Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Công Tác Giải Cứu Các Phi Công Hoa Kỳ Bị Bắn Rơi Tại Quảng Trị, ....

Collapse
X

Công Tác Giải Cứu Các Phi Công Hoa Kỳ Bị Bắn Rơi Tại Quảng Trị, ....

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Công Tác Giải Cứu Các Phi Công Hoa Kỳ Bị Bắn Rơi Tại Quảng Trị, ....

    Công Tác Giải Cứu Các Phi Công Hoa Kỳ Bị Bắn Rơi Tại Quảng Trị, Tháng Tư Năm 1972
    Nguyễn Văn Phúc
    (Bài viết đã đăng trong Đặc San Sóng Thần 2008 của Thủy Quân Lục Chiến.)

    Lời nói đầu:

    Trận chiến Quảng Trị năm 1972 đã được nhiều người viết lại dưới nhiều góc cạnh khác nhau, trong bài viết nầy người viết chỉ ghi lại một biến cố rất ít người quan tâm và biết đến, cuộc giải cứu ba phi công Mỹ bị bắn rớt gần cầu Cam Lộ trong những ngày đầu cuộc chiến. Đây là cuộc giải cứu được coi là tốn kém nhân mạng, nhân dụng (phi cơ) nhất trong cuộc chiến Việt Nam, và nó cũng tạo ra một cuộc tranh luận về việc thất thủ thành phố Quảng Trị.

    30 tháng Ba

    Thời tiết xấu thật, Thiếu tá Dave Brookbank nói thầm khi ông đang bay trên cao độ ba ngàn bộ, chung quanh chiếc phi cơ quan sát 0-1 dầy đặc các tầng mây, trải dài ra thật xa, quá tầm nhìn. Thật là không khá được, ông cần xuống thấp để quan sát vì có nhiều tin đồn và tin tình báo cho biết quân Bắc Việt đang chuẩn bị tấn công vào tỉnh Quảng Trị. Brookbank tìm thấy một khoảng trống đủ cho phi cơ chui ra khỏi đám mây dầy đặc kia. Phi cơ xuống thấp khoảng một ngàn bộ, ông và người phi công quan sát quân đội miền Nam đang bay ở phía nam, sát vùng phi quân sự, sau khi xác định được vị trí, ông quan sát và nhìn thấy các đường mòn và đường lộ đã và đang được dùng thường xuyên. Nhưng ông muốn tìm pháo binh, pháo binh Bắc Việt, nguyên buổi sáng hôm nay, các vị trí tiền đồn thuộc Sư Đoàn 3 Bộ Binh báo cáo bị địch pháo kích liên tục, ông muốn tìm các khẩu pháo của địch quân, có lẽ để phản pháo, hoặc nếu có thể, gọi phi cơ đến oanh kích.

    Và ông nhìn thấy lá cờ, lá cờ thật lớn của Bắc quân treo trên chiếc cột bên kia cầu Bến Hải, ranh giới giữa hai miền Bắc và Nam, thường thì địch quân không dám dầy mặt như ngày hôm nay, chúng có vẽ coi thường các phi cơ quan sát. Ông định bắn quả đạn khói vào ngay cột cờ thì nhìn thấy một tên lính địch đang đứng gần một lùm cây, ông chúi mũi phi cơ, hướng về phía tên lính, hắn vội chạy núp vào các bụi cây, giống như trò chơi cút bắt. Thiếu tá Brookbank mở cửa sổ phòng lái và dùng cây Carbin-15 bắn vào tên địch, ông bắn hết băng đạn và khi đang thay băng đạn mới, tên địch xuất hiện với cây AK, hắn nhắm bắn vào chiếc phi cơ. Ông vội cất cánh bay cao lên và cảm được những viên đạn bay đuổi theo phi cơ, khi đã bay trên cao độ an toàn, ông biết được không phải đạn AK mà là nhiều loạt súng lớn khác bắn vào phi cơ ông.

    Khi bay xa về hướng nam, ông nhận thấy nhiều cụm khói bốc lên từ phía bắc vùng phi quân sự, và đồng thời trong hệ thống vô tuyến liên lạc truyền tin sôi động hẳn lên, người phi công quan sát ngồi phía sau báo cho ông biết địch quân đang pháo kích dữ dội vào các căn cứ hỏa lực của quân bạn. Brookbank nhìn vào đồng hồ tay, lúc ấy, đúng 12 giờ trưa ngày 30 tháng 3 năm 1972. Ông và người bạn đang ở đúng vào chỗ và cũng là những chứng nhân của cuộc tổng tấn công của quân đội cộng sản Bắc Việt, tràn xuống vĩ tuyến 17 đánh vào tỉnh Quảng Trị, mở màn cho trận chiến ngày lễ Phục Sinh hay trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa vang danh nầy.

    Vào lúc 12 giờ trưa ngày 30-3-1972, cộng sản Bắc Việt tập trung pháo binh từ hai Trung đoàn 38 và 68 pháo binh cộng với Trung đoàn hỏa tiễn 84 đồng loại pháo kích dữ dội vào các căn cứ trong vùng giới tuyến: Carroll, Mai Lộc, Sarge, Holcomb, núi Bá Hộ, Alpha 2, Alpha 4, Charlie 1, Charlie 2, Khe Gió, Fuller, và các căn cứ quân sự tại Đông Hà và Quảng Trị. Ngay lúc ấy cũng là thời gian hai Trung đoàn 2 và 56 trực thuộc Sư đoàn 3 Bộ Binh hoán chuyển vùng, Trung đoàn 56 sẽ đến căn cứ Carroll và hai căn cứ tiền phương Khe Gió và Fuller thay cho Trung đoàn 2, tiểu đoàn đầu từ căn cứ Charlie 2 đến được Khe Gió trước buổi trưa, bộ chỉ huy trung đoàn và các đơn vị tiếp vận vào tới căn cứ Carroll, Tiểu đoàn 1 đang trên đường đến Fuller thì trúng pháo địch, tiểu đoàn này không bao giờ tới Fuller được, tiểu đoàn bị thiệt hại nặng và số quân còn lại chỉ liên lạc được với bộ chỉ huy trung đoàn vào nhiều ngày sau. Sau trận mưa pháo kinh hoàng, Bắc Việt huy động các đơn vị chủ lực thuộc các Sư đoàn 304, 308 cùng với các Trung đoàn biệt lập 31, 246, 270, Trung đoàn đặc công 126 và hai Trung đoàn chiến xa 203, 204 đồng loạt tràn qua khu phi quân sự chia làm bốn mũi tấn công vào các vị trí phía tây và bắc Quảng Trị do các đơn vị thuộc Sư Đoàn 3 và các Tiểu đoàn 4 và 8 Thủy Quân Lục Chiến trấn đóng.

    Hai mũi tấn công đầu nhắm vào hai căn cứ Fuller và Cồn Thiên thuộc phạm vi của Trung đoàn 2, mũi tấn công thứ ba vào Trung đoàn 57 tại các căn cứ Alpha 1 và Alpha 2, mũi tấn công thứ tư nhắm vào các căn cứ Sarge, Núi Bá Hộ và Holcomb do hai Tiểu đoàn 4 và 8 TQLC trấn giữ.

    Đại pháo của Bắc quân tiếp tục bắn dữ dội vào các căn cứ quân bạn, về phía bắc các vị trí tiền đồn của các căn cứ Alpha 1,2,3 và 4 đã thấy tiền quân địch xuất hiện, tại phía tây các đơn vị của Sư đoàn 308 cũng đang vào vị trí chuẩn bị tấn công căn cứ Sagre và Núi Bá Hộ do những người lính Tiểu đoàn 4 TQLC giữ, tại Holcomb (chỉ có hai đại đội của Tiểu đoàn 8 TQLC) quân địch đang mở những cuộc tấn công vào căn cứ.

    Lúc ba giờ chiều, cộng quân tấn công Núi Bá Hộ, những người lính mũ xanh chống trả một cách mãnh liệt nhưng vì thời tiết quá xấu, các phi cơ không thể lên vùng yểm trợ nên các vị trí tiền đồn bị mất dần, đến chiều tối, cộng quân đã có mặt ở ngoài vòng rào kẽm gai phòng thủ.

    Vào lúc 8 giờ tối, một phi cơ Hỏa Long bay đến yểm trợ cho Sarge và Núi Bá Hộ nhưng vì sương mù, chiếc phi cơ này không thấy được vị trí chính xác của quân bạn nên đành phải bay trở về.

    Trong ngày này cộng quân đã bắn mười một ngàn quả đại pháo vào các căn cứ và các làng mạc gây kinh hoàng cho những người dân Quảng Trị.

    Ngày 31-3

    Cộng quân tiếp tục pháo kích và tấn công dữ dội hơn, các đơn vị của Sư Đoàn 3 và TQLC chạm địch liên tục, các căn cứ bộ binh liên tục bị pháo kích, trinh sát và đặc công địch đã tiến sát các vị trí phòng thủ ở Alpha 1,2,3,4 và Charlie 1, 2 dọn đường cho các đơn vị chính quy tấn công dứt điểm, hỏa tiễn 122 ly và đại pháo 130 ly bắn không thương tiếc vào làng mạc, thôn xóm chung quanh căn cứ. Ngoài quốc lộ 1 và 9 dân chúng lo bồng bế dẫn nhau chạy về hướng nam lánh nạn nhưng đường quốc lộ cũng là nơi chuyển quân và là những vị trí mà Bắc quân cần phải tàn phá, những người dân chạy nạn Gio Linh, Cam Lộ và Đông Hà bị trúng đại pháo 130 ly và hỏa tiễn 122 ly chết và bị thương vô số kể.

    Những người lính mũ xanh tại hai căn cứ Núi Bá Hộ và Sarge vẫn cố gắng chống trả những đợt tấn công liên tục của cộng quân nhưng vì thiếu phi cơ oanh kích và pháo binh yểm trợ nên cộng quân đã tiến sát vào căn cứ. Lúc mười giờ tối, Thiếu tá Hòa, chỉ huy cánh B cho lịnh rút khỏi Núi Bá Hộ, cộng quân tập trung quân chuẩn bị tấn công tràn ngập Sarge.

    1 tháng Tư

    Lúc ba giờ sáng, sau khi chịu đựng những trận pháo kích khủng khiếp và những đợt tấn công biển người của cộng quân, Thiếu tá Quang ra lệnh cho cánh A rời khỏi Sarge và rút quân hướng về căn cứ Mai Lộc. Vào lúc tám giờ sáng, tất cả các căn cứ thuộc Sư Đoàn 3 đều chạm địch và có nguy cơ thất thủ, các cố vấn được lệnh di tản khỏi các căn cứ tiền phương. Khoảng 10 giờ 45 sáng căn cứ Cồn Thiên được lịnh di tản, 2 giờ 30 Holcomb rơi vào tay giặc, 2 giờ 50 những người lính bộ binh triệt thoái khỏi Alpha 2, Fuller, Khe Gió. Vào cuối ngày, các căn cứ còn lại cũng rút đi, cuộc triệt thoái được coi như tốt đẹp, công binh được lệnh đặc chất nổ vào các cây cầu chiến lược, nếu cần thiết sẽ giật sập. Nhưng các khẩu súng 105 ly và 155 ly ở Alpha-2 và Charlie-1 đã không được mang theo. Trong ngày nầy, mười một căn cứ quan trọng bị mất, hai căn cứ hỏa lực cuối cùng, Carroll và Mai Lộc bị pháo kích khủng khiếp và có lẽ sẽ bị tấn công.

    Đệ Thất Không Quân Hoa Kỳ bắt đầu phản ứng về tình hình chiến thuật tại vùng phi quân sự, tối hôm ấy họ thông báo cho Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 tại Ái Tử biết họ sẽ cung cấp cho hai mươi lăm phi vụ Skyspots và bảy phi vụ B-52 mỗi ngày, các phi cơ quan sát cũng được tăng cường thêm cho Sư Đoàn 3, Phi đoàn 20 TASS (Tactical Air Support Squadron- Phi đoàn Không Yểm Chiến Đấu) sẽ có những phi cơ chia làm nhiều phi vụ cho 42 giờ mỗi ngày trong vùng hoạt động của Sư Đoàn 3. Các phi cơ quan sát Việt Nam Cộng Hòa vẫn tiếp tục nhiệm vụ của họ, bay chỉ dẫn các phi cơ miền Nam oanh kích địch. Phi đoàn 35 Tactical Fighter- Khu Trục Chiến Đấu từ Kunsan, Đại Hàn sẽ có mặt ở phi trường Udorn, Thái Lan vào ngày 3-4.

    Vào buổi chiều, Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai tổ chức lại việc phòng thủ, sông Miêu Giang – Cam Lộ sẽ được dùng như các chướng ngại vật thiên nhiên, các đơn vị thuộc Sư Đoàn 3 sẽ rút về hướng nam bên bờ nam con sông. Các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân sẽ trách nhiệm phía đông từ bờ biển vào trong khoảng năm cây số, tiếp đến Trung đoàn 57 sẽ trải quân đến Đông Hà, Lữ đoàn 1 Kỵ Binh sẽ phòng thủ thành phố Quảng Trị và vùng phụ cận. Phía trái của Lữ đoàn sẽ do Trung đoàn 2 đảm trách đến tận Cam Lộ, Trung đoàn 56 chịu trách nhiệm giữ căn cứ Carroll. Hướng nam và quay mặt về phía tây là các tiểu đoàn TQLC, họ cũng chịu trách nhiệm giữ hướng nam căn cứ Pedro và giữ an ninh cho Ái Tử, căn cứ nầy sẽ được dùng như bộ tư lệnh tiền phương của Sư Đoàn 3 vì bộ tư lệnh sư đoàn đã rút về Cổ Thành từ sáng sớm.

    2 tháng Tư

    Vào ngày lễ Phục Sinh, công việc phòng thủ của sư đoàn có vẽ được ổn định, chỉ trừ một số lính thất lạc và các thành phần đoạn hậu, phần lớn các đơn vị đã rút về bên nầy sông. Nhìn vào cái bề ngoài dễ bị lầm lẫn nầy, nhiều sự việc sắp sửa xảy ra sẽ làm thay đổi cuộc diện của toàn bộ cuộc chiến, ngày nầy cũng là ngày định mệnh cho nhiều người chiến đấu dưới chiến địa hay trên không trung. Thời tiết vẫn tồi tệ, trần mây thấp làm cho các phi cơ oanh kích không thấy rõ được mục tiêu, việc oanh kích vì vậy bị giới hạn và kết quả không được chính xác cho lắm, tuy vậy không yểm đã gây cho địch quân nhiều thiệt hại.

    Một tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn 57 đang di chuyển trên quốc lộ 1 hướng về Đông Hà, và một thành phần của Trung đoàn 2 vẫn còn ở phía tây bên bờ bắc con sông Cam Lộ, họ là các toán quân đoạn hậu, nhưng họ cũng đang bị chận đánh và có nguy cơ bị bao vây.

    Vào khoảng chín giờ sáng, các quân nhân thuộc Trung đoàn 57 báo cáo nhìn thấy chiến xa địch trên quốc lộ 1 gần căn cứ Charlie 2 đã bị bỏ ngõ, hải pháo từ các tàu chiến ngoài khơi được bắn vào đoàn chiến xa nầy, các phi cơ oanh kích cũng được gọi đến tuy nhiên vì thời tiết xấu nên nhiều phi vụ phải bị hủy bỏ. Lúc nầy các vị chỉ huy miền Nam đã bắt đầu nhận định được ý định của Bắc quân đánh thẳng xuống quốc lộ 1 nhằm chiếm lấy Đông Hà và thành phố Quảng Trị. Các đơn vị thuộc Trung đoàn 57 bắt đầu rút về Đông Hà, Tiểu đoàn 3 TQLC và Thiết đoàn 20 Chiến Xa (chỉ có một tiểu đoàn) đã chuẩn bị phòng thủ thị trấn nầy. Hai cây cầu xe lửa và cầu bộ hành được coi là quan trọng. Phía tây, các người lính cuối cùng thuộc Trung đoàn 2 cũng đã vượt qua cầu Cam Lộ, tuy vậy cây cầu đã không được phá hủy vì địch quân đã ở sát phía sau lưng họ, cây cầu được bảo vệ bởi các khẩu pháo tại căn cứ hỏa lực Carroll, nhưng Carroll đang hứng chịu các cơn mưa pháo tàn bạo của địch quân, tại phía nam căn cứ hỏa lực Mai Lộc cũng đang bị pháo kích dữ dội, cuộc tấn công của Bắc quân vào hai căn cứ này sắp sửa bắt đầu.

