thèm một đĩa mì xào giòn có lần được ăn ở Hải Ký Mì Gia trong khu La Kai. Thấy em lắc đầu Ðường cũng không ép, hai anh em không muốn tiêu phạm vào số tiền tám mươi đồng còn lại mẹ cho dằn túi. Ngay hôm đầu xuống Mỹ Tho, Ðường đã nói với em ráng đừng ăn quà, khi xuống tàu sẽ gởi tất cả tiền dư về trong bao thư cho nhà. Tám mươi đồng, mẹ có thể đi chợ một tháng. Thằng Biên vâng lời anh, tránh nhìn những gánh xôi chè và bánh cuốn Thanh Trì bên lề. Thấy anh em Ðường không ăn sáng, Dzũng cũng tế nhị không đi ăn một mình, chỉ chạy mua ba ly cà phê xây chừng cho ba anh em. Trong sân Hoa kiều ăn hủ tiếu, chan húp xì xụp.

    Gần trưa một chiếc Peugeot 504 sơn trắng đỗ trước cổng. Một viên công an mang kính gọng vàng, đeo đồng hồ Rolex và xách cặp táp Samsonite bước xuống nói chuyện với ông Trương Hồng. Sau đó có lệnh tập họp di chuyển. Không khí tự nhiên nao nức cả lên. “Ði, đi… xuống tàu”. Ba trăm người chia thành mười lăm tổ, đi bộ qua phố chợ xuống bến sông. Ðoàn người đi “xuất ngoại” tay không, theo hàng một. Mười ký hành lý quy định cho mỗi đầu người đã được cân ký cho xuống trước. Trẻ con, bạn hàng bu bám theo cố giành giật khách Sài Gòn.
    “Chú, chú, mua thuốc hút chú.”

    “Cám ơn có hai bao rồi.”

    Dzũng đẩy thằng nhỏ bán thuốc dạo đang dính bên mình. Thằng nhỏ trì kéo, dai hơn đỉa nhất định “thu hoa lợi” mới thôi:
    “Có Dunhill và Ba con Năm từ Thái Lan qua nè chú!”
    “Ðã nói có mua rồi mà.” Dzũng đẩy thằng nhỏ ra lần nữa.

    “Hai bao đâu có đủ. Mua thêm để ‘trữ lượng’ đi chú, đi tàu có khi cả tháng mới tới!”
    “Thôi được rồi, nhiêu bao ba số?”

    “Tám mươi lăm đồng, chú.”

    Không dứt nổi thằng nhãi, Dzũng định mua một gói thuốc để tống khứ đứa cháu ngoan Bác Hồ, nhưng giá thuốc làm anh chới với. Năm 79, công nhân viên nhà nước lãnh có ba mươi hai đồng và sinh viên như Dzũng lãnh có mười tám đồng một tháng. Trước cửa rạp Bến Thành, Mini Rex cũ, giá một gói ba số năm cũng chỉ có bốn mươi lăm đồng. Dzũng cảm thấy chua chát. Bây giờ thì anh hiểu tại sao những người dân ở đây chưa thèm vượt biên. Thêm một loại “ký sinh trùng sống bám phi lao động” nảy sinh từ những tế bào của nền kinh tế mà trên lý thuyết “nặng về sản xuất, nhẹ về cá thể tư doanh”. Dzũng chua chát nghĩ những gì anh học trong trường Ðại học Kinh tế là một mớ giấy lộn.

    Ði sau lưng Dzũng, anh em Ðường cũng bị níu kéo, nhưng vì họ không trả lời nên cũng đỡ vất vả mua bán như những người khác. Ðường chỉ ngượng ngùng khi phải đi bộ ngang lòng chợ, thấy dân chúng hai bên đường đang chăm chăm nhìn mình. Khác hẳn sự hồi hộp cải trang, lo sợ bị bắt khi đi chui, Ðường vừa khám phá ra sự yên tâm đến lạnh lùng trong lòng anh. Xen kẽ hàng công an, dân phòng và phường đội, Ðường không tài nào đoán nổi những ý nghĩ trong đôi mắt dân chúng Mỹ Tho, thương hại hay mừng giùm, ganh tỵ hay thông cảm? Những ánh mắt hời hợt, ngộ nghĩnh như đang xem xiệc. Ra đến bến, Ðường vẫn còn thắc mắc.

    Một đoàn xuồng máy đuôi tôm đậu san sát nhau, lúp xúp dưới bến sông. Cứ mười người xuống một xuồng chở họ ra cồn. Mặt nước sông xanh lá cây, lấp lánh nhấp nhô theo nắng buổi trưa. Chiếc xuồng của ba anh em chao đi khi ra đến sông lớn. Sóng gờn gợn từng đợt xẻ ra từ những đuôi tôm phía trước đập thùm thụp vào lườn ghe.
    “Trời ‘lất’ ơi, sao ghe nghiêng quá ‘chòi”!

    Mấy bà xẩm ngồi trong khoang mặt cắt không còn giọt máu. Xuồng chòng chành đến sợ, nước sông bắn tung từng chặp làm ai nấy ướt nhẹp. Mọi người nín thinh nhìn hai bên sông đột ngột tách rời, mở rộng ra thành cửa sông lớn bát ngát. Tiếng máy đuôi tôm rầm rào xoáy át hẳn mọi tiếng động. Thằng Biên trông thấy anh Ðường đang cố quay người nhìn thị xã Mỹ Tho lần cuối cùng sau lưng. Biên chợt nhớ cách đây ba hôm, cũng vào giấc trưa như hôm nay, nó cũng đã xoay đầu nhìn con đường Hiền Vương ngập nắng… Lúc thị xã mất hút thì cái cồn hiện ra, xanh rì im lìm như cái mu rùa nổi bật lên giữa trời trong vắt. Cái mai rùa rõ dần, đến gần cây cối um tùm. Tiếng máy đuôi tôm phụt tắt, trả lại xôn xao của sóng nước. Tiếng nước dập vào lườn gỗ nghe như thúc giục. Mặt nước chênh chao, mấp mênh, làm tăng những phân vân trong lòng mỗi người. Còn chừng hai mươi thước, ông già lái ghe lên tiếng:
    “Xuồng không cặp sát bờ đâu, cây cầu bị nước cuốn trôi rồi, bà con chịu khó lội vô bờ đi.”

    Mặc kệ mấy bà xẩm phản đối, ông lão lái ghe thản nhiên cắm cọc neo xuồng tại chỗ. Hai mươi thước sông lung linh nắng.
    “Ðâu có sâu gì cho cam, nước nông tè tới đầu gối nhìn xuống coi.”

    Ông già nói như ra lệnh sau cái nhổ toẹt xuống mặt nước. Thằng Biên chồm người ngó xuống, mặt nước cạn thiệt, nó trông thấy đất mùn với thân cây củi mục dưới đáy. Xung quanh những xuồng khác cũng neo xa xa bờ, không có chiếc nào cặp hẳn vào cồn. Ba anh em Ðường, sau khi vén quần tới bẹn, quyết định nhảy xuống.

    Mặt nước vỡ tung lúc thằng Biên rơi tõm xuống sông. Sức rơi nhận nó lún xuống sình tới đầu gối. Hốt hoảng Biên đạp tứ phía cố rút chân lội vào bờ. Nhưng nó giẫm xuống một mặt sình lỏng khác, lần này lún tới đùi. Mặt nước trở nên đục ngầu vì đất mùn bị khuấy động. Càng cố đi tới Biên càng lún sâu xuống, lúc này thì nó đã ở nguyên người trong sình lún tới bụng.
    “Chúa ơi! Anh kéo giùm em với, chết mất!”

    Một người cùng nhóm đã lên được bờ, trườn người vươn tay kéo thằng Biên lên cồn.
    “Sợ một mẻ hả em?”

    Thành, tên người đàn ông, cười vỗ vào vai thằng Biên còn chưa hoàn hồn. Dzũng và Ðường cũng vừa lên tới bờ, người ngợm họ dính đầy sình.
    “Nông tà tới đầu gối thôi hà!”

    Dzũng cằn nhằn mỉa mai. Mọi người vội vã đi kiếm nước rửa chân. Mùi sình tươi nhờn nhợn, tanh tanh làm ai nấy váng vất. Dân thành thị đâu có quen lội bùn. Những chiếc xuồng máy đuôi tôm tiếp tục thải người lên bờ. Sình dơ dính nhơm nhớp bó lấy ống quần nên mạnh ai nấy túa đi tìm nước rửa chân. Không ai muốn trở ra vũng nước đục ngầu bùn lầy, đầy ối người đang ngụp lặn lội vô cồn nên họ ùa nhau ra những lạch nước gần đó.
    “Ê, ai cho mấy người ăn cắp nước ở đây.”
    “Tụi tôi xin chút nước.”

    “Muốn mua nước thì đưa tiền đây, một đồng một lon gui-gô. Thằng nào tự tiện tao dộng bể mặt!”

    Những người dân trên cồn đứng chực sẵn hai bên con lạch, người vác rựa, kẻ đòn gánh, toàn dân dao búa. Trong lúc nhóm người Việt đăng ký kỳ kèo xin trả giá năm mươi xu một lon, những Hoa kiều lên sau vung tiền ra mua nước. Mấy bà xẩm mua đong cả thùng phuy tắm gội ngay tại chỗ. Ðường nghĩ chính cách xài tiền phí phạm này của Hoa kiều đã thúc đẩy những người lái ghe hồi sáng toa rập với dân trên cồn, bắt bọn Ðường lội sình để bán nước. Anh và đứa em, số tiền còn dư đã gởi về cho nhà, chỉ còn đúng mười đồng phòng thân nên chỉ dám mua hai lon guigoz rửa qua loa. Thằng Biên cởi phăng quần dài xanh, mặc xà lỏn phơi chân trần ướt nhèm nhẹp, mọi người lại bàn nhau mượn chiếu trải nằm đỡ, vì đến tối tàu lớn mới ra.
    “Chiếu lớn mười bốn đồng một giờ, chiếu nhỏ tám đồng.”

    Chị đàn bà quấn khăn rằn kiểu “Nguyễn Thị Ðịnh” thản nhiên đáp. Dzũng vừa đếm tiền vừa bực tức:
    “Coi quê mùa vậy chớ máy chém hiện đại dữ.”

    Nhóm của Ðường bây giờ thêm anh em anh Thành, cựu Thiếu úy Bộ Binh. Cả bọn hùn tiền mướn một chiếc chiếu nhỏ đủ đặt mông cho sáu người. Lát sau có thêm anh Vĩnh, cựu Trung úy Thủy Quân Lục Chiến và chị Lan em gái anh nhập bọn. Rồi thêm chị Hương với hôn phu là anh Công. Thời gian mướn chiếu được kéo dài ra theo tiền quyên góp của những người đến sau. Buổi chiều 29 ở trên cồn, nhóm người Việt ít ỏi này tách rời ra khỏi tập thể người Hoa đang tiêu xài cho hết những đồng bạc “Cụ Hồ” sắp trở thành vô giá trị. Thật ra cũng còn nhiều gia đình Việt mua giấy khai sinh giả khác nữa, nhưng nhóm của Ðường trẻ nhất và quy tụ phần lớn độc thân nên họ dễ dàng thành bạn nhau. Ðường, Dzũng và Công – đang học năm chót ở Tổng hợp, nói chuyện về tính biến dị tập nhiễm từ môi trường ngoài theo học thuyết Darwin, giải thích hiện tượng “thỏa hiệp” của một số bạn bè kết nạp đoàn viên Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, rồi họ cùng nhau tính xem trong số mười hai cây vàng đóng giá người lớn cây nào là “cây giá trị thặng dư”, họ cũng đố nhau giải vài bài toán còn nhớ trong cuốn Toán Cao cấp và bàn về dự tính theo đuổi việc học ở xứ người. Anh Vĩnh và anh Thành kể chuyện đi cải tạo của họ, nhắc những kinh nghiệm đau thương chiến tranh. Chị Hương và chị Lan tâm sự đàn bà với nhau, cả hai đều mừng vì không bận bịu gia đình con cái trong hoàn cảnh hiện tại. Thằng Biên mừng như bắt được vàng từ khi gặp Phương, em út anh Thành và Tuân, em chị Hương. Cả hai đều bằng tuổi nó, cũng vừa học xong lớp 11. Tuân học Chu Văn An sau giải thể đổi sang Lê Hồng Phong, Pétrus Ký cũ, Phương học ở Nguyễn Thị Minh Khai, Gia Long cũ. Ba tên con trai mới lớn hăng hái nhắc chuyện thầy cô, trường lớp và phê bình đám nữ sinh bạn gái đầu tiên của chúng. Lâu lâu Biên nhìn xuống chân còn dính bùn khô, chợt nẩy sinh ý nghĩ lãng mạn là ra đi đem theo sình lầy của quê hương. Chỉ có Hoàng, em kế Thành là cô đơn hơn hết, anh lớn tuổi hơn Công, Dzũng, Ðường và cũng không còn đi học, nhưng lại nhỏ tuổi hơn các anh Vĩnh, Thành, chưa bao giờ đi lính. Buổi trưa nắng chói chang vỡ rợp từng mảng da trời, ngồi dưới tàu lá chuối xanh rờn trên đầu Hoàng thấy lạc lõng không tìm ra thế hệ của mình, lạc lõng như cồn nước lợ nổi chơ vơ giữa dòng sông.

