Thông báo

Collapse
No announcement yet.

LÊ ĐỨC ANH – Công (?) và Tội! - Nguyễn Hữu Thiện

Collapse
X

LÊ ĐỨC ANH – Công (?) và Tội! - Nguyễn Hữu Thiện

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • LÊ ĐỨC ANH – Công (?) và Tội! - Nguyễn Hữu Thiện

    LÊ ĐỨC ANH – Công (?) và Tội!



    Nguyễn Hữu Thiện

    Theo thông báo chính thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam, cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã về chầu Các Mác và Lênin tối 22/4/2019, thọ 99 tuổi. Trên trang xã hội của mình, “cựu Thái tử” Lê Mạnh Hà cho biết “cựu Thượng hoàng” ra đi một cách êm ái, nhưng cứ theo tin của các “thế lực thù địch” thì trên thực tế Lê Đức Anh đã nhắm mắt xuôi tay từ năm ngoái, cùng thời điểm với cái chết của cựu Tổng Bí thư Đảng Đỗ Mười, tức là chỉ ít ngày sau cái chết của cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhưng đảng đã không “cho phép” Lê Đức Anh “chết” vì sợ “trùng tang”, mà phải chờ tới một thời điểm thuận tiện mới cho phép ông ta “chết theo đúng quy trình”.

    Nhưng dù Lê Đức Anh đã nhăn răng từ năm ngoái hay mới ngỏm củ tỉ cách đây hai tuần, cả bạn lẫn thù cũng đều ghi nhận: Lê Đức Anh là tay đảng viên “khai quốc công thần” cuối cùng của CSVN, và cũng là “thành viên Hội nghị Thành Đô” cuối cùng về bên kia thế giới.

    Trước cái chết của tay “khai quốc công thần” ấy, lẽ dĩ nhiên bộ máy tuyên truyền của đảng đã ra sức đánh bóng, ca tụng, đặc biệt nhấn mạnh tới bốn “công lớn” sau đây của họ Lê:

    - Công lớn trong cuộc chiến giải phóng miền Nam
    - Công lớn trong cuộc chiến chống tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary
    - Công lớn trong việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc & Hoa Kỳ
    - Công lớn trong cuộc canh tân đất nước.

    Tuy nhiên với chúng tôi, cũng như với bất người dân Việt Nam nào có đôi chút hiểu biết, khả năng nhận định, thì bốn “công lớn” nói trên của Lê Đức Anh phải được diễn dịch như sau:

    - Bàn tay nhuốm quá nhiều máu của nhân dân miền Nam
    - Xâm lược, diệt chủng, tàn phá, và vơ vét ở Căm-bốt
    - Đi đêm với Trung Cộng để tiến tới Hội nghị Thành Đô
    - Đỡ đầu tập đoàn tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng.

    Trước khi luận công (?) định tội Lê Đức Anh, chúng tôi xin ghi ra tiểu sử của tay trùm đỏ này một cách khá chi tiết (dựa theo truyền thông của CSVN) để mọi người thấy ông ta đã được hai hung thần họ Lê khác (Lê Duẩn – Lê Đức Thọ) đỡ đầu, trọng dụng tới mức nào.

    - Lê Đức Anh sinh ngày 1 tháng 12 năm 1920 tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

    - Năm 1938, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

    - Năm 1944, tổ chức và phụ trách các nghiệp đoàn công nhân cao- su ở Lộc Ninh.

    - Tháng 8 năm 1945, tham gia quân đội, giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng đến Chính trị viên Tiểu đoàn, thuộc Trung đoàn 301.

    - Từ năm 1948 đến năm 1950, làm tham mưu trưởng các Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

    - Từ năm 1951 đến 1954, giữ chức quyền Tham mưu trưởng bộ tư lệnh Nam Bộ.

    - Sau Hiệp định Genève, tập kết ra Bắc.

    - Năm 1955, giữ chức Cục phó Cục Tác chiến, thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam.

    - Năm 1958, được phong cấp Đại tá.

    - Năm 1963, giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

    - Tháng 2 năm 1964, vào Nam với bí danh Sáu Nam, giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam.

    - Năm 1969, Tư lệnh Quân khu 9.

    CHÚ THÍCH:

    Một cách khái quát, về mặt lãnh thổ, hiện nay trong Nam CSVN có 2 Quân khu, gồm Quân khu 7 (các tỉnh miền Đông) và Quân khu 9 (các tỉnh miền Tây, tức đồng bằng sông Cửu Long).

    Nguyên vào cuối năm 1945, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, Việt Minh cho thành lập các quân khu, chiến khu. Tại Nam Bộ có 1 quân khu và 2 chiến khu:

    - Quân khu 7 bao gồm Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh đông Nam Bộ, gồm Gia Định, Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Tây Ninh.

    - Chiến khu 8 gồm các tỉnh: Tân An, Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre và Sa Đéc.

    - Chiến khu 9 gồm các tỉnh: Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Hà Tiên, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Vĩnh Long và Trà Vinh.

    Cuối năm 1961, khi cuộc xâm lược miền Nam chính thức khởi sự với việc thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, các “Chiến khu” được cải danh “Quân khu”.

    Cuối năm 1975, hai Quân khu 8 và 9 được sát nhập lại thành Quân khu 9, gồm 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cửu Long, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Minh Hải.

    Ngày nay Quân khu 7 gồm các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận và thành Hồ.


    * * *

    - Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Lê Đức Anh được trao trách nhiệm, tổ chức cuộc xâm lấn lãnh thổ của VNCH ở quân khu 9.

    - Cuối năm 1974, Lê Đức Anh trở lại chức vụ Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, chỉ huy cuộc đánh chiếm tỉnh lỵ Phước Long, được phong cấp từ Đại tá lên thẳng Trung tướng.

    - Đầu năm 1975, giữ chức Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam đánh vào Sài Gòn.

    - Năm 1976, trở lại với chức Tư lệnh Quân khu 9.

    - Năm 1978, làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, chỉ huy trưởng cơ quan tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây-Nam; được phong Thượng tướng năm 1980.

    - Năm 1981, Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Căm-bốt, Trưởng ban lãnh đạo chuyên gia Việt Nam tại Campuchia.

