Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cơn mưa trái mùa

Collapse
X

Cơn mưa trái mùa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cơn mưa trái mùa

    Cơn mưa trái mùa


    Vĩnh Khanh


    Chiếc xe đò chở đầy hành khách và hàng hoá chất trên mui lắc lư bò lên khoảng đường dốc một cách chậm chạp. Từ xa trông nó giống như một con trâu già đang hì hục ráng kéo quá sức mình, cuối cùng rồi cũng vượt qua được đoạn đường dốc khó khăn đến ngừng trước một quán cơm ven đường. Chiếc xe cũ kỷ còn cố rùng mình, thở khì ra một làn khói đen kịt phía sau như muốn trút bỏ hết mọi bực dọc trước khi ngừng máy hẳn.

    Chú Tư tắt máy, ngoái đầu về phía sau:

    - Mời bà con vào quán rửa mặt, ăn uống nghỉ ngơi cho khoẻ rồi đi tiếp nghen.

    Hành khách trên xe cảm thấy nhẹ nhỏm sau một chặng đường dài, lục đục xuống xe đi vào quán. Chú Tư bước xuống đi vòng vòng xem xét chiếc xe, tay vổ vổ vào thành xe như để chắc chắn rằng nó vẫn còn chịu đựng được... Trước khi bỏ đi vào khu nhà vệ sinh phía sau quán cơm, chú còn ngước nhìn lên mui nói với Đông :

    - Mày sắp xếp hàng hoá cho gọn gọn lại một chút. Lát nữa qua trạm tụi nó ngứa mắt phạt là bữa nay thầy trò mình "thúi hẻo" luôn đó.

    - Dạ, chú yên chí đi.

    Đông leo lên mui kiểm soát lại hàng hoá của hành khách đâu đó cho gọn gàng, cột lại những dây ràng có vẻ không được chắc chắn, xong xuôi anh còn cẩn thận nhìn lại lần nữa rồi mới leo xuống xe. Định đi vào quán ăn thì anh nhìn thấy một thiếu phụ trẻ vẫn còn ngồi ở băng trước:

    - Ủa! Chị không vào quán ăn uống, nghỉ ngơi cho khoẻ sao? Ngồi hoài trên xe mệt lắm.

    - Cám ơn anh! Tôi ngồi đây được rồi. Tôi có mang theo thức ăn…

    - Thì cũng vào rửa ráy mặt mủi cho khoẻ một chút chứ.

    Đông vừa cười vừa nói và chợt nhận ra người đàn bà này có một nét đẹp thật dịu dàng. Đông nhớ lại lúc nàng đón xe dọc đường với những bao bì hàng hoá… rõ ràng là bạn hàng đi buôn, tuy nhiên ở nàng có một nét gì đó khác với những người đi buôn mà Đông thường thấy mỗi ngày. Đông liên tưởng đến mình rồi không khỏi tặc lưỡi:

    - Thời buổi này quả thật khó nói. Như mình đây cũng đâu ngờ trở thành một lơ xe đò! Rồi cũng xong thôi!

    Trước năm 1975, Đông là một nhân viên kế toán ngân hàng. Sau cuộc đổi đời, anh đã làm nhiều công việc khác nhau: Hết làm ở lò bánh mì, đến bán men ủ rượu…, mà vẫn không đủ sống. Cuối cùng gặp được chú Tư là một người quen lâu năm với gia đình cho đi theo phụ lơ chiếc xe do chú làm chủ. Tuy phải xa nhà và công việc nặng nhọc vất vả, nhưng hai thầy trò cũng tạm kiếm sống qua ngày.

    Khi Đông bước ra phía sau quán cơm, định đi rửa tay rồi vào ăn cơm thì bỗng thấy một người đàn ông bước tới:

    - Anh làm ơn cho hỏi thăm một chút.

