Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đồng hành

Collapse
X

Đồng hành

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đồng hành

    Đồng hành
    ~~~





    Người con gái lấy tay che mặt. Ban đầu thấy vai rung, sau bật thành tiếng khóc. Bên cạnh, gã thanh niên ngồi đưa lưng, lúng túng thắp lửa điếu thuốc. Hắn lầm bầm điều gì nghe không rõ rồi đứng lên, băng qua phía bên kia đường.

    Trời đen thui, gió đi qua những bụi cây nghe xào xạc. Có tiếng côn trùng kêu rỉ rả vọng tới theo gió, và tiếng xè xè của một tia nước được bắn xuống mặt đất.

    Ngụy thấy lạnh và phát hiện ra cô gái ngồi thật sát mình. Cảm nhận hơi ấm từ phía cô ta đi mon men qua vòng tay để trần đang bó gối. Ngụy đập con muỗi đang cắn hút vào cánh tay thấy ngứa. Vô tình làm giật mình cô gái. Gã thanh niên bên vũng mờ trở lại, vừa đi vừa kéo phẹc mơ tuya quần. Miệng vẫn ngậm điếu thuốc cong queo chưa đốt.

    – Đừng khóc nữa. Thua keo này bày keo khác.

    Câu an ủi của hắn chẳng có hiệu lực. Ngụy thấy người con gái quẹt mũi vào đầu gối rồi tiếp tục tức tưởi.

    – Anh có lửa đó không?

    Ngụy trao cho người hỏi cả hộp diêm. Hắn đánh cái xoẹt rồi bụm tay che. Ngọn lửa sáng làm Nguỵ thấy cặp lông mày nhăn nhíu của hắn, một bên mai không có tóc bởi vết sẹo nằm đó láng trơn. Điều này cho Nguỵ cái cảm tưởng kỳ quặc là bộ mặt hắn trông có vẻ mất thăng bằng, làm mắt phải chú ý tới để nhìn rồi khó chịu. Y như một chiếc xe hàng chất đồ đoàn nặng về một phía. Ngụy bỗng cười vu vơ…

    – Nhằm nhò chi mấy ký bột ngọt đó. Má tui đi buôn có khi bị tịch thu hết hàng hoá, rồi đem cả đống bạc vốn liếng đi đút lót xin tha mà ai ngờ cũng bị tụi nó ăn cho sạch sẽ. Đi về còn cái mạng già trơ trụi, chẳng thèm rớt một hột nước mắt.

    Câu nói này coi bộ ép phê dữ. Người con gái ngẫng mặt lên nhìn hắn bán tín bán nghi.

    – Bả chỉ chửi thôi. Chửi hai ba ngày thấy đỡ ấm ức lại khăn gói ra đi. Tui nói thua keo này bày keo khác là vậy.

    Cô gái quay qua Ngụy. Mấy giờ rồi anh?

    – Tôi không có đồng hồ. E cũng tới mười một mười hai giờ đêm rồi cũng không chừng.

    Ngụy nhìn lên sao trời lưa thưa như phỏng đoán một con số qua đó. Gã thanh niên chép miệng đằng hắng rồi nhổ nước miếng kêu cái chách, bắn đi đâu đó. Phía dưới dốc, nơi có ánh đèn nê ông tạo thành vuông sáng đâm ngang chặt đứt con lộ đen, ở đó bỗng túa ra đám người xôn xao. Ngụy thấy những vòng thép gai, tấm bảng viết nguệch ngoạc chữ dừng lại mù mờ và sau cùng hai ba tên đeo súng từ trong trạm kiểm soát vừa đi ra vừa xua tay. Chúng nó kéo rào cản để thu hẹp mặt nhựa hắc ín lổ hê lổ hủng trong khi bóng những kẻ bị xua đuổi ăn xuống đường thành mấy vệt đen loạng choạng nghiêng ngửa trở lại xe.

    Ngụy buồn ngủ ngáp đến chảy nước mắt sống. Trong đôi mắt mỏi mệt, hình ảnh vừa thu nhận đó như cho Nguỵ cái ảo giác mình đang “nhìn” cảnh vật trong một giấc mộng, trong một nhắm mắt chập chờn, giữa một cuộc hành trình quá dài không thấy đích tới: quá khốn đốn, căng thẳng và rã rời.

    – Đù má, có nhúm cà phê mà tụi nó cũng hốt. Thiệt bực mình.

    – Nói đàng hoàng, nói lý lẽ, nói rất biện chứng mà tụi nó cũng dê kêu. Mày thấy không, nhất trung ương nhì địa phương là vậy.

    Gã thanh niên nhìn theo hai người trung niên “thọ nạn”. Hắn nhún vai. Biện chứng cái gì giữa đời là bể khổ? Rồi cười búng điếu thuốc bay xuống lập loè giữa lòng đường.

    – Thôi, leo lên xe lại đi. Còn cả chục trạm nữa chứ đã hết đâu.

