Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Rumba

Collapse
X

Rumba

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Rumba

    Rumba


    Jimmy Nguyen Nguyen


    Tui biết cái điệu khiêu vũ này từ năm học lớp 12. Đại khái là lúc đó cũng có miếng bằng Tú 1 rồi nên nếu có thi rớt cũng còn được hoãn dịch một năm. Lúc này mới dám tập tành ăn chơi chút đỉnh. Thời chiến mà, bạn bè đi có mấy ai về. Đám trẻ quí giá từng giây hưởng thụ chứ không được như ngày nay đâu. Lớp tui có bạn tên Chương, hơi mập nên được gọi Chương “mập“. Mập mà người lại dẻo quẹo. Hắn chơi với đám bạn bên trường Tây như Tabert, JJ Rouseau, có “ghệ” học ở Mari “cút”, đi “bal” hoài nên biết nhiều điệu thời đó. Được anh em trong lớp tôn làm “thầy“.

    Hắn giảng bài: Điệu Slow thì khỏi học, cứ ôm cứng là được, lúc này đèn nó tắt hết rồi. Có điều tụi mình học cũng như không vì mình đâu có “ghệ”. Mấy nhỏ gặp điệu này nó chỉ nhảy với bồ ruột thôi. Mình xớn xác mời tầm bậy coi chừng bị “uýnh”. Điệu Soul (lúc đó chưa có disco) là nhảy tự do, cứ làm sao giống… mấy con khỉ là được, không ai thèm nhìn ai đâu mà sợ. Điệu paso chơi lúc commencer, chỉ dành cho các vũ sư khai mạc bal thôi, không tới lượt tụi mình đâu nên cũng… khỏi học. Tụi mình chỉ học Chacha và Rumba là đủ xài rồi. Đứa nào siêng thì học thêm bebop…

    Thế là mỗi thứ bảy được nghỉ sớm hai tiếng, Chương mập bắt đám tui dọn dẹp bàn ghế trong lớp để lấy chỗ trống. Học viên hơn chục mạng mà chẳng có em “mái“ nào. Hồi đó mấy em gái hay mắc cỡ, thích muốn chết mà vẫn nói: “Thôi! Ba mẹ biết học nhảy là về chết đòn đó….” (bây giờ là ngược hoàn toàn. Hic!). Chương mập thật là người mê khiêu vũ và rất muốn phổ biến nó. Hắn lấy bài nhạc ra giảng lý thuyết phách và nhịp (hồi đó học sinh đều có học nhạc nên cũng dễ tiếp thu). Có cái máy hát dĩa cùi mở tới mở lui. Khi “thấm” nhạc, nghĩa là nghe mà thấy người giựt giựt, chân tay thấy ngứa ngứa là bắt đầu học thực hành được.

    Chương mập lại là người có tâm, hắn giảng giải cái “triết lý” của từng điệu. Rồi cách để tay, cách nắm tay, rồi cách “nhìn” người đối diện nữa…. Ui! Đây quả là môn nghệ thuật đúng nghĩa đó chứ, tui tui cứ …”há mồm” nghe hắn giảng giải mà thấy thời gian trôi vun vút. Nhờ thầy “ mập” mà đám trẻ tui tui mới biết cái môn mà hồi đó gọi là “quí tộc”. Và sau này, khi được nắm tay một người con gái lạ lần đầu tiên trong đời, cái cảm giác run rẩy hồi hộp… không thể nào quên.

    Quay đi quay lại chỉ có Rumba là có “ôm“ đào nên hắn giảng rất kỹ.( lúc đó Tango hay Boston chỉ có mấy… ông già nhảy thôi, tụi tui hỏng thèm học.). Nào là tay phải phải để cao gần vai người nữ, để vào cái “mông” coi chừng … ăn đòn.Tay trái phải xoè ra để nữ đặt tay vào, không được nắm chặt… Phải nhìn người nữ đối diện, đừng… nhìn người khác…v.v… Nhảy dứt bài phải đưa người nữ về tận chỗ ngồi, cúi mình cám ơn… Thấy giống như một scene trong phim “Doctor Jivago” mới chịu. Thiệt đúng là “tiên học lễ, hậu học … nhảy”.

