Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Có Thể Đọc Được Ý Nghĩ Của Người Chết?

Collapse
X

Có Thể Đọc Được Ý Nghĩ Của Người Chết?

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Có Thể Đọc Được Ý Nghĩ Của Người Chết?

    Có Thể Đọc Được Ý Nghĩ Của Người Chết? (Chuyển ngữ: Đào Trường Phúc)

    * Nguyên tác: Roger Highfield: “Reading the Minds of the Dead”
    * Chuyển ngữ: Đào Trường Phúc
    * Nguồn: Mosaic Science (http://mosaicscience.com) – BBC (http://bbc.com/future/story)


    Hàng ngàn bệnh nhân trên toàn cầu đang sống đời sống thực vật, mắc kẹt giữa sự sống và cái chết (trapped in a vegetative state between life and death). Ba khoa học gia đang nỗ lực tìm cách giải phóng cho họ.

    Bác sĩ Adrian Owen diễn tả: “Hãy tưởng tượng bạn tỉnh dậy và nhận ra mình bị khóa bên trong một cái hộp. Điều kỳ lạ là cái hộp này vừa khít với bạn đến từng ngón tay, ngón chân, và bạn có thể nghe mọi thứ đang xảy ra xung quanh, tuy nhiên lại không ai nghe thấy tiếng nói của bạn. Cái hộp này vừa khít với khuôn mặt bạn đến nỗi môi bạn không thể cử động và không thể tạo ra tiếng động”.

    Owen trình bày tiếp: “Ban đầu, mọi thứ giống như một trò đùa. Nhưng sau đó bạn dần nhận ra thực tế. Bạn nhìn thấy gia đình than khóc về số phận của bạn. Bạn cảm thấy lạnh, rồi lại nóng. Bạn luôn luôn cảm thấy khát nước. Những đợt thăm viếng từ gia đình và bạn bè của bạn giảm dần. Người bạn đời của bạn đi bước nữa… Và bạn không thể làm gì để thay đổi điều đó”.

    Những người sống đời sống thực vật (in a vegetative state) thật ra vẫn tỉnh táo, nhưng họ không nhận biết điều đó. Mắt của họ vẫn mở và thỉnh thoảng đảo quanh. Họ có thể cười, nắm tay người khác, khóc, rên rỉ hay lẩm bẩm. Nhưng họ không phản ứng trước một cái vỗ tay, không thể nhìn thấy hay hiểu người khác đang nói gì. Những cử động của họ không phải là có chủ đích, mà chỉ là theo phản xạ. Tất cả ký ức, cảm xúc và ý định (những yếu tố khiến chúng ta là những con người) đều bị che khuất. Trí óc của họ hoàn toàn bị đóng lại. Thế nhưng khi nhìn thấy đôi mắt họ hé mở, chúng ta không khỏi tò mò tự hỏi rằng, liệu có còn một chút ý thức nào ở đó hay không.

    Cách đây một thập niên, nếu đặt ra câu hỏi ấy thì câu trả lời bạn nhận được hẳn sẽ là một chữ “không” to tướng. Tuy nhiên điều này không còn đúng nữa. Sử dụng phương pháp “quét” hoạt động của não (brain scanners), bác sĩ Adrian Owen thấy rằng một số những bệnh nhân đó có thể bị giam cầm trong chính thân xác của họ, nhưng họ vẫn có thể suy nghĩ và có cảm giác đến giới hạn nào đó.

    Ngày nay, trên thế giới có rất nhiều bệnh nhân mà não bộ bị hư hại hoặc suy giảm hoạt động đang sống trong các bệnh viện hoặc nursing homes. Chỉ riêng ở Âu Châu, con số những trường hợp mới nhập viện trong tình trạng hôn mê (coma) được ước tính lên tới 230,000 người mỗi năm, và 30,000 ngưòi trong số đó đang kéo dài cuộc sống thực vật. Họ được coi là những trường hợp buồn thảm nhất và cũng đưa tới những chi phí điều trị nội khoa tốn kém nhất.