    Đông nhìn kỷ người đang đi tới trước mặt mình. Anh ta khoảng hơn 30 tuổi… vóc người hơi ốm, dong dõng cao...bộ đồ mặc trên người nhăn nhúm, bạc thếch cộng thêm đôi dép nhựa dưới chân cũng cũ mèm.

    -Anh gọi tôi?

    Người đàn ông nói với vẻ hơi ngập ngừng:

    -Vâng! Làm ơn giúp dùm… Anh có thể cho tôi quá giang về Saigon không? Tôi chỉ còn ít tiền, không đủ trả tiền xe, Nhưng có thể giúp anh bốc dở hàng hoá… hoặc làm những chuyện lặt vặt… để bù lại.

    -Anh muốn xin đi quá giang thì phải hỏi chủ xe. Tôi chỉ là làm "lơ xe" cho ổng thôi. Tôi không có quyền. Ông chủ đang ăn cơm trong quán…

    Đông nhìn kỷ người đàn ông trước mặt với thái độ dè dặt rồi hỏi tiếp:

    -Anh đi từ đâu đến mà xin quá giang ở giữa đường như thế này?

    Người đàn ông có vẻ hơi lúng túng trong mấy giây:

    -Tôi vừa được thả từ trại cải tạo Hàm Tân. Nhà ở Saigon không đủ tiền xe nên phải xin đi quá giang từng chặng. Nếu anh có thể nói giúp dùm với chủ xe một tiếng thì tốt quá. Tôi rất mang ơn anh.

    -Anh là sĩ quan chế độ cũ mới vừa từ trại cải tạo ra hả?

    -Phải.

    Một thoáng xúc động dâng lên trong mắt Đông. Người đàn ông trước mặt mà anh chắc rằng trước đây đã có một thời oai hùng trong sứ mạng bảo vệ giang sơn Tổ Quốc, nay trông thật thảm thương. Cuộc đổi đời quá tàn nhẫn đã thay đổi vận mạng của cả nước mà trong đó đau đớn nhất vẫn là những người đã trực tiếp tham gia gìn giữ sự Tự Do, ấm no cho toàn dân chúng miền Nam. Họ đã đánh đổi sinh mạng, hy sinh hạnh phúc gia đình cầm súng bảo đảm cho dân chúng được yên lành. Thế mà kết cuộc họ phải nhận lảnh hậu quả hứng chịu sự trả thù hèn mọn của những người luôn tự xưng giải phóng, đem lại độc lập tự do cho toàn dân… nhưng thực tế chỉ mang đến đói nghèo và cơ cực cho dân chúng. Không suy nghĩ gì nữa, Đông nói với người đàn ông trước mặt:

    -Không sao đâu! Để tôi nói với chủ xe cho anh quá giang. Nếu ông ấy không chịu, tôi sẽ trả tiền xe cho anh. À! Tôi tên là Đông. Xin lỗi anh tên gì? Anh đã ăn gì chưa? Mời vào trong quán ăn cơm với chúng tôi rồi đi.

    Người đàn ông vui mừng ra mặt:

    -Cám ơn anh Đông nhiều lắm. Tôi tên là Tân.

    Một chút ấm áp vừa nhen dậy trong lòng làm Tân thấy an ủi lắm. Ít ra vẫn còn có sự cảm thông của dân chúng bên ngoài đối với những người lính QLVNCH như anh…