    - Năm 1984, được phong Đại tướng.

    - Năm 1986, giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

    - Năm 1987 - 1991, làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII, đại biểu Quốc hội.

    - Năm 1992-1997, Chủ tịch nước Việt Nam.

    * * *

    Trên đây là tiểu sử chính chức của Lê Đức Anh, còn theo dư luận, trong nội bộ Đảng cũng như trong quân đội, chính các “đồng chí” của ông ta, trong đó có “tướng Bến Tre” Đồng Văn Cống, đã nhiều lần nêu vấn đề Lê Đức Anh man khai lý lịch, ít nhất cũng là về thời điểm “gia nhập Đảng năm 1938”.

    Theo tướng Đồng Văn Cống và ba tướng gốc miền Nam khác, vào năm 1938, Lê Đức Anh còn là một phu cạo mủ đồn điền cao-su mới 18 tuổi. Xuất thân là một tên ác ôn côn đồ cho nên tới năm 1944 đã được chủ nhân người Pháp cho làm “cặp rằn” (cũng xuất công nhân nhưng được quyền sai khiến, trù dập, đánh đập người khác).

    Với bản tính ác ôn ấy, tháng 8/1945 Lê Đức Anh đi theo Việt Minh, và chỉ 3 năm sau (1948) đã được giữ chức Tham mưu trưởng các Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn; và tới năm 1951, giữ chức quyền Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Nam Bộ.

    Sau khi tập kết ra Bắc, mặc dù chưa có cấp bậc gì, năm 1955, Lê Đức Anh đã được giữ chức Cục phó Cục Tác chiến, rồi Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Nhân Dân; tới năm 1958 được phong cấp Đại tá, và mấy năm sau (1963) đã nhảy lên tới chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Đội Nhân Dân!

    Sở dĩ có sự ưu ái đặc biệt ấy, là vì Lê Đức Anh chiếm được lòng tin của Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (về sau lên làm Tổng Bí thư Đảng) và Lê Đức Thọ, Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (về sau lên làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, nắm quyền sinh sát, thăng thưởng, hạ bệ, khai trừ trong nội bộ đảng).



    Họ Hồ và Lê Duẩn, kẻ chủ mưu xâm lược miền Nam và Căm-bốt

    Theo lời kể của một số cán bộ cựu trào, Lê Đức Anh bắt đầu được trọng dụng sau khi hoàn thành nhiệm vụ thanh toán tướng Nguyễn Bình trên lãnh thổ Căm-bốt vào năm 1951.

    VIẾT THÊM:

    Nguyễn Bình (1906 - 1951) tên thật là Nguyễn Phương Thảo, là Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông quê Hưng Yên, nguyên là một đảng viên cao cấp của Việt Nam Quốc Dân Đảng phụ trách quân sự; sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, ông bị thực dân Pháp cầm tù.

    Sau khi được trả tự do năm 1936, ông về Hải Phòng hoạt động cách mạng và xây dựng căn cứ riêng, đổi tên thành Nguyễn Bình, chính thức ly khai Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tháng 6 năm 1945, Nguyễn Bình thành lập chiến khu Đông Triều; khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, ông chỉ huy du kích đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên và cướp vũ khí ở một số huyện.

    Năm 1946, cùng với việc Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Nguyễn Bình được thu nhận vào Đảng CSVN, được phong cấp Trung tướng (cùng lúc với Võ Nguyên Giáp được phong Đại tướng và 9 người khác được phong Thiếu tướng), và được họ Hồ cử vào Nam chỉ huy chiến trường Nam Bộ.

    Khi Bộ tư lệnh Nam Bộ được thành lập vào tháng 10 năm 1948, ông giữ chức Tư lệnh kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, kiêm Ủy viên quân sự Nam Bộ.




    “Tướng độc nhãn” Nguyễn Bình


    Trong chức vụ này, Nguyễn Bình đã gây nhiều kinh hoàng cho thực dân Pháp, được họ tặng biệt hiệu “Tướng độc nhãn” (theo lời kể lại, Nguyễn Bình bị hư một mắt trong cuộc xung đột đẫm máu giữa hai phe thân hữu và thân tả trong Việt Nam Quốc Dân Đảng trước kia).

    Ngày 29/9/1951, Trung ương bầt thần gọi Nguyễn Bình ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Theo tài liệu lưu trữ của Đảng CSVN, Trung tướng Nguyễn Bình bị quân Pháp phục kích và bắn chết tại một địa điểm trong tỉnh Stung Treng, phía bắc Căm-bốt vào ngày 31 tháng 12 năm 1951, tay cán bộ hộ tống tên là Nguyễn Văn Sĩ, hiện nay là Thiếu tướng về hưu tại thành Hồ.

    Tuy nhiên, theo lời kể của những cán bộ cựu trào nói trên, tướng Nguyễn Bình đã bị Lê Đức Anh cho người thanh toán trên lộ trình; cũng có một số người tin rằng Nguyễn Bình không bị các đồng chí thanh toán trực tiếp mà Lê Đức Anh đã mật báo cho người Pháp biết để phục kích giết.

    Về sau, cựu Thiếu tướng Phùng Đình Ấm đã viết bài “Sự thật về cái chết của liệt sĩ – Trung tướng Nguyễn Bình”, đăng trên tạp chí Hướng Nghiệp & Hòa Nhập ở trong nước, và được phổ biến trên Internet nhưng nay đã bị lấy xuống.

    Theo những người hiểu chuyện, nguyên nhân đưa tới việc Nguyễn Bình bị thanh toán là vì ông ta xuất thân Việt Nam Quốc Dân Đảng, phải giết để trừ hậu họa.


    * * *

    Tới đây, chúng tôi viết về bốn tội lớn của Lê Đức Anh.

    (1) Bàn tay vấy máu nhân dân miền Nam

    Lê Duẩn là kẻ đề xướng, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam, điều này không ai phủ nhận. Võ Nguyên Giáp là thủ phạm trực tiếp trong việc “nướng” hàng chục vạn bộ đội “sinh bắc tử nam”, việc đó khỏi cần bàn cãi. Nhưng nếu chỉ nói về tội ác gây ra cho dân chúng miền Nam, từ Sài Gòn – Gia Định xuống tới mũi Cà Mau trong thời gian từ năm 1962 tới năm 1975, Lê Đức Anh là thủ phạm chính!