    Trên không trung, cuộc chiến cũng bắt đầu mãnh liệt, lúc 2 giờ 30 phút, một máy bay quan sát O-2 thuộc Phi đoàn 20 Không Yểm Chiến Đấu bị trúng đạn phòng không gần vùng phi quân sự, phi cơ bị phát hỏa và làm cho quay vòng. Trung úy Richard Abbott phải leo ra ngoài cửa sổ phòng lái để nhảy ra khỏi phi cơ. Ông bị gãy tay nhưng may mắn vì phi cơ lúc ấy bay ra phía bờ biển, ông được các nhân viên cấp cứu hải quân trên tàu USS Hamner vớt.

    Để giải tỏa bớt áp lực của địch quân, các phi vụ oanh kích theo lối Skyspot hoặc Loran (bom được thả bằng hệ thống điều khiển bằng ra-da) được dự định thả quanh căn cứ Carroll, nhưng vì thời tiết tương đối khả quan, phi vụ bị hủy bỏ, thay vào đó các chiếc khu trục sẽ được gọi đến, một chiếc phi cơ quan sát O-2 lên vùng, họ liên lạc và chuẩn bị cho các phi cơ đến oanh kích và rồi thời tiết lại trở nên tồi tệ, trần mây quá thấp nên phi vụ nầy cũng bị hủy bỏ, chiếc phi cơ quan sát chuyển hướng sang việc tìm kiếm các vị trí đặt pháo của địch quân. Nguyên một buổi sáng, căn cứ Carroll liên tục bị pháo, địch quân cũng mở nhiều cuộc tấn công thăm dò các vị trí phòng thủ tiền đồn, họ thử sức chiến đấu của các người lính trong căn cứ nầy. Nhưng trưa hôm ấy, với nhiều lý do chưa giải thích được, Trung tá Phạm Văn Đính, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 đầu hàng địch quân. Việc nầy làm cho hơn một ngàn người lính trong Carroll trở thành hàng binh và hai mươi hai khẩu súng pháo binh cũng rơi vào tay giặc, và nó cũng tạo một lỗ trống lớn cho việc phòng thủ Quảng Trị, cây cầu quan trọng Cam Lộ nay không còn được bảo vệ.

    Hai viên cố vấn, Trung tá Bill Camper và Thiếu tá Joe Brown cùng một ít quân nhân thuộc Trung đoàn 56 vượt hàng rào kẽm gai phòng thủ, họ liên lạc và được trực thăng CH-47 Lục Quân Hoa Kỳ cứu thoát.

    Trong khi ấy, tại căn cứ Mai Lộc, cộng quân pháo kích liên tục vào căn cứ, có nhiều dấu hiệu cho thấy địch quân sắp sửa tấn công, khi biết căn cứ Carroll rơi vào tay địch, Trung tá Nguyễn Năng Bảo, Lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 147 nhận thấy rõ ba mặt bắc, tây và nam căn cứ nay không còn quân bạn, ông quyết địch rút quân để bảo toàn lực lượng. Cuộc lui quân về thành phố Quảng Trị diễn ra tốt đẹp, trước khi di chuyển, các khẩu pháo được bắn hết đạn và được phá hủy không để rơi vào tay giặc.

    Cùng thời gian ấy, các người lính thuộc Trung đoàn 57 cũng vượt qua được bên nầy cầu Đông Hà với địch quân truy kích sau lưng, cầu Đông Hà được công binh gài chất nổ trước đó. Lúc 1 giờ 30 phút, phía bắc cây cầu được oanh kích bằng lối Skyspot và bị hư hại, tuy vậy cây cầu vẫn còn xử dụng được. Trong lúc các người lính Tiểu đoàn 3 TQLC và Thiết Đoàn 20 Chiến Xa kịch chiến với địch quân, hai viên cố vấn Mỹ, Thiếu tá John Smock và Đại úy John W. Ripley cố gắng gắn thêm các ngòi nổ ở phía nam cây cầu, cuối cùng chiếc cầu được phá hủy, cuộc tấn công của Bắc quân tạm thời bị chận đứng.

    Khi các làn khói bay đi, thời tiết cũng bắt đầu khá hơn, phi cơ quan sát trực thuộc Sư Đoàn 3 lên vùng, họ quan sát thấy nhiều chiến xa địch vẫn còn nằm tại bờ bắc con sông, các phản lực cơ A-1 thuộc phi đoàn 518 (từ Biên Hòa, tăng phái cho vùng hỏa tuyến) từ Đà Nẵng được gọi đến. Trong vòng một giờ, sáu phi đội thay nhau tấn công oanh kích vào các chiến xa và quân lính Bắc Việt, khoảng hai mươi chiến xa bị phá hủy và nhiều địch quân bị thương vong. Một chiếc Skyraider bị hỏa tiễn tầm nhiệt bắn trúng, phi công cố gắng lái tàu về phía nam trước khi nhảy dù ra khỏi phi cơ, nhưng gió lại thổi từ hướng nam, nên chiếc dù bị gió đưa về phương bắc. Những người lính Sói Biển và các người lính Kỵ Binh bó tay nhìn người bạn phi công bị địch bắt sống.

    Đường xuôi nam về quốc lộ 1 bị chận đứng tại Đông Hà, cầu Cam Lộ là chiếc cầu duy nhất còn lại cho con đường chuyển quân về Quảng Trị của cộng quân. Tối hôm ấy, các người lính Mũ Xanh nghe tiếng động cơ của xe tăng địch di chuyển về hướng Cam Lộ. Họ chưa biết chuyện gì đã xảy ra tại Carroll với Trung đoàn 56, nhưng với các tàu chiến hải quân Hoa Kỳ đang ở ngoài khơi, Đại úy Ripley gọi xin được yểm trợ hải pháo, thêm nhiều chiến xa địch bị tiêu diệt trước khi đoàn chiến xa nầy vượt khỏi tầm súng từ các chiến hạm.

    Với việc mất Carroll, cây cầu Cam Lộ cần được phá hủy, Thiết đoàn 20 Chiến Xa dàn mỏng ra phía tây tới cầu Cam Lộ trong khi chờ đợi Trung đoàn 2 củng cố lại vị trí và trám vào các lỗ hổng do việc đầu hàng của Trung đoàn 56. Cầu Cam Lộ có thể chịu đựng sáu mươi tấn, chắc chắn địch quân sẽ dùng cây cầu để điều động các chiến xa tiến về thành phố Quảng Trị, Thiếu tá Brookbank lạc quan cây cầu sẽ được giội bom phá hủy, nhưng một sự việc quan trọng sắp sửa xảy ra sẽ làm thay đổi hoàn toàn những ý định của những người điều quân.

    Trong lúc trận chiến đang tiếp diễn, trên không trung ba chiếc B-52 đang trên đường đến giội bom một khu vực tập trung quân của địch quân cách tây bắc căn cứ Carroll vài cây số, khu vực nầy đang được Bắc quân đem các vũ khí và hỏa tiễn phòng không vào. Tuy phi cơ B-52 được trang bị hệ thống máy vô tuyến với nhiệm vụ làm tê liệt và đánh phá các hệ thống tín hiệu ra-da của giàn hỏa tiễn phòng không, nhưng vì tin tình báo cho biết Bắc Việt có rất nhiều phòng không và các giàn ra-da trang bị hỏa tiễn tầm nhiệt nên các chiếc B-52 được hai chiếc EB-66, tên phi vụ Bat 21 và Bat 22, bay dẫn đường. Chiếc EB-66C (Bat 21), được trang bị giàn an-ten dò tìm các vị trí hỏa tiễn SAM, nếu cần thiết các an-ten nầy sẽ phá hư các làn sóng tín hiệu của giàn hỏa tiễn phòng không, phi hành đoàn gồm một phi công chính, một sĩ quan phi hành và bốn sĩ quan chuyên viên chiến tranh điện tử. Chiếc EB-66E (Bat 22), trang bị bộ máy phá sóng làm hư các làn sóng dàn ra-da phóng hỏa tiễn, chiếc này ngoài hai viên phi công chỉ có một sĩ quan chuyên viên chiến tranh điện tử. Trưa nay, các chiếc B-52 và EB-66 được tháp tùng bởi hai chiếc F-4 (tên phi vụ Cain 1 và 2), lo bảo vệ và đề phòng, nếu cần sẽ kịch chiến với các chiếc Mig và hai chiếc F-105G (tên phi vụ Coy 1 và 2).


    Trên đường bay đến mục tiêu, các phi công nhận được tin các giàn an-ten của địch đã biết được họ đang trên đường bay và đang cố gắng dò tìm họ. Gần phía tây Khe Sanh, giàn hỏa tiễn SA-2 phóng lên bốn hỏa tiễn, nhưng bị các máy dò tìm hỏa tiễn trên phi cơ làm chệt hướng, bốn chiếc hỏa tiễn nầy phát nổ trên không trung giữa chiếc Bat 22 và các pháo đài bay B-52. Vài phút sau, từ hướng tây, thêm sáu chiếc hỏa tiễn được bắn lên từ các giàn phóng khác, hai chiếc EB-66 liền phát ra hệ thống làm rối loạn các giàn phóng hỏa tiễn để địch quân không thể điều khiển, nhắm bắn vào đoàn phi cơ đang bay vào mục tiêu. Các pháo đài bay B-52 thả bom xuống mục tiêu và cũng tránh được các hỏa tiễn, cùng lúc các giàn phòng không 100-ly cũng bắn vào các phi cơ, hai chiếc F-105G lập tức bay vòng lại và bắn hỏa tiễn vào vị trí đặt súng phòng không nầy.

    Sau cuộc không tập, đoàn phi cơ rẽ về hướng mặt để rời khỏi mục tiêu, nhưng phía tây bắc, bên trên khu phi quân sự, thêm một giàn ra-da đang dò tìm đoàn phi cơ nầy. Chiếc Bat 21 bay dẫn đầu, nó đang bay giữa giàn ra-da và các chiếc phi cơ, giàn ra-da nầy bắn lên ba hỏa tiễn nhắm thẳng vào đoàn phi cơ, một trong các sĩ quan điện tử trên chiếc Bat 21 cũng dò ra giàn ra-da khác đang phóng hỏa tiễn lên, ông báo động cho toàn bộ phi cơ. Đồng thời chiếc Bat 21 cũng làm nhiễu sóng điện tử, và phi công hướng chiếc phi cơ về phía mặt, viên sĩ quan phụ trách phần điện tử gọi báo lái phi cơ về phía trái. Người phi công cố gắng đem ngược phi cơ về hướng trái nhưng đã trễ, chiếc hỏa tiễn đâm mạnh vào giữa máy bay, chiếc Bat 21 bị bốc cháy. Các chiếc phi cơ còn lại thoát khỏi hàng rào hỏa tiễn hung hãn nầy.

    Trung tá Icea Hambleton, ngồi phía sau lưng phi công (chiếc EB- 66C không có vị trí ngồi kế bên cho phi công phụ), khi hỏa tiễn trúng vào phía bên hông sau lưng ghế ngồi của Hambleton, nó làm cho hệ thống liên lạc trong máy bay bị hư, và chiếc phi cơ không còn điều khiển được nữa. Viên phi công dùng thủ hiệu cho Hambleton bấm nút tống ra khỏi máy bay, khi vừa bị bắn ra khỏi máy bay, Hambleton nhìn xuống và thấy viên phi công cũng đang nhìn lên ông, vài giây sau, ông nghe một tiếng nổ thật to, sau nầy ông nghĩ rằng có thể chiếc máy bay phát nổ hoặc nó bị trúng thêm một hỏa tiễn nữa (phi công Thiếu tá Wayne Bolte và bốn viên sĩ quan chuyên viên về chiến tranh điện tử hai Trung tá Anthony Giannangeli, Charles Levis, Thiếu tá Henry Serex và Trung úy Robin Gatwood tử trận).


    Lt. Col. Icheal "Gene" Hambleton (Bat 21 Bravo), who was shot down on April 2, 1972 and evaded capture for 11 1/2 days behind enemy lines during the Vietnam War. He was finally rescued by Navy SEAL Thomas R. Norris and ARVN Petty Officer Third Class Nguyen Van Kiet. During the rescue operation, four aircraft were shot down resulting in the deaths of 11-15 airmen and the capture of two more. (pics: https://wikipedia.org/)

    Thiếu tá Jimmy Kempton dẫn bốn chiếc F-4 bay một phi vụ giội bom sát phía nam vùng phi quân sự nhận được tin hỏa tiễn SAM trong vùng, ông có ý định dàn rộng đội hình thì nghe trong hệ thống liên lạc báo động có hỏa tiễn SAM. Ông nhìn thấy nhiều hỏa tiễn bay vọt lên trước mặt ông khoảng hai dặm, và ông hiểu rằng các chiếc hỏa tiễn nầy không nhắm vào các chiếc F-4. Khi ông ngó theo thì thấy một trong các hỏa tiễn nầy đâm vào một chiếc phi cơ trên độ cao hơn, ông vội báo cáo cho chiếc King 22 (chiếc chỉ huy và điều khiển các phi cơ bay cấp cứu các phi cơ, phi công lâm nạn).

    Cùng lúc ấy, Trung úy Bill Jankowski và Đại úy Lyle Wilson bay chiếc phi cơ quan sát O-2 khoảng năm ngàn bộ dưới chiếc Bat 21, khi họ đang cố gắng tìm kiếm các đoàn quân địch thì được tin hỏa tiễn SAM được phóng lên. Họ nhìn thấy các hỏa tiễn bay vọt lên không trung, vài giây sau hai viên phi công nghe và nhìn thấy một tiếng nổ lớn, họ biết chiếc hỏa tiễn đã bắn trúng vào một phi cơ, và họ nhìn thấy chiếc phi cơ cũng các mảnh vỡ rơi nhanh theo hình xoắn ốc và biến mất sau các từng mây dầy đặc.

    Và họ nghe tiếng gọi cấp cứu trong máy, Jankowski trả lời và nghe viên phi công lâm nạn báo rằng thấy được phi cơ ông, ông vội lắc cánh bay và viên phi công cho ông biết phi cơ ông cũng vừa nghiên cánh. Viên phi công lâm nạn gọi ông và cho biết ông ta đang ở trên đầu chiếc phi cơ, Jankowski lộn vòng chiếc phi cơ và quả thật, ông và Wilson nhìn thấy một cánh dù đang bay lơ lửng ở trên ông vài ngàn bộ.

    Trung tá Hambleton nhìn thấy trận chiến đang xảy ra khi ông rơi gần xuống đất, ông rơi vào một ruộng lúa, lúc ấy trời cũng về chiều, ông vội núp vào một cái hố nhỏ cạnh bờ đê (vào buổi tối, Hambleton di chuyển đến một lùm cây, ông đào cho mình một cái hố nhỏ và ẩn mình vào trong hố nầy).

    Trên không trung, Jankowski đánh dấu vào bản đồ vị trí Hambleton đang lẫn tránh, phía bắc sông và phía đông một cái làng nhỏ thuộc Cam Lộ, chỉ cách cây cầu Cam Lộ khoảng một dặm. Jankowski sửng sốt khi nhìn thấy hàng đoàn xe tăng, xe vận tải và quân địch di chuyển dầy đặc trên con lộ, ông vào tần số cấp cứu và gọi các phi cơ hiện đang bay gần vùng đến để bốc Hambleton.

    Hai chiếc Skyraiders, Sandy 07 (do Đại úy Don Morse lái) và 08 đang bay hộ tống hai chiếc Jolly Green gần phía đông Quảng Trị trong một phi vụ di tản các cố vấn toán 155 trong căn cứ Ái Tử, nhưng cuộc di tản nầy bị hủy bỏ nên hai chiếc Skyraider vội bay đến Cam Lộ theo lời yêu cầu của Jankowski, hai chiếc Jolly Green bay phía sau. Khi họ đến nơi, họ được Jankowski cho biết vị trí của Hambleton, sau đó Đại úy Morse lên chỉ huy để cho Jankowski bay về hướng nam liên lạc với các phi cơ khác.

