Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tầm nguy hại của văn bản tham luận sử học cấp quốc gia

Collapse
X

Tầm nguy hại của văn bản tham luận sử học cấp quốc gia

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tầm nguy hại của văn bản tham luận sử học cấp quốc gia


    TẦM NGUY HẠI CỦA VĂN BẢN THAM LUẬN SỬ HỌC CẤP QUỐC GIA – Lê Nghị




    (Nguồn: Nguyenlac Blog)
    Lê Nghị


    Lời nói đầu:

    Trong bài tham luận trình bày tại hội thảo khoa học quốc gia ‘Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc – 40 năm nhìn lại’, do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 15-2-2019, Giáo sư Sử học Phạm Hồng Tung, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lại phát biểu:

    “Tôi nghĩ cuộc chiến tranh năm 1979 đã lùi xa 40 năm. Bây giờ chính là lúc giới sử học của hai nước nên ngồi lại, thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử hai nước. Nhiều quốc gia cựu thù đã thành công trên con đường hòa giải lịch sử, cho nên người Việt Nam và người Trung Quốc hà cớ gì lại không thể. Nếu chúng ta cùng có trách nhiệm với tương lai của thế hệ trẻ hai nước, với tiền đồ của hai quốc gia, dân tộc.” Và nhiều điểm khác nữa.

    Thấy tầm nguy hại của VĂN BẢN THAM LUẬN SỬ HỌC CẤP QUỐC GIA này, chúng tôi những người công dân của Việt Nam không thể không góp tiếng. ̣(Ban Biên Tập)


    * * *
    Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

    (Nam quốc sơn hà – Lý Thường Kiệt)

    Sông núi nước Nam, vua Nam ở
    Rành rành ghi rõ ở sách trời.
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

    Phần 1:
    CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC CỦA PHƯƠNG BẮC 1979


    Xin được nhắc lại vài sự kiện cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc từ 17/2 năm 1979: [*]

    Ngày 17/2, ngày mà cách đây 40 năm lúc 5h sáng China xua 60 vạn quân mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược mới vào tổ quốc Việt Nam sau lần cuối cùng bị Quang Trung đánh bại năm 1789 tức tròn 190 năm. Trận này Tàu đã đưa tên tướng tàn ác Hứa Thế Hữu chỉ huy mặt trận Lạng Sơn, cháu 7 đời tướng Hứa Thế Hanh từng bị bỏ xác tại gò Đống Đa Hà Nội bởi đội quân tinh nhuệ thần tốc của Quang Trung. Hứa Thế Hữu với quyết tâm trả thù hèn hạ đã ra lệnh : giết sạch, đốt sạch, phá sạch khi tiến quân lẫn ngay cả khi Bắc Kinh đã bắn tin rút quân để khỏi bị quân ta truy kích.

    Chỉ trong vòng tháng đầu tiên chúng gây ra chết chóc điêu linh trên toàn tuyến biên giới phía Bắc trải dài 1400km. Đây là thời điểm lịch sử mà Đặng Tiểu Bình cho rằng: ” Việt Nam trong tình thế lưỡng đầu thọ địch, tứ phía lâm nguy, nội ngoại khốn cùng, nhất sinh thập tử”.

    Chưa bao giờ nước ta lại đương đầu với một đội quân đông đảo, bất ngờ đồng loạt tấn công, di chuyển nhanh chóng bằng các phương tiện hành quân và vũ khí hiện đại và vượt trội hướng về thủ đô Hà Nội.

