Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tiểu thuyết phơi-ơ-tông ở Sàigòn

Collapse
X

Tiểu thuyết phơi-ơ-tông ở Sàigòn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tiểu thuyết phơi-ơ-tông ở Sàigòn

    Tiểu thuyết phơi-ơ-tông ở Sàigòn



    Tôi từ Hà Nội vào Sài Gòn năm 1951. Năm ấy 18 tuổi, tôi đến học ở trường Tư Thục Tân Thanh. Trường mới mở, Hiệu Trưởng là Kỹ sư Phan Út, giáo sư chính là hai thầy Phan Thụy, Phan Ngô. Trường sở là một nhà tư nằm trong một góc khuất trên đường Lacoste, sau năm 1956 đường Lacoste là đường Pham Hồng Thái, Sài Gòn. Tại đây tôi gặp Dương Hà, một trong những người viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông nổi tiếng của làng báo Sài Gòn.

    Hoàng Hải Thủy

    Nguồn: hoanghaithuy.wordpress.com

    “Bên Dòng Sông Trẹm” là tiểu thuyết đầu tay của Dương Hà, viết phơi-ơ-tông trên tờ Sàigòn Mới năm 1952. Năm 1990, sách được tái bản tại Sàigòn

    Dương Hà tên thật là Dương Văn Chánh, người miền Nam, anh hơn tôi chừng hai, ba tuổi. Năm ấy Dương Hà và tôi học chung một lớp ở trường Tân Thanh. Hai chúng tôi không thân nhau lắm nhưng chúng tôi cũng biết nhau có mộng viết tiểu thuyết. Chưa hết năm 1951 Dương Hà và tôi đã bỏ học. Năm 1952 Dương Hà nổi tiếng với tiểu thuyết “Bên Dòng Sông Trẹm”, truyện đăng trên nhật báo Sàigònmới, truyện đầu tay mà “ăn khách”, tức có nhiều người đọc, nên truyện được xuất bản thành sách ngay sau khi đăng hết trên báo. “Bên Dòng Sông Trẹm” là tác phẩm tiểu thuyết đầu tay và là tác phẩm xuất sắc nhất của Dương Hà.

    Năm 1990 “Bên Dòng Sông Trẹm” được tái bản ở Sài Gòn, năm 1995 “Bên Dòng Sông Trẹm” được làm thành phim. Từ năm 1952 Dương Hà chuyên viết tiểu thuyết để sống, anh không làm phóng viên, tức anh không làm ký giả nhà báo, không làm việc ở tòa soạn, anh chỉ viết tiểu thuyết đăng báo, anh viết tiểu thuyết cho nhật báo Sàigònmới từ năm 1952 dài dài cho đến đầu năm 1964 nhật báo Sàigònmới bị đóng cửa.

    Nghề làm báo được người Pháp đưa vào Việt Nam, các ông Tây truyền nhiều nghề mới cho dân bản xứ người Việt, trong số những nghề mới ấy có nghề làm báo, ngày xưa gọi là làm nhật trình, nên trong nghề làm báo, nghề in, ta dùng nhiều tiếng Pháp: như manchette là tên gọi tờ báo, morasse là bản in nháp để sửa lỗi, correcteur là người sửa lỗi bản sắp chữ, tiếng Việt là ông Cò, typo là việc sắp chữ, thợ sắp chữ là thợ ti-pô, mise en page là lên khuôn tờ báo sắp được in, bon à tirer là lệnh cho in, cliché là bản kẽm hình đăng báo..vv..

    Và những tiểu thuyết đăng nơi trang trong những nhật báo được gọi bằng cái tên Tây là “phơi-ơ-tông”: dài dòng là tiểu thuyết phơi-ơ-tông, truyện phơi-ơ-tông. Feuilleton là danh từ chuyên môn của những người làm báo Pháp. Tôi nghĩ feuilleton là một truyền thống riêng của làng báo Pháp, làng báo Hoa Kỳ không có truyền thống feuilleton, tôi muốn nói là chỉ có những nhật báo, tuần báo, tạp chí Pháp, từ những năm 1850, mới có lệ đăng tiểu thuyết dài nơi trang trong. Một trong những người viết Feuilleton nổi tiếng nhất của Pháp là Alexandre Dumas, tác giả những bộ tiểu thuyết phơi-ơ-tông điển hình Les Trois Mousquetaires, Le Comte de Monte-Cristo. Làng báo Hoa Kỳ không có tiểu thuyết phơi-ơ-tông.

    Xin phân biệt: “tiểu thuyết Sài Gòn trước 1975” có hai loại: một loại tác giả viết xong truyện rồi cho xuất bản thành sách, một loại tác giả viết từng ngày, đăng trên nhật báo, tuần báo, đăng xong mới cho xuất bản. Loại tiểu thuyết đăng báo ấy gọi là “tiểu thuyết phơi-ơ-tông”.

    Những năm 1940, 1941, khi tôi là chú nhỏ mười tuổi ở thị xã Hà Đông, buổi trưa lúc 12 giờ tôi thường đón ông bố tôi đi làm về để lấy tờ nhật báo ông đem về. Năm ấy thị xã Hà Đông chưa có tiệm bán nhật báo, chưa có người đi rao bán báo lẻ ngoài phố, ai muốn có báo phải mua tháng, mỗi ngày có người đem báo từ Hà Nội vào giao tận nhà người đặt mua báo tháng. Sáu mươi năm xưa ấy tôi đón báo để xem truyện Tống Nhạc Phi. Đó là truyện phơi-ơ-tông thứ nhất tôi đọc trong đời tôi. Năm xưa ấy tôi chưa biết loại tiểu thuyết dài đăng từng ngày nơi trang trong những nhật báo như truyện Tống Nhạc Phi là truyện phơi-ơ-tông, tôi lại càng không biết mấy chục năm sau tôi trở thành thợ viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông chuyên nghiệp, tôi sống bằng việc viết truyện phơi-ơ-tông.