    Từ ngày được Lê Duẩn phái vào Nam, tháng 2/1962, cho tới khi chỉ huy cánh quân Tây Nam đánh vào Sài Gòn tháng 4/1975, “Sáu Nam”, bí danh của Lê Đức Anh, đã gây ra biết bao tội ác tày trời.

    Những tội ác ấy đã quá rõ ràng, ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới các hoạt động khủng bố.

    Cứ theo lời xưng tụng của đám tướng lãnh đàn em thì Lê Đức Anh chính là tác giả của chiến thuật “đặc công hóa”, mà như chúng ta đều biết, hoạt động chính của đám đặc công là khủng bố dân lành. Thí dụ điển hình nhất là vụ đặt bom nhà hàng Mỹ Cảnh năm 1965. Rồi tới ba đợt tấn công vào khu vực dân cư Chợ Lớn trong Tết Mậu Thân 1968, và sau này là các cuộc pháo kích nhắm vào dân lành trong chiến dịch xâm lấn lãnh thổ của VNCH sau Hiệp định Paris 1973. Ai trong chúng ta có thể quên được vụ Việt Cộng pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy, tỉnh Định Tường, vào đầu năm 1974, khiến trên 30 giáo viên và học sinh chết không toàn thây!

    Chính nhờ những thành tích đẫm máu ấy mà tới cuối năm 1974, Lê Đức Anh đã được phong cấp từ Đại tá lên thẳng Trung tướng!

    (2) Xâm lược Căm-bốt

    Cuộc xâm lược Căm-bốt khởi sự vào tháng 12/1978, được đặt dưới sự chỉ huy của Trung tướng Lê Trọng Tấn, người được thăng cấp Trung tướng cùng đợt với Lê Đức Anh.

    Tạm gạt bỏ ý thức hệ và màu cờ sang một bên, và tạm thời chấp nhận những lời xưng tụng Võ Nguyên Giáp là “đệ nhất danh tướng” của CSVN, mọi người đều đồng ý Lê Trọng Tấn (1914–1986) là viên tướng số 2 của Quân Đội Nhân Dân.

    Tuy nhiên nếu tính cả về học thức, giai cấp xuất thân, tư cách con người, kiến thức binh bị, tài cầm quân, thì Lê Trọng Tấn, một hậu duệ của chúa Trịnh, cựu học sinh trường Bưởi (Hà Nội), được mọi người (phía CSVN) trân trọng nhất. Theo các báo trong nước, tính tới nay, Lê Trọng Tấn là vị tướng duy nhất cho tới chết vẫn không có nhà riêng!


    Tướng Lê Trọng Tấn

    Thời gian xảy ra cuộc xâm lược Căm-bốt, Lê Trọng Tấn đang giữ chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân Đội Nhân Dân kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

    Khi tập đoàn Lê Duẫn & Lê Đức Thọ quyết định xâm lược Căm-bốt, vốn được Bắc Bộ Phủ xem là bước thứ nhất trong mưu đồ thành lập Liên Minh Đông Dương, đích thân tướng Lê Trọng Tấn đã vào Nam soạn thảo kế hoạch và chỉ huy lực lượng, gồm ba quân đoàn 2, 3, 4 và ba quân khu 5, 7, 9 tiến đánh Căm-bốt.

    Công chiếm Nam Vang là của quân đoàn 4 của tướng Hoàng Cầm, thế nhưng tới tháng 2/1979, khi tướng Lê Trọng Tấn trở về Hà Nội, thì Lê Đức Anh, Tư lệnh Quân khu 7, lại được trao chức Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Căm-bốt. Đầu năm 1981, ông ta được phong cấp Thượng tướng.

    Song song với lực lượng quân sự chiếm đóng xứ Chùa Tháp, CSVN còn cho thành lập “Đoàn Chuyên gia Việt Nam tại Căm-bốt”, thực chất là bộ máy thống trị của CSVN tại quốc gia đàn em này, do Trần Xuân Bách làm Trưởng ban lãnh đạo, một quan “Thái thú” tân thời.

    Tới đầu năm 1982, chức vụ này được trao lại cho Lê Đức Anh kiêm nhiệm, biến viên tướng này thành kẻ nắm quyền sinh sát tuyệt đối tại Căm-bốt. Trong cương vị này, Lê Đức Anh đã cho thấy ông ta không chỉ là một nhà cai trị kém, mà còn là một viên tướng tồi!

    Trong bài “Hùm chết để da, Lê Đức Anh để lại cái gì?”, tác giả Gió Bấc (RFI) tiết lộ:

    “Tại Campuchia, Lê Đức Anh đã trúng kế phản gián của Pol Pot bức tử hàng chục cán bộ cấp tỉnh, Bí thư tỉnh Xiêm Riệp phải tự sát, gây ra vết rạn rất lớn trong mối quan hệ hai bên Việt Nam và Campuchia, tạo thuận lợi cho Pol Pot kéo dài chiến tranh và tổn hao xương máu quân đội Việt Nam.”

    “Nghĩa vụ quân sự”: thanh thiếu niên miền Nam trước khi bị đưa sang Căm-bốt

    Về mặt quân sự, trong thời gian 10 năm nắm chức Tư lệnh tại Căm-bốt, Lê Đức Anh chưa bao giờ thực sự đánh bại được đám tàn quân của Pol Pot, trong khi lại nướng tới 1/3 trong tổng số 180,000 binh lính dưới quyền!

    VIẾT THÊM:
    Tổn thất nhân sự của phía CSVN trong cuộc xâm lược và chiếm đóng Căm-bốt, cho tới nay vẫn chưa được công bố chính thức. Thời gian đầu, Bộ Quốc phòng CSVN cho biết khoảng 20,000, nay thì họ đưa ra con số 39,000; còn theo các nhà quan sát phương tây thì vào khoảng 55.000, và một trang mạng “phản kháng” trong nước viết rằng nếu tính cả Thanh niên xung phong thì lên tới 10 vạn (100,000). Cũng theo trang mạng này, chỉ tính trong chiến dịch mùa khô năm 1984, khi Lê Đức Anh cho quân tình nguyện VN tiến sâu vào lãnh thổ Thái-lan hơn 30 cây số để tấn công lực lượng Khmer Đỏ, đã có khoảng 3,000 lính VN bỏ mạng trên đất Thái. Nhưng Lê Đức Anh lại được vinh thăng Đại tướng!


