Thông báo

Collapse
No announcement yet.

"Paris est une fête"

Collapse
X

"Paris est une fête"

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • "Paris est une fête"

    «Paris est une fête» hay là
    câu chuyện về một cuốn sách



    Nguyễn Bảo Hưng


    « Paris est une fête » là tựa một cuốn sách của Ernest Hemingway bình thường chắc ít ai buồn để ý, thậm chí được nghe nhắc tới. Bản thân tôi cũng không ngờ lại có cuốn sách này trong sự nghiệp đồ sộ của nhà văn Mỹ từng được giải Nobel, nếu đã không xảy ra biến cố đó. Cái biến cố thời sự làm tôi chú ý tới cuốn sách, ấy là vụ việc trong đêm thứ sáu 13-11-2015 quân khủng bố hồi giáo IS đã mở một loạt tấn công khủng bố tại bốn địa điểm khác nhau ở Paris, gây thiệt mạng cho 121 người và hơn hai trăm người khác bị thương. Đợt tấn công khủng bố đã làm thế giới bàng hoàng xúc động vì các mục tiêu tấn công đều là những nơi giải trí công cộng, và đối tượng nhắm bắn đều là thường dân vô tội thuộc đủ mọi thành phần xã hội, mọi quốc tịch, mọi tôn giáo. Lỗi duy nhất của họ, các nạn nhân ấy là dám hẹn hò gặp gỡ nhau vào tối thư sáu để vui chơi giải trí sau một tuần làm việc mệt nhọc. Chỉ riêng tại Bataclan, một sân khấu trình diễn nhạc rock được giới trẻ Paris ưa chuộng , đã có 81 người bị giết trên tổng số 121 người tử thương. Cảnh tượng xác chết nằm la liệt giữa các hàng ghế, trên các lối đi, thậm chí cả trên sân khấu đã làm lên dấy một làn sóng công phẫn trên toàn nước Pháp. Riêng tại Paris, bên cạnh những cuộc biểu tình phản đối còn có nhiều vụ tụ tập đông đảo đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân hoặc kêu gọi cần tiếp tục cuộc sống bình thường để trả lời thích đáng thách thức đe dọa của quân khủng bố. Tại một buổi tụ tập này, một phụ nữ hẳn là dân parisienne chính cống, bà Danielle 77 tuổi, đã giơ cao trước ống kính đài truyền hình BFM cuốn sách « Paris est une fête » của Ernest Hemingway và lớn tiếng cổ động : « Rất cần phải đem hoa đến tưởng niệm những người quá cố. Rất cần phải đọc, đọc nhiều lần cuốn « Paris est une fête » của Hemingway. Bởi vì chúng ta là một nền văn minh rất lâu đời và chúng ta cần nêu cao các giá trị của chúng ta. » (« C’est très important d’apporter des fleurs à nos morts. C’est très important de voir, plusieurs fois, le livre d’Hemingway « Paris est une fête ». Parce que nous sommes une civilisation trés ancienne et nous porterons au plus haut nos valeurs ».) Lời kêu gọi của bà Danielle như có phép nhiệm màu. Nội ngày hôm sau, cuốn sách của Hemingway, bấy lâu vẫn nằm ngoan ngoãn trên các quầy sách bỗng dưng biến sạch. Khách mua đọc nhiều đến độ nhà xuất bản Gallimard phải cho in lại tựa sách mấy đợt liền trong collection Folio mới kịp đáp ứng yêu cầu. Về phần tôi, lần tới vài tiệm sách gần nhà, nơi nào cũng bị khách phỗng tay trên hết thảy. Mò ra thư viện, lại