Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tử Thần Rình Rập Trong Bóng Tối

Collapse
X

Tử Thần Rình Rập Trong Bóng Tối

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tử Thần Rình Rập Trong Bóng Tối

    Tử Thần Rình Rập Trong Bóng Tối
    Biệt Động Quân Việt Nam và Cố vấn Mỹ chống trả với chiến thuật biển người tại Thạch Trụ

    Mike Martin - Chuyển ngữ: Nguyễn Phương Hùng


    Trung sĩ Nhất Henry McNeal buột miệng giận dữ nói: "Tôi đã bắn chết thằng chó đẻ đã sát hại bọn họ", anh ám chỉ tên Việt cộng đã bắn chết người cố vấn trưởng của tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân và hạ sĩ quan truyền tin Hoa Kỳ trẻ tuổi của ông ta. Bằng nhận xét cá nhân, McNeal đã nói : "Thời điểm này không ngôn ngữ nào nói lên hết tinh thần bất tử của họ". Nếu bạn không chứng kiến tận mắt một cách tường tận qua một đêm dài của anh ta với chết chóc và tàn sát ghê rợn. Tuy nhiên, sự kiện này đã trở thành một trường hợp biệt lệ biểu hiệu cho lòng gan dạ và tinh thần chiến đấu dũng cảm của McNeal và những người bạn cố vấn Hoa Kỳ Biệt Động Quân trong suốt trận đánh mặt đối mặt, kịch chiến bằng tay không.

    Thạch Trụ
    Nếu cần một địa danh mang đủ yếu tố của một trận đánh trọng yếu cho những nhà phân tích quân sự những dữ kiện thẩm định thì những người hùng của trận đánh Thạch Trụ thật xứng đáng là một điển hình. Đó là tên của một ngôi làng và một căn cứ được thiết lập theo kiểu đồn bót xưa cũ của quân đội Pháp tại ven làng. Chính nơi này những người lính Mũ Nâu thiện chiến của tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân đã đẩy lui một một cuộc tấn công biển người dữ dội của cộng quân vào tờ mờ sáng ngày 22 tháng 11 năm 1965, Thạch Trụ có nghĩa là "Trụ bằng đá". Căn cứ Thạch Trụ và ngôi làng nhỏ bé nằm vắt ngang Quốc Lộ 1 - khoảng 20 dặm Tây Nam tỉnh Quảng Ngãi và 320 dặm Đông Bắc thành phố Sài Gòn. Cộng quân đã dòm ngó căn cứ để kiểm soát vùng Cao Nguyên miền Trung của Nam Việt Nam. Khi mùa mưa lũ bắt đầu trút nước và những cụm mây thấp che phủ những ngọn đồi, thì Bắc quân và Mặt Trận Giải Phóng bắt đầu di chuyển hàng loạt xuống những con đường mòn xuyên rừng, nương theo những giòng sông con lạch trên đường Nam tiến.

    Chiến Thuật Biển Người
    Bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 12 trong năm 1965 là những tháng của những trận đánh đẫm máu cho QLVNCH bởi những cuộc tấn công của lực lượng MTGPMN được tăng cường bởi những đơn vị chính quy Bắc Việt. Mặc dù, đã có những dấu hiệu cho thấy cộng quân đã giảm thiểu những trận đánh vào những căn cứ quân sự do những đơn vị chủ lực Bắc Việt và những tiểu đoàn chính quy hùng hậu, nhưng trận đánh san bằng căn cứ kiểu đó vẫn được áp dụng tại Thạch Trụ. Địch quân vẫn thường áp dụng chiến thuật rất hữu hiệu, Tiền pháo hậu xung và lấy thịt đè người. Chiến thuật này đã từng thâu gặt nhiều thành quả trong những năm trước. Với chiến thuật biển người địch quân thường tấn công vũ bão vào những đồn bót hẻo lánh hoặc những căn cứ lực lượng phòng thủ ít người và quân tiếp viện của chính phủ VNCH cũng khó tránh khỏi sự tàn sát khủng khiếp.