    Lực lượng địa phương quân của ta phải đương đầu với 32 sư đoàn quân chính quy của Tàu có sự hỗ trợ mạnh mẽ của 525 xe bọc thép, 2250 pháo và hỏa tiễn, một lực lượng 30 vạn công binh, tiếp vận khí tài, quân chủ lực dự bị theo sau,kế hoạch sau 4 ngày sẽ dìm thủ đô Hà Nội trong khói lửa, tối đa 7 ngày sẽ làm chủ Hà Nội và vùng lân cận. Chính phủ lâm thời phản quốc Hoàng Văn Hoan, nguyên là Phó chủ tịch quốc hôi nước ta háo hức lộ mặt tại Bắc Kinh, gửi thông điệp kêu gọi nhân dân hợp tác với Tàu, lấy danh nghĩa cứu nước khỏi cuộc sống gian khổ.

    Nhưng quân dân ta anh dũng, kiên cường tiêu diệt và kìm chân , trong vòng nửa tháng địch chỉ tiến sâu 30km.

    Ngày 5/3 chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên tỏ rõ quyết tâm diệt giặc. Cả nước sùng sục căm thù, 1/4 lực lượng công nhân viên, sinh viên khoác chinh y bổ sung cho chiến trường. Toàn bộ thanh niên ra thao trường tập luyện. Lực lượng chính quy từ các quân khu đông nam, nam và chiến trường Campuchia tập kết, hình thành thế bao vây 3 mặt, và cô lập các sư đoàn tiến sâu, chuẩn bị quyết chiến và tiêu diệt toàn bộ đạo quân xâm lược. Những trận đầu giáp mặt với quân chính quy ta, địch thiệt hại nặng nề, trong đó có những trung đoàn bị diệt và bắt sống toàn bộ.

    Trước thực tế tình hình quân chính quy phản công tái chiếm dần các cứ điểm đã mất của quân ta, địch bị lùi dần. Tàu đã tăng cường quân phản kích đều bị ta đánh thất bại thảm hại. Quân Tàu nguy cơ bị cô lập từng quân đoàn, có thể bị tiêu diệt toàn bộ trong thế trận chiến tranh nhân dân truyền thống của Việt Nam: Phối hợp dân quân, quân địa phương và quân chủ lực như những trận lịch sử gần nhất trên bộ thời Lê Lợi và Quang Trung. Trước nguy cơ đó, Đặng Tiểu Bình tuyên bố rút quân và bào chữa: Chỉ muốn dạy Việt Nam bài học! Báo chí phương Tây chế diễu lời của Đặng: “Tuy ta không đánh dập đầu cọp, không đánh gãy sống lưng cọp, nhưng dù sao cũng sờ được mông cọp.”

    Đại quân địch bị đẩy lùi, mộng thôn tính nhanh chóng nước ta không thành. Tuy nhiên về phía ta chiến sĩ và dân quân ta cũng hy sinh lớn, trong đó thường dân cũng đã thương vong trên chục ngàn người. Rút tới đâu địch hèn hạ tàn phá nhà cửa, công trình tới đó; để lại hậu quả điêu linh. Nghiêm trọng hơn, cuộc chiến đó không dừng lại, 40 năm qua địch vẫn chưa từ bỏ mộng nuốt nước Việt từ ngàn đời. Chúng tiến hành các biện pháp phá hoại kinh tế, xâm lược văn hoá , kể cả xâm lược bằng vũ trang, giết hại chiến sĩ điểm cao Lão Sơn , giết quân ta và chiếm đảo Gạc Ma, ngoan cố chiếm đóng và chiếm mới một phần lãnh thổ, hải đảo, khống chế xây dựng đảo nhân tạo, lập huyện Tam Sa và Tây Sa trên lãnh hải, khống chế hải phận và không phận biển Đông của ta, ngăn cản nhiều hoạt động trên biển của ngư dân và cả các công trình khai thác dầu khí thềm lịch địa Việt Nam. Công bố đường lưỡi bò phi lý. Toàn bộ hành vi đó thể hiện tiếp tục dã tâm xâm lược. Theo hiến pháp và luật quốc phòng nước CHXHCNVN tuy chưa “tuyên bố chiến tranh” nhưng nước ta vẫn đang trong “tình trạng chiến tranh” vì quân Tàu xâm lược vẫn còn chiếm lãnh thổ và hải đảo, xâm phạm hải phận và không phận của ta, mặc dù chúng ta vẫn khẳng định chủ quyền và yêu cầu trả lại nơi bị chiếm đóng.

