Thông báo

Collapse
No announcement yet.

LÒNG HEO và rượu CORDON BLEU

Collapse
X

LÒNG HEO và rượu CORDON BLEU

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • LÒNG HEO và rượu CORDON BLEU

    LÒNG HEO và rượu CORDON BLEU

    Thiên Lôi Miệt Dưới



    TIỀN PHI:

    Vào đầu năm dương lịch, bạn hiền khongquan2 đã ưu ái thết đãi người viết trên trang nhà HQPD, nguyên văn như sau:

    Đầu năm tớ làm cỗ đãi tiệc "ông Trùm" xứ đạo Hố Nai, nhìn không cũng đủ chảy nước rãi... Đậu rán, lòng luộc chấm mắm tôm tuyệt vời. (Kèm theo ba tấm hình chụp đậu rán, lòng luộc, và một chai rượu cognac Martell Cordon Bleu)

    * * *

    Người tây phương có câu ngạn ngữ “Những tư tưởng lớn thường gặp nhau”, áp dụng vào trường hợp khongquan2 và người viết quả thật chính xác.

    Trước năm 1975, hai chàng hai chỉ số khác nhau, người phục vụ tại BTL/KQ, kẻ trấn thủ lưu đồn nơi xứ Thượng, không ở tù Việt Cộng chung trại, ra hải ngoại mỗi người hùng cứ một bên bờ đại dương, văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình mà lại cùng thích xơi đậu rán, lòng heo, cùng thích uống Cordon Bleu, thì quả thật... tư tưởng lớn gặp nhau!

    Năm nay lại là năm Hợi, người viết cũng nhân dịp này có đôi dòng về lòng heo, món nhậu khoái khẩu của dân Bắc Kỳ mà nay nơi xứ người chỉ còn là... huyền thoại, đồng thời tán hươu tán vượn về chai Cordon Bleu, loại mỹ tửu thường được sánh với mỹ nhân – về cả sắc, hương, vị!

    DÂN CHƠI CỔNG SỐ 6

    Tuy nhiên trước khi viết về lòng heo và chai Cordon Bleu, xin được phép đính chính: mặc dù cả sự nghiệp ăn nhậu lẫn đường tình ái đều liên quan mật thiết tới địa danh “Hố Nai”, người viết không phải một "ông Trùm” xứ đạo Hố Nai như khongquan2 đã viết, mà là "dân chơi" khét tiếng ở khu vực Cổng xe lửa số 6, Phú Nhuận.

    Nguyên sau khi di cư vào Nam năm 1954, gia đình người viết tá túc nhà bà con ở nhà Thị Nghè một thời gian ngắn rồi lên Trảng Bàng, Tây Ninh, lập nghiệp ở xóm đạo Tha La, tới năm 1957 mới quay về Sài Gòn, sống với bà ngoại ở khu vực Cổng xe lửa số 6, đường Trương Minh Giảng nối dài, sau này gọi là đường Trương Minh Ký, Phú Nhuận.

    [Bước đường lưu lạc của đám Bắc Kỳ di cư 54 xuống tận Tha La – sinh quán của “người hùng Hoàng Sa” Hải quân Thiếu tá Ngụy Văn Thà, một địa danh mà trước kia ngay cả dân Nam Kỳ cũng có nhiều người tưởng lầm nằm bên xứ Chùa Tháp – khi nào có dịp, người viết sẽ kể hầu độc giả]

    Một cách chi tiết, nhà người viết nằm trong Hẻm số 6, cách Cổng xe lửa số 6 khoảng độ 50m, gần ngã tư Trương Minh Giảng & Nguyễn Huỳnh Đức. Đây là một con hẻm khá rộng rãi, sạch sẽ, xe hơi ra vào được, có một cái chợ chiều nho nhỏ, một dãy nhà mái ngói tường gạch 10 căn mới xây, cư dân đa số là công tư chức, sĩ quan, giới cầm bút, nghệ sĩ, sinh viên... chứ không xô bồ như sau này khi quân đội Mỹ đã tràn ngập Hòn Ngọc Viễn Đông.


    Đường Trương Minh Giảng nhìn từ hướng Sài Gòn, Quận 3, qua tiệm thuốc lào 888 Tiến Phát trở thành đường Trương Minh Ký, Phú Nhuận, Quận Tân Bình, phía bên phải có tấm biển màu trắng ghi: RANH ĐÔ THỊ SAIGON; đường vào giáo xứ Bùi Phát phía bên trái (hình chụp năm 1966)


    Ngoài đầu hẻm là nhà nữ ca sĩ Minh Hiếu, giữa hẻm, dưới tàng cây điệp cổ thụ là nhà một cô ca sĩ đang lên (người viết quên mất phương danh) bị thất tình nam ca sĩ Anh Ngọc tự tử chết; sau này nghe nói cô hay hiện về ngồi trên cây điệp khóc tỉ tê. Sau lưng nhà người viết là một cái ngõ cụt, trong đó có nhà thủ môn Đực 2.

    Ngày ấy, nữ ca sĩ Minh Hiếu còn trẻ, được xưng tụng đẹp sang giống cô đào Liz Taylor của xứ Cờ Huê, chứ chưa trở thành “bà Vĩnh Lộc”; cô chạy một chiếc xế hộp thể thao màu đỏ, sau bán lại cho một ông Trung úy Không Quân đẹp trai hào hoa phong nhã.

    Đối diện Hẻm 6, phía bên kia đường Trương Minh Giảng là một con đường đất không tên (sau này gọi là đường Thiệu Trị) đi vào một cái nghĩa địa cổ xưa hoang phế có tháp Phong Thần và sân quần vợt, có ngõ tắt đi bộ sang đường Công Lý. Cho tới cuối thập niên 1950, con đường không tên ấy hãy còn lũy tre già che khuất ánh dương, là nơi hành nghề của các bà đồng, thầy cúng, nhưng chẳng hiểu sao lại lọt vào một gia đình trung lưu, sản sinh cho đời một bông hoa biết nói rất đáng yêu và khá nổi tiếng: nữ văn sĩ Lệ Hằng.

    Chính tại con Hẻm 6, người viết bắt đầu yêu thích Không Quân và ôm mộng gia nhập quân chủng hào hoa phong nhã này.

    Nguyên ông Trung úy Không Quân nhắc tới ở trên là chỗ quen biết, sau khi lấy vợ đã được bà ngoại của người viết cho thuê một căn trên lầu để xây tổ ấm.

    Ông Trung úy KQ này (về sau lên tới cấp Trung tá) khá vui tính, rất thân thiện và cực kỳ... naughty. Cùng với việc khoe người viết những tấm slide màu chụp ông đứng trước các loại phi cơ tối tân hiện đại khi du học bên Mỹ, ông còn lén cho thằng bé mới 13, 14 tuổi xem những tấm chụp đàn bà con gái xứ Cờ Huê... khỏa thân 100%!

    Ba yếu tố nói trên – ông Trung úy Không Quân đẹp trai và naughty, hình các loại phi cơ tối tân hiện đại của Hoa Kỳ, tòa thiên nhiên của những người đẹp Mỹ quốc – đã khiến thằng bé ngây thơ vô tội ấy ôm mộng vào Không Quân, để được mặc đồ ka-ki vàng đội nón kết-pi xanh, được lái phi cơ phản lực, được du học ở Mỹ nơi có những cô gái mắt xanh da trắng sexy, đa tình.

    Thế nhưng tới khi xếp bút nghiên theo việc đao cung, tuy cũng vào được Không Quân, người viết chỉ làm việc ở văn phòng chứ không được lái máy bay, không được du học ở Mỹ, cho nên cũng chẳng có cơ hội "hủ hóa" với những người em tóc vàng sợi nhỏ.

    LÒNG HEO BẮC KỲ

    Tới đây xin vào đề: lòng heo.

    [Đúng ra người Bắc gọi là “lòng lợn”, tuy nhiên vì hai chữ “lòng lợn” có thể gợi tưởng tới “lợn lòng”, về sau ở miền Nam VN, Bắc hay Nam cũng đều gọi là “lòng heo” cho êm tai, lịch sự]

    Lòng heo vừa là đồ nhắm (đồ nhậu) của các ông vừa là thức ăn trong bữa cơm của người Bắc, cho nên nam phụ lão ấu đều có thể xơi được.

    Có thể viết lòng heo là món nhậu phổ biến nhất ở miền Bắc bởi vì bò thì rất hiếm, trâu để cày ruộng, gà để đẻ trứng (và nấu cháo cho người bệnh), chó để giữ nhà (và dọn kít trẻ con), chỉ có lợn là bị giết thịt đều đều.

    Hồi còn ngoài Bắc, người viết sống ở một vùng quê - huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định - chẳng mấy thuở được ăn lòng heo. Bởi vì ở chợ quê, mỗi ngày người ta chỉ giết một con lợn, nhà nào có khách hoặc cần mua để biếu xén ai, thì đã ra chợ sớm để mua bộ lòng. Chỉ trong các dịp tết nhất, đình đám, ma chay giỗ kỵ, mấy gia đình trong họ chung nhau giết một con lợn thì mới được ăn lòng.

