Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ngày Về

Collapse
X

Ngày Về

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngày Về

    Ngày Về


    Trần Yên Hòa


    Trong giấc mơ anh suốt cả sáu năm trời ở trong trại, không có ngày nào anh không mơ ước một ngày như ngày hôm nay, ngày trở về đoàn tụ.

    Anh nhớ như in cảm giác của mình khi cả trại được kêu lên hội trường. Lần này nhân dịp ngày 30 tháng tư, ngày Giải Phóng Thống Nhất Đất Nước và Lễ Lao Động 1 tháng Năm, nhà nước sẽ khoan hồng tha cho một số anh em học tập cải tạo tốt. Soại nghe trong lơ mơ vì anh không có hy vọng của sự trở về. Anh đã chai lì trong sáu năm với biết bao đợt về mà không có tên anh.

    - Trần Quang Soại.

    Soại giật nẩy mình lên, rồi hô to:

    - Có.

    Anh đứng dậy nở nụ cười thật tươi với bạn bè ngồi chung quanh. Có những tiếng lố nhố:

    - Thằng Soại trúng số rồi, về chuyến này vợ tha hồ có đồ chơi, nhớ lên gặp tư Thông nghe mày.

    Anh mỉm cười với những câu nói đó, cố lách bước ra ngoài đám đông đang ngồi dưới đất nghe gọi tên.

    - Kỳ này về đông he, hăm mấy đứa.

    Anh bươn bả về phòng rồi gọn gàng đồ đạc, những đồ đạc ít ỏi của anh. Anh vùi tất cả trong cái bao cát là xong ngay. Những người được thả về đợt này sẽ qua dãy trại bên kia, ở lại khoảng một hay hai tuần để bồi dưỡng, rồi mới cho về nhà hẳn.

    Soại nhớ đến Nại Hiên ngay khi vừa được kêu tên. Anh nghĩ nhiều về nàng và các con. Anh quyết định sẽ không về trung với mẹ, anh sẽ về tìm Nại Hiên. Hình ảnh Nại Hiên lập lờ nửa như mời gọi, nửa như quay mặt. Nhưng dù gì anh cũng về tìm.

    Anh nhảy tàu trong đêm khuya khi tàu vừa chạy vào ga La Hai, anh rúc vào nằm trong toa chứa hàng, may mà tất cả đều an toàn, không có chuyện gì xảy ra.

    Bây giờ thì Nại Hiên xuất hiện trước mặt anh bằng xương bằng thịt. Nại Hiên đi rồi nhưng hình ảnh vẫn còn bay bay trong anh. Đúng là người đàn bà ba mươi tuổi vẫn còn xuân sắc quá, anh nghĩ, mình dù không được thăm nuôi trong bao nhiêu năm, mà trở về còn vợ con là điều may mắn. Và biết ơn nàng.

    Biết bao chuyện kể, anh nghe được, khi người tù cải tạo trở về. Có người vừa về đến nhà gặp ngay nón cối treo ở phòng mình và người vợ đã chỉ vào mặt người chồng, đuổi ra khỏi nhà. Biết bao chuyện người vợ cặp kè với dân chợ trời, vơi chủ ghe chuyên đóng thuyền vượt biên, với tài xế xe khách đường dài... Mọi chuyện như là một câu chuyện tiếu lâm cười ra nước mắt, khó tin nhưng có thật, rồi qua những cái loa miệng của người có thân nhân đi thăm nuôi kể lại. Mọi chuyện, Soại nghĩ đều có thể xảy ra cho mình và anh yên tâm chấp nhận nó. Nay, anh trở về bình an với vợ con như thế này thật là điều vạn hạnh. Anh lên giường nằm rồi ngủ luôn một giấc ngon lành.

    ***

    Nại Hiên trở ra sạp bán hàng. Nàng im lặng, nhỏ nhẹ trả lời những câu ngắn với chị em bạn hàng bên cạnh.

    Chị Hoàng hỏi:

    - Chú út về mạnh giỏi không cô?

    - Khoẻ sao được mà khoẻ, đi ở tù mà, ốm nhách à.

    - Nhưng về được là may rồi, có nhiều người bịnh quá, đói qua chết trong tù đó cô.

    - Dạ.

    Nại Hiên đáp lí nhí trong miệng. Nàng lo bày hàng để bán tiếp tục.