    Biệt Động Quân đã được dùng như những lực lượng xung kích để chọc thủng chiến thuật biển người của địch. Đặc biệt là vùng 1 chiến thuật. Ba tiểu đoàn thiện chiến của Liên đoàn 1 BĐQ lúc đó là 11, 37 và 39 đã gặp nhiều tổn thất trong những lần đi tiếp viện cho những tiền đồn bị tấn công bằng chiến thuật biển người. Sự kiện quan trọng đến nỗi các cố vấn tối cao Hoa Kỳ bắt buộc phải lưu tâm đến một khúc quanh mới của cuộc chiến tại Việt Nam; vì hai cố vấn BĐQ Hoa Kỳ đã bị thiệt mạng trong hai trận đánh của 3 trận đánh theo kiểu nói trên. Tuy nhiên, Thạch Trụ đã là một chứng minh cho cộng quân. Họ phải thức tỉnh và nghiên cứu lại những chiến thuật đã từng đem lại cho họ thành công dễ dàng. Quyết định được đưa ra cho Tiểu đoàn 37 BĐQ và một đại đội Địa Phương Quân đối đầu với một chiến thuật biển người của một Trung đoàn địch. Cộng quân đã hoàn toàn thất bại trong âm mưu san bằng Thạch Trụ. Bằng chứng hiển nhiên qua con số hơn 400 cộng quân Bắc Việt và Giải Phóng đã thương vong hoặc bị thương trong đồn và bên ngoài hàng rào kẽm gai phòng thủ sau khi trận đánh kết thúc. Con số tử vong của địch thật ra còn có thể cao hơn nữa vì số xác chết trương sình hôi thúi làm gián đoạn sự kiểm kê nhiều ngày sau khi trận chiến chấm dứt. Thật là một chứng minh kinh hoàng cho một thảm kịch của chiến tranh và sự dã man tàn bạo đầy khốc liệt của trận đánh Thạch Trụ.

    Trận Đánh Mở Màn
    Trận đánh 3 mặt giáp công vào Biệt Động Quân và các cố vấn Mỹ thật ra không làm ai ngạc nhiên. Vào ngày 15 tháng 11 năm 1965, một đơn vị tuần tiễu của Tiểu đoàn 37 BĐQ hành quân lục soát phía Tây căn cứ Thạch Trụ đã chạm trán và giết được 8 cộng quân. Trong số người bị tử thương có một Tiểu đoàn trưởng Bắc Việt đã mang trong mình những tài liệu về kế hoạch công đồn đả viện đồn Địa Phương Quân tại Vạn Lý, phía Tây Thạch Trụ. Sau đó là phục kích và tiêu diệt quân tăng viện là Tiểu đoàn 37 BĐQ được gửi đến tiếp cứu. Tài liệu bắt được cũng tiết lộ đơn vị chủ lực tấn công là Trung đoàn 18 chính quy thuộc sư đoàn Sao vàng 325 Bắc Việt. Những may mắn của chiến tranh đã phù hộ cho những người lính mũ Nâu dũng cảm này. Tài liệu tình báo quan trọng này đã khiến cho sự phòng thủ Thạch Trụ được lưu tâm hơn. Bắc Việt và quân giải phóng thường chọn lựa thời gian, địa điểm và chiến trường để tấn công. Do đó họ có lợi thế điều nghiên tình hình và chuẩn bị chu đáo cho một trận đánh mà họ đã chọn lựa.

    Tuy nhiên, "mưu sự tại nhân thành sự tại thiên", mưu kế thâm độc không được trời thương cho nên quân Bắc Việt phải thay đổi kế hoạch tấn công và chương trình hành động đã soạn thảo. Thay vì dụ các chiến sĩ mãnh hổ ra khỏi hang cọp để phục kích trên đường tiếp viện thì họ phải tìm cách vào hang cọp để đương đầu với lực lượng phòng thủ không phải là Địa Phương Quân. Tất cả lực lượng quân lực VNCH thuộc yếu khu Quảng Ngãi đều được đặt trong tình trạng báo động đỏ để chuẩn bị cho một cuộc tấn công bất ngờ có thể nhắm vào đơn vị của họ trong thế chiến lược "dương Đông kích Tây". Trong thời gian chuẩn bị này, VC đã gia tăng cường độ tấn công lẻ tẻ vào các đồn bót hẻo lánh để đánh lừa các quan sát viên quân sự và sự ước tính của các cấp chỉ huy bên QLVNCH. Để đối phó với kế hoạch tấn công của VC, quân đội Hoa Kỳ và QLVNCH đã tăng cường các cuộc hành quân trong vùng để vô hiệu hóa và bẻ gẫy những âm mưu ám muội của địch cùng thâu thập thêm những tin tức tình báo cho cuộc tấn công sắp đến của cộng sản Bắc Việt. Một cuộc hành quân hỗn hợp mang tên Liên Kiệt hoặc Săn Chồn Đen (Black Ferret) được thực hiện tại phía cực Bắc Bình Sơn. Các đơn vị tham dự hành quân hỗn hợp gồm có Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, về phía Việt Nam bao gồm các đơn vị bộ binh, Lực Lượng Đặc Biệt và Địa Phương Quân. Cuộc hành quân không mang lại những kết quả mong muốn về tình báo. Sau khi các lực lượng phối hợp của đồng minh rút lui thì Tiểu đoàn 37 BĐQ tiếp tục hành quân theo kế hoạch khởi thủy trong vùng trách nhiệm từ biển vào đến những khu vực chung quanh trại Thạch Trụ.

