Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Biên khảo NĂM HỢI, NÓI CHUYỆN HEO

Collapse
X

Biên khảo NĂM HỢI, NÓI CHUYỆN HEO

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Biên khảo NĂM HỢI, NÓI CHUYỆN HEO



    NĂM HỢI, NÓI CHUYỆN HEO
    Kha Lăng Đa
    *****

    Mặc dù thế giới đang ở trong tình hình đại loạn, chiến tranh, thiên tai ..nhưng năm nay, năm của con heo mang biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng nên người ta hy vọng thế giới hoà bình, kinh tế phồn vinh. Con heo lại mang hương vị đặc biệt cho ngày Tết Việt Nam thể hiện qua 2 câu thơ:

    Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
    Niêu cao, tràng pháp, bánh chưng xanh.

    Theo nghiên cứu khoa học thì những chú heo có nguồn gốc từ giống heo rừng châu Á và châu Âu. Chúng thuộc động vật có xương sống (chordata) và là động vật có vú (Mamalia), thuộc bộ “guốc chẵn” (Artiodactyla), họ heo (Suidae), giống Sus.

    Ở rừng châu Á và châu Âu, có 4 giống heo chính và 2 giống heo phụ. Heo ngày nay được tạo thành từ 3 giống heo phụ của châu Á: Sus Orientalis, Sus Vitatus, Sus Crytatus, và một giống heo châu Âu Sus scrofa.

    Heo Babyrousa, heo rừng Hyiochoerus và heo hoang dã (Sus) là các giống heo khác nhau ở vùng nhiệt đới và ôn đới. Heo nước hoặc heo đầm lầy (Potamochoerus) là giống heo sống thích nghi như những động vật bán-thủy-sinh. Giống heo Phacohoerus là một dạng heo rừng Savannah, loại heo ngày nay là loại Sus scrofa được thuần hoá và chúng đến nhiều nơi trên thế giới như Bắc Mỹ, New Guinea, Úc châu và New Zealand.

    Họ heo bao gồm 3 họ phụ (Phacochoerinae warthogs, Suinae, Bcybyrouincie) có chủng heo (Sus); trong đó có 4 giống chính và 25 giống heo phụ. Theo nghiên cứu khoa học và khảo cổ, heo được thuần hoá 9.000 năm ở vùng Đông Thổ Nhỉ Kỳ và ở Trung Quốc.

    Các giống heo thường thấy là giống Yorkshire, Landraca, giống heo Móng Cái, heo Ba Xuyên, heo Mường Khương, heo Thuộc Nhiêu, Lợn Ỉ, heo Mọi ở Việt Nam.

    Các giống heo rừng gồm có lợn râu (Susbarbatus) ở Malaysia, Indonesia; heo rừng Đông Dương (Susbucculentus); heo rừng Visayas (Suscebefrons); heo rừng Celebes (Suscelebensis); heo rừng Poulter (Susdaelius), heo rừng Flores (Susheureni); heo rừng Philippine (Sus Philipensis), heo rừng còi ở Đông Bắc Ấn Độ, Hymalaya (Sus salvanius).

    Lợn lòi, heo nhà, heo rừng châu Á, châu Âu (sus scrofa) còn gọi là Sus domesticus. Ngoài ra, còn giống heo lai Tamworth được cấu tạo bởi heo nhà và heo rừng.

    Heo là giống ăn tạp, hay đào bới, có khứu giác nhạy bén, chúng lại dễ huấn luyện nên ở châu Âu, người ta nuôi heo để tìm nấm quý trong rừng. Ngoài ra, ở Mỹ người ta còn nuôi heo mọi, 1 dạng lợn Ỉ ở VN để làm “thú cưng” (pets).

    Heo có 44 răng, mõm và tai lớn, chân có 4 ngón, 2 ngón giữa lớn hơn và có long cứng. Thời kỳ mang thai của heo trung bình là 44 ngày. Một đàn heo thông thường có từ 6 đến 12 con.