    Hắn tới đu người ở ô cửa bên hông và vào trong xe bằng lối đó. Đôi dép đã mòn vẹt đế của hắn chòi chòi đạp đạp nơi chữ T.P.Hồ Chí Minh có ai mửa xuống một vệt xám mốc, đã khô nhưng còn mùi hôi chua. Ngụy bắt chước hắn nhưng đu người lên ở khoảng giữa xe, nơi chữ Nha Trang nước sơn đã tróc.

    – Anh vào trỏng chơi hay sao?

    Gã thanh niên hỏi khi Nguỵ trở lại ghế của mình.. Người con gái vẫn chưa lên. Lòng xe chật chội quang gánh và người ngợm bắt đầu chèn ép xô đẩy.

    – Ừ, có chút công chuyện.

    – Cô nhỏ đó cũng tội há! Phải chi có kinh nghiệm thì khác.

    – Có lẽ. Hình như học sinh mới đổi nghề thì phải.

    – Chứ gì nữa. Anh không thấy cổ khóc sao? Chỉ biết khóc mà không biết làm trận.

    – Làm trận là sao?

    – Là năn nỉ, là cười tình, là hứa hẹn, là lạy lục. Mà không xong nữa thì vén quần vén áo chửi tán loạn lên.

    – Chửi được không đó. Giữ mạng mà đi chớ.

    – Thì đã nói là chẳng phải con buôn mà. Anh chưa gặp má tui, bả chửi từ trên xuống dưới, chửi tuốt luốt có ngán ai đâu.

    – Má anh đã già chưa? Họ nói thí mạng già là vì vậy. Cô này còn trẻ, chửi ẩu là mệt với tụi nó. Đừng nói gì, đêm hôm khuya khoắt bị giữ ở chỗ đồng không mông quạnh này, bộ không ớn sao?

    – À há. Nghĩ cũng phải. Tụi nó động lòng là tiêu đời hoa.

    Ngụy đá vào chân gã ra dấu. Người con gái đang cực khổ len lỏi tới. Tóc rối và mặt mày sưng húp, làm như cô đã khóc bằng cả thất khiếu lục phủ ngũ tạng.

    – Này, đường còn dài, cần tụi này giúp gì không?

    Gã thanh niên hỏi, ép người nhường lối cho cô gái vào trong.

    – Nói thiệt đó. Giả dụ như còn hàng thì chia làm ba, dấu mỗi người một ít cho chắc bụng. Nhớ lúc trước, má tui làm bà già mang thai mà cũng qua mặt bọn thuế vụ cái rẹt. Chừ bổn cũ soạn lại chứ ngán chi.

    Người con gái ngần ngừ, nhìn vết sẹo không mọc tóc của gã ngồi bên, xong lại hướng mắt tới Nguỵ thăm dò.

    – Bộ cái bản mặt của tui gian tà lắm sao?

    – Không phải. Tôi chỉ sợ làm liên lụy tới mấy anh.

    – Ời, Đừng nói mấy cái lẻ tẻ đó mà mất vui. Tụi mình đồng hội đồng thuyền, khi khổng khi không mua vé ngồi gần với nhau thì coi như đã có duyên tao ngộ… Cũng như bây giờ nói chuyện vô duyên là xe đò này có chết máy giữa đàng thì tui là người gánh vác xuống đẩy trước tiên. Mình vì mọi người, phát huy quyền làm chủ tập thể. Phải không anh?

    Hắn quay qua Nguỵ đá lông nheo một phát chớp nhoáng. Ngụy lấy thuốc hút cho đỡ lạt miệng, thấy khó chịu với những chữ hắn dùng và thầm sợ tên này mồm mép quá đỗi láu cá. Đòi lại hộp diêm hắn vẫn chưa trả lại rồi thắp thuốc thổi khói xuống đùi mình. Kẹp ở đó, cái túi vải eo xèo đựng bên trong hai bộ quần áo nhàu nát làm hành trang.

    – Nếu cô thấy cần, cô tin tưởng, thì tôi giấu bớt cho ít đồ.

    – Đó, thấy chưa. Tụi tui thấy cô không nhanh lẹ nên có ý tốt vậy mà. Nếu tui là cô, cứ nhờ vả ngay từ lúc khởi hành thì chuyện đã đâu đến nỗi.

    Người con gái vẫn chưa quyết, dấu chút bối rối bằng cách moi ở túi áo cụt ra ve dầu Nhị Thiên Đường, vặn mở nút nhựa rồi đưa lên mũi hít hít. Gã thanh niên chừng như không tha, sẵn đó ngưỡng tay xin tí dầu thoa cho đỡ gió máy. Hắn nói vậy rồi đưa ngón trỏ bịt lấy miệng ve dầu lúc lắc, bôi bôi bên thái dương trơ trụi tóc.

