Thông báo

Collapse
No announcement yet.

ông già ba tri

Collapse
X

ông già ba tri

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • ông già ba tri

    Bến Tre biển cá sông tôm,
    Ba Tri ruộng muối, Giồng Trôm lúa vàng.


    ÔNG GIÀ BA TRI
    ******
    Ngày 14 tháng 3 năm 2019

    I/ MỞ ĐẦU

    Ông Già Ba Tri là thành ngữ phổ biến trong dân gian miền Nam, biểu hiện tấm lòng nể phục một người khí tiết, bất chấp trở ngại, gian nguy cá nhân, quyết tâm bảo vệ công lý, lẽ phải cho dân chúng.

    Ba Tri là một quận của tỉnh Bến Tre và ông già Ba Tri là nhân vật có thật. Câu chuyện truyền đời từ mấy trăm năm qua, nói lên “anh hùng tính” của người dân miền Nam trong thời mở cõi.

    Ông Già Ba Tri vì chuyện bất bình, đã bất chấp gian lao, trèo đèo vượt núi, quyết tâm dành lại công lý cho bà con xóm làng.


    II/ BẾN TRE, BA TRI.

    1/ Bến Tre cách Sàigòn 87 km, nhận sông Tiền làm ranh giới phía Bắc với tỉnh Tiền Giang, Mỹ Tho. Sông Cổ Chiên là ranh giới với Vĩnh Long và Trà Vinh phía Tây và phía Nam. Phía Đông là bờ biển dài 65 km. Hai con sông Ba Lai và Hàm Luông chia Bến Tre thành 3 cù lao: Cù Lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh.

    Để cho dễ hiểu, tỉnh Bến Tre như hình rẻ quạt gồm 3 tam giác liền nhau cùng có chung đỉnh hướng về thượng nguồn Tiền Giang còn đáy tam giác là bờ biển. Ba cù lao tam giác nằm theo hướng như dấu huyền. Cù lao An Hóa trước kia thuộc Mỹ Tho. Đến năm 1948 xáp nhập vào Bến Tre.

    Cù lao An Hóa có quận Bình Đại, nằm giữa sông Tiền và sông Ba Lai đổ ra biển bởi cửa Đại và cửa Ba Lai. Đây là nơi hò hẹn, hồi họp, hụt hẩng… của những người miền Nam. Sau năm 75, cây cột đèn còn ôm mộng hải hồ. Họ bước chân xuống thuyền, nước mắt rưng rưng, tìm về phương trời vô định nào đó. Đây cũng là điểm khởi đầu của những “khúc ruột ngàn dậm”, ba nuôi (1). Người về từ Bình Đại dễ nhận ra lắm. Mình đầy ghẻ bộ đội, tóc gió thôi bay, đầu bị cạo vì đã trải qua thời gian dài hành xác dự khóa tu ở chùa huyền (2).

    Cù lao Minh có các quận Thạnh Phú, Mỏ Cày, Chợ Lách với rừng dừa bạt ngàn xen lẫn những cánh đồng trồng mía mút mắt và những vườn cây trái quằn nặng trĩu. Cổ Chiên, dòng sông ranh giới giữa Bến Tre với hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, đã từng chứng kiến sự kiện lịch sử oai hùng. Năm 1785, vua Quang Trung đánh tan mấy vạn quân Xiêm do Nguyễn Ánh rước về dày xéo đồng bào.

    Sau năm 75, cái tên Chợ Lách, Mũi Né được bà con miền Nam nói đến một cách ý nhị, mỉa mai, tiêu cực. Nhà nước cộng sản chủ trương “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”. Ngoài phần vụ chánh, nhân viên phải tham dự những chuyện vẽ rắn thêm chân của mấy ông chủ tịch từ Bắc vào. Những người tránh né công tác râu ria, đồng nghiệp mệnh danh “quê ở Chợ Lách, hay Mũi Né” (luồn lách, tránh né).

    Cù lao Bảo lớn nhất, nằm giữa cù lao An Hóa và cù lao Minh. Giáp với An Hóa bởi sông Ba Lai và cù lao Minh bởi sông Hàm Luông. Châu thành Bến Tre, quận Giồng Trôm,quận Ba Tri nằm trên cù lao Bảo. Du khách dạo quanh hồ Chung Thủy tên chữ hồ Trúc Giang với hàng phượng vỹ đỏ rực hòa cùng tiếng ve mời gọi vào hè. Gần đó là trường Trung Học Kiến Hòa.

    Đời vua Minh Mạng, Nam Kỳ gồm 6 tỉnh và Bến Tre thuộc Vĩnh Long. Đất ở đây do dòng Cửu Long bồi đắp. Trên bờ phù sa đỏ thẫm, dưới nước cá lội đầy sông.

    Sông Ba Lai bên bồi bên hẩm,
    Đất Ba Lai đỏ thẫm phù sa.
    Nàng về kết bạn cùng ta,
    Ăn cá thay bánh, uống trà thay cơm.


