Thông báo

Collapse
No announcement yet.

HOẠN LỢN: “Nhất Nghệ Tinh...”

Collapse
X

HOẠN LỢN: “Nhất Nghệ Tinh...”

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • HOẠN LỢN: “Nhất Nghệ Tinh...”

    HOẠN LỢN: “Nhất Nghệ Tinh...”

    Thiên Lôi Miệt Dưới



    Các cụ xưa có câu “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” có nghĩa là “Giỏi một nghề vinh quang một đời”. Hoạn lợn (thiến heo) cũng là một “nghề”, và tính cho tới nay thì ông hoạn lợn nổi tiếng nhất trong lịch sử dân tộc Việt phải là “Bác” Đỗ Mười (ĐM), cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người mới theo chân “Bác Hồ” về chầu Các Mác – Lênin cách đây mấy tháng.

    Thế nhưng “nghệ” của ông hoạn lợn ĐM lại không “tinh”, cho nên sau đó ông ta phải đổi nghề, làm “tà-loọc” cho Hồ Chí Minh.

    Trước khi viết về sự nghiệp hoạn lợn của ĐM, người viết xin đan cử một thí dụ điển hình về “nhất nghệ tinh”: một vị tiền bối trong gia tộc mà tay nghề đã đạt tới mức thượng thừa.


    Trước khi di cư vào Nam năm 1954, người viết đã đủ trí khôn để nhận ra sự hiện diện của những người hành nghề rong như bán chiếu, thợ nhuộm, hoạn lợn, dắt lợn đực (heo nọc) đi “nhảy”...; và trong số này thì mấy ông hoạn lợn đám con trai chúng tôi không dám mon men tới gần.

    Nguyên nhân là như thế này:

    Khi còn bé thơ, trẻ con ngoài Bắc thường bị bố mẹ hù dọa bằng hình ảnh “ông ba bị 9 quai 12 con mắt chuyên bắt trẻ con”; tới khi đủ trí khôn để không tin có ông ba bị nữa, đám con trai ngỗ nghịch lại bị các ông bố cảnh cáo nếu không chịu “behave”, khi nào ông hoạn lợn tới làng, sẽ bắt đem tới nhờ ổng... hoạn, mà ngày ấy chúng tôi hiểu là... cắt chim.

    Mặc dù lúc đó mới dăm tuổi ranh, chỉ biết chức năng duy nhất của chim là để... tè, lũ con trai chúng tôi cũng rất sợ bị cắt chim, cho nên mỗi khi nghe tiếng rao “Ai hoạn lợn không?” ngoài đầu ngõ là trốn biệt.

    Sau này di cư vào Nam, nghe bố và mấy ông bác ông chú hồi tưởng chuyện cũ quê xưa trong những lúc trà dư tửu hậu, mới biết người hành nghề hoạn lợn ngoài Bắc ngày ấy cũng có nhiều đẳng cấp khác nhau, mà cao nhất có thể xem là một vị bác sĩ “giải phẫu thẩm mỹ” ngày nay.

    Thí dụ điển hình là nhân vật “Ông Trưởng K” trong gia tộc mà theo vai vế, người viết phải gọi bằng ông. Nghe kể lại, ông nổi tiếng đến độ trong khắp huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định của người viết, bất cứ ai bị thương rách da rách thịt, đều rước ông tới khâu vết thương; dĩ nhiên ông khâu bằng kim chỉ dành riêng cho người chứ không phải kim chỉ dành cho lợn.

    Cũng nên biết một trong những yếu tố để đánh giá tài nghệ cao thấp trong nghề hoạn lợn là vết thẹo để lại dài hay ngắn, rõ hay mờ. Vẫn biết lũ lợn bị hoạn và chủ lợn hơi đâu để ý tới chi tiết này, nhưng một khi khâu vết thương cho người thì rất quan trọng.

    Thành tích “ly kỳ rùng rợn” và nổi tiếng nhất của Ông Trưởng K là việc ông khâu “bìu d...” cho một cậu bé 12 tuổi. Cậu bé là con trai một, được nuông chiều nên rất nghịch ngợm, bị bố cấm trèo lên cây ổi cạnh đống rơm nhưng vẫn lén trèo những lúc bố vắng nhà. Hôm ấy cậu đang ở trên cây ổi thì bố về. Cô chị đứng phía dưới trông thấy bố bước vào ngõ liền lên tiếng báo động nhưng đã quá muộn. Biết không thể leo xuống kịp, cậu bé đánh liều nhảy từ trên cây ổi xuống đống rơm, không ngờ háng bị vướng vào một cái cành bị gẫy từ hồi nào, bìu d... bị rách toạc, hai hòn d... lòng thòng!