    Diễn biến kế tiếp xảy ra suông sẽ hơn Tân mong đợi nhiều. Chú Tư chẳng những đồng ý cho anh quá giang về Saigon không lấy tiền xe mà còn mời anh dùng cơm nữa. Vừa ăn cơm Tân vừa kể vắn tắt cho chú Tư và Đông về mình: Trước 1975 anh là Thiếu Úy, chức vị Trung Đội Trưởng một đơn vị thuộc Tiểu Đoàn 2 TQLC. Sau khi trình diện "học tập cải tạo", anh đã bị chuyển qua 3 trại khác nhau trước khi được thả về. Sáng sớm hôm nay sau khi nhận được giấy rời trại, anh và các bạn được thả ra đâu có ai có tiền nhiều. Tuy nhiên các anh đi đến đâu cũng được dân chúng thương mến giúp đỡ. Tất cả đều được các chủ xe đò, xe lam… chia nhau ra chở đi dùm không lấy tiền. Thật là một điều cảm động và an ủi cho đám tù cải tạo mới vừa được thả ra lắm. Riêng Tân, từ trong rừng anh cũng xin quá giang đi 2 chặng xe mới ra đến Quốc Lộ. Bây giờ nhờ chú Tư và Đông giúp cho chặng chót để về Saigon…

    Bên ngoài trời thật nóng. Những vạt nắng gắt như đổ lửa tạo thành những khoảng không khí loãng lung linh trên mặt đường nhựa làm nhức mắt mọi người. Tuy nhiên cái nóng bức cũng vẫn chưa đủ xoá hẳn vết tích của cơn mưa chiều hôm qua, bằng chứng là ở hai bên đường người ta vẫn còn thấy rải rác một vài vũng nước mưa còn đọng lại.

    Hành khách vừa trò chuyện vừa lục đục trở lên xe. Mọi người có vẻ vui vẻ, dễ chịu hơn sau khoảng thời gian ăn uống nghỉ ngơi vừa rồi. Đông dẹp mấy bao hàng nằm giữa lối đi cho Tân đặt chân bước vào và nói với thiếu phụ trẻ ở hàng ghế trước nhích vào trong chừa chỗ cho Tân ngồi cùng băng ghế. Tân bước qua mấy bao hàng dưới sàn xe, gật đầu chào người ngồi cùng băng ghế với mình rồi ngồi xuống. Cô ta mĩm cười đáp lễ rồi quay mặt ngó mông mênh ra bên ngoài.

    Chiếc xe đò lại lắc lư bò về phía trước, lần này ngoan ngoãn như con trâu già thuần tính, dễ bảo. Gió luồn qua mấy cửa xe làm dịu bớt đi cái nóng oi bức lúc nảy khi xe tăng dần tốc độ. Tân nhìn chung quanh, đa số hành khách trên xe là đàn bà đi buôn. Trên sàn và dưới ghế đều đầy những bao tải hàng hóa. Tân không khỏi liếc ngang qua thiếu phụ trẻ bên cạnh. Nàng trạc khoảng 27, 28, gương mặt toát ra một nét dịu dàng, quyến rủ khiến cho người mới thoạt nhìn, đều có cảm giác không muốn dời mắt đi nơi khác. Nhìn từ bề ngoài, có một nét gì đó báo cho Tân biết nàng không phải là một người quen với việc lam lũ chân tay hằng ngày… Có lẻ thời cuộc đưa đẩy khiến cho một người có dáng vẻ quí phái này phải bôn ba với công việc buôn bán đường xa vất vả hiện tại? Sau 1975, không phải tất cả số phận người dân miền Nam đều thay đổi hết đó sao?

    Tâm trí còn lang mang với nhiều ý tưởng thì tiếng anh lơ xe Đông bỗng vang lên lôi Tân trở về thực tế:
    -Gần đến ngã ba Dầu Giây rồi. Chuẩn bị xuống trạm kiểm soát bà con ơi. Ai có hàng hoá gì thì cẩn thận nghen.
    Như một phản xạ, mấy người đi buôn trên xe xốc lại mấy bao hàng của mình dưới chân, sửa lại chỗ này, ngắm lại chỗ kia cho gọn gàng… như thể làm như vậy thì có thể bớt được sự chú ý của Công an ở trạm kiểm soát sắp tới hay sao đó? Người đàn bà ngồi kế bên Tân cũng cúi xuống kéo bao hàng ở phía dưới chân nàng ra xem lại một lần nữa rồi đẩy trở vào. Tuy nhiên bao hàng có vẻ hơi nặng hơn sức của nàng. Tân cúi xuống giúp đẩy phụ bao hàng nằm trở lại dưới chân ghế. Nàng nhìn qua phía Tân, hơi bối rối:

    -Cám ơn ông

    -Không có chi.