    Bác sĩ Owen hiểu rõ điều ấy hơn ai hết. Năm 1997, một người bạn thân của ông rơi vào trường hợp này. Cô bạn tên Anne (tạm gọi như vậy) có một cục bướu ở trên động mạch não (brain aneurysm). Cô ta vừa lái xe rời khỏi nhà để đi làm chưa đầy 5 phút thì cục bướu bể ra và chiếc xe lao vào gốc cây. Cô ta bị hôn mê và không bao giờ tỉnh lại.

    Owen điếng người khi nghe tin dữ, và điều đáng nói là thảm kịch của cô bạn Anne sẽ còn đi theo ông suốt đời. Vì từ lúc đó ông bắt đầu đặt câu hỏi là có cách nào phân biệt các bệnh nhân, để biết người nào bị hôn mê và hoàn toàn mất ý thức, người nào bị hôn mê mà vẫn còn ý thức, và người nào ở khoảng giữa hai trường hợp ấy?

    Cùng năm đó, bác sĩ Owen chuyển đến làm việc tại Khoa Nghiên cứu Nhận thức và Não bộ thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa của Đại học Cambridge, là nơi mà các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm một số kỹ thuật quét não. Một trong những kỹ thuật ấy được gọi tắt là “PET” (positron emission tomography) chú trọng đến các thí nghiệm về quá trình trao đổi chất trong não bộ, như oxygen và đường. Một kỹ thuật khác được gọi tắt là “fMRI” (functional magnetic resonance imaging), có thể tìm ra những vùng vẫn còn hoạt động trong não bộ bằng cách theo dõi từng chuyển động rất nhỏ của các mạch máu. Bác sĩ Owen muốn áp dụng các kỹ thuật ấy để trị liệu cho những bệnh nhân không may rơi vào trường hợp giống như cô bạn Anne của ông.

    ĐỊNH NGHĨA “CÁI CHẾT” VÀ “Ý THỨC”


    Nửa thế kỷ trước, nếu tim ngưng đập, bạn có thể bị cho là đã chết, mặc dù bạn có thể vẫn còn nhận thức được mọi thứ vào lúc bác sĩ ra lệnh đưa bạn đến nhà xác.

    Điều này có thể giải thích cho những câu chuyện kỳ bí về việc “người chết sống lại”. Và cũng vì thế mà mới cách đây không lâu, hồi năm 2011, chính quyền tỉnh Malatya của Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố việc xây một nhà xác có trang bị hệ thống báo động và cửa làm lạnh có thể mở được từ bên trong.

    Vấn đề ở đây là định nghĩa của giới khoa học về “cái chết” vẫn chưa rõ ràng, cũng giống như định nghĩa “ý thức”. Bác sĩ Owen giải thích: Bởi vì sự sống không phải chỉ gắn liền với nhịp đập của trái tim. Nếu tôi có một trái tim nhân tạo (artificial heart), thì có phải tôi đã chết? Nếu sự sống của bạn được duy trì bằng máy móc (life-support machine), thì có phải bạn đã chết? Có hợp lý hay không nếu định nghĩa cái chết bằng việc mất khả năng độc lập để duy trì sự sống? Câu trả lời là “không”, bởi vì nếu như thế thì tất cả chúng ta đều bị coi như đã “chết” suốt 9 tháng trong bụng mẹ.

    Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn nếu chúng ta nghiên cứu trường hợp những người bị mắc kẹt trong thế giới tranh tối tranh sáng giữa sống và chết; từ những người lúc mê lúc tỉnh và bị coi như ở trong “tình trạng tỉnh thức tối thiểu”, cho đến những người mà não bộ bị hư hại quá nặng khiến họ chìm trong tình trạng hôn mê. Các bệnh nhân như vậy mới chỉ được chú ý tới sau khi giới y khoa phát minh ra thiết bị thở nhân tạo hồi thập niên 1950 tại Đan Mạch. Thiết bị này đã định nghĩa lại “cái chết”, vì quan niệm “tim ngừng đập” được thay thế bằng ý niệm “bộ óc đã chết”, và từ đó người ta bắt đầu phát triển khoa chăm sóc đặc biệt, theo đó chỉ những người bệnh hoàn toàn hôn mê mà không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy có thể tỉnh lại thì mới bị xếp vào thành phần “vegetables” hoặc “jellyfish”. Các bác sĩ rất thận trọng khi chăm sóc và xếp loại hồ sơ những bệnh nhân ấy để không xảy ra quyết định sai lầm.