    Khoảng buổi chiều thì Quốc trở về, mồ hôi mồ kê đổ ra nhễ nhại. Anh dựng chiếc xe phía ngoài rồi bước vào sạp với vẻ mặt hớn hở. Anh ngồi xuống chiếc ghế dành cho khách ngồi mua hàng, rồi nói với Nại Hiên:

    - Xong rồi dì, mọi chuyện đều xong, ba cái giấy khai sinh của ba đứa nhỏ. Chỉ cái giấy li dị còn trục trặc vì dưới xã họ không có quyền làm giấy này, phải giả con dấu của tòa án mới được.

    Nại Hiên nét mặt lặng thinh, không vồn vã hớn hở như những lần trước. Đợi cho Quốc nói xong, nàng mới lên tiếng:

    - Anh Soại về rồi, ông xã dì đó, về hồi sáng nay.

    Câu nói làm Quốc rơi vào khoảng không. Sự việc anh chưa nghĩ đến bao giờ. Nó đến hơi đột ngột vì anh đang thực hiện từng bước những dự tính của mình. Nhưng anh cũng nói:

    - Dượng về thì vui cho dì. Nhưng tất cả con nghĩ thì dì cứ tiếp tục công việc như đã tính. Tại vì còn chế độ này thì mình còn phải luồn lách thế nào cho lợi là được.

    Câu nói của Quốc có vẻ hơi sổ sàng nhưng rất thật. Anh biết điều đó qua cha anh, người cha tập kết trở về, có thêm một bà vợ và mấy đứa con. Ông trở về trong cái xách tay có mấy ký đường mua bằng tem phiếu, để về biếu cho người vợ cũ sau hơn hai mươi năm xa cách. Khi ông trở về lại đất bắc, mẹ Quốc đã mua cho ông những món hàng đắc giá làm ông choáng ngợp. Nên ông nghĩ trong chuyến đi này ông có lãi. Cái mà suốt trong mấy mươi năm ông mơ ước, ông cống hiến cả đời, để có, mà không có được. Trong chuyến đi có lãi đó của cha, đã dạy cho Quốc một điều, là phải kiếm tiền bằng mọi cách.

    Quốc nhờ cái lý lịch trong suốt nên anh được nâng điểm và anh đã đậu vào khoa chuyên hóa ở trường đại học khoa học, Sài Gòn.

    Vừa đi học vừa đi làm, đi làm đây là tìm những cái áp phe để kiếm tiền thêm, như chuyện lo làm ba cái giấy khai sinh giả cho ba đứa nhỏ. Quốc đã làm xong và chi cho mấy đồng chí uỷ ban xã một chỉ vàng. Quốc lấy của Nại Hiên hai chỉ. Quốc có lời nhưng vẫn được điểm của Nại Hiên về sự thiệt thà, giúp đỡ.

    Bây giờ Soại đã về, tự dưng hai người thấy mình đứng cách xa nhau. Những đêm Quốc tới nhà, cùng nghe nhạc, hoặc Quốc đàn cho nàng hát những bản tình ca nàng thích, bên ngọn đèn cầy. Những lúc đó nàng muốn ngã vào lòng Quốc, ngã vào bờ ngực nở nang, rộng mênh mông của Quốc, rồi sau đó ra sao thì ra. Nhưng mọi chuyện chưa xảy ra, chỉ là trong ý tưởng. Quốc cũng rung động vì những quyến rũ của người đàn bà ba mươi tuổi, nhưng anh chưa giám làm một cử chỉ gì lộ liễu.

    Bây giờ Soại về, tình cảm đó có còn tiếp nối được không? Như có một bức tường vô hình nào đó ngăn cản lại những đam mê nẩy mầm. Nại Hiên nói giọng buồn buồn:

    - Dì cảm ơn Quốc những ngày qua đã giúp dì công việc. Quốc cứ lên nhà chơi như thường ngày. Để rồi dì sẽ tính cho cuộc sống của anh Soại.

    Câu nói của Nại Hiên là câu nói mớm lời, mập mờ hứa hẹn. Quốc thấy vui trở lại, anh đứng lên:

    - Thôi con về, nếu con lên nhà dì không tiện thì con sẽ đến đây thăm dì.

    Câu nói đó cũng là một câu hứa hẹn nữa, và nó đầy sức quyến rũ.

    Quốc ra xe và rồ máy đi, nàng như đang thả hồn mình bay theo Quốc, qua từng chặng, từng chặng đường. Nàng thấy mình đang đứng trước ngã ba đường. Hình ảnh Soại xanh xao ốm yếu nhập nhòa trước mắt, nàng có một chút lòng thương hại, một chút thương yêu, một chút bổn phận vợ chồng, nhưng hình ảnh Quốc nổi lên làm nàng tê tái, choáng ngợp.