    ******

    3. Cồn Nước Lợ
    Suốt cả buổi chiều trên cồn, nhóm của Ðường tâm sự vãn và ăn uống dè sẻn những bánh ú, trái mận roi đường bán với giá cắt cổ. Trời chiều ngả dần từ màu vàng võ sang cam tuyền của những đám mây xa. Lúc chị Hương rút năm chục cuối cùng ra mua ba trái dừa xiêm cho cả bọn uống đỡ khát, tiếng reo hò chợt dậy vang trên cồn.
    “Dậu xuyền lại!”
    “Có tàu, tàu tới, tàu tới!”

    Mọi người không kềm chế được vui mừng chạy ùa ra bãi đất trống hồi sáng lúc lên cồn. Trong ráng chiều buông chầm chậm, Ðường trông thấy ngoài sông ba chiếc tàu cây đang chậm chạp tiến vô.
    “Ðâu, chiếc nào là MT-603 đâu?”
    “Chiếc sơn đỏ dưới lườn đó.”

    “Trời ơi! Nhỏ xíu vậy làm sao vượt đại dương đi Úc!”

    Những người lần đầu tiên vượt biển thất vọng kêu trời. Tàu vượt đại dương trong đầu họ là hình ảnh những chiến hạm, tàu thủy đậu trong bến cảng Bạch Ðằng. Những người đã cay đắng nhiều lần rồi thì bình tĩnh hơn.
    “Vậy là khá rồi, hồi tui đi chui ở Cà Ná ghe dài chỉ bằng ba chiếc giường ngủ nhập lại.”
    “Thôi chết rồi, lão Trương Hồng lừa mình rồi.”

    “Dưới Rạch Giá tàu cũng chỉ cỡ vầy…”

    Ðường nghe rõ những mẩu đối thoại chung quanh, anh không có ý kiến vì đã ra đến đây ghe xuồng tàu bè lớn nhỏ cỡ nào cũng phải lên thôi. Ba chiếc tàu cây ngừng lại ở giữa sông. Hóa ra có hai chuyến đăng ký khác đi cùng ngày mà Ðường không biết. Ðường cũng vừa khám phá thêm qua lời đối đáp giữa ông Hỏa em rể chủ tàu và những người vây quanh, là chiếc MT-603 dự định đi Úc. Người tổ chức tự tin chiếc tàu của họ đủ sức hải hành xuống tận vùng nam Thái Bình Dương. Có lẽ lý do chính là vì từ mấy tháng qua, đài BBC không ngừng loan những bản tin về nạn hải tặc ở vịnh Thái Lan, điểm đến gần nhất. Mã Lai, Nam Dương, Tân Gia Ba thì đài VOA loan tin tàu tỵ nạn bị kéo đuổi ra khơi. Ðường suy nghĩ nhưng không tài nào đoán ra lý do khiến các nước Ðông Nam Á trong vùng xua đuổi làng xóm đang lâm nạn. Chỉ mới hôm qua, họ hãy còn là đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa. Ðường cảm thấy cay đắng, đồng thời ba chữ Úc Ðại Lợi vừa nhú mầm nẩy lên trong anh. Ðường cố hình dung ra vùng đất lạ của nhà sinh vật học nổi tiếng Darwin, nhưng cũng như bóng đen về sự xua đuổi thuyền bè của các nước láng giềng, Ðường không mảy may ý niệm gì được về mảnh đất lục địa chờ đón sắp đến. Nhưng lần đầu tiên từ lúc xuống Mỹ Tho, anh thấy nôn nao khó tả.

    Hơn tiếng đồng hồ sau, hai tàu tuần giang PCF chở đầy công an hộ tống một đoàn ghe đông đảo người ngồi trong khoang cặp vào cồn. Lần này những chiếc đuôi tôm cặp hẳn vào bờ. Công an và đám người lạ mặt tuần tự lên cồn. Viên công an mang kiếng gọng vàng lúc nãy tái xuất hiện, nói chuyện hồi lâu với chủ tàu rồi quay sang ra dấu đem loa phóng thanh đến.
    “Các anh chị chú ý! Các anh chị chú ý! Tôi thay mặt Tỉnh ủy, thay mặt đội ngũ Công an Nhân dân Thị xã quán triệt với các anh chị một vài điều trước khi các anh chị lên đường…”

    “Quán triệt” cầm loa vắn tắt, kêu gọi mọi người phấn đấu lao động ở xứ người, tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của hai dân tộc Hoa-Việt tự ngàn xưa. Không ai cảm giác kỳ dị và cũng không ai tự hỏi vì sao chính quyền tổ chức cho họ ra đi, tất cả đã quen với ngôn từ chính thức và quen với sự im lặng, riêng Ðường càng lúc càng nôn nóng.

    “Sau đây là danh sách các anh chị có tên thuộc diện người Hoa đăng ký theo tàu MT-603. Anh chị nào có tên thì đứng lên ra tập họp xuống ghe để ra tàu lớn. Tổ Một: tổ trưởng Lâm Huê, tổ viên các anh Trương Liêu, Ðặng Cẩm, Trịnh Vũ Vương, Phùng Hội, Phùng Tảo… các chị Trương Tố, Vương Huệ, Tú Diệp Anh…”
    “Dzũng, ông có tên kìa, đứng lên đi!” Ðường bật dậy.

    “Ðâu? Gọi hồi nào?” Dzũng hớt hải.
    “Phùng Tảo! Tên trên khai sinh Tàu của ông là Phùng Tảo. Nhanh lên!” Ðường đẩy Dzũng.

    “Phùng Tảo có mặt!” Dzũng lật đật.

    Biên mang túi đeo vai giùm anh Dzũng, nó vừa kích động, vừa nghĩ đến cái tên Mã Siêu trên khai sinh Tàu của mình. Tự nhiên Biên nhớ đến cha đã mất, nhớ đến ông Long buổi trưa 30 tháng 4 đốt vội vàng thông hành của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc khiến bà Long phải mua khai sinh giả cho hai anh em Ðường với giá một chỉ vàng. Tàu thật trở thành Tàu giả, hay Tàu lai trở lại làm Tàu thật? Biên thật sự thắc mắc. Cho đến buổi trưa Mỹ Tho, Biên vẫn tin nó là người Việt, mà chỉ đến buổi trưa này Biên mới ý thức cái tên thật Lưu Gia Biên của nó đầy Tàu, nhưng là một thứ Tàu không được công nhận, giản dị vì là Tàu Quốc gia. Quốc gia? Biên hãy còn quá trẻ để hiểu, tuy biết cái chết của cha gắn liền với 30 tháng 4. Nó đứng xếp hàng sau lưng anh Dzũng, nhìn mọi người trút hết tiền Giải phóng còn thừa vào chiếc rổ mà anh công an trẻ đang cầm.
    “‘Giải phóng’ đến đây là hết giá trị.” Dzũng thì thầm.

    “Cái gì của âm phủ trả cho âm phủ.” Ðường gật đầu.

    Công an tiếp tục đọc tên: “Các anh Vưu Di, Mã Siêu, Mã Sinh, Chiêu Cấm, Triệu Hỷ… ” Ðến tên Mã Sinh, Ðường hô “Có mặt”.

    “Em mang tên Mã Siêu luôn hả anh?”

    Biên vẫn còn thắc mắc, ý nghĩ trở lại làm người Tàu làm thằng Biên không vui. Nó nghĩ đến đám bạn người Việt trong trường, nghĩ đến chỉ mới cách đây vài tháng khi chiến tranh biên giới nổ ra, thầy chủ nhiệm đã kín đáo khuyên nên khai lại lý lịch vì gốc Hoa sẽ cản trở học vấn. Ðường nhìn em ngạc nhiên, tự nhiên anh thấy thằng Biên lớn hẳn, nó có vẻ ưu tư.
    “Qua đến trại tỵ nạn khai lại.” Ðường nói khẽ.

    “Khai người Việt hay người Tàu?” Biên hỏi lại.

    Biên nhìn anh. Ðường nhìn thằng Biên, anh thấy rõ ràng thằng bé đang lớn lên, làm như xa gia đình ba ngày đã khiến nó ý thức phải tự lập và đã khiến nó hiểu những quyết định sắp đến của anh vô cùng quan trọng. Ðường muốn trấn an em nhưng chính câu hỏi của thằng Biên làm anh phân vân. Tàu hay Việt? Chính gốc Hoa của Dzũng và Ðường đã khiến ông Trương Hồng trở nên dễ dãi và tin tưởng. Cũng chính gốc Hoa này đã giúp bà Long xin bớt hai lạng vàng. Nhưng Tàu hay Việt, Ðường chưa bao giờ tự đặt câu hỏi, vì trong thâm tâm anh luôn nghĩ mình là người Việt. Bên cạnh, Dzũng cũng nghe thấy và chờ đợi đáp án của bạn mình. Chính Dzũng cũng đang phân vân, sau cùng, Dzũng nói nhỏ: “Sang tới trại tỵ nạn rồi tính”, nhưng Ðường đã trả lời em: “Khai người Việt. Mẹ là người Việt, anh em mình là người Việt.” Ðường nghe giọng nói của anh thật chắc chắn. Biên cảm thấy an tâm, nó nhìn ra những thước sông bây giờ đã sẫm.

    o O o

    Bảy giờ tối, trong ánh đèn pin quét ngang dọc của công an, mọi người lần lượt xuống tàu lớn. Dzũng, Ðường và những người đàn ông trong nhóm bị đẩy xuống hầm dưới cùng.
    “Chết rồi bây ơi, không có cửa sổ!”

    Anh Vĩnh la làng khi cả bọn chui xuống hầm. Khoang tàu tầng dưới tù mù trong ánh đèn bão mắc ở đà ngang. Chưa gì mọi người đã ngộp thở, hầm tàu bít bùng thiếu dưỡng khí. Mùi dầu Ma-zút xông lên hăng hắc.
    “Xuống, xuống! Tổ một dồn ra đằng mũi đi! Nị tỳ hôi sườn pìn!”

    Mấy thằng thủy thủ gốc Triều Châu to con vạm vỡ, xô đẩy nhóm Ðường. Người trên boong tiếp tục dồn xuống.
    “Ngồi sát vô nữa! Mỗi băng mười người! Xập cô dành!”

