Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cao Xuân Huy - Người Vẫn Không Thể Thoát Ra Khỏi Cuộc Chiến

Collapse
X

Cao Xuân Huy - Người Vẫn Không Thể Thoát Ra Khỏi Cuộc Chiến

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cao Xuân Huy - Người Vẫn Không Thể Thoát Ra Khỏi Cuộc Chiến

    Đỗ Trường – CAO XUÂN HUY-NGƯỜI VẪN KHÔNG THỂ THOÁT RA KHỎI CUỘC CHIẾN



    Cao Xuân Huy

    Sau 1975, Văn học cũng như con người buộc phải trốn chạy, tìm đường vượt biển. Tưởng chừng, nơi miền đất lạ, dòng văn học tị nạn ấy sẽ chững lại. Nhưng không, nó như những nhánh sông âm thầm vặn mình bồi lên mảnh đất khô cằn đó. Chiến tranh, người lính vẫn là đề tài nóng bỏng để các nhà văn tìm tòi, khai thác. Vào thời điểm ấy, những nhà văn quân đội Phan Nhật Nam, Trần Hoài Thư, Thế Uyên…đang ở độ chín và sung sức. Và sau đó, xuất hiện hàng loạt nhà văn xuất thân từ những người lính chiến đã trải qua những năm tháng tù đày, như: Phạm Tín An Ninh, Song Vũ hay Cao Xuân Huy… Tuy văn phong, thi pháp riêng biệt, nhưng tựu trung, mỗi trang viết của họ đều để lại những ấn tượng thật sâu sắc trong lòng người đọc.

    Nếu văn của Phạm Tín An Ninh đẹp, sáng và nhẹ nhàng, thì từ ngữ trên những trang viết của Cao Xuân Huy nặng tính khẩu ngữ trần trụi, mãnh liệt. Có một điều rất thú vị, đọc Cao Xuân Huy, tôi lại nhớ đến nhà thơ người lính Nguyễn Bắc Sơn. Bởi, tính đặc trưng ngôn ngữ làm nên hình tượng, chất lính rất đặc biệt trong thơ văn của hai ông văn sĩ này.

    Cao Xuân Huy sinh năm 1947 tại Bắc Ninh. Năm 1954, ông theo mẹ di cư vào Nam. Tốt nghiệp tú tài, năm 1968 ông vào lính. Tháng 3- 1975, Cao Xuân Huy bị bắt tù cải tạo. Năm 1982 ông vượt biển, và định cư tại Hoa kỳ. Ông mất năm 2000, bởi căn bệnh ung thư.

    Cũng như nhà thơ người lính Nguyễn Bắc Sơn, Cao Xuân Huy có người cha ở bên kia của chiến tuyến. Nhưng Cao Xuân Huy không hề có mâu thuẫn nội tâm, do dự trên đầu súng như Nguyễn Bắc Sơn. Với ông, có sự phân định trách nhiệm rạch ròi của người lính. Tuy nhiên, suốt những năm tháng dài cầm súng, nhất là những ngày đầu năm 1975 buộc người lính phải buông súng, di tản, luôn làm cho Cao Xuân Huy day dứt khôn nguôi. Một câu hỏi, suốt những năm tháng tù đày, và nơi đất khách Cao Xuân Huy mải miết đi tìm, song dường như, không lời giải đáp? Và đó cũng là mục đích, tư tưởng trải dài trên những trang viết của nhà văn Cao Xuân Huy.

    Cao Xuân Huy đến với văn thơ khá muộn, viết ít, và rất chắt lọc. Cùng với Vài Mẩu Chuyện, Tháng Ba Gãy Súng là tác phẩm chân thực, gây tiếng vang làm nên chân dung nhà văn tài hoa dân dã Cao Xuân Huy. Nó là một trong những tác phẩm hay và đặc sắc nhất viết về chiến tranh của nền văn học Việt Nam.

    * Sự tàn khốc, tính chân thực qua từng con chữ.