    Sau khi vào Nam ở Cổng xe lửa số 6, nếu có được ăn lòng heo thì cũng là lòng đã được luộc sẵn, bán ở chợ Bùi Phát -
    một xứ đạo Bắc Kỳ di cư nằm phía trong Vườn Xoài - lúc thiếu món này khi thiếu món khác; hơn nữa ở Sài Gòn thiếu gì món nhậu hấp dẫn, đám con trai Bắc Kỳ lớn lên trong Nam cũng không hưởn ăn lòng heo.

    Phải đợi tới khi đi lính, thuyên chuyển từ xứ Thượng về xứ Bưởi, người viết mới có dịp “về nguồn” và khám phá ra những tinh túy và cái ngon tuyệt vời của lòng heo.

    * * *
    Trước năm 1975, Biên Hòa là thành phố lớn nhất ở Vùng 3 Chiến Thuật, vốn được xây dựng từ thuở chúa Nguyễn cho một vị quan nhà Minh là Trịnh Hoài Đức khai phá đất Đồng Nai (nghĩa là Đồng Nai phát triển trước Sài Gòn - Gia Định), lại là nơi đặt Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, có căn cứ không quân Biên Hòa lớn nhất Đông Dương, cho nên hàng quán vô số kể, các “tụ điểm” giải trí – lành mạnh cũng như không lành mạnh – mọc lên như nấm, từ Chợ Đồn tới bờ sông, từ Lò Than tới cổng Quân Đoàn, từ Dốc Sỏi tới Rừng Cao Su, từ Ngã Ba Vườn Mít tới Ngã Ba Tam Hiệp...


    Tuy nhiên, nếu gạt bỏ những mục “giải trí không lành mạnh” sang một bên để chỉ bàn về ăn nhậu thuần túy, người viết cho rằng xứ Bưởi không thể sánh với các tỉnh miền Tây. Ngoài một vài nhà hàng sang trọng ở bờ sông dành cho các đại gia, dân trung lưu và thành phần “lính cậu”, thành phố Biên Hòa không có những quán nhậu “cao cấp” cỡ quán nhậu Trung Thành ở cầu Băng Ky, cũng không có những quán bình dân nhưng hấp dẫn như ở Miệt Dưới... Tạm gọi là độc đáo chỉ có mấy quán thịt rừng. Nhưng weekend nào cũng heo rừng xào lăn, nai nướng vỉ, lẩu dê... cũng chán, chưa kể giá cả rất ư... thiếu tình quân dân cá nước!

    Vì thế, sau này người viết mới theo mấy chú lính KQ gốc Bắc 54 về các khu di cư Tân Mai, Hố Nai, Tam Hiệp thưởng thức “đặc sản Bắc Kỳ”.

    Người Bắc xưa kia không có truyền thống ăn nhậu, vừa vì bản tính cần kiệm vừa vì không được thiên nhiên ưu đãi như dân trong Nam, cho nên có thể viết món ăn duy nhất được xem là đồ nhậu đúng nghĩa là... thịt chó. Nhưng, tạm thời gạt bỏ yếu tố tôn giáo, phong tục tập quán sang một bên, thì kể cả những bợm nhậu chuyên nghiệp cũng chẳng ai ăn thịt chó ngày này qua tháng khác, bởi thịt chó tuy bổ dưỡng (?) nhưng có tính nhiệt, ăn nhiều dễ bị khó tiêu, no hơi sình bụng; chưa kể tới mùi thịt chó sau khi ăn vào, một cái mùi rất khó diễn tả nhưng chắc chắn không thanh tao một chút nào. Kể cả dồi chó!

    Người ta thường ca tụng “Sống trên đời ăn miếng dồi chó, xuống âm phủ biết có hay không”, nhưng cả đến dồi chó đúng điệu Bắc Kỳ cuốn quanh thân trúc xanh nướng trên than hồng thơm phức, ăn vào cũng thở ra toàn mùi... thịt chó!

    [Để tránh tranh luận có thể xảy ra, xin được nhấn mạnh trên đây chỉ là nhận xét của cá nhân người viết]


    Thứ đến, thịt chó ở Biên Hòa không ngon. Thịt chó ngon theo đúng tiêu chuẩn Bắc Kỳ phải là thịt chó ở Xóm Mới (Gò Vấp) và một vài tiệm ở Ngã Ba Ông Tạ và cổng trại Hoàng Hoa Thám của Nhảy Dù (đối diện nhà thờ giáo xứ Tân Việt), còn thịt chó dài dài từ đầu xa lộ xuống tới Ngã Ba Tam Hiệp, dù có lấy tên quán là Sống Trên Đời, Nai Đồng Quê, Mộc Tồn, Cây Còn, Lá Mơ... cũng đều là thịt chó mất gốc!

    Vì thế, sau mấy lần được các chú lính đưa đi thưởng thức thịt chó, bê thui, lòng heo ở Tân Mai, Ngã Ba Tam Hiệp, Hố Nai, người viết đã kết lòng heo Hố Nai, một cách chính xác là ở Chợ Sặt, Hố Nai.

    Cũng xin có đôi hàng đan thanh về Chợ Sặt, trung tâm thương mại, ẩm thực của vùng Hố Nai.

    Hố Nai nằm dọc Quốc Lộ 1, trải dài hơn 10 cây số, phân chia thành nhiều giáo xứ cho giáo dân từ Bắc di cư vào Nam; thường thường ngoài Bắc ở địa phương nào khi vào Hố Nai sẽ lấy danh xưng đó. Theo ký ức của người viết, từ cây số 6 (tính từ trung tâm thành phố Biên Hòa) lần lượt là những giáo xứ lớn sau đây: Phúc Hải, Bắc Hải (Hải: Hải Dương), Hà Nội, Kẻ Sặt, Thánh Tâm, Thái Bình, Thanh Hóa, Bùi Chu, Bắc Ninh...

    Trong số này Kẻ Sặt, nằm ngay ngã ba xa lộ, là khu vực sầm uất nhất, không phải sau khi đã có xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa mà từ trước đó.

    Kẻ Sặt nguyên là một làng lớn (sau trở thành thị trấn) ở tỉnh Hải Dương, có truyền thống thương mại, sau khi di dư vào Nam, trong khi đa số người dân Hố Nai phá rừng làm rẫy thì người Kẻ Sặt lo buôn bán, chỉ hai năm sau (1958) đã thiết lập Chợ Kẻ Sặt, gọi tắt là Chợ Sặt.

    Nghe kể lại vào thời Đệ nhất Cộng hòa, giáo xứ Kẻ Sặt đã được nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo quốc tế tới thăm, coi đây như một thành công điển hình của việc định cư giáo dân miền Bắc, trong số này có vị Khâm Sứ Tòa Thành và Hồng Y Giáo Chủ Francis Spellman của Nữu Ước.

    [Hồng Y Giáo Chủ Francis Spellman (1889 – 1967) là vị Tổng Giám Mục đời thứ 6 của Nữu Ước. Là một người chống Chủ nghĩa Cộng sản một cách triệt để, Ngài đã hết lòng bao bọc, giúp đỡ ông Ngô Đình Diệm trong thời gian tha hương, và sau này vào năm 1954, đã ra sức vận động Thế Giới Tự Do hỗ trợ cuộc di cư của hơn một triệu người Việt từ miền Bắc vào Nam.

    Dĩ nhiên, CSVN coi Hồng Y Francis Spellman là một kẻ tử thù. Cho tới nay, các trang mạng chính thức của CSVN cũng như ngoại vi như sachhiem.net, Vietsciences... vẫn tiếp tục xuyên tạc, đả kích, bôi nhọ Hồng Y Spellman cùng với giáo hội Công Giáo và hai nền Cộng Hòa của miền Nam VN]


    Thời gian người viết từ Pleiku thuyên chuyển về Biên Hòa (1972), giáo xứ Kẻ Sặt đang xây ngôi thánh đường nguy nga với nét kiến trúc Đông Phương đặc thù, mà nhiều người cho là chịu ảnh hưởng của nhà thờ Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, do Linh mục Trần Lục xây vào cuối thế kỷ 19.


    Về phần các chủ tiệm buôn, hàng quán ở Chợ Sặt hầu hết đã trở thành những “đại gia”, nhiều nhà đã sắm xế hộp.

    Trai gái ở Chợ Sặt tuy mang tiếng “dân Hố Nai” nhưng văn minh (và chịu chơi) hết mình, có cả các ban nhạc trẻ, con gái thì mặc quần ống loe lưng xệ phóng Honda như bay!

    Cái quán lòng heo mà người viết kết nằm trên quốc lộ 1, đối diện Chợ Sặt, tuy không phải cái quán bề thế, khang trang, sạch sẽ nhất trong vùng, nhưng rất ngon và giá... hơi đắt!

    Với người sành điệu - ăn cầu ngon chứ không cầu sang - thì điều này cũng chẳng có gì mâu thuẫn, khó hiểu: những vị chủ nhân hàng quán yêu nghề (và dấu nghề) thường muốn tự tay mình thực hiện các món ăn để phục vụ thực khách cho nên không muốn xây quán lớn; đồng thời chỉ sử dụng nguyên liệu thực phẩm chất lượng cao để giữ uy tín cho nên không thể bán với giá bình dân.

