Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hòa hợp, hòa giải

Collapse
X

Hòa hợp, hòa giải

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hòa hợp, hòa giải

    Hòa hợp, hòa giải
    Vương Mộng Long

    Ngày 15 tháng Tư năm 1993 tôi dắt díu vợ con, hối hả lên đường bỏ xứ.

    Chúng tôi ra đi, một gia đình sáu người, mỗi người vỏn vẹn chỉ có hai bộ quần áo cùng cái Jacket chống lạnh; hành trang còn lại là hai vali sách vở.

    Chuyến bay rời Việt-Nam hôm đó dành riêng cho những gia đình cựu tù nhân cải tạo có tên trong danh sách RD2, RD6 và cái đuôi của danh sách H15; tên tôi nằm trong danh sách RD2.

    Trưa hôm đó, trên sân ga quốc tế của phi trường Tân Sơn Nhất đã diễn ra một cuộc chia ly đầy tiếng cười, nhưng cũng có nước mắt.

    Những người ra đi mặt mày rạng rỡ, hớn hở, tươi vui, vì sắp thoát khỏi một vùng trời tăm tối, để bước vào một thế giới chói lòa ánh sáng.

    Những người đi tiễn đưa thì, có người khóc vì thương người ra đi, có người khóc vì thương chính bản thân họ, vì sao họ lại không là người ra đi?

    Thời ấy, vào năm 1993, dưới chế độ Cộng-Sản, con cái tôi, nói chung là con của cựu sĩ quan Quân Lực Việt-Nam Cộng- Hòa bị xếp hạng thứ 17/17 trên nấc thang ghi mức độ ưu đãi, ưu tiên về giáo dục, và tuyển dụng của nhà cầm quyền.

    Các con tôi không thể mơ tưởng có một ngày được phép ghi danh vào đại học, cho dù chúng là những học sinh xuất sắc trong các trường trung học.

    Tới Mỹ rồi, đa phần con cháu của những gia đình H.O đã trở thành những tinh hoa của cộng đồng Việt-Nam trên quê hương mới. Nay, dù không được giàu có cho lắm, nhưng con cái tôi đã không còn là những người vô sản, phải chạy ăn từng bữa toát mồ hôi như thời gian sau tháng Tư năm 1975. Tính tới nay thì tôi tới Mỹ và ở Mỹ vừa tròn hai mươi sáu năm. Tôi đã ở yên trên đất nước này mà chưa hề nghĩ tới chuyện quay về thăm nơi cắt rốn, chôn nhau.

    Dù 44 năm đã trôi qua, vậy mà cứ tới tháng Tư, lòng tôi lại bồi hồi nhớ lại những chuyện không vui đã xảy ra trong suốt những năm dài trầm luân sau ngày Sài-Gòn sụp đổ.

    Mười một ngày sau khi thua trận, từ 11 tháng 5 năm 1975 tôi đã bị tù rồi, nên chuyện kể của tôi sẽ bắt đầu từ những gì tôi thấy ở trong trại tù.

    Ngày ấy, đã là cuối tháng 8 năm 1975, chúng tôi đang “học tập” trong căn cứ Long-Giao.

    Trên loa phóng thanh của trại giam, hàng ngày tôi được nghe những câu chuyện gia đình Bắc, Nam đoàn tụ sau nhiều năm cách xa, vì Hiệp định Genève năm 1954 đã chia đôi hai miền đất nước.

    Tôi cũng nghe được những câu tuyên bố thắm đượm tình người của Chủ Tịch Nước Tôn Ðức Thắng và Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng kêu gọi toàn dân Việt-Nam hãy xóa bỏ hận thù, cùng nhau hòa hợp, hòa giải để tái xây dựng một đất nước Việt-Nam hùng mạnh.

    Chúng tôi cũng đã học được 8 bài học căn bản để sẵn sàng hòa nhập vào xã hội mới.

    Một sớm mai đầy sương mù, có lệnh từ ban chỉ huy trại bắt chúng tôi phải áo quần tươm tất sạch sẽ để sẵn sàng nghênh đón một phái đoàn cấp cao do “Ðồng chí” Cao Ðăng Chiếm dẫn đầu tới thăm trại.

    Chúng tôi cũng nghe phong thanh rằng, dịp này phái đoàn của chính phủ sẽ xét tha ra khỏi trại những cải tạo viên nào có thành tích “học tập tốt và lao động tốt”.

    Ai cũng nghĩ mình sẽ là người đã học tập tốt, lao động tốt. Ai cũng hy vọng hôm nay sẽ có một cuộc phóng thích “đại trà”.

    Chúng tôi chờ đã khá lâu phái đoàn mới xuất hiện. Phái đoàn đi trên hai chiếc xe con, không có ai hộ tống.

    “Ðồng chí” Cao Ðăng Chiếm miệng cười toe toét, dẫn đầu phái đoàn quan khách gồm ba đàn ông và ba đàn bà tiến vào hội trường Long-Giao trong tiếng “Hoan hô!” dậy trời, lở đất của trại viên.

    Phái đoàn Chính Phủ Cách-Mạng người nào cũng mặt mày rạng rỡ, thân mật và vui tươi.

    Ba cán bộ nam mặc đồng phục áo bốn túi màu bồ quân, may bằng thứ vải dành riêng cho cán bộ cấp cao. Vị nào cũng đeo kiếng mát, đồng hồ, và lủng lẳng bên hông một cái cặp da thủ trưởng.

    Ba nữ cán bộ thì chị nào cũng có một cái túi xách to với dây quàng qua vai, cổ quấn khăn rằn, dáng dấp đẹp đẽ như những bà bán vé số rong trên đường phố Miền Nam trước ngày “Giải Phóng”

    Về phía trại viên chúng tôi thì, trại viên nào cũng có vẻ hân hoan, hy vọng. Ai cũng mong những hồ sơ trong cặp da của các “đồng chí” sẽ có tên mình trong số những người sẽ được trả tự do, về với gia đình.

    Trước khi vào chỗ ngồi dành cho các vị khách quý, phái đoàn còn dừng lại trong sân chuyện trò thân mật với chúng tôi. Các vị này rất thực thà, cởi mở, giản dị và bình dân.