    Tháng 6 năm Đinh Mão 1867, đời Tự Đức thứ 20, Pháp chiếm xong Nam Kỳ, phân định lại địa giới hành chánh.

    Đầu năm 1900, tỉnh Bến Tre được thành lập gồm cù lao Bảo và cù lao Minh. Ngày 22 tháng 10 năm 1956 thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, địa giới địa danh các tỉnh thay đổi. Bến Tre trở thành Kiến Hòa, gồm 3 cù lao với 9 quận Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Trúc Giang, Đôn Nhơn, Mỏ Cày, Thạnh Phú , Hương Mỹ, Hàm Long.

    Bến Tre, quê ngoại tôi, xứ sở của những người hiếu khách, hiền hòa. Nơi đây, những vườn dừa cùng khắp bạt ngàn nên Bến Tre còn được mệnh danh là xứ dừa.

    Bến Tre nước ngọt lắm dừa,
    Ruộng vườn mầu mỡ, biển thừa cá tôm.


    Dừa là cây đa dụng không bỏ bộ phận nào. Lá dùng lợp nhà, dừng vách, chụm lửa. Thân làm cầu bắc qua kinh rạch, làm đũa…Trái dừa non vạt vỏ cứng, khóet cơm, lấy nước uống hay kho thịt. Trái dừa già làm gáo múc nước. Cưa 2 làm vỏ đựng bình tích giữ ấm nhiệt độ. Vì thế có câu.

    Thương thay thân phận trái dừa
    Non thì khoét mắt, già cưa lấy đầu


    Ở Mỏ Cày, Giồng Trôm, ruộng mía dài mút mắt. Trên đất phù sa ven sông, nhiều vườn trái cây nổi tiếng khắp vùng.

    Bến Tre giàu mía Mỏ Cày,
    Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn.


    Một chục trái cây ở đây ngày xưa, không phải 10, mà 12, 14 và có khi còn hơn thế nữa tùy theo mua ở nhà vườn hay ở chợ và tùy loại trái cam, quít, bưởi, ổi, xoài, mận….

    Cù lao An Bình vườn cây xanh mát,
    Dòng Cổ Chiên dào dạt mênh mông.
    Thương em chỉ để trong lòng,
    Biết bao ngày đợi, tháng trông mỏi mòn.


    Khách đến thăm Bến Tre, không quên mua những sản phẩm địa phương nổi tiếng về làm quà cho thân nhân. Đó là kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc

    Nghe anh đi đó, đi đây,
    Cho em hỏi vặn câu này,
    Bánh phồng, bánh tráng đất này đâu ngon?


    Câu đáp

    - Bánh tráng Mỹ Lồng,
    Bánh phồng Sơn Đốc,
    Măng cụt Hàm Luông,
    Vỏ ngoài nâu trong trắng như bông gòn,
    Anh đây nói thiệt sao em còn so đo.


    2/ Địa Danh.
    Miền Nam, địa danh bắt đầu bằng chữ Cần như Cần Thơ, cần Đước.. Chữ Cái như Cái Răng, Cái Bè.. Cả nước nhiều nơi có chữ Ba với nhiều nghĩa khác nhau.

    - Vì kỵ húy. Bà hoàng hậu vợ vua Minh Mạng tên là Hồ Thị Hoa. Người xưa kiêng chữ Hoa, nói trại ra là Ba. Như chợ Đông Hoa gọi là Đông Ba. Núi Hoa Thê ở An Giang sửa thành Ba Thê.

    - Số Liệu: Ở Cai Lậy Mỹ Tho có chợ Ba Dầu tại ngã ba có cây dầu thật to. Làng Ba Châu quận Giồng Trôm gồm 3 làng Châu Bình, Châu Phú và Châu Thới gọp lại. Đèo Ba Dội giữa Thanh Hóa Ninh Bình. Ba Dội là 3 đợt vì nó gồm 3 đèo nối tiếp nhau. Đèo Ba Dội có tên Hán Việt là Tam Điệp, địa danh lịch sử. Hồ Ba Bể tỉnh Bắc Cạn gồm 3 cái hồ nhỏ tiếng Tày gọi là Lèng, Lầm, Lù hợp lại. Ba Đình nơi ông Đinh Công Tráng khởi nghĩa chống Pháp có 3 cái đình của 3 làng Mỹ Khê, Mậu Thịnh và Thượng Thọ.

    - Tiếng Hán Việt, ba có nghĩa là sóng, như ba đào. (Ba là sóng nhỏ, đào là sóng lớn). Tỉnh Ba Xuyên, vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu thời trước 75. Ba Xuyên có nghĩa là con sông nổi sóng.