    Điệu Rumba học dễ. Tụi tui phải chia hai nhóm để học vì không có nữ. Hồi đó không biết “phăng”. Đi được căn bản cho đúng nhịp là may rồi. Cuối năm đó lớp tổ chức một party có nhạc sống. Lớp lớn nên hiệu trưởng cho nhảy đầm. Chương in thiệp mời thêm mấy em bên “ cút”, vì mấy ẻm trường này chịu chơi. Chứ lớp tui mấy chị “hiền” lắm. Không dám nhảy... Nhưng tò mò nên cũng diện “đầm” đến tham dự như dân chơi thứ thiệt. Hồi đó suốt mấy năm trung học, nhìn phía gái chỉ áo dài trắng thôi, nay thấy những áo đầm, maxi… tha thướt, có chút má hồng và tô xanh xanh dưới chân mày làm đám con trai… bủn rủn. Mấy em bên “cút” thì đúng là dân chơi thiệt rồi, Juyp ngắn, hở ngực chút đỉnh và rất tự nhiên như “Tây”. Để có trống đàn, amply cho ban nhạc ( cũng là mấy bạn trong lớp) chơi, tui nhớ phải ”cầm“ một chiếc xe Honda, hai cái đồng hồ cho mấy tiệm cho thuê trống đàn ở đường Nguyễn Thiện Thuật quận 3. Khi trả, mất cái pedal đạp trống, bị “ xiết “ bay cái đồng hồ (năm 72).

    Đêm đầu tiên trong đời dự dạ vũ thật hồi hộp. Chachacha hay soul thì nam nhảy với nam cũng được, nhưng Rumba hay Bebop thì phải có nữ chứ. Chỉ có điều nữ ít quá, nhạc trổi lên là mỗi nữ có cả chục bàn tay nam mời, thôi thì hên xui, được một bài cho cả party cũng may rồi. Tui biết khôn, nhắm em nào nhan sắc… trung bình thôi, nói nhỏ ( book) trước, nên “ ôm” đào được vài ba bản đêm hôm ấy. Có điều vô nhạc thì đúng là… “chữ thầy trả thầy…” . Nắm tay cũng trật mà bước cũng trật lất… Mà tim thì như rớt ra ngoài…

    Học nhảy cũng như tập đi xe đạp, mới đầu thì loạng choạng nhưng khi quen rồi, bỏ hai tay cũng chạy được. Khi những bước nhảy nhập tâm rồi thì lúc này mới thư giãn được mà thưởng thức điệu nhạc cũng như nhìn người đối diện (nếu chưa có bồ ruột thì lúc này để hồn tưởng tượng… người khác cũng không sao hi hi…).

    Thường nhạc với điệu Rumba thì rất trữ tình. Có nhiều bài khi nhạc cất lên mà không có bạn nhảy cũng tiếc… đứt ruột. Ôi, bài “Để nhớ một thời ta đã yêu” mà không có ai để dìu thì chịu sao nổi. Không cần “phăng”, không cần “quay”, không cần múa tay… Chỉ cần hai người đồng điệu thả hồn theo điệu nhạc, để nhớ lại “một thời…” , tui nghĩ vậy là đủ rồi phải không bà con.

    Bây giờ già rồi, cũng đâu còn gì để giải trí. May nhờ hồi trẻ biết chút chút mà bây giờ đi chơi mỗi dêm thứ bảy cũng đỡ buôn. Có điều giờ thì ngược lại, đào nhiều mà kép ít, nên đêm nào cũng dìu đào từ đầu trận đến cuối . Nhạc điệu rumba cất lên lúc nào cũng chật sàn…

    Và nếu nhảy được với người mình thương thì bài đó cảm thấy hạnh phúc lắm. Không có ai thì cũng phải “mượn bờ vai” đỡ vậy. Cũng nhờ có môn chơi này mà bà con ta bớt “xì trét “ nhiều đó.

    Ai chưa biết thì đi học đi. Học không bao giờ muộn bà con ạ!


    Jimmy Nguyen Nguyen


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X