Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bà Ve Chai và Hai Món Đồ Gỉa

Collapse
X

Bà Ve Chai và Hai Món Đồ Gỉa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bà Ve Chai và Hai Món Đồ Gỉa

    BÀ VE CHAI VÀ HAI MÓN ĐỒ GIẢ



    Quê của bà ở tận miền trung khô khốc nắng bên dòng Thạch Hãn. Chiến tranh đã qua gần bốn mươi năm nhưng làng vẫn nghèo nên cái khổ thôi thúc nhiều người rời bỏ thôn xóm, mảnh ruộng cằn cổi trên lưng dãy Trường Sơn đi tha phương kiếm sống. Tính vợ chồng bà vốn cẩn thận nên chờ xem những bà hàng xóm khăn gói âm thầm đến các thành phố bươn chải tìm việc. Nghe ngóng một thời gian, thấy nhiều người cũng kiếm được đồng ra, đồng vô ở tận Saigon, bà nhanh chóng từ giã ông chồng tật nguyền chỉ còn một chân vì cuốc phải quả mìn còn sót lại trong vườn nhà, và giao ba đứa con từ mười một đến mười tám tuổi ở lại coi sóc cái gia sản nhỏ bé. Hàng ngày đứa lo ruộng vườn, đứa đi học về chăm heo, gà và con chó ta đã gắn bó với gia đình gần chục năm.

    Rồi chuyến xe đò cũng đưa bà đến đúng nơi mấy bà hàng xóm căn dặn cặn kẽ trong thư. Từ bến xe bà bắt chiếc xe ôm, cẩn thận hỏi giá cả ông tài xế chở bà về một khu phố ở tận Tân Phú. Nghe bà nói giọng nằng nặng và cái túi xách cũ cầm chắc bên người, ông ta mỉm cười nói “Lên đi, tui chở đến chổ đó cho, không lấy bà mắc đâu … khu đó là chổ mấy bà bán ve chai ngoài miền trung vô đó ở phải không“. Bà mừng thầm trong bụng rồi gật đầu, cứ sợ vào thành phố Saigon xa xôi đầy người lạ, biết mình là dân quê mùa mới đến, họ gạt gẩm lấy hết tiền bạc, đồ đạc rồi bỏ xuống một chổ xó xỉnh nào đó thì biết làm sao. Ông lái xe tốt bụng dặn bà tiền bạc cứ cất kỹ trong người, còn cái xách tay đưa ông ta bỏ lên pọc ba-ga phía trước rồi chở bà chạy một mạch qua đoạn đường dài trên những con phố to lớn đến một địa chỉ nằm ở vùng ngoại ô nhiều cây cối và các con đường nhỏ ngoằn ngoèo. Trả đủ số tiền như đã thỏa thuận ở bến xe sau khi thấy đã đến đúng nơi, bà thở ra nhẹ nhõm đúng lúc có một bà đội nón lá và chiếc xe đẩy bên trong thùng chất vài món ve chai trờ tới. Bà hỏi người phụ nữ tên người quen ngoài quê, bà ta chỉ tay vô con hẽm nhỏ giữa hai dãy phòng trọ nói “Đi tới cuối dãy nhà bên trái đó …” rồi tất tả đẩy xe đi dưới ánh nắng chiều xiên xiên trên đường.

    Mọi thứ dường như đã được chuẩn bị sẳn cho cái nghề mua bán ve chai của bà. Mấy bà hàng xóm ngoài quê không để bà nghỉ ngơi và chờ đợi lâu, họ kiếm mua ở chổ quen cho bà một chiếc xe đẩy giống xe của họ rồi thì lên đường hành nghề. Người cũ dắt dìu người mới. Hàng ngày bà theo họ luồn lách vào các con hẻm trong những khu phố miệt Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình … mua những thứ đồng nát, giấy vụn, chai lon hoặc lượm lặt những thứ thiên hạ vứt bỏ ở các bãi đất trống, dọc vỉa hè ráng chất cho thật đầy xe rồi lọc xọc dùng hết sức lực đẩy nó trên mặt đường có khi phẳng phiu, có lúc thì lồi lõm như trên núi đến chổ vựa thu mua để bán lại. Những ngày đầu chưa quen làm bà thối chí sút bỏ cuộc, muốn xách túi ra bến xe về lại quê nhà tiếp tục cháy nắng, phơi sương với chồng con bên ruộng vườn. Mấy bà hàng xóm vô Saigon lâu năm thấy buổi tối về đến phòng trọ, ăn uống xong bà xuôi xị không nói chuyện với ai mà nằm im lặng trên tấm chiếu ở góc phòng nên đoán ngay ra, vì họ đã có nhiều kinh nghiệm vê chuyện này. Thế là ma cũ lên dây cót, nâng đỡ ma mới, dứt khoát không để bà phải rời bỏ họ quay về miền trung. Lên thành phố lâu năm, họ cũng biết buôn có bạn, bán có phường. Riêng bà thì thấy những đồng tiền nhỏ nhoi gửi về gia đình của những bà hàng xóm quả là thứ cần thiết giúp cái xóm nghèo tồn tại trong nắng gió khô cằn. Hôm sau bà lại cùng mọi người bươn chải ra đường, sáng đi chiều tối về. Mọi thứ rồi quen dần, ngày tháng nhanh chóng đi qua ở một thành phố náo nhiệt đầy người và lúc nhúc xe cộ ngoài đường.