    Cái quán lòng heo nổi tiếng ở Chợ Sặt ấy thậm chí cái tên cũng chẳng có, chỉ có một tấm biển dựng trước cửa với mấy chữ “Tiết Canh – Lòng Heo – Cháo Lòng”.

    * * *

    Tới đây, trước khi mời độc giả cùng vào quán lòng heo ở Chợ Sặt để thưởng thức, người viết xin có đôi dòng về món lòng heo Bắc Kỳ một cách chung chung.

    Như đã viết ở một đoạn trên, sở dĩ lòng heo được xem là món nhậu phổ biến nhất ở miền Bắc là vì trâu bò thì hiếm, gà thì quý, chó để giữ nhà, chỉ có lợn được nuôi với mục đích duy nhất là để giết thịt.

    [Theo thống kê mới nhất, thịt heo chiếm tới 73,3% trong tổng số thịt người Việt tiêu thụ, tiếp theo là gà vịt 17,5%, chỉ còn lại 9,2% là các loại thịt trâu, bò, dê...]

    Một bộ lòng heo đầy đủ gồm chín thứ, tám thuộc lục phủ ngũ tạng là tim, thận, gan, lá lách, dạ dày, cổ hũ, lòng non (ruột non), lòng già (ruột già), và một thuộc cơ quan truyền giống là tràng.

    “Cổ hũ” là phần trên của dạ dày nối liền với thực quản, nhiều người gọi là “cuống họng” là thiếu chính xác. “Tràng”, có khi còn gọi là “trễ”, dân quê miền Bắc gọi là “trường”, là dạ con và ống dẫn trứng của lợn cái. Lòng non để luộc, còn gọi là "dồi trường", "phèo", và lòng già để làm vỏ của “dồi”.

    Trong chín thứ nói trên, tim, thận, dạ dày, và tràng là bốn thứ đứng đầu. Có điều là tuy được cho đứng đầu nhưng tim và thận lại không phải hai món khoái khẩu nhất - ít nhất cũng là với dân nhậu.

    Người viết tin rằng các cụ cho tim, thận đứng đầu chẳng qua chỉ vì quan niệm “ăn gì bổ nấy”, đặc biệt là thận, mà người Bắc gọi là cật, hoặc văn hoa hơn là bồ dục (bầu dục).

    Theo Tây y, thận (heo, bò, dê...) chứa nhiều chất đạm, chất béo, các chất khoáng, các sinh tố A, B1, C, PP... Còn theo Đông y, “thận vị mặn, tính lạnh không độc, có công hiệu bổ thận, ích tinh, tráng dương, chữa thận hư, suy yếu tình dục, di tinh mộng tinh, xương khớp đau mỏi, tai ù, mồ hôi trộm...”

    Trong số các loại thận kể trên, thận heo (cật lợn) được ưa chuộng hơn cả, để làm thức ăn cũng như làm thuốc, vừa vì thận heo trắng hồng, thơm ngon, mềm hơn thận bò thận dê, vừa vì người ta tin rằng nó bổ dưỡng (và bổ dương) hơn.

    Không biết các mợ Nam Kỳ nghĩ sao, riêng các mợ Bắc Kỳ thì tuyệt đối tin tưởng cật lợn là thần dược cho các đấng lang quân bị suy yếu tình dục. Nếu đêm qua chàng cứ xìu xìu ển ển như “kỳ vô phong”, hay “chưa đánh đã thua”, hoặc “đầu hàng sớm” thì sáng ra mợ sẽ cắp rổ đi chợ thật sớm để mua cặp bồ dục về cho chàng bồi dưỡng.

    Phải đi chợ thật sớm bởi hai nguyên nhân:

    (1) Mỗi ngày người ta chỉ giết ngần ấy con lợn (chợ làng quê chỉ giết một, hai con), đi muộn có thể bị các mợ khác (đồng cảnh ngộ) chớp mất.

    (2) Đi sớm để tránh bị nhiều người chú ý (việc mua bồ dục), để khỏi phải ngượng ngùng cũng như để giữ thanh danh, uy tín cho ông chồng... vô tích sự.

    Riêng ở các xứ đạo Công Giáo, ngoài các mợ mua bồ dục về bồi dưỡng cho chồng, còn một thành phần nữa (tuy ít hơn) cũng mua bồ dục là các bà sùng đạo (mộ quả) mua “lỡi” để vào nhà xứ “biếu Cha”.

    Ngày ấy, món lỡi biếu Cha này được gọi một cách thanh tao lịch sự là “cỗ lòng chay”, gồm tim, gan, bồ dục, lá lách. Khi người viết thắc mắc về chữ “chay” thì được thân mẫu giải thích đại khái như sau:

    Tim, gan, bồ dục, lá lách không phải là thịt thà mỡ màng khó tiêu, cũng không phải là những thứ... kém sạch sẽ trong bộ lòng (cổ hũ, bao tử, dạ con, ruột non, ruột già), mà là những món thanh tao, nhẹ bụng.

    Nghe cũng có lý, chỉ có điều không ổn là nếu sự tin tưởng của các mợ Bắc Kỳ vào “bồ dục” là đúng, mà lại đem biếu các Cha thì... trớt qướt; bởi các ngài là người tu hành đâu cần tới món ăn “bổ thận, ích tinh, tráng dương” ấy!

    [Xin được thanh minh thanh nga: rất có thể thông lệ mua “cỗ lòng chay” để biếu Cha chỉ có vào một thuở xa xưa ở xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định của người viết, còn ở các nơi khác cũng như tại hải ngoại ngày nay, chẳng ai lại đi biếu các Cha những thứ sống sít ấy cả]

    * * *

    Tới đây viết về cách làm lòng heo. So với các món nhậu phổ biến khác, làm lòng heo tương đối đơn giản, ngoại trừ món “dồi”.

    Viết một cách ngắn gọn, tất cả mọi thứ tim, gan, thận, lá lách, dạ dày, tràng, cổ hũ, lòng non (ruột non) chỉ cần rửa sạch rồi bỏ vào nồi luộc, có cần lưu ý chăng là dạ dày, tràng, lòng non đừng luộc kỹ quá, ăn sẽ bị dai.

    Chỉ có món dồi là khó. Thực ra, nguyên tắc làm dồi heo hầu như dân Bắc Kỳ nào cũng biết, nhưng không phải ai làm cũng đạt, cũng ngon. Có thể viết đây là món công phu nhất trong lòng heo, và cũng là món mà qua đó thực khách có thể đánh giá trình độ tay nghề và bí quyết của chủ quán.

    Còn nhớ hồi ở ngoài Bắc, trong gia tộc của người viết có ông bác họ làm dồi và đánh tiết canh nổi tiếng, nhà nào ngả lợn cùng đều nhờ ông đảm trách hai món ấy. Hiện nay tại hải ngoại, vì lòng già (ruột già) của heo Mỹ heo Úc không thể sử dụng (rất hôi và có đường kính quá lớn), cho nên nếu có điều kiện, phương tiện làm dồi, người ta đều làm theo kiểu miền Nam, tức là vỏ dồi làm bằng lòng non (ruột non), và sau khi luộc (hoặc hấp) chín sẽ được chiên trước khi ăn.

    “Mợ chủ” của người viết cũng thế thôi, tuy nhiên để vớt vát, mợ đã cố gắng duy trì thành phần nhân dồi theo đúng truyền thống Bắc Kỳ, khiến người viết (chưa bao giờ về VN) cũng phần nào vơi bớt nỗi nhớ... dồi.

    Lẽ dĩ nhiên, mợ được các bà bạn không tiếc lời tán dương và hỏi bí quyết. Nhưng, cũng theo đúng truyền thống Bắc Kỳ, mợ dứt khoát dấu nghề, cho nên sau đây người viết chỉ có thể phổ biến thành phần nguyên liệu, còn cách thức và bí quyết làm dồi thì bị... classified!

    - Lòng non (ruột non): 500gr
    - Tiết heo đông: 1kg
    - Mỡ chài: 200gr
    - Sụn cuống họng: 200gr
    - Thịt ba chỉ: 100gr
    - Húng quế, tía tô, rau răm, hành lá, củ hành tím
    - Đường, muối; ai không sợ đau bao tử có thể thêm bột ngọt.

    CHÚ THÍCH: Dồi heo làm sẵn bán ở một số tiệm ở Úc thường bỏ sả vào nhân. Khi được chiên lên, ăn có thể thơm hơn nhưng sẽ mất mùi “dồi Bắc”. Thậm chí một số bà nội trợ còn “chế” bằng cách thêm gừng và riềng băm nhỏ vào nhân, ăn y như là dồi... chó!

    TIẾT CANH - CHÁO LÒNG


    Viết về món lòng heo của người Bắc mà không nhắc tới tiết canh quả là một thiếu sót không thể chấp nhận.

    Theo trang mạng bách khoa tự điển Wikipedia, tiết canh là một món ăn độc đáo của Việt Nam, không nơi nào trên thế giới có món này. Ba loại tiết canh được ưa chuộng nhất là tiết canh heo, tiết canh vịt (trong đó có vịt xiêm), và tiết canh dê; ở đây chỉ nói về tiết canh heo.