    Tôi vào Sài Gòn sớm, tôi không làm báo, không viết báo ở Hà Nội nên tôi không biết chắc tình trạng truyện phơi-ơ-tông trong những nhật báo, tuần báo ở Hà Nội trước năm 1954 ra sao, tôi chỉ thấy dường như tiểu thuyết phơi-ơ-tông không phải là một thành phần quan trọng, hay đáng kể, trong những tờ báo ở Hà Nội trước năm 1954; tôi không thấy từ năm 1950 đến năm 1954 có một tiểu thuyết phơi-ơ-tông, một tác giả phơi-ơ-tông nào nổi bật trong làng báo Hà Nội. Tất nhiên nhật báo, tuần báo ấn hành ở Hà Nội những năm xưa ấy cũng có tiểu thuyết phơi-ơ-tông, nhưng không có truyện nào hấp dẫn độc giả, không có truyện nào làm cho báo bán chạy, nuôi sống tờ báo, làm giầu cho chủ báo hay cho tác giả như những tiểu thuyết phơi-ơ-tông của làng báo Sài Gòn.

    Tôi gửi bài viết này cho Uyên Thao đọc và góp ý, đây là phần đóng góp của Uyên Thao, những năm trước 1954 Uyên Thao sống ở Hà Nội:

    Uyên Thao viết:

    “Trong khoảng thời gian trên, từ năm 1950 đến 1954, Hoàng Ly, Bạch Diện và Nguyễn Quỳnh là các tác giả viết tiểu thuyết nổi tiếng ở Hà Nội. Hoàng Ly viết loạt truyện dã sử Tiếng Địch Trên Sông, Hận Loa Thành, Kỹ Nữ Sông Kỳ Cùng (đăng trên trang 1 báo Liên Hiệp) ….. Nguyễn Quỳnh viết 1 loạt truyện dã sử trên báo Tia Sáng, còn Bạch Diện là tác giả nhiều bộ dã sử kéo dài mấy năm liền trên các báo Liên Hiệp, Giang Sơn…

    “Đặc điểm: truyện dài đăng báo ở Hà Nội đều là truyện dã sử Việt Nam viết theo lối chương hồi như Tam Quốc Chí, không có truyện kiếm hiệp Tàu.

    “Bạch Diện là tác giả cuốn Vợ Ba Cai Vàng, một tập truyện dã sử rất có giá trị và những bộ truyện dã sử khác như Tây Sơn Khởi Nghĩa, Bố Cái Đại Vương của Bạch Diện cũng rất đáng kể.”

    Hết đoạn góp ý của Uyên Thao.

    Có lẽ vì ngành xuất bản ở Hà Nội trước năm 1954 không đủ mạnh nên những tiểu thuyết phơi-ơ-tông của các báo Hà Nội như Uyên Thao vừa kể đã không quyển nào được xuất bản thành sách sau khi đăng báo. Cũng có thể vì tình hình chiến sự khốc liệt, những nhà xuất bản ở Hà Nội không nhà nào tính đến chuyện kinh doanh dài ngày là việc in những tiểu thuyết phơi-ơ-tông thành sách.

    Tôi hỏi và được Uyên Thao cho biết tác giả Bạch Diện đã cao tuổi vào những năm 1950, ông có Hán học nên những tác phẩm dã sử tiểu thuyết ông viết rất vững. Ông không di cư vào Nam năm 1954, anh Hoàng Ly vào Nam và tiếp tục viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông cho đến ngày 30 Tháng Tư. Anh có bộ tiểu thuyết dã sử Một Thời Ngang Dọc được xuất bản tahnh sách, có nhiều người đọc một thời ở Sài Gòn. Anh đã qua đời khoảng năm 1980. Trong một truyện dã sử Việt Nam tôi không nhớ tên của anh Hoàng Ly, anh sáng tác ra một nhân vật kỳ bí tên là Lưỡng Diện Nhân. Nhân vật võ hiệp này có hai mặt, võ công thuộc loại Ba Tư quái dị, đánh trước mặt cũng lợi hại như đánh sau lưng, không ai biết mình đang đứng trước mặt Y hay đứng sau lưng Y.

    Dường như tất cả những tiểu thuyết được kể là kiếm hiệp, võ hiệp, hoặc “kỳ tình” ra đời trước năm 1945 ở Hà Nội như Hồng Long Hiệp Khách, Sơn Đông Hiệp Khách, Bồng Lai Hiệp Khách,Chu Long Kiếm, Mắt Thần, Bông Hoa Rừng, Bích Nga Phục Hận, Lê Hằng với chí phục thù ..vv.. – với những truyện như Dao Bay, Người Nhạn Trắng là truyện từ Sài Gòn đưa ra Hà Nội – đều là những truyện được xuất bản từng tập, mỗi tập là một tờ giấy nhật báo gấp lại thành 16 trang, bán mỗi tập hai xu, nên loại truyện ấy bị gọi một cách khinh miệt là “tiểu thuyết ba xu.” Tôi muốn nói là những bộ tiểu thuyết võ hiệp, kỳ tình nổi tiếng một thời ở Hà Nội trước 1945 đều không phải là những truyện từng được đăng báo và không phải là tiểu thuyết phơi-ơ-tông.