    Thế nhưng cuộc chiến đấu hào hùng, bi tráng bảo vệ độc lập 40 năm qua ít được nhắc tới so với những sự kiện trước đó thời đánh Pháp đánh Mỹ. Thử hỏi nếu cuộc chiến 1979 ta thất bại, thì ngày nay ta có còn ngồi đây để mà luận sử sách, luận chuyện đánh Pháp đánh Mỹ hay không? Việc làm ngơ kẻ thù truyền kiếp, trực tiếp, vẫn đeo đuổi xâm lược, kẻ thù cực kỳ nguy hiểm là nỗi ngậm ngùi của cả nước trong suốt 40 năm qua.



    Phần 2:
    NHÂN ĐỌC VĂN BẢN THAM LUẬN SỬ HỌC CẤP QUỐC GIA CỦA PHẠM HỒNG TUNG


    Mới đây loé lên niềm vui, khi nghe có tổ chức một hội thảo quốc gia: Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, 40 năm nhìn lại. Hội thảo được chủ trì bởi Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam và Hội Lịch Sử Việt Nam. Nhưng niềm vui bị tắt ngấm, khi nghe Vietnam net phỏng vấn một thành viên có tham luận tại hội nghị: Giáo sư- tiễn sĩ Phạm Hồng Tung, có lẽ là người chủ trì nội dung và phân bố các bài học lịch sử từ cấp 1 đến cấp 3 sắp tới của Bộ Giáo Dục. Trả lời phỏng vấn của ông bị vài chỉ trích về ý thức dân tộc. Ông đã phản ứng thiếu kìm chế gọi những người chỉ trích là không hiểu hết ý, là lưu manh, và a dua. Rồi như để trưng bằng chứng cho rõ sự thật, ông tự khoe bản tham luận. Lần này dư luận lại rộ lên như là sự kiện Bùi Hiền và Hồ Ngọc Đại trước đây, nhưng kết tội vị giáo sư này nặng nề hơn: không những dốt mà là kẻ bán nước.

    Tối ngày 15/2 tôi đọc bài trên trang cá nhân của ông với nick là Phan Tứ Kỳ, nhưng sáng nay16/2 thì thấy bài đã gỡ. Tôi tin rằng bậc thầy, bạn bè và cả học trò ông đang dạy cũng phải nhắn tin riêng khuyên ông gỡ bài xuống, đừng tranh luận nữa, chỉ tổ cho người khác cười chê.

    Nhưng nếu ông Phạm Hồng Tung là một nhà nghiên cứu độc lập, hoặc không đảm trách công việc giáo dục trẻ em, thì tôi một công dân bình thường, cá nhân ông và tôi chưa hề biết nhau thì không việc gì tôi phải có ý kiến cho mất lòng. Một bạn đọc mấy ngày trước cũng đã khuyên tôi đừng tỏ ra mình là người hiểu biết, mình phải tự biết mình là ai. Tôi cũng đã cám ơn lời khuyên chân tình đó. Nhưng ông Phạm Hồng Tung là một giáo sư tiến sĩ, có lẽ được Bộ Giáo Dục phân công phụ trách biên soạn sử cho sách giáo khoa sắp áp dụng. Quan điểm sử học lệch lạc của ông nếu áp dụng sẽ dẫn tới xoá bỏ tính độc lập dân tộc trong đầu óc thế hệ tương lai. Tư tưởng sẽ định hướng cho hành động.Thế hệ học sinh sẽ vong thân trên chính quê hương rồi sẽ dẫn tới vong quốc rất dễ dàng. Cho nên tôi không những mong muốn bài viết của ông được tháo gỡ trên mạng, mà tư tưởng đó còn cần tháo gỡ khỏi đầu óc của tác giả nếu ông muốn là một công dân biết nhận lỗi.