    Buổi chiều xuống thấp bên ngoài, bạn hàng lục tục ra về. Tiếng kít kít của những chiếc xe đẩy hàng làm nàng choàng tỉnh. Nại Hiên vội vàng dọn dẹp hàng rồi chờ người đẩy xe tới chuyển hàng đi. Chị Hoàng trước khi ra về ghé qua sạp của Nại Hiên hỏi vài câu:

    - Sao út Hiên về trễ vậy? Có ông xã về là vui rồi há.

    - Dạ, em bận mấy người mua hàng cứ lựa đi lựa lại hoài, em bực muốn chết. Mới xong là em dọn hàng ngay đây chớ.

    - Mấy người đi cải tạo mới về, bao tử còn yếu lắm, em cho ăn từ từ nhe. Có nhiều người ăn ngon quá, ăn nhiều bể bụng chết luôn đó.

    Những câu dặn dò chân tình của người bạn hàng làm lòng Nại Hiên dịu lại. Nàng xách giỏ ra về.

    Trên đường đi, nàng nghĩ, phải phải mua cho Soại mấy bộ quần áo cũ, mua thêm chút cá, chút thịt cho bữa cơm đầu tiên của ngày đoàn tụ ra vẻ một chút. Dù sao, Soại mới về, cũng đừng làm cho anh mặc cảm.

    Nàng tần ngần đứng ngoài cánh cửa khép hờ nhìn vào. Cha con Soại đang nói chuyện bên trong. Ba đứa con gái không có cha lâu ngày, bây giờ tự nhiên về nhà thấy ông nào nói là ba của chúng, ba đứa hơi rụt rè. Nhưng rồi hình như có sợi dây máu mủ thiêng liêng, một chốc đã xóa tan đi trong lòng ba đứa nhỏ những bỡ ngỡ chập choạng ban đầu. Bây giờ tiếng nói, tiếng cười, dòn tan giữa ba cha con.

    Con Anh Thư hỏi:

    - Ba đi ở tù vậy người ta cho ba ăn gì ba?

    - Thì khoai mì lác với nước muối.

    - Có cơm không ba?

    - Có, nhưng ít lắm, một năm một vài lần.

    - Ba ăn no không?

    - Đâu có nhiều mà ăn no.

    Nại Hiên nghe cha con Soại đối đáp nhau như chính Soại nói với mình, em bỏ anh suốt mấy năm, anh đâu có được thăm nuôi tiếp tế, anh sống lê thê lếch thếch trong trại tập trung như một kẻ lạc loài. Lời trách cứ đó văng vẳng bên tai làm nàng lùng bùng. Nàng đẩy cửa bước vào, các con bỏ Soại chạy lại bu quanh mẹ. Chúng reo lên:

    - Me về, me về.

    Nàng cười với con và hỏi:

    - Cha con nói chuyện gì mà vui thế, cơm nước gì chưa?

    Anh Thư nhanh nhẩu:

    - Con nấu cơm, hâm cá lại rồi, chờ mẹ về là ăn cơm thôi.

    Nàng đưa giỏ đựng thức ăn cho Anh Thư rồi nói:

    - Có cá với thịt me mới mua, con rửa sạch lại rồi thịt thì kho mặn, còn cá thì nấu canh nhé.

    Anh Thư cầm giỏ thức ăn đi xuống bếp. Nó lớn lên trong hoàn cảnh cơ cực nên đã làm được tất cả những công việc ở trong nhà. Đông Nghi với Anh Chi đứng chờ xem me có mua quà cho không, Nại Hiên nói:

    - Hôm nay có ba về, me quên mua quà cho hai đứa rồi.

    Rồi nàng quay qua Soại đang đứng xớ rớ gần đó. Soại vẫn mặc cái quần xà lỏn buổi sang, anh chỉ còn chỉ một cái quần này là tạm được, dù đã cũ và rách, những cái quần khác đều là quần bao cát. Nại Hiên đưa gói áo quần cho Soại:

    - Em mua cho anh mấy cặp đồ và đồ lót, anh vào tắm rửa rồi thay đi, bỏ hết quần áo cũ, đốt hết đi. Đồ trong trại nhiều vi trùng lắm, đừng tiếc.

    Câu nói của Nại Hiên là câu nói thật và đúng. Anh nhớ những lúc anh làm ở đội rau xanh, buổi sáng phải múc nước tưới rau hòa với phân người. Phân người lấy từ hố xí tập thể. Anh em cải tạo lấy những cái thùng phuy lớn, đóng hai cây ngang rồi ngồi trên đó mà đi cầu, phân dồn lại, ruồi nhặng bay tràn đầy, sinh sôi nẩy nở, dòi bọ bò lổn nhổn. Anh lấy xẻng xúc phân, gánh ra khu rau xanh, hòa với nước tưới rau. Nhiều lúc anh đang cầm vòi tưới, dòi bọ bò lên cả người, anh chỉ lấy tay hất đi, về nhà tắm bằng nước tro, như vậy thì không có vi trùng sao được.