    Vào thập niên 1960, bác sĩ chuyên khoa thần kinh Fred Plum (ở New York) và bác sĩ chuyên khoa giải phẫu Bryan Jennett (ở Glasgow) là hai người đi tiên phong trong việc tìm hiểu và xếp loại các trường hợp mất ý thức. Bác sĩ Plum đặt ra thuật ngữ “locked-in syndrome” (tạm dịch là hội chứng tù ngục) để gọi trường hợp một bệnh nhân còn ý thức và không bị hôn mê nhưng không thể nói hay cử động. Cùng với người bạn đồng nghiệp Plum, bác sĩ Jennett chế ra thiết bị mang tên “Glasgow Coma Scale” dùng để đo lường chiều sâu của tình trạng hôn mê, và kế tiếp là “Glasgow Outcome Scale” dùng dể thẩm định mức độ phục hồi, từ biên giới cái chết trở về tình trạng tàn phế nhẹ. Hai vị bác sĩ cùng sử dụng thuật ngữ “persistent vegetative state” cho những bệnh nhân kéo dài cuộc sống thực vật mà được mô tả là “có những khoảnh khắc tỉnh thức khi mở mắt và cử động, nhưng các phản ứng ấy bị giới hạn vào phản xạ của tay chân, và không bao giờ mở miệng nói được lời nào”.

    Năm 2002, Jennett là một trong các bác sĩ chuyên khoa thần kinh đã chọn thuật ngữ “tỉnh thức tối thiểu” (minimally conscious) để mô tả những bệnh nhân đôi lúc tỉnh thức và phần nào có ý thức, biểu lộ những dấu hiệu sai lạc như lúc thì có thể làm theo lời hướng dẫn nhưng lúc khác lại không làm được. Tuy nhiên cho đến nay, 13 năm sau, chúng ta vẫn còn đang tiếp tục tranh luận về việc xếp loại các bệnh nhân như thế.

    PHƯƠNG PHÁP “QUÉT NÃO”


    Vào năm 1997, Kate Bainbridge, một giáo viên 26 tuổi, bị rơi vào tình trạng hôn mê, 3 ngày sau khi mắc một căn bệnh có triệu chứng giống như cúm. Não bộ của cô cũng như phần “brain stem” ở đầu xương sống bị sưng tấy. Vài tuần sau khi các khu vực nhiễm trùng đã khỏi, Kate tỉnh dậy từ hôn mê nhưng sau đó bị chẩn đoán là chỉ còn sống thực vật. May cho cô, vị bác sĩ chuyên khoa chăm sóc đặc biệt phụ trách hồ sơ của cô, ông David Menon, lại là Trưởng toán điều tra nghiên cứu của Trung tâm Wolfson Brain Imaging Centre mới mở tại Đại học Cambridge, cũng là nơi bác sĩ Adrian Owen từng làm việc.

    Bốn tháng sau đó, Kate trở thành người đầu tiên trong số những bệnh nhân bị xếp vào thành phần “sống thực vật” được nhóm bác sĩ nói trên nghiên cứu. Và kết quả nghiên cứu, được công bố vào năm 1998, đã gây nhiều bất ngờ. Chẳng những Kate nhận ra các khuôn mặt, mà não bộ của cô còn phản ứng không khác gì những người khỏe mạnh. Kết quả “quét não” (brain scan) của cô cho thấy một đường màu đỏ (splash of red), chứng tỏ có hoạt động ở một vùng phía sau não mà khoa học gọi là “fusiform gyrus”, có nhiệm vụ giúp nhận diện các khuôn mặt. Kate được coi là trường hợp đầu tiên mà phương pháp “sophisticated brain imaging”, tức là “PET” (positron emission tomography) đã tìm thấy khả năng nhận thức bị che giấu (covert cognition). Dĩ nhiên người ta chưa thể kết luận đó là dấu hiệu của ý thức thật sự hay chỉ là phản xạ.