    - Trước khi chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp, lục tỉnh là đất của người Chân Lạp nên nhiều địa danh có gốc Khmer. Ba Thắc ở Sóc Trăng tiếng Khmer là Bassac, tên 1 vị thần. Ba Vát là Préah Wat, tiếng Khmer là ngôi chùa thờ Phật. Ba Vát trên đường Mỏ Cày đi Chợ Lách. Năm xưa nơi đây, Tây Sơn bắt Nguyễn Phúc Dương.

    3/ Ba Tri.
    Một quận trù phú của Bến Tre, nơi lưu dân người Việt vào khai khẩn sớm hơn hết, đó là Ba Tri, tên bắt đầu bằng chữ Ba. Ba Tri nằm cuối cù lao Bảo tiếp giáp với biển. Mười cây số bờ biển cung cấp hải sản cho ngư dân.

    Chợ Ba Tri thiếu gì cá biển,
    Anh thương nàng, anh nguyện về đây.


    Từ thế kỷ 18, người dân miền Trung, bằng đường thủy, đã di cư vào vùng đất màu mỡ Ba Tri, do hai con sông Ba Lai, Hàm Luông bồi đắp. Họ đi biển, khai phá đất đai, lập chợ, thôn làng bên dòng Hàm Luông, tên gốc là Hàm Long, vì kỵ húy chữ Long nên đọc trại ra là Luông.

    Nước Cửu Long sóng dồn cuồn cuộn,
    Cửa Hàm Luông mây cuốn cánh buồm xuôi.


    Vị trí Ba Tri 3 mặt sông biển, thuận lợi cho nghề làm muối và khai thác thủy sản. Một thời, người dân Ba Tri, phần đông là phụ nữ, trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ dệt lụa. Lụa Ba Tri đã từng nổi tiếng khắp Nam Kỳ.

    Quê anh có cửa biển sâu
    Có ruộng lấy muối, có dâu nuôi tằm.


    Trồng dừa, lập vườn, Ba Tri cũng như khắp các vùng đất Bến Tre.

    Quýt đường, vú sữa ngổn ngang,
    Dừa xanh Sóc Sãi, tơ vàng Ba Tri.


    Đất nước trù phú như vậy, con người cũng không kém vẹn toàn sắc hương.

    Ai về xứ lụa Ba Tri,
    Ngắm cô thôn nữ đương thì sắc hương.



    III/ DI TÍCH DANH NHÂN.

    Những ai có dịp về Bến Tre Xứ Dừa, nhớ thử qua món cơm dừa, gỏi củ hũ dừa, bánh xèo ốc gạo. Đặc biệt món chuối đập chan nước cốt dừa, rẽ, tiện, ngon đến nỗi có thể ăn trừ cơm. Sau khi no bụng, nhớ đừng bỏ qua một lần viếng thăm các di tích lăng mộ danh nhân ở Ba Tri.

    1/ Cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu.
    Ba Tri Bến Tre, nơi du khách đến chiêm ngưỡng lễ bái di tích danh nhân. Nổi bật nhất là khu lưu niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu, tác giả thi phẩm Lục Vân Tiên. Các bô lão miền Nam thường ngâm nga cho con cháu nghe những câu thơ về gương anh hùng, bài học đạo đức trong tác phẩm. Nhiều soạn giả dựa vào chuyện thơ Vân Tiên mà viết tuồng cải lương, có cả quay phim. Nhờ vậy mà Lục Vân Tiên được quảng bá khắp các tầng lớp dân chúng. Cụ đồ Chiểu viết rất nhiều thơ văn kháng Pháp.

    Về thể loại văn tế, bài “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc” được đánh giá rất cao. Khu lăng một rất qui mô. Cổng tam quan bên trên có biển đề “Lăng Nguyễn Đình Chiểu”. Bước vào bên trong là khoảng đất rộng với đền thờ lợp ngói âm dương màu xanh lá cây. Nơi đây có tấm bia ghi sự nghiệp cùng pho tượng bán thân cụ Nguyễn Đình Chiểu bằng đồng.

    Khu nghĩa trang của gia đình cụ Nguyễn Đình Chiểu ở xã An Đức, quận Ba Tri có 3 ngôi mộ đặt trên nền cao, song song với nhau. Đứng đối diện mộ bia, ở giữa là mộ Nguyễn Đình Chiểu. Bên phải là mộ phu nhân Lê Thị Điền. Bên trái là mộ ái nữ Sương Nguyệt Anh.

