Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ma Lực của Pleiku

Collapse
X

Ma Lực của Pleiku

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ma Lực của Pleiku

    Ma Lực của Pleiku
    Võ Ý, K17/Đa Hiệu số 115

    Tôi từ Phi Đoàn 110 Đà Nẵng thuyên chuyển về Phi Đoàn 114 Nha Trang đầu năm 1965 và tôi biết Pleiku qua những kỳ biệt phái.

    Lúc bấy giờ, Không Quân Pleiku đồn trú trong phi trường Cù Hanh, được gọi là Căn Cứ 92 Chiến Thuật, trách nhiệm phòng thủ vòng đai phi trường và điều động các phi vụ yểm trợ hành quân thuộc lãnh thổ Quân Khu II.

    Do đà phát triển của Không Lực, khoảng cuối năm 1971, Căn Cứ 92 Chiến Thuật biến thành Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku, đồng thời Không Đoàn 72 Chiến Thuật (KĐ72CT) ra đời và tôi thuộc quân số của đơn vị tân lập tại cái xứ nắng bụi mưa sình này.

    Bất cứ một quân nhân thuộc bất cứ Quân Binh Chủng nào, khi nói đến Pleiku là nghĩ ngay đến một địa danh đầy bất trắc và buồn tẻ. Chỉ cần nghe âm thanh “Pleiku” là đã mường tượng được vẻ rùng rợn hoang tịch và kỳ bí của núi rừng. Cho nên có thể nói, Pleiku là tận cùng, là đáy của 4 Vùng Chiến Thuật!

    Ở địa đầu giới tuyến dù sao cũng còn Huế cổ kính thơ mộng, Đà Nẵng phố thị rộn ràng, phố cổ Hội An một thời thương thuyền tấp nập. Còn Pleiku, dù nơi đây có bản doanh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II trấn đóng, nhưng thành phố gì mà đi dăm phút đã về chốn cũ, nắng thì bụi, mưa thì sình, đâu đâu cũng gặp toàn lính là lính…

    Đã là đáy, là tận cùng thì xá gì những ngày tháng trấn thủ lưu đồn, cho nên Pleiku không thiếu những lính ba gai, những quan bất mãn. Chỉ có những đơn vị “trừng giới” mới dung nạp những “tay anh chị” này và lạ lùng thay, họ luôn luôn lập nên những chiến tích lẫy lừng tại mặt trận Tây Nguyên dù không ít nhiều gây nhức đầu cho các ông Quân Cảnh ở hậu phương!

    Đúng, Pleiku là thành phố lính!

    Người lính sinh quán từ khắp mọi miền đất nước, có dịp lên Pleiku thi hành nghĩa vụ người trai, không ít người nghĩ rằng, họ đi đày! Vậy mà khi nói đến Pleiku, những lính ba gai, những quan bất mãn đó vẫn còn một chút gì để nhớ đến là tại làm sao?

    Không Quân Nguyễn Hữu Thiện, Sĩ Quan Báo Chí Căn Cứ Không Quân Pleiku, đã nói về nỗi nhớ Pleiku như sau: “Tôi nhớ tới một ngàn ngày đói rách ở Pleiku hơn là ba năm phây phả ở Biên Hòa.” (LLDNCT, trang 363.)

    Những cư dân Pleiku, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương, có lý do để yêu mến quê hương của họ. Chúng tôi rất tâm đắc với tâm tình của thầy Nguyễn Đăng Dự, Hiệu Trưởng và là Giáo Sư các trường Trung Học Pleiku, qua Vạt Nắng Bên Thềm:

    “Có những lúc ngồi trong thư viện, chồng sách trước mặt, nghe xí xa, xí xồ chung quanh bằng một ngôn ngữ xa lạ, hồn tôi đã quay về với căn nhà số 13 đường Yên Đổ, Pleiku. Con đường không tráng nhựa lầy lội ngày mưa mà tôi ghét cay ghét nghiệt ngày nào, nhưng lúc đó tôi đã thèm được trở về để lại được rón rén bước chân tránh những vũng bùn. Tôi nghĩ tới ánh mắt buồn rười rượi của con chó thân yêu. Tôi thèm được ngửi lại mùi hương thoảng nhẹ của bụi hồng nhỏ góc vườn mỗi khi lách xe ra khỏi cổng trước khi đến trường. Tôi muốn được chung quanh tôi là tiếng lao xao bằng một ngôn ngữ Việt thân quen của các em học sinh trong những lớp học ngày xưa!”