    Món tiền nhỏ lần đầu tiên gửi về nhà trong tháng đầu được mấy bà hàng xóm chia vui, còn bà thì thấy thật sung sướng. Tháng thứ hai, thứ ba đi qua như gió khi bà cứ đều đặn gửi số tiền dành dụm được qua bưu điện. Tin tức phản hồi lại từ người chồng và đứa con gái lớn tỏ ra tốt nên bà rất yên tâm.

    Bây giờ thì bà có thể đẩy xe đi mua bán một mình được rồi, vì bí mật nghề nghiệp và đường xá bà đã biết khá nhiều. Bà cũng sắm một chiếc điện thoại di động cũ, thứ mà lúc còn ở ngôi làng trên sườn dãy Trường Sơn ít khi bà dám nghĩ đến. Nó giúp bà lúc gặp khó với món hàng lạ lạ nào đó của một gia chủ hết tiền muốn bán hay hết xài, bà móc nó ra, nhanh nhẹn bấm số a-lô cho mấy bà đồng nghiệp xin ý kiến hay nhận cuộc gọi từ ngoài quê đột xuất hỏi thăm. Lúc trưa dừng lại nghỉ chân dưới mái hiên hay bóng râm bên đường với những đồng nghiệp, bà và mọi người mở điện thoại ra xem ca sĩ, hoa hậu ở thành phố lớn trình diễn ca múa thật hấp dẫn với những lời bình luận thật hồn nhiên lẫn những câu thô tục của dân lao động làm cả nhóm bật cười nghiêng ngửa.

    Sáng hôm nay bà đẩy xe vào một khu ngoại ô có những căn nhà xây cất trên khoảnh đất nông nghiệp vừa bị giải tỏa. Kinh nghiệm của nghề nghiệp cho biết, những chổ này thường có nhiều thứ để mua hay lượm lặt khi chủ nhà không muốn đem theo. Đẩy chiếc xe qua khỏi căn nhà nhỏ cũ kỹ cuối đường hẻm, trước mắt bà là những cư dân ở đây đứng ngồi bên đống gạch, gỗ, tấm nhựa, thùng giấy, mái tôn … Vài chiếc xe ve chai đã có mặt và những người đàn bà đang đứng trả giá hỏi mua. Bà đến gần một người đàn ông hỏi mua mấy cây cọc và hàng rào sắt nằm dưới đất, ông ta nói chút nữa quay lại ông ta sẽ bán cho. Bà đẩy xe ngang qua mớ đồ đạc hổ lốn đi sâu đến cuối con đường đất. Dừng lại bới tìm nhặt ve chai trong đống tre gổ, vách ván, bà nhìn những thứ vật liệu rẻ tiền hình dung ra căn nhà tồi tàn lúc nó còn đứng vững, và có vẻ chủ nhân nó là một người rất nghèo. Dưới những tấm bìa cạc-tông, lục lọi một lúc bà tìm được một khúc tay và một cái chân giả, đến lúc này bà đã rõ vì sao căn nhà tồi tàn như vậy. Bà định quay đi nhưng không hiểu vì sao bà cúi xuống nhặt hai thứ đó lên, có lẻ vì thấy cái chân giả còn tốt tuy hơi cũ này có thể thay cho chân giả lỏng lẻo của ông chồng ở quê nhà. Bà bỏ cả hai dưới mớ giấy cũ trong lòng xe rồi đẩy nó trở ra chổ người đàn ông mua những cây cọc và hàng rào sắt. Còn bà hàng xóm của ông ta gần đó gọi bà đến bán hết các tấm tôn vụn. Mua bán thêm một lúc, chiếc xe chất đầy hơn một nửa, bà ra khỏi khu xóm bị giải tỏa đi cho đến gần buổi chiều thì đẩy chiếc xe chất cao nhiều thứ về vựa ve chai. Mua bán xong với ông chủ vựa, bà đứng bên chiếc xe cầm sấp tiền kha khá mừng thầm. Cuối năm có nhiều thứ đồng nát, giấy vụn bị vất bỏ nên những người mua ve chai như bà làm ăn khấm khá hơn.