    Tiết canh heo gồm tiết đã hãm (cho khỏi đông) và nguyên liệu để làm nền (base), gồm rau thơm, sụn giòn, cổ họng, phèo, phổi đã luộc chín rồi băm nhỏ, băm càng nhỏ thì ăn càng ngon và thấm; sau hết là những miếng gan luộc, thắt mỏng để đặt lên trên đĩa tiết canh.

    Trước khi ăn, rắc lạc rang giã vừa phải lên trên, vài cọng rau thơm, vài tép tỏi, miếng chanh...

    Trong một buổi ăn lòng heo, tiết canh là món khai vị (entrée), kế tới là món chính (lòng heo), và kết thúc với cháo lòng.

    Tới đây lại phải có đôi dòng về cháo lòng. Với đa số người miền Nam, cháo lòng là một món ăn tương đối bình dân, nhưng với dân Bắc kỳ chính gốc, “cháo lòng” là cháo cao cấp, còn “cháo huyết” mới là cháo rẻ tiền.


    Cháo lòng của người Bắc được nấu bằng nước xương hầm (xương ninh) và có tim, gan, thận, dạ dày..., trong khi nước ngọt của cháo huyết chỉ là tiết cuối khi chọc tiết lợn, nên bát cháo huyết màu đen xỉn, lèo tèo vài miếng phổi, huyết cứng, thịt vụn, trông rất ư... bình dân nên giá cả cũng bình dân.

    ĐẬU RÁN



    Ăn lòng heo hoặc cháo lòng của người Bắc mà thiếu một đĩa đậu phụ rán (đậu chiên) thì coi như mới chỉ đạt tới 75% cái ngon.

    Người viết đã bỏ công tìm hiểu nhưng không thể tìm ra lời giải thích tại sao đậu phụ rán lại hợp với lòng luộc và cháo lòng đến như thế.

    Một số người thuộc các thế hệ đi sau, hoặc không chịu tìm hiểu tới nơi tới chốn, đã viết rằng đậu rán chỉ để ăn với cháo lòng, tương tự “dầu cháo quẩy”. Viết như thế là “un-backyism” (từ này mới sáng tạo, không có trong tự điển Oxford, Collins...)

    Còn nếu đem món đậu phụ dồn thịt chiên ra để chứng minh đậu phụ hợp với thịt heo cũng không đủ sức thuyết phục, vì ở đây đậu phụ được rán riêng rẽ để ăn dặm với lòng heo hoặc cháo lòng.

    Riêng người viết, qua trải nghiệm của bản thân, nhận thấy ăn lòng heo mà lâu lâu chơi một miếng đậu rán thơm lừng thì nó vừa bùi vừa béo không bút mực nào tả xiết!

    Cách làm món đậu rán chẳng có bí quyết gì cả, ngoài việc nên mua loại đậu thật mịn (không bị xác) thì rán mới không bị khô; đồng thời phải ăn lúc còn nóng thì mới tận hưởng được cái thơm ngon của nó.

    (KỲ TỚI: Lòng heo Chợ Sặt và rượu Cordon Bleu)

  • #2
    Hôm nay mới mở rộng tầm nhìn, bái phục sư huynh " Thiên lôi miệt dưới " DQY mới copy hình đường Trương minh Giảng khúc tiệm thuốc lào 888 Tiến Phát gỡi bx là dân BK 54 ở xứ Bùi Phát xem để nhớ.
    Huynh tưởng tượng ngày trước DQY là dân Nam kỳ, ngoại đạo mà dám đơn thân độc mã vào xứ Đạo Bùi Phát tán tỉnh một em ba ke xinh xắn ,đám trai trong xứ đạo kên DQY dử lắm ,cuối cùng cũng ẵm dzià thành bà xả cho tới giờ. Đúng là dân lì bạt mạng không? Bài viết này xứng đáng lưu vào văn học vì công trình sưu tầm biên khảo của HT.
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 02-12-2019, 02:35 PM.

    Comment


    • #3
      Bài viết hay! Number One! Chờ đọc bài viết kế tiếp....

      Comment


      • #4
        Cám ơn NT NHT. Bài viết trên đã khiến tôi nhớ lại gốc gác của mình. Vào Nam, tôi lớn lên trong một họ lẻ, thuộc xứ Tân Việt, đối diện Sư Đoàn Dù (gần ngã tư Bảy Hiền).
        Nói đến thịt cầy ở SG mà không nhắc đến 2 tiệm Mộc Tồn và Cờ Tây nằm đối diện nhà thờ Tân Việt là còn thiếu sót. Một món rất nổi tiếng nơi đây là chả chìa. Món này được nướng trên bếp than trước cửa tiệm, ngay sát lề đường Lê Văn Duyệt nên ai đi ngang qua cũng phải nuốt nước rãi.
        Last edited by Nguyen Huu Thien; 02-08-2019, 06:34 AM.

        Comment


        • #5
          ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ

          Cám ơn bạn ks.nhiem đã bổ túc chi tiết về hai quán Mộc Tồn và Cờ Tây, tôi đã sửa lại đoạn này trong bài viết.

          Trước khi nhập ngũ năm 1968, tuy chưa có dịp ghé hai quán thịt cầy nói trên, tôi cũng khá rành khu Ngã Tư Bảy Hiền và khu người Bắc di cư ở Tân Việt.

          Trước hết, vì cha Tường, Hiệu trưởng Trường Trung Học Đắc-Lộ, là người thân thuộc nên lâu lâu tôi lại chở bà ngoại tới thăm Cha.

          Thứ đến, tôi có người dượng út là dân Nhảy Dù (Khóa 13 VBQG Đà Lạt) phục vụ trong trại Hoàng Hoa Thám, mướn nhà ngay bên ngoài cổng trại (chắc cũng gần hai quán Mộc Tồn và Cờ Tây). Người mướn căn nhà bên cạnh không ai khác hơn là một “đàn em” của dượng: Đại úy Vương Mộng Hồng (Khóa 14 VBQG Đà Lạt), Trưởng Ban 3 Lữ Đoàn Nhảy Dù (ngày ấy chưa thành lập Sư Đoàn).

          Khoảng năm 1965, Đại úy Vương Mộng Hồng tháp tùng một chiếc H-34 của KQVN đi chở thương binh Dù (hình như ở chiến khu Bời Lời), vừa bốc lên thì bị VC bắn rớt, toàn bộ phi hành đoàn, thương binh Dù và Đại úy Hồng bị chết cháy.

          Sau này, tên của cố Thiếu tá Vương Mộng Hồng được lấy để đặt cho tiểu đoàn khóa sinh tân binh Dù ở TTHL Quang Trung: Tiểu đoàn Vương Mộng Hồng.

          Về phần dượng tôi sau đó về phục vụ tại Tiểu Đoàn 1 Dù (trại Nguyễn Trung Hiếu), tử trận tại Phú Bổn năm 1966. Thánh lễ an táng dượng được tổ chức tại nhà thờ giáo xứ Tân Việt. (Cách đây mấy năm, tôi được biết tin cha Hân, ngày ấy là Phó xứ giáo xứ Tân Việt, đang sống lưu vong ở thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland, miền Bắc nước Úc; không biết ks.nhiem có nhớ cha Phó này không?)

          Sau cùng, cũng phải viết về bót cảnh sát Ngã Tư Bảy Hiền, gần trại Phạm Công Quân của Tiểu Đoàn 3 Dù (nơi cố Thiếu tá Ngô Xuân Soạn và một số sĩ quan khác bị hạ sát, vùi xác trong rừng cao-su vì cương quyết không tham gia cuộc đảo chính (hụt) lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1961).

          Như một “thông lệ lâu đời”, sinh viên học sinh bị động viên trình diện nhập ngũ tại Quân Vụ Thị Trấn Sài Gòn (đường Lê Văn Duyệt) khi được xe GMC "mui trần" chở lên Trung Tâm 3 Tuyển Mộ & Nhập Ngũ, đi ngang bót cảnh sát Ngã Tư Bảy Hiền thì đồng loạt la ó, có người còn... liệng đá xuống (ngày ấy tôi chỉ “la” chứ không “liệng”). Thiết nghĩ tuổi trẻ nghịch ngợm thế thôi chứ chẳng có ác ý gì!

          Lần cuối cùng trong đời tôi đi ngang qua Ngã Tư Bảy Hiền là vào năm 1976 khi ở tù VC, bị đưa từ Phú Quốc về Tân Cảng bằng dương vận hạm HQ-503, rồi được molotova chở lên Trảng Lớn (Tây Ninh). Sau này, khi bị đưa lên Sông Bé thì đi ngả xa lộ Đài Hàn, Lái Thiêu, Bình Dương..., nên không trở lại đường xưa lối cũ. TLMD
          Last edited by Nguyen Huu Thien; 02-12-2019, 01:35 PM.

          Comment


          • #6
            Tôi là học sinh trường Đắc Lộ của LM Vũ Khánh Tường từ năm 1965. Vẫn còn nhớ cha già Triêm và cha Hân của GX Tân Việt. Cái bót cảnh sát mà các anh ném đá trên đường đến trại Quang Trung sau này là bệnh viện Vì Dân do bà Thiệu xây (nay là bệnh viện Thống Nhất).