    Kết quả nghiên cứu của nhóm Wolfson ở Cambridge có ý nghĩa rất quan trọng đối với giới khoa học đã đành, mà cũng quan trọng không kém đối với Kate và cha mẹ cô. Bác sĩ Menon nhớ lại: “Vì sự hiện hữu của tiến trình nhận thức mà các bệnh viện không thể coi một bệnh nhân sống đời thực vật như là đã chết rồi, mà họ phải quyết định việc tiếp tục chăm sóc cho Kate Bainbridge một cách kỹ lưỡng hơn.

    Sáu tháng sau đó, quả thật Kate đã tỉnh lại, những cực hình cũng chấm dứt. Và cô cho biết: “Họ nói tôi không thể cảm thấy đau đớn. Họ hoàn toàn sai”.

    Theo lời Kate kể lại trong cuốn hồi ký, đôi lúc cô đã muốn gào lên, nhưng các y tá lại tưởng đó chỉ là một phản xạ. Cô tuyệt vọng vì cảm thấy mình bị bỏ rơi. Các nhân viên của bệnh viện hoàn toàn không hiểu được nỗi đau đớn của cô trong lúc họ chăm sóc cho cô. Họ làm cô sợ hãi vì họ không bao giờ giải thích những việc làm của họ. Cô sợ nhất là cách họ hút mủ ra khỏi phổi và cho mủ chảy ra ngoài miệng cô. Đã có lúc cô đau đớn và tuyệt vọng đến mức muốn tự sát bằng cách nín thở. Thế nhưng “tôi không thể ngăn mũi mình hít thở. Cơ thể tôi dường như không muốn chết”.

    Kate nói rằng sự hồi phục của cô có vẻ chậm chạp chứ không giống như ngọn đèn được bật sáng lên. Tới 5 tháng trời sau đó cô mới có thể mở miệng cười. Và lúc ấy, ngoài chuyện mất việc làm, cô còn mất luôn cả khứu giác và vị giác, có nghĩa là tương lai vẫn còn rất mù mịt. Hiện nay Kate đã trở về sống cùng cha mẹ nhưng vẫn phải ngồi xe lăn. Mười hai năm trời kể từ ngày nhập viện, cô mới bắt đầu tập nói trở lại, và mặc dù có những lúc cô vẫn bực bội về tình trạng tàn phế của mình nhưng nói chung thì cô rất biết ơn những người đã giúp cô thoát ra khỏi cơn hôn mê.

    Cô viết lá thư ngắn cho bác sĩ Owen: “Adrian thân mến, xin anh hãy dùng trường hợp của tôi để chứng tỏ cho mọi người thấy tầm quan trọng của phương pháp “quét nảo” mà giờ đây tôi rất ngưỡng mộ. Khi tôi đang nằm như cục đất và có vẻ tuyệt vọng thì nhờ phương pháp ấy mà người ta biết tôi vẫn còn sống. Thật chẳng khác gì một pháp thuật”.

    Từ những năm 1990. bác sĩ Steven Laureys đã bắt đầu mở các hồ sơ từ mấy chục năm về trước để nghiên cứu những trường hợp như Kate Bainbridge. Ông làm việc cho Trung tâm Cyclotron Research Centre trong khuôn viên Đại học Liège. Ông ngạc nhiên vì phương pháp “PET brain scan” cho thấy là một số bệnh nhân có thể phản ứng khi nghe nói đến tên mình, chứng tỏ những âm thanh mang ý nghĩa nào đó có thể tạo ra một thay đổi trong các mạch máu não. Trong khi đó, ở phía bên kia Đại Tây Dương, bác sĩ Nicholas Schiff cũng phát giác những trường hợp mà ở trong bộ não bị thương tổn trầm trọng, vẫn có một vài vùng não còn hoạt động. Như vậy nghĩa là sao?

    Thập niên 1990 là lúc mà giới y khoa cho rằng họ có quyền kết luận: chẳng có bệnh nhân nào đã rơi vào tình trạng “sống thực vật” mà vẫn còn có ý thức. Họ phủ nhận hiện tượng não bộ có phản ứng bất ngờ nào đó, vì nếu thí nghiệm chích thuốc mê cho loài khỉ, người ta cũng có thể tạo ra phản ứng tương tự. Căn cứ vào kinh nghiệm, một bộ óc không còn được oxygen nuôi dưỡng (vì một cơn đau tim hoặc stroke) sẽ khó mà phục hồi mà nếu có thì cũng chỉ trong vài tháng đầu tiên. Nhiều người cho rằng các bệnh nhân rơi vào tình trạng “sống thực vật lâu dài” còn khổ sở hơn cả cái chết vì óc họ không còn hoạt động được nữa. Vì vậy mà có những bác sĩ muốn giúp họ thoát cảnh khổ bằng cách kết thúc sớm cuộc đời của họ, qua biện pháp ngưng cung cấp đồ ăn thức uống. Đó chính là giai đoạn của loại quyết định mà bác sĩ Laureys gọi là “therapeutic nihilism”.