    Người đàn bà có vẻ ngập ngừng một chút rồi hỏi Tân:

    -Ông có mang hàng hoá gì không?

    Tân ngạc nhiên:

    -Không. Tôi chỉ có túi vải nhỏ này thôi.

    Người đàn bà ngước lên nhìn Tân, đôi mắt đen lay láy:

    -Ông có thể mang giúp dùm tôi 1 ký cà phê qua trạm được không?

    Thấy Tân ngơ ngác chưa kịp trả lời, nàng nói tiếp như để trấn an chàng:

    -Họ cho phép mỗi người mang một ký cà phê không phải đóng thuế. Nhiều hơn thì mới bị đóng thuế. Ông giúp mang dùm qua trạm, tôi rất cám ơn ông.

    Tân quay sang nhìn người đàn bà trẻ bên cạnh, hơi lúng túng chưa biết trả lời sao vì thật tình anh không biết mấy vụ buôn bán, thuế má này… Vừa ra khỏi trại tù cải tạo, cách biệt với thế giới bên ngoài mấy năm nên mọi sinh hoạt bên ngoài dĩ nhiên anh hoàn toàn không biết. Người đàn bà thấy anh lưởng lự, tưởng đâu chàng từ chối nên thở dài:

    -Tôi xin lỗi đã quấy rầy ông. Tôi…Tôi… không nên hỏi nhờ ông như vậy. Thật là đường đột quá. Xin ông bỏ lỗi cho.
    Nhìn thấy nàng thở dài và xin lỗi mình như vậy, Tân cảm thấy áy náy:

    -Không phải tôi từ chối cô đâu. Chẳng qua tôi mới vừa được thả từ trại cải tạo ra, tôi không biết đời sống bên ngoài hiện nay như thế nào, nên hơi ngạc nhiên khi cô hỏi. Chứ không phải có ý từ chối cô đâu. Nếu giúp cô được điều gì, tôi sẽ sẵn sàng…

    Người đàn bà quay lại nhìn Tân, đôi mắt sáng lên:

    -Ủa! Như vậy ông vừa ở trại cải tạo ra hả? Tôi thật tình không biết. Chuyện là như thế này:
    Nàng kể vắn tắt cho Tân rõ là hiện nay tất cả các mặt hàng đều bị nhà nước kiểm soát hết. Ai mang hàng hóa quá qui định đều bị hoặc tịch thu, hoặc đóng thuế… Cuộc sống bên ngoài bây giờ quá khó khăn, nên càng ngày càng có nhiều người phải bươi chãi buôn bán thêm kiếm sống. Tuy nhiên buôn bán gì bây giờ cũng đều là buôn "lậu" cả, từ thịt heo, gạo, cà phê, thuốc lá…, nhiều người đi buôn trót lọt nhiều lần, chỉ cần bị bắt một lần là đủ hết vốn ngay….

    Nghe như thế Tân sốt sắng:

    -Nếu vậy, cô có gì nhờ tôi dấu dùm thì đưa cho tôi.

    -Tôi chỉ dám phiền ông mang dùm một ký cà phê thôi. Họ cho phép mang một ký cà phê mỗi người không bị đóng thuế.