    2/ Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh sanh ngày 24 tháng Chạp năm Quý Hợi 1864 tại xã An Đức, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bà tên thật là Nguyễn Thị Khuê, tự Nguyệt Anh. Trên mộ bia ghi là Nguyễn Ngọc Khuê. Bà là con gái thứ tư (trong Nam gọi thứ năm) của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu. Một trang tài sắc, bút hiệu lúc đầu là Nguyệt Anh. Khi con gái đầu lòng tên Nguyễn Thị Vinh lên 2 thì chồng qua đời, bà thêm chữ Sương thành Sương Nguyệt Anh. Bà còn ký những bút hiệu khác như Nguyệt Nga, Xuân Khuê. ..
    “Nữ Giới Chung” (tiếng chuông của nữ giới) là tờ báo dành cho phụ nữ lần đầu tiên, xuất bản tại Sàigòn tháng 2 năm 1918. Sương Nguyệt Anh là nữ chủ bút đầu tiên. Văn đàn thời đó vinh danh bà Đem chuông lên đánh Sài Gòn, Để cho nữ giới biết con ông Đồ. Tòa soạn tuần báo “Nữ Giới Chung” địa chỉ số 15 đường Taberd sau nầy là Nguyễn Du quận Nhứt Saigon. (Trên con đường nầy, trước đó đã có trường Lasan Taberd số 53). Báo ra mỗi thứ Sáu với những đề mục nhằm truyền bá chữ quốc ngữ, đề cao vai trò phụ nữ, nâng cao luân lý, tinh thần dân tộc đã gây ảnh hưởng lớn trong dân chúng thời đó. Nhà cầm quyền Pháp ra lịnh đình bản tháng 7 cùng năm. Trong hoàn cảnh đó, con gái bà, sau khi sinh con được ít ngày thì qua đời để lại đứa con gái (4). Đã khóc cha mẹ, khóc chồng, giờ lại khóc con. Bà Sương Nguyệt Anh cùng cháu ngoại về Ba Tri nương náu với người em trai út là nhà thơ Nguyễn Đình Chiêm, tác giả quyển “Phấn Trang Lầu”. Cuối đời, bà bị bịnh đau mắt rồi lòa hẳn như thân phụ. Bà nối nghiệp cha, ngày ngày dò dẫm bốc thuốc, dạy học, vui với thơ văn. Ba năm sau khi tờ báo Nữ Giới Chung ra đi, người chủ bút, người nữ sĩ tiền phong cũng tạ thế. Cả hai đã để lại cho người đời, những nhận định thức tỉnh về giá trị và vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội văn minh tây phương.

    Theo trên mộ bia, bà Sương Nguyệt Anh mất ngày 12 tháng 12 năm Tân Dậu 1922, hưởng dương 58 tuổi. Lúc đầu, an táng tại làng Mỹ Nhơn. Năm 1959, bà được cải táng về nằm chung với cha mẹ.Giai thoại. Thời gian góa bụa, bà Sương Nguyệt Anh được nhiều người ngấp nghé, làm thơ ngỏ ý xin chấp nối.

    Ai về nhắn với Nguyệt Anh Cô,
    Chẳng biết lòng cô tính thế nào!
    Không phải vãi chùa sao đóng cửa?
    Đây lòng gấm ghé bắc cầu ô.


    Bà đã họa lại đáp lời

    Chẳng phải tiên cô cũng đạo cô,
    Cuộc đời dâu bể biết là mô?
    Lọng sườn dâù rách còn kêu lọng,
    Ô bịt vàng ròng cũng tiếng ô.


    Hai câu cuối của bài thơ họa nầy được ghi trên mộ bia của nữ sĩ đoan trang, tài sắc vẹn toàn Sương Nguyệt Anh.

    3/ Phan Thanh Giản, người miền Nam đầu tiên đậu tiến sĩ. Ông sinh năm 1796 tại xã Bảo Thạnh quận Ba Tri tỉnh Bến Tre trong một gia đình nghèo. Mồ côi mẹ lúc lên 7 tuổi. Thuở nhỏ, ông theo học với vị sư ở chùa Phú Ngãi. Năm 1826, lúc 30 tuổi, Phan Thanh Giản đậu Tiến Sĩ đời vua Minh Mạng. Ông làm quan trải 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

    Năm 1862, Phan Thanh Giản đại diện triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Phần. Qua năm sau, 1863, ông làm chánh sứ sang Pháp xin chuộc lại 3 tỉnh đã mất nhưng bất thành. Năm 1866, Phan Thanh Giản vào Nam làm kinh lược sứ 3 tỉnh miền Tây. Tháng 6 năm 1867, tướng De La Grandière đem quân đánh Vĩnh Long. Phan Thanh Giản giao thành, uống thuốc độc tuẫn tiết. Theo di nguyện, thi hài ông được đưa từ Vĩnh Long về Bảo Thạnh, Ba Tri bằng ghe, an táng trên miếng đất ven biển nơi ông sinh ra. Từ thị xã Ba Tri, đi về miền duyên hải hướng đông, khoảng 10 cây số thì đến mộ cụ Phan Thanh Giản ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh. Ngôi mộ nằm trong vòng rào bê tông cao ngang ngực. Cổng vào là hai cột trụ xi măng cao bên trên có hàng chữ “Mộ Cụ Phan Thanh Giản”.