    MỜI BẠN RA SÂN CHƠI TENNIS

    Đề nghị mà các nhà khoa học như Adrian Owen, Stephen Laureys và Nicholas Schiff đưa ra, là cần xét lại một số trường hợp bị cho là “sống thực vật”, vì một vài người trong số những bệnh nhân này vẫn hoàn toàn ý thức được mọi thứ xung quanh, nhưng họ bị giam lỏng trong chính thân xác của mình. Bác sĩ Schiff cho biết đề nghị ấy bị giới y khoa chống đối kịch liệt, và “người ta tỏ thái độ kình địch rõ rệt chứ không phải chỉ là nghi ngờ đâu”. Bác sĩ Laureys nhớ lại và mìm cười, kết luận: “Nói chung các bác sĩ không thích bị phê bình rằng họ sai lầm”.

    Thế rồi đến năm 2006, Owen và Laureys tìm cách đối thoại với các bệnh nhân bị xếp loại “sống thực vật”. Một bệnh nhân là cô Gillian (tên đã được thay đổi), 23 tuổi. Hồi tháng Bảy năm 2005, cô đang băng ngang đường, mải lo nói chuyện điện thoại nên không chú ý, bị hai chiếc xe tông vào người cùng một lúc, và cô bị rơi vào tình trạng hôn mê.

    Năm tháng trời sau đó, một sự kiện lạ xảy ra, bắt nguồn từ một cuộc nghiên cứu chung trước đó của hai bác sĩ Owen và Laureys. Họ nghiên cứu phản xạ não của những người khỏe mạnh khi yêu cầu họ tưởng tượng chuyện này chuyện khác, như ca hát hoặc nhớ đến khuôn mặt bà mẹ ở nhà. Rồi bác sĩ Owen cho biết ông chợt nảy ra một ý nghĩ. “Tôi bảo một tình nguyên viên hãy tưởng tượng đang ra sân chơi tennis. Rồi tôi bảo cô ta tưởng tượng đang đi loanh quanh trong nhà”. Tưởng tượng chơi tennis sẽ kích thích hoạt động của một vùng ở vỏ ngoài của não, gọi là “supplementary motor area”, nhưng tưởng tượng đi lòng vòng trong nhà tại kích thích khu vực “parahippocampal gyrus” ở phần bên trong và phần giáp biên của não. Hai hoạt động này hoàn toàn trái ngược nhau như “Yes” với “No”, cho nên nếu chúng ta bảo một người hãy nghĩ đến “yes” khi tưởng tượng ra sân chơi tennis và hãy nghĩ đến “No” khi tưởng tượng đi lòng vòng trong nhà, thì họ có thể trả lời câu hỏi của chúng ta bằng kỹ thuật fMRI.

    Thế là Owen dùng phương pháp “quét não” để đọc bộ óc “thực vật” của cô Gillian và yêu cầu cô cũng tưởng tương hai hoạt động nói trên. Kết quả phản ứng não bộ của Gillian giống y như với những người tình nguyện viên khỏe mạnh. Có nghĩa là bác sĩ Owen đã “đọc” được ý nghĩ của một bệnh nhân đang “sống thực vật”.



    TÁN THƯỞNG VÀ CHỐNG ĐỐI


    Kết quả nghiên cứu về trường hợp của Gillian được công bố trên tạp chí Science năm 2006, đã trở thành tin tức hàng đầu ở khắp nơi trên thế giới. Nhung dĩ nhiên có người thán phục thì cũng có người nghi ngờ. Bác sĩ Owen cho biết hai phản ứng này thể hiện qua hai loại email mà ông nhận được từ các bạn đồng nghiệp. Phản ứng nghi ngờ đặt trên căn bản lý luận là không thể từ trường hợp cá biệt đó mà suy diễn cho mọi trường hợp khác. Bác sĩ chuyên khoa tâm lý Daniel Greenberg của Đại học California tại Los Angeles cho rằng “hoạt động của não bộ có thể được kích thích một cách vô thức bởi lời hướng dẫn sau cùng về điều mà người ta được yêu cầu tưởng tượng ra”.