    Gần Huế, viên phi công bay chiếc trực thăng Huey nghe được tin nầy, Đại úy Thomas White thuộc phân đội F, Sư đoàn 8 Không Kỵ, đang tăng phái cho Trung đoàn 196 Bộ Binh, vội liên lạc về phi trường Phú Bài, Huế, hai chiếc trực thăng hỏa lực Cobra và một trực thăng đổ quân Huey lập tức cất cánh bay về hướng Cam Lộ. Các chiếc này liên lạc với Jankowski và được hướng dẫn bay qua Đông Hà, vượt qua cây cầu về phía tây nơi viên phi công lâm nạn chỗ con sông uốn khúc trở về hướng đông.

    Đại úy Mike Rosebeary bay chiếc Cobra (tên phi vụ Blueghost 28) ra lệnh cho chiếc Cobra bạn (Blueghost 24), bay chậm lại phía sau chờ Thomas White (đang bay phía sau cách khoảng vài phút, vì phải đáp phi trường đổ thêm xăng), còn ông dẫn chiếc Huey (Blueghost 39) bay đến Cam Lộ, khi vừa bay qua khỏi phía bắc cây cầu Đông Hà, hai chiếc trực thăng bị đạn từ dưới đất bắn lên dữ dội. Blueghost 28 bắn trả với súng cà nông 40 ly và các hỏa tiễn, trực thăng bị bắn trúng nhiều chỗ, Blueghost 28 gọi cho chiếc trực thăng bạn phải mau rời khỏi nơi nầy, chiếc Huey cũng bị bắn trúng và bắt đầu phát hỏa ngay giàn máy. Blueghost 28 nhìn chiếc Huey đáp khẩn cấp xuống phía bắc cầu khoảng một ngàn năm trăm thước, phi hành đoàn gồm Trung úy Byron Kulland, Chuẩn úy John Frink, hai binh nhất Ronald Paschall và Jose Astorga đáp ngay trong lòng địch, họ bắn trả lại địch quân, trực thăng bị phát hỏa và nổ bùng, Jose Astorga thoát ra khỏi trực thăng, ông bị bắn trúng vào ngực và chân. Astorga bị địch bắt làm tù binh, và sau đó ông không bao giờ gặp lại các người bạn của ông, Blueghost 28 không nhìn rõ được việc nầy vì chiếc trực thăng của họ không còn hoạt động được, họ liên lạc với các phi cơ khác và được cứu thoát.

    Trong khi ấy, hai chiếc Sandy 07 và 08 giội bom vào các vị trí của địch quân dưới sự chỉ dẫn của Hambleton (viên phi công lâm nạn nầy trốn trong bụi rậm, quan sát cuộc chuyển quân của địch). Đại úy Morse nhận thấy thời tiết xấu đi và trời cũng bắt đầu tối, và ông cũng nhận được tin xấu về hai chiếc trực thăng Blueghost. Vì vậy ông gọi hai chiếc Jolly Green và Jankowski thông báo hủy bỏ việc giải cứu Hambleton, một chiếc phi cơ quan sát khác lên bao vùng cho đoàn phi cơ bay về Đà Nẵng.

    Khoảng chín giờ tối, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh nhận được tin Không Quân Hoa Kỳ lập một vùng cấm hỏa lực no fire zone, một đường kính hai mươi bảy cây số chung quanh viên phi công lâm nạn Hambleton (khoảng bảy trăm thước bắt đầu từ hướng tây bắc cây cầu Cam Lộ). Những yêu cầu về tác xạ: hải pháo, không yểm hoặc pháo yểm vào vùng cấm này phải được chấp thuận từ Đệ Thất Không Quân Hoa Kỳ. Thiếu tá Brookbank (sĩ quan liên lạc không trợ cho sư đoàn) đang có mặt trong bộ tư lệnh sư đoàn, ông không thể tin được việc này, vùng cấm hỏa lực sẽ bao trùm lên tất cả vị trí phòng tuyến của sư đoàn và các đơn vị tăng phái. Ông liên lạc với Đại tá Donald Metcalf, cố vấn trưởng sư đoàn, họ trình lên hệ thống cố vấn Quân Đoàn I và nhận được câu trả lời: “Một phi công Hoa Kỳ đang lâm nạn, phải dùng tất cả mọi biện pháp để cứu anh ta”. Trung tá D’Wayne Gray, chỉ huy một đơn vị thuộc Đoàn 1st ANGLICO (Air and Naval Gunfire Company. Đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ phụ trách liên lạc không yểm, hải pháo yểm trợ các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến VNCH) cũng có mặt trong bộ tư lệnh và ông cũng nghe được nguồn tin vô lý này: Đường kính hai mươi bảy cây số quá rộng lớn ngay cả cho các công tác trong thời bình.

    Nửa tiếng đồng hồ sau, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 nhận được báo cáo từ một trong những đơn vị tiền phương có gần hai mươi chiến xa và nhiều quân địch xuất hiện phía bắc sông, nhưng đơn vị này không giao tranh với địch được vì lệnh cấm hỏa lực ban ra, sau nửa giờ liên lạc với First Region Military Assistance Command (Bộ Tư Lệnh Quân Viện Quân Khu I), đơn vị này được phép chận đánh địch. Vài phút sau, trung tâm hành quân cũng nhận thêm một báo cáo mới: Thêm một đoàn chiến xa địch khoảng hai mươi chiếc xuất hiện trong vị trí phòng thủ của đơn vị này.

    Trên không trung, chiếc OV-10 (danh hiệu Nail 59) thuộc Phi đoàn 23 Yểm Trợ Chiến Đấu, do Đại úy Gary Ferentchak lái bay bao vùng để liên lạc với viên phi công lâm nạn và Thiếu tá Constant bay chiếc King 27 (thay chiếc King 22) chiếc chỉ huy tất cả các phi cơ cấp cứu nhận được báo cáo từ Hambleton: Có nhiều xe cơ giới đang vận chuyển trên đường lộ và quân địch thì đang di chuyển đầy cả vùng. Vì vậy, để cho Hambleton không bị quân địch bắt, Thiếu tá Dennis Constant xin và được chấp thuận cho thả bom CDU-14 gravel chung quanh vị trí Hambleton đang ẩn trú nhằm mục đích tạo ra một hàng rào mìn để bảo vệ cho viên phi công này. Bom CDU-14 hay Cluster dispenser units khi rời khỏi máy bay sẽ bung ra thành hàng trăm quả bom nhỏ, những quả bom nhỏ này khi chạm đất sẽ không nổ, chúng chỉ nổ tung khi bị giẫm lên.

    Vài giờ sau, chiếc King 27 vì không nghe rõ Hamleton trong hệ thống liên lạc truyền tin, nên cố gắng bay lên hướng bắc gần nơi viên phi công lâm nạn. Bắc quân liền bắn lên năm chiếc hỏa tiễn, trên không trung, chiếc Bat 22 cũng đang có mặt, Thiếu tá Ed Anderson, sĩ quan phụ trách điện tử trên chiếc Bat 22 liền báo động cho các chiếc phi cơ. Thiếu tá Constant nhìn ra ngoài và thấy những vật đỏ giống như năm cái bóng đèn xe hơi đang bay về hướng phi cơ, vài giây sau, ông mới rõ đây là những chiếc hỏa tiễn đang bắn vào phi cơ. Ông vội chúi mũi phi cơ xuống đất, các hỏa tiễn phát nổ trên đầu và những miểng đạn bắn đầy vào phi cơ, Thiếu tá Constant điều khiển con tàu bay về hướng đông nam, máy số bốn và hệ thống điều khiển xăng dầu bị hư nặng, máy bay phải rời khỏi vùng và bay về phi trường Đà Nẵng.

    Đại úy Ferentchak nhìn rõ việc này, nhưng ông không có nhiều thì giờ để suy nghĩ vì ba chiếc hỏa tiễn từ dưới đất được phóng lên hướng về phi cơ, trước khi giảm cao độ và lái con tàu về hướng khác, ông nhấn nút chiếc máy Loran ghi nhận được vị trí của giàn phóng hỏa tiễn của địch quân. Và ông lại nhìn thấy hai chiếc hỏa tiễn từ một giàn phóng khác, thông thường địch quân bắn từng ba chiếc một, ông vội hỏi viên phi công phụ, người này cho ông biết chiếc thứ ba từ hướng bên phải đang bay thẳng vào phi cơ. Trong sự kinh hoàng, ông vội nhấn nút thả bình xăng ngoài, các hỏa tiễn khói và các trái flare nhằm mục đích làm cho phi cơ nhẹ đi, rồi chúi mũi chiếc phi cơ thẳng xuống đất, chiếc hỏa tiễn của quân địch nổ tung phía trên đầu phi cơ.

    3 tháng Tư

    Lúc 3 giờ 55 sáng ngày 3 tháng Tư, một đơn vị của Thiết đoàn 20 Chiến Xa phát giác mười chiếc tăng Bắc Việt đang vượt cầu Cam Lộ, họ liền bắn vào đoàn xe tăng địch, cuối cùng vào lúc 4 giờ 45 sáng, chiếc cầu được giội bom nhưng cây cầu vẫn còn dùng được. Hambleton nghe và thấy được việc này, suốt đêm ông nghe tiếng xe tăng, xe vận tải và địch quân di chuyển quanh vị trí của ông. Ông liên tục báo cáo cho chiếc phi cơ quan sát Nail 59, nhưng ông cũng rất thận trọng vì sau này, ông cho biết đôi lúc quân địch chỉ cách ông có khoảng mười thước.

    Tại phi trường Nakhon Phanom, Thái Lan, hai chiếc phi cơ quan sát OV-10 (tên phi vụ Nail 25 và Nail 38) đang chuẩn bị bay đến Quảng Trị, đầu tiên là chiếc Nail 25 do hai Đại úy Rocky Smith và Rick Atchison lái, Nail 25 sẽ đến thay cho Nail 59 vào lúc hừng sáng. Bốn tiếng sau, Nail 38 do Đại úy Bill Henderson và Trung úy Mark Clark điều khiển, sẽ vào vùng thế cho Nail 25 về đáp phi trường Đà Nẵng đổ thêm xăng và nghỉ ngơi trong bốn giờ, sau đó Nail 25 sẽ bay thêm một phi vụ bốn tiếng bao vùng lại cho Nail 38 trước khi về lại Nakhon Phanom, riêng chiếc Nail 38 sau phi vụ sẽ về thẳng Nakhon Phanom cho một nhiệm vụ khác. Hai phi hành đoàn này được thuyết trình đầy đủ về nhiệm vụ, tình hình và họ cũng được khuyến cáo về hỏa tiễn SAM và phòng không dầy đặc của Bắc quân, tuy vậy họ không được biết rõ về chiến trận to lớn đang diễn ra dưới đất.

    Khi vừa vào Cam Lộ, chiếc Nail 25 giảm cao độ để quan sát tình hình, hai viên phi công không thể tin vào chính mắt mình, hàng đoàn xe cơ giới và xe tăng đang di chuyển khắp mọi nơi, họ nghĩ rằng họ đang bay ở phía nam, nơi các đơn vị miền Nam đang hoạt động. Và đạn từ nhiều hướng bắn lên phi cơ, quan sát kỹ hơn, họ thấy được những ngôi sao đỏ trên các chiếc xe nhà binh và xe tăng đang di chuyển dưới đất. Họ nhanh chóng cho phi cơ bay lên cao, tình hình này thật là nguy hại hơn tất cả những gì họ đã nhìn thấy trên đường mòn Hồ Chí Minh trước đây, hai Đại úy Rocky Smith và Rick Atchison hiểu được rằng họ không được cho biết đầy đủ về trận chiến đang diễn ra và ở dưới kia, nơi hàng ngàn quân địch đang chuyển quân, còn có quân bạn và viên phi công lâm nạn.

    Trong vòng bốn tiếng đồng hồ trên không trung, khi thời tiết cho phép, Nail 25 gọi phản lực oanh kích địch quân và đồng thời hướng dẫn phi cơ thả bom CBU-30 và BLU-52 vào các vị trí chung quanh Hambleton, hai loại bom này là các loại bom hóa học, thải ra các làn khói mỏng làm địch quân không thể điều khiển thân thể theo ý muốn trong vòng nhiều giờ.

    Đoàn 3 ARRG- Aerospace Rescue and Recovery Group – gồm nhiều phi đoàn HC-130 (danh hiệu King) và HH-53 (danh hiệu Jolly Green) cũng bắt đầu cho các chiếc A-1 bắn phá và thả bom vào các vị trí quanh Hambleton để dọn đường cho hai chiếc Jolly Green vào cứu Hambleton.

    Lúc sáng sớm, hai chiếc A-1 (tên phi vụ Sandy 07 và 08) và hai chiếc trực thăng HH-53 (Jolly Green 65 và 67) cất cánh từ Đà Nẵng, hai chiếc Jolly Green bay bao vòng gần bờ biển trong khi Sandy 07 và 08 bay thẳng đến Cam Lộ, tại đây họ được bốn chiếc A-1, Sandy 05 và 06 (từ Ubon), Sandy 03 và 04 (từ Nakhon Phanom) đến tăng cường. Các chiếc Sandy 03, 04, 07 và 08 bắn phá và giội bom vào các mục tiêu do chiếc Nail 25 hướng dẫn, sau đó các chiếc này bay về Đà Nẵng lấy thêm xăng và lấp thêm bom, cùng lúc Nail 38 cũng vào thay cho Nail 25.

    Thời tiết cũng bắt đầu khá hơn, Nail 38 liên lạc với Sandy 05 do Trung úy Glen Priebe lái, ông quyết định cho Jolly Green 65 (do Trung tá Jay Crowe lái) bay vào cứu Hambleton, chiếc Jolly Green 67 sẽ bay cao trên đầu họ. Khi tất cả mọi người đã sẵn sàng, Nail 38 giảm cao độ và cho biết vị trí của Hambleton, chiếc Sandy 05 dẫn Jolly Green 65 vào, khi xuống thấp, hai chuyên viên cấp cứu trong chiếc Jolly Green thấy rõ và dùng các đại liên sáu nòng bắn vào địch quân. Họ không thể ngờ được quân địch, xe cộ, xe tăng đầy khắp vùng, địch quân bắt đầu bắn trả mãnh liệt, chiếc Jolly Green bị bắn trúng nhiều nơi, đèn báo động hiện đầy trên phòng lái cho biết trực thăng sẽ không còn điều khiển được nữa, Trung tá Crowe cho chiếc Sandy 05 biết trực thăng bị hư nặng và ông phải rời vùng. Sandy 05, 06 và Jolly Green 67 hộ tống, hướng dẫn ông bay về hướng nam, họ liên lạc và xin phép cho chiếc Jolly Green 65 được đáp khẩn cấp xuống phi trường Phú Bài, Huế. Phi trường lại đang bị pháo kích, tuy vậy vì tình trạng an nguy, Jolly Green 65 được phép đáp tại đầu phi đạo. Vì hệ thống dẫn hơi bị bắn rơi, trực thăng không còn thắng được, Trung tá Crowe phải tắt máy trước khi đáp, và cuối cùng ông cũng đáp xuống được phi đạo, sau khi dứt pháo Jolly Green 67 đáp xuống và đón phi hành đoàn của Trung tá Crowe về lại Đà Nẵng.

    Trung tâm cấp cứu Queen tại Đà Nẵng báo cho hai chiếc Sandy 05 và 06 bay trở lại Cam Lộ, trên đường bay họ sẽ gặp Sandy 03, 04 vừa cất cánh từ Đà Nẵng cùng với hai chiếc Jolly Green 60 và 66, công tác cấp cứu Hambleton vẫn phải tiếp tục.