    4/ Võ Trường Toản là một nhà giáo lỗi lạc của thế kỷ 18, đã đào tạo nhiều nhân tài vang danh cho xứ sở như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Phạm Đăng Hưng …. Trong đó Ngô Tùng Châu là môn sinh trưỡng tràng. Ông mất năm Nhâm Tý 1792 thời Nguyễn Ánh, an táng ở Bình Dương nơi dạy học. Khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, những nho sĩ không muốn mộ thầy mình nằm trong vùng bị đô hộ. Tháng 3 năm 1867, Nguyễn Thông, đốc học Vĩnh Long, đứng chủ tang, dời mộ phần cụ Võ Trường Toản về xã Bảo Thạnh (gọi là làng Mù U) quận Ba Tri tỉnh Bến Tre. Đất nầy do giòng họ Phan hiến tặng nên gần với mộ phần của Phan Thanh Giản về sau.

    Đôi liễn tưởng niệm công đức người Thầy được các học trò nay đã thành danh dâng tặng

    Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử.
    Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong.


    Có nghĩa

    Khi sống, dạy dỗ người, không con mà như có.
    Lúc chết, còn để tiếng, thân tan, danh vẫn còn.


    Khu nghĩa trang gia đình họ Võ có 3 mộ phần gồm Ông Bà và mộ con gái.


    IV/ ÔNG GIÀ BA TRI.

    Ba Tri là vùng đất sinh ra gia đình cụ Đồ Chiểu với 3 nhà văn mà sự nghiệp của họ góp phần không nhỏ vào văn học miền Nam. Đại thần Phan Thanh Giản, kinh lược sứ miền Nam. Những ai ưa thích cải lương, điện ảnh không thể quên quái kiệt Ba Vân cũng người Ba Tri, xã An Đức. Ông tên là Lê Long Vân, vào nghề lúc mới 14 tuổi, vang danh ra tới Bắc. Đã từng theo đoàn Đại Phước Cương ra Hà Nội trình diễn cải lương hơn 7 lần vào những năm 1937, 1939, được hoan hô nhiệt liệt. Những phim ông đóng như Lan và Điệp, Con Ma Nhà Họ Hứa ra rạp năm 1973. Sợ Vợ Mới Anh Hùng năm 1974…

    Trường hợp hết sức đặc biệt, một nhân vật, không chức quyền, không khoa bảng, nhưng được mọi tầng lớp dân gian nhắc đến qua mọi thời đại. Đó là “Ông Gìa Ba Tri”. Nó đã trở thành tục ngữ sau câu chuyện có thật, diễn biến như một huyền thoại.

    1/ Góc Gác Ông Ba Tri. Ông già Ba Tri tên là Thái Hữu Kiểm, dân quanh vùng quen gọi là Cả Kiểm. Ông sống vào thời vua Minh Mạng (1820-1840) ở Ba Tri. Nhiều sách nói về chuyện ông già Ba Tri nầy, ngay cả người Pháp cũng có ghi lại trong cuốn
    Monographie De La Province De Bến Tre xuất bản năm 1929. Hiện nay dòng dõi ông già Ba Tri đời thứ 8, thứ 9 còn sống ở xã An Đức quận Ba Tri tỉnh Bến Tre.

    Ông Thái Hữu Xưa là lưu dân gốc Quảng Ngãi vào Ba Tri lập nghiệp khoảng thế kỷ thứ 18. Có thuyết nói ông Xưa là một trong những người có công gầy dựng làng ở An Bình Đông thuộc Ba Tri, làm Trùm Trưỡng là người coi về trị an trong làng. Khi nhà Nguyễn thống nhứt giang sơn, chức Trùm Trưỡng gọi là Tuần Đinh. Thái Hữu Xưa là ông nội của “Ông Già Ba Tri” Thái Hữu Kiểm.

    2/ Chợ Trong Chợ Ngoài.
    Sách Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca của tác giả Nguyễn Liên Phong xuất bản năm 1909 là một tập thơ gồm 7 ngàn câu lục bát nói về những địa danh miền Nam. Đề mục nói về tỉnh Bến Tre có đề cập đến hai ngôi chợ ở Ba Tri. Chợ Ngoài ở làng An Hòa Tây thành lập trước, tọa lạc phía ngoài đầu nguồn của con rạch Ba Tri nối với sông Hàm Luông. Chủ chợ nầy là ông Trần Văn Hạc, làm Xã Trưởng, tục gọi là Xã Hạc.

    Thuở ấy làng An Hoà Tây,
    Có ông xã Hạc dựng gầy thị trung.
    Thường thường qui tụ cũng đông,
    Chợ ngoài tên đặt kêu dùng đã lâu.


    Chợ Trong ở xã An Bình Đông, có rạch Ba Tri chảy ngang. Bây giờ là chợ Ba Tri. Ông Cả Kiểm thành lập sau nên tiện nghi to lớn hơn. Chợ Trong cách chợ Ngoài 3 km, ngày một trù phú thu hút khách hàng của chợ Ngoài.