    – Có dạo má tui biểu đi theo phụ một tay. Xe chạy êm thắm dư sức qua cầu ai dè giữa đường tụi nó đặt khơi khơi một trạm kiểm soát để chận bắt con buôn. Đột ngột trái phép bất tử vậy mới chết người. Má tui quýnh quá không biết dấu đâu cho hết biểu tui ôm bớt đống hàng nhảy đại xuống xe. Tui cũng quýnh theo bả, ừ nhảy thì nhảy, ba mươi sáu kế thượng sách nhất là kế di tản. Xe từ từ tắp vô lề, tui phóng chúi nhủi xuống đường ôm hàng chạy le te. Tụi nó hô đứng lại nhốn nháo rồi nổ súng loạn xạ…

    Vậy mà chuyến đó tui yên hàng về được thành phố trót lọt. Nói có ai tin không? Cái sẹo này là kỷ niệm nhớ đời. Mẹ ơi! Chẳng biết vì đụng đá sạn giữa đường khi té xuống hay đạn AK đuổi theo vi vút cũng phải nể mặt thằng điếc không sợ súng này. Từ đó má tui chừa mặt tui luôn, nói cái gì… Phước bất trùng lai họa vô đơn chí. Vậy chớ tui tâm nguyện mai sau có lấy nhằm mụ vợ đi buôn chắc tui phải ra chốn sa trường gác đờ co cho bà xã quá.

    Hắn cười hề hề. Nhét ngón tay còn dính dầu vào trong lỗ mũi ngoáy ngoáy tận hưởng “tàn dư” của hơi hám chất nước nồng cay.

    Ngụy tính hỏi đùa vậy chớ lỡ bây giờ cô gái giao cho hắn giữ ít đồ hắn có định “di tản” lần nữa không. Định vậy nhưng thôi, xe đã bắt đầu nổ máy bằng những tiếng gầm gừ. Máy từ thời nào lao động tới giờ nên tiếng nổ nghe hục hặc dữ dội. Những cây hương thắp đàng sau kính chắn gió, bên cạnh người lèo lái, cắm đứng trong cái vỏ đạn đồng run rẩy như giữa nghĩa địa có cuồng phong. Ngụy nhìn tới, nghĩ không ra sự dị đoan thầm kín nào của chủ chiếc xe tội nghiệp này. Mong được an toàn xa lộ? Cầu xin đường dài thu bớt cản trở khó khăn, hoặc từ khó khăn lơi đi cho đôi phần dễ dãi.

    Mấy cái bánh mòn bắt đầu nghiến sỏi lăn ra bờ lề, trước mỗi một di chuyển, sau đít xe có tiếng đập rầm rộ và ai đó gióng lớn tiếng hò hét: tới luôn bác tài. Ngụy có ý tưởng về cái thông lệ như một điệp khúc đó, là chiếc xe đã thành một con trâu để biết nhận cái đau từ tay vỗ, biết nghe chừng ấy tín hiệu để rục rịch uể ải lên đường. Cày dài cái luống quốc lộ một tang thương màu cờ đỏ nhiều vướng mắc từ Trung vào Nam. Quê hương thống nhất, hai chữ Chạy Suốt viết sơn trắng bên mỗi chiều dài thân xe không khi nào giữ lời cho con trâu già mệt nhọc kia được yên ổn đi một lèo yên thắm.

    Ngụy thử dỗ giấc ngủ nhiều lần, nhưng vừa chợp mắt đã nghe tiếng máy khò khè thắng đứng lại và sau đó tiếng khóc tiếng chửi tiếng tả oán tiếng hâm dọa đồng loạt dấy lên. Ngụy thường nhìn ra cảnh vật tiêu điều bên ngoài mỗi bận xe đứng, lòng mong vô cùng cái thành công của chuyến đi thứ hai. Cuộc hải hành xin được thuận buồm xuôi gió để đem Nguỵ tới một miền đất lạ. Xa súng ống xa ngược ngạo xa dối trá xa cướp đoạt…. và sẽ chẳng còn nhìn nghe những điều chướng tai gai mắt. Ngụy lim dim…

    – Bộ tính tranh thủ riu riu ngủ bù sao anh? Đường dài lắm mộng, thức để nói chuyện với nhau cho vui có phải hơn không. Lại còn để người đẹp nhờ nữa chi.

    Sau câu nói của hắn, xe chạy ngang một ổ gà dằn xóc đến ê đít. Ngụy nghe heo kêu en éc trên trần xe và gần gũi đâu đó tiếng vịt cạp cạp xướng họa “đồng khởi”. Át hết mọi thứ tiếng là giọng ai đó the thé chửi rủa về một món hàng treo không rõ từ đâu bỗng rớt xuống giáng họa trên đầu.

    – Mồ tổ cố nội bây, bộ tính giết người không gươm giáo chắc?