    Ở Nam Kỳ, nói riêng là làng báo Sài Gòn có tiểu thuyết phơi-ơ-tông từ những năm 1930. Một trong những tác giả viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông năm xưa của Sài Gòn là Hồ Biểu Chánh, tác giả những bộ truyện nổi tiếng Tỉnh Mộng, Cay Đắng Mùi Đời, viết năm 1923, Ngọn Cỏ Gió Đùa, viết năm 1926, tác giả thứ hai là Phú Đức với những bộ truyện đúng kiểu tiểu thuyết phơi-ơ-tông như Châu Về Hiệp Phố, viết năm 1926, Căn Nhà Bí Mật, viết năm 1929, Tình trường huyết lệ, viết năm 1930..vv. Từ sau năm 1945 trong làng báo Sài Gòn tiểu thuyết phơi-ơ-tông giữ một vai trò quan trọng trong việc hình thành một tờ báo; ở Sài Gòn một tiểu thuyết phơi-ơ-tông hay, ăn khách, tức được nhiều độc giả đọc — người đọc báo không hẳn là người mua báo nhưng cứ 10 người phụ nữ đọc báo – đúng ra là đọc truyện dài đăng trong bào, có thể có 5 người bỏ tiền ra mua báo – làm cho tờ báo sống vững mặc dầu phần thời sự, nghị luận nơi trang ngoài của tờ báo không có gì hơn những báo khác; chỉ nhờ có một tiểu thuyết phơi-ơ-tông ăn khách, tờ nhật báo ở Sài Gòn có thể trở thành một tờ báo lớn, bán chạy, uy tín thì không chắc nhưng điều chắc chắn là báo sống mạnh, số báo bán đứng vững, ông chủ báo có xe hơi, nhà lầu. Đó là trường hợp tờ nhật báo Thần Chung với tiểu thuyết Cô Bạch Mai do chính Chủ nhiệm Nam Đình viết, những năm 1951, 1952. Và những báo Sàigònmới, Tiếng Chuơng ra cùng thời.

    Năm 1952 Dương Hà nổi lên trên nhật báo Sàigònmới với tiểu thuyết Bên Dòng Sông Trẹm. Dương Hà viết đều nhưng sau Bên Dòng Sông Trẹm, Dương Hà không có tác phẩm nào đặc sắc nữa. Trong những năm đó người viết Ngọc Sơn nổi lên trên nhật báo Tiếng Chuông. Từ 1952 đến 1954 là thời huy hoàng của Ngọc Sơn với những truyện Ngày Về, Hồng và Cúc, Sau Dẫy Nhà Lầu. Sau 1954 Ngọc Sơn không viết tiểu thuyết tình cảm nữa, anh mở nhà in và đổi sang bút hiệu Phi Long để viết truyện dài Bàn Tay Máu, đăng dài dài mỗi ngày nơi trang trong nhật báo Sàigònmới cho đến ngày báo Sàigònmới bị đóng cửa.

    Nhân sự thành công của Ngọc Sơn, tôi đặt câu hỏi “Ai là độc giả của tiểu thuyết phơi-ơ-tông?”, và “Phơi-ơ-tông viết như thế nào thì ăn khách, được coi là nghiêm chỉnh, có độc giả, được nhiều người đọc?”

    Độc giả tiểu thuyết phơi-ơ-tông những năm xưa ở Sài Gòn đa phần là phụ nữ. Những thập niên 50, 60, đời sống của người dân trong những thành phố được an ninh, thủ đô Sài Gòn an ninh nhất, tương đối thôi, nhưng lúc nào Sài Gòn cũng an ninh nhất nước. Trong xã hội miền Nam một người đi làm, thường là người đàn ông chủ gia đình, kiếm được tiền đủ nuôi vợ con. Người vợ trong những gia đình Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa thường không phải đi làm. Ngoài việc mỗi ngày đi chợ, thường là ra khỏi nhà vài bước là có chợ đầu xóm bán đủ thức ăn, ngoài việc nấu ăn, trông con, những phụ nữ ấy có nhiều thì giờ nhàn rỗi, họ đọc tiểu thuyết đăng từng ngày trong các nhật báo. Họ là lớp độc giả chính, trung thành của tiểu thuyết phơi-ơ-tông, và họ rất chịu bỏ tiền mua báo. Báo nào có tiểu thuyết được họ đọc là báo bán chạy. Và họ thích đọc những truyện tình ái mùi mẫn, éo le trong đó nhân vật chính là những thiếu nữ xinh đẹp, hiền hậu, con nhà nghèo – nghèo mà vẫn giữ được trong sạch – bị rơi vào những cảnh ngộ oan trái nhưng sau cùng vượt thắng được nghịch cảnh, gặp tình yêu. Hoặc nhân vật chính là một thiếu nữ con nhà giàu sang yêu một chàng trai nghèo nhưng lương thiện. Họ thích những mối tình trong đó hai người yêu nhau bị chia cách bởi giầu nghèo, sang trọng và bình dân, điều quan trọng nhất là sau cùng tình yêu phải thắng, đôi tình nhân sau trăm cay, nghìn đắng, sẽ thành vợ, thành chồng, sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Người viết Ngọc Sơn nắm được bí kíp ấy nên anh đã thành công với những truyện Ngày Về, Hồng và Cúc, Sau Dẫy Nhà Lầu. Trong những truyện trên, đăng trên nhật báo Tiếng Chuông, những nhân vật chính đều là những thiếu nữ đa tình, chung thủy, dám sống chết với tình.

    Tôi xin được kể một truyên phơi-ơ-tông tôi viết từng được nhiều người đọc: truyện Kiều Giang do tôi phóng tác từ truyện Jane Eyre của Nữ tiểu thuyết gia Charlotte Bronte người Anh. Kiều Giang, nhân vật chính của truyện, là một cô gái mồ côi, sống nhờ gia đình ông cậu, được đưa vào học trong trường nuôi dậy trẻ mồ côi do ông Tạ Công Bộc làm hiệu trưởng; khoảng năm mười tám, hai mươi tuổi Kiều Giang ra trường, đến làm cô giáo dậy trẻ tại tư gia trong tòa lâu đài của ông Kỹ sư Đào Trọng Tường. Trong khung cảnh núi đồi thơ mộng của Đà Lạt, Kỹ sư Đào Trọng Tường và cô giáo Kiều Giang yêu nhau. Tất nhiên là kỹ sư và cô giáo phải yêu nhau, kỹ sư chủ nhà tác phong vừa hào hoa vừa kỳ bí và cô giáo trinh trắng yêu nhau không có chi lạ, kỹ sư và cô giáo không yêu nhau mới là chuyện lạ. Chàng và nàng làm lễ hôn phối trong nhà thờ địa phương. Chuyện tình đang đẹp như hoa hồng thắm thì rắc rối của cuộc đời xẩy ra: chàng đã có vợ, vợ chàng còn sống, vợ chàng bị điên, chàng nhốt vợ trên tầng cáo nhất của lâu đài. Vợ chàng chưa chết nhưng chàng cứ yêu và chàng cứ làm lễ thành hôn tại nhà thờ với cô giáo..