    An Bình Đông xã một nơi,
    Có cây da lớn nghỉ ngơi bộ hành.
    Bán buôn hàng vặt rập rình,
    Kẻ ngồi người đứng thích tình không đi.
    Ông cả Kiểm, thấy chuyện kỳ,
    Tới nơi cây ấy lập vi thị truyền.


    Lúc đầu nơi đây là chợ chồm hổm. Bà con tự động tụ họp kẻ bán người mua quanh góc cây đa cổ thụ trong làng. Địa điểm rộng rãi, thoáng mát, lại gần con rạch Ba Tri tiện việc đi lại. Miền Nam là đất sông nước kinh rạch chằng chịt như mạng nhện. Phương tiện lưu thông chánh khi đó là ghe xuồng.Để giúp bà con quanh vùng có phương tiện làm ăn buôn bán, ông Thái Hữu Kiểm mà
    dân làng vẫn quen gọi theo chức vụ là Cả Kiểm đã lập ngôi chợ Trong khoảng sau năm 1820 đời vua Minh Mạng. Để giúp người dân đi chợ thuận tiện, Cả Kiểm cho đắp 2 con đường từ chợ Trong ở Anh Bình Đông đi về Vĩnh Đức Trung và con đường kia từ chợ đi Phú Lễ. Chợ mới khang trang, đường sông, đường bộ đều thuận tiện. Bà con ở các làng lân cận đến đây mua bán tấp nập, phẩm vật tươi mới tràn đầy.

    3/ Mâu Thuẫn Đôi Bên. Không biết người đời có mới nới cũ hay không mà khách bỏ chợ Ngoài, rủ nhau đến chợ Trong như nước mưa đổ về chỗ trũng. Mới đầu thì sốt ruột, về sau cứ ngồi đuổi ruồi không điên cũng khùng. Xã Hạc đắp đập, chắn ngang con rạch Ba Tri, ngăn không cho ghe xuồng lưu thông từ Hàm Luông vào chợ Trong. Dân chúng bất bình, Cả Kiểm phản đối, phân giải bế tắc. Giải pháp cuối là phải nhờ đến huyện đường. Thời vua Minh Mạng, Bến Tre là phủ Hoàng Trị của tỉnh Vĩnh Long nên cơ quan hành chánh Ba Tri thuộc Vĩnh Long. Sự việc trình lên quan Tri Huyện không xong nên dân chợ Trong, đứng đơn đại diện là ông Thái Hữu Kiểm thưa lên phủ. Tri Phủ ở Vĩnh Long xử cho phe Xã Hạc thắng kiện. Họ dựa “Lệ Làng” xưa nay qui định. Đất đai, ao hồ, sông rạch thuộc địa phận của làng nào thì làng đó toàn quyền sử dụng đào lắp di dời. Người làng ngoài không quyền tranh cải. Chuyện ông Trần Văn Hạc ngăn trở lưu thông trên rạch Ba Tri ở địa phận làng ông ta, không xâm phạm gì đến đất ở chợ Trong là điều không có gì để nói. Quan Phủ phán: “Chuyện trong nội địa xã của người ta mà kiện quái gì?”

    4/ Phép Vua Hơn Lệ Làng.
    Bất mãn với phán quyết của chánh quyền Vĩnh Long. Địa phương coi như hết đường. Còn nước còn tát. Với ý chí sắt đá, ông Thái Văn Kiểm quyết định bày tỏ uất ức với “Con ông trời”, thiên tử Minh Mạng. Nghĩ là làm, bất chấp mọi khó khăn gian nan trước mắt.

    Bản chất ông Già Ba Tri là như thế. Trước dân làng, ông Cả Kiểm dõng dạc tuyên bố: “Kiện lên quan không được, tôi kiện lên vua !!”. Đường từ Ba Tri ra kinh thành Huế xa hơn cả ngàn cây số núi rừng trùng điệp, sương lam chướng khí. Vào thuở xa xưa đó, làm gì có phương tiện cơ khí chuyên chở xe lửa, xe đò như bây giờ. Xe cộ hầu hết là do trâu bò, ngựa kéo. Tam nhơn đồng hành gồm nguyên đơn, bị cáo, và nhân chứng là ông Trần Văn Tới. Ba cây chụm lại thành hòn núi cao thì còn ngại gì chuyện leo đèo băng rừng, vượt thác. Chân cứng đá mềm, họ cùng nhau trèo non, dấn bước trên đường tìm công lý. Ngày đi đêm nghỉ cũng 3 tháng ngoài mới tới Huế.