    ...Sau khi được Ông Trưởng K nhét hai hòn d... vào bìu và khâu lại, chỉ hơn tháng sau, vết thương của cậu bé đã lành hẳn.

    Mặc dù đã được Ông Trưởng K trấn an, nhưng nỗi lo bị tuyệt tự cứ mãi ám ảnh bố mẹ cậu; và cho dù không bao giờ nói ra, mọi người trong làng cũng đều có chung một câu hỏi trong đầu về khả năng nối dõi tông đường của cậu sau này.

    Tới tuổi dựng vợ cho con, bố mẹ cậu biết thân biết phận đã hỏi vợ phương xa cho cậu chứ không dám làm thông gia với người cùng làng...

    Phúc đức ông bà, chỉ hơn một tháng sau đêm động phòng hoa chúc, cô con dâu đã có bầu, và từ đó sinh năm một! Và người viết tin chắc rằng cô cũng chẳng bao giờ thấy được vết thẹo ở bìu d... của chồng. Bởi thứ nhất, như đã viết ở trên, Ông Trưởng K là một cao thủ trong làng hoạn lợn, vết thẹo nếu còn cũng chỉ mờ mờ; thứ hai, ngày xưa vợ chồng thường chỉ “yêu” nhau lúc tối tửa tắt đèn, và “yêu” một cách... nghiêm chỉnh chứ đâu có “naughty” kiểu cọ như đám trẻ ngày nay để thấy được vết thẹo tận dưới hạ bộ của chồng!

    Sau khi di cư vào Nam năm 1954, người viết không có cơ hội tìm hiểu về nghề hoạn lợn, chỉ nghe nói ở miền Trung và miền Nam, mấy ông thiến heo thường kiêm cả thiến gà trống. Những lần hiếm hoi người viết nhìn thấy ông thiến heo ở Hòn Ngọc Viễn Đông là lúc mới vào Sài Gòn, ở trong một con hẻm trên đường Trương Minh Giảng nối dài, gần cổng xe lửa số 6.

    Đây là một con hẻm khá rộng rãi, sạch sẽ, xe hơi ra vào được, tuy càng đi vào phía trong con hẻm càng hẹp lại, chỉ vừa đủ cho hai chiếc xe ba gác tránh nhau, nhưng nó rất dài, tới tận bờ kinh Nhiêu Lộc (nối tiếp của rạch Trương Minh Giảng) mới chấm dứt. Khúc cuối của con hẻm có nhiều ao nuôi cá tra (+ cầu tiêu công cộng), ruộng rau muống, và nhiều nhà nuôi heo.

    Ngày ấy hầu hết mọi nghề mua bán rong ở khu vực Phú Nhuận đều nằm trong tay người Việt, trừ ba nghề: bán khô bò + phá lấu, mua đồ lạc-xoong, và thiến heo.

    Ông Tàu bán khô bò không cần rao hàng mà lâu lâu lại nhắp nhắp cái kéo bằng thép thiệt lớn (dùng để cắt khô bò) tạo ra một âm thanh đặc biệt. Ông Tàu mua lạc-xoong thì rao như sau:

    - Ai có lồn pể, pạc pể, dăn dằn pể, lèn măn-xon pể... pán hô... ôn...? (Ai có đồng bể, bạc bể, răng vàng bể, đèn măng-xông bể... bán không?)

    Ông Tàu thiến heo cũng không rao mà lâu lâu rút cái ống tiêu nhỏ xíu ra thổi một khúc ngắn “tò tí te tò ti té... é... é.”, âm lượng (volume) thì nhỏ nhưng cường độ (decibel) rất cao nên vang xa, xoáy vào tai.

    Tuy nhiên lúc đó người viết đã chuẩn bị lên trung học, vừa tập tành đàn địch vừa mê đá banh, cho nên cũng không hưởn theo đám con nít đi theo ông Tàu già để xem ổng thiến heo trong khu ruộng rau muống.