    Tôi viết Kiều Giang trên nhật báo Ngôn Luận năm 1957, năm ấy, năm Đinh Dậu, vợ chồng tôi sinh cháu gái, chúng tôi đặt tên cháu là Kiều Giang. Năm nay, năm 2003, hôm nay gần 50 năm sau, liêu lạc xứ người, viết lại chuyện xưa, tôi thấy một chi tiết cần xét đến trong Jane Eyre mà năm xưa, và trong bao nhiêu năm, tôi không thấy. Đó là chi tiết Kỹø sư Đào Trọng Tường nhốt kín bà vợ điên trên tầng cao nhất của lâu đài, chàng mướn một phụ nữ nuôi giữ bà vợ suốt ngày đêm. Trong Kiều Giang người phụ nữ ấy là Chị Sáu. Ngoài chị Sáu trong lâu đài còn có bà Phái, bà quản gia, là người biết ông chủ có bà vợ điên nhốt ở trên lầu. Chuyện ông chủ có bà vợ điên nhốt ở trên lầu chỉ có cô giáo Kiều Giang ngây thơ là không biết, tôi sợ , và tôi chắc, còn có khá nhiều người địa phang biết chuyện ấy. Ông Cha Sở lại là vị thường biết rất rõ về đời tư của các giáo dân. Ông Cha Sở trong tiểu thuyết Jane Eyre Kiều Giang không thể không biết ông Rochester Đào Trọng Tường có vợ và vợ ông còn sống, ông Cha Sở không thể phăng phăng làm lễ hôn phối cho Kỹ sư và Cô giáo.

    Chi tiết ấy có thể là một nhược điểm của truyện Jane Eyre, nhưng kể lại nghe chơi thôi. Xin kể tiếp về cuộc đời tình ái của cô giáo Kiều Giang: cuộc nhân duyên dang dở, nàng bỏ đi. Một hai mùa lá vàng sau đó bà vợ điên của Kỹ sư Đào Trọng Tường nửa đêm nổi lửa đốt lâu đài, hỏa hoạn làm chàng bị mù hai mắt, làm bà vợ xấu số của chàng tử nạn. Lâu đài cháy dở trở thành hoang phế, bị mù chàng sống trong cô đơn, tuyệt vọng. Sự kiện có mầu sắc cải lương của truyện là trong một đêm buồn chàng nhớ nàng, chàng gọi: “Kiều Giang..! Kiều Giang..!” Thần giao cách cảm! Cũng đêm ấy, cùng lúc ấy, ở một nơi xa chàng ngàn dặm, nàng nghe tiếng chàng gọi tên nàng, và nàng trở về với chàng…

    Gần như tất cả những nữ độc giả của tôi đều đọc Kiều Giang. Được in thành sách năm 1960 cho đến năm 1975 Kiều Giang được tái bản ba lần ở Sài Gòn. Jane Eyre Kiều Giang là nhân vật tiểu thuyết điển hình cho tôi thấy giới nữ độc giả tiểu thuyết thích đọc những tiểu thuyết trong đó nhân vật chính là phụ nữ .

    Nhưng nói như vậy không phải là tiểu thuyết phơi-ơ-tông không có độc giả nam giới. Bằng chứng là tiểu thuyết võ hiệp Lệnh Xé Xác của Lã Phi Khanh, một truyện võ hiệp Tàu do người Việt viết, có nhiều người đọc vào những năm 1970. Phụ nữ không thích đọc truyện võ hiệp, phụ nữ cũng không thích đọc những truyện tiểu thuyết dữ dội trong có những vụ đánh giết nhau kiểu cắt cổ, mổ bụng ghê rợn, phụ nữ cũng không thích đọc những tiểu thuyết vai chính là những nam điệp viên, nhưng Lệnh Xé Xác vẫn là một tiểu thuyết phơi-ơ-tông ăn khách nhất trong làng báo Sài Gòn từ năm 1954 đến 1975.

    Những năm 1950 làng báo Sài Gòn có hai cây viết phơi-ơ-tông phụ nữ nổi tiếng là bà Tùng Long, bà Lan Phương. Bà Tùng Long là bà vợ ông Hồng Tiêu, ông Hồng Tiêu là em ruột ông Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận, chủ nhiệm nhật báo Sàigònmới. Khuê danh của bà Tùng Long là Vân, vì câu “Vân tùng long, phong tùng hổ” nên ông Hồng Tiêu đặt bút hiệu của bà là “Tùng Long”, một cái tên có âm thanh đàn ông và Sơn đông mãi võ. Như Dương Hà, bà Tùng Long là cây viết tiểu thuyết trụ cột của nhật báo Sàigònmới, bà viết truyện cho báo Sàigònmới từ năm 1950 cho đến ngày Sàigònmới bị bức tử năm 1964. Bà viết nhiều, có nhiều tác phẩm được in thành sách nhưng không có truyện nào đặc sắc nổi bật. Đại khái truyện nào của bà cũng đề cao tình nghĩa, truyện nào nhân vật chính cũng là phụ nữ và sau ba chìm, bẩy nổi, chín lênh đênh, cuối cùng đều có hạnh phúc. Tiểu thuyết của bà toàn là truyện có hậu. Bà Lan Phương cũng viết nhiều, cũng có nhiều tác phẩm xuất bản thành sách, nội dung những tiểu thuyết của bà Lan Phương giống như nội dung những tiểu thuyết của bà Tùng Long. Người viết tiểu thuyết Nguyễn Đông Thức, tác giả truyện Ngọc Trong Đá, viết ở Sài Gòn sau 1975, là con trai bà Tùng Long, tên anh là Nguyễn Đức Thống.