    Heo không có tuyến bài tiết mồ hôi nên chúng phải tìm nơi ẩm ướt như những vũng nước, vũng bùn để nằm vùi trong điều kiện thời tiết nóng bức.

    Huyền thoại về cái nanh heo rừng được thiên hạ đồn khắp bốn phương: nào là đeo cái nanh heo rừng đạn bắn không trúng mình được, nào là cái nanh heo rừng kỵ lửa, nào là nanh heo rừng đem lại sự may mắn trong kinh doanh.

    Năm 2008, nhóm T “Fulro” đã tìm thấy một bãi xương heo rừng ở cánh rừng cây dầu chai Virachey thuộc lãnh thổ Thái Lan . Khay Tha, thủ lãnh của nhóm thợ rừng Thái Lan đã nhượng quyền khai thác nanh heo rừng cho nhóm T “Fulro” với giá phải chăng 5 lượng vàng và phải bán phân nửa số nanh heo cho Khay Tha. Nhóm T “Fulro” được Khay Tha cử thợ rừng vũ trang đến bảo vệ khi họ khai thác nanh heo. Rừng Virachey cách cánh rừng Chư Mom Ray của Kontum 2 ngày đường, toàn cây dầu chai, gốc to, đường kính 3-4 m. Người Thái gọi nanh heo là “Sukhoi ni sunk” và nanh heo quý (heo lăn chai, lục chiếc) là “Mụ Kheo”( có người gọi sai nanh heo lục chiếc là độc chiếc vì chữ “lục” có nghĩa là chai sạn)

    Nơi bãi xương heo người ta gọi là “Nghĩa địa heo” hay là “Mỏ heo”. Nhóm T “Fulro đã khai thác đến 3 tháng. Họ đào xuống đất đến 10 m mà vẫn còn tìm được xương và nanh heo rừng. Họ đã thu được hàng tấn nanh heo và hàng chục tấn răng. Như vậy nơi đây là điểm hẹn của loài heo rừng gởi nắm xương tàn cuối đời.

    Những con heo lục chiếc là những con heo rừng lìa đàn, nhưng vẫn đi cách xa và song song với đàn để bảo vệ heo cái và heo con. Chúng đã mài nanh vào thân cây dầu chai cho chảy nhựa ra rồi lăn trên dầu chai để tạo thành bộ giáp khi dầu chai khô cúng. Con heo lục chiếc mông thấp, đầu cao, cặp nanh cong vút, trông rất dữ tợn. Tất cả mãnh thú trong rừng, kễ cả cọp đều phải sợ nó khi đối đầu.

    Truyền thuyết cho rằng heo rừng giấu nanh trong thân cây khi chết là không đúng vì nhóm T “Fulro” đã gặp heo rừng chết lẻ tẻ, nó vùi đầu xuống đất. ( Họ nói: “Heo già yếu, sức lực đâu mà đánh thủng thân cây và giấu nanh trong đó?!”)

    Vì người ta tin nanh heo là bảo vật tâm linh nên ở Thái Lan, một cái nanh heo lục chiếc giá từ 5.000 – 10.000 USD. Chiếc nanh huyền thoại của vị cao tăng Ray A Ma ở Ấn Độ dược rao bán với giá 50.000 Dollars.

    Theo văn hoá Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung thì người ta tin rằng heo là biểu tượng của tiền bạc, sự phồn thịnh, sung túc, tài lộc nên những nghệ nhân đúc tượng heo vàng, lịch mang ảnh heo treo tường, làm heo ống tiết kiệm để..làm giàu, chúc tụng năm mới nhiều may mắn, con cháu đông đúc, phúc lộc dồi dào. Heo cũng là biểu tượng của vật tế lễ, cúng bái, sính lễ trong hôn nhân, lễ tạ ơn, lễ khai trương..

    Heo là một trong 12 con vật tượng trưng cho chu kỳ 12 năm của Địa Chi trong nhiều sự tính toán liên quan tới Can – Chi của Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên..Nó gắn liền với Địa Chi Hợi. Những người tin tưởng chiêm tinh Trung Quốc cho rằng vận mạng con người liên quan tới năm tuổi của 12 con Giáp.

