Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tuổi già

Collapse
X

Tuổi già

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tuổi già

    Tuổi già


    Chung Dao


    Hôm nọ đến một nhà nuôi dưỡng người già ở Mỹ để hỗ trợ tổ chức một buổi nói chuyện về sức khỏe, tôi đã không khỏi bùi ngùi khi nhìn những người lớn tuổi, người thì di chuyển trên xe lăn, người phải nhờ đến “walker” (dụng cụ giúp người già đi cho khỏi té) để hỗ trợ các bước đi, người đeo máy trợ thính, chỉ có rất ít người may mắn còn bước đi chậm chạp trên đôi chân của chính mình mà không cần dùng một thiết bị nào.

    Khi ông BS đặt câu hỏi ai trong số họ bị bệnh tiểu đường thì hầu như gần nửa số người tham dự đưa tay lên.

    Cho đến bây giờ tôi vẫn có quan điểm nếu còn khỏe mạnh, ăn còn ngon, nghe còn rõ, nhìn còn thấy thì mong được sống cùng con cháu. Tuy nhiên nếu bệnh tật, tai điếc, mắt mờ, bệnh tật đau đớn thì xin được trời phật rước đi nhẹ nhàng vào cõi vĩnh hằng vì như thế chẳng sẽ tốt hơn cho cả chúng ta và cho con cháu sao.

    Ở tuổi này chúng tôi cũng đã ngậm ngùi tiễn đưa một số bạn về bên kia thế giới do những căn bệnh quái ác, thoát khỏi những đau đớn về thể xác. Thôi thì tiếc thương cũng có nhưng mừng vì bạn chấm dứt được những chuỗi ngày bị hành hạ thân xác khi nằm trên giường bệnh.

    Dù sao đã là con người ai cũng phải chấp nhận quy luật của tạo hóa, sinh ra và mất đi, chẳng ai cãi được luật trời như lời vị sư tụng kinh ngày nào “có sinh có tử, có luân hồi….”.

    Ngồi suy ngẫm tôi nghiệm ra rằng, con người khi mới được sinh ra và đến khi lớn tuổi sắp từ giã cõi đời có nhiều điểm tương đồng. Trước hết khi mới được sinh ra, đứa bé được chăm bẵm nuôi lớn từng ngày trong sự nhọc nhằn của cha mẹ. Răng bắt đầu mọc rồi chập chững tập bước đi từng bước, đầu óc non dại, chưa biết điều khiển vấn đề tiêu tiểu, luôn giận hờn nũng nịu.

    Đến khi bước vào tuổi già, bạn cũng cần sự chăm sóc từ người khác vì không còn khả năng tự chăm sóc bản thân mình, rồi khả năng nghe nhìn cũng từ từ yếu đi, răng bắt đầu rụng dần, trí óc chỉ còn nhớ những gì đã thuộc về quá khứ xa xưa, hay giận hờn con cháu. Bước đi không còn vững, chỉ chực té nhào vì mất thăng bằng.

    Theo giải thích của một Bác sĩ thì khi con người già đi, não sẽ teo dần lại và vì lý do đó họ sẽ trở nên như một trẻ nhỏ, chỉ nhớ những điều xảy ra ngày xa xưa và nhất là rất hay hờn giận, kinh nghiệm tôi nhận thấy từ bà mẹ già của mình.

    Cụ tuy còn rất minh mẫn cho đến cuối đời nhưng rất hay giận con hờn cháu vì những lý do hết sức nhỏ nhặt, người già là vậy, họ muốn được con cháu chăm sóc nâng niu chiều chuộng. Bệnh tật cũng khiến những người lớn tuổi không kiểm soát được tiêu tiểu và đôi khi cũng phải mang tã như trẻ nhỏ.

    Tôi đã chứng kiến những người con trai chịu khó dắt mẹ đến phòng mạch BS, bà mẹ nhà quê chắc cũng đã được con dặn dò nhưng vẫn quên gác chân lên ghế, cậu con trai đã nhỏ nhẹ “má ơi bỏ chân xuống, ở đây không ngồi như thế được” hoặc khi bà cụ hỏi tôi “cô làm ở đây mỗi tháng được bao nhiêu tiền ?” thì người con trai lại nhỏ nhẹ “má ơi, ở Mỹ không ai hỏi về lương của ai hết”….Không hiểu tại sao hình ảnh người con trai chăm sóc nâng niu mẹ già luôn làm cho tôi xúc động, chắc có lẽ vì trong tâm khảm người Á Châu mình thì việc con gái chăm lo cha mẹ già là đương nhiên chăng?

    Như thế có phải khi về già bạn sẽ lại trở lại thời kỳ với thể xác và đầu óc như mới được sinh ra và từ từ bước vào cõi chết hay không?

    Có khác chăng khi một đứa bé chào đời nó cất tiếng khóc trong sự vui mừng chào đón của mọi người, phải chăng con người khóc thay vì cười, khi chào đời vì họ biết trước cuộc sống phía trước rất nhiều chông gai thử thách. Còn khi bạn mất đi, trong khi mọi người khóc thương thì có thể ở thế giới bên kia bạn đang mỉm cười vì vừa thoát khỏi cõi trần tục đầy gai góc.

    Với tôi chưa chắc những người già trong xã hội văn minh của Mỹ lại sung sướng hơn những người già ở VN, tôi không muốn nói đến những người quá nghèo khó hay bị con cái bỏ bê ở VN, một người bạn nước ngoài khi đến VN đã phải hỏi tôi một câu “sao tôi thấy người già ở nước bạn dù khó khăn nghèo khổ vẫn luôn nở nụ cười trên môi vậy, trông họ thật hạnh phúc…” người bạn nước ngoài đó đã nói rất đúng, những người già xứ tôi dù không có bảo hiểm tốt về sức khỏe, không được hưởng tiền già như ở Mỹ và phần lớn đều móm mém vì không có tiền trồng răng nhưng nụ cười của họ hạnh phúc biết bao.

    Bạn biết tại sao không? vì họ được hạnh phúc sống quay quần bên con cháu, được nói tiếng Việt, được hưởng cái không khí trong lành từ đồng ruộng VN và nhất là được ăn những món ăn dân giả, thế nên tương lai của tôi lúc về già có lẽ sẽ được an bài ở VN chứ không phải nơi đất nước văn minh này.

    Do con cháu ở đây bận rộn không có khả năng chăm sóc mình nên lựa chọn duy nhất của phần lớn người già ở đây là phải sống trong các nhà dưỡng lão để hầu như vài ngày lại chứng kiến sự ra đi của một “đồng đội”, dứt khoát đó sẽ không phải là lựa chọn của tôi nếu trời chiều lòng người.

    Đương nhiên tôi tôn trọng những người lớn tuổi chọn sống ở nước ngoài vì có tiền già trợ cấp của chính phủ (tiền hưu thì bạn ở đâu cũng vẫn lãnh được) và được chăm sóc y tế đầy đủ. Tuy nhiên nếu có chút tiền để dành, bản thân tôi vẫn chọn Việt Nam để sống những ngày cuối đời không làm phiền con cháu. Sẽ có người bỉu môi “đau nặng cũng phải chạy về Mỹ chữa thôi”, dĩ nhiên vì mình đóng bảo hiểm thì mình sẽ sử dụng khi không có lựa chọn, sao không nhỉ?


    Chung Dao


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X