    Nói xong, nàng xoay người qua phía cửa xe bên ngoài, lấy từ trong người ra một bọc nylon buộc kỷ, đã được làm dẹp lại để dễ dấu. Nhìn thấy cảnh đó Tân không khỏi thở dài. Người dân bây giờ phải vất vả xuôi ngược, dấu diếm trong người từng món hàng như vậy để nuôi sống gia đình. Tình trạng này trước đây chưa hề có. Anh bỗng thấy mình có lỗi rất nhiều đã không bảo vệ được dân chúng để giờ này mới có những cảnh như thế này. Mới từ sáng đến giờ, chỉ mới qua mấy chặng đường quá giang xe, Tân cũng có thể nghe thấy và đoán được cuộc sống của người dân bên ngoài hiện nay như thế nào rồi! Tân sốt sắng nhận bọc nylon đựng cà phê người đàn bà đưa và bỏ vào cái túi vải của chàng.

    Đến trạm kiểm soát Dầu Giây mọi người lục tục xuống xe. Phía trước đã có mấy chiếc xe đò ngừng chờ công an lên kiểm soát hàng hóa. Ai có hàng gì bị nghi ngờ thì phải vào trạm trình giấy tờ chứng minh hoặc đóng phạt… Còn những hành khách khác thì phải xuống xe đi bộ qua trạm chờ xét xong sẽ đi tiếp. Nếu ai bị nghi ngờ có dấu hàng hoá trong người sẽ bị chận lại kiểm soát. Tân theo đoàn hành khách xếp hàng đi ngang qua trạm. Một tên công an nhìn Tân rồi giơ tay ngăn anh lại bảo anh vào bên trong. Đã có một số bạn hàng bị bắt đóng phạt và đang năn nỉ hai tên công an ngồi sau một cái bàn. Phía sau đó nằm la liệt những bao hàng hóa bị tịch thu chất thành từng đống... Có vài bà đi buôn đang bị một nữ công an soát người xem có dấu gì trong người không? Khung cảnh trông vừa khôi hài vừa thê lương. Khi Tân bước vào thì một tên công an bước đến hỏi:

    -Anh có mang hàng hoá gì trong túi xách đó không?

    Tân trả lời tỉnh bơ:

    -Tôi không có hàng hoá gì cả. Tôi mới vừa được xuất trại…

    Tên công an hơi ngạc nhiên:

    -Anh nói xuất trại gì? Có giấy tờ gì không?

    Tân móc túi đưa cho tên công an tờ giấy ra trại, nói một cách tỉnh bơ :

    -Tôi vừa từ trại cải tạo Hàm Tân được thả ra lúc sáng. Tôi chẳng có hàng hoá gì cả.

    Tên công an cầm tờ giấy ra trại liếc sơ qua rồi trả lại cho Tân. Hắn khoát tay và chẳng buồn kiểm soát túi vải của chàng nữa :

    -Mới vừa cải tạo xong ra đấy à? Về nhớ trình diện địa phương ngay đấy nhé. Thôi đi đi.

    Vừa đi ra khỏi trạm kiểm soát, Tân vừa cười thầm trong bụng. Không ngờ tờ giấy ra trại lại có "ép phê" như vậy. Nói một cái tên công an tin ngay. Tân đã tính thầm trong bụng, nếu tên công an xét túi vải của chàng thấy bọc cà phê thì lúc đó chàng sẽ nói là mua ở dọc đường về làm quà cho gia đình. Nhưng không ngờ tên công an không buồn hỏi tới.
    Qua khỏi trạm chàng đã thấy người thiếu phụ trẻ đứng chờ với vẻ mặt bồn chồn.

    -Không sao cả, cô đừng lo. Từ đây về Saigon, còn trạm kiểm soát nào nữa không?

    -Trạm chính thức thì không còn, nhưng thỉnh thoảng có trạm đột xuất. Không biết trước được.

    Nàng ngừng mấy giây rồi nói thêm:

    -Bởi có nhiều chặng xét hỏi như vậy, người đi buôn qua được hết cũng trầy vi tróc vẩy. Ai xui bị bắt thì xem như mất hết cả vốn lẩn lời!