    Máu Và Lòng Dũng Cảm
    Tối 21 tháng 11 năm 1965, cảnh đẹp thiên nhiên dọc bờ biển Nam Hải đã bị che phủ bởi thời tiết trái mùa. Cao điểm của sự giao mùa và mưa vẫn còn rơi, gió và sương mù từ từ đem đến những ngày tháng bất hạnh cho những lính Biệt Động Quân và những cố vấn của họ. Tầm nhìn thì bị giới hạn, hệ thống vô tuyến rời rạc vì vậy vị cố vấn trưởng, Đại úy Ray Celeste đã quyết định đổi vị trí đến địa điểm đóng quân của Đại đội 2/TĐ37 trên một đỉnh đồi được gọi là núi Thọ (Long Life Mountain), khoảng 600 thước phía Tây vị trí phòng thủ của tiểu đoàn. Cùng tháp tùng với Đại úy Celeste là BĐQ Trung Sĩ Nhất Henry McNeal và Hạ sĩ truyền tin Terry Wintermoyer. Đại úy Celeste muốn thiết lập một hệ thống vô tuyến liên lạc dễ dàng với Tuần Dương Hạm Saint Paul của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ, để xin yểm trợ hỏa lực cho Biệt Động Quân từ hải quân Hoa Kỳ trong trường hợp cần thiết.

    Trung sĩ Nhất Roy Shelnut ở lại cùng Thiếu Tá Sơn Thương, Tiểu đoàn Trưởng 37 BĐQ cùng bộ tham mưu tiểu đoàn và ĐĐ4 BĐQ trấn giữ trại tam giác Thạch Trụ. Trong thời gian này, Trung úy Fred Caristo, một cố vấn khác của Tiểu đoàn thì đang ở Đà Nẵng. Caristo sau này đã lập nhiều chiến công và được tưởng thưởng nhiều huy chương cao quý trong Biệt Động Quân cũng như những chiến dịch tại Đông Nam Á Châu.

    Những đám cây cỏ tươi tốt của mùa mưa miền nhiệt đới nổi bật trong màn đêm. Đột nhiên những cơn mưa bất ngờ như trút nước đổ xuống trên vùng giao tranh khi Đại úy Celeste, Trung Sĩ McNeal và vô tuyến viên Wintermoyer đang đương đầu trong một đêm thật dài và thê thảm. Nhưng đối với những người chiến sĩ mũ Nâu này thì họ hình như đã chấp nhận mưa gió và điều kiện khắt khe của thời tiết xấu. Họ đã trú mưa hoặc chuẩn bị những bữa cơm của họ dưới tấm poncho. Những điều kiện khắt khe này là một trong những môi trường sống thường xuyên cho những cuộc chiến khổ cực kiểu này.

    Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Sơn Thương


    Đại úy Celeste và trung sĩ McNeal ngồi chồm hổm, xem lại những điểm khả nghi trên bản đồ. Họ cố gắng che không cho những giọt nước mưa trên mũ và quần áo rớt xuống tấm bản đồ được bọc bằng nhựa và dùng những bút chì mỡ đánh dấu những điểm gọi. Nhưng tất cả đều vô ích. Lúc đó vào khoảng 9 giờ tối, mưa bắt đầu nhẹ hạt, họ đã thiết lập được tần số liên lạc vô tuyến với Tuần Dương Hạm Saint Paul qua máy truyền tin VR0-10 được gắn trên xe Jeep. Saint Paul là một Tuần Dương Hạm hạng nặng loại CA-37, được trang bị 8 khẩu đại bác nòng 8 inches và 12 đại bác nòng 5 inches. Quên hết những bất tiện, cả ba người cố vấn bắt đầu bắt tay vào công việc liên lạc vô tuyến. Trung sĩ McNeal giữ nhiệm vụ điều chỉnh mục tiêu. Họ đã chọn lựa những điểm cho trọng pháo chung quanh trại, những con đường và địa điểm nghi ngờ địch có thể xử dụng để tấn công. Đại úy Celeste ra lệnh Saint Paul bắn hỏa châu trên những khu vực mà ông đã chọn, trong khi Trung sĩ McNeal kiểm soát sự chính xác nhất là tránh làm sao cho đạn trọng pháo sẽ không rớt vào quân bạn. Tuy nhiên, mưa lại trút xuống làm cho sự quan sát nhận định vị trí của trái sáng trở thành vô hiệu.