được trả lời phải chờ dăm ba người đã ghi tên trước mới đến lượt mình. Mãi khoảng trung tuần tháng năm tôi mới nhận được giấy thông báo có thể ra thư viện lấy sách. Cuốn sách cầm về, tôi háo hức đọc. Nhưng chỉ sau có vài trang, tôi đã rơi ngay vào tình trạng hụt hẫng. Càng đọc tiếp, tôi càng hụt hẫng để cuối cùng thất vọng cay cú như khi bị tháu cáy thua đau trong một ván bài ba lá. Thất vọng, bởi vì khi nhìn cuốn sách mang tựa « Paris est une fête » được bà Danielle giơ cao, tôi liên tưởng ngay tới xen ấn tượng của bộ phim « Le soleil se lève aussi » phỏng theo cuốn truyện cùng tên của Hemingway, tôi được coi trước đây. Đó là không khí sôi động của một cuộc thi đấu bò (fiesta) tại Tây Ban Nha khi cao thủ đáu bò tức toreador xuất hiện oai phong lẫm liệt đúng lúc trổi lên những nốt nhạc thúc giục rộn rã của bản Espana Cani giữa những tiếng vỗ tay cổ võ cuồng nhiệt của đám khán giả đông ních hội trường. Sự liên tưởng này khiến tôi đinh ninh thế nào Hemingway chẳng thuật lại một vài cảnh lễ hội đặc sắc của Pháp. Nào là cuộc diễn hành trọng thể trên đại lộ Champs-Elysées nhân ngày quốc khánh. Nào là hào quang rực rỡ muôn ngàn ánh sao trong đêm bắn pháo bông trước tháp Eiffel. Lại còn không khí vui nhộn của các đêm bal musette tại mỗi khu phố nữa chứ. Thay vì những cảnh lễ hội đó, cuốn sách đã cho tôi được đọc những gì ? Ngay trang đầu là khung cảnh Place de la Contrescarpe, nơi ông trú ngụ. Đó là một khu phố tồi tàn với quán cà phê hồi đó còn mang bảng hiệu « Les Amateurs » là nơi tề tịu của dân vỉa hè nam nữ say sưa tối ngày. Quán cà phê ở ngay đầu phố Mouffetard, còn được mệnh danh là « đầu hầm cống » (le tout-à-l’égout) do mùi hôi hám bộc ra từ dân tứ xứ bám trụ khiến người thường ít ai dám lai vãng. Cách quán cà phê chỉ vài chục thước là con phố Cardinal Lemoine với một nhà trọ rẻ tiền ngay đầu phố nơi Hemingway mướn một căn phòng để cùng vợ làm nơi trú ngụ. Từ căn phòng tận lầu chót, mỗi sáng Hemingway có thể nhìn thấy chiếc xe hốt phân với bình chứa lớn hình ống lọc cọc do ngựa kéo từ dưới phố đi lên mang theo mùi hôi thối nồng nặc. Cũng từ căn phòng này mỗi sáng Hemingway lại xuống phố lần theo các con đường tới một tiệm cà phê Place de Saint-Michel ngồi để viết bài suốt ngày. Đó quang cảnh và không khí sinh hoạt của Paris trong những năm đầu sau Đệ nhất Thế chiến mà Hemingway không ngại phơi bày trước mắt ta. Bức họa về một Paris hãy còn khốn khó này ông lại đưa ngay vào chương đầu mang tựa « Un bon café, place Saint-Michel » (Ernest Hemingway, Paris est une fête. Coll. Folio, édit. Gallimard 1964 et 2011, pp.41- 48) như để mào đầu cho cuốn sách. Cố gắng đọc tới trang chót, tôi không tìm nổi một sự kiện nào đáng gọi là « fête » theo tôi nghĩ cả. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ mấy khu phố thuộc quận 5, quận 6 Paris với một vài quán cà phê ông thường lai văng hay một vài địa chỉ thân thuộc với ông. Như tiệm sách Sheakspeare and Company, số 12 rue l’Odéon của cô Sylvia Beach, người vẫn thường cho ông mượn sách về đọc. Hoặc tư gia bà Gertrude Stein số 27 rue Fleurus, nơi được coi là một salon littéraire do nữ chủ nhân thường đóng vai mạnh thường quân đối với nhóm văn nghệ sĩ gốc anglo-saxon. Ngoại trừ vài địa điểm vừa nêu, người đọc chẳng một lần tìm thấy tên Montmartre, Tour Eiffel hay Champs-Elysées nằm đâu cả. Thậm chí các phòng trà ca vũ lừng danh quốc tế tiêu biểu cho lối sống vui nhộn của đời sống Paris như Moulin Rouge hay Folies Bergères với vũ điệu French Cancan cũng không hề được nhắc tới. Đọc riết, không tìm ra được vết tích nào đáng gọi « lễ lạc » (fête) như tôi nghĩ, tôi quyết định đem trả cuốn sách, thâm tâm vẫn thắc mắc về lời nhắn nhủ của bà Danielle.Thắc mắc này chắc khó đường giải tỏa nếu trong tháng bảy lại không liên tiếp xảy ra hai vụ khủng bố mới. Đó là vụ trong đêm 14-7-2016 tại Nice một tên khủng bố đã dùng xe tải hạng nặng phóng lên hành lang dọc theo bờ biển cán bừa đám đông khán giả đi coi bắn pháo bông đang lũ lượt ra vê. Vụ tấn công thô bạo này gây thương tích cho 202 người, 84 người thiệt mạng trong số có 10 trẻ em. Không đầy hai tuần sau, khoảng 9 giờ 30 sang thứ ba 26-7-2016 hai tên khủng bố lại bất ngờ đột nhập nhà thờ tại Saint-Etienne du Vouvray, một thị trấn nhỏ gần Rouen giữa lúc cha Jacques Hamel 84 tuổi, đang làm lễ cho một cặp vợ chồng ngoại thất tuần với sự tham dự của ba bà sơ. Chúng thẳng tay sát hại cha Hamel và gây thương tích cho ông chồng 76 tuổi. Chỉ có bà vợ cùng mấy bà sơ là thoát nạn. Xét về mặt tổn thất nhân mạng, thì vụ sát hại tại nhà thờ gần Rouen coi như không đáng kể so với vụ thảm sát tại Nice. Nhưng vụ tấn công sau này lại mang một ý nghĩa đặc biệt : Nó chính là biến cố cho thấy dự báo của Samuel Huntington từ cuối thế kỷ trước về một cuộc xung đột giữa các nền văn minh (« The Clash of Civilisations and the Remaking of World Order », Samuel HUNTINGTON, 1966) đang trở thành hiện thực. Ý nghĩa biểu tượng của hành vi sát hại này làm tôi nhớ lại lời phát biểu của bà Danielle, nhất là khi bà kêu gọi cần phải bảo vệ nền văn minh truyền thống. Lời kêu gọi làm tôi sực tỉnh, nghĩ rằng cuốn sách của Hemingway chác không để chỉ nói về lễ lạc, mà còn chuyển tải một nội dung ý nghĩa nào đó. Thế là tôi quyết định phải ra thư viện mượn sách đọc lại. Nhưng trước khi đọc, tôi có ý tới thăm một vài địa điểm Hemingway đề cập trong sách, đặc biệt là khu phố ông từng cư ngụ. Biết đâu cuộc thăm dò này chẳng giúp tôi có thêm yêu tố để hiểu sâu hơn, hiểu đúng hơn nội dung cuốn sách của ông. Thế là tôi đã dành gần trọn một ngày để làm cuộc hành trình thăm viếng. Đúng như điều tôi dự liệu : cuộc hành trình đã đem lại cho tôi nhiều phát hiện thích thú bất ngờ.