    Cái gói hàng “gây sự đầu tiên” kia được ném đi liền khi, ném không thương tiếc và chẳng thèm dòm trước trông sau để kéo theo trận bóng chuyền kỳ cục với những tràng chửi rủa được bắn liên thanh. Bắc Trung Nam ba miền đều có bí cấp tuyệt chiêu riêng biệt. Không hĩm thì tôm he, chẳng bướm thì lá đa. Mà lá đa không chịu thì cái của quý nhà bà.

    Gã thanh niên vòng tay, quá quen thuộc hay sao mà bộ mặt hắn tỉnh queo điềm nhiên tọa thị. Ngụy nhìn sang cô gái bắt gặp đôi mắt lớn mỏi mệt hướng tới phía mình. Ngụy nghĩ trong đầu và “nói” bằng mắt: Nản quá phải không? Cô gái cúi đầu như phủ nhận. Nản chưa đúng, trần sanh kinh khủng như Tam Tạng đi thỉnh kinh e rõ ràng hơn…

    Xe bỗng dưng cà giựt chạy chậm lại. Một giọng nói hốt hoảng cất lên có hiệu lực làm chận đứng và đánh dạt những ngọn sóng võ mồm.

    – Công an bộ đội đứng chận cả bầy nơi kìa, liệu mà ở đó mắng chửi nhau.

    Im lặng hết thảy. Bắp rang hết nổ. Trật tự tái lập liền khi. Ngụy thoáng thấy nét mặt bất an hiện đầy khi cô gái ngẩng mặt, đầu tóc rối với một nhón chân lên trông chừng ra trước gương. Ở cái màn ảnh chật vật ấy đóng khung một rào cản bằng người đứng lố nhố đưa tay múa may giữa đường biểu xe dừng lại. Và hai ngọn đèn pha của xe đâm thọc bóng đêm đen kịt làm nỗi rõ những tên lăm le súng ống. Heo lại rên rỉ trên trần xe, có bước chân dẫm mạnh làm dội xuống lòng xe những đe dọa mới, âu lo không thành lời.

    Ba cái nón cối lộ diện ở cửa lên xuống. Mấy nòng súng lách cách lạnh lùng đi lên. Ánh đèn pin quét hỗn xược vào từng mặt hành khách đã nguôi lắng trận xung đột vừa rồi. Ngang dọc, quay cuồng, từ trước lui sau. Cái luồng ánh sáng gần nhất dừng yên trên mặt gã thanh niên hồi lâu. Người cầm đèn đã soi thấy vết láng bóng.

    – Giấy tờ đâu?

    Gã thanh niên cực khổ moi được từ túi quần ra một miếng giấy mỏng gấp làm tám trao tay người hoạnh hoẹ.

    – Công nhân đường sắt đi đâu đây?

    – Dạ bị tai nạn lao động sau kế hoạch thi đua nên được phép vào thăm gia đình.

    Vết sẹo còn mới với màn da non màu đỏ có lẽ chứng minh hợp lý cho câu trả lời của hắn hơn là cái mộc lem luốc đóng ịn vào chữ ký lăng quăng trên tờ giấy bẩn. Và cũng có lẽ vì vậy mà đến phiên Nguỵ hứng đầy ngọn đèn bấm được chiếu thẳng mặt chói chang.

    – Công nhân viên của Bộ Y Tế tỉnh Bình Trị Thiên đi công tác à?

    – Phải.

    – Anh tên gì? Nguyễn Văn… gì?

    – Nguyễn Văn Nguỵ.

    – Trước đây có đi lính có tham gia đánh phá cách mạng ngày nào không? Đưa giấy chứng minh nhân dân ra xem.

    Ngụy trình thêm miếng giấy bọc nhựa. Thấy lại cái hình đen đúa lơ láo mặt mày ép bên dưới, ở trên nặng nề hai nhánh lúa có búa liềm có sao vàng đè xuống với hàng chữ Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc . Ngụy nhìn thẳng mặt kẻ mặc đồ vàng. Không riêng gì cái ảnh chụp đỡ đâu đó, bây giờ tôi đây cũng láo liên bần thần dầu trên đầu chỉ có heo nằm trong rọ thống thiết kêu đến khản tiếng.

    Người cầm giấy tờ, cầm đèn, cầm súng biểu Nguỵ ngồi vắt chân lên cho hắn dọi đèn săm soi. Ngụy nghi hoặc làm theo, không khi nào ngờ tới có ngày bàn chân tội nghiệp quen tản cư chạy giặc của mình lại có kẻ tò mò muốn xem. Ngụy nghĩ rồi có một lúc nào đó, ở thành phố chắc xuất hiện lắm ông thầy bói ngồi trải chiếu thử xin đăng ký môn bài xem chỉ chân. Vận mạng con người đã hết linh nghiệm trên đôi bàn tay? Đã vượt biên xuống chân. Những bàn chân vào trại tù, đi vùng kinh tế mới, chạy tất tưởi kiếm miếng ăn, hay chạy bán sống bán chết ra điểm bốc để bước phiêu dạt xứ người???