    Parashkev Nachev, một bác sĩ chuyên khoa thần kinh hiện đang làm việc tại trường Đại học London, cho biết ông phản đối bản tường trình năm 2006 của bác sĩ Owen, không phải vì ông cho rằng kết quả nghiên cứu thiếu thuyết phục hay sự phân tích thống kê không hoàn chỉnh, mà là vì “những lỗi lầm về phương pháp suy diễn”. Mặc dù bộ óc của một người tỉnh táo, khi tưởng tượng đến chuyện chơi tennis, có khơi dậy một hình thái hoạt động nào đó, nhưng điều ấy không nhất thiết đưa tới kết luận là hễ cứ thấy hình thái hoạt động tương tự thì có thể kết luận rằng người ấy đang tỉnh táo. Theo bác sĩ Nachev thì cùng một vùng trong não bộ có thể bị kích thích ở nhiều tình huống khác nhau mà chẳng liên quan gì đến sự tỉnh thức cả. Ông Nachev còn nói thêm rằng cô Gillian không thật sự có quyền lựa chọn để nghĩ đến chuyện chơi tennis. Cũng như nếu một người không đáp ứng đề nghị nào đó, thì có thể là vì người ấy thiếu khả năng đáp ứng mà cũng có thể là vì người ấy không muốn hợp tác; trường hợp cô Gillian có thể được giải thích như một quyết định có ý thức mà cũng có thể chỉ là một phản xạ.

    Bác sĩ Owen trả lời: Chúng ta cần thu thập thêm dữ kiện thay vì cứ kéo dài những lý luận. Năm 2010, nhóm Owen, Laureys và các cộng sự viên lại công bố một bản tường trình kế tiếp, sau khi thực hiện cuộc trắc nghiệm 54 bệnh nhân đang trong tình trạng “sống thực vật” hoặc có mức độ tỉnh thức tối thiểu. Kết quả: Năm người đáp ứng giống như cô Gillian, và 4 trong số 5 người đó ngay lúc nhập viện đã bị coi là “sống thực vật”. Bác sĩ Owen nói rằng ông rất biết ơn những người chỉ trích ông, vì họ đã thúc đẩy ông phát triển thêm một phương pháp, là đặt với các bệnh nhân những câu hỏi mà chỉ riêng các bệnh nhân ấy mới biết câu trả lời. Ông nói: “Điều rõ ràng là người ta không thể đối thoại nếu bộ óc của người ta không tỉnh thức. Chúng tôi đã thắng trong cuộc tranh luận về khía cạnh này”.

    Kể từ khi bản tường trình năm 2006 của Owen được công bố trên tạp chí Science, các nhóm nghiên cứu tại Bỉ, Anh Quốc, Hoa Kỳ và Canada đều đề nghị là các bác sĩ nên tái chẩn đoán một số bệnh nhân “sống thực vật” trong vòng mấy năm trở lại. Con số này. theo bác sĩ Owen ước lượng, vào khoảng 20%. Bác sỉ Schiff còn đưa ra một tỷ lệ cao hơn: 40%, vì ông cho rằng các cuộc chẩn đoán lúc đầu có nhiều sai sót, và theo ông thì trên dưới 40% bệnh nhân bị coi là “sống thực vật”, thật ra vẫn tỉnh thức ở mức độ nào đó. Những người nào khi kết quả “quét não” cho thấy có khả năng đối thoại sẽ được xếp vào thành phần “tù ngục”, tức là bị nhốt trong cơ thể của chính họ (locked-in), hoặc vào thành phần “tỉnh thức tối thiểu” (minimally conscious), tùy theo sự đáp ứng của họ.