    Tôi không muốn nói đến về mặt hình thức, cách hành văn và cấu trúc bài tham luận đã đăng, chưa đạt trình độ của một sinh viên thi tuyển vào khoa sử khi làm bài nghị luận. Không hiểu sao một người viết một văn bản tham luận vụng về thiếu logic như thế lại có thể làm được luận án học vị tiến sĩ và leo tới hàm giáo sư ngày nay.
    Tôi có cảm tưởng vị tiến sĩ này đã nói vài ý và một sinh viên nào đó đã lắp ráp vội vàng. Bạn nào đã đọc nguyên văn ắt đã rõ.

    Trong 5 điểm lớn ông nêu và điểm 6 kết luận. Tôi chỉ đồng ý với ông điểm 4. Trong đó ông đã dẫn chứng thuyết phục là sách giáo khoa nói về chiến tranh biên giới năm 1979 là quá ít.

    Điểm 5 ông nêu lên cách phân bố trong chương trình mới chủ đề chiến tranh biên giới sẽ chen trong một các bài của lớp 9, 11 và 12 . Vì chưa thấy báo dung lượng nên không lạm bàn về dung lượng



    Nhưng có hai vấn đề:

    Một là
    : Dù có bổ sung dung lượng, cũng như các bài khác, không bao giờ tải đủ nguyên nhân, diễn biến, hậu quả và bài học kinh nghiệm trên mọi lĩnh vực văn hoá, quân sự, kinh tế, chính trị, đối ngoại… như ông đã dẫn lời một sử gia nước ngoài. Nhưng tuyệt nhiên không thấy ông gợi ý về giải pháp bổ sung. Ví dụ: Xung quanh những ngày diễn ra sự kiện lịch sử, các phương tiện truyền thông cần bổ sung. Thật là buồn hàng trăm đầu báo, nhất là các kênh truyền hình có thể đưa tin một giải bóng đá, bàn đi tán lại chuyện đấu trên sân cỏ; mà trong những ngày thiêng liêng của hàng chục ngàn gia đình trong giữa tháng 2 đến giữa tháng 3 thắp nén hương tưởng niệm các chiến sĩ đã ngã xuống, những người dân bị sát hại trong cuộc xâm lược của Tàu năm 1979; trong nhiều năm qua không hề nhắc tới một lời về sự kiện 17/2/79. Sự vô ơn, vô cảm mới là phản nhân văn.

    Hai là: Tôi nghi ngờ rằng, một người thầy viết một tham luận không trôi về hình thức, ý tưởng mơ hồ như thế làm sao có thể định hướng đúng đắn cho trẻ em tự tìm hiểu lịch sử. Sao không mời những vị như nhà sử học Dương Trung Quốc chủ trì có hay hơn không?

    Điều cần nhấn mạnh là những gì ông Phạm Hồng Tung viết trong tham luận đã cho thấy ông không phải là người hiểu nhiều về lịch sử. Nên ngay từ đầu ông cho rằng học sử là nhằm trang bị tính nhân văn, yêu chuộng hoà bình. Ông biến mục tiêu học lịch sử như là đạo đức học và văn học, nghe êm tai làm sao! Khác với cách hiểu thông thường của những người ông gọi là lưu manh và a dua rằng: học lịch sử dân tộc nhằm rút ra từ quá khứ những kinh nghiệm giữ nước và dựng nước của cha ông. Bài học lịch sử đòi hỏi phải trung thực, trẻ em cần biết những kinh nghiệm đáng tự hào lẫn đắng cay, tức phải đưa cả sự kiện thành công lẫn thất bại; để khi các em trở thành người chủ tương lai biết yêu nước, biết âm mưu thủ đoạn, biết người biết ta mà vận dụng nhằm tránh thất bại và đạt thành công.