    Sau năm 1965 nhật báo Sài Gòn có mấy cây viết phơi-ơ-tông nữ nổi tiếng: Túy Hồng, Lệ Hằng, Nhã Ca. Trước ba nhà văn nữ vừa kể Sài Gòn có Nguyễn Thị Hoàng nổi tiếng một thời với truyện Vòng Tay Học Trò. Nguyễn Thị Hoàng không phải là người viết phơi-ơ-tông vì tiểu thuyết Vòng Tay Học Trò không được viết để đăng từng kỳ trên báo, tiểu thuyết Vòng Tay Học Trò không phải là tiểu thuyết phơi-ơ-tông. Như đã nói phơi-ơ-tông là truyện được viết mỗi ngày vài trang đủ để đăng trong khuôn khổ được dành cho truyện trong tờ nhật báo ngày hôm đó, hôm sau viết tiếp.

    “Nhà văn nữ” không phải là danh từ của Bắc Việt Cộng. Từ năm 1965 chúng tôi đã dùng tiếng “nhà văn nữ.” Bằng chứng tác phẩm biên khảo “Các nhà văn nữ Việt Nam” của Uyên Thao, xuất bản ở Sàigòn năm 1973.

    tacdan jpTiểu thuyết phơi-ơ-tông rất quan trọng cho mạng sống của một tờ nhật báo Sài Gòn, tiểu thuyết phơi-ơ-tông rất quan trọng trong đời sống của những người viết tiểu thuyết nhà nghề ở Sài Gòn. Nhà nghề là những người chỉ viết tiểu thuyết để sống và chỉ sống bằng việc viết tiểu thuyết. Nhà báo trả cho người viết phơi-ơ-tông một số tiền hàng tháng, người viết phơi-ơ-tông sống bằng số tiền ấy và nhờ có số tiền hàng tháng ấy có thể viết truyện dần dần mỗi ngày, không bị bắt buộc phải viết nhanh cho mau xong để đem đi bán lấy tiền sống. Viết xong, nếu tiểu thuyết phơi-ơ-tông ăn khách, sẽ được nhà xuất bản mua để in thành sách, nhiều tác giả phơi-ơ-tông tự xuất bản tác phẩm của mình, như Duyên Anh, Ngọc Linh. Có nhiều tiểu thuyết phơi-ơ-tông trở thành tác phẩm nghệ thuật, như tiểu thuyết Loan Mắt Nhung của Nguyễn Thụy Long, Trần Thị Diễm Châu, Dấu Chân Sỏi Đá của Duyên Anh, Mái Tóc Dĩ Vãng của Ngọc Linh.

    Năm 1956 tôi bắt đầu viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông cho nhật báo Ngôn Luận, tiền trả mỗi tháng cho truyện của tôi là 4.000 đồng, sau đó lên 5.000 đồng. Đồng bạc Việt Nam Cộng Hòa vững giá trong thời chính phủ Ngô Đình Diệm – cũng có lạm phát nhưng tỷ lệ không đáng kể – và mất giá thê thảm trong những năm sau đó. Năm 1966, 1967 tôi viết tiểu thuyết Môi Thắm Nửa Đời – bị anh em gọi là Môi Thắm Nửa Đùi – cho nhật báo Chính Luận, được trả 7.000 đồng một tháng.

    Tôi kể một chuyện riêng tư xẩy ra trong cuộc đời viết phơi-ơ-tông của tôi. Giữa năm 1965 trong lúc quân đội Mỹ ồ ạt kéo vào Việt Nam, cùng trong một ngày hai ký giả nổi tiếng của làng báo Sài Gòn bị ám sát bằng súng: Từ Chung, Tổng Thư Ký Nhật Báo Chính Luận, ở tòa báo về nhà trong Cư xá Nguyễn Tri Phương lúc 12 giờ trưa, bị bọn ám sát chờ sẵn trước cửa nhà, dùng súng bắn, Từ Chung trúng đạn chết ngay khi vừa ra khỏi xe ô tô. Cùng ngày hôm ấy, lúc 8 giờ sáng, Chu Tử, chủ nhiệm nhật báo Sống, từ nhà riêng ở Cư Xá Trương Tấn Bửu, Phú Nhuận, ra xe hơi để đến tòa báo. Hung thủ chờ sẵn bắn Chu Tử nhiều phát qua kính sau của xe. Đạn trúng vào gáy xuyên qua miệng Chu Tử, nhưng anh không chết. Anh được đưa ngay vào Bệnh Viện Cơ Đốc Phục Lâm ở Phú Nhuận cứu cấp rồi sau đó anh sang Nhật điều trị. Trước đó anh đã bị xe taxi đụng gẫy cổ chân phải, đi đứng khó khăn, sau khi bị bắn tay anh bị run, anh viết chữ thật lớn, một trang giấy Việt Tấn Xã anh chỉ viết chừng bốn, năm dòng, mỗi dòng ba chữ. Sau tai nạn báo Sống có thêm nhiều độc giả mua đọc, số báo bán tăng vọt lên.

    Lúc ấy tôi được anh Chu Tử mời viết phơi-ơ-tông cho báo Sống. Truyện Người Yêu, Người Giết. Tháng đầu tôi đến lấy tiền. Anh Chu Tử đang ngồi viết trong tòa soạn trên lầu nhà in Tường Anh, đường Gia Long. Tôi đến trước bàn anh:

    – Anh cho tôi tiền tiểu thuyết tháng này.