    Trên Cam Lộ, chiếc Nail 38 phải rời vùng vì gần cạn xăng, họ sẽ về đáp Đà Nẵng vì không đủ xăng bay thẳng về Nakhon Phanom, Nail 22 vào thay. Đại úy Robert Burke bay chiếc Sandy 03 lên chỉ huy, tình hình có vẻ lắng dịu và thời tiết cũng khá hơn, ông quyết định vào cứu Hambleton, Nail 22 sẽ dẫn chiếc Jolly Green 66 (do Trung tá Bill Harris lái), hộ tống bởi Sandy 05, 06 vào, Sandy 03, 04 bay trên cao làm nhiệm vụ bảo vệ, Jolly Green 60 trừ bị. Nhưng thay vì bay từ hướng đông nam, Nail 22 lại bay thẳng từ hướng đông, phía bắc Đông Hà địch quân trông thấy đoàn phi cơ này, họ báo động cho các khẩu phòng không chuẩn bị hành động, trên không trung Sandy 03 lên tiếng báo cho đoàn phi cơ chuyển hướng bay nhưng đã trễ, trước khi qua khỏi các đám mây Harris cho biết họ đang bị Bắc quân bắn lên dữ dội, những trái lửa màu cam bao chung quanh trực thăng nhưng vì vị trí Hambleton có vẻ yên lặng, nên ông tiếp tục lao chiếc trực thăng thẳng xuống. Sandy 05 và 06 đến mục tiêu trước Jolly Green vài giây, họ thả bom và bắn rocket vào các vị trí theo lệnh của Đại úy Burke. Jolly Green 66 tiếp tục xuống thấp, hai chuyên viên cấp cứu thấy rõ quân địch đang bắn lên, họ dùng hai cây đại liên được trang bị hai bên cửa trực thăng nhắm bắn vào các vị trí địch, Trung tá Bill Harris nhìn thấy mười chiếc xe tăng, địch quân cũng đang cuốn các tấm vải ngụy trang và nhắm bắn vào chiếc Jolly Green đang giảm ga, khi còn cách khoảng Hambleton gần một trăm thước, Harris báo cho Burke biết đạn bắn vào trực thăng ông từ mọi phía, trên cao Burke bảo họ rời khỏi vùng vì hỏa lực quá mãnh liệt của địch quân. Jolly Green 66 rẽ phải và bay về nam, Jolly Green 60 bay hộ tống theo và báo cho Harris biết trực thăng bị thủng nhiều lỗ, Jolly Green 66 đáp khẩn cấp tại Huế, Harris đậu kế Jolly Green 65. Khi coi lại trực thăng, Harris thấy một trong những cánh quạt bị hư nặng, nếu nó bị gẫy ngang trong khi bay, chắc chắn trực thăng sẽ bị rớt.

    Trong khi ấy, bốn chiếc Sandy vẫn tiếp tục bắn phá vào các vị trí quanh Hambleton, khi hết bom, Sandy 05, 06 bay về lại Đà Nẵng, Sandy 03 liên lạc với King và được biết có hai chiếc F-4 với bom 500 cân anh trên vùng, Burke cho hai chiếc F-4 đánh thẳng xuống cây cầu Cam Lộ nhưng họ đánh trật ra ngoài. Hai chiếc A-37 của Không Quân Việt Nam bay đến, Burke liên lạc và yêu cầu họ đánh sập cầu, các phi công miền Nam đánh trúng cây cầu với nhiều quả bom 250 cân anh, nhưng chỉ làm hư hại cây cầu vì bom 250 cân anh không đủ sức mạnh làm sập cầu.

    Sau khi hai chiếc A-37 rời vùng, thêm hai chiếc A-1 tên phi vụ Sandy 01 và 02 bay đến, Đại úy Burke cho Đại úy Fred Boli lái chiếc Sandy 01 biết về tình hình và cùng Sandy 04 về đáp Đà Nẵng. Chiếc King cho Boli biết sẽ không có thêm trực thăng Jolly Green cho ngày hôm nay, Boli và chiếc Sandy 02 nhào xuống bắn phá những vị trí quanh Hambleton.

    Trong khi ấy Nail 38 cũng bay trở lại Cam Lộ (khi còn ở Đà Nẵng, Nail 38 nhận được lệnh từ Nakhon Phanom bay thêm một phi vụ cấp cứu trước khi trở về Nakhon Phanom), Boli hướng dẫn Nail 38 bay đến vị trí của Hambleton, khi vừa vào Cam Lộ, Nail 38 giảm cao độ xuống hai ngàn bộ, và nghe được báo động SAM vừa được phóng lên. Đại úy Henderson nghĩ với độ cao của chiếc phi cơ, họ có thể thoát khỏi tầm radar của giàn hỏa tiễn SAM, nhưng một trong những hỏa tiễn SAM bắn trúng vào đuôi chiếc phi cơ, phi cơ bị giảm tốc độ và mũi phi cơ bị chỉa thẳng lên cao, Clark và Henderson biết phi cơ không còn bay được nữa, cả hai nhảy dù ra ngoài. Henderson rơi phía bắc sông Miêu Giang, ông trốn vào một bụi tre, Clark rơi xuống phía nam sát con sông Miêu Giang, cả hai nằm cách Hambleton khoảng hai cây số.

    Trên không trung, Boli vào tần số cấp cứu và gọi cho tất cả các máy bay trong vùng đến để cứu Henderson và Clark, ba chiếc Blueghost Red (Cobra), 26 (Cobra) và 30 (Huey) đang bay tìm kiếm địch quân đang truy đuổi quân bạn triệt thoái khỏi Mai Lộc nghe được tin này. Họ gọi cho Boli và được hướng dẫn bay đến phía nam Đông Hà để gặp Boli, gần đến nơi, họ nghe trên tần số liên lạc hỏa tiễn SAM vừa được phóng lên, các hỏa tiễn bay sát qua đầu họ. Boli, Sandy 02, và hai chiếc Cobra sẽ bảo vệ cho chiếc Huey do Chuẩn úy Nielsen lái vào bốc Clark, rồi Henderson và nếu có thể sẽ cứu thêm cả Hambleton nếu tình hình cho phép. Boli liền bắn vài trái đạn khói vào vị trí của các phi công lâm nạn, Sandy 02 và hai chiếc Cobra nhào xuống bắn phá tạo thành một bức màn lửa cho chiếc Huey vào. Nielsen xuống thấp, khi còn cách vị trí Clark khoảng một cây số thì bị đạn cộng đồng bắn trúng vào trực thăng nhiều chổ, và rồi súng lớn bắn vào các trực thăng một cách dữ dội, kiếng bên phải chiếc Huey bị bể nát, miểng văng ra khắp nơi, cửa bên phải cũng văng ra khỏi trực thăng. Các chiếc trực thăng đành phải rời khỏi nơi nguy hiểm này, khi về đến sân bay Quảng Trị, kiểm soát lại, cả ba phi hành đoàn may mắn không một ai bị thương tích, nhưng ba chiếc trực thăng vĩnh viễn không còn bay được nữa.

    Clark tìm được một khoảng dây kẽm gai đã bị cỏ mọc che khuất, ông vội trốn vào trong lùm dây kẽm gai đó, đây là một vị trí lý tưởng vì ông có thể quan sát rõ được phía bên kia bờ sông.

    Tối hôm ấy, ngay chỗ Henderson đang lẩn trốn, một tiểu đội quân địch xuất hiện, họ đào một cái hố để đặt súng phòng không, Đại úy Bill Henderson bị địch phát hiện và bị bắt. Trên đường bị giải ra Bắc, ông thấy quân địch cùng với chiến cụ di chuyển khắp mọi nơi, nhất là các giàn phóng hỏa tiễn SAM, ông nhìn thấy các trạm cứu thương dã chiến của Bắc quân, thương binh nằm tràn đầy, rồi ông gặp các người lính pháo binh miền Nam bị bắt làm tù binh, ông gặp cả Jose Astorga, xạ thủ đại liên của chiếc Blueghost 39, chiếc trực thăng bị bắn rớt ngày 2-4, họ hỏi tên nhau trước khi bị quân địch tách rời.

    4 tháng Tư

    Ba Liên đoàn 1, 4 và 5 Biệt Động Quân từ miền Nam được đưa ra tăng viện cho Sư Đoàn 3 Bộ Binh, các liên đoàn này giữ phía nam của Trung đoàn 2, hướng mặt về phía tây. Các đơn vị báo cáo vẫn chạm địch, các chi đoàn trực thuộc Thiết đoàn 20 Chiến Xa và Thiết đoàn 11 Kỵ Binh đẩy lui các toán quân địch cố gắng vượt qua cầu. Một vài phi cơ quan sát lên vùng bay yểm trợ cho quân bạn trong những khu vực ngoài vùng cấm hỏa lực, tuy nhiên vì thời tiết xấu, nên họ chỉ có thể gọi các phi cơ oanh kích theo lối Loran hoặc Skyspot.

    Xế trưa, thời tiết có vẽ khả quan hơn, bốn chiếc A-1 từ Đà Nẵng bay đến Cam Lộ, khi gần đến nơi, họ gặp Bilk 11, phi cơ quan sát bao vùng từ sáng sớm, Bilk 11 cho họ biết một trong những chiếc F-4 oanh kích các vị trí địch quân lúc sáng suýt bị bắn rơi, chiếc F-4 bị bắn trúng vào cánh bay, phi công vội bấm nút thả ngay thùng xăng ngoài được gắn ngay cánh, chiếc F-4 cố gắng lết về lại Đà Nẵng.

    Cùng lúc ấy, một hợp đoàn phi cơ cũng vừa đến vùng, hợp đoàn này gồm sáu chiếc A-1 và hai chiếc HH-53 Jolly Green, sau khi được chiếc phi cơ quan sát cho biết tình hình, các chiếc A-1 liền nhào xuống mục tiêu, có tám hỏa tiễn SAM được nhìn thấy, phòng không và đạn pháo binh địch cũng bắn lên đầy trời. Nhiều chiếc A-1 bị trúng đạn, hỏa lực địch quá mãnh liệt, họ quyết định không cho các Jolly Green xuống bốc, cuộc cấp cứu bị hủy bỏ. Một chiếc A-1 bị bắn trúng ngay máy, phi cơ phải bay về đáp khẩn cấp tại Đà Nẵng, các chiếc khác cũng bị nhiều thương tích, nặng nhất là chiếc A-1 do Đại úy Don Morse lái, cánh phải phi cơ bị trúng nhiều viên đạn phòng không 37 ly, phi cơ bị phát hỏa, Morse bấm nút thả hết bom và cố gắng bay về Đà Nẵng, trong phòng lái, ông phải xoay người sát về bên trái, bên phải ông lửa từ cánh phải phi cơ làm nóng phòng lái. Các chiếc A-1 hộ tống ông về lại Đà Nẵng, nhân viên phi trường phải xịt foam ngoài phi đạo vì phi cơ có thể bị phát nổ bất cứ lúc nào, may mắn ông đáp an toàn.

    Trung tá Crowe kiểm soát chiếc A-1 bị bắn trúng máy, các nhân viên kỹ thuật cho biết những mảnh đạn nằm sót lại trong máy phi cơ thuộc loại hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7, các sĩ quan tình báo phủ nhận việc Bắc Việt mang hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 vào vùng. Cuối cùng các mảnh đạn được một chiếc F-4 mang về Sài Gòn, tối hôm ấy Đệ Thất Không Quân Hoa Kỳ ra chỉ thị cho các đơn vị về hỏa tiễn SA-7 hiện đang có mặt trong trận chiến này. Trong số mười chiếc A-1 tham dự trận đánh, tám chiếc bị trúng đạn, hai trong tám chiếc này bị hư nặng, chiếc do Đại úy Morse lái vĩnh viễn bất khiển dụng.

    Vào buổi tối, một cuộc họp lớn đã diễn ra tại Đà Nẵng, tất cả những người liên quan đến việc cấp cứu các phi công lâm nạn họp rút ưu khuyết điểm. Trước đó Trung tá Crowe cũng dành nhiều thì giờ nói chuyện với các sĩ quan tình báo miền Nam, các sĩ quan này cho ông biết khu vực trong vùng các phi công lâm nạn chỉ là một cái bẫy, các phi công này đang ở vào ngay ranh giới của các đại đơn vị chủ lực của địch quân, địch quân biết rõ chỗ họ đang ẩn trú, biết họ liên lạc với các phi cơ quan sát, và địch quân cũng không cần bắt họ vì biết quân đội Mỹ đang chú tâm vào việc giải cứu các phi công, việc này sẽ làm cản trở cho những nỗ lực khác trong những vùng giao tranh quan trọng và sẽ giữ chân Không Quân Hoa Kỳ trong vùng này.

    Trung tá Crowe và Trung tá Harris cùng có chung một ý nghĩ, có lẽ phải chờ cho trận đánh tràn về phía nam, hy vọng phòng không sẽ di chuyển theo địch quân, hoặc phải nhờ một toán quân bộ chiến vào lấy họ ra, có những đơn vị trực thuộc MACV (Bộ Tư Lệnh Quân Viện Hoa Kỳ tại Việt Nam) chuyên giải cứu các quân nhân Việt Mỹ bị địch bắt làm tù binh, các công tác này được mệnh danh Bright Light.

    Vào buổi tối, Hambleton liên lạc với viên phi công lái chiếc máy bay quan sát, ông cho người này biết ông cần phải kiếm chút ít đồ ăn, hai ngày nay vào ban ngày ông quan sát và biết trước cái làng nhỏ là một đồng ruộng lúa, có một khu vườn nhỏ nằm cạnh bên, ông đã nhìn thấy một líếp bắp và một vài loại trái cây khác, viên phi công cho ông biết phía sau khu vườn là những bãi mìn, ông phải cẩn thận, các chiếc Sandy (A-1) sẽ lo an ninh, bay trên đầu ông.

    Cầm địa bàn trên tay, sau khi nhớ chắc phương hướng, ông khom lưng từng bước chậm đi về phía khu vườn, vào trong được khu vườn ông tìm thấy những chùm dâu dại, ông bỏ chúng vào trong túi áo, bò đến líếp bắp, ông hái ba trái bắp còn non, và ông tìm được một trái thơm, ông bỏ chúng vào các túi áo khác, xem lại địa bàn rồi bước từng bước chậm trở về nơi ẩn trú của ông, khi ông liên lạc với viên phi công quan sát, người này chúc ông một buổi ăn tối ngon lành�…

    5 tháng Tư

    Thời tiết khá tồi tệ cho cả nguyên ngày, chỉ có một vài phi vụ oanh kích theo lối Loran hoặc Skyspot, lúc 8 giờ 30 sáng tiền sát viên pháo binh TQLC thấy xe tăng địch cách phía bắc cầu Cam Lộ khoảng hai cây số, họ xin phi cơ lên oanh kích đoàn xe tăng này. Nhưng mọi quyết định phải qua Đệ Thất Không Quân Hoa Kỳ vì đây là vùng cấm hỏa , chín mươi phút sau, sau khi được chấp thuận, phi cơ lên vùng giội bom bằng phương pháp Skyspot, hai xe tăng địch bị bắn cháy nhưng các chiếc khác chạy thoát.

    Ngày này, chỉ có một phi vụ duy nhất gần các phi công lâm nạn, hai chiếc F-4 thuộc Phi đoàn 13 Oanh Kích Chiến Đấu thả bốn trái bom CBU-42 WAAPMs (sẽ bung ra hàng trăm quả bom nhỏ, chỉ phát nổ khi bị giẫm lên) vào quanh vị trí Hambleton, Trung úy Mike Carlin và chiếc số 1 bay thật thấp từ hướng biển vào, trần mây thấp làm hai chiếc phải bay ở cao độ tám trăm bộ, chưa bao giờ ông thấy luồng khói trắng lớn từ trái đạn khói chỉ điểm do phi cơ quan sát bắn ra, về sau ông mới nhớ là họ chưa bao giờ bay chiếc F-4 với độ thấp như vậy.

    Đại tướng Creighton Abrams, tư lệnh MACV cũng xin Ban Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ tại Hoa Thịnh Đốn viện trợ khẩn cấp thêm Không Quân Chiến Đấu và được chấp thuận một cách nhanh chóng, một phi đoàn F-105G từ McConnell, Kansas sẽ đến Korat, Thái Lan, hai phi đoàn F-4 cũng bay đến Thái Lan vào ngày 11 cùng với tám chiếc EB-66, hai phi đoàn F-4 TQLC từ Iwakuni có mặt ngày 8 và một phi đoàn F-4 thứ ba từ Kaneohe, Nhật đến thẳng Đà Nẵng ngày 13, thêm vào đó là năm mươi hai chiếc B-52 D và G sẽ bay đến phi trường không quân Andersen, Guam.