    Nếu buộc phải đưa ra một lời nhận xét về những tác phẩm viết về chiến tranh gần đây, (bỏ qua tư tưởng, ý thức hệ) thì với tôi, Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, và Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy là hai tác phẩm tiêu biểu nhất. Cùng bóc trần sự tàn khốc của chiến tranh, nếu tài năng phân tích, miêu tả diễn biến tâm lý của người lính làm nên Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, thì sự khắc họa hình ảnh, thân phận bi thương của người lính, một cách trung thực nhất đã làm nên tác phẩm Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy. Xuyên suốt dòng văn học sử Việt, ta thấy, dường như có rất ít cuốn truyện dài, tiểu thuyết đầu tay nào, đóng đinh vào lòng người đọc như tác phẩm Tháng Ba Gãy Súng. Theo lời tự bạch của Cao Xuân Huy, ông viết cuốn hồi ký Tháng Ba Gãy Súng theo bản năng, chứ chẳng có tí tẹo về khái niệm văn chương, văn chiếc gì ở đó. Có lẽ, Cao Xuân Huy quá khiêm tốn đến mức không cần thiết như vậy chăng? Bởi, ngay cái tựa Tháng Ba Gãy Súng đã được tác giả hình tượng hóa từ nỗi đau, cùng sự tan đàn xẻ ghé của người lính, với cái lệnh rút quân một cách quái đản ở Thừa Thiên Huế, sau khi mất Buôn Mê Thuộc. Đây là cái tựa hay. Nó như một cái hom giỏ đã tóm được toàn bộ hồn cốt của tác phẩm vậy. Với tôi, Tháng Ba Gãy Súng là hình tượng hoán dụ hay hơn rất nhiều cái tựa: Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh. Vâng, thưa hương hồn bác Cao Xuân Huy, đó là văn, là câu trả lời, khi bác cứ phân vân tự hỏi, văn chương là cái quái quỷ gì ấy nhỉ?

    Tôi nghĩ, viết Tháng Ba Gãy Súng, Cao Xuân Huy đã làm không vừa lòng rất nhiều người, trong đó có cả một số người là đồng đội của ông. Thật vậy, sự giết chết những người đồng đội khác binh chủng của nhóm lính thủy quân lục chiến, chỉ vì tranh giành lên tàu khi di tản, làm cho người đọc phải rùng mình kinh sợ. Là kẻ sinh sau đẻ muộn, nên đọc nó, tôi không thể tin đó là sự thật, song hoàn toàn không tìm ra lời giải đáp. Và có lẽ, chỉ còn có thể an ủi mình bằng cụm từ: Chiến tranh điều gì cũng có thể xảy ra. Đoạn trích dưới đây,Cao Xuân Huy cho chúng ta chứng kiến lại cái giờ phút lạnh lùng và bi thương ấy:

    “…Chưa kịp tìm chỗ ngồi, tôi nghe một tiếng súng nổ.

    Hai người lính Thủy Quân Lục Chiến cúi xuống khiêng xác một người lính Bộ Binh vừa bị bắn chết ném xuống biển. Một người lính Thủy Quân Lục Chiến khác đang gí súng vào đầu một trung úy Bộ Binh ra lệnh:

    “Ðụ mẹ, có xuống không?”

    “Tôi lạy anh, anh cho tôi đi theo với.”

    “Ðụ mẹ, tao đếm tới ba, không nhảy xuống biển tao bắn.”

    “Tôi lạy anh mà, tôi đâu có gia đình ở ngoài này.”

    “Ðụ mẹ, một.”

    “Tôi lạy anh mà, anh đừng bắt tôi ở lại, anh muốn lạy bao nhiêu cái tôi cũng lạy hết. Tôi lạy anh, tôi lạy anh.”

    “Ðụ mẹ, hai.”
    “Trời đất, mình đồng đội với nhau mà, anh không thương gì tôi hết. Tôi lạy anh mà.”
    “Ðụ mẹ, ba.”

    Tiếng ba vừa dứt, tiếng súng nổ.

    Người trung úy Bộ Binh ngã bật ngửa ra, mặt còn giữ nguyên nét kinh hoàng. Viên đạn M-16 chui vào từ đỉnh đầu. Xác của anh ta được hai người lính Thủy Quân Lục Chiến khác khiêng ném xuống biển….“

    ( Tháng ba gãy súng –chương 5)

    Tuy nhiên, cách nay mấy năm, khi đọc, viết phê bình cho một số nhà văn nguyên là sĩ quan cấp tá Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, và đều chỉ huy trung đoàn ngoài mặt trận, tôi đưa ra những thắc mắc của mình. Rất may, các anh đều viết trả lời, và giải thích khá tường tận. Nhân đây, cũng xin phép các anh, tôi trích một đoạn bức thư ấy lên đây, để làm sáng tỏ thêm những thắc mắc trong lòng người đọc chăng:

    “2/- Về chuyện đám lính TQLC bắn giết các quân nhân không cùng binh chủng trên các tàu di tản ( theo Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy) là chuyện có thật. Là một vết nhơ đáng lên án…
    Vì đám lính này thuộc loại vô kỷ luật. ( Có nhiều thanh niên du đảng, phạm pháp, sau thời gian thụ xong án, cũng được đưa vào lính, bổ sung cho một số đơn vị hao hụt quân số). Với bản chất ( xấu) ấy, lợi dụng khi đơn vị gặp lúc xáo trộn, mạnh ai nấy sống, không còn được sự chỉ huy chặt chẽ nữa, thì những con người này trở về với bản chất xấu của họ, giết người , cướp bóc. Vì vậy, sau khi các chiếc tàu di tản từ miền Trung vào Nam, đã không cho cặp bến Vũng Tàu hay Sài gòn, mà tất cả được lệnh cặp vào Đảo Phú Quốc. Một Tòa Án Mặt Trận đã được thành lập khẩn cấp tại đây, hầu hết những người lính TQLC phạm tội đều bị xử bắn…“

    Đọc và đi sâu vào nghiên cứu, ta có thể thấy, sự thẳng thắn, dân dã của người lính Cao Xuân Huy đã hiện lên rất đậm nét trên những trang viết của mình. Tính hiện thực với khẩu ngữ trần trụi nhanh, dứt khoát làm cho lời văn súc tích là bút pháp đặc trưng, xuyên suốt những tác phẩm của ông. Tôi không dám nói, tính cách ấy, con người ấy của Cao Xuân Huy là hình ảnh chung của người lính. Nhưng nó là một trong những yếu tố, không thể thiếu để làm nên hình tượng người lính VNCH:

    “…tôi cũng không phải là một người lính gương mẫu, đúc khuôn theo những điều được huấn luyện trong quân trường, thi hành đúng 8 điều, 10 điều tâm niệm của mấy ông Chiến Tranh Chính Trị đẻ ra, mà chính mấy ông ấy lại không bao giờ thi hành. Tôi là một thằng lính ba gai, cờ bạc, rượu chè, trai gái đủ cả, nhưng đánh giặc cũng rất tận tình. Chưa một ai, thượng cấp cũng như thuộc cấp, phải than phiền về tôi trong những trận đánh…” (Tháng ba gãy súng trang 6)

    Nếu không có lệnh buông súng, di tản tại mặt trận Thừa Thiên Huế, với những năm tháng tù đày, rồi trốn chạy, tị nạn, thì có lẽ Cao Xuân Huy không viết văn, và bất ngờ trở thành một nhà văn tên tuổi trên văn đàn. Những trang viết ấy, như một lời tự sự, giãi bày của chính ông, của đồng đội ông gửi đến quê hương đất nước và người đọc vậy. Không phân bua, chạy tội, song ông cho ta thấy rõ, thân phận rẻ mạt của người lính, và chỉ ra sự dốt nát, tàn nhẫn, hay những mệnh lệnh quái đản của các cấp chỉ huy trong trận chiến này:

    “Tại quán nhậu, tôi gặp mấy người lính Lôi Hổ đóng tại Đà Nẵng, họ cho biết nửa khuya này họ phải nhảy vào Ban Mê Thuột. Tôi nghĩ bụng, quả là chó má khi cố tình giết thêm một ít người nếu đúng như họ phải nhảy vào Ban Mê Thuột. Hy vọng điều này không đúng với sự thật. Quyết định thí quân hay quyết định sai lầm của một cấp chỉ huy có thể giết chết hàng đơn vị lớn cũng không đáng trách, nhưng quyết định thảy một toán lính vào một nơi mà hàng Sư Đoàn không chống giữ nổi, kéo theo cả một Quân Đoàn phải rút chạy thì cái chết của họ phí quá. Ai là người chịu trách nhiệm về những cái chết kỳ cục vô ích này ? Lính cũng là người chứ đâu phải đồ chơi cho những ông xếp lớn!” (Tháng ba gãy súng trang 7)