    Ông định nghĩa mục đích chiến tranh cũng là kỳ lạ. Trước ông cho rằng chiến tranh là xung đột lợi ích, là mưu đồ chính trị, thậm chí là mưu đồ của cả hai bên, làm như bên bị xâm lược cũng sẽ có lợi!Sau ông lại kết luận mục đích tối thượng của chiến tranh là hoà bình! Xưa nay không ai lập luận ngộ nghĩnh như vậy: Mục đích của chiến tranh là hoà bình!? Ông lầm lẫn giữa hiện tượng và mục đích hết sức ngớ ngẫn. Ai lại phát động chiến tranh để mưu cầu hoà bình bao giờ? Mục tiêu phát động chiến tranh là phải thắng để có lợi.

    Sau một cuộc chiến đương nhiên phải là không còn chiến tranh. Đó là hiện tượng chứ sao gọi là mục tiêu? Nhưng ngưng bắn, ngưng chiến chưa phải là hoà bình. Nhầm lẫn đến thế mà dạy sử sao được!

    Cho nên nếu là nhà sử học, nhìn vào ngày 17/2/79 chỉ coi đó là trận mở màn cho một âm mưu và tiến trình xâm lược mới, ta chỉ bẻ gãy ý đồ đánh nhanh thắng nhanh lấy thịt đè người thôi. Cuộc xâm lăng chưa chấm dứt. Đất nước còn trong tình trạng chiến tranh. Bài học cảnh giác của lịch sử là chỗ đó.

    (Luật quốc phòng ghi rõ: Tình trạng chiến tranh là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố từ khi Tổ quốc bị xâm lược cho đến khi hành vi xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế.)

    Vì lầm lẫn khái niệm ngưng chiến với hoà bình nên ông mới nêu ra : Tất nhiên không phải hoà bình bằng mọi giá. Nhưng không chỉ ra giá nào là vừa , hoặc là ông thừa nhận bên bị xâm lược cũng phải nhượng bộ gì đó. Ông quên rằng trong chiến tranh phía bảo vệ tổ quốc chỉ có một giá: một mất một còn. Bên xâm lược sẽ chỉ một giá: Được ăn cả, ngã về không. Nói cách khác trên phương diện quốc gia như bao đời vua, lịch sử dân tộc đã cho thấy, chỉ có ta chiến thắng, quân thù mới rút lui. Họ muốn giao hảo làm ăn, liên minh phải trả lại đất đã còn chiếm đóng bằng vũ lực thì mới tạo cơ hội hoà bình. Bài học lịch sử là chỗ đó.

    Cho nên 40 năm nhìn lại, ta cần thấy Tàu muốn thôn tính nước ta tại thời điểm 1979, nhưng không thành công như kế hoạch ban đầu. Tàu xâm lược nước khác để chiếm và sáp nhập thành một tỉnh của mình đã thành công ở Tân Cương, Tây Tạng. Người ngây thơ về chính trị dễ dàng tin vào luận điểm Tàu muốn thắng thì đánh nữa sẽ thắng, chẳng qua muốn dạy Việt Nam một bài học!? Sao họ không chỉ dạy bài học cho Tân Cương, Tây Tạng mà sáp nhập hai vùng đó luôn? Câu trả lời là các xứ ấy đã thua. Hơn nữa, trên đời này có ai lại đem tài sản, xương máu của dân tộc mình đổ ra chỉ để giúp láng giềng một bài học? Dân gian ta đã không lưu truyền chế diễu khái niệm quân tử Tàu sao?: ” Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn!”. Mà Đặng Tiểu Bình cũng đã từng tuyên bố : “Mèo trắng mèo đen , mèo nào cũng được, miễn bắt được chuột.” Lật lọng số một là giới cầm quyền của Tầu từ ngàn đời.