    Người hồi giáo bị cấm ăn thịt heo theo kinh Qur’an. Người Do Thái cũng bị cấm ăn thịt heo theo luật Kashrut.

    Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã làm phép cứu một người bị quỷ ám, Người đã trục hồn quỷ ra khỏi nạn nhân, cho nhập vào đàn heo chạy tới vách núi, chúng lao xuống biển, chết đuối cả đàn.

    Ở châu Âu, heo là vật tế lễ nữ thần Demeter (thần sinh sản trong cổ thuyết Hy Lạp). Thổ dân da đỏ của Mỹ cũng quan niệm heo là biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng. Ở Đức, dự tiệc ăn thịt heo vào đêm Noel mang ý nghĩa ngăn ngừa quỷ thần và đem lại thịnh vượng cho năm mới. Ở Mỹ, heo làm biểu tượng cho đội thể thao như đội thể thao của trường Đại học Arkansas mang tên là Sus scrofa ( con lợn lòi). Đội bóng nhí nổi tiếng, gồm 12 thiếu niên của Thái Lan bị kẹt trong hang Tham Luang ( Tỉnh Chiang Rie) 18 ngày, mang tên là “Đội lợn hoang”.

    Trong kho tàng văn chương bình dân Việt Nam, ca dao, tục ngữ liên quan tới heo, được người ta góp nhặt khá nhiều:

    Đây là lời than của một chàng trai nhà nghèo, lo lắng vì muốn cưới vợ nhưng không có ai giúp đỡ:

    Cưới em anh nghĩ cũng lo,
    Con lợn chẳng có, con bò cũng không.
    Tiền gạo chẳng có một đồng,
    Thiên hạ hàng xứ cũng không đỡ đần.

    Để diễn tả sự chăn nuôi khéo léo của nông gia Việt Nam, ca dao có những câu:

    Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn,
    Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm.

    Nông gia VN biết tính toán nên việc chăn nuôi giúp họ có thêm thu nhâp:

    “Giàu lợn nái, lãi gà con.”

    Tuy nhiên, cũng có khi heo bán bị ế ẩm:

    Ba bà đi bán lợn con,
    Bán đi chẳng được, lon ton chạy về.
    Ba bà đi bán lợn sề,
    Bán đi chẳng được, chạy về lon ton.

    Người đàn bà Việt Nam quán xuyến việc nhà, chịu khó, thương con, chìu chồng, được diễn tả qua những câu ca dao thật dễ thương:

    Đang khi lửa tắt, cơm sôi,
    Lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem.
    Bây giờ lửa đã cháy lên,
    Lợn no, con nín, tòm tem thì..tòm!

    Để chỉ nhà nghèo như chim cồng cộc phải lặn lội bắt cá còn nhà giàu làm lễ giỗ với đầu heo:

    Cồng cộc bắt cá dưới bàu,
    Cha mẹ mầy giàu, đám giỗ đầu heo.

    Dưới đây là những câu ca dao thường nghe phụ nữ nông thôn hát ru con, có tính khôi hài qua các con vật và gia vị để làm thịt chúng:

    Con gà cục tác lá chanh,
    Con lợi ủn ỉn mua hành cho tôi.
    Con chó khóc đứng khóc ngồi,
    Bà ơi! đi chợ mua tôi đồng riềng!

    Để chỉ trích sự thiếu giáo dục con cái trong gia đình, tục ngữ có câu:

    Dưỡng nam bất giáo như dưỡng lư,
    Dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư.
    (Nuôi con trai mà không dạy dỗ như nuôi con lừa,
    Nuôi con gái mà không dạy dỗ như nuôi con heo).

    Để tục ngữ chỉ trích sự gian dối, lừa bịp của con buôn:

    “Treo đầu heo, bán thịt chó”.

    Cha mẹ đi vắng, để trẻ thơ ở nhà nên xảy ra những chuyện thật buồn cười vì tính ngây thơ, phá phách của lũ trẻ:

    Vì không có kẻ trông coi,
    Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà,
    Bao nhiêu củ rím, củ hà,
    Để cho con lợn, con gà nó ăn.