    Có vài anh em nêu thắc mắc là, nghe theo lệnh của Ủy-Ban Quân Quản Thành Phố, khi ra đi chúng tôi chỉ mang theo một tháng tiền ăn cho ba mươi ngày, nay đã gần ba tháng qua rồi mà chưa được về, nếu hôm nay chúng tôi được tha thì chúng tôi sẽ gửi tiền về địa chỉ nào để thanh toán những ngày ăn mà chúng tôi còn thiếu nợ?

    Nghe hỏi thế, các “đồng chí” bèn xua tay nói rằng chúng tôi đừng lo xa, chính quyền và nhân dân đã dự trù cách giải quyết mọi chuyện đâu vào đó cả rồi.

    Một cải tạo viên nguyên là một cựu sĩ quan Không Quân vừa nhận ra “Ðồng chí” Cao Ðăng Chiếm là người cùng quê. Anh ta cứ quấn quýt bên chân “đồng chí” không chịu rời xa, cứ như là sợ có người cướp “đồng chí”của anh ta đi mất!

    Buổi sơ giao các “đồng chí” đã gieo vào lòng chúng tôi một cảm giác thật là thân thiện và ấm áp.

    Sau một hồi hàn huyên thắm tình hòa hợp, hòa giải dân tộc, mọi người về vị trí đã định sẵn để an tọa.

    Phái đoàn của “Ðồng chí” Cao Ðăng Chiếm ngồi trên bục, trại viên ngồi im trên ghế trong hội trường. Không khí thật là im lặng, trang nghiêm.

    Anh em cải tạo viên thuộc khối 30 của tôi được ưu đãi, được xếp chỗ ngồi ngay dưới chân và trước mặt khán đài. Chúng tôi chiếm được vị trí tốt này cũng do công lao của ông khối trưởng có tên là anh Ba Gà Mổ, anh Ba Gà Mổ tên thật là Nguyễn Văn Lộc, nguyên là một thiếu tá làm việc trong Bộ Tổng Tham Mưu.

    Anh Ba Gà Mổ rất được lòng cán bộ cai quản trại giam. Anh đã được cán bộ giao quyền tiến cử ba cải tạo viên tiến bộ nhất sẽ lên bục phát biểu cảm tưởng đón chào “Ðồng chí” Cao Ðăng Chiếm.

    “Nghiêm!”

    Viên cán bộ trại trưởng hô to.

    Mọi người đồng loạt đứng phắt lên, cùng nhau cất cao tiếng hát “Giải phóng miền Nam”:

    “Vùng lên! Nhân dân miền Nam anh hùng!
    Vùng lên! Xông pha vượt qua bão bùng. Thề cứu lấy nước nhà! Thề hy sinh đến cùng! Cầm gươm, ôm súng, xông tới!
    Vận nước đã đến rồi. Bình minh chiếu khắp nơi.
    Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời.”

    Rồi thì, hứng chí, thừa thắng xông lên, bà con tự động lặp lại bài hát này tới hai lần.

    Sau khi đã “Cầm gươm, ôm súng, xông tới!” mệt ná thở, mọi người còn phải tiếp tục gân cổ thét:

    “Hồ Chủ Tịch muôn năm!” – “Muôn năm! Muôn năm!…”

    “Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa muôn năm!” – “Muôn năm! Muôn năm!…”

    Rồi chúng tôi được phép ngồi xuống ghế để thở.

    Thở xong, lấy lại được sức lực, chúng tôi bắt đầu rì rầm nói chuyện với nhau.

    Viên cán bộ trại trưởng cũng vừa hồi sức, y trở về vị trí, đưa tay với chiếc micro:

    – Yêu cầu các anh em trại viên giữ yên lặng, trật tự! Nhân dịp có phái đoàn đại diện của chính phủ và nhân dân tới tham quan. Chúng tôi cho phép một vài anh đại diện trại viên lên phát biểu cảm tưởng và đạo đạt thỉnh nguyện lên cho chính quyền cứu xét. Mời anh thứ nhất lên đọc bài phát biểu!

    Anh thứ nhất nguyên là Thiếu tá Ðịa Phương Quân của Tiểu khu Pleiku. Anh ta là người Bắc Di Cư, tuổi khá già, nên ăn nói lưu loát lắm.

    Ðang thả hồn lâng lâng với những câu phân trần của anh, thật là hợp với ý tôi, vì tôi cũng là dân Bắc Di Cư!

    “Chúng tôi nhẹ dạ nghe lời dụ dỗ của Thực Dân và Ðế Quốc nên mới di cư vào Nam rồi bị bắt vào lính Nguỵ…”

    thì thình lình, tôi giật bắn người với tiếng hét chói tai:

    “Ðả đảo Ngụy Quân! Ngụy Quyền!” – “Ðả đảo Ðế Quốc Mỹ!”

    người bạn ngồi kế bên, vừa kéo tay cho tôi đứng lên, vừa hối:

    “Ðứng dậy! Ðứng dậy! Ðả đảo mau lên! ”

    Tôi vội vàng dụi mắt, ba chớp, ba nháng hét theo: “Ðả đảo! Ðả đảo!”

    Trước khi xuống đài, ông Thiếu tá Di Cư còn, “Hoan hô! Ðả đảo!” vài lần nữa.

    Dĩ nhiên chúng tôi cũng phải ngoạc mồm, to tiếng phụ họa theo.

    Anh cải tạo viên Thiếu tá Di Cư về tới ghế ngồi mà mắt còn ngoảnh lại nhìn “Ðồng chí” Cao Ðăng Chiếm như dò hỏi xem “Ðồng chí” có hài lòng với bài diễn văn của anh ta không.

    Hình như “Ðồng chí” có vẻ vui, vì tôi thấy ông nhoẻn miệng cười, hai bàn tay ông vỗ vào nhau ba lần nghe, “Ðộp! Ðộp! Ðộp!”

    Cải tạo viên thứ hai là một Hải Quân Thiếu tá. Anh này cũng là dân Bắc Di Cư.

