Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đào Thoát Từ Mật Khu

Collapse
X

Đào Thoát Từ Mật Khu

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đào Thoát Từ Mật Khu

    Đào Thoát Từ Mật Khu



    Gần ba năm sau ngày 30/ 4/ 75, sau một thời gian đi khỏi xóm cũ, Lắm từ Cần Thơ về lại thị xã Cà Mau thăm nhà ít ngày. Không khí mọi nơi sao thấy buồn quá, bỗng nhớ đến thằng bạn thân những năm còn chiến tranh, anh rủ đứa em trai chèo ghe theo sông gành Hào ra đến ngã ba sông Ông Đốc rồi cả hai băng ngang qua bên kia đến xóm cũ tìm nhà Rạng. Nó là người bạn thân nhất của anh ở cái xã trong vùng rừng tràm đước mênh mông này. Giữa tháng tư mầu nước đùng đục đất bùn pha trộn với màu phèn xanh trong làm con sông ngã sang màu tối. Chiếc xuồng bơi ngang mặt nước rồi đâm vô con lạch nhỏ cây cối mọc kín um tùm hai bên bờ. Đang lúc thủy triều đứng, hai anh em Lắm nhẹ tay khua mài chèo cho xuồng lướt đi dưới ánh nắng mặt trời trong vắt buổi sáng. Trên dòng rạch yên tĩnh, vài chiếc xuồng tam bản chở than củi hoặc chất đầy những chiếc khạp chở nước ngọt bơi ngang qua. Xen kẽ đây đó trên con rạch những chiếc thuyền gắn máy đuôi tôm chở vài tay du kích mặc áo bà ba đen hoặc kaki xanh cầm súng đứng nhìn họ trên chiếc xuồng nhỏ tròng trành theo những con sóng dạt ra hai bên. Từ ngã ba sông vô sâu bên trong chừng một cây số, bên bờ trái con lạch xuất hiện những mái lá dừa và vài cái sạp cây có chừng chục người gồm đàn bà và con nít bày bán mớ rau, mớ cá tôm đánh bắt được. Lắm nhớ lại đó là chổ nhóm chợ của xã ngày trước. Anh ra dấu cho đứa em bơi cặp vào dưới bóng cây bần già cạnh hai chiếc xuồng khác. Cả hai cột chiếc xuồng vào một khúc cọc cắm mấp mé bờ rạch rồi bước lên đi qua khu chợ nhỏ. Vài người đàn bà đội nón lá cũ rách nhìn Lắm và thằng em trai như dọ hỏi hoặc mời mọc mua mấy thứ đang bày bán. Anh nhận ra vài người quen nhưng không dừng lại nói chuyện vì thấy bầu không khí mang vẻ xa lạ ở ngôi làng cũ. Theo con lộ đất đi cặp con rạch thêm một đoạn ngắn, Lắm đứng lại bên khoảng đất trống đầy cây cỏ mọc trùm lên vài cọc sắt nghiêng ngã và những đoạn hàng rào kẽm gai rỉ sét. Nơi đây ngày xưa chính là đồn nghĩa quân xã. Vài kỹ niệm cũ của anh và Rạng những khi vô đó chơi hiện ra như những bóng mây bay xa cuối chân trời. Lắm cúi đầu liếc nhìn đứa em bên cạnh rồi tiếp tục bước đi trên mặt lộ mấp mô. Anh nhớ nhà của Rạng cách đồn gần trăm mét, nên chân vừa đi mắt vừa nhìn hàng cây ven đường. Nhưng cảnh vật có vẻ đã thay đổi nhiều sau hai năm. Đang bước đi, Lắm dừng lại nhìn chổ hai cây cột gổ đứng trơ trọi bên những bụi cây cỏ mọc hoang. Trong đầu anh nhớ căn nhà của Rạng nằm ngay tại chổ này. Anh xoay người về phía bờ rạch, cây mắm cao lớn ngày xưa vẫn còn đó, nơi anh và Rạng cùng mấy đứa bạn trong xóm leo trèo đùa nghịch hàng ngày. Đứa em trai lúc này nhắc nhỏ :
    -Nhà anh Rạng hồi xưa ở đây nè anh Tư
    Lắm gật đầu nhưng không trả lời, thất vọng đưa mắt nhìn xung quanh rồi định quay trở lại. Lưỡng lự một lúc, anh đi thêm vài bước trên con lộ hy vọng gặp được người quen trong xóm cũ để hỏi thắm, nhưng xung quang cảnh vật mang vẻ đìu hiu buồn bã. Đến đứng dưới gốc cây mắm cao lớn, anh nhìn xuống dòng nước cuốn những chiếc lá vàng úa chảy ngược vô trong rừng. Con nước bên trong rạch theo thủy triều đang lớn dần. Một chiếc xuồng ba lá trờ tới giữa hai hàng cây. Lắm nhìn hai vợ chồng người đàn ông mặc áo quần bà ba đen dang nhẹ tay vung chèo. Lúc họ đến gần, cả hai nhìn anh rồi người đàn bà gọi :
    -Cậu Lắm, vô tìm nhà thằng Rạng hả. Lâu quá mới gặp, cậu ở bên Cà mau vô hả ?