    * * *

    Sở dĩ quân tình nguyện VN bị tổn thất nặng nề như thế là vì, theo nhận định sau này của Trung tướng Lê Hữu Đức, Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu QĐND, ngày ấy giữ chức Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 của tướng Hoàng Cầm, đơn vị có công chiếm Nam Vang (Phnom Penh):

    “Chúng ta chiếm được Phnom Penh và các thành phố, thị xã, nhưng chúng ta không diệt được sư đoàn nào của Pol Pot. Sinh lực địch bị tiêu hao không đáng kể. Khmer Đỏ bỏ chạy nhưng chúng không phải là một tàn quân... Khi tiến quân vào Phnom Penh, thế Việt Nam như “chẻ tre”, nhưng khi tới những vùng biên giới xa, các đơn vị Việt Nam lập tức bị Khmer Đỏ đặt trong tầm phục kích. Đây là giai đoạn quân đội Việt Nam bắt đầu chịu hy sinh lớn nhất...”

    Sau đó, Tướng Lê Đức Anh chủ trương đưa “quân đội và nhân dân bạn” ra làm chủ biên giới bằng cách cho xây dựng Công trình K5: phát quang hơn 800km đường biên giới làm tuyến tuần tra, sau đó cho trồng tre, đào hào, gài mìn, dựng lên một hàng rào ngăn Pol Pot thâm nhập từ các căn cứ trên phần đất Thái Lan sang.

    Tướng Mai Xuân Tần, trưởng Đoàn Chuyên gia, kể lại:

    “Rào biên giới để ngăn giặc là một kế hoạch táo bạo. Nhưng Thái Lan và Campuchia có một đường biên dài hàng nghìn cây số, núi cao, rừng thiêng; Khmer Đỏ cũng không phải là con nai hay con trâu mà là những chiến binh áo đen. Từ những Preah Vihear, Dangrek, Pailin, Poi Pet, Phnom Malai, Anlong Veng..., những bóng đen ấy vẫn thoắt ẩn, thoắt hiện, qua lại biên giới như con thoi...

    “Việc tổ chức Công trình K5 là nơi thực tế để tập dượt cho bạn biết làm công tác vận động và tổ chức quần chúng. Nhưng không phải tự nhiên mà hồi đó và cả bây giờ vẫn có một số đồng chí thắc mắc và cho rằng K5 là tốn kém và không cần thiết... Trên thực tế, “K5” đã từng là nỗi hãi hùng của người Campuchia. Để làm K5, ta đã thúc đẩy bạn huy động khoảng bảy triệu ngày công của quần chúng từ các tỉnh hậu phương đi xây dựng phòng tuyến biên giới”.

    “Hàng chục vạn dân công, phối hợp với bộ đội của Heng Samrin trên Công trường K5 không chỉ là những mục tiêu sống của Khmer Đỏ mà còn là của sốt rét, bệnh tật. Phần thì bị phục kích, đánh úp, phần bị sơn lam, chướng khí, không thể tính hết con số thường dân Campuchia bị thương bởi mìn, bị chết bởi súng đạn và đau ốm, trong cuộc “tập dượt làm công tác vận động quần chúng” này...”

    * * *

    Có lẽ “thành quả” to lớn nhất của quân tình nguyện Việt Nam tại Căm-bốt là... cướp bóc. Tuy nhiên, khi đưa về nước, toàn bộ “chiến lợi phẩm” đã bị ngăn chặn, tịch thu ngay tại biên giới, tập trung vào các kho, và sau đó hàng tấn thuốc tây, vàng bạc, đồng hồ, đô-la... được tẩu tán về đâu, chỉ có Lê Đức Anh biết mà thôi!

    (Còn một kỳ)

  • #2
    LÊ ĐỨC ANH – Công (?) và Tội!

    (tiếp theo)




    (3) Mãi quốc cầu vinh


    Cuộc xâm lược Căm-bốt kéo dài 10 năm do Lê Đức Anh “cầm càng” không chỉ khiến CSVN tiêu hao tiềm năng với chiến phí khổng lồ và dẫn đưa tới việc bị quốc tế cấm vận, mà quan trọng không kém, đã trở thành một cái cớ để đàn anh Trung Cộng xua quân đánh phá 6 tỉnh biên giới phía bắc của VN vào tháng 2/1979 – “bài học thứ nhất” theo cách nói của Đặng Tiểu Bình; và cuối cùng dẫn đến Hội nghị Thành Đô 1990, hợp thức hóa việc Trung Cộng lấn chiếm hàng ngàn cây số vuông địa đầu, trong đó có Thác Bản Giốc và một phần Ải Nam Quan.

    Điều nghịch lý ở đây là kẻ trực tiếp gây thù chuốc oán với “Bá quyền phương bắc” và kẻ đích thân đi đêm với Bắc Kinh sau đó để xin thần phục lại chỉ là một người: Lê Đức Anh!

    Trở lại với thời gian năm 1986, Lê Đức Anh được giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam thay tướng Lê Trọng Tấn; và qua năm 1987 giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay tướng Văn Tiến Dũng.

    Thời gian này, tân Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Văn Linh (được bầu cuối năm 1986), một người chủ trương “mở cửa”, “đổi mới”, và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, một người có khuynh hướng thân tây phương, thuộc phe cấp tiến, đang ở thế đối nghịch với phe giáo điều, bảo thủ, thân Trung Cộng của Thủ tướng Đỗ Mười.

    Vì thế, “Ông hoạn lợn huyện Thanh Trì ” (Đỗ Mười) đã phải liên kết với “gã cạo mủ đồn điền Lộc Ninh” (Lê Đức Anh) để cân bằng lực lượng.