    Việt Nam ta dù sao thời đó và bây giờ cũng là một nước yếu hơn China nên làm gì dám có đòi hỏi phi lý, hoặc lấn chiếm đất của Tàu mà chúng lại lu loa ta lấn chiếm. Vừa ăn cướp vừa là làng!

    Là một nhà dạy sử, hàm đến giáo sư, nếu phát hiện sách giáo khoa Tàu dạy trẻ con của họ rằng Việt Nam gây hấn, lấn chiếm, ông có thể viết thư báo cáo bộ ngoại giao ra công hàm phản đối. Họ có đổi sách hay không ta cũng phải phản đối để may ra lọt tới tai trẻ em người Hoa. Bản thân Tàu cũng phản đối sách giáo khoa Nhật cơ mà. Ông lại bày phải thoả thuận với họ là thoả thuận cái gì? Nhượng một đảo nho nhỏ để họ đừng dạy như vậy nữa chăng?

    Tác giả cũng không thể ám chỉ rằng ta và Tàu xung đột về quyền lợi ở Campuchia nên Tàu đánh ta. Nên nhớ rằng từ 30/4/75 quân Ponpot đã tấn công 14 xã ở Kiên Giang và chiếm đảo Thổ Chu của ta. Không lẽ ông không đọc Đại Thắng Mùa Xuân của tướng Văn Tiến Dũng trong đó có thuật trưa 29/4/75 Tàu đã nhờ đại sứ Pháp gặp ông Dương Văn Minh lúc đó là Tổng Thống VNCH, ngỏ ý rằng để Tàu can thiệp sẽ cắt đất từ Xuân Lộc trở vào cho VNCH. Một sư đoàn Hoa Kiều đã sẳn sàng tại Chợ Lớn. May mà ông Dương Văn Minh từ chối và để lại câu nói giá trị nhất trong cuộc đời binh nghiệp và chính trị của ông : “Chúng đã bán nước ta một lần, nay chúng lại muốn ta bán nước.”

    Hãy tưởng tượng nếu ông Dương Văn Minh đồng ý thì cuộc chiến không như lịch sử đã diễn ra. Cá nhân tôi cho rằng trong cương vị lãnh đạo VNCH ở tình thế cuối cùng phải thua, ông Dương Văn Minh đã có một hành động yêu nước sáng suốt, không vì lợi ích của phe mình mà bán cả đất nước. Chỉ cần hai sự kiện đó đủ cho những đầu óc hủ lậu như tôi đây cũng hiểu rằng Tàu tham lam muốn đưa 500 triệu bần nông xuống Đông Nam Á như lời Mao tuyên bố. Thật sự giáo sư Tung chưa phân biệt giữa xung đột và chiến tranh, giữa nguyên nhân và lấy cớ thì làm sao mà hiểu sử học được. Ông cũng không phân biệt tham vọng của quá khứ và âm mưu lâu dài của Tàu, nên mơ hồ về quan điểm lịch sử dân tộc và quan hệ của hai nước hiện nay.

    Tôi thấy trong bài tham luận nhiều lần ông lặp đi lặp lại nhân bản, nhân văn, chưa một lần ông dùng từ dân tộc, mà hình như ông không hiểu mối quan hệ giữa nhân văn và dân tộc như thế nào.

    Ai cũng biết, nhân văn không ra khỏi khái niệm thất tình, là bảy biểu hiện tình cảm của con người. Ở đây ta chỉ nhấn mạnh nhân văn là biết cả yêu lẫn ghét, biết trừng phạt lẫn tha thứ, biết chuộng lẽ phải, chống lại sai trái, biết giận biết vui… Yêu ai và oán ai, điều gì vui hoặc buồn ai lại chẳng biết!