    Hải Quân Hoa Kỳ cũng cho tăng cường thêm các tàu chiến, các chiếc Hàng Không Mẫu Hạm Kitty Hawk, Hancock và Coral Sea đã đến ngoài khơi biển Đông vào ngày 3, chiếc Constellation sẽ có mặt vào ngày 8, mỗi chiếc hàng không mẫu hạm này có khoảng sáu mươi phi cơ chiến đấu.

    6 tháng Tư

    Hôm nay thời tiết khá tốt, trần mây cao tiện lợi cho các phi cơ quan sát, toán cấp cứu được đặt trong tình trạng báo động trong lúc bốn chiếc B-52 và rất nhiều phi cơ oanh kích vào các mục tiêu đã được chiếc Sandy chỉ điểm.

    Các toán quân địch lợi dụng thời tiết xấu trong những ngày vừa qua nên đã tập trung chuyển quân vào Cam Lộ và từ hướng tây di chuyển vào phía nam cầu, phi cơ quan sát miền Nam lên vùng báo cáo cho các vị chỉ huy quân bộ chiến và gọi phi cơ oanh tạc đến. Vài chiếc A-1 thuộc Không Quân Việt Nam đã giội bom xuống các vị trí phía tây và nam trong vùng cấm hỏa lực gây thiệt hại nặng nề cho quân địch.

    Vào khoảng 3 giờ 15 phút trưa, từ Đà Nẵng, Đại úy Fred Boli (Sandy 01) cùng Sandy 02, 05, 06, hai chiếc Jolly Green 60, 67, và hai chiếc Jolly Green khác thuộc Phi đoàn 40 làm nhiệm vụ trừ bị bay đến Cam Lộ. Trung tá Crowe thuyết trình về phi vụ, nếu tình hình cho phép, sẽ xuống bốc các phi công lâm nạn và vì Hambleton đã trốn tránh trong bốn ngày, nên phải thả xuống cho ông một hộp Madden survival kit- hộp mưu sinh thoát hiểm – gồm thức ăn khô, nước uống và pin cho chiếc máy liên lạc.

    Đại úy Peter Chapman mặc dầu có sự vụ lệnh thuyên chuyển về căn cứ Không Quân Andrew, Maryland vẫn tình nguyện bay chiếc Jolly Green 67, cùng bay trong chuyến này còn có phi công phụ, Trung úy John Call III, Thượng sĩ cơ khí Roy Prater, hai Trung sĩ chuyên viên cấp cứu William Pearson, Allen Avery và Trung sĩ phim ảnh James Alley.

    Hai chiếc Sandy 01, 02 sẽ vào thẳng Cam Lộ quan sát tình hình, Sandy 05, 06 và Jolly Green 60, 67 bay gần tây nam Quảng Trị, hai chiếc Jolly Green thuộc Phi đoàn 40 bay phía tây Huế gần bờ biển. Đại úy Boli rất lo ngại về tin tình báo cho biết có năm tiểu đoàn Bắc quân hiện đang có mặt giữa vị trí các phi công và quân bạn (đây là đoàn quân di chuyển từ hướng tây vào phía nam cầu Miêu Giang đã bị phi cơ quan sát miền Nam tìm thấy). Trong vòng nửa tiếng đồng hồ ông và chiếc Sandy 02 bay trên vùng, họ bắn phá vào những vị trí khả nghi, tìm một hướng an toàn cho chiếc Jolly Green vào bốc các phi công, họ không thấy sự phản ứng của địch quân ngoại trừ báo động SAM trên vùng, các vị trí tiền đồn của quân bạn cũng quan sát cuộc cấp cứu này, họ đếm được khoảng bốn mươi chiếc phi cơ bay cho công tác này.

    Vào lúc 4 giờ 15 phút, Boli báo cho hai chiếc phi cơ quan sát đình chỉ việc oanh kích để cho ông và chiếc Sandy 02 bay xuống vị trí các phi công, họ tiếp tục bắn cà-nông 20 ly vào các vị trí khả nghi và Boli thả hộp mưu sinh thoát hiểm xuống cho Hambleton (khi về đến Đà Nẵng, ông mới biết hộp nầy không thả xuống được vì bị trở ngại kỷ thuật. Để tránh cho địch quân biết được vị trí của Hambleton, có rất nhiều hộp đồ được thả xuống, Hambleton được cho biết ám số riêng cho hộp của riêng ông, các hộp khác sẽ nổ tung khi bị mở ra), Sandy 02 cũng thả thêm bom CBU xuống những vùng khả nghi khác, sau đó Boli cho các phi cơ giội bom và bắn phá tiếp tục trong khi ông chỉ định chiếc Jolly Green 67 và hai chiếc Sandy 05, 06 sẵn sàng vào bốc Hambleton, tiếp theo là Clark và rồi trong hệ thống truyền tin báo động cho biết SAM trên vùng, Boli không nghe thấy phòng không bắn lên, ông rất quan tâm lo ngại và đang cố gắng tìm các vị trí súng phòng không địch.

    Lúc 5 giờ 10 phút, Sandy 03 mang đầy hỏa tiễn khói vào nhập trận, Boli cho mọi người biết sau khi Sandy 03 tạo ra một màn khói, chiếc Sandy 02 sẽ dẫn Jolly Green 67 vào để bốc Hambleton, rồi đến Clark nếu vị trí của Clark yên tĩnh. Sandy 02 và 05, 06 sẽ tạo ra một màn lửa chung quanh Jolly Green 67, Sandy 03 bắn hỏa tiễn khói che quanh các chiếc Sandy và Jolly Green, riêng Boli sẽ bay trên cao điều khiển và quan sát các vị trí súng của địch. Vài phút sau đó khi tất cả mọi người đã sẵn sàng, Boli cho chiếc Sandy 03 bắn đạn khói hướng dẫn Jolly Green 67 vào vị trí Hambleton, Sandy 03 vừa tạo ra một màn khói, các chiếc Sandy 02, 05, 06 liền nhào xuống bắn phá dữ dội vào tất cả các vị trí khả nghi dọn đường cho Jolly Green 67 vào, trên không trung Đại úy Gary Ferentchak bay chiếc Nail 59 chụp hình cuộc cấp cứu. Khi Jolly Green 67 bay vượt qua sông Cam Lộ, cộng quân tập trung hỏa lực bắn vào chiếc này một cách dữ dội, vài giây sau đó khi còn cách Hambleton khoảng một trăm thước, Jolly Green 67 báo cáo cho biết trực thăng bị bắn trúng nhiều chỗ, thùng xăng bị trúng đạn, phi hành đoàn cố gắng điều khiển trực thăng rời khỏi vùng bão lửa. Trên không trung, Boli lệnh cho các chiếc Sandy bảo vệ cho chiếc Jolly Green 67 còn ông bắn vào phía trước chiếc trực thăng trong lúc chiếc này cố gắng tăng thêm vận tốc, thay vì rẽ về hướng đông nam theo lệnh đã thuyết trình, phi hành đoàn lại bay về hướng tây, nơi cộng quân tập trung quân ở phía bắc cây cầu, Boli liền bảo họ phải bay về hướng nam, phía tay phải, trực thăng liền rẽ phải cách khoảng một cây số về hướng tây trong đường bay đã được báo trước. Nhưng các phi công khi cố gắng lái trực thăng về hướng phải lại bay chệt hướng về phía tây nam, Boli la lớn trên hệ thống truyền tin: Jolly Green rẽ về phía trái, hướng nam, sau khi bay một vòng bắn phá vào vị trí địch, nhìn lại chiếc trực thăng, ông nhận thấy lửa cháy ở giữa máy phía trái và ngay cánh quạt chính, lập tức các mảnh nhỏ của đuôi quạt bay vào cánh quạt làm cho cánh quạt bị bắn ra thành từng mảnh nhỏ. Jolly Green 67 vẫn tiếp tục quẹo trái và rơi xuống đất cách vị trí của Clark khoảng năm trăm thước, lửa cháy lan khắp trực thăng, không một ai nghe được tiếng liên lạc kêu gọi cấp cứu của phi hành đoàn, lúc ấy đúng 5 giờ 40 phút.

    Sau khi các phi cơ cấp cứu rời vùng, các phi cơ quan sát miền Nam lợi dụng thời tiết tốt lên vùng và gọi cho các chiếc A-1 và A-37 Không Quân Việt Nam từ phi trường Đà Nẵng lên oanh kích, các phi cơ này bắn cháy nhiều xe tăng, chiến cụ và tiêu diệt nhiều địch quân, cuộc chiến tại vùng I vẫn tiếp tục một cách mãnh liệt.

    … Những tiếng nổ lớn đánh thức Hambleton, mặt đất như bị nhồi lên nhồi xuống, những trái bom từ các chiếc B-52 từng chuỗi theo nhau rớt nhanh xuống đất rồi nổ ầm ở phía nam Hambleton, ông biết quân Bắc Việt đang cố gắng tràn xuống phía nam, hướng về thành phố Quảng Trị, lấy trái bắp trong túi áo ra, ông bẻ nó ra làm hai, rồi bỏ phân nửa trái bắp vào lại túi áo, trái bắp cuối cùng ông còn giữ được trong người, đây là phần ăn sáng của ông…

    …Vào buổi trưa, khi sương mù vừa tan, Hambleton nhận được tin một hộp đồ mưu sinh sẽ được thả xuống cho ông, ông nghĩ thầm vậy là ngày hôm nay sẽ không có phi cơ vào bốc ông, viên phi công quan sát hỏi ông về tình hình dưới đất, ông cho người này biết chung quanh ông, mọi sự vẫn yên tĩnh, chỉ có tiếng súng nhỏ mà thôi, viên phi công trấn an và cho ông biết mọi người vẫn quan tâm đến ông, chiếc phi cơ quan sát chuyển hướng bay xa về phía nam, nó mất dần trong tầm mắt của ông, hôm nay trời đẹp quá, ông nói với chính mình…

    … Tiếng động cơ của chiếc phi cơ quan sát cắt đứt những suy nghĩ của Hambleton, ông vừa nghĩ đến việc tự thoát thân một mình, ông dự định đi về hướng tây băng qua Lào, rồi vượt sông Mê Kông tìm đường về lại Sài Gòn, hay ông đi về hướng nam vượt qua các đoàn quân Bắc Việt đang hăm he tràn xuống thành phố Quảng Trị. Viên phi công quan sát cho Hambleton biết ông nên chuẩn bị tinh thần, một sự việc ngoạn mục sắp sửa bắt đầu, rồi Hambleton nghe nhiều tiếng động cơ máy bay trên bầu trời, ông nhìn lên và thấy nhiều chiếc A-1 đang bay vào vùng, khói trắng bay đầy trời, không gian bỗng dưng sôi động hẳn lên, các chiếc A-1 nhào xuống bắn phá chung quanh Hambleton, dưới đất quân địch cũng bắn lên dữ dội, bầu trời như một biển lửa, tiếng nổ của bom đạn và tiếng súng phòng không quyện vào nhau tạo nên những tiếng động kinh hoàng, Hambleton nói thầm địa ngục là đây, vài phút sau bầu trời lại trở nên yên tĩnh một cách lạ thường. Viên phi cơ quan sát gọi cho Hambleton, với giọng nói thật bình thản, người này bảo Hambleton chuẩn bị cây flare, Jolly Green trên đường bay, một luồng điện chạy dài trên sống lưng ông. Hambleton nhìn thấy chiếc phi cơ quan sát đang xuống thấp, thật thấp và bay thật chậm, ông biết viên phi công quan sát thử sức phản ứng của các tay súng cộng sản, chỉ có những tiếng súng nhỏ, có lẽ phòng không địch đã bị các chiếc A-1 làm thịt rồi, rồi ông nghe tiếng “chúp chúp”, không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là tiếng động cánh quạt từ chiếc Jolly Green, ông đã trông thấy nó, hai chấm đen, đúng ra là hai chiếc trực thăng từ xa bay nhanh đến, chiếc Jolly Green hai cánh quạt và chiếc trực thăng gunship bay hộ tống. Viên phi công quan sát hỏi Hambleton có thấy chiếc Jolly Green chưa, vào tần số này để nói chuyện trực tiếp với Jolly Green, Hambleton nghe một giọng nói thật ấm nhưng cương quyết, viên phi công trên chiếc Jolly Green cho ông biết trực thăng sẽ bay từ hướng bắc vào, và ông sẽ từ hướng đông chạy ra “bắt tay” chiếc Jolly Green. Hambleton trông thấy rõ chiếc Jolly Green bay thẳng đến con sông, khi vừa đến con sông, Jolly Green rẽ sang hướng bắc và bay vào vị trí của ông, chiếc gunship bay dẫn đầu, phòng không địch bắt đầu bắn lên, bầu trời đang trong xanh bỗng có thêm những cụm mây đen, đỏ, trắng, chiếc trực thăng gunship và các chiếc A-1 cũng bắn trả lại, lửa trả lời lửa. Hambleton bóp cò cây flare, ngay lúc ấy trong máy liên lạc có tiếng la lớn từ một chiếc A-1, và cả chiếc phi cơ quan sát “Jolly Green, rẽ trái, quẹo trái, súng lớn đang ở hướng 12 giờ của anh”, tiếng la nay đã trở thành tiếng hét đau đớn “Jolly Green, rẽ trái ngay, tránh xa cái làng nhỏ, súng lớn của địch đầy trong đó”, Hambleton đứng sửng lên vì sợ và lo ngại cho chiếc Jolly Green, ông nhìn chiếc trực thăng đang cố gắng bẻ gắt về hướng trái, rồi dưới cặp mắt kinh hoàng, ông nhìn thấy nhiều trái banh lửa bay nhanh vào chiếc Jolly Green, một tiếng nổ lớn bên trên ông, trong chiếc máy liên lạc, ông nghe các phi công trên các chiếc máy bay la lớn “Jolly Green bị rồi, Jolly Green bị trúng đạn phòng không rồi”, Hambleton nhìn trong câm lặng và đau khổ khi chiếc Jolly Green rớt xuống đất, lửa cháy đầy quanh chiếc trực thăng, trên bầu trời, đám khói lớn cũng tan dần đi.

    Viên phi công quan sát cho Hambleton biết họ phải rời vùng,” Bat 21, an tâm, mọi người luôn lo nghĩ đến anh”, ông trả lời yếu ớt “tôi hiểu”, rồi ông thầm nói một mình: ”Jolly Green 67…phi hành đoàn… tiêu rồi… năm người cố gắng cứu tôi… năm người”. Hambleton nhìn về cái làng nhỏ, lửa vẫn còn âm ỉ cháy…

    7 tháng Tư

    Các phi vụ cấp cứu được tạm hoãn, tại Đà Nẵng và Sài Gòn hai phiên họp đã diễn ra để tổng kết và đánh giá những sự việc bi thảm xảy ra trong mấy ngày vừa qua. Nhiều ý kiến quan trọng được đặt ra, có thể dùng một cuộc hành quân bộ chiến để cứu họ hay có lẽ, gài một toán quân nhỏ vào giữa con sông.

    Bilk 11 và các phi cơ quan sát tiếp tục bao vùng liên lạc với các phi công, thời tiết chỉ thích hợp cho các cuộc oanh kích gần bờ biển, sâu vào nội địa trần mây thấp làm giảm tầm quan sát, tuy vậy các chiếc A-1 của Không Quân Việt Nam vẫn thay phiên nhau giội bom và bắn phá vào các vị trí của địch quân. Quân đội miền Nam rất quan tâm đến vùng Cam Lộ vì địch quân đang tăng cường chuyển quân từ hướng bắc và hướng tây vào, pháo binh Bắc quân cũng được đưa thêm vào vùng này. Nhiều đoàn quân địch vượt sông Miêu Giang xâm nhập, thăm dò vào các vị trí của Lữ đoàn 1 Kỵ Binh, một đoàn quân địch vào khoảng ba trăm tên bị phát giác đang vượt sông, gần ngay vị trí Mark Clark, pháo binh được bắn ngay vào đoàn quân nầy.