    Thời gian Lê Đức Anh giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã xảy ra vụ Hải Quân Trung Cộng tấn công Hải Quân CSVN tại quần đảo Trường Sa vào ngày 14/3/1988, với mục đích chiếm đóng các bãi đá Cô Lin (Collins Reef), Len Đao (Lansdowne Reef) và bãi đá Gạc Ma (quốc tế gọi là Johnson South Reef) lúc đó đang được phía VN đem quân ra bảo vệ, xây công sự và cắm cờ trên đó.

    Phía Trung Công cho quân đổ bộ ngăn chặn, nổ súng để giật cờ VN trên bãi đá Gạc Ma, sau đó sử dụng đại bác trên các chiếm hạm bắn vào tàu vận tải của phía VN (chỉ được trang bị súng máy).


    Kết quả, phía Việt Nam bị mất ba tàu vận tải, 64 người thiệt mạng (mất xác), 9 người bị bắt làm tù binh; phía Trung Cộng chỉ bị hư hại một số xuồng đổ bộ, 6 người chết, 18 người bị thương, và chiếm được bãi đá Gạc Ma, vị trí khống chế các đảo trong vùng.

    Tất cả mọi tin tức liện quan tới cuộc “thảm sát” này đã bị chế độ CSVN bưng bít trong nhiều năm trời vì sợ dân chúng bất mãn trước thái độ hèn nhát của tập đoàn lãnh đạo, vốn đang tìm cách trở lại “trong vòng tay” đàn anh cộng sản phương Bắc để tồn tại.

    Chính vì bị bưng bít, mới có những thông tin “bật mí”, suy diễn, đồn đãi... Một trong những thông tin được nhiều người cho là có cơ sở nhất là việc Lê Đức Anh, trong cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra lệnh cho hải quân CSVN không được nổ súng trong trường hợp Trung Cộng đánh chiếm Gạc Ma, hay bất kỳ đảo nào khác trong quần đảo Trường Sa “để tránh khiêu khích, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.”

    Theo đài phát thanh RFA cũng như nhiều trang mạng của người trong nước, sau này vào năm 2011, Thiếu tướng Lê Mã Lương, người từng đoạt danh hiệu “Anh hùng quân đội”, từng giữ chức Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tác giả cuốn Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử (nay đã bị cấm lưu hành), trong cuộc tọa đàm kỷ niệm cuộc chiến Gạc Ma do Trung tâm Minh Triết tổ chức, đã phát biểu:

    “Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như Trung Quốc đánh chiếm cái đảo Gạc Ma hay bất kỳ đảo nào ở Trường Sa. Không được nổ súng! Và sau này nó có một câu chuyện và nó đã được ghi vào tài liệu mà ta đã rõ rồi, là khi trong một cuộc họp của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đập bàn và nói là ai ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng?”

    Thực ra, như sau này người ta được biết, ngay từ đầu năm 1987, trong cuộc họp Bộ Chính trị ở Nhà con rồng - Sở Chỉ huy của Bộ Quốc phòng, chính Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã đề xuất thực hiện “phá thế bao vây cấm vận của Mỹ và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, tìm cách gia nhập ASEAN.”


    Sau đó, Lê Đức Anh đã đích thân soạn thảo kế hoạch cho các cuộc tiếp xúc bí mật để tiến tới Hội nghị Thành Đô năm 1990.

    Trước hết, tháng 10 năm 1989, Kaysone Phomvihane, Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Nhân dân Lào kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Lào, khi sang thăm Trung Cộng, đã mang theo lời thỉnh nguyện của Bắc Bộ Phủ xin nối lại bang giao Việt – Trung, và Đặng Tiểu Bình đã ra điều kiện: Việt Nam phải rút hết quân ra khỏi Căm-bốt.

    Ngày 16 tháng 8 năm 1990, Hoàng Nhật Tân, con trai Hoàng Văn Hoan, đến Tòa đại sứ Trung Cộng ở Hà Nội xin gặp Đại sứ Trương Đức Duy để chuyển lời của Nguyễn Văn Linh, muốn gặp gỡ trực tiếp giới lãnh đạo Trung Cộng.

    [Hoàng Văn Hoan (1905–1991), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, Phó chủ tịch Quốc hội, thuộc phe thân Trung Cộng, vào năm 1976 bị thất sủng. Năm 1979, ông ta đào thoát sang Bắc Kinh qua ngả Pakistan, họp báo tuyên bố ủng hộ cuộc tấn công của Trung Cộng vào 6 tỉnh phía bắc VN, lên án Lê Duẩn chiếm đóng Căm-bốt. Bị nhà cầm quyền CSVN tuyên án tử hình khiếm diện, Hoàng Văn Hoan sống lưu vong tại Bắc Kinh cho tới khi qua đời năm 1991, được Trung Cộng cử hành lễ quốc táng]

    Năm ngày sau, Trương Đức Duy đã đích thân tới gặp gỡ tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng CSVN, thay vì Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng bộ Ngoại giao, một người chống Trung Quốc kịch liệt. Trương Đức Duy ngỏ ý muốn nói chuyện trực tiếp với Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Văn Linh.

    Ngay ngày hôm sau, 22/6/1990, Lê Đức Anh đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa Nguyễn Văn Linh và Trương Đức Duy tại Nhà khách Bộ Quốc phòng. Một tuần sau, 28/6/1990, tòa đại sứ Trung Cộng nhận được chỉ thị của Bắc Kinh: Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng mời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và cố vấn Trung ương Đảng CSVN Phạm Văn Đồng thăm Trung Quốc từ ngày 3 đến ngày 4 tháng 9 năm 1990.

    Dĩ nhiên, đám lãnh đạo CSVN mừng hết lớn, cho dù họ không được đặt chân tới Bắc Kinh: phía Trung Cộng viện lý do Á Vận Hội sắp diễn ra ở thành phố này, cho nên mời họ tới “thăm” Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên khỉ ho cò gáy, để giữ bí mật.

    Thêm một điều đáng nói nữa là một hội nghị song phương giữa hai quốc gia mà Hà Nội lại không cho Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch tham dự, vì sợ mất lòng Bắc Kinh vốn xưa nay không chấp nhận lập trường (chống Trung Cộng) của ông Thạch.