    Vừa mở tờ giấy phản tỉnh, thú tội ra, anh đã cất tiếng khóc rống lên như cha anh ta vừa chết:

    “Ôi! Bác Hồ ơi! Chúng con thương nhớ Bác! Chúng con là những đứa con có tội! Chúng con đã lỡ dại đi theo Mỹ, Ngụy chống lại tổ quốc, giết hại đồng bào! Bác ở trên trời, Bác linh thiêng, hãy tha tội cho chúng con! Bác ơi! Bác ơi!”

    Bụng tôi bỗng réo lên “Ồ! ồ! ồ!…” tôi vội lủi ra cửa xin cán bộ cho phép đi vệ sinh.

    Tới khi tôi trở về thì bài diễn văn của ông cựu Hải Quân Thiếu tá đã chấm dứt.

    Trên khán đài, “Ðồng chí” Cao Ðăng Chiếm đang gật gù,

    – Ðáng lý ra, các anh không xứng đáng được gọi Hồ Chủ Tịch là Bác! Nhưng chúng tôi cũng châm chước cho các anh lần này! Lần sau các anh chỉ được gọi Bác Hồ là Hồ Chủ Tịch! Bác là Bác của chúng tôi! Bác không phải là Bác của các anh! Nghe rõ chưa?”

    Nghĩ cũng đúng! “Bác Hồ” đâu phải của chúng tôi? Chúng tôi thường quen gọi ông ta là “Già Hồ” – “Cáo Già” – “Hồ Già bán nước” hay “Hồ Già cõng rắn cắn gà nhà!” nay bỗng dưng bị bạn tù ép buộc tung hô ông ta là “Bác” hèn gì tai tôi, lưỡi tôi, có vẻ như hơi ngượng ngùng vì chưa quen!

    Cải tạo viên đại diện thứ ba là một cựu Thiếu tá Biệt Ðộng Quân. Anh ta là người Miền Trung. Anh này có cái lợi thế là mặt anh trông rất giống mặt “Bác”, cũng cặp mắt đó, cũng đôi tai đó…

    Sau một hồi ca tụng, tuyên dương công lao của Hồ Chủ Tịch, người đã “đẻ” ra đất nước Việt-Nam Dân-Chủ Cộng -Hòa, anh Biệt Ðộng Quân bắt đầu than khóc, hối hận những điều mà anh đã lỡ lầm làm hại đồng bào trong những năm đi lính Biệt Ðộng Quân.

    Nước mắt của anh rơi lã chã, chứng tỏ rằng trong lòng anh, lúc đó đang đau đớn và hối hận thực sự.

    Anh tự kết án anh là một kẻ phạm đại tội với nhân dân, đáng bị đem ra tòa xử tử.

    Anh cao giọng cầu xin nhân dân hãy tha tội cho anh, cho anh cơ hội làm lại cuộc đời!

    Khi bước xuống đài, anh cựu Biệt Ðộng Quân này còn vừa đi vừa sụt sịt.

    Một anh ngồi bên cạnh, ghé tai tôi thì thầm,

    – Ð! M! “Thằng mặt dơi tai chuột” này đóng kịch hay quá!

    Anh bạn ngồi bên tôi cũng là một Biệt Ðộng Quân Vùng 2 nên không lạ gì cái anh kịch sĩ vừa lên đài kêu khóc than van kia. Cái tên “Thằng mặt dơi tai chuột” cũng là do tụi tôi đặt cho anh kịch sĩ này từ khi anh ta còn mang lon chuẩn úy ở Liên đoàn 2 Biệt Ðộng Quân Pleiku.

    Tôi buồn bã buông xuôi,

    – Ðừng trách nó làm gì! Mỗi người có cách mưu sinh riêng, không ai giống ai!

    Ðể kết thúc phần phản tỉnh, thú tội của cải tạo viên, cán bộ trại trưởng thay mặt Chính Quyền Cách Mạng và nhân dân tuyên bố rằng, sẽ khoan dung tha thứ cho chúng tôi là những đứa con lầm đường lạc lối nhưng nay đã biết hối hận ăn năn.

    Sau đó là vỗ tay tưng bừng, tù vỗ tay, cán bộ vỗ tay, quan khách cũng vỗ tay.

    “Cộc! Cộc! Cộc!…”

    viên cán bộ trại trưởng liên tục gõ cán của cái micro trên mặt gỗ để vãn hồi trật tự.

    Tiếng vỗ tay ngừng.

    “Ðồng chí” Cao Ðăng Chiếm từ từ đứng lên, từ từ tiến về phía cái kệ gỗ.

    Chúng tôi lại vỗ tay ào ào. Có người còn la lên, “Hoan hô! Hoan hô!…”

    Một tay cầm cái micro, tay kia giơ lên quơ quơ trên không, ngụ ý ra dấu cho mọi người giữ im lặng, “Ðồng chí” Cao Ðăng Chiếm đột nhiên biến thành một người khác!

    Trước hàng trăm con mắt sững sờ của chúng tôi, tên cán bộ cao cấp Cộng-Sản ấy không còn nụ cười trên môi nữa, mặt y đã trở thành lạnh như tiền.

    Ngồi đối diện ngay mặt Cao Ðăng Chiếm, nên tôi nhìn rõ đôi mắt hắn ta đỏ ngầu mỗi khi hắn gỡ cặp kính râm ra nghỉ thở.

    Tôi thấy bàn tay hắn nắm chặt, như muốn bóp nát cái micro vào những lúc hắn ta gằn giọng biểu lộ sự căm hờn.

    Tiếng nói của viên cán bộ Việt-Cộng Phó Chủ Tịch Ủy- Ban Quân Quản Thành Phố Sài-Gòn Chợ-Lớn sang sảng vang lên, làm cho tóc gáy tôi dựng đứng như lông nhím:

    “Các anh nghe đây!

    Hôm nay tôi tới đây là để thay mặt Chính Quyền Cách Mạng, thay mặt nhân dân để cho các anh biết rằng, tội ác của các anh là tội ác tày đình, không thể gột rửa được!”