    Qua tâm tình trên thì một giáo chức đương nhiên yêu mến phấn trắng, bảng đen và các học sinh của mình, nhưng vì sao vị thầy lại nhớ cả mùi hương thoảng nhẹ của bụi hồng và con đường lầy lội trước nhà? Phải chăng tấm lòng thương nhớ Pleiku cũng là một biểu hiệu của nỗi nhớ nước, thương quê?

    Cá nhân chúng tôi cũng rất yêu mến Pleiku, nhưng không hẳn vì em Pleiku má đỏ môi hồng mà vì… muốn học tính khí của Từ Hải! Xin mời nghe Từ Hải dỏm lý sự cùn: “Mỗi người sống ở Pleiku và yêu Pleiku theo cảm nghĩ riêng. Tôi cũng yêu Pleiku theo cách cảm nghĩ của riêng tôi. Pleiku là nơi chốn tôi đã tình nguyện đến. Pleiku thách đố bổn phận và trách nhiệm của một quân nhân. Pleiku đối với tôi còn là một địa danh để tôi có cơ hội thể hiện cung cách phục vụ Quân Chủng thân yêu của mình.” (LLDNCT, trang 363.)

    Nhà thơ Du Tử Lê không phải mộng mị mà viết lên rằng: “Vũ Hữu Định đã đội vương miện cho Pleku.” Với vương miện này, bài ca “Còn Một Chút Gì Để Nhớ” đã được hát ròng rã khắp miền Nam từ 1965 và ròng rã trong các trại tù miền Bắc sau 1975 cho tận ngày nay…

    Ngày nay, khi nói đến sự hấp dẫn của bất cứ một địa danh nào, người ta thường dùng mấy từ đi về, trai gái, vợ con để nói về sức hấp dẫn của địa danh ấy; Cụ thể như Pleiku đi dễ khó về/ Trai đi có vợ gái về có con. Ví von như vậy e chưa thuyết phục, vì chưa nói lên được cái quyến rũ đầy ma lực và huyền bí của Pleiku.

    Sự thực, Pleiku là cao nguyên phía Tây Bắc của Việt Nam ở độ cao từ 600 đến 800 mét, Bắc giáp Kontum, Nam giáp Daklak, Tây giáp Campuchea, Đông giáp ba tỉnh Quãng Ngãi, Bình Định, và Phú Yên. Khí hậu nhiệt đới, chia hai mùa, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 4. Nhiệt độ trung bình 21 đến 25 độ C, dân số 237.000 người (2008) bao gồm 28 dân tộc, trong đó người kinh chiếm 87%, các dân tộc khác như Gia Rai, Ba Na... chiếm 13%.

    Nhiều nhà quân sự vẫn cho Pleiku là “mái nhà” của Đông Dương. Pleiku lại có ưu thế về thổ nhưỡng và thời tiết, thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu, cây lâm sản đa dạng.

    Chính thiên nhiên, sông núi, đất đai và khí hậu…, đã nuôi dưỡng nên con người Pleiku có một tính cách riêng, tính cách của Pleiku: hồn nhiên, đôn hậu, thánh thiện, và bình dị.

    Rất nôn nóng đợi ngày về với núi
    Nghe vi vu tiếng gió khe rừng
    Mọi thứ quanh ta đều thánh thiện
    Và thánh thần bỗng hết thiêng liêng

    (Dứt Cơn Mơ Ta Về Với Núi – Cao Thoại Châu)

    Một đóa dã quỳ màu vàng chập chờn trên núi hay ngả nghiêng trên con lộ quê; một chút lửa hồng bếp cũ trong nhà sàn ngoài nương rẫy, gợi nhớ cái lạnh thiên cổ của Phố Núi, có khi cũng là một thôi thúc quay về:

    Nghe lòng mình cùng phố núi chao nghiêng
    Nai gõ móng trên thềm đá cũ
    Nghe cả mừng vui buồn tủi
    Dã quỳ ơi, anh đã quay về...