    Cho tới nay, cả hai phía Trung Cộng và CSVN đều chưa cho công bố nội dung cuộc gặp gỡ cũng như những văn kiện ký kết giữa đôi bên tại Hội nghị Thành Đô - vì thế còn được truyền thông quốc tế gọi là “Mật ước Thành Đô” - mà tất cả mọi thông tin người ta được biết về hội nghị này chỉ là cuốn hồi ký của cựu Thủ tướng Trung Cộng Lý Bằng.

    Nhưng kết quả thì ai cũng thấy rõ: Hội nghị Thành Đô với sự thiết kế của Lê Đức Anh đã đưa VN trở lại thời kỳ Bắc thuộc thưở xưa, có khác chăng chỉ là khác về hình thức, VN vẫn là một nước độc lập chứ không phải một “châu”, “quận” của Bắc triều!

    Chín tháng sau, Đại hội VII của Đảng CSVN, họp từ ngày 17/6 đến 27/6/1991 đã khai trừ Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đỗ Mười – nhân vật chính trong cuộc thương thảo với Giang Trạch Dân tại Thành Đô – lên làm Tổng Bí thư, Lê Đức Anh “kiến trúc sư” của Hội nghị Thành Đô, làm Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Đảng, và qua năm 1992 được bầu làm Chủ tịch nước.



    Lê Đức Anh, Đỗ Mười đón “thiên tử” Giang Trạch Dân tại Hà Nội (1994)

    Trong cuốn hồi ký của mình, đoạn viết về cuộc gặp gỡ riêng giữa ông ta với Giang Trạch Dân vào tháng 7/1991, Lê Đức Anh ghi lại ông ta đã thưa với họ Giang như sau:

    “Trung Quốc đóng vai trò cực kỳ to lớn trước sự tồn vong, còn hay mất của chủ nghĩa xã hội, của phong trào độc lập dân tộc trên thế giới. Đó là nhận thức sâu sắc của chúng tôi. Về phía Việt Nam, chúng tôi kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên không cần lập mặt trận chống ai, nhưng Trung Quốc ổn định, vững, là niềm cổ vũ lớn cho phong trào cộng sản quốc tế”.

    Chỉ một câu trên đã đủ nói lên lập trường phục tùng Trung Cộng của Lê Đức Anh.

    Thí dụ điển hình nhất là trong bản Hiến pháp năm 1992, Trung Cộng không còn bị gọi là “bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược” như trong trong bản Hiến pháp năm 1980.

    [...Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hoà bình để xây dựng Tổ quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Cam-pu-chia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Cam-pu-chia ở biên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình... (Hiến pháp năm 1980, LỜI MỞ ĐẦU]

    (4) Đỡ đầu Nguyễn Tấn Dũng


    Cái tội thứ tư của Lê Đức Anh là trong cương vị Chủ tịch nước và “Thái thượng hoàng”, đã đỡ đầu Nguyễn Tấn Dũng – người được ghi nhận là viên thủ tướng tham nhũng tồi tệ nhất trong lịch sử Việt Nam, và cũng là viên thủ tướng bị nhân dân căm ghét nhất.

    Trước khi viết về cái “tội” này, chúng tôi cũng xin có đôi dòng về chức vụ “Chủ tịch nước” và thế lực của Lê Đức Anh.

    Tại VN, chức vụ “Chủ tịch nước” bắt đầu xuất hiện từ khi Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” (Cộng sản Bắc Việt) vào năm 1945 và tự xưng “Chủ tịch nước”. Sau khi chiếm miền Nam rồi bức tử Cộng Hòa miền Nam VN (của Mặt Trận Giải Phóng) để thành lập “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, tập đoàn CSVN đã rập khuôn cơ cấu tổ chức đảng, chính phủ và nhà nước của đàn anh Liên Xô qua bản Hiến pháp năm 1980, theo đó “Chủ tịch nước” trở thành “Chủ tịch Hội đồng nhà nước”, “Thủ tướng” trở thành “Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng”, “Bí thư thứ nhất” (của Trung ương Đảng) trở thành “Tổng Bí thư”.

    Để rồi 12 năm sau, với bản Hiến pháp năm 1992, lại trở lại với danh xưng “Chủ tịch nước” và “Thủ tướng” như cũ.

    Với chính giới và truyền thông tây phương, “Chủ tịch nước” hay “Chủ tịch Hội đồng Nhà nước” trong một chế độ cộng sản cũng đều mang tính cách làm kiểng, tuy nhiên tại Việt Nam, sau khi lên thay Võ Chí Công, Lê Đức Anh đã ra sức củng cố quyền lực để tranh giành ảnh hưởng với Tổng Bí thư đảng Đỗ Mười, và đương đầu với phe cải cách của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

    Một số nhà quan sát tình hình Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ 20 cho rằng quyền lực của “Chủ tịch nước” Lê Đức Anh trong giai đoạn này còn mạnh hơn cả Đỗ Mười, Tổng Bí thư đảng kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương!

    Một trong những thủ đoạn của Lê Đức Anh là sử dụng “Tổng cục 2” (nguyên là Cục Quân báo) để chụp mũ, triệt hạ các phe chống đối, trong đó có phe Võ Nguyên Giáp, vốn xem Lê Đức Anh chỉ là một viên tướng “lèo” được thăng quan tiến chức nhờ ôm chân hai hung thần Lê Duẩn, Lê Đức Thọ.

    Nhiều tướng lãnh đệ tử của Võ Nguyên Giáp bị thanh trừng mà “người hùng Điện Biên Phủ” vẫn phải ngậm bồ hòn. Họ Võ phải nhẫn nhục bởi ông ta suốt đời chỉ nuôi hy vọng sẽ được đám đàn em phong cấp “Thống chế” (5 sao)!

    Trong bối cảnh ấy, Đại hội VIII của Đảng CSVN diễn ra vào giữa năm 1996 đã bị bế tắc về nhân sự, viết một cách rõ ràng hơn là tình trạng bất phân thắng bại giữa hai phe bảo thủ và cải cách.

    Vì thế, cả hai phe đã đồng ý coi Đại hội 8 (VIII) là “đại hội tạm”, nghĩa là tạm thời duy trì nhân sự của ba chức vụ chóp bu, sau đó sẽ đóng cửa tiếp tục tranh giành, đấu đá!