    Tuần Dương hạm Saint Paul neo bến tại làng Sa Huỳnh, cứ điểm kiên cố của QLVNCH cực Nam của Quảng Ngãi và Hải quân Hoa Kỳ đã bắn liên tiếp cho đến nửa khuya. Đại úy Celeste vô tuyến với Trung sĩ Shelnut ở trong trại: "Chúng tôi ở trên đỉnh đồi cho đến sáng sớm mai, Hãy giữ liên lạc truyền tin, nhưng cố gắng tìm một vài phút chợp mắt để nghỉ ngơi nghe bạn hiền". Các cố vấn cố gắng dỗ giấc ngủ qua đêm, mỗi người mang một ý nghĩ riêng, cố gắng tự tìm cho mình một sự thoải mái trong hoàn cảnh này - kinh nghiệm này chỉ có nơi những người lính tác chiến mà thôi.

    Giấc ngủ đến chập chờn nửa ngủ nửa thức tưởng như sẽ êm xuôi, hi vọng một sự sảng khoái trong thời tiết khắc nghiệt này. Nhưng bình minh không phải là một buổi sáng yên bình. Khoảng 4 giờ sáng, màn đêm bừng dậy trong đợt tấn công đầu tiên của cộng quân trong cùng một hai mục tiêu trại Thạch Trụ và núi Thọ. Cuộc tấn công bắt đầu bằng một đợt pháo nặng nề của súng cối 81 ly, tiếp theo sau là đại bác 57 ly, sơn pháo 75 ly, súng phóng B-40 cùng số lượng đạn khủng khiếp của vũ khí tự động. Dưới sự yểm trợ tối đa của hỏa lực, đơn vị bộ chiến của VC đã đồng loạt xung phong từ các hướng khác nhau theo đúng chiến thuật cổ điển Tiền Pháo Hậu Xung. Còn hơn 2 tiếng đồng hồ trời mới sáng tỏ, thời gian cũng đã đủ để cho cộng quân xơi tái lực lượng phòng thủ của QLVNCH.
    Đại úy Celeste lập tức chụp ống liên hợp chồm lên cao quan sát và yêu cầu Tuần Dương Hạm Saint Paul trở lại vị trí để yểm trợ hải pháo. Cùng lúc cuộc tấn công biển người bị khựng lại gần hoặc ngay trên hàng rào kẽm gai bọc quanh trại. Tuy nhiên, cộng quân cũng đã chọc thủng nhiều nơi trên tuyến phòng thủ; những trận cận chiến đã xảy ra tất cả mọi nơi trong khu vực phòng thủ, nhưng những chiến sĩ Biệt Động Quân Việt Nam dũng cảm đã giữ vững phòng tuyến.

    McNeal đã bò sát đến mé đồi để quan sát trận chiến đang diễn ra tại trại Thạch Trụ - Tình hình bên đó coi bộ cũng không được sáng sủa lắm. Anh bò trở lại xe Jeep và xuống trình với Đại úy Celeste về tình hình. Sư đầu hàng có vẻ không thể tránh được, cả ba người cố vấn đều quyết định sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Danh dự của người quân nhân Biệt Động Quân không cho phép đầu hàng hay bỏ chạy.

    Trận đánh tiếp tục dưới cơn mưa tầm tã của những ngày giao mùa. Thần chết bủa quanh họ trong bóng đêm bão táp, cả ba người mệt lả trong sự cô đơn, tia lửa được bắn ra từ nòng súng vào bất cứ vật gì di động trước mặt họ. Nhiều BĐQ Việt Nam đã chết dưới giao thông hào hay hố cá nhân của họ. Nhưng tiểu đoàn vẫn đứng vững cho đến khi trận chiến chấm dứt. Địch quân cũng bị trừng phạt nặng nề bằng những tổn thất không tưởng tượng nổi. Các cố vấn BĐQ Mỹ cũng bị bắn tơi bời. Vài viên đạn đã trúng xe Jeep trong lúc Trung sĩ McNeal đang "sạc" lại bình điện.