    Chiều về khu nhà trọ, bà để xe trong cùng sát hàng rào và cẩn thận khóa lại rồi lấy tấm vải nhựa phủ lên khúc tay chân giả. Buổi tối ăn uống xong, bà nằm trong góc phòng giữa tiếng cười nói ồn ào tính nhẩm số tiền kiếm được thấy khá nhiều. Gần cuối năm gửi về quê món tiền này thì xem như ngoài đó ăn tết lớn, mấy đứa con và ông chồng chắc phải vui lắm. Bà cứ suy nghĩ phải mua thứ này, thứ kia cho khác hẳn mọi năm, rồi sửa sang nhà cửa lại cho đâu ra đó để đứa con gái lớn mai mốt làm đám cưới lấy chồng. Những giấc mơ thật đẹp nhẹ nhàng dìu bà vào giấc ngủ trong căn phòng nhỏ đang rầm rì tiếng nói chuyện.

    Sáng hôm sau, cơn sốt và đau đầu làm bà thấy mệt mỏi khó chịu có lẻ vì hôm qua bà đẩy chiếc xe nặng trịch dưới ánh nắng nóng mặt trời buổi trưa. Mấy bà đồng nghiệp biết bà bị ốm nên căn dặn nghỉ ở nhà, uống vài viên thuốc cảm cho khỏi bệnh rồi mới tiếp tục đi làm. Gần giữa buổi sáng, chợt nhớ đến hai khúc tay chân giả ở ngoài xe, bà choàng dậy đi ra lật tấm vải nhựa lên thì thấy cả hai vẩn còn nguyên ở đó. Cầm lấy đem vào phòng, đứng bên cửa sổ bà xăm soi cả hai thứ một lúc và nhìn thấy trên lưng khúc tay nhựa, có lẽ được khắc bằng mũi dao hay vật nhọn hai hàng chữ mảnh mai “An Lộc 72”, bên dưới là “Sư đoàn 5 VNCH”. Bà nghĩ ngay đến chủ nhân của nó ắt là một thương phế binh khi còn đi lính đã bị thương ở An Lộc vào năm 1972. Lời kể lại của những người lớn ngày đó ở quê nhà bổng dội lên trong tâm trí bà. Lúc đó bà còn nhỏ, Quảng Trị năm đó hai bên cũng đánh nhau khốc liệt đến độ khi nhắc lại ai cũng thốt lên “mùa hè đỏ lửa”. Người ta chết như rạ dọc quốc lộ vì trúng đạn pháo bắn ra từ trong núi khi hoảng sợ chạy tản cư từ phía bắc về phía nam. Bà cất cả hai vào chổ cũ trong chiếc xe rồi cẩn thận đậy điệm bằng hai tấm nhựa và bước vào nhà. Nằm một mình trong căn phòng trống, bà suy nghĩ ngày mai mình phải đến thẳng nơi đó tìm cách trả lại cả hai thứ cho chủ nhân của nó. Hôm qua nhìn đống vật liệu lộn xộn còn lại của căn nhà bị phá sập, bà đoán chắc ông ta nghèo lắm và cũng lớn tuổi nên khó mà mua lại hai thứ đó. Mà thiếu nó thì đi đứng làm lụng sẽ khó khăn, bà biết điều này vì ông chồng ở quê nhà cũng chỉ còn một chân.