    Tôi nói. Anh ngừng viết, hỏi tôi:

    – Anh muốn lấy bao nhiêu?

    Câu hỏi của anh làm tôi ngỡ ngàng. Viết phơi-ơ-tông từ năm 1956 – truyện đầu tay là Nổ Như Tạc Đạn, rồi Chiếc Hôn Tử Biệt, Kiều Giang, Đỉnh Gió Hú… – tới năm đó, năm 1965, đã gần mười năm, tôi đã lãnh tiền của ít nhất là bốn, năm ông bà chủ báo, chưa một lần tôi được chủ báo hỏi “Muốn lấy bao nhiêu tiền?” Tôi cũng chẳng bao giờ tưởng tượng có ngày tôi được chủ báo hỏi một câu như thế. Tôi chỉ quen nghe, và tôi chờ đợi nghe, chủ báo nói: “Nhà báo trả anh năm ngàn, bẩy ngàn..” Câu hỏi của anh Chu Tử làm tôi sững lại. Tôi bối rối: nói nhiều sợ quá đáng, bị từ chối, nói ít thì tiếc tại sao không nói cao hơn.

    Biết tôi bối rối, anh Chu Tử nói:

    – Anh đừng ngại. Anh cần bao nhiêu anh cứ nói. Báo tôi bây giờ khá rồi, tôi có tiền..

    Tôi nói:

    – Anh cho tôi 20 ngàn.

    Anh chấp nhận ngay. Trước khi ký cái gọi là “Bông” cho tôi xuống quản lý lãnh tiền, anh chỉ nói;

    – Tôi sợ quản lý không sẵn tiền đưa anh.

    Tôi nói ngay:

    – Xin anh cứ ký bông cho tôi. Không sẵn tiền tôi sẽ lãnh sau.

    Đúng ra tôi phải nói với anh là “Cứ có bông có chữ ký của anh là tôi có tiền..” Bọn thợ viết chúng tôi bồ với Đông, thường được gọi là Đông Con, nhân viên giữ két báo Sống. Đông sẽ ngưng những khoản chi khác của tòa báo để dành tiền chi cho chúng tôi. Không mấy khi chúng tôi có bông mà không lãnh được tiền ngay.

    Anh Chu Tử viết ngay xuống lưng tờ Việt Tấn Xã lật ngược “Trả anh Hoàng Hải Thủy 20.000 đồng” rồi anh ký. Chữ nào chữ nấy to như con gà mái. Tôi cầm cái bông chi tiền to tướng ấy xuống nhà dưới đưa cho Đông Con.

    Năm ấy, năm 1966, vợ tôi đến nhà đại lý máy may Sinco đường Trần Hưng Đạo mua một máy may Sinco. Đặït tiền mua thì giá mỗi máy là 19.500 đồng, ba tháng sau lấy máy, muốn lấy máy ngay thì chi thêm 3.000 đồng. Người bán nói đây là máy của người đã đặt mua nhưng chưa lấy, ai cần máy ngay thì nhường lại. Vợ tôi chi tiền lấy ngay một chiếc Sinco mới toanh về nhà. Hơn 30 năm sau, khi vợ chồng tôi rời Sài Gòn đi Hoa Kỳ, chiếc máy may Sinco của vợ tôi vẫn tốt nguyên. Cũng phải viết thêm rằng vợ tôi giữ dìn cái máy may Sinco của nàng thật kỹ.

    Năm 1965 giá một chiếc máy may Sinco 20.000 đồng Việt Nam, năm 1970 – chỉ sau năm năm nửa triệu binh sĩ Mỹ vào Việt Nam, chỉ qua năm năm những chính phủ Kỳ, Thiệu, Khiêm phá nát nền kinh tế, tài chính Việt Nam Cộng Hòa – giá chiếc máy may Sinco là 100.000 đồng. Năm 1965 tôi đuợc trả 20.000 đồng một tháng cho tiểu thuyết phơi-ơ-tông, năm 1970 tiền tôi được trả cho một tháng phơi-ơ-tông vẫn là 20.000 đồng.

    *****

    Tiểu thuyết phơi-ơ-tông làm cho nhiều cây viết thành danh, nổi danh, như bà Tùng Long, bà Lan Phương, Dương Hà, Chu Tử, Nguyễn Thụy Long, Bùi Anh Tuấn, Lê Xuyên, Văn Quang, Ngọc Linh, An Khê, Duyên Anh, Lã Phi Khanh..vv..

    Năm 1961 nhật báo Sàigonmai, chủ nhiệm Ngô Quân, đăng truyện Chú Tư Cầu của Lê Xuyên; nhật báo Dân Việt đăng truyện Thần Điêu Đại Hiệp của Kim Dung, Dân Việt là nhật báo Sài Gòn thứ nhất đăng tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Những bộ tiểu thuyết phơi-ơ-tông nổi tiếng của anh Chu Tử: Sống, Yêu, Tình, Loạn xuất hiện năm 1961, 1962 trên nhật báo Dân Việt. Sau 1963 anh Chu Tử không viết tiểu thuyết nữa nên nhiều người quên anh từng là một cây viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông cự phách của làng báo Sài Gòn.

    Một người viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông nổi tiếng nữa của làng báo Sài Gòn là Bùi Anh Tuấn, Cha Đẻ Điệp Viên Z 28 Tống Văn Bình. Điệp viên Z 28 là người Việt Nam võ nghệ cao cường, bắn súng nhậy hơn điệp viên Mỹ, đánh kiếm Nhật ăn đứt những chàng samourai chính hiệu, vào sinh ra tử ly kỳ hơn James Bond 007, hào hoa phong nhã nhất thiên hạ, được đàn bà đẹp yêu mê chết bỏ. Bùi Anh Tuấn chạy thoát trước ngày 30/4/75, không thấy hoạt động gì ở hải ngoại. Sau 1975 ba cây viết phơi-ơ-tông Văn Quang, Nguyễn Thụy Long, Duyên Anh, Chú Tư Cầu Lê Xuyên bị cộng sản cho đi tù, An Khê, tác giả tiểu thuyết Hai Chuyến Xe Hoa, sau 1975 sang Pháp, Ngọc Linh được cộng sản cho viết nhưng không viết được gì đáng kể.