    Xoè bàn tay ra phẩy phẩy mấy cái trước mặt, cái đầu thì lúc lắc, tỏ vẻ khinh bỉ, cán bộ Chiếm gằn giọng:

    “Ðừng tưởng rằng chúng tôi sẽ tin những lời thú tội, ăn năn của các anh đâu!

    Ðừng tưởng rằng chúng tôi sẽ động lòng trắc ẩn vì những giọt nước mắt cá sấu của các anh đâu!”

    Giơ cao tay, đập cái micro xuống mặt gỗ, mặt y đổi sang màu tím ngắt:

    “Nhân dân và Chính Quyền Cách Mạng chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc không có nghĩa là quên hết hận thù. Hận thù chỉ quên hết khi chúng tôi đã trả thù xong!”

    Tiếp đó, những lời đe dọa báo thù cứ như những phát đạn bắn ngay mang tai của những người ngồi nghe:

    “Ngày xưa các anh cướp nhà cửa, ruộng vườn của chúng tôi, lấy vợ của chúng tôi, lấy con của chúng tôi, lấy xe cộ, tàu bè của chúng tôi. Nay chúng tôi sẽ đòi lại tất cả những thứ đó!

    Chúng tôi sẽ lấy nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ, tàu bè của các anh. Chúng tôi sẽ chiếm đoạt vợ con của các anh!”

    Càng lúc, giọng cán bộ Chiếm càng lên cao, càng dõng dạc:

    “Không thể hòa hợp hòa giải chung chung.

    Bao giờ các anh trắng tay, các anh hoàn toàn thần phục, ngoan ngoãn tuân theo lệnh của chúng tôi thì lúc đó mới có thể hòa giải được!

    Còn chuyện hòa hợp thì chỉ có thể xảy ra khi nào các anh đã trở thành người giống như chúng tôi.”

    Rồi Cao Ðăng Chiếm chuyền cái micro từ tay phải sang tay trái, cánh tay phải vươn dài hết mức, bàn tay nắm lại, ngón tay trỏ của y chỉ vào mặt những người đang ngồi nghe.

    Ngón tay đó cất lên, hạ xuống một cách thật chậm rãi, giống như một nòng súng ngắn K 54 đang nổ những phát đạn ân huệ vào đầu tử tội.

    Tiếng cán bộ Cao Ðăng Chiếm vang vang, ngạo nghễ:

    “Hãy tỉnh trí mà suy nghĩ những gì tôi nói. Hãy ghi nhớ những gì tôi nói!”

    Dứt lời, Cao Ðăng Chiếm vứt cái micro trên mặt kệ gỗ, rồi lừ lừ cất bước rời chỗ đứng, mắt không hề liếc nhìn ai. Ðoàn tùy tùng của y cũng vội vàng xô ghế đứng lên đi theo.

    Hai chiếc xe con phóng đi đã vài phút rồi mà hội trường còn im lặng như bị đóng băng.

    Chúng tôi theo chân nhau lầm lũi đi về lán. Cái không khí háo hức “phấn khởi, hồ hởi” đã biến mất, lúc ấy còn chăng là những gương mặt cam phận buồn rầu.

    Sau ngày đó, anh em chúng tôi thường tụ tập phân tích những điều mà cán bộ Cao Ðăng Chiếm đã nêu ra trong lần thăm trại Long-Giao.

    Chúng tôi thấy hầu như chẳng ai có “nợ máu” với nhân dân cả!

    Vì Việt-Nam Cộng-Hòa là một đất nước có luật pháp, có chính quyền; ai phạm tội thì bị bắt, bị xử phạt, bị truy tố ra tòa án và bị giam cầm ngay.

    Chẳng ai dám ngang nhiên cướp đất đai, nhà cửa, xe cộ, vợ con của người khác cả.

    Trong một buổi học tập, khi cán bộ nghe tôi kể rằng trong trận Pleime năm 1974 đã có hơn một nghìn cán binh Cộng -Sản bị giết thì những anh thiếu tá cải tạo viên khác cũng bị vạ lây ngay,

    – Ðấy!Thấy chưa? Mới có một anh Thiếu tá Long mà đất nước ta đã thiệt mất một nghìn thanh niên yêu nước. Miền Nam lại có tới mấy nghìn thiếu tá! Các anh cứ làm tính nhân lên thì biết ngay rằng, đã có bao nhiêu thanh niên yêu nước bị sát hại?

    Nghe lời cán bộ kết tội sau khi “làm tính nhân”, nhiều bạn tôi giãy nảy lên, chối đây đẩy. Họ nói rằng suốt thời gian đi lính họ chưa từng bắn viên đạn thật nào thì làm gì có cơ hội để giết người?

    Có anh còn đem chuyện mình chuyên ăn chay trường ra để chứng minh rằng anh ta là người vô tội.

    Sau khi phân tích đã đời, anh em chúng tôi thấy chỉ những anh lính tác chiến là có “nợ máu” phải lo, phải sợ. Còn các anh em khác cứ yên chí học tập chờ đợi ngày về.

    Tôi là dân tác chiến, nên tránh bàn bạc với các bạn tôi về đề tài này.

    Thời gian “học tập” chưa qua được bao lâu mà đã có hai ông thiếu tá qua đời vì bệnh. Tôi chỉ nhớ tên hai ông, mà không nhớ họ, ông thứ nhất tên là Khôi, ông thứ hai tên là Kỳ. Mộ hai ông được chôn sát bên hàng rào kẽm gai đằng sau nhà bếp.

    Tiếp đó là một ông đại úy chết vì bị mìn nổ. Ông này chết trong lớp rào phòng thủ. Người thì nói ông ta chui vào rào để kiếm mớ rau tàu bay ăn cho đỡ đói; người thì nói ông ta chui rào vượt ngục. Chẳng biết ai nói đúng, ai nói sai?

    Sau ngày tên Việt-Cộng Cao Ðăng Chiếm thăm Long-Giao, tôi nhìn thấy tương lai đời tôi sao mù mịt quá!