    Sáng hôm sau bà thấy khỏe hẳn, mấy bà đồng nghiệp ân cần chăm sóc và nói nên nghỉ thêm cho đến khi thật khỏe rồi đi làm. Nhưng bà cương quyết phải đi sau khi cho vào bụng ổ bánh mì. Đẩy xe ra đường, bà thấy đầu óc còn váng vất khi dòng xe cộ cứ lướt qua vùn vụt trên đường giữa khói bụi và ánh nắng chói chang buổi sáng. Bà và chiếc xe đi thẳng vào con hẻm yên tĩnh len lỏi sâu đến khu nhà đổ nát. Vài người đang lục tìm những tấm ván, tôn ngẩng đầu lên nhìn rồi tiếp tục cúi xuống làm việc. Đến chổ từng là căn nhà của người thương phế binh, bà và xe dừng lại. Đang nhìn quanh quất xem có ai không thì một người đàn ông trung niên đen ốm ngồi khuất sau đống tôn rỉ sét đứng dậy. Bà ngập ngừng lên tiếng hỏi “Chú ơi, ông lính thươg phế binh ở căn nhà này dọn đi ở chổ nào rồi chú”. Bị bà ve chai hỏi bất ngờ, ông ta nhìn chiếc xe và bộ quần áo cũ bạc mầu của bà rồi đáp, cánh tay chỉ về hướng phải “Nghe nói hai vợ chồng ông ta ra ở đâu gần nhà thờ ngoài đường này”. Rồi đi vài bước về phía bà, ông ta hỏi “Tìm ổng có chuyện gì hông, hôm qua bà vợ ổng trở vô đây tìm khúc tay chân giả ổng con bỏ lại … Hôm tụi nó vô giải tỏa, ổng có một mình ở nhà, bã đi bán nên ổng đi đứng chậm chạp bị tụi nó khiêng ra đường không kịp lấy theo đồ đạc”. Tim bà thót lại khi nghe người đàn ông nói, tiếng ông ta lại vang lên giữa cái hiu quạnh của những đống đổ nát “Bả tìm không thấy mấy thứ đồ đó của ông chồng đứng nấn ná một hơi rồi đi ra”. Bà vội hỏi “Hôm nay bả có vô đây nữa không”, ông ta lắc đầu “Không biết … chị ra nhà thờ hỏi mấy người ở gần đó, họ chỉ cho”. Bà nói cám ơn rồi quay xe ra khỏi con hẻm. Ra đến ngã ba con đường xi-măng, bà hỏi một người dân lối về ngôi nhà thờ và đẩy xe đi về hướng đó. Ngôi nhà thờ nhỏ với mái ngói nâu đỏ hiện ra dưới ánh nắng mặt trời trong vắt và bầu trời xanh cao. Một người đàn bà trạc tuổi bà đang quét dọn lá cây trên mảnh sân xi-măng. Bà đến gần chào bà ta và hỏi “Chị ơi, cho hỏi thăm ông thương phế binh nhà bị giải tỏa trong kia bây giờ ở đâu”. Người đàn bà dừng tay hỏi lại “Thương phế binh tên gì”, bà đáp “Ông thương phế binh lính miền nam cụt một tay một chân, có vợ đi bán … “, bà không biết bà vợ ông ta bán gì nên bỏ lững. Bà kia nói liền “À, vậy tôi biết ổng rồi, bả bán vé số … còn ổng cũng bán vé số ở quanh khu này, hai vợ chồng được một người cho ở nhờ gần đây nè, đi hết khúc hẻm này rồi quẹo trái đi thẳng hoài đến căn nhà cuối gần cái ao thì hỏi người ta chỉ cho” rồi chỉ cho bà thấy con đường ở giữa những hàng cây. Bà nhấc đít xe quay về hướng đó rồi đẩy nó trên mặt đất khô cứng gồ ghề dưới những khóm tre trúc và cây cối xanh mát. Gần hết con đường đất thì cái ao thấp thoáng hiện ra cạnh bờ con rạch với nhiều khóm dừa nước. Đi thêm độ chục mét đường, bên trái có một căn nhà gổ cũ kỹ, mái ngói âm dương lọt thỏm giữa những cây ăn trái và tre trúc, hông phải căn nhà có thêm một chái tôn bên cạnh vài luống rau xanh, gần đó một bà cụ tóc hoa râm đang chăm tưới những cây rau dền. Con chó đứng sau hàng rào thưa thấy bà và chiếc xe liền sủa lên vài tiếng. Bà cụ kia nhìn ra đường, bà đến gần