    Lã Phi Khanh, tác giả Lệnh Xé Xác, là anh em cùng vợ với Vũ Bình Thư. Năm 1960 Vũ Bình Thư viết tiểu thuyết cho nhật báo Sàigònmới. Anh viết truyện tình đồng quê miền Nam, theo kiểu Bên Dòng Sông Trẹm của Dương Hà. Tôi không biết Vũ Bình Thư là tên thật hay là bút hiệu của anh. Tôi chắc Vũ Bình Thư là bút hiệu. Những truyện của anh viết cho Sàigònmới không có gì đặc sắc. Anh trạc tuổi Dương Hà, Trọng Nguyên và tôi, chúng tôi trên dưới ba mươi tuổi năm 1960.

    Từ năm 1965 tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung làm vua trên các nhật báo Sài Gòn. Tiểu thuyết Kim Dung là truyện phơi-ơ-tông điển hình, tác giả viết truyện từng ngày. Năm 1972 sau khi kết thúc bộ Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung không viết nữa. Vì truyện võ hiệp Kim Dung có nhiều người đọc, Vũ Bình Thư tự hỏi: “Tại sao mình không viết truyện võ hiệp?” Anh viết Lệnh Xé Xác, ký tên Lã Phi Khanh, và Lệnh Xé Xác hấp dẫn người đọc ngay từ tháng đầu. Nhân vật chính của truyện là Dương Chí Tôn. Truyện chỉ toàn những trận đấu chưởng giữa Dương Chí Tôn và bọn đại ma đầu. Và những cuộc tình của Dương Chí Tôn với những em hiệp nữ, ma nữ thơm như múi mít.

    Mới đầu Lệnh Xé Xác đăng ở nhật báo Tia Sáng. Sau đó Việt Định Phương, chủ báo Trắng Đen, kéo Lã Phi Khanh và Lệnh Xé Xác về báo Trắng Đen. Đây là trường hợp một tiểu thuyết phơi-ơ-tông làm cho tờ báo tăng thêm người mua báo.

    Năm 1991, sau khi đi tù lần thứ hai trở về, tôi viết vài bộ tiểu thuyết võ hiệp. Bộ truyện võ hiệp thứ nhất của tôi được nhà xuất bản mua, in, không để tên tôi là tác giả, là bộ Trên Đỉnh Tình Yêu. Tôi gửi truyện sang Hoa Kỳ, bạn tôi đưa truyện cho anh Chử Bá Anh – năm 1991, anh Chử Bá Anh phụ trách bài vở cho tờ Diễn Đàn Phụ Nữ, anh đăng Trên Đỉnh Tình Yêu trên Diễn Đàn Phụ Nữ, tôi được nhà báo trả 500 Mỹ kim.

    Năm 1992, một buổi sáng tôi ngồi ở quán cà phê bên một nhà xuất bản để chờ anh chủ nhà xuất bản. Khi vào ngồi với tôi, anh chủ nhà xuất bản nói:

    – Có chú Vũ Bình Thư ngồi kia, để cháu mời chú ấy sang nói chuyện.

    Tôi nhìn sang bàn bên. Một anh già đen đủi ngồi đó. Tôi nghĩ anh già kia mà là Vũ Bình Thư ư? Láo! Lại tên nào nhận bậy là Vũ Bình Thư. Vũ Bình Thư trong trí nhớ của tôi là một thư sinh, anh khá đẹp trai, trắng trẻo, nhỏ nhắn. Anh già ngồi kia trông thô kệch quá. Nhưng khi anh già sang ngồi với tôi, tôi nhận ra anh là Vũ Bình Thư chính hiệu con nai vàng. Anh là Vũ Bình Thư. Trên đời này không ai có thể Vũ Bình Thư hơn anh được.

    Thì ra cho đến buổi sáng hôm đó Vũ Bình Thư và tôi đã hai mươi mùa mưa Sài Gòn không gặp nhau, không nhìn thấy mặt nhau. Từ năm 1964 báo Sàigonmới bị đóng cửa, anh em chúng tôi tản đi khắp các báo, Vũ Bình Thư với tôi đã ít khi gặp nhau. Hình ảnh Vũ Bình Thư tôi nhớ là hình ảnh Vũ Bình Thư năm 1960, thời gian chúng tôi gặp nhau gần như mỗi ngày ở tòa soạn báo Sàigònmới. Năm tháng qua, Vũ Bình Thư già đi, tôi không còn trẻ nữa. Nhan sắc chúng tôi phai tàn. Nhìn Vũ Bình Thư, tôi bùi ngùi nhớ lại hình ảnh anh ba mươi năm xưa. Năm xưa ấy chúng tôi là hai thanh niên đang xoan, chúng tôi mới ba mươi tuổi, năm nay chúng tôi là hai anh già sáu bó lẻ mấy que, anh nào cũng phong trần, gầy gò, đen đúa, răn reo. Đã già lão mà còn phải sống dưới ách Bắc Việt Cộng, ai mà khá được.