    (Dã Quỳ Rực Rỡ Dấu Chân Thơm – Cao Thoại Châu)

    Phố núi kia ơi, một đời phố lạnh
    Lạnh hoa vàng, núi đỏ, thác đèo cao
    Lạnh hàng cây, tửu quán, lạnh gần nhau
    Lạnh thiên cổ, lạnh vào tim máu cạn

    (Hoa Quỳ Vàng Lạnh Pleiku – Nguyễn Bắc Sơn).

    Sương mù, buốt lạnh và nắng bụi mưa sình cũng là những nét tiêu biểu khắc nghiệt của Pleiku mà khi đi xa, người dân Phố Núi thường hay nhớ về:

    Bây giờ ta ở Pleiku
    Thấy xanh đó núi thấy mù nầy sương
    Núi xanh còn ngỡ phố phường
    Mù sương ngan ngát dễ thường dễ khuây

    (Ở Pleiku – Võ Ý)

    Cũng có khi người Pleiku nhớ mông lung giọt cà phê Dinh Điền một sáng chủ nhật mưa bay, nhớ cái cay hít hà xé miệng của tô bún bò nhà xác, nhớ món hủ tiếu khô đậm đà chơn chất, nhớ những hột bắp dẻo mà thơm của nương rẫy miền cao, nhưng trong các đặc sản của Phố Núi, quý bà nội trợ làm sao mà quên được món măng le Pleiku đã đi vào ca dao:

    Ai về nhắn với nẫu nguồn
    Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên

    Một điều hiển nhiên là khi yêu ai, ta yêu cả đường đi lối về (1) của người ấy. Vì người yêu của tôi ở Pleiku, nên tôi yêu Phố Núi, yêu sân trường của nàng dù mưa sình lầy lội.

    Từ xa xưa, Pleiku đã đi vào văn học sử. Rất nhiều bài thơ bài văn nói về Pleiku, trước cũng như sau 1975. Ngoài Phạm Duy với ca khúc để đời “Còn Chút Gì Để Nhớ”, cũng còn rất nhiều nhạc sĩ diễn đạt những rung cảm của mình về Pleiku như Nhật Ngân (Lên Núi Tỏ Tình), Phan Ni Tấn (Đứa Con Mê Núi, Pleiku Em Ở Núi Rừng), Hoàng Khai Nhan (Phố Xưa), Trần Duy Đức (Khúc Mưa Sầu), Đăng Phương (Cao Nguyên Tình Khúc), Nguyễn Nam Thư (Về Rừng Núi), Nguyễn Đức Tri Tâm (Áo Trắng Ngày Xưa), Dương Thượng Trúc (Pleiku, Thiên Thu Nỗi Nhớ), Tô Quốc Thắng (Nhớ Pleiku), v.v...

    “Em Pleiku má đỏ môi hồng” đã trở thành một gắn bó hiễn nhiên với các cô gái sinh sống tại phố núi mù sương, dù kinh dù thượng.

    Biển Hồ và núi Hàm Rồng là những thắng cảnh tiêu biểu của Pleiku.

    Biển Hồ mênh mông không đáy, xanh thẫm một màu. Trong chúng ta, hẳn có lúc muốn “trầm mình” vào đôi mắt biển hồ xanh thẫm của giai nhân, xem ra còn thi vị hơn là say xỉn rồi nhảy xuống hồ để mò... trăng!

    Không phải chỉ có tình yêu đôi lứa mới thôi thúc người Pleiku tìm về với núi. Nhiều người quay quắt nhớ về chiến trường xưa chỉ vì tình đồng đội sống chết bên nhau một thời.

    Một sự thật hiển nhiên, tình yêu và nỗi chết ở Phố Núi là một gắn bó hữu cơ.

    Tình yêu và nỗi chết đã biến thành ma lực, thành khát vọng tìm về.

    “Mai xa lắc trên đồn biên giới”, là người Pleiku đã mang mệnh biệt ly để ngày đêm mòn mỏi. Biết bao chinh nhân đã hy sinh mạng sống để bảo vệ yên bình cho Pleiku và biết bao xương máu của đồng đội tôi đã góp phần tô điểm rừng núi Tây nguyên giữ mãi một màu xanh huyền bí.

    Pleiku biến thành máu thịt của mỗi cư dân Phố Núi tự bao giờ không biết.