            Comment


            • #7
              Nguyên văn bởi ks.nhiem View Post
              Tôi là học sinh trường Đắc Lộ của LM Vũ Khánh Tường từ năm 1965. Vẫn còn nhớ cha già Triêm và cha Hân của GX Tân Việt. Cái bót cảnh sát mà các anh ném đá trên đường đến trại Quang Trung sau này là bệnh viện Vì Dân do bà Thiệu xây (nay là bệnh viện Thống Nhất).
              Bót cảnh sát này ở bên kia đường đối diện với bệnh viện Vì Dân đến năm 1975 vẫn còn, bệnh viện Vì Dân cắt một phần đất của tiểu đoàn 3 Nhảy Dù Phạm Công Quân chứ không phải xây trên đất của bót cảnh sát này.
              Tôi ở đối diện với hồ tắm Cộng Hòa từ năm 1957, trước khi hồ tắm được xây, khu này hồi đó còn hoang vắng, năm 1959 tôi học lớp ba ở trường Đắc Lộ còn phải đi xe ngựa mỗi ngày trước khi vào trường công, và chiều chiều được coi các anh nhảy dù mặc áo thun trắng chạy thể dục ngang nhà vừa chạy vừa hát rất oai hùng trước con mắt thán phục của một thằng con nít như tôi.
              Thân ái.
              Last edited by Nguyen Huu Thien; 02-12-2019, 10:28 PM.

              Comment


              • #8
                LÒNG HEO và CORDON BLEU (kỳ 2)

                Rượu Quốc Lủi - Lòng Xe Điếu


                * Thiên Lôi Miệt Dưới

                Trong bài trước, người viết đã giới thiệu món lòng heo một cách chung chung, tuần này mời độc giả cùng vào quán lòng heo ở Chợ Sặt, Hố Nai, để thưởng thức tiết canh, lòng heo, và cháo lòng.

                Quán là tầng trệt của một ngôi nhà hai tầng đối diện chợ, không có bảng hiệu, chỉ một tấm biển dựng trước cửa với mấy chữ “Tiết Canh – Lòng Heo – Cháo Lòng”.

                Trong quán chỉ có khoảng 6 cái bàn gỗ hình chữ nhật trải khăn nhựa ca-rô, ghế gỗ có lưng để dựa. Quán tương đối sạch sẽ sáng sủa chứ không bầy hầy tối tăm như những quán bia ôm ở Ngã Ba Rừng Mít hay bờ sông gần Quân Vụ Thị Trấn. Tuy cũng bán “rượu thịt” nhưng không khí ở đây không ồn ào như những quán nhậu ở Tam Hiệp hay trên phố Biên Hòa. Hình như đại đa số thực khách tới đây để thưởng thức lòng heo và bàn chuyện thế sự hơn là cụng ly đấu láo.

                Điểm đáng nói nữa là ngày ấy tuy hình thức “take-away” chưa mấy phổ biến (kể cả ở Sài Gòn) nhưng riêng các quán thịt cầy, quán lòng heo nổi tiếng thì có đến 1/3 doanh thu là từ take-away; quán lòng heo Chợ Sặt cũng thế, cứ một chốc lại có người vào mua lòng, đa số là khách quen.

                Ông chủ quán là một trự Bắc Kỳ trung niên, có lẽ khi di cư vào Nam chỉ khoảng trên dưới 30, buôn bán hàng quán từ ba đời ngoài Bắc, tuy chỉ học hết bậc tiểu học nhưng kiến thức khá rộng.

                Có điều ông ra vẻ hơi lạnh lùng, không mấy niềm nở với khách, cho nên có người cho là ông khó chịu; tuy nhiên, khi đã trở thành khách quen, và nhất là chứng tỏ mình là người sành điệu, ông tiếp đãi tận tình như thể người nhà.

                Riêng người viết biết chắc chắn không phải vì mấy bông mai trên ngực áo mà chỉ vì kết lòng heo của quán ông (và biết cách gãi đúng chỗ ngứa) cho nên ông rất quý hóa, thường ngồi tiếp chuyện mỗi khi rỗi rảnh.

                Quán có một cậu bé phụ bưng thức ăn cho khách, bà vợ ông đảm trách công việc linh tinh (thái dồi, rán đậu, bày thức ăn ra đĩa...), cô con gái út thì ngồi két. Tóm lại đây là một family business đúng nghĩa, không sợ bị... học nghề lóm!

                Tiết Canh

                Tiết canh được xem là món khai vị (entrée) của một bữa lòng heo.

                Như đã viết trong bài trước, trong món lòng heo, làm dồi là khó nhất nhưng vẫn không khó bằng đánh tiết canh. Có thể viết cái khó khi làm dồi là khó “ngon”, còn cái khó khi đánh tiết canh là khó “thành”.

                Thật vậy, làm dồi cho dù không ngon thì cũng là... dồi, trong khi đánh tiết canh không thành (không đông) thì không thể gọi là... tiết canh!

                Theo lời ông chủ quán Chợ Sặt, điều quan trọng nhất trong việc đánh tiết canh là hãm tiết: hãm lạt quá thì tiết sẽ bị đông ngay, mà hãm mặn quá thì sau đó tiết canh sẽ... không chịu đông, hoặc có đông nhưng quá mặn, vắt bao nhiêu chanh cũng không “chữa” được!

                Trước khi thọc tiết con heo, người ta chuẩn bị một tô nước hãm, gồm nước lạnh và nước mắm (có thể thay bằng muối), thường là theo tỷ lệ 3 phần nước lạnh 2 phần nước mắm, khuấy nhẹ tay cho thật đều.

                Khi thọc tiết con heo, đợi cho chảy bớt một chút tiết đầu (chưa đủ độ nóng) rồi mới hấng tiết vào tô đựng nước hãm; tiết này là tiết tươi, nóng được dùng để làm tiết canh (thường gọi là “tiết giữa” nhưng cũng có người gọi là “tiết đầu”). Khi thấy tiết chảy ra đã hơi đặc và có màu đỏ sẫm thì phải hấng ngay sang một cái tô khác, bởi nếu cứ tiếp tục cho chảy vào tô nước hãm thì sẽ tiết bị đông.

                Tiết giữa này thường dùng để luộc xắt miếng, còn tiết cuối rất loãng vì lẫn với huyết tương được sử dụng để nấu cháo huyết.

                Kế tới là chuẩn bị nguyên liệu để làm nền (base) cho đĩa tiết canh, gồm rau thơm, sụn giòn, cổ họng, phèo, phổi đã luộc chín rồi băm nhỏ, băm càng nhỏ thì ăn càng ngon và thấm.

                Sau đó lấy tô tiết hãm pha với nước luộc thịt rồi rưới lên đĩa thịt băm tới mức sâm sấp ngang mặt thịt.

                Tô tiết hãm trước đó không bị động vì mặn (do pha nước mắm) nay pha với nước luộc thịt thì lạt đi và sẽ đông lại.

                Một đĩa tiết canh muốn được xem là đạt thì phải vừa ăn (không mặn không lạt) và sau khi đĩa tiết đông lại, phần tiết sẽ có màu đỏ tươi, kết dính với phần thịt, có thể xắt miếng mà không bị vỡ.

                Vì thế, với người thưởng thức sành điệu thì tiết canh phải là tiết canh đánh trong đĩa chứ không phải trong chén ăn cơm (khách khó biết được mức độ đông).

                Sau khi tiết canh đông, bày vài lát gan luộc thái thật mỏng và to bản lên trên bề mặt đĩa, rắc chút lạc rang giã sơ (không bị vỡ nát), có người còn thêm chút dừa nạo. Một số vùng thường ăn với bánh đa (bánh tráng) nướng, bẻ ra xúc tiết canh thay cho thìa (muỗng).

                Cái ngon của tiết canh là mùi thơm của lòng, giòn dai của sụn, béo của lạc rang và bùi của miếng gan, vị mát, vừa ngọt vừa mằn mặn của tiết...

                Khuyết điểm của tiết canh là ăn dễ bị... đau bụng vì là huyết sống, cho nên phải ăn kèm với nhiều loại gia vị có tinh dầu cay nóng như húng quế, ngò gai, tía tô, rau ngổ (ngò ôm), hạt tiêu xay, ớt tươi..., và nhất là phải đi kèm với rượu mạnh.

                “Quốc Lủi”


                “Rượu mạnh” nói tới ở đây là rượu trắng, người miền Nam kêu là rượu đế. Loại rượu trắng ở quán lòng heo Chợ Sặt được nấu bằng nếp nên còn gọi là rượu nếp.

                Rượu nếp Hố Nai nói chung tuy không thể sánh với đế Gò Đen (Bến Lức, Long An) nhưng riêng loại “quốc lủi” ở quán lòng heo Chợ Sặt thì người viết cho rằng cũng phải một tám một mười.

                Cũng xin có đôi dòng về hai chữ “quốc lủi” mà độc giả có thể bắt gặp khi đọc bài viết của các tác giả miền Bắc, thường được viết là “cuốc lủi”.

                Xưa kia, lúc đầu “quốc lủi” chỉ có nghĩa là “rượu lậu” dưới thời Pháp thuộc. Chữ này phát xuất từ Nam Định rồi dần dần phổ biến khắp vùng đồng bằng sông Hồng, được sử dụng trong văn nói với tính cách khôi hài, châm biếm.