    Lắm chỉ kịp gật đầu, anh nhìn khuôn mặt đượm buồn lẫn chút lo lắng của vợ chồng chú Tư gần nhà anh trong xóm cũ. Thím Tư nhìn xung quanh rồi chỉ tay về cuối con rạch nói nhanh :
    -Cậu và đứa em lên xuồng đi, để tui và ổng chở vô nhà mới của ba má thằng Rạng ở sâu trong đó
    Chiếc xuồng cặp sát vào bờ, anh và đứa em vừa bước xuống là chú Tư ngồi phía sau chèo mạnh tay cho nó lướt đi. Từ ngày chiến tranh chấm dứt, mọi thứ hầu như bị thay đổi nhiều. Hai năm sống ở Cần Thơ, Lắm nghe nhiều người dân ở đó lâu năm thỉnh thoảng buột miệng than thở. Về Cà mau anh cũng thường nghe mọi người kêu lên như vậy.
    -Nhà Rạng dời vô trong xóm sau ngày 30/ 4 hả chú ?
    Ông ta gật đầu, bà vợ chèo sát vô bờ nói ;
    -Tới nhà thằng Rạng rồi, chút nữa cậu lên gặp ba nó trên nhà
    Anh hiểu ý nên im lặng chờ chiếc xuồng dừng lại
    -Cám ơn chú thím
    -Lắm, mày đi tới một chút thấy căn nhà lá đó nghe
    Hai anh em Lắm bước lên bờ. Cả hai đi theo hướng chỉ tay của chú Tư trên con đường đất bây thu nhỏ lại như lối mòn. Vào sâu thêm độ trăm mét thì thấy có ngôi nhà lá nằm giữa những vồng khoai và vườn rau. Ngày xưa nơi đây là khu đất hoang cây cối mọc như rừng, đi sâu thêm nữa là nghĩa địa nơi chôn cất người chết trong xã nằm trên một gò cát cao. Lúc đến trước căn nhà lá, nhìn thấy ba má Rạng đang ngồi trên tấm phản, Lắm lên tiếng chào :
    -Chào hai bác, cháu là Lắm, hồi xưa ở cùng xóm … bạn của Rạng
    Sau một lúc ngỡ ngàng nhìn hai anh em Lắm, bà Mười, má của thằng bạn thốt lên :
    -Ủa, cháu đó hả Lắm, còn thằng nhỏ em mày phải không ?
    Ông Mười xích người ra tận mép phản nhìn anh với đôi mắt lộ đôi chút dò xét rồi hỏi
    -Mày về ngoài Cà mau bao lâu rồi mới vô đây ?
    Bà Mười chỉ ba chiếc ghế gổ nói
    -Hai đứa ngồi đó cho đở mỏi chân
    Anh ngồi lên ghế thở nhẹ rồi đáp
    -Dạ, nó là thằng út trong nhà. Cháu từ Cần Thơ về Cà mau được hai ngày rồi qua tìm Rạng. Lúc nãy tìm không ra nhà, may nhờ chú thím Tư chèo xuồng ngang qua thấy cho quá giang vô đây Má Rạng rót hai ly nước bỏ lên mặt phản
    -Hai đứa uống nước đi, mới sáng mà trời nóng quá
    Lắm nhìn họ hỏi
    -Nghe chú thím Tư nói Rạng đi khỏi xóm, còn anh Lên chết rồi phải không bác ?