    Tôi rủ được hai anh bạn, một là cựu Biệt Ðội Trưởng Biệt Ðội Quân Báo của Quân Ðoàn II, một là cựu quận trưởng quận Nhơn Cơ chuẩn bị vượt ngục.

    Nào ngờ tới ngày hẹn, hai vị này hủy bỏ chương trình, tôi đành dự trù sẽ ra đi một mình.

    Thời gian sau, tôi lo lựa những cục cơm cháy đem phơi.

    Rủi thay, việc chuẩn bị của tôi lại lọt vào đôi mắt tò mò của một anh hạm trưởng tù cùng phòng.

    Ðứng trước sân, giữa trời nắng chang chang, anh ta đưa tay chỉ lên mái tôn, nơi tôi phơi cơm cháy, vừa cười, vừa la oang oang:

    – Bà con ơi! Có người chuẩn bị lương khô để vượt ngục! Ha! Ha! Ha!…

    Tôi đành cười giả lả:

    – Phơi cơm cháy để thay cà phê mà!

    Miệng tôi tuy cười, nhưng trong lòng, tôi muốn siết cổ, móc họng tên chó săn này quá!

    Tôi đành mang cơm cháy ra giã nhỏ để làm cà phê rồi cắn răng chờ cơ hội.

    Mãi tới khi bị đưa ra Hoàng Liên Sơn ngoài Bắc, tôi mới có dịp chắp cánh bay.

    Tiếc thay! “Số trời khi đã tận, sức lay thành nhổ núi có làm chi!” (Thơ Phạm Thái)

    Hai lần vượt ngục của tôi đều thất bại, xương sườn gãy, răng cũng gãy! Bị đánh đập tưởng chết mất rồi.

    Rồi tôi phải cắn răng trả giá cái hành động ngông cuồng của mình với những ngày dài trong cùm kẹp, tra tấn, đày ải, nhục hình.

    Và càng ngày “nợ máu” của tôi càng chất cao thêm!

    Thời gian cứ lạnh lùng trôi…

    Buổi sáng tiếng kẻng dựng chúng tôi thức dậy; buổi tối tiếng kẻng lùa chúng tôi vào lán.

    Thét rồi chúng tôi tưởng mình là con trâu, con bò, quên rằng có thời chúng tôi đã là con người!

    Ở xứ này, con người có khác gì con trâu đâu?

    Bằng cớ là một hôm, con trâu kéo cày của tổ tăng gia trượt chân rơi xuống suối.

    Chúng tôi bị tập họp ngồi trước sân để nghe tên Thượng úy Xuyên, cán bộ chính trị của trại giải thích:

    “Con trâu chết thì ta làm thịt để bồi dưỡng. Cứ trích tiền ăn tháng sau của các anh để mua con trâu mới là xong ngay! Các anh đừng lo nghĩ gì về chuyện này cho nhọc xác!”

    Lâu nay cứ ăn rau hoài, chúng tôi thèm thịt quá! Nghe nói con trâu chết nặng cả trăm cân. Ai cũng yên trí rằng kỳ này sẽ có dịp ăn thịt trâu đã đời!

    Nhưng thực tế thật phũ phàng! Chỉ năm phút sau khi con trâu bị mổ bụng thì bộ lòng trâu và cái đầu trâu đã bị tụi vệ binh chia nhau đem đi hết. Tất cả thịt nạc, thịt mỡ lọc ra đều bị xát muối bỏ vào lu để trong nhà bếp của ban chỉ huy trại, dành cho cán bộ ăn dần.

    Phần còn lại gồm có một bộ da, một bộ xương, và bốn cái cẳng dưới thì được chia cho nhà bếp của gần 400 miệng tù.

    Sau bữa canh xương trâu nấu rau muống, chúng tôi phải kéo cày thay trâu.

    Trên thửa ruộng khô canh tác đậu nành, một cải tạo viên hai tay giữ cán cày ra sức đẩy tới. Một trại viên khác còng lưng kéo cái dây thừng quàng qua vai. Người đẩy cái cày và người kéo cày là đồng loại, nên ra lệnh cho nhau dễ dàng hơn là người ra lệnh cho trâu, “rẽ phải, rẽ trái, quay lại!…”

    Con trâu chết, anh trại viên thường ngày cầm roi đi cạnh dắt trâu bị mất việc, vì anh không đủ sức khỏe để kéo cày; anh bị chuyển lên khung chăm sóc mấy con lợn cho cán bộ.

    Vì “lao động là vinh quang” là khẩu hiệu làm việc cho toàn dân cả nước Việt-Nam, nên cai tù bắt chúng tôi làm việc theo chế độ “thông tầm”, nghĩa là làm việc quần quật một hơi từ mờ sáng tới mờ tối mới ngừng tay, trừ nửa giờ ăn bữa trưa ngay tại chỗ.

    Ðó là chưa kể tới những ngày lạnh cóng mùa Ðông, vì ngày thì ngắn, đêm lại dài, nên khẩu hiệu “Làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm” được áp dụng triệt để, khiến cho chúng tôi gần như kiệt sức, mắt mờ chân mỏi; có người không chịu nổi đã phải uống thuốc ký ninh vàng để tìm cái chết.

    Mỗi năm chúng tôi có ba ngày được ăn cơm không độn, đó là các ngày, mùng Một, mùng Hai và mùng Ba Tết Âm Lịch.

    Một tháng chúng tôi có ba ngày ăn theo chế độ độn năm mươi phần trăm (50%) nghĩa là bát cơm có năm mươi phần trăm (50%) là gạo, năm mươi phần trăm (50%) kia là khoai, ngô, hoặc sắn. Hai mươi bảy ngày còn lại của mỗi tháng là chế độ ăn độn một trăm phần trăm (100%) nghĩa là trong bữa ăn, không có hạt gạo nào, tất cả chỉ là khoai, ngô, hay sắn.

    Ðau ốm, bệnh gì cũng chỉ có một thứ thuốc chữa, đó là Xuyên Tâm Liên.

    Trong thời gian bị lưu đày nơi rừng thiêng nước độc, đầy muỗi vắt, bạn bè tôi rơi rụng dần.