    * * *

    Tới đây viết về “ông hoạn lợn Đỗ Mười” (ĐM), cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam.

    Sau khi ĐM ngủm củ tỉ vào ngày 1/10/2018, các báo Đảng khi ghi ra tiểu sử của ông ta đều viết “Đồng chí Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, xuất thân từ một gia đình trung nông, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1917 tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội”.

    Còn trước đó, sau Cách mạng tháng 8 (1945), khi tất cả các “đồng chí” vai vế lớn đều ghi lý lịch xuất thân từ giai cấp lao động, thì nghề nghiệp của ĐM được ghi là “thợ sơn”.

    Nhưng trên thực tế ai cũng biết ông ta xuất thân bần cố nông, trước khi đi theo “cách mạng”, làm nghề hoạn lợn.

    Xã Đông Mỹ là một trong 15 xã của huyện Thanh Trì, diện tích chỉ hơn 2 cây số vuông, bước sang đầu thế kỷ 21 có được hơn 5000 dân, thì vào thời gian Đệ Nhất Thế Chiến (khi ĐM ra chào đời) có lẽ cũng chỉ độ khoảng 100 nóc gia, nhà nào cũng biết nhau từ ba đời thì làm sao ĐM dấu được cái nghề kiếm cơm của mình!

    Về sau, nhà văn Vũ Thư Hiên, con ông Vũ Đình Huỳnh, Bí thư của Hồ Chí Minh, đã viết trong cuốn “Đêm giữa ban ngày”, chương 16 nguyên văn như sau:

    “Cái gọi là đường lối xây dựng xã hội chủ nghĩa bằng kinh tế thị trường có điều tiết, theo định hướng xã hội chủ nghĩa ra đời chính là trong thời kỳ này. Cha tôi đã nhận định sai về con người Đỗ Mười. Ông chỉ không sai khi nói rằng trước Cách mạng Tháng Tám Đỗ Mười làm nghề hoạn lợn chứ không phải phu hồ, thợ sơn gì sất như được ghi trong tiểu sử chính thức”.
    "Nói mọi nghề đều quý thì làm hoạn lợn cũng quý chứ sao, xưng công nhân làm quái gì! Người không biết thì thôi, người biết họ cười cho mất mặt. Thế không phải khôn, mà dại".
    "Các nhà cách mạng biết Đỗ Mười cũng xác nhận nghề hoạn lợn của ông, chỉ nói thêm rằng ông hoạn vụng, có lần hoạn chết lợn của người ta, bị đuổi chạy chí chết”.


    Rồi bài thơ “chua” nhan đề “Thế này là thế nào...” của nhà thơ Trần Ái Dân, cũng có đoạn cuối như sau:

    “Thời buổi thế này là thế nào hở giời
    Vua xuất xứ từ một anh hoạn lợn
    Diễn văn eng éc tiếng lợn kêu
    Đất nước tàn tạ xót xa
    Triều đình cắn xé thối tha
    Vua vẫy tai nhởn nhơ, hếch mũi lên hơn hớn”.


    Không cần phải là người “cộng sản chân chính” (sic), chúng ta cũng thừa biết nguyên tắc đạo đức, xử thế căn bản là không đánh giá người khác qua xuất thân, qua nghề nghiệp, miễn không phải cướp của giết người, vậy tại sao ĐM lại không dám nhận cái nghề hoạn lợn của mình? Chính Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô Nikita Khrushchev trước đây đã hãnh diện về nguồn gốc chăn lợn của mình, mỗi ngày chỉ được trả có hai hào kia mà!

    Theo một số cán bộ Đảng thuộc hàng khai quốc công thần, ngày ấy chính Hồ Chí Minh đã bắt ĐM đổi lý lịch thành thợ sơn, vì cái nghề hoạn lợn nghe không được “nốp” cho lắm.

    Nếu quả thật là thế thì chúng ta cũng chẳng nên chê trách ĐM, bởi ông ta chỉ làm theo chỉ thị của họ Hồ, tay đại bịp viết sai chính tả tùm lum nhưng vẫn tự viết sách ca tụng mình dưới cái tên giả “Trần Dân Tiên”!