                Nguyên sau khi thiết lập chế độ bảo hộ tại miền Bắc vào giữa thế kỷ 19, người Pháp cho xây dựng một nhà máy dệt lớn ở Nam Định, tiếp theo là nhà máy rượu. Từ đó, việc nấu rượu của dân chúng ở miền Bắc, có hay không có giấy phép cũng đều bị cấm ngặt. Để thi hành lệnh cấm, nhà cầm quyền bảo hộ đã cho thành lập những toán chuyên lùng bắt rượu lậu rất hung hăng mà dân chúng gọi là “Tây đoan”.

                Tới đầu thập niên 1930, nhận thấy nguồn thu nhập từ sản xuất và tiêu thụ rượu đã góp phần không nhỏ vào ngân sách, đồng thời năng xuất của nhà máy rượu không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, nhà cầm quyền đã cho phép một số làng có truyền thống nấu rượu thủ công lâu đời ở miền Bắc, như làng Vân (Bắc Giang), Kim Sơn (Ninh Bình), Xuân Lai (Sóc Sơn), Quan Đình (Từ Sơn), Đỗ Xá (Hải Dương), Văn Điển (Hà Nội) v.v... được chưng cất rượu để bán, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ bảo hộ để thu thuế.

                Nhưng riêng ở tỉnh Nam Định, nơi có nhà máy rượu, thì vẫn bị cấm, trong khi người dân quê Nam Định vốn có truyền thống nấu rượu (và uống rượu), trong đó có rượu Kiên Lao ngon nổi tiếng.

                “Rượu Kiên Lao” được đặt tên theo tổng Kiên Lao, huyện Xuân Trường, quê quán bên ngoại của người viết, nổi tiếng từ bao đời với rượu trắng nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng.


                “Nếp cái hoa vàng” có nguồn gốc từ miền trung du Bắc Việt. Gọi là “hoa vàng” vì khi lúa trổ bông, hoa của nó màu vàng thay vì màu trắng. Nếp cái hoa vàng chỉ trồng một vụ mỗi năm, được sử dụng để làm bánh chưng, nấu xôi, làm cốm, nấu rượu. Cốm làng Vòng nổi tiếng ở huyện Từ Liêm, Hà Nội là một thí dụ điển hình về cốm nếp cái hoa vàng, còn rượu thì rượu làng Vân, Bắc Giang, nổi tiếng nhất; sau này giống nếp cái hoa vàng được đưa về trồng ở huyện Hải Hậu, vùng đất chuyên trồng gạo tám thơm và nếp của Nam Định.

                Thế nhưng nếp cái hoa vàng trồng ở Hải Hậu muốn nấu thành rượu ngon lại phải giao cho người ở tổng Kiên Lao, huyện Xuân Trường kế bên thì rượu mới đạt tới mức ngon nhất.

                Có hai nguyên nhân. Thứ nhất, bí quyết chưng cất công phu của người Kiên Lao; thứ hai, rượu Kiên Lao sử dụng một loại men rượu đặc biệt của một dòng họ cha truyền con nối, chỉ bán cho người Kiên Lao.

                Hai yếu tố ấy đã đem lại cho rượu nếp Kiên Lao đặc điểm uống rất êm, hậu ngọt, và mùi thơm độc đáo.

                Trong cuốn hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày, tác giả Vũ Thư Hiên đã có lần nhắc tới rượu Kiên Lao:

                Tôi không phải con cháu Lưu Linh, nhờ các bậc đàn anh chỉ bảo cũng biết võ vẽ đôi chút về rượu. Nguyễn Tuân thích rượu làng Vân, nhưng phải do một lão nông người làng này cất kia, chứ người khác cất ông chê. Ông khen rượu Trương Xá, khen vừa phải, nói rượu Trương Xá ngon đấy, phải cái hơi gắt. Ông cũng thích rượu Kiên Lao mà cha tôi thường đặt mua để biếu ông. Ông nói rượu Kiên Lao ngọt giọng mà có hương thầm...

                * * *

                Vì lệnh cấm gắt gao của nhà cầm quyền bảo hộ, người dân Kiên Lao phải nấu rượu trong những cái lều dã chiến ngoài bờ tre, mỗi khi nghe báo động có Tây đoan tới là lập tức tẩu tán rượu và đồ nghề.

                Vì thế các cụ thâm nho ở Nam Định có óc khôi hài (và thừa hưởng cái “đểu” của Tú Xương) đã chế ra một chữ nửa Hán - Việt nửa Nôm để gọi loại rượu quốc hồn quốc túy mà phải nấu lén lút, trốn chui chốn nhủi, từ “quốc lủi” ra đời từ đó.

                Về sau, nhiều người không biết ngọn ngành, cho rằng người nấu rượu lậu khi bị động chạy trốn như con chim cuốc lủi (thành ngữ: lủi như cuốc), cho nên họ viết là rượu “cuốc lủi”; để rồi hiện nay hầu như cả nước đều viết “cuốc lủi”.

                Hiểu, viết như thế cũng chẳng có gì sai, nhưng mất đi tính cách khôi hài, châm biếm trong “công trình tim óc” của các cụ lúc ban đầu!

                “Quốc lủi chồng uống vợ say
                Thằng con thấy thử, lăn quay ra nhà!”


                * * *

                Năm 1954, chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam bị khai tử nhưng hai chữ “quốc lủi” thì sống mãi, bởi sau đó chế độ cộng sản miền Bắc còn cấm gắt gao hơn: “hạt gao cắn làm tư” mà dám lấy nấu rượu là lãng phí, là phản động, chỉ có nhà nước mới được quyền nấu rượu (quốc doanh) để... cán bộ uống. Từ đó, chữ “quốc lủi” ngoài ý nghĩa ban đầu là rượu quốc hồn quốc túy mà phải nấu chui, nay còn để đối lại chữ “quốc doanh” là rượu của nhà nước.

                Tới thời “mở cửa”, Việt Nam “xây dựng chủ nghĩa xã hội theo định hướng kinh tế thị trường”, gọi nôm na là chế độ “tư bản đỏ”, người dân được tự do nấu rượu thì chữ “quốc lủi” không còn có nghĩa là rượu lậu nữa mà chỉ là rượu nấu tại gia (home-made) bằng phương pháp thủ công nghệ, dân gian thường gọi “rượu quê”, hoặc “rượu nút lá chuối”.


                Gọi là “rượu nút lá chuối” vì nút chai làm bằng lá chuối khô.

                Theo sự giải thích của các cụ thì có ba nguyên nhân đưa tới việc sử dụng lá chuối làm nút chai rượu:

                - Lá chuối là vật liệu dễ tìm nhất ở thôn quê.

                - Lá chuối có công dụng ngăn chặn vi khuẩn, bảo vệ thực phẩm.

                - Lá chuối khô dẻo dai, bền, rất kín hơi, và có tác dụng tạo cho rượu trong chai hương thơm vị ngọt đặc biệt.

                Sau đây người viết xin đăng lại một mẩu rao vặt trên trang Google của người trong nước để độc giả thấy nghề nấu rượu thủ công nghệ ở Nam Định tới nay vẫn còn chỗ đứng:

                Raovat.Net:
                Bán rượu nếp Nam Định
                23/06/2017
                192

                Mã tin 6693588
                Em bán rượu nếp mang từ quê Nam Định ra, được nấu từ 100% gạo nếp quê. Rượu nặng khoảng 40 độ, trong vắt như nước mưa, thơm lừng, uống êm say, không đau đầu. Giá: 40k/lít, free ship từ 5 lít trở lên khu vực nội thành Hải Phòng. Các bác có nhu cầu xin vui lòng liên hệ với em theo số: 0869.265.101. Thanks


                * * *

                Rượu nếp ở quán lòng heo Chợ Sặt thuộc loại ngon nhất vùng Hố Nai bởi vì được nấu bằng loại nếp thượng hạng trong Nam, sử dụng men... Kiên Lao (dẫu chỉ là “phó bản men Kiên Lao”, được dân di cư “bào chế” sau khi vào Nam), và quan trọng không kém là do một bà cụ có kinh nghiệm nấu rượu từ ngày còn ở ngoài Bắc nấu.

                Chưa hết, ông chủ quán lòng heo Chợ Sặt còn đặt cụ nấu riêng theo ý ông.

                Như độc giả cũng biết, phương cách chưng cất (distill) rượu trắng của Việt Nam cũng tương tự các loại rượu mạnh (spirit) khác trên thế giới: nấu nguyên liệu (ngũ cốc, bắp, khoai...) đã lên men trong nồi kín (still) cho sôi lên, hơi nước từ nồi thoát theo một cái ống dài khi được làm lạnh sẽ đọng lại thành rượu.

                Như một nguyên tắc chung, với cùng một lượng nguyên liệu, càng lấy ít rượu thì rượu càng có nồng độ cao, thời gian nấu càng lâu thì rượu càng ngon.

                Vì nấu rượu lậu, để dễ dàng tẩu tán mỗi khi bị bố ráp, mỗi mẻ rượu trắng của người dân quê VN thường chỉ có 10 lít gạo, tối đa là 15 lít (ngày ấy người ta tính lít chứ không tính ký, trừ trường hợp bao gạo một tạ: 100 ký).