    Lộ trình thăm viếng của tôi khởi đầu bằng một chuyến du hành bốn mươi lăm phút trên chuyến xe lửa RER A từ nhà tới trạm Châtelet-les-Halles. Sau Châtelet là hai trạm métro trên tuyến 7 để xuống trạm Saint-Michel. Rời hầm métro, tôi đi ngược lên khoảng trăm thước về phía bờ sông Seine để tới Place Saint-Michel, nơi có quán cà phê ông chọn làm nơi đến để viết bài. Sau một hồi quan sát, từ Place Saint-Michel tôi lại tản bộ đi xuống dọc theo lề đường phải hướng về phía vườn Luxembourg. Trên lề đường này có nhiều tiệm sách, đặc biệt là các tiệm mang bản hiệu Gilbert Jeune bày bán đủ loại sách cũ. Là bạn trung thành với thú vui đọc sách, có dịp quí vị nên ghé lại các nơi này. Chịu khó lục lọi các ô sách bày trên vỉa hè, quí vị có thể kiếm ra một vài cuốn sách giá trị với giá rẻ dề, có một hai euros thôi, còn rẻ hơn cả tiền « bo » cho một bữa ăn tại nhà hàng. Sau khi lục lọi, tôi đã thủ cẳng được một vài cuốn sách gối đầu để, khi cần, khỏi phải ra thư viện mượn. Sau ngã tư Saint-Michel – Saint Germain des Prés có vài chục mét, nhìn sang lề đường đối diện là thấy ngay đại học La Sorbonne với Place de La Sorbonne đằng trước. Tôi ghé lại quán cà phê mang bảng hiệu L’Ecritoire ngồi nghỉ. Ba chục năm về trước tôi thường tới ngồi tại quán này, khi còn được là sinh viên tại đây để mong tấm bằng cử nhân mang từ Việt Nam sang được công nhân tương đương với Licence de Lettres modernes của Pháp. Bình thường chỉ cần hai năm là có thể xong chương trình cử nhân. Nhưng hồi đó, chân ướt chân ráo tới Pháp, đêm đi cày ngày đi học, tôi phải dành bốn năm mới được cấp bằng. Tuy nhiên, tôi không hề tiếc thời gian phải bỏ ra theo học. Thứ nhất, vì mục đích của tôi không phải thi lấy bằng để làm cần câu cơm, hoặc để được thêm tước vị vào tấm danh thiệp. Tiếp đến là thời gian theo học càng dài, chương trình học càng nhiều (vì cứ hai năm chương trình học lại dổi phân nửa), tôi càng thấm nhuần phương pháp tiếp cận văn học và nghiên cứu chuyên sâu với tinh thần phê phán khách quan. Thêm vào đó, thời gian học kéo dài còn là cơ hội để tôi được học hỏi thêm về một số tác giả cận đại và hiện đại Pháp tôi muốn biết như Marcel Proust, Jacques Prévert, André Malraux, Saint-Exupéry, J.P Sartre, Albert Camus v.v… Vừa nhâm nhi cà phê, vừa đưa mắt nhìn quanh, tôi bồi hồi sống lại niềm vui ngày nào thấy mình lại được làm sinh viên cho dù nhiều bạn đồng môn thương mến tôn lên hàng khứa lão. Lúc này đang là tháng tám nên khuôn viên trước đại học hãy còn vắng vẻ. Các quán cà phê cũng thưa thớt khách hàng, phần đông là du khách. Đối diện với quán cà phê, tiệm sách J. Vrin, chuyên bán các loại sách triết học, bên kia vẫn còn đó. Chính tại tiệm sách này, hồi đó tôi đã lục mua được trong đống sách cũ bày trước cửa tiệm cuốn « La révolte des écrivains d’aujourd’hui » của R.M Albérès. (Tôi đã có dịp đề cập tới cuốn sách này trong ghi chú 9 của phần hai bài viết « Dấn bước thăng trầm »). Còn lại, cảnh vật nói chung dường như không thay đổi. Tuy nhiên, khi nhìn qua phía trái quán cà phê, con tim tôi bỗng thắt lại khi phát hiện tiệm sách trước đây mang bảng hiệu Librairie P.U.F (Presses Universitaires de France), nay không còn nữa. Thay vào đó là tiệm giày thời trang mang bảng hiệu Nike Running. Phải nhìn nhận mặt tiền của Nike Running được sửa sang rất mỹ thuật, rất kín đáo, hoàn toàn hòa nhập với khung cảnh của quartier latin văn học. Nhưng tôi vẫn không tránh khỏi bàng hoàng xúc động khi thấy tiệm sách PUF nay biến mất. Những ai từng là sinh viên trong những thập niên chót của thế kỷ trước hẳn thường nghe nhắc tới, nếu không muốn nói ít ra cũng đôi ba lần được cầm trong tay một tựa sách thuộc collection « Que sais- je ? » của nhà xuất bản Presses Universitaires de France. Không chỉ có collection « Que sais-je ? », Presses Universitaires de France còn là cơ sở in ấn nhiều công trình nghiên cứu, biên khảo công phu của các giáo sư đại học uy tín về khoa học nhân văn nữa. Vậy mà nhà sách Presses Universitaires de France nay cũng phải gỡ bảng hiệu để nhường chỗ cho Nike Running. Xét cho cùng, Librairie P.U.F có phải dẹp tiệm điều này cũng dễ hiểu thôi. Với tốc độ ngày một tăng tốc độ cải tiến kỹ thuật truyền thông ngày nay, chỉ cần mở internet nhấn vào con chuột, là ta đã thấy bày sẵn hàng loạt thực phẩm văn hóa, đa số thuộc loại hủ tiếu ăn liền. Với điều kiện sinh hoạt văn hóa như vậy, thử hỏi mấy ai còn chịu dành thời gian, bỏ công sức để nghiền ngẫm đọc sách nữa. Tuy nhiên, trước cảnh Librairie P.U.F đang bị rơi vào quên lãng, tôi không tránh khỏi một nỗi buồn nao nao tiếc nuối tựa tâm sự ngậm ngùi « Thăng long hoài cổ » của Bà Huyện Thanh Quan trước cảnh : « Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Thành quách lâu đài bóng tịch dương. ».