    Nhân văn không là chỉ yêu thương nhân loại, mà cần phải chống lại kẻ làm hại nhân loại, càng không phải dĩ hoà vi quý, sống chung với những kẻ đó. Và trước hết một con người nhân văn, dạy cho trẻ xây dựng tâm hồn nhân văn qua sử là phải biết yêu gia đình mình, tổ quốc mình, chung lưng đấu cật, thậm chí hy sinh chống lại kẻ xâm lược nước mình. Nếu chưa có được hành vi cũng phải tỏ lời nói và thái độ. Nếu không dạy những việc tối thiểu trên, mọi lời hoa mỹ nhân văn, nhân bản gì đó chỉ là rỗng tuếch hoặc lừa mị.

    Chính vì không hiểu được nghĩa nhân văn nên tác giả mới không hiểu khái niệm ” thoả thuận lịch sử”. Tính nhân văn khi hành xử giữa hai quốc gia là tôn trọng độc lập và chủ quyền của mỗi quốc gia. Mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền của nước khác là phản nhân văn. Tính nhân văn là kết án giới cầm quyền chứ không hề kết án nhân dân, quân lính của nước xâm lược; coi trọng tính mạng của quân sĩ hai bên, không giết người đầu hàng, không ngược đãi tù binh….Thoả thuận lịch sử là kẻ gây hấn, xâm lược phải công khai xin lỗi, đền bù thiệt hại nếu được.

    Ở đâu ra cái lý thuyết tâm lý học dạy được học sinh yêu nước, yêu chuộng lẻ phải song song với cấm học sinh không được tỏ thái độ căm thù giặc. Ở đâu ra được câu văn khiến người ta chống lại cái ác mà không dùng những lời lẻ phỉ báng cái ác?

    Ông chủ trương chỉ trình bày sự kiện mà không tỏ thái độ với sự kiện là nghịch lý với tính nhân văn, nó chỉ đúng với máy tính trước đây khi nhập dữ liệu. Ngày nay máy tính tối tân cũng đã biết tỏ thái độ một ít rồi đấy, vì nó được cài đặt phần mềm theo trí tuệ và tâm lý con người.

    Khái niệm không khơi dậy hận thù, khép lại quá khứ của ông cũng hết sức kỳ lạ! Hận thù đây là hận thù nhà cầm quyền chủ trương xâm lược, chỉ đạo hành vi xâm lược tàn bạo chứ có ai hận dân tộc Hoa bao giờ? Còn thương binh lính họ bị lợi dụng chết oan uổng nữa kìa. Sách vở từ trước đến nay có ai dạy thù người Hoa bao giờ?



    Nguyễn Du khi đi ngang qua ải Nam Quan cũng đã chẳng thay người Việt phê phán Mã Viện và tỏ lòng thương xót thân phận người lính Hoa đó sao:

    Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt
    Kỳ công hà thủ Hán tướng quân


    Tạm dịch:

    Ngàn năm gió buốt xương khô
    Nên công tướng Hán vạn mồ không chôn.

    Khi ta nói giặc Tàu là ám chỉ bọn đầu sỏ, còn trong chiến cuộc người lính hai bên buộc phải giết nhau để thắng, tội ác đó được quy về kẻ cầm đầu gây chiến. Xưa đến nay đều vậy có gì mà trẻ em không hiểu? Chấm dứt chiến tranh xâm lược thì nhân dân cả hai nước đều mừng, người dân nước đi xâm lược nếu có người thân chết cũng oán là oán nhà cầm quyền của họ mà thôi, chứ ai lại oán nước cần tự vệ. Thật sự tôi không hiểu nếu tham gia quân đội, được phân công động viên một nhóm lính sắp lâm trận ông sẽ động viên binh sĩ bằng lời lẽ gì. Tôi hình dung ông liệt kê :” Ta có một tiểu đội, chỉ có tiểu liên, họ có một đại đội, có 3 trung liên, một đại liên, các bạn đánh phải biết người biết ta!”