                Mười lít gạo ấy sẽ cho từ 3 tới 4 lít rượu nước đầu (còn gọi là rượu bọt), với nồng độ khoảng 53, 54 độ. Thường thường, sau đó người ta đổ thêm nước vào nồi, khuấy kỹ và tiếp tục chưng cất để lấy nước 2, sau đó đem trộn với nước đầu để cho loại rượu có nồng độ thấp hơn, thường vào khoảng 40-45 độ. Cũng có khi người ta còn lấy nước 3 để sử dụng làm dấm.

                Sau khi chưng cất, bã rượu, tức hèm rượu, không vất đi mà được sử dụng để nuôi heo, rất tốt. Vì thế, nhà nào nấu rượu cũng thường kiêm cả nghề nuôi heo.

                [Theo lý thuyết đã được chứng minh trên thực tế, khi chưng cất một hỗn hợp lên men, người ta có thể đạt tới nồng độ rượu 63, 64 độ, chẳng hạn chai bourbon Bookers của hãng Jim Beam (Small Batch Collection) 64 độ, tức 128 proof.

                Trang mạng Wikipedia (tiếng Việt) khi viết về rượu trắng của Việt Nam cũng nói rượu trắng nước đầu có nồng độ rượu 62, 63 độ, nhưng không thấy nói rượu của vùng nào, rất có thể họ chỉ viết “theo sách vở”.


                Riêng tài liệu viết về hai loại rượu nổi tiếng nhất của miền Nam và miền Trung là Gò Đen (Long An) và Bàu Đá (Bình Định) cho biết rượu Gò Đen khoảng 53, 54 độ, còn rượu Bàu Đá trên 50 độ]


                Thời gian chưng cất càng lâu thì rượu càng ngon, bởi phải để lửa liu riu mới lấy hết được tinh túy trong gạo (đã lên men). Ông chủ quán lòng heo Chợ Sặt khoe với người viết rượu ông đặt nấu riêng phải mất nửa ngày (5, 6 tiếng đồng hồ) mới được một mẻ 4, 5 lít với nồng độ trên 50 độ!

                Với những độc giả không uống rượu mạnh thì trên đây chỉ là những con số không hơn không kém, nhưng với độc giả uống rượu thì 50 độ quả thật “cháy cổ”. Cũng nên biết đa số scotch whisky chỉ vào khoảng 40 độ, còn bourbon trung bình là 43 độ (86 proof).

                Vậy mà uống “quốc lủi” 50 độ ở quán lòng heo Chợ Sặt lại không... cháy cổ mới lạ!

                Xúc một muỗng tiết canh, nhai cho tới khi vị ngon ngọt tới từng kẽ chân răng rồi làm một tợp “quốc lủi”, nặng độ mà êm, cay nhưng hậu ngọt, thơm nồng lên mũi, đã gì đâu!

                * * *

                Trong lúc khách ăn tiết canh thì bà chủ luộc dồi.

                Như đã viết ở phần đầu, trong lòng heo, dồi là món khó làm nhất; viết một cách chính xác là khó đạt, khó ngon.

                Từ cách chọn ruột già (không quá lớn không quá nhỏ) để làm vỏ dồi tới cách làm nhân, sao cho có sự cân đối giữa tiết, mỡ, thịt, sụn, rau thơm (húng, tía tô, rau răm, hành lá...), cách luộc sao cho dồi không bị nứt, bị vỡ.

                Cuối cùng là cách thái dồi, sao cho miếng dồi không dầy không mỏng, nhìn đẹp mắt, đút vừa miệng; và về cái khoản thái dồi thì bà chủ quán lòng heo Chợ Sặt là nhất, những lát dồi bà thắt đều đặn như có thước đo!

                Sở dĩ khi khách tới, bà chủ mới luộc dồi vì dồi ăn nóng lúc mới vớt ra là ngon nhất!

                Xơi hai miếng dồi chấm mắm tôm chanh ớt, lại làm một tợp quốc lủi Hố Nai, cứ thế lần lượt tới tim, gan, dạ dày, cổ hủ, tràng, lòng non..., “chữa lửa” bằng mấy miếng đậu rán thơm lừng, rồi làm tua thứ hai, thứ ba..., cũng đủ để lãng quên đời!

                Lòng Xe Điếu

                Làm lòng heo chỉ có món dồi là công phu, còn tất cả mọi thứ khác chỉ cần rửa đúng cách, luộc đúng cách. Nhưng có ít nhất hai thứ chỉ cần luộc ấy lại tốn công lựa chọn, bởi nếu không, thay vì là món ngon nhất có thể sẽ là món tệ nhất trong một bữa lòng heo. Đó là tràng và lòng non.

                Chính vì thế, những người bán lòng heo chuyên nghiệp, muốn giữ uy tín, trong đó có ông chủ quán Chợ Sặt, thường đích thân tới tận nơi mổ heo để chọn lòng.

                Thực ra đây cũng là một công đôi việc: vừa để biết chắc chắn không phải lòng của heo bị bệnh (lở mồm long móng, heo gạo...) vừa để chọn tràng và lòng xe điếu.

                Tràng, tức dạ con + ống dẫn trứng của lợn cái, nếu được lựa chọn kỹ, sẽ là phần ngon nhất trong một bộ lòng heo; nó vừa trắng trẻo sạch sẽ, vừa giòn vừa... đỡ tốn sức nhai hơn các món khác.

                Tiêu chuẩn lựa chọn tràng, không viết ra có lẽ độc giả cũng đoán biết: nếu với người, gái một con trông mòn con mắt là số một thì với heo cái, lý tưởng nhất cũng là những “em” mới đẻ 1, 2 lứa; còn nếu đã nửa chừng xuân thì coi như hết ngon, trường hợp là nái sề thì coi như vất đi!

                Vì thế, tràng được xem là món hiếm quý và đắt nhất trong một bộ lòng.

                Thứ đến là lòng xe điếu. Ba chữ “lòng xe điếu” là tiếng Bắc đã có từ lâu đời, tuy nhiên sau khi di cư vào Nam năm 1954, dân Bắc kỳ ở vùng Sài Gòn – Gia Định hầu như không mấy người nhắc tới nữa.

                Nguyên nhân rất đơn giản: mấy thuở được ăn mà nhắc!

                Vậy lòng xe điếu là cái chi chi? (các “đồng chí cầm bút” trong nước viết “lòng se điếu” là sai chính tả đấy nhé!)

                Xin thưa lòng xe điếu thực ra chỉ là ruột non của con heo, nhưng không phải ruột non bình thường mà thứ ruột non đặc kín, giống cái ống xe điếu hút thuốc lào lâu năm, lòng ống bị đặc kịt lại.




                Xưa kia, lòng xe điếu tương đối dễ kiếm bởi hầu hết người nuôi heo còn nuôi giống “lợn ta” nhỏ con, và nuôi bằng những thức ăn cổ truyền như cám bã (bã rượu), rau lang (khoai lang), thân chuối... cho nên ruột của nó nhỏ thì mới mong có lòng xe điếu. Còn về sau khi mọi người đua nhau nuôi lợn Mỹ (American Yorkshire), lợn Đại Bạch (Liên Xô), hoặc lợn lai giống nuôi bằng thức ăn tiền chế (trong nước gọi là “cám công nghiệp”) thì ruột nó rỗng tuyếch!

                Với người thích ăn lòng heo, lòng xe điếu là tuyệt phẩm mà con cháu Trư Bát Giới cống hiến cho đời: nó ngon ngọt và giòn, giòn nhưng vẫn béo, béo mà không ngán... Có thơ rằng:

                Lòng xe điếu

                Ngon, giòn sần sật, ôi ôi khoái
                Đậm đà, chanh, ớt, ối giời ngon
                Mắm tôm khẳm vị lòng xe điếu
                Húng già, kinh giới, chết thèm con!

                (tác giả: khuyết danh)

                Cũng theo ông chủ quán lòng heo Chợ Sặt, khi chọn ruột non, phải chọn ruột ống nhỏ và căng tròn có màu trắng hồng, thì cho dù không phải lòng xe điếu cũng dòn và ngon hơn loại ruột ống to, ăn vừa dai vừa đắng.

                Qua đọc bài viết cũng như quảng cáo trên các báo trong nước, người viết thấy hiện nay ở VN, ba chữ “lòng xe điếu” đã bị cả người bán lẫn người mua lạm dụng, ruột non nào cũng có thể gọi là lòng xe điếu!

                Chủ quán quảng cáo “lòng xe điếu” để nghe cho oai, thực khách vào quán gọi “lòng xe điếu” để chứng tỏ mình là người sành điệu, trong khi đĩa lòng non bày ra bàn thì ruột rỗng tuyếch, đường kính cũng cỡ nòng cà-nông vanh (20 ly) của máy bay khu trục!

                * * *

                Sau cùng viết về “nước chấm”. Lòng heo phải chấm mắm tôm thì mới đúng điệu, người nào không ăn được mắm tôm thì không nên ăn lòng heo, bởi lòng heo mà chấm nước mắm cũng chẳng khác nào phở mà nêm... xì dầu!