    Sau câu hỏi của anh, không khí trong căn nhà lá trở nên nặng trịch. Bà Mười cố giấu những giọt nước mắt nhìn Lắm. Ông Mười ngồi rút chân lên, hai cánh tay vòng qua ôm đầu gối nhìn ra vườn rau gật đầu nói
    -Rạng bỏ đi mất lâu rồi, còn thằng Lên anh nó chết hồi tháng 6 năm 75
    -Lúc cháu và gia đình dọn ra Cà mau đó – tiếng bà Mười nói
    Đứa em trai của Lắm bỏ ra ngoài đi lòng vòng quanh những luống khoai. Không gian giữa vườn cây bên con rạch nhỏ thật yên tĩnh. Ông Mười nói tiếp
    -Lúc thằng Lên làm lính nghĩa quân xã, mày với thằng Rạng vô đồn chơi hoài. Sau 30 tháng 4, nó ở nhà đi làm rẩy với thằng Rạng, rồi lúc rảnh hai đứa chèo ghe bắt tôm cá sống qua ngày. Qua tháng năm, xã bắt nó và lính nghĩa quân cũ đi lao động tuốt trong rừng đước. Nói đi làm hai, ba tuần gì đó rồi thả về. Đi được gần nữa tháng thì bên xã đội tới nhà báo là thằng Lên không chịu vô rừng chặt củi mà bỏ trốn nên bị du kích rượt theo, còn nghe mấy đứa khác sau này về kể lại là nó bị bắn chết sau khi cự nự vì bắt làm cực khổ mà không cho ăn nên đói quá
    Bà Mười buồn bả nói nhỏ
    -Du kích chôn nó trong đó luôn, không cho đem về nhà
    -Người bắn nó tên thằng Là cụt, ở xã bên kia, bàn tay trái của nó bị cụt hai ngón cuối lúc đánh nhau với lính Mỹ ở tuốt U minh
    -Còn Rạng tại sao bỏ đi bác ?
    Lắm nhìn thấy nổi buồn và lo lắng còn đọng lại trên khuôn mặt của ông Mười. Người đàn ông chậm chạp nói
    -Kể cũng gần hai năm rưỡi từ ngày nó bỏ trốn. Mấy tháng sau khi thằng Lên chết, thằng Là cụt qua làm xã đội ở đây. Tụi nó có chiếc ghe gắn máy đuôi tôm trên huyện cấp để chạy đi tuần lòng vòng trong xã. Tối về có khi ghe nó đậu trong con rạch này, có đêm nó đậu ở mấy con rạch khác. Nhà nó ở xã bên kia nên nhiều lúc nó nhậu với tụi kia rồi ngủ luôn dưới đó
    -Rạng có bị tụi nó kiếm chuyện không ?
    -Tụi ở xã không nói gì nó, còn nó thì cũng làm ruộng rẩy như lúc trước – ông Mười chỉ tay ra rẩy khoai bên ngoài – gặp Là cụt bắn anh nó ngoài lộ, nó im lặng chịu nhịn, tính nó hiền hơn thằng Lên. Nó siêng lắm, chèo ghe một mình giăng câu rồi vô rừng bắt cá về làm khô dể dành, có dư đem ra chợ bán chút đỉnh lấy tiền. Vậy mà có lúc nó với ở nhà tính bỏ lên Cần thơ nhờ mày quen dẫn đi làm
    -Tự nhiên Rạng bỏ nhà đi không nói cho ai biết hả bác ?
    Ông Mười lắc đầu
    -Cũng có chuyện, không biết là phải nó làm hay không … Trong xóm nói, tối đó ghe của xã đội đậu tuốt trong con rạch giáp với xã bên kia, có thằng Là nhậu với hai thằng du kích bên đó, tụi nó say nên ngủ lại dưới ghe. Giữa đêm nghe tiếng nổ lớn, sáng hôm sau dân trong xóm đồn nổ dưới chiếc ghe đậu mé rạch, Là cụt với một đứa nữa chết, một đứa bị thương nặng. Thằng Rạng nó đi mất từ đêm đó
    Lắm giật mình. Lúc chiến tranh vừa dứt vào ngày 30/ 4 năm 75, anh và Rạng mới vừa qua 16 tuổi. Nó chưa bao giờ nói căm thù hay muốn bắn giết ai. Xã này cũng gần Cà mau nên cũng không thấy du kích mò về phá phách nhiều. Ngòai đồn nghĩa quân gần chợ thỉnh thoảng chỉ có vài tiếng súng bắn xuống sông hay lên trời như nhắc nhở mọi người về sự hiện diện của những người lính ở đó.