thêm chút nữa rồi hỏi “Bà cho con hỏi nhà ông thương phế binh lính miền nam ở đâu ”. Tiếng bà hỏi vừa dứt thì cánh cửa gổ khép hờ của gian chái bật mở ra và một người phụ nữ trạc tuổi bà đi ra đáp “Dạ, nhà ở đây … chị kiếm có chuyện gì không” rồi nhìn bà và chiếc xe mua ve chai với vẻ thắc mắc không ngừng. Riêng bà thì tự nhiên ấp úng rồi trả lời như phân trần “Hôm kia tôi vô xóm ngoài đó mua ve chai, tới chổ mấy căn nhà bị giải tỏa thấy vắng người tôi lượm được khúc chân tay giả, sáng nay tôi hỏi thăm ngoài nhà thờ đường vô đây để trả lại …”. Bà lật tấm vải nhựa lấy cả hai thứ bước qua cổng đưa cho người phụ nữ kia, bà ta nhìn thoáng qua thấy món đồ quen liền bật kêu lên “Đúng rồi, của ông chồng tui đó, cám ơn nhiều nghe … Bữa đó ổng ở nhà một mình, không đi bán vì bị bịnh, nổi nóng cự lại nên bị khiêng ra bỏ ngoài đường, không mang mấy thứ này theo kịp”. Không bị bà kia trách móc, bà thấy nhẹ nhõm trong lòng nên nở nụ cười tươi tắn dưới vành nón lá. Bà vợ người thương phế binh cầm khúc tay chân giả vào nhà một lúc rồi quay ra, phía sau là người đàn ông ốm đen, khuôn mặt còn vẻ mệt mỏi đi từng bước nghiêng nghiêng trên cái chân giả, trên tay lành cầm khúc tay giả đến gần bà hiền lành nói “Cám ơn chị nhiều, có nó tui mới đi bán vé số kiếm thêm với bả được”, nói xong ông ta mỉm cười nhìn bà vợ. Bà nhìn qua cánh cửa mở thấy bên trong ngoài giường, ghế bàn cũ kỹ và vài thứ lặt vặt khác thì hình như không còn món nào thấy khá hơn. Bà nghĩ thầm trong bụng, tưởng nhà mình ngoài quê là nghèo lắm rồi, vậy mà ở đây hai ông bà bán vé số này còn nghèo hơn mình. Trời ơi, sao có nhiều người khổ vậy ! Người đàn ông đã quay lưng đi vào nhà, bà xoay ra ngoài đường, thò tay vào túi áo trong và lấy ra một phần tiền tính vài hôm nữa sẽ gửi về nhà, quay lại đi vài bước đến gần bà vợ nói nhỏ “Nè bà chị, tui có chút ít gửi chị mua thuốc men cho ổng uống mau hết bịnh”. Nghe bà nói, bà vợ sững sờ cầm cuộn tiền, đôi mắt u buồn chợt mở lớn lên nhìn bà, rồi hai giọt nước mắt lặng lẽ ứa ra lăn từ từ trên đôi gò má nhăn nheo sạm nắng gió. Bà không dám đứng lại lâu trong sân mà bước nhanh ra cổng, quên cả chào bà cụ ngồi bên luống rau, đẩy chiếc xe ve chai lăn đi lọc xọc trên mặt đường đất lồi lõm. Bà đi với cái dáng hơi khom xuống, mặt nhìn nghiêng qua bên kia đường để giấu đi hai giọt nước mặt vừa trào ra từ hai bên khóe mắt của mình.


    Vũ Phan

  • #2
    Số anh em thương phế binh VNCH có thể nói là thành quả của anh em quân y tụi tôi, nếu hồi đó làm ẩu tã, thiếu trách nhiệm thì có lẻ bây giờ số TPB ít đi mà số tử sĩ tăng lên !!.Cũng vì vậy mà tui đi tù 6 niên , giờ chót chạy một mình không biết có thoát không?, đằng này kéo theo đám đui què sứt mẻ thì bị tó là phải rồi. Nhưng mà con người có số mạng, cũng nhờ vậy mà bây giờ DQY tui có một gia đình ấm êm, con cái học hành thành đạt, bà xả giỏi giang ,cuộc sống ổn định ở Mỹ.
    Con xin tạ ơn Chúa( tui đạo theo ) mà chưa bao giờ đọc kinh tối vì có bx đọc giùm rồi.

    Comment


    • #3

      The photo says it all!

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X