    Rời quán cà phê, dọc theo boulevard Saint-Michel tôi tiếp tục đi xuống khoảng hơn trăm mét gặp rue Soufflot thì rẽ trái hướng về điện Panthéon, nơi đặt hài cốt các danh nhân được ghi nhận có công lao với nước Pháp. Lần theo hông phải điện Panthéon cho tới khi gặp rue de l’Estrapade rồi rue Blainville, tất cả khoảng vài trăm mét là đụng điểm đến : Place de la Contrescarpe. Đó là một công trường nhỏ cỡ Place Saint-Michel hay Place de la Sorbonne với một khoảng trống ở giữa và các cửa tiệm, các quán cà phê bao quanh. Ta cũng có thể ví nơi đây như một Place de l’Etoile thu nhỏ vì là điểm hội tụ của nhiều đường phố. Kế cận với rue Blainville là rue Mouffetard, một con phố ồn ào nhộn nhịp, đày những cửa tiệm, hàng quán bình dân và cũng là một trong những còn phố còn giữ dược nét sinh hoạt đặc thù của Paris từ bao lâu. Tuy nhiên quán cà phê mang bảng hiệu « Les Amateurs » theo Hemingway mô tả nay không còn nữa. Từ rue Mouffetard ngó qua, khoảng chục thước là đầu đường Cardinal Lemoine. Ngay khi vừa đặt chân tới Place de la Contrescarpe ta có thể đi thẳng về phía Cardinal Lemoine nhờ vào bảng hiệu « Mouffetard Saigon » sơn màu vàng đỏ rất bắt mắt của một cửa tiệm bán thức ăn Á đông. Kế cận với « Mouffetard Saigon » là quán ăn mang tên « Bar à Julien – Bistrot L’époque » với bảng hiệu và mặt tiền hầu vẫn giữ nguyên như cũ. Đối diện với quán ăn này, bên kia đường là ngôi nhà năm từng mang số 74 rue Cardinal Lemoine, nơi Hemingway đă thuê một căn phòng ở tầng ba để trú ngụ cùng với người vợ đầu tên Hadley. Nhìn từ bên ngoài, mặt tiền hầu như không thay đổi. Trên bức tường giữa hai tầng lầu có gắn một tấm bảng đồng với các hàng chữ :