    Đại úy Celeste nằm dưới gầm xe Jeep có vẻ thoải mái chút ít, ít nhất không bị ướt át dưới cơn mưa, nhưng cũng không tránh được những miểng đạn văng tứ phía. May mắn ông ta chưa bị thương và tiếp tục liên lạc vô tuyến để xin hải pháo yểm trợ, cũng như hướng dẫn các phi tuần không yểm khi thời tiết cho phép. Địch quân cố gắng tập trung nỗ lực để càn quét nhưng con mãnh hỗ gan lì cố thủ trong hầm hố cá nhân hay giao thông hào, hầu thanh toán chiến trường trước khi trời sáng. Trận chiến bây giờ hầu như đánh cận chiến bằng tay, không ai còn đủ thì giờ nạp đạn nữa vì khoảng cách đôi bên quá gần.


    Quân số Biệt Động Quân chênh lệch quá xa so với lực lượng tấn công, đã phải rút về cố thủ trong vòng đai nhỏ hẹp. Đạn cối và lựu đạn đã hết, họ chỉ còn trông cậy vào sức người để đối đầu với lực lượng địch quân đông gấp bội. Có người còn xử dụng ngay cả vũ khí của địch. Bất cứ vũ khí gì có thể bắn được, lượm được cứ việc xử dụng. Nhưng vẫn không chế ngự được những đợt xung phong biển người của địch, phòng tuyến phía Đông của núi Thọ đã bị chọc thủng. Bên dưới trại Thạch Trụ, Tiểu đoàn trưởng TĐ37BĐQ, Thiếu tá Sơn Thương đang điều động binh sĩ lập tuyến phòng thủ mới. Chính ông ta đích thân đối diện với địch quân, nhưng thật là phép lạ ông không hề xây sát một mảy may. Cố vấn Mỹ duy nhất trong trại là Trung sĩ Shelnut, tiếp tục liên lạc vô tuyến và báo cáo tình hình vế bộ chỉ huy. Trong khi đó, các lực lượng thuộc Đại đội 934 ĐPQ, Trung đội 2 của Pháo đội B thuộc Pháo binh Sư đoàn cũng đã nổ lực yểm trợ các mãnh hổ BĐQ chống trả bằng các đợt phản công. Khoảng chừng 232 viên đại đại bác 105 ly trong số 928 viên được bắn đi đã rơi ngay những khu vực địch đã chiếm theo lời yêu cầu của những người thà chết với địch hơn là hàng địch.

    Cái Chết Của Cố Vấn Mỹ
    Những tia nắng đầu tiên của vừa ló dạng dọc bờ biển, một sự im lặng ghê rợn trước lòng can đảm phi thường. Không một tiếng động nhỏ ngoài tiếng thở dài nhẹ nhõm của những quân nhân còn sống sót. Mưa bắt đầu nhẹ hạt như là một đợt tấn công mới vào địch quân. Tuy nhiên, trận chiến vẫn tiếp tục nhiều giờ sau đó cho đến khi hải pháo của Hải quân Hoa Kỳ và các phi tuần thả bom của Không quân Việt Nam dứt điểm cộng quân vào buổi chiều.

    Lúc đó vào khoảng 6 giờ sáng, tình hình của 3 cố vấn Mỹ trên đỉnh núi Thọ không có gì thay đổi. Họ vẫn tiếp tục chống trả các đợt tấn công của cộng quân để mưu tìm sự sống sót. Họ mất luôn liên lạc vô tuyến với bên ngoài. Tuần Dương hạm chưa xuất hiện và bình điện của xe Jeep đã tắt ngúm.

    Máy xe Jeep không dám chạy trong đêm qua vì sợ địch quân phát giác vị trí qua tiếng nổ của máy xe. Liên lạc vô tuyến suốt đêm đã làm cạn bình điện. Cả ba cố gắng đẩy xe để máy nổ, nhưng chiếc xe đã trở thành một đống sắt vô dụng. Đại úy Celeste nhảy ra ngoài xe, Trung sĩ McNeal và vô tuyến viên Wintermoyer thì đứng đằng sau xe Jeep để thảo luận về tình hình và tìm phương thức đối phó. Đúng lúc đó một tên VC đã bất ngờ xuất hiện xả một tràng súng tự động với khoảng cách chừng 50 thước. Đại úy Celeste bị trúng đạn từ sau lưng, ngã xuống tức thì. Trung sĩ McNeal vội kéo ông ta ra sau xe Jeep, nhưng đã quá trễ. Celeste chỉ tay vào bụng:. Ông đã tắt thở ngay lúc đó.

    Trong lúc đó, thì Wintermoyer phóng mình gọi sĩ quan trợ y của BĐQ Việt Nam. Một loạt đạn khác bắn đến và làm tử thương Wintermoyer ngay tức thì. Người lính vô tuyến đã sát cánh với vị chỉ huy của anh ta từ đầu đến cuối - Điều này rất thường tình cho những người lính Biệt Động Quân Hoa Kỳ phục vụ tại Việt Nam. Châm ngôn của họ là: Sát cánh bên nhau.