    Có thể nói, sau thi sĩ, người lính Nguyễn Bắc Sơn, thì Cao Xuân Huy là người đưa nhiều khẩu ngữ trần trụi, hay những câu đệm, chửi thề thẳng vào trang viết, không cần gọt dũa. Tuy sinh động, và như những thước phim quay ngược dòng thời gian đến với người đọc, song là một điều rất kị húy đối với quan niệm văn thơ bác học từ trước đến nay. Ngôn ngữ điện ảnh này, không còn xa lạ với văn học cũng như người đọc Âu- Mỹ. Và Cao Xuân Huy là người đã thổi hồn nó vào Văn chương Việt, làm thay đổi quan niệm mỹ học cho người đọc. Do vậy, văn của Cao Xuân Huy không chỉ đến với người lính, giới bình dân, mà còn rung động cả giới trí thức, người kén đọc. Ta có thể thấy, từ trước đến nay, phim ảnh, kịch nghệ của Việt Nam rất ít người xem. Tôi có ông bạn mấy chục năm, chưa khi nào xem hết một cuốn phim Việt, dù hắn cũng xuất thân từ thứ nghệ thuật này. Có lẽ, trước nhất là ngôn ngữ phim, kịch hiện nay, là thứ ngôn ngữ ở cõi trên, chứ không phải khẩu ngữ sinh hoạt gần gũi thường nhật. Cho nên, phim, kịch rất rời xa với con người, và xã hội đương thời. Lỗi này, thuộc về người viết, soạn kịch bản chăng?. Dài dòng một chút như vậy, để ta thấy rõ, Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy là một cuốn hồi ký văn học đích thực. Bởi, nó gắn chặt với thân phận, cũng như tiếng nói và tâm tư, hành động của người lính một cách chân thực nhất. Đoạn trích dưới đây, không chỉ cho ta thấy, cái giá trị ngôn ngữ trần trụi bình dân ấy, mà còn bật lên nỗi đau của người lính, trước sự hèn nhát của những tướng tá, quan lại:

    “Một nỗi buồn dâng lên trong tôi, không khóc nhưng mắt tôi đoanh tròng. Bao nhiêu gian truân, bao nhiêu xương máu, bao nhiêu xác người, bao nhiêu mồ hôi nước mắt của bạn bè, của anh em đồng đội tôi đã đổ xuống cho cái vùng địa đầu nghiệt ngã này. Bản thân tôi cũng đã hai lần đổ máu ở nơi này, bây giờ bỗng chốc bỏ đi, hỏi ai là người không tức tưởi. Đù má, những thằng chịu trách nhiệm trong vụ bỏ Huế này, lịch sử sẽ bôi tro trát trấu vào mặt chúng! Những ai đã từng tuyên bố, từng hô hào tử thủ Huế giờ này ở đâu ?

    Khốn nỗi, những thằng đánh trận mà luôn luôn đi đàng sau và luôn luôn bỏ chạy trước lại là những thằng có quyền, có quyền mà hèn nhát, đốn mạt nên bây giờ bao nhiêu người khốn đốn, rút chạy như một lũ thua trận. Nhưng thực sự chúng tôi đã đánh nhau đâu để bị gọi là thua! Đồ tiếp liệu trong Thành Mang Cá dư sức cung cấp cho Lữ Đoàn tôi ít nhất là ba tháng, tại sao không cho chúng tôi vào Thành Nội ? Ờ mà tử thủ làm chó gì, bao nhiêu thằng xếp cút mẹ nó hết rồi, vợ đẹp con khôn và tiền bạc bao năm ăn bẩn không lẽ lại vứt bỏ.” ( Tháng ba gãy súng- trang 25)

    Nếu chưa đọc những tác phẩm viết về chiến tranh, và người lính của Mikhail Sholokhov, Trần Hoài Thư, hay Thế Uyên…thì có lẽ, tôi không thể tin, người lính đi vào cái chết, dưới ngòi bút của Cao Xuân Huy bình thản đến vậy. Vâng, với người lính, chiến tranh như một trò đùa chăng?. Không, tôi không nghĩ như vậy. Bởi, sự chết chóc của người lính là điều không thể tránh khỏi. Nó diễn ra bình thường như miếng ăn, nước uống hàng ngày của họ vậy. Chỉ có tiếng cười, đùa tưởng chừng vô cảm ấy mới vơi đi nỗi đau tâm lý, nỗi sợ hãi của con người. Do vậy, đọc Cao Xuân Huy, càng cho ta thấy sự tàn khốc của chiến tranh, và xót xa cho những thân phận mỏng mảnh của người lính:

    “…cứ thế họ đặt súng chỗ này bắn một hai quả, đặt súng chỗ khác bắn một hai quả. Vừa bắn vừa cười nói bô bô. Một viên đạn bất ngờ ghim sâu vào ngực người lính cầm mũ sắt, quả đạn bên tay phải rơi phịch xuống cát, mũ sắt bên tay trái văng ra xa. Một người lính khác tay cầm mũ sắt, chạy tới nhặt quả đạn tiếp tục bắn. Người lính ôm nòng súng nhìn người bạn vừa ngã chết, miệng cười tươi như không có gì xảy ra:
    – Đụ má, chết sớm dzậy mày?
    Người xạ thủ thứ hai rướn người lên rồi ngã xuống vì viên đạn trúng vào bụng.
    Người thứ ba cầm mũ sắt chạy ra. Vừa ra đến nơi chưa kịp bắn viên nào thì cả xạ thủ lẫn người ôm nòng súng ngã vật ra chết. ” (Tháng Ba Gãy Súng)

    Lệnh di tản, dưới ngòi bút của Cao Xuân Huy, ta có thể thấy, như một sự bức tử đối với người lính chiến. Họ không chỉ chết dưới tầm đạn pháo của địch, hay tranh giành nhau lên tàu rút chạy, hoặc đầu bị nghiền nát bởi những cái bánh xích, mà còn ngồi tụm với nhau thành một vòng tròn nhỏ, rồi tự sát bằng một quả lựu đạn nổ bung ở giữa. Cùng tự sát, với cái chết tập thể như vậy, có thể nói là tận cùng của sự chán chường, và bi quan. Tuy nhiên, phần nào cho ta thấy được khí tiết, cũng như sự phản kháng của người lính.

    Vâng, cái chết của những người lính chiến ấy đọc lên, ai cũng phải xót xa, và căm phẫn. Và có lẽ, nhìn lại chiều dài lịch sử của dân tộc, chưa có cuộc chiến nào tàn khốc, đau thương đến vậy:

    “…Dòng người chúng tôi đang chạy, một người tách ra ngồi lại trên cát, một người khác cũng tách dòng người ra ngồi chung, người thứ ba, người thứ tư, người thứ năm nhập bọn, họ ngồi tụm với nhau thành một vòng tròn nhỏ, một quả lựu đạn nổ bung ở giữa.

    Dòng người chúng tôi tiếp tục chạy, lại một người tách ra ngồi trên cát, lại người thứ hai, người thứ ba, người thứ tư… nhập bọn, lại tụm với nhau thành một vòng tròn nhỏ, lại một quả lựu đạn nổ bung ở giữa.

    Dòng người chúng tôi vẫn cứ tiếp tục chạy, lại một người tách ra ngồi trên cát, lại người thứ hai, người thứ ba, người thứ tư…

    Tôi không thể nhớ để mà đếm nổi là đã có bao nhiêu quả lựu đạn đã nổ ở giữa những vòng tròn người như vậy…“ (Tháng ba gãy súng)

    Tuy bút pháp hiện thực, cùng khẩu ngữ dân dã, làm cho câu văn sinh động, song những trang văn thường trải dài, thiên về cảm xúc, cho nên Cao Xuân Huy mắc khá nhiều lỗi về câu cú. Có lẽ, đây cũng là nhược điểm chung của dạng văn này. Câu văn dưới đây, ta có thể thấy, tác giả đã lặp lại đến bốn lần đại từ nhân xưng tôi. Nó làm cho lời văn thừa, lòng thòng rối rắm, và tối nghĩa:

    “Ăn nhậu ở đây quá phí tiền nên không đợi Tiểu Đoàn Trưởng gia hạn giấy phép, tôi biết chắc chắn là tôi sẽ không được gia hạn và cũng không đợi để đi theo chuyến liên lạc, tôi tự động coi như mình đã hợp lệ chuyện kéo dài ngày phép, tôi lên xe đo về Sài Gòn sau một chầu nhậu say mèm với bọn đệ tử ở hậu cứ.” ( Tháng ba gãy súng- trang 4)

    *Tính nhân đạo qua tiếng cười hài ước, trữ tình.