    Khép lại quá khứ là một khái niệm dùng trong hai trường hợp khác nhau. Trong nội chiến phe thắng đừng tự hào, nhục mạ bên thua, đừng cư xử bất bình đẳng; mà chủ động kêu gọi bên thua đừng oán hận, cùng chung lưng giữ nước và dựng nước.

    Khép lại quá khứ giữa nước xâm lược và nước bị xâm lược là ” tình trạng chiến tranh” đã kết thúc, kẻ xâm lược không còn hành vi gây hấn nữa, thậm chí hỗ trợ nếu có thể. Ví dụ chúng ta khép lại quá khứ với Pháp và Mỹ.

    Ông có biết Hiller gây ra chiến tranh, trong đó có chiếm nước Pháp, sau chiến tranh chính quyền mới của Tây Đức cũng thay mặt chế độ cũ xin lỗi toàn thế giới, mới dẫn tới những thương thảo hậu chiến trả đất lại cho Đức khi phe đồng minh thắng trận chiếm đóng không? Còn đối với Tàu thì chúng còn đang sờ sờ đóng trên lãnh thổ nước ta, còn vẻ đường lưỡi bò thì đã chấm dứt tình trạng chiến tranh đâu mà khép lại quá khứ?

    Giả sử bây giờ vì tình hữu nghị hàng ngàn năm của hai dân tộc, ta nói với người Hoa: “Chúng ta cùng khép lại quá khứ” Thế nào Tập Cận Bình cũng bắt tay hảo hảo, thậm chí xía xịa ( cám ơn) vì ta hiến luôn cho họ Biển Đông và hai quần đảo rồi!

    Học lịch sử thế giới để có cái nhìn toàn diện như tác giả nói, thì Tàu phải nói: “Xin lỗi, trước đây nước tôi người đông lỡ chiếm chủ quyền của bạn, nay thấy nước bạn mật độ dân số dày hơn, tôi trả lại cho các bạn mấy cái đảo đã chiếm và biển đông là của bạn, trong khuôn khổ quy định của luật biển quốc tế. Chúng ta khép lại quá khứ”. Tập Cận Bình có nói được vậy không? May ra cử ông giáo sư này thương thuyết biết đâu Tập Cận Bình đồng ý!

    Nếu lý thuyết dạy sử của ông mà được đa số dân Việt tán thành thì hương hồn Nguyễn Trãi cũng phải xin lỗi ông vì đã kết thúc chiến tranh mà còn lỡ viết phê phán giặc Minh bằng những lời lẽ nặng nề, bắt con cháu phải học 600 năm nay:

    Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
    Để trong nước lòng dân oán hận
    Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ
    Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
    Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
    Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
    Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
    Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
    Bại nhân nghĩa nát cả đất trời.

    Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.
    Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
    Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc.
    Vét sản vật, bắt dò chim trả, chốn chốn lưới chăng.
    Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.

    Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
    Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng.
    Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán,
    Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa?
    Nặng nề những nổi phu phen
    Tan tác cả nghề canh cửi.
    Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
    Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!

    Lẽ nào trời đất dung tha? Ai bảo thần dân chịu được?

    LỜI KẾT


    Khó thay khi góp ý cho người khác, dễ dàng mua oán chuốc thù, chưa kể bức dây động rừng. Nhưng với lương tâm và trách nhiệm của một công dân tôi xin nói rõ ý kiến cá nhân: Giáo sư tiến sĩ Phạm Hồng Tung không đủ tầm vóc để phụ trách biên soạn môn lịch sử trong sách giáo khoa. Áp dụng tư duy sử học của ông sẽ là tai họa cho thế hệ trẻ, những người chủ tương lai của đất nước.

    Bộ Giáo Dục cần lắng nghe ý kiến của dư luận như đã từng nghe về cải cách chữ viết của Bùi Hiền và Hồ Ngọc Đại, như chính phủ từng nghe và hoãn dự luật đặc khu.

    Lê Nghị


    [*] Diễn Biến 10 năm Cuộc Chiến Biên Giới Phía Bắc 1979 – 1989


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X