    Khoảng 10 giờ 30 sáng, Trung úy Bruce Walker thuộc Phi đoàn 20 Yểm Trợ Chiến Đấu cất cánh từ phi trường Đà Nẵng (tên phi vụ Covey 282), thay vì bay quan sát trên bầu trời vùng phi quân sự ngăn chận sự tiếp tế của quân địch từ phía bắc hướng về Đông Hà và Cam Lộ, ông phải đáp xuống phi trường Phú Bài, Huế để mang theo một tiền sát viên pháo binh TQLC, Trung úy Larry Potts, sĩ quan liên lạc pháo binh chuyên về hải yểm. Họ được lệnh bay đến căn cứ hỏa lực bỏ trống Charlie-1 để thăm dò vì có tin nhiều đoàn xe của địch quân đang di chuyển quanh vùng này.

    Cùng lúc ấy, Đại úy Tuck Ernst và Trung úy Dave Talley lái chiếc OV-10 (Nail 21) bay trên vị trí các phi công lâm nạn, họ muốn bố trí các cuộc oanh kích địch quân nhưng phòng không và hỏa tiễn SAM gây cho họ nhiều trở ngại.

    Khoảng 11 giờ 15 phút, một trong những chiếc hỏa tiễn SAM bắn trúng vào chiếc Covey 282, hai viên phi công nhảy dù ra ngoài, chiếc phi cơ chỉ huy King và Nail 21 nghe được tiếng kêu cứu của Walker. Nail 21 bay đến nơi Covey bị bắn rơi, Walker lên máy và báo cho Nail 21 biết ông xuống đất an toàn và đang di chuyển xa chỗ chiếc dù của ông, ông không rõ về tình trạng của Larry Potts. Khi chiếc hỏa tiễn SAM bắn vào Covey 282, Potts đang nói chuyện trên hệ thống truyền tin với Trung úy Joel Eisenstein (sĩ quan lo việc yểm trợ hải pháo) tại căn cứ Ái Tử, Potts gọi cấp cứu và khi Eisenstein hỏi lại Potts thì không còn nghe tiếng Potts nữa, ông vội liên lạc với một sĩ quan tiền sát viên khác đang ngồi trên chiếc phi cơ quan sát do Không Quân Việt Nam lái bắt đầu tìm một chiếc phi cơ có thể bị rơi gần đó. Nhưng không may chiếc này lại bị trúng hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 và bị rơi khi cố gắng đáp xuống phi trường Quảng Trị.

    Khoảng 11 giờ 30 phút, Đại úy Hải Quân David Throop, chỉ huy toán liên lạc hải yểm ngồi vào ghế sau chiếc O-1 thuộc Không Quân Việt Nam, họ bay dọc theo con sông giữa Đông Hà và Cam Lộ, bị quân địch bắn lên dữ dội nhưng họ không thấy chiếc phi cơ vừa bị rơi, sau đó họ bay dọc theo quốc lộ 1 lên tận phía bắc vùng phi quân sự cũng không tìm được. Eisenstein nhờ Throop hướng dẫn hải pháo bắn vào các vị trí đặt hỏa tiễn SAM hiện đang nằm trong vùng căn cứ hỏa lực Charlie-2, sau gần ba mươi phút, họ bay về phía bờ biển tiếp tục việc tìm kiếm nhưng không bao giờ thấy hoặc liên lạc được với hai phi công trên chiếc Covey 282.

    Để tránh các hỏa tiễn SAM và để cho việc tìm kiếm Covey 282 có kết quả, Nail 21 giảm cao độ xuống còn một ngàn rưởi bộ, ở độ cao này họ thấy được chiếc dù của Walker, cách đông bắc Hambleton khoảng sáu cây số, Nail 21 tiếp tục tìm Walker và cố gắng liên lạc với Potts (sau này mới biết Trung úy Larry Potts bị thương và bị địch bắt làm tù binh, ông bị bắt đúng vào ngày sinh nhật thứ hai mươi lăm, sau ông mất tại nhà giam Quảng Bình). Lúc nầy cộng quân bắt đầu bắn lên chiếc phi cơ quan sát, dưới đất Walker cũng gọi cho họ coi chừng hỏa tiễn SAM và Nail 21 nhìn thấy một luồng khói trắng bay sát phía trái và phát nổ trên đầu chiếc phi cơ, họ vội rời khỏi vùng và sau đó bay hướng dẫn các phi cơ oanh kích vào quanh vị trí của Walker. Khoảng một tiếng sau, Nail 21 được Nail 25 đến thay thế, trên đường bay về Nakhon Phanom, một chiếc hỏa tiễn S-2 được bắn lên hướng về phi cơ họ. Chiếc Nail 25 đang cố gắng xác định vị trí của Walker thì được báo động SAM trên vùng, Nail 25 rẽ sang phải thì thấy SAM ở ngay sau đuôi, phi công liền chúi mũi phi cơ xuống đất thì hỏa tiễn SAM cũng nổ tung ngay trước kính buồng lái, may mắn phi cơ chỉ bị hư nhẹ, trong phi vụ nầy có đến mười chiếc hỏa tiễn SAM bắn lên họ.

    Hambleton và Clark nghe được tin Covey 282 bị rớt, việc này càng làm cho họ thêm bi quan.

    Đệ Thất Không Quân Hoa Kỳ biết được muốn bảo vệ các phi cơ và phi công, các giàn phóng hỏa tiễn SAM phải bị phá hủy, nhưng các vị trí nầy được bảo vệ bằng nhiều đơn vị phòng không với đủ các loại súng. Trưa hôm ấy, nhiều phi đoàn F-4 thuộc Không đoàn 366 Tactical Fighter – Oanh Kích Chiến Đấu bay đến giội bom vào các giàn phóng hỏa tiễn SAM, nhưng Không Quân Việt Nam lại bi thiệt hại thêm hai chiếc O-1 và A-1 phía bắc Đông Hà cũng bởi hỏa tiễn SAM, về sau Hải Quân Hoa Kỳ cho biết trong ngày này Bắc Việt phóng lên 83 hỏa tiễn SAM trên vùng trời Quảng Trị.

    Các vị sĩ quan cao cấp chỉ huy Đệ Thất Không Quân Hoa Kỳ cũng nhận thức việc cứu cấp các phi công lâm nạn không được thành công và gây nhiều tổn thất, việc dùng các trực thăng Jolly Green xuống bốc các phi công trong công tác cấp cứu này coi như phải bị hủy bỏ. Đại tướng Creighton Abrams ban hành lệnh hủy bỏ công tác cấp cứu bằng trực thăng.

    Vào buổi chiều, Thiếu Tướng Winton Marshall tiếp nhận điện thoại do Trung tá TQLC Andy Anderson, chỉ huy trưởng Joint Personnel Recovery Center – Trung Tâm Tiếp Cứu Hỗn Hợp tại Sài Gòn gọi, ông xin được có một buổi họp bàn về việc giải cứu các phi công bị rơi tại Quảng Trị. Trong những ngày vừa qua, Anderson theo dõi công việc cấp cứu, ông có một kế hoạch khác, Thiếu Tướng Marshall cho ông một cái hẹn vào ngày hôm sau (lời người viết: có lẽ MACV là nơi khởi xướng và soạn thảo ra kế hoạch và chương trình giải cứu các phi công, trong quyển sách The Rescue of Bat 21 tác giả Darrel Whitcomb viết Anderson là người đưa ra kế hoạch cứu các phi công).

    … Hambleton không được biết về những việc này, ông nhận được tin tối hôm nay sẽ không có phi cơ quan sát bao vùng, ông tự nghĩ không lẽ mình bị bỏ rơi trong trận chiến, hôm nay đã là ngày thứ năm tính từ ngày ông bị bắn rơi, đói khát và cô đơn làm cho ông xuống tinh thần…

    8 tháng Tư

    Buổi họp được diễn ra trong văn phòng Thiếu Tướng Marshall, Anderson đưa ra một kế hoạch sẽ gởi một toán Biệt Hải vào Cửa Việt hoặc sông Miếu Giang để đưa Hambleton, Clark và Walker ra, ông tình nguyện sẽ dẫn toán biệt hải trong công tác này, Thiếu Tướng Marshall chấp thuận kế hoạch và ông hứu sẽ dành cho Anderson tất cả mọi phương tiện và những gì Anderson cần.

    Vào buổi trưa, Anderson bay ra Đà Nẵng, ông có một cuộc họp với các sĩ quan Lục Quân, Hải Quân và Không Quân, những người liên quan đến việc giải cứu, Anderson cho họ biết ông và các biệt hải sẽ đến một vị trí tiền phương của Sư Đoàn 3 Bộ Binh gần sông Miếu Giang, tại đây họ sẽ đi dọc theo con sông lên ngược phía bắc để đón ba viên phi công. Các viên phi công này cũng phải theo dòng sông di chuyển về phía nam để đến điểm hẹn, vì Walker ở xa nhất, ông sẽ là người sau cùng được cứu, các vị chỉ huy của các phi công nầy sẽ là những người liên lạc trực tiếp hướng dẫn và giải thích cho các phi công việc đưa các biệt hải vào cứu họ.

    Sau buổi họp, Anderson đến cơ quan Naval Advisory Detachment – Phân Bộ Cố Vấn Hải Quân Hoa Kỳ, một đơn vị chuyên về hành quân đường thủy, còn có tên MACSOG 37, cơ quan đối nhiệm của Sở Phòng Vệ Duyên Hải (do Hải Quân Đại tá Nguyễn Viết Tân làm chỉ huy trưởng), Anderson yêu cầu Đại tá Tân cho một toán Biệt Hải Việt Nam đi với ông cho công tác giải cứu các phi công Mỹ bị bắn rơi tại Quảng Trị. Hải quân Đại úy Vũ Ngọc Thọ được chỉ định làm trưởng toán cho công tác.

    Sau đó, Anderson gọi về Sài Gòn nói chuyện với Trung tá Craig Dorman chỉ huy STDAT 158 (Strategic Technical Directorate Advisory Team – toán cố vấn Người Nhái 158 trực thuộc Nha Kỹ Thuật) về việc cần một biệt hải Mỹ cho công tác, Đại úy Tom Norris đang làm cố vấn toán biệt hải Việt Nam cho các công tác tại vùng bốn cũng đang có mặt trong phòng, ông tình nguyện và được chấp thuận, ông ngồi trong chiếc phi cơ kế tiếp bay ra Đà Nẵng.

    Buổi tối, Anderson, Norris và Thọ ngồi họp (các biệt hải Việt đã có một cuộc họp trước vào buổi sáng cùng ngày, trưởng toán Thọ cho anh em biết trước công tác, tình hình địch cùng phương cách hoạt động), Anderson chỉ định toán biệt hải Việt Mỹ sẽ đến một đơn vị quân bạn đóng tiền đồn ở cực bắc gần sông Miêu Giang, tại đây họ sẽ chờ các phi công thả trôi theo sông về, trong bất cứ tình huống nào các Biệt Hải không được di chuyển vào trong vùng địch quá một cây số.

    9 tháng Tư

    Sáng nay, từ vị trí tập trung quân ở Cam Lộ, cộng quân tấn công vào các vị trí đóng quân của Liên đoàn 5 Biệt Động Quân và Thiết đoàn 20 Chiến Xa nằm ở hướng đông quốc lộ 9, cuộc chiến đấu diễn ra thật dữ dội trong vòng nhiều giờ, nhờ vào không quân và hải pháo yểm trợ, quân địch phải rút lui. Khi tình hình nguy kịch, Đại úy Harold Icke (Bilk11) nhận lệnh bay quan sát yểm trợ cho quân bạn, nhưng khi ông vào vùng thì cuộc diện trận chiến đã thay đổi nên ông được lệnh bay quan sát và liên lạc với Hambleton, nhiều hỏa tiễn SAM được phóng lên không trung, Bilk 11 thấy một chiếc B-52 bị trúng hỏa tiễn SAM, chiếc B-52 phải đáp khẩn cấp xuống phi trường Đà Nẵng.

    Cùng trong thời gian này, quân địch cũng mở một cuộc tấn công khác vào căn cứ hỏa lực Phượng Hoàng (Pedro) nằm ở phía nam, ngày hôm trước Tiểu đoàn 6 TQLC đến thay thế cho một tiểu đoàn BĐQ, họ được cho biết trước cuộc tấn công này, những người lính Mũ Xanh sẵn sàng chờ địch, trong căn cứ chỉ do một đại đội trấn đóng, thành phần còn lại của tiểu đoàn được chia làm hai cánh, một nằm trên một đồi cao cách căn cứ khoảng một cây số, cánh khác nằm ở phía đông nam căn cứ khoảng một cây số, hơn 500 quả mìn chống chiến xa đã được đặt ngay hướng tây nam đường vào căn cứ.

    Vào hừng sáng sau trận mưa pháo kinh hoàng, chiến xa và bộ binh địch tràn vào căn cứ, pháo binh TQLC bắt đầu phản pháo, lính Mũ Xanh dùng súng M-72 nhắm bắn vào đoàn xe tăng, khi trời sáng các chiếc A-1 Không Quân Việt Nam lên vùng săn xe tăng địch, hai đại đội thuộc Tiểu đoàn 1 TQLC, một chi đoàn M-48, và một chi đoàn M-113 hợp cùng Tiểu đoàn 6 TQLC phản công tái chiếm căn cứ, địch quân bỏ chạy về hướng tây nam.

    Thật là định mệnh đã an bài, Không Quân Việt Nam bị thiệt mất một chiếc A-1, Đại úy Trần Thế Vinh, con phượng hoàng của Phi đoàn 518 vừa gẫy cánh trên căn cứ Phượng Hoàng. Hãy nghe lại lời kể của Đại úy Định, người bay cùng phi tuần với Đại úy Vinh:

    �8 giờ sáng ngày 9-4-1972, hai chiếc AD-6 do Đại úy Vinh chỉ huy được lệnh đi đánh chiến xa tại Mặt Trận Giới Tuyến. Thời tiết rất xấu từ Đà Nẵng ra Quảng Trị phi cơ phải bay sát mặt đất, có khi chỉ cách lối 50 thước, 2 phi cơ nhiều lần cho biết có 3 chiến xa địch dàn trận, với rất nhiều súng phòng không chỉa lên. Đại úy Vinh quyết định dùng chiến thuật núp từ trong mây đánh xuống, lúc đó cả hai chiếc AD-6 ở trên cao độ 1300 bộ, và đánh chiến xa Bắc Việt theo hai hướng Tây Bắc- Đông Nam. 10 giờ 15 phút, khi phi cơ quan sát cho biết Đại úy Vinh vừa bắn cháy thêm một chiến xa địch, cũng là lúc tôi nghe tiếng Vinh hét lên trong ống nghe: Đạn phòng không bắn lên dữ quá…có lẽ nguy mất! cùng lúc ấy chiếc AD-6 của Vinh lao xuống và không lên được nữa. Phi cơ quan sát báo cáo thấy Vinh đã nhảy dù ra ngoài, tôi quầng nhiều vòng chỗ phi cơ Vinh đâm xuống, nhưng không thấy bóng dáng chiếc dù và dấu vết gì cả. Chiến tích cuối cùng của Vinh trước khi gẫy cánh là chiếc chiến xa thứ 21 của quân CSBV bị Vinh bắn hạ.�

    Lần đầu tiên trong trận chiến Quảng Trị, quân miền Nam đã chận đứng và đánh tan địch quân, trong trận đánh tại quốc lộ 9, 653 địch quân bị giết, 24 tăng bị bắn cháy hoặc bị bắt sống, tại Phượng Hoàng 22 tăng bị bắn cháy, hai bắt sống, 424 cộng quân bị giết, tổn thất quân bạn không đáng kể.

    Trên không trung, Nail 25 đang bay liên lạc với các viên phi công lâm nạn, trong khi bay họ nhìn thấy một đoàn xe tăng địch đang di chuyển trên quốc lộ 1 hướng về Đông Hà, họ báo cáo về trung tâm hành quân, vài phút sau sáu chiếc B-52 trên đường oanh kích một mục tiêu khác chuyển mục tiêu vào đoàn xe tăng này, một chuỗi bom được trút xuống, 27 xe tăng và ba khẩu súng pháo binh bị phá hủy, trong ngày này cộng quân bị thiệt mất 73 xe tăng.