    Đến với Vài Mẩu Chuyện, ta có thể thấy, nghệ thuật cũng như bút pháp trong truyện ngắn của Cao Xuân Huy tinh tế và sâu sắc hơn. Tính hài ước, dí dỏm mang đến cho người đọc tiếng cười cảm thông, và chua xót. Đọc Vài Mẩu Chuyện, trong đầu tôi bất chợt bật ra một câu hỏi: Chẳng biết, Cao Xuân Huy và Tưởng Năng Tiến có quan hệ (huyết thống) gì hay không? Mà cái tính phúng dụ trong truyện của hai ông nhà văn này, cho tôi cảm xúc gần nhau lắm. Nếu ta đã cảm được nỗi đau và tình người, khi đọc truyện ngắn Trận Cuối Cùng của Tưởng Năng Tiến, thì mới thấy hết giá trị của hòa bình, tình yêu của con người, dù ở hai đầu chiến tuyến trong Chờ Tôi Với. Một truyện ngắn thấm đấm nước mắt của Cao Xuân Huy. Tôi đã đọc khá nhiều truyện ký của cả hai phía viết về lệnh ngừng bắn, ở nơi chiến trường của những ngày đầu năm 1973. Nhưng có thể nói, Chờ Tôi Với của Cao Xuân Huy là một truyện ngắn hay nhất về đề tài này. Cái sự cả tin của những người lính ở cả hai phía, nơi chiến trường, phải trả bằng mạng sống của mình, trên bàn cờ của những kẻ bán mua chiến tranh. Hình ảnh tương phản dưới đây, không chỉ cho ta thấy, cái chết của họ (những người lính ở cả hai phía), mà còn thấy được ngòi bút nhân bản của nhà văn. Vâng! Nếu nói đến tàn nhẫn, thì đây là sự tột cùng của đểu cáng, và tàn nhẫn, buộc những thanh niên, người lính Việt Nam phải gánh chịu:

    “Lính hai bên ùa lên phía trước, ôm nhau hò hét:

    “Hết đánh nhau rồi! Hết chiến tranh rồi!”

    Những bộ quân phục rằn ri miền Nam trộn lẫn những bộ quân phục cứt ngựa miền Bắc. Cố không khóc nhưng nước mắt Toàn cứ ứa ra, không kềm được. Nhưng việc gì phải kềm chứ! Toàn mặc cho nước mắt trào ra.

    Có tiếng nghẹn ngào bên cạnh:

    “Anh khóc đấy à?”

    Toàn quay qua, một người bộ đội nước mắt cũng đang nhòe nhoẹt. Chẳng nói chẳng rằng, cả hai ôm chầm lấy nhau…

    Đêm thứ hai của ngày hòa bình, đơn vị Toàn bị tấn công…Khi địch tràn ngập, lưỡi lê và lựu đạn thay cho súng. Sau một lúc quần thảo bằng lưỡi lê, Toàn gập người, ngã chúi xuống phía trước, mắt hoa đi, mũ sắt văng ra. Mất mũ là mất mạng. Phản xạ tự nhiên của bản năng sinh tồn bật dậy, Toàn nhoài người, với… Cuối cùng, tay Toàn cũng chạm được vào cái mũ…Mắt Toàn dại đi, cái mũ trong tay không phải là mũ sắt, mà là mũ cối…Tiếng gào thét giết chóc vẫn vẳng vào tai cùng lúc loáng thoáng hình ảnh Toàn sánh vai người bộ đội đồng hương lang thang bên hồ Hoàn Kiếm… Đột nhiên, một tiếng gọi bật ra trong

    đầu Toàn: Anh bộ đội ơi, chờ tôi với….”



    Chiến tranh kết thúc, nhà tù là nơi người lính thất trận buộc phải đến. Thông thường, hình ảnh những hung thần cai tù, quản giáo là nhân vật, đề tài cho các nhà văn tìm tòi và khai thác. Tuy nhiên, đọc Vài Mẩu Chuyện, ta có thể thấy, Cao Xuân Huy đã đi ngược lại lẽ thông thường ấy. Hành động, tâm lý của con người trong chốn lao tù mới là đối tượng, khía cạnh chính Cao Xuân Huy đưa vào những tác phẩm của mình. Cái sự phân cấp nhìn từ đồ tiếp tế, với miếng ăn hàng ngày, trở thành nhân cách để Cao Xuân Huy soi rọi vào tác phẩm của mình. Miếng Ăn là một truyện ngắn được Cao Xuân Huy viết thông qua cái nhìn như vậy. Miếng ăn dường như, đã tạo nên khoảng cách giữa những người lính trong lao tù ấy. Tuy không phải là điển hình, nhưng tôi nghĩ, một chi tiết nhỏ đôi khi cũng đủ làm nên một tác phẩm văn học đặc sắc.