    -Tụi xã có đến tìm nó không bác Mười ?
    -Tới chiều công an, du kích tới nhà hỏi nó, tui nói nó đi đâu mất từ sáng đến giờ. Họ hỏi biết nó ở đâu không, kêu nó về, tui nói không biết nó ở đâu, không biết có vô rừng bắt cá rồi đi lạc trong đó. Tới nhiều lần lắm, lần nào cũng tra hỏi chổ nó trốn. Công an bắt những người bị nghi ngờ lên điều tra, sau đó tụi nó thả về. Hai năm rồi không biết nó còn sống không, không nghe tin tức gì của nó
    -Còn hai chị gái của Rạng bây giờ đi đâu ?
    -Chị Ba, chị Hai nó lấy chồng, người lên Sóc Trăng, người ở Cà mau. Một hai tuần chị Hai nó ở Cà mau có về đây cho ít gạo mắm
    Lắm nghĩ câu chuyện này chưa chấm dứt ở đây. Chắc Rạng buồn tình bỏ đi đâu đó. Không biết cái chết của hai tay du kích có phải do Rạng hay người khác ra tay. Anh thấy đến lúc phải đi về nên ghi lại địa chỉ nhà ở Cà mau và chổ hợp tác xã nơi đang làm việc trên Cần thơ gửi lại cho ba má Rạng
    -Đây là số nhà ba má ở bên Cà mau và chổ ở của cháu trên Cần thơ
    -Cháu làm chổ hợp tác xã bán cá mắm ở trên đó hả - má Rạng hỏi
    -Dạ, cháu xin vô làm công nhân bốc vác trên ghe
    Rồi anh chào họ ra về. Lúc đi qua cái chợ xã, vừa đến chổ cột chiếc xuồng dưới gốc cây bần thì nghe có tiếng gọi :
    -Anh Lắm
    Quay người lại, phía sau Lắm là một cô gái đội nón lá che gần hết khuôn mặt, bên hông cắp cái thúng có mớ rau xanh. Cô gái mỉm cười
    -Anh về đây chơi hả, còn nhớ em không ?
    -Ủa Thẩm, tui từ Cà mau mới qua đây sáng nay, còn nhớ … Thẩm bán ở chợ này hả ?
    Cô bạn gái cũ ngày xưa hơi mắc cở hơi cúi xuống
    -Dạ, em cũng nghỉ học đi bán phụ ba má – cô ngừng lại một chút rồi nói nhỏ - em nghe trong xóm nói anh Lắm lên Cần thơ
    Lắm thấy bối rối nên trả lời ấp úng
    -Ờ … lên làm trên đó
    -Anh mới vô thăm ba má Rạng hả ?
    Lắm gật đầu
    -Ờ, mới trong đó ra
    Thẩm nhìn anh nhưng không nói thêm gì. Mặt trời đã lên cao ngay trên ngọn cây bần
    -Tui về nghe, khi nào Thẩm có qua Cà mau ghé nhà tui chơi hay có lên Cần thơ đến hợp tác xã Tam Thắng chổ tui làm
    Cô gái đưa tay giữ vánh nón lá, hai mắt hơi nheo lại lắc đầu nhẹ rồi hỏi:
    -Anh Lắm làm ở hợp tác xã hả ?
    -Ờ, tui xin làm công nhân theo ghe xuống Châu đốc, Kiên giang mua cá mắm, phụ khuân vác hàng …
    -Thôi vậy về đi, có qua Cà mau em ghé thăm nhà ba má anh, còn Cần thơ xa quá, biết chừng nào em mới lên đó …
    Nghe Thẩm nói, Lắm cười rối chỉ đường nhà anh bên Cà mau cho cô bạn gái dễ tìm.