    Vào lúc 5 giờ sáng cùng ngày, toán biệt hải Việt Mỹ tại Đà Nẵng được trực thăng vận vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh, sau cuộc họp với tướng Giai, khoảng 11 giờ trưa, toán di chuyển đến bộ chỉ huy Lữ Đoàn 1 Thiết Kỵ đóng gần Đông Hà, toán nghĩ ngơi tại đây, vào ngày hôm sau thiết vận xa M-113 sẽ đưa toán vào Cam Lộ, điểm hẹn là một lô cốt tiền đồn do một đại đội thuộc Sư Đoàn 3 trấn đóng, lô cốt này nằm trên một đồi cao trông xuống Cam Lộ và sông Miêu Giang.

    … Hambleton được phi cơ quan sát cho biết ngày mai ông phải đi về hướng sông Miêu Giang, ông cho viên phi công biết ông có thể chết vì khát và nhận được câu trả lời sẽ có nước cho ông (từ nơi ông đang ẩn trú đến sông Miêu Giang khoảng gần hai cây số nên những người lo việc cứu Hambleton đã chụp không ảnh và viết ra một chương trình di chuyển riêng cho ông. Họ cũng biết địch quân cố gắng theo dõi những cuộc đối thoại giữa ông và các chiếc phi cơ quan sát nên trên đường di chuyển những vị trí, địa điểm nơi ông sẽ đến, sẽ tạm dừng chân đều được ngụy hóa cẩn thận, vì sở trường của Hambleton giỏi về môn chơi golf nên những cuộc nói chuyện giữa ông và phi công quan sát đều được nói về những sân chơi golf khoảng cách những lần đánh và phương hướng của sân golf� nơi ông đã từng tham dự bên đất nước ông). Trong đêm, trước khi ngủ ông nghĩ làm sao ông có thể đi ra khỏi bãi mìn bom bi đã được các phi cơ thả xuống chung quanh ông và vì ông đang ở gần một cái làng nhỏ gần trên đường lộ, trên đường đi chắc ông sẽ bị địch quân trông thấy và còn nước uống nữa đây mới là một trong những vấn đề quan trọng của riêng ông…

    10 tháng Tư

    4 giờ chiều, toán biệt hải rời thiết vận xa M-113, cảnh tượng hoang tàn và thê lương hiện ra trước mắt mọi người, chung quanh không thấy bóng làng mạc, ruộng vườn, không một bóng người dân, hàng ngàn hố bom cũ mới đào xới khắp mọi nơi, xa về hướng tây nam, năm sáu xác tăng địch nằm ngổn ngang, chiến tích của đại đội trong một trận đánh trước đó. Những người lính bộ binh rất vui mừng khi thấy toán biệt hải, họ phụ giúp đem các chiến cụ vào trong lô cốt, vị Trung úy đại đội trưởng cho toán biệt hải biết về tình hình địch và bạn, đại đội được hai chiếc M-48 tăng phái ngụy trang rất kỹ nằm gần lô cốt, quân số còn khoảng tám mươi người. Những ngày vừa qua, địch quân thường hay chuyển quân vào ban đêm, chúng mở đèn chạy hàng đoàn dài, việc di chuyển quanh vùng cần phải giới hạn và cẩn thận vì các tiền sát viên địch luôn bám sát theo dõi, chúng có thể pháo vào căn cứ bất cứ lúc nào.

    Anderson sẽ ở lại lô cốt lo việc liên lạc, Đại úy Thọ làm trưởng toán, ông sẽ là người quyết định mọi việc. Norris đề nghị toán xuất phát vào lúc 5 hoặc 6 giờ chiều, Đại úy Thọ hỏi ý kiến Châu, ông là người thâm niên và có nhiều kinh nghiệm nhất. Châu cho trướng toán Thọ biết nên di chuyển vào ban đêm vì xưa nay, các hoạt động của biệt hải chỉ chuyên xâm nhập về đêm, tình hình hiện nay không cho phép toán di chuyển vào ban ngày, địch quân có nhiều sư đoàn bố trí quân dài từ Khe Sanh dọc về quốc lộ 9 và những vùng lân cận khác, trước khi toán đến được mục tiêu, toán sẽ bị địch quân phát giác nhanh chóng bởi những trạm gác đang nằm dầy đặc chung quanh. Trưởng toán Thọ cho anh em ăn uống, nghỉ ngơi, kiểm soát lại súng đạn, dụng cụ và quan sát địa thế quanh vùng, toán sẽ khởi hành sau 7 giờ tối khi mặt trời lặn, xa về hướng tây những tia nắng tím vàng vẫn còn ẩn hiện sau những dải đồi núi nhấp nhô.

    Lúc 7 giờ tối, dưới chân đồi cách khoảng một ngàn thước, một đoàn xe tăng và xe vận tải bật đèn nối đuôi nhau chạy một hàng dọc trên quốc lộ 9 hướng thẳng về đại đội bộ binh và toán biệt hải đang trú đóng, chúng không biết sợ máy bay oanh kích hoặc pháo binh, khi đến gần cây cầu nhỏ đã bị giật sập, chúng chuyển hướng băng ngang qua các ngọn đồi hướng về địa giới Quảng Trị (ngày hôm sau, vào khoảng hai giờ chiều, từng đoàn xe Molotova xuất phát từ hướng Cửa Việt cũng ngang nhiên tiến vào, chúng băng qua các cánh đồng hoang sát tiền đồn một cách thản nhiên, không hề kiêng sợ cát bụi đang bay lên mịt mù, toán biệt hải thầm khâm phục các anh em bộ binh đang chiến đấu một cách cô đơn, dũng cảm, không pháo binh yểm trợ, không phi cơ bao vùng).

    Gần 8 giờ tối màn đêm bắt đầu buông xuống, phủ kín cảnh vật chung quanh nhường chỗ cho những sinh vật sống về đêm, nhưng cũng có những người chuyên hoạt động vào ban đêm, đó là những người lính biệt hải với phương châm “âm thầm” âm thầm làm việc trong bóng đêm, âm thầm nhận lãnh trách nhiệm báo quốc an dân và âm thầm gục ngã cho tổ quốc luôn sinh tồn. Trưởng toán Thọ sắp xếp đội hình, Phong và Tất dẫn đầu Thọ, Norris, Châu đi giữa, sau cùng là Kiệt, các người lính biệt hải trang bị súng AK và bận đồ bộ đội chính qui màu xanh cho chuyến đi nầy.

    Lúc 8 giờ 20, toán bắt đầu xuất phát, những người lính bộ binh hướng dẫn toán vượt qua hàng rào kẽm gai và những bãi mìn được gài quanh căn cứ lần xuống sông Miêu Giang. Trời về khuya, cảnh vật trở nên tĩnh mịch một cách lạ thường, tiếng côn trùng rên xiết vang vọng trong đêm tối, xen lẫn từng tiếng ho, tiếng khua động của cộng quân từ xa vọng về, toán di chuyển thật chậm vì trời tối giới hạn tầm nhìn, nhiều cây cao, mọc san sát che khuất phía trước và một vài loài chim đậu yên ngủ trên những nhánh cây, vụt bay tán loạn khi bị đánh thức, những người lính biệt hải đi dọc theo mé nước sâu ngang đầu gối, đôi lúc gặp phải chỗ trũng lên tới tận ngực, tuy chậm nhưng chắc và không để lại dấu vết giúp cho địch quân dễ dàng theo dõi.

    … Tối nay Hambleton được lệnh rời khỏi vị trí ẩn nấp, trên không trung viên phi công lái chiếc máy bay quan sát cho ông biết màn đầu tiên sẽ là sân golf Tucson, Arizona. Hambleton tự nghĩ sân golf Tucson, Arizona dài và thẳng tắp, cú đánh đầu tiên dài khoảng 430 yards về hướng đông nam, từ nơi ẩn nấp ông nhìn ra xa và chợt nhớ vào lúc xế chiều, các chiếc F-4 thả bom từ vị trí của ông dài theo một hàng thẳng tắp đến gần cái làng nhỏ gần con đường lộ cũng về hướng đông nam. Oâng chợt hiểu ra những trái bom từ chiếc F-4 thả xuống dùng để dọn sạch các trái bom bi nhỏ được thả quanh ông vào những ngày trước và nó cũng tạo ra một con đường an toàn cho ông bước chân lên. Cứ thế ông đi dần về phía cái làng cho đến hết 430 yards rồi ông liên lạc và được hướng dẫn đổi hướng đi (viên phi công cho ông tên nhiều sân golf khác, những sân này sẽ cho Hambleton biết khoảng cách và hướng đi, sau khi di chuyển xong một sân golf, ông liên lạc và được cho tên sân golf kế tiếp) cho đến khi ông đến một vườn cây nhỏ, Hambleton thấy có nhiều cây chuối, ông chợt nhớ viên phi công nói sẽ lo nước uống cho ông và ông chợt hiểu nước uống là những cây chuối nầy, ông vội dùng dao khoét một lỗ nhỏ, nước từ trong thân cây chuối tràn ra, chưa bao giờ ông được uống một loại nước ngon đến thế, ông sẽ tạm trú tại đây cho đến hết ngày hôm sau…

    Vị trí của Clark nằm sát bên bờ sông Miêu Giang, ông được lệnh đi xuống con sông và di chuyển theo dòng nước đang chảy, khi đến gần nơi được chỉ định chẳng may ông trợt chân và bị dòng nước cuốn đi.

    11 tháng Tư


    Vào lúc 12 giờ 30 sáng, toán đến mục tiêu, mọi người ẩn núp vào các bụi cây, mặt hướng về phía trước, cố gắng quan sát hy vọng sẽ tìm được viên phi công đang theo dòng nước từ phía bắc trôi về, trời tối đen, một vài vì sao lưa thưa lấp lánh tựa như ánh sáng của loài đom đóm lẻ loi bay đêm, cảnh vật chung quanh yên tĩnh một cách đáng ngại, tiếng nước chảy róc rách hòa cùng hơi thở nhè nhẹ của người đồng đội kế cạnh theo dòng thủy triều hướng ra đại dương.

    Và rồi Phong phát giác ngay giữa dòng sông có một chấm đen trôi rất nhanh, mỗi lúc một gần, bập bềnh theo dòng nước đang chảy cuồng cuộn, chỉ vài giây sau bóng đen trôi qua chỗ Phong và Tất, họ nghe rõ tiếng phì phào yếu ớt phát ra từ bóng đen. Phong ra dấu cho Tất bò nhanh tới thông báo cho trưởng toán Thọ biết để kịp thời quyết định, ít phút sau Norris mang chân nhái một mình phóng xuống lội theo, độ hai mươi phút sau, Norris lội trở lại vị trí của toán, có lẽ vì dòng nước đang chảy mạnh đã cuốn vật đen đi xa nên ông không theo kịp.

    Toán vẫn đứng yên tại chỗ, tuy mọi người không nói chuyện với nhau nhưng ai cũng nghĩ vật đen có thể là một trong hai viên phi công nương theo dòng nước trôi ra, coi như cơ hội hiếm hoi đã bị đánh mất, lúc này mọi người nghe rõ tiếng đối thoại giữa Norris và Anderson có lẽ đề cập đến sự việc vừa mới xảy ra. Khoảng ba mươi phút sau, trưởng toán Thọ ra lệnh rút lui, theo lộ trình cũ đi dưới mực nước, Phong và Tất tiếp tục dẫn đầu, họ luôn tự hỏi không rõ vật đen vừa rồi có phải là người hay không, bụi cây nào sắp sửa đi ngang, họ càng để tâm quan sát.

    Một giờ sau khi rời bỏ vị trí, Phong vẫn tiếp tục đi trước, ông luôn cẩn thận nghe ngóng để ý từng ngọn cây, vạt cỏ, và trước mặt ông khoảng mười thước, một bụi cây lung lay khiến mặt nước quanh đó giao động, nhưng những cây kế cận vẫn đứng yên, tĩnh lặng, ông ra dấu cho Tất biết, cả hai đồng loạt nằm xuống nấp sau một mô đất, cùng lúc Tất dùng thủ hiệu cho người đi sau dừng lại. Hai người lính biệt hải chăm chú nhìn về hướng bụi cây khả nghi, lắng nghe theo dõi, Phong nói thầm với Tất theo dõi và yểm trợ cho ông nếu cần, còn ông sẽ tìm cách bò đến gần mục tiêu, ông xoay nòng súng AK hướng thẳng về nơi khả nghi, ngón trỏ sẵn sàng lảy cò nếu xảy ra đột biến. Khi khoảng cách hai bên thâu ngắn, người lính biệt hải Việt Nam nhận thấy bụi cây lại rung lên mỗi lúc một nhanh đồng thời nghe tiếng người phát ra yếu ớt “no, no” từ dưới bụi cây, không còn phân vân nghi ngờ gì nữa, đích thực viên phi công mà toán biệt hải đang vượt mọi hiểm nguy tìm cứu. Phong đã trông thấy rõ viên phi công, ông vẫn nằm yên tại chỗ vì sợ viên phi công hoảng hốt buông khỏi bụi cây trôi theo dòng nước tìm cách lẩn trốn hoặc có thể dùng súng colt để tự vệ. Vài phút sau, Phong ra dấu cho Tất trình cho trưởng toán Thọ biết, Thọ và Norris đến kế bên Phong, họ nhìn vào bụi cây, Norris lên tiếng (các phi công Hoa Kỳ phải điền vào một cái phiếu mật, trong phiếu có một vài câu hỏi, họ phải nhớ thuộc lòng các câu trả lời, khi bị bắn rơi, trong lúc được cấp cứu, họ sẽ được hỏi một trong những câu hỏi này, Norris lên tiếng hỏi, Clark vừa trả lời, vừa biết chắc quân bạn đến cứu mình. Trong chuyến công tác, Norris phải đọc thuộc các phiếu mật của các viên phi công lâm nạn), Clark trả lời và ông từ trong bụi cây nhanh nhẹn bò ra ôm chầm lấy Norris, trông giống như hai người bạn thân lâu ngày không gặp, tiếng đứt quãng nghẹn ngào thốt ra từ Clark “thanks” làm mọi người hết sức phấn khởi. Trưởng toán Thọ cho lệnh rút lui, đường về vẫn còn nhiều gian nan, nguy biến, toán di chuyển chậm và cẩn thận vì địch quân đầy dẫy khắp mọi nơi.

    7 giờ sáng, lô cốt hiện ra trước mắt mọi người, Clark không còn đi nổi, các biệt hải thay phiên nhau cõng ông chạy thẳng lên đồi vì sợ địch quân phát giác sẽ pháo vào căn cứ. Ngoài cổng gác, những người lính bộ binh phụ dìu Clark vào trong lô cốt tránh sự dòm ngó của địch, khi được người lính bộ binh trao cho ly cà phê, mắt viên phi công Hoa Kỳ đỏ hoe, rơi lệ.

    Anderson liên lạc về bộ chỉ huy Lữ đoàn 1 Kỵ Binh, 10 giờ sáng một thiết vận xa M-113 xuất hiện đến mang Trung úy Mark Clark về. Toán biệt hải lo nghỉ ngơi, dưỡng sức, những con kình ngư, con cháu của Yết Kiêu và Dã Tượng biết mình còn nhiều việc cần phải làm.

    Khoảng 2 giờ 30 chiều, căn cứ nhỏ bé bị rung chuyển liên hồi vì đạn pháo kích của địch, các biệt hải vội xách súng chạy ra ngoài hàng rào phòng thủ vì sợ cộng quân tấn công, cùng lúc các người lính bộ binh dìu Anderson và trưởng toán Thọ vào, quần áo họ đầy máu, họ được các người lính bộ binh tạm chăm sóc. Norris liên lạc máy vô tuyến tìm phương tiện di chuyển hai thương binh về hậu tuyến, theo lời kể lại của anh em bộ binh, khoảng 2 giờ chiều họ thấy Anderson và trưởng toán Thọ đứng trên miệng hầm cầm ống dòm quan sát địa thế, có thể đề lô cộng sản trông thấy nên kêu pháo tới.