    Đến năm 2009, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Laurey làm thí nghiệm với 1 trong số 54 bệnh nhân nói trên, được gọi là “bệnh nhân mang số 23”. Họ hỏi ông ta một loạt câu hỏi “yes-or-no”. Bệnh nhân này, vốn ở trong tình trạng “sống thực vật” suốt 5 năm trời, đã trả lời được 5 hoặc 6 câu hỏi về cuộc sống trước khi xảy ra tai nạn, và tất cả đều đúng. (Thí dụ: Trước khi gặp tai nạn có đi nghỉ hè ở nơi nào đó không? Tên của thân phụ ông ta có phải là XXX không?). Cả hai bác sĩ Laureys và Owen đều “sửng sốt” và mừng rỡ trước kết quả đó, và ngay tức khắc, “bệnh nhân mang số 23” được chuyển từ danh sách “Đừng tìm cách hồi sinh” qua danh sách “Không được phép chết”. Bác sĩ Owen phát biểu: “Có phải chúng tôi đã cứu họ? Không đâu. Chính là họ đã tự cứu họ”.

    Nhưng bác sĩ Parashkev Nachev vẫn không thay đổi quan điểm chống đối, qua một bài viết rất chi tiết năm 2010. Ông lý luận: “Cứ mỗi lần bạn tặng cho gia đình một bệnh nhân “sống thực vật lâu dài” (persistent vegetative state, viết tắt là PVC) môt niềm hy vọng (có thể chỉ là giả tạo), thì bạn lại làm cho một gia đình khác đã đồng ý “chấm dứt chữa trị” cho thân nhân của họ phải mang mặc cảm phạm tội, vì – biết đâu – thân nhân của họ lẽ ra vẫn còn sống”. Bác sĩ Nachev gọi đó là “những cái giá phải trả về mặt đạo đức”. Và ông nói với người viết bài này: “Những thân nhân ấy đã đau khổ quá nhiều rồi, đừng hành hạ họ thêm nữa”.

    Thế nhưng các bác sĩ Laureys, Owen and Schiff cũng tốn rất nhiều thời giờ với những thân nhân, gia đình của người bệnh, và cũng rất cảm thông với họ. Ông Owen đoan quyết rằng nhờ các cuộc thí nghiệm của nhóm ông mà giới y sĩ và khoa học gia đã quan tâm đến vấn đề nhiều hơn và chẩn đoán các bệnh nhân kỹ lưỡng hơn: “Những năm gần đây chúng ta thấy danh sách bệnh nhân bị xếp loại “sống thực vật” càng lúc càng ngắn lại”.

    Bác sĩ Owen tin tưởng rằng trách nhiệm đạo đức của giới y sĩ là phải chẩn đoán thật chính xác, cho dù kết quả có làm cho người y sĩ cảm thấy khó chịu hay xuống tinh thần: “Chúng ta phải cung cấp cho mỗi bệnh nhân cơ hội tốt nhất để họ được chẩn đoán một cách chính xác, có như thế thì chúng ta mới quyết định cho họ một kế hoạch chữa trị thích ứng được”.

    CON ĐƯỜNG VẪN CÒN DÀI


    Từ niềm xác tín trên đây, một trong những thành quả rõ rệt đã được ghi nhận khi hai bác sĩ Owen và Naci nghiên cứu kết quả “quét não” các bệnh nhân, với mục đích là dựa vào sự thay đổi trong hoạt động của bộ óc để “giải mã” những câu trả lời của bệnh nhân một cách chính xác. Quá trình nghiên cứu cho thấy chỉ có một bệnh nhân “sống thực vật” tên Scott Routley là đã nhận biết được tên của ông ta khi được hỏi. Chẳng những vậy mà Routley còn biết là ông ta đang ở trong bệnh viện chứ không phải ở đâu khác, chứng tỏ mức độ tỉnh thức của ông ta cao hơn tất cả những bệnh nhân cùng nhóm.