    Nơi đế đô, qua cửa Đông Nam hoàng thành, trước mặt là tòa Tam Pháp Ty, cơ quan xử án tối cao của triều đình. Ở đó có chiếc trống to gọi là trống Đăng Văn với cái dùi để sẵn bên. Người kêu công lý chỉ cần đánh mạnh ba tiếng và một hồi trống giục tiếp theo sau rồi đứng chờ. Chỉ một thoáng, viên chức xuất hiện nhận bản cáo trạng đem vào trình Tam Pháp Ty để nghị xử. Tam Pháp Ty gồm quan chức cao cấp của 3 cơ quan Đô Sát Viện tức viện Giám Sát. Hình Bộ là cơ quan Tư Pháp. Đại Lý Viện là tòa phá án. Tam Pháp Ty là tòa án chung thẩm có toàn quyền quyết định giải quyết khiếu nại của người dân. Nhà vua thường xem xét những ý kiến và ghi lời chung thẩm ngay trên đơn xét xử. (5)

    Kết quả chung cuộc, vua Minh Mạng xuống lịnh cho quan Tri Phủ phải dẹp bỏ hết trở ngại, trả lại sự thông thương bình thường cho con rạch Ba Tri. Không được ngăn sông cấm chợ vì kinh rạch là đường lưu thông chung của mọi người dân trong xứ.

    Theo tài liệu, cháu 6 đời của ông Thái Hữu Kiểm là ông Thái Hữu Yến hiện sanh sống tại phường 7 thành phố Bến Tre cho biết ông Trần Văn Hạc, người ngăn rạch Ba Tri đãcùng đi với ông Kiểm ra Huế lúc đó. Gia đình hai họ Thái và Trần thân nhau khi họ cùng sát cánh giúp vua Gia Long trong thời gian bôn tẩu lẩn trốn quân Tây Sơn.


    LỜI BÀN

    Chuyện Ông Già Ba Tri lúc đầu gây dư luận ồn ào ở Bến Tre rồi lan rộng ra khắp Nam Kỳ lục tỉnh thời đó. Theo thời gian nó được nhiều người nhắc đến như một thành ngữ, nói lên mẫu người nghĩa khí cương trực, yêu chuộng công bằng, sẵn sàng đứng lên bảo vệ chân lý, chống đối bất công cho mọi người mà bất chấp an nguy của bản thân.

    Nước Việt Nam ta ngày xưa, có những triều đại quân chủ đề cao đức tính dân vi quý, tôn trọng nguyện vọng của toàn dân. Trống Đăng Văn là một minh chứng nói lên tinh thần lắng nghe ý kiến, bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Pháp bất vị thân, triều đình đã tỏ ra nghiêm minh trong chuyện thực thi pháp luật, có những biện pháp ngăn cản chuyện lạm quyền tham ô của các quan địa phương.

    Sử sách còn ghi, năm Nhâm Thìn 1052, vào thời nhà Lý, vua Lý Thái Tông hạ lịnh cho đúc một cái chuông lớn gọi là Đăng Văn chung (chuông kêu oan) để ở điện Long Trì. Phàm bất cứ ai có điều oan ức đến đánh chuông kêu oan với vua.

    Năm 1284, đời nhà Trần, chúng ta không quên hội nghị Diên Hồng do Thượng Hoàng Trần Thánh Tông triệu tập đại diện dân chúng khắp nơi, lấy quyết định chung bảo vệ tổ quốc. Hình thức quốc hội bây giờ. Khác một điều là những bô lão ngày xưa một lòng vì nước vì dân, không lãnh lương, không bù nhìn, nghị gật. Chống giặc chứ không a dua theo giặc bán nước. Còn nữa, không bầu cử gian lận.

    Los Angeles ngày 27 tháng 3 năm 2019
    Nguyên Phương

    Viết tặng con gái thương yêu nhân ngày con chào đời.


    CHÚ THÍCH

    (1) Ba nuôi là từ ngữ mới của người miền Nam. Sau khi VNCH mất về tay cộng sản, phong trào vượt biển, bỏ nước ra đi bùng phát. Một là con nuôi cá. Hai là con nuôi má. Ba là má nuôi con. Ra đi là tìm cái sống trong cái chết. Một liều ba bảy cũng liều. Chấp nhận số phần nghiệt ngã. Một là chìm ghe biến thành mồi cho cá. Hai là vượt thoát, đến được xứ người, gởi thùng đồ về nuôi má. Ba là bị công an biên phòng bắt, má đi thăm nuôi con.

    (2) Tu chùa huyền là tu huyền tù, ở tù vì tội vượt biên. Thoát được ra hải ngoại gởi tiền về. Nhà nước cộng sản ưu ái gọi là khúc ruột ngàn dậm.