    Chèo xuồng ra gần giữa rạch, anh quay lại cười nhìn Thẩm cắp cái thúng đi về dọc hàng cây bên lộ. Trên đường về ngồi sau lái, Lắm thấy vừa vui vừa buồn. Từ ngày anh rời xóm nhỏ ra đi, mọi thứ đã thay đổi nhiều. Những người hàng xóm cũ anh gặp lại đều không vui, cuộc sống ở đây khó khăn hơn ở một thành phố lớn như Cần thơ.
    Ba năm sau, Lắm vẫn đang làm việc ở chổ cũ. Do có chút ít chữ, anh lên làm nhân viên phụ thu mua của hợp tác xã thay cho công việc khuân vác nặng nề hôi hám. Mỗi tháng theo chiếc ghe có tài công, anh và một bốc vác xuống các bến cá dọc miền biển Bến Tre, Sóc trăng, Cà mau, Hà tiên và thỉnh thoảng ra tận Phú quốc mua hàng về bán cho người dân Cần thơ. Cũng may nhờ công việc này, anh không về Cà mau nên trốn được lịnh gọi nhập ngũ vô bộ đội đánh nhau với tụi Khmer đỏ. Những lúc ngồi trên chiếc ghe bầu lớn chạy miệt mài trên sông nước, đầu óc Lắm lại nhớ đến Rạng và lúc gặp Thẩm sau buổi chợ bên bờ rạch. Anh không dám viết thư về nhà nên không biết Thẩm cũng thường qua thăm ba má anh.
    Một buổi chiều chủ nhật, Lắm đang ngồi trong căn nhà gổ nhỏ trống hoác kế kho hàng của hợp tác xã nằm bên bờ con rạch gần nơi neo đậu của những chiếc ghe ở vùng ngoại ô Cần thơ. Chỉ có anh và ông già bảo vệ coi sóc tài sản, hàng hóa chất trên bờ. Có tiếng bước chân đi tới rồi dáng ông bảo vệ đứng ngay cửa nói:
    -Lắm, có người hỏi tên cậu ở ngoài bờ rạch
    Anh nghĩ đến người nhà hoặc Thẩm nên hỏi lại :
    -Đàn ông hay đàn bà chú Sáu ?
    -Ông này chạy xe lôi đạp
    Tưởng ai ở trên văn phòng nhắn chuyện gì, Lắm mặc lại áo rồi đi ra cổng. Đến nơi, ông già bảo vệ chỉ tay về hướng một người đàn ông chừng 40 chục tuổi, đầu đội nón vải kiểu du kích, da đen đúa ngồi xổm dưới bóng mát bụi cây bình bát gần bờ rạch. Anh đi tới và gật đầu chào, ông ta đứng dậy
    -Anh tên Lắm, nhà ở Cà mau ?
    -Dạ đúng, tui tên Lắm … nhà Cà mau
    Ông ta móc một tờ giấy gấp làm tư từ trong túi áo kaki bạc màu đưa anh
    -Có người nhờ tui cầm thơ này đưa cho anh, họ dặn đúng anh mới đưa
    -Người đó có nói tên gì không chú ?
    Ông ta lắc đầu
    -Họ nhờ tui đưa, không nói tên …
    Vừa nói xong người đàn ông phóng lên yên chiếc xe đạp chạy về phía con đường đất đỏ dẩn ra quốc lộ. Lắm bỏ phong thư gấp tư vô túi quần rồi quay trở lại kho hàng. Đi ngang qua cổng, ông già bảo vệ bỏ điếu thuốc lá trên môi xuống và hỏi
    -Thơ dưới Cà mau gửi lên hả ?