    De Janvier 1922 à Aout 1923, a vécu au 3è étage de cet immeuble, avec Hadley, son épouse, l’écrivain américain Ernest Hemingway (1899-1961). Le quartier, qu’il aimait par-dessus tout, fut le véritable lieu de naissance de son œuvre et du style dépouillé qui le caractérise. Cet Américain à Paris entretenait des relations familières avec ses voisins, notamment avec le patron du bal-musette attenant. « Tel était le Paris de notre jeunesse où nous étions très pauvres et très heureux. » (Ernest Hemingway « Paris est une fête ») (Từ tháng giêng 1922 tới tháng tám 1923, nhà văn Mỹ Ernest Hemingway (1899-1961) đã cùng vợ là Hadley tới ở tại tầng ba ngôi nhà này. Khu phố, mà ông yêu mến hơn bao giờ hết, mới thực sự là nơi ông khai sinh ra tác phẩm cùng với văn phong chắt lọc của ông. Người Mỹ đến với Paris này đã có những mối quan hệ mật thiết với dân lối xóm, đặc biệt là chủ quán nhạc khiêu vũ musette kế cận. « Paris của chúng tôi ở tuổi thanh xuân là vậy đó, khi mà chúng tôi sống còn rất nghèo nhưng rất hạnh phúc ». Ernest Hemingway, « Paris est une fête). Tôi đứng đó, đứng đó trước ngôi nhà nơi Hemingway cùng vợ đã trú ngụ. Tôi đứng đó, hồi lâu đứng đó bất chấp sự qua lại dửng dưng của khách qua đường. Hết nhìn về phía Place de Contrescarpe, tôi lại hướng mắt lên tấm bảng đồng rồi quay sang ngó cửa tiệm còn giữ nguyên bảng hiệu cũ. Toàn bộ khu phố, nói chung, nay đã mang bộ mặt tân trang mới mẻ. Chỉ riêng có mặt tiền ngôi nhà mang số 74 rue Cardinal Lemoine và mặt tiền quán ăn với bảng hiệu « Bar à Julien-Bistro L’époque » có chỗ sơn bị tróc lở là còn nhắc nhở ta về một khu phố hãy còn nghèo nàn của Paris trong những năm đầu của thập niên 20 thế kỷ trước đây. Tôi đứng đó, tần ngần đứng đó nhẩm đọc từng chữ trên tấm bảng đồng như muốn nằm lòng từng con chữ. Cuối cùng tôi đành kết thúc chuyến viếng thăm với tâm trạng nửa buồn nửa vui. Buồn vì nao nao tiếc nhớ, vui vì phấn khởi như vừa tìm được giải đáp cho một điều bí ẩn. Tấm bảng đồng kia, với dòng chữ « Tel était le Paris de notre jeunesse où nous étions tres pauvres et tres heureux », chính là chìa khóa giải tỏa cho tôi sự thất vọng khi mới đọc cuốn sách của Hemingway ; đồng thời nó cũng là ánh đuốc soi đường để tôi biết cách đọc lại hầu hiểu sâu hơn, hiểu đúng hơn nội dung tác phẩm của ông.