    Bọn thủy thủ tiếp tục la hét quát tháo. Mặt anh Vĩnh và anh Thành đanh lại. Những người đàn ông ngồi chật đến độ không thể cựa quậy. Trong bóng đèn bão vàng vọt, vang lên vài tiếng “Tiểu lụ mụ” của các thanh niên người Hoa cũng đang bị dồn ép như cám. Người trên boong vẫn tiếp tục được đẩy xuống. Ðường có cảm tưởng hai xương vai và ba sườn mình sắp vỡ vụn.

    “Tôi nói ông rồi, máy ép dầu xuất khẩu mà!”
    “Nghe đâu công an gởi một trăm người, cánh ra sau hồi nãy là người của công an đó.”

    “Không cửa sổ, ngồi ép mỡ kiểu này tàu lật là đi đái…”
    “Ê mấy cậu nhỏ đó, đi đường xa đừng có nói gở. Hết chuyện đùa rồi sao!”

    Mấy ông già lớn tuổi ném cho bọn trẻ cái nhìn quắc mắt không mấy thiện cảm. Ðám thanh niên nín thinh, hầm tàu chỉ còn tiếng chân xô đẩy quờ quạng tìm chỗ ngồi. Không ai nói gở nữa, nhưng hình ảnh cái quan tài tập thể đã lởn vởn trong đầu mọi người.

    Phần Biên, dưới 18 tuổi nên được ở tầng nhì, có cửa sổ ngồi chung với đàn bà con gái. Tầng thượng dành cho thân nhân gia đình chủ tàu và tài công. Khoang tàu của thằng Biên cũng chật không kém, nó bị năm con xẩm ép dính vào vách. Không phải một hộp cá sardine nhưng là một hộp thịt pâté. Thằng Biên cố an ủi được ngồi kế cửa sổ không sợ ngộp thở. Nó đo lường bằng mắt cái khung cửa hẹp liệu xem thân hình ốm của nó có chui ra được khi gặp biến. Thõng một tay qua cửa sổ, Biên giật thót mình vì cánh tay nó chạm ngay vào dòng nước lạnh toát. Mực nước mấp mé chỉ cách chừng hai mươi phân. Ðúng lúc đó thằng Biên chợt nghe tiếng mái chèo khua nhẹ, rẽ trên mặt nước. Rồi tiếng chạm nhẹ vào vách, rồi có tiếng đụng mạnh hơn vào lườn tàu, tò mò nó nghiêng đầu qua cửa sổ. Một bàn chân rơi bịch bất ngờ ngay trên thành cửa trước mũi thằng Biên. Một bóng người từ chiếc ghe tam bản cặp bên hông chiếc MT-603 nhảy vụt lên boong. Tiếng súng nổ chát chúa liền tức khắc. Liên tiếp là tiếng đạn AK rít rít trong gió. Năm ngón chân của cái bàn chân trần bấu quặp vào thếp gỗ run rẩy rồi rơi tõm xuống, nước bắn ướt vào trong khoang. Những băng đạn AK vẫn còn được bắn xối xả xuống lòng sông đen ngòm. Tiếng AK nổ như trống. Ðến khi âm vang của tiếng súng dứt hẳn, hồi lâu sau trong bầu không khí sợ sệt im phắc, một giọng đàn bà mới lắp bắp thều thào:
    “Trời ơi… đi ‘hôi’ bị bắn rồi.”

    Ðã gần nửa đêm tàu vẫn chưa chạy, không ai rõ chừng nào mới “nhổ neo”. Ông Trương Hồng và tài công đã trở vô thị xã ăn chia tay với công an. Tất cả chìm trong bóng đen đặc, cây đèn bão gã thủy thủ đã lấy đi. Mùi Ma-zút xông lên đến ngộp thở, in mùi hắc ín tráng nhựa đường. Thằng Biên nhắm mắt cố ngủ để lấy sức, mỗi lần giật mình bừng tỉnh, nó ngó ra ngoài đêm quê hương mịt mù. Tàu vẫn đứng yên một chỗ.

    ***********

    4. Những lượn triều
    Đêm 29 rạng 30 tháng 5 – 1979, ba chiếc tàu đăng ký bán chánh thức được hai chiếc PCF của công an biên phòng hộ tống ra cửa biển. Thằng Biên thức giấc khi hai chiếc PCF bắc loa chúc “đồng bào đi thượng lộ bình an”, rồi quay mũi trở lại Mỹ Tho. Ra tới cửa biển sóng lớn hẳn làm tàu chao, lắc lư như người say rượu. Trong tờ mờ hừng đông thằng Biên thấy những cụm phù sa đỏ ngầu trôi băng băng qua cửa tò vò. Nước biển đục, lờ lợ mằn mặn ngọt ngọt kỳ cục khi nó vốc nước uống thử. Biên chợt đoán ra đây là chỗ sông Cái tiếp giáp với biển. Hai luồng nước gặp nhau nên sóng mạnh, đập vào thành tàu như múa trống. Ba chiếc tàu tiếp tục lộ trình suốt buổi sáng cho đến khi hai chiếc tàu kia rẽ về hướng khác. Thằng Biên nghe tiếng xì xầm bàn tán của vài người Việt trong khoang, được biết hai chiếc kia đi Mã Lai. Chiếc MT-603 trở ngược lên phía Bắc, đến chiều ở khúc Nha Trang thì trực chỉ hướng Ðông. Hải trình đi Úc được vạch xuyên qua Phi Luật Tân. Nhóm tổ chức đã tính kỹ, đi Úc xa và gian lao hơn, nhưng bù lại không phải ở trại tỵ nạn, sẽ được định cư ngay. Thằng Biên ngủ li bì như để giả bữa cho ba đêm mất ngủ trên lan can ngôi biệt thự ở phố chợ Mỹ Tho. Sang ngày thứ hai, đàn bà con nít trên tàu bắt đầu say sóng. Ghê tởm nhất là mấy con xẩm từng băng cứ từng cơn ụa nôn, gục mặt lên người thằng Biên ói mửa! Nhiều lần thằng Biên thúc cùi chỏ vô bụng con xẩm ngồi cạnh nhưng người nó cũng đã nhơ nhớp đồ ói. Tệ hơn nữa là các cánh cửa tò vò không mở ra được vì sóng biển liên tiếp ập vào lườn tàu. Mùi hôi do đó tanh nồng hôi thối đến ngộp thở. Nhiều bà già ỉa đái ngay trên sàn, mỗi khi tàu ngả nghiêng phẩn dơ từ trong “pô” văng tung tóe!

    Phần Ðường và các bạn anh dưới hầm tàu, tình trạng cũng không khả quan hơn. Ngồi đằng mũi, nên Ðường có cảm tưởng những làn sóng vô hình đâm xuyên vào ngực mình trước khi xẻ dạt sang hai bên hông tàu. Các bạn Ðường cũng cùng chung cái cảm giác tức ngực ấy. Hầm tàu phần chìm dưới biển hứng chịu những đợt sóng ngầm nên tất cả đàn ông đều cảm thấy như mình bị dần, bị xô ném bởi bàn tay của tên khổng lồ. Nhiều người không chịu đựng nổi, nôn thốc nôn tháo lên người đối diện. Cây đèn bão không hiểu sao bọn thủy thủ lấy đi để lại khoảng hầm tối đặc, nặng mùi. Ðường không thấy đói, và cũng không dám ăn uống vì sợ đi tiêu đi tiểu hay nôn mửa giữa đám người ngồi bó chiếu. Thêm nữa, Ðường hối hận lúc xuống hầm đã không kịp đưa bao lương khô cho em, anh cứ lo lắng sợ thằng Biên đói. Mấy lần Ðường tính nhờ chuyền tay chuyền lên hộp guigoz đường cát có tẩm chanh cho em, nhưng lại sợ có tay nào bất hảo cầm nhầm luôn nên đành thôi. Ðến lúc mệt quá, anh mang theo lon guigoz vào cơn mê thiếp mệt lả.

    Ngày thứ ba, đám Hoa kiều bừng tỉnh nườm nượp ăn uống. Họ lôi từ trong sắc ra từng khối thức ăn bổ béo và có chất dinh dưỡng cao như sâm khô, gà ác ướp tương, chuối cau, mật ong, đường thẻ, cam sành… Thằng Biên cũng thấy đói bụng, không có bọc lương khô mẹ làm sẵn, nó đành chờ mấy con xẩm ngủ say mới moi móc vài củ sắn, miếng bánh đậu và uống ké nước lọc. Hậu quả tức thời của một ngày ăn uống là những vụ ói mửa, tiêu tiểu liên tục. Từ trên boong nhìn xuống các khoang, thằng Trương Ðắc, con ông Trương Hồng, không khỏi liên tưởng đến những xe hút hầm cầu thường trông thấy trong Chợ Lớn! Mùi xú uế kinh khủng đến độ thằng Biên quyết định trèo lên boong trên. Nó bò, trườn, đạp, giẫm trên đầu nhiều người để ra cửa khoang.
    “Nị hôi pín tồ?”

    Bà xẩm vừa bị Biên bò qua đầu chửi đổng “Tiểu nị lẩu mẩu hấy”. Thằng Biên bất cần, vì nếu không lên boong nó sẽ chết ngộp tức khắc!
    “Xuống hầm!”

    Thằng thủy thủ lúc ở cồn quát lớn, lấy tay đè đầu thằng Biên.
    “Cho đi đái!”

    Nó cố gỡ cánh tay cuồn cuộn bắp thịt của tên thủy thủ.
    “Ðái vô bao ny lông!” Tên thủy thủ lại nhấn thằng Biên xuống.

    “Thôi cho nó lên.”

    Thằng Trương Ðắc học chung Kế-toán Vật-tư với Dzũng, biết anh em Ðường nói với thằng thủy thủ rồi kéo thằng Biên lên.
    “Ðái rồi xuống liền nghe.”

    Biên không trả lời, bò ra boong sau. Cầu tiêu nằm tuốt ở đuôi, không có người. Bước vào cầu xí thằng Biên đang mắc tiểu kinh khủng, nhưng không tài nào tiểu tiện được. Nước biển chỗ chân vịt bị đánh văng tung xối xả lên nhà cầu. Thằng Biên tưởng như nó vừa hứng hết nước tiểu của những người đi tiểu trước! Cái buồng gỗ đóng sơ sài không đáy, nghiêng qua nghiêng lại chòng chành lên xuống đến thót ruột. Nắm chặt nắm cửa, người ướt nhẹp, nó sợ rơi xuống lỗ hổng toang hoác phía dưới. Cuối cùng, Biên đành chấp nhận nó không thể nào đi tiểu được trên một vị trí bấp bênh thiếu an toàn như miếng ván gỗ này. Nó trèo xuống, ngồi bệt trên sàn tàu. Nó nghe loáng thoáng tiếng nói chuyện được biết hôm qua ở hải phận quốc tế, có vài chiếc tàu Na Uy, Thụy Ðiển trông thấy chiếc MT-603 nhưng đều chạy luôn.

    Gió biển thổi phần phật, chung quanh tàu là một hình lõm nổi màu tím. Biển màu tím, nền trời màu tím, mây màu tím, chỉ có mặt trăng tròn sáng rợn trên cao. Sao nhiều kinh khủng, chưa bao giờ Biên được thấy nhiều sao như vậy. Cả bầu trời đêm tỏa sáng bát ngát, lồng lộng vần vũ mây và tiếng sóng ào ạt rào rào làm Biên tự dưng quên mất thực tế. Nó ngây ngất trước khung cảnh đã được đọc trong Mười lăm truyện mùa Hè, Mười lăm truyện phiêu lưu, Mười lăm truyện đường biển. Nó chợt sống với thế giới của Ngư ông và biển cả. Tiểu thuyết hơn, Biên nghĩ đến 20,000 dặm dưới đáy biển của Jules Vernes.
    “Ê, đái rồi sao chưa xuống mày?”