    Tình thế của Trung sĩ McNeal cũng nguy hiểm không kém. Ướt và mệt, đơn độc và bị bao vây, thiếu đạn dược và đang đối đầu với thần chết bủa vây chung quanh. Ông cũng chẳng may mắn hơn chút nào, nhưng ông ta là một "người lính già" đầy kinh nghiệm chiến trường. Từ Đệ Nhị Thế Chiến qua chiến tranh Triều Tiên và bây giờ là Việt Nam.

    McNeal quyết định ở lại bảo vệ xác hai đồng đội, Celeste và Wintermoyer. Ông đã giữ xác họ đến khi những tia nắng rực của buổi sáng xuất hiện hoàn toàn. Đến lúc này McNeal mới nhận thức bóng đêm đã che chở cho ông ta thật là hữu hiệu cũng như cho kẻ thù. Nhưng ánh sáng đã soi sáng mọi vật thì ông ta cũng không còn một cái gì để chọn lựa ngoài sự phải phản công để tìm sống trong cái chết. McNeal chồm dậy nhả một tràng đạn về phía đám VC vừa giết hai BĐQ Hoa Kỳ. Sau đó anh bò lùi về một hố cá nhân của BĐQ Việt Nam tìm một vị trí che chở. Vừa nhảy xuống hố cá nhân xong anh đã nhanh chóng bắn hạ ngay một tên cộng quân, khi tên này vừa bò lên đỉnh đồi. Một BĐQ Việt Nam cũng đã tức thời bắn một loạt đạn đại liên để che cho McNeal. Do đó Mc Neal đã có lợi thế để tiếp tục càn quét những tên VC đang điên cuồng nhào đến.

    Trong khi đó, lợi dụng thời tiết xấu, cộng quân đã dồn mọi nỗ lực quyết chiếm đồn Thạch Trụ. Cộng quân đã tung ra tổng cộng 6 đợt tấn công trong trận chiến kéo dài suốt 8 giờ. Trung sĩ nhất Shelnut trong trại vẫn tiếp tục liên lạc với Hải và Không quân để hướng dẫn oanh tạc, sau khi biết được qua hệ thống vô tuyến Đại úy Celeste đã tử trận. Anh ta nhìn chung quanh những xác VC ngổn ngang trong trại, dưới giao thông hào hay trên hàng rào kẽm gai. Nhiều xác chết đã mang căn cước thuộc Trung đoàn 914. Một vài xác mặc áo kaki vàng và quần cụt màu đen. Nhiều tử thi còn đeo phù hiệu "Tiểu đoàn Điện Biên Phủ"; sự thật họ là những lính chính quy Bắc việt đã từng tham chiến tại mặt trận Điện Biên Phủ vào năm 1954, khi Việt Minh đã đánh bại quân đội Pháp. Nhiều chiến sĩ Biệt Động Quân đã chết bên trong vòng đai của trại trong lúc cận chiến. Trung sĩ Shelnut đã kể lại: "Những Biệt Động Quân này đã tử thủ và không dời một bước. Địch quân đã có nhiều lợi thế vì người đông và vũ khí tối tân hơn họ. VC đã có nhiều vũ khí tự động hơn chúng tôi".


    Trong lúc vượt thoát khỏi đồi Trung sĩ McNeal bò ngang qua một địa điểm đóng quân của Biệt Động Quân và nhìn thấy hai người đang bị thương đang bỏ vị trí đến núp dưới một hố cá nhân khác sau lưng họ. McNeal vội vàng lượm những băng đạn carbine và lựu đạn của BĐQ còn lại xung quanh đó. Anh ném một trái lựu đạn vào chỗ đám VC đang ẩn núp. Sau vài phút một trái lựu đạn của VC ném trở lại ngay chỗ McNeal và hai người quân nhân BĐQ đang bị thương. Nhưng may mắn lựu đạn không nổ. BĐQ bèn tung lại lựu đạn vào chỗ VC ẩn núp và nói bằng tiếng Việt Nam với McNeal và chỉ vào trái lựu đạn anh BĐQ đang cầm trên tay. Lẽ nhiên McNeal không hiểu người lính BĐQ này muốn nói gì. Sau khi trận đánh chấm dứt McNeal mới biết người lính BĐQ muốn nói rằng: "Đây là trái lựu đạn cuối cùng. Tôi sẽ dùng nó để tự sát với địch quân nếu chúng ta bị bọn chúng tràn ngập".