    4 giờ chiều một thiết vận xa M-113 đến di tản Anderson và trưởng toán Thọ, toán viên Châu đi theo để chăm sóc, như vậy toán biệt hải chỉ còn lại bốn người, sự việc chiều nay đã làm thay đổi hoàn toàn chương trình công tác, ảnh hưởng đến tâm lý nhiều người.

    Norris lên nắm trưởng toán, ông cho toán lên đường sớm, lúc 7 giờ bầu trời còn nhá nhem, toán đã rời căn cứ, Phong và Tất vẫn dẫn đầu, đến Norris, Kiệt đi sau cùng. Vì e ngại mìn bẫy và địch quân theo dõi, Phong không đi cùng đường như tối qua, ông đi về lối khác cách địa điểm cũ khoảng bốn mươi thước, sau nhiều lần tránh né địch, toán đến điểm hẹn vào lúc 11 giờ đêm, chờ bắt tay Hambleton.

    12 tháng Tư

    Lúc 1 giờ sáng, sau hai giờ chờ đợi trong hồi hộp và im lặng, toán không thấy Hambleton, Norris ra hiệu cho toán rút về, gần 4 giờ sáng, họ về đến căn cứ. Norris liên lạc và được biết Hambleton không ra đến điểm hẹn vì sức khỏe quá suy yếu, viên phi công 53 tuổi sau nhiều ngày trốn tránh đã không còn di chuyển được nữa, chỉ còn một phương cách cuối cùng, dùng chiếc xuồng chèo ngược dòng lên để đưa Hambleton ra, Norris và Kiệt sẽ cố gắng thêm một lần nữa.

    … Hambleton đã ra đến con sông, thêm một trở ngại mới đến với ông, nước chảy mạnh và sức khỏe ông đã không còn, ông cố gắng di chuyển trong dòng sông theo sự hướng dẫn của phi cơ quan sát, họ biết ông đã bắt đầu kiệt lực, thêm một hộp đồ được thả xuống cho ông, ông nhìn thấy chiếc dù có hộp đồ màu nâu lơ lửng trên không, và nó rơi xuống một cái đồi nhỏ sau lưng ông, sau nhiều lần cố gắng leo trở ngược lên đồi nhưng vì đồi dốc đứng và sức khỏe ông không còn cho phép, ông liên lạc và xin được nghĩ đêm tại đây. Trên không trung người phi công quan sát thấy ông đứng trên bờ, tay cầm cái khăn trắng vẫy lên hướng phi cơ, viên phi công bảo ông phải xuống ngay dưới dòng sông và ông phải tiếp tục di chuyển ngay tức khắc, viên phi công cho ông biết Mark Clark đã được cứu thoát, việc này làm cho ông lên tinh thần và ông tiếp tục di chuyển cho đến khi ông không còn đi được nữa, ông đã không đến được điểm hẹn, viên phi công quan sát cũng không định rõ được vị trí của Hambleton…

    13 tháng Tư

    Kiệt ngồi đầu mũi, giống như Phong, Kiệt chọn một con đường mới, khác với vị trí xuất phát vào lúc đầu hôm, trên không trung phi cơ quan sát Bilk 11 liên lạc hướng dẫn hai người lính biệt hải đến vị trí của Hambleton. Trời vẫn còn mù tối, sương khuya dầy đặc, Kiệt vừa chèo vừa quan sát, lần này họ phải đi xa về phía thượng nguồn, vượt qua điểm hẹn cũ, nhiều lần họ phải tấp xuồng vào sát bờ vì địch quân xuất hiện, khi vừa qua một khúc quanh, họ trông thấy nhiều chiến xa địch bắt đầu nổ máy, Kiệt và Norris tấp xuồng vào bụi cây sát bờ quan sát cảnh vật chung quanh hai bên bờ, rồi khi tình hình cho phép, họ tiếp tục chèo. Vài phút sau, cả hai nghe tiếng nói trên bờ, họ lại tấp xuồng sát vào bờ, và họ nhìn thấy ba tên địch đang đứng trên cầu, nhờ sương mù còn dầy đặc, những tên lính địch đứng trên cao không thấy rõ dưới sông, hai người lính biệt hải không ngờ mình đang ở dưới chân cầu Cam Lộ, họ trông thấy cộng quân đang di chuyển qua cầu. Kiệt và Norris liền quay trở về, họ đã đi quá xa, hơn ba cây số, vừa lo quan sát tránh né địch quân, họ cũng lo tìm kiếm Hambleton và cuối cùng Kiệt trông thấy Hambleton, viên phi công này đang ngồi núp trong một lùm cây sát bờ, Kiệt ra thủ hiệu cho Norris và giống như Clark, Hambleton ôm chầm lấy người lính biệt hải.

    Norris và Kiệt mang Hambleton lên xuồng, Kiệt lấy lá cây và nhiều cành cây nhỏ phủ lên người Hambleton, hai người lính biệt hải biết đường về sẽ còn nhiềâu gian nan, nguy biến vì trời đã sáng, lúc này địch quân đã xuất hiện nhiều, đôi lúc họ phải tấp vào sát bờ để tránh các toán tuần tiễu của địch, vừa chèo cả hai vừa cố gắng quan sát chung quanh đề phòng địch quân, bổng họ nghe một tiếng kêu:

    – Lại đây.

    Kiệt và Norris ngưng chèo, nhìn quanh họ thấy ba tên lính địch đang tiến đến họ, Norris ra hiệu bằng mắt cho Kiệt, cả hai người lập tức chèo thật nhanh, nhiều tiếng súng nổ vang về phía họ. Vài phút sau, họ về ngang chỗ xe tăng địch, rất may các chiếc xe tăng này đã rời khỏi vùng nhưng một tên địch khác trông thấy họ, lần này súng lớn lại nổ nhiều hơn, cộng quân đã thấy được chiếc xuồng. Vừa chèo, Kiệt vừa chỉ tay lên trời, Norris hiểu ý, ông vội gọi máy liên lạc với Bilk 11. Nhiều chiếc phi cơ phản lực đã sẵn sàng trên không trung, nghe phi cơ quan sát báo hai người lính biệt hải đang bị cộng quân vây bắt, các chiếc F-4 nhanh chóng bay vào vùng, sau khi Bilk 11 bắn trái hỏa tiễn khói chỉ điểm vị trí, Trung úy Denny Sapp dẫn bốn chiếc F-4 nhào xuống, Kiệt và Norris vừa nghe tiếng động cơ gầm rú của phi cơ phản lực thì họ cũng nghe cả những tiếng nổ thật lớn phía sau lưng, các chiếc F-4 thay phiên nhau đánh bom xuống. Những trái bom cuối cùng vừa rời khỏi năm chiếc F-4 thì hai chiếc A-1 cũng nhào xuống làm ăn, bảy viên phi công Hoa Kỳ quyết tâm phải dọn dẹp cho thật sạch sẽ chung quanh hai bên bờ sông để cho hai người lính Biệt Hải Việt Mỹ mang Hambleton về.

    Trời đã sáng rõ, chỉ còn vài trăm thước nữa là họ về đến lô cốt, nhưng chung quanh hai bên bờ sông lại trống trải không một bóng cây che chở, chiếc xuồng sẽ là một cái bia cho địch quân tác xạ. Trung úy Tim Brady bay chiếc số hai đưa chiếc A-1 thẳng xuống chiếc xuồng, Kiệt nhìn thấy trái bom từ chiếc A-1 lao nhanh đến mình, ông nghĩ thầm thế là hết, vĩnh biệt chiến tranh, trái bom nổ trước mặt ông vài thước, đất, đá, nhánh cây và nước văng đầy xuồng, một luồng khói trắng dầy đặt bao phủ quanh Kiệt. Norris la to:

    – Go… Kiệt… Go…

    Họ cố gắng chèo thật nhanh vượt qua khúc sông hung hiểm và trống trải này, trên không trung, Đại úy Harold Icke (Bilk 11) chụp được tấm hình chiếc A-1 thả trái bom khói che kín cả vùng để địch quân không thể nhắm bắn vào chiếc xuồng.

    Phong và Tất phụ Kiệt mang Hambleton vào lô cốt, viên phi công sau hơn mười ngày trốn tránh đã hoàn toàn kiệt sức, nhưng hề gì vì ông đã về đến vùng đất tự do, một người lính bộ binh mồi cho ông một điếu thuốc, điếu thuốc đầu tiên kể từ lúc ông ngồi vào chiếc EB-66C bay phi vụ yểm trợ các chiếc B-52 giội bom xuống Cam Lộ, ông nhớ hôm ấy đúng vào ngày 2-4-1972.

    Vài tiếng sau, chiếc M-113 đến mang Hambleton và các người lính biệt hải đi, các người lính bộ binh nói lời chào từ biệt, số mạng nghiệt ngã sẽ được dành riêng cho những người lính bộ binh anh hùng nầy.

    Về đến Đông Hà, Trung tá Iceal Hambleton được trực thăng mang về Đà Nẵng, còn những biệt hải được chở tới Quảng Trị, họ cho các sĩ quan trong bộ tư lệnh Sư Đoàn 3 biết những vị trí đóng quân của địch quanh sông Cam Lộ.

    Từ Quảng Trị, toán biệt hải về lại Đà Nẵng, họ sẽ tìm một kế hoạch khác để cứu Walker, viên phi công nầy không thể rời vị trí ẩn náo để ra đến bờ sông Miêu Giang theo chương trình được vì quân địch đóng quân đầy cả trong vùng.

    14 tháng Tư

    Vào buổi sáng, cây cầu Cam Lộ bị giội bom, cầu bị hư hại nặng nề, chiến xa địch phải tìm một con đường tiến quân khác, Hôm nay, thêm một hộp đồ mưu sinh thoát hiểm được thả xuống cho Walker, vài tiếng sau, một chiếc F-4 Hải Quân (tên phi vụ Linfield 203) thuộc Phi đoàn Chiến đấu 114 từ tàu chiến Kitty Hawk bay đánh phá một vị trí địch quân cách vị trí cũ của Hambleton vài cây số về hướng nam, phi cơ bị đạn phòng không bắn trúng và nổ dữ dội khi chạm đất, chiếc phi cơ quan sát Covey 244 không nhìn thấy phi công nhảy dù ra ngoài, hai Trung úy John G. Greenleaf và Clemie McKinney bay phi vụ này (về sau Bắc Việt cho biết Trung úy Greenleaf bị bắt sống và chết trong tù, thi hài ông được trao trả năm 1985).

    15 tháng Tư

    Sau khi về Đà Nẵng, Đại úy Norris được cho biết kế hoạch cứu Walker, viên phi công nầy sẽ phải di chuyển về hướng tây đến những đồi thấp sẽ có trực thăng xuống bốc, Norris muốn Walker đi về hướng đông, toán biệt hải sẽ theo những con suối nhỏ vào cứu Walker.

    Từ sau ngày Walker bị rớt, Trung úy Mickey Fain là người phi công quan sát bay liên lạc với Walker mỗi ngày, ông hướng dẫn các phi cơ oanh kích quanh vị trí của viên phi công lâm nạn và thông báo cho Walker những chi tiết cần thiết.

    16 tháng Tư

    Walker vẫn tiếp tục liên lạc với các chiếc phi cơ quan sát, ngày hôm nay ông đang ở khoảng sáu cây số đông nam vị trí cũ của Hambleton, ông không thể di chuyển thêm về hướng nam vì địch quân đóng quân dầy đặc, tốt nhất là ông đi về hướng đông bắc về phía bờ biển, vào buổi trưa, phi cơ quan sát cho ông biết, ngày mai sẽ thả xuống hộp đồ mưu sinh cho ông.

    17 tháng Tư


    Ngày hôm nay, chiếc A-1 vừa vào vị trí của Walker thì bị đạn từ dưới đất bắn lên dữ dội, viên phi công lái chiếc A-1 không thả hộp xuống vì sợ làm lộ vị trí của Walker, ông được phi cơ quan sát báo cố gắng nghĩ ngơi, tối ngày mai họ sẽ hướng dẫn ông đi về phía bờ biển, vượt qua những đụn cát tìm về nơi an toàn, tối nay sẽ không có phi cơ bao vùng.

    Nhưng Walker có một chương trình riêng cho ông, vào buổi tối, ông rời khỏi vị trí ẩn núp, ông băng ngang quốc lộ 1 đi đến những đụn cát, vừa đi, vừa nghỉ, ông lần ra tới bờ biển, trong đêm ông đã đi được bảy cây số.

    18 tháng Tư


    Trời vừa hừng sáng, Fain lái chiếc phi cơ quan sát (Bilk 35) lên vùng, ông nghe trong máy liên lạc giọng nói run sợ của Walker “địch quân đang truy đuổi theo tôi”, ngạc nhiên ông hỏi vị trí của Walker, sau cùng ông biết được viên phi công đang ở gần bờ biển, Fain liên lạc với các chiếc F-4 nhưng bốn chiếc F-4 này lại trang bị bom 500 cân anh, họ không dám thả bom xuống sát viên phi công vì sợ nguy hiểm cả đến tính mạng của Walker.

    Thêm một chiếc phi cơ quan sát khác bay đến, chiếc nầy được trang bị cây đại liên 30 ly, Đại úy J.D. Caven liền nhào xuống xả đại liên chung quanh Walker, Fain cũng dùng cây Carbin nhắm bắn vào các địch quân, ông dùng cả hỏa tiễn khói. Fain gọi chiếc King cho biết phi cơ ông vừa bị trúng đạn, ông cần một chiếc phi cơ quan sát khác vào thế cho ông, dưới đất các tên lính địch cũng đang cố gắng vây bắt Walker nhưng vì bốn chiếc F-4 giội bom và hai chiếc phi cơ quan sát cũng cố gắng bắn che cho ông nên cuối cùng địch quân biết không thể bắt sống được Walker, không bắt được ông, những tên cộng quân cũng không muốn ông được sống.

    Trên không trung, Fain nhìn thấy các tên địch đang bắn vào Walker, và ông nghe được tiếng nói cuối cùng của Walker trong máy liên lạc “cộng quân đang bắn vào tôi, cộng quân bắn tôi”, rồi Fain nhìn thấy Walker nằm ngã dài trên bãi cát trắng, Fain cố gắng liên lạc nhưng không còn bao giờ nghe được tiếng nói của Walker.

    Các chiếc F-4 thả hết những trái bom cuối, Fain bắn đạn trái khói chung quanh Walker, khi khói trắng bay đi hết, Fain không nhìn thấy viên phi công lâm nạn nữa, Đại úy Harold Icke đến thay cho Fain, ông cố gắng liên lạc và tìm kiếm, sau cùng ông cho thả bom BLU-52 quanh vị trí cuối cùng của Walker.

    Trong hai ngày kế tiếp, nhiều chiếc phi cơ quan sát vẫn cố gắng tìm kiếm Covey 282A nhưng không có kết quả, cuối cùng việc tìm kiếm bị hủy bỏ, Trung úy Bruce Walker được coi như đã hy sinh.


    Nhớ về các người lính Việt Mỹ đã mãi mãi nằm lại Quảng Trị, mùa hè 1972

    Sách báo và tài liệu tham khảo:

    – Bat 21 by William C. Anderson

    – The Rescue of Bat 21 by Darrel Whitcomb

    – The Easter Offensive by Gerald H. Turley

    – VNAF TACS and the Fall of Quang Tri, date 31 July 1972 by Dave Brookbank

    – Rescue Operations for Bat 21B, Nail 38B and Covey 282A, Vietnam Center, TTU, Conference 18 March 2006 – Darrel Whitcomb and Nguyen Van Kiet

    – Giai Phẩm Thép Súng – Xuân Mậu Dần 1998

    – Đặc San Gia Đình Biệt Hải – Số Đặc Biệt Xuân 2002

    – Nguyệt San KBC Hải Ngoại số 31 tháng 7 năm 2004

    Sài Gòn nhỏ, ngày 19 tháng 11 năm 2007
    Nguyễn Văn Phúc

    Source:https://baovecovang2012.wordpress.co...g-tu-nam-1972/


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X