    Lắm cười gật đầu
    -Dạ, của nhà dưới đó gửi lên hỏi thăm đó chú, lâu quá không thấy về, ba má tui hỏi coi có khỏe không
    Anh vừa đi vừa suy nghĩ, nhưng không thể đoán ra ai là người gửi bức thơ. Có lẽ trong thơ có chuyện gì đó đặc biệt nên người đàn ông mang nó đến hỏi Lắm cẩn thận trước khi đưa. Cũng hay là nhằm ngày chủ nhật nên chỉ còn ông già bảo vệ và anh ở lại trông coi kho bãi. Về đến căn chòi gổ, xé cái phong bì bằng giấy màu trắng ngà nham nhám tay, Lắm mở tờ thơ ra. Khi đọc những dòng chữ đầu tiên, anh hết sức bất ngờ và nén cảm xúc xuống vì đó là thơ của Rạng. Lắm ngẩng đầu lên nhìn ra chổ chòi bảo vệ và xung quanh nhà kho rồi từ từ đọc bức thơ

    “ Lắm thân,

    Hy vọng mày nhận được thơ này của tao. Rạng bạn mày ở xóm cũ đây. Bây giờ tao được định cư ở bên Mỹ, đang học tiếng Anh và nghề cơ khí để sau này đi làm trong hãng. Tao khỏe lắm nhưng nhớ nhà và mày nhiều. Tao nhờ người trên Saigon gởi thơ cho ba má tao được hai lần, sẳn nhờ người quen vượt biên chung ở Cần thơ gởi thơ cho mày luôn. Chuyện tao trốn khỏi xóm vì dính đến vụ du kích bắn chết anh Lên trong rừng đước tao kể lại rõ ràng cho mày biết.
    Sau ngày 30/ 4 được gần một tháng, bên xã bắt anh Lên và những người làm việc cho chế độ cũ vô rừng chặt củi. Xóm mình không có ai theo du kích nên xã đem tụi du kích ở xã kế bên qua theo coi để khỏi ai bỏ trốn. Trong đó có thằng tên Là cụt, nó làm đội trưởng chỉ huy năm đứa khác hàng ngày dẫn mọi người trong xóm mình đi chặt củi rừng. Được gần nửa tháng, xã vô nhà báo anh Lên định cướp súng bỏ trốn nên bị bắn chết chôn tuốt trong đó. Ở nhà ba má tao buồn lắm, nghi ngờ có chuyện gì đó nhưng không dám thưa gởi, vì không biết làm đơn gởi ai. Sau này mấy người kia về lén gặp ba má tao nói lại là anh Lên không chịu đi làm vì đói quá. Ảnh cự lại tụi xã nên buổi tối đang ngủ, thằng Là kêu du kích dẩn ảnh ra ngoài rừng bắn chết. Rồi trên xã xuống nhà kiếm chuyện làm khó dễ nên ba má tao bỏ nhà cũ gần đồn về cất nhà mới trong rẫy gần đất nghĩa địa. Thằng Là cụt về làm xã đội ở xóm cũ của mình. Nhiều người ghét nó lắm vì hay hạch hỏi, hăm dọa bắt đi lao động cải tạo. Tao ức nó lắm, có lúc muốn lên Cần thơ nhờ mày tìm việc làm cho khỏi đụng chạm. Nhưng nghĩ lại phải trả thù thằng Là cụt trước khi đi khỏi xóm. Hàng ngày tao lấy ghe vô rừng chặt củi, bắt cá để biết sông rạch trong đó, giả bộ hỏi thăm dân đánh cá mấy xã xung quanh nên biết tụi du kích và thằng Là cụt có tối đi tuần xong, nó ở dưới ghe nhậu với mấy đứa khác rồi ngủ luôn ở đó. Mấy luc đi giăng câu, tao lặn mò được ba trái lựu đạn dưới rạch đem giấu trong rừng gần nhà. Tao không nói cho ai ở nhà hay chuyện trả thù này. Tính toán xong và chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, chiều đó đi câu về tối, để ý thấy ghe của thằng Là cụt đậu ở giữa con rạch giáp hai xã, tao trở vô rừng lấy ba trái lựu đạn giấu dưới mớ củi. Ăn cơm chiều xong, tao giả bộ bị bệnh đi ngủ sớm. Chổ tao ngủ ở chái sau nhà nên có động đậy thức giấc ít ai để ý. Gần giữa khuya, tao lấy gói đồ bọc trong tấm ni-lông chuẩn bị sẳn và ba trái lựu đạn rồi lội xuống rạch đi về chổ chiếc ghe của thằng Là cụt. Tới nơi tao ngồi trong bụi cây nghe ngóng một lúc rồi leo lên ghe thấy im lìm. Tụi nó ba đứa uống rượu xong nằm ngủ trong lòng mui chiếc ghe. Thấy rõ có thằng Là ở đó, tao gài ba trái lựu đạn rồi lội qua bên kia rạch đi bộ vô tuốt trong rừng. Đi được một lúc lâu, chắc cũng xa chổ chiếc ghe, nghe có tiếng nổ lớn vọng lại giữa đêm khuya.