    Ngày xưa, cha mẹ thường ép duyên con, bắt con gái lấy chồng giàu có mà không cần biết con mình có hạnh phúc hay không:

    Mẹ em tham thúng xôi dền,
    Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
    Em đã bảo mẹ rằng:” Đừng!”,
    Mẹ hườm, mẹ nguýt, mẹ bưng ngay vào!
    Bây giờ chồng thấp vợ cao,
    Như đôi đũa lệch, so sao cho bằng!

    Trong một hoàn cảnh khác, một người con gái bị ép duyên phải làm dâu trăm bề khốn khổ như kẻ tôi mọi trong nhà:

    Thân em mười sáu tuổi đầu,
    Cha mẹ ép gã làm dâu nhà người.
    Nói ra sợ chị em cười,
    Năm ba chuyện thảm, chin mười chuyện cay.
    Tối về, đã mấy năm nay,
    Buồn riêng thì có, vui rày thì không.
    Ngày thời vất vả ngoài đồng,
    Tối về thì lại nằm không một mình.
    Có đêm thức suốt năm canh,
    Rau heo, cháo chó lanh quanh đủ trò.

    Sau đây là câu ca dao ẩn chúa “nghĩa bóng” thật là ý nhị:

    Trông mặt mà bắt hình dung,
    Con lợn có béo thì..lòng mới ngon!

    Để trách thiên hạ có sự bất công, hay thiên vị nên việc nhỏ thì muốn xé ra to còn việc đáng chỉ trích, phê phán lại ém nhẹm:

    Mèo theo thịt mỡ: ồn ào,
    Cọp tha con lợn thì nào thấy chi

    Đây là những câu ca dao diễn tả một anh chàng tán gái, nhập đề bằng lối trực khởi:

    Cô kia đi chợ Hà Đông,
    Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi.
    Anh đi, chưa biết mua gì,
    Hay mua con lợn phòng khi cheo làng.

    Một cơ hội tỏ tình của một chàng trai khác khi mượn cớ bỏ quên cái áo để nàng nhặt được rồi ngõ lời rất văn chương tình tứ:

    Hôm qua tát nước đầu đình,
    Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
    Em được thì cho anh xin,
    Hay là em để làm tin trong nhà,
    Áo anh xứt chỉ đường tà,
    Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
    Áo anh xứt chỉ đã lâu,
    May mượn cô ấy vào khâu cho cùng.
    Khâu rồi anh sẽ trả công,
    Ít nữa có chồng, anh sẽ giúp cho.
    Giúp em một thúng xôi vò,
    Một con lợn béo, một vò rượu tâm.
    Giúp em đôi chiếu em nằm,
    Đôi chăn em đắp, đôi trầm em đeo.
    Giúp em quán tám tiền cheo,
    Quan bảy tiền cưới lại đèo buồng cau.

    Vì lo âu không cưới được người yêu nên chàng trai đắp xây mộng ước, mong chàng và nàng được nên duyên chồng vợ:

    Yêu nhau chẳng lấy được nhau,
    Như lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già.
    Bao giờ sum họp một nhà,
    Con lợn lại béo, cau già lại non.

    Người vợ Việt Nam với đức tính cao quý là luôn hy sinh cho chồng:

    Bởi vì con heo nên phải đèo khúc chuối,
    Bởi vì con muỗi nên phải thả màn loan,
    Bởi vì chồng nên thiếp phải chịu đòn oan,
    Phụ mẫu nhà đay nghiến, thế gian chê cười.
    Có những câu ca dao diễu cợt thầy bói dõm:
    Bói cho một quẽ trong nhà,
    Chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên.

    Con heo được nhăc đến trong lễ vật cưới hỏi và tiệc lớn trong làng:

    Em về thưa với mẹ cha,
    Bắt heo đi cưới, bắt gà đi cheo.
    Đầu heo lớn hơn đầu mèo,
    Làng ăn không hết, làng treo đầu đình.
    Ông xã đánh trống thình thình,
    Quan viên níu áo ra đình ăn chao.