    Lê Đức Anh tiếp tục làm Chủ tịch nước, Đỗ Mười tiếp tục ngồi ghế Tổng bí thư, Võ Văn Kiệt tiếp tục giữ chức vụ Thủ tướng.

    Đùng một cái, giữa tháng 11 năm 1996, Lê Đức Anh bị đột quỵ phải nhập viện. Qua đầu năm 1997, chẳng những bệnh tình không thuyên giảm mà họ Lê còn bị xuất huyết não. Trước “biến cố” này, phe cải cách của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang... kiệt quệ đã hồi phục, tìm mọi cách để hạ bệ Lê Đức Anh, trong đó có việc ra sức loan truyền thông tin về những hành động “hôi của” tồi tệ của Lê Đức Anh trong thời gian chiếm đóng Căm-bốt. Đỗ Mười, đồng minh bất đắc dĩ của Lê Đức Anh, lui về thế thủ.

    Tuy nhiên, Lê Đức Anh chưa tới số, vào đầu tháng 4 năm 1997, ông ta bất ngờ hồi phục.

    Kết quả, tại Hội nghị 4 của trung ương Đảng họp vào tháng 12/1997, cả Lê Đức Anh, Đỗ Mười lẫn Võ Văn Kiệt đều tự nguyện (?) từ chức, nhường ghế cho Trần Đức Lương, Lê Khả Phiêu và Phan Văn Khải.

    Trước đó, cả ba đàn anh trong Hội đồng cố vấn Ban Chấp hành Trung ương là Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, và Võ Chí Công đã tình nguyện (?) về hưu, nhường chỗ cho bộ ba Anh, Mười, Kiệt.

    Mặc dù cả ba đều được xem là “thái thượng hoàng” nhưng Lê Đức Anh là người có nhiều quyền lực nhất.

    Nguyên nhân: trước khi ra đi, Lê Đức Anh đã vận động đưa đàn em Lê Khả Phiêu lên làm Tổng bí thư đảng kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương thay Đỗ Mười. Thượng tướng Lê Khả Phiêu chính là cánh tay mặt của Lê Đức Anh từ ngày còn mang cấp bậc Đại tá ở Quân khu 9 cho tới khi làm Phó tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Căm-bốt dưới trướng Lê Đức Anh.

    Với sự đỡ đầu của Lê Đức Anh, chỉ vài năm sau khi được vào Trung ương Đảng, Lê Khả Phiêu leo lên tới cái ghế Tổng Bí thư!

    Thế nhưng Lê Khả Phiêu chẳng những không phải một đàn em dễ dạy mà là một người có nhiều tham vọng cá nhân.

    Tháng 1/2001, tại hội nghị trung ương chuẩn bị các văn kiện dự thảo cho Đại hội IX sẽ họp vào tháng 4/2001, Lê Khả Phiêu đã vận động dẹp bỏ tổ chức Hội đồng cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, tức là Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt sẽ mất chức “thái thượng hoàng”.

    Lê Đức Anh, Đỗ Mười tức giận, tìm cách lật đổ Lê Khả Phiêu. Kết quả là điều lệ “Những người quá 65 tuổi sẽ không được tái ứng cử các chức vụ lãnh đạo”, mà ai cũng biết nhắm vào Lê Khả Phiêu, một người sinh năm 1931.

    Nhưng vào ngày cuối cùng của hội nghị, bằng cách nào đó, Lê Khả Phiêu đã lật ngược thế cờ với “bổ sung ngoại lệ về tuổi tác đối với những cán bộ chủ chốt”.

    Kết quả, vào đầu tháng 4/2001, Bộ Chính trị đã bỏ phiếu với tỉ lệ 12/6 lưu nhiệm Lê Khả Phiêu thêm một nửa nhiệm kỳ, tức là ở lại chức vụ cho tới năm 2003.

    Nhưng tới ngày 17/4, tại buổi họp của các đại biểu trước khi chính thức khai mạc Đại hội IX, Ban chấp hành trung ương đã đảo ngược quyết định của Bộ Chính trị và bỏ phiếu hạ bệ Lê Khả Phiêu!

    Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng CSVN xảy ra việc Ban chấp hành trung ương dám bỏ phiếu bác bỏ quyết định của Bộ Chính trị. Dĩ nhiên, mọi người cũng thừa biết phải có bàn tay lông lá của Lê Đức Anh, Đỗ Mười xen vào mới xảy ra chuyện ngược đời này!

    Hậu quả là Đại hội IX chẳng biết bầu ai, đành đưa Nông Đức Mạnh, Chủ tịch quốc hội bù nhìn mà nhiều tin là con rơi của Hồ Chí Minh, điền vào chỗ trống!

    * * *

    Sau Đại hội IX, trong khi Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt trở thành “người của quá khứ” thì Lê Đức Anh vẫn tiếp tục làm “thái thượng hoàng”. Nhờ trước kia đã đỡ đầu Nguyễn Tấn Dũng!

    Nhà bình luận Gió Bấc (RFI) nhận định:

    “Nếu xem chính trị là kỹ thuật tranh giành quyền lực thì từ anh cai đồn điền thành chủ tịch nước và tiếp tục làm thái thượng hoàng đến khi trút hơi thở cuối cùng thì Lê Đức Anh thật sự không tồi.”

    Ngày ấy, nhắc tới Nguyễn Tấn Dũng, luôn luôn có hai câu hỏi được đặt ra: (1) Nguyễn Tấn Dũng là con của ai, (2) nhờ đâu một tay y tá du kích chưa học hết cấp 1 lại leo tới chức vụ Thủ tướng (và suýt trở thành Tổng Bí thư đảng)?

    Đa số dư luận trong nước đã gom cả hai câu hỏi lại để trả lời: vì Nguyễn Tấn Dũng là con rơi của “đồng chí X” nên được ưu ái cất nhắc, tương tự trường hợp Nông Đức Mạnh, con rơi của Hồ Chí Minh (?), Nguyễn Thị Kim Ngân con ngoại hôn của Nguyễn Văn Linh (?)

    Có khác chăng là tùy nguồn tin, “đồng chí X” có thể là Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, hay Nguyễn Chí Thanh!


    Lê Đức Anh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Nghị: ba thế hệ?