                Mắm tôm để ăn lòng heo thường được pha với rượu trắng, mỡ nước nóng, chanh xanh, ớt xắt lát, đường và chút bột ngọt, đánh lên cho sủi bọt.

                Còn rau thơm thì cùng với hành hoa chần (cắt khúc dài) bắt buộc phải có húng quế, kinh giới, một số người còn ăn thêm rau ngổ (ngò ôm), nhất là trong trường hợp có ăn tiết canh.

                Nói tới mắm tôm và lòng cũng phải nhắc tới một món ăn hấp dẫn khác của người Bắc có liên quan tới lòng và mắm tôm. Đó là món bún lòng mắm tôm.

                Món này nguyên thủy là món bình dân “bún đậu mắm tôm”, gồm bún, đậu phụ rán, và mắm tôm, rất được các mợ Bắc Kỳ ưa thích, thường bán ở các chợ hoặc hàng quán vỉa hè, về sau được tăng cường thêm món lòng heo cho thêm phần... kiêu sa, hấp dẫn.


                Lòng để ăn với bún gồm dồi và ruột non. Dồi sau khi luộc chín sẽ được chiên sơ qua trong chảo mỡ sôi sùng sục, thơm phức, lòng non cũng được chiên cho thêm dòn. Thêm đĩa đậu rán vàng ươm béo ngậy, đi với chén mắm tôm chanh ớt thì không còn gì tuyệt vời cho bằng!

                Một số quán bún đậu còn thêm hành phi vào bát mắm tôm cho thơm.

                Thế nhưng ở quán lòng heo Chợ Sặt lại không có món bún hấp dẫn này; không hiểu vì ông chủ quán kỳ thị nam nữ, cho đây chỉ là món ăn vặt của đàn bà con gái, hay vì ông không muốn cạnh tranh với mấy sạp bán bún đậu mắm tôm trong chợ, mà ông dứt khoát chỉ bán ba thứ đã ghi ra trong tấm biển trước cửa quán: Tiết Canh – Lòng Heo – Cháo Lòng.

                Thành thử để no bụng, những buổi ăn lòng heo của người viết thường được kết thúc bằng món cháo lòng - cháo lòng cao cấp chứ không phải cháo huyết bình dân.

                Chỉ còn là huyền thoại?

                Trong phần Tiền Phi, người viết đã gọi lòng heo là “món nhậu khoái khẩu của dân Bắc Kỳ mà nay nơi xứ người chỉ còn là... huyền thoại”.

                Như vậy, độc giả có thể sẽ suy ra: ai muốn thưởng thức món nhậu khoái khẩu ấy thì cứ về VN!

                Về hay không về hoàn toàn tùy thuộc hoàn cảnh và suy nghĩ của mỗi người, người viết xin miễn bàn về đề tài tế nhị này, ở đây chỉ muốn cảnh giác độc giả về những nguy cơ do thực phẩm gây ra tại Việt Nam, trong đó thịt heo đứng đầu.

                Thực ra không cần về VN mà chỉ đọc tin trên các báo trong nước, chúng ta cũng biết những vụ ngộ độc thực phẩm đưa tới tử vong ở VN hiện nay xảy ra như cơm bữa. Trong số này, thịt heo chiếm đa số (trừ thời gian những năm có dịch cúm gà), và lòng heo, đặc biệt là món tiết canh, thường là thủ phạm chính.

                Không cần phải là một nhà khoa học chúng ta cũng thừa hiểu một khi gia súc được nuôi bằng thức ăn có hóa chất, tăng trưởng bằng những kích thích tố độc hại (nhập của Trung Cộng), thì bộ máy tiêu hóa của chúng sẽ hứng trọn tác hại của các hóa chất, các độc tố ấy.

                Chưa kể hàng nghìn tấn “lòng heo thối” được nhập lậu từ Trung Cộng mỗi năm, công an có bắt được vài xe cũng chẳng thấm thía gì!

                Có thể một số độc giả sẽ thắc mắc: lòng đã bị thối thì làm sao ăn được? Xin thưa: cứ sử dụng hóa chất là xong ngay. Tương tự tiết canh thời xã hội chủ nghĩa, bất cứ ai làm cũng... đông nhờ có hóa chất... đông!

                Bên cạnh đó, do cảnh sống chen chúc của 90 triệu dân, truyền thống ích kỷ, mất vệ sinh của người dân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tắc trách của các nhà máy kỹ nghệ, và rất có thể có cả âm mưu thâm độc của bọn Tàu khựa (Vũng Áng Formosa, bauxite Tây Nguyên...), tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay đã được xếp vào hạng độc hại nhất thế giới.

                Trong môi trường ấy, bất cứ thứ bệnh chết người nào cũng có thể phát sinh, lan truyền. Vì thế, khi về VN, để bảo vệ bộ máy hô hấp, chúng ta phải mang "khẩu trang", để bảo vệ bộ máy tiêu hóa, chúng ta không nên ăn hàng quán, hoặc mua thịt thà tôm cá ở chợ.

                Riêng lòng heo ở Việt Nam hiện nay, người viết cho rằng chỉ nên ăn khi về làng quê, nơi mà mình có thể biết rõ nguồn gốc của con heo bị giết.

                Vẫn biết không phải người dân quê chất phác nào hiện nay cũng đã đánh mất bản chất lương thiện, mà nhiều khi họ chỉ làm giống như bao người khác một cách vô ý thức để sinh tồn.

                * * *

                Quảng cáo lòng heo cho cố rồi kết luận... trớt qướt, kể ra người viết cũng... dzô dziên thật. Nhưng vì hiền huynh khongquan2 đã thết đãi và đăng hình, mình cũng phải viết một bài để đáp lễ.

                Hy vọng khi đọc bài kỳ tới viết về rượu cognac Martell Cordon Bleu và những món nhậu lý tưởng đi kèm chai “đệ nhất mỹ tửu” này, độc giả sẽ... forget lòng heo!

                KỲ TỚI: Khi dân Mít uống Cordon Bleu
                Last edited by Nguyen Huu Thien; 03-10-2019, 02:37 PM.

                Comment


                • #9



                  Bác Nguyen Huu Thien tả cảnh và post hình lòng heo & cháo lòng, dòm thèm muốn xỉu..
                  Dưới Orange County (CA), có tiệm cháo lòng Tam Biên ngon, lại rẻ..... Lần nào có dịp xuống đó, tui cũng phải ghé ăn.
                  Last edited by Nguyen Huu Thien; 03-04-2019, 08:29 PM.

                  Comment


                  • #10
                    QUÁN CHÁO LÚ
                    Cám ơn Hà Bá Vùng Vịnh đã giới thiệu, khi nào Thiên Lôi Miệt Dưới làm một chuyến Mỹ du, sẽ tới Quận Cam thưởng thức cháo lòng Tam Biên.

                    Tuy nhiên nghĩ lại thấy cái thương hiệu “cháo lòng Tam Biên” nghe hơi... ngầu: “Tam Biên” trước kia là vùng chiến sự sôi động nhất trong chiến tranh Việt Nam, chỉ có các chiến sĩ Biệt Kích của B14, B15 mới dám nhảy vào, thì lấy đặt tên cho quán nhậu, quán thịt rừng để tăng... cảm giác mạnh ra vẻ có lý hơn, còn quán cơm, quán cháo, quán bún, quán bánh... xưa nay người Việt có thông lệ đặt tên phái nữ để đề cao tài gia chánh của giới quần hồng, chẳng hạn: quán cơm Ngọc Hương (Pleiku), quán cơm Bà Cả Đọi, quán bún Bà Ba Bủng (Sài Gòn), cơm hến Bà Cam, bún bò Bà Tuyết, bún bò o Phượng (Huế), sò lông Cô Ba (Biên Hòa), bánh bẻng Bà Đầm (Dốc Sỏi, Biên Hòa), bánh mì Bé Bự (chợ Tân Định)...

                    Hay là hiền huynh thử đề nghị chủ quán đổi “cháo lòng Tam Biên” thành “quán cháo Lú”, ý nói cháo ở đây ngon quá ăn vào quên hết chuyện đời, giống như cháo lú của Mạnh Bà dưới âm phủ...


                    quán cháo lú Mạnh Bà
                    Last edited by Nguyen Huu Thien; 03-10-2019, 02:33 PM.

                    Comment


                    • #11
                      Thỉnh thoảng có dịp họp mặt hay tiệc tùng mới chạy xuống dưới Orange County... Vì thèm cháo lòng nên vài người bạn chở đi ăn, chứ tui đâu có quen ông (hay bà) chủ quán Tam Biên đâu.

                      Mở miệng, đề nghị đổi tên quán thành quán Cháo Lú, ông (bà) chủ nói xui tiệm họ, chửi rồi uýnh cho một trận te tua, chạy hổng kịp.... Ác huynh Thiên Lôi Miệt Dưới xúi dại cho Hà Bá ăn đòn đầu năm.....

                      Hà Bá Vùng Vịnh
                      Last edited by KiwiTeTua; 03-12-2019, 09:59 PM.

                      Comment



                      Hội Quán Phi Dũng ©
                      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                      website hit counter

                      Working...
                      X