    Tân nghe vậy, không khỏi thở dài:

    -Cô về Saigon luôn phải không? Nếu vậy, hãy để tôi giử bọc cà phê này cho đến khi cô xuống xe. Dẫu sao họ đã cho phép mang một kí lô thì nếu tôi có bị hỏi thì cũng không sao?

    -Vậy thì làm phiền ông giúp dùm.

    Hai người đứng chờ một chút thì chiếc xe đò cũng xong phần khám xét. Mọi người lại lục đục lên xe tiếp tục hành trình. Trên xe các bạn hàng nói chuyện rôm rả, ai nấy hình như vui vẻ hơn trước, vì qua lọt trạm kiểm soát Dầu Giây vừa rồi được xem như trạm chính thức cuối cùng trước khi về tới Saigon. Đoạn đường này vẫn còn thuộc tỉnh Long Khánh, xa xa đồi núi chập chùng bao phủ một màu xanh tươi của những vườn chuối và cây trái. Thỉnh thoảng xe ngang qua một vài khu dân cư, hai bên đường người ta phơi bắp và lúa vàng báo hiệu mùa thu hoạch đang xảy ra nơi đây. Hình ảnh những người đàn bà cầm dụng cụ trải mõng ngũ cốc ra phơi giữa trời nắng chang chang tạo nên một bức tranh sinh động của người nông dân suốt đời cần cù, lam lủ. Tất cả hình ảnh này chạy thụt lùi thật nhanh dọc hai bên theo đà phóng tới của chiếc xe gây ra những tiếng gió ù ù thật khó chịu.

    Tân nhủ thầm:" Giờ này chắc các bạn của anh còn lại trong trại cũng đang thu hoạch trên những cánh đồng bắp nào đó… " Anh không khỏi thở dài khi nghĩ lại tuy mình may mắn được về, nhưng không biết tương lai sắp tới sẽ làm gì? Gia đình anh chẳng biết bây giờ ra sao? Tuy Tân có thể mường tượng ra được tình cảnh gia đình hiện nay qua những lời kể của người em trong các đợt thăm nuôi, nhưng chắc chắc không thể biết hết được thực tế ra sao? Ngồi nghe câu chuyện kể ban nảy của người đàn bà tình cờ gặp trên chuyến xe đò mà lòng anh thấy buồn vô cùng. Tân liên tưởng tới gia đình anh từ sau 30-4-75 cũng tan nát hết. Tin tức từ người em lên thăm nuôi cho Tân biết gia đình anh đã phải bán dần bán mòn hết tất cả những gì Ba Má anh dành dụm suốt cả đời… Ba anh lớn tuổi lại đau bệnh hoài, Mẹ anh phải vất vả buôn bán cả ngày ngoài chợ mới có đủ đắp đổi qua ngày. Còn hai em của anh phải vừa học vừa đi làm buổi tối để phụ giúp với gia đình. Cô em gái kể khi lên thăm nuôi anh, bây giờ gia đình khó có dịp ngồi ăn cơm chung với nhau lắm. Ban ngày thì Mẹ anh ở ngoài chợ, hai đứa em thì đi học, chỉ có một mình Ba anh già yếu, nay đau mai ốm nên ở nhà. Đến khi chiều về hai đứa em của anh ăn vội ăn vàng cho xong bữa là phải đi làm ngay trong khi Mẹ anh còn chưa về đến nhà…. Tân nghe em kể mà lòng buồn vô cùng vì không thể ở nhà để cùng phụ giúp gia đình trong lúc khó khăn này…

    Đang còn suy nghĩ miên man thì Đông đến bên ghế hỏi:

    -Anh muốn xuống chỗ nào?

    Tân giật mình trở lại với thực tế, nhìn qua cửa sổ xe đò:

    -Xe chạy tới đâu rồi?

    -Vừa qua Thủ Đức...