    Ngụy muốn thở dài thành tiếng khi ánh đèn tắt đi. Đón lại giấy tờ tuỳ thân từ bàn tay lạnh ngắt sần sùi. Cô gái cũng lấy đó làm vui, nhìn thân xác kia quay lưng để hoàn hồn trở lại.

    Gã thanh niên huýt lên một tiếng sáo: tới luôn bác tài. Vậy mà trùng hợp, xe chạy thật. Mọi người lại nhốn nháo đề tài mới. Không rõ họ muốn cái chi mà chỉ quan tâm dòm ngó đàn ông con trai. Một giả thuyết được đưa ra mà Nguỵ thấy đáng tin nhất: trại cải tạo nào đó có tù bỏ trốn vượt ngục. Gã thanh niên thì thào. Biết đâu chừng họ lùng bắt mấy ông phục quốc. Hồi nãy, bàn chân anh mà có vài chỗ bị chai thì coi như tiêu đời trai. Hắn đổi giọng làm ca sĩ… lính mà em… Rồi bổn cũ soạn lại với cô gái.

    – Hồi hộp quá! Tui thấy mặt cô xanh lè mà muốn đứng tim theo. Đã nói là cứ bình chân như vại, đưa mỗi người một ít thủ trong bụng thì phần thắng ắt về ta. Đường đời còn nhiều cạm bẫy chứ đã hết đâu.

    Cô gái coi bộ xiêu lòng. Hắn nói văn vẻ như vậy thì biểu sao cô ta chẳng nghe. Vừa văn hoa vừa nhiều kinh nghiệm lịch lãm. Ngụy đâm đòn gánh vào bánh xe:

    – Bộ ông là công nhân đường sắt thiệt sự à?

    – Ôi da… Chỗ anh em mới nói nghe. Có khi tui từng giữ chức cán bộ cung ứng vật tư, rồi buồn đời làm Tổng Cục Hoá Chất chơi dăm ba bữa. Đổi nghề lia chia, đổi đều chi trước cái lúc ăn sẹo vô mặt. Bây chừ xí trai đành nhìn đời hiu quạnh đóng vai công nhân đường rầy.

    Cô gái đang lay hoay bới móc tìm kiếm đồ trong xách cũng ngẫng lên góp ý.

    – Tôi mà làm tên công an vừa rồi là anh lãnh sẹo. Í, xin lỗi… anh bị lôi thôi ngay. Công nhân đường sắt được cấp giấy phép đi đường sao không đăng ký xe lửa cho thuận lợi mà lại vác mạng leo lên xe đò? Lộ liễu quá!

    Hắn chống cằm, tay che dấu vết dị hình, mặt khờ câm.

    – Nói cũng phải a. Dại quá dại quá. Sao tui nghĩ không ra hè. Nhưng mà khổ một điều là tụi nó bán thứ giấy chi thì đi thứ giấy đó. Bộ đồ công nhân màu xanh, mặc cho hợp thời trang này sắm cũng bộn tiền chứ phải chơi sao.

    – Đi đứng gian khổ thức ni mà sao anh siêng đi thế?

    – Lớn sầm đầu như tui chẳng lẽ ăn bám thành quả lao động của bà già tui à? Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.

    – Đi đêm có ngày gặp ma. Bộ anh không sợ tụi thuế vụ với công an nó nhớ mặt sao?

    – Thì bị rồi chớ phải yên đâu. Nhưng mà ma cỏ chi cũng phải thua bùa chú hết. Đức Thánh Trần không còn thì còn ông khác dài râu hơn. Xanh xanh đỏ đỏ trẻ nhỏ cũng ưa… cho nên chi tui mới nói cô không nhanh lẹ chút nào cả. Tụi nó từng quen với cảnh khóc ngoài biên ải rồi, vì thế nên mình tội chi mà năn nỉ khóc lóc cho mệt thân. Cứ nhá ra vài lá bùa cho tụi hắn sáng mắt sáng lòng thì mười ông thiên lôi đứng đó cũng bỏ. Nhưng mà cô phải biết xem tướng, có đâu như má tui bả chưa già mà mắt lem nhem dúi tiền vào nhằm tay… con ma nhà họ hứa. Ba xạo đủ điều để bà già quờ quạng tiền mất mà hàng cũng tiêu.

    Ngụy ngồi yên nghe hai người đối đáp, cười không nổi những chữ lạ lùng gã thanh niên dùng. Bên ngoài cửa xa bóng mờ cây cỏ lùi dần. Ngụy thấy và hay đêm đã gần hết. Tím xanh quầng thâm đường chân trời ở hướng biển có nhạt nhoà đôi ba cụm mây đứng đợi ánh dương quang. Ngụy nhắm khép mắt lại nghe rã rời châu thân. Mai này đời mình có thấy được một vài tia sáng? Một vài đổi thay? Một thoát ly ra khỏi đêm dài cứ triền miên kéo trì trệ trên chính quê hương mình.