    Trong lượt đọc đầu tôi thất vọng vì chỉ chực đi tìm những điều tôi muốn Hemingway viết ra theo tôi nghĩ hay đúng ra theo nghĩa lễ lạc đình đám như trong từ điển. Tôi thất vọng bởi vì, khi ấy, nhìn vào các hàng chữ tôi chưa biết đọc cách Hemingway dùng lời để diễn tả những cảm xúc, suy tư của ông. « Paris est une fête » với Hemingway, không phải vi Paris là kinh đô của ánh sáng, vì Paris có đại lộ Champs-Elysées thênh thang tráng lệ, vi Paris còn là chốn ăn chơi vui nhộn với vũ điệu French Cancan đú đởn của các nhà hàng ca vũ nhạc Moulin Rouge, Folies-Bergères thu hút được du khách bốn phương. Nhưng Hemingway đến Paris lại không phải vì vậy. Tới Paris với tư cách là phóng viên trẻ cho một nhật báo Canada, ông đã sớm phát hiện nơi đây một môi trường văn hóa thuận lợi cho những ai có tâm hồn nghệ sĩ tìm ra nguồn cảm hứng và phát huy tài năng của mình. Bởi vậy ông không ngần ngại từ bỏ nghề phóng viên với đồng lương bảo đẩm để dấn thân vào nghiệp văn , chỉ sống bằng tiền nhuận bút. Cũng vì chấp nhận cuộc sống rủi ro như vậy, ông không nề hà chịu đóng đô tại khu phố Contrescarpe nghèo hèn, thuê một căn phòng lầu ba sô 74 rue Cardinal Lemoine để cùng vợ sống trong những điều kiện ăn ở thiếu tiện nghi như ông thuật lại : « Tổ ấm của chúng tôi, phố Cardinal Lemoine, là một căn phòng hai buồng, không có nước nóng, không cầu tiêu, ngoại trừ một sô nước để rửa ráy » (Notre foyer, rue du Cardinal Lemoine, était un appartement de deux pièces, sans eau chaude courante, ni toilettes, sauf un seau hygiénique. » sdd. Tr.66). Phải sống trong những điều kiện khắc khổ như vậy, ông không lấy làm buồn phiền mà còn hoan hỉ chấp nhận. Nếu đọc kỹ và chịu khó lượm lặt đó đây một vài chi tiết chí thú, ta sẽ hiểu được tại sao, với Hemingway, Paris lại là một chốn hội hè. « Paris est une fête », bởi vì tại khu phố Contrescarpe không chỉ có quán cà phê bụi đời Les Amateurs, mà sát nách nhà ông, còn có quán Bal musette để ông qua lại vui chơi và tán gẫu với ông chủ quán vui tính. « Paris est une fete » bởi vì gần kề với Contrescarpe, Paris còn có không khí văn học của Quartier Latin , với các quán Café terrasse như tại Place Saint-Michel để ngày ngày ông tới đó viết bài. Hay là quán La Closerie des Lilas gần Montparnasse, nơi ông thườg lai văng để gặp gỡ đấu láo với bạn bè văn nghệ. « Paris est une fête » bởi vì chỉ cần băng qua điện Panthéon là ông có thể tới viện bảo tàng trong vườn Luxembourg, ngắm nghía những bức tranh của Cezanne, của Manet, của Monet giúp ông quên được bữa ăn trưa vì còn chưa nhận được tiền nhuận bút. (coi chương « La faim est une bonne discipline », sdd, tr.108-119). « Paris est une fête » bởi vì chẳng xa Place de Saint-Michel là bao, có tiệm sách « Sheakspeare&Company », 26 rue de l’Odéon, với cô chủ người đồng hương Sylvie Beach hào hiệp, sẵn sàng cho ông tha hồ mượn sách đem về đọc mà không bắt ứng tiền đặt cọc. Nhờ vậy ông có dịp làm quen với các nhà văn Nga Tourneguiev, Tchekov, Tolstoi, Dostoievski… giúp ông mở rộng chân trời hiểu biết. Với một môi trường sinh hoạt văn học thuận lợi như vậy, làm sao ông không cảm thấy nơi đây tâm hồn được mở hội như ông đã tâm sự với ta : « Phát hiện cả một thế giới nhà văn xa lạ, và có thì giờ để đọc, trong một thành phố như Paris nơi đó ta có thể sống và làm việc thuận lợi, dù nghèo, thật chẳng khác gì như khi ta được tặng cho một kho tàng vậy. » (Découvrir tout ce monde nouveau d’écrivains, et avoir du temps pour lire, dans une ville comme Paris où l’on pouvait bien vivre et bien travailler, même si l’on était pauvre, c’était comme si l’on vous avait fait don d’un tresor » (Sdd. Tr. 160). Phải chăng cái môi trường sinh hoạt văn hóa đặc thù đó, cái môi trường với những thú vui nho nhỏ làm nên hạnh phúc bình thường của đời sống thế gian đã quyến rũ Hemingway khiến ông muốn coi « Paris est une fête. » Thế nhưng cái môi trường với những nét sinh hoạt đặc thù ấy, tiêu biểu cho một phong cách sống, một nghệ thuật sống và, trong một chừng mực nào đó, ta có thể nói tiêu biểu cho nếp sống văn minh, lại bị quân khủng bố cuồng tín lên án là đồi trụy và tìm cách hủy diệt. Và, phải chăng vì muốn bảo tồn phong cách sống đó, nếp sống văn minh đó bà Danielle mới giương cao cuốn sách của Hemingway và khuyến khích ta tìm đọc.