    Tân nhìn ra ngoài, cố tìm lại ngã ba vào chợ nhỏ, con đường dẫn vào cổng quân trường Thủ Đức nơi anh được huấn luyện quân sự trước đây nhưng xe đã chạy qua mất rồi. Anh hơi ngẩn ngơ, tiếc đã bỏ lở mất cơ hội nhìn lại đường vào chốn cũ, xem có gì thay đổi hay không?

    -Anh cho tôi xuống ngã ba Hàng Xanh được không?

    -Được chứ. Nhiều bà con cũng xuống khu Hàng Xanh lắm.

    Tân nhìn Đông với cặp mắt biết ơn:

    -Cám ơn anh và chú tài xế đã giúp cho tôi đi quá giang xe không lấy tiền.

    -Không có gì đâu anh. Đối với mấy anh thì nên giúp lắm. Chúc anh về đoàn tụ với gia đình vui vẻ nghen.

    Trên xe mấy người đi buôn bắt đầu kiểm điểm lại hàng hoá của mình. Tân trả lại bọc cà phê cho người đàn bà trong khi nàng cũng chuẩn bị lôi mấy bao hàng, giỏ xách đựng hàng hóa bị nhồi nhét dưới gầm ghế ra. Xe qua khỏi cầu Tân Cảng, nàng quay lại nhìn Tân:

    -Chúc ông về đoàn tụ với gia đình vui vẻ và cám ơn ông lần nữa về việc giúp đỡ vừa rồi.

    -Tôi cũng xin chúc cô nhiều may mắn.

    Người đàn bà thoáng qua một nụ cười thật buồn. Ở xã hội bây giờ, hai chữ may mắn quả thật cần thiết biết bao!

    Tân xuống xe đò ngay bến Hàng Xanh, cảm thấy thật xa lạ với khung cảnh chung quanh. Nơi đây vừa xe đò, xe lam… người đi kẻ lại cùng với cảnh buôn bán ồn ào náo nhiệt gây cho Tân cảm giác lạc lỏng giữa chốn đông đúc này. Anh không khỏi thở dài khi nhớ lại vào những ngày cuối tháng Tư, nơi đây còn là một điểm cố thủ và biết bao đơn vị đã bám sát từng tấc đất cho đến giây phút cuối cùng trước khi lệnh đầu hàng ban ra… Đã có bao nhiêu người ngã xuống vào giờ phút chót trước khi cuộc chiến hoàn toàn ngưng tiếng súng. Máu của họ đã thấm vào từng mảnh đất và linh hồn họ hình như vẫn còn lảng vảng đâu đây, chưa siêu thoát được! Trên đoạn đường rút quân từ đèo Hải Vân ra biển Tiên Sa vào tháng 3 năm 1975, chính đơn vị của Tân đã bị tổn thất nặng nề. Anh đã bao lần gạt nước mắt trước xác đồng đội trên đoạn dường di tản chiến thuật oan nghiệt đó. Dù may mắn sống sót được nhưng cuối cùng thân phận anh và các đồng đội khác phải chịu những hệ quả không kém gì cái chết. Sự tủi nhục của một kẻ buộc phải buông súng tháo chạy trong khi tinh thần chiến đấu vẫn còn cao không khác gì tự mình buộc dây thòng lọng vào cổ và kết quả anh và các bạn phải chịu đày ải trong các trại tù ở khắp mọi miền đất nước…