    Người thì xác chôn bên chân Ðèo Khế, người ngủ giấc nghìn thu trên đỉnh Lũng Ngàn, Cẩm-Nhân.

    Cũng vì bị giam giữ ở Cẩm-Nhân, Yên Bình, Yên Bái trong thời gian 1976-1978 mà tôi biết được một chuyện mà nhiều người không biết đó là: Hai mươi năm trước ngày 30 tháng Tư năm 1975, ở xã Cẩm-Nhân đèo heo hút gió này, đã có người bị gọi là “lính Ngụy” sống lưu đày ở đây rồi!

    Số là, nhân dịp đi làm vần công, lợp mái chợ Cẩm-Nhân, tôi có dịp quen với một ông già, tuổi quá sáu mươi, tên ông ấy là An. Ông An là người Việt có quốc tịch Pháp, tên Tây của ông là André. Ông André là Trung úy trong quân đội Liên Hiệp Pháp.

    Theo như ông nói, thì Tướng Phạm Văn Phú khi còn đeo lon thiếu úy đã từng làm việc dưới quyền Trung úy André.

    Sau Hiệp Ðịnh Genève, các đơn vị của quân đội Liên Hiệp Pháp được lệnh rút theo đường số 5 từ Hà-Nội xuống Hải-Phòng rồi lên tàu há mồm của Mỹ để vào Nam.

    Dân chúng hai bên đường số 5 bị Việt-Minh xúi giục đã kéo nhau ùa ra lộ níu chân các anh lính Việt –Nam, mời gọi các anh ở lại.

    Trung úy André đã mủi lòng, bỏ đơn vị, bỏ thuộc cấp, ở lại với cô thôn nữ mà anh đã gặp.

    Suốt một năm dài sau đó, anh Trung úy André được xưng tụng như một anh hùng, đi khắp nơi để chiêu dụ các anh lính Việt-Nam bỏ ngũ.

    Cho tới một ngày năm 1955, hết hạn Di Cư, hết tàu há mồm chở người vào Nam, Trung úy André bỗng nhiên trở thành một anh “lính Ngụy”. Tên “André” của anh bị Việt- Nam hóa thành “An”.

    Cuối năm 1955, anh An lính Ngụy và người vợ là cô gái quê đã níu chân anh trên Quốc lộ 5, bị “chỉ định cư trú” lên Thượng Du ở với những người dân Tày trong thôn Cẩm-Nhân. Nơi này sau đó trở thành vùng đất đầu nguồn của hồ Thác Bà.

    Ông An lính Ngụy có người con gái tên Dung. Nhưng trong xóm còn có một cô gái nữa cũng tên Dung, cùng trang lứa, nên cô Dung con ông An bị người ta gọi là “cô Dung Ngụy!” để phân biệt.

    Nhân chuyện này mà tôi biết, hai mươi năm trước ngày chúng tôi mang tên “lính Ngụy” đã có người mang tên “lính Ngụy” rồi.

    Biết chuyện này, tôi cũng đâm ra lo lắng, không biết ngày đó, trong Hẻm 555 Trần Hưng Ðạo Sài-Gòn, mấy đứa con tôi, mà tên gọi ở nhà là “Vịt, Cò, Giao, Liêu” có bị người ta thêm chữ “Ngụy” để thành “Con Vịt Ngụy”, “Con Cò Ngụy”, “Con Giao Ngụy” và “Cu Liêu Ngụy” hay không?(!)…

    Còn một chuyện nữa cũng ít người hay biết, đó là việc người ta chuẩn bị đưa tất cả cải tạo viên đang ở trong các trại miền Bắc về định cư trong Vườn Quốc Gia Cúc Phương thuộc tỉnh Thanh Hóa.

    Chương trình đề ra là, cải tạo viên sẽ tới vùng định cư trước, dựng nhà, khai khẩn ruộng vườn, sau đó chính phủ sẽ cho phép vợ con họ lên vùng để đoàn tụ.

    Người được trao quyền đại diện cư dân trong khu Kinh Tế Mới Cúc Phương này sẽ là cải tạo viên Nguyễn Hữu Có cựu Trung Tướng Việt-Nam Cộng-Hòa, từng đảm nhiệm chức vụ Tổng Trưởng Quốc Phòng của chính phủ Nguyễn Cao Kỳ.

    Năm 1979-1980 khi bị giam trong trại Nam-Hà, Phủ-Lý, tôi đã có dịp được Tướng Có thổ lộ cho biết chuyện này, ngay sau khi ông ta trở về từ chuyến thăm viếng Công Viên Quốc Gia Cúc Phương. Không hiểu vì sao chương trình định cư này đã bị hủy bỏ vào giờ phút chót.

    Trong khi đó ở miền Nam, bố vợ tôi, một sĩ quan giải ngũ trước ngày Sài-Gòn đầu hàng cũng bị bắt đi tù.

    Căn nhà mà gia đình nhạc gia tôi cùng lũ em trú nắng, tránh mưa trên đường Hàm Nghi Ban Mê Thuột cùng với chiếc xe nhà hiệu Jeep Willy cũng bị chính quyền Cộng-Sản của thành phố tịch thu. Mẹ vợ tôi và lũ em chưa tới tuổi trưởng thành của vợ tôi phải dọn sang nhà hàng xóm ở nhờ.

    Tiếp đó lại có tin căn phố số 72 đường Tăng Bạt Hổ, Qui-Nhơn của bố mẹ vợ tôi cũng bị Cộng Sản trưng dụng làm kho lương thực của thành phố.

    44 năm qua rồi, cha mẹ vợ tôi cũng đã qua đời, mà tài sản bị chính quyền trưng dụng vẫn chưa được trả lại cho chủ của nó.

    Cũng vì cái chủ đích của quân xâm lăng là, “Bao giờ các anh trắng tay, các anh hoàn toàn thần phục, ngoan ngoãn tuân theo lệnh của chúng tôi thì lúc đó mới có thể hòa giải được!” mà sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 nhiều gia đình mất nhà, mất cửa, phải dầm mưa dãi nắng nơi rừng rậm, núi cao trong những vùng Kinh Tế Mới. Ðó là chưa kể tới những chiến dịch đánh tư sản, những đợt đổi tiền, khiến cho không biết bao nhiêu người dân vô tội bị lâm vào cảnh đói khổ, lầm than.