    Những nguồn tin nói rằng Nguyễn Tấn Dũng là con của Lê Đức Anh hoặc Võ Văn Kiệt đặt cơ sở trên lý lịch chính thức của “Ba Dũng”:

    Cha của Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Tấn Thử (bí danh Mười Minh) nguyên là chính trị viên phó của tỉnh đội thuộc Quân khu 9 do Lê Đức Anh làm tư lệnh, Võ Văn Kiệt làm chính ủy, sau này chết vì bom của Mỹ vào ngày 16/4/1969 tại Rạch Giá; nhưng thực ra, Nguyễn Tấn Dũng là con ngoại hôn của Lê Đức Anh, hoặc Võ Văn Kiệt, với cô giao liên Nguyễn Thị Hường.

    Những người nói Nguyễn Tấn Dũng là con của Lê Đức Anh thì viện dẫn việc trưởng nam Nguyễn Thanh Nghị (của Ba Dũng) giống ông nội (Lê Đức Anh) như đúc, còn những người nói Nguyễn Tấn Dũng là con của Võ Văn Kiệt thì căn cứ vào việc cả hai đều... đi hai hàng!

    Riêng nguồn tin nói Nguyễn Tấn Dũng là con của tướng Nguyễn Chí Thanh thì được Hoàng Dũng, một tác giả ở phía bên kia chiến tuyến “may mắn được làm việc một khoảng thời gian ngắn với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh” kể, được website Hưng Việt đăng lại năm 2013:

    “Tôi đang bần thần như người ngủ mê và còn chưa biết phải nói thế nào, cụ Linh lại nói tiếp : … cũng không phải chỉ riêng có Sáu Dân đâu (bí danh của Võ Văn Kiệt), mấy ông tướng nhà ta cũng đầy con rơi ra đấy, còn thằng Ba Dũng là con Nguyễn Chí Thanh, rồi thằng Trần Nam là con Trần Văn Trà hiện đang làm bên Học viện lục quân ấy.

    Theo cụ Nguyễn Văn Linh thì trong thời gian tướng Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư liên khu ủy khu IV khoảng từ năm 1948 đến 1950 đã có quan hệ với một cán bộ phong trào ở đây và sinh ra Nguyễn Tấn Dũng, và cụ còn cho biết là sau Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn một người em trai nữa cũng là con của tướng Thanh...”


    * * *

    Tạm thời bỏ qua một bên hai câu hỏi (1) Nguyễn Tấn Dũng là con của ai, và (2) nhờ đâu một tay y tá du kích chưa học hết cấp 1 lại leo lên tới chức vụ Thủ tướng, và suýt trở thành Tổng Bí thư đảng? để chỉ xét những gì đã xảy ra trên thực tế thì cuộc đổi đời của Ba Dũng bắt đầu vào ngày 5/5/1993 khi Lê Đức Anh tới thăm Kiên Giang, nơi Ba Dũng đang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.

    Hơn một năm sau, tháng 1 năm 1995, Ba Dũng được đưa ra Hà Nội làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ (sau đổi thành Bộ Công an) trong ý đồ nắm bộ máy kìm kẹp, thủ tiêu, thanh toán đối thủ của Lê Đức Anh.

    Thời gian này, Ba Dũng chưa để lộ bộ mặt xảo trá, lại biết cách xu nịnh nên rất được lòng cả bộ ba Anh, Mười, Kiệt.

    Chỉ hơn một năm sau khi ra Hà Nội, tháng 7/1996, Ba Dũng được vào Bộ Chính trị, rồi giữ chức Phó thủ tướng (1997), kiêm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (1998), và cuối cùng là Thủ tướng (2006) khi mới 57 tuổi, và ngồi ở chức vụ này suốt 10 năm trời!

    Tên tuổi Nguyễn Tấn Dũng đã gắn liền với hình ảnh tay thủ tướng tham nhũng số 1 tại Việt Nam. Có thể nói, hiếm có một viên thủ tướng nào bị nhân dân căm ghét như Nguyễn Tấn Dũng.

    Nguyễn Tấn Dũng không chỉ tham nhũng, mà còn kéo phe kết đảng, bao che cho đàn em, phá nát nền kinh tế của VN.

    Một điều khôi hài là trong khi các tay trí thức “bưng bô” ra sức đề cao, quảng bá khẩu hiệu “thoát Trung, phò Dũng” thì trên thực tế, chính Nguyễn Tấn Dũng đã mời các công ty của Trung Cộng vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên, lập nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh..., gây bao di hại cho đất nước, dân tộc.

    Trăm tội cũng chỉ vì Lê Đức Anh đã cất nhắc, đỡ đầu tay cựu y tá du kích thâm hiểm nhưng bất tài – mà trước đây Cố vấn Võ Văn Kiệt đã nhận ra bộ mặt thật chỉ hơn một năm sau ngày đương sự lên làm Phó thủ tướng.

    Kết luận:


    Cái chết của “thái thượng hoàng” Lê Đức Anh xảy ra vào đúng thời điểm Tổng Bí thư Đảng kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bị “liệt giường nằm viện” đã khiến tình hình nội bộ tập đoàn CSVN trở nên bất ổn, còn người dân thì... thích thú chờ đợi những màn đấu đá sắp tới giữa hai phe Ba Dũng và Tổng Trọng.

    Nhưng cho dù việc gì sẽ xảy ra, rồi đây ai thắng ai bại, cũng chẳng thay đổi được quá khứ, trong đó có tên tội đồ Lê Đức Anh, kẻ đã tắm máu nhân dân miền Nam trước năm 1975, đã hy sinh hàng chục ngàn thanh thiếu niên VN trong cuộc xâm lược Căm-bốt, đã rước voi giày mả tổ, đã vì tham vọng mà thao túng, thanh toán nội bộ, dẫn đưa tới những tháng năm tồi tệ nhất dưới chế độ CSVN.

    Nếu chúng ta chỉ nguyền rủa Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Lê Đức Thọ... mà quên Lê Đức Anh, quả là một thiếu sót lớn.

    Nguyễn Hữu Thiện
    Melbourne, Úc-đại-lợi, tháng 5/2019
    Last edited by chieutim; 02-23-2020, 06:45 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X