    Nhưng câu nói của Nại Hiên cũng làm anh như chạm phải cái cùng cực của mình, cái đau thương của mình, làm anh cảm thấy anh bé nhỏ quá, sa sút quá. Anh như ở từ một sự tồi tàn chui ra.

    Nại Hiên nói tiếp:

    - Không biết mấy bộ đồ này có vừa cho anh không đây, anh mặc đỡ chứ em chỉ đoán kích thước thôi, em mua đại.
    Soại trả lời trong cảm động:

    - Anh mặc gì cũng được, đã trải qua lò cải tạo rồi thì bây giờ anh sống ra sao cũng được hết.

    - Chứ không phải một thời gian sau rồi bắt đầu chê à?

    - Không đâu.

    Soại cầm gói áo quần vô phòng tắm. Về đây mới được nghe được mùi thơm của xà phòng, của nước hoa, chứ tuyệt mù trong suốt mấy năm, anh chỉ tắm bằng nước lạnh hòa với tro cho con người đỡ nhớt, đỡ lợm, vì ngày nào cũng chung đụng với phân người.

    Anh múc nước dội vào người rồi xát xà phòng lên tóc, lên quanh người. Bột xà phòng thơm lừng trong mũi anh, anh hít lấy hít để như tận hưởng một mùi hương mà từ lâu lắm rồi anh không được ngữi. Đây là lần tắm thứ hai của anh khi anh trở về. Buổi sáng anh cũng tắm rồi, nhưng anh tắm một mình, qua quýt, tắm cho bay đi bụi bặm trên người. Bây giờ có Nại Hiên và mấy con, anh phải tắm lại, kỳ cọ, xả hết ra mùi tanh tưởi, hôi hám, cái mùi từ trại cải tạo mang về. Anh thấy hạnh phúc khi cầm bàn chải đánh răng trên tay, dĩ nhiên trong trại, anh không có một chút kem để đánh răng.

    Trời nóng nên anh chỉ bận cái quần xà lỏn và áo thun. Anh soi gương thấy mình trẻ ra, tỉnh người ra một chút.

    Mấy đứa nhỏ dọn cơm trên nền xi măng, bữa cơm có thịt heo kho trứng, rau muống luộc, canh cá kho ngọt. Chừng đó thôi cũng làm cho bao tử Soại nổi loạn. Buổi trưa, Soại ăn cơm nguội còn lại với thịt kho, anh không giám ăn nhiều vì sợ Nại Hiên nói. Anh ăn mấy chén mà vẫn còn thòm thèm, mới về nên cái gì anh cũng giữ kẽ.

    Bây giờ không khí gia đình vui vẻ làm anh phấn khởi. Con Đông Nghi xới cơm cho anh rồi mời:

    - Mời ba me ăn cơm.

    Khung cảnh này anh ao ước đã bao năm, anh nghe lòng nhẹ nhàng, lắng đọng.

    Nại Hiên nói:

    - Mời anh ăn cơm, mấy đứa ăn cơm.

    Anh cầm chén đủa lên mà tay run run. Anh ứa nước mắt trong âm thầm.

    Nại Hiên gợi chuyện:

    - Bây giờ anh kể chuyện học tập cải tạo của anh cho các con nghe đi.

    Anh đáp lời:

    - Thôi em, đang vui mà kể chuyện tù thì buồn lắm. Chuyện tù cải tạo là chuyện dài không bao giờ kể hết, hãy quên nó đi.

    - Ừ thôi. Quên nó đi. Em cũng không muốn nghe chuyện cực khổ của anh làm gì.

    Chỉ có ba đứa con là vô tư, nó kể cho Soại nghe chuyện trường lớp, chuyện bạn bè. Rồi Anh Thư hát. Đông Nghi và Anh Chi cũng hát. Niềm vui nhỏ bé đọng trên mái ấm gia đình. Anh như đang sống trong mơ.

    Khi đến gần đi ngủ thì Nại Hiên nói:

    - Hôm nay anh ngủ ngoài divan này nghe. Anh phải đi khám bác sĩ, phải tẩy sạch hết hơi hám cải tạo mới được ngủ với em.