    Trời bắt đầu sáng rõ hơn, những đám sương mờ bắt đầu tan biến giúp cho hỏa pháo từ 2 chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội yểm trợ dễ dàng hơn. Những phi cơ và trực thăng của Mỹ và Việt Nam đã nhận diện trận địa dễ dàng hơn. Từng loạt bom xăng đặc (Napalm), bom và rockets được bắn xuống. Vì thời tiết nhiều máy bay phải bay thấp đến dưới 800 feet. Vào khoảng 2 giờ 30 chiều, VC bắt đầu tháo chạy. Họ đã phải trả một giá quá đắt cho một trận đánh không có chiến thắng. Họ đã để lại chiến trường đầy dẫy những chiến lợi phẩm cho những người lính Biệt Động Quân gan dạ và quả cảm này. Những vũ khí mới toanh vừa được chế tạo mang nhãn hiệu Trung cộng, Nga sô, Tiệp khắc. BĐQ đã tịch thu được 3 sơn pháo 75 ly, một đại liên 57 ly, hai tiểu liên 30 ly, gần 100 súng tiểu liên và hằng trăm vũ khí cá nhân và 3 máy truyền tin.

    Bị tấn công và quân số chênh lệch, thiếu yểm trợ vì thời tiết xấu, BĐQ vẫn đã giữ vững được Thạch trụ và Núi Thọ. Những người lính Biệt Động Quân đã chứng tỏ một tinh thần chiến cao độ với một lòng dũng cảm vô biên và sự chịu đựng vô song. Có nơi 20 xác BĐQ đã được xếp ngay ngắn bên nhau. Trên núi Thọ, Trung sĩ McNeal và một số BĐQ thuộc Đại độ 2 còn sống sót đang đi xuống và tìm những người còn sống sót hoặc bi thương. Anh đang mở những trái khói màu xanh lục làm dấu cho biết những địa điểm hãy còn những Biệt Động Quân sống sót. McNeal và 12 BĐQ còn nguyên vẹn cùng với 6 bị thương. McNeal không có áo mưa Poncho, cho nên áo quần ướt đẫm sau những trận mưa và sau một đêm thức trắng mệt mỏi dưới cường độ tấn công khủng khiếp của địch tạo cho anh dáng điệu thêm thểu não. Anh bắt đầu dần dần lấy lại sự quân bằng, trông đỡ mệt mỏi hơn và bắt đầu đi xuống đồi. Trên đường đi anh gặp đầy xác địch nằm chết ngổn ngang - còn những người còn sống sót, thật là một phép lạ cho họ. Làm sao họ còn sống sót sau trận đánh kinh hoàng như vậy nhỉ? McNeal tự hỏi khi hồi tưởng những giây phút khủng khiếp trong đêm qua. Những hình ảnh cuối cùng trước khi trận chiến chấm dứt mà anh đã chứng kiến; một người lính BĐQ VN và một tên VC đã rượt đuổi nhau. Cả hai đều có súng tự động, họ đã khai hỏa lẫn nhau. Cuối cùng, thì người lính BĐQ đã thắng; chiến thắng cuối cùng cũng vừa dứt điểm cho một đêm kinh hoàng mà anh đã phải chịu đựng suốt đêm. Người lính mũ Nâu đã bắn hạ được tên VC cuối cùng trong trận đánh đẫm máu.

    ... Cố vấn Mỹ và toán nhỏ mấy người của ông ta đã chiến đấu trong suốt trận đánh bên cạnh những người mà lúc bình thường không gặp nhau ngay cả một ánh mắt nhìn nhau, không cùng ngôn ngữ. Trận địa tọa lạc một nơi đơn độc; họ là những người cô đơn nhất trên địa cầu trong giây phút đó - Những cố vấn Mỹ này may mắn đã được chiến đấu trong khu vực trách nhiệm của Tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân và đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam.