    Từ 2006 đến nay các bác sĩ Adian Owen, Steven Laureys, Lorina Naci, Nicholas Schiff không ngừng cố gắng cải tiến các thiết bị để kiện toàn công trình nghiên cứu của họ. Thế nhưng họ vẫn còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết, đối với trường hợp của từng bệnh nhân khác nhau, chẳng hạn như việc dùng loại thuốc nào cho người nào trong lúc thí nghiệm, hoặc là bắt buộc phải hạn chế nhịp độ “quét não” (positron emission tomography tức PET scans) đối với một số bệnh nhân nhỏ tuổi, vì cần phải chích chất thăm dò phóng xạ (radioactive tracer) vào cơ thể, hoặc là một số bệnh nhân nếu trong người đã sẵn có những thiết bị kim loại qua giải phẫu trước đó thì không thích hợp với các máy móc trong phòng thí nghiệm, v.v…

    Do đó nhóm bác sĩ này đang tìm cách áp dụng những phương pháp khác để thay thế. Chẳng hạn như bác sĩ Laureys nghiên cứu việc đo độ dãn nở của đồng tử (con ngươi) để tính toán mức độ xúc cảm của bệnh nhân. Hoặc là phương pháp cấy vào tay bệnh nhân những que dẫn điện nhỏ xíu (fine electrodes) để đo hoạt động của bắp thịt.

    Và có thể phương pháp thay thế mang lại nhiều hứa hẹn nhất là “não điện đồ” (electroencephalography, viết tất là EEG) dùng để thăm dò những hoạt động trong bộ óc, vì tương đối ít tốn tiền, nhẹ nhàng, mà lại có tốc độ mau hơn nhiều lần so với phương pháp fMRI, có thể giúp nhóm nghiên cứu hỏi tới 200 câu hỏi trong vòng 30 phút đồng hồ. Thế nhưng các bác sĩ lại phải rất cẩn trọng khi áp dụng phương pháp này, vì nó có thể dẫn tới những kết quả sai lạc.

    Tóm lại, những năm gần đây, mỗi khi nghĩ đến một trường hợp “thập tử nhất sinh”, người ta đã bắt đầu quen với câu hỏi “bộ óc còn sống hay không” thay vì câu hỏi “trái tim còn đập hay không”. Khi một bệnh nhân bị coi là rơi vào tình trạng “sống thực vật lâu dài”, họ vẫn có thể tự thở một mình được và bộ óc của họ vẫn chưa chết hẳn. Chỉ khi nào kết quả “PET scan” cho thấy bộ óc đã chết hoàn toàn thì cơ thể mới thật sự mất khả năng tự sinh tồn và phải cần đến thiết bị nhân tạo.

    Trong tinh thần đó, công trình nghiên cứu và thí nghiệm của nhóm bác sĩ Owen, Laureys, Naci, Schiff vẫn còn phải tiếp tục lâu dài, cho đến khi nào đạt được “một phương pháp tổng hợp giữa thiết bị, thuốc men và chữa trị tế bào”, nghĩa là “một thế hệ mới của chẩn đoán và điều trị”, thì theo lời bác sĩ Schiff, “lúc đó chúng ta mới vén được bức màn bí mật ngăn giữa ý thức và vô thức”. Trong khi chờ đợi, bác sĩ Laureys đề nghị chúng ta nên bắt đầu thay đổi ngôn từ thường dùng để gọi một số bệnh nhân: Thay vì “sống thực vật” (vegetative), thì nên gọi họ một cách trung hòa là “không tỉnh thức” (unresponsive wakefulness).

    Và bất kể những luận điểm nghi ngờ, bất chấp những khó khăn trở ngại về phía bệnh nhân với nhiều thành phần phức tạp, cũng như những thử thách về phương pháp chẩn đoán đã trở thành chuẩn mực, công trình nghiên cứu của nhóm này vẫn đang trên đà tiến tới. Họ đã đạt được một số thành quả, bằng chứng là có vài bệnh nhân từ giai đoạn “sống thực vật” nay đã dần dần tỉnh lại và bắt đầu biết trả lời khi bác sĩ hỏi “có cần uống thuốc giảm đau không”.

    Tin tức cập nhật cho đến khi bài viết này được đăng trên tạp chí Mosaic Science:
    – Scott Routley qua đời vào tháng 9 năm 2013 với sự hiện diện của gia đình.
    – Cô bạn Anne của bác sỉ Adrian Owen vẫn trong tình trạng “sống thực vật”.
    – Vợ chồng Adrian Owen và Jessica Grahn (cũng là bác sĩ chuyên khoa thần kinh) đã có đứa con trai đầu lòng, bé Jackson, ra đời ngày 9 tháng 10 năm 2013.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X