    Nhưng dù xuất thân hay không xuất thân hoạn lợn, ĐM cũng bị ghi nhận là thành phần thất học – thất học nhất trong số tất cả các tay lãnh đạo của CSVN. Một vệ sĩ của ông ta từng bị chửi như tát nước vì đã cho một người tự nhận là “bạn học” của ông Tổng Bí thư vào phòng riêng chờ được gặp. ĐM chửi tay vệ sĩ:

    “Mẹ kiếp! Tao có đi học ngày nào đâu mà có thằng nhận là bạn học!”

    Nhưng xét cho cùng, nếu sau này Nguyễn Tấn Dũng chỉ học tới lớp 3 mà làm Thủ tướng, thì việc ngày ấy ĐM thất học mà làm Tổng Bí thư Đảng cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên!

    Điều đáng bàn ở đây là cái ác của ĐM sau khi bỏ nghề hoạn lợn.

    ĐM không nướng cả triệu quân tại Điện Biên Phủ, trên đường mòn Hồ Chí Minh, bên xứ Chùa Tháp, tại biên giới Hoa – Việt như Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Anh, không đấu tố hàng trăm nghìn người dân vô tội trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất như Trường Chinh, nhưng ông ta đã trực tiếp lãnh đạo hai cuộc cải tạo công thương nghiệp tại miền Bắc năm 1956-1958 và tại miền Nam sau năm 1975.

    Chỉ tính ba đợt đánh tư sản tại miền Nam thôi đã khiến hàng chục vạn gia đình trắng tay “overnight”, cả triệu người bị đày lên các vùng kinh tế mới, nền kinh tế của miền Nam bị phá hủy tận gốc rễ...

    Khi ban hành Quyết định của Thủ tướng, đọc Chỉ thị 100-CP, và “triển khai kế hoạch cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tại thành phố Hồ Chí Minh”, Đỗ Mười đã tuyên bố nghe thấy ớn lạnh, nguyên văn:

    “Từ sau giải phóng chúng ta đã thực hiện X-1, tập trung bọn ngụy quân, ngụy quyền học tập cải tạo. Đã thực hiện X-2 đánh bọn tư sản mại bản. Bây giờ chiến dịch X-3, quyết liệt nhất, nhằm tiêu diệt tận gốc rễ chủ nghĩa tư bản, tay sai đế quốc Mỹ... Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đã đánh dập đầu rồi, nhưng con rắn tư bản đánh dập đầu nó chưa chết, cái đuôi nó còn nguy hiểm hơn cái đầu. Không giần cho nát cái đuôi của nó, thì nó vẫn tác oai tác quái phá chúng ta... Cho nên chúng ta phải róc thịt chúng ra. Bắt chúng lao động sản xuất, tự làm lấy mà ăn. Phải biết cày ruộng, cấy lúa, trồng ngô. Đất hoang còn nhiều, bắt chúng đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm miếng ăn...”.

    Cuối cùng cũng phải nhắc lại vai trò chủ chốt của ĐM, khi ấy giữ chức Thủ tướng, tại Hội nghị Thành Đô bán nước cho Trung Cộng năm 1990.

    Viết là “chủ chốt” bởi vì khi tham dự hội nghị này, Cố vấn Phạm Văn Đồng đã lú lẫn và gần như mù cả hai mắt, còn Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thì như mọi người đều biết, vừa ba phải vừa không nắm thực quyền. Các dữ kiện về Hội nghị Thành Đô sau này được truyền thông Trung Cộng phổ biến, cho thấy ngày ấy tất cả mọi việc đều do Giang Trạch Dân, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Trung Hoa, và ĐM thương thảo, quyết định.

    ***

    Ngẫm cho cùng, con người ta ai cũng có cái số, quốc gia nào cũng thịnh suy, hưng vong theo vận mệnh. Bởi nếu ngày ấy ĐM “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” trong cái nghề hoạn lợn (không... hoạn chết lợn của người ta, bị đuổi chạy chí chết), thì dân tộc Việt Nam đã bớt đi một tên tội đồ, còn xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì thì có thêm một ông hoạn lợn nổi tiếng, có khả năng vá bìu d... cho trẻ con, và nối “chim” cho người lớn không chừng!

    Thiên Lôi Miệt Dưới
    (trích Đặc san Lý Tưởng – Úc Châu, Xuân Kỷ Hợi 2019)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X