    Về phần tôi, sau khi được đọc « Paris est une fête », và mỗi lần đọc là một lần say mê thích thú, tôi rút thêm được bài học hữu ích về đọc sách như sau. Gặp một tác phẩm có giá trị, ta nên đọc với cặp mắt tìm tòi mới mẻ. Điều quan trọng là ta phải gạt bỏ mọi định kiến trong đầu nhất là những lời tán tụng phường chèo theo tập tục truyền thống « đồng hội, đồng phường áo thụng vái nhau ». Cho dù có gặp được những nhận định, đánh giá khách quan của giowsu hữu trách có uy tín, có thẩm quyền, ta cũng chỉ nên coi những nhận định, đánh giá đó như những ánh đuốc hay bảng chỉ đường để ta biết đúng hướng mà theo. Còn thưởng ngoạn được cảnh đẹp trong cuộc du ngoạn ra sao là tùy ta có biết quan sát và phát hiện vẻ đẹp theo quan điểm thẩm mỹ của ta hay không. Sau cùng để kết thúc bài viết này, tôi xin được thêm thắt đôi hàng như sau. Từ bao lâu, Paris vẫn được coi là một trong những thành phố thu hút được đông đảo khách du lịch trên thế giới. Ngay giờ này, dù bị nạn khủng bố đe dọa, vẫn không thiếu khách từ bốn phương kéo đến, mà mục đích của đa số thường là để được một mình « tự sướng » hay để hai dứa được « « cùng sướng » (selfies) trước tháp Eiffel, hay trên đại lộ Champs-Elysées. Nhưng đến Paris để được sướng chỉ có vậy, chẳng mấy chốc không ít người sẽ vội gửi SMS về cho người yêu đại ý nhắn nhủ rằng : « Paris chẳng có gì lạ đâu em. Mai mốt anh về em ráng hãy còn ngoan… ». Nhưng nếu chịu khó tách thoát ra khỏi ảnh hưởng của những lời quảng cáo du lịch hay lời mách bảo, chỉ dãn của bạn bè để đôi lúc đi lạc vào một con phố hay một khu phố lịch sử nào đó, họ có cơ may phát hiện được một Paris khác lạ với những nét duyên dáng đặc thù cố hữu. Và họ sẽ có cơ hội chiêm nghiệm lời Hemingway muốn nhắn nhủ cùng ta : « Không hề có hồi chung cuộc với Paris và những ai đã sống tại đó đều giữ lại cho mình kỷ niệm riêng… Paris rất đáng để ta đặt chân tới và Paris sẵn lòng đãi ngộ những ai biết tìm đến với Paris » (Il n’y a jamais de fin à Paris et le souvenir qu’en gardent tous ceux qui y ont vécu diffère d’une personne à l’autre… Paris valait toujours le déplacement et on recevait toujours quelque chose de ce qu’on lui donnait ». Sđd. Tr . 345).



    Viết xong ngày 16 – 9 – 2016
    NGUYỄN BẢO HƯNG


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X