    Để chống chế độ phong kiến năm thê, bảy thiếp, có những câu ca dao như sau:

    Làm cho cha mẹ vui lòng,
    Đèn lên đôi ngọn, bá tòng xứng đôi.
    Một vợ thì nằm giường lèo,
    Hai vợ thì năm chèo queo,
    Ba vợ thì ra chuồng heo mà nằm!

    Hôn lễ đôi trai gái nhà nghèo thật đáng thương, chỉ cần đôi bông, cặp vịt chớ không đòi đầu heo, mâm thịt, miễn sao nên duyên chồng vợ và sống bên nhau thủy chung trọn đời:

    Người ta giàu thì đầu heo, mâm thịt,
    Hai đứa mình nghèo thì cặp vịt, đôi bông.
    Người ta thách lợn, thách gà,
    Nhà em thách cưới một nhà khoai lang.
    Câu tục ngữ bày tỏ kinh nghiệm chọn vợ cho con trai:
    “ Mua heo chọn nái, cưới gái chọn dòng.”

    Con heo cũng được đưa lên giá trị để so sánh với chữ duyên:

    Gió Đông lạnh tẻo lạnh teo,
    Bà già lật đật mua heo cưới chồng.
    Cưới về chồng bỏ, chồng dông,
    Bà già nuối tiếc ba đồng mua heo.
    Còn duyên anh cưới ba heo,
    Hết duyên, anh đánh ba hèo đuổi đi!

    Để chỉ những cái ngon lành trước mắt mà không được đụng đến, tục ngữ có câu:

    “Cám treo để heo nhịn đói”

    Để ám chỉ tính tham và lợi dụng cái có sẵn của người khác để làm lợi cho mình, tục ngữ có câu chỉ trích:

    “ Mượn đầu heo nấu cháo”.

    Sau đây là một số thành ngữ liên quan tới heo:

    _Lợn lành thành lợn què.
    _Lợn đói cả năm không bằng tằm đói một bữa.
    _Chăn lợn ba năm không bằng chăn tằm một bữa.
    _Giàu nuôi chó, khó nuôi heo.
    _Lợn chê chó có bọ.
    _Lợn không cào, chó nào sủa.
    _Lợn ăn xong lợn nằm, lợn béo,
    _Lợn ăn xong lợn réo, lợn gầy.
    _Lợn thả, gà nhốt.
    _Lợn giò, bò bắp.
    _Ruột heo hơn phèo trâu.

    Trong văn chương Việt Nam, có tác phẩm “Lục súc tranh công”, tác giả Vô Danh, được sáng tác theo lối tuồng, biến thể của lối thơ song thất, có lẽ tác giả ở vào thời Lê mạt hay Nguyễn sơ và ở vùng Nghệ Tĩnh vì căn cứ theo những tiếng lòng của địa phương. Truyện kể 6 con vật trâu, chó, ngựa, dê, gà, heo tranh nhau kể công. Sau nhờ lời giảng của chủ nhà, 6 con vật an phận, việc ai nấy làm. Sau đây, xin trích đoạn lời của heo kể công khi bị gà công kích:

    Chú gà chớ lung lăng múa mỏ,
    Giữ, có ngày cắn cổ chẳng tha,
    Ghét thương thì mặc lượng chủ nhà,
    Chớ thóc mách kiếm lời phỉ báng.
    Như các chú lao đao đã đáng,
    Heo thong dong ăn nhảy mặc heo,
    Nội hàng trong lục súc với nhau,
    Ai sánh đặng mình heo béo tốt?
    Vua ngự lễ Nam Giao đại đột,
    Phải có heo mới gọi tam sanh,
    Đừng đừng quen lời nói lanh chanh,
    Bớt bớt thói chê ai ăn ngủ,
    Kìa những việc hôn nhân giá thú,
    Không heo ra tính đặng việc chi?
    Dù cho mời năm bảy chuyến đi,
    Cũng không thấy một người thấp thoáng.
    Việc hoà giải, heo đầu công trạng,
    Thấy mặt heo, nguôi dạ oán thù,
    Nhẫn đến khi ngu phụ, ngu phu,
    Giận nhâu đánh giập đầu chảy máu,
    Làng xã tới lao đao, láu đáu,
    Nào thấy ai gỡ rối cho xong,
    Khiên heo ra để lại giữa dòng,
    Mọi việc rối đều xong trơn trải.
    Phải chăng, chăng phải,
    Nghĩ lại mà coi,
    Viậc quan, hôn, tang, tế, vô hồi,
    Thảy thảy cũng lấy heo làm trước.
    Bởi gà nhỏ nói lời lấn lướt,
    Nên phải phân ít chuyện mà nghe,
    Dễ heo nào có dạ dám khoe?
    Khắn khắn cũng lo làm việc phải.
    Heo cũng biết đền ơn, báo ngãi,
    Heo cũng hay tiêu hoạ, trừ tai,
    Toái thân phân cốt chi nài?
    Nát thịt tan xương bao quản?
    Lòng thờ chủ ngay đà tỏ rạng,
    Thân mình nầy ví hẵng như không.

    Trong truyện “Tây Du Ký” có nhân vật Trư Bát Giới, trước là Tiên Bồng Nguyên Soái, vì mắc tội “dê” Hằng Nga nên bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian làm heo. Con heo Trư Bát Giới theo phò Tam Tạng đi thỉnh kinh, vẫn mang tính heo tham ăn và mê gái nên bị yêu nữ bắt, nếu không nhờ Tôn Ngộ Không thì đã toi mạng.

    Trong Truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa, có nhân vật Tào tháo quá đa nghi, đã giết lầm người ơn. Năm 190, tào Tháo được Đổng Trác ( lúc nầy đang khống chế triều đình và xưng là Thái Sư) phong lên chức Kiêu Kỵ Hiệu Úy. Sau đó, Tào Tháo muốn giết Đổng Trác, nhưng âm mưu bị bại lộ nên phải chạy trốn khỏi thành Lạc Dương, đến Thành Cao, phía Bắc Trịch Châu và tá túc nhà người quen là Lã Bá Sa. Đêm đến, Lã Bá Sa mài dao, chuẩn bị làm thịt heo, Tào Tháo nghi ngờ Lã Bá Sa dịnh giết mình nên xuống tay hạ sát cả gia đình Lã Bá Sa.

    Nói về thức ăn làm thừ thịt heo thì giấy mực nào kể cho hết. Xin kể một số món tiêu biểu như: thịt heo quay, chả lụa, bún bò gió heo, cháo lòng, thịt heo giả cầy, lòng heo non xào hành răm, thịt rang cháy cạnh, thịt ba chỉ rán, thịt heo ran tỏi ớt, lòng heo khìa nước dừa, cà tím xào thịt heo, dồi trường heo hấp hành, thịt ba chỉ kho ngũ vị hương, sườn sốt chua ngọt, thịt kho ruốc sả, thịt chiên dòn sốt dứa, đậu hủ dồn thịt sốt cà, thịt heo xào kim chi ..vân vân ..và vân vân.

    Con heo không xấu xa như người ta gán ghép, nào là ăn bẩn như heo, nào là ngủ như heo, nào là ở dơ như heo, vì nó đã hiến thân cho đời sống ấm no, hạnh phúc của con người qua các món ăn thích khẩu nhờ có thịt heo. Đã vậy mà còn ghép tên heo với loại phim làm dơ bẩn xã hội là “Phim con heo”. Heo ăn tạp, ăn nhiều nên người ta gọi bọn tham nhung là “hạm heo”. Nhưng, bọn hạm heo làm sao sánh được với heo vì con heo cống hiến thịt cho đời còn bọn hạm heo, ngày nay là cả bọn CS bán nước, hại dân chẳng những ăn hết của nhân dân từ thượng vàng, hạ cám mà còn hút máu nhân dân nữa và đem bán cả giang san của nòi giống Rồng Tiên.

    KHA LĂNG ĐA


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X