    Như đã tính trước, tao đi suốt đêm về phía mật khu của việt cộng trong rừng U minh gần biển vì biết ở đó bây giờ không có ai. Vụ này tao biết được là nhờ hay hỏi chuyện mấy người đi làm củi, bắt tôm cá, lấy mật ong và cũng đã chèo ghe thử vô đó vài lần “.
    Đọc đến đây, Lắm không ngờ Rạng ngày xưa hiền queo hay đùa giởn lại lanh lẹ và gan lì như vậy. Anh cúi xuống đọc tiếp

    “ Tao đi như vậy ba ngày liền, lội bùn băng rừng qua những nơi có nhiều cây cối xa xóm làng, thường thì lội băng qua kênh rạch ban đêm để tránh du kích. Đói bụng thì lấy khoai phơi khô ăn đỡ đói, uống nước sông. May mắn có một lần buổi chiều vừa xuống tao vừa lội qua một con kênh vắng thì xuồng chở du kích chèo tới. Nằm trong bụi ô-rô nghe có thằng nói chắc tao không chạy vô đây trốn vì chổ này sình lầy và xa xôi quá. Bữa đó tao sợ quá nên nằm im cho đến tối mới dám đứng dậy đi tiếp.
    Vô được rừng U minh, tao lội sâu bên trong cho chắc ăn. Ngày xưa là mật khu của việt cộng nên cây cối rậm rạp, dân chặt củi bắt cá cũng không chèo xuồng vô sâu trong này. Có sẳn dây câu, tao câu cá rồi tối mới dám đốt lửa nướng ăn. Cá tôm dưới rạch nhiều lắm, rồi muỗi cũng nhiều. Nhưng tao cũng ít đi lung tung vì sợ bị du kích hay người khác thấy. Mấy tuần sau, biết không có ai vô đây, tao mới lần mò tìm đường về Kiên giang, Rạch giá. Một hôm tao lạc vô một chổ có mấy căn nhà tranh nằm trên gò đất khô giữa những cây đước già. Có lẽ là nơi đóng quân của việt cộng, tao tìm thấy dưới một căn hầm còn lại nhiều giấy tờ trong túi đeo vai của tay cán bộ chỉ huy, tụi nó còn bỏ lại mấy cây súng và đạn, quần áo, tiền bạc … sau khi rút ra thành phố. Xen kẽ những chổ đất trống có trồng khoai bên cạnh có mạch nước ngọt chảy rỉ rỉ ngày đêm. Tao ở chổ đó hơn hai tháng nữa, hằng ngày lội kênh bắt cá, đào khoai ăn. Có lúc thấy ghe vô sâu tận trong này bắt cá cua rồi chèo ra. Khi rảnh không biết làm gì, tao đọc mấy thứ tài liệu, giấy tờ của việt cộng bỏ lại. Đến khi mưa bắt đầu rơi nhiều, tao lấy hai bộ quần áo còn tốt và giấy tờ, thêm cây súng ngắn để đóng giả một tay cán bộ tìm đường ra Rạch giá đến Hà tiên rồi sau đó lên Châu đốc qua Miên. Nhờ mặc quần áo, giấy tờ và đeo túi như một tay cán bộ đi công tác, thêm da đen mốc vì phèn nắng nên tao xin đi quá giang ghe, xe đò trót lọt. Tao nhớ lúc đến Hà tiên, buổi trưa đó tao đi ngang qua chổ có mấy chiếc ghe đậu bên bờ kênh, bất ngờ gặp mày đang vác thùng mắm từ trên bờ lên ghe, muốn đứng lại nói chuyện nhưng gần đó có nhiều người khác nên tao đi qua luôn “.