    Thằng Biên giật mình, vội hít lấy hít để bầu không khí trong lành trước khi chui xuống hầm lại.
    Biên thấy nó ngồi trong căn phòng ăn quen thuộc của ngôi nhà ở Ðakao, bà Long ngồi bên cạnh, nắm chặt tay con nước mắt ràn rụa. Biên hốt hoảng muốn rút tay ra, đỡ lấy mẹ.
    “Mẹ, mẹ sao vậy?”

    Nhưng bà Long vẫn nắm chặt tay con, hai mắt mở lớn trừng trừng…

    Biên vùng vẫy tỉnh dậy và nhận ra nó đang bị con xẩm đè ép sát vách tàu. Mồ hôi hai bên thái dương và lưng áo thằng Biên vã ra như tắm. Ðang đêm hầm tàu lạnh căm căm vì gió biển thổi lùa thốc qua cửa khoang, mà người Biên vẫn ướt đẫm mồ hôi vì sợ. Nó nhớ rõ mồn một cách đây bốn năm khi bố mất, bà Long nằm mơ thấy mình đang đi xe đò với chồng, chợt có người lạ mặt chặn xe xông lên đâm vào lưng ông Long. Ðúng lúc đó, cả nhà bị đánh thức dậy vì tiếng chuông điện thoại reo từ nhà thương Ðồn Ðất báo tin ông Long hấp hối. Ðêm đó là 31 tháng 5-1975, “Giải phóng” vừa đúng một tháng. Tháng 5-75 – tháng 5-79, tự nhiên thằng Biên cảm thấy khó thở, hai lỗ tai lùng bùng, rồi như có một sức mạnh vô hình thúc đẩy, nó bò trườn nhanh qua đầu mọi người đang say ngủ ra ngoài.
    “Xuống hầm! Con c., không có đi đái nữa!”

    Thằng thủy thủ lúc nãy ngồi chặn ở cửa khoang quát lớn, cùng lúc lấy chân đạp vào mặt thằng Biên. Vẫn cái sức mạnh vô hình đã kéo nó dậy, lần này truyền vào hai tay nó chụp lấy chân gã thủy thủ và hất mạnh ra sau. Tên thủy thủ ngã ngửa trong lúc Biên xông lên chạy ra boong sau. Gã thủy thủ lồm cồm đứng dậy rượt theo nó. Chiếc thuyền đột ngột chao thật mạnh khi ấy, cả hai, Biên và thằng thủy thủ cũng mất thăng bằng trượt chân té sõng soài. Toàn thân chiếc tàu rùng mạnh như bị bắn thủy lôi. Có tiếng va chạm cọ xát đến nhức óc. Cả hai vừa gượng đứng lên lại ngã nhào vì con tàu bất ngờ nghiêng hẳn sang một bên. Chuỗi âm thanh cọ xát vỡ vụn lanh lảnh lúc nãy lại vọng lên đinh tai. Trên tàu có tiếng la khóc sợ hãi. Tiếng quát hỏi hỗn độn của tài công và thợ máy. Cả tên thủy thủ và Biên đều bất động trên sàn tàu, họ bị thôi miên vào hình ảnh con tàu không ngừng nghiêng ngửa tưởng có thể lật úp. Biên, ở chỗ nó nằm dán sát cabine, thấy rõ tài công đang cố cho tàu de lại. Chiếc MT-603 rùng mình nhiều lần, tiếng máy tàu rú như tiếng sói biển tru đêm. Biên trông thấy ở nhà xí, chân vịt quay tít, nước biển bắn lên lớp lớp như sóng thần. Chiếc MT-603 rung chuyển toàn thân, cố bứt rời khỏi vùng nước đang bấu chặt lấy nó. Lẫn với tiếng sóng, tiếng máy tàu gầm rú, râm ran tiếng Nam mô niệm Phật cầu kinh của bốn trăm người.
    “Chân vịt vướng lưới rồi, cho chạy tới!”

    Không rõ ai đã la lên nhưng tài công nghe theo cho tàu chạy tới. Lần này tiếng va chạm cọ xát khủng khiếp như bom nổ. Con tàu hộc lên rồi lại chao nghiêng như muốn lật sấp.
    “Hỏng rồi, đá ngầm!”

    “De lại, de lại!”
    “Cho chạy máy phụ, gài hết số, vụt hết hành lý cho nhẹ tàu!”

    Tiếng khóc trong khoang đàn bà con nít bây giờ như ri, không phân biệt được nữa là tiếng Quảng hay tiếng Việt. Mặc dù đã chạy hết mã lực, chiếc tàu vẫn không nhúc nhích nổi. Thủy thủ đoàn đã quăng hơn quá nửa số hành lý buộc trên boong. Những sắc, vali, ba lô căng phồng, trôi nổi trên mặt nước một lúc rồi chìm lỉm. Thằng thủy thủ kiếm chuyện với Biên biến đâu mất. Trong cabine tài công và chủ tàu xoay trở, chửi bới lẫn nhau. Lúc này tài công đã biết chắc là đá ngầm, chứ không phải vướng lưới. Dù chuyện có đá ngầm giữa đại dương nghe vô lý, nhưng chiếc MT-603 rõ ràng là đụng phải một khối đá cứng. Tiếng máy tàu rít man dại, những hàng bọt sóng trắng xóa từ hai bên hông tàu rùng rùng xẻ phăng phăng trên mặt biển. Ván thuyền rung bần bật, có khi mọi người tưởng chừng tàu vỡ tung đến nơi vì những tiếng “bục”, “bục” cực lớn phát ra từ chân vịt.
    “Ngừng máy, ngừng máy, gẫy chân vịt đến nơi rồi!”

    “Ðừng thử nữa, bể ‘lốc’ máy!”

    Chiếc MT-603 đã nghiêng hẳn sang bên trái sát mặt nước. Mọi người được lệnh dồn hết sang phải để quân bình trọng lượng, nhưng vô ích. Bọn thủy thủ điên cuồng quăng hết xuống biển tất cả những gì chúng nắm dưới tay. Những bao bố thực phẩm tươi, những thùng cạc-tông thức ăn khô và cả những can nước ngọt hăm lăm lít thi nhau bay xuống biển. Hành lý của bầy thuyền nhân thì đã vất từ lâu.

    Tài công chính và thợ máy cố gắng thêm một lần nữa, hy vọng trọng lượng giảm bớt giúp tàu nổi lên. Tiếng máy chỉ kịp rít lên một tràng ngắn, thì đằng mũi đứng dựng lên rồi cả con tàu rơi chạm mạnh xuống mặt đá ngầm. Như cơn địa chấn, mặt nước vỡ tung tóe, trăm ngàn mảnh. Chuỗi tiếng động đổ sập từ trên boong làm mọi người ở đằng lái chết sững. Cây đà chống boong vừa sập xuống, kéo theo trần boong trên đè sập xuống tầng đàn bà, chỗ ngồi của thằng Biên từ mấy ngày nay.
    “Trời ơi cứu… cây đè con tôi chết rồi!”

    “Câu màng à! Câu màng à!”

    Ở những cửa hẹp, những cánh tay bấu víu giành nhau túa ra nhảy xuống biển. Những người đàn ông từ hầm dưới cùng nghe tiếng kêu khóc của vợ con, vùng tràn lên boong cố tìm đường vô khoang nhì đã bị đè bít. Mặt boong trên nghiêng vỡ trong tiếng gỗ gẫy vụn đến rợn tóc gáy, từng đám đông người lê lết tìm đường thoát. Mọi người tiếp tục tuôn ra từ các cửa sổ và cửa khoang, nhảy xuống biển theo lệnh của tài công cho nhẹ tàu. Tai nạn rùng rợn ở tầng nhì, như có quý nhân phù trợ không gây thiệt hại nhân mạng, chỉ một số đàn bà và con nít bị đè gẫy tay gẫy chân. Nhưng chiếc tàu bây giờ là địa ngục nổi trên mặt nước. Thằng Biên sau một lúc lâu chết sững trước buồng xí, vùng dậy theo bản năng, trước lúc nhảy xuống biển nó còn nhớ quàng vội chiếc áo phao của hải quân Mỹ mà nó đã hứa với bà Long luôn đem theo mình.

    Rơi tõm xuống biển, thằng Biên đau nhói ở lòng bàn chân bị đá san hô cứa đứt. Nó còn tỉnh táo cố giật bình gaz mắc trên áo phao. Chiếc áo phồng lên giúp nó trôi bềnh bồng. Bầu trời Thái Bình Dương sáng rực hồi nào không ai hay.

    ***********

    5. Bãi ngầm Trường Sa
    Buổi sáng 2 tháng 6-1979, sau bốn ngày lênh đênh trên biển, chiếc tàu đăng ký số MT-603 bị mắc cạn giữa một vùng san hô. Mặt đại dương bừng sáng phơi bày một xác tàu trơ vơ giữa trời nước lấp lánh, trông nửa thê thảm, nửa kỳ cục. Biên bơi chưa giáp vòng tàu thì tìm được anh Ðường và các bạn chung thuyền. Nắng lên vàng ối khiến mọi người nhận ra màu nước khác biệt. Khúc biển sâu sau đuôi tàu, nước xanh cẩm thạch chuyển dần sang màu mạ tái nhạt ở chỗ xác tàu bị cạn về phía trước. Chừng như chỗ biển cạn đằng mũi rộng và xa lắm vì màu mạ dài ra đến tận chân trời. Ðám thanh niên bàng hoàng gặp lại nhau sau tai nạn.
    “Trời ơi, anh lo cho mày quá.” Ðường bơi đến chỗ Biên.
    “Em không có sao, chỉ trầy sơ. Anh làm sao nhảy ra kịp vậy?”

    “Anh choàng tỉnh lúc boong sập, chen được ra tới cửa khoang thì bị hất xuống biển.”

    Ðường bơi bì bõm, cũng nổi trong chiếc áo phao hải quân Mỹ giống của em mà bà Long đã mua cho cả hai ở chợ trời Nguyễn Tri Phương. Ðường không dám kể cho em nghe đã nằm mơ thấy mẹ lúc gần sáng, giấc mơ còn ám ảnh anh.
    “Chết rồi ông ơi, tàu mắc cạn làm sao ra?”

    Dzũng bơi lóp ngóp bên cạnh hai anh em, thều thào. Bốn trăm thuyền nhân bây giờ bì bà bì bõm quanh xác chiếc MT-603. Mực nước không sâu lắm, chỉ đến ngực thằng Biên, có thể đứng được nhưng mọi người bị sóng bạt sấp ngửa. Những cạnh san hô bén đâm tua tủa vào chân mọi người. Nước biển mát rượi, trong những phút đầu làm tỉnh táo bầy thuyền nhân nhơ nhớp, dơ dáy mấy ngày qua. Tiếng bàn cãi về tai nạn hồi sáng, đủ mọi ý kiến được đưa ra để cứu tàu.
    “Boong sập mà chỉ có mười chín người gẫy tay chân, bị thương là mình may mắn lắm, Phật trời độ trì cho mình đó!”
    “Mấy người bị thương đâu?”

    “Cất trong cabine đằng lái…”
    “Tài công tính sao? Ðù m. Lái cái con c. gì đâm vô san hô, bộ không có la bàn, hải đồ sao?”

    “Có, nhưng lúc đụng là thằng tài công phụ lái!”
    “Ðụ m., nghe nói có mấy tay sĩ quan Hải Quân hoa tiêu cũ đâu?”

    “Tôi đây! Nhưng cha Trương Hồng đâu cho tôi lái, lúc đụng tôi nằm dưới hầm mà!”
    “Ðụ m., bây giờ làm sao đây?”

    “Nếu căn cứ trên độ đậm nhạt của biển, tàu bị cạn vào sâu san hô chỉ khoảng hai mươi thước, phía sau chân vịt còn là biển sâu.”
    “Mình hợp sức đẩy tàu đi, có ‘sức đẩy Archimède’ cũng không tới nỗi nào!”