    Ngày tôi ra khỏi trại tù năm 1988, khi đi qua Ngã Sáu Chợ Lớn tôi gặp ông Lang Trọc, một vị đàn anh nguyên là cựu Trung tá liên đoàn trưởng một liên đoàn Biệt Ðộng Quân ở Pleiku. Vị cựu Trung tá liên đoàn trưởng lúc đó đang sinh sống bằng nghề bán hột vịt lộn gần bùng binh nơi Ngã Sáu.

    Ông Lang Trọc bùi ngùi kể cho tôi nghe một chuyện buồn, đó là chuyện gia đình của anh “mặt dơi tai chuột.” Anh này vốn là một thuộc cấp thân thiết của ông Lang Trọc,

    – Long có biết không? Năm 1985, ngày nó về, vợ nó tránh mặt. Bà mẹ vợ nó ngày nào cũng vui vẻ thiết đãi nó rượu chè, gà vịt ê hề. Ðúng một tuần lễ sau, bà ấy dúi cho nó một xấp tiền rồi đuổi nó ra cửa. Bà cụ nói rằng nó phải đi khỏi nhà bà ta ngay, vì thằng con rể mới của bà ấy đi công tác sắp về.

    Con rể của bà cụ bây giờ là một tên Việt-Cộng mang lon đại úy trưởng đồn Công An! Tới lúc đó nó mới biết rằng, nhà nó, vợ nó, con nó đã thuộc quyền sở hữu của một cán bộ Việt-Cộng! Anh đã phải giúp nó một tí vốn để nó đi buôn gạo đường dài mà kiếm sống. Tình cảnh của nó bây giờ thật là đáng thương quá! Long ơi!

    Nghe chuyện, tôi thở dài, không che nổi nỗi xót xa.

    Tôi nghĩ, vào giờ phút bị bà mẹ vợ đuổi ra khỏi nhà, không biết anh bạn cùng đơn vị của tôi có nhớ lại và có thấm thía những lời tên Việt-Cộng Phó Chủ Tịch Ủy Ban Quân Quản thành phố Sài-Gòn Chợ Lớn tuyên bố năm xưa hay không?

    “Chúng tôi sẽ lấy nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ, tàu bè của các anh. Chúng tôi sẽ chiếm đoạt vợ con của các anh!”

    Và có bao giờ anh ta còn mong được đứng trên bục thuyết trình để suy tôn và khóc thương “Bác Hồ” của anh ta lần nữa hay không?

    Thêm một chuyện tả lại cảnh ngày về của một người tù cải tạo ở xóm tôi.

    Ðó là, gần Hẻm 555 Trần Hưng Ðạo Sài-Gòn trên đường dẫn vào nhà tôi, có gia đình của một ông Trung úy Việt-Nam Cộng-Hòa. Vợ ông sĩ quan này là một cô giáo.

    Ngày tôi ra tù thì hai vợ chồng nhà này không còn ở với nhau.

    Lý do là vì chỉ ít lâu sau khi ông ta vào trại tập trung để “học tập” thì cô giáo đã lấy một tên thương binh Việt-Cộng chột mắt. Tên Việt- Cộng này là một thương binh phục viên. Y giữ một chức vụ rất có quyền uy trong trường của cô giáo.

    Thế là từ đó, trong nhà cô giáo, hai cháu bé con ông Trung úy Việt-Nam Cộng-Hòa phải gọi một thương binh Việt-Cộng là cha.

    Rõ ràng rằng,“lấy vợ, đoạt con, chiếm nhà, cướp của” là một chủ trương của bọn cướp nước.

    Di lụy của chiến tranh, mấy chục năm sau còn đeo nặng trên vai, mang nặng trong tim người thua trận.

    Ngày còn ở Pleiku, năm 1969, lớp sĩ quan trẻ chúng tôi nhìn vợ chồng một niên trưởng khóa 17 Ðà- Lạt như một cặp đôi lý tưởng, trai tài, gái sắc. Hình ảnh vợ chồng người sĩ quan đàn anh này là một mẫu mực mà chúng tôi nhìn vào đó để mơ ước, để noi theo.

    Thế rồi, bẵng đi, cho tới năm 2004, tôi gặp lại niên trưởng này ở Seattle, trong dịp Kỷ Niệm 44 năm ngày thành lập binh chủng Biệt Ðộng Quân.

    Hôm đó, ông cựu tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 23 Biệt Ðộng Quân đi cùng đứa con trai 7 tuổi và bà vợ không phải là người đẹp sắc nước hương trời một thuở.

    Nhân khi bà vợ anh cùng thằng con trai có việc đi ra ngoài, tôi mới hỏi anh,

    – Tôi biết chị ngày xưa, không phải là chị này.

    Niên trưởng của tôi cúi mặt, rầu rầu,

    – Chị bỏ anh rồi! Long ơi!

    Nghe xong câu này, tôi chợt thấy lòng mình tê tái. Tiếp đó, anh cầm tay tôi nói như khóc,

    – Long thử nghĩ xem? Tụi mình đi tù, có biết ngày nào sẽ được tha ra đâu? Anh không trách gì chị, nếu có chăng là tự trách mình. Tụi mình không đổ lỗi cho ai được. Chỉ vì tụi mình thua trận, đánh mất đất nước, mà ra nông nỗi này!

    Từ giờ phút đó, trong lúc trò chuyện cùng anh, tôi tránh nhắc lại những chuyện xưa ở Pleiku, kể cả những kỷ niệm suốt đời không quên được ngày tôi và anh sát cánh bên nhau mở đường máu trong trận Dak-Tô tháng 5 năm 1969.

    Năm 1981, sau khi được chuyển trại về Nam, bị giam trong trại Z 30C, Hàm-Tân, Thuận-Hải, tôi mới hay, vào thời gian chiến tranh giải phóng Campuchia năm 1979, con cái của người miền Nam bắt đầu bị gọi đi làm nghĩa vụ quân sự và bị lùa ra chiến trường.