    Người con gái lại khóc, nhưng khóc không thành tiếng. Màn nước mắt ứa ra, đổ dồn bên khoé để hội tụ thành giọt long lanh rơi xuống, rơi xuống. Ngụy nghĩ mình đã quen một người đồng hành ướt át và luôn hư hao. Ngụy đẩy sự vu vơ trong trí đi xa hơn: cớ sao nước mắt con người lại mặn mà không ngọt? Có phải nó hình thành bởi sự xót xa đau khổ? Mai kia tôi trôi nổi gặp lại nàng trên đất người, niềm hân hoan nỗi hạnh phúc cũng có thể làm lệ trào dâng. Khi ấy đưa tay hứng và nếm thử vị nó coi sao.

    Ngụy đứng sững ra, nhìn cô gái chậm tay áo lên mắt mà không biết an ủi cách chi, lời nào. Ngụy thấy mình như có lỗi một phần, tự giận mình đã dễ tin người chẳng nghi hoặc. Gã thanh niên ngồi kế bên dông mất tiêu khi xe chưa tới bến. Có lẽ hắn đã nhảy ra cửa sổ khi mình đang nhắm khép một ngơi nghỉ cho đôi mắt cay? Vậy còn cô gái khổ chủ? Phải thức mà trông chừng chớ. Ngụy thấy chút khó chịu dấy lên.

    – Dầu sao thì cô phải vào đứng đằng kia cho đỡ nắng. Cứ khóc vậy hoài đâu có giải quyết được chi.

    – May mà em chỉ đưa cho hắn phần ít nhất.

    Cô ta nói như tự mình an ủi lấy đồng thời nghe lời Nguỵ ôm cái xách đi tới bóng im có bởi tấm bạt căng rộng của một xe bán nước mía.

    – May mà em có linh tính, ngó cái mặt hắn thấy chẳng yên tâm.

    Lại vỗ về, tự trấn an vào những tổn thất. Chẳng yên tâm mà cũng đưa con vô nội, giao trứng cho ác… Rõ là cô không có chút kinh nghiệm như thằng mặt sẹo đã nhìn thấy từ đầu.
    Ngụy bông lơn:

    – Còn tôi thì sao. Cái mặt ngó có thường thường bậc trung không?

    Người con gái mặt bỗng đỏ ké. Ngụy quay lưng nhìn hàng chữ giải khát tuyệt hảo, đưa hai ngón tay ra dấu với người đứng sau xe đang mĩm cười đuổi ruồi, trông vô cái thau màu ngà đục trôi lều bều những cục nước đá ngó như xô nước mã nuôi heo.

    Ngụy đưa cho “bạn đường” ly cối nước “lụt”:

    – Uống cho hạ hỏa đi, tôi đãi.

    Nói rồi buông thân xuống ghế đẩu, thấy nhột ở bụng những bọc ny lông giấu trong lưng quần châm chích. Cô gái ngồi xuống một bên ké né. Ngồi để tay lên đùi và mắt nhìn mông ra phía đường cái, xe đạp dập dìu hỗn loạn như chạy giặc ở đó. Có lẽ ai cũng đương kiếm mánh để sống để ăn để thở và để tự hành hạ mình.

    – Tôi đếm tới ba mà không uống là tôi xách bị bỏ chạy à nghe.

    Ngụy nói rồi cười khục khặc trong cổ. Trông cô gái vội bưng ly lên đặt ly xuống, như nghe theo mệnh lệnh. Dễ thương. Môi cô ta ướt, thấm lên vành môi những sợi lông măng còn giữ chút bọt trắng li ti. Thần sắc đã trở lại cùng với nắng lên cao, đè lai láng quanh chỗ ngồi làm Nguỵ thấy cô gái không xấu như mình tưởng.

    – Tên tôi cô đã biết. Còn cô?

    – An.

    Chỉ hô lên một tiếng trong cúi mặt. Ly nước An còn đầy trong khi của Nguỵ đã vô gần trăm phần trăm. Mật ngọt chết ruồi, nước mía làm Nguỵ lâng lâng.

    – Giao hàng bây giờ hay giao tận nhà cho bảo đảm?

    An ngẫng đầu, năm ngón tay thế răng lược cào chảy tóc rối. Áo cụt nâu, hàng lụa nội hoá có dệt chìm mấy chữ Phước chữ Lộc hay chữ Thọ chi đó. Chất vải nhăn nhúm, bạc màu có sẵn chứ không do hai ngày đường tắm bụi vừa kinh qua trong gian khổ.

    – Làm phiền anh như vậy nhiều rồi….