    (3) Có tài liệu ghi bà mất tại Ba Tri ngày 12 tháng Chạp năm Canh Thân tức 20 tháng 1 năm 1921

    (4) Nói thêm về người cháu ngoại của bà Sương Nguyệt Anh là bà Mai Kim Ba, bút hiệu Mai Huỳnh Hoa kết duyên cùng nhà cách mạng Phan Văn Hùm tác giả quyển sách “Ngồi Tù Khám Lớn” viết năm 1929. Ông Phan Văn Hùm người Lái Thiêu, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Công Chánh Đông Dương (École Supérieure Des Travaux Publics De l’Indochine) ở Hà Nội năm 1925, được bổ về làm việc ở Huế. Năm 1927, ông bị buộc thôi việc vì tham gia, ủng hộ nữ sinh Đồng Khánh bải khóa nhân đám tang cụ Phan Châu Trinh. Tháng 9 năm 1928, ông cùng Nguyễn An Ninh bị bắt ở Bến Lức rồi đem về giam nơi Khám Lớn Sàigòn.Bài viết chi tiết về bà Sương Nguyệt Anh vì có nhiều người biết rất ít về người nữ sĩ tài danh đức độ nầy. Tên của bà cũng đã vô tình bị sửa sai thành Sương Nguyệt Ánh. Trường hợp tương tự như Từ Dụ gọi sai thành Từ Dũ.

    (5) Câu chuyện bà Bùi Hữu Nghĩa đánh trống Đăng Văn kêu oan cho chồng là vụ minh oan nổi tiếng dưới triều vua Minh Mạng.
    Ông Bùi Hữu Nghĩa người Bình Thủy, tỉnh Cần Thơ. Đậu Giải Nguyên (đổ đầu) khoa thi Hương 1835 đời vua Minh Mạng nên gọi là Thủ Khoa Nghĩa. Bùi Hữu Nghĩa làm Tri Phủ Trà Vinh thuộc tỉnh Vĩnh Long dưới quyền Bố Chánh Truyện. Có lần vì trị tội em vợ ông Truyện nên bị quan trên để tâm thù hằn tìm dịp hãm hại. Người Khmer có công được vua Gia Long cho ưu tiên khai thác thủy sản. Về sau, người Tàu đúc lót cho Tổng Đốc Trương Văn Uyển và Bố Chánh Truyện dành lấy quyền lợi. Các đầu lãnh Khmer đến dinh Tri Phủ Bùi Hữu Nghĩa đòi phân xử. Ông Nghĩa xử: “Ơn vua Thế Tổ ban cho, ai không tuân là phạm tội”. Được lời xử như vậy, người Khmer ra tay dành lại quyền lợi làm chết 8 người Tàu. Bố Chánh Truyện bắt người Khmer, bắt
    luôn Thủ Khoa Nghĩa buộc tội lạm quyền giết người. Bà Thủ Khoa Nghĩa tức tốc đi ghe ra Huế, gặp thượng thư bộ Lại là ông Phan Thanh Giản trình bày sự lộng quyền của các quan đầu tỉnh Vĩnh Long. Kế tiếp, bà đến Tam Pháp Ty đánh 3 hồi trống “kích cổ Đăng Văn” dâng đơn kêu oan. Vua Minh Mạng đã xét tha cho Bùi Hữu Nghĩa. Giải oan được cho chồng, bà về quê ở Biên Hòa rồi mất tại làng Tân Hiệp. Bùi Hữu Nghĩa đang trấn nhậm Châu Đốc hay tin vội về nhưng không kịp đưa tang vợ. Đôi liễn
    ông viết thờ vợ như sau:

    Ngã bần, khanh năng trợ. Ngã oan khanh năng minh. Triều dã giai xưng khanh thị phụ.
    Khanh bệnh, ngã bất dươc. Khanh tử ngã bất táng. Giang sơn ưng tiếu ngã phi phu.

    Nghĩa:

    “Ta nghèo mình giúp đỡ. Ta tội mình kêu oan. Trong triều ngoài quận đều khen mình
    xứng đáng là vợ.
    Mình bịnh, ta không thuốc thang. Mình chết, ta không mai táng. Non sông cùng cười ta
    chẳng xứng gọi là chồng”.

    Bà vợ qua đời một thời gian, ông Bùi Hữu Nghĩa từ quan về quê Bình Thủy mở trường
    dạy học. Ông thường ngâm vịnh cùng Cử Nhân Phan Văn Trị, người họa thơ tranh luận
    với Tôn Thọ Tường.


    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    Giai Thoại Làng Nho của Lãng Nhân.
    Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca của Nguyễn Liên Phong
    Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Các trang 313 sđd, tập 1 trang 401

    Cổng chính đi vào khu di tích nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu nơi có ngôi mộ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh

    Một góc trong khu di tích cụ Nguyễn Đình Chiểu.


    Mộ Nguyễn Đình Chiểu (giữa), mộ vợ ông (phải), phía ngoài bên trái cùng là mộ bà Sương Nguyệt Anh


    Bia đá trên mộ nữ sĩ Sương Nguyệt Anh được lập vào năm 1959


    Trường THPT mang tên Sương Nguyệt Anh tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X