    Nhiều gia đình trong xóm chợ Nancy gần nhà tôi đã có bàn thờ “liệt sĩ”. Danh hiệu “liệt sĩ” là do chính quyền Cộng-Sản đặt ra để tôn vinh những chiến sĩ Việt-Cộng đã chết trong chiến trận.

    Tôi có người bạn vong niên, một cựu trung tá, già hơn tôi một giáp tên là Bệ.

    Tôi và anh Bệ bị giam trong hai khu cách nhau một con đường đi và hai lớp hàng rào kẽm gai.

    Một ngày gần Tết, anh Bệ quần áo chỉnh tề, gọi tôi ra hàng rào, vui vẻ khoe,

    – Hôm nay anh có thăm nuôi, khi nào quay về, anh sẽ gọi chú! Anh sẽ chia cho chú một ít quà để ăn chơi!

    Từ lâu lắm rồi, anh Bệ không có thư từ hay tin tức của gia đình. Trong tù, anh không khác gì một kẻ mồ côi. Hôm nay anh có người tới thăm, tôi cũng mừng cho anh.

    Chiều hôm đó anh Bệ khệ nệ, cong lưng gánh vào trại hai bao quà, nhưng mặt anh không có chút dấu hiệu gì là vui vẻ cả.

    Anh gọi tôi ra hàng rào, đôi mắt anh sụp xuống như chứa chất một nỗi buồn u uất,

    – Anh có thăm nuôi, có quà, nhưng anh không chia sẻ cho em được! Vì anh hiểu rằng, nếu em biết những đồ ăn đó là do ai đã cho, chắc em sẽ không ăn. Anh cũng sẽ không ăn những thứ đó đâu!

    Tôi ngạc nhiên,

    – Vậy chứ ai vừa lên thăm anh?

    – Thằng con trai anh.

    Tôi chưa kịp thắc mắc vì sao anh lại nói những lời quái dị trên, thì anh bật khóc,

    – Long ơi! Thằng con trai của anh bây giờ đã là một Thượng sĩ Việt-Cộng. Nó vừa từ Campuchia trở về…

    Chưa dứt lời, anh bạn già của tôi đã ôm mặt quay lưng, để lại một mình tôi đứng sững sờ.

    Sáng hôm sau, vừa ngủ dậy, chúng tôi đã nghe tiếng réo từ lán trại bên cạnh:

    “Báo cáo cán bộ! Ðội 3 có người chết!”

    Sau đó hai anh bạn tù hì hục khiêng xác một anh cải tạo viên vừa chết trong đêm ra phòng trực.

    Người chết là anh Bệ, cựu Trung tá Việt-Nam Cộng-Hòa, một người bạn già của tôi.

    Ði sau cái cáng của người chết là cán bộ Việt-Cộng tên là Liến. Bên cạnh cán bộ Liến là anh Ðội trưởng Ðội 3 đang ì ạch trên vai một gánh hai bao, đầy quà thăm nuôi còn cột chặt chưa mở ra.

    Tôi biết gánh quà ấy do một Thượng sĩ Việt-Cộng đem lên cho bố anh ta.

    Chiều qua, bố anh ta đã nói với tôi:

    “Anh cũng sẽ không ăn những thứ đó đâu!”

    Mọi người trong Ðội 3 đều cho rằng anh Bệ đã vận sức quá nhiều để gánh hai bao quà nặng, nên đêm qua anh ấy đã bị đứt gân máu mà chết.

    Nhưng người tù nằm bên anh Bệ lại cho tôi hay, đêm ấy anh Bệ nằm khóc rấm rứt tới khuya, không ngủ, rồi anh đi vào cầu tiêu uống thuốc gì đó, tới sáng, anh không thức dậy nữa!

    Cái huy hiệu thượng sĩ Việt-Cộng trên ve áo một người con, đã bóp nát trái tim của một người cha, một cựu trung tá Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa!

    Ngày tôi được tha (năm 1988) cũng là ngày anh bạn cựu Ðại úy Trần Ðức Thiệp của tôi từ Campuchia lội bộ, quay ngược về Việt-Nam sau một lần vượt biên thất bại. Chỉ vì thời gian này chính phủ Thái-Lan đã từ chối, không còn chấp nhận dân tị nạn nữa.

    Tôi không có dịp để vượt biên, nên không biết gì về cái giá phải trả cho sự mạo hiểm đi tìm tự do này.

    Nhưng tôi biết chắc chắn rằng trong những năm tôi còn bị lưu đày, hàng trăm nghìn đồng bào tôi đã phải bỏ nước ra đi. Hàng nghìn đồng bào tôi đã bỏ thây trên biển.

    Cái khẩu hiệu “Bắc Nam hòa hợp” của chính quyền Cộng-Sản nghe thì thấy hay, nhưng thực hành sao khó quá!

    Người dân miền Nam đã sống nhiều năm dưới chế độ Cộng-Hòa, và đã biết thế nào là Tự Do, nên khao khát Tự Do.

    Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, muốn có Tự Do, cách duy nhất là tìm đường ra biển.

    Có ai muốn xa lìa nơi quê cha đất tổ?

    Có ai mà không sợ chết?

    Ấy vậy mà đồng bào tôi cứ có dịp là bỏ xứ đi ngay!

    Có một câu nói đã trở thành bất hủ:

    “Dưới chính sách hà khắc của Cộng-Sản, nếu cái cột đèn mà biết đi, chắc nó cũng vượt biên!” (Ginetta Sagan)

    Bao nhiêu năm đã trôi qua, đồng bào tôi ngóng trông hoài mà chưa thấy,

    “Bình minh chiếu khắp nơi!” (Giải phóng miền Nam)

    Bình minh đã trốn đi đâu? Tự do đã trốn đi đâu? Ðêm đen quá dài!

    VML

    Seattle, U.S.A tháng Tư 2019

    Source:http://baotreonline.com/hoa-hop-hoa-giai/


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X