Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tháng ba - Gió Cao Nguyên Thì Thầm Gọi

Collapse
X

Tháng ba - Gió Cao Nguyên Thì Thầm Gọi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tháng ba - Gió Cao Nguyên Thì Thầm Gọi

    Tháng Ba - Gió Cao Nguyên Thì Thầm Gọi


    Tháng ba, những cơn gió tây khô khan cuộn vào nắng nóng càn quét qua đồi núi cao nguyên trung phần tĩnh lặng trên dãy Trường Sơn. Những cánh rừng mang dáng vẻ thâm nghiêm vẫn ở đó cạnh những ngọn đồi sừng sững bên các con sông chảy qua khe sâu và dốc hiểm về biển đông. Tiếng súng đã im lặng gần nửa thế kỷ. Tháng ba mổi năm linh hồn người đã khuất theo các cơn gió âm thầm tìm về miền núi cao. Những tờ lịch tháng ba vơi dần. Người còn sống nghe tim mình thổn thức, ánh mắt thẩn thờ tìm gắn lại các mảnh vỡ vụn trong dòng ký ức lạc lõng. Có nỗi đau nào sâu hơn, có vết sẹo nào to lớn hơn những gì mà họ đã chứng kiến và mất mát. Trong cái nắng quái ác vào những ngày địa ngục đó, cây rừng và đá núi khắc sâu sự thống khổ của phận người giữa chiến tranh. Những cánh tay, những đôi chân chống đở cho quê hương suốt hai thập niên chiến tranh mỏi mòn giẫm từng bước nặng nề bước về hướng đông. Đâu có hy sinh nào lớn lao hơn sự hy sinh cuối cùng mà không quay lưng đi. Những người lính rời bỏ vùng đất cao nguyên, nơi họ đã chiến đấu và bảo vệ qua ngàn cơn binh lửa. Ngày bi thảm đó khiến họ thấy đau như bị những nhát dao đâm vào ruột. Bỏ lại những đồng đội can trường đã nằm lại vĩnh viễn dưới những nấm mộ giữa đại ngàn làm họ đau xót. Tất cả họ đâu thể nào quên những ngày tháng hiên ngang của cuộc đời một chiến binh. Những đoàn quân oai dũng ra đi giữa rừng sâu, đèo cao chận bước quân thù phương bắc. Những phi vụ sinh tử trên rừng già miền biên viễn, lượn thân mình vào vùng lửa đạn như cánh đại bàng dũng mãnh tầm thù. Những trận đánh bạt mây, lở đất nghiền nát đá sỏi, thiêu trụi mật khu hiểm hóc, chôn vùi xác giặc xuống khe sâu. Không áng văn và ngọn bút nào ghi lại hết những giọt máu của họ đã thấm xuống lòng đất đỏ cao nguyên. Đất chỉ biết dần đỏ thắm hơn sau khi họ đi qua. Núi võng thấp xuống dưới đế giầy những đoàn quân vai nặng trĩu qua năm tháng dài. Dãy Trường Sơn cao vời vợi bỗng hóa xanh hiền hòa dưới bóng đôi cánh thép ngày đêm vũ vần trấn không.

    Tháng ba đó cao nguyên viết lên một trong những dòng sử bi thảm đầu tiên của miền nam, của thân phận người lính, của người di tản, của những thành phố, của những xóm làng …

    Tháng ba đó người lính miền nam nuốt dòng nước mắt vào trong dưới bóng những đám mây đen bao phủ dãy Trường Sơn bị bỏ lại sau lưng

    Tháng ba đó người dân cao nguyên đứt từng khúc ruột rời bỏ phố phường, làng quê chết rũ bên những con đường rừng cháy bỏng vì tên đạn và nắng lửa

    Tháng ba đó cao nguyên ở lại một mình dưới bầu trời cao.

    Chỉ còn lại những cơn gió thổi qua rừng núi như khúc sầu ca ai oán.

    Đoàn quân xuôi về đông sau hai mươi năm gánh vác trên vai sứ mệnh trấn yên xứ đoài.

    Giữa mùa hè, con sông Ba, chứng nhân của những ngày bi thảm đó vẫn nhẫn nại đưa dòng nước khô kiệt len lỏi giữa rừng núi đổ về biển đông.

    Lịch sử đâu chỉ được viết bởi kẻ thắng trận trên những trang giấy.

    Đời người chiến binh miền nam luôn gắn liền với Tổ quốc - Danh dự – Trách nhiệm.

    Sự dũng cảm và chịu đựng vô bờ bến của họ vẫn được người dân VNCH sau gần nửa thế kỹ khắc ghi sâu vào tâm cốt.


    Vũ Phan


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X