    Lắm ngẩn người nhớ lại, ngày đó anh đang vác thùng mắm cá thì thấy có một tay cán bộ đội nón vải, cổ quấn khăn rằng đen, vai mang cái túi chéo ngang ngực, chận đi dép râu tay cầm điếu thuốc dừng lại nhìn một lúc rồi đi luôn. Thì ra đó là Rạng

    “Ở Hà tiên táo đóng vai bên an ninh tìm bắt ngụy quân, ngụy quyền lấy trộm tàu ghe trốn ra nước ngoài. Rồi tính qua đất Miên nhưng nghe dân vùng biên giới cho biết có đánh nhau với lính Khmer đỏ nên không thể đi qua đó. Tao tính lên Châu đốc rồi từ đó theo ghe lên thành phố Saigon. May có một bữa tao nhậu với một tay du kích, lúc say tay này cho biết có nhiều người muốn vượt biên qua Thái lan mà không cách nào đi ra khỏi cửa biển. Hắn hỏi tao bên công an có xin giấy phép ra đảo công tác sẳn đó đi luôn hoặc bán lấy vài cây vàng. Sẳn trong túi còn lại mấy tờ giấy đã đóng dấu của tay cán bộ trong rừng U minh. Tao suy nghĩ kỹ rồi đồng ý cùng đi vì biết ở lại sẽ gặp nguy hiểm nếu bị phát hiện. Đi thì hên xui, nhưng nếu thoát được qua Thái lan thì sống. Đồng ý xong xuôi, tay du kích lo tổ chức rồi tới ngày lên ghe. Chiếc ghe ra đảo Phú quốc thu mua cá biển nhưng dưới hầm có hơn mười người nằm dưới mấy cần xế, thùng không. Tài công của hợp tác xã lái ngang đồn biên phòng, tay kia lên trình giấy tờ và ghe đi thẳng ra biển rồi chạy luôn qua Thái lan. Bây giờ tao không phải lo sợ nữa như ở VN nữa. Nhưng tao nhớ nhà và mày nhiều lắm.
    Có chuyện này, lúc mày theo gia đình qua Cà mau sống rồi sau đó lên Cần thơ, tao gặp Thẩm vừa nghỉ học ở nhà làm rẩy rồi mua bán ở chợ. Nhà Thẩm nghèo, ba làm viên chức cũ ngoài xã nên cũng bị không biết làm gì ngoài vô rừng chặt củi hầm than về bán. Thẩm hỏi thăm tao hoài, nói không biết mày lên Cần thơ rồi mai mốt có về Cà mau lại không. Thẩm có vẻ yêu mày từ lúc còn đi học đó. Mày còn nhớ Thẩm không ?
    Nhận được thơ của tao, mày viết thơ cho chị Ba ở Sóc trăng theo địa chỉ tao gởi nói là có gặp vợ chồng chị Hai trên Cần thơ. Chị Ba có lúc lên Saigon sẽ nhờ người gởi thơ qua cho tao biết.
    Viết thơ cho tao nghe. Tao chờ đó

    Bạn thân của mày,
    Rạng

    Bức thơ của Rạng viết cho anh đến đây là chấm dứt.
    Lắm tiếp tục làm nhân viên ở hợp tác xã. Hàng tháng theo ghe ra các vùng biển mua cá mắm về bán ở Cần thơ. Anh gửi thơ cho người chị thứ ba của Rạng như được căn dặn và viết thơ về nhà nhờ đứa em chèo xuồng qua xóm cũ đưa thơ tay của anh cho Thẩm.
    Chuyện vượt biên ngoạn mục của Rạng luôn nung nấu ý định ra đi của anh. Bây giờ Lắm chỉ còn chờ thời cơ vì anh đã móc nối được với ông tài công chiếc ghe tải thường hay xuống Kiên giang hai tháng một lần. Ông ta đồng ý ra đi nếu cả gia đình ông ta và vài người nữa được đi theo. Còn Lắm thì suy nghĩ tìm cách đưa Thẩm theo trên chuyến vượt biên này khi lần tới chiếc ghe xuống Kiên giang lấy hàng cá mắm trước Tết. Anh sợ làm lâu trên ghe, ban chủ nhiệm hợp tác xã sinh nghi ngờ vì tình hình tàu ghe bỏ nước ra đi mổi lúc một nhiều. Họ sẽ chuyển anh lên coi kho trên bờ thì mọi cơ hội sẽ chấm dứt.


    Vũ Phan


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X