    Phải nói, nhà văn Cao Xuân Huy có tài sử dụng hình ảnh, hình tượng so sánh ẩn dụ. Nghệ thuật này, thường tạo nên những bất ngờ, mang đến tiếng cười chua cay cho người đọc. Truyện ngắn Ngu Như Lợn là tiêu biểu cho thi pháp này của ông. Đọc nó, làm tôi nhớ đến những tiếng cười (phê phán) trong truyện ngắn của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ: Azit Nêxin. Viết về những người lính trong tù cải tạo, dường như lời văn Cao Xuân Huy nhẹ nhàng và sâu cay hơn. Để bóc trần giá trị con người và đạo đức trong một cái xã hội đảo lộn tùng phèo ấy, ông đi sâu vào khai thác triệt để đặc điểm, tính cách, mâu thuẫn diễn biến nội tâm của nhân vật. Và tiếng cười được bật ra, khi nút thắt được cởi bỏ ở kết đoạn, hay những con chữ cuối cùng. Thật vậy, ta có thể thấy, nếu người bác sĩ tên Thông (trong truyện Vải bao cát) bỏ dao băm bèo cám lợn để đi thẳng vào phòng cầm dao mổ người, thì bác sĩ Mạnh chuột (trong truyện Ngu như lợn) phải nuôi chuột tăng gia, bà đỡ cho lợn. Những hình ảnh điển hình bi hài này, có thể nói, như nhát dao chọc thẳng vào ung nhọt của xã hội vậy. Một bi hài kịch trong trích đoạn truyện Ngu Như Lợn dưới đây, không chỉ thấy tài năng nghệ thuật so sánh của Cao Xuân Huy, mà còn cho ta tiếng cười ứa ra nước mắt, ngậm trong nỗi đau thân phận con người, và xã hội:

    “…Mạnh chuột bị gọi lên chất vấn để bổ túc thêm cho bản lý lịch.

    “Anh học đến đâu?”

    “Bác sĩ.”

    “Chúng tôi biết anh là bác sĩ rồi, nhưng anh học đến đâu?”

    “Bác sĩ y khoa.”

    “Này, tôi không đùa đấy nhé. Anh là bác sĩ thì chúng tôi biết rồi, nhưng anh học đến lớp mấy?”

    Mạnh chuột ngớ ra. Cán bộ y tế vừa để khoe và cũng vừa để giải thích thật cặn kẽ cho tên bác sĩ Ngụy ngu dốt này hiểu câu hỏi:

    “Tôi biết anh là bác sĩ rồi, nhưng anh học đến lớp mấy. Như tôi cũng là bác sĩ, tôi vừa học bổ túc xong lớp sáu…”

    Nếu Tháng Ba Gãy Súng lời văn khẩu ngữ trần trụi, thì đến Vài Mẩu Chuyện, văn của Cao Xuân Huy nhẹ nhàng, đằm thắm hơn. Với tôi, Vải Bao Cát là truyện ngắn hay nhất của Cao Xuân Huy. Bởi, cái chất trữ tình, với những phân tích diễn biến tâm lý sâu sắc. Và nó là một trong những đặc điểm làm nên truyện ngắn này, cũng như tập truyện ngắn Vài Mẩu Chuyện của ông. Nếu ở truyện ngắn Quyền Tối Thiểu, người lính tù từ chối được hưởng ân huệ ngủ với vợ, khi đến thăm, thì người lính tù ở Vải Bao Cát đã mua người bạn tù bằng một bữa cơm sáng, để được cầm đèn, và cởi quần áo cô gái trúng mảnh đạn cho bác sĩ phẫu thuật. Cái khao khát sinh lý của người lính tù lâu ngày: “Toàn háo hức đắm chìm theo những tưởng tượng…Bất chợt, hai mắt đang hau háu chợt dịu lại. Lúng túng. Hai tay đang tụt quần cô gái chợt khựng lại.”. Vâng, và bàn tay ấy dừng lại, bởi chiếc quần lót của cô gái nghèo bằng vải bao cát, dùng để làm hầm trú ẩn trong chiến tranh. Và tình người của người lính tù đã vượt lên cái ham muốn tầm thường ấy. Có thể nói, đây là những trang văn trữ tình, tuyệt đẹp về những ước vọng của Cao Xuân Huy, cũng như của cả dân tộc này:

    “… Nhưng chiến tranh đã qua rồi, chiến tranh đã qua lâu rồi mà, mọi chuyện rồi sẽ phải qua đi. Yên tâm đi cô bé, vết thương cô sẽ lành. Mọi vết thương đều sẽ phải lành. Ngủ yên đi cô. Thôi nhé, hãy ngủ yên và đừng sợ hãi. …Một ngày nào đó, chúng ta sẽ không còn phải dùng bao cát để làm gì nữa. Không dùng bao cát để làm hầm trú ẩn, không bao cát để đắp giao thông hào. Và, như những phụ nữ may mắn được sống trong những nước không bị tan nát bởi chiến tranh, như đất nước chúng ta, cô sẽ có lụa là mềm mại để mặc lên thân mình con gái, chứ không còn phải dùng bao cát để làm vải che thân nữa! Chiến tranh đã hết rồi mà…” (trích Vải bao cát)

    Khi người lính được bước ra khỏi cái nhà tù nhỏ, Cao Xuân Huy đã mượn cái ham muốn tầm thường, để thông qua truyện ngắn Trả Tiền, đề cao sự cảm thông và tình người cao cả. Đây là truyện ngắn độc đáo, với những câu đối thoại cực ngắn cộc lốc. Dạng truyện ngắn này khó viết, bởi tính chặt chẽ của bố cục, và thiếu một từ, sai một chữ, truyện trở nên nhạt phèo. Nhưng có thể nói, với truyện này, Cao Xuân Huy đã thành công. Văn của Cao Xuân Huy không hề có sự thù hận, và yêu ghét cũng không mang tính cực đoan. Đọc truyện ngắn Trả Tiền, cho tôi một cảm giác như đang xem một bức tranh vậy. Có lẽ, Cao Xuân Huy muốn lật cho chúng ta thấy có một bức tranh (xã hội) khác, con người khác, tình người khác ở đằng sau cái xã hội thối nát, và nhem nhuốc này:

    “…Tiếng gã phân bua:

    “Tôi mới được thả. Lâu ngày… Thèm quá…”

    Tên dân phòng nhỏ giọng:

    “Anh tui cũng bị mấy năm như cha, mà đâu có tầm bậy tầm bạ như dzầy. Phải kiếm chỗ kín kín một chút chớ.”

    “Tôi cũng muốn vậy, nhưng tiền đâu mà mướn phòng.”

    “Nó lấy cha nhiêu?”

    “Năm đồng.”

    “Năm đồng?” Tên dân phòng bật tiếng cười.

    Quay sang phía ả đàn bà, hắn ra lệnh:

    “Trả lại tiền cho người ta!”

    ——–

    Ả ngập ngừng định lên tiếng, nhưng đành im lặng trả lại tiền.

    Gã đàn ông lên xe, đạp đi. Đợi tên dân phòng đi khuất, hắn vòng lại, đến gần ả.

    “Này, tôi trả lại năm đồng.”

    Ả quay lại. Cái nhìn đậu trên mặt gã vài giây, rồi nói:

    “Thôi, giữ lấy xài đi.”



    Cũng như những người lính viết văn Phạm Tín An Ninh, hay Song Vũ… Cao Xuân Huy đến với văn chương bởi ám ảnh, với sự thôi thúc của đồng đội (cả những người còn sống, hay đã hy sinh). Tuy viết rất ít, nhưng có thể nói, mỗi trang văn của Cao Xuân Huy không chỉ làm sáng tỏ cho một giai đoạn đắng cay của Quân sử, mà còn như lời giãi bày, tình tự của ông, đồng đội ông gửi đến người đọc. Nếu nói: Văn là người, thì chắc chắn, tư tưởng, cách sống nhập vào hồn vía, văn phong của ông không thể lẫn lộn với bất kỳ văn nhân, thi sĩ nào. Chính vì vậy, dù đã đi hết cuộc đời, song Cao Xuân Huy vẫn không thể thoát ra khỏi cuộc chiến này.

    Leipzig ngày 28-4-2019

    Đỗ Trường


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X