    – Có chi đâu…

    Ngụy tính dài dòng hơn nhưng nhớ sực những lời “đạo diễn” của gã thanh niên có sẹo bên thái dương nên bỏ trống câu nói. Nhìn quanh quẩn mọi phía để yên tâm lôi những bao bì ra, thảy vào cái xách hở miệng của An.

    – Tôi trả lại hết rồi đó. Cái gì vậy?

    – Thuốc Tây. Trụ sinh, cảm mạo, nhức đầu, thuốc bổ.

    Ngụy le lưỡi làm bộ sợ hãi.

    – Có thuốc liều không, cho tôi một viên.

    An cười: cái đó phải hỏi anh mới đúng. Cán bộ y tế mà.

    Ngụy nhún vai, lòng thầm hỏi không biết mình nói bây giờ có nên không, hay đợi trời tối để tránh phiền hà.

    – Chữ cán bộ đó giải nghĩa ra sao cho đúng? Bác sĩ thời trước hay sinh viên y khoa bỏ học đi làm?

    -Là không gì cả. Giống như tên ăn cướp hàng của An vậy. Nó đâu phải công nhân đường sắt.

    – Giấy giả? Anh có uống thuốc liều không? Anh…

    An bỏ dở câu nói để cười miệng ngậm. Hai bên má chỉ mọc một lúm đồng tiền bên phải. Lởn vởn trong trí nhớ của Nguỵ, người con gái đang ở một nơi thật xa cũng có nụ cười như vậy. Cũng mang một nét đẹp mà phải gần gũi dài lâu mới phát hiện ra. Phát hiện rồi đắm đuối, rồi dằn vật một nỗi nhớ khôn nguôi mà không uống thuốc liều con tim cũng thúc giục hoài hủy một lên đường tìm gặp lại. Không. Nào phải thế. Đó chỉ là một yếu tố phụ, một “nghiệp dư”.

    – An đâu phải là người đi buôn, phải không?

    – Không phải, An đi thăm nuôi người anh.

    – Thăm nuôi bằng bột ngọt, thuốc Tây?

    – An sẽ bán những thứ đó ở đây, được giá hơn. Người ta bày vẽ vậy đó, rồi mua sắm nhu yếu phẩm mà anh ấy cần. Thức ăn mang đi đường xa để bới xách thì đâu có giữ được lâu.

    – Ừ, cũng đúng. Anh của An là sĩ quan?

    – Dạ, trung uý. Bị giam ở Hàm Tân. Còn anh?

    – Tôi? chưa từng đi lính mà vẫn mang tên Nguỵ. Giả làm y tá để mạo hiểm vào đây…

    – Mạo hiểm? Hồi nãy trên xe mặt anh có run sợ chi đâu. Có tật thì giật mình, mà sao thấy anh làm như công nhân viên thứ thiệt của nhà nước.

    – Tim gan của tôi lớn lắm, đâu phải như cô. Hay vì làm đàn ông thì có khác?

    – Có lẽ… Anh có thân nhân bị cải tạo không?

    – Ai mà không có, nhưng mấy ông anh tôi đều bị nhốt ở ngoài Bắc. Xa xôi mịt mờ lắm. Mấy ông ấy tim gan hẳn còn lớn hơn tôi gấp bội. Chắc khó có ngày gặp lại nhau.

    – Tại sao? Anh sợ những người bị học tập đều phải chết đi lần hồi?

    – Không biết có đúng không. Có điều, chắc tôi phải bỏ đi xa.

    An lấm lét. Đôi mắt tròng nâu như màu áo, mở lớn đồng tử.

    – Vượt biên?

    Ngụy thu tay đang chống cằm, tìm thuốc hút. Ánh mắt An đổi xuống nhìn những sợi khói mỏng bay lên. Ngụy chợt thấy lòng mình tự dưng buồn lạ lùng. Nỗi buồn dật dờ và xanh xao như làn khói. Cuộc sống của mỗi chúng ta đã bị ai đó làm cho tàn lụi dần. Cháy đi âm thầm, đắng nghét, nồng cay và vô vị ở cuối một chặng đời vứt bỏ. Sao người ta chẳng còn gì để mơ ước nữa vậy? Chỉ gom góp hết mọi điều mọi chuyện để đánh đổi bằng được hai chữ: vượt biên. Thu hút nhưng nguy hiểm vô cùng. Ngụy để hai chữ An vừa hỏi đó lùng bùng trôi đi hoang mang trong đầu. Không biết có gì trở ngại từ đây cho tới cái thời điểm đặt chân lên ghe thuyền chòng chành sóng nước? Ngụy thở dài.

    – Ừ. An đã từng đơm cái ý nghĩ đó lần nào chưa?

    Cô gái không trả lời, bưng ly nước mía uống một hơi dài.

    – Hồi nào An đỡ mệt và muốn về nhà thì cứ nói. Tôi sẽ gọi cho An một chiếc xe thồ.

    – Chừng nào anh đi?

    – Đi từ đây về nhà hay đi từ nơi này đến một nơi khác?