    Câu nói của Nại Hiên làm anh cụt hứng, trong thâm tâm, anh đang dự tính đêm nay là một đêm ân ái thật mặn nồng với vợ.

    ***

    Kể từ đêm ở Sài Gòn, Nại Hiên về quê, là anh chay tịnh suốt sáu năm. Với một người trai trẻ như anh làm sao không thèm muốn. Nhưng trong tù, anh đành chịu. Rồi sức lực yếu kém vì thiếu dinh dưỡng, anh cũng cố quên đi.

    Đến ngày về, nằm ở trại tự giác mười lăm ngày, anh thấy lòng mình dào dạt hưng phấn. Anh nghĩ đến vợ và những lần ái ân xưa. Một buổi tối, anh mò qua trại bên anh đã ở trước, anh tìm đến phòng thằng tư Thông.

    Thông hỏi:

    - Mày sắp về rồi mò qua đây làm chi, không sợ bị bắt giữ lại hả?

    Soại cười cầu tài:

    - Mày giúp xỏ lỗ tai cho tau, để tau về làm hài lòng bà xã.

    - Ba thẻ đường.

    - Có ngay.

    Soại đưa cho tư Thông ba thẻ đường, mà anh đã năn nỉ xin thằng Thành, thằng bạn cùng về, nằm gần anh, anh nói với Thành:

    - Mày cho tau ba thẻ đường, về Sài Gòn tau dẫn mày đi ăn phở.

    - Xạo, mày làm như ở Sài Gòn phở người ta cho không không bằng. Mày vô sản lấy gì mời tau.

    Nói vậy nhưng Thành cũng lấy cho anh ba thẻ đường. Soại thèm đường rã họng, muốn bỏ một thẻ vào miệng nhai cho đã, nhưng anh nhín nhịn, vì chuyện lớn, vì em.

    Anh đã gan góc cùng mình khi chui rào qua trại cũ. Chỉ việc nếu bị quản giáo bắt được sẽ bị kết tội “quan hệ linh tinh với mưu đồ gì?" là anh cũng mệt rồi. Nhưng lúc đó, hình như anh đã mụ người đi.

    Thông kéo anh lại gần chỗ cây đèn dầu hỏa, cây đèn cháy tù mù, nó nói:

    - Tụt quần xuống.

    Anh làm theo, để cả hạ bộ cho Thông làm việc. Thông cầm…lên, nghiêng ngó, rồi với con mắt nhà nghề, nó châm cây kim vào lửa đèn đang cháy và xỏ cây kim qua làn da quy đầu. Thông làm nhẹ nên anh chỉ thấy hơi buốt một chút rồi thôi. Nó lấy một cộng chiếu nhỏ sắm sẳn để bên, rút mũi kim ra. Nó thọc cộng chiếu xuyên qua lỗ. Xong, nó bôi chút thuốc trụ sinh vào chỗ vết thương, rồi nói:

    - Xong rồi, mày về có trụ sinh uống thêm mấy viên. Nhớ thường xuyên lấy tay di chuyển cộng chiếu cho đừng dính vào thịt. Độ năm ngày là lành hẳn, mày có thể lấy lông boi ngựa, hoặc tóc, xỏ xuyên qua, đánh hình hoa thị, rồi lấy kéo cắt. Mày sẽ ngon ơ, nhiều em sẽ chết mê chết mệt vì mày đó.

    Soại cảm ơn rồi lủi thủi bò qua hàng rào kẽm gai về trại. Anh nghe hơi đau nhưng anh cố chịu đựng. Anh không có trụ sinh uống thêm, nhưng thịt anh hiền nên khoảng năm sáu ngày sau là vết thương lành hẳn, cộng chiếu anh vẫn xuyên qua cái lỗ tròn nhỏ.

    Anh định trong giờ lâm trận đầu tiên, anh sẽ thử coi nó có tác dụng gì không? nhất định không cho Nại Hiên biết, nên trước khi đi ngủ, anh mới vào phòng tắm, bứt sợi tóc xỏ xuyên qua cái lỗ, làm như thằng Thông dặn, cắt hình hoa thị những sợi tóc, rồi anh trở ra ngoài nhà, đợi chờ.

    Bây giờ thì anh nằm một mình trên cái divan gỗ. Lòng anh dợn lên một nỗi buồn không tên. Nại Hiên và các con nằm bên kia bắt đầu thở đều. Anh xoay qua, xoay lại, mãi vẫn không ngủ được.

    Thế là ngày đầu tiên trở về từ trại cải tạo, anh ngủ một mình, và ôm bầu tâm sự không biết thổ lộ cùng ai.


    Trần Yên Hòa


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X