    Vũ Bình Thư Lã Phi Khanh Lệnh Xé Xác không bị Bắc Việt Cộng bỏ tù, anh không ở trong số văn nghệ sĩ Sài Gòn bị công an Việt Cộng tìm bắt, nhưng vì biết sơ và nhất là có làng quê để về sống, nên anh lặn quá kỹ. Sau năm 1986 Tổng Bí Nguyễn văn Linh tuyên bố “cởi trói cho văn nghệ”, đúng ra là “cởi cái rọ mõm cho văn nghệ”, nhiều bộ truyện tiểu thuyết của Sài Gòn trước 1975 được in lại. Như tiểu thuyết Khung Rêu của Thụy Vũ, Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu, Người Đao Phủ Thành Đại La của Hoài Điệp Thứ Lang Đinh Hùng. Những anh lái sách Thành Hồ muốn tái bản bộ Lệnh Xé Xác của Lã Phi Khanh nhưng không anh nào tìm được tác giả. Năm 1992 khi Lã Phi Khanh trở về Sài Gòn thời vàng son của tiểu thuyết phi vô sản ở Sài Gòn đã chấm dứt, tiểu thuyết võ hiệp đã bị bon Hà Nội cấm xuất bản. Lệnh Xé Xác không tái bản được. Vũ Bình Thư trở lại với việc viết những bộ truyện tình in ra chỉ để cung cấp cho những nhà cho mướn sách. Trong Thư Mục 2003 của nhà bán sách Đại Nam ở Hoa Kỳ có ghi: DN. 20-092. Lệnh Xé Xác Lã Phi Khanh. Trọn bộ 7 cuốn, in offset 7 mầu tuyệt đẹp 62 Mỹ Kim.

    Bùi Giáng cũng có thời viết tiểu thuyết võ hiệp. Anh viết bộ truyện phơi-ơ-tông võ hiệp đăng trên nhật báo Sống năm 1970. Tôi không nhớ tên truyện của anh, tôi nhớ anh dùng thật nhiều hai tiếng “liên tồn, tồn liên” trong truyện. Anh tả và cho nam nữ nhân vật khơi khơi nói hai tiếng trên. Đại khái:

    “Nàng có sắc đẹp tồn liên..

    “Nàng nở nụ cười liên tồn…

    “ Đa tạ đại hiệp đã có dạ tồn liên..vv…”

    Những buổi sáng năm xưa, năm 1970, thấm thoắt dzậy mà đã ba mươi hai năm trôi qua cuộc đời…, tại tiệm nước trước của báo Sống, bọn thợ viết trẻ chúng tôi – Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long, Tú Kếu — hay hỏi nhau:

    – Đọc Bùi Giáng chưa? Hôm nay ông ấy cho tồn liên mấy cái?

    Xin kể một chuyện về Thi sĩ Đinh Hùng và tiểu thuyết phơi-ơ-tông. Năm 1955, 1956 Đinh Hùng viết hai bộ truyện phơi-ơ-tông Người Đao Phủ Thành Đại La và Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu trên nhật báo Tự Do. Tôi không nhớ sau khi đăng báo hai truyện trên có được xuất bản thành sách hay không. Năm 1990 hai truyện xưa được những anh lái sách Thành Hồ lấy ra, xuất bản, và hai truyện ấy nay được in lại ở Hoa Kỳ. Khoảng năm 1965 trong một lần tôi nằm với anh Đinh Hùng bên bàn thờ Cô Ba Phù Dung, anh nói với tôi:

    – Các cậu đọc Kim Dung, các cậu ca tụng Băng Hỏa Đảo, không cậu nào biết trong Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu của tôi đã có một cái đảo giống y như thế.

    Đinh Hùng viết Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu năm 1956, đến năm 1962 Kim Dung mới viết truyện Đồ Long Ỷ Thiên trong có Băng Hỏa Đảo.

    Nhiều tiểu thuyết phơi-ơ-tông được làm thành phim, xin kể vài truyện: Hai Chuyến Xe Hoa của An Khê, Yêu của Chu Tử, Chân Trời Tím, Đời chưa trang điểm của Văn Quang, Trần Thị Diễm Châu của Duyên Anh, Mái Tóc Dĩ Vãng của Ngọc Linh, Bẫy Ngầm của Mai Thảo, Sám Hối của Minh Đức Hoài Trinh, Bên Dòng Sông Trẹm của Dương Hà…vv…

    *****

    Có những hoài niệm dĩ vãng làm cho tim tôi ấm lại, có những hoài niệm làm cho tôi sầu buồn.

    Gần năm mươi năm sau ngày tôi viết bộ tiểu thuyết phơi-ơ-tông thứ nhất của tôi – truyện Nổ Như Tạc Đạn – năm nay liêu lạc quê người, nhớ và viết về những truyện phơi-ơ-tông, những người viết phơi-ơ-tông ở Sài Gòn ngày xưa, tôi thấy trái tim tôi trĩu nặng. Tôi nhớ những tác giả tiểu thuyết phơi-ơ-tông nổi tiếng một thời ở Sài Gòn nay đã không còn ở cõi đời này: anh Chu Tử trúng đạn thù chết trên đường ra biển ngày 30 Tháng Tư 1975, Trọng Nguyên mất vì ung thư phổi năm 1982, anh Hoàng Ly, tác giả Một Thời Ngang Dọc, Giặc Cái, mất năm 1983, Chú Tư Cầu Lê Xuyên chết năm 2000, anh An Khê, Duyên Anh qua đời ở Pháp…

    Tôi tạm kết bài này ở đây.

    Hoàng Hải Thủy


    ——————–

    * Một thời đã qua. Tôi không biết nếu Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà “còn sống” đến hôm nay – tôi viết thêm dòng này sáng ngày 8 Tháng 6, 2009 – những nhật báo Sài Gòn có còn tiểu thuyết phơi-ơ-tông hay không – tôi chắc là “còn”. Chuyện biết chắc là sau Ngày 30 Tháng Tư 1975, tiểu thuyết phơi-ơ-tông biến mất trên những trang báo Việt Nam.

    * Sông Trẹm ở Cà Mâu. Tôi không biết Dương Hà hiện nay ra sao ở Sài Gòn.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X