    – Đến một nơi khác?

    – Chưa biết đích xác, nhưng cứ nghĩ là rồi tôi sẽ không còn ở đây nữa.

    Ngụy nói như cho chính mình nghe lấy. Còn thì sao, mà vắng mặt thì có gì hệ trọng? Một phân bua chẳng cần thiết. Ngụy nghĩ thầm, ở mỗi một chuyến đi ai trong chúng ta cũng bị mất mát không ít thì nhiều. Mấy ký bột ngọt của cô vào tay thằng thảo khấu nào đó, vài vỉ thuốc tây của cô giờ này đã chạy ra chợ trời qua tay thằng mặt sẹo gian manh. Còn tôi? Cái mãnh đất cháy nắng ngộp thở này khi bị mất đi tôi có nên kêu ca phàn nàn không?

    – Dầu sao quen được An trước khi đi cũng là một chuyện đáng nhớ.

    – Nhớ cái chi?

    – Nhớ đủ thứ… Tôi có thằng bạn đi đã lâu, trong thư gửi về An biết hắn viết gì không? Thèm đi dưới đường có lá me hoặc sầu đông hoặc phượng vĩ, có viên gạch vỡ có vũng nước đọng bên lề. Thèm ngồi uống nước ở quán cóc vệ đường như tụi mình đây. Thèm dầm mưa cho thiệt ướt, thậm chí thèm có ai gọi hắn để chửi thề. Hắn thèm, vì trước đó đầu óc hắn không chịu thu nhận, chẳng chịu nhớ cho đầy và đã để cho quên.

    – Thật sao? Hay là vì nhớ quá nhiều kỷ niệm để rồi sống trong một hoàn cảnh khác, thiếu thốn những thứ đó lòng đâm buồn và so đo thèm thuồng.

    – Mình không nên giải thích những chuyện chẳng được rõ ràng đó. Điều tôi muốn nói là quen An … cứ bắt chước lời tên mặt sẹo đi, là hình như đã có duyên số.

    Cô gái cười, nhưng nụ cười không tạo được một lổ trủng nào ở bên má. Và nụ cười đó tắt biến rất mau. Một người đàn bà vừa mới lộ diện, nón lá trên đầu, xách ny-lông kẹp nách với một giọng nói ồ ề nghe được từ xa.

    – Vào từ hồi nào đó An? Có biết là Dì nóng ruột ngày nào cũng chạy lại bến xe để tìm đón không?

    – Con mới vừa tới, nãy giờ có ý đợi Dì đó chớ.

    Cái nón được tháo ra, bắn tia nhìn đầy nghi hoặc tới Nguỵ.

    – Cậu nào đây?

    Hỏi nhưng không cần nghe trả lời. Người đàn bà kéo cô gái bước ra khỏi chu vi vuông im tấm bạt. Nắng dội xuống vai An với cái tần ngần ngoái đầu nhìn lại. Ngụy thấy hai người thì thầm với nhau hồi lâu. Và hồi lâu, An trở vào lấy cái xách.

    – Mong anh đi được bình yên. An phải về.

    – Cám ơn.

    – Anh giữ lấy một ít thuốc cảm sốt này để phòng thân.

    Cô gái mở những bao ny lông để tìm đúng loại thuốc như cô nói. Ngụy cảm nhận vết cứa sắc cạnh của mấy vỉ thuốc trong tay và làn da mềm mại ấm lạnh của An đặt lâu ở đó. Ngụy bóp nhẹ, sửng sốt và cảm động.

    – Chính anh của An mới cần đến nó. Tôi…

    – Anh ấy trốn thoát được rồi. Dì đang tìm mối cho ảnh vượt biên.

    An nói nhỏ bên tai Nguỵ. Ngụy thấy hơi thở An nóng và như nghe được tiếng đập gấp rút từ tim cô gái vọng dội ra. Hay của chính mình? Ngụy giàu tưởng tượng, trong một thoáng cái hình ảnh trốn chạy ra biển lại hiện tới, và biết đâu chừng trên chiếc ghe mong manh liều lĩnh lại có mặt một ông trung uý vừa “vượt” hai lần. Anh của An.

    Tay buông tay. Người con gái quay lưng bước đi. Một chiếc xe xích lô đã chờ sẵn có dáng người đàn bà ngồi trong nôn nóng. An leo lên, gửi vội những ngón tay múa may chào tạm biệt. Ngụy ve vẩy lách cách mấy vỉ thuốc chào trả. An không thấy. Những vòng bánh xe đã quay, nhập trong lòng đường lúc nhúc người luôn có sẵn ngoài kia.

    Ngụy moi túi lầm bầm: tôi yêu An.

    Người bán nước nhăn răng. Hả? Cái gì? Anh cho mười đồng bạc mới.


    Hồ Đình Nghiêm
    (VĂN, số 77, tháng 11-1988)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X