    Tướng Harold K. Johnson
    Tư Lệnh Lục Quân Hoa Kỳ 1966


    Phụ Chú
    Tại thành phố Hội An, Nam Việt Nam năm 1967, Đại Tướng William C. Westmoreland, Tư Lệnh cơ quan MACV tại Việt Nam đã đại diện Tổng Thống Hoa Kỳ tưởng thưởng huy chương cao quý nhất của Tổng thống Hoa kỳ (U.S. Presidential Unit Citation) cho Tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân cho trận đánh 22/11/1965. Tiểu đoàn 37 BĐQ đáng lẽ ra phải được tưởng thưởng thêm huy chương cao quý như vậy nữa khi tiểu đoàn nhảy vào Khe Sanh ngày 27/1/1968 và được trải dài trên tuyến phòng thủ dọc hướng Đông Khe Sanh, bên ngoài tuyến phòng thủ của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Vào ngày 29/1/1968 tuyến phòng thủ của Tiểu đoàn 37 BĐQ bị tấn công hai lần bởi các tiểu đoàn cộng sản khác nhau luân phiên làm áp lực và một lần vào ngày 1/3/1968. Các cuộc phản công của tiểu đoàn đều được yểm trợ bằng không quân Hoa Kỳ. Những cuộc tấn công của lực lượng Bắc Việt vào đơn vị Biệt Động Quân chứng tỏ sự bất ngờ trong trận chiến Khe Sanh và chỉ nhắm vào các trại đóng quân hay đồn bót. Tiểu đoàn 37 BĐQ đã nhận được những khen thưởng của Tổng Thống Johnson cho những thành tích vẻ vang của họ tại Khe Sanh.

    - Thiếu Tá Sơn Thương và các Đại đội trưởng của tiểu đoàn 37 BĐQ đã được tưởng thưởng U.S. Presidential Unit Citation (Bàn bi-da) và rất nhiều quân nhân các cấp cũng được tưởng thưởng xứng đáng trong trận đánh tại Thạch Trụ. Thiếu tá Sơn Thương được vinh thăng Trung Tá tại mặt trận và được bổ nhiệm làm Liên đoàn trưởng Liên đoàn 1 BĐQ. Cuối cùng Ông đã chết trong một trại tù cải tạo của cộng sản sau 30/4/1975.

    - Thiếu Tá Raymond Celeste, Jr. là một sĩ quan tốt nghiệp trường Võ Bị West Point và cũng từng thụ huấn tại trường Dự bị Võ Bị West Point Vệ Binh Quốc Gia Nữu Ước. Ông đã từng phục vụ tại Tiểu đoàn 10 Lực Lượng Đạc Biệt tại Đức, với chức vụ Tiểu đoàn phó. Celeste là Đại đội trưởng của Đại đội 54 Sinh Viên Sĩ Quan BĐQ tại Fort Benning, Georgia năm 1964. Thiếu tá Celeste đã được ân thưởng Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ Đẳng và Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu của QLVNCH, Tốt nghiệp Thủ khoa Đại đội 54 Sinh Viên Sĩ Quan tháng 3 năm 1965, được ghi danh lên bảng vàng danh dự với tên Ray Celeste trong cuốn đặc san kỷ yếu 54 Gold Bar và có lẽ không có một ngôn ngữ nào khác để vinh danh anh - Từ khả năng chỉ huy cho đến hành động thi hành mệnh lệnh.

    - Trung sĩ Nhất Henry C. McNeal là một cố vấn cho Tiểu đoàn 37 và Liên đoàn 1 BĐQ từ năm 1965 - 1967. Trung sĩ McNeal cũng được tưởng thưởng U.S. Presidential Unit Citation. Anh là vị cố vấn đầu tiên tại Liên đoàn 1 BĐQ được nhận ân thưởng huy chương cao quý này. Anh cũng nhận được Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao vàng của QLVNCH cho chiến công tại Thạch Trụ. McNeal về sau đó với cấp bậc Thượng Sĩ Nhất sau 37 năm phục vụ trong quân đội hiện dịch và trừ bị.

    - Trung sĩ Roy Shelnut cũng nhận được U.S. Presidential Unit Citation và Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao vàng của QLVNCH. Shelnut cũng đã từng phục vụ trong đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt tại Việt Nam và bị thương trong trận đánh Thạch Trụ.

    - Vô tuyến viên Terry Wintermoyer cũng nhận được những tưởng thưởng như Trung sĩ Roy Shelnut. Anh tốt nghiệp tại Recondo, anh là một thí dụ điển hình cho những người lính trẻ - hiên ngang, can đảm, kiêu hùng. Anh ta thật xứng đáng là một quân nhân Biệt Động Quân.

    - Trung úy Fred Caristo, Cố vấn của Tiểu đoàn 37, nhưng ông ta không có mặt trong đêm kinh hoàng nói trên. Ông cũng là một quân nhân rất can đảm, đã từng tình nguyện qua Việt Nam phục vụ nhiều lần. Anh không biết sợ là gì. Caristo đã được tưởng thưởng Huân chương Quận Công bội tinh trong trận đánh khốc liệt vào ngày 30/12/1966 lúc anh đang phục vụ trong toán MACV-SOG.


    Mike Martin


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X