    Tân thả bộ về hướng bùng binh, bộ dáng như một người xa lạ chưa từng biết đến thành phố này lần nào. Mọi vật thay đổi quá nhiều so với những gì còn sót trong ký ức. Trong lòng dấy lên điều gì đó gây cho anh cảm giác buồn buồn khó diễn tả được. Cái cảm giác của một người bị lạc lõng ngay chính trong thành phố mà mình đã được sinh ra và lớn lên. Nhiều chiếc xe ôm chạy theo mời mọc… Sau nhiều lần lắc đầu từ chối, cuối cùng rồi anh cũng đồng ý leo lên một chiếc Honda ôm về nhà sau khi ngả giá và nhẩm tính số tiền có trong túi đủ để trả cuốc xe. Qua câu chuyện trao đổi với ông xe ôm, Tân hình dung được phần nào về những thay đổi của thành phố trong mấy năm qua. Nói chung cuộc sống ngày càng khó khăn, nhất là ở miền Trung vừa bị bão lụt liên miên làm mùa màng thất thu, vừa bị chính quyền siết chặt. Làm ăn chuyện gì cũng phải vào Hợp Tác Xã, kể cả làm ruộng, rẩy… Tất cả đều bị nhà nước tiếp thu, đóng thuế mọi sản phẩm hoa màu rất gắt gao… cuối cùng số còn lại mang về không đủ cho người dân sinh sống đến mùa thu hoạch kế tiếp. Đã vậy dân chúng ở những miền quê xa xôi còn bị nhiều tên trong chính quyền địa phương lộng hành, ỷ quyền thế ép chẹc đủ điều, nên dần dần dân chúng bồng bế nhau chạy về những thành phố lớn sống. Con số dân chúng từ miền Trung và ngay cả miền Bắc vào ngày càng đông, nên mức độ dân số ở các thành phố lớn bỗng dưng trở thành quá tải… Ban đầu họ còn sợ vấn đề hộ khẩu ràng buộc, riết rồi dân chúng cũng cóc cần hộ khẩu, cứ thế ở lậu. Công an địa phương hăm dọa đủ thứ… cuối cùng cũng không thể nào ngăn nỗi làn sóng người từ khắp nơi tràn về thành phố… Nghe ông xe ôm kể mà Tân không khỏi thở dài. Mới mấy năm kể từ khi Cộng Sản chiếm miền Nam mà đã nhiều thay đổi như vậy rồi!

    Tân xuống xe ôm gần cổng xe lửa số 6 rồi đi bộ từ từ về nhà. Cảm giác bồi hồi của một người xa nhà một thời gian dài trở về thật khó tả. Trước đây mỗi lần từ đơn vị về phép, anh cũng có cảm giác nao nao, nhưng cảm xúc hoàn toàn khác với bây giờ. Những lúc đó mỗi lần về phép, ngoài niềm vui gặp gở người thân, còn hứa hẹn nhiều cuộc vui với bạn bè… Nhưng bây giờ anh trở về nhà sau mấy năm tù đày ải được ngụy trang dưới cái vỏ trại cải tạo, hưởng đặc ân của cái bánh vẻ "khoan hồng nhân đạo" do Đảng và Nhà Nước ban cho. Sự vui mừng của ngày được thả ra không làm sao lấn át nỗi cái buồn, cái tủi nhục của một người bị mất nước và thực tế trước mắt là tương lai chưa biết sẽ ra sao?

    Từ phía ngoài con hẻm quen thuộc, vẫn hình ảnh của mấy ông xe ôm ngồi chéo chân trên xe đọc báo chờ khách. Một vài hàng gánh bán thức ăn ở phía đầu hẻm… quán hủ tiếu mì con Dùng cũng vẫn còn đó… May quá! Khung cảnh vẫn y như ngày trước. Một niềm xúc động vô hình dâng lên trong lòng người tù cải tạo. Ít ra nhìn bề ngoài đã không có gì thay đổi ở khu xóm thân yêu này. Khi còn trong trại, những khi nhớ nhà, anh vẫn hay nhớ về con hẻm nhỏ này, vì nơi đây anh đã lớn khôn lên từ lúc còn ấu thơ. Bà con chòm xóm đều thân thiết với gia đình anh. Chắc chắn anh sẽ rất buồn nếu ngày về thấy con hẻm này thay đổi… Không nghĩ ngợi xa xôi gì nữa, Tân nén xúc động và bước vội về nhà…


    Vĩnh Khanh.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X