    Chiến trận ngày càng một khốc liệt, không chỉ người lính ra trận mà toàn dân, không chỉ núi rừng hứng chịu đạn bom mà bản làng cùng chia sẻ. Tin vui ở Pleiku thì ít, tin dữ không dám nghe. Một quả pháo rơi là thấp thỏm lo âu cầu khẩn…

    Vì là chốn lửa đạn, ngày đêm phải đối đầu với hiểm nguy và bất trắc, nên dễ nẩy sinh tình đồng đội, qua đó, địa danh Pleiku gắn liền với kỷ niệm sinh tử trong tâm khảm những người lính chiến Cộng Hòa.

    Pleiku, địa danh đi đày, trở thành niềm kiêu hãnh cho những chinh nhân trấn đóng ở đó. Cũng có thể nói, chiến trường Tây Nguyên khốc liệt và thân phận người lính, là một thể. Và đó là lý do để người lính Cộng Hòa năm xưa lúc nào cũng nhớ về chiến trường xưa, nhớ về thanh xuân gian truân mà hào hùng của mình:

    Chào anh buổi sáng Tây Nguyên
    Tay ngang tầm mắt đầu nghiêng cúi chào
    Quốc kỳ phủ xuống công lao
    Có bi đông nước dựa vào xác thân
    Nghĩ anh đi cũng an phần
    Xum xuê có trẻ bâng khuâng đứng ngồi
    Chị thì rũ tóc máy môi
    Chào anh buổi sáng mắt tôi nhạt nhòa.

    (Chào Sáng – Võ Ý, Pleiku 1972)

    Kể từ khi có lệnh rút Quân Đoàn II về duyên hải qua Liên Tỉnh Lộ 7B, khởi sự đêm 16 tháng 3 năm 1975 đến nay (2013) là đã 38 năm tròn. Rất nhiều đồng bào và đồng đội từng chứng kiến cảnh kinh hoàng qua cuộc di tản chập chùng thảm khốc và uất nghẹn này. Có thể do thôi thúc của tâm linh, Hội Ái Hữu Phố Núi Pleiku ra đời năm 2010 và đã cử hành Lễ Tưởng Niệm Liên Tỉnh Lộ 7B lần đầu tiên vào ngày 20 tháng 3 năm 2015 (Thanh Minh trong tiết tháng Ba) tại tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ Westminster, CA. Đây là thuận duyên để người Pleiku vừa tưởng niệm đồng đội đồng bào vừa “nhìn nhau bỗng thấy ra sông núi” (2) để hun đúc lại tình nước tình nhà.

    Ba mươi tám năm qua, hình ảnh Liên Tỉnh Lộ 7B chưa phai mờ trong ký ức người di tản Thy Lan Thảo, thuộc Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị Pleiku:

    Giã từ Cao Nguyên, giã từ Phú Bổn
    Đây sông Ba sóng nước hãi hung
    Xác máu lập lờ bên thép sung
    Tàn quân tan tác lệ rưng rưng…
    Bao năm rồi – Tỉnh lộ 7B
    Sắt son ai giữ được câu thề
    Bao giờ rửa được hờn sông núi
    Hay vẫn chìm quên trong lãng mê!

    (Bao Năm Rồi- Tỉnh Lộ 7B – Thy Lan Thảo)

    Tỉnh Lộ 7B đã đi vào chiến sử.

    Tôi muốn vẫy vùng khỏi cơn lãng mê để được ngủ êm đềm nhưng rất say với núi rừng. Trong giấc ngủ êm đềm nhưng rất say đó, trí tôi vẫn mơ màng hình ảnh những chinh nhân đi bảo vệ sự sống, từng xông pha khắp các chiến trường Tây Nguyên khốc liệt năm nào, đã vùi thân trong lòng đất mẹ hay đang nấu nung ý chí ở góc núi khe rừng đó đây....

    Và tôi nghĩ, đó là Ma Lực Của Phố Núi Pleiku!

    Corona, CA, 03/2013


    --------------------------------

    (1) Ca dao: Yêu ai yêu cả đường đi.
    (2) Tựa một bài thơ của Du Tử Lê.

    * Trích trong Tuyển Tập Bắc Đẩu Võ Ý, xuất bản tháng Giêng


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X