    Sau cơn biến động cấp thời, tài công và chủ tàu cố gắng nắm lại quyền điều khiển. Ông Trương Hồng bắc loa trấn an mọi người và kêu gọi ai nấy tập họp theo từng tổ đã chia như lúc đi. Phải hợp sức, bằng mọi giá đẩy tàu ra biển lại. Mười lăm tổ thuyền nhân chia ra hai bên hông, mỗi bên bảy tổ. Ðằng mũi một tổ lực lưỡng nhất. Trong cabine ngoại trừ tài công, thợ máy và những người bị thương, tất cả xuống hết biển. Trong lúc gấp rút, ông Trương Hồng quên mất đám người công an gửi theo, họ không được chia tổ và cũng không có ai chỉ huy, bơi lớp lớp chung quanh.
    “Ðàn bà con nít tránh ra, thanh niên chịu vai vào lườn tàu. Ðếm một hai ba rồi đẩy! Một, hài… Ba! Một, hài… Ba! Hò dzô! Hò dzô!”
    “Cố lên, cố lên nữa! Hai, ba… lên!”

    “Dzách, dzì… xám! Úng xuyền! Úng xuyền!!”
    “Ðù m., mấy thằng kia sao không đẩy?”

    “Ngộ “lẩy” mà…”
    “Ðù m. đẩy thì đẩy đừng có vịn!”

    “Một, hài… ba, dzô ta!!”

    Ðám thuyền nhân lấy hết sức bình sinh, những người đàn ông và cả lũ thiếu niên như Biên, Tuân, Phương gồng bắp thịt lấy hết gân, bấm chân xuống san hô cố đẩy lui chiếc tàu ra khúc biển sâu. Nhưng không đòn bẩy, không điểm tựa, không thể xuống tấn với nước ngập đến ngực trên những mỏm đá ngầm bén, sức người đành chịu thua những đợt sóng từ khúc biển sâu vập vào con tàu. Cho đến quá trưa, Ðường và những người đàn ông đem hết sức lực ra đẩy tàu nhưng chiếc MT-603 vẫn nghiêng sang bên và trơ ra không nhúc nhích. Khi mặt trời đứng bóng rồi ngả chiều, thủy triều rút dần, cả một vùng san hô nổi lên lởm chởm. Mọi người rợn da gà nhìn bãi san hô bọc xác tàu rộng đến chân trời. Mực nước rút đi cấp kỳ, chỉ còn lưng mắt cá chân. Ðường nhìn xác thuyền thoi thóp, vật vã, anh đành chấp nhận ý nghĩ khủng khiếp: dung tích nước biển trong vùng san hô quá ít, không tương xứng với trọng tải tàu đủ để tạo nên lực đẩy Archimède. Dzũng, Công, anh Thành, Vĩnh cùng chung suy nghĩ ghê rợn này. Nếu không có phép lạ, xác tàu MT-603 nặng nhiều tấn không thể ra khỏi nơi đây.

    Nắng hoàng hôn thắm đỏ đại dương. Lúc này đám thuyền nhân thấm mệt mới thấy lạnh, tay chân họ nhăn nheo vì ngâm nước quá lâu, không ai bảo ai tất cả rùng rùng leo lên xác tàu mặc bọn thủy thủ ngăn cản. Gió chiều lồng lộng thổi, quất từng cơn lên những thân hình kiệt lực. Chen lấn lên được tới boong, Ðường bải hoải thấy không còn đủ sức để tiếp tục lục lạo lương thực rơi rớt trên tàu như mọi người đang hối hả làm. Ðường ngồi bệt xuống một góc boong, để mặc em cùng các bạn xoay sở. Boong tàu vẫn nghiêng lệch. Nắng quái soi đỏ rực một cách kỳ cục lên đám người nhốn nháo, đang chụp giật nhau những chất sống cuối cùng. Ðường vén quần, hơ chân dưới nắng, hai bắp đùi và hai gan bàn chân anh rách nát, những vết cắt không máu, rịt kín và thâm tím. Ðường không thấy đau, chỉ nhức nhối ngầm.

    Biên xuất hiện, giọng nó chua chát.
    “Tụi thủy thủ với chủ tàu tịch thu hết thực phẩm, em lẹ chân mới chụp được mấy thứ này.”
    Biên vứt xuống trước mặt Ðường bịch cơm sấy, một bao chuối khô với một bình thủy nước trà. Ðường bỡ ngỡ nhìn em, mới một ngày hoạn nạn nó đã sạm nắng, mặt mũi trông du đãng. Những người trong nhóm lục tục trở về, vẻ mặt chán ngán.

    “Ðù m., thức ăn tụi nó cất riêng hết rồi bây ơi. Anh Vĩnh văng tục. Mà đếch cần, còn kẹt đây chừng hai tuần nữa thôi là chết hết cả đám. Cho tụi mày ăn!”

    Nhóm Ðường chia nhau bữa ăn ít ỏi. Không ai biết sẽ ăn gì bữa mai, bữa sau… Những khuôn mặt trệu trạo nhai. Dzũng vừa nuốt chuối khô, vừa phơi những điếu thuốc nhăn nhúm, ướt nhẹp. Chị Hương, chị Lan, Hoàng, Phương, Tuân cắn từng miếng củ sắn nhai cả vỏ. Thành, Vĩnh, Công chia với mọi người chút cơm sấy. Chưa đầy 24 giờ từ khi gặp nạn, đám thanh niên đã thay đổi hẳn, lầm lì và mất sự tươi trẻ. Trên nền Thái Bình Dương, ngọn lửa kêu cứu đã được thắp lên giữa tàu bằng những phao bánh xe đốt cháy. Khi mặt trăng ném thứ ánh sáng xanh xao xuống lòng biển đen như mực, đa số đã ngất đi trong giấc ngủ mệt lả. Vầng trăng trên boong xiêu lệch, tan vữa.

    o O o

    Ðến sáng ngày hôm sau, mùng 3 tháng 6, thì 15 tổ đăng ký ban đầu hoàn toàn tan rã. Không ai theo ai nữa. Nhóm Việt Nam tụ lại quanh những cựu sĩ quan Cộng Hòa mà anh Lý có thời làm hoa tiêu phó cho tuần dương hạm HQ-16 Trần Khánh Dư, được tín nhiệm làm đầu đàn. Nhóm Hoa kiều đại đa số vẫn theo ông Trương Hồng. Một số khác không theo ai, sinh hoạt riêng biệt và cũng không phụ đẩy tàu. Số người xé lẻ này chỉ lo săn tìm thức ăn bị ném xuống biển hôm qua và chia nhau canh gác những bao bị ôm khư khư từ lúc xuống tàu. Ðường đoán là những bao vàng. Anh Lý đề nghị hạ cột buồm làm đòn bẩy và cử hai toán tình nguyện lặn xuống dùng búa đập phá những mỏm san hô ngầm quanh chân vịt. Ðàn bà và thanh nữ cũng phụ đẩy. Ðám con nít bám vào những chiếc phao trôi nổi xung quanh.
    “Một, hài… ba, lên!”
    “Một, hài, ba… hựựựự!!!”

    Chiếc MT-603 tưởng đã lên được lại nghiêng sang trái. Ðợt sóng dập bất ngờ làm nhóm bẩy đòn bẩy ngã chúi. Mất thế chống, xác tàu đổ nghiêng như cũ. Dzũng, Ðường ở tổ chống lóp ngóp đứng dậy, biển ngập đến cổ khiến họ xoay trở khó khăn, sức lực bị phát tán vào trong nước. Ðã vậy những cạnh san hô dưới chân làm rách toét thêm các vết thương cũ.
    “Hò dzô…”
    “Một, hai… ba, lên! Một, hai, ba… hựựựự!!!”

    Răng nghiến lại, gương mặt méo mó căng ra, nhíu vào, nhàu nát vì cố gắng, không có mấy tiếng chửi thề nữa, ai nấy như muốn tiết kiệm sức. Chỉ có những ánh mắt khinh bỉ, ném về bọn người giữ vàng vẫn điềm nhiên an tọa trên đám phao gần đó.
    “Một, hai… hựựựự!!!”

    Có lúc, mọi người tưởng chiếc tàu đã nhích được nửa thước, rồi một thước, nhưng thật ra mặt nước đầy đánh lừa cảm tưởng đó. Buổi chiều, khi san hô nổi lên như con thủy quái lởm chởm, tất cả nhận ra chiếc MT-603 vẫn ở nguyên vị trí cũ. Anh Lý đành buông xuôi:
    “Không ra nổi đâu, chờ mai may ra thủy triều lên cao hơn.”

    Ðám người lao lực nhìn anh chờ đợi thêm một lời phán. Anh Lý cúi gầm mặt:
    “Tôi nghi mình kẹt trong bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa giữa đường từ Cam Ranh sang Phi Luật Tân. Vùng san hô này rộng mấy trăm hải lý không có tàu bè nào dám đến gần, từ khúc này đến Phi cũng còn bốn, năm ngày hải hành, mình chưa đi được nửa đường!”

    Ráng chiều rơi vàng vọt trên những gương mặt đầm đìa. Bầy người thúc thủ lại kéo nhau trèo lên cái xác tàu tả tơi qua đêm. Những đám mây lo lắng đêm trước như nhiều hơn, đen tối hơn và bắt đầu nặng trĩu sợ hãi.

    Lời phán của anh Lý mang dấu hiệu chết chóc cho những ngày tiếp đó. Buổi sáng đầu tiên nghe tin có người chết, nạn nhân là người đàn bà bị gẫy xương sống khi boong sập và một đứa bé sơ sinh kiệt sức, thằng Biên còn hối hả chạy ra xem hai cái xác được cột trên mảnh gỗ thả nơi khúc biển sau đuôi tàu, cho trôi ra ngoài xa. Về sau, mỗi sáng mở mắt dậy đều có vài người chết vì kiệt lực, vì xuống tinh thần, hay do rơi ngã xuống biển chết đuối ban đêm, nó không buồn ra xem nữa. Tuy nhiên Biên bị ám ảnh bởi hai cái xác của một ông già và một đứa bé cùng chết trong lúc động kinh. Cái bụng của ông già Tàu chướng lên như phụ nữ mang thai trong khi xác của đứa bé teo lại. Gia đình chủ tàu thắp nhang khấn vái liên tục, mùi nhang u uất phả từng lúc trong khoang. Ông Trương Hồng thổ huyết và nằm liệt trong cabine. Mỗi ngày qua, số người đẩy tàu ít đi, cùng với tổng số nhân mạng giảm dần. Trên những phao bánh xe và thùng phuy thả trôi ban đầu ghi 394, 391, 389 rồi mới đây nhất chỉ còn ghi 384! Ðến ngày 7 tháng 6, đúng một tuần từ khi rời Mỹ Tho, không còn ai muốn đẩy tàu nữa. Thức ăn hết nhẵn, chỉ còn ít gạo sống mà đám thuyền nhân cướp giật lẫn nhau. Ðám thủy thủ của ông Hỏa, em rể ông Trương Hồng bắt đầu xô xát với những thanh niên người Hoa khác. Vài cảnh đâm chém diễn ra, vì giành vàng. Thêm những cái xác… Mọi người trên tàu gờm gờm nhìn nhau, không ai tin ai và tất cả giữ thế thủ, sẵn sàng sống chết vì một trái chanh hay ngụm nước lọc.

    Ðường thiêm thiếp dưới nắng nung giòn, hình ảnh chuyến tàu định mệnh Titanic lởn vởn trong đầu anh. Dzũng cũng nhớ tới phim L’Aventure du Poseidon coi ở Eden năm 74, có Pamela Sue Martin và Gene Hackman đóng. Nhưng cái cảnh tàu Poseidon lật úp khác hẳn xác chiếc MT-603 mắc cạn, dật dờ. Biên ước ao có một hoang đảo để dạt vào như Robinson rồi tự túc hái hoa quả, cất lều, trồng trọt… Có lần nó đã kích thích cực độ khi anh Vĩnh và anh Thành hè nhau đun nước biển, theo kiểu chưng cách thủy để lấy nước ngọt tinh chất. Hai anh bảo số dầu dự trữ để đi Úc còn trong khoang hầm dưới, chỉ việc múc lên cho vào thùng thiếc rồi đốt. Tuy nhiên sau ba tiếng đồng hồ cầm nắp chảo gang hứng nước, chắc mẩm với phương pháp giáo khoa đã học, Thành và Vĩnh đều lắc đầu thất vọng. Một lít nước biển chỉ cho được vài giọt nước tinh chất sau khi đốt cả 5 lít dầu! Anh Công, chị Hương, chị Lan, thằng Tuân nhìn màu sắc của mây để đoán mưa. Ai cũng chực sẵn ở tay một lon gui-gô hay tấm bạt sẵn sàng hứng nước. Những ngày đó, nhóm của Ðường đã ăn những nhúm gạo sống rơi vãi còn nhặt được nơi một góc kẹt tàu và đã uống những cơn bão rớt không chừng của biển. Những kim mưa của biển ghim lên da mặt giúp đám thanh niên tỉnh táo biết họ đang rơi vào tình trạng chết dần mòn, nếu không có tàu qua lại tiếp cứu.
    Một buổi chiều, anh Lý từ dưới biển lên, sau khi đo đạc cho biết là xác tàu đã bị sóng đẩy sâu vào trong san hô thêm mười thước! Anh Lý không còn là một cứu tinh, mọi người không còn gì để chờ đợi ở anh nữa.

    ******

    6. Bè trôi
    Bè trôi trong yên lặng. Năm người thanh niên đã thôi chèo để mặc cho giòng nước lôi phăng phăng. Ðêm buông mau như tấm màn đen rơi phủ lên mặt biển, nếp rèm gợn lên thành những lượn sóng nhấp nhô đưa đẩy. Ðến phút này năm người thanh niên mới thấy sợ, tứ bề mịt mùng làm họ thấy như bị rình rập đe dọa. Nước biển lạnh dần theo độ tối mỗi lúc một dầy. Ðường và Biên ngồi trên miếng ván tàu kết bằng dây thừng với bốn can plastic. Không khí trong bốn can nhựa rỗng không đủ giúp hai anh em nổi hẳn trên mặt nước, mà chìm ngang đến bụng. Chiếc bè nhỏ chỉ nổi lập lờ, trôi nhấp nhô và sẵn sàng lật bất cứ lúc nào nếu hai anh em cử động mạnh. Bây giờ Ðường mới thấy anh quá liều lĩnh, ban sáng lúc quyết định đóng bè thoát ra khỏi vũng san hô, cả năm không ý thức được sự nguy hiểm bấp bênh của vài tấm ván ghép lại. Họ chỉ muốn thoát khỏi cảnh chết dần mòn trong tuyệt vọng. Dzũng và hai anh em Trương Ðắc, con ông Trương Hồng, vì không bơi giỏi nên được ngồi trong chiếc xuồng phao của phi công Mỹ. Ðường và Biên trên tấm ván gỗ kế bên. Năm người thanh niên không sao xác định được phương hướng, vì sương bao lấy họ, chỉ lâu lâu nhắc chừng nhau rà soát lại các mối dây thừng nối hai chiếc bè và phó thác cho số mệnh. Luồng nước không biết đưa họ đi đâu, Ðường chỉ biết chắc một điều là họ đã ra khỏi vùng san hô. Hồi chiều khi nắng còn soi xuống đáy biển, anh đã lặn xuống để biết chắc không còn đá ngầm. Lòng đại dương lúc này sâu thăm thẳm. Mặt biển đầy ngập nước. Ðường nhìn hai anh em Trương Ðắc mặt trắng nhợt, chắc cả hai đang hối hận đã xin theo anh và Dzũng. Ông Trương Hồng hết hy vọng, cho hai con trai đi bè với nhiệm vụ cứu sống mọi người, nếu may mắn được vớt…


    Biên mất hẳn sự linh hoạt của nó từ khi trời sụp tối. Trời nước vô tận, không tiếng động, không vật thể làm nó sợ. Nửa thân mình chìm trong nước, Biên thấy rõ ràng có một lực vô hình đang lôi hai chiếc bè, kéo mất hút vào trong khuya khoắt. Biên giương mắt nhìn đăm đăm một hình khối đen đang lướt theo bè. Thoạt tiên thằng Biên tưởng đá ngầm, nó la gọi mọi người báo động. Nhưng mấy thanh niên nhận ra cái hình khối khá lớn màu đen này trôi cùng vận tốc với bè.
    “Cái gì kìa?”

    Dzũng lắp bắp. Cả năm như bị khối đen thôi miên không dám rời mắt.
    “Chắc đá ngầm mà, không sao đâu… Thôi mình … “đi” đi…”

    Trương Ðắc bấu chặt mép phao xuồng, đầu gối co lên đến cổ.
    “Biển sâu lắm, không có đá ngầm đây đâu.”

    Ðường trả lời mà thấy tay chân anh lạnh ngắt. Khối đen vẫn lướt song song với họ, đến gần dần. Cả năm nhìn rõ những gợn sóng trắng xẻ ra hai bên khối đen. Mỗi uốn lượn của khối đen làm bè dập dềnh. Ðường và em chết lặng với ý nghĩ hai chân cùng với bụng của họ đang chìm dưới nước. Sương trắng toát bị khối đen đến gần sát, cắt ra thành hình tam giác. Một cái vây nhọn, đồ sộ, lù lù xuất hiện, bơi song song. Mỗi cái quẫy của chiếc vây làm bè chòng chành dữ dội.
    “ Cá mập!”

    Thằng Biên la thất thanh, hốt hoảng lúc cái vây chuyển động chỉ còn cách nó không đầy ba thước. Những lượn sóng ngầm dạt ra từ chiếc vây làm bè chao nghiêng, trồi lên, sụt xuống. Hai anh em Trương Ðắc run lẩy bẩy trong lúc thằng Biên chụp lấy khúc gỗ dùng làm chèo thủ thế. Tiếng cầu kinh của anh em Ðắc và Dzũng lạc giọng.
    “Ðừng đụng nó!”

    Ðường vùng dậy trước tiên. Thằng Biên nghe tiếng anh thảng thốt nhưng người nó rũ liệt, tê cứng, không mở miệng nổi. Cái vây bây giờ vờn vờn quanh hai chiếc bè. Không phải một mà lá sáu cái vây, nổi lên bơi vòng tròn chung quanh họ. Lúc xa, lúc gần, sáu cái vây khi lặn xuống, lúc trồi lên xẻ mặt biển đêm thành những đường sóng bạc lăn tăn.

    Chừng nửa tiếng đồng hồ đùa giỡn như vậy rồi sáu chiếc vây biến mất. Phải lâu lắm sau đó, năm người thanh niên mới hoàn hồn.
    “Chắc là cá ông…”

    Dzũng thở đứt quãng, hình ảnh sáu cái vẩy còn lởn vởn quanh đây. Hai anh em Trương Ðắc vẫn nhắm tịt mắt, lẩm bẩm đọc kinh. Thật tình cả năm chưa bao giờ trông thấy cá mập, lẫn cá ông. Họ biết là có cá lớn, nhưng không rõ cá gì. Cơn nguy biến qua đi, cả năm lại nhìn đăm đăm khoảng biển tối phía trước. Hai chiếc bè trôi băng băng, gió thốc vào lưng họ mỗi lúc một mạnh. Hai chiếc bè trôi đều như vậy không rõ bao lâu, có một lúc Ðường nhấc tay coi giờ, chỉ mới một giờ sáng. Năm người thanh niên vẫn thức canh chừng biển đe dọa. Mỗi lúc mặt nước lên xuống, làm bè chao là đám người đi bè lại la gọi cuống cuồng giúp nhau giữ thăng bằng. Không ai nhớ đến chiếc tàu MT-603 lúc này nằm cạn trơ vơ giữa quần đảo san hô. Tiềm thức họ chối bỏ mười hai ngày mắc cạn vừa qua để đối phó với bóng tối của đêm đại dương sâu hun hút. Một con nước dâng bất thình lình rồi hụp xuống, trong một giây, hai chiếc bè như rơi thụp xuống lòng biển không đáy.

    “Ngồi ngay lại! Ngồi ngay lại Ðắc ơi!”
    “Coi chừng lật! Coi chừng lật!!”

    Tiếng la hét của đám người đi bè vang vang, không có tiếng dội, chỉ có tiếng sóng từ xa trả lời. Tiếng sóng mỗi lúc một lớn dần, gầm gừ, rồi sầm sập trong đêm.
    “Có sóng, Ðường ơi… Sóng…”

    Dzũng và các bạn anh nghe rõ mồn một tiếng sóng lớn dập vào bãi.
    “Có sóng tức là có bờ…”
    “Lục địa đâu chỗ này, mình mới đi bè chưa được một ngày!

    “Chắc hoang đảo…

    Thằng Biên góp ý, nhưng mấy thanh niên không ai trả lời nó, chính vì họ cũng không biết chuyện gì xảy ra. Tiếng sóng cuồn cuộn, đập phùm phụp rào rào như tiếng sóng ở dinh ông Thượng Vũng Tàu đập vào ghềnh đá nửa khuya. Cả năm trông thấy từ từ từng đợt sóng bạc đầu trắng xóa, cong lên rồi đổ ập xuống. Sóng đột nhiên trùng trùng vây quanh. Hai chiếc bè lắc lư lên xuống như bị ai túm lấy lắc lia lịa. Những mỏm đá ngầm đột ngột hiện ra, va chạm đâm vào bè.
    “Chống bè! Coi chừng lủng phao!”

    Chiếc phao xuồng của anh em Ðắc và Dzũng cạ vào đá kêu rìn rịt. Năm người trên bè hãi hùng chống đỡ những đợt sóng đẩy họ vào gần những mỏm đá khác, hình dạng nhọn đâm tua tủa.
    “Ðẩy ra! Chống bè ra mau lên!”
    “Tránh đá ngầm bên trái!”

    “Coi chừng trước mặt!!”

    Lần này con sóng dữ vươn cao, cong vòng từ từ trước khi đổ ập xuống với tất cả sức mạnh. Hai chiếc bè nhỏ bị bứng tung lên khỏi mặt nước rồi rớt xuống biển lật úp. Năm thanh niên bơi đập tay chân vùng vẫy cuống cuồng, cườm tay họ quấn mấu dây thừng cột dính bè giúp không chìm lâu. Ðường và Biên nhờ hai áo phao của hải quân Mỹ nổi lên trước, họ xoay sở lật hai cái bè tả tơi trở lại. Lúc Dzũng và anh em Ðắc quờ quạng bám lấy, Ðường vụt nhận ra chân mình giẫm lên san hô! Tiếng sóng rào rào và từng dải san hô đen đủi, lởm chởm, xù xì hiện ra,
    không khác với quang cảnh nơi chiếc tàu đăng ký của họ bị mắc cạn. Trời nước chung quanh tối thui, không bóng dáng xác tàu nào nhưng cả bọn đành chấp nhận họ đã lạc vô một quần đảo san hô khác.
    “Chết rồi, chết rồi…”

    Cả năm thất thểu bơi bám theo hai chiếc bè, vừa tránh những mỏm san hô sần sùi, vừa cố ngước mặt thở. Ðường nhớ đến lời anh Lý nói: bãi ngầm Trường Sa rộng dài trên trăm hải lý…
    “Trời ơi! Can nước ngọt rơi mất tiêu rồi!”
    “Bình nước của “Pá” cho mất rồi!”

    Hai anh em Trương Ðắc hốt hoảng. Dzũng vội vàng rà soát lại chỗ dây chạc, thấy đứt tự hồi nào. Can nước 10 lít mà ông Trương Hồng đã muối mặt giấu trong hầm máy với thức ăn cho hai con trai đi bè, bị sóng đập rơi mất tiêu. Không nước ngọt là cầm chắc cái chết, cả năm quyết định quay lại chỗ nhiều đá ngầm lúc nãy. Thêm một trận chèo chống, sóng gió tơi bời mà họ vẫn không kiếm ra can nước. Suốt đêm nhóm thanh niên đi bè cào cấu giành giật chiếc xuồng phao của họ với sóng dữ của vùng san hô chìm. Ðến sáng thì họ thoát ra được chỗ biển sâu nhờ gió đổi chiều giúp tấp vào một luồng nước khác. Cả năm ngủ dật dờ sau một đêm kinh hoàng, đúng hơn là ngất đi trong mệt thiếp và nổi nhờ áo phao và thùng can rỗng buộc chặt lấy người.

    Ðến lúc da mặt giộp lên vì bỏng, Ðường thức giấc. Thân thể các bạn anh trôi lềnh bềnh bên cạnh. Ðường lay mọi người dậy, lật lại bè và trèo cả lên. Mặt trời vàng rợm to như cái thúng ném vào bọn thanh niên những tia lửa phỏng da thịt. Không chịu nổi sức nóng, cả năm lại ngâm mình xuống nước. Nước muối mặn làm họ khát khô cổ. Da môi tróc ra từng mảng, chân tay nhăn nhúm như ông già. Thằng Biên đuối sức mê sảng nhiều lần, nó mơ thấy đất liền có một tòa lâu đài nước ngọt. Ðường cũng thiêm thiếp nửa tỉnh nửa mơ, thấp thoáng thấy đôi mắt lạc thần của Dzũng kề bên, thấp thoáng thấy một tiệm giải khát giữa biển. Ðường biết thiếu nước làm lý trí anh mụ đi, anh cố gắng vùng dậy mà cơ thể cạn kiệt nước cứ lả dần. Anh chỉ còn thấy màu cam chói chang của mặt trời chiếm hết bầu trời và cảm giác nắng đang chiên xào phần da mặt còn nổi của mình. Ðường thả buông cho thi thể trôi dập dềnh với ý nghĩ anh sắp chết đuối vì kiệt sức.

    Cơn bão đổ ập bất ngờ không báo trước. Trong tích tắc mây đen kịt đùn lớp lớp và gió gào xé trên đầu đám thanh niên. Mưa rơi ngay sau đó. Nhóm thanh niên bừng tỉnh, trận mưa giúp họ hồi sinh, không chết khát. Nhưng trận mưa mỗi lúc một thấp, làm đại dương tối sầm, xám xịt. Cơn giông càng lúc càng mạnh bạo. Mặt biển như bị hất tung. Từng cột nước dâng lên trước khi ụp xuống. Hột mưa như mũi dao đâm lún vào da mặt mọi người. Gió gầm gào tứ phía. Cả năm chứng kiến con trốt xoáy lừng lững từ xa đến gần, quần nát khúc biển vây lấy họ. Ðường với em và các bạn anh không tài nào kềm giữ được hai chiếc bè. Tấm ván cột can nhựa rỗng của Ðường và thằng Biên đứt dây thừng rã ra từng mảnh. Sau vài đợt sóng nhồi, chiếc bè gỗ vỡ tung và bị sóng cuốn đi mất tích. Cả năm chỉ còn biết bám vào chiếc xuồng phao đang bị trận cuồng phong kéo lôi đi. Ðến khi màn mưa trĩu hạt bớt dầy đặc, sóng giảm dần, những người thanh niên vụt trông thấy thấp thoáng xa xa ẩn hiện một bóng tàu!

    *****

    7. Rằm
    Sau đúng một ngày đêm đi bè, Ðường, Dzũng và Biên, cùng hai con trai ông Trương Hồng, chủ tàu, bị trận bão thổi dạt về lại chỗ xác tàu MT-603. Anh Lý giải thích cho biết ở những khu san hô luồng nước xoáy thường hay chảy vòng chung quanh trũng biển cạn. Khi cơn giông tạnh, cả năm chỉ còn cách xác tàu không xa, nơi đằng mũi tàu chứ không phải phía sau chân vịt như khi họ xuất phát. Vĩnh, Thành, Công và Hoàng lội ra kéo họ vào. Xác chiếc tàu đăng ký MT-603 tàn tạ hơn lúc họ đóng bè ra đi. Tầng đàn bà bị sập đã bị bọn thủy thủ phá gỡ. Anh Thành cho biết đêm trước tầng này đã sập thêm một lần nữa, làm chết thêm chín người. Bây giờ xác tàu chỉ còn hai phần: khoang trước và khoang sau với cabine và một tầng hầm lõng bõng dầu ma-zút. Chiếc thuyền tân trang sáu “lốc”, ba tầng gỗ mà ông Trương Hồng hãnh diện vì bảo đảm nhất vùng Bốn tan nát sau mười ba ngày rời Mỹ Tho. Anh Vĩnh cũng kể thêm cho Ðường và Dzũng biết hai vụ ẩu đả có tuôn huyết xảy ra giữa nhóm thủy thủ của ông Hỏa với nhóm Hoa kiều “dấn thân” giành nước uống và thực phẩm. Thành và Vĩnh đã không cản những bạn trẻ lúc họ đóng bè ra đi, nhìn hai người sinh viên có đôi chút khâm phục pha lẫn thương lại.
    “Tụi mày chì quá, nhưng liều mạng chưa đủ “ăn” đâu bây.”
    “Ở đây còn nước còn tát, tụi mày đi bè chết mất xác không ai hay!”

    Ðường và Dzũng sau khi trả lời một số câu hỏi của những người tò mò và của cả anh Lý hỏi xem họ đã khởi hành về hướng nào, trèo lên boong thượng nằm nghỉ. Ðường mất hết sinh lực, nhai tạm bợ vốc cơm sượng Công và Hoàng nấu trong lon gui-gô pha nước biển rồi thiếp đi. Vị cơm không chín đều vừa mằn mặn vừa tanh rong.
    Dzũng cũng ngất đi bên Ðường, chỉ còn Biên cố nhai “cơm biển”. Hai anh em Trương Ðắc đã chui lại vào cabine chỗ gia đình chủ tàu. Thổi cơm, Hoàng và Công không dám chan nhiều nước biển nên bã gạo sống nhăn và hăng hăng mùi dầu ma-zút. Công nấu thêm vài nhành rong biển trong lon nước mưa làm canh và cố nuốt. Biên đoán anh Hoàng đã moi trong bao gạo rớt dưới hầm dầu mà nó trông thấy hôm đầu tiên. Biên nhấp nhấp chút nước mưa của anh Thành, nghe loáng thoáng tiếng xì xầm của ông Hỏa nghi ngờ về sự mất tích của can nước 10 lít ông Trương Hồng giao cho họ đi bè.
    “Bày đặt đi bè để kiếm nước uống chứ tìm tàu vớt con mẹ gì!
    “Mới đi một ngày đã về, uống hết mẹ nước ngọt!

    “Ð.M.. Sao cha ngon không đi bè đi? Tiếng anh Hoàng vọng lên thách thức.
    “Lụ.. mẹ, ai nói chuyện với mày?”

    Thằng Úng đứng sau ông Hỏa quát. Nó hươi hươi cây búa dùng đập san hô.
    “Ngon ra đây tao “lập” chết cái con “lĩ” mẹ mày!”

    Thằng Úng huơ huơ cây búa trên tay, anh Hoàng với nó nhìn nhau trừng trừng. Anh Thành, Vĩnh và Công cũng đứng lên thủ thế. Gần mười thằng thủy thủ đàn em ông Hỏa đứng dàn trận trên boong. Anh Lý và chị Mười, vợ bé ông Trương Hồng phải can đôi bên ra mới êm chuyện. Hoàng về chỗ thằng Biên lẩm bẩm chửi thề, nói lên bờ sẽ biết tay nhau. Ðây không ngán mấy thằng Tàu! Hoàng nhổ nước miếng xuống biển. Lần đầu tiên thằng Biên có ý nghĩ du đãng là phải “đục” tụi thủy thủ, nó chỉ ngạc nhiên tại sao phải lên bờ mới “biết tay nhau”. Mây chiều chạng vạng trên những oan hồn vật vờ giữa biển. Ðường hé mắt nhìn cảnh tượng, anh cảm giác đang là một bức tranh vẽ sinh linh dưới âm ty. Ðám thuyền nhân im lìm nhìn mây ngả màu tím lím báo hiệu sắp phải qua thêm một đêm trên xác tàu mắc cạn. Thằng Biên nghĩ tới chuyến đi bè đêm qua, nghĩ đến lục địa Úc châu xa vời mà vĩnh viễn nó sẽ không bao giờ đặt chân tới. Biên nghĩ tới mẹ nó ở Sài Gòn đợi điện tín, chị nó trông ngóng em… rồi Biên âm thầm nghĩ đến cô bạn học nhỏ thân thiết của nó đã đi vượt biên trước 1 tháng, có lẽ đến Mã Lai, mà Biên sẽ không bao giờ gặp lại. Biên nhớ nó đã nghĩ lớn lên sẽ lấy cô bạn học của mình và tin chắc là cô bạn ưng chịu… Lúc nghĩ đến Mỹ Tho với cồn nước lợ và tính nhẩm số ngày bị “bón” từ hôm xuống tàu, Biên gục thiếp trên sàn bắt đầu soi ánh trăng.

    Ba ngày kế tiếp sau khi Ðường đi bè về, tình trạng trên tàu MT-603 càng thê thảm. Cảnh đẩy tàu mỗi sáng tái diễn, vô vọng không kết quả. Khi chiếc phao cầu cứu cuối cùng được ném đi, ghi con số 362 người sống sót, mọi người nhìn theo thẫn thờ cho đến khi cái phao mất hút. Ðường đã mất hết tin tưởng, những chiếc phao cầu cứu này chắc chỉ quanh quẩn lởn vởn trong vùng nước xoáy của dải san hô dài rộng mênh mông này. Không một bóng tàu, một bóng phi cơ bay qua từ hôm mắc cạn. Không ai lai vãng qua vùng biển đầy đá ngầm nguy hiểm. Chỉ thằng tài công ngu mới đâm đầu vào! Như anh Vĩnh vẫn còn văng tục mỗi khi nhắc lại. Ðám thuyền nhân hóa dần thành lũ ma đói mỗi ngày chờ nước rút xuống mắt cá chân là khều gỡ, nạy đục trên các mỏm san hô những con hàu, chem chép còn bám, hay bắt còng biển và uống những trận mưa rưới bất chợt xuống đầu. Vùng san hô gần như một vùng biển chết, hoàn toàn không có tôm, cua, cá. Biên và hai đứa bạn, Phương, Tuân vớt được con sao biển cùng ít rong. Chúng nó cho vào lon gô đun với nước mưa làm món súp hải sản đầu tiên từ khi rời Việt Nam. Nhưng con sao biển sau khi “qua đời” trở nên cứng ngắc không cách gì nhai được.

    Biến cố đến với đám thuyền nhân khi anh Lý quyết định đóng bè ra đi. Anh Lý ghép 4 miếng ván tàu lại với nhau, chằng những thùng phuy rỗng chung quanh như Ðường đã làm và đem theo lá cờ S.O.S.
    “Tôi hứa kiếm được tàu vớt sẽ trở lại cứu tất cả mọi người. Anh muốn theo tôi thì theo…”

    Trong nhóm người tuyệt vọng, nhiều thanh niên đi theo anh Lý. Vợ chồng anh Lý cùng hai con nhỏ và bảy người khác kết cái bè ra đi buổi trưa, theo hướng Bắc về hướng Hồng Kông. Ðến chiều, thêm hai nhóm người khác đi bè. Một nhóm người Hoa giữ của và nhóm của bọn thủy thủ cùng gia đình ông Hỏa, em rể ông Trương Hồng. Ðám hung thần tịch thâu cái xuồng phao của bọn Ðường, ráp thêm vài tấm ván thuyền nữa rồi ông Hỏa chất 6 đứa con dưới 10 tuổi lên ra khơi. Bầy thủy thủ mang phao làm bằng ruột xe bơi chung quanh hộ tống. Người ông Hỏa phồng lên vì đô-la phình dưới lớp áo phao, trong lúc vợ con trên bè khẳm xuống vì sức nặng của túi vàng.
    “Vàng gia đình mình đóng đó Ðường.” Dzũng thì thầm.
    “Cha Hỏa mà được tàu vớt là “dzoọt” luôn, đếch trở lại bây ơi!”

    Anh Vĩnh rầu rĩ nhìn những phao bánh xe, can nhựa cuối cùng biến mất. Bây giờ ai có muốn đóng bè cũng không còn phương tiện. Ðường đứng cạnh anh Vĩnh bị giằng co bởi ý nghĩ can ngăn những người liều mạng đang xa dần. Tổng cộng ba mươi người bỏ đi, chỉ còn vài tên thủy thủ ở lại với gia đình ông Trương Hồng. Nắng chết dần trên mặt biển, chân trời mỗi lúc một thấp xuống. Ði bè chín phần mười là chết, chỉ mỗi mình Ðường và Dzũng ý thức điều ấy.

    Ðêm rằm rét căm căm, bọn người chọn ở lại “còn nước còn tát” hì hục đẩy tàu. Ngày rằm, trăng tròn mịn, sáng trưng cả gầm trời. Theo sức hút của trăng, nước ròng lên cao. Trong một tháng chỉ có một ngày thủy triều dâng cao nhất, là ngày trăng rằm. Tài công suốt buổi sáng đã khẩn khoản năn nỉ mọi người đừng lên tàu đêm nay, cho tàu nhẹ, đợi nước dâng lườn tàu rồi hãy trèo lên. Mọi người đứng ngâm mình trong nước từ lúc chiều chạng vạng, vành môi tất cả thâm tím vì lạnh, tròng mắt chờ đợi phép lạ. Dưới ánh trăng lạnh toát, Ðường không còn phân biệt nổi nữa đâu là đàn ông, đâu là đàn bà, đâu là trẻ con, mọi người đều già như nhau, cùng nhăn nhúm da thịt và lở loét tay chân mặt mũi vì những vết cắt san hô. Những vết cắt mưng mủ xanh. Tiếng khóc của lũ trẻ bị ngâm nước quá lâu ré lên như ri, đến gần nửa khuya thì lịm tắt, những đứa bé ngủ gật hay ngất xỉu trong tay cha mẹ bồng bế đứng nước. Ðường nhận ra lần đầu tiên anh mới nghĩ đến đàn bà và trẻ em trên tàu. Suốt thời gian từ khi đụng san hô anh gần như không chú ý đến họ, chỉ lo cho riêng sinh mạng của mình và đứa em. Trong sống chết, con người trở nên ích kỷ. Ðường đã biết mà không ngờ chính anh cũng tàn nhẫn với đồng loại. Nước biển mỗi lúc một lạnh, làm tay chân anh run bần bật. Ðường cảm giác anh bị sốt trong lúc nước lên xuống ở khoảng bụng đẩy anh xiêu vẹo, nghiêng ngửa. Ðường nhớ đến lời hứa với mẹ lo cho thằng Biên ăn học, làm anh ngậm ngùi tiếc cho số vàng đã đóng. Cơ may đến được đất liền quá ít… Cơn sóng lớn bất thần vồ vập khiến Ðường ngã chúi.

    Ðường ngã, kéo theo em và các bạn. Thằng Biên té vục mặt xuống nước mặn chát.Những trận sóng tiếp tục ùa tới. Mỗi lúc một mạnh. Ðứng lên, Biên cũng có ý nghĩ sắp chết, nó chỉ thương nhà đợi tin và tức vì chết khi chưa kịp gửi một đồng bạc về cho mẹ. Dzũng cũng lóp ngóp bên anh em Ðường, sặc sụa vì uống nước. Dzũng vuốt mặt mình đầm đìa nước biển, nhớ người yêu tên Trình còn ở Sài Gòn. Nhớ thương của Dzũng vữa nhanh theo lớp sóng sầm sập ập tới.
    “Nước ròng lên rồi!”
    “Ðẩy tàu, đẩy tàu… Nước ròng lên!”

    Mặt biển vụt dậy sóng, nước ở đâu tràn vô vùng san hô lên nhanh từ bụng tới ngực. Bầy người đứng nước đem hết tàn lực chuyền vô xác tàu vẫn nằm nghiêng. Nước dâng cuồn cuộn bây giờ ngập đến cằm khiến mọi người chiến đấu cố cho khỏi bị chết chìm nhiều hơn là đẩy tàu. Những người có con cái kinh động trước sóng dữ đã trèo lên tàu. Cánh tay của Ðường và Dzũng cùng các bạn trơn tuột trên lườn chiếc MT-603. Họ níu nhau để khỏi bị cuốn trôi đi, đồng thời ráng đẩy tàu. Nhưng cánh đàn ông nhận ra ngay họ cũng phải trèo lên tàu nếu không muốn bị chết đuối, nước đã ngập quá đầu người. Thằng Biên leo được lên khoang trước, buông rũ xuống sàn khoang ngập lõng bõng nước biển và dầu, nó còn nhìn thấy sự thất vọng thất sắc tuyệt lộ trên gương mặt mấy trăm con người. Xác tàu vẫn nằm nghiêng không động đậy. Run lập cập tưởng có thể chết vì lạnh, thằng Biên ngã vật lên đám đàn bà con nít đang nhắm nghiền mắt không sinh khí. Chung quanh tiếng gió rít từng cơn của phong ba cuồn cuộn nổi sóng.

    Những bà xẩm nằm chỗ thằng Biên đột ngột bị ném lăn lóc hết sang mạn tàu bên phải. Mọi người nghe tiếng ván kêu răng rắc và cảm thấy cả con tàu rung chuyển dữ dội. Chiếc MT-603 lắc lư không ngừng, nghiêng trái phải như một cái cân, nhồi lên xuống rồi bất thình lình thôi chòng chành quân bình trở lại trong cái thế tưởng đã mất hẳn từ ngày nó đâm vào san hô. Mấy trăm thân hình bàng hoàng thoát ra khỏi tư thế nghiêng 60 độ của xác tàu xiêu lệch, vụt nhận ra chiếc thuyền đã nổi trở lại trên mặt nước. Như có những bàn tay vô hình chống đỡ dưới lườn tàu, chiếc MT-603 đứng cân bằng không nhờ tới bất cứ bả vai, cánh tay nào nữa của bầy thuyền nhân bất hạnh giờ đây rúc hết lên thân tàu như một bầy gà con trong lòng mẹ.
    “Cho máy chạy, tài công cho máy chạy!”
    “Lùi ra, lùi ra… nhanh lên!”

    Tiếng máy tàu hộc lên đánh thức tất cả mọi người choàng tỉnh, như ra khỏi cơn ác mộng nhốn nháo. Ðàn ông la hét và đàn bà đọc kinh, những bài kinh mừng Tạ ơn, kinh Phật vang rân xúc động. Nhưng chiếc tàu vẫn bị giữ chặt, không lùi được mặc dù đảo san hô đã chìm xuống, biến mất hoàn toàn dưới mặt nước đen. Sáu lốc tàu hộc lên, kêu rống trên biển lúc này trùng điệp sóng bám víu vào chân vịt. Mọi người linh cảm như sợi dây vô hình nối chiếc tàu với vùng san hô vẫn chưa đứt.
    “Thanh niên nhảy xuống cho nhẹ tàu!”

    Tài công kêu gọi thảm thiết từ buồng lái.
    “Thanh niên xuống đi!” Những bà xẩm gào lên, thằng Biên trong số những thanh niên bị xô đẩy ra đến mạn thuyền. Biên vùng vẫy chống cự nhưng vẫn bị lôi nhấc lên thành gỗ. Ðám đàn bà tham sống trở nên hung dữ lạ thường, nhấc bổng những thanh thiếu niên và ném họ xuống biển.

    “Nhảy xuống! Nhảy xuống tàu ra sẽ vớt lên!”

    Trong tiếng quát la của tài công, thằng Biên còn trông thấy hai anh Thành, Vĩnh chống cự trong góc khoang rồi nó bị vất rơi nhào xuống biển ở mũi tàu.

    Thằng Biên vừa hớt hải nổi lên trên mặt nước thì thân hình của anh Công đè lên nó. Cả hai co đạp khi chìm xuống, Biên nhờ chiếc áo phao lại nổi trở lên. Mặt biển lúc này xanh biếc, bình minh lên hồi nào thằng Biên không hay, chưa kịp định thần thì thân hình nó đã bị nước lôi từ đằng mũi ra sau tàu. Sóng trắng xóa từ chân vịt rùng rùng đánh tung hai bên mạn sườn chiếc MT-603. Mặt đại dương bừng sáng với thủy triều dâng cao làm thành những luồng nước mạnh cuốn trôi Biên và anh Công, cùng những thanh niên khác bị ném xuống cho nhẹ tàu lúc này đang trôi dạt ra xa. Thằng Biên bị sức hút không cưỡng lại được lôi về phía chân vịt đang xoáy tung. Nó ý thức khắc nguy hiểm, cuống cuồng chống đỡ bơi sải đạp bấu víu vào lườn tàu trơn tuột. Biên lấy mười đầu ngón tay nó cào rách mạn lườn tàu bằng gỗ mà không giữ nổi thân thể bị hút vào chân vịt quay tít. Sức mạnh sống còn giúp Biên chụp cứng lấy chân một thanh niên Hoa kiều vừa bấu vào được sợi dây thừng đằng lái.
    ““Puông” ngộ ra!!”

    Gã thanh niên co rút chân đạp xối xả vào mặt thằng Biên đang trì kéo hắn. Biên biết buông ra là chết, nó bấu cứng lấy mắt cá chân gã Hoa kiều mặc những cú đạp dộng vào đầu, cho đến lúc cả hai được kéo lên. Chiếc MT-603 đã thoát ra được vũng sâu. Kinh hoàng còn nguyên trên nét mặt mọi người.

    Biên nằm vật trên tàu, chỗ nó được lôi lên. Nó nôn sặc sụa vì uống nước biển nhiều. Biên mở mắt lờ đờ nhìn lên cảnh trời mây hừng sáng vần vũ gió, không chứng kiến được cảnh tài công phụ và những người khác vớt xác anh Công. Trong số 30 thanh niên bị bắt phải nhảy xuống cho nhẹ tàu, 14 bị nước cuốn trôi mất tích, 16 kể cả thằng Biên được vớt kịp, riêng Công khi kéo lên đã chết đuối. Biên ngửng lên trông thấy anh Ðường và anh Dzũng nằm bẹp trong góc. Quần đảo san hô đã biến mất hẳn, trả lại cho đại dương bây giờ lồng lộng gió. Trong khoang tàu chỉ còn tiếng chị Hương, vợ anh Công và những người đàn bà mất chồng khóc rấm rứt.

    Ngày 21 tháng 6, gần một tháng sau khi rời Mỹ Tho, chiếc MT-603 được một quân vận hạm Phi Luật Tân kéo vào đảo Liminangcong. Khi điểm danh trên cầu tàu, còn 285 thuyền nhân trên tổng số 405.

    Trần Vũ

  • #2
    Đọc bài này làm gợi nhớ đến những năm